Hán nôm

Nhận thức vai trò của chữ Hán đối với quá trình đọc hiểu tác phẩm văn chương


15-10-2020
Tác giả: TS Nguyễn Thị Thanh Chung

Chữ Hán là chất liệu ngôn từ của nhiều tác phẩm văn chương có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Quá trình đọc hiểu văn bản thơ ca bằng chữ Hán sẽ đạt hiệu quả cao khi người đọc nắm bắt được nguyên tác chữ Hán. Vai trò của chữ Hán đối với quá trình khám phá tác phẩm thơ văn đã được các nhà nghiên cứu khẳng định và người đọc ý thức một cách sâu sắc. Trong quá trình giảng dạy Ngữ văn Hán Nôm ở trường Đại học và Cao đẳng, giảng viên nên nhấn mạnh cho sinh viên ý thức được điều đó. Trong bài viết này, chúng tôi xin góp phần khẳng định vai trò của chữ Hán đối với việc đọc hiểu tác phẩm văn chương trên cơ sở phân tích ba phương diện hình thể, âm đọc, ý nghĩa của chữ Hán.

 

Chữ Hán là chất liệu ngôn từ của nhiều tác phẩm văn chương có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Quá trình đọc hiểu văn bản thơ ca bằng chữ Hán sẽ đạt hiệu quả cao khi người đọc nắm bắt được nguyên tác chữ Hán. Vai trò của chữ Hán đối với quá trình khám phá tác phẩm thơ văn đã được các nhà nghiên cứu khẳng định và người đọc ý thức một cách sâu sắc. Trong quá trình giảng dạy Ngữ văn Hán Nôm ở trường Đại học và Cao đẳng, giảng viên nên nhấn mạnh cho sinh viên ý thức được điều đó. Trong bài viết này, chúng tôi xin góp phần khẳng định vai trò của chữ Hán đối với việc đọc hiểu tác phẩm văn chương trên cơ sở phân tích ba phương diện hình thể, âm đọc, ý nghĩa của chữ Hán.

1. Hình thể chữ Hán và quá trình đọc hiểu tác phẩm thơ văn

Chữ Hán thuộc loại văn tự hình khối biểu ý với nhiều nội hàm văn hóa được biểu đạt ngay trên hình thể văn tự. Vì vậy, nhiều giá trị của tác phẩm văn chương sẽ không được biết đến trọn vẹn nếu bỏ qua phương diện hình thể văn tự. Tìm hiểu, nắm bắt hình thể văn tự có ý nghĩa trực tiếp đối với quá trình khám phá giá trị tác phẩm. Người học sẽ thấy thú vị, sẽ được kích thích ý thức khám phá khi hiểu được những nghĩa lý thuộc về nguyên tác chữ Hán. Liên quan đến điều này chúng ta có thể nhắc đến bài thơ Tân Di ổ (辛夷塢 - Thôn Tân Di) của Vương Duy: 

木末芙蓉花,

山中發紅萼 .

澗戶寂無人,

紛紛開且落 .

Mộc mạt phù dung hoa,
Sơn trung phát hồng ngạc.
Giản hộ tịch vô nhân,
Phân phân khai thả lạc.

Hoa phù dung ở ngọn cây

Trong núi nảy nụ hồng

Nhà khe núi vắng vẻ không người

Rực rỡ nở rồi tàn

Đặc trưng thi trung hữu họa không chỉ biểu hiện qua hình tượng thi ca mà trước tiên thể hiện trên hình thể văn tự. Câu thơ đầu 木 末 芙 蓉 花 đã có sự bung nở của đóa hoa từ chữ mộc (bốn nét, tượng hình cho cây) đến mạt (5 nét, chỉ sự trên sơ sở chữ tượng hình để biểu thị ngọn cây), đến phù dung hoa (với ba bộ thảo, gồm 8 nét, 14 nét, 8 nét). Sự kết hợp văn tự về hình thể như vậy đã góp phần tạo nên sức ấn tượng của hình ảnh trong thơ ca. 

