Hán nôm

TRUYỀN ĐẠT VÀ TIẾP NHẬN DI SẢN HÁN NÔM TRONG NHÀ TRƯỜNG


15-10-2020
Tác giả: PGS Đặng Đức Siêu

Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, nền văn minh chữ viết của Việt Nam trong quá khứ đã để lại một di sản văn hoá thành văn khá đồ sộ, bao gồm các văn bản thuộc nhiều loại thể, rất phong phú về số lượng và mang nhiều sắc thái riêng biệt độc đáo về nội dung.

Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, nền văn minh chữ viết của Việt Nam trong quá khứ đã để lại một di sản văn hoá thành văn khá đồ sộ, bao gồm các văn bản thuộc nhiều loại thể, rất phong phú về số lượng và mang nhiều sắc thái riêng biệt độc đáo về nội dung.

Theo bộ sách "Di sản Hán Nôm Việt Nam- thư mục đề yếu" do Nhà xuất bản Khoa học xã hội - Hà Nội xuất bản năm 1993, riêng tại kho sách Hán Nôm thuộc Viện nghiên cứu Hán Nôm, hiện đã kiểm kê được 5038 đầu sách vào khoảng 30.000 đơn vị tư liệu thuộc nhiều chủng loại khác nhau, bao trùm hầu hết các chuyên ngành khoa học chủ yếu như: Văn học, Sử học, Tôn giáo, Giáo dục, Y học, Địa lý, Pháp chế, Nghệ thuật, Kinh tế, Ngôn ngữ, Văn tự, Toán học, Quân sự quốc phòng, Nông nghiệp, Kiến trúc, Thủ công nghiệp … Đây là một di sản vô cùng quý báu thể hiện quá khứ vinh quang hào hùng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Quá khứ vinh quang và truyền thống tốt đẹp đó chứa đựng những giá trị văn hoá tinh thần vững bền của dân tộc, có thể được truyền đạt và tiếp nhận trong nhà trường qua nhiều môn học khác nhau. Nhưng, sự  kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống này trên cơ sở học tập, nghiên cứu những tài liệu thư tịch Hán Nôm vốn có một ý nghĩa đặc biệt. Cố nhiên, đây không phải là con đường duy nhất dắt dẫn thế hệ trẻ ôn duyệt lại quá khứ để hiểu hiện tại và nhìn tương lai một cách rõ ràng, trọn vẹn hơn. Song, có thể nói, đây là con đường quan trọng, đáng tin cậy, có những ưu thế riêng biệt không thể thay thế, dựa trên vai trò vô cùng to lớn của di sản văn hoá thành văn đối với việc đi sâu tìm hiểu lịch sử văn hoá của một dân tộc. Có lẽ, phần nào cũng vì thế mà chương trình bậc phổ thông trung học đã dành cho văn thơ cổ một tỷ lệ giờ học khá lớn trong tổng số giờ học của mảng Ngữ văn. Và, như chúng ta đã biết, cơ sở của việc truyền đạt và tiếp nhận những tinh hoa trong văn chương cổ của dân tộc chính là kho tàng di sản Hán Nôm vốn rất phong phú, đa dạng đã nói sơ qua ở trên.

Để thích ứng với tình hình này, trong các trường đại học sư phạm, nơi đào tạo giáo viên cho các trường phổ thông, môn Ngữ văn Hán Nôm đã có những đổi thay cơ bản về nội dung và phương pháp giảng dạy để nhằm đạt tới những hiệu quả cao hơn trong việc truyền đạt và tiếp nhận di sản Hán Nôm trong nhà trường.

Làm nền cho những đổi thay cải tiến ấy là một số quan niệm chủ đạo về vị trí, mục đích, yêu cầu, đối tượng khoa học, nội dung cơ bản, phương pháp chuyên biệt …. của môn học. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin trình bày một vài điểm chủ chốt có tính chất tổng quát.

Trước hết, chúng tôi muốn nói đến vị trí của môn học và một số nét đặc trưng trong đối tượng của môn học.

Nhìn một cách tổng quát, tính chất quan trọng của kho tàng di sản Hán Nôm trong đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc đã quy định vị trí và những nét riêng biệt của môn học, xét trong mối tương quan với toàn bộ hệ thống các môn học khác trong tiến trình đào tạo giáo viên Ngữ văn các cấp.

