Với ý thức muốn đưa chữ Hán và chút ít khởi động như trên, thiết tưởng đã đến lúc cần đặt vấn đề học chữ Hán trong nền giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay một cách thấu đáo, có bài bản, có chủ trương kế hoạch hẳn hoi...
CẦN KHẨN TRƯƠNG KHÔI PHỤC VIỆC DẠY CHỮ HÁN
TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG VIỆT NAM
Nguyễn Đình Chú
Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội
1. Chữ Hán là của Trung Hoa. Chữ Hán được du nhập vào Việt Nam cùng với cuộc xâm lăng của nhà Hán đối với Việt Nam ở thế kỉ thứ nhất sau Công nguyên. Con đường đến với Việt Nam của chữ Hán không quang minh chính đại, nhưng thực tế chữ Hán cũng đã thành một thứ văn tự từng có vai trò tiên phong khai mở, phát triển văn hoá Việt Nam nói chung, văn học Việt Nam nói riêng. Thử nghĩ, trong quá khứ dằng dặc hơn ngàn năm từ đầu Công nguyên cho đến thế kỉ thứ 13 tính đến khi Việt Nam bắt đầu có chữ Nôm, nếu không có chữ Hán vào thì văn hóa Việt Nam, văn học viết Việt Nam có gì để con cháu hôm nay khám phá, biểu dương, tự hào, và không có chữ Hán thì làm gì có chữ Nôm. Ở đây, cần thấy rằng chữ Hán đã đến với Việt Nam theo hai (chứ không phải một) quan hệ: quan hệ với cuộc xâm lăng nhà Hán và sau đó còn gắn bó với các cuộc xâm lăng tiếp theo của cả triều đại phong kiến Trung Hoa trên đất nước ta; nhưng còn có quan hệ thuộc quy luật tự thân của văn hoá, trong đó có sự lan toả ảnh hưởng, cũng có thể nói là sức nâng đỡ của một nền văn hoá lớn với các nền văn hoá bé trong phạm vi một khu vực – mà quan hệ này là điều tất yếu và cần thiết. Chẳng phải vì thế mà nhiều người đã cho rằng chữ Hán là của Trung Hoa, nhưng chữ Hán cũng là của khu vực trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Đài Loan…
2. Chữ Hán trong nền văn hoá Việt Nam đã tồn tại theo quy luật thăng trầm, thịnh suy. Ở thời Bắc thuộc, nó đã phát triển đủ để lưu lại cho ngày nay một số trước tác, dịch phẩm liên quan đến Phật học, một số thơ văn. Đến thời tự chủ, trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý Trần, Lê, Nguyễn, chữ Hán đã đóng vai trò công cụ hàng đầu của nền văn hoá văn học bác học của Việt Nam. Nó là văn tự chính trong các lãnh vực văn hoá Việt Nam: hành chính, giáo dục, thi cử, lễ nghi, văn học. Dù dân tộc ta đã tạo ra chữ Nôm, nhưng chữ Nôm vẫn lệ thuộc chữ Hán trên phương diện cấu tạo, và văn hoá chữ Nôm vẫn chưa lấn át được văn hoá chữ Hán – dưới thời đại phong kiến. Tuy nhiên, đến cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX, cùng với sự đổi thay của hoàn cảnh xã hội Việt Nam, chế độ phong kiến bị thay thế bằng chế độ thực dân nửa phong kiến - kéo theo tình trạng văn hóa phong kiến Việt Nam vốn mang tính chất khu vực bị thay thế bằng văn hoá tư sản, kế nữa là văn hoá vô sản vốn mang tính chất toàn cầu. Do đó chữ Hán cùng với nền Hán học cổ truyền không kém hào quang đã lâm vào cảnh tàn cuộc. Năm 1915, ở Bắc Kỳ bỏ thi chữ Hán sau lần thi cuối cùng. Năm 1918, ở Trung Kỳ cũng là khoa thi Hương chữ Hán cuối cùng. Khoa thi Hội cuối cùng là năm 1919. Ở Nam Kỳ thì việc bỏ thi chữ Hán đã diễn ra ngay sau ngày bị mất trọn vào tay thực dân Pháp. Sau khi bỏ thi cử chữ Hán, trong các nhà trường Pháp Việt, từ cấp học tiểu học bậc hai (lớp đệ nhất, lớp đệ nhị, lớp nhất) đến cấp học cao tiểu (primaire supérieur), vẫn có dạy chữ Hán (caractères chinois) mỗi tuần 2 tiết, trong cảnh “chơi đồ cổ” mà cả thầy lẫn trò nói chung chẳng ai muốn chơi nữa. Mặc dù không phải không có người sau này có một trình độ Hán học vốn lại nhờ chính những giờ khai tâm chữ Hán từ đó. Cũng cần nói thêm trước năm 1945, trong một số gia đình có truyền thống Hán học, các cụ vẫn dạy chữ Hán cho con cháu. Thậm chí, có nơi còn có trường học chữ Hán được mở trong một số gia đình mà học sinh không chỉ là con em của gia đình đó mà còn là con em trong làng xã.
