Hán nôm

KHẢO SÁT, XÁC LẬP VĂN BẢN VÀ TÌM HIỂU GIÁ TRỊ THƠ ĐI SỨ CỦA ĐÀO NGHIỄM QUA TƯ LIỆU THI TUYỂN CHỮ HÁN VIỆT NAM


15-10-2020
Tác giả: TS Hà Minh - Nguyễn Hằng Nga

Đào Nghiễm (1) là một danh nho đời Lê – Mạc, thơ văn của ông nổi tiếng đương thời. Nhưng rất tiếc, cho đến nay, hành trạng và sự nghiệp của Đào Nghiễm chưa được nghiên cứu toàn diện. Ta mới chỉ biết được về Đào Nghiễm qua một số thông tin ít ỏi. Chính vì thế những cống hiến của Đào Nghiễm đối với lịch sử dân tộc còn chưa được nhiều người biết đến. Cũng từ đó, chúng ta chưa thấy hết và đánh giá đúng về vị trí của ông đối với thời đại và lịch sử. Bài viết này là cố gắng bước đầu trong việc dựng lại chân dung Đào Nghiễm, giới hạn ở lĩnh vực văn học. Trong một bài khảo cứu gần đây [13], chúng tôi đã đặt vấn đề so sánh các tư liệu Hán Nôm liên quan để nhận diện chung về di sản thơ ca Đào Nghiễm. Ở phạm vi chi tiết hơn, nhằm tiến tới xác lập hồ sơ tác giả Đào Nghiễm, chúng tôi xin bổ sung một số nhận định cần thiết về văn bản và đi sâu vào mảng thơ đi sứ của ông.

1. Mở đầu

         Đào Nghiễm (1) là một danh nho đời Lê – Mạc, thơ văn của ông nổi tiếng đương thời. Nhưng rất tiếc, cho đến nay, hành trạng và sự nghiệp của Đào Nghiễm chưa được nghiên cứu toàn diện. Ta mới chỉ biết được về Đào Nghiễm qua một số thông tin ít ỏi. Chính vì thế những cống hiến của Đào Nghiễm đối với lịch sử dân tộc còn chưa được nhiều người biết đến. Cũng từ đó, chúng ta chưa thấy hết và đánh giá đúng về vị trí của ông đối với thời đại và lịch sử. Bài viết này là cố gắng bước đầu trong việc dựng lại chân dung Đào Nghiễm, giới hạn ở lĩnh vực văn học. Trong một bài khảo cứu gần đây [13], chúng tôi đã đặt vấn đề so sánh các tư liệu Hán Nôm liên quan để nhận diện chung về di sản thơ ca Đào Nghiễm. Ở phạm vi chi tiết hơn, nhằm tiến tới xác lập hồ sơ tác giả Đào Nghiễm, chúng tôi xin bổ sung một số nhận định cần thiết về văn bản và đi sâu vào mảng thơ đi sứ của ông.

         2. Khảo sát văn bản thơ đi sứ của Đào Nghiễm

         2.1.Văn bản ghi chép tác phẩm thơ đi sứ của Đào Nghiễm:

Trong hành trình sứ bộ sang nhà Minh những năm đầu triều Mạc, Chánh sứ Đào Nghiễm đã viết gần hai trăm bài thơ, sao chép thành tập “Nghĩa Xuyên quan quang tập”. Những sáng tác thi ca này là sự nối tiếp một truyền thống đẹp của các sứ thần nước Nam trong lịch sử, góp phần hình thành nên một mảng thơ ca riêng vô cùng đặc sắc trên văn đàn dân tộc. Tập Nghĩa Xuyên quan quang tập 義川觀光集 (Tập thơ đi sứ của Nghĩa Xuyên) hiện chỉ còn biết được tên trong một số tài liệu thư mục học, mà những người đầu tiên nhắc đến là Lê Quý Đôn (?) và Phan Huy Chú (2), các tài liệu tiếng Việt về sau hầu như đều ghi theo họ Lê và họ Phan mà không có thêm thông tin gì mới. Về nhan đề tập thơ, có người dịch là: Tập thơ đi xem ánh sáng nước ngoài (dẫn theo [12]). Theo chúng tôi, từ “quan quang” 觀光 vốn được sử dụng khá phổ biến với nghĩa đơn thuần là đi thăm, tới thăm. Trong văn cảnh này, cần hiểu với nghĩa đi sứ. Cách dùng từ “quan quang” cũng gần giống với các từ “Hoàng Hoa”, “Hoa trình”, “Hoa thiều”…có tính cách như là những uyển ngữ, nói về việc đi sứ của các nhà nho Việt Nam.

Trải qua một quá trình tìm kiếm lâu dài với công sức của nhiều người, đến nay có thể kết luận, tập thơ đi sứ của Đào Nghiễm đã thất truyền, cũng giống với tình hình chung của văn bản tác phẩm của các tác giả thời Trung đại, đặc biệt là các tác gia triều Mạc. Theo gia phả họ Đào ở làng Thiện Phiến, tập thơ này có 162 bài chữ Hán (3) nhưng xem ra không có căn cứ xác thực. Thành thử, khi đặt vấn đề sưu tầm, nghiên cứu hồ sơ tác giả Hán Nôm của những tác gia như Đào Nghiễm, giới nghiên cứu chỉ có thể tìm tòi ở các mảng tư liệu khác có liên quan mà người đời sau đã ghi chép được. Cũng chính vì thế, để đưa ra được diện mạo văn bản mang tính quy phạm (4) cho từng nhóm, từng mảng văn bản tác phẩm loại này, chúng ta phải đối mặt với một loạt các vấn đề văn bản học phức tạp cần giải quyết. 

