Hán nôm

Phan Phu Tiên, Chu Xa và bộ “Việt âm thi tập”


15-10-2020
Tác giả: TS Hà Đăng Việt

Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng tổng hợp các nguồn tư liệu của các nhà nghiên cứu đi trước để trình bày và phân tích, nhận định về hành trạng, sự nghiệp của Phan Phu Tiên và Chu Xa, hai tác giả đã có công lao to lớn trong việc nối tiếp nhau biên định bộ Việt âm thi tập, công trình sưu tập thơ ca khởi đầu cho truyền thống làm thi tuyển của Việt Nam. Bộ sách này từ nhiều năm nay đã được các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu và khai thác tư liệu để dịch thuật, công bố thơ ca thời kì Lý – Trần. Đặc biệt, những nghiên cứu về văn bản học đối với bộ sách đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các kết quả ấy cần được tiếp tục kiểm định để cung cấp thông tin cho giới nghiên cứu nói chung, tiến tới phục dựng từng phần diện mạo của bộ sách..

1. Phan Phu Tiên 潘孚先 (sinh và mất khoảng 1370 - 1462) tự là Tín Thần, hiệu Mặc Hiên, người làng Vẽ (Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội). Thân phụ ông là Phan Quang Minh, vốn người làng Thu Hoạch, tổng Canh Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), nhân làm quan tại Thăng Long mới chuyển về ở Đông Ngạc. Một vài tài liệu nói Phan Phu Tiên được sinh ra tại Đông Ngạc, nhưng cũng có tài liệu khẳng định ông sinh ở nơi khác rồi theo cha về sống ở đây. Phan Phu Tiên làm quan trải nhiều chức vụ và ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

    Theo tư liệu văn bia tại đền thờ Phan Phu Tiên và các sử liệu khoa bảng Việt Nam thì Phan Phu Tiên đỗ Thái học sinh vào năm Quý Dậu, niên hiệu Quang Thái (1393). Lại có tài liệu nói ông đỗ vào khoa thi năm Bính Tí, niên hiệu Quang Thái thứ 9 đời Trần Thuận Tông (1396). Đến năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) đầu đời Lê, vua Thái Tổ cho mở khoa thi Minh kinh bác học, ông tiếp tục ra dự thi và đỗ thứ ba. Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Đồng tu sử ở Viện Quốc sử. Trong thời gian đó, ông vâng mệnh biên soạn 越 音 詩 集 Việt âm thi tập, là bộ hợp tuyển thơ văn đầu tiên của nước Việt văn hiến. Năm 1433Việt âm thi tập cơ bản đã hoàn thành, nhưng do Phan Phu Tiên được bổ làm An phủ sứ ở Thiên Trường (Nam Định ngày nay), rồi ở Hoan Châu (Nghệ An ngày nay), nên việc kiểm định - khắc in bộ sách phải tạm gác lại. Đến năm 1446, Thị ngự sử Chu Xa nhận mệnh sưu tập thêm, năm 1459 thì công việc hoàn tất. Hơn 10 năm sau (1448), vua Lê Nhân Tông triệu ông về lại kinh đô, sung chức Quốc Tử Giám bác sĩ tri Quốc sử viện, vừa giảng dạy ở Quốc Tử Giám vừa trông coi công việc ở Viện quốc sử. Năm Ất Hợi 1455, nhà vua giao cho ông biên soạn 大 越 史 記 續 編 Đại Việt sử kí tục biên [nối tiếp大 越 史 記 Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu đời Trần, chép từ Trần Thái Tông đến hết kháng Minh (khoảng 1226 – 1427), gồm 10 quyển, nhưng rất tiếc nay đã thất lạc]. Các phần Đại Việt sử kí tục biên đã được Ngô Sĩ Liên kế thừa và tổng hợp vào bộ大 越 史 記 全 書 Đại Việt sử kí toàn thư. Trong đó còn ghi rõ 10 đoạn bình luận của Phan Phu Tiên, những đoạn này cho thấy rõ quan niệm và phong cách viết sử, tài năng cũng như khí tiết của ông [như những đoạn viết về Trần Thái Tông, Hồ Quý Ly… chẳng hạn]. Tiếp theo Đại Việt sử kí tục biên, Phan Phu Tiên cũng đã soạn bộ 國 朝 律令 Quốc triều luật lệnh ghi chép về luật lệ dưới triều Lê để lưu hành ở đời. Ngoài ra, theo một số tài liệu thì ông còn biên soạn cuốn 本 草 植 物 鑽 要 Bản thảo thực vật toản yếu, nội dung sách ghi chép các phương thuốc chữa bệnh, sách đã kê ra hơn 400 loại thức ăn động vật và thực vật có ở trong nước và các công dụng của các loại thức ăn đó. Cho đến nay, các công trình do Phan Phu Tiên biên soạn mà chúng ta biết được gồm có: Việt âm thi tập (hợp tuyển thơ ca chữ Hán); Đại Việt sử kí tục biên (tác phẩm lịch sử, nối tiếp Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu, đã thất truyền); Quốc triều luật lệnh (luật lệ triều Hậu Lê); Bản thảo thực vật toản yếu (sách y học, đã thất truyền); ngoài ra ông còn có 3 bài thơ chữ Hán được chép trong 全 越 詩 錄 Toàn Việt thi lục, gồm các bài 為 人 求 教 Vi nhân cầu giáo (Làm người cần phải học), 賀 諫 議 大 夫 阮 抑 齋 Hạ gián nghị đại phu Nguyễn Ức Trai (Mừng quan Gián nghị đại phu Nguyễn Trãi) và 贈 當 道 梁 判 官 任 滿 Tặng Đương đạo Lương Phán quan nhậm mãn (Tặng ông phán quan họ Lương hết hạn nhậm chức). Trong đó, bài đầu nói rõ nhiệt huyết của ông về sự nghiệp trồng người [Trẻ mà không học khó làm nên, Tự thẹn già nua trót kém hèn. Ôn cũ sau này mong biết mới, Vào nhà ắt phải bước qua hiên. Được theo lễ nhạc bậc tiền bối, Nguyện lấy thi thư giúp thiếu niên. Muôn vật được nhuần mưa móc gội, Đầu xuân hi vọng tốt tươi lên (Vân Trình dịch)]. Tuy sáng tác thơ của ông chỉ còn 3 bài nhưng cũng đủ để cho thấy phong cách bình dị mà sâu sắc, tâm sự ưu dân ái quốc của một bậc hồng Nho.