Sau Cách mạng tháng Tám, trong khu vực kháng chiến, ở bậc trung học cấp II (nay là PTCS), tại nhiều trường vẫn có học chữ Hán, mỗi tuần 3 tiết. Nhưng sau đó thì bỏ. Đặc biệt đến năm 1950, khi có cải cách giáo dục thì chữ Hán ra rìa hoàn toàn. Sau này, ở bậc PTTH có học Trung văn, là chữ Hán nhưng đọc theo âm Trung Quốc hiện đại, không phải là âm Hán cổ nữa; vả chăng giữa Hán cổ và Hán hiện đại, ngữ nghĩa, cú pháp cũng có sự khác nhau không ít. Có người giỏi Trung văn hiện đại mà vẫn hiểu sai văn Hán cổ, chính là vì lẽ đó.
3. Chuyện đã diễn ra trong quá khứ là vậy, nhưng suy nghĩ của con người, nhất là với các bậc thức giả, lại không bao giờ dừng một chỗ. Gần đây, trong dư luận xã hội, kể cả trên sách báo, đã có ý kiến đề xuất là cần dạy lại chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam. Lý do đề xuất này chính bắt đầu từ chỗ biết rằng: trong kho từ vựng tiếng Việt, số lượng từ gốc Hán mà từ đó gọi là Hán Việt, chiếm hơn 70%. Cho nên bỏ học chữ Hán là dẫn đến tình trạng người Việt Nam hiện nay hiểu sai ngữ nghĩa tiếng Việt rất nhiều. Không riêng gì dân chúng, mà cả đến các nhà văn, các vị tiến sĩ, viện sĩ cũng không ít người hiểu sai từ Hán Việt. Có nhà thơ đã viết trên báo giải thích “ý tại ngôn ngoại” là “ý ở trong, lời ở ngoài” (trong khi nghĩa của nó là: ý nằm ngoài lời). Có viện sĩ trong buổi nói chuyện tại Thư viện quốc gia đụng đến hai chữ “chiết toả” đã giải thích là “toả rộng ra” (!)… Chúng ta còn có thể kể ra nhiều dẫn chứng cho việc không biết chữ Hán nên đã hiểu sai, nói sai, viết sai tiếng Việt hiện đại. Và đó là lý do để đề xuất vấn đề: cần dạy chữ Hán trong nền giáo dục phổ thông cơ sở và trung học Việt Nam hiện nay. Tất nhiên, điều này cách đây mươi mười lăm năm, và gần đây, cũng đã có chút khởi động. Cụ thể: ở chương trình Văn – Tiếng Việt bậc PTTH trước cuộc cải cách 1990 đã có 4 tiết học về từ Hán Việt (lớp 12). Riêng với chương trình Ngữ văn PTCS đang và sắp qua giai đoạn thí điểm thì đã có sự quan tâm về việc dạy từ Hán Việt ngay từ lớp 6 với hai hình thức: thứ nhất, đối với một số bài thơ chữ Hán (ví dụ Nam quốc sơn hà…), cùng với việc phiên âm, dịch nghĩa, có thêm việc giải thích từng từ Hán Việt; thứ hai, quy định số lượng từ Hán Việt cần học một cách chính khoá là 50 cho các lớp 6, 7 và trên 50 cho các lớp 8, 9. Cuối các sách giáo khoa đều có bảng từ Hán Việt được học chính thức của từng năm.