Bốn câu thơ đầu trong bài Đăng cao của Đỗ Phủ cũng như vậy:

風 急 天 高 猿 嘯 哀

渚 清 沙 白 鳥 飛 回

無 邊 落 葉 蕭 蕭 下

不 盡 長 江 滾 滾 來

Phong cấp, thiên cao, viên khiếu ai,
Chử thanh, sa bạch, điểu phi hồi.
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu há,
Bất tận trường giang cổn cổn lai.

Gió mạnh trời cao vượn kêu ai oán

Bến nước trong bãi cát trắng chim liệng vòng

Chốn vô biên lá rụng xào xạc trút xuống

Nơi vô tận Trường Giang cuồn cuộn đổ về

Trong bốn câu thơ trên, Đỗ Phủ đã tả thiên nhiên gồm gió, trời, vượn, bến nước, bãi cát, chim, lá rụng, sông Trường Giang. Người biết chữ Hán phải nhìn thấy sự vận động của gió trong chữ phong, bầu trời cao rộng trong chữ thiên, con vượn trong chữ viên, con chim chao lượn trong chữ điểu, sông nước trong các chữ chử, thanh, sa, giang, cổn cổn và cây lá trong các chữ lạc, diệp, tiêu tiêu. Nhìn thấy sự vận động của gió bởi như Hứa Thận đã viết trong Thuyết văn giải tự : 風 動 蟲 生 (Phong động trùng sinh – gió đến thì côn trùng phát triển). Bầu trời là chí cao vô thượng (至 高 無 上), gồm nhất (一) và đại (大). Con vượn cần được nhìn thấy trong chữ viên bởi đây là chữ hình thanh gồm khuyển là hình phù và viên là thanh phù. Trong đó khuyển là một chữ tượng hình từng được Khổng Tử nhận định: 視犬之字. 如畫狗也。( Thị khuyển chi tự, như họa cẩu dã – Nhìn chữ khuyển như thấy con chó được vẽ lại vậy). Chữ khuyển làm bộ thủ đã có sự biển đổi về hình thể nhưng nó vẫn có sự gợi hình tượng. Con chim được tượng lại hình ảnh bằng chữ điểu. Đoàn Ngọc Tài chú giải: 短尾名隹 . 長尾名鳥 (Chim đôi ngắn là chuy, chim đuôi dài là điểu). Bộ thủy (nước) hiển hiện trong tất cả những chữ cần tái hiện hình ảnh sên sông, bãi cát ven sông, sông dài, nước cuồn cuộn… Bộ mộc (cây), bộ thảo (cỏ) hiện tồn trong các chữ chỉ cây, lá cây, tiếng lá rơi... Chính hình thể văn tự đã góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên đa chiều có những sự vận động và âm thanh.

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng cho thấy, hình thể chữ Hán có vai trò quan trọng trong biểu đạt nội dung tư của tác phẩm văn chương. Nội hàm văn hóa trong hình thể chữ chuyên chở chiều sâu của ý tứ, xúc cảm mà ngôn ngữ biểu âm không thể biểu đạt được. Bởi vậy, tìm đến tác phẩm thơ ca của cha ông từ chính hình thể văn tự là con đường cần phải đi cho dù có nhiều khó khăn…

2. Âm đọc chữ Hán và quá trình đọc hiểu tác phẩm thơ văn  

Khía cạnh thứ hai của chữ Hán là âm đọc. Người Việt Nam sử dụng âm đọc Hán Việt, đó là cách đọc chữ Hán của người Việt Nam dựa trên âm đọc chữ Hán của người Hán thời Đường. So với âm Hán thời Đường, âm Hán Việt không hoàn toàn trùng khít mà có sự xê dịch, thay đổi cho phù hợp với cách phát âm của người Việt Nam và quy luật ngôn ngữ của Tiếng Việt. Âm đọc cũng giữ vai trò quan trọng trong việc biểu đạt những ý nghĩa nội dung tư tưởng tình cảm của tác phẩm. Khai thác âm đọc Hán Việt sẽ thấy được những giá trị nghệ thuật tinh tế của thơ văn bằng chữ Hán. Ở đây, chúng tôi xin dẫn chứng về các từ tượng thanh trong văn chương. Bài Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi bắt đầu bằng một không gian thiên nhiên và sự hòa mình của con người trong không gian thiên nhiên này: 

崑山有泉、其聲泠泠然、吾以為琴弦.

