Hán nôm

Tình hình nghiên cứu Văn tâm điêu long trong giai đoạn cổ điển và sự ra đời của Văn tâm điêu long hoc hiện đại


15-10-2020

Chúng tôi xin được bắt đầu bằng sự trình bày về một thói quen của người Trung Quốc dễ gây hiểu nhầm. Người Trung Quốc thêm vào thành tố “học” sau Văn tâm điêu long không phải là vì họ có ý thức về việc Văn tâm điêu long đã trở thành một khoa học với đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu chuyên biệt (1). Mà theo như lí giải của Trình Dụ Trinh 程裕祯 thì đấy là để chỉ những ngành học thuật nghiên cứu được hình thành, phát triển mang tính đặc hữu từ mẫu thể là hệ thống văn hóa Trung Quốc (2). Dĩ nhiên trong cách hình dung này của người Trung Quốc cũng có cái nhìn dân tộc cực đoan chen vào, song không phải là họ không có một tiêu chí nào đó để phân chia (3). Chúng tôi hiện bây giờ vẫn sử dụng và sẽ tiếp tục sử dụng khái niệm Văn tâm điêu long học hay giản xưng như người Trung Quốc là Long học 龙学 là để chỉ một môn học vấn chuyên nghiên cứu về tác phẩm nổi tiếng Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp 刘勰.

1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu Văn tâm điêu long giai đoạn cổ điển qua cái nhìn lịch đại.

Khái niệm giai đoạn cổ điển trong nghiên cứu Văn tâm điêu long là khái niệm mà chúng tôi tạm thời nêu ra như một quy ước để tiến hành làm việc chứ không nhằm xác định một giá trị nào, nhằm để chỉ những nghiên cứu về cuốn sách của Lưu Hiệp xuất hiện trong khoảng thời gian từ thế kỉ thứ năm, thứ sáu tức là khoảng thời gian sau khi Văn tâm điêu long được hình thành cho đến trước khi Hoàng Khản 黃侃 giảng những bài giảng của ông về Văn tâm điêu long trên giảng đường của đại học Bắc Kinh 北京大学hiện nay chúng tôi biết đó là vào khoảng năm 1914 (4).

Giai đoạn cổ điển trong nghiên cứu Văn tâm điêu long được đánh dấu bằng hai thời kì quan trọng: giai đoạn trước nhà Nguyên 元 niên hiệu Chí Chính 至正 thứ mười lăm (tức năm 1355) và giai đoạn sau nhà Nguyên niên hiệu Chí Chính thứ mười lăm. Việc lựa chọn năm 1355 làm điểm giới mốc là chúng tôi đã lựa chọn năm ra đời của Nguyên Chí Chính bản Văn tâm điêu long 元至正本文心雕龍 cùng bài tựa cho cuốn sách của Tiền Duy Thiện 錢惟善. Chúng tôi nhận thấy rằng bài tựa và văn bản Văn tâm điêu long chắc chắn không phải là biến chuyển đầu tiên của nghiên cứu Văn tâm điêu long thời kì cổ điển mà chúng ta đến nay còn biết được (5) song nó là chứng cứ sớm nhất hiện nay chúng ta còn giữ lại được.

1.1.Nghiên cứu Văn tâm điêu long từ khi tác phẩm này ra đời cho đến trước Nguyên Chí Chính bản Văn tâm điêu long và bài tựa của Tiền Duy Thiện viết cho sách này.

            Đối với mỗi giai đoạn nghiên cứu Văn tâm điêu long chúng ta trước khi đưa ra các kết luận về đặc trưng, những đánh giá và nhận xét về giá trị cũng như những điều còn khiếm khuyết trong nghiên cứu tác phẩm của Lưu Hiệp thì việc điểm lại những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu Văn tâm điêu long của mỗi giai đoạn là điều vô cùng cần thiết.

            Trong giai đoạn này, tư liệu còn giữ lại được không nhiều, hơn nữa lại tương đối mơ hồ. Những phẩm bình đầu tiên của Thẩm Ước沈約, lãnh tụ văn đàn đương thời Lưu Hiệp, sau này được ghi lại bằng ngòi bút của sử gia đời Đường唐Diêu Tư Liêm姚思廉trong Lương thư 梁書 (Lưu Hiệp truyện 刘勰傳). Những ghi chép của tác giả Lương thư cho biết Thẩm Ước khi đọc tác phẩm của Lưu Hiệp đã bày tỏ thái độ cực kì trân trọng. Ông khen tác phẩm đã thể hiện được sâu sắc cái Lí của Văn (nguyên văn: thâm đắc Văn Lí) (6) và thường đặt tác phẩm của Lưu trên bàn mình (7). Những ghi chép của Lương thư không phải lúc nào cũng chính xác song những tường thuật về sự kiện kia thì chúng tôi chưa thấy nhà nghiên cứu nào lên tiếng bác bỏ. Hơn nữa đánh giá của Thẩm Ước về tác phẩm của Lưu Hiệp có ảnh hưởng sâu rộng trong nghiên cứu Văn tâm điêu long các thời kì là điều đã rõ. Hiếm có những cuốn sách chuyên luận nào về Lưu Hiệp lại không trích dẫn bốn chữ “thâm đắc Văn Lí” của Thẩm Ước để làm căn cứ cho những đánh giá về giá trị của tác phẩm cũng như khả năng văn chương siêu quần của tác giả Lưu Hiệp.

            Các nhà Long học sử như Trương Thiếu Khang còn lưu ý đến một sự kiện xảy ra vào thời đại của Lưu Hiệp mà theo họ có giá trị quan trọng trong lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long. Đó là sự kiện trong tác phẩm Kim lâu tử 金樓子 (cụ thể là thiên Lập ngôn 立言) của Tiêu Dịch 蕭繹 triều Lương 梁 (rất gần với Lưu Hiệp) có những đoạn văn tự gần như trùng khít với thiên Chỉ hà 指瑕 của Văn tâm điêu long (8). Hiện tượng này theo sách Văn tâm điêu long nghiên cứu sử là một bằng chứng chứng minh cho sự lưu truyền của Văn tâm điêu long ở đời nhà Lương, đồng thời cũng là một sự kiện đánh dấu Lưu Hiệp đã xác lập được địa vị trọng yếu của mình trong một phái của nền văn luận Trung Quốc (9). Có vẻ những tác giả của cuốn sách đã lạc quan hơi thái quá khi họ đã loại bỏ nhiều khả năng có thể gây ra sự giống nhau này, mà những khả năng này nhiều khi không dính dáng đến vấn đề truyền bá và nghiên cứu Văn tâm điêu long. Chúng tôi muốn nói ở đây là khả năng cả Lưu Hiệp và Tiêu Dịch đều chịu ảnh hưởng và lấy nguyên văn của một cuốn sách nào đó đã từng lưu hành tương đối rộng trong thời kì nhà Lương đến nay chưa khảo ra hoặc đã thất truyền. Mặt khác, mặc dù giáo sư Trương Thiếu Khang có nói trước đời Tống (hẳn là có ám chỉ vai trò của Tân Xử Tín và tác phẩm đã thất lạc của ông ta) trở về trước thì những chú ý với Văn tâm điêu long chưa đạt đến trình độ nghiên cứu mà chỉ là những vấn đề của truyền bá và ảnh hưởng, nhưng do vai trò của chúng đối với nghiên cứu Văn tâm điêu long về sau này nên chúng cũng được tính là lịch sử nghiên cứu của Văn tâm điêu long, chúng tôi để tránh một sự hỗn loạn trong trình bày những vấn đề chưa phải là trọng tâm nghiên cứu của luận văn này sẽ không đề cập đến những vấn đề đơn thuần là ảnh hưởng và truyền bá nếu chúng không trực tiếp liên quan đến những vấn đề của lịch sử nghiên cứu tác phẩm của Lưu Hiệp như trường hợp trên.

            Đến đời Tùy 隨 Đường 唐, Văn tâm điêu long vẫn được chú ý đến. Những lời bình giá Văn tâm điêu long thỉnh thoảng người ta vẫn gặp trong sách này sách nọ song đến nay hoàn toàn chưa phát hiện ra hoặc có thể là chưa từng xuất hiện những trứ tác có tính hệ thống nghiên cứu cho Văn tâm điêu long ở thời kì này. Người ta vẫn hay nhắc đến học giả kinh học Nhan Sư Cổ 顏師古 (581-645) người trong cuốn sách Khuông mậu chính tục 匡謬正俗 quyển 5 của ông đã nói đến Văn tâm điêu long nhưng thậm chí còn nhầm cả tên tác giả thành Lưu Quỹ Tư 劉軌思 (một nhà giảng dạy Thi thời Bắc Tề) để sau này Dương Minh Chiếu phải ra công bổ chính (10). Cái chuyện nhầm lẫn của bậc đại sư bác học như Nhan Sư Cổ cho thấy một điều là Văn tâm điêu long truyền đến Sơ Đường lại không có được vị trí đáng kể trên văn đàn. Văn tâm điêu long hẳn không được nhiều học giả thời Đường biết đến và biết một cách tường tận (11). Ảnh hưởng lớn nhất Văn tâm điêu long có thể gây ra được là ảnh hưởng đến tác phẩm Sử thông 史 通 của sử gia Lưu Tri Cơ 劉知几. Người ta nói nhiều và viết nhiều về ảnh hưởng của tư tưởng Tông Kinh, của phương thức tư duy cũng như cái nhìn triết học lịch sử của Lưu Hiệp đối với Lưu Tri Cơ. Điều đấy cho thấy Lưu Tri Cơ phải có một sự quan chú nhất định đối với việc tìm hiểu, lí giải và nghiên cứu trứ tác của Lưu Hiệp. Rất tiếc là với trường hợp của Lưu Tri Cơ, ta có thể biết được ông ảnh hưởng gì của Lưu Hiệp mà gần như lại không thể nghiên cứu ông quan niệm như thế nào và đánh giá ra sao về Văn tâm điêu long.

            Chúng tôi đánh giá những thành tựu lớn nhất trong nghiên cứu Văn tâm điêu long thời kì sơ Đường là những thành tựu nghiên cứu về tiểu sử Lưu Hiệp. Các tiểu truyện của của Diêu Tư Liêm (tác giả của Lưu Hiệp truyện được ghi chép lại trong Lương thư) và Lí Diên Thọ 李延壽 đời Đường (tác giả của tiểu truyện về Lưu Hiệp trong Nam sử 南史) đều có những giá trị tư liệu cao. Đặc biệt là Lưu Hiệp truyện trong Lương thư cho đến nay là nguồn cung cấp những dữ liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Lưu Hiệp quan trọng và xác tín nhất. Các nhà nghiên cứu Long học sau này khi viết về tiểu sử hay đưa ra những nhận định về Văn tâm điêu long hầu như ai cũng phải trích dẫn Lương thư để chứng minh cho lập luận của mình là có cơ sở khả tín (12). Những cống hiến của Lương thư Lưu Hiệp truyện đối với lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long chủ yếu là trên các khía cạnh sau: 1) Lương thư Lưu Hiệp truyện đã có những khảo sát mang tính sơ bộ về các các thế hệ của gia đình và dòng họ của Lưu Hiệp. Tiểu truyện này cho biết về ông nội của Lưu Hiệp là Lưu Linh Chân 劉靈真 (em của quan Tư Không 司空 (13) của nước Tống 宋 là Lưu Tú Chi 劉秀之). Lương thư Lưu Hiệp truyện còn cho biết cha của Lưu Hiệp là Lưu Thượng 劉尚 có giữ một chức quan võ Việt kị hiệu úy 越騎校尉 (14). Những dữ kiện này đã cung cấp cho những nhà nghiên cứu có đầu mối để tìm ra những nhân vật có liên quan đến gia đình và dòng họ của Lưu Hiệp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi những nhà nghiên cứu đã sử dụng những dữ kiện về nguồn gốc xuất thân của Lưu Hiệp để đưa ra những kiến giải độc đáo về tác giả Lưu Hiệp. Song cũng phải thừa nhận việc quá nhấn mạnh những yếu tố của xuất thân, đẳng cấp xã hội đến mức cực đoan, rồi trên cơ sở những cái cực đoan này đưa ra những kết luận cực đoan khác về tác phẩm là một tệ lậu của Long học hiện đại (mà việc trình bày những tệ lậu này là công việc của những phần tổng thuật về sau). 2) Lương thư Lưu Hiệp truyện cũng ghi lại những bước đường trong cuộc đời và sự nghiệp của Lưu Hiệp từ khi còn là một thư sinh sống nhờ vào nhà sư Tăng Hựu 僧祐 ở chùa Định Lâm 定林 hơn mười năm, rồi quá trình bước vào hoạn lộ, trải qua nhiều chức quan như Phụng triều thỉnh 奉朝請 (15), thư kí cho Lâm Xuyên Vương Tiêu Hoành 臨川王蕭宏, rồi làm Xa kị thương tào tham quân 車騎倉曹參軍, rồi huyện lệnh huyện Thái Mạt 太末, rồi lại làm thư kí cho Nhân Uy Nam Khang Vương 人威南康王, rồi chức Đông cung thông sự xá nhân 東宮通事舍人, để rồi cho đến lúc cắt tóc đi tu ở chùa Định Lâm với pháp danh là Huệ Địa 慧地. 3) Lương Thư Lưu Hiệp Truyện còn cung cấp cho chúng ta những ghi chép lịch sử liên quan đến mối quan hệ của Lưu Hiệp với hai nhân vật rất có ảnh hưởng trên văn đàn thời ấy là Thẩm Ước và Chiêu Minh thái tử Tiêu Thống 昭明太子蕭統 (tác giả bộ Văn tuyển 文 選 nổi tiếng). Những ghi chép này là cơ sở thực tế cho việc nghiên cứu ảnh hưởng giữa các tác phẩm của ba nhân vật này. 4) Một đóng góp mà theo chúng tôi có một vai trò quan trọng bậc nhất của Lương thư Lưu Hiệp truyện đó là việc tác giả Diêu Tư Liêm đã tiến hành viết lịch sử nhân vật Lưu Hiệp theo một quan điểm thống nhất và một chiều về đối tượng này. Ông đánh giá đối tượng theo quan điểm đấy và tiến hành thu thập chọn lọc trong số những tư liệu chắc hẳn là rất ít ỏi của đời Đường để minh chứng cho những quan điểm ban đầu đấy. Chúng ta rất dễ nhận thấy sự nhấn mạnh cố ý của Diêu Tư Liêm đối với những yếu tố của tiểu sử Lưu Hiệp (một người chịu nhiều ảnh hưởng của nhiều học thuyết khác nhau) có liên quan đến Phật Giáo佛教. Trong lúc Diêu Tư Liêm nhấn mạnh vào việc Lưu Hiệp ở với đại sư Tăng Hựu hơn mười năm, nhấn mạnh đến sự bác thông kinh luật Phật giáo của Lưu Hiệp, đến những thành tích của ông trong việc biên soạn chỉnh lí hệ thống kinh điển Phật giáo, và đến việc Lưu Hiệp xin thay đổi vật lễ tế trời bằng rau quả chứ không phải bằng động vật, lại tỏ ra rất không tường tận trong việc mô tả những thành tích chính trị của Lưu Hiệp (những dữ kiện nếu vào tay một nhà sử học nhìn Lưu Hiệp theo con mắt của Nho gia sẽ bị khai thác triệt để). Cho đến một lúc nhà sử học công khai nhận xét về Văn của Lưu Hiệp. Ông cho rằng Lưu Hiệp làm văn thì sở trường đó là Phật Lí 佛理, và có rất nhiều bia ghi chép sự tích của các danh tăng và bia của các chùa tháp ở Kinh đô đều xin Lưu Hiệp soạn cho (16). Hiện tượng này cho thấy, nếu đây không phải là một đánh giá mang tính độc sáng cá nhân thì cũng là những nhận định có tính phổ quát ở đời sơ Đường về Lưu Hiệp và những sáng tác của ông, đã ảnh hưởng đến Diêu Tư Liêm qua những ghi chép chủ yếu của nhà Phật về Lưu Hiệp còn tồn tại đến đời Đường. Đây là một hiện tượng thú vị mà nghiên cứu tiếp nhận Văn tâm điêu long chưa để ý khai thác.

            Thời Thịnh Đường và Trung vãn Đường nếu đứng trên góc độ thuần lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long thì hiện nay tư liệu gần như là chẳng có gì để dựa vào mà nói rằng tác phẩm của Lưu Hiệp được chú ý nghiên cứu cả. Lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long nếu có viết về thời kì này chủ yếu khai thác trên khía cạnh nghiên cứu ảnh hưởng của Văn tâm điêu long lên các tác phẩm và các tác giả khác như một phần cấu thành nên lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long các giai đoạn về sau. Theo chúng tôi ngoài những vấn đề của truyền bá Văn tâm điêu long ra nước ngoài (17) và những vấn đề ảnh hưởng của tác phẩm của Lưu Hiệp đến các tác gia lí luận khác đời Đường (18) thì thời kì này cứ liệu đáng tin cậy nhất để chứng minh có sự tồn tại của những nghiên cứu nhất định về Văn tâm điêu long là sự tồn tại của văn bản Văn tâm điêu long có niên đại sớm nhất: văn bản Đôn Hoàng Đường tả bản Văn tâm điêu long tàn quyển.

            Năm 1899 (năm Kỉ Hợi 己亥 niên hiệu Quang Tự 光緒 thứ 25) những nhà khảo cổ học đã phát hiện ra ở động Thiên Phật 千佛 núi Minh Sa 明(鸣)沙 huyện Đôn Hoàng 敦煌, tỉnh Cam Túc 甘肅 một kho thư tịch khổng lồ đa phần là những thư tịch có niên đại từ đời Đường bị phong bế đã hơn chín trăm năm. Trong đó người ta phát hiện ra một văn bản Văn tâm điêu long 文心雕龍 cho đến nay vẫn là văn bản có niên đại sớm nhất. Giới nghiên cứu Văn tâm điêu long gọi văn bản này là bản Đôn Hoàng di thư Văn tâm điêu long tàn quyển 敦煌遗书文心雕龙残卷 hay là Đôn Hoàng Đường tả bản Văn tâm điêu long tàn quyển 敦 煌遗书唐寫本文心雕龙残卷. Những nghiên cứu chỉ ra niên đại của văn bản này ước chừng được sáng tác vào khoảng Khai Nguyên 開元 – Thiên Bảo 天寶hai niên hiệu của vua Đường Huyền Tông 唐玄宗 tức là vào khoảng năm 713 đến năm 750 (19). Đối với người làm lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó cho ta thấy quan điểm của chủ nhân kho Đôn Hoàng về Lưu Hiệp và Văn tâm điêu long. Chủ nhân của kho Đôn Hoàng không phải vô tình khi họ sắp xếp tác phẩm của Lưu Hiệp vào một kho thư tịch của nhà Phật, còn người tiến hành sao chép văn bản Đôn Hoàng Đường tả bản Văn tâm điêu long tàn quyển cũng không phải vô tình khi trang trí trang bìa của văn bản này bằng những họa tiết Tứ giới 四界 và Ô ti lan 烏絲欄 (20). Những sự kiện này kết hợp với hiện tượng của Lương thư như đã trình bày bên trên cho ta thấy được vào đời Đường quan điểm nhìn nhận Văn tâm điêu long như một trứ tác viết dưới ảnh hưởng của nhà Phật là một quan điểm phổ biến tương đối rộng rãi.