4. Với ý thức muốn đưa chữ Hán và chút ít khởi động như trên, thiết tưởng đã đến lúc cần đặt vấn đề học chữ Hán trong nền giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay một cách thấu đáo, có bài bản, có chủ trương kế hoạch hẳn hoi. Nhưng, muốn làm được điều đó, lại trước hết cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc học chữ Hán là thế nào trong việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện đại và tương lai.
4.1. Hãy trở lại vấn đề bỏ chữ Hán để dùng chữ quốc ngữ. Đúng là từ lâu rồi, hình như người Việt Nam ta đã thống nhất với quan niệm rằng: dù chữ quốc ngữ không phải do người Việt Nam ta sáng tạo ra, mà đó là sản phẩm của các cố đạo phương Tây nhằm taọ công cụ truyền giáo, nhưng sau đó, dưới chế độ thực dân, người Việt Nam ta đã vượt qua thời kì không chấp nhận đi đến chấp nhận và coi đó là chữ viết của nước mình (quốc ngữ), bởi nó có lợi ích rất lớn trong việc dân chủ hoá nền văn hoá Việt Nam so với chữ Hán ngày trước. Đó là quan niệm tưởng như không có điều gì phải bàn nữa. Tuy nhiên gần đây, nhà ngôn ngữ học có tên tuổi Cao Xuân Hạo lại có quan niệm gần như trái ngược khi ông cho rằng việc nước ta bỏ chữ Hán để dùng chữ quốc ngữ là một điều mất mát lớn. Quan điểm này đã bị nhà báo Nguyễn Hoàng Sơn công kích khá quyết liệt trên tạp chí Văn nghệ quân đội (2003). Vậy chúng ta nên hiểu thế nào cho thoả đáng trước sự kiện bỏ chữ Hán thay bằng chữ quốc ngữ?
Trước hết, phải thấy rằng: việc bỏ chữ Hán để dùng chữ quốc ngữ là hiện tượng xảy ra trong cuộc đụng độ giữa hai khu vực Đông Tây. Trong cuộc đụng độ này, có vấn đề liên quan đến chữ viết của khu vực phương Đông, trong đó có chuyện la tinh hoá hay không? Thực tế tại phương Đông, ở nước này nước khác, ít nhiều có chuyện la tinh hoá chữ viết, nhưng rút cục cho đến nay, không một nước nào đi theo con đường la tinh hoá chữ viết truyền thống của mình. Nhật Bản trước sau vẫn dùng chữ Hán để viết cả văn Hán lẫn quốc văn với hai cách đọc: Hán âm (Kan - on) và Quốc âm (Go - on). Ví dụ: với chữ “sơn”山, cách đọc Kan – on là “san”, còn Go – on là “yama”. Triều Tiên, Hàn Quốc trước sau vẫn dùng chữ viết của nước mình là Hangeul do vua Sejong phát minh vào thế kỉ XV, mà trước đó họ cũng dùng chữ Hán như người Việt Nam (Hán Hàn). Trung Quốc cũng có lúc muốn la tinh hoá nhưng rút cục đã thôi hẳn . Các nước khác trong khu vực không đâu la tinh hoá. Chỉ một Việt Nam ta làm thế, để rồi được cái gì và không được cái gì? Ý kiến của ông Cao Xuân Hạo không phải là không có lý, mà điều này ngay từ năm 1918, ông chủ bút Nam Phong – Phạm Quỳnh – trong bài Chữ Nho với văn quốc ngữ có nói: “Chắc ngày nay Nho học đã nhiều phần quá cũ rồi, không hợp thời nữa. Nhưng cũ là về phần hình thức mà thôi, còn phần cốt cách tinh thần, còn cái gốc đạo đức của Nho học thì cùng với núi sông mà sống mãi muôn đời. Ta nên bỏ là bỏ phần hình thức phiền toái, còn phần cốt cách tinh tuý phải giữ lấy, vì nước ta còn có mặt trên địa cầu là còn phải nhờ cái tinh thần cố hữu ấy mới sống được. Nhưng muốn giữ tinh thần ấy mà bỏ hẳn chữ Hán là biểu hiện của tinh thần ấy thì sao được”1. Ngược thời gian lên cuối thế kỉ XIX, chúng ta còn thấy nhà duy tân tiên phong và lỗi lạc Nguyễn Trường Tộ trong Tế cấp bát điều, trong khi chủ trương xây dựng chữ quốc ngữ mới cho đất nước đã không lấy chữ quốc ngữ do các cố đạo phương Tây sáng tạo mà sau này cả nước dùng. Ông chủ trương lấy ngay chữ Hán để đọc âm theo nghĩa Việt. Ví dụ: viết 飲食 (ẩm thực) nhưng đọc là “ăn uống”. Đúng là chúng ta cần suy nghĩ trước hiện tượng Nguyễn Trường Tộ vốn là người theo đạo Thiên Chúa lại đã được trực tiếp tiếp xúc với phương Tây, có tư tưởng duy tân rất mực cấp tiến, mà vẫn không chấp nhận chữ quốc ngữ la tinh hoá, kể cả chữ Nôm mà cha ông ta đã xây dựng từ các thành tố của chữ Hán.
