Hán nôm

Phát hiện một số tác phẩm mới thuộc thể từ thời Lê Trung Hưng


15-10-2020
Tác giả: ThS Lê Tùng Lâm

ừ là một thể loại văn học Trung Quốc đã được du nhập vào Việt Nam. Đây là một thể loại văn học gắn liền với âm nhạc và diễn xướng. Bài viết giới thiệu một số tác phẩm thuộc thể từ thời Lê Trung Hưng mới được phát hiện.

Từ là một thể loại văn học Trung Quốc đã được du nhập vào Việt Nam. Đây là một thể loại văn học gắn liền với âm nhạc và diễn xướng. Để sáng tác, người nghệ sĩ phải chiểu theo thanh luật của từ điệu để điền từ. Sự kết hợp hài hoà giữa ngôn từ và nhạc tính để lay động lòng người chính là điểm đặc sắc của từ khúc. Để làm được điều đó không chỉ cần đến tài văn chương thường được sĩ tử xưa dụng công rèn luyện mà còn cần tới một tâm hồn nghệ sĩ với cảm quan âm nhạc tinh tế - điều mà không phải bất kỳ ai cũng có được(1).

Người tác từ đầu tiên trong lịch sử nước ta là nhà sư Khuông Việt với tác phẩm Ngọc lang quy nhằm tiễn sứ thần Tống triều Lý Giác về nước năm 987. Tuy nhiên cho đến thời Lê Trung hưng, từ khúc vẫn chưa phải là một thể loại văn chương được phổ biến rộng rãi: "việc tác từ ở giai đoạn này chỉ là sự thể nghiệm một thể loại văn học khác bên cạnh các thể loại thơ ca truyền thống”(2). Cho tới nay chúng ta chỉ tìm được bảy tác giả và 58 tác phẩm từ trong thời kì này(3).

Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu hai tác giả mới với 19 tác phẩm từ chưa từng được biết đến trong thời Lê Trung hưng. Đây là tác phẩm của một nhóm bạn thơ phong lưu tài tử. Trong đó có một nhân vật khá nổi tiếng trên văn đàn. Đó là văn sĩ Đặng Trần Côn. Khoảng năm Ất Mão 1735, Đặng Trần Côn cùng ba người bạn là 楊監生Dương Giám sinh và hai tài tử ở đất Sơn Tây 阮紫頷 Nguyễn Tử Hàm và 阮玉蟾 Nguyễn Ngọc Thiềm liên cú thù tạc, xướng họa về nhiều đề tài khác nhau theo hai thể: thơ và từ. Chúng tôi đã gắng công tra cứu song trừ Đặng Trần Côn ra thì không thể tìm được bất cứ một thông tin nào về những người còn lại.

Nhóm bạn này thường ưa đi chơi đêm, lập hội thơ liên cú thù tạc, xướng họa. Theo đúng thể lệ trong hội thơ của vườn Kim Cốc, người nào không làm được thơ sẽ bị phạt uống ba đấu rượu. Đây là một nếp sinh hoạt rất tao nhã và thú vị.

Tác phẩm của họ được chép trong phần 撫掌新書Phủ chưởng tân thư, cuốn 名言雜著 Danh ngôn tạp trước kí hiệu A.1073 đang được lưu trữ trong kho sách Hán Nôm. Cho tới giờ, sách vẫn được bảo quản trong điều kiện rất tốt. Sách dày 260 trang, kích cỡ 30x20cm. Phần Phủ chưởng tân thư dài 16 trang được chép bằng chữ khải đẹp, rõ ràng. Mỗi trang có 9 dòng, mỗi dòng có khoảng 18 chữ.

Sách có thể chia làm hai phần: phần đầu chép các tác phẩm từ của Đặng Trần Côn và Nguyễn Ngọc Thiềm, phần sau chép hai bài thơ xướng họa của cả bốn người. Tuy nhiên chủ yếu tập sách chép tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thiềm và Đặng Trần Côn gồm 17 bài từ trên 15 trang đầu.

Phần từ chỉ có Nguyễn Ngọc Thiềm và Đặng Trần Côn sáng tác theo bốn đề mục sau:

春夜懷情人Xuân dạ hoài tình nhân: gồm bốn bài từ theo điệu 雨中花Vũ trung hoa. Nguyễn Ngọc Thiềm và Đặng Trần Côn mỗi người làm hai bài.

*戎婦寄征夫Thú phụ ký chinh phu: gồm bốn bài từ. Hai bài đầu theo điệu 滿庭芳Mãn đình phương. Nguyễn Ngọc Thiềm và Đặng Trần Côn mỗi người làm một bài. Hai bài sau theo điệu 望江湖Vọng giang hồ. Hai người mỗi người làm một bài.