Chúng tôi đã mở rộng tìm kiếm dị bản các bài thơ của Đào Nghiễm nói chung và thơ đi sứ của ông nói riêng tại các nguồn tư liệu thường ghi chép lẻ tẻ thơ văn của các nhà từ đời Lê về sau như Danh thần truyện kí [14], Cẩm tuyền vinh lục [16] và các nguồn văn liệu, sử liệu khác … nhưng đều không có thông tin gì. Hiện tại, chỉ có Toàn Việt thi lục (TVTL) [18] là tư liệu duy nhất chép được 27 bài thơ – đều thuộc phạm vi thơ đi sứ của Đào Nghiễm. Dẫu sao, đây hãy còn là điều may mắn so với nhiều nhà thơ khác thời trung đại. Xét văn bản của 13 bản sao TVTL hiện tồn (5), thơ Đào Nghiễm chỉ được ghi chép trong quyển 16 của 3 bản sao. Đó là các bản A.132,  A.3200 và  HM.2139/B. Trong đó, 2 bản đầu hiện lưu tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bản sau (HM.2139/B) do chúng tôi sưu tầm từ nước ngoài và được công bố gần đây (6).

Đến đây, điều phức tạp nảy sinh là: việc biện nguỵ để xác lập văn bản thơ của Đào Nghiễm có sự liên hệ mật thiết với việc chứng minh tính chân thực (trong việc ghi chép thơ văn) của các bản sao TVTL. Bởi vì, từ quyển 16 trở đi của các bản sao TVTL, là những quyển ghi chép thơ triều Mạc về sau, tồn tại nhiều nghi vấn về tính xác thực, thậm chí tồn tại những bộ phận chắc chắn nằm ngoài bộ TVTL vốn có của Lê Quý Đôn. Nhưng may mắn tiếp theo là, sau khi thẩm định chi tiết văn bản [5], chúng tôi cho rằng: đối với tác phẩm của từng tác giả cụ thể thuộc phần văn bản này, hoàn toàn có thể lấy phần diện mạo các bản sao TVTL hiện tại này làm cơ sở để tái xác lập lại văn bản. Đào Nghiễm là tác giả thuộc số ấy. Hiện trạng các quyển 16 trong 3 bản sao TVTL – là quyển ghi chép được thơ Đào Nghiễm – cụ thể như sau:

Bản A.132: Là loại văn bản do Viễn Đông bác cổ sao lại từ một bản sao triều Nguyễn. A.132 do nhiều người sao chép, lệ kiêng huý vì thế cũng không được tuân thủ triệt để ở các tập/ các quyển khác nhau. Nếu như các quyển khác đều phần nào tuân thủ lệ kiêng huý, thì phần chép quyển 16 (ít nhất là trong phạm vi thơ Đào Nghiễm) lại tuyệt không thấy xuất hiện. Quyển này ngoài chép thơ của Đào Nghiễm còn chép thơ của 16 tác giả nữa của triều đại nhà Mạc. Mở đầu là tác giả Phạm Khiêm Bính và cuối cùng là tác giả Nguyễn Quản. Văn bản chép lối chữ chân, kiểu chữ thống nhất, dễ đọc, chấm câu khá rõ ràng; tuy nhiên tự dạng xen lẫn cách viết tắt, viết tục thể, dị thể.

Bản A.3200: Đây là bản được sao chép từ một bản thời Tự Đức về sau, thể hiện rõ qua việc kị huý chữ thời 寺日. Văn bản chép lối chữ chân, kiểu chữ thống nhất, do một người chép, dễ đọc. Cũng như bản A.132, bản này có nhiều chữ viết tắt, viết tục thể, dị thể. Điều khác biệt nữa là bản này chép từ phải qua trái, chứng tỏ nó có niên đại rất muộn. Văn bản chưa chấm câu và kết thúc mỗi bài thơ đều không tách dòng như ở các bản khác mà viết tiếp liền trong cùng dòng. Đặc điểm sao chép như trên khiến người đọc khó khảo sát văn bản, mặt khác cho thấy rõ nó chưa được kiểm định, hiệu đính bởi bất kì ai. Chất lượng sao chép của bản này kém hơn A.132, thể hiện ở chỗ số lượng chữ viết sai, viết nhầm hoặc sửa chữa tuỳ tiện khá phổ biến (xem thêm: [5]).                                                              

 Bản HM,2139/B: HM.2139/B chỉ có 2 quyển 15 và 16, trong đó quyển 16 chép 101 bài thơ của 17 tác giả triều Mạc, về cơ bản giống như các quyển 16 ở những bản khác. Văn bản không có hiện tượng kiêng huý triều Nguyễn như các bản TVTL còn lại. Qua khảo sát, chúng tôi đã xác định đây là bản có niên đại triều Lê, hoặc sao chép từ một bản đời Lê [5], sớm hơn A.132 và A.3200. Văn bản chép lối chữ chân, nét đậm, chữ to, kiểu chữ thống nhất, do một người chép, dễ đọc, chấm câu rõ ràng, chữ viết đẹp, hầu như không sai sót. Chữ viết của bản này về cơ bản theo dạng phồn thể chính cách, là một điểm ưu thế nổi bật so với các bản còn lại. Đây cũng là một căn cứ xác đáng để biện luận về giá trị của bản HM.2139/B.         Thông qua phân tích sơ lược như trên, chúng tôi nhận thấy trong 3 bản sao TVTL đã khảo sát thì bản HM 2139/B có thể chọn làm bản cơ sở để tiến hành khảo dị văn bản, vì: (a) đây là bản sao TVTL đã được chứng minh là có niên đại sớm nhất, do vậy, về lí thuyết có thể là bản đáng tin cậy nhất. (b) là bản chép cẩn thận, ít sai sót, dễ đọc nhất trong 3 bản sao. (c) số lượng các bài thơ của Đào Nghiễm hoàn toàn thống nhất so với 2 bản còn lại. (d) số lượng chữ khuyết thiếu ít nhất, cộng 5 chữ tại 2 bài thơ.