Đúng là chuyện bỏ chữ Hán để dùng chữ quốc ngữ la tinh hoá là chuyện không đơn giản khi nghĩ đến cái được cái mất trong sự phát triển của văn hoá Việt Nam từ thế kỉ XX trở đi. Điều đã có thể nói và cần nói là: việc bỏ chữ Hán quả đã ít nhiều cắt đứt với văn hoá truyền thống hàng ngàn năm trước đó. Có điều kiện so sánh Việt Nam ta với Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Đài Loan trên phương diện đối với văn hoá truyền thống xưa, liên quan đến yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc cho muôn đời, hẳn là sẽ rõ vấn đề hơn.
4.2. Để rõ vấn đề hơn, thử so sánh chữ Hán và chữ quốc ngữ la tinh hoá xem sao. Từ lâu, hình như tuyệt đại đa số người Việt Nam ta đều thấy chữ quốc ngữ la tinh hoá tiện lợi hơn hẳn chữ Hán. Với chữ Hán, chỉ một thiểu số người Việt Nam chiếm lĩnh được. Học chữ Hán phải “thập niên đăng hoả” (mười năm đèn sách). Trong khi với chữ quốc ngữ, người sáng dạ chỉ dăm ba bữa là xong, người tối dạ cũng chỉ ba bốn tháng là được. Chữ quốc ngữ đã giúp đất nước ta dân chủ hoá được nền văn hoá văn học. Mấy điều đó quả thật không thể chối cãi. Tuy nhiên, đã đến lúc phải so sánh chữ quốc ngữ với chữ Hán một cách khoa học hơn, cặn kẽ hơn. Cũng lại nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo trong bài viết Chữ Tây và chữ Hán thứ chữ nào hơn? (Bán nguyệt san Kiến thức ngày nay, 1989) đã cho ta biết: trên thế giới từ những thập niên đầu của thế kỉ XX, người châu Âu thường yên trí rằng mình dùng chữ viết ABC – thứ chữ ghi âm – là hợp lý nhất, khoa học nhất. Nhưng từ những năm 30 của thế kỉ XX, sau những công trình của trường ngữ học Prague nêu rõ những chức năng và yêu cầu của ngôn ngữ viết khiến cho nó khác với ngôn ngữ nói thì quan điểm chữ viết ghi âm là “khoa học nhất” đã phải nhường chỗ cho quan điểm “tổ hợp âm” của chữ viết, nhất là từ thập niên 70 trở lại đây. Để chứng minh tính ưu việt của lối chữ viết “tổ hợp âm”, năm 1978, một nhóm ngữ học Mỹ đã làm thí nghiệm, mở một số lớp gồm trẻ em khuyết tật bị chứng Alexia (chứng bệnh không học chữ được) bằng cách dạy cho chúng học tiếng Anh nhưng đều được viết bằng chữ Hán. Ví dụ: câu “He came to a high mountain” được viết bằng chữ Hán là 他到及一高山(tha đáo cập nhất cao sơn), thì sau 1 năm, các em đọc và viết được 1600 từ đơn và về khả năng hấp thụ tri thức tỏ ra không đần độn chút nào. Thậm chí, kết quả học tập của chúng lại có phần trội hơn các em học tiểu học bằng chữ ABC. Điều này có liên quan đến bộ não, trong đó với loại trẻ khuyết tật, công năng của bán cầu bên phải (tri giác tổng hợp) trội hơn công năng của bán cầu bên trái (tri giác phân tích). Để chứng minh tính ưu việt của hiện tượng này, người ta còn xét đến cơ chế của việc đọc chữ, và thấy rằng khi đọc, người