            Song ở đời Đường không phải là không có những quan điểm nhìn nhận ngược lại với những đánh giá ấy. Khi xét đến vấn đề này thì Nam sử tỏ ra là một hiện tượng rất thú vị. Nam sử và bản truyện về Lưu Hiệp rõ ràng được viết dựa trên cơ sở của Lương thư Lưu Hiệp truyện và khi đặt hai tiểu truyện về Lưu Hiệp này bên cạnh nhau, bằng một vài thao tác so sánh văn bản đơn giản, chúng ta dễ dàng nhận ra nhiều điều thú vị. Nội dung Lương thư Lưu Hiệp truyện và của truyện Lưu Hiệp trong Nam sử trùng khít và được trình bày theo trật tự rất giống nhau. Thậm chí giống nhau đến từng câu văn và từng cách diễn đạt (21). Phải thừa nhận Nam sử viết sau và đã sử dụng Lương thư để viết bản truyện cho Lưu Hiệp (22). Điều đó cho thấy những tư liệu về Lưu Hiệp ở đời Đường đã trở nên cực kì ít ỏi. Lí Diên Thọ quả thực đã không có thêm những tư liệu văn hiến gì hơn là Diêu Tư Liêm giúp soi sáng cho tiểu sử của Lưu Hiệp. Song cái làm nên vĩ đại của tác giả Nam sử là ở chỗ: tuy về tư liệu văn hiến ông không có thêm những đóng góp gì, nhưng trên khía cạnh lí giải lại những tư liệu vốn đã rất cũ ấy ông đã xây dựng được một quan điểm của riêng ông về nhân vật này. Lấy một ví dụ: cả hai tiểu truyện đều trích dẫn thiên Tự chí 序志 của Văn tâm điêu longLương thư Lưu Hiệp truyện trích dẫn: “hai chữ Văn tâm là để chỉ sự dụng tâm khi làm Văn…” cho đến “…những thời đại xa xăm ngày trước, nay đã che lấp đi những gì tôi biết; và những thế hệ tương lai còn kéo dài mãi, thời gian sẽ còn vùi lấp hiểu biết của họ đến đâu!” (23). Còn truyện Lưu Hiệp trong Nam sử tuy cũng đặt mối quan tâm trích dẫn của mình vào thiên Tự chí song lại tỏ ra tâm đắc hơn và hiển nhiên nhấn mạnh một cách cố ý những câu văn sau của Lưu Hiệp trong thiên Tự chí: “tôi tuổi mới quá ba mươi thường nằm mơ được cầm những đồ lễ khí sơn son, theo đức Trọng Ni đi mãi về phương nam. Lúc tỉnh dậy vui mừng mà than thở rằng: chao ôi, lớn lao thay là những bậc thánh nhân. Thành nhân sao mà khó gặp đến thế, nay sao lại đi vào trong giấc mơ của con. Từ thủa loài người được sinh ra cho đến nay chưa thấy người nào được như Phu tử. Vẫn biết phơi bầy làm rõ những ẩn ý của Thánh nhân không gì bằng việc chú thích kinh điển, nhưng các bậc đại Nho như Mã Dung, Trịnh Huyền đã tinh tường làm rõ ý của Thánh nhân, họ lại có những kiến giải sâu sắc. Tôi tự biêt sức mình không đủ khả năng để trở thành một nhà chú Kinh như họ. Chỉ có cái Dụng của Văn chương thực là sự phụ giúp cho Kinh điển. Ngũ Lễ dựa vào Văn chương để hình thành, Lục Điển nhân theo Văn chương để thực thi. Thế là tôi cầm bút hòa mực bắt đầu luận về Văn” (24). Cùng là trích dẫn thiên Tự chí, song nếu như Diêu Tư Liêm trích dẫn nhằm mục đích xác định văn bản là chính (thế nên ông mới trích dẫn toàn văn thiên Tự chí ngoại trừ lời Tán 贊 của Lưu Hiệp ở cuối thiên mà hoàn toàn không nhấn mạnh bất kì yếu tố gì) thì Lí Diên Thọ trích dẫn thiên Tự chí nhằm mục đích thể hiện cách tiếp cận Nho giáo của ông với Văn tâm điêu long, và nhà sử học đặc biệt đã nhấn mạnh và trích dẫn những câu văn thể hiện yếu tố Nho trong tư tưởng của Lưu Hiệp. Lí Diên Thọ là người đầu tiên mở đầu cho truyền thống Nho giáo hóa trong lí giải Văn tâm điêu long sẽ kéo dài trong suốt hàng nghìn năm sau này. Truyền thống này chấp nhận cách tiếp cận một chiều đối với tác phẩm vốn đã rất phức tạp trong khuynh hướng tư tưởng như Văn tâm điêu long.

            Đến đời Tống người ta phát hiện ra rất nhiều những thư mục văn hiến có ghi chép tên sách Văn tâm điêu long. Điều đó cho thấy cuốn sách của Lưu Hiệp đã không còn là một cuốn sách lạ với giới trí thức cao cấp như địa vị của nó vào đời Đường. Âu Dương Tu 歐陽修 trong thư mục Tân Đường chí 新唐志 đã xếp Lưu Hiệp vào các nhà Tạp gia. Ngoài ra trong thư mục Sùng văn tổng mục 崇 文總目 ông còn liệt tác phẩm của Lưu Hiệp vào trong kho sách Văn Sử (25). Điều đó cho thấy Âu Dương Tu tuy là một nhà Nho sùng tín đạo Thánh, song ông đã không vơ Văn tâm điêu long về kho sách của nhà Nho hay là đẩy nó về cho kho sách nhà Phật. Ông trái lại, nhận ra được tính đa chiều phức tạp trong tư tưởng của Lưu Hiệp mà xếp trứ tác Văn tâm điêu long vào kho sách của những trứ tác không thuần nhất về tư tưởng. Ngoài ra các tác phẩm như Thái Bình ngự lãm 太平御覽 của Lí Phưởng 李昉, Ngọc hải 玉海 của Vương Ứng Lân 王應麟 đều có nói đến hoặc trích dẫn Văn tâm điêu long, rồi Nghệ văn chí 藝文志 của Tống sử 宋史 có nói đến một bản Văn tâm điêu long chú 文心雕龍注 của Tân Xử Tín 新處信 bao gồm mười quyển…Việc Văn tâm điêu long được chú thích cho thấy nhu cầu truyền bá rộng rãi Văn tâm điêu long đã thành một nhu cầu thực sự ở đời nhà Tống (26). Văn tâm điêu long đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Đặc biệt dẫn khởi sự chú ý của chúng tôi là những ghi chép ngắn gọn của Triều Công Võ 晁公武 trong sách Quận Trai độc thư chí 郡齋讀書志 về Văn tâm điêu long và Lưu Hiệp: “…nay Lưu Hiệp viết sách lưu lại ở đời, tự cho rằng mình “thường nằm mơ được cầm những đồ lễ khí sơn son, theo đức Trọng Ni đi mãi về phương nam” thì rõ ràng sự tự phụ cậy tài của ông ta cũng chẳng vừa. Nay lại xem thiên Luận thuyết của Văn tâm điêu long có viết: “Từ sách Luận ngữ trở về trước, đặt tên kinh điển không có chữ Luận, ba (hoặc là “hai”- NPA) bài luận trong sách Lục thao là do người sau thêm vào”. Nói như thế thì khác gì không biết những lời luận về Đạo và kinh bang tế thế của Thư. Cái nông cạn của Lưu Hiệp e còn vượt quá bọn Vương Ma Cật, Đỗ Mục Chi vậy” (27). Rõ ràng sự hiểu nhầm của Triều Công Võ đối với Lưu Hiệp giống như là một sự cố ý. Chúng ta biết Lưu Hiệp rõ ràng có ý khẳng định: trước sách Luận ngữ thì người ta chưa từng lấy chữ Luận論để đặt tên cho kinh điển. Song Triều Công Võ lại công kích bằng cách hiểu ý của Lưu Hiệp thành: trước Luận ngữ người ta chưa từng thấy chữ Luận trong kinh điển. Để rồi trên cách hiểu méo mó đó, ông lên án Lưu Hiệp là một tay kì quái, ngạo mạn, không hiểu đạo Thánh hiền. Cách đọc của họ Triều đối với Văn tâm điêu long và Lưu Hiệp là cách đọc đạo đức của nhà Nho bị sử dụng theo hướng cực đoan nhất là hướng vào công kích đạo đức cá nhân tác giả. Đặc trưng đó là sự phẩm bình cái hay, cái đẹp cũng như cái dở, cái xấu của tác phẩm chủ yếu là đứng trên lập trường tác giả và tác phẩm đó có đáp ứng được những yêu cầu của đạo đức nhà Nho hay không. Cách đọc này bất chấp sự thực khách quan và tinh thần thực chứng. Có thể từ một định kiến xấu về tác giả, mọi yếu tố của tác phẩm sẽ bị lợi dụng không đếm xỉa đến tinh thần thực chất của nó để chống lại người đã tạo ra nó. Dễ hiểu vì sao từ những định kiến về sự thiếu khiêm tốn và việt vị của Lưu Hiệp mà Triều Công Võ lại tìm cách hủy diệt giá trị của Văn tâm điêu long. Rõ ràng họ Triều không phải là người duy nhất trong lịch sử muốn làm như vậy. Nhưng cũng thật là lạ là những gì đã từng làm nhà Nho Lí Diên Thọ đời Đường thích thú ở Lưu Hiệp lại là cái chướng tai gai mắt của nhà Tống Nho Triều Công Võ. Rõ ràng cùng là một cách đọc Văn tâm điêu long, mà lại có hai phản ứng khác nhau. Nguyên nhân đó là do chuẩn mực đạo đức nhà Nho là một phạm trù có tính lịch sử, điều mà nhà Nho đời Đường cho là đáng khen thì đến đời Tống có thể hoàn toàn là không tốt?

            Ngoài ra đời Tống nhắc đến Văn tâm điêu long còn có: Trương Giới 張戒 (Tuế Hàn đường thi thoại 歲寒堂詩話), Hoàng Đình Kiên 黃庭堅 (Dữ Vương Lập Chi 與王立之 nằm trong Sơn Cốc toàn thư 山谷全書; Dữ Vương Quan phục thư 與王觀復書trong Dự Chương văn tập 豫章文集), Lâu Thược 樓鑰 (Công Quý tập 攻媿集 quyển 103 bài Cao Đoan Thúc (Nguyên Chi) mộ chí minh 高端叔 (元之) 墓志銘), Hồng Mại 洪邁(Dung Trai tùy bút 容齋隨筆)…(28). Học giả hiện đại là Dương Minh Chiếu (Văn tâm điêu long hiệu chú thập di 文心雕龍校注拾遺, phần Phụ lục 附彔, Tự bạt đệ thất 序跋第七) khi tổng kết về tình hình nghiên cứu Văn tâm điêu long ở đời Tống cho biết có 8 quyển sách ghi chép về Văn tâm điêu long, 7 người đã từng bình phẩm Văn tâm điêu long, còn có 12 người đã trích dẫn, 8 người chịu ảnh hưởng, 11 người lấy làm dẫn chứng và 3 người đã tiến hành khảo sát đính chính cho Văn tâm điêu long (29). Chúng tôi vì có những quan điểm khác trong nghiên cứu ảnh hưởng của Văn tâm điêu long lên các tác giả và tác phẩm ở đời Tống (30), lại không thể kiểm chứng kết quả này nên chỉ nêu ra như những số liệu có tính tham khảo. Cho đến nay trong những tư liệu quá ít ỏi mà các nhà nghiên cứu Trung Hoa thu thập được của đời nhà Tống, chúng tôi có thể nhận thấy xu hướng lí giải cũng như đánh giá Văn tâm điêu long từ góc độ Nho giáo và như một tác phẩm chịu ảnh hưởng của Nho giáo là xu hướng độc tôn. Xu hướng lí giải cũng như đánh giá Văn tâm điêu long từ góc độ Phật giáo ở đời Tống đến nay chưa thấy trường hợp nào (31).

            Giai đoạn nghiên cứu Văn tâm điêu long từ khi tác phẩm được hình thành cho đến trước khi bài tựa của Tiền Duy Thiện và văn bản Nguyên Chí Chính bản Văn tâm điêu long 元 至正本文心雕龍 ra đời năm 1355 có một đặc điểm nổi bật là tính chất không hệ thống và tản mạn của các nghiên cứu và bình luận. Người ta chỉ bắt gặp những bình luận và những kết luận được đúc kết lại trong một hay một vài câu hay thậm chí là vài tự rất ngắn gọn. Giai đoạn này còn là một giai đoạn rất mở trong cách nhìn nhận đánh giá tác phẩm của Lưu Hiệp. Ta bắt gặp ở đó nhiều quan điểm ngược chiều nhau khi đánh giá Văn tâm điêu long giữa các dòng tư tưởng khác nhau hay thậm chí là trong nội bộ của một dòng tư tưởng. Giai đoạn này đi song song với lịch trình phát triển của lịch sử tư tưởng Trung Quốc là quá trình Nho giáo hóa trong xu hướng tiếp nhận và lí giải Văn tâm điêu long đồng thời cũng là quá trình phiến diện hóa dạng thức một (32) trong nghiên cứu Văn tâm điêu long.

           

1.2.Nghiên cứu Văn tâm điêu long từ khi Nguyên Chí Chính bản Văn tâm điêu long và bài tựa của Tiền Duy Thiện viết cho sách này ra đời cho đến khi bổ chú của Lí Tường 李祥 xuất hiện.

           

            Chúng tôi có những trăn trở của mình khi lựa chọn năm 1355, năm ra đời của văn bản hoàn chỉnh sớm nhất và bài tựa đầu tiên cho đến nay còn tìm được của Văn tâm điêu long, làm mốc giới phân chia các tiểu giai đoạn của giai đoạn nghiên cứu Văn tâm điêu long cổ điển. Thực ra khi ra đời, văn bản Nguyên Chí Chính bản Văn tâm điêu long và bài tựa của Tiền Duy Thiện chưa chắc đã có một ảnh hưởng lên tình hình nghiên cứu Văn tâm điêu long vốn đã rất trầm tịch của thời kì trước. Sau năm 1355, nghiên cứu Văn tâm điêu long cùng không vì thế mà có những biến chuyển theo kiểu cách mạng và bùng nổ. Và nếu có thì những biến chuyển đó có thể cũng chẳng liên quan gì đến cái mốc này. Ý nghĩa của năm 1355 đối với lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long được xem xét bằng nhãn quan của nhà nghiên cứu lịch sử Long học hiện đại, nó gần gũi với việc vạch một đường thẳng hơn là một sự kiện lịch sử, lịch sử văn học đúng nghĩa (33).

            Bài tựa của Tiền Duy Thiện cho biết trong đống sách quý của một ông tri phủ Gia Hưng 嘉興 là Lưu Trinh 劉貞 có bản Văn tâm điêu long mà chúng ta đang nói đến. Ông tri phủ có lòng quảng đại muốn cùng giới học giả chia sẻ văn bản quý này nên đã sai người đem khắc in. Ở khoản thức ở đầu sách ghi “Thông sự xá nhân của nhà Lương là Lưu Ngạn Hòa trình bày” (34) rồi trong bài tựa Tiền Duy Thiện viết: “Đấy là hướng trình bày của Văn tâm điêu long” (35). Mọi chuyện bắt đầu từ hai chữ Thuật 述 này. Các từ điển Trung Quốc thường sử dụng chữ Trần 陳 (trình bày) và Tuần 循 (noi theo, kể theo, trình bày theo, làm theo) để giải thích (36) ý nghĩa cho chữ Thuật. Điều đó cho thấy người soạn ra bản sách này và người viết bài tựa cho bản sách cùng quan niệm: khi viết ra tác phẩm này là Lưu Hiệp nhằm truyền tải và minh chứng cho một tư tưởng, một cách nghĩ, một đường lối đã có sẵn trước ông. Và đường lối ấy là gì? Không chút ngần ngại Tiền Duy Thiện khẳng định trong bài tựa đó là đường lối văn chương của các nhà Nho mang sứ mạng phục hưng Nho học trong thời kì Thánh đạo bị các học thuyết Phật, Lão chèn ép (37). Ông hào hứng giải thích về tư tưởng mà Văn tâm điêu long trình bày, thuật lại: “Lục Kinh đấy là sách mà mà các bậc Thánh nhân chuyên chở Đạo, truyền thừa đạo thống cho vạn đời sau, và hướng trăm họ đi theo con đường Trung Đạo. Lục Kinh lớn lao như trời đất, sáng rỡ như mặt trăng mặt trời, phô bày cái vô cùng và không thể đo đếm được của vũ trụ… Từ sau khi Khổng tử mất, từ đời Hán, đạo Thánh bắt đầu suy vi, các học giả ngày càng ngả theo những niềm tin sai trái, đạo Thánh bĩ tắc khiến trời đất lớn lao cũng bế tắc, ánh sáng của mặt trời mặt trăng cũng trở nên u ám hơn. Rồi thì trong lúc học thuyết Lão, Phật đương như dòng suối nhỏ chảy đi sắp thành sông thành bể, ai là kẻ có thể ngăn chặn chúng lại đây? Nếu kẻ nào (trong hoàn cảnh đó) biết lấy Đạo làm gốc rễ (原道), biết lấy kinh điển thánh nhân làm mẫu mực (宗經), và biết lấy thánh nhân làm thầy (徵聖) mà lập ngôn viết sách thì cơ hồ còn tạm được! Ôi chao! Đấy là hướng trình bày của Văn tâm điêu long vậy!” (38). Chẳng cần dài dòng mà người đọc cũng nhận ra ngay những lí luận cũng như những tự sự của Nho giáo về lịch sử trong cách lí giải tư tưởng của Lưu Hiệp cũng như giá trị của Văn tâm điêu long của Tiền Duy Thiện. Vấn đề là lí giải của Tiền Duy Thiện tiêu biểu cho một thế hệ một thời kì hay chỉ đơn thuần là ý kiến cá nhân?

            Trong số hàng trăm bản Văn tâm điêu long mà hiện nay chúng tôi được biết đến thông qua những miêu tả văn bản của Dương Minh Chiếu và Chiêm Anh 詹鍈 (39) thì chỉ có ba văn bản có hiện tượng khoản thức có chữ Thuật như trên đã nêu (40). Cả ba văn bản này đều là văn bản của đời Nguyên hoặc có nguồn gốc từ những văn bản vào đời Nguyên hoặc đời Tống. Hiện tượng này này không xảy ra với hàng trăm văn bản còn lại xuất hiện trong các triều đại sau này (41). Điều này cho thấy quan niệm của Tiền Duy Thiện có thể có tính đại diện cho đời Tống Nguyên về Lưu Hiệp. Đồng thời cũng cho thấy ở đời Minh quan điểm này vẫn còn được một thiểu số các văn bản vì lí do muốn giả cổ hay phỏng cổ chấp nhận.

            Bài tựa của Tiền Duy Thiện và bản Nguyên Chí Chính bản Văn tâm điêu long là thành tựu cao nhất và nghiên cứu Văn tâm điêu long thời kì này có được. Cũng như các thời trước, ở đời Nguyên những trích dẫn Văn tâm điêu long cũng xuất hiện lẻ tẻ đây đó trong các thư tịch đương thời. Hiện nay chúng ta biết đến các học giả như Vương Cấu 王構 (sách Tu từ giám hành 修辭鑑衡 quyển 2 nằm trong Tứ khố đề yếu 四庫提要), Phan Ngang Tiêu 潘昂霄 (sách Kim thạch lệ 金石例 của Tứ khố toàn thư sách 1482 bản Văn Uyên các 文淵閣 do Đài Loan ấn hành), Hồ Tam Tỉnh 胡三省 (chú cho Tư trị thông giám 資治通鑑 Hậu Lương kỉ tứ 後梁紀四),…(42).