*征夫寄還Chinh phu ký hoàn: gồm có bảy bài.

Bốn bài đầu theo điệu 望江南Vọng Giang Nam. Đặng Trần Côn làm 3 bài, Nguyễn Ngọc Thiềm làm một bài. Ba bài sau theo điệu 長相思Trường tương tư. Đặng Trần Côn làm một bài, Nguyễn Ngọc Thiềm làm hai bài.

*奪錦榮歸Đoạt cẩm vinh quy: gồm hai bài từ theo điệu 南鄉子Nam hương tử. Đặng Trần Côn và Nguyễn Ngọc Thiềm mỗi người làm một bài.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, phần đông các bài từ này đều có tính không chuẩn xác khi so sánh với từ phổ. Tuy nhiên, nếu xét trên văn đàn thời Lê Trung hưng thì đây cũng không phải một hiện tượng gì đặc biệt(4).

Đề tài xướng vịnh thù tạc ở đây chỉ quanh quẩn chuyện mĩ nhân, tình ái. Đặc biệt ở đây ta đã bắt gặp 11 bài từ về chủ đề chinh phu, chinh phụ: Thú phụ kí chinh phu (người vợ có chồng đi lính thú gửi cho chồng), Chinh phu kí hoàn (người chồng đi chinh chiến gửi lại). Tác phẩm khắc họa khá thành công tình cảm sâu đậm của đôi vợ chồng trẻ phải chia lìa giữa buổi binh đao.

Người chinh phu ra đi với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ôm mộng công danh. Chàng tuy nhớ thương vợ da diết song vẫn quyết chí xông pha dựng xây nghiệp lớn:

魂歸故里

身在重關

正名韁多絆

賊甲未殘

弧矢男兒多事

卿卿有鏡莫驚鸞

歸去也印大如斗

領與伊看

“Hồn quy cố lý

Thân tại trùng quan

Chính danh cương đa bạn

Tặc giáp vị tàn

Hồ thỉ nam nhi đa sự

Khanh khanh hữu kính mạc kinh loan

Quy khứ dã ấn đại như đấu

Lãnh dữ y khan “

(Hồn về chốn cũ

Thân tại quan san cách trở

Chính danh phải chịu nhiều điều ràng buộc

Quân giặc chưa tan

Nghiệp cung kiếm nam nhi nhiều phận sự

Vợ yêu chớ u buồn vì lẻ loi chiếc kính ở buồng loan

Khi trở về ấn lớn bằng cái đấu

Lĩnh về cùng xem)

Chinh phu kí hoàn - Đặng Trần Côn

Người vợ trẻ cũng ở nhà vò võ ngóng trông chồng nơi quan ải, tiếc thương cho tuổi xuân của mình:

夫君一去幾時還

魂夢乍知青海外

望眸不到玉門關

紅淚濕欄杆

心意苦

不奈朔風寒

料想黃雲征戰地

壯懷直擬斬樓欄

寧肯念花顏

“Phu quân nhất khứ kỉ thời hoàn

Hồn mộng sạ tri Thanh Hải ngoại

Vọng mâu bất đáo Ngọc Môn Quan

Hồng lệ thấp lan can

Tâm ý khổ

Bất nại sóc phong hàn

Liệu tưởng hoàng vân chinh chiến địa

Tráng hoài trực nghĩ trảm Lâu Lan

Ninh khẳng niệm hoa nhan ?”

(Phu quân một đi lúc nào trở lại

Giật mình chợt thấy hồn mộng ngoài cõi Thanh Hải

Mắt ngóng trông chẳng tới Ngọc Môn Quan

Lệ hồng ướt lan can

Tâm ý khổ não

Chẳng kể tới phong hàn

Liệu tưởng chốn chinh chiến mây vàng

Tráng sĩ trong lòng luôn tính chuyện chém giặc Lâu Lan

Há có nhớ tới gương mặt yêu kiều?)

Thú phụ kí chinh phu - Nguyễn Ngọc Thiềm

Chàng ra trận tính chuyện lập tước phong hầu, tận trung báo quốc. Trải qua bao gian hiểm không biết chàng có nhớ tới người vợ hiền lẻ loi chốn buồng loan hay không? Nàng nhớ thương tới đờ đẫn, si dại:

魂迷楚岫夢到秦關

祇黃昏又夜

明月初殘

穿尽燈前冷眼

幾迴把鏡泣孤鸞

腸斷兮憑誰担去

剖與君看

“Hồn mê Sở tụ, mộng đáo Tần quan

Kì hoàng hôn hựu dạ

Minh nguyệt sơ tàn

Xuyên tận đăng tiền lãnh nhãn

Kỷ hồi bả kính khấp cô loan

Trường đoạn hề bằng thuỳ đản khứ

Phẫu dữ quân khan”

