Hán nôm

Một số vấn đề về công tác tổ chức minh giải văn bản tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường


15-10-2020
Tác giả: TS Hà Minh

Các tác phẩm văn học Hán Nôm có một vị trí quan trọng đặc biệt trong chương trình ngữ văn ở nhà trường các cấp. Theo thống kê sơ bộ, các tác phẩm này chiếm khoảng 1/4 thời lượng chương trình dành cho phần đọc hiểu - phân tích, giảng bình tác phẩm văn học ở nhà trường THCS và THPT. Việc tiếp cận, giảng dạy các tác phẩm này sẽ góp phần bồi dưỡng năng lực, rèn luyện nhân tài, hình thành nhân cách người học sinh.

1. Tổ chức minh giải văn bản tác phẩm văn học Hán Nôm theo định hướng “từ chữ nghĩa đến văn bản, tác phẩm”

 Các tác phẩm văn học Hán Nôm có một vị trí quan trọng đặc biệt trong chương trình ngữ văn ở nhà trường các cấp. Theo thống kê sơ bộ, các tác phẩm này chiếm khoảng 1/4 thời lượng chương trình dành cho phần đọc hiểu - phân tích, giảng bình tác phẩm văn học ở nhà trường THCS và THPT. Việc tiếp cận, giảng dạy các tác phẩm này sẽ góp phần bồi dưỡng năng lực, rèn luyện nhân tài, hình thành nhân cách người học sinh.

Trong quá trình tiếp nhận, dạy học tác phẩm văn học Hán Nôm, giáo viên và học sinh gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó là cách bức về mặt ngôn ngữ văn tự, rào cản về phương diện văn hoá, lịch sử, tư tưởng...Trong khi sách giáo khoa chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp các thông tin cần yếu về văn bản - tác phẩm thì việc biên soạn các công trình tham khảo bổ trợ nhằm cung cấp tư liệu về văn bản tác phẩm có lien quan sẽ có một ý nghĩa và vai trò vô cùng to lớn.

Bên cạnh cung cấp tư liệu về văn bản, việc tìm một con đường khoa học để thâm nhập một cách tích cực vào văn bản tác phẩm cũng là một đòi hỏi bức thiết. Xuất phát từ yêu cầu và phương pháp của khoa ngữ văn học và văn bản học Hán Nôm, trên cơ sở tổng kết và vận dụng thành quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi xin bước đầu hệ thống hóa và đề xuất phương pháp “tổ chức minh giải văn bản tác phẩm văn học Hán Nôm theo định hướng từ chữ nghĩa đến văn bản, tác phẩm. Đây là một định hướng và phương pháp giúp tiếp cận văn bản tác phẩm một cách tối ưu.

Minh giải văn bản là cụm thuật ngữ được các nhà văn bản học Hán Nôm sử dụng rộng rãi. Trong giới nghiên cứu Hán Nôm, minh giải văn bản thường được hiểu có nhiệm vụ chính là tổ chức dịch thuật và chú thích - dẫn giải cho văn bản. Nhưng đối với nhà trường các cấp, nội dung công tác tổ chức minh giải văn bản cần được mở rộng phạm vi, công việc này có thể bao quát tất cả các khâu đoạn nhằm giải thích tất cả các khía cạnh liên quan đến việc hiểu và đánh giá chuẩn xác giá trị của văn bản - tác phẩm.

Đường hướng trọng tâm của công tác này cần được xác định rõ như sau: Trên cơ sở các tư liệu về văn bản (hệ thống dị bản - bản sao) tiến hành phân tích, so sánh, đối chiếu, biện luận để tìm ra một văn bản có tính quy phạm, khả dĩ phản ánh trung thực nhất ý đồ của người tạo tác ra văn bản. Từ đó, căn cứ vào chữ nghĩa của văn bản, tiến hành giải thích, phân tích văn bản một cách chi tiết, nhằm cung cấp những định hướng cho tìm hiểu các phương diện giá trị của tác phẩm.