biết chữ thành thục không hề đánh vần. Họ nhận ra các từ qua diện mạo chung của chúng không khác gì khi nhận ra một vật, một người quen không phải bằng cách lần lượt nhận ra từng chi tiết (mắt rồi mũi, rồi miệng, rồi tai…) mà nhận ra ngay tức khắc toàn thể diện mạo của vật hay người đó. Tâm lý học hiện đại đã từ hiện tượng đó mà đưa ra khái niệm “diện mạo tổng quát”, được gọi là Gestalt. Cái gestalt càng gọn ghẽ (pregrant) thì việc nhận dạng “tức khắc” càng dễ dàng và tự nhiên. Về phương diện này, chữ Hán hơn hẳn lối chữ ABC. Chính từ quan điểm trên mà năm 1985, trong cuốn sách nổi tiếng Le nouvean monde sinisé (Thế giới Hán hoá ngày nay) Léon Vandermeersch đã khẳng định sở dĩ các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Đài Loan, Hương Cảng, Đại Hàn, Singapore phát triển thành những “con rồng” được chính là vì họ vẫn dùng chữ Hán.
Riêng Cao Xuân Hạo lại còn từ kết quả nghiên cứu cấu trúc ngữ âm mà đi đến những kết luận khoa học có liên quan tới vấn đề đang nói ở đây. Theo Cao Xuân Hạo: “tiếng Việt có một cấu trúc ngữ âm khác hẳn các thứ tiếng châu Âu” nên “âm vị học của phương Tây (vốn là nền tảng lý thuyết của cách viết ABC) không thể đem ứng dụng để nghiên cứu và phân tích những thứ tiếng đơn lập như tiếng Hán, tiếng Việt, hay những thứ tiếng chắp dính như tiếng Nhật, hay những thứ tiếng “có sườn phụ âm” như tiếng Ả rập, tiếng Do Thái… Nó chỉ có giá trị và hiệu lực đối với các ngôn ngữ biến hình”. “Chữ viết ABC vốn phản ánh cái cấu trúc ấy, khó lòng thích hợp với tiếng Việt và cách tri giác của người Việt đối với tiếng mẹ đẻ của họ” vốn thuộc loại hình “ngôn ngữ âm tiết tính, trong đó âm tiết là một đơn vị có cương vị ngôn ngữ học minh xác, lại không thể phân tích ra thành những “âm tố” có cương vị tương đương, trong khi trong các thứ tiếng châu Âu, chính âm tố mới có cương vị của những đơn vị ngôn ngữ (“âm vị”) còn âm tiết lại không có cương vị ngôn ngữ học gì?”. Từ quan điểm trên đây, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo cho rằng: “việc học chữ Hán không thể không được đưa vào chương trình trung học”. Ông còn cho biết thêm: “hiện nay, nhiều người trong đó có cả những nhà ngôn ngữ học phương Tây đã thấy rõ những ưu điểm lớn lao của chữ Hán. Có người còn tiên đoán chỉ vài ba mươi năm nữa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc. Theo họ, đến lúc ấy, cái hàng rào ngôn ngữ (barrières linguistiques) xưa nay vẫn ngăn cách các dân tộc sẽ bị vô hiệu hoá và đến lúc ấy nhân loại sẽ giao tiếp với nhau dễ dàng gấp trăm lần so với hiện nay”. Điều dự báo này có thành hiện thực hay không? Xin chờ thời gian. Chỉ biết rằng người ta xem ra rất đề cao chức năng của chữ Hán. Vậy người Việt Nam ta nghĩ gì trước dự báo đó?