2.2. Diện mạo thơ đi sứ của Đào Nghiễm trong các bản sao TVTL:

Qua khảo sát, so sánh văn bản 27 bài thơ của Đào Nghiễm trong 3 bản sao TVTL, thấy nổi rõ một số đặc điểm sau:                 

Về trình tự ghi chép: Phần chép về Đào Nghiễm của cả 3 bản đều giống nhau về thứ tự các tác giả được chép trong quyển 16 [Đào Nghiễm là tác giả thứ 16, trước là Trần Kiệt, sau là Nguyễn Quản]. Thứ tự và số lượng các bài thơ có tính thống nhất khá cao, sau phần ghi tiểu truyện về tác giả, nội dung thơ ca được chép trước hết là 2 bài cổ thể, tiếp đến là 25 bài cận thể. Trình tự các bài thơ cận thể ở bản HM.2139/B giống với A.132 và có sự khác biệt đôi chút so với bản A.3200. Sự thống nhất của 2 bản HM.2139/B và A.132 khẳng định phần chép thơ Đào Nghiễm trong 2 bản sao này đều được bắt nguồn từ một hoặc các bản sao mà ở đó chúng có mối liên hệ với nhau, là cơ sở để xác nhận tính chân thực về văn bản cao hơn so với bản A.3200.

Về tự dạng: Văn tự của cả 3 bản sao tuy đều viết lối chữ chân nhưng có sự cách biệt lớn về diện mạo. Chúng tôi lập bản thống kê chi tiết [8] và nhận thấy, A.132 có 101 chữ viết tục thể, dị thể; A.3200 có 75 trường hợp; trong khí HM.2139/B chỉ có 16 trường hợp. Lối viết của A.132 và A.3200 bộc lộ rõ sự không thống nhất, có khi cùng một chữ nhưng lúc viết dạng này, lúc viết dạng khác, còn HM.2139/B về cơ bản viết dạng chính thể. Quy cách ghi chép như vậy, ngoài việc cung cấp thông tin về người sao chép, cũng là một căn cứ cho thấy tính quy phạm của văn bản cơ sở (HM.2139/B) cao hơn các bản còn lại.

Về dị văn – dị bản: Khảo sát chi tiết ở 3 bản sao, chúng tôi thống kê, phân tích và kết luận về 16 lượt dị văn, trong đó bản A.132 và A.3200 cùng có 7 dị văn, con số này ở  HM.2139/B là 2 trường hợp [8]. Điều thú vị là hầu hết các trường hợp dị văn ở mỗi bản không tương ứng với nhau, mà xuất hiện ở vị trí các câu chữ khác nhau. Phân tích sâu vào nội dung tư tưởng và văn phong, căn cứ vào tính hợp lí của văn nghĩa và vận luật, cả 14 lượt dị văn ở các bản A.132 và A.3200 chúng tôi đều đề xuất tái xác lập theo bản HM.2139/B; còn 2 trường hợp dị văn ở HM.2139/B, tuy trong văn cảnh đều thông nghĩa nhưng chúng tôi đề nghị xác lập theo A.132 hoặc A.3200. Tuy còn có thể tiếp tục xem xét, nhưng ở cả cấp độ tổng thể và chi tiết, điều này khẳng định tính chân thực cao về văn bản của HM.2139/B.

Về tính chân thực của văn bản: Như chúng tôi đã phân tích và nhận định [5], phần chép thơ của các tác giả từ triều Mạc về sau (tức là từ quyển 16 trở đi) trong diện mạo các bản sao TVTL hiện tại có khả năng vượt ra ngoài phạm vi vốn có của bộ sách mà Lê Quý Đôn đã sao lục. Nhưng xét về tính chân thực trong việc ghi chép thơ ca của các nhà thì tính khả tín của bộ phận bản sao này cần được khẳng định. Với trường hợp thơ đi sứ của Đào Nghiễm, sau khi so sánh đối chiếu, bổ sung bổ khuyết cho nhau giữa 3 bản sao TVTL, chúng ta có được một diện mạo khả dĩ đảm bảo được tính nguyên toàn của văn bản: bao gồm cả tiểu truyện tác giả, nhan đề bài thơ, hệ thống chú giải (nguyên chú) và nội dung các tác phẩm. Hiện tại, 27 bài thơ đi sứ của Đào Nghiễm chỉ khuyết thiếu 1 chữ (7), nếu so với các giả khác cùng được chép trong TVTL thì diện mạo thơ của Đào Nghiễm thuộc loại đầy đủ nhất. Mặt khác, sau khi dịch chú toàn bộ thơ Đào Nghiễm [8], có thể khẳng định tính hoàn thiện về mặt nội dung và nghệ thuật của toàn bộ các sáng tác này.

Xét các mối liên hệ ngoài văn bản, cho đến hiện nay, thơ của Đào Nghiễm không xuất hiện trong bất cứ một tư liệu nào khác, cũng không xuất hiện nghi vấn về sự lẫn lộn với các tác giả khác như vẫn thường thấy, đồng thời phù hợp với các thông tin chỉ dẫn tư liệu – lịch sử có liên quan. Có thể khẳng định, 27 bài thơ còn lại của Đào Nghiễm được các bản sao TVTL ghi chép là đảm bảo tính chính xác, chân thực về mặt hình thức, nội dung cũng như về tác giả. Kết quả của việc so sánh đối chiếu văn bản như đã thực hiện cho phép xác lập văn bản quy phạm đối với sáng tác của Đào Nghiễm, trong đó HM.2139/B có thể coi là thiện bản. Đây là cơ sở cho việc tìm hiểu, đánh giá giá trị thơ ca của ông.