Thật vậy, tri thức về Hán Nôm là một bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu tiềm lực văn hoá của người giáo viên  Ngữ văn. Với một cái vốn hiểu biết nhất định về Hán Nôm, người giáo viên sẽ giảng dạy phần ngôn ngữ - văn chương cổ một cách thuận lợi hơn, sẽ giải thích  từ nguyên, từ nghĩa, miêu tả cái hay, cái đẹp trong tiếng Việt một cách linh hoạt, sâu sắc, giàu sức thuyết phục hơn. Trên đây mới chỉ nói đến vai trò của các vốn hiểu biết về Hán Nôm ở trong nhà trường. Ngoài xã hội, là chiến sĩ của Đảng trong mặt trận văn hoá, với cái "vốn Hán Nôm" nhất định, người thầy giáo có thể góp phần vào việc tìm hiểu, nghiên cứu để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, trước hết là của địa phương, nơi mình sống, công tác sau nữa có thể mở rộng ra trong phạm vi cả nước. Đưa những giá trị tiêu biểu tiềm ẩn trong đó vào cuộc sống văn hoá mới, phục vụ công cuộc xây dựng con người mới. Bộ môn Ngữ văn Hán Nôm trong các trường đại học sư phạm được thiết lập chính là nhằm tạo dựng cho người giáo viên tương lai có một cái vốn ban đầu về Hán Nôm để tiến tới thực thi hoàn hảo những nhiệm vụ đó, trên cơ sở vận dụng tổng hợp những tri thức liên ngành. Nhưng về thực chất, nên hiểu bộ phận di sản này như thế nào? Phạm vi bao quát của nó ra sao? nên tiếp cận và đi sâu nắm vững nó theo phương hướng, phương thức nào? … Xung quanh những vấn đề này, nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, đã tồn tại. Đây cũng là một điều dễ hiểu, bởi vì, là một thực thể văn hoá, di sản Hán Nôm đối với chúng ta vừa quen lại vừa lạ.

Sở dĩ quen, đó là vì, trong cuộc sống văn hoá tinh thần, chúng ta thường bắt gặp những yếu tố của thực thể này dưới rất nhiều dạng thức khác nhau; còn lạ, chính là do cái vỏ có vẻ ngoại lai của những yếu tố này, nhất là đối với những người chưa có điều kiện đi sâu vào bản chất cốt lõi của thực thể này. Sau nữa, xét về mặt cơ sở lý thuyết, đó cũng là do vấn đề quan niệm một cách tách biệt ngôn ngữ văn tự Hán nói chung với nền Hán văn của Việt Nam nói riêng, vấn đề mối quan hệ giữa khoa Hán ngữ nói chung với khoa nghiên cứu Ngữ văn học cổ điển (Hán, Nôm) của Việt Nam nói riêng, tất cả đều là những vấn đề còn mới mẻ, chưa được nghiên cứu một cách thấu triệt. Chính vì vậy, trong nhà trường, chúng tôi đặc biệt chú ý tạo điều kiện giúp người học hình thành một cơ sở nhận thức và tâm thế thích ứng khi tiếp xúc, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập bộ môn này, trước hết là nhằm loại trừ những nhận thức hời hợt, phiến diện, siêu hình về bản chất của thực thể di sản văn hoá thành văn ấy.

Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, trong một thời gian dài, ta đã sử dụng ngôn ngữ văn tự Hán để tạo các loại văn bản, sau đó lại sử dụng một số yếu tố văn tự Hán để đặt ra chữ Nôm. Nhưng, xét về thực chất, Hán văn cổ ở Việt Nam, mà chứng tích là hệ thống văn bản thuộc đủ mọi thể loại, là một sáng tạo lớn của dân tộc. Cha ông chúng ta đã Việt hoá một cách sâu sắc và có hệ thống âm đọc, ý nghĩa, phạm vi sử dụng của từ ngữ Hán cổ để phục vụ công cuộc xây dựng văn hoá và đấu tranh bảo tồn văn hoá của nước nhà. Một điều cần lưu ý là, mặc dù ngôn ngữ văn tự Hán được nhà nước phong kiến coi trọng, nhưng nó chưa bao giờ trở thành công cụ giao tế thường ngày trong xã hội ta. Ông cha ta viết văn chương, sách vở bằng chữ Hán, chứ không nói tiếng Hán. Nó là chữ của kinh điển ngàn xưa. Nó là tiếng nói của văn chương cổ kính. Điều này khiến cho những hoạt động ngữ văn Hán của Việt Nam, xét trên những khía cạnh nhất định, đã đứng bên ngoài lề quá trình đổi thay, phát triển của ngôn ngữ Trung Hoa. Theo chúng tôi quan niệm, đây là một ưu thế rất có lợi đối với văn hoá dân tộc. Lợi thế này không hình thành một cách tự nhiên. Nó là kết quả của những chính sách văn hoá sáng suốt của nhiều triều đại. Sự thực lịch sử này khiến cho Trung Hoa, trên những mức độ nhất định, đã quan niệm Hán văn ở Việt Nam là một cái gì đó có phần xa lạ với họ. Triều đình Trung Hoa, đã nhiều lần gây sức ép, yêu cầu ta phải viết và đọc các văn kiện ngoại giao theo đúng kiểu, đúng giọng điệu của họ, nhưng ta không chịu1. Vì vậy, có thể nói rằng, có một nền Hán văn cổ của Việt Nam, và thực thể ngôn ngữ văn học này không hoàn toàn nằm lọt trong khuôn khổ Hán ngữ. Do đó, nên nghiên cứu nền Hán văn ấy, dù chỉ xét riêng về mặt hình thức ngôn ngữ, trong mối liên quan gắn bó với tổng thể văn hoá Việt Nam. Với đường hướng này, chắc chắn chúng ta sẽ phát hiện được nhiều điều rất có ý nghĩa, mặc dù xét về hình thức, đôi khi chúng đã đi ngược lại những "quy tắc chính thống, chuẩn mực".