崑山有石、雨洗苔鋪碧、吾以為簟席.

岩中有松、萬蓋翠童童、吾於是乎偃息其中.

林中有竹、千畝印寒綠、吾於是乎吟嘯其側. 

Côn Sơn hữu tuyền, kì thanh linh linh nhiên,ngô dĩ vi cầm huyền.

Côn sơn hữu thạch, vũ tẩy đài phô bích, ngô dĩ vi điệm tịch.

Nham trung hữu tùng, vạn cái thuý đồng đồng, ngô ư thị hồ yển tức kì trung.

Lâm trung hữu trúc, thiên mẫu ấn hàn lục, ngô ư thị hồ ngâm khiếu kì trắc.

Nguyễn Trọng Thuận dịch trong Nam Phong tạp chí, số 148:

Côn Sơn có suối nước trong,

                 Ta nghe nước chảy như cung đàn cầm.

                 Côn Sơn có đá tần vần,

                 Mưa tuôn đá sạch ta nằm ta chơi.

                 Côn Sơn thông tốt ngất trời,

                 Ngả nghiêng dưới bóng ra thời tự do.

                 Côn Sơn trúc mộc đầy gò,

                 Lá xanh bóng rợp tha hồ tiêu dao.

Đoạn thơ trên đã được Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch như sau:

Côn Sơn có suối,

Tiếng nước chảy rì rầm.

Ta coi như đàn cầm.

Côn Sơn có đá,

Mưa dội rêu phô xám.

Ta coi như chiếu thảm.

Trên đèo có thông,

Muôn dặm biếc mông lung.

Ta thảnh thơi nằm nghỉ bên trong.

Giữa rừng có trúc,

Nghìn mẫu xanh chen chúc.

Ta đủng đỉnh ca ngâm dưới gốc.

(Trích theo Tổng tập Văn học Việt Nam, Tập IV,

Bùi Văn Nguyên chủ biên, Nxb KHXH, Hà Nội, 2000, Tr 184)

Và bản dịch hầu như người Việt Nam nào cũng thuộc: Côn Sơn suối chảy rì rầm, ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai… Tiếng Việt có nhiều từ tượng thanh mô phỏng thanh âm gắn với nước có nhiều như róc rách, rì rầm, tí tách, rào rào, lộp bộp, ào ào… Tiếng suối thường được dùng là róc rách, rì rầm... Từ róc rách gọi đến một không gian thiên nhiên tươi tắn, rộn rã… Từ rì rầm gợi mở đến một thiên nhiên u buồn, trầm hùng… Linh linh là từ tượng thanh mô phỏng tiếng suối. Nó gợi không gian thiên nhiên hoang sơ, êm đềm, tĩnh tại, tinh khôi mà hai từ rì rầm và róc rách không tái hiện được.

Ví dụ nữa là từ tiêu tiêu (蕭 蕭). Tiêu tiêu là từ tượng thanh miêu tả tiếng ngựa hoặc tiếng gió. Dịch Thủy ca có câu: Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn, tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn (Gió vi vu chừ sông Dịch lạnh, tráng sĩ một đi chừ không trở lại). Đây cũng là từ tượng hình, miêu tả dáng vẻ lay động. Khuất Nguyên viết trong Sở từ: Phong táp táp hề mộc tiêu tiêu (Gió ào áo chừ cây lay động). Như vậy, tiêu tiêu vừa là từ tượng thanh miêu tả tiếng gió, vừa là từ tượng hình miêu tả được hình ảnh lay động của những tiếng lá. Bởi vậy, từ tiêu tiêu trong câu thơ Vô biên lạc diệp tiêu tiêu há thuộc bài Đăng cao của Đỗ Phủ thường được dịch là xào xạc. Tuy nhiên, nếu từ tiêu tiêu là từ tượng thanh của tiếng ngựa thì việc tìm từ thích ứng lại chẳng hề không đơn giản. Những từ như rền rĩ, não nùng… chẳng thể lột tả hết được tâm trạng lúc biết ly khi ban mã lòng cất tiếng đau thương. Bài Tống hữu nhân của Lý Bạch:

青 山 橫 北 郭,   
白 水 遶 東 城 .
此 地 一 為 別,
孤 蓬 萬 里 征 .
浮 雲 游 子 意,
落 日 故 人 情 .
揮 手 自 茲 去,
蕭 蕭 班 馬 鳴 .

Thanh sơn hoành Bắc quách,
Bạch thuỷ nhiễu Đông thành.
Thử địa nhất vi biệt,
Cô bồng vạn lý chinh.
Phù vân du tử ý,
Lạc nhật cố nhân tình.
Huy thủ tự tư khứ,
Tiêu tiêu ban mã minh.

Núi xanh nằm chắn ngang vòng thành ngoài ở phía bắc,
Nước trắng lượn quanh khu thành trong ở phía đông.
Nơi đây một khi đã chia tay nhau,
Thì như cỏ bồng lẻ loi trôi xa muôn dặm.
Ý nghĩ của khách đi buồn như áng mây nổi,
Tình bạn cũ sầu như bóng chiều tà.
Vẫy tay tiễn, thôi từ nay bạn lên đường,
Tiếng ngựa kêu rền rĩ nghe càng xót cho mối tình ly biệt.

Như vậy, âm đọc cũng là một phần quan trọng của tác phẩm văn chương bằng chữ Hán. Các bậc thi nhân xưa đã rất lao tâm khổ tứ để sáng tạo ra những áng văn chương với khát vọng ngữ bất kinh nhân tử bất hưu (Lời không làm kinh động người thì chết không yên – Đỗ Phủ). Nhiều giá trị của tác phẩm văn chương được biểu đạt từ chính âm hưởng ngôn từ. Vì vậy, những người học ngữ văn Hán Nôm không nên bỏ qua một phần quan trọng cấu thành nên tác phẩm khi khai thác giá trị thơ văn. 

3. Ý nghĩa chữ Hán và quá trình đọc hiểu tác phẩm thơ văn

     Hình thể, âm đọc đều tham gia vào việc chuyển tải những giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm. Và một thành tố quan trọng nhất để khẳng định giá trị văn chương đó chính là ý nghĩa của ngôn từ. Ngôn từ văn chương có khả năng đa nghĩa và nếu hiểu theo những nghĩa khác nhau thì ý nghĩa của văn bản cũng khác nhau. Việc nắm vững những ý nghĩa của ngôn từ sẽ giúp người đọc hiểu sâu hơn về tác phẩm. Chúng tôi xin dẫn chứng về hai chữ mĩ nhân trong tác phẩm Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha và từ phương thảo trong bài Chí Hà Nội trực lôi vũ kế tác đồ gian hỉ thành (至 河 內 值 雷 雨 繼 作 途 間 喜 成 - Đến Hà Nội gặp mưa sấm, tiếp tục hành trình, vui mà làm thơ) của Nguyễn Văn Siêu.