Chúng tôi xác lập danh mục 27 bài thơ đi sứ của Đào Nghiễm như sau:

1.               

江州早行次委官姚經歴詩韻  Giang Châu tảo hành, thứ uỷ Quan Diêu kinh lịch thi vận

15.            

烏蠻灘 Ô Man than

 

2.               

秋懷次委官姚經歴詩韻 Thu hoài thứ uỷ Quan Diêu kinh lịch thi vận

16.            

潯江舟行 Tầm Giang chu hành

3.               

鳳城早彂 Phượng Thành tảo phát

17.            

經柳州 Kinh Liễu Châu

4.               

諒山道中 Lạng Sơn đạo trung

18.            

桂江月Quế Giang nguyệt

5.               

宿坡壘驛 Túc Pha Luỹ dịch

19.            

次韻答姚經歴送行 Thứ vận đáp Diêu kinh lịch tống hành

6.               

思明江行 Tư Minh giang hành

20.            

鷄籠山 Kê Lung sơn

7.               

登太平城 Đăng Thái Bình thành

21.            

和尚山 Núi Hoà Thượng

8.               

太平江津夜宿 Thái Bình giang tân dạ túc

22.            

邕州晚行次姚經歴韻 Ung Châu vãn hành, thứ Diêu kinh lịch vận

9.               

江州 Giang Châu

23.            

簡委官姚良知 Giản uỷ quan Diêu Lương tri

10.           

響湖 Hưởng Hồ

24.            

三公廟 Tam Công miếu

11.           

秋江 Thu giang

25.            

黃范驛 Hoàng Phạm dịch

12.           

永淳津晚望 Vĩnh Thuần tân vãn vọng

26.            

火煙驛 Hoả Yên dịch

13.           

三十里灘 Tam Thập Lí than

27.            

海棠梂 Hải đường cầu

14.           

伏波廟 Phục Ba miếu

 

Tổng cộng: 27 bài

Danh mục thơ của Đào Nghiễm tổng hợp từ các bản sao TVTL

Với chỉ 27 bài thơ còn lại được xác lập hoàn thiện sau khi khảo dị văn bản, rõ ràng rất khó có cơ sở thuyết phục để khẳng định vị trí quan trọng của Đào Nghiễm trên thi đàn văn học dân tộc nói chung. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử văn học triều Mạc vốn có số lượng tác giả ít ỏi, thì sự hiện diện thơ ca Đào Nghiễm có ý nghĩa không nhỏ trong việc bổ sung và khái quát về diện mạo thơ ca thời kì này. Mặt khác, chính giá trị tư tưởng, nghệ thuật và phong cách thơ ca mới là điều quyết định vị trí của một tác giả trong lịch sử văn học của thời đại.

3. Bước đầu tìm hiểu giá trị thơ đi sứ của Đào Nghiễm

Đào Nghiễm là một nhà thơ có phong cách trong số không nhiều những nhà thơ triều Mạc. Thơ của ông thanh thoát, bình dị, không ưa cầu kì, bí hiểm. Bên cạnh những bài thơ đề vịnh thiên nhiên, thù tạc, điếu cổ … còn có nhiều bài biểu đạt tinh thần ưu thời mẫn thế, bộc lộ suy tư sâu sắc của nhà thơ trước những vấn đề chính trị, quốc sự đặt ra đương thời. Đối với một nhà thơ có phong cách thì tư tưởng – tình cảm thường vượt thoát khỏi giới hạn của đề tài hay chủ đề. Trên thực tế, nếu khảo sát rộng thơ đi sứ Việt Nam trong lịch sử, có thể thấy các mảng đề tài trên cũng là “khung” đề tài chung bao quát thơ sứ trình của các nhà. Tuy thế, điều này tuyệt không phải là biểu hiện của sự gò bó, như có người từng nhận định, cho rằng thơ đi sứ nói chung là công thức, khuôn sáo, đơn điệu. Đọc thơ Đào Nghiễm trước hết ta nhận thấy trong thơ ông một khát vọng lớn của một trang nam nhi đầy hoài bão, mong muốn đem thân hứa quốc. Câu thơ nào cũng tràn đầy trách nhiệm trước thời cuộc. Trong bài Tư Minh giang hành 思明江行, cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ của đất trời như khắc tạc nỗi lòng sâu kín mà tung hoành, dữ dội của nhà thơ: Hồ thỉ tứ phương nam tử sự, Tráng hoài ứng bất phụ bình sinh (Bốn phương hồ thỉ là việc đấng nam nhi phải trải, Tráng chí không để phụ hoài bão bình sinh). Hình ảnh lồng lộng cao cả của kẻ sĩ trượng phu ruổi cùng tiếng ngựa hí là một hình ảnh mới lạ, hào sảng: Thiên cù như thuỷ thự quang nồng, Sứ tiết sơ từ Phượng các đông. Hoa phổ xung hàn cừu đái nguyệt, Liễu kiều sấn hiểu mã tê phong (Đường trời như nước, ánh ban mai nồng đậm, Sứ thần vừa nhận mệnh từ biệt phía Đông gác phượng. Áo cừu mang ánh trăng, xông pha cái rét bến hoa, Tiếng ngựa hí trước gió, sáng sớm đi trên cầu liễu – Phượng thành tảo phát 鳳城早發) (8). Ra khỏi kinh thành, sứ giả ngoái nhìn lại đế Kinh, lạc quan mai ngày trở về tươi sáng, với cảnh tượng mây ngũ sắc đỏ rực ngự trên bầu trời. Phải là một người nặng lòng với đất nước, cùng ý thức dấn thân nhiệt huyết mới có tâm trạng như thế: Thủ bí từ từ hồi thủ vọng, Trường An chỉ xích ngũ vân hồng (Tay nắm cương thong thả ngoái lại trông, Tràng An chỉ cách trong gang tấc, mây ngũ sắc đỏ rực – Phượng thành tảo phát) [10]. Ở bài Tầm giang chu hành 潯江舟行 nhà thơ viết:  Dao huyệt cốt hàn khê thảo hợp, Thú thành tích cổ dã hoa khai, Cố dư tráng chí hàng nan đắc, Trượng kiếm thời thường đối tửu bôi (Bên hang vùng Dao xương lạnh cỏ phủ kín bờ khe, Biên thành dấu cũ nay hoa rừng đua nở. Ngoảnh đầu tráng chí sao có thể chịu khuất, Thường chống gươm soi mình trong chén rượu). Tự xưa, hùng tâm tráng chí vốn đã được coi như phẩm chất đo đạc nhân cách con người, đó là phẩm chất chung của bậc tráng sĩ đồng thời là kẻ sĩ luôn tâm niệm “vị thời nhi hành”. Đến đất Ung Châu, trước cảnh sông nước buổi chiều ráng đỏ, nhà thơ tỏ bày tâm nguyện ấy của mình: Tráng hoài đầu Hán viễn,  Kính tiết ngạo sương thê (Hoài bão thả tới chốn đất Hán xa xôi, Tiết tháo ngạo  nghễ cười trước gió sương – Ung Châu vãn hành, thứ Diêu kinh lịch vận 邕州晚行次姚經歴韻)Câu thơ là lời tự nhủ lòng của tác giả, để không thẹn khi lên cao nhìn ngắm sơn hà một dải. Có thể nói, xuất phát từ tâm thực, Đào Nghiễm đã có những vần thơ xứng đáng được liệt vào loại hay nhất triết lí về chí nam nhi. Trong 27 bài thơ, chúng tôi thống kê được hơn 10 lần nhà thơ trực tiếp bày tỏ lẽ sống lớn lao ấy.