    Như vậy, bằng cố gắng nhặt nhạnh “những hạt châu nơi biển cả” sau cơn binh lửa tàn khốc của thời đại, Phan Phu Tiên đã có công lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hoá thành văn của dân tộc để “các bậc quân tử đời sau, rộng chí bàng cầu” khỏi phải thở than ngậm ngùi vì để phí nó. Ông xứng đáng là một nhà hoạt động ngữ văn học tiêu biểu thời Lê sơ, nổi tiếng với tư cách nhà biên khảo, nhà sử học có công lớn trong việc soạn định quốc sử; là người đầu tiên có tư tưởng và đã thực thi việc biên định di sản thơ ca Việt Nam. Bên cạnh đó ông còn là một nhà giáo nổi tiếng, là nhà thơ và là thầy thuốc được kính trọng.

    2. Chu Xa 朱 車 (không rõ năm sinh năm mất) tự là Khí Phủ, người huyện Yên Phú, nay là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Hiện không thấy tài liệu nào chép đầy đủ về thân thế của ông, chỉ biết năm Quý Sửu (1433) đời Lê Thái Tổ, ông thi đỗ Tiến sĩ, được bổ chức quan. Theo Đại Việt lịch triều đăng khoa lục大 越 歷 朝 登 科 錄, trong danh sách người đỗ Tiến sĩ năm Ất Sửu (1433) tên Chu Xa được ghi đầu tiên. Chu Xa là người đã tiếp tục công việc của Phan Phu Tiên – biên soạn xong cuốn Việt âm thi tập còn dang dở.