Trong lĩnh vực Nôm, dù chỉ nói riêng đến những khía cạnh thuộc văn tự học, chúng ta cũng thấy rõ được rằng chữ Nôm và văn bản Nôm xuất hiện là kết quả của cả một quá trình sáng tạo lâu dài và đấu tranh văn hoá quyết liệt. Như chúng ta đã biết, chữ Nôm vốn đưa vào sự vay mượn một số yếu tố văn tự  Hán để hình thành, nhưng nếu xét về mặt kết cấu và chức năng thì hệ thống văn tự này lại có những khác biệt về chất so với hệ thống văn tự Hán. Có thể nói, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chữ viết của nhân loại, chữ Nôm ở vào một giai đoạn tiến bộ hơn, cao hơn so với chữ Hán2.Về nguyên tắc, và trên lý thuyết, những người chế tác chữ Nôm có thể lựa chọn một số chữ Hán hữu hạn có âm đọc (đã Việt hoá) giống hệt hoặc na ná âm đọc tiếng Việt để ghi các từ trong tiếng Việt. Buổi đầu, chữ Nôm đã hình thành theo phương thức ấy. Nhưng càng về sau, trong quá trình phát triển của chữ Nôm, chúng ta lại thấy một hiện tượng, mà xét về hình  thức thì hình như trái với xu hướng "đơn giản hoá và tiết kiệm" vốn là xu hướng chung đã chỉ đạo sự hoàn thiện các hệ thống chữ viết, đó là hiện tượng thêm bộ phận chỉ nghĩa vào những chữ Hán có âm đọc (Việt hoá) hoàn toàn trùng hợp với âm đọc của từ Việt mà chúng có nhiệm vụ ghi lại, với tư cách là những ký hiệu ghi âm (và qua âm để biểu thị nghĩa). Phải chăng đây là một kiểu "vẽ rắn thêm chân" hoặc một sự thụt lùi về mặt nhận thức chức năng của văn tự? Theo chúng tôi suy nghĩ, đây là một hiện tượng "Việt hoá" trên mặt chữ viết, trong khuôn khổ loại hình văn tự vuông. Suy luận trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn của chữ Nôm, chúng ta thấy, nếu những người tạo tác chữ Nôm chỉ vận dụng nguyên tắc ghi âm trực đọc tương ứng thì ngoài những từ Việt gốc Hán được ghi thẳng bằng chữ Hán tương đương với âm đọc Việt hoá, lại là hàng loạt từ Việt được ghi bằng chữ Hán có âm đọc na ná (có hoặc không có dấu cá nháy về để hiệu chỉnh), và do vậy, hệ thống chữ Nôm, văn bản Nôm về cơ bản sẽ trở thành một phiên bản chữ Hán đơn thuần; nét sáng tạo, sắc thái dân tộc rất mờ nhạt. Tạo tác những chữ Nôm kép theo kiểu có thêm thành phần chỉ ý, đó là một phương thức tô đậm thêm, tăng cường thêm thành phần Việt hoá cho hệ thống văn tự mang cái vỏ ngoại lai này. Đây là một chủ trương học thuật mang ý  nghĩa đấu tranh văn hoá rất rõ nét. Chủ trương này rõ ràng là đã thắng thế. Sự ra đời hàng loạt chữ Nôm kép, thay thế cho những chữ Nôm đơn vốn là những chữ Hán được sử dụng trực tiếp và nguyên toàn, vào khoảng Lê - Nguyễn, là một minh chứng.