Cùng với việc thể hiện khát vọng của một trang nam nhi đất Việt có chí lớn, thơ Đào Nghiễm còn thể hiện tấm lòng sâu nặng của ông đối với đất nước. Ở bài Thái Bình giang tân dạ túc太平江津夜宿, nhà thơ đưa người đọc vào một khung cảnh bình yên, có sông nước mênh mông hoang vu, có ánh đèn ở làng chài hiu hắt, trăng thanh gió mát đã đưa kẻ lữ khách vào giấc mộng bình an. Nhưng trong giấc mộng ấy, nỗi đau đáu về quê hương vẫn thường trực hiện hữu. Lữ khách ruổi theo cánh chim hồng để trở về cố quốc, tình cảm thật chân thành xúc động: Minh nguyệt mãn thuyền hoà tửu hứng, Thanh phong bán chẩm khởi thi trường. Khách trung tự hữu bình an mộng, Dĩ trục thu hồng đáo cố hương (Trăng sáng đầy thuyền hoà tửu hứng, Gió mát lay gối làm khởi dậy tứ thơ lòng. Kẻ lữ khách từ khi chìm vào giấc mộng bình an, Đã ruổi theo cánh chim hồng mùa thu về với cố hương). Đi sứ, gánh nặng đường xa, mỗi lần lưu bút đề thơ đều nhớ trọng trách với đất nước. Vượt ngàn vạn dặm để bày tỏ tấm tình giao hảo, chỉ mong sớm đến nơi để hoàn thành sứ mệnh của mình, mong báo được hai chữ bình yên về trời Nam. Câu thơ đầy ngụ ý này nói điều đó: Trung thu nhật nguyệt phổ quang minh, Tiểu quốc kì thân tựu vọng tình, Thiều đệ quan san thiên vạn lí, Khách trình hà nhật đáo thần kinh (Trung thu trăng và mặt trời đều sáng rõ khắp nơi, Thân chinh mong được gửi tấm tình nước nhà. Xa xôi quan ải nghìn vạn dặm, Khách phương Nam ngày nào sẽ tới kinh đô – Giản uỷ quan Diêu Lương tri 簡委官姚良知)…