    Năm 1446, Thị ngự sử Chu Xa nhận thấy Việt âm thi tập còn chưa đầy đủ, cho nên đã gia công sưu tập thêm, đến năm 1459 thì hoàn thành. Trong bài biểu dâng sách Việt âm thi tập (Thướng tiến Việt âm thi tập biểu上進越音詩集表) do Chu Xa soạn có chép về công việc này như sau: "Thần trộm thấy, sử quan Phan Phu Tiên trước có biên định “Việt âm Thi tập” nhưng chưa thật đầy đủ. Thần lại tiếp tục chọn thêm rồi xin quan Kinh diên Nguyễn Tử Tấn phê điểm, tu chỉnh biên thành 6 quyển. Còn như thơ của người Bắc và người Nam làm quan ở Bắc thì chép thành quyển Phụ lục. Sau khi tu sửa thành một bản, trang hoàng thành tập, kính cẩn dâng lên ngự lãm". Bộ sách đã được vua Lê Nhân Tông cho in trong cùng năm đó. Về bản in lần đầu này, cần lưu ý thêm một chi tiết là, khoảng 300 năm sau, Lê Quý Đôn đã mang theo trong chuyến đi sứ lịch sử để giới thiệu với giới học thuật Trung Hoa và sứ thần các nước tại Trung châu, nhằm chứng minh cho họ về nền văn hiến rạng rỡ của Đại Việt. Và dĩ nhiên, bộ sách đã vang danh thiên hạ, thể hiện rõ được truyền thống thi thư nước Nam, khiến phương Bắc không thể khinh thị văn minh của người Việt.

    Đến năm 1452 đời Lê Nhân Tông, Chu Xa được cử làm Phó sứ sang nhà Minh (Trung Quốc), sau ông bị bãi chức. [theo Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tr.793].     

    Tác phẩm của Chu Xa còn lại có Việt âm thi tập (viết tiếp Phan Phu Tiên), và 5 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục. Các bài đó là: 奉 使 占 城 道 中 作 Phụng sứ Chiêm Thành đạo trung tác , 落 花 Lạc hoa, 集 句 寄 呈 友 人 Tập cú kí Trình hữu nhân, 貴 縣 除 夕 Quý huyện trừ tịch, 舟 中 晚 望 Chu trung vãn vọng.

    Mặc dù trước tác của Chu Xa còn lại chỉ ngần ấy bài thơ, hiện cũng chưa được giới nghiên cứu định giá, song có thể thấy rõ được phong cách bình dị và tâm hồn thanh cao, nhạy cảm của ông, đáng làm khuôn thước cho đời. Với công việc tục biên cho Việt âm thi tập ông đã làm, “... dẫu cố cầu đẽo phiến ngọc Côn Sơn tuyệt diệu, nhưng vẫn cần tìm hạt châu sót giữa biển xanh” [上進越音詩集表] quả có thể nói là vô cùng có giá trị. Nhất lại là “... thần chẳng nề tài hèn trí mọn, liền chọn tăng thêm, phàm là những bài liên quan đến phong hoá thì chẳng hề dám quên” [上進越音詩集表] cho thấy một định hướng biên soạn rõ ràng nhất quán và một nhận thức đầy tính dân tộc trong hoạt động ngữ văn học của ông. Chu Xa đã kế tục xuất sắc công việc của Phan Phu Tiên, ông chính là một đồng tác giả của Việt âm thi tập.

    3. Vài nét về bộ Việt âm thi tập”

    越 音 詩 集 Việt âm thi tập là bộ hợp tuyển thơ Việt Nam đầu tiên trong số ba bộ xuất hiện kế tiếp ở thế kỉ 15. Sách do Phan Phu Tiên khởi biên và Chu Xa tục biên.

    Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thành công (1428), "vì binh lửa, số thơ (của các thi gia) còn lại chỉ được một hai phần nghìn" [theo bài tựa của Phan Phu Tiên], cho nên Phan Phu Tiên bắt tay vào biên soạn bộ Việt âm thi tập - công trình mở đầu việc nghiên cứu, giới thiệu thơ ca các đời ở Việt Nam. Niềm tự hào về truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc, lòng trân trọng đối với di sản tinh thần của tiền nhân và những nhận thức sâu sắc về vai trò của văn chương nghệ thuật đã thúc đẩy ông vượt qua mọi khó khăn, ra sức hoàn thành công trình có ý nghĩa lớn lao này. Mùa thu năm Quý Sửu, niên hiệu Thuận Thiên thứ 6 đời Lê Thái Tổ (1433), bộ hợp tuyển Việt âm thi tập về căn bản đã hoàn thành. Phan Phu Tiên viết lời tựa với những lời tâm huyết như sau: "Trong lòng có chí hướng ắt sẽ thể hiện thành lời. Vì vậy, thơ là để nói lên cái chí của mình... Các bậc đế vương, công khanh, sĩ đại phu mấy đời gần đây, chẳng ai không quan tâm đến học thuật, vẫn thường sớm tối ngâm vịnh, diễn tả nỗi lòng sâu kín, đều có thi tập lưu hành ở đời nhưng do binh lửa nên đã thất truyền, tiếc thay!... Các bậc quân tử sau này có lòng sưu tầm rộng khắp, rồi xếp đặt thành quyển, thành tập, mới mong khỏi phải thở than vì bỏ sót mất hạt châu trong biển cả".

    Theo bài tựa của Lý Tử Tấn thì 新 選 越 音 詩 集 Tân tuyển Việt âm thi tập thu thập được hơn 700 bài thơ (sắp xếp thành 7 quyển). Bản in lần đầu đã thất tán từ lâu. Hiện nay chỉ còn được thấy ba quyển đầu của lần tái bản năm 1729.

    Về sau, khi các bản khắc lần đầu đều thất lạc hết, một nhóm người có tâm huyết đã cùng nhau cho khắc in lại (1729), nhưng cũng không giữ được. Hiện nay, ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) chỉ còn lưu giữ được một bản nhưng không đầy đủ (chỉ còn 3 quyển), mang kí hiệu A.1925. Gần đây, Nguyễn Thanh Tùng có giới thiệu thêm 2 bản sao mới của bộ sách, những tư liệu này còn cần có thời gian để kiểm định (xin xem [8]). Khảo sát cụ thể hơn, cũng Nguyễn Thanh Tùng và Hà Minh (xin xem các bài [9] và [10]) cho biết những nét khái quát nhất về hiện trạng văn bản của bộ sách. Xin tóm lược và dẫn giải như sau: Căn cứ bài biểu dâng sách của Chu Xa, thì Việt âm thi tập gồm 6 quyển (Phan Huy Chú ([3, tr.113]) và Trần Văn Giáp ([4, tr.784]) đều ghi là 6 quyển). Theo GS.Nguyễn Huệ Chi ([2, tr.1993]) và Từ điển bách khoa Việt Nam thì Việt âm thi tập có 7 quyển, với 624 bài thơ [theo mục lục trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm ([4, tr.786 – 787]). Nhưng theo Nguyễn Huệ Chi và Từ điển bách khoa Việt Nam [6] thì hiện còn 617 bài của 119 nhà thơ dưới các triều đại, từ Trần đến  sơ. Có thơ của người làm quan và không làm quan, của người Việt Nam làm quan ở Trung Quốc và của người Trung Quốc đi sứ sang Việt Nam. Mỗi nhà thơ đều có chua tiểu sử, và sau mỗi bài đều có chua điển tích. Tuy nhiên, theo lời của Lý Tử Tấn, thì sách có hơn 700 bài. Hiện chưa biết vì sao có sự mâu thuẫn đó. Về phương pháp sắp xếp và trình bày, đều theo quan điểm Nho giáo, có nghĩa các tác gia là vua thì được để lên đầu, sau đó mới tới các thi gia thuộc các tầng lớp khác.

    Bản A.1925 in bằng ván gỗ, giấy dó khổ 24 x 16, tổng cộng 68 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 10 dòng. Trong sách, ngoài phần thơ của các thi gia, có hai bài tựa (của Phan Phu Tiên và Lý Tử Tấn), một bài biểu dâng sách (của Chu Xa) và mục lục. Xem mục lục thì thấy: Quyển I : các thi gia là các vua Trần và Hồ, gồm 8 nhà với 73 bài thơ, thực tế có 63 bài; Quyển II: các thi gia triều Trần, gồm 11 nhà với 99 bài thơ; Quyển III: các thi gia triều Trần (tiếp), triều Hồ và phần bổ di (bổ sung những bài còn sót), gồm 35 nhà với 116 bài thơ; Quyển IV: các thi gia triều Hậu Lê, gồm 6 nhà với 81 bài thơ; Quyển V: các thi gia triều Hậu Lê (tiếp), gồm 14 nhà với 85 bài thơ; Quyển IV: các thi gia triều Hậu Lê (tiếp), gồm 24 nhà với 120 bài thơ.