4.3. Chung quanh vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và chủ trương coi trọng từ thuần Việt, hạn chế từ Hán Việt. Đây cũng là vấn đề có liên quan tới thái độ đối xử với chữ Hán mà tưởng như đã được giải quyết xong xuôi, đâu vào đấy, không còn gì phải bàn thêm. Nhưng thực ra, ở đây vẫn có những điều cần được tường minh hơn, nếu không sẽ bất lợi cho việc xây dựng phát triển tiếng Việt nói riêng, văn hoá Việt nói chung. Có hai vấn đề đáng nói:
4.3.1. Thế nào là từ thuần Việt? và Hán Việt? Từ thuần Việt theo quan niệm thông thường là những từ do chính người Việt (dân tộc Việt) sáng tạo ra từ đầu, chứ không bắt nguồn từ tiếng nói của một dân tộc hay một tộc người khác. Nếu thế thì theo các nhà ngôn ngữ học là không có từ thuần Việt theo định nghĩa đó. Bởi lẽ tiền thân của tiếng Việt hiện đại là tiếng Việt Mường, mà tiếng Việt Mường lại là một chi của tiếng Môn-Khmer. Tất nhiên ở đây cần phân biệt hai hiện trạng ngôn ngữ (état de langue): tiếng Việt-Mường khi còn là một chi của tiếng Môn-Khmer và tiếng Việt-Mường khi đã tách khỏi tiếng Môn-Khmer. Hiện trạng sau là “thuần Việt Mường”. Với từ gốc Hán thì phức tạp hơn, vì ở đây có liên quan tới cuộc xâm lăng nhà Hán và giữa Việt Nam với Trung Hoa luôn luôn vẫn là hai quốc gia khác nhau (trong đó chủ nghĩa Đại Hán lại thường xuyên lấn át, bắt nạt Việt Nam) do đó mà trong tâm lý người Việt Nam dễ có mặc cảm xa cách thậm chí đối lập với tiếng Hán. Nhưng về khách quan, theo quy luật giao lưu ngôn ngữ, thực tế tiếng Hán và cũng là chữ Hán đã gia nhập kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt với cái tên là Hán Việt. Hán Việt không phải là Hán hoàn toàn, Hán Việt là của Việt. Nó chiếm hơn 70% vốn từ tiếng Việt như ta đã biết. Sao lại cứ phải kì thị với nó, thậm chí là muốn bài trừ nó để sinh ra cái chuyện “phi công” thì nói “người lái”, “không phận” thì nói là “vùng trời”, “hải phận” thì nói là “vùng biển”, “nữ du kích” thì gọi là “du kích gái”…, mà thực ra là có thể dùng cả hai, thậm chí có trường hợp muốn thay nhưng thay không được, hoặc thay thì chỉ dở hơn thôi.
4.3.2. Vị trí, giá trị của từ Hán Việt trong ngôn ngữ tiếng Việt. Tâm lý kì thị từ Hán Việt ít nhiều đã bỏ quên, không nhận rõ hết tính năng, tính trội của từ Hán Việt trên hai phương diện ngữ pháp và tu từ:
- Về ngữ pháp: cũng theo Cao Xuân Hạo, cách kết cấu từ Hán Việt theo kiểu “trật tự ngược” (phụ chính) hơn hẳn kiểu “trật tự xuôi” (chính phụ) trong từ thuần Việt. Ví dụ: “xạ thủ nam” thì chỉ có thể hiểu một nghĩa người bắn là đàn ông. Còn “người bắn nam” thì có thể hiểu 2, 3 cách: người bắn là đàn ông, người bắn tên Nam, người bắn anh Nam. Mối quan hệ cú pháp giữa các từ Hán Việt chặt chẽ này rất cần cho việc xây dựng thuật ngữ chuyên môn. Trong vốn thuật ngữ khoa học, kỹ thuật hiện nay ở nước ta, số lượng thuật ngữ Hán Việt chiếm phần chủ yếu chính là nhờ tính chặt chẽ đó trong cú pháp từ Hán Việt.
- Về tu từ: các từ Hán Việt thực tế đã tạo ra phong cách, sắc thái ngữ nghĩa trang trọng, cổ kính, bác học, mà nếu thiếu chúng thì quả thật vẻ đẹp ngôn ngữ tiếng Việt, văn chương tiếng Việt sẽ sút kém đi một phần rất đáng kể. Thử tưởng tượng: “Hội phụ nữ Việt Nam” mà chuyển thành “Hội đàn bà Việt Nam”, “Hội con gái Việt Nam”; “nữ thủ tướng Ấn Độ” mà chuyển thành “thủ tướng gái Ấn Độ”, “nữ đồng chí” mà chuyển thành “đồng chí gái”, “nữ giáo sư” mà chuyển thành “giáo sư gái”… thì buồn cười biết bao.