Bên cạnh tấm lòng sâu nặng đối với đất nước và dân tộc, thơ Đào Nghiễm còn thể hiện rất chân thực những tâm sự ưu thời, mẫn thế. Ở bài thơ  Thu hoài thứ uỷ quan Diêu kinh lịch thi vận 秋懷次委官姚經歴詩韻, nhà thơ mượn hình ảnh một chiếc lá bay ở cõi đời, một áng mây cô đơn rụng xuống để thể hiện nỗi cô đơn của mình trên con đường đi sứ xa xôi. Sâu xa hơn nữa ta bắt gặp ở đây một triết lí về cuộc đời: chiếc lá cô đơn ở cõi người tương đồng với áng mây cô đơn ở trên trời, cõi đời thì rộng lớn, kiếp người thì chỉ như chiếc lá mà thôi: Nhân gian nhất diệp phiêu, Thiên tế cô hà lạc (Con người ở chốn nhân gian tựa một chiếc lá bay, Nơi góc trời có áng mây cô đơn rụng xuống). Trên hành trình gập ghềnh thế sự, đã hơn một lần kẻ sĩ cảm thấy cô đơn buồn hận kiếp người, nhưng người tự hẹn với mây trời, với sương khói để quên đi nỗi cô đơn mà chủ động dấn bước. Những vần thơ tự dặn lòng mình ở đây thật chân thật: Thanh phong ước bất cô, Minh nguyệt lân phi ác (Ước hẹn với gió mát chẳng cô đơn, Trăng sáng bao quanh chẳng phải là chán). Cõi người ngắn ngủi, sương thu mấy lần thay đổi, mái tóc đã bạc trắng, mặc dù vậy chí hướng hào sảng của trang nam nhi vẫn không thay đổi: Sương cải mấn hoa tân, Tráng chí hồn như tạc (Dẫu gió sương gội mái đầu bạc trắng, Nhưng chí hào tráng vẫn như xưa)Ở bài thơ Vĩnh Thuần tân vãn vọng 永淳津晚望, nhà thơ đã dùng bút pháp tả cảnh ngụ tình để thể hiện nỗi niềm của mình khi bâng khuâng độc ẩm lúc trời chiều: Bút hạ sơn xuyên thù thắng cảnh, Tửu trung hiền thánh đối tà huy (Trận bút hoạ núi sông nâng chén thù cùng cảnh đẹp, Trong chén rượu bậc hiền nhân đối diện với ánh chiều tà). Suy tưởng của kẻ trí giả hiền đức dường như  sâu sắc hơn khi đối diện với vũ trụ vô cùng vô tận. Dưới bóng cây mộc miên đang dịch chuyển, trước bốn bề mây khói, trước dòng nước chảy bất tận, tầm mắt rộng mở, ta bâng khuâng tự hỏi: khúc sông này chảy về đâu? Thuyền phu đáp rằng: dòng sông này chảy từ Vĩnh An tới. Sự ngược chiều giữa câu hỏi của nhà thơ và câu trả lời của thuyền phu đã gợi cho người đọc liên tưởng tới một triết lí nhân sinh: cuộc đời của con người ai cũng đều biết rõ từ đâu mà sinh ra, nhưng cuộc đời ấy sẽ đi về đâu nào ai biết trước được: Mộc miên ảnh lí nhậm bồi hồi, Tứ cố vân yên nhãn giới khai. Tiếu vấn giang kì hà xứ khứ, Chu nhân đạo tự Vĩnh An lai (Hoàng Phạm dịch 黃范驛). Trong trường hoài niệm tương tư ấy, Đào Nghiễm suy ngẫm nghiêm túc về số phận con người. Rung động thực sự trước nhân cách và tài năng người xưa khiến một loạt bài thơ điếu viếng cổ nhân của Đào Nghiễm không mang khẩu vị suông nhạt thường thấy ở loại thơ này. Khi đi qua đất Liễu Châu, Đào Nghiễm tưởng nhớ Liễu Tông Nguyên – một nhân tài nhưng có số phận oan nghiệt: một kẻ sĩ có lòng trung trinh nhưng bị đời ô trược gièm pha, bị biếm truất rồi ôm hận ra đi nơi đất khách quê người. Trong con mắt của Đào Nghiễm, cái chết của Liễu Tông Nguyên làm hiu quạnh cả một chân trời. Bức thành trơ trọi nơi ngày xưa Liễu Tông Nguyên đăng cao ngóng quê nay cây cối vẫn như xưa, còn người hiền nay ở đâu? Viết về người xưa mà lại chứa chan tâm sự thời thế, đó chính là cái hay của bài thơ Kinh Liễu Châu 經柳州: Khi khu lĩnh ngoại thán đầu hoang, Vạn lí vô liêu tư diểu mang. Tích lịch kiêm hàm thu vũ ngạn, Linh lung quất thấu tịch dương tường. Hà Đông lộ viễn tần hao mục, Giang thượng lâu cao kỉ đoạn trường. Sùng sùng thiên nhai nhân khứ hậu, Cô thành y cựu thuỷ vân hương (Đường núi gập ghềnh than nỗi đến nơi hoang vu, Đường dài muôn dăm lòng sầu vương man mác. Sậy trên bờ sông mang giọt sương thu lao xao, Quýt ở mé tường ánh chiều tà chiếu rọi lóng lánh. Đường Hà Đông xa trông mỏi mòn con mắt, Lầu bên sông cao bao phen đứt ruột. Con người ấy qua đời làm hiu quạnh cả một chân trời, Bức thành trơ trọi ở nơi này mây nước vẫn còn nguyên như xưa) [10]. Hình ảnh một nhà thơ luôn chan chứa với cuộc đời, nặng lòng với non sông, ưu hoài trước thế sự và trầm tư chiêm nghiệm cõi nhân sinh dường như hoà quyện, cô đặc trong thơ Đào Nghiễm…