Cũng nhằm góp phần tạo tâm thế thích ứng cho người học, chúng tôi đã xác định rõ vị trí và phân lượng của các vấn để có liên quan đến ngành Hán học trong cơ cấu nội dung  bộ môn Ngữ văn Hán Nôm. Nhìn tổng quát, những vấn đề Hán học ở đây không tồn tại một cách tự thân. Nói cách khác vị trí của những vấn đề này trong môn Ngữ văn Hán Nôm không giống như vị trí đã xác định cho chúng trong môn Văn học nước ngoài hoặc các môn khác thuộc ngành Trung Quốc học. Trong môn Ngữ văn Hán Nôm, vị trí của những vấn đề Hán học chỉ là tạo phương tiện giúp người học đi sâu tìm hiểu di sản văn hoá thành văn của dân tộc.

Trong lĩnh vực văn hoá sử, có nhiều chứng tích cho thấy sự giao lưu văn hoá Việt - Hán đã diễn ra từ khá sớm, trên tinh thần bình đẳng, có phát có nhận, chứ  không phải chỉ là tiếp thu một chiều. Vì vậy, trong khuôn khổ bộ môn Ngữ văn Hán Nôm việc tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề Hán học (trong đó bao gồm các tri thức về ngôn ngữ văn tự, về lịch sử văn hoá, ...) của Hán tộc ở các thời điểm lịch sử nhất định, với tư cách là các dữ kiện bắc cầu và cứ liệu đối chứng ở mức độ và phân lượng thích đáng, đủ giúp người học đi sâu tìm hiểu những vấn đề tương ứng của Việt Nam theo con đường so sánh văn hoá là rất cần thiết. Vấn đề định hướng minh giải văn bản và vận dụng tổng hợp tri thức liên ngành để minh giải văn bản là một trong những vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận của môn học.

Mục đích thực tiễn và cuối cùng của việc học tập Ngữ văn Hán Nôm là đọc hiểu các văn bản cổ, trên cơ sở đó sẽ tiến hành việc phân tích, phê phán, kế thừa và phát huy di sản văn hoá tinh thần của dân tộc. Những văn bản này nói chung đều xa cách chúng ta quá nhiều trong thời gian. Nhìn chung, nội dung của chúng có chứa đựng nhiều điều quý báu, xứng đáng để chúng ta tự hào coi đó là chứng tích của những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những tinh hoa của quá khứ. Nhưng cũng có thể nói một cách tổng quát rằng, những văn bản này thông báo với chúng ta nhiều cách nhìn, điệu cảm, lối nghĩ, kiểu sống không hoàn toàn đồng điệu với chúng ta….Với những văn bản này, sau khi đã tìm hiểu phần chữ nghĩa bề mặt, người học phải cố gắng vận dụng các tri thức liên ngành đã tiếp nhận ở các bộ môn khác (như triết học, lịch sử văn học, lịch sử văn hoá, ...) để đào sâu khai thác những lớp ý nghĩa tiềm ẩn bên dưới các chữ, các câu, các đoạn mạch thơ văn, rồi từ cơ sở ấy sẽ tiến hành việc phân tích, phê phán, đánh giá các mặt nội dung và hình thức của các văn bản đó với quan điểm biện chứng và lịch sử. Cũng chính từ yêu cầu nhiệm vụ này mà môn Ngữ văn Hán Nôm đã gắn bó hữu cơ với các môn học khác, phục vụ đắc lực việc đào tạo người giáo viên dạy các môn khoa học xã hội cho các trường phổ thông.

Đến đây, chúng tôi muốn trình bày một nhận thức sâu hơn về bản chất học thuật của môn học Hán Nôm trong nhà trường.

1. Như chúng ta đã thấy, học Hán Nôm, về thực chất là học những tinh hoa của văn hoá dân tộc được lưu trữ trong các văn bản Hán Nôm, những thực thể trong kho tàng di sản văn hoá thành văn của dân tộc. Di sản này hình thành trong một hoàn cành lịch sử đặc thù, được lưu truyền qua hàng chục thế hệ và được bảo vệ giữ gìn bằng nhiều biện pháp khác nhau để cuối cùng đến được với chúng ta ngày nay, cố nhiên là sau khi đã phải chịu khá nhiều tổn thất. Nhờ có di sản này, cuộc sống văn hoá tinh thần của chúng ta thêm phần phong phú. Qua việc nghiên cứu tìm hiểu di sản này, chúng ta càng thêm gắn bó với truyền thống cao đẹp của nền văn hoá nghệ thuật lâu đời của dân tộc, một nền văn hoá nghệ thuật mà trong đó "mỗi tác giả với thiên tài của mình và giới hạn của thời đại, phản ánh một thời kỳ lịch sử, đánh dấu một bước tiến của văn học, làm giàu thêm cho tư tưởng, tình cảm và tiếng nói Việt Nam"3 .