Như vậy, minh giải văn bản là khâu đoạn cơ sở, có tính chất nền tảng, giúp cho việc thẩm định các tác phẩm Hán Nôm với tất cả giá trị chân xác của nó. Giảng dạy văn học hiện nay rất coi trọng vấn đề đọc hiểu văn bản. Minh giải văn bản chính là thao tác khoa học hướng đến mục tiêu giúp cho việc đọc hiểu văn bản một cách tích cực nhất. “Từ chữ nghĩa đến văn bản, tác phẩm” là con đường xuất phát từ nghiên cứu các phương diện đời sống và ngôn từ của văn bản để từ đó đi sâu vào các khía cạnh nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Không thể hiểu được giá trị của tác phẩm nếu như không hiểu được chất liệu tạo nên tác phẩm ấy. Đối với các tác phẩm Hán Nôm, vốn có nhiều cách bức với người đọc hôm nay thì công việc này lại càng trở nên cần thiết.

 

2. Những khâu đoạn cơ bản của công tác tổ chức minh giải văn bản tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường           

 

Về cơ bản, tiến hành tổ chức minh giải văn bản tác phẩm văn học Hán Nôm cần căn cứ trên thực tế đối tượng từng văn bản cụ thể. Dừng lại ở yêu cầu phục vụ cho giảng dạy văn học cổ trong nhà trường, một cách chung nhất, theo chúng tôi, tổ chức minh giải văn bản - tác phẩm gồm có các thao tác/ công việc cụ thể sau đây:

2.1. Tập hợp, sưu tầm tư liệu văn bản:

Do điều kiện thực tế, các tác phẩm văn học Hán Nôm được tuyển giảng trong nhà trường hiện nay chỉ giới thiệu được một văn bản (theo một bản sao - dị bản) nhất định; có khi là văn bản do các nhà nghiên cứu tái xác lập trên cơ sở tổng hợp, đối chiếu, lựa chọn câu chữ từ các dị văn của một số dị bản nào đó và không có thông tin khảo dị cũng như thông tin phân tích dị văn. Phần lớn các văn bản được chọn có thể coi là đảm bảo được các yêu cầu cơ bản của một văn bản mang tính chất quy phạm; nhưng cũng có không ít văn bản, do không cập nhật được các thành tựu nghiên cứu mới nên đã bộc lộ những bất cập nhất định. Trong khi, nhu cầu tiếp nhận văn bản tác phẩm của giáo viên và học sinh luôn đòi hỏi phải được tiếp cận với các văn bản chuẩn, và hơn thế là phải biết được đời sống của văn bản trong quá trình truyền bản của nó. Vì thế, việc tìm tòi, tập hợp tư  liệu văn bản của tác phẩm có một ý nghĩa then chốt. Phần lớn giáo viên và học sinh không có điều kiện tìm hiểu và sưu tập tư liệu theo hướng này, do vậy cần có những bộ tư liệu chuẩn về văn bản tác phẩm để người giảng dạy và học tập tham khảo. Trong việc sưu tập tư liệu văn bản, thì việc sưu tầm cả các văn phẩm dịch đã có cũng là vấn đề cần thiết.

2.2. Phân tích, đối chiếu so sánh dị bản - dị văn qua các truyền bản:

Có trong tay tư liệu về văn bản, nhưng xử lí nó như thế nào để gạn được những thông tin cần thiết cho nghiên cứu và giảng dạy là công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi một năng lực khoa học thực sự. Chúng tôi cho rằng, đối với giáo viên các cấp, việc rèn luyện thao tác phân tích, đối chiếu so sánh dị bản - dị văn qua các truyền bản là thao tác đầu tiên cần chú ý. Thông qua so sánh, đối chiếu dị bản, dị văn, một mặt có thể giúp hình dung được đời sống của văn bản trong quá trình lưu truyền của nó, mặt khác sẽ có thêm được nhiều cơ sở để biện luận, so sánh với văn bản đã được chọn dùng trong sách giáo khoa (văn bản tạm được coi là quy phạm), từ đó mà có thể có những cơ sở nhằm đi sâu tìm hiểu các phương diện giá trị của tác phẩm. Cần lưu ý, văn bản quy phạm Hán Nôm có thể chỉ là văn bản giả định, nên cùng với việc giới thiệu - đưa văn bản ấy vào đời sống, vẫn cần tiếp tục khảo luận để tìm ra một định bản tốt hơn, đảm bảo các tiêu chí văn bản học ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn.