Về nghệ thuật, nổi bật nhất trong bút pháp ngôn ngữ thơ Đào Nghiễm là sự khai thác triệt để hiệu quả của thủ pháp đối và sử dụng từ song thanh điệp vận. Điều đáng nói hơn, những “thủ pháp” ấy bao giờ cũng được biểu đạt rất tự nhiên chứ không kiểu cách, cầu kì. Đây là một cặp đối trong bài Giang Châu tảo hành thứ uỷ Quan Diêu kinh lịch thi vậnKhinh khinh tố Hán tra, Kiêu kiêu thừa phong hạc. Cặp đối này sử dụng hai từ song thanh, “khinh khinh” và “kiêu kiêu”, thể hiện sự nhẹ nhàng của chiếc thuyền đang lướt sóng và cảm giác lâng lâng của chim hạc cưỡi gió. Còn cặp đối sau đây vừa miêu tả được vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên vừa thể hiện được tâm trạng phơi phới của tác giả: Bảo mã dị xung hàn khí túc, Cẩm cừu khinh đái nguyệt quang hàn (Ngựa quí dễ xông pha nơi sương khí, Áo gấm nhẹ mang ánh trăng sáng lạnh –  Phượng Thành tảo phát). “Bảo mã” và “cẩm cừu” là hai thứ quí giá, bảo mã thì sẵn sàng xông pha nơi sương giá, áo gấm nhẹ mang trên mình khiến kẻ anh hùng lồng lộng dưới ánh trăng. Nghệ thuật đối cùng với bút pháp ngôn ngữ thuần hồn, điển nhã thường cũng làm cho ý thơ lung linh đa nghĩa hơn: Tuyền dẫn dao tranh quy chẩm đạm, Nguyệt tương ngọc kính trú lan can (Suối đưa tiếng đàn ngọc về gối nệm, Trăng hắt ánh gương trong dừng lại ở lan can – Túc Pha lũy dịch 宿坡壘驛). Vẻ đẹp của suối ngọc và bóng trăng được làm nổi bật nhờ sự đối nhau của các hình ảnh: tuyền dẫn và nguyệt tương. Dư âm của những câu thơ như thế không hề bị gò bó, câu thúc bởi khung phạm niêm luật. Trong 27 bài thơ Đào Nghiễm, chúng tôi thống kê được tác giả sử dụng 15 cặp từ lấp láy, là những từ như 輕輕 khinh khinh, 矯矯 kiêu kiêu, 徐徐 từ từ, 蒼蒼 thương thương, 重重 trùng trùng, 泛泛 phiếm phiếm, 迢迢 thiều thiều…, phần lớn là những từ miêu tả trạng thái, đa nghĩa, vừa biểu thị hình ảnh – màu sắc thiên nhiên, vừa thể đạt được tâm thế con người. Nghệ thuật sử dụng từ lấp láy trong thơ Đào Nghiễm đạt đến độ tài hoa,  tinh tế. Điều này góp phần quan trọng khiến cho thơ ca của ông đi vào tâm hồn độc giả một cách tự nhiên, thuần thành hơn.

*

Qua tổng hợp, phân tích tư liệu và sơ bộ khái quát về mảng thơ đi sứ của Đào Nghiễm, có thể nhận thấy, tuy số lượng không nhiều, nhưng thơ ca Đào Nghiễm là những tác phẩm thực sự có giá trị nhiều mặt. Thơ ca của ông hiện có thể còn tản mát ở nhiều tư liệu khác nhau, mà xét về mặt văn bản, hiện trạng của hệ thống tư liệu ấy còn nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết. Việc sưu tầm, tập hợp, phân loại, thẩm định tư liệu liên quan để tiến tới xác lập hồ sơ tác gia – tác phẩm Hán Nôm Đào Nghiễm là một đòi hỏi bức thiết, nhằm khẳng định vị trí của ông trên văn đàn văn học đời Mạc nói riêng và lịch sử văn học dân tộc thời trung đại nói chung.

Chú thích

(1). Đào Nghiễm 陶 儼 (1496 – ?), tự Nghĩa Xuyên, người xã Thiện Phiến huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên – một vùng quê nổi tiếng về khoa cử và Nho học, nơi tập trung văn hiến của cả một dải đất đông nam Kinh kì. Đào Nghiễm là cháu ba đời của Đào Công Soạn – danh thần, sứ thần, nhà thơ nổi tiếng đời Lê Thái Tổ (1428 – 1433); là cha của Đào Phạm – danh thần triều Mạc. Đào Nghiễm đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Thống Nguyên năm thứ hai (1523) đời Lê Cung Hoàng, sau đó làm quan cho nhà Mạc tới chức Tả thị lang bộ Binh kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Đạt Nghĩa Hầu. Ông là một trong số những nhân vật trọng yếu của lịch sử triều Lê – Mạc. Bên cạnh những đóng góp to lớn về chính trị đã được ghi nhận, Đào Nghiễm còn để lại một di sản thơ ca có giá trị, cần được khai thác và giới thiệu.  Thời đoạn lịch sử đầy biến động mà Đào Nghiễm sống đã ảnh hưởng không nhỏ đến con người, sự nghiệp và tư tưởng của ông. Là một nhà Nho chân chính và đỗ đạt cao, ông đã từng làm quan cho nhà Lê. Nhưng với nhãn quan lịch sử sáng suốt, giống như nhiều trí thức nổi tiếng đương thời, ông đã nhận ra sự tiến bộ tích cực trong những chính sách của nhà Mạc đối với sự thay đổi và phát triến của đất nước. Với tấm lòng ưu dân ái quốc, Đào Nghiễm đã ra làm quan cho nhà Mạc, những mong thực hiện chí hướng và khát vọng của một nhà Nho luôn trăn trở với triết lí sống “vị thời nhi hành”. Về các nhân vật nổi tiếng trực hệ với Đào Nghiễm, đáng chú ý có Đào Công Soạn và Đào Phạm: 1 –  Đào Công Soạn 陶公僎 (1381 – 1458) – tự Tân Khanh, có sách chép là Bảo Khanh. Năm Bính Ngọ 1426, vua Lê tuần du Đông Đô, mở khoa thi, ông dự thi và đỗ đầu trong số trúng tuyển tất cả là 32 người. Ông được bổ làm Hoàng môn thị lang, Tham tri chính sự. Rồi đi sứ Minh, về nước thăng làm Thượng thư bộ Hộ.. 2 – Đào Phạm 陶範 (? – ?) – Tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Thuần Phúc Nhà Mạc, làm quan tới chức Thị lang bộ Lễ. (xem thêm: [1]).                                                                            (2). Xin xem: Phan Huy Chú [1] và tiểu truyện về Đào Nghiễm trong TVTL [18].