5. Tất cả những gì được trình bày trên đây là nhằm đi đến kiến nghị “cần khẩn trương khôi phục chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam”. Nhưng khôi phục như thế nào? Có mấy vấn đề cần bàn:
5.1. Học chữ Hán là chỉ học từ Hán Việt đã được phiên âm, hay học bằng chính văn tự Hán? Rõ ràng là học bằng chính văn tự Hán thì có lợi hơn vì tận dụng được chức năng “tổ hợp âm” như trên đã nói. Nhưng thực tế, với thực trạng giáo dục Việt Nam vốn đã bỏ học chữ Hán từ lâu mà nay đặt ra yêu cầu đó thì khó thực hiện, nhất là liên quan đến vấn đề đào tạo giáo viên chữ Hán lại không đơn giản chút nào. Nên chăng là thế này: sắp tới nếu phân ban làm 2: A (gồm các ngành khoa học tự nhiên) và B (gồm các ngành khoa học xã hội) thì ở ban A sẽ học từ Hán Việt đã được phiên âm bằng chữ quốc ngữ, ở ban B sẽ học từ Hán Việt bằng chữ Hán hẳn hoi, mà có thể buổi đầu chưa thể làm đại trà, nhưng phải có kế hoạch từng bước tiến tới đại trà trong ban B này. Nếu tôi không lầm thì trước 1950, tại một số trường chuyên khoa (như chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng lúc còn ở Hà Tĩnh), với ban cổ điển (tương đương với ban B này) vẫn có giờ cổ văn, trong đó có học chữ Hán. Và ở miền Nam trước 1975, với một loại trường phổ thông nào đó, vẫn có giờ chữ Hán. Xin các vị có trách nhiệm và hiểu biết lịch sử giáo dục kiểm tra, bổ chính cho.
5.2. Học chữ Hán từ bậc học nào? Từ phổ thông cơ sở lên phổ thông trung học? Hay chỉ đến phổ thông trung học mới học? Theo tôi nên từ bậc phổ thông cơ sở, mỗi tuần 1 tiết, cứ thế cho hết bậc phổ thông trung học. Thời gian của tiết học này sẽ lấy ở quỹ thời gian của phần tiếng Việt trong chương trình Ngữ văn, dù chương trình Ngữ văn đã đi theo hướng tích hợp. Chẳng những thế mà còn phải lợi dụng tính năng của việc tích hợp. Với yêu cầu tích hợp này, ngay ở phần Văn cũng phải coi trọng việc dạy nghĩa từ Hán Việt trong các giờ giảng văn, chẳng riêng gì với văn học cổ mà cả ở văn học hiện đại. Mà việc này cũng cần được chương trình hoá, có định mức, định lượng hẳn hoi như sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông cơ sở thí điểm và sắp chính thức áp dụng đã và đang tiến hành.
5.3. Vừa qua, được cơ quan truyền thông đại chúng cho biết trong luật sửa đổi về giáo dục mà Quốc hội sẽ thông qua có đặt vấn đề đưa việc học chữ Hán vào lại nhà trường phổ thông (Nhật Bản, Hàn Quốc đều có dạy chữ Hán ở trường phổ thông). Tôi cũng mong rằng cả xã hội, đặc biệt là các bậc thức giả của đất nước cần lên tiếng ủng hộ quan điểm tích cực, giàu ý nghĩa đó để dự kiến trên đây trở thành chính thức trong luật sửa đổi về giáo dục được Quốc hội thông qua. Và nếu đã thành luật thì phải gấp rút xây dựng chương trình và vạch kế hoạch đào tạo giáo viên một cách rất khẩn trương, trong đó có việc tăng cường bộ môn chữ Hán tại các trường ĐHSP và xây dựng bộ môn chữ Hán tại các trường CĐSP trong cả nước.
Khai bút đầu năm 2005
Chú thích
1. Phạm Quỳnh. Luận giải văn học và triết học. Nxb Văn hoá thông tin, 2003, tr.56.