Chúng tôi quan niệm, người giảng dạy ngữ văn thạo nghề, trước hết và đồng thời phải có tri thức và phương pháp văn bản học (trong trường hợp này là văn bản học trên cơ sở di sản Hán Nôm) một cách vững vàng; đồng thời phải biết đòi hỏi được nhà nghiên cứu chuyên ngành cung cấp các thông tin khoa học xác thực về văn bản liên quan . Có như vậy (họ) mới xử lí được tốt nhất những vấn đề học thuật và phương pháp nảy sinh trong quá trình hướng dẫn học sinh tiếp nhận văn bản tác phẩm. Không nên cho rằng đối tượng tiếp nhận văn bản trong nhà trường là học sinh - chỉ có trình độ tiếp nhận hạn chế, không cần biết đến các thông tin quá sâu - quá hẹp về quá trình truyền bản và định bản của văn bản tác phẩm…để rồi tự cho phép bỏ qua các thao tác xử lí về văn bản.

2.3. Xác định và đánh giá “văn bản quy phạm”:

Văn bản quy phạm nói đến ở đây hiểu với nghĩa: là văn bản được đánh giá là đáng tin cậy nhất, thể hiện được trung thành nhất ý đồ của tác giả (nguyên tác) (xem thêm [1]). Phần lớn bản tác giả (bản gốc) của di sản Hán Nôm đã thất truyền nên hầu như khi tiếp xúc với di sản của quá khứ, chúng ta chỉ được làm việc với hệ thống bản sao. Mà hệ thống bản sao này, luôn tồn tại những vấn đề văn bản phức tạp. Như đã nói, phần lớn các văn bản được chọn dùng trong sách giáo khoa thường được xem là sản phẩm tốt nhất của công tác văn bản học. Nhưng với thực tế khảo sát hiện trạng của văn bản tác phẩm Hán Nôm hiện nay, về nguyên tắc, không thể coi những kết quả đã làm được là hoàn bị. Vì thế, nhà trường cần phải được cập nhật với các thông tin nghiên cứu hữu quan một cách sớm nhất. Một mặt khác, nhiều soạn giả SGK, do quan điểm riêng cũng như do phạm vi tư liệu bao quát được không rộng, nên nhiều khi đã chọn những văn bản lạc hậu, giải thích - chú giải văn bản sơ sài, thiếu tính khoa học và độ xác thực.

Cho nên, một cách lí tưởng, người giáo viên nên có trình độ tự thẩm định văn bản; coi văn bản trong SGK là cơ sở để qua phân tích văn bản học mà đánh giá tính chất và giá trị quy phạm của nó. Nếu văn bản dùng trong SGK được coi là tốt nhất thì cũng cần có thêm những chứng tích cơ yếu về văn bản để khẳng định giá trị của văn bản đã được lựa chọn ấy. Đường hướng tiếp cận tác phẩm qua đó sẽ được mở rộng thêm.

2.4. Tìm hiểu về tác giả, mối liên hệ giữa văn bản với bối cảnh lịch sử - văn hoá thời đại của nó:

Ngoài các mối liên hệ nội tại trong bản thân văn bản - tác phẩm, văn bản - tác phẩm bao giờ cũng có mối liên hệ ngoài văn bản, mà mối liên hệ căn bản nhất, trực tiếp dẫn tới quá trình sản sinh văn bản - tác phẩm chính là mối liên hệ giữa văn bản - tác phẩm với bối cảnh lịch sử - văn hoá thời đại của nó. Việc tìm hiểu về tác giả, mối liên hệ giữa văn bản với bối cảnh lịch sử - văn hoá thời đại của nó là một khâu đoạn, đồng thời là một nguyên tắc quan trọng nhằm tìm hướng xác định văn bản, gợi mở con đường tiếp nhận tác phẩm. Tác giả và niên đại của tác phẩm (cũng như niên đại của văn bản bản sao được sử dụng như một văn bản quy phạm) có một mối liên hệ nội tại. Từ việc lí giải thông tin về phương diện này có thể xác nhận những thông tin về phương diện kia và ngược lại. Không hiếm trường hợp dùng tác phẩm của tác giả B ở thời đại B để đánh giá - thưởng bình tâm hồn, tư tưởng, phong cách của tác giả A thuộc thời đại A do chúng ta quá chủ quan sử dụng kết quả nghiên cứu từ một công trình nào đó mà không thẩm định.