(3) Dẫn theo [8], [12]. Hiện trạng ghi chép của tài liệu gia phả này có phần lộn xộn, lẫn cả chữ Hán và chữ quốc ngữ, do thế không nên tin chắc mà cần kiểm định thêm.                                        

(4). Khái niệm “văn bản quy phạm” do GS Đặng Đức Siêu đề xuất (xin xem – [5]), khác đôi chút với các khái niệm thường dùng như thiện bản, cảo bản, bản gốc, bản trục, bản nền, bản sao… Theo đó, văn bản quy phạm có thể chỉ là một loại văn bản giả định, được tái xác lập và chứng minh tính chân thực thông qua hệ thống các bản sao và tư liệu khác nhau.                                         

(5). Chi tiết về các vấn đề văn bản của TVTL và phần văn bản chép thơ Đào Nghiễm, xin xem một số nghiên cứu liên quan của chúng tôi: [5], [6], [7], [8].

(6). HM.2139/B lưu tại Thư viện Paris, kí hiệu do chúng tôi phục nguyên, là một đơn vị văn bản độc lập được đóng kèm với 1 bản TVTL khác (HM.2139/A). Đây là một “văn bản kép”, theo cách nói của GS Nguyễn Huệ Chi. (Xin xem thêm [5], [7] và dẫn giải tiếp theo).                            

 (7). Sau khi bổ khuyết văn bản, 1 chữ khuyết thiếu thuộc bài Vĩnh Thuần tân vãn vọng.           

(8). Theo bản dịch của Tổng tập văn học Việt Nam [10].                                 

(9). Liễu Tông Nguyên 柳宗元 (773 – 819), tên chữ là Tử Hậu, người Hà Đông, lúc đầu làm Lam Điền uý, sau tham gia vào phe của Vương Thúc Văn. Văn bị gièm, bị đổi làm Vĩnh Châu tư mã, rồi Thứ sử Liễu Châu. Quan điểm chính trị của Liễu Tông Nguyên tiến bộ, chủ trương văn chương phải có tính hiện thực. Tác phẩm có "Liễu Châu thi tập".

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

[1]. Phan Huy Chú (2008), Lịch triều hiến chương loại chítập 1, Nxb GD.

[2]. Trần Văn Giáp (Chủ biên) (1971), Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1, Nxb KHXH, H.         

[3]. Trần Văn Giáp (1973), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam, tập 1, Thư viện Quốc gia, H.                                                       

[4]. Trần Văn Giáp (1990), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam, tập 2, Nxb KHXH, H.                                                                 

[5]. Hà Minh (2007), Nghiên cứu văn bản Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, LA, ĐHSP Hà Nội.

[6]. Hà Minh (2006), Có bản sao Toàn việt thi lục ở Trung Quốc, Tạp chí Hán Nôm, số 4.          

[7]. Hà Minh – Nguyễn Thanh Tùng (2005), Giới thiệu tình hình văn bản và giá trị một số bộ thi tuyển chữ Hán tiêu biểu của Việt Nam thời trung đạiTạp chí Khoa học, ĐHSP Hà Nội. Số 5.                        

[8]. Nguyễn Thị Hằng Nga (2012), Luận văn Thạc sĩ, ĐHSP Hà Nội.            

[9]. Trần Nghĩa – Franscois Gros (Chủ biên) (1993), Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu (3 tập), Nxb KHXH, H.                                                                 

[10]. Tổng tập văn học Việt Nam, tập 5 (2000), Nxb KHXH, H.                    

[11]. Thơ đi sứ (Phạm Thiều, Đào Phương Bình...) (1993),  Nxb KHXH, H. 

[12]. http:// vi.wikipedia.org/ (và các tài liệu liên kết về Đào Nghiễm).           

[13]. Hà Minh - Nguyễn Hằng Nga (2012), Về văn bản thơ ca của Đào Nghiễm trong các bản sao Toàn Việt thi lục, Thông báo Hán Nôm học – 2012, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

[14].名 臣 傳 記 , A.508. Viện Nghiên cứu Hán Nôm.                                   

[15]. 大 越 歷 朝 登 科 錄 , A. 2040. Viện Nghiên cứu Hán Nôm.    

[16]. 錦 族 榮 錄 , A.1324. Viện Nghiên cứu Hán Nôm.        

[17].名 賢 登 科 致 仕 帳 文, A.2071. Viện Nghiên cứu Hán Nôm.  

[18]. 全越詩錄 , A.132; A.3200. Viện Nghiên cứu Hán Nôm; HM.2139/B. ĐHSP Hà Nội.

Tóm tắt: Bài viết giới thiệu, khảo sát về văn bản và tác phẩm thơ đi sứ của Đào Nghiễm, một nhà hoạt động tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực ở thế kỉ XVI. Trên cơ sở thẩm định tính chân thực về mặt văn bản và dịch chú tác phẩm, chúng tôi phân tích và đánh giá khái quát giá trị của mảng văn bản tác phẩm này. Đồng thời đặt vấn đề cần nghiên cứu, khảo luận cụ thể để xác lập hồ sơ tác gia Hán Nôm của Đào Nghiễm nhằm khẳng định đóng góp của ông cho diện mạo lịch sử văn học đời Mạc.

The article introduces and studies going away poems by Dao Nghiem, an outstanding activist in a variety of fields in the sixteenth century. On the basis of evaluation of the authenticity of the texts and translation work, the artistic value of this work  is analyzed and evaluated. Meanwhile, the author of this article raise research questions, and investigae to establish the profile of Dao Nghiem as a Sino – Nom author to acknowledge his contribution to the literary history of Mac dynasty.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020