(Hồn mê non Sở, mộng đến Tần quan

Hết hoàng hôn lại tới đêm

Trăng sáng mới tàn

Gió rét xuyên vào tận trước đèn

Bao lần soi gương khóc than tấm thân cô độc

Đứt ruột chừ biết cậy nhờ ai đưa tới

Xin mổ ra cho chàng xem)

Thú phụ kí chinh phu - Đặng Trần Côn

Đêm ngày bị nỗi đau xé ruột giày vò, chàng có biết hay chăng?

Căn cứ theo số lượng tác phẩm, chúng ta có thể biết chắc Đặng Trần Côn và Nguyễn Ngọc Thiềm là đôi bạn thân thiết nhất trong nhóm. Hai người rất tự tin, kiêu hãnh về văn tài phun châu nhả ngọc của mình. Cũng có lúc họ bộc lộ khát vọng làm trai lập thân dương danh chốn khoa trường nhưng chung cục lại quay về với cảnh

雄筆掃長篇

占了儒林弟一仙

顯姓揚名新得意

翻螭陛擎天雨露鮮

白面稱青年

梓里香風引玉鞭

晝錦堂青

簫鼓沸喧喧

燭傍青娥共倒顛

“Hùng bút tảo trường thiên

Chiếm liễu nho lâm đệ nhất tiên

Hiển tính dương danh tân đắc ý

Phiên ly bệ kình thiên vũ lộ tiên

Bạch diện xứng thanh niên

Tử lí hương phong dẫn ngọc tiên

Trú cẩm đường thanh

Tiêu cổ phí huyên huyên

Chúc bạng thanh nga cộng đảo điên”

(Ngòi bút hùng tráng viết trường thiên

Chiếm được vị trí đệ nhất trong rừng nho

Tên họ lẫy lừng thật đắc ý

Thỏa thích dưới bệ rồng hưởng ơn mưa móc

Gương mặt thư sinh đáng mặt thanh niên

Khi trở về quê hương cưỡi ngựa tay cầm roi ngọc

Phủ đường lộng lẫy

Tiêu trống nổi vang rền

Bên đèn điên đảo cùng ả mày xanh)

Đoạt cẩm vinh quy - Nguyễn Ngọc Thiềm

Lả lơi cùng người đẹp trong nhịp phách sênh, thả hồn theo điệu hát - đó là việc đầu tiên họ muốn làm sau khi đề tên trên kim bảng. Những tác phẩm trên của hai người có thể coi như một bằng chững xác thực về nếp sinh hoạt tương đối phóng túng của họ: đi chơi kĩ nữ, hát ả đào. Đương thời ngoại thương phát triển, nếp sống đô thị hình thành một cách manh mún đã góp phần tạo điều kiện cho thú ăn chơi xa xỉ này trở nên phổ biến hơn. Tình ái dường như là một phần không thể thiếu trong cuộc đời họ - một niềm hạnh phúc khó có thể diễn đạt thành lời với biết bao nhớ nhung khắc khoải:

愛一刻千金

度一刻千金

….

獨寢也五更深

溫一半短衾

冷一半短衾

相思梦中尋

“Ái nhất khắc thiên câm

Độ nhất khắc thiên câm

…..

Độc tẩm dã ngũ canh thâm

Ôn nhất bán đoản khâm

Lãnh nhất bán đoản khâm

Tương tư mộng trung tầm”

(Yêu thương một khắc đáng giá ngàn vàng

Thời gian trôi đi một khắc đáng giá ngàn vàng

….

Một mình trên chiếc giường năm canh dài dằng dặc

Ấm nửa tấm chăn mỏng

Lạnh nửa tấm chăn mỏng

Tương tư tìm trong mộng)

Xuân dạ hoài tình nhân -Nguyễn Ngọc Thiềm

Bọn họ là những tài tử đa tình, đã để khá nhiều tâm sức vào chuyện gương lược phấn son.

Phải thẳng thắn nói rằng giá trị nghệ thuật của những tác phẩm trong tập Phủ chưởng tân thư có chỗ cũng chưa phải là điêu luyện. Vì được Đặng Trần Côn và Nguyễn Ngọc Thiềm viết ra trong lứa tuổi thanh xuân khi văn tài còn chưa đạt tới độ chín (năm Ất Mão 1735 - khi Đặng Trần Côn khoảng trên hai mươi tuổi). Đó là một thời thanh niên đầy nhiệt huyết, dùng văn chương kết bạn bốn phương.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020