2. Nhìn tổng quát, có thể nói rằng, kho tàng di sản Hán Nôm là tài sản tinh thần chung của toàn dân, của xã hội. Tất cả chúng ta ai nấy đều có thể dựa vào di sản này để ôn duyệt lại quá khứ vinh quang của dân tộc, để rồi từ đó có thể nhìn hiện tại một cách tỉnh táo hơn và hướng về tương lai một cách tin tưởng hơn, bởi lẽ ở Việt Nam, "Quá khứ sống lại đẹp đẽ hơn bao giờ hết trong bản anh hùng ca của hiện tại và hiện tại đang gieo hạt giống quý báu cho những ngày mai tươi sáng"4. Trên một phạm vi hạn hẹp hơn, đối với giới nghiên cứu của rất nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau, các nhà ngôn ngữ học, văn học, triết học, sử học, dân tộc học, văn hoá học, quân sự học, y dược học, kinh tế học...đều có thể đi sâu nghiên cứu di sản này để từ đó rút ra những điều hết sức quý báu, bổ ích cho công trình nghiên cứu của mình. Như vậy, kết quả là chúng ta sẽ có thể có được những công trình nghiên cứu, tuy cũng đều xuất phát từ kho tàng di sản Hán Nôm, nhưng thuộc về từng chuyên ngành khoa học khác nhau. Trong các công trình như thế, di sản Hán Nôm hiện diện như những cứ liệu riêng lẻ (hoặc tập hợp cứ liệu) được khai thác và trình bày theo những mục đích yêu cầu đặc định, bằng những phương pháp chuyên biệt, nhằm phục vụ cho việc đi sâu nghiên cứu đối tượng riêng biệt của chuyên ngành. Đây là tình hình khá phổ biến hiện nay, phổ biến đến mức có người cho rằng chỉ có như vậy thì mới gọi là “nghiên cứu khoa học” có chuyên ngành, còn ngoài ra thì chỉ là các hoạt động phục vụ cho việc “nghiên cứu khoa học” mà thôi. Sự thực, trong lĩnh vực khai thác di sản văn hoá thành văn của dân tộc nói riêng hoặc của nhân loại nói chung, còn một đường hướng tiếp cận và thâm nhập nghiên cứu khác nữa mà kinh nghiệm hoạt động khoa học của nhiều nước đã chứng minh là rất cần thiết, có khả năng đem lại những thành quả rất có giá trị với những nét đặc trưng tiêu biểu không thể thay thế, đó là hướng tiếp cận, thâm nhập nghiên cứu các di sản một cách tổng hợp và lịch sử theo con đường ngữ văn học - một khoa học mà theo lời Viện sĩ  N.S Cônrat “trong ý nghĩa vốn có của nó, ý nghĩa đã hình thành một cách lịch sử, là khoa học về tài liệu sách vở cổ xưa”5.

3. Ngữ văn học (Philologie trong tiếp Pháp; Philology trong tiếng Anh, Philologia trong tiếng Nga ... đều bắt nguồn từ Philo và logos trong tiếng Hy Lạp, với nghĩa: yêu thích, mến chuộng ngôn từ) là ngành khoa học chuyên nghiên cứu hoạt động ngôn ngữ của con người diễn ra dưới hình thức chữ viết, được lưu trữ bảo tồn dưới dạng văn bản thư tịch.

Có thể truy tìm cội nguồn của Ngữ văn học từ trong những thế kỷ rất xa xưa. Ngôn ngữ là “phương tiện giao tiếp xã hội quan trọng nhất của con người”6. Vì vậy, ngôn ngữ cũng là một trong những thực thể được con người quan tâm tìm hiểu từ rất sớm. Ở Hy Lạp cổ đại, sự quan tâm đến ngôn ngữ đã thể hiện ra theo ba hướng, dẫn đến sự  hình thành ba môn khoa học khác biệt nhưng liên quan khăng khít với nhau, đó là:

- Sự suy ngẫm về bản chất hoạt động ngôn ngữ của con người dẫn đến những nhận thức phổ quát về ngôn ngữ, dẫn đến một triết lý về ngôn ngữ và đến sự miêu tả các ngôn ngữ riêng biệt. Đó là tiền đề đưa đến sự xuất hiện khoa ngôn ngữ học.