Tiền Xích Bích phú là tác phẩm được Tô Thức (1037 – 1101) sáng tác khi du làm ở Xích Bích trong lần bị biếm xuống Hoàng Châu. Phần đầu của tác phẩm có đoạn: 壬 戌   之  秋 , 七  月  既  望 , 蘇  子  與  客 泛  舟 , 遊 於 赤 壁 之  下 . 清  風  徐 來 , 水   波 不  興 . 舉 酒 屬   客 , 誦  明 月 之  詩 ,歌 窈   窕  之   章 .少 焉 , 月  出  於 東 山 之 上,徘  徊  於  斗 牛 之   間 .白 路 橫 江 ,水 光 接 天 .  縱  一 葦 之 所 如 ,凌 萬 頃 之 茫 然 .浩 浩 乎 如 馮 虛 御 風 ,而 不  知 其  所 止 ,飄 飄 乎  如 遺 世 獨 立 , 羽 化 而 登 仙 . 於 是, 飲 酒 樂 甚 ,扣 舷 而 歌 之 .歌 曰 : 桂 棹 兮 蘭 漿 ,擊 空 明 兮 溯 流 光 .渺 渺 兮 予 懷 ,望 美 人 兮 天 一 方 (Nhâm Tuất1 chi thu, thất nguyệt ký vọng, Tô Tử dữ khách phiếm chu, du ư Xích Bích chi hạ. Thanh phong từ lai, thủy ba bất hưng. Cử tửu chú khách, tụng “Minh nguyệt” chi thi2, ca “Yểu điệu” chi chương3. Thiểu yên, nguyệt xuất ư đông sơn chi thượng, bồi hồi ư Đẩu Ngưu4 chi gian. Bạch lộ hoành giang, thủy quang tiếp thiên. Túng nhất vĩ chi sở như, lăng vạn khoảnh chi mang nhiên. Hạo hạo hồ như bằng hư ngự phong, nhi bất tri kì sở chỉ, phiêu phiêu hồ như di thế độc lập, vũ hóa nhi đăng tiên. Ư thị ẩm tửu lạc thậm, khấu huyền nhi ca chi. Ca viết: Quế trạo hề lan tương, kích không minh hề tố lưu quang. Miểu miểu hề dư hoài, vọng mĩ nhân hề thiên nhất phương. - Ngoài rằm tháng bảy thu Nhâm Tuất, Tô Tử cùng với khách thả thuyền chơi dưới Xích Bích. Gió mát nhẹ đưa, sóng lặng không gợn. Nâng chén mời khách, ngâm thơ Minh nguyệt, ca chương Yểu điệu. Một lát, trăng rời đỉnh phía đông, lững thững giữa sao Ngưu sao Đẩu. Sương trắng ngang sông, nước sáng liền trời. Thả con thuyền nhỏ như chiếc lá lau ở chốn rong chơi, vượt vạn khoảnh mông mênh. Thênh thang thay! Tựa như dựa vào bầu trời, cưỡi gió mà không biết dừng chốn nào. Nhẹ nhàng thay! Tựa như quên đời đứng một mình, hóa cánh mà bay lên tiên. Thế là, uống rượu thật vui, gõ vào mạn thuyền mà hát. Hát rằng: “Chèo quế chừ chèo lan, vung vào khoảng không trong trẻo mà ngược dòng ánh sáng. Vời vợi chừ ta nhớ, ngóng mĩ nhân ở một phương trời”). Bài phú đã tái hiện một cuộc rong chơi siêu thoát, hòa nhập của con người vào thiên nhiên. Tuy nhiên, khi niềm vui lên đỉnh điểm (lạc thậm) thì nỗi buồn xuất hiện. Ban đầu là nỗi nhớ, sau là sự trông ngóng. Nhân vật trữ tình nhớ và trông ngóng ai? Mĩ nhân! Vậy mĩ nhân là ai? Mĩ nhân là người đẹp, người con gái có dung mạo đẹp đẽ. Với cách hiểu mĩ nhân là giai nhân, bài phú mang cảm hứng trữ tình lãng mạn. Tô Thức  là con người tài hoa, hào hoa, phong tình, lãng mạn bậc nhất trong tám nhà viết tản văn nổi tiếng thời Đường Tống… Tuy nhiên, mĩ nhân không chỉ là giai nhân, người đẹp. Thời xưa, từ mĩ nhân còn được dùng để chỉ quân vương, người hiền, tri âm, người được hoài niệm trong nỗi nhớ. Khuất Nguyên từng viết trong Li TaoDuy thảo mộc chi lãnh lạc hề, khủng mĩ nhân chi trì mộ (Chỉ có cỏ cây là lạnh lùng rơi rụng chừ, lo sợ mĩ nhân đến tuổi xế chiều). Từ mĩ nhân đã được chú giải: Mĩ nhân vị Hoài Vương dã. (Mĩ nhân là để chỉ Hoài Vương vậy). Bài phú mang một cảm hứng hoàn toàn khác với cảm hứng lãng mạn khi từ mĩ nhân được hiểu là quân vương, hiền nhân, tri kỉ… Nỗi nhớ và sự trông ngóng này gợi đến bi kịch của một con người và bi kịch của cả thời đại. Những bi kịch ấy tương phản với niềm vui ở trên, chuyển thành niềm cảm khái về bi kịch nhân sinh đoạn tiếp theo. Bi kịch cá nhân, bi kịch thời đại, bi kịch nhân sinh cho thấy sức sống mãnh liệt, nhân sinh quan tươi sáng của con người Tô Thức trong cuộc giải thoát tinh thần ngoạn mục…