Mặt khác, trong việc phân tích lí giải văn bản tác phẩm, vì không theo nguyên tắc đặt tác phẩm vào bối cảnh lịch sử - tư tưởng - văn hóa … mà ở đó văn bản đã được sản sinh nên đã xuất hiện khá nhiều quan điểm/ kiến giải ngược chiều nhau đối với những vấn đề đơn giản. Ví như việc xuất phát từ tư tưởng văn hóa nhà Nho để “nghiễm nhiên” lí giải, đánh giá tác phẩm nhà Phật hoặc ngược lại chẳng hạn. Người tổ chức minh giải văn bản tác phẩm cho học sinh, vì thế ắt phải “thẩm định trước” các quan điểm khác nhau đã từng tồn tại, dẫu chỉ là đối với một vấn đề nhỏ.

2.5. Phân tích, giải thích chữ nghĩa của văn bản:

Không thể thâm nhập vào tác phẩm một cách tích cực mà không lí giải cặn kẽ “chất liệu” ngôn từ của văn bản. Đối với các tác phẩm Hán Nôm cổ, do tính chất đa nghĩa, cô đọng, hàm súc, sâu sắc của ngôn ngữ, rất dễ nảy sinh những cách cắt nghĩa văn bản tác phẩm khác nhau. Phân tích cặn kẽ ngữ nghĩa của văn bản sẽ tránh được những bình tán thiếu căn cứ, không xác thực. Trong khâu đoạn này, đòi hỏi người hướng dẫn minh giải văn bản phải:  Giúp người đọc – người học hiểu được tất cả các nét nghĩa của từ ngữ; tìm và xác định nghĩa của từ ngữ trong đoạn mạch văn bản lien quan. Việc giải thích được mọi điển cố, thi văn liệu cũng như những thông tin lịch sử - văn hoá - tư tưởng...gợi ra từ ngôn từ của văn bản đều thuộc thao tác này.

Trong dạy học, chúng ta thường đề cập yêu cầu tích hợp có chiều sâu giữa “ngữ” và “văn”, giữa ngữ văn với lịch sử, văn hóa… nhằm cung cấp vốn tri thức mọi mặt cho học sinh. Thao tác mà chúng ta đang bàn sẽ giải quyết một cách gốc rễ nhất vấn đề này.

2.6. Tìm hiểu, xác định cấu trúc ngữ pháp của từng câu văn/ thơ trong mối quan hệ đoạn mạch của văn bản:

Chữ nghĩa của tác phẩm phải được xác định trong hệ thống của nó, theo nhiều cấp độ. Với đặc trưng loại thể của tác phẩm Hán Nôm, cần chú ý các khía cạnh sau đây trong việc lí giải ngữ nghĩa văn bản: (a). cấu trúc cú pháp đa nghĩa của câu văn, hiện tượng “lưỡng khả” trong xác định cấu trúc cú pháp, từ pháp hết sức phổ biến; (b). chú ý vấn đề ngữ pháp đối xứng và cấu trúc đối ngẫu, trong kiến trúc đối, ngữ nghĩa của hai câu, hai vế câu sẽ xác nhận cho nhau một cách chặt chẽ; (c). hiện tượng tỉnh lược thành phần câu...trong câu văn cổ là đặc điểm quan trọng, đặc biệt sự tỉnh lược các từ chỉ quan hệ giữa các câu và vế câu thường tạo ra sự mơ hồ đa nghĩa; (d). biện pháp đảo ngữ, cấu trúc sử động… được dùng khá đặc biệt nhiều khi dễ dẫn đến những nhầm lẫn trong việc xác định nghĩa cũng như đặc điểm nghệ thuật của câu văn; (e). chuyển loại từ (hoạt dụng của từ) cũng là đặc trưng ngữ pháp thường được người xưa sử dụng như một biện pháp tu từ khi biểu đạt …

Xác định được bấy nhiêu vấn đề để đi đến kết luận chính xác, khách quan nhất ý đồ của người tạo tác văn bản là điều vô cùng khó khăn. Cần có sự thận trọng và linh hoạt đối với từng trường hợp cụ thể mới có thể đảm bảo việc giải mã văn bản không chệch hướng.