- Những cố gắng mong muốn cố định hoá ngôn ngữ trong một trạng thái được coi là “điển nhã”, “trong sáng”, “mẫu mực” đã dẫn đến môn Ngữ pháp học có tính chất quy phạm.

- Mối quan tâm, muốn minh giải một cách chính xác những văn bản thư tịch cổ (đương thời đã được tích luỹ khá nhiều và nói chung là rất khó hiểu) và muốn bảo tồn chúng qua việc định hình hoá, cuối cùng đã dẫn đến sự hình thành khoa Ngữ văn học.

Trong thế giới cổ đại, Ngữ văn học xuất hiện vào giai đoạn phát triển rực rỡ của các nền văn minh chữ viết mà một trong những tiêu chí nổi bật là sự tích tụ với một số lượng lớn các văn bản thuộc nhiều chủng loại khác nhau, đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống văn hoá tinh thần. Sự xuất hiện của Ngữ văn học không chỉ nói lên trình độ mà còn nói lên loại hình của các nền văn minh đó. Tình hình này không những chỉ diễn ra ở Phương tây cổ đại mà còn ở Phương đông cổ đại nữa. Những hoạt động Ngữ văn học đầu tiên của thế giới nói chung đều xuất hiện trong quá trình sưu tập, khôi phục, chỉnh lý, định hình hoá, nghiên cứu, chú giải các văn bản thư tịch cổ. Ở Phương tây đó là các văn bản thư tịch tiêu biểu thuộc giai đoạn cổ điển của Hy Lạp và La Mã. Ở Phương đông, đó là các văn bản kinh Vêđa của Ấn Độ, các văn bản thư tịch Nho gia của Trung Hoa.

Qua các thời kỳ lịch sử, phạm vi các văn bản thư tịch được lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu cho khoa Ngữ văn học cũng dần dần được mở rộng thêm (như văn bản Cơ đốc giáo, văn bản Phật giáo, văn bản Đạo giáo...) Phương pháp chủ yếu của hoạt động Ngữ văn học là đi sâu nghiên cứu phân tích ngôn từ và phong cách của văn bản trên cơ sở vận dụng tri thức của nhiều ngành khoa học nhân văn khác (ngôn ngữ học, văn bản học, thư tịch học, nghiên cứu văn học, lịch sử học...) Hình thức ứng dụng cổ điển của Ngữ văn học là công bố các văn bản thư tịch, dưới nhiều dạng thức khác nhau, nhằm phục vụ các yêu cầu khác nhau của đời sống văn  hoá tinh thần. Thực tiễn này cho chúng ta thấy “Ngữ văn học thu vào tầm nhìn của mình toàn bộ chiều rộng và chiều sâu cuộc sống con người, trước hết là cuộc sống tinh thần. Kết cấu bên trong của Ngữ văn học có tính chất đối cực.  Ở cực này, nó phục vụ văn bản một cách hết sức khiêm tốn, cố bám sát lấy văn bản, không tự cho phép tách khỏi tính cụ thể của văn bản. Ở cực kia, đó là tính chất bao trùm không thể vạch trước được giới hạn”7. Trong quá trình phát triển, ở các giai đoạn sau, phạm vi phương hướng và phương  pháp nghiên cứu của Ngữ văn học cũng có những đổi mới nhất định “những đối tượng của Ngữ văn học trước sau vẫn là một: đó là những văn bản thư tịch của các thời đại quá khứ, và nội dung của Ngữ văn học trước sau vẫn là một: nghiên cứu các văn bản thư tịch đó...”; và “Việc nghiên cứu tính chân thực của các văn bản thư tịch cổ, giải thích chúng bằng cách này hay cách khác, đều gắn liền với những lợi ích của xã hội đương thời”7.