    Ngoài ra còn có phần Phụ lục, gồm thơ của người Việt Nam làm quan ở Trung Quốc (2 nhà với 12 bài), và thơ của người Trung Quốc làm khi đi sứ sang Việt Nam (19 nhà với 38 bài). Như vậy theo mục lục, Việt âm thi tập có 624 bài. Tuy nhiên, như trên đã nói, bản sách A.1925 chỉ có đủ 3 quyển đầu, gồm 288 bài thơ của 54 thi gia mà thôi.

    Tóm lại, bộ Việt âm thi tập là một vốn cổ quý giá, không những về thơ văn, mà nó còn là một tài liệu quý hiếm về cả mặt sử học, bởi có những đoạn cước chú có trong đó. Ngoài ra, nó cho biết kĩ thuật in ấn của Việt Nam lúc bấy giờ. Song, ưu điểm nổi bật hơn cả của Việt âm thi tập, đó là niềm tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc Việt, nhất là về tiếng nói đặc sắc mang vẻ đẹp và tâm hồn Việt Nam. Ngày nay, có thể nói phần lớn thơ ca ở thời đại Trần – Hồ và đầu đời Lê còn giữ lại được cũng là nhờ Việt âm thi tập.

Chú thích, Tài liệu tham khảo và trích dẫn

[1].  Nguyễn Huệ Chi, mục từ “Phan Phu Tiên” trong Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới. 2004.

[2].  Nguyễn Huệ Chi, mục từ: "Việt âm thi tập" trong Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới. 2004.

[3].  Phan Huy ChúLịch triều hiến chương loại chí (Tập 3, phần "Văn tịch chí"), Nxb KHXH. 1992.

[4].  Trần Văn GiápTìm hiểu kho sách Hán Nôm, Nxb KHXH. 2003.

[5].  Trần Văn GiápLược truyện các tác gia Việt Nam (tập 1), Nxb KHXH. 2003.

[6].  Nhiều người soạn, theo Từ điển bách khoa Việt Nam mục từ: “Việt âm thi tập”, bản điện tử.

[7].  越 音 詩 集 (kí hiệu A.1925 ) Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện KHXH Việt Nam.

[8].  Nguyễn Thanh Tùng, Phát hiện mới về văn bản Việt âm thi tập, Thông báo Hán Nôm học, 2004.

[9].  Hà Minh - Nguyễn Thanh Tùng, Giới thiệu tình hình văn bản và giá trị một số bộ thi tuyển chữ Hán tiêu biểu của Việt Nam thời trung đại, Tạp chí Khoa học, ĐHSP Hà Nội, số 5 năm 2005.                                                            [10]. Hà Minh - Nguyễn Thanh Tùng, Tổng quan thực trạng văn bản và hướng nghiên cứu hệ thống thi tuyển chữ Hán Việt Nam, In trong Hán Nôm học trong nhà trường – Một số vấn đề nghiên cứu và trao đổi, Nxb ĐHSP, H. 2013.

       Tóm tắt: Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng tổng hợp các nguồn tư liệu của các nhà nghiên cứu đi trước để trình bày và phân tích, nhận định về hành trạng, sự nghiệp của Phan Phu Tiên và Chu Xa, hai tác giả đã có công lao to lớn trong việc nối tiếp nhau biên định bộ Việt âm thi tập, công trình sưu tập thơ ca khởi đầu cho truyền thống làm thi tuyển của Việt Nam. Bộ sách này từ nhiều năm nay đã được các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu và khai thác tư liệu để dịch thuật, công bố thơ ca thời kì Lý – Trần. Đặc biệt, những nghiên cứu về văn bản học đối với bộ sách đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các kết quả ấy cần được tiếp tục kiểm định để cung cấp thông tin cho giới nghiên cứu nói chung, tiến tới phục dựng từng phần diện mạo của bộ sách..

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020