Chí Hà Nội trực lôi vũ kế tác đồ gian hỉ thành (至 河 內 值 雷 雨 繼 作 途 間 喜 成 - Đến Hà Nội gặp mưa sấm, tiếp tục hành trình, vui mà làm thơ) là một bài thất ngôn bát cú trong Phương Đình Vạn lí tập của Nguyễn Văn Siêu. Hà Nội chỉ là một điểm đến trên hành trình đi sứ nhưng lại là nơi chôn nhau cắt rốn, gắn bó suốt thời niên thiếu đến khi trưởng thành của Phương Đình. Trong niềm xúc động, thi nhân không miêu tả một địa danh cụ thể mà tái hiện lên một bức tranh toàn cảnh về Hà Nội trong hai câu thơ: 萬 頃 深 田 芳 草 地, 千 村 水 竹 輞 川  圖. (Vạn khoảnh thâm điền, phương thảo địa,thiên thôn thuỷ trúc, võng xuyên đồ -Vạn khoảnh thâm điền, đất phương thảo, nghìn thôn thủy trúc, bức võng xuyên). Trong hai câu thơ trên, nếu phương thảo được hiểu là cỏ thơm thì tứ thơ gợi đến một thiên nhiên trù phú xanh tươi, gợi đến vẻ đẹp giàu sức sống của vùng đất bên sông Trường Giang trong thơ Thôi Hiệu : 晴 川 歷 歷 漢 陽 樹,芳 草 萋 萋 嬰 鵡 洲 (Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ, phương thảo thê thê Anh Vũ châu - Cây Hán Dương soi bóng sông tạnh, bãi Anh Vũ mơn mởm cỏ thơm). Nhưng phương thảo địa không chỉ là đất tốt cỏ thơm. Phương thảo từng tỉ dụ cho người hiền đức. Khuất Nguyên viết trong Li tao: 何 昔 日 之 芳 草 兮 , 今 直 為 此 蕭 艾 也 (Hà tích nhật chi phương thảo hề, kim trực vi thử tiêu ngải dã - Tại sao cỏ thơm ngày trước, đến nay lại thành bụi rậm như này). Thời Tống, Lưu Ban giải thích trong Tầm Châu ngoạn Phương Đình kí : 自 詩 人 比 興 皆 以 芳 草 嘉 卉  為 君 子 美 德 (Tự thi nhân tỉ hứng, giai dĩ phương thảo gia hủy vi quân tử mĩ đức - Thi nhân khi sáng tác văn chương thường lấy cỏ thơm tươi tốt để ví với mĩ đức của quân tử). Đỗ Mục thời Đường đã viết: 山 密 夕 陽 多, 人 稀 芳 草 遠 (Sơn mật tịch dương đa, nhân hi phương thảo viễn - Núi nhiều bóng chiều đặc, người vắng tri âm xa). Vậy nên, phương thảo địa trong thơ Nguyễn Văn Siêu ẩn dụ cho vùng đất quy tụ hiền tài.