            Sang đời Minh, nghiên cứu Văn tâm điêu long bắt đầu khởi sắc nguyên nhân thì như Trương Thiếu Khang cũng nói qua đó là do ảnh hưởng của sự phát triển của nghề in ấn (43) đã dẫn đến sự phổ cập rộng rãi văn bản tác phẩm của Lưu Hiệp (thực ra cũng cần phải tính đến sự phổ cập bước đầu văn bản Văn tâm điêu long ở hai thời Tống, Nguyên đã tạo nền tảng cho nghiên cứu ở thời kì này). Thời kì này đánh dấu một sự bùng nổ các văn bản Văn tâm điêu long khác nhau. Thông qua lời của Trình Khoan một học giả đời nhà Minh thì ông đã tận tay viết tựa cho 4 bản Văn tâm điêu long khác nhau (44). Thời kì này mở đầu cho giai đoạn phức tạp trong nghiên cứu văn bản Văn tâm điêu long sau này. Theo như lời của giáo sư Nhật Bản là Hộ Điền Hạo Hiểu 戶田浩曉 thì chỉ tính riêng một văn bản Văn tâm điêu long là văn bản Văn tâm điêu long Mai Khánh Sinh âm chú bản 文心雕龍梅慶生音注本 xuất hiện vào đời Minh và cũng trong đời Minh, bản này đã có ngay bốn dị bản khác nhau (Hộ Điền Hạo Hiểu, Các dị bản của Văn tâm điêu long Mai Khánh Sinh âm chú bản 文 心雕龍梅慶生音注本的不同版本 (45)). Mặt khác dưới ảnh hưởng của truyền thống hiệu khám văn bản và một nền văn hóa mà khái niệm bản quyền không được đặt ra gắt gao như ngày nay thì những dị bản mới không ngừng được sinh ra khiến cho công việc của nhà văn bản học gặp rất nhiều trở ngại. Những vấn đề văn bản học từ đời Minh trở đi đã nằm ngoài khả năng bao quát của chúng tôi cũng như đại đa số các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Hiện nay ở Trung Quốc có Vương Lợi Khí, Dương Minh Chiếu, Chiêm Anh, Chu Chấn Phủ là những người nổi tiếng nhất trong nghiên cứu vấn đề văn bản của Văn tâm điêu long. Chúng ta có thể tham khảo các tác phẩm của họ đã được trích dẫn trong bài viết này để thấy sự vô vọng của việc tìm kiếm một văn bản đúng nhất với bản ý Lưu Hiệp.

            Và chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng từ đời Minh trở đi không một nhà nghiên cứu nào có thể bao quát hết lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long. Tham vọng của chúng tôi là truyền tải được những nét chính nhất của tình hình nghiên cứu thông qua những đỉnh cao nhất của từng thời kì.

            Truyền thống chú giải của người Trung Quốc đã xây dựng nên cho mỗi tác phẩm, mà giá trị đã thành kinh điển, một hệ thống sách vở có nhiệm vụ chú thích, giải nghĩa cho cho nó. Những văn bản chú đầu tiên thông thường cũng là những bản chú sơ lược nhất. Rồi trải qua hàng trăm năm tích tụ những tri thức giải thích về văn bản chúng ta sẽ có những cuốn sách chú giải có tính chất tập đại thành cực kì uyên bác. Trường hợp Văn tâm điêu long cũng như vậy. Những bản chú đời Minh là những chú thích toàn vẹn đầu tiên đến nay chúng ta còn giữ lại được (46).

            Chúng ta trước tiên cần nói đến bản Văn tâm điêu long do Dương Thận 楊慎(47) phê điểm 批點 (48). Bạch Kiến Trung 白建忠 qua những nghiên cứu của mình về Dương Thận và quá trình phê điểm cho Văn tâm điêu long đã chỉ ra trong cách phê điểm của Dương Thận tâm lí rất kị những diễn ngôn dài dòng. Cho nên nhà học giả cổ điển tỏ ra rất kiệm lời, không bao giờ ông nói hết, nói đến đầu đến đũa những gì ông hiểu về tác phẩm (49). Nói một cách ít nhiều chịu ảnh hưởng của lí luận văn học phương Tây: từ những chỉ dẫn về cách hiểu văn bản và về ý nghĩa tác phẩm ông (Dương Thận) luôn tạo một khoảng trống cho liên tưởng và tìm tòi của tự thân độc giả song lại không khuyến khích những xu hướng khác những xu hướng mà mình đề ra để tiếp cận Văn tâm điêu long (50).

            Mặt khác, như đã nói ở trên, do truyền thống kiệm lời nên rõ ràng là Dương Thận sẽ tận dụng tối đa những vòng tròn ngũ sắc để bình luận cho tác phẩm mà sẽ hạn chế càng ít càng tốt những lời Phê. Thống kê của Bạch Kiến Trung cho biết có khoảng 180 chỗ Dương Thận sử dụng những vòng tròn nhiều màu, còn số lần ông sử dụng lời Phê là khoảng hơn 20 lần (51). Trong đó thiên Phong cốt 風骨 là nơi tập trung nhiều nhất những vòng tròn nhiều màu. Toàn thiên Phong cốt với hơn 580 “tự” 字 thì có đến 380 “tự” được khuyên màu, chiếm khoảng 70% (52). Điều đó cho thấy sự quan tâm thưởng thức của Dương Thận với thiên này của Văn tâm điêu long. Thông qua những phê ngữ và khuyên điểm người ta có thể nhận ra quan điểm của Dương Thận về những vấn đề được thể hiện trong Văn tâm điêu long như về hoạt động cấu tứ và tưởng tượng của nhà văn trong quá trình sáng tác văn học (文思論), về mối quan hệ giữa Văn文và Chất 質 (文質論), về vấn đề kế thừa và sáng tạo những cái mới trong văn học (通變論). Những vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu Trung Quốc triển khai trong luận văn và các chuyên luận trên các học báo của họ (53). Chúng tôi cũng sẽ có những tổng thuật về những vấn đề này.

            Sau sự xuất hiện bản chú thích của Dương Thận là sự xuất hiện của văn bản chú thích và hiệu khám của Mai Khánh Sinh. Giới Long học vẫn hay gọi văn bản này là bản Văn tâm điêu long Mai Khánh Sinh âm chú bản 文心雕龍梅慶生音注本. Văn bản chú thích này như trên chúng tôi đã đề cập đến có sáu dị bản khác nhau được khắc in trong khoảng từ năm Vạn Lịch 萬歷 thứ 37 (1609) đến năm Thiên Khải 天啟 thứ 6 (1626). Trong vòng 17 năm đã có ít nhất là sáu dị bản của không biết bao nhiêu lần in khắc văn bản của Mai Khánh Sinh, điều đó cho thấy văn bản của Mai Khánh Sinh chú thích có ảnh hưởng như thế nào đương thời (54).

            Giá trị hiệu khám văn bản của Mai Khánh Sinh đối với lịch sử nghiên cứu Long học là ở chỗ: văn bản của ông được xây dựng trên cơ sở tham khảo rộng rãi nhiều văn bản Văn tâm điêu long khác nhau, kế thừa được những thành tựu hiệu khám văn bản các nhà đương thời; và trên cơ sở đó đề xuất ra những ý kiến cá nhân. Công việc hiệu khám của Mai Khánh Sinh giới hạn lại ở những công đoạn so sánh giữa các bản Văn tâm điêu long khác nhau chọn văn bản xuất hiện vào đời Nguyên niên hiệu Chí Chính làm bản nền; cân nhắc theo hay không theo ý kiến của các nhà và kết hợp với khảo cứu cá nhân tiến hành sửa chính những chỗ ông cho là bị mất chữ, thừa chữ, nhầm chữ,… Phương pháp của Mai Khánh Sinh là lựa chọn trong số các văn bản khác nhau những yếu tố ông cho là phù hợp để tạo ra một văn bản Văn tâm điêu long hoàn toàn mới. Công việc này đối với việc tìm ra một văn bản gần nhất với bản ý của Lưu Hiệp là không thể trái lại càng làm phức tạp thêm tình hình văn bản vốn đã rất đau đầu của Văn tâm điêu long. Giá trị còn lại trong công tác văn bản của Mai Khánh Sinh đó là qua văn bản Văn tâm điêu long mà ông sáng tạo ra, người ta nhận ra những cách nhìn nhận của riêng ông về tác phẩm này của Lưu Hiệp (55).

            Trên phương diện chú thích văn bản Mai Khánh Sinh chủ yếu tập trung chú thích những vấn đề có liên quan đến vận dụng kinh điển trong Văn tâm điêu long. Ông chú rất rõ những yếu tố kinh điển như “Bào Hi họa kì thủy” 庖犧畫其始, “Cửu Trù” 九疇, “Cửu tự duy ca” 九字惟歌, “tịch trân” 席珍, “điểu tích đại thằng” 鳥跡代繩… mà đối với những vấn đề mà chúng ta cho rằng có liên quan trực tiếp đến việc lí giải nội dung mà Văn tâm điêu long muốn truyền đạt như “Văn chi vi Đức” 文之為德, “Thần Lí” 神理, “Từ chi sở dĩ năng cổ thiên hạ giả nãi đạo chi văn dã” 辭之所以能鼓天下者乃道之文也(56) … thì lại bị bỏ qua. Trương Thiếu Khang còn chỉ ra thêm nhiều chỗ rõ ràng Mai Khánh Sinh đã nhẹ nhàng bỏ qua việc tìm hiểu những tầng sâu tư tưởng của Văn tâm điêu long mà đi vào chú thích những vấn đề tương đối “phổ thông” đối với tầng lớp Nho học bậc cao trong xã hội đương thời (57). Điều đó cho thấy Mai Khánh Sinh chịu ảnh hưởng rất rõ của phương pháp đọc sách lấy kinh điển Nho gia làm nền tảng và coi văn học như là cái viết nhằm phục vụ cho công tác truyền tải những nội dung của Kinh điển. Trên bình diện nghiên cứu lí luận của Văn tâm điêu long thì Mai Khánh Sinh không cống hiến được gì nhiều; trên bình diện phương pháp tiếp cận nghiên cứu Văn tâm điêu long thì Mai Khánh Sinh là người tiêu biểu cho một cách đọc lí luận và đọc văn học đã từng có quyền uy trong một thời gian dài và nay đã thành một phương pháp cổ điển.

            Nhân vật tiếp theo trong nghiên cứu Văn tâm điêu long đời Minh là Vương Duy Kiệm 王惟儉, người mà ngày nay còn để lại cho lịch sử nghiên cứu Long học một văn bản chú thích quan trọng: Vương Duy Kiệm Văn tâm điêu long huấn cố bản 王惟儉文心雕龍訓故本. Văn bản này ra đời gần với văn bản âm chú của Mai Khánh Sinh (58). Lúc đầu Vương Duy Kiệm gộp văn bản này với Sử thông huấn cố để thành một tập Văn tâm điêu long Sử thông huấn cố. Điều đó cho thấy ở đời Minh đã có những nhìn nhận có tính chất nghiên cứu ảnh hưởng của Văn tâm điêu long với tác phẩm của Lưu Tri Cơ.

            Trên phương diện hiệu khám cho văn bản của Văn tâm điêu long, Vương Duy Kiệm có những cống hiến quan trọng. Vương Duy Kiệm đã tiến hành hiệu chỉnh lại trên 900 “tự” ông cho là thác ngộ trong vài bản Văn tâm điêu long (59). Đặc biệt là ông để lại 74 kí hiệu để biểu thị 74 chỗ mà trong phạm vi tư liệu còn hạn chế, ông không thể giải quyết triệt để được. Điều này cho thấy cách làm việc cũng như tinh thần khoa học của Vương Duy Kiệm. Nếu đánh giá về kết quả hiệu khám văn bản của Vương Duy Kiệm thì chúng ta phải thừa nhận sự thua kém của ông so với Mai Khánh Sinh, bởi nếu đặt hai bản Văn tâm điêu long bên cạnh nhau, chúng ta dễ nhận thấy nhiều chỗ Vương Duy Kiệm chưa làm được mà Mai Khánh Sinh lại hiệu khám rất thành công. Song văn bản hiệu khám của Vương Duy Kiệm có giá trị cao đối với công tác tìm hiểu phương pháp hiệu khám của các học giả đời Minh khi họ tiến hành thao tác với văn bản Văn tâm điêu long của chúng ta.

            Văn bản của Vương Duy Kiệm trên phương diện chú thích lại đạt được những thành tựu cao vượt trội so với các văn bản xuất hiện đương thời khác. Phương châm chú thích Văn tâm điêu long của ông được thể hiện rất rõ trong phần trình bày những nguyên tắc soạn sách của ông (phần Phàm lệ 凡例 ở đầu sách Văn tâm điêu long huấn cố): “khi viết chú thích và tiến hành tìm kiếm những điển cố trong cuốn sách này, gặp phải những chữ lạ, những ngôn từ bí hiểm như cái sâu xa của ‘điểu tích’, ‘ngư võng’ hoặc kì quái của ‘huyền câu’, ‘đan điểu’, người đọc (theo quan điểm của tôi) khi đọc cuốn sách này không nên tin vào những lời viển vông vu khoát ấy, cho nên tôi không phí lời giải thích gì thêm” (60). Ngoài ra đối với những điển cố mà Vương Duy Kiệm coi là bình thường trong trình độ tiếp nhận của những người đời Minh kiểu như “Thuấn, Vũ, Chu, Khổng chi thánh” 舜禹周孔之聖 thì ông cũng không đặt ra vấn đề giải thích. Rõ ràng Vương Duy Kiệm có mong muốn thực dụng và hướng tới phổ biến đối với văn bản Văn tâm điêu long của ông. Ông dễ dàng bỏ qua những từ khó hiểu để chú thích cẩn thận những vấn đề thuộc về điển cố. Đấy là mục đích chính của Vương Duy Kiệm và cũng là lí do tại sao ông đặt tên sách là Văn tâm điêu long huấn cố. Rõ ràng rằng những chú thích như vậy cho cuốn sách của Lưu Hiệp phải được viết bởi tay của một người chịu ảnh hưởng rất nặng của cách đọc văn chương và quan niệm văn chương của Nho gia song người này là một nhà Nho “khiêm tốn” hướng tới những mục đích nhật thường và truyền bá chứ không nhằm đến một sự phô trương những hiểu biết sách vở. Với trường hợp của Vương Duy Kiệm, nhà viết lịch sử Long học Trương Thiếu Khang có chỉ ra tính chất thiếu cân đối và khách quan trong những chú thích của ông cho Văn tâm điêu long. Trương Thiếu Khang coi đây là một bản chú không hoàn bị và có vi phạm một số nguyên tắc của hoạt động chú thích văn bản (61).

            Ngoài Dương Thận, Mai Khánh Sinh, Vương Duy Kiệm người ta thường nhắc đến những nghiên cứu của Tào Học Thuyên 曹學佺 (62) về Văn tâm điêu long, coi những nghiên cứu của ông là điểm chốt quan trọng cuối cùng trong hành trình dài nghiên cứu Văn tâm điêu long dưới triều đại nhà Minh. Các nhà nghiên cứu hiện đại đánh giá rất cao Tào Học Thuyên ở chỗ ông nhìn nhận Văn tâm điêu long như một tác phẩm có hệ thống và có những nguyên lí quán xuyến nó. Cho đến nay những lí giải sớm nhất mà chúng tôi biết được về cấu trúc của cuốn Văn tâm điêu long ngoại trừ những lí giải của chính tác giả Lưu Hiệp là lí giải của Tào Học Thuyên. Tào Học Thuyên cho rằng Văn tâm điêu long được chia ra làm hai phần: 25 thiên đầu là phần Lưu Hiệp lần lượt giải thích kĩ càng các loại thể của Văn; 25 thiên sau là phần Lưu Hiệp gắng sức dẫn dụng các thuật làm Văn (63). Cách chia này cực kì thiếu sót và sơ sài nếu ta đặt nó bên cạnh cách phân chia của Lưu Hiệp hay là của những nhà nghiên cứu Long học hiện đại. Sở dĩ có thái độ phân chia qua quýt này một phần cũng là vì Tào Học Thuyên cho rằng tư tưởng của Lưu Hiệp không thể hiện qua cách cấu trúc tác phẩm mà lại tập trung xung quanh duy nhất một khái niệm, đó là khái niệm phong 風 (64). Theo định nghĩa của Tào Học Thuyên: “phong là bản nguyên của mọi sự hóa và cảm, là sự phù hợp giữa tính và tình” 風者, 化感之本原, 性情之符契. Nói đây là định nghĩa của Tào Học Thuyên vì Tào Học Thuyên đã cải biến định nghĩa của Lưu Hiệp để cho định nghĩa ấy chuyển tải một cách nhìn mới về Văn tâm điêu long. Lưu Hiệp thiên Phong cốt 風骨 sách Văn tâm điêu long đã từng định nghĩa: “Thi gồm có Sáu nghĩa, đứng đầu trong Sáu nghĩa là phongphong lại là bản nguyên của mọi sự hóa và cảm, là sự phù hợp giữa chí và khí” 詩總六義, 風冠其首, 斯乃化感之本源, 志氣之符契也 (65). Chỉ có thay đổi cặp khái niệm chí và khí thành cặp khái niệm tính và tình là đã biến khái niệm phong của riêng Lưu Hiệp thành khái niệm chuyển tải quan niệm về chức năng văn học mang màu sắc Đạo học Tống-Minh (66). Như vậy với cách tiếp cận này Tào Học Thuyên đã đọc Văn tâm điêu long và chú thích cuốn sách này theo con mắt của một nhà Nho. Ông nhấn mạnh vào thiên Phong Cốt và tiến hành công việc làm biến đổi nội hàm các khái niệm của Lưu Hiệp vì ông muốn chứng minh Văn tâm điêu long là cái viết để nêu cao giá trị của Văn trong việc truyền tải Thánh đạo (67). Tào Học Thuyên là đại biểu cuối cùng cho các nhà nghiên cứu Văn tâm điêu long dưới triều Minh.

            Đến đời Thanh nghiên cứu Văn tâm điêu long đạt đến đỉnh cao nhất của giai đoạn cổ điển. Không còn nghi ngờ gì nữa thời kì này là thời kì đóng vai trò tổng kết toàn bộ những thành tựu nghiên cứu tác phẩm của Lưu Hiệp mà các triều đại trước đã đạt được. Người ta hay nhắc đến phong khí của một nền học thuật dưới hai triều đại Càn Long 乾龍 và Gia Khánh 嘉慶 (khoảng từ năm 1756 đến năm 1820) đã ảnh hưởng ra sao đến những nghiên cứu Văn tâm điêu long của thời kì này. Các nhà nghiên cứu ở đời Thanh là các học giả thuần túy (68), họ cực giỏi tiểu học (69), học rộng, có nhiều kinh nghiệm trong chỉnh lí, hiệu khám và chú thích cổ tịch, và đặc biệt là ý thức tự giác trong học thuật cực cao. Những học giả nổi tiếng nhất trong nghiên cứu Văn tâm điêu long thời kì này đó là: Kỉ Vân 紀昀, Hách Ý Hạnh 郝懿行, Lư(Lô) Văn Siêu 盧文弨, Phùng Thư 馮舒, Cố Quảng Kì (Ngần) 顧廣圻, Tôn Di Nhượng 孫詒讓, Hà Trác 何焯…Tập đại thành cho những nghiên cứu Văn tâm điêu long giai đoạn cổ điển là tác phẩm Văn tâm điêu long tập chú 文心雕龍輯注của Hoàng Thúc Lâm 黃叔琳 (1674-1756) cùng một hệ thống các thư tịch đóng vai trò phát triển cho cuốn sách đó (70).