2.7. Dịch - giảng nghĩa văn bản tác phẩm:

Dịch giải là một công việc bắt buộc khi tiếp cận với văn bản Hán Nôm. Ngành ngữ văn học (văn hiến học) đòi hỏi người minh giải văn bản phải tự mình trực tiếp dịch giải nguyên tác (hoặc nguyên văn bản sao) văn bản tác phẩm. Yêu cầu quan trọng ở đây là đưa ra  được một bản dịch chú văn bản học đầy đủ. Bản dịch chú ấy phải đảm bảo chuyển tải giá trị khách quan của văn bản tác phẩm một cách cao nhất; đồng thời phải lường trước và dự báo được các khả năng về cách hiểu khác (hợp lí hay không hợp lí) có thể xảy ra. Ngành Hán Nôm học thường gọi đây là bản dịch văn bản học để phân biệt với bản dịch văn học vốn chấp nhận sự sáng tạo (hay thay đổi) của phong cách dịch giả.

2.8. So sánh, đối chiếu với các bản dịch nghĩa đã có:

 Bản dịch nghĩa văn bản tác phẩm thể hiện cách hiểu/ cách tiếp nhận văn bản của người dịch. Với các tác phẩm nổi tiếng (và quen thuộc) được lựa chọn đưa vào chương trình ngữ văn các cấp, thường có nhiều bản dịch nghĩa khác nhau. Giữa các bản dịch ấy có thể xuất hiện rất nhiều “xuất nhập” trong cách hiểu nguyên tác, theo đó có nhiều cách hiểu làm biến đổi nghĩa của nguyên tác. Việc sưu tầm, thống kê, khảo sát các bản dịch này để chỉ rõ những khác biệt, những cách hiểu và lí giải khác nhau đối với câu chữ cũng như toàn bộ văn bản tác phẩm. sẽ giúp hình dung cụ thể về lịch sử tiếp nhận van bản. Tìm hiểu lịch sử tiếp nhận văn bản là phương cách quan trọng nhằm hướng đến sự thống nhất trong việc phân tích, lí giải để xác định một hoặc một vài cách hiểu đúng đắn/ hợp lí hơn cả. Bản dịch nghĩa tốt kèm theo hệ thống chú thích dẫn giải văn bản công phu được coi là một bản dịch văn bản học.

Khi so sánh các bản dịch nghĩa, cần lưu ý, sự thay đổi về ngôn từ, hành văn của bản dịch không hẳn thể hiện sự khác biệt trong cách hiểu nguyên tác. Chỉ những bản dịch khác nhau về ý nghĩa tác phẩm mới tạo ra cách hiểu khác nhau. Đối với các tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường, hiện tượng tồn tại nhiều bản dịch nghĩa mâu thuẫn nhau (hoặc khác biệt nhau quá lớn) về nội dung là khá phổ biến. Sách giáo khoa thường chỉ chọn theo một bản dịch nghĩa nào đó đã công bố mà ít khi so sánh hiệu chỉnh với các bản dịch khác, vì thế dẫn đến việc tiếp nhận văn bản tác phẩm của giáo viên và học sinh thường theo kiểu xuôi một chiều. Điều này có hại cho học thuật, không khuyến khích được năng lực bộc lộ quan điểm riêng của người tiếp nhận.

2.9. So sánh ngữ nghĩa của nguyên tác với các bản dịch văn học:

 Nếu như bản dịch nghĩa (bản dịch văn bản học) chú ý chuyển tải nội dung - ý đồ của tác giả thì bản dịch văn học còn cần thêm sự gia công sáng tạo trong biểu đạt của người dịch. Vì các lí do như: hành văn cần chau chuốt để có một “sáng tác” mới hoàn thiện về nghệ thuật, yêu cầu về dặc trưng thể loại của văn phẩm dịch … mà thông thường, bản dịch văn học chấp nhận sự sáng tạo (đôi khi làm biến đổi nguyên tác) ở người dịch. Bản dịch thơ đối với tác phẩm thơ thuộc loại bản dịch văn học thường gặp nhất, người dịch thơ thường rất khó khăn khi phải ưu tiên lựa chọn một tiêu chí nào đó trong các tiêu chí tín - đạt - nhã của bản dịch. Có khi vì nhã mà mất tín - vì lời văn dịch phải hay mà thành ra xa rời nguyên tác. Người ta thường nói “dịch tức là diệt” chính ở điểm này.

Rèn luyện kĩ năng đối sánh bản dịch (văn học) với nguyên tác  là yêu cầu rất cao của công tác tổ chức minh giải văn bản tác phẩm. Khi đối sánh, cần chú ý đến tất cả các cấp độ: chữ nghĩa - ngôn từ, cú pháp - cách diễn đạt, tu từ, nhãn tự, nội dung ý nghĩa, phong cách…Thông qua đó có thể đề xuất được cách đánh giá, phê bình, thẩm định các dịch phẩm nói chung một cách chuẩn xác.