Như vậy, các tầng nghĩa khác nhau của ngôn từ sẽ tạo nên những lớp nghĩa, mạch cảm hứng khác nhau của tác phẩm văn chương. Không phải mọi từ trong tác phẩm văn chương đều đa nghĩa. Không phải sự đa nghĩa nào của ngôn từ cũng được chấp nhận hết trong một tác phẩm văn học cụ thể. Tuy nhiên, sự đa nghĩa là một đặc tính của ngôn từ nghệ thuật. Việc khám phá ra những tầng nghĩa khác nhau của chữ Hán, chất liệu ngôn từ nghệ thuật được xem là tử ngữ (ngôn ngữ chết), thực sự cần thiết khi tìm hiểu tác phẩm văn chương.

Người đọc vẫn có thể cảm nhận cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương khi chỉ đọc bản dịch nghĩa. Tuy nhiên, để thấy được một cách trọn vẹn hơn cái hay của tác phẩm thì cần tìm hiểu từ chính văn bản chữ Hán. Bởi vì, hình thể, âm đọc và ý nghĩa của văn tự Hán đều góp phần biểu đạt giá trị nội dung tác phẩm văn chương. Trong cuộc sống hiện đại, văn chương chỉ là một trong nhiều lĩnh vực đang đầy sức hấp dẫn. Hơn thế, thơ văn chữ Hán lại thường được mọi người giữ thái độ kính nhi viễn chi. Thiết nghĩ, nếu như mỗi tác phẩm được người đọc cảm nhận cái đẹp từ nhiều góc độ thì thơ văn chữ Hán sẽ có vị trí vững chắc hơn trong lòng bạn đọc. Và nếu như mỗi sinh viên Ngữ văn khi học mà ý thức hết được vai trò của chữ Hán đối với việc đọc hiểu tác phẩm văn chương thì việc học chữ Hán sẽ hiệu quả hơn và ý nghĩa thực tiễn của việc học cũng cao hơn.

Chú thích

1. Nhâm Tuất: thời cổ đại cách tính lịch theo can chi. Năm Nhâm Tuất thời Tống Thần Tông -  Nguyên Phong ngũ niên là năm 1082.

2. Minh Nguyệt chi thi: tức Đoản hành ca của Tào Tháo, trong đó có những câu như Minh minh như nguyệt, Nguyệt minh tinh hi.

3. Yểu điệu chi chương: chỉ Quan thư trong Kinh thi có câu Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu. Hoặc cũng có thể là bài Nguyệt xuất trong Kinh thi trong đó có câu Thư yểu kiểu hề. Yểu kiểu, yểu điệu, tả vẻ thư thái.

4. Đẩu Ngưu: Hai vì sao trong nhị thập bát tú. Đẩu tên sao tức Bắc Đẩu, Từ phương Nam đến cũng gọi Nam Đẩu, gồm sáu sao. Ngưu là chòm sao thứ hai trong bảy chòm sao Huyền Vũ tại phương Bắc.                                                       

Tài liệu tham khảo

1.      Phan Văn Các, Từ thường dùng trong Hán văn cổ, Nxb KHXH, Hà Nội, 1999.

2.      Hán Nôm học trong nhà trường, Nxb KHXH, Hà Nội, 2008.

3.      Lý Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1997.

4.      王 力,      , 中 華 書 局 出 版 社, 北 京, 2000.

5.           , 張 玉 書 等 編 選 - 王 引 之 等 校 訂, 上 海 古 籍 出 版 社, 1996.

6.         , 李 恩 江 - 賈 玉 民 主 編, 中 原 農 民 出 版 社, 河 南, 2000.

7.        , 商 務 印 書 館, 北 京, 1999.

辭 海 , 中 華 書 局 發 行 所 , 北 京, 1999.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020