            Hoàng Thúc Lâm soạn Văn tâm điêu long tập chú vào khoảng năm Ung Chính thứ 9 (theo Tây Lịch là năm 1731). Văn bản này ra đời vào thời kì mà những chú thích từ đời nhà Minh đã trở thành không dễ dàng gì đọc được với những người sống ở đời nhà Thanh (71). Lúc này văn bản tập hợp các chú thích cho Văn tâm điêu long của Hoàng Thúc Lâm ứng thời mà xuất hiện như để khắc phục tình trạng nan giải trong tiếp nhận Văn tâm điêu long đó và ngay lập tức văn bản này được truyền bá rộng rãi có ảnh hưởng sâu rộng và cho đến nay nó vẫn được coi là đại biểu cho các thành tựu trên phương diện chú thích, hiệu khám văn bản của các học giả cho Văn tâm điêu long. Rõ ràng thông qua việc phân tích những giá trị của Văn tâm điêu long tập chú ta có thể có một cái nhìn không quá phiến diện về nghiên cứu Văn tâm điêu long dưới triều đại của nhà Thanh.

            Những chú thích của Hoàng Thúc Lâm cho Văn tâm điêu long tập trung vào làm rõ những tương đồng giữa ngôn từ của Lưu Hiệp và ngôn từ của kinh điển Nho gia cùng bách gia chư tử trong cuốn sách này. Mục đích của chú giải trong cuốn sách không nhằm làm rõ cho quan điểm cũng như tư tưởng của Lưu Hiệp về Văn mà mục đích tối cao là để phục vụ cho cách đọc kinh học với các thể Văn khác được dễ dàng và thuận lợi. Nếu ta lấy thiên Nguyên đạo 原道 của sách Văn tâm điêu long làm trường hợp để nghiên cứu và khảo sát (72) chúng ta sẽ có được các kết quả sau: Hoàng Thúc Lâm tổng cộng đã chú thích 27 chỗ cho thiên này. Các chú thích đó là vào các từ như: “nguyên hoàng” 元黃, “phương viên” 方圓, “nhật nguyệt điệp bích” 日月疊璧, “bính úy” 炳蔚, “Bào Hi họa kì thủy” 庖犧畫其始, “Trọng Ni dực kì chung” 仲尼翼其終, “Hà Đồ” 河圖, “Lạc Thư” 洛書, “ngọc bản” 玉版, “đan văn lục điệp” 丹文綠牒, “điểu tích” 鳥跡, “đại thằng” 代繩, “tam phần” 三墳, “nguyên thủ tải ca” 元首載歌, “trần mô” 陳謨, “cửu tự duy ca” 九序惟歌, “di nhục”彌縟, “Văn Vương ưu hoạn” 文王憂患, “diêu từ” 繇辭, “chế thi tập tụng” 剬詩緝頌, “phủ tảo” 斧藻, “dung quân” 鎔鈞, “thiên lí ứng” 千里應, “tịch trân” 席珍, “Phong tính” 風姓, “nguyên thánh” 元聖, “tố vương” 素王 (73). Các ngôn từ này đều là các ngôn từ của kinh điển Nho gia, các sách sử phổ thông và một số sách tiểu học cũng rất thông dụng. Áp đảo trong những thống kê này là chú thích cho các ngôn từ có nguồn gốc kinh điển Nho giáo. Các thiên khác ngoài Nguyên đạo cũng tập trung chú thích cho những vấn đề tầm chương trích cú và huấn hỗ danh, vật. Nói theo lí luận hiện đại thì Hoàng Thúc Lâm làm công tác liên tưởng văn bản chứ không tập trung xiển phát 闡發 tư tưởng của Lưu Hiệp. Bởi vì những khái niệm có thể giúp cho tìm hiểu tư tưởng của Lưu Hiệp như Đạo 道, Văn 文, Đức 德, Thần Lí 神理,…hoàn toàn không được lưu ý và giải thích. Nguyên nhân là thời kì đó hẳn nhà chú thích chưa thể hình thành được nhãn quan lịch sử đối với các khái niệm. Các khái niệm được sử dụng một cách mặc nhận với nội hàm đương thời mà không để ý những nội hàm đó có đúng với cách hiểu của Lưu Hiệp hay không (74). Điều này sẽ được nói rõ hơn khi chúng ta tiến hành phân tích những bình giải của Kỉ Vân cho Văn tâm điêu long.

            Văn bản của Hoàng Thúc Lâm bên cạnh những thành tựu chú thích đã làm cho Văn tâm điêu long trở nên dễ đọc hơn còn có những đóng góp nhất định trong công tác hiệu khám văn bản. Văn bản của Hoàng Thúc Lâm theo những thống kê của Trương Thiếu Khang đã hiệu khám được 53 chỗ sai lầm về văn tự trong các văn bản lưu hành đương thời (75). Thành tựu to lớn này của Hoàng Thúc Lâm có được là dựa trên sự thừa hưởng những thành tựu của Mai Khánh Sinh trước đó. Hoàng Thúc Lâm viết: “Mai Tử Canh (76) đã từng viết những lời giải thích để làm sáng ý nghĩa của cuốn sách này, nhưng mười phần thì ông mới chỉ làm được ba bốn mà thôi. Những chú thích của Tử Canh ngắn gọn và không rõ ràng vì ông phải gánh chịu cái khó của những người đi tiên phong (77) “.  Mặc dù những thành tựu hiệu khám của Hoàng Thúc Lâm đã từng chịu sự phê phán cũng như kế thừa của hiệu khám học hiện đại, song dù thế nào chúng ta cũng không thể phủ nhận được rằng dựa trên cơ sở kế thừa và phê phán những học giả trước mà Hoàng Thúc Lâm có được một văn bản có tính chất tập đại thành và được lưu truyền rộng rãi đương thời.

            Tự tổng kết những phép tắc và cách trình bày cuốn sách của mình, Hoàng Thúc Lâm đã đưa ra một phần Lệ ngôn 例言 gồm sáu điều. Trong sáu điều này thì điều thứ nhất cho thấy tác giả của cuốn Văn tâm điêu long tập chú nhận thức về cấu trúc của Văn tâm điêu long không khác gì Tào Học Thuyên trước đó. Điều thứ hai cho thấy sự thận trọng của Hoàng Thúc Lâm khi tiến hành những thao tác hiệu khám văn tự của Văn tâm điêu long. Trong việc đối sánh các văn bản Văn tâm điêu long, học giả đã nhận ra được giữa chúng xuất hiện rất nhiều các sai dị. Ông tiến hành lựa chọn trong các văn bản ấy những sở trường của mỗi văn bản (đồng thời cũng là mỗi lí giải khác nhau về văn bản) và thay thế vào những chỗ ông cho là sai, bổ sung những chỗ ông cho là thiếu nhưng vẫn chú rõ văn bản trước khi tiến hành thay thế, bổ sung. Điều thứ ba dành riêng cho thiên Ẩn tú 隱秀. Thiên Ẩn tú của Văn tâm điêu long bị rơi rớt quá nhiều vậy nên Hoàng Thúc Lâm đã căn cứ theo Hà Nghĩa môn hiệu chính bản bổ sung vào những chỗ khuyết văn. Điều thứ tư nói rõ Hoàng Thúc Lâm đã dựa trên những thành tựu của văn bản âm chú mà Mai Khánh Sinh đã soạn, đương thời ông đang được lưu truyền rất rộng rãi, làm văn bản tham khảo khi tiến hành những chú thích của mình. Không thỏa mãn với văn bản của Mai Khánh Sinh, nhà chú thích còn sưu tầm cả những kiến giải trong văn bản Văn tâm điêu long của một người tên là Vương Tổn Trọng 王損仲 (78) để trên cơ sở đó tiến hành biên soạn những chú giải của mình. Những chỗ Hoàng Thúc Lâm cảm thấy chưa rõ ràng thì ông có để khuyết nghi và khiêm tốn xin chờ người sau làm rõ hộ. Điều thứ năm ông nói về những kiếm khuyết của Dương Thận trong chú thích Văn tâm điêu long. Đồng thời, ông còn nói về ý nghĩa của những kí hiệu hình tròn, tam giác và dấu phẩy được ông sử dụng rất nhiều trong Văn tâm điêu long tập chú. Kiến giải của Hoàng Thúc Lâm cho biết những kí hiệu hình tròn được dùng để lưu ý những ngôn từ theo ông ẩn chứa những hàm nghĩa sâu xa của việc luận văn; kí hiệu hình tam giác để nhấn mạnh vào những từ ngữ là tinh túy của Văn tâm điêu long; còn kí hiệu dấu phẩy là để ngắt câu và đánh dấu những “từ” gồm nhiều “tự” ghép lại 連字 (79). Điều thứ sáu là những ghi chép của Hoàng Thúc Lâm về cách trình bày của Văn tâm điêu long tập chú và tên tuổi những người mà Hoàng Thúc Lâm đã từng tham khảo qua những kiến giải của họ khi làm ra sách này.

            Trương Thiếu Khang cho rằng thành tựu nghiên cứu, trình độ học thuật của Văn tâm điêu long tập chú không phải là quá cao (80), song có thể là do tính chất tập đại thành về mặt tư liệu mà nó được lưu truyền rộng rãi trong học giới. Có một điều rõ ràng là cách thức làm việc thận trọng của Hoàng Thúc Lâm đã khiến cho văn bản này còn chừa lại nhiều khoảng trống cho những người sau tiến hành bổ sung. Giá trị lớn lao của tác phẩm tập chú này là ở chỗ nó kéo theo một hệ thống sách vở bình luận và chú thích bổ sung cho nó (81). Trong đó phải kể đến những bình luận của Kỉ Vân 紀昀 và bổ chú của Lí Tường 李祥. Hai cuốn sách này cùng với cuốn sách của Hoàng Thúc Lâm đã tạo thành đỉnh cao nhất trong nghiên cứu Văn tâm điêu long giai đoạn cổ điển.

            Kỉ Vân hay còn có một cách gọi khác là Kỉ Hiểu Lam 紀曉嵐 (82), người vào năm 1771 đã tiến hành công tác bình luận Văn tâm điêu long. Thật may mắn cho chúng tôi khi có trong tay văn bản rất quý này của Kỉ Vân được in kèm vào trong sách Văn tâm điêu long tập chú của Hoàng Thúc Lâm. Văn bản này được Trung Hoa thư cục 中華書局 xuất bản vào năm 1957 theo dạng thức phỏng cổ và rất đáng tin cậy. Thông qua khảo sát văn bản bình luận của Kỉ Vân chúng tôi nhận ra giá trị của những bình luận này thể hiện chủ yếu ở phương diện: nó đã góp phần sửa chính nhiều điều cho chú thích của Hoàng Thúc Lâm trước đó. Kỉ Vân chỉ ra những thiếu sót của Hoàng Thúc Lâm, do hạn chế về mặt tư liệu và phương pháp và cả kiến thức cổ học, đã mắc phải như lỗi trích dẫn những nguồn thư tịch không đáng tin cậy (83), lỗi chú thích nhầm (84)… Kỉ Vân đã bác bỏ nhiều chú thích, song đồng thời cũng làm rõ rất nhiều cho các chú thích khác trong cuốn sách của Hoàng Thúc Lâm. Chúng tôi nhận thấy phần bình luận của Kỉ Vân có thể coi như những bổ chú cho Văn tâm điêu long tập chú. Trong đó rõ ràng về mặt phương pháp cũng như tư liệu Kỉ Vân tỏ ra vượt trội hơn hẳn so với Hoàng Thúc Lâm.

            Nhờ những phương pháp và tài liệu này mà Kỉ Vân đã có những phát hiện rất quan trọng trong nghiên cứu Văn tâm điêu long. Ví dụ như học giả Kỉ Vân có một khảo chứng (đến nay chúng tôi cho rằng là khảo chứng được cụ thể hóa thành văn bản đầu tiên) phát hiện ra quyển sách Văn tâm điêu long chú gồm mười quyển của Tân Xử Tín đời Tống (mà ở phần trên chúng tôi đã có dịp nhắc đến) đã từng được ghi chép trong Nghệ văn chí 藝文志 của Tống sử 宋史 (85). Hay như Kỉ Vân là người đã đề xuất ra những ý kiến đầu tiên về thời gian hình thành văn bản của Văn tâm điêu long, ông còn là người đầu tiên phát hiện ra sự ngụy tạo trong văn bản của thiên Ẩn tú 隱秀 thiên thứ 40 sách Văn tâm điêu long. Kỉ Vân còn thông qua hệ thống tài liệu và phương pháp hiệu khám được coi là tương đối hoàn thiện ở đời Thanh tiến hành hiệu khám văn bản của Văn tâm điêu long. Ông tiến hành giải thích, theo Trương Thiếu Khang thống kê, 48 hiện tượng văn tự đáng chú ý của văn bản tác phẩm này (86).

            Kỉ Vân trong những bình điểm của mình đã bước đầu quan tâm đến những vấn đề thuộc về lí luận của Văn tâm điêu long. Cống hiến này rất quan trọng. Nó cho thấy giai đoạn cổ điển trong nghiên cứu Văn tâm điêu long hẳn nhiên không chỉ là những vấn đề của chú thích và hiệu khám văn bản mà còn có những thành tựu giải thích lí luận của Lưu Hiệp được xác lập. Kỉ Vân giải thích về tư tưởng “nguyên đạo” của Lưu Hiệp như sau: “[Nếu như nói] Văn là để tải Đạo, đấy là muốn nói đến cái lí lẽ đương nhiên. [Còn nếu như nói] Văn bắt rễ từ Đạo thì đấy là muốn nói đến cái cái lẽ bản nhiên vốn vậy của nó. Hiều biết về cái gốc rễ của Văn thì sẽ không dễ bị những biến thái đa dạng của Văn (87) làm cho lóa mắt, nếu đề cao những dạng thức tôn quý của các thể Văn thì các dạng thức tiêu cực khác sẽ không có điều kiện phát triển tiếp” (88). Ví dụ này cho thấy những điều mà chúng ta hiện nay quan tâm tìm hiểu như khái niệm Đạo với nội hàm được Lưu Hiệp sử dụng thì ở thời của Hoàng Thúc Lâm và Kỉ Vân hoàn toàn chưa được đặt thành vấn đề. Khái niệm của Lưu Hiệp được mặc nhiên thừa nhận với nội hàm mà cá nhân độc giả đương thời xác lập ra cho nó. Những khái niệm này thời gian đấy vẫn là những khái niệm sống, được sử dụng phổ biến với nội hàm đương đại mà không ai có ý định tra vấn lại chúng (89). Bởi thế không tránh khỏi việc Kỉ Vân giải thích tư tưởng của Lưu Hiệp bằng cách hình dung của ông, một Nho gia thế kỉ 18, về nội hàm của các khái niệm của Lưu Hiệp. Và như vậy cũng không tránh khỏi phiến diện hóa cao độ trong những lí giải về tư tưởng Lưu Hiệp. Trong trường hợp được đưa ra làm ví dụ trên thì chắc chắn chữ Đạo sẽ mang nội hàm chịu ảnh hưởng của cách hình dung của các Nho gia về nó. Nhiều lúc do cách hình dung này mà Kỉ Vân bị Trương Thiếu Khang đánh giá là quá hà khắc trong việc phê bình Lưu Hiệp ở thiên Minh thi 明詩 (90).

            Sau những cống hiến của Kỉ Vân trong việc bổ sung, làm rõ cho chú thích của Hoàng Thúc Lâm thì sự xuất hiện của những bổ chú của Lí Tường 李祥 hướng tới đối tượng là Văn tâm điêu long tập chú đã hoàn thành bức tranh về ba đỉnh núi cao nhất mà nghiên cứu Văn tâm điêu long trong giai đoạn cổ điển đạt được, chuẩn bị cho bước phát triển cả về chất lẫn lượng trong giai đoạn sau này.

            Ban đầu trứ tác của Lí Tường mang tên Văn tâm điêu long Hoàng chú bổ chính  文心雕龍黃注補正 hoàn thành vào năm 1909 và được đăng lần lượt trên Quốc túy học báo 國粹學報, để rồi vào năm 1916 được thu vào Long Khê Tinh Xá tùng thư 龍溪精舍叢書 với cái tên Văn tâm điêu long bổ chú 文心雕龍補注. Văn tâm điêu long nghiên cứu sử của Trương Thiếu Khang đưa tác phẩm của Lí Tường vào giai đoạn nghiên cứu cận hiện đại từ năm 1840 đến năm 1949 và giải thích những lặp lại quá khứ của nó như là sự nối dài của truyền thống khó dứt bỏ trong ngày một ngày hai (91). Chúng tôi nhận thấy tác phẩm được xuất hiện sau thời kì Ngũ Tứ nhưng về cơ bản vẫn thuộc phạm vi của nghiên cứu Long học cổ điển cho nên vẫn xếp ông vào trong giai đoạn nghiên cứu này. Những bổ chú của Lí Tường mà chúng tôi được tiếp xúc thông qua cuốn sách của Dương Minh Chiếu (92) đã cho chúng tôi nhận thấy Lí Tường là một sự kéo dài của truyền thống chú thích theo nghĩa là ông so với Hoàng Thúc Lâm và Kỉ Vân không có những biến chuyển gì lớn về mặt phương pháp. Vậy thì cống hiến của Lí Tường cụ thể là như thế nào?

            Những chú giải của Lí Tường trước tiên nhằm bổ sung một cách có hệ thống cho những thiếu sót của Hoàng Thúc Lâm, và ở một mức độ nhất định, là cho cả Kỉ Vân. Nếu lấy năm đầu tiên làm ví dụ (93) thì chúng ta nhận thấy Lí Tường bổ chú khoảng 17 điều trong đó tất cả 17 điều là những chú thích có trích dẫn ngôn từ kinh điển đề làm rõ cho văn bản tác phẩm hay để phản bác Hoàng Thúc Lâm và Kỉ Vân, không có một chú thích nào đả động đến lí giải cho tư tưởng văn học của Lưu Hiệp. Phương pháp của Lí Tường nếu so sánh với những nhà chú giải trước đó không có gì khác biệt: sử dụng những cổ chú 古注 của những nhà chú giải danh tiếng nằm trong các thư tịch xa xưa để giải thích tự  (chữ), ngữ nguyên 語源 (nguồn gốc của các thành ngữ), cú  (các câu) của văn bản Văn tâm điêu long nhằm cung cấp cách hiểu nghĩa của các tựngữ nguyên trong đó và mục đích cuối cùng và đọc hiểu nghĩa văn bản của Văn tâm điêu long.

            Những bổ chú của Lí Tường được đánh giá cao ở chỗ: nó đã đóng góp một phần rất lớn trong việc làm chính xác hơn văn bản chú thích có tính tập đại thành của Long học cổ điển là Văn tâm điêu long tập chú của Hoàng Thúc Lâm chú thích và Kỉ Vân bình luận xuất hiện trước đó. Nó đã hoàn chỉnh những chuẩn bị về mặt tư liệu để tạo điều kiện cho những biến đổi về chất ở giai đoạn nghiên cứu Long học về sau này. Phải thừa nhận những nhà nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại đầu tiên không ai không dựa trên những cơ sở của những chú thích, bình luận và bổ chú này để hình thành những nghiên cứu của mình về Văn tâm điêu long.

 

1.3.Những đặc trưng của giai đoạn cổ điển trong nghiên cứu Long học.

 

            Bổ chú của Lí Tường đánh một dấu chấm hết cho giai đoạn cổ điển trong nghiên cứu Long học kéo dài từ khi tác phẩm này được hình thành trải qua các triều đại cho đến khi được hệ thống lại ở đời Thanh với hệ thống chú giải-bình luận-bổ chú nổi tiếng của Hoàng Thúc Lâm-Kỉ Vân-Lí Tường. Đặc điểm của Long học cổ điển là:        

            a) Sự chú trọng ở mức độ gần như tuyệt đối vào nghiên cứu hiệu khám văn bản, khảo chứng thật giả và chú thích tự, ngữ nguyên, cú của tác phẩm. Mục đích nhằm hình thành một văn bản khả tín, một văn bản dễ đọc và một cách hiểu đúng đắn nhất (dĩ nhiên là theo chủ quan nhà chú thích và hiệu khám văn bản) về tác phẩm. Đây là giai đoạn tích tụ những kiến thức lí giải cho văn bản Văn tâm điêu long tạo nền tảng cho mọi hiểu biết về Văn tâm điêu long.

            b) Trong khi đó rất hiếm gặp những chú thích và bình luận nhằm vào lí giải những vấn đề thuộc về lãnh vực tư tưởng của Lưu Hiệp. Hoặc nếu có, như trường hợp một số đoạn văn của Tào Học Thuyên, Kỉ Vân…thì cũng là những kiến giải về tư tưởng của Lưu Hiệp bằng hệ thống thuật ngữ có cái vỏ cũ (94) mà không để ý đến tính lịch sử của nội hàm các khái niệm (95). Long học hiện đại chỉ đản sinh khi bắt đầu có những bước vượt thoát ra khỏi hệ thống khái niệm cũ để sử dụng một hệ thống khái niệm mới hoặc cách nhìn mới về khái niệm để tra vấn hệ thống khái niệm cũ này. Về cơ bản những nghiên cứu thời kì này chịu ảnh hưởng của phương pháp đọc Kinh học đối với các thể loại Văn khác (96).

            c) Đứng về mặt phương pháp mà nói, dòng chính thống (97) trong nghiên cứu của giai đoạn cổ điển cho Văn tâm điêu long ngày càng có xu hướng Nho giáo hóa trong đánh giá tác phẩm. Nhà nghiên cứu dựa trên các thuật ngữ Nho học hay là có nội hàm Nho học để đánh giá, lí giải Lưu Hiệp và tác phẩm của ông trên những góc nhìn nhà Nho. Đặc điểm này nhận thấy rõ hơn khi ta đọc các bài tựa cho mỗi lần “tái bản” Văn tâm điêu long của các nhà Nho trung đại. Ngoài ra nếu phân tích sâu những tác phẩm lớn nhất của giai đoạn nghiên cứu Văn tâm điêu long này, ta dễ dàng nhìn ra những tự sự nhà Nho cho tác phẩm. Chúng tôi đã có điều kiện đề cập đến vấn đề tự sự nhà Nho khi nói về Tiền Duy Thiện và Nguyên Chí Chính bản Văn tâm điêu long (98).

            2.Sự ra đời của Văn tâm điêu long học hiện đại.

            Long học hiện đại được hình thành khi nào? Chúng tôi đã nói nhiều về quan điểm của chúng tôi khi xác định thời điểm lịch sử này. Vấn đề ở đây là sự trình bày tường tận hơn một chút về bối cảnh cho sự hình thành này.

            Không thể phủ nhận vai trò của những biến động chính trị xã hội đã có những ảnh hưởng đến đời sống văn học. Trung Quốc sau chiến tranh Nha phiến 1840 đã không còn là Trung Quốc của duy nhất các vị hoàng đế và hệ tư tưởng Nho giáo. Rồi sau cách mạng Tân Hợi 辛亥 1911 người ta bỏ âm lịch, bỏ cả hoàng đế và nói nhiều hơn đến Tôn Văn 孫文. Phải đến sau “Ngũ Tứ vận động” 五四運動 4-5-1919 thì giới trí thức Trung Hoa mới bừng tỉnh những nhận thức về trách nhiệm lịch sử của họ đối với vận mệnh của dân tộc. Lúc này là lúc cuộc cách mạng trong văn hóa nói chung và văn chương nói riêng mới ồ ạt phát triển (99). Nghiên cứu văn học dường như chấn động và chuyển mình cùng với bão táp của lịch sử. Nghiên cứu Văn tâm điêu long cũng vận động cùng với chiều quay của lịch sử và văn hóa.

            Sự kiện đánh dấu những biến đổi về chất của nghiên cứu Văn tâm điêu long là sự kiện Văn tâm điêu long được các đại sư như Lưu Sư Bồi 劉師培 và Hoàng Khản 黃侃nghiên cứu và giảng dạy trên giảng đường đại học Bắc Kinh 北京大學 (100).

            Lưu Sư Bồi khi đương giảng dạy ở trường đại học Bắc Kinh, đã có những bài giảng đầu tiên về Văn tâm điêu long. Về sau vào quãng độ thập niên bốn mươi của thế kỉ 20 thì học trò ông, cũng là một học giả danh tiếng là La Thường Bồi 羅常培căn cứ vào những bút kí ghi chép khi nghe những bài giảng của thầy mình về hai thiên Tụng tán 頌贊 và Lụy bi 誄碑 của Văn tâm điêu long biên soạn lại và đặt một cái tên chung Tả Am văn luận 左庵文論 đăng trên Quốc văn nguyệt san 國 文月刊 (một nguyệt san do khoa Trung Văn 中文系 của Tây Nam liên hợp đại học 西南聯合大學 biên soạn). Năm 1997, Liêu Ninh giáo dục xuất bản xã 辽宁教育出版社 thu những bài giảng này vào bộ sách Trung cổ văn học luận trứ tam chủng 中古文学论著三种 (một tuyển tập riêng dành cho Lưu Sư Bồi) và đặt tên là Văn tâm điêu long giảng lục 文心雕龙讲彔.

            Trong những diễn giảng này chúng tôi chưa được đọc. Song theo như những trích dẫn của nhà Long học Trương Thiếu Khang, chúng tôi đã nhận ra những biến chuyển lớn trong tư duy và ý thức phương pháp rõ ràng trong nghiên cứu Văn tâm điêu long của Lưu Sư Bồi (101). Lưu Sư Bồi nhận ra rất rõ, lí luận của Lưu Hiệp là sản phẩm của một quá trình phát triển lâu dài trên nền tảng là sự kế thừa và siêu việt nhiều thành tựu Văn luận khác của Trung Quốc cổ đại. Rõ ràng là một nhãn quan lịch sử đối với nghiên cứu Văn tâm điêu long đã được hình thành trong ông. Hơn nữa, Lưu Sư Bồi đã bước đầu thoát ra khỏi môi trường các thuật ngữ của Văn tâm điêu long và bắt đầu tra vấn tác phẩm này bằng một hệ thống thuật ngữ có nguồn gốc văn hóa khác. Đi kèm với quá trình tra vấn đó là đáng buồn thay lại là một quá trình phiến diện hóa trong cách nhìn nhận và đánh giá Văn tâm điêu long. Lưu Sư Bồi khi viết: “Văn tâm điêu long là một cuốn sách chuyên môn bình luận về văn học” (102) thì ông đã vô tình tách tác phẩm của Lưu Hiệp ra khỏi môi trường văn hóa tri thức đặc thù của nó, biến nó thành như một sở hữu riêng của chuyên ngành nghiên cứu văn học (103) với cách hiểu như hiện giờ ta vẫn hiểu.

            Một điều rõ ràng là Lưu Sư Bồi chưa hội đủ các điều kiện để đánh một dấu mốc cho sự đản sinh của Long học hiện đại. Những gì ông viết ra không có nhiều ảnh hưởng đến nghiên cứu Văn tâm điêu long bởi thực tế việc xuất bản những trứ tác này mới được tiến hành vào khoảng thập niên 40 của thế kỉ 20. Song Lưu Sư Bồi và những bài giảng của ông chắc chắn có ảnh hưởng đến người học trò xuất sắc của ông, người mà tác phẩm của ông sau này được đa số nhà Long học khẳng định là đặt nền móng cho nghiên cứu Văn tâm điêu long giai đoạn hiện đại. Đó chính là Hoàng Khản 黃侃 và cuốn sách Văn tâm điêu long trát kí 文心雕龍札記.

            Năm 1914 khi giáo sư Hoàng Quý Cương 黃季剛 (104) đưa Văn tâm điêu long 文 心雕龍 vào giảng dạy trong nhà trường Đại học Bắc Kinh 北京大學 và Cao đẳng sư phạm Võ Xương 武昌高等師範學校 hẳn ông cũng không ngờ rằng một thời gian sau những nhà Long học đã ghi nhận hành động đó như báo hiệu khai sinh cho ngành nghiên cứu nay đã thành một “hiển học” 顯學 (105). Về sau những bài giảng của Hoàng Khản được thu thập lại và in thành cuốn Văn tâm điêu long trát kí 文心雕龍札記 đóng vai trò định nền tảng cho nghiên cứu Long học hiện đại (106).

            Văn tâm điêu long trát kí đạt được những thành tựu học thuật kiệt xuất có tác dụng mở đường cho những nghiên cứu Văn tâm điêu long sau này. Ngay từ hai thiên đầu tiên được công bố vào 1919 là Khoa sức 夸飾 và Phụ hội 附 會 cho đến khi chính thức xuất bản hoàn chỉnh toàn bộ tác phẩm vào năm 1962, người ta rất dễ dàng nhận ra những biến chuyển ưu việt của Văn tâm điêu long trát kí so với những trứ tác cổ điển khác. Những trát kí của Hoàng Khản đi sâu vào lí giải thế giới tư tưởng của Lưu Hiệp. Ví dụ trong những trát kí cho thiên Nguyên đạo, Hoàng Khản nhận ra sự khác biệt trong cách hình dung của Lưu Hiệp và cách hình dung của những người hậu thế qua cách ông phân biệt giữa hai thái độ, hai quan điểm: “Nguyên Đạo” và “Văn dĩ tải đạo” 文以載道 (107). Giáo sư Hoàng mong muốn thông qua những xác lập khái niệm Đạo trong các thư tịch cổ như sách Hoài Nam Tử淮南子, Hàn Phi Tử 韓非子 và Trang Tử 莊子…để xác định nội hàm khái niệm Đạo của Lưu Hiệp bằng những liên tưởng tương đồng, song đấy đều là những suy đoán khó dẫn đến đâu ngoại trừ sự tranh cãi. Mỗi nhà tư tưởng Trung Quốc thực sự có tầm ảnh hưởng đều có những cách hình dung của họ về khái niệm này và nếu ta chất vấn họ rằng họ hiểu khái niệm này như thế nào thì chẳng khác ta đặt vấn đề tìm hiểu toàn bộ thế giới quan, tư tưởng của họ. Khái niệm Đạo hình thành trong cảm nhận của những nhà tư tưởng tầm thường trong thế giới phương Đông đa phần là sự nhắc lại những ý chung cũ của Kinh điển Nho, Phật, Đạo…hay ý chung mới của xã hội đương thời. Còn trong những nhà tư tưởng kiệt xuất, khái niệm Đạo của họ là sự lí giải sáng tạo lại những ý chung cũ để hình thành ý chung mới cho xã hội. Lúc này sự xác định tư tưởng họ (những nhà tư tưởng kiệt xuất) chỉ trong mối quan hệ phụ thuộc với những nhà tư tưởng trước sẽ dẫn đến chuyện thầy bói xem voi. Chỉ còn một cách duy nhất khi tiếp cận họ đó là tiếp cận thông qua thể sát văn bản do họ viết ra, nhằm tìm ra khái niệm đó được họ cố định nghĩa như thế nào, từ đó sẽ có một hình dung đúng đắn nhất về tư tưởng của họ (108). Cống hiến của Hoàng Khản là to lớn. Ông đã vượt thoát ra khỏi môi trường văn hóa cổ với những khái niệm mặc nhận, chấp nhận dùng một hệ thống khái niệm của một nền văn hóa khác cùng với nó là cách tiếp cận khác để miêu tả truyền đạt lại những vấn đề của tư tưởng Lưu Hiệp.

            Song dường như Hoàng Khản báo trước một sự rạn nứt trong nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại. Sự rạn nứt ấy bắt đầu từ chính trong những chú giải của ông cho Văn tâm điêu long. Ví dụ như khi Hoàng Khản chú giải cho thiên Phong cốt 风骨 thiên thứ 28 của sách Văn tâm điêu long, ông viết: “Phong cốt: hai thành phần đó đều mượn vật 物 để nói làm cho vấn đề trở nên dễ hiểu. Văn có ý 意, phải dựa vào ý để trình bày thành công cái lí 理 trong suy nghĩ 思 của mình, ý bao trùm toàn bộ cuốn sách, lấy ví dụ tương đồng ở vật thì chuyện ấy giống như làn gió (phong 風). Văn có từ 辭, dựa vào từ để viết ra hết những gì mình ôm ấp trong lòng, làm rõ những hệ thống lí luận, lấy ví dụ tương đồng ở vật thì đó là xương (cốt 骨). Như thế thì chúng ta biết rằng phong là (hay thuộc về) ý của văncốt là (hay thuộc về) từ của văn, nếu hiểu được điều đó thì sau mới không dẫm phải cái tệ nạn phù phiếm, vô bổ trong làm văn” (109). Hoàng Khản đã đẩy những thuật ngữ của một mô hình thế giới thống nhất vào trong một thế giới biện biệt hai phần thế giới tinh thần và vật chất tức là đã đẩy những thuật ngữ ấy vào trong sự rạn nứt khoa học luận mà Descartes tạo ra trong triết học phương tây (110). Chuyển những khái niệm của Lưu Hiệp vốn không thuộc về chỉ một trong hai thế giới vào một thế giới cố định. Khái niệm phong không phải là một khái niệm tương đồng với ýPhong trong ý nghĩa của Lưu Hiệp không chỉ bao gồm trong nó nghĩa của khí tinh thần, ý tinh thần nội tại mà còn bao gồm cả những yếu tố của thế giới vật chất của sự giáo hóa của thánh nhân thành hình trong cuộc sống xã hội, của những chỉ trích và châm biếm và còn nhiều yếu tố nữa chưa cần phải nêu hết ra. Còn ý, với cách hiểu của Hoàng Khản là khái niệm tồn tại trong thế giới tinh thần. Tự thân nó chỉ là một phần của khái niệm phong. Tương tự là những lí luận về sự chênh lệch giữa khái niệm cốt và khái niệm từ. Khái niệm cốt là khái niệm của thế giới tinh thần đồng thời cũng là khái niệm có những thành phần nằm trong thế giới vật chất. Còn từ lại là khái niệm đơn thuần vật chất. Do lúc này trong nhận thức thế giới của Hoàng Khản đã có ảnh hưởng của cái nhìn thế giới phân đôi bằng cặp phạm trù cơ bản vật chất – tinh thần đã ám ảnh triết học phương Tây mấy trăm năm, cho nên trong vô thức đã có sự gán ghép không xứng đôi vừa lứa này. Cái nhìn những khái niệm của Lưu Hiệp trong thế giới phân hai dạng thức vật chất – tinh thần là một đặc điểm của nghiên cứu Long học từ sau Hoàng Khản trở đi, nó đánh dấu những thay đổi trong thế giới quan và phương pháp luận của các nhà nghiên cứu đồng thời nó cũng gây ra những mâu thuẫn giữa truyền thống, hiện đại; phương đông, phương tây và gây ra những hiểu nhầm trong nghiên cứu Văn tâm điêu long (111). Đến một lúc nào đó người ta sẽ thấy người Trung Quốc đang cố gắng trình bày di sản văn luận của ông cha họ theo mô hình và cách hình dung về lí luận văn học của những người sống trong lòng văn hóa châu Âu vẫn hay làm.

            Hoàng Khản và tác phẩm của Hoàng Khản có một ảnh hưởng rất rộng trong nghiên cứu Văn tâm điêu long thời kì sau này. Người ta nói rằng khi tác phẩm của Hoàng Khản ra đời giống như một tiếng sấm làm kinh động toàn bộ văn đàn Trung Quốc (112). Người ta hốt hoảng điều chỉnh rất nhiều điều mà trước đây vì giới hạn của nhận thức họ chưa nhận ra được trong nghiên cứu Văn tâm điêu long. Hoàng Khản đã kéo theo sau ông một đội ngũ học trò đông đảo cùng nghiên cứu tác phẩm của Lưu Hiệp. Lúc này tính truyền thừa trong nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại mới bắt đầu rõ nét. Bánh xe văn hóa không ngừng lăn từ người thầy sang người trò. Từ sau khi Hoàng Khản tạ thế, những người học trò do ông đào tạo như Phạm Văn Lan 范文瀾, Lí Viết Cương 李曰剛, Phan Trọng Quy 潘重規đều trở thành những nhà Long học hàng đầu đứng đầu ba trường phái nghiên cứu Văn tâm điêu long ở Đại lục, Đài Loan, Hồng Kông (113). Và ba nhà nghiên cứu này lại tiếp tục đào tạo ra những nhà Long học mới tiếp tục kế thừa sự nghiệp nghiên cứu của thầy họ để lại, khiến những tri thức về nghiên cứu kì tác của Lưu Hiệp ngày càng tích lũy được nhiều và sâu sắc hơn.

 

3.  Kết luận.

Những thành tựu nghiên cứu Văn tâm điêu long trong giai đoạn cổ điển của ngành nghiên cứu này được đánh dấu bằng những vận động trong phương pháp nghiên cứu tiếp cận tác phẩm này. Bắt đầu là việc tiếp cận Văn tâm điêu long từ góc độ nguyên hợp, rồi đánh giá Văn tâm điêu long như sản phẩm của Phật giáo và cuối cùng là quá trình Nho giáo hóa trong lí giải về Văn tâm điêu long. Tất cả những qua trình đó đã đánh dấu bước phát triển trong nghiên cứu tác phẩm của Lưu Hiệp.

Long học hiện đại được hình thành khi nghiên cứu Văn tâm điêu long đã bắt đầu có những chuyển biến gần với cách hình dung của châu Âu về nghiên cứu lí luận văn học. Điều này được đánh dấu bằng quá trình sử dụng hệ thống thuật ngữ có nguồn gốc Âu – Mĩ để hình dung và giải thích hệ thống khái niệm cũ được Lưu Hiệp sử dụng. Tác phẩm Văn tâm điêu long trát kí của Hoàng Khản đã đánh dấu cho sự biến chuyển này của nghiên cứu Văn tâm điêu long.

CHÚ THÍCH

[1]. Hiện tượng này không chỉ xảy ra với Văn tâm điêu long. Ở Trung Quốc người ta còn nói đến Hồng học 红学 (tức Hồng Lâu Mộng học 红楼梦学), đến Lỗ học 鲁学 (Tức Lỗ Tấn học 鲁迅学), đến Kim học 金学 (tức Kim Bình Mai học 金瓶梅学), đến Tiền học 钱学 (tức Tiền Chung Thư học 钱钟书学),…

[2]. Trình Dụ Trinh chủ biên, Trung Quốc học thuật thông lãm 中国学术通览, Bắc Kinh ngữ ngôn học viện xuất bản xã 北京语言学院出版社, tháng 2 năm 1995, trang IV-V.

[3]. Với trường hợp này thì tiêu chí có thể chỉ là dựa trên sự thừa nhận rộng rãi của học giới Trung Hoa đối với môn học vấn mà họ đã sáng tạo ra. Hoặc tiêu chí có thể là dựa trên số lượng những bài viết và sự quan chú đến nó đủ để người ta nêu nó ra như một môn học vấn, để rồi trên cơ sở đó tạo điều kiện để có một hình dung toàn vẹn về đối tượng của sự phân chia. Các phân chia này thú vị, nó đặt vấn đề với bản đồ khoa học đang tương đối ổn định theo mô hình phương Tây.

[4]. Một số nhà nghiên cứu có uy tín như Trương Thiếu Khang 张少康 lại đưa ra khái niệm giai đoạn cổ đại để chỉ một khái niệm tương đương với khái niệm cổ điển của chúng tôi. Song mốc phân chia của ông có khác, điểm kết thúc của giai đoạn này là năm xảy ra chiến tranh Nha phiến (1840), cuộc chiến tranh mà súng đạn đã buộc những thành lũy chính trị cũng như tư tưởng phải sụp đổ để người Trung Quốc phải đối mặt thực sự với văn minh Âu Mĩ từ đó khiến cho những người Trung Quốc phải có cái nhìn khách quan hơn về chính bản thân mình. Với nhóm của Trương Thiếu Khang sau giai đoạn cổ đại là giai đoạn cận đại và hiện đại trong nghiên cứu Văn tâm điêu long (tham khảo Trương Thiếu Khang 张少康 chủ biên, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử 文 心雕龙研究史, Bắc Kinh北京: Bắc Kinh đại học xuất bản xã 北京大学出版社, tháng 9 năm 2001). Chúng tôi có tiêu chí phân kì khác dựa trên hai cơ sở: một mặt dựa vào sự biến đổi trong phương pháp luận nghiên cứu Văn tâm điêu long để xác định số lượng và đặc điểm của các giai đoạn trong nghiên cứu Văn tâm điêu long; một mặt khác chủ trương không thoát li cái nhìn lịch đại song không coi sự phát triển của văn học như là cái bóng của sự phát triển lịch sử, chủ trương này giúp chúng tôi sử dụng chính những sự kiện có tính bước ngoặt của nghiên cứu Văn tâm điêu long để cắm mốc cho các giai đoạn nghiên cứu khác nhau. Lí do chọn sự kiện này thì chúng tôi sẽ làm rõ khi nói về vai trò của Lưu Sư Bồi 劉師培 và Hoàng Khản 黄侃 (học trò của Lưu Sư Bồi) trong lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long.

[5]. Văn bản Văn tâm điêu long này được khắc in vào đời nhà Nguyên niên hiệu Chí Chính thứ 15 (1355) ở quận Gia Hưng hiện nay được biết là văn bản tương đối hoàn chỉnh ít mất mát và có niên đại sớm nhất của Văn tâm điêu long. Theo Chiêm Anh 詹鍈, Văn tâm điêu long nghĩa chứng (quyển thượng) 文心雕龙义证(上), Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社, tháng 8 năm 1989, trang 9 viết rằng: thiên Nghệ văn chí 藝文志 của Tống sử 宋史 có nói đến một bản Văn tâm điêu long chú 文 心雕龍注 của Tân Xử Tín 新處信 gồm mười quyển nhưng nay đã bị thất lạc, trong các thư tịch đời Minh 明 và Thanh 清 đều không thấy có trích dẫn. Nếu văn bản này còn tồn tại đến nay thì chắc chắn giá trị làm mốc cho phân kì các giai đoạn nghiên cứu Văn tâm điêu long thời cổ điển của văn bản Nguyên Chí Chính sẽ không còn quan trọng như bây giờ.

[6]. Thật khó khăn để biết được khái niệm Lí 理 và Văn 文 được Thẩm Ước sử dụng với nghĩa như thế nào, bởi vậy để hiểu được toàn vẹn nội dung của câu văn này là điều không đơn giản với những người sống trong một môi trường văn hóa khác như chúng ta. Trong sách Văn tâm điêu long nghiên cứu 文 心雕龍研究 do Phúc Kiến giáo dục xuất bản xã 福建教育出版社 xuất bản năm 1991 ở trang 23 nhà nghiên cứu Mục Khắc Hoành 穆克宏 đã dịch câu này ra bạch thoại thành: “(Thẩm Ước) cho rằng cuốn sách này đã làm rõ một cách tường tận những nguyên lí của văn chương” 认为此书深入地阐发了文章的原理. Nghèo nàn thay những liên tưởng mà câu văn bạch thoại ấy gợi ra cho chúng ta.

[7]. Nguyên văn: 約便命取讀,大重之,謂為深得文理,常陳諸几案 trích từ văn bản Lương thư Lưu Hiệp truyện tiên chú 梁书刘勰传笺注 in trong sách Tằng đính Văn tâm điêu long 增訂文心雕龍 của Dương Minh Chiếu 楊明照, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục 北京:中華書局, quyển thượng, 2000, trang 23.

[8]. Tham khảo so sánh văn bản trong Trương Thiếu Khang chủ biên, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, sđd, trang 3-4.

[9]. Khái niệm Văn luận Trung Quốc là khái niệm hiện nay được dùng rất phổ biến trong giới nghiên cứu lí luận văn học của Trung Quốc trong phong trào nghiên cứu lí luận văn học Trung Quốc thoát ra khỏi Tây phương trung tâm chủ nghĩa. Khi dịch sang tiếng Anh giáo sư của đại học sư phạm Hoa Đông 华东师范大学 là Hồ Hiểu Minh 胡晓明 vẫn dùng cụm từ Chinese Literary Theory để phiên dịch cụm từ này (xem GS.Hồ Hiểu Minh, Sự chính danh cho Văn Luận Trung Quốc 中 国文论的正名, Tây Bắc đại học học báo (Triết học xã hội khoa học bản) 西北大学学报 (哲学社会科学版), quyển 35 kì 5 tháng 9 năm 2005, trang 5-14). Ở các thời kì khác nhau người Trung Quốc sử dụng các khái niệm khác nhau để gọi và bao quát khái niệm mà người Việt Nam vẫn hay gọi là Lí luận văn học cổ Trung Quốc như Thi học, Lí luận văn học, Văn luận cổ đại Trung Quốc và gần đây là Văn luận Trung Quốc. Chúng tôi sử dụng khái niệm Văn luận Trung Quốc trong phạm vi bài viết này là để chỉ một phạm vi hẹp hơn là người Trung Quốc sử dụng bao gồm toàn bộ lí luận, tư tưởng văn học các thời kì (bao gồm cả lí luận văn học hiện đại) là sáng tạo riêng của người Trung Quốc.

[10].         Xin xem Lương thư Lưu Hiệp truyện tiên chú 梁書刘勰傳笺注 in trong sách của Dương Minh Chiếu 楊明照, Tằng đính Văn tâm điêu long 增訂文心雕龍 Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục 北京: 中華書局, quyển thượng, 2000, trang 1.

[11].         Kết luận của chúng tôi càng được khẳng định khi Lưu Thiện Kinh 劉善經 trong sách Tứ thanh chỉ quy 四聲指歸 nhầm Lưu Hiệp là người nước Ngô, rồi thì Diêu Tư Liêm tác giả của Lương thư khi viết truyện về Lưu Hiệp cũng có những chi tiết hoặc sai lầm (ví dụ như về vấn đề Lưu Hiệp vì nhà nghèo nên suốt đời không kết hôn) hoặc mù mờ về thân thế và cuộc đời của Lưu Hiệp do vào đời Đường tài liệu của Diêu Tư Liêm chúng tôi cho rằng cũng không phải là nhiều.

[12].         Truyện về Lưu Hiệp trong Nam sử được lấy trong Lí Diên Thọ 李延壽, Nam sử 南 史, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục 北京: 中華書局, năm 2000, trang 1190-1191 sau này có được Hoàng Thúc Lâm 黃叔琳 đời Thanh 清 ghi lại trong sách Văn tâm điêu long tập chú 文心雕龍輯注 (năm 1957, Trung Hoa thư cục 中華書局 đã tiến hành in lại văn bản rất quý này kèm theo lời bình của Kỉ Vân 紀昀, văn bản Nam sử mà chúng tôi nói đến và có sử dụng nằm ở trang 9-11 của sách này). Sau này Lưu Hiệp truyện của Diêu Tư Liêm biên soạn được các học giả đề cao và trích dẫn nhiều hơn là tiểu truyện tương tự của Lí Diên Thọ. Chúng ta nhận ra sự tương đồng đến kì lạ trong kết cấu và cách diễn đạt của hai tiểu truyện này. Về cơ bản hai tiểu truyện hoàn toàn giống nhau về nội dung thông tin chỉ khác nhau một số yếu tố rất tế vi thuộc về quan điểm của hai soạn giả mà chúng tôi sẽ đề cập đến sau.

[13].         Chức quan cao cấp thuộc vào hàng Tam Công 三公 vị trí chỉ sau quan Thừa tướng 丞相.

[14].         Chức quan võ bắt đầu có từ thời Hán Võ Đế 漢武帝.

[15].         Chức quan nhỏ không có thực quyền.

[16].         Xem Lương thư Lưu Hiệp truyện tiên chú 梁書刘勰傳笺注 in trong sách Tằng đính Văn tâm điêu long 增訂文心雕龍 của Dương Minh Chiếu 楊明照, sđd, quyển thượng, trang 24. Nguyên văn chữ Hán: 然勰為文長於佛理, 京師寺塔及名僧碑誌, 必請勰製文.

[17].         Thời kì này Văn tâm điêu long đã được truyền bá sang Nhật Bản. Người ta tìm thấy trong Văn kính bí phủ luận文鏡祕府論 quyển 1 bài Tứ thanh luận四 聲論của nhà sư Nhật Bản Thích Không Hải 釋空海 (nhà sư viên tịch năm 835 tương ứng với năm thứ 9 niên hiệu Thái Hòa 太和 nhà Đường) những trích dẫn thiên Thanh luật 聲律 của Văn tâm điêu long. Theo Phạm Văn Lan 范文瀾 sách Văn tâm điêu long chú 文心雕龍注, Đài Loan: Khai Minh thư điếm 臺灣開明書店, tháng 5 năm 1993, trang 6b cho rầng đây là trích dẫn Văn tâm điêu long cổ nhất.   

[18].         Người ta vẫn thường hay nghiên cứu ảnh hưởng của Lưu Hiệp lên các tác gia văn luận khác đời Đường như ảnh hường của khái niệm Phong cốt 風骨 của Lưu Hiệp đến khái niệm Phong cốt của Trần Tử Ngang 陳子昂, hay ảnh hưởng của Văn tâm điêu long lên Thi thức 詩式 của Hiệu Nhiên 皎然, hoặc sâu xa hơn là ảnh hưởng của những lí giải về mối quan hệ của Đạo và Văn trong Văn tâm điêu long lên chủ trương Nguyên đạo 原道 của Hàn Dũ 韓愈 và cuộc vận động cổ văn thời Đường.

[19].         Xin xem Lâm Kì Đàm 林其錟 Trần Phượng Kim 陳鳳金, Đôn Hoàng di thư Văn tâm điêu long tàn quyển tập hiệu 敦煌遺書文心雕龍殘卷集校, phần Tiền ngôn 前言, Thượng Hải thư điếm 上海書店, tháng 10 năm 1991, bản in đầu 第一版, trang 2. Hoặc Chu Chấn Phủ 周振甫 chủ biên, Văn tâm điêu long từ điển 文 心雕龙辞典, Trung Hoa Thư Cục 中华书局, năm 1996, trang 831. Chúng ta sẽ rất dễ nhận ra sự tương đồng trong lập luận của hai văn bản này trong việc lí giải vấn đề niên đại của văn bản Đôn Hoàng di thư Văn tâm điêu long tàn quyển bởi dường như chúng được viết bởi cùng một tác giả (các ông Lâm Kì Đàm và Trần Phượng Kim cũng tham ra vào biên soạn Văn tâm điêu long từ điển). Các học giả sử dụng phương pháp phân tích những chữ húy của các đời vua Đường được kị húy và không kị húy có trong văn bản này để đưa ra kết luận theo chúng tôi là đáng tin cậy. Gần đây cũng có người bổ sung cho quan điểm này (xem Trương Dũng Tuyền 张涌泉, Biện luận và tìm hiểu thời gian sao chép của Văn tâm điêu long bản Đôn Hoàng 敦煌本文心雕龙抄写时间辨考, Tạp chí Văn học di sản 文学遗产, số 1 năm 1997, tr105-106) song về cơ bản không mâu thuẫn với kết luận trên. Tác giả khẳng định thêm văn bản Văn tâm điêu long này được sao chép vào khoảng sau triều vua Đường Duệ Tông 唐睿宗(710-712). Văn bản này về sau bị một người Hungari là Stein M. Auvel trộm mất. Hiện nay văn bản này được lưu trữ tại viện bảo tàng Luân Đôn.

[20].         Về tứ giới 四界 Hán ngữ đại từ điển 汉 语大词典, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã 汉语大词典出版社, năm 1997, trang 1690 giải thích bắt nguồn từ ngôn ngữ Phật giáo chỉ bốn yếu tố: địa 地, thủy 水, hỏa 火, phong 风. Tứ giới còn được gọi là Tứ đại 四大. Còn về Ô ti lan 乌丝栏 cũng Hán ngữ đại từ điển trang 4098 giải thích là một dạng thức trang trí bề mặt phẳng bằng cách tổ chức các họa tiết giống như những sợi lông quạ ở bên trên và bên dưới tạo thành những khoảng không gian ô vuông. Cả hai đều là những họa tiết trang trí thông dụng trên các văn hiến Phật giáo.

[21].         Xin đặt hai bản Lương thư Lưu Hiệp truyện tiên chú 梁書刘勰傳笺注 (hoặc bản Diêu Tư Liêm, Lương thư, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục 北京:中華書局, năm 2000, trang 493-495) và bản truyện của Lưu Hiệp trong Nam sử (ở đây chúng tôi sử dụng văn bản của Lí Diên Thọ 李延壽, Nam Sử 南 史, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục 北京:中華書局, năm 2000, trang 1190-1191) sẽ rất dễ dàng nhận ra sự giống nhau đến kì lạ này. Chúng tôi vì không muốn làm cho cuốn sử về nghiên cứu Văn tâm điêu long này trở nên phức tạp và tiểu tiết thế nên chỉ tiến hành công bố những kết quả nghiên cứu và trong chừng mực nhất định là những vấn đề của phương pháp và thao tác nghiên cứu của chúng tôi nên đã lướt qua phần này. Thực ra đây là một vấn đề nghiên cứu rất năng sản và thú vị.

[22].         Vấn đề này đã được các tác giả của cuốn Từ hải 辭海 của Trung Hoa thư cục 中華書局 xuất bản năm 1994 khẳng định ở quyển thượng, trang 471. Lương thư thành thư vào năm thứ 10 niên hiệu Trinh Quán 貞觀十年 (tức năm 636 sau công nguyên). Nam sử thành thư vào năm thứ 4 niên hiệu Hiển Khánh 顯慶四年 (tức năm 659 sau công nguyên). Cả hai cuốn sách đều là chính sử và được lưu truyền rất rộng rãi đương thời. Thông qua hai cuốn sử này ta biết trong khoảng 23 năm những cố gắng tìm hiểu về tiểu sử Lưu Hiệp không có thêm điều gì mới mẻ.

[23].         Nguyên văn chữ Hán thiên Tự chí sách Văn tâm điêu long: 夫文心者, 言為文之用心也 (…) 茫茫往代, 既洗 (hoặc沈hoặc沉) 予聞, 眇眇來世, 儻 (hoặc倘) 塵彼觀.

[24].         Nguyên văn chữ Hán thiên Tự chí sách Văn tâm điêu long: 予齒在逾立,嘗夜夢執丹漆之禮器,隨仲尼而南行。寤而喜曰:大哉聖人之難見也,迺小子之垂夢歟。自生靈以來,未有如夫子者也。敷讚聖旨莫若注經,而馬鄭諸儒弘之已精,就有深解。未足立家,唯文章之用實經典枝條,五禮資之以成,六典因之致用。於是搦筆和墨乃始論文。

[25].         Thông tin này lấy từ Trương Thiếu Khang 张少康 chủ biên, sách Văn tâm điêu long nghiên cứu sử 文心雕龙研究史, sđd, trang 34.

[26].         Ở Trung Quốc hiện tượng chú thích một trước tác cổ xưa bao giờ cũng đi kèm với việc muốn truyền bá trứ tác đó xuống những tầng lớp mà nhu cầu đọc cùng khả năng đọc có những mâu thuẫn ít nhiều. Khoảng cách thời gian và văn hóa giữa người viết và người đọc càng xa, tác phẩm ra đời trước đó càng lâu thì chú thích lại càng phải kĩ càng.

[27].         Dẫn theo Vương Lợi Khí 王利器, Văn tâm điêu long hiệu chứng 文 心雕龍校證, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社, tháng 8 năm 1980, trang 304. Nguyên văn chữ Hán: 今勰著書垂世,自謂“嘗夢執丹漆器,隨仲尼南行”,其自負不淺矣。觀其論說篇籍稱“論語以前,經無論字,六韜三(二)論,後人追題”,是殊不知書有論道經 邦之言也,其疏略殆過於王,杜矣。

[28].         Nguyên văn xin xem những trích dẫn của Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, Sđd, trang 35-38.

[29].         Chuyển dẫn theo Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, Sđd, trang 34.

[30].         Các nhà Long học nghiên cứu ảnh hưởng của Văn tâm điêu long lên các văn hiến của thời kì cổ điển thông thường hay tìm những sự tương đồng về câu chữ hay một vài ý tưởng của Lưu Hiệp với câu chữ hay ý tưởng của người này người nọ để rồi kết luận họ chịu ảnh hưởng của Văn tâm điêu long mà không quan tâm đến những mối liên hệ thực tế có thể xảy ra hay không, hoặc “người này hay người nọ ấy” có chịu ảnh hưởng của một người nào khác ngoài Lưu Hiệp trước sau Lưu Hiệp hay không? Trương Thiếu Khang, Vương Lợi Khí và Dương Minh Chiếu thông qua những trước tác của họ, chúng tôi cho rằng họ không phải là trường hợp ngoại lệ.

[31].         Dĩ nhiên gianh giới của sự phân chia các xu hướng này tự bản thân nó là rất tương đối vì vị trí của chủ thể khi tiếp nhận các trào lưu tư tưởng khác nhau. Ở đây việc phân loại dựa trên những khảo sát có tính chủ quan và sơ bộ của chúng tôi nên riêng kết luận này chỉ có giá trị tham khảo tương đương như một ý kiến cá nhân.

[32].         Sau này trong những nghiên cứu Văn tâm điêu long thời kì hiện đại xuất hiện một hình thức phiến diện hóa dạng thức hai. Phiến diện hóa dạng thức một là sự độc tôn của xu hướng tiếp cận và lí giải từ góc độ Nho giáo với Văn tâm điêu long. Phiến diện hóa dạng thức hai là sự nhấn mạnh xu hướng tiếp cận và lí giải từ góc độ một học thuyết trong rất nhiều các học thuyết (Nho học, Phật học, Đạo học, Huyền học,…) mà Lưu Hiệp từng chịu ảnh hưởng đối với Văn tâm điêu long mà quên đi hoặc coi nhẹ vai trò của chủ thể tiếp nhận các học thuyết đó.

[33].         Hiện tượng này rất không tiêu biểu cho quan điểm của chúng tôi về phân kì văn học, nghiên cứu văn học sử. Song Văn tâm điêu long rất đặc biệt. Những gì chúng ta còn lại đến ngày nay không đủ để chứng minh vai trò của văn bản mà Tiền Duy Thiện hay bất kì văn bản nào khác đối với sự hưng thịnh của ngành nghiên cứu này, nhưng có lẽ là đủ để chứng minh có những thay đổi về chất trong nghiên cứu Văn tâm điêu long từ đây trở đi.

[34].         Nguyên văn: 梁通事舍人劉彥和述. Bản Nguyên Chí Chính bản Văn tâm điêu long và bài tựa của Tiền Duy Thiện được chúng tôi sử dụng là văn bản của Chu Chấn Phủ 周振甫: Nguyên Chí Chính bản Văn tâm điêu long hối hiệu 元至正本文心雕龙汇校 in trong sách Văn tâm điêu long từ điển 文心雕龙辞典, Trung Hoa thư cục 中华书局, năm 1996, từ trang 617 đến trang 800.

[35].         Nguyên văn bài tựa của Tiền Duy Thiện viết: 此文心雕龍所由述也.

[36].         Ví dụ như cuốn Từ hải 辭海 của Trung Hoa thư cục 中華書局 xuất bản năm 1994, quyển hạ, trang 2834.

[37].         Một tự sự của các nhà Nho về cục diện xã hội và tư tưởng cuối Hán đến đầu đời Đường đã trở nên phổ biến sau phong trào phục hưng Nho học diễn ra ở đời Đường cho đến tận ngày nay vẫn không khỏi ám ảnh đầu óc của các nhà nghiên cứu hiện đại.

[38].         Nguyên văn bài tựa của Tiền Duy Thiện: “六經”聖人載道之書,垂統萬世,折衷百氏者也。與天地同其大,與月日同其明,亘宇宙相為無窮而莫能限量,(…)自漢以降,老佛之說興,學者日趨于異端, 聖人之道不行,而天地之大,日月之明,固自若也。當二家濫觴橫流之際,孰能排而斥之?苟知以道為原,以經為宗,以聖為徵,而立言著書,其亦庶几可取乎!嗚 呼!此”文心雕龍”所由述也.

[39].         Các tài liệu được sử dụng bao gồm Dương Minh Chiếu 楊明照, Văn tâm điêu long bản bản kinh nhãn lục 文心雕龍版本經眼錄 đăng ở Học thuật tập lâm 學術集林,năm 1997, quyển 11 và Chiêm Anh 詹鍈, Văn tâm điêu long nghĩa chứng (quyển thượng) 文心雕龙义证 (上), Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社, tháng 8 năm 1989, trang 9-38.

[40].         Ngoài bản Nguyên Chí Chính bản Văn tâm điêu long mà chúng ta đã được biết còn có bản khắc của Lỗ Phan 魯藩 khắc vào nhà Minh 明 năm Long Khánh thứ ba 隆慶三年 (1469) hiện được lưu trữ trong thư viện đại học Phúc Đán 復旦大學圖書館; bản chép tay của Tạ Hằng 謝恒 đời nhà Minh năm thứ 7 niên hiệu Thiên Khải 天啟 (1627) được Phùng Thư 馮舒 hiệu đính hiện được lưu trữ thư viện Bắc Kinh 北京圖館.

[41].         Các văn bản Văn tâm điêu long còn lại ở đời Minh, Thanh đều thay chữ Thuật bằng chữ Trứ 著, chữ Soạn 撰 hay không đề một chữ nào tương tự như vậy cả. Hiện tượng này chỉ xảy ra ở những văn bản giả cổ và cổ nhất của Văn tâm điêu long cụ thể là trên những văn bản được cho là có liên quan đến các văn bản đời Tống và đời Nguyên.

[42].         Thông tin lấy từ Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, Sđd, trang 40-42.

[43].         Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, Sđd, trang 42.

[44].         Nguyên văn lời của Trình Khoan xem Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, Sđd, trang 42.

[45].         Dẫn theo Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, Sđd, trang 42.

[46].         Đời Tống có những ghi chép về sự tồn tại của cuốn sách Văn tâm điêu long chú của Tân Xử Tín song cuốn sách này đã thất truyền từ đời Nguyên. Ở đời Tống, Vương Ứng Lân khi viết Ngọc hải 玉海 và Khốn học kỉ văn 困學紀文 có nhiều lần trích dẫn Văn tâm điêu long ở bên mặt dưới có ghi thêm những lời mà ông gọi là Nguyên chú 原注 (xem Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu 文心雕龙研究 phần Đạo ngôn 導言, nằm trong tùng thư 20 Thế kỉ Trung Quốc học thuật văn tồn 20世纪中国学术文存do Hồ Bắc giáo dục xuất bản xã 湖北教育出版社 xuất bản năm 2001, trang 2). Học giả Đài Loan là Vương Canh Sinh 王更生 trong chuyên luận Nghiên cứu về mối quan hệ giữa Vương Ứng Lân và bản Văn tâm điêu long chú của Tân Xử Tín 應鱗和辛處信文心雕龍注關係之研究, in trong sách Văn tâm điêu long tổng luận 文 心雕龍綜論, Trung Quốc cổ điển văn học nghiên cứu hội 中國古典文學研究會 chủ biên, Đài Loan: Học sinh thư cục ấn hành 臺灣學生書局 tháng 5 Dân quốc năm thứ 77(1987), từ trang 173 đến trang 196 cho rằng đó là những chú giải của Tân Xử Tín song quan điểm này hiện nay vẫn còn gây tranh cãi trong học giới đại lục cũng như Đài Loan. Chúng tôi cho rằng những chứng cớ mà Vương Canh Sinh đưa ra chỉ đủ để khẳng định quan điểm của ông như một giả thiết có thể xảy ra. Với tình trạng như hiện nay nếu còn chưa phát hiện ra thêm tài liệu mới thì không thể đưa ra bất kì kết luận nào có sức thuyết phục cả. Mặt khác nếu thực sự là những chú thích của Tân Xử Tín được Vương Ứng Lân sử dụng thì đấy cũng chỉ là những chú thích hiện tồn ở dạng không toàn vẹn của nó.

[47].         Dương Thận (1488-1562) tên tự là Dụng Tu 用修, hiệu là Thăng Am 升庵 học giả trứ danh thời nhà Minh, trước tác cực kì phong phú gồm trên 150 loại. Ông có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức Nho học thời Minh. Trong Minh sử 明史 có chép truyện cho ông.

[48].         Phê 批 là một trong những dạng thức bình luận văn học đầu tiên trong đó đối với mỗi văn bản nhà phê bình sẽ tiến hành bình luận những chỗ được, chỗ mất, chỗ đúng, chỗ sai của tác giả bằng những lời lẽ rất ngắn gọn và hàm súc. Còn Điểm 點 cũng là một cách bình luận văn học rất đặc trưng của truyền thống cảm thụ văn học Trung Quốc. Thông qua việc vẽ những nét khuyên tròn bên cạnh câu văn, nhà phê bình cổ điển Trung Hoa muốn bày tỏ thái độ của mình với văn bản. Tương ứng với năm màu mực khác nhau của những nét khuyên: màu hồng, màu vàng, màu lam, màu xanh, màu trắng là năm loại thái độ được biểu đạt. Văn bản do Dương Thận phê điểm chúng ta có thể gặp trong văn bản Văn tâm điêu long khắc ở đời Minh niên hiệu Thiên Khải 天啟 năm Nhâm Tuất 壬戌 (1622) hoặc trong văn bản Văn tâm điêu long đời Thanh 清 của Trương Tùng Tôn Hạc Bình 張松孫鶴坪 sưu tầm các chú thích 輯注 khắc năm Càn Long thứ năm mươi sáu 乾隆五十六 (1791).

[49].         Chúng tôi muốn nói đến luận văn thạc sĩ ngành Văn học và ngôn ngữ Trung Quốc của trường đại học sư phạm Nội Mông Cổ 內蒙古師範大學 do Bạch Kiến Trung viết vào năm 2004 với nhan đề Nghiên cứu những lí luận về sáng tác của Văn tâm điêu long qua những lời phê của Dương Thận – Kiêm luận về ý nghĩa những vòng tròn năm màu khác nhau thể hiện qua những lời Dương Thận bình về Văn tâm điêu long 文心雕龙杨批中的创作论研究 – 兼及杨评文心雕龙中的五色圈点. (Gần đây Bạch Kiến Trung còn viết chung với Tôn Tuấn Kiệt 孫俊杰 một chuyên luận Luận về việc Dương Thận phê điểm cho Văn tâm điêu long 论杨慎批点文心雕龙 in trên Quảng bá điện thị đại học học báo (triết học xã hội khoa học bản) 广播电视大学学报 (哲学社会科学版), số 2 năm 2006, trang 21-24. Rồi tháng 7 năm 2006 hai nhà nghiên cứu lại cùng nhau công bố một chuyên luận khác là Khảo luận về những vòng tròn ngũ sắc – lấy những vòng tròn ngũ sắc của Dương Thận phê điểm trong Văn tâm điêu long làm ví dụ 五色圈点考论 – 以杨慎批点文心雕龙中的“五色圈点”为例, Tạp chí Xã hội khoa học gia 社 会科学家, kì 4 năm 2006, trang 37-41. Rõ ràng là Bạch Kiến Trung đang có ý định nghiên cứu một cách có hệ thống những phê điểm của Dương Thận để làm cơ sở tìm hiểu quan điểm của ông này về Văn tâm điêu long. Đọc so sánh ba nghiên cứu cách nhau khoảng hai năm ta sẽ có những nhận định thú vị về bước tiến của Bạch Kiến Trung trong nghiên cứu vấn đề này).

[50].         Rõ ràng đi kèm với những lời bình luận là những chú thích về văn bản không cho phép người tiếp nhận có một hình dung nào khác về tác phẩm ngoại trừ hình dung theo cách mà Dương Thận đã hình dung.

[51].         Bạch Kiến Trung, Nghiên cứu những lí luận về sáng tác của Văn tâm điêu long qua những lời phê của Dương Thận – Kiêm luận về ý nghĩa những vòng tròn năm màu khác nhau thể hiện qua những lời Dương Thận bình về Văn tâm điêu long, tư liệu đã dẫn, trang 4.

[52].         Bạch Kiến Trung, Nghiên cứu những lí luận về sáng tác của Văn tâm điêu long qua những lời phê của Dương Thận – Kiêm luận về ý nghĩa những vòng tròn năm màu khác nhau thể hiện qua những lời Dương Thận bình về Văn tâm điêu long, tư liệu đã dẫn, trang 20.

[53].         Một số bài báo mà chúng tôi có sưu tầm được như Bạch Kiến Trung – Bạch Tú Lan 白秀兰, Nghiên cứu những lí luận về hoạt động cấu tứ và tưởng tượng của nhà văn trong quá trình sáng tác văn học của Văn tâm điêu long qua những lời phê của Dương Thận – Kiêm luận về ý nghĩa những vòng tròn năm màu khác nhau thể hiện qua những lời Dương Thận bình về Văn tâm điêu long 文心雕龙杨批中的文思论研究-兼及杨评文心雕龙中的五色圈点, Nội Mông Cổ sư phạm đại học học báo (Triết học xã hội khoa học bản) 内蒙古师范大学学报 (哲学社会科学版), kì 5 quyển 33, tháng 9 năm 2004, trang 26-30. Hoặc Bạch Tú Lan 白秀兰, Tìm hiểu hàm nghĩa của khái niệm Phong cốt qua những lời phê của Dương Thận trong Văn tâm điêu long 文心雕龙杨批中风骨含义之探讨, Ngữ văn học san 语文学刊, số 6 năm 2004, trang 5-7.

[54].         Điều đó cũng cho chúng ta thấy hậu quả của một nền văn hóa mà khái niệm bản quyền tác giả chưa được đặt ra như ngày nay kết hợp với lớp văn hóa truyền bản bằng phương thức chép tay, khắc in với quyền lực tuyệt đối của nhà in, người chép với văn bản đã làm mờ dần đi khái niệm bản gốc trong văn bản học.

[55].         Nhận định này chung cho tất cả những hiệu khám văn bản theo phương pháp truyền thống.

[56].         Ở đây chúng tôi không loại bỏ trường hợp những vấn đề mà ta cho là thiếu sót trong chú thích của Mai Khánh Sinh là điều, mà ở thời ấy, ai ai cũng thông hiểu và trở thành kiến thức phổ thông. Song ở đây đánh giá giá trị và cống hiến của Mai Khánh Sinh là đánh giá ông trong mối tương quan với những đóng góp và cống hiến của ông cho lịch sử Long học.

[57].         Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, Sđd, trang 68.

[58].         Văn bản này được khắc in vào năm Vạn Lịch thứ 37 萬曆三十七年 (1609). Những chú thích về văn bản của Dương Minh Chiếu cho biết văn bản này được lưu trữ tại thư viện Bắc Kinh 北京圖書館.

[59].         Hiện nay chưa xác định đích xác là những văn bản nào song chắc chắn ông có tham khảo qua những trích dẫn Văn tâm điêu long trong Ngọc hải của Vương Ứng Lân, Thái bình ngự lãm của Lí Phưởng.

[60].         Nguyên văn tiếng Hán trích trong sách của Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, sđd, trang 71: 是书之注, 第讨求故实, 即有奥语伟字, 如 ‘鸟迹’, ‘鱼网’之隐, ‘玄驹’,  ‘丹鸟’之奇, 既读斯书, 未应河汉, 故不置论。Hiện tượng này cho thấy, Vương Duy Kiệm có mang ảnh hưởng của tinh thần không chuộng những điều kì quái Khổng tử 孔子 và các môn đệ cửa Khổng.

[61].         Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, Sđd, trang 73.

[62].         Tào Học Thuyên(1574-1647), tên tự là Năng Thủy 能始 hiệu là Thạch Thương 石倉 năm 21 tuổi đỗ tiến sĩ. Ông là trung thần triều Minh. Khi nhà Minh mất ông treo cổ tự sát. Trứ tác của ông cực phong phú ước khoảng hơn 1800 quyển. Trong đó có các trứ tác Kinh học như Thi Kinh chất nghi 詩經質疑 gồm 14 quyển, có những tuyển tập thơ văn như Tống thi 宋詩 gồm 107 quyển, địa chí như Đại Minh nhất thống danh thắng chí 大明一統名勝志 gồm 207 quyển, lịch sử như Thục trung quảng kí 蜀中廣記 gồm 108 quyển…

[63].         Xem Minh Tào Học Thuyên tự 明曹學佺序 in trong Vương Lợi Khí 王利器, Văn tâm điêu long hiệu chứng 文心雕龍校證, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社, tháng 8 năm 1980, trang 330-331.

[64].         Về quan điểm của Tào Học Thuyên có người giải thích không chỉ khái niệm phong là khái niệm quan trọng và mấu chốt nhất trong những kiến giải của Tào Học Thuyên về Lưu Hiệp mà đó chính là tự nhiên 自然 và phong (xem luận văn thạc sĩ ngành Văn học và ngôn ngữ Trung Quốc của trường đại học sư phạm Nội Mông Cổ 內蒙古師範大學 do Lí Kim Thu 李金秋 viết vào năm 2004 với nhan đề Nghiên cứu những lí luận về sáng tác của Văn tâm điêu long qua những lời bình của Tào Học Thuyên 文 心雕龍曹評中的創作論研究, trang 3). Song chúng tôi cho rằng chỉ cần nói đến khái niệm Phong là đủ vì theo chính lí giải của Tào Học Thuyên thì: Thi quý ở tự nhiên mà tự nhiên cũng chính là phong vậy 詩貴自然, 自然者, 風也 (xem Vương Lợi Khí 王利器, Văn tâm điêu long hiệu chứng 文心雕龍校證, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社, tháng 8 năm 1980, trang 331.

[65].         Những trích dẫn nguyên văn tác phẩm Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp trong bài viết này đều lấy từ sách của Vương Lợi Khí 王利器, Văn tâm điêu long hiệu chứng 文心雕龍校證, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã上海古籍出版社, tháng 8 năm 1980 và ghi tên thiên chứ không ghi số trang.

[66].         Tào Học Thuyên đã biến khái niệm phong như là sản phẩm sinh ra từ sự phù hợp giữa chí của con người với khí của tự nhiên, thành một công cụ để giúp cho tình của con người khi phát ra có thể hoàn nguyên trở về với tính bản nguyên vốn có. Mối quan hệ giữa chí và khí gợi đến mối cảm và hóa giữa con người với đại tự nhiên; còn mối quan hệ giữa tình và tính lại gợi đến mối cảm và hóa như cách nhà Nho đời Tống và Minh vẫn hiểu là giáo hóa 教化.

[67].         Các chuyên luận có liên quan đến việc nghiên cứu những luận giải của Tào Học Thuyên cho Văn tâm điêu long có thể tham khảo thêm: Uông Xuân Hoằng 汪春泓, Thuật lại những điều cốt yếu nhất trong những bình luận cho Văn tâm điêu long của Tào Học Thuyên 曹学佺评文心雕龙述要, Hứa Xương sư chuyên học báo 许昌师专学报, số 3 năm 2000, trang 62-67; Lí Kim Thu 李金秋, Luận về cái phong tổng thuật và quán xuyến Văn qua những lời bình của Tào Học Thuyên cho Văn tâm điêu long 文心雕龙曹评中的贯文总术之风论, Nội Mông Cổ sư phạm đại học học báo (Triết học xã hội khoa học bản) 内蒙古师范大学学报 (哲学社会科学版), số 5 tháng 9 năm 2004, trang 21-30. Trong luận văn của mình, Lí Kim Thu có đề cập đến một bài viết của Tổ Bảo Tuyền 祖保泉, Thử luận những bình điểm của Dương, Tào, Chung cho Văn tâm điêu long 试论杨曹钟对文心的批点 hiện chúng tôi chưa sưu tầm được nguyên văn do sự mờ mịt trong hướng dẫn tài liệu của Lí Kim Thu.

[68].         Chữ dùng của Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, sđd, trang 85.

[69].         Khái niệm tiểu học 小學 từ đời Hán 漢 trở đi có một mặt nghĩa được dùng để chỉ những học vấn nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến văn tự 文字之學 như huấn hỗ học 訓詁學, âm vận học 音韻學, tự thư học 字書學…

[70].         Khi trình bày hệ thống lớn nhất có tính tập đại thành này, chúng tôi vì chịu quy định về khuôn khổ của bài viết sẽ tạm thời gạt bỏ những hệ thống nhỏ không có tính tiêu biểu khác nếu những hệ thống này không có gì độc đáo và không có ảnh hưởng nhiều đến Long học hiện đại.

[71].         Nguyên nhân là do những biến động của lịch sử và văn hóa khiến những chú thích và bình luận vốn đã rất ngắn gọn của các học giả đời Minh càng ngày càng trở nên khó hiểu với người đương đại (thời Thanh). Hiện tượng này rất thường thấy trong văn hóa chú thích và bình luận thư tịch của người Trung Quốc. Chúng ta sẽ nhận thấy hiện tượng này khi đặt các bản chú và bình luận cho Văn tâm điêu long bên cạnh nhau và so sánh độ dài ngắn cũng như mức độ tường tận của các chú thích.

[72].         Chúng tôi chọn thiên Nguyên đạo làm trường hợp nghiên cứu đó là vì thiên này là nơi tập trung ở mức độ dầy đặc những phát ngôn riêng của Lưu Hiệp về Văn, cũng như có mật độ xuất hiện dày đặc của các ngôn từ có yếu tố kinh điển. Chúng ta sẽ rất dễ nhận ra sự lựa chọn của Hoàng Thúc Lâm khi ông tiến hành làm chú thích cho Văn tâm điêu long.

[73].         Văn bản Văn tâm điêu long tập chú được sử dụng là văn bản Hoàng Thúc Lâm, Văn tâm điêu long tập chú, Trung Hoa thư cục xuất bản 中華書局出版, năm 1957 và văn bản được Dương Minh Chiếu in kèm trong Tằng đính Văn tâm điêu long 增訂文心雕龍, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục北京: 中華書局, 2000.

[74].         Lịch sử tư tưởng Trung Quốc nói chung và lịch sử tư tưởng văn học nói riêng chứng kiến một quá trình thay đổi nội hàm của các khái niệm cơ bản thay vì tạo ra các khái niệm mới. Ví dụ như từ Lưu Hiệp cho tới Hàn Dũ người ta say sưa nói về nguyên Đạo; nhưng nội hàm khái niệm Đạo của Lưu Hiệp khác với nội hàm khái niệm Đạo của Hàn Dũ vậy nên nguyên Đạo của Lưu Hiệp cũng khác nguyên Đạo của Hàn Dũ.

[75].         Xem Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, sđd, trang 88.

[76].         Mai Khánh Sinh tên tự là Tử Canh 子庚.

[77].         Nguyên văn chữ Hán sách của Hoàng Thúc Lâm, Văn tâm điêu long tập chú, sđd, trang 1: 梅子庚氏為之疏通證明,什僅四三耳。略而弗詳,則創始之難也。

[78].         Chúng tôi chưa tìm ra xuất xứ của văn bản này.

[79].         Việc tìm hiểu những ý nghĩa của các kí hiệu mà Hoàng Thúc Lâm để lại trên văn bản Văn tâm điêu long là một công việc rất có ý nghĩa trong việc tìm hiểu quan điểm của nhà chú giải với tác phẩm này. Hiện nay thì chúng tôi mới chỉ biết đến công trình của Ôn Quang Hoa 溫光華 nhan đề Nghiên cứu những chú thích của Hoàng Thúc Lâm và những bình luận của Kỉ Vân cho Văn tâm điêu long 文心雕龍黃注紀評研究, được in trên Quốc lập Đài Loan sư phạm đại học quốc văn nghiên cứu sở tập san 國 立臺灣師範大學國文研究所集刊, quyển 42, tháng 6 năm 1998, trang 297-426. Luận văn của Ôn Quang Hoa trong đoạn 3 chương 4 trang 350-353 có phân tích về ý nghĩa của những kí hiệu mà Hoàng Thúc Lâm để lại trên văn bản Văn tâm điêu long tập chú tương đối tường tận và thuyết phục. Ngoài ra, trong luận văn này Ôn Quang Hoa còn cố gắng chỉ ra những kế thừa của Hoàng Thúc Lâm (và cả Kỉ Vân) nữa với thành tựu của những người đi trước, nêu ra được bối cảnh học thuật cho sự ra đời cũng như những vấn đề văn bản của Văn tâm điêu long tập chú. Đặc biệt trong các chương 4, 5, 6 nhà nghiên cứu chỉ ra những cống hiến của tác phẩm Văn tâm điêu long tập chú đối với nghiên cứu Văn tâm điêu long. Chương 8 nghiên cứu ảnh hưởng của Văn tâm điêu long tập chú đối với nghiên cứu Long học thời kì sau.

[80].         Xem Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, sđd, trang 93.

[81].         Rõ ràng Ôn Quang Hoa không mấy chú tâm đến điều này ở chương 8 nghiên cứu ảnh hưởng của Văn tâm điêu long tập chú đến những giai đoạn nghiên cứu sau. Chương này luận văn của Ôn Quang Hoa viết rất sơ lược không thuyết phục bởi nghiên cứu ảnh hưởng của Văn tâm điêu long tập chú không thể dễ dàng khái quát trong mấy trang nặng về trích dẫn ý kiến những người đi trước hơn là đề ra một đường hướng giải quyết vấn đề (Ôn Quang Hoa, Nghiên cứu những chú thích của Hoàng Thúc Lâm và những bình luận của Kỉ Vân cho Văn tâm điêu long, sđd, trang 427-430).

[82].         Kỉ Hiểu Lam là một trong những học giả danh tiếng nhất của đời Thanh. Nhà nước quân chủ dưới thời Càn Long 乾隆 vào năm 37 niên hiệu Càn Long (tức năm 1772) đã bắt đầu tiến hành công việc biên soạn bộ tùng thư lớn bậc nhất Tứ khố toàn thư 四庫全書. Họ đã bổ nhiệm Kỉ Hiểu Lam lãnh trách nhiệm trong nom quá trình biên soạn bộ tùng thư này trong suốt mười năm trời. Sau đó Kỉ Hiểu Lam còn tiến hành một bộ tùng thư khác là Tứ khố đề yếu 四 庫提要 có giá trị lí luận về phương pháp rất cao đã trở thành điển phạm. Những điều này cho thấy vai trò của Kỉ Vân (Kỉ Hiểu Lam) quan trọng như thế nào trong nền học thuật đời Thanh.

[83].         Ví dụ như Kỉ Vân không đồng ý với Hoàng Thúc Lâm khi ông này chú thích cho hai chữ Hà Đồ 河圖 đã dẫn những câu mà Kỉ Vân và những học giả đời Thanh cho là không đáng tin cậy trong Chu Dịch chính nghĩa làm căn cứ. Hay như khi chú thích cho chữ Tam Phần 三 墳, Hoàng Thúc Lâm cho biết những nghiên cứu ở đời Nguyên 元 đã chứng minh sách này là ngụy tạo. Kỉ Vân phản bác và cho rằng thành tựu phát hiện ngụy thư này là ở đời (Triệu) Tống (trước đời Nguyên) thế nên phải trích dẫn đời Tống chứ không trích dẫn đời Nguyên (vì nguyên tắc của khảo chứng học bắt buộc mọi trích dẫn phải lấy từ những văn bản cổ nhất)…(xem Hoàng Thúc Lâm, Văn tâm điêu long tập chú, tư liệu đã dẫn, trang 27-28).

[84].         Ví dụ như chú thích cho các từ Ngọc bản 玉版, Đan văn 丹文, Lục tự 綠字, Hoàng Thúc Lâm đã trích dẫn Tống thư 宋 書có nói đến hiện tượng tương tự. Kỉ Vân cho rằng chú thích như vậy là vô căn cứ. Kỉ Vân cho rằng đây là những chất liệu hay gặp trong các Vĩ thư 緯書…(xem Hoàng Thúc Lâm, Văn tâm điêu long tập chú, tư liệu đã dẫn, trang 27-28).

[85].         Hoàng Thúc Lâm, Văn tâm điêu long tập chú, tư liệu đã dẫn, trang 1.

[86].         Xin xem Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, sđd, trang 100-102.

[87].         Một cách dịch thoát khái niệm “mạt” 末 vì không tìm được từ tương xứng. Những biến thái này là những biến thái không có lợi theo quan điểm văn học Nho gia truyền thống mà Kỉ Vân ở đây là một đại biểu cho truyền thống đó.

[88].         Thật khó khăn để chuyển tải hết những ngôn từ đầy hình ảnh và liên tưởng của bậc thầy trung cổ. Xin chép lại nguyên văn chữ Hán: 文以載道, 明其當然. 文原於道, 明其本然. 識其本乃不逐其末, 首揭文體之尊所以截斷眾流. Xem Hoàng Thúc Lâm, Văn tâm điêu long tập chú, tư liệu đã dẫn, trang 23-24.

[89].         Chúng ta chỉ tra vấn được các khái niệm này khi chúng ta thoát ra khỏi nó và nhìn nó dưới ánh sáng của một hệ thống khái niệm mới.

[90].         Xem Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, sđd, trang 99.

[91].         Có thể nhận thấy rằng khi viết luận văn này, chúng tôi đã thoát ra khỏi hệ thống phân chia mà các nhà Long học Trung Quốc đã gắn cho đối tượng của họ. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: lịch sử văn học phải được phân kì bằng các sự kiện văn học đã gây ra những biến động của nó. Cũng như vậy lịch sử nghiên cứu văn học cũng phải được phân kì trên cơ sở những biến động của phương pháp nghiên cứu hoặc những sự kiện, tác phẩm thuộc lãnh vực nghiên cứu, lí luận văn học có khả năng gây nên những biến đổi vạch thời đại trong giới nghiên cứu văn học. Trường hợp Trương Thiếu Khang và cuốn Văn tâm điêu long nghiên cứu sử đã lấy mốc 1840, là năm xảy ra chiến tranh Nha phiến, để chấm dứt giai đoạn mà chúng tôi gọi là giai đoạn cổ điển trong nghiên cứu Văn tâm điêu long đã không có được sự ủng hộ của chúng tôi.

[92].         Chúng tôi muốn nói đến cuốn sách của Dương Minh Chiếu 楊明照, Tằng đính Văn tâm điêu long 增訂文心雕龍, Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục 北京: 中華書局, 2000.

[93].         Chúng tôi hay lấy năm thiên đầu tiên Nguyên đạo 原道, Trưng thánh 徵聖, Tông kinh 宗經, Chính vĩ 正緯, Biện tao 辨騷 của Văn tâm điêu long làm ví dụ vì những thiên này cô đọng nhất những tư tưởng và cũng là nơi cô đúc nhất những hiểu biết cổ học của tác giả Lưu Hiệp. Tùy vào việc nhà chú thích lựa chọn ra sao giữa hai xu hướng, họ giải quyết những vấn đề trong đó như thế nào, các thuật ngữ họ sử dụng là những thuật ngữ gì mà chúng tôi biết được mối quan tâm khi chú thích cũng như phương pháp, phương pháp luận của họ.

[94].         Khác với một số nhà nghiên cứu Long học hiện đại sử dụng hệ thống thuật ngữ có nguồn gốc tây phương để gán ghép tương đồng với các khái niệm của Lưu Hiệp mà không hề để ý đến nội hàm các khái niệm tây phương này có trùng khít với nội hàm các khái niệm của Lưu Hiệp hay không. Sở dĩ xếp những trường phái nghiên cứu này vào Long học hiện đại vì họ đã thoát ra khỏi hệ thống khái niệm cũ mà tra vấn lại những khái niệm cũ này bằng một hệ thống các khái niệm khác có nguồn gốc ngoại lai, điều kiện để có những nhìn nhận khoa học thực sự về Văn tâm điêu long, tuy những bước đi đầu có vẻ chịu ảnh hưởng rất rõ cái nhìn “Tây Âu trung tâm luận”.

[95].         Long học hiện đại cũng có một số nhà nghiên cứu kiệt xuất sử dụng những thuật ngữ cũ để miêu tả tư tưởng của Lưu Hiệp song họ tập trung vào mô tả tái hiện những nội hàm của các khái niệm đó được sử dụng đương thời Lưu Hiệp mà không sử dụng mặc nhận các khái niệm với nội hàm đương đại của nhà nghiên cứu như những nhà nghiên cứu Long học cổ điển. Về cơ bản đây vẫn là sự tra vấn các khái niệm cũ bằng một hệ thống cách nhìn mới và khái niệm mới.

[96].         Trung Quốc có truyền thống chú giải cho các kinh điển Nho, Phật, Đạo giáo rất lâu đời. Do kết hợp truyền thống coi Văn như là một sự hiện thực hóa của Thánh đối với Đạo trên một dạng thức vật chất nào đó (văn tự, màu sắc, âm thanh,…) mà văn chương cũng được đọc và chú giải như người ta đọc và chú giải cho những kinh điển, tức là thông qua chú giải văn chương, nhà chú giải cố gắng giúp người đọc thấy ý kiến của Thánh hiền được nhắc gửi lại trong đó. Truyền thống này đúng cho cả Nho, Phật, Đạo. Văn tâm điêu long cũng không phải là một ngoại lệ.

[97].         Chúng tôi xác định dòng chính thống qua số lượng áp đảo của các tác phẩm viết theo xu hướng này. Và chắc chắn kết quả này có ảnh hưởng của sự lên ngôi của Nho giáo trong một thời kì rất dài ở Trung Quốc bắt đầu từ sau đời Đường. Văn tâm điêu long đã sống trên một nghìn năm tuổi đời của nó trong xã hội Nho giáo.

[98].         Ngoài những dạng thức này ra còn có sự xu hướng sử dụng những phương pháp khoa học được sinh ra từ truyền thống Nho gia hoặc được xã hội Nho giáo hóa thừa nhận như phương pháp kinh học, khảo chứng học, huấn hỗ học, âm vận học,…

[99].         Thực ra sự biến đổi của khoa học và văn hóa trước ngày 4-5-1919 đã âm thầm diễn ra trong xã hội Trung Quốc, song giống như những cơn mưa đầu tiên chỉ là những báo hiệu cho một mùa mưa đang đến không vì nó đến sớm mà nó không phải là những cơn mưa của mùa mưa.

[100].     Trước sự kiện này một số chuyên luận đầu tiên (đã là những chuyên luận thì ắt phải có những thay đổi nhất định về phương pháp) về Văn tâm điêu long đã xuất hiện. Đến nay ta biết đến chuyên luận của Mộng Nam 夢南, Thuyết Khí 說氣, đăng trên Dự báo 豫報, ngày 10 tháng 1 năm 1907, hay cuốn sách Trung Quốc văn học sử 中國文學史 của Lâm Truyền Giáp 林傳甲 có một số đoạn nhỏ chuyên bàn luận về các thể văn trong Văn tâm điêu long. Song những nghiên cứu này theo như Trương Thiếu Khang (Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, sách đã dẫn, trang 134-135) chưa đúc kết được (phải là đúc kết được chứ không phải chỉ dừng lại ở nêu ra như để đủ số) được gì mới so với những thời kì trước (mặc dù chúng đã có ý tưởng xem xét những khía cạnh lí luận hay đặt Văn tâm điêu long vào trong mối quan hệ với lịch sử văn học), vậy nên chúng tôi vẫn coi chúng, giống như đã từng coi những bổ chú của Lí Tường, thuộc thời kì cổ điển trong nghiên cứu Văn tâm điêu long.

[101].     Trương Thiếu Khang viết về Lưu Sư Bồi và trích dẫn trứ tác của ông trong Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, sđd, trang 135-139.

[102].     Nguyên văn: 評論文學之專書. Trích theo Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, sđd, trang 137. Lưu Sư Bồi đã thay khái niệm văn 文 bằng khái niệm văn học 文学. Tai hại bắt đầu từ đây.

[103].     Khái niệm văn học được chúng tôi sử dụng mặc nhận không chú thích gì sẽ tương ứng với khái niệm literature trong Tiếng Anh. Khái niệm văn của Trung Quốc cổ điển được hiểu và sử dụng rất khác so với cách hiểu và sử dụng khái niệm văn học này. Cần có những công trình nghiên cứu lớn khai thác làm rõ sự khác biệt này.

[104].     Hay còn gọi là Hoàng Khản 黃侃. Ông còn là một người học trò của người thầy nổi tiếng Chương Thái Viêm 章太炎.

[105].     Về vấn đề này xin xem Lý Bình 李平, Nhìn lại và suy nghĩ về nghiên cứu Văn tâm điêu long 文心雕龙研究的回顾与反思, in lần đầu tháng 2 năm 1999 trong An Huy sư phạm đại học học báo 安徽师范大学学报 Nhân văn xã hội khoa học bản 人文社会科学版quyển 27 kì 1, tr.69 – 76 và sau được in lại trong tạp chí Phê bình và lí luận văn nghệ 文艺理论与批评, Bắc Kinh 北京 tháng 5 năm 1999, tr.121-131 với cái tên Nhìn lại và suy nghĩ về nghiên cứu Văn tâm điêu long của Trung Quốc trong thế kỉ Hai mươi 20世纪中国文心雕龙研究的回顾与反思. Ngoài ra có thể tham khảo Hoàng Khản黃侃, Văn tâm điêu long trát kí 文心雕龍札記, Trung Hoa thư cục 中華書局, 1962, trang 1. Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử, sđd, trang 137 cũng có những nhận định tương tự.

[106].     Cuốn sách này có một lịch trình tương đối phức tạp. Trong khoảng từ năm 1919 đến năm 1926 nó được công bố một phần trên hai tờ báo Tân Trung Quốc 新中國, Đại công báo 大公報và Hoa quốc nguyệt san 華國月刊. Năm 1927, Bắc Kinh văn hóa học xã 北京文化學社thu thập và ấn hành từ thiên Thần tư 神思đổ xuống 20 thiên, ngoài ra còn in kèm theo một phần Vật sắc thiên trát kí 物 色篇札記. Năm 1934 có tái bản lại văn bản này. Năm 1935 sau khi Hoàng Khản mất, Nam Kinh trung ương đại học 南京中央大學lại cho đăng từ thiên Nguyên đạo原道đổ xuống 11 thiên những trát kí của Hoàng Khản trên Văn nghệ tùng san 文 藝叢刊. Năm 1947 khoa Trung Văn của Tứ Xuyên đại học 四川大學 lần đầu tiên đem hợp hai bộ phận trên để xuất bản làm một. Những lần xuất bản này hoặc là không hoàn chỉnh hoặc là không được phát hành rộng rãi nên những văn bản này ngày nay không dễ gì tìm được. Đến tháng 9 năm 1962, Trung Hoa Thư Cục đã tiến hành biên soạn lại và xuất bản nó ở dạng thức phổ biến nhất như hiện nay vẫn biết. Văn bản Văn tâm điêu long trát kí được chúng tôi sử dụng là văn bản của lần xuất bản hoàn chỉnh nhất này.

[107].     Hẳn phải có con mắt lịch sử và thái độ khách quan khoa học khi nhìn nhận những khái niệm, mới có thể đề xuất ra sự phân biệt này.

[108].     Cách thức này không còn là xa lạ với giới nghiên cứu triết học phương đông cũng như phương tây, song đối với nghiên cứu Văn luận vẫn còn là một cách tiếp cận tương đối mới. Nói là tương đối mới vì nếu như những nhà nghiên cứu Văn luận có cố công đi từ văn bản của Lưu Hiệp (như thỉnh thoảng Hoàng Khản có làm) để hình dung về tư tưởng của Lưu Hiệp thì sớm muộn gì cũng sẽ có những quy kết tương đồng giữa tư tưởng của nhà Văn luận với những hệ thống tư tưởng triết học lớn như Nho, Phật, Đạo, Huyền,…và cuối cùng không chỉ ra được những sáng tạo riêng của Lưu Hiệp hoặc nếu có chỉ ra thì cũng là kiểu Lưu Hiệp đã kết hợp khéo léo những tư tưởng đấy. Điều đấy chứng tỏ những nhà nghiên cứu đã không chịu thừa nhận ít nhất: Lưu Hiệp là một chủ thể tiếp nhận tích cực, hay nhiều nhất: là một nhà tư tưởng đã cấu trúc nên một tư tưởng độc lập với những nhà tư tưởng khác

[109].     Nguyên văn chữ Hán: 風骨 二者皆假於物以為喻.文之有意,所以宣達思理,綱維全篇,譬之於物,則猶風也.文之有辭,所攄寫中懷,顯明條貫,譬之於物,則猶骨也.必知風即文意,骨即文辭,然後不蹈空虛之弊. (Hoàng Khản, Văn tâm điêu long trát kí, sđd, trang 99).

[110].     Xem Phan Huy Đường, Tư duy tự do, nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2006, trang 115-124.

[111].     Sau này khi tư duy biện biệt vật chất – tinh thần đã trở thành phổ biến, lí luận văn học phương tây đã ăn sâu thì cặp khái niệm ý – từ được người ta chuyển biến thành cặp khái niệm nội dung – hình thức. Khi phân loại những ý kiến lí giải khác nhau về Phong cốt, nhà nghiên cứu Phù Dục Tĩnh 符欲靜, Thuật lại và bình luận về tình hình luận bàn khái niệm Phong cốt trong Văn tâm điêu long ở thế kỉ hai mươi 20世纪文心雕龙风骨论研究述评, Hứa Xương học viện học báo 许昌学院学报, quyển 24 kì 4 第24卷第4期, năm 2005, trang 134 – 138 đã không ngần ngại mà gọi những lí giải của Hoàng Khản về Phong cốt là “thuyết giải thích Phong cốt từ góc độ nội dung và hình thức” 内容形式说 (trang 134 của tư liệu).

[112].     Trương Thiếu Khang, Văn tâm điêu long nghiên cứu, sđd, trang 4.

[113].     Làm rõ tính truyền thừa trong nghiên cứu Long học hiện đại là một nhiệm vụ quan trọng của người viết tổng thuật và lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long. Chúng tôi sẽ trình bày vấn đề này ngay khi có điều kiện.

(Bài đã đăng tại Thông báo Hán Nôm học, Nhà xuất bản Thế giới, năm 2010