 

3. Định hướng phân tích văn bản tác phẩm, làm cơ sở cho việc phân tích văn chương

 

Tất cả các thao tác nói trên đều hướng đến mục đích lí giải cho văn bản tác phẩm, tức minh giải văn bản. Công việc ấy sẽ trở nên có hiệu quả ứng dụng tích cực hơn đối với việc dạy học khi người minh giải văn bản xuất phát từ kết quả đạt được để nêu ra định hướng phân tích tác phẩm. Rõ ràng, chỉ trên cơ sở lí giải tốt văn bản mới có thể đề xuất định hướng tiếp nhận; chỉ có định hướng tiếp nhận tốt văn bản mới có ích cho phân tích văn chương. Nói như vậy cũng có nghĩa là: từ phân tích văn bản đến phân tích - cảm thụ tác phẩm (đối với di sản văn học Hán Nôm) vừa là một quá trình gối tiếp nhưng đồng thời cũng vừa là những thao tác song hành - đồng nhất.

Định hướng phân tích văn bản tác phẩm chưa phải là phân tích văn học, mà là thao tác lựa chọn hướng tiếp cận đối với (đồng thời) văn bản và tác phẩm. Định hướng đúng đắn trên cơ sở nắm chắc các khía cạnh văn bản học của văn bản sẽ quyết định hiệu quả của công việc phân tích - lí giải tác phẩm [trích lược - BT].

Hướng vào văn bản là hướng đến trí tuệ, hướng vào thực tiễn - mục đích dạy học. Đây là phương cách tối ưu để chúng ta dần dần khoa học hóa công tác hướng dẫn tiếp nhận văn học (đặc biệt là văn học Hán Nôm) trong nhà trường. Cố nhiên, khoa học hóa ở đây không có nghĩa là phủ nhận tính văn chương, tính nghệ thuật trong việc bồi dưỡng năng lực cảm thụ, thẩm bình tác phẩm cho người học. Rất may mắn là, quan điểm và phương pháp minh giải văn bản tác phẩm mà khoa văn bản học Hán Nôm (một phân ngành của khoa văn hiến học/ ngữ văn học) kiên trì thực hiện từ trước tới nay hoàn toàn phù hợp với tư tưởng mới trong dạy học văn chương gần đây: lấy đọc - hiểu văn bản làm trụ cột cho tiến trình nhận thức lại về bản chất gốc của dạy học.

Tóm tắt: Bài viết của chúng tôi đề cập một số luận điểm chính về mặt lí thuyết tổ chức minh giải văn bản tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường, vốn là vấn đề đang được đặc biệt quan tâm hiện nay. Minh giải văn bản tác phẩm Hán Nôm là khâu đoạn cơ sở, có tính chất nền tảng, giúp cho việc thẩm định các tác phẩm Hán Nôm với tất cả giá trị chân xác của nó. Minh giải văn bản chính là thao tác khoa học hướng đến mục tiêu giúp cho việc đọc hiểu văn bản một cách tích cực nhất. “Từ chữ nghĩa đến văn bản, tác phẩm” là con đường xuất phát từ nghiên cứu các phương diện đời sống và ngôn từ của văn bản để từ đó đi sâu vào các khía cạnh nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

 

Chú thích, tài liệu tham khảo và trích dẫn

 

[1] Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San (1989). Ngữ văn Hán Nôm, Tập 3, NXB Giáo dục. H.

[2] Hà Minh (2007). Tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường - văn bản, tư liệu và tổ chức minh giải văn bản. Đề tài, MS SPHN 06 - 40, ĐHSP Hà Nội.

[3] Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1983). Một số vấn đề về công tác văn bản học Hán Nôm. NXB KHXH. H.

[4] Ngô Đức Thọ, Trịnh Khắc Mạnh (2006). Cơ sở văn bản học Hán Nôm. NXB KHXH. H.

[5] Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San (chủ biên), Hà Minh, Dương Tuấn Anh, Nguyễn Thanh Chung, Hà Đăng Việt (2007). Ngữ văn Hán Nôm, Tập 2 - 3, NXB ĐHSP. H.    

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020