Hà Minh - Nguyễn Thanh Tùng
Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội
Bài viết này có tính chất khái quát và tiếp nối một số công bố trong thời gian gần đây của chúng tôi đối với hệ thống thi tuyển Hán Nôm Việt Nam [1], nhằm mở ra mạch nghiên cứu lâu dài, ngõ hầu tạo cơ sở và tiền đề cho công tác giám định, khai thác tư liệu văn hiến đối với hệ thống thư tịch liên quan. Các thi tuyển chữ Hán có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn các tác phẩm văn học, cụ thể là tác phẩm thi ca dân tộc thời trung đại, đồng thời giữ một vị trí đặc biệt trong kho tàng tư liệu Hán Nôm Việt Nam. Do thế, theo thời gian, đã có nỗ lực của rất nhiều người nhằm khai thác, công bố, phổ biến các bộ sách quý này, bao gồm các công tác như: thư mục, lược thuật, hiệu khám, dịch thuật,… Nhưng do tình hình tư liệu để lại khá phức tạp, khối lượng công việc đồ sộ, luôn có những phát hiện, tư liệu, phương pháp tiếp cận mới, nên những gì đã làm được chưa thể coi là hoàn bị. Từ thực tế đó, bài viết của chúng tôi muốn đặt lại vấn đề tiếp cận, khai thác hệ thống các thi tuyển chữ Hán trong công tác nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm hiện nay. Với tính chất “đặt vấn đề”, bài viết sẽ dựa trên cơ sở thực trạng văn bản các thi tuyển để trình bày/ đề xuất các hướng nghiên cứu chính góp phần phục vụ cho mục tiêu trên.
1. Thực trạng văn bản thi tuyển và các vấn đề đặt ra
1.1. Vấn đề cơ sở ra đời và định bản của thi tuyển
Xét về cơ sở thực tế của việc ra đời các thi tuyển chữ Hán Việt Nam, có thể phân làm 2 nhóm: (a) Nhóm văn bản thực hiện việc biên định theo chiếu chỉ của triều đình, với phạm vi - quy mô cũng như sự tuân thủ nghiêm nhặt những thể thức được xác định. Cùng với sự ra đời - tổ chức tác phẩm là một hệ thống các quy phạm hành chính và học thuật liên quan; (b) Nhóm văn bản được thực hiện “tự phát” hoặc “bán tự phát” theo khát vọng riêng của tác giả hoặc nhóm tác giả, với phạm vi cũng như tính chất - mức độ quy củ giới hạn hơn. Việc phân nhóm và nghiên cứu cơ sở của sự ra đời các sưu tuyển chắc chắn sẽ gợi mở những nguyên tắc trong thẩm định và đánh giá văn bản, cấu trúc văn bản, thẩm duyệt văn bản, quá trình truyền bản của văn bản, …
Xét về hình thức định bản, chúng ta cũng có 2 nhóm: (a) Nhóm văn bản đã được khắc in đương thời hoặc sau đó, do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện, có thể đã được hiệu duyệt chi tiết; (b) Nhóm văn bản chưa từng được khắc in hoặc hiệu duyệt kĩ lưỡng. Ở đây, cần thấy rõ, việc xem xét giá trị văn bản tác phẩm khác với việc đánh giá giá trị bản sao; việc xem xét đánh giá giá trị của các bản in và các bản chép tay lại cũng còn phụ thuộc vào thực tế các bản sao trong việc lưu giữ và biên định văn hiến nữa,…
Cần phải đặt ra các tiêu chí cho mỗi nhóm, mỗi hệ thống và tiến hành so sánh các nhóm - các hệ thống ấy để tìm hiểu về lịch sử làm thi tuyển Việt Nam cũng như các vấn đề nội tại khác có liên quan [xin xem thêm mục 2.4 của bài viết này]. Một mặt khác, thực tế cho thấy, gắn liền với định bản là sự biến động của tên tác phẩm và tên văn bản. Như Toàn Việt thi lục (TVTL) chẳng hạn, qua các bản sao hiện tại, chúng ta ghi nhận tới 9 cách ghi khác nhau. Điều đó sẽ giúp nhận diện văn bản tác phẩm một cách lịch sử.
1.2. Vấn đề niên đại và tác giả của các bộ thi tuyển
Thực may mắn là hầu như các thi tuyển chữ Hán đều có niên đại và tác giả cụ thể. Những thông tin về niên đại và tác giả có thể được tìm thấy trong chính văn bản hoặc các tư liệu khác như các chính sử, sách tiểu sử, địa chí, các bài tựa, bạt, dẫn,… đặc biệt là các công trình thư mục học cổ, như: thiên Nghệ văn chí sách Lê triều thông sử, thiên Thiên chương sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, thiên Văn tịch chí sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, … Điều đó tạo thuận lợi cho việc xác lập vị trí, quá trình hình thành và phát triển của thi tuyển chữ Hán Việt Nam. Tuy nhiên, những ghi chép trong văn bản cũng như ở các tư liệu khác nhiều khi không thống nhất, gây khó khăn cho việc xác định thông tin chính xác. Mặt khác, có văn bản do nhiều tác giả tham gia biên soạn, biên tập [Việt âm thi tập (VATT), Minh đô thi vựng (MĐTV)]; có tác giả vô danh, tác giả hữu danh [TVTL, MĐTV]. Trong quá trình lưu hành, công trình được sửa chữa, biên tập nhiều lần mà không ít lần không có sự chỉ dẫn hay nêu xuất xứ [TVTL, MĐTV, Việt thi tục biên (VTTB)]. Đó là những trở ngại đầu tiên khi nghiên cứu thi tuyển chữ Hán Việt Nam.
Ở đây, cần phân biệt rõ niên đại của tác phẩm và niên đại của bản sao. Lại cũng cần lưu ý hiện tượng một số thi tuyển tiếp tục có sự bổ sung, sửa chữa, thêm bớt sau khi đã hoàn thành; và sự tiến hành bổ sung thêm bớt ấy đã được thực hiện với những động cơ và tính chất khác nhau.
Sự khảo cứu về tác giả, có lẽ cần mở rộng khái niệm theo truyền thống ngành ngữ văn học cổ điển thế giới. Bao gồm người biên soạn - biên định, người hiệu duyệt, người sao chép, người khắc in, người giới thiệu, lưu giữ và truyền bá,…Vì tất cả họ đều tham gia vào quá trình sản sinh - tạo tác văn bản ở những dạng thức khác nhau, nên nếu có thể, cần thiết phải đặt vấn đề nghiên cứu toàn diện về điều này. Nó sẽ giúp cho việc nhìn nhận đời sống của văn bản trong một sự chuyển động không ngừng theo biến đổi của thời gian, lịch sử, tư tưởng học thuật và thiết chế văn hóa…
Chúng tôi nhận thấy, trong thực tế, cách ghi về tác giả trong quá trình truyền bản cũng có nhiều biến động. Như TVTL chẳng hạn, có đến 8 cách ghi khác nhau về tên, phẩm hàm, chức danh, danh nghĩa soạn định văn bản. Chú ý điều này có thể cung cấp các thông tin cần thiết cho giám định văn bản.
1.3. Vấn đề truyền bản, dị bản - dị văn của hệ thống thi tuyển
Hầu hết các thi tuyển đều không còn giữ được bản gốc (thủ cảo, nguyên cảo, nguyên bản) của tác giả, quá trình truyền bản phức tạp và để lại nhiều dị bản [chẳng hạn, TVTL có đến hơn 10 dị bản]. Đây cũng là tình hình chung của các tác phẩm Hán Nôm Việt Nam. Đương nhiên, việc không còn bản gốc để lại nhiều khó khăn cho công tác giám định, thẩm giá văn bản. Quá trình truyền bản của các thi tuyển cũng là vấn đề khá phức tạp, nan giải. Các văn bản truyền đến thời chúng ta như thế nào vẫn là vấn đề chưa thực sự rõ ràng. Dị bản của chúng lại là một vấn đề phức tạp hơn nữa, vì đa số các thi tuyển chỉ có văn bản chép tay, chứa đựng nhiều khiếm khuyết, sai sót; nếu là bản in thì phần nhiều cũng là in lại, in muộn (cách thời điểm ra đời vài ba trăm năm), thiếu sót, mất mát khá nhiều [VATT, Tinh tuyển chư gia luật thi (TTCGLT),…]. Ngay cả một văn bản được in và còn lại nguyên vẹn như Hoàng Việt thi tuyển (HVTT) thì đó cũng chỉ là bản in lại bản thảo Lịch triều thi sao cách đó gần 40 năm (1788 - 1825). Nhiều dị bản vẫn còn nằm rải rác đâu đó trong các thư viện tư gia, thư viện nước ngoài,… chưa được chú ý khai thác, chưa có cơ hội trình làng [VATT, TVTL, MĐTV…]. Các dị bản chúng ta đã nắm được có bản đã rách nát, khó đọc, các bản “lành lặn” lại có sự lộn xộn, thiếu thống nhất gây cản trở cho việc xác lập văn bản quy phạm và khai thác thông tin tư liệu.