4. Từ đây có thể nảy sinh một vấn đề, đó là: tính chất tổng hợp về mặt nội dung của đối tượng nghiên cứu của khoa Ngữ văn học liệu có ngăn cản công tác nghiên cứu vươn tới những thành quả rõ rệt, có ý nghĩa  khoa học thực sự sâu sắc hay không? Thậm chí có người còn thắc mắc rằng, trong thời buổi hiện tại, một ngành nghiên cứu có tính chất “Bách khoa toàn thư” như vậy liệu có còn “đất” để hoạt động hay không? Một mặt, chúng ta có thể dựa vào tình hình phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay để tìm lời giải đáp cho những câu hỏi như vậy. Đúng là trước mắt chúng ta hiện đang diễn ra hiện tượng chia nhỏ các chuyên ngành, lập ra nhiều chuyên ngành mới, nhưng đồng thời trước mắt chúng ta cũng đang diễn ra quá trình liên kết nhiều chuyên ngành lại với nhau, hình thành những liên ngành thậm chí “cụm chuyên ngành”. Mặt khác, như đã nói ở trên, Ngữ văn học lấy các văn bản thư tịch của thời đại quá khứ làm đối tượng nghiên cứu8. Như vậy thì, tính tổng hợp trong nội dung của các văn bản thư tịch này là một thực tế lịch sử hiển nhiên. Điều mà chúng ta thường gọi “Văn Sử Triết bất phân”, không phải chỉ là hiện tượng riêng biệt của văn bản thư tịch cổ Phương Đông, mà là một đặc điểm chung hết sức phổ biến trong di sản văn hoá thành văn của một quốc gia dân tộc có lịch sử lâu đời, có nền văn minh chữ viết sớm phát triển.

Với đối tượng nghiên cứu như thế, cố nhiên các nhà Ngữ văn học cũng mở rộng phạm vi hiểu biết của mình một cách tương ứng. Có thể nói, vốn tri thức của họ là một thể dung hợp những hiểu biết về lịch sử văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của dân tộc, của quốc gia, của khu vực được phản ánh qua cơ cấu ngôn từ của văn bản. Mức độ tích tụ và vận dụng các tri thức này, ít nhất cũng phải thoả mãn được những yêu cầu của việc nắm vững cơ cấu hình thức - nội dung văn bản và truyền đạt lại đúng đắn cơ cấu đó cho sát hợp với tinh thần của thời đại, qua những bước công tác cụ thể như: chỉnh lý, định hình, giải thích, công bố văn bản thư tịch. Có thể coi đây là giai đoạn đầu của tiến trình nghiên cứu. Ở giai đoạn này, nếu hoàn thành tốt các bước công tác nói trên, hoạt động Ngữ văn học đã có thể thực thi một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là: chuyển vận những tinh hoa trong kho tàng di sản văn hoá thành văn của dân tộc, của nhân loại đến các thế  hệ ngày nay, nhằm góp phần làm phong phú thêm cuộc sống văn hoá mới  hiện đại. Trên cơ sở những thành quả đạt được qua giai đoạn đầu của tiến trình nghiên cứu, hoạt động Ngữ văn học (hoạt động của cả chuyên ngành hoặc của từng cá nhân nhà nghiên cứu ), có thể triển khai đi sâu phân tích từng bộ phận, từng yếu tố tổ thành của cơ cấu hình thức - nội dung văn bản trong mối tương quan biện chứng và lịch sử giữa các đơn vị văn bản, các hệ thống văn bản trong kho tàng di sản thành văn của dân tộc và vẫn nhằm mục đích cuối cùng là chuyển vận một cách hoàn hảo nhất những nhân tố tiến bộ, những mặt hữu ích trong di sản này vào phục vụ xã hội. Với phương pháp đối chiếu so sánh, sự đi sâu nghiên cứu phân tích này có thể lấy các thực thể văn bản trong kho tàng di sản văn hoá thành văn của các quốc gia dân tộc khác làm đối tượng nghiên cứu đối sánh. Và đó chính là nội dung hoạt động chủ yếu của ngành Ngữ văn học so sánh.

5. Nhìn chung, Ngữ văn học đặc biệt quan tâm đến những cái riêng biệt, những cái cụ thể trước khi đi vào cái chung, cái khái quát. Sự quan tâm đến cái riêng biệt cái cụ thể này có thể gắn bó với từng đơn vị từ ngữ của văn bản, từng yếu tố thuộc hình thức văn bản. Tuy nhiên, đối với Ngữ văn học, nội dung của văn bản thư tịch vẫn là cái quan trọng hơn cả. Nếu các nhà Ngữ văn học phải bắt tay vào xử lý các vấn đề ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, văn thể... thì mục đích chủ yếu vẫn chỉ là nhằm đi tới chỗ có thể tiếp cận, thâm nhập minh giải và truyền đạt lại nội dung văn bản thư tịch (dưới nhiều hình thức khác nhau) một cách chính xác nhất trong phạm vi khả năng cho phép mà thôi. Một số dữ kiện hầu như nằm ngoài phạm vi quan tâm của các nhà Ngôn ngữ học, nhưng lại là những điều mà các nhà Ngữ văn học rất chú ý. Thí dụ như: những chỉ dẫn chính xác về người tạo văn bản thư tịch, người sao chép lưu truyền văn bản thư tịch, những hoàn cảnh điều kiện trong đó văn bản thư tịch đã nảy sinh hoặc được phát hiện và đặc biệt là hoàn cảnh thời đại gắn bó với sự hình thành, lưu chuyển của văn bản thư tịch. Tuy vậy, vẫn cần phải nhấn mạnh rằng: Ngữ văn học hoạt động trong sự gắn bó với ngôn ngữ học, cổ tự học, văn bản học, thư tịch học, lịch sử học, văn học và việc nghiên cứu phân tích văn bản thư tịch của các nhà Ngữ văn học cũng có thể dẫn đến những kết luận quý báu đối với một số chuyên ngành nghiên cứu khác. “Ngữ văn học không hoạt động như một ngành khoa học tách biệt theo đối tượng của mình, ngăn cách với ngôn ngữ học, lịch sử học, văn học... Nó tồn tại và hoạt động như một hình thức nhận thức có quy luật riêng, và hình thức nhận thức này được xác định không chỉ bởi giới hạn của đối tượng, mà quan trọng hơn, bởi cách tiếp cận đối tượng”9.

6. Với những phương thức chuyên biệt được vận dụng thích ứng với từng bước của quá trình tiếp cận và thâm nhập nghiên cứu đối tượng, khoa Ngữ văn học cổ điển có thể phát huy tác dụng mạnh mẽ, góp phần tích cực trong việc đưa các văn bản thư tịch Hán Nôm - những thực thể trong kho tàng di sản văn hoá thành văn của dân tộc - đi vào cuộc sống, phục vụ sự nghiệp xây dựng nền văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Và việc trình bày giới thiệu giảng dạy các văn bản Hán Nôm trong nhà trường các cấp cố nhiên cũng không nằm ngoài lĩnh vực hoạt động này.

Xuất phát từ từng đơn vị ngôn từ để đi tới chỉnh thể văn bản, rồi từ chỉnh thể văn bản và toàn cảnh thời đại xã hội gắn bó với nó quay nhìn lại từng yếu tố ngôn từ, từng bộ phận tổ thành của văn bản, khoa Ngữ văn học có thể đóng vai trò quan trọng trong việc công bố những văn bản Hán Nôm mang đầy đủ các phẩm chất “đích thực, trọn vẹn và tiếp nhận được ”, góp phần miêu tả, giới thiệu một cách sinh động cuộc sống văn hoá tinh thần của nhân dân ta trong quá khứ lịch sử.

Cũng xuất phát từ thực thể văn bản Hán Nôm, với những phương hướng và phương pháp tiếp cận thâm nhập nghiên cứu đối tượng của ngành Ngữ văn học so sánh, chúng ta hy vọng rằng nhiều giá trị tinh thần và truyền thống cao đẹp của dân tộc được lưu trữ trong các văn bản đó sẽ được tiếp tục soi tỏ và nêu cao trong mối tương quan tất yếu với các nền văn hoá khác cùng chung một khu vực địa lý và hoàn cảnh lịch sử.

Chú thích

1. Xem Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, phần Bang giao chí.

2. Về vấn đề này, xin xem thêm chuyên luận của tác giả đã xuất bản: Chữ viết trong các nền văn hoá, Nxb Văn Hoá-Hà Nội, 1982.

3. Trường Chinh: Mấy vấn đề văn nghệ Việt Nam hiện nay (trích theo): Về văn hoá văn nghệ - Nxb văn hoá - H.1972, tr.167

4. Phạm Văn Đồng:"Chủ tịch Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại".

5. M.S Cônrat: Phương Đông và Phương Tây (sđd)

6. V.I Lênin: Quyền dân tộc tự quyết - Nxb Sự thật - Hà Nội, 1958, tr.7

7. Xem Bách khoa toàn thư Liên Xô - Mục Ngữ văn học.

8. Ngữ văn học nói đến ở đây là ngữ văn học cổ điển. Ngữ văn học có thể lấy các  văn bản đương đại làm đối tượng nghiên cứu. Đó là ngữ văn học mới, không nằm trong phạm vi bàn đến của bài này.

9. Xem Bách khoa toàn thư Liên Xô, mục Ngữ văn học, sđd.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020