Nhìn tổng quát, việc xác lập sơ đồ truyền bản - “phả hệ” văn bản đối với từng thi tuyển [2] và cao hơn, xác lập sơ đồ tổng thể thi tuyển Việt Nam, để thấy rõ tính kế thừa về tư liệu, phương pháp…giữa chúng cũng là một công việc quan trọng.
1.4. Về tính xác thực - độ tin cậy của văn bản
Do tình hình văn bản phức tạp nêu trên, nhiều văn bản thi tuyển hiện còn có độ tin cậy thấp (nhất là các văn bản chép tay), nguy cơ ngụy tạo khá lớn, gây hoài nghi, e ngại trong việc khai thác chúng. Có văn bản tưởng chừng đã mất đột nhiên lại xuất hiện trở lại giữa thời hiện đại với diện mạo “mới lạ” khiến ta không khỏi băn khoăn về nguồn gốc của nó [Trích diễm thi tập (TDTT)]. Có văn bản tồn tại nhiều dị bản, các dị bản khá không thống nhất; có dị bản bộc lộ rõ sự bổ sung, sao chép tùy tiện của người đời sau [TTCGLT, TVTL…] [3]. Điều đó đòi hỏi phải tiến hành thao tác “biện ngụy”, nhằm xác định độ tin cậy của văn bản, chọn lọc được văn bản chân xác nhất. Tuy nhiên, trong quá trình đó, chúng ta cũng không nên loại bỏ những văn bản được coi là “ngụy thư”, bởi nhiều khi, chúng cũng có giá trị không nhỏ, ít nhất là về mặt tư liệu [4].
Cần phân biệt mức độ tin cậy của văn bản với tính xác thực của nôi dung ghi chép. Chẳng hạn, có thể các tác giả triều Lê Trung hưng vốn không có mặt trong TVTL của Lê Quý Đôn nhưng bản sao TVTL A.132 lại sao chép rất tốt, rất trung thực tác phẩm của họ. Sự giám định văn bản, nếu cần thiết, có thể bóc tách thành từng phần nhỏ (quyển, tác giả, triều đại…) của từng bản sao và đối sánh chúng trong nội bộ các bản sao trước khi so sánh với hệ thống ghi chép - minh chứng ngoài bản sao.
2. Các hướng nghiên cứu chủ đạo đặt ra đối với thi tuyển chữ Hán Việt Nam
Từ thực trạng văn bản các thi tuyển chữ Hán của Việt Nam trên đây, chúng tôi xin đề xuất một số hướng nghiên cứu cụ thể và trước mắt sau:
2.1. Sưu tầm - tập hợp, phân loại văn bản
Công việc đầu tiên chúng ta nên làm vẫn là cố gắng sưu tầm các văn bản vẫn còn nằm rải rác trong dân gian, tại các thư viện trong và ngoài nước. Có làm công việc này chúng ta mới hi vọng bổ sung thêm vào số lượng các sách thi tuyển ít ỏi hiện có, làm cơ sở vững chắc hơn cho những hướng nghiên cứu tiếp theo. Trước đây, nhờ công việc này, chúng ta đã tìm lại được văn bản một bộ thi tuyển hết sức có giá trị là TDTT. Cho dù vẫn còn có sự hoài nghi về độ tin cậy của văn bản thì nó vẫn là một văn bản rất quý báu. Thực tế những năm gần đây cũng cho thấy, hướng đi này vẫn đầy triển vọng. Chúng tôi đã phát hiện được một dị bản VATT mới, khác với những văn bản hiện biết, ngay tại Thư viện Quốc gia Hà Nội [5]. Chúng tôi cũng đã tìm thấy một dị bản khá độc đáo của TVTL tại một thư viện tư gia ở Bắc Kinh, Trung Quốc [6]. Chúng tôi cũng đã có trong tay một dị bản của MĐTV tại một thư viện tư gia ở Hà Nội, chờ giám định và công bố…Những dị bản đó cung cấp cho chúng ta khá nhiều thông tin mới về tác giả, tác phẩm, văn bản các thi tuyển. Như vậy, nếu phạm vi sưu tầm được mở rộng, công phu sưu tầm được gia tăng và thêm một chút may mắn, chắc hẳn chúng ta sẽ còn thu lượm được những kết quả khả quan hơn. Song song với công việc sưu tầm, tập hợp văn bản, tùy vào từng mục đích nghiên cứu khác nhau, chúng ta cũng cần tiến hành việc đặt ra hệ thống các tiêu chí để phân loại văn bản, tìm ra được nhóm văn bản nòng cốt để chỉ dẫn cho những khảo cứu chi tiết tiếp theo.
2.2. Nghiên cứu văn bản học đối với tổng thể hoặc một bộ phận thi tuyển
Với các văn bản đã có trong tay, việc làm cấp thiết hiện nay là phải tiến hành nghiên cứu văn bản học một cách toàn diện các thi tuyển chữ Hán Việt Nam thời trung đại. Trước đây, việc nghiên cứu văn bản các thi tuyển này đã được chú ý, nhưng mục đích chủ yếu của nó vẫn là để phục vụ cho một công trình văn học sử nào đó, như để tìm hiểu về một tác giả tác phẩm hay một giai đoạn nào đó (công trình Thơ văn Lí Trần [7] chẳng hạn). Ít có công trình nghiên cứu văn bản thi tuyển một cách chuyên biệt và có hệ thống dù rằng những đóng góp của chúng không phải là nhỏ. Người duy nhất đặt vấn đề này là học giả Trần Văn Giáp. Nhưng ông lại thiên về nghiên cứu chúng để phục vụ cho công tác tiểu sử học và thư mục học của mình [8] nên mức độ khảo sát, tìm hiểu còn có chỗ sơ sài. Hơn nữa, do điều kiện tư liệu lúc bấy giờ thiếu thốn, phương pháp nghiên cứu thô sơ, thủ công nên kết quả đạt được còn nhiều hạn chế. Theo chúng tôi, muốn nghiên cứu văn bản các thi tuyển một cách hiệu quả, cần tiến hành một số thao tác sau:
- Tiếp tục đào sâu tìm tòi, phát hiện những thông tin về các bộ thi tuyển được ghi chép trong các tư liệu Hán Nôm. Thực tế cho thấy, nhiều thông tin quý giá như vậy vẫn còn tiềm ẩn trong kho sách Hán Nôm. Những thông tin này, qua đối chiếu với tình hình các dị bản, sẽ giúp làm rõ một số vấn đề còn tồn nghi, như vấn đề: niên đại, soạn giả, truyền bản,…cña c¸c bộ thi tuyển.
- Cần so sánh một cách triệt để các dị bản của một bộ thi tuyển nhất định, ngõ hầu tìm ra thiện bản hay chí ít là tìm ra sự bổ sung cho nhau giữa các dị bản, góp phần xác lập “văn bản quy phạm” cho mỗi bộ thi tuyển. Chẳng hạn, chúng tôi đã tiến hành so sánh 2 dị bản của bộ TTCGLT và tìm ra một số thông tin thú vị, cho thấy phần nào diện mạo ban đầu của tác phẩm cũng như quá trình truyền bản của công trình [9].
- Cần so sánh triệt để, toàn diện hơn nữa văn bản của các bộ thi tuyển với nhau. Thực tế cho thấy, các bộ thi tuyển ra đời sau đều có kế thừa, học tập các bộ thi tuyển đi trước đồng thời có sự tiếp nối, sáng tạo. Có những bộ thi tuyển đến nay tuy đã bị mất mát nhiều, nhưng đã được bảo lưu một phần hoặc toàn bộ trong các thi tuyển sau. Trường hợp VATT, TTCGLT, TDTT với TVTL là ví dụ điển hình. Có bộ thi tuyển là sự “chép nối” tác phẩm trước đó, chẳng hạn như HVTT, VTTB với TVTL…Trên cơ sở so sánh, đối chiếu, chúng ta hoàn toàn có khả năng phục nguyên phần nào các bộ thi tuyển, đồng thời tìm ra đóng góp cụ thể của mỗi công trình cũng như của mỗi soạn giả của công trình đó.
Ngoài ra, cũng cần phối hợp nhiều thao tác nghiên cứu liên ngành khác (sử học, địa lí, khảo cổ, ngữ văn học, văn tự học,…) để xử lí các vấn đề về văn bản thi tuyển. Sau khi đã xử lí cơ bản vấn đề đó, chúng ta có thể tiến hành phiên dịch và công bố rộng rãi các công trình này làm tư liệu nghiên cứu.
2.3. Nghiên cứu phương pháp tổ chức, quan điểm biên định, cách thức chú thích dẫn giải tác giả - tác phẩm
Phương pháp tổ chức, quan điểm biên định, cách thức chú thích dẫn giải tác giả - tác phẩm…vừa là một vấn đề lí luận, vừa là vấn đề phương pháp - thao tác, là tiền đề và cơ sở trực tiếp dẫn đến sự ra đời của các sản phẩm văn hóa thành văn. Đến lượt mình, chính những sản phẩm văn hiến này lại cũng phản ánh vào trong nó quan điểm - tư tưởng học thuật… của tác giả. Nghiên cứu văn bản Hán Nôm nói chung và nghiên cứu thi tuyển chữ Hán nói riêng không nên tách rời khỏi vấn đề này. Sự kế thừa và ảnh hưởng về quan điểm, phương pháp học thuật (trong nước cũng như nước ngoài) nhiều khi quan trọng hơn cả sự kế thừa về tư liệu. Trong cụm vấn đề này, cần đặc biệt lưu ý đến khía cạnh chú thích dẫn giải văn hiến. Chính công tác chú giải sách vở cổ xưa sẽ cho chúng ta nhiều thông tin đáng chú ý về tinh thần dân tộc, tinh thần tự chủ văn hóa hay những cống hiến - sáng tạo trong học thuật của các nhà trí thức Việt Nam thời trung đại
Qua tìm hiểu vấn đề này, chúng ta sẽ không chỉ đánh giá đúng văn bản vốn là đối tượng nghiên cứu, mà còn là cơ sở để đánh giá cả tiến trình lịch sử của loại hình văn bản hay tiến trình lịch sử của văn hiến nói chung. Xuất phát từ nhận thức như vậy, đối với văn bản TVTL, chúng tôi đã tiến hành phân tích thí điểm để tìm hiểu về tư tưởng và phương pháp tổ chức văn bản của Lê Quý Đôn [10].
2.4. Nghiên cứu loại hình học thi tuyển Hán Nôm
Các thi tuyển không chỉ có giá trị tư liệu, nó còn có giá trị tự thân với tư cách một loại hình văn bản đặc thù. Vì vậy, chúng ta có thể triển khai hướng nghiên cứu loại hình học. Nghiên cứu loại hình học là xem xét đối tượng như một loại hình có tính hệ thống, tính bền vững, có đặc trưng và bản sắc. Chúng ta hoàn toàn có thể xem thi tuyển như một hiện tượng văn học, văn hóa có lịch sử hình thành và phát triển, có đặc trưng riêng. Thực tế là, với trên một chục bộ thi tuyển chữ Hán lớn (với số lượng thơ sưu tập từ vài trăm đến vài ba ngàn bài), chúng ta đã có một truyền thống làm thi tuyển khá dày dặn. Nếu xâu chuỗi các bộ thi tuyển đó lại, chúng ta có thể phục dựng lại được lịch sử hình thành và phát triển của thi tuyển chữ Hán Việt Nam. Bộ thi tuyển đầu tiên xuất hiện vào giữa thế kỉ XV và bộ thi tuyển cuối cùng xuất hiện cuối thế kỉ XIX. Nhiều câu hỏi có thể được đặt ra là: Thi tuyển chữ Hán Việt Nam được hình thành và phát triển như thế nào? Trong bối cảnh văn hóa xã hội ra sao? Đặc điểm của thi tuyển Việt Nam là gì?... Đó là những vấn đề cần được giải đáp thấu đáo trong tương lai. Ở đây, cũng không thể không nhắc đến ảnh hưởng của truyền thống thi tuyển Trung Hoa. Thi tuyển Trung Hoa bắt đầu có từ đời Lương (với Văn tuyển của Tiêu Thống), phát triển rầm rộ, liên tục vào các thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và đặc biệt là thời Thanh. Thi tuyển Trung Hoa rất đồ sộ, công phu, chặt chẽ. Chắc hẳn, thi tuyển Trung Hoa có ảnh hưởng khá lớn đến thi tuyển Việt Nam. Nhưng ảnh hưởng đó như thế nào? Đến đâu? Liệu có sáng tạo gì riêng trong thi tuyển chữ Hán Việt Nam hay không? Ấy cũng là những vấn đề cần phải làm sáng tỏ trong tương lai.
2.5. Nghiên cứu và xác định phương pháp xác lập văn bản và khai thác tư liệu văn hiến
Đây là nội dung nghiên cứu cần đặt ra sau khi chúng ta đã tiến hành xác lập được văn bản. [Xác lập văn bản có thể bao gồm: xác định văn bản, xác định tác giả và niên đại, xác định truyền bản, xác định dị văn, xác định văn bản cơ sở, xác định tính chân thực của văn bản, xác định thiện bản hay bản quy phạm…]. Thực tế cho thấy, việc khai thác tư liệu từ thi tuyển có phần tùy tiện, không theo một thể thức, quy phạm nào… của chúng ta đã làm cho di sản văn hóa thành văn các đời tiếp tục bị biến dạng trong thời hiện đại. Phương pháp xây dựng “hồ sơ” di văn Hán Nôm của một tác giả hay một triều đại, một thời kì…trên cơ sở các văn bản thi tuyển đã được xác lập sẽ quyết định giá trị thực tế của công trình mà chúng ta công bố. Việc cần thiết hình thành những hệ thống nguyên tắc chung cũng như nguyên tắc riêng trong xử lí tư liệu Hán Nôm (trong trường hợp này là thi tuyển chữ Hán) để công bố di sản văn hóa thành văn thi ca cổ điển vốn cũng đã được đặt ra, nhưng việc tuân thủ triệt để các nguyên tắc văn hiến học trong thực tế thế nào thì dường như không mấy ai quan tâm. Đưa di sản Hán Nôm vào đời sống là công việc và là mục đích cuối cùng của Hán Nôm học, cũng đã đến lúc cần có tổng kết lí luận về vấn đề này. Nghiên cứu và xác định phương pháp xác lập văn bản và khai thác tư liệu văn hiến sẽ giúp ích cho công việc ấy đạt đến hiệu quả một cách nhanh hơn, đạt được những sự chuẩn mực cao hơn.
*
Tóm lại, các thi tuyển chữ Hán Việt Nam thời Trung đại đang có một thực trạng văn bản khá bừa bộn, liên tục đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết, nhiều hướng nghiên cứu cần được thực thi. Bản thân chúng tôi không chỉ ý thức được điều đó mà đã bắt tay vào việc thực hiện những đề xuất nêu trên và bước đầu đạt được một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng rộng lớn, phức tạp đòi hỏi công phu, nỗ lực của nhiều người, nhiều thế hệ. Bởi vậy, chúng tôi vẫn cứ mạo muội nêu lên, hi vọng thu hút được sư quan tâm, chú ý của những người có điều kiện và có tâm huyết với di sản văn học, văn hóa của cha ông.
Tóm tắt: Bài viết nêu ra và lí giải những vấn đề then chốt về mặt văn bản học đang đặt ra bức thiết trong việc nghiên cứu - thẩm định hệ thống thi tuyển chữ Hán Việt Nam thời trung đại. 4 vấn đề về thực trạng thi tuyển và 5 đề xuất về hướng nghiên cứu văn bản thi tuyển trình bày trong bài viết, trên thực tế là những cụm vấn đề, chuyên chú vào phương diện văn bản của loại hình di sản thi tuyển Hán Nôm Việt Nam. Đi sâu vào chi tiết, sẽ còn đặt ra vô số những vấn đề và khía cạnh nghiên cứu cụ thể cần triển khai. Phụ lục của bài viết có thể coi là cái nhìn tổng quan, cố gắng cập nhật nhất các thông tin nghiên cứu về văn bản những bộ thi tuyển chữ Hán quan trọng nhất của Việt Nam trong lịch sử.
Chú thích, tài liệu tham khảo và trích dẫn:
[1]. Xin xem: Hà Minh, Nguyễn Thanh Tùng: Các bài nghiên cứu từ 2002 đến 2005 dưới đây. Khái niệm thi tuyển trong bài viết được hiểu với hàm nghĩa: những tuyển tập, hợp tuyển, tổng tập…sao chép tác phẩm của nhiều nhà thơ, nhiều tập thơ, trải nhiều thời kì theo những tiêu chí nhất định; khác với khái niệm tập, thi tập…thường là của một tác giả, có tính chất chuyên biệt, trong một giai đoạn nhất định nào đó.
[2]. Hà Minh (2005), Xác lập sơ đồ truyền bản Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, Tham luận Hội thảo Khoa học toàn quốc Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn Hán Nôm trong nhà trường ĐH - CĐSP, ĐHSP Hà Nội, tháng 4/2005.
[3]. Hà Minh, Nguyễn Thanh Tùng (2005), Giới thiệu tình hình văn bản và giá trị một số bộ thi tuyển chữ Hán tiêu biểu của Việt Nam thời Trung đại, Tạp chí Khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội, số 5, Tr. 17 - 21. Cũng xem chi tiết tại phần Phụ lục ở cuối bài viết này.
[4]. Khái niệm “ngụy thư” (sách giả) được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc. Cần phân tích rõ nguyên nhân và động cơ làm giả, “hữu ý” hay “phi hữu ý”, giả toàn bộ hay giả bộ phận, giả nội dung hay giả về tác giả, niên đại…để lưu ý hiện tượng một sách giả nhưng lại là một tài sản văn hiến quý giá.
[5]. Nguyễn Thanh Tùng (2004), Phát hiện mới về văn bản Việt âm thi tập, in trong Thông báo Hán Nôm học năm 2004, Viện KHXH Việt Nam - Viện NC Hán Nôm xuất bản, Hà Nội, Tr. 496 - 509.
[6]. Hà Minh, Tổng quan về tình hình văn bản và giá trị Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, Tạp chí Khoa học - ĐHSP Hà Nội, số 5 năm 2003, Tr.3-7.
[7]. Nguyễn Huệ Chi (1977), Khảo luận văn bản trong Thơ văn Lí Trần, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[8]. Xin xem: Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác gia Việt Nam, 2 tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971 - 1972; Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – nguồn tư liệu, 2 tập, Thư viện Quốc gia xuất bản, Hà Nội, 1972 - 1990.
[9]. Nguyễn Thanh Tùng (2005), Về hiện trạng văn bản của Tinh tuyển chư gia luật thi, Tham luận Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2005, Viện NC Hán Nôm (thuộc Viện KHXH Việt Nam), Hà Nội, tháng 10/2005.
[10]. Hà Minh (2004), Quan điểm và phương pháp sưu tập, biên định di sản văn hóa thành văn quá khứ của Lê Quý Đôn thể hiện qua Toàn Việt thi lục, Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Những nhà nghiên cứu Ngữ văn trẻ, Tạp chí Khoa học - ĐHSP Hà Nội xuất bản, Tr.105 - 111.
PHỤ LỤC:
TỔNG HỢP KẾT QUẢ KHẢO SÁT – ĐỐI CHIẾU VĂN BẢN MỘT SỐ
THI TUYỂN CHỮ HÁN VIỆT NAM TIÊU BIỂU THỜI TRUNG ĐẠI
(1). Việt âm thi tập hay Việt âm tập, do Phan Phu Tiên (?-? ) khởi biên và Chu Xa (?-?) tục biên. Khởi biên và tạm hoàn thành trong khoảng 1428 - 1433 (tựa), còn tục biên thì vào năm 1446, khi triều đình xuống chỉ cho Chu Xa làm tiếp, đến năm 1459 hoàn tất, nhờ Lý Tử Tấn hiệu đính, phê điểm rồi khắc in.
- Bản gốc VATT, cũng như TVTL đã thất lạc. Năm Bảo Thái, Kỷ Dậu (1729), một nhóm người có tâm huyết đã cùng nhau khắc in lại. Nay còn giữ lại được một văn bản in nhưng không đầy đủ (A. 1925). Sách có một bản chép tay năm Tự Đức thứ 34 (1881)(A.3038) và một bản chép tay (đời Nguyễn) ký hiệu R.1629 (TVQG).
- Theo Nguyễn Huệ Chi, Mục lục 1729 cho biết, VATT gồm 7 quyển, với 617 bài thơ (còn theo thống kê từ Mục lục của Trần Văn Giáp, sách có 624 bài thơ của 119 tác giả). Theo khảo sát của chúng tôi, Mục lục có ghi 612 bài của 113 đơn vị tác giả. Theo bài Tựa của Lý Tử Tấn, văn bản có hơn 700 bài. Nhưng trên thực tế Mục lục không phản ánh chính xác con số thực, ví dụ: Trần Thánh Tông 3/5 bài, Trần Minh Tông 12/20 bài. Lê Quý Đôn nói con số đó là 6 quyển, "Sử thần Phan Phu Tiên biên tập, Nguyễn Tử Tấn phê điểm" (Đại Việt thông sử, Nghệ văn chí), ông không nhắc gì đến Chu Xa. Sách sắp xếp theo thứ tự: vua để lên đầu, sau đến quan lại, thiền sư và phụ nữ… để vào phần Phụ lục.
- Hiện trạng văn bản:
+ Bản A.1925: gồm 3 quyển, thiếu quyển IV, V, VI [quyển I, II, III và phần bổ di quyển III] dày 136 trang khổ 24 x 16, in năm Bảo Thái thứ 10 (1729). Văn bản hiện còn gồm 2 bài tựa, Tựa 1 năm Thuận Thiên quý sửu (1433), Tựa 2 vào năm Diên Ninh thứ 6 (1456), một bài Thượng tiến VATT của Chu Xa, một bản Mục lục toàn bộ sách. Theo khảo sát, sách chỉ còn 288 bài thơ của 50 đơn vị tác giả (trong đó có 6 bài thơ khuyết danh).
+ Bản A.3038: 3 quyển và phần Bổ di quyển III, thiếu quyển IV, V, VI, dày 148 trang khổ 26 x 15, chữ viết khá thảo. Qua so sánh thì thấy đây là bản chép lại gần như y nguyên văn bản A. 1925.
+ Bản R. 1629 (TVQG): chép tay, giấy dó cũ, có kiêng huý chữ Tông (宗) nhất loạt đổi ra Tôn (尊), "Thời" (時) đổi ra "Thần" (辰), các chữ huý triều Lê như "Anh" ( ), Trần ( ), "Long"( ) đều đổi lại như bình thường, chữ "quốc triều" (國朝) bị đổi ra thành "Lê triều" (黎 朝). Như vậy, sách chép đời Nguyễn trở về sau (cuối XIX), gồm 96 trang, khổ 29 x 17, gồm một bài biểu Thượng tiến VÂTT của Chu Xa, theo bài biểu thì sách có 6 quyển cộng với một phụ lục, nhưng trong sách không thấy chia quyển, căn cứ vào nội dung sách có thể thấy nó gồm Q1- Q3 và một phần Q4, sách thiếu trang, thơ chép từ đầu đời Trần đến đầu đời Lê, gồm bài của tác giả. Nếu chỉ tính 3 quyển đầu (chép thơ đời Trần- Hồ) thì sách chép 288 bài của 50 đơn vị tác giả. Sách trình bày 9 cột/ trang, tên bài thơ, tác giả viết trồi lên 1 chữ hoặc viết cách ra trong cột. Sách có cước chú sơ lược về tác giả, đôi khi có chú tác phẩm nhưng rất ít. Điều đặc biệt của quyển này là có một phần Q4, gồm 34 bài của 4 tác giả trong đó: Lê Thái Tổ (3 bài), Lê Thái Tông (2 bài), Nguyễn Mộng Tuân (17 bài), Nguyễn Tử Tấn (12 bài, theo chú dẫn thì có 13 bài, nhưng đến giữa bài thứ 12 thì sách bị rách và kết thúc). Tuy nhiên, khảo sát kỹ thì thấy 12 bài này đều là thơ của Nguyễn Mộng Tuân. Vậy, sách chỉ chép được 34 bài thơ của 3 tác giả (trong đó Nguyễn Mộng Tuân có 29 bài). Theo Mục lục của bản A. 1925, Q4 gồm 86 bài của 6 tác giả. Vậy bản này đã lưu giữ được gần nửa Q4 đó. Chúng tôi có đặt nghi ngờ rằng có thể người chép đã lấy phần này từ các bộ thi tuyển khác. Nhưng, từ những nhầm lẫn trong trường hợp thơ Nguyễn Mộng Tuân và Lý Tử Tấn thì có thể thấy khó có chuyện đó. Cũng rất có thể sách mà người chép dùng để sao lại có rách nhiều chỗ. Dù sao, lý giải tất cả các vấn đề trên đây không phải là một việc đơn giản và cần một bài viết khác.
(2). Tinh tuyển chư gia luật thi hay Cổ kim thi gia tinh tuyển, Tinh tuyển chư gia thi tập… do Dương Đức Nhan soạn, Lương Như Hộc hiệu đính, phê điểm vào khoảng giữa thế kỷ XV. Chúng ta chưa rõ soạn xong sách có được in ra ngay không, chỉ biết bản gốc đã thất truyền, , hiện còn giữ được 2 bản: 1 bản sao TTCG ký hiệu A.574; 1 bản in ký hiệu A.2657.
- Theo Lê Quý Đôn, tên sách là Cổ kim thi gia tinh tuyển, sách gồm 15 quyển (Đại Việt thông sử, Nghệ văn chí). Chưa rõ con số này thế nào, có lẽ là chép nhầm. Theo Phan Huy Chú, sách gồm 5 quyển, tập hợp thơ của 13 tác giả Trần, Hồ, Lê sơ gồm 472 bài (Lịch triều hiến chương loại chí, Văn tịch chí). Sách sắp xếp khá lộn xộn, không còn theo trật tự trước sau, tôn ti nữa, dường như có ý nghĩa chống lại quan điểm biên soạn trước đó. Theo Lê Quý Đôn, sách dường như là sự "bổ sung những bài còn thiếu" cho Việt âm thi tập.
- Hiện trạng văn bản:
+ Bản chép tay A.574: có 2 quyển, dày 326 trang mỗi trang 9 dòng (20 chữ), giấy lệnh hội, khổ 31 x 20, chia làm 2 quyển I và II, có ghép cả Phụ Dụ trai tiên sinh thi tập (tác phẩm của một tác giả đời Nguyễn, không tính vào đây). Theo Trần Văn Giáp, sách chép 362 bài của 11 tác giả. Theo Nguyễn Huệ Chi, sách chép 409 bài thơ của 12 tác giả.[Trần Nghĩa ghi 558 bài, có lẽ tính cả thơ của Dụ trai chăng ?] Theo sự khảo sát của chúng tôi thì thống kê của Nguyễn Huệ Chi là đúng. Thống kê của Trần Văn Giáp chẳng những sai về số bài thơ mà còn sót mất 1 tác giả là Lê Bá Quát.
+ Bản in A.2657: mất đầu mất cuối, thiếu sót chỉ còn 2 quyển ( 4 và 5), dày 140 trang khổ 26 x16 với 217 bài thơ của 4 tác giả đời Lê (Nguyễn Trãi: 52; Lý Tử Tấn: 40; Nguyễn Mộng Tuân: 106; Vũ Mộng Nguyên: 19 bài). So với bản A.574, thì phần còn lại của bản này trùng với Q2 của bản trên, cũng gồm 4 tác giả đời Lê, nhưng số lượng bài ở bản in nhiều hơn bản chép tay 73 bài (tức là các bài không có trong bản chép tay). Bên cạnh đó, ở bản chép tay cũng có 3 bài không có trong bản in (đó là 3 bài Hoài lộc, Tặng quốc tử tế tửu Nguyễn Công trí chức [vinh quy] và Du hồ của Nguyễn Mộng Tuân,). Bao giờ ta cũng ưu tiên cho bản in vì nó có độ tin cậy cao hơn bản chép tay. Hơn nữa như ta thấy, bản chép tay chính ra đã chép từ bản in theo đúng thứ tự các tác giả và các bài thơ, nhưng có bỏ sót một lượng tác phẩm khá lớn (67 bài). Vì vậy, có thể kết luận rằng bài này không có trong bản gốc của TTCG mà rất có thể người chép đã lấy từ sách khác như VATT hay TVTL sang (chúng tôi đã tìm thấy đầy đủ cả 3 bài này trong TVTL, ở VATT ký hiệu R. 1629 thì chỉ mới thấy 1 bài là Hoài lộc). Cộng số bài có ở bản A.574 (409) với số bài dư ở bản in (73 bài) ta được 482 bài. Như vậy, có thể Q1 của bản chép tay chính là 3 quyển đầu của bộ TTCG gồm 5 quyển như Phan Huy Chú đã ghi chép, dù số tác giả và tác phẩm có chênh lệch nhưng không đáng kể. Rất có thể ở phần thơ đời Trần, người chép đã bỏ sót 1 tác giả, từ 9 còn có 8, rồi trong 8 tác giả đó, ông ta lại chép thêm 1 vài bài thơ ở các tập khác mà ông biết sang làm cho con số tác giả và tác phẩm bị sai lệch đi so với bản gốc đã được họ Phan mô tả. Đây là hiện tượng đã xảy ra ở phần 4 tác giả đời Lê (khi so bản in với bản chép tay thấy người chép bỏ sót tới 73 bài nhưng lại chép thêm ở đâu đó vào 3 bài). Tuy nhiên, cũng có thể đặt ra những hoài nghi về ghi chép của Phan Huy Chú. Đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp mà hiện thời chúng ta chưa thể giải quyết được.
(3). Trích diễm thi tập: Do Hoàng Đức Lương soạn, Ngô Ngọc Can hiệu đính, văn bản soạn trong thời Hồng Đức vì có lời đề tựa năm 1497.
- Hiện văn bản gốc sách này cũng đã thất truyền, phần còn lại cũng thất lạc. Lê Quý Đôn có nhắc đến nhưng đến Bùi Huy Bích, Phan Huy Chú thì không chép gì thêm, chứng tỏ sách đã thất lạc. Gần đây, vụ Bảo tồn bảo tàng mới sưu tầm lại được một bản (năm 1957). Đó là bản mang ký hiệu HN. 279 (và HVE. 8 chép lại của cục Bảo tồn bảo tàng), Viện Hán Nôm chép lại một bản là VHv. 2573, Viện văn học chép lại một bản là HN . 290, Thư viện Quốc Gia có chụp lại một bản ký hiệu R.2248 - 50.
- Theo Lê Quý Đôn, sách có 15 quyển, nhưng đến thời ông chỉ còn không quá 1 nửa (Đại Việt thông sử, Nghệ văn chí; Toàn Việt thi lục, Lệ ngôn). Theo bài Tựa của Hoàng Đức Lương thì sách gồm 6 quyển và phụ chép thơ của ông (25 bài). Theo Mục lục bản hiện còn sách chép 259 bài thơ của tất cả 41 tác giả. Cách sắp xếp của Hoàng Đức Lương (nếu ta tin vào văn bản hiện còn) khá mới mẻ, ông không lâý tiêu chuẩn đẳng cấp xã hội làm thứ tự ưu tiên trong chọn tuyển và sắp xếp, ông sắp xếp bộ hợp tuyển của mình theo thể loại chứ không sắp theo thứ tự vua quan (tất nhiên cũng vì TDTT không tuyển thơ của các vị hoàng đế), cũng không sắp xếp theo triều vua. Cụ thể, ông sắp thành các mục: thơ thất tuyệt, thơ ngũ tuyệt, thơ ngũ ngôn bát cú, thơ thất ngôn bát cú. Do đó một tác giả có thể có mặt hai lần trong các quyển khác nhau.
- Hiện trạng văn bản:
+ Bản HN. 279: theo Trần Văn Giáp, gồm 6 quyển, đóng chung thành 1 cuốn, chép tay trên giấy bản thường khổ 30 x 16, 104 tr, mỗi trang 10 dòng, mỗi dòng 23 - 24 chữ, chữ viết thảo rõ ràng nhưng viết nhầm nhiều. Sách gồm có 1 tựa của Hoàng Đức Lương, một Mục lục ghi tên các tác giả, một Mục lục ghi tên các bài thơ trong tập từ Q1 đến Q6. Theo Mục lục, sách gồm 259 bài thơ của 41 tác giả. Tuy nhiên, trên thực tế đều tra của chúng tôi (trên bản chụp pilorit bản nói trên, mang ký hiệu R.2248 của Thư viện quốc gia Hà Nội) thì sách chỉ chép được 240 bài thơ (Q1: 34 bài, Q2: 41 bài, Q3: 31 bài,Q 4: 52 bài, Q5: 47 bài, Q6: 35 bài) của 37 tác giả, thiếu đi 19 bài của 6 tác giả (Huyền Quang, Nguyễn Phi Khanh, Lê Cảnh Tuân, Nguyễn Vĩnh Tích, Nguyễn Bành, Nguyễn (?), trong đó 4 tác giả không còn bài thơ nào là 4 tác giả sau). Cũng có một bài thơ chép nhầm của Thái Thuận sang Huyền Quang (bài Long nhãn quả).
+ Bản VHv. 2573: có 6 quyển, gồm tựa của soạn giả, một Mục lục, phần thơ ngũ tuyệt - thất tuỵêt, và 25 bài của tác giả. Bản này dày 104 trang, khổ 31 x 23,5, chữ xấu, so với bản HN. 279 không có gì khác. Các dị bản khác chúng tôi không có điều kiện khảo sát, vả lại, cũng không cần thiết vì đều là bản chép lại từ bản HN.279 gần đây.
(4). Toàn Việt thi lục: Do Lê Quý Đôn soạn, hoàn thành năm 1768, rồi dâng lên triều đình và được ban thưởng. Sách chưa được in, hiện nay còn biết được 13 bản. Trong hệ thống các thi tuyển Việt Nam trung đại, TVTL có một vị trí cực kì quan trọng. Tiếp thu khảo chứng học đời Thanh, với quy cách sưu tập, biên định công phu tỉ mỉ, TVTL đã bao quát được thành quả của các thi tuyển trước đó và trên cơ sở đó tạo nên một sự bứt phá mới trên nhiều phương diện, làm tiền đề cho các hợp tuyển thơ ca đời sau.
- Theo Lịch triều hiến chương loại chí (Văn tịch chí) của Phan Huy Chú, toàn tập gồm 20 quyển, chép thơ từ đời Lý đến thời Hồng Đức. Theo bài “TVTL - Lệ ngôn” thì sách chia làm 2 quyển, nhưng hiện nay không có văn bản nào 2 quyển cả, nhưng đại khái, 2 quyển đó chính là 2 phần (trong bộ 15 quyển): phần I (quyển 1 đến quyển 4) chép thơ Lý, Trần, Hồ, Hậu Trần. Phần II (11 quyển sau), chép thơ thời Lê sơ. Nguyên tắc sắp xếp là dựa vào lịch đại, nhưng trong mỗi thời đại nguyên tắc đó không tuyệt đối, thơ của vua chúa được chép riêng, để lên đầu các phần I, II; thơ các nhà sư, nữ sĩ, sứ thần Trung Hoa, Triều Tiên thì chép vào tiếp sau và phần Phụ lục. Đối với từng tác giả thì trật tự tác phẩm xếp theo thể thơ: từ cổ thể tới cận thể, trong mỗi loại đó lại theo thứ tự: ngũ tuyệt, thất tuyệt, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn bát cú. Xuất xứ tác giả, tác phẩm được chú giải khá kĩ lưỡng, cẩn thận.
- Hiện trạng văn bản: Như đã nói ở trên, chúng ta còn biết được 13 bản TVTL, hầu hết mang kí hiệu của Thư viện KHXH trung ương (nay chuyển về bảo quản ở kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm một phần). Cụ thể như sau:
+ Bản A 393: Đóng gộp 1 cuốn, 180 tờ, không ghi số quyển, bắt đầu chép từ thơ của Phan Phu Tiên (thế kỷ XV, đời Lê).
+ Bản A. 1334: 72 tờ, có phần Lệ ngôn, phần mục lục ghi đến quyển 6 nhưng trong sách chỉ chép thơ đến quyển 3.
+ Bản A. 2743: Bắt đầu chép thơ từ Nguyễn Trãi (thế kỷ XV, đời Lê), xen chép thơ Đường, tính chất ghi chép tạp nhạp.
+ Bản VHv.116: (6 quyển) sách thực chép đến quyển 3 mà thôi.
+ Bản A.3200: 4 cuốn (1- 4), 408 tờ, chép thơ từ quyển 1 đến 16.
+ Bản VHv.777: 2 cuốn (1- 2), 157 tờ, chép thơ từ quyển 1 đến 6.
+ Bản VHv.117: 2 cuốn (1- 2), 162 tờ, chép thơ từ quyển 1 đến 6.
+ Bản VHv.1450: giống A.1334, có lẽ là bản chép lại từ bản này.
+ Bản R.2199: 1 cuốn, 82 tờ, chép thơ Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm.
+ Bản HM.2139/B: 2 quyển 15 và 16, là phần sau của HM.2139/A nhưng thực tế là 1 bản riêng.
Các bản trên đây không mấy quan trọng, chỉ có giá trị tham khảo. Bây giờ chúng tôi xin đi sâu vào 4 bản quan trọng nhất sau:
+ Bản A.1262: ghi 15 quyển, đóng thành 5 tập, giấy bản khổ 22 x 13,5, viết thảo. Sau mục lục có dòng chữ “Hàn lâm viện thừa chỉ Dĩnh Thành bá thần Lê Quý Đôn phụng biên”, dòng chữ này khác lối chữ chép trong sách, phỏng đoán có lẽ là chép sau. Bản này chép thơ từ đời Lý đến đầu đời Lê, tổng cộng 175 nhà, 1779 bài thơ. Theo ghi chép của Phan Huy Chú và bài “Lệ ngôn” thì sách này thiếu 5 quyển (16- 20) và phần Phụ lục. Tuy vậy, đây vẫn là văn bản đáng tin cậy nhất vì chữ viết cũng như khuôn khổ sách đều cổ nhất, đúng theo lối đời Lê
+ Bản A.132: sách đóng thành 4 tập, ghi 26 quyển, có Lệ ngôn và Mục lục (chỉ ghi 15 quyển). Trang đầu của các tập đều ghi dòng “Hàn lâm viện thừa chỉ Dĩnh Thành bá thần Lê Quý Đôn phụng chỉ biên định”, khác một vài chữ so với bản A.1262 nói trên. Dòng chữ này cũng không cùng lối chữ trong sách, phỏng đoán đây là dòng thêm vào sau khi sách đã chép. Bản này chép thơ đến đời Lê Trung hưng và lẫn một vài tác giả triều Tự Đức (Nguyễn). Xét từ quyển 16 trở đi, các quyển mà phần lớn trong số đó không có trong các bản chép khác, thì thấy: chép thơ của 50 người. Theo Lệ ngôn thì sách thừa 6 quyển, việc chép thơ không dừng lại ở đời Hồng Đức, thậm chí còn chờm sang thời Nguyễn. Như vậy, chắc hẳn sách này có đợc “tục biên”, “bổ biên” về sau. Tuy nhiên, nó vẫn là một văn bản quý vì chép thêm được một lượng tác giả, tác phẩm không nhỏ từ đời Mạc đến Nguyễn. Đây là một nguồn tư liệu đáng trân trọng.
+ Bản A.3200: 4 cuốn (1- 4), 408 tờ, chép thơ từ quyển 1 đến 16. Tập 1 có Lệ ngôn, Mục lục, chép thơ từ Q1 đến Q6; Tập 2 chép thơ từ Q7 - Q13; Tập 3 từ Q14 - Q15; Tập 4 chép thơ Q16. Cách chia tập như trên khác với các bản khác; về số quyển bản này nhiều hơn bản A.1262 một quyển (Q16). Đại để, phạm vi 15 quyển đầu gần sát với A.1262, chép đến Lê (Hồng Đức); Q16 chép thơ triều Mạc. Đây là bản chép mới, theo hàng dọc từ trái qua phải, chữ viết có nhiều sai sót.
+ Bản HM.2139/A, có microfilm lưu giữ tại Paris (trong kho sách của H. Masperó) với 2 dị bản là bản HM. 2139/A và HM. 2139/B (sao từ bản vi film nêu trên và hiện tàng trữ tại một thư viện tư gia ở Bắc Kinh, chúng tôi đã sao lại và chuyển về Việt Nam, lưu tại Thư viện Ngữ văn ĐHSP Hà Nội đồng thời đang tiến hành nghiên cứu, công bố). Bản HM.2139/A có giá trị rất đặc biệt. Sách gồm 1079 trang, có Lệ ngôn và Mục lục, chép thơ từ quyển 1 đến quyển 15 rất đầy đủ, chữ dễ đọc, ít sai sót. Bản này khác với tất cả các bản sao TVTL hiện có trong nước, có ý nghĩa quan trọng vì nó là bản sao tốt, có thể bổ sung, bổ khuyết nhiều thiếu hụt của các văn bản khác. Phía cuối bộ sách này có một phần độc lập, ghi thơ 2 quyển 15-16 mà chúng tôi đề nghị tách thành 1 bản riêng (HM.2139/B) như kê ở trên.
Tổng hợp các bản sao: 15 quyển đầu chép được 2457 bài của 173 tác giả và 2 phụ lục “vô danh thị”; các quyển sau chép được 1498 bài thơ của 102 tác giả. Bên cạnh giá trị là một bộ tổng tập thi ca đồ sộ, TVTL còn là một bằng chứng thuyết phục của một phương pháp làm việc khoa học, một trình độ tư duy, thẩm định văn bản tiên tiến. Từ quy mô kết cấu của các thi tuyển, cụ thể là so sánh số lượng tác giả - tác phẩm mà các thi tuyển kế thừa nhau sao chép được, có thể nhận định: TVTL là kết quả của một quá trình lao động tìm tòi công phu, ở một trình độ khoa học tiến bộ nhất thế kỉ 18, mà trước đó các hợp tuyển thi ca của Việt Nam như VATT, TDTT, TTCGLT… chưa có được. TVTL đồng thời cũng là bộ sách có ảnh hưởng sâu sắc nhất về quan điểm, phương pháp, tư liệu…đối với các hợp tuyển thơ ca sau nó như: HVTT, VTTB. Như thế, nó cũng là bộ sách quan trọng nhất xét về mặt tư liệu và phương pháp đối với công việc giới thiệu di sản thơ ca trung đại của chúng ta hiện nay.
(5). Hoàng Việt thi tuyển: Soạn giả là Bùi Huy Bích, Nguyễn Tập biên tập và viết tựa. Nguyên tên sách là Lịch đại thi sao, còn tên Hoàng Việt thi tuyển là do Nguyễn Tập, đốc học trấn Sơn Nam, một người học trò của họ Bùi thời Minh Mạng đặt khi in ra. Sách soạn xong vào mùa thu năm Mậu thân (1788) dưới dạng bản thảo, in ở Hy Văn Đường năm Minh Mệnh thứ 6 (1825).
- Kế thừa các nhà sưu tập trước, đặc biệt là Lê Quý Đôn, thầy ông, Bùi Huy Bích chia làm 6 quyển, 562 bài thơ của 167 tác giả được tuyển chọn (Q1: 70 bài, Q2: 102 bài, Q3: 100 bài; Q4: 132 bài; Q5: 99 bài; Q6: 59 bài) [Trần Văn Giáp cho ta con số như thống kê từ Mục lục của chúng tôi: 562 bài thơ của 167 tác giả, Trần Thị Băng Thanh lại cho ta một con số khác: 562 bài thơ của 116 tác giả; Trần Nghĩa và F. Gros cũng cho một con số khác: 526 bài thơ của 193 tác giả, không hiểu vì sao lại có sự chênh lệch về thống kê đến như vậy?]. Các tác giả trong HVTT được sắp xếp theo niên đại, riêng thơ của các hoàng đế thì xếp ở Q1. Phương pháp biên soạn giống với phương pháp của Lê Quý Đôn trong TVTL.
- Hiện trạng văn bản:
+ Bản A.3126, bản in, có 12 quyển khổ 29 x 15, 1 tựa, 1 dẫn, 1 mục lục, tổng cộng 292 tr.
+ Bản A.608, bảnin, có 6 quyển, khổ 29 x 15, gồm 1 tựa, 1 dẫn, 1 mục lục, 292 tr.
+ Bản A.2857, bản in, có 6 quyển, khổ 29 x 15, gồm 1 tựa 1 dẫn, 1 mục lục, 292 tr.
+ Bản VHv.49, bản in, đóng làm 2 tập (mỗi tập 3 quyển), gồm 1 tựa, 1 dẫn, 1 mục lục, 292 tr.
+ Bản VHv.1780 in, 6 quyển, 1 tựa, 1 dẫn, một mục lục, 292 tr.
+ Bản VHv.1451, bản in, 6 quyển, khổ 29 x 15, 1 tựa, 1 dẫn, 1 mục lục.
+ Bản VHv.1477, bản in, 6 quyển, 1 tựa, 1 dẫn, 1 mục lục, 295 trang.
+ Bản VHv. 2150, bản in, 4 quyển (từ Q1-Q4), 1 tựa, 1 dẫn, 1 mục lục, 208 tr.
+ Bản VHv.704, bản in, 3 quyển (từ Q 4 - Q 6), 142 tr.
+ Bản Paris: SA.PD.2322, bản in, 286 tr.
+ Bản Paris: MG.FC.30788 - 89, bản in.
+ Bản TVQG: R.968., 3 quyển (Q1- Q3), 138 tr, 26 x 16, in mộc bản (1825), một tựa, một dẫn, một mục lục.
+ Bản TVQG: R.1410, 6 quyển (Q1- Q6), 142 tờ, 26 x 16, in mộc bản (1825), rách tờ đầu, 1 tựa, 1 dẫn, 1 mục lục.
+ Bản TVQG: R. 1903: bản chép tay, chỉ có 10 trang đầu Q1, khổ 29 x 17. 15) TVQG: R292: in năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), sách này hiện đã mất…
(6). Minh đô thi vựng (theo Nguyễn Thu trong VTTB, Tiểu dẫn) hay Minh đô thi, Minh đô thi tuyển do Bùi Nhữ Tích (? - ?), tự là Phúc, hiệu Khắc Trai cư sĩ, người xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là ngoại thành Hà Nội) soạn. Con trai Bùi Ngạn Cơ hiệu điểm. Sách ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XIX.
- Theo nghiên cứu bước đầu của Trần Văn Giáp thì sách chưa từng được in; văn bản gốc đã mất, chỉ còn lại 2 bản sửa chữa biên tập lại bản gốc và một bản không đầy đủ có khả năng gần với bản gốc nhất. Một bản do con trai tác giả là Bùi Ngạn Cơ "nhân sách của cha mà làm gọn lại thành 2 quyển thượng và hạ" (A.2424). Một bản "cũng là của một người họ Bùi, là một bản khác hẳn, tác giả tuyển lại toàn bộ tập thơ Minh đô thi của Bùi Nhữ Tích làm thành một bộ Minh đô thi tuyển" (A.2171). Một bản chỉ còn hai quyển cuối (7,8) nhưng khá quan trọng cho việc phục hồi văn bản gốc (VHv.2392).
- Theo Nguyễn Thu, MĐTV có 3 quyển, còn theo bản VHv.2392 thì sách có 8 quyển, ghi thơ của các tác giả từ thời Lý, Trần cho đến tận đời Nguyễn, chia làm 5 loại: danh thần, thành thần, nho thần, văn thần, xử sĩ. Trong mỗi loại đều có sắp xếp theo thứ tự thời gian. Mỗi tác giả đều có cước chú sơ lược về hành trạng, tiểu sử. Các văn bản hiện còn chỉ có bản VHv.2392 còn giữ được kết cấu này, các văn bản khác đã bị sửa đổi nhiều theo lối làm thi tuyển trước đó.
- Hiện trạng văn bản:
+ Minh đô thi (A. 2424), có 2Q, chép tay trên giấy bản thường khổ 28 x 16, 140 tr, trang 8 dòng, mỗi dòng 28 chữ, chữ chân phương dễ đọc, không có tựa dẫn gì, chỉ có đề tên tác giả là Hà Thanh, Bùi gia (Liên Khê cư sĩ, Cơ phủ) biên tập". Quyển thượng chép 196 bài thơ (theo Mục lục) của 41 tác giả từ đời Trần đến đời Tây Sơn (với Đoàn Nguyễn Tuấn). Quyển hạ chép 180 bài thơ (theo Mục lục) của 29 tác giả (Trần Văn Giáp ghi là 27 tác giả) từ đời Trần đếm cuối đời Lê (sách đến tờ 79 thì bị rách). Tổng cộng 376 bài thơ của 70 tác giả. Theo Trần Văn Giáp, bản này là bản MĐT của Bùi Ngạn Cơ, nhân sách của cha mà làm gọn thành 2 quyển thượng, hạ.
+ Minh đô thi tuyển (A.2171) có hai quyển, chép tay giấy lệnh hội khổ 28 x 20, dày 128 trang, không có đầu đuôi, không đề tên tác giả. Q1 (24 tờ), 21 tác giả là vua, chúa, hoàng thân các đời Trần - Lê, gồm 87 bài (ngoài ra, còn phần phụ lục chép 1 bài thơ của một người tên là Đường Vương Quyết, là một người trong hoàng tộc nhà Lê) . Nếu tính cả phụ lục này thì con số phải là 88 bài của 22 tác giả (?). Q2, chép 73 bài của 13 tác giả là các văn thần, võ tướng đời Trần, Lê (ví dụ Phạm Ngũ Lão, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi…). [Ngoài ra còn có một phần chép Nhuế Xuyên tập (32 bài) và 10 bài thơ của 9 tác giả khác như: Nguyễn Tông Vỹ, Nguyễn Đình Viên…Theo khảo sát của chúng tôi thì một số trong các tác giả này đã có mặt trong bản Minh đô thi A.2424, vì vậy chúng tôi xem đây cũng là một phần của bản MĐTT]. Tổng cộng có 193 bài của 44 tác giả. Theo Trần Văn Giáp, đây là bản khác hẳn với bản trên, có lẽ do một người nhà họ Bùi tuyển lại bộ MĐTV của Bùi Nhữ Tích, có thể người soạn đã tham khảo và lấy tư liệu từ các sách khác như VATT, TTCG, TVTL...
+ Minh đô thi vựng (VHv.2392): chỉ có 2 quyển (Q7 và Q8) và phần Tục biên, chép tay trên giấy bản thường còn rất tốt, ở giữa các tờ còn có giấy lót để bảo vệ, khổ 26x18 cm, dày 214 trang. Phần đầu mỗi quyển đều có ghi: Tên tập (chữ lớn) Minh đô thi vựng, rồi đến dòng chữ "Thịnh Liệt Bùi gia" (Họ Bùi ở Thịnh Liệt) (cỡ vừa) và hai dòng chữ song song: "Nhữ Tích Khắc Trai thị biên tập/ Nhi Ngạn Cơ Ôn Như bút đính". (Bùi Nhữ Tích, hiệu Khắc Trai biên tập/ Con Bùi Ngạn Cơ, hiệu Ôn Như hiệu đính) (chữ nhỏ). Q7 chép thơ của các "văn thần" (phần hạ), gồm 230 bài của 39 tác giả từ thời Tiền Lê đến cuối đời Lê. Q 8 chép thơ của các "xử sĩ", gồm 209 bài thơ của 38 tác giả từ thời Lý đến cuối đời Lê. Phần Tục biên chép 6 bài thơ của Bùi Nhữ Tích. Cuối sách là một bài Bạt của Bùi Ngạn Cơ con trai Bùi Nhữ Tích. Căn cứ vào hình thức sách, cách viết (ví dụ dùng chữ "hoàng triều") và chữ huý (sách có kiêng huý chữ "Tông" (宗), viết bớt nét thành ( ), căn cứ nội dung sách (bài Bạt) thì có thể thấy đây là văn bản đầu đời Nguyễn mà cụ thể là dưới triều Thiệu Trị. So với 2 văn bản trên, đây là văn bản cổ nhất, và theo linh cảm của Trần Văn Giáp thì "bản này khá quý, có lẽ là bản độc nhất, còn giữ được tự tích của con tác giả, chép và sửa lại". Theo chúng tôi, đúng là như vậy. Căn cứ vào cơ cấu văn bản thì thấy, đây là phần cuối của bộ MĐTV (vì nó có phần Tục biên chép thơ của soạn giả, bài Bạt, quyển 8 cũng chép đến phần thơ của "xử sĩ" loại cuối trong bang phân loại của soạn giả) gần với nguyên bản của Bùi Nhữ Tích nhất mà Nguyễn Thu đã mô tả trong VTTB, Tiểu dẫn. Chỉ có điều nếu theo Nguyễn Thu thì MĐTV chỉ có 3 quyển, còn ở đây có đến 8 quyển. Có thể Nguyễn Thu nhầm, con số 8 khá chuẩn xác (như dưới đây sẽ chứng minh). Theo Nguyễn Thu, Bùi Nhữ Tích chia các nhà thơ thành 5 loại: danh thần, thành thần, nho thần, văn thần, xử sĩ. Quyển 7 và 8 cho ta gần đủ 2 loại: văn thần và xử sĩ. Chỉ chưa đầy hai loại này thôi đã cho ta 439 bài. Cứ theo đó mà tính thì cả bộ MĐTV phải có tới khoảng trên nghìn bài. Quả vậy, đọc bài bạt của Bùi Ngạn Cơ, ta thấy ông mô tả rất rõ công trình của cha, khi gom góp lại "di thảo còn được mười mấy quyển sách, chỉ riêng trong tuyển thơ thôi cũng đã có đến hơn 1 nghìn năm trăm (bài)" (di thảo thập số quyển, nội thi tập phàm thiên hữu ngũ bách dư). Vậy, con số 8 quyển của bộ MĐTV là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Hơn thế nữa, diện mạo của sách chưa bị thay đổi nhiều như 2 quyển trên, phù hợp với sự mô tả của Nguyễn Thu. Đây là bản gần với bản gốc (đã mất) của Bùi Nhữ Tích nhất.
(7). Việt thi tục biên: Do Nguyễn Thu (1799 - 1855), còn có tên là Nguyễn Bảo soạn vào khoảng đầu đời Nguyễn (thế kỷ XIX). Sách chưa được in, hiện chỉ còn có 2 bản viết: A.1036 và VHv.92 tàng trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.
- Sách gồm 2 quyển, một Mục lục, một tiểu dẫn và phần chính, chép 583 bài thơ của 58 tác giả và những người nổi tiếng ở Viêt Nam từ đời Mạc đến cuối Lê [tiếp theo VATT, TVTL], xếp theo thế thứ trước sau, lấy cổ thể, cận thể làm tiêu chuẩn, lấy từng thi gia làm đơn vị. Mỗi thi gia đều có chú thích tên họ, quê quán, tác phẩm. Đây là cách sắp xếp mang tính tổng hợp, kế thừa kinh nghiệm của hầu như tất cả các bộ thi tuyển trước đó.
- Hiện trạng văn bản:
+ Bản A.1036, là một bản chép tay trên giấy dó cũ, gồm 140 tờ, khổ 31 x 21, mỗi một trang viết 9 cột chữ Hán, mỗi cột khoảng 18 đến 20 chữ. Xét niên đại thì thấy sách kiêng huý chữ "Tông" (宗) viết bớt nét thành ( ) nhưng không kiêng huý chữ "Thời", thì có thể phỏng đoán sách có nguồn gốc từ đầu đời Nguyễn và là một bản khá cổ. Bản này chia làm 3 quyển: đầu Q1 có hai Mục lục của quyển 1 và 2, một bài Tiểu dẫn do Nguyễn Thu viết. Theo Mục lục thì Q1 chép 165 bài thơ của 27 tác giả, nhưng khảo sát trên thực tế chúng tôi thấy Q1 chép 167 bài thơ của 28 tác giả (tác giả bị bỏ sót ở Mục lục là Nguyễn Công Thái); Q2 chép 239 bài thơ của 14 tác giả, Q3 chép 178 bài của 17 tác giả. Tổng cộng bản này chép được 584 bài thơ của 59 tác giả từ thời Mạc đến cuối đời Lê [Trần Văn Giáp thống kê được 583 bài của 58 thi gia, sót 1 tác giả với 1 bài thơ là Nguyễn Công Thái], trong đó 2 tác giả được chép nhiều thơ nhất là Lê Quý Đôn (51 bài) và Bùi Huy Bích (101 bài).
+ Bản VHv.92 là bản chép tay, chép trên một cuốn sách in sẵn cột thứ, dày 56 tờ khổ 27,5 x 16 cm, chữ đẹp, hơi đá thảo, mỗi trang chia làm 9 cột mỗi cột khoảng 28 chữ. Gáy sách có đề "Long Cương tàng bản" chứng tỏ đây là sách do gia đình họ Cao Xuân thuê chép vào khoảng cuối XIX đầu XX, mới hơn bản trên. Chính vì vậy, bản này cũng chép ít thơ hơn bản trên (các bài thơ có trong bản này thì đều có trong bản trên) và trật tự có khác. Sách không có Mục lục, chỉ có 1 tiểu dẫn như sách trên và chỉ có 2 quyển. Q1 chép 135 bài thơ của 29 tác giả. Q2 chép 211 bài thơ của 11 tác giả. Tổng cộng sách chép 346 bài thơ của 40 tác giả. Qua so sánh với bản trên ta thấy, có 2 tác giả bị bỏ không chép là Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Hành, một số tác giả cũng bị bỏ bớt một số bài thơ đi (như Nguyễn Dữ, Nguyễn Tông Quai…). Có 3 nhà thơ ở bản A. 1036 nằm ở Q2 (là Nhữ Công Chấn (hay Thiến), Phạm Nguyễn Du, Lê Huy Trâm) sang bản VHv. 92 lại nằm ở Q3. Sách lại không có hẳn Q3. Có thể nói bản này là dị bản không đầy đủ của bản A. 1036.
Đến đây có thể hình dung tổng hợp quy mô của các thi tuyển qua bảng thống kê so sánh dưới đây:
STT
|
Tên sách
|
Tác giả
|
Số tác giả
|
Số tác phẩm
|
Ghi chú
|
1
|
VATT (3Q)
|
Phan Phu Tiên,
Chu Xa
|
50
|
288
|
Theo A.1925
|
2
|
TTCGLT (2Q)
|
Dương Đức Nhan
|
12
|
409
|
Theo A.574
|
3
|
TDTT (6Q)
|
Hoàng Đức Lương
|
41
|
240
|
Theo HN.279
|
4
|
TVTL (15 quyển đầu)
|
Lê Quý Đôn
|
173 + 2 phụ lục
|
2457
|
Văn bản tổng hợp tái lập mới
|
5
|
HVTT (6Q)
|
Bùi Huy Bích
|
176
|
562
|
Theo ML.A.608
|
6
|
MĐTV(2Q)
|
Bùi Nhữ Tích
|
70
|
376
|
Theo A.2424
|
7
|
VTTB (3Q)
|
Nguyễn Thu
|
59
|
584
|
Theo A.1036
|
Theo mô tả các bản sách như trên, dễ thấy ngoại trừ vài sách đã được khắc in, còn tất cả các thi tuyển chữ Hán của Việt Nam thời trung đại, giống như TVTL, đều có những vấn đề phức tạp về văn bản. Tìm hiểu thơ chữ Hán thời trung đại, theo chúng tôi ngoài việc khảo sát chi tiết nội bộ các văn bản, còn cần phải tiến hành nghiên cứu so sánh các thi tuyển với nhau, để từ đó thấy được tính kế thừa và phát triển của truyền thống thi tuyển Việt Nam. Trong phạm vi của bài viết, chúng tôi chưa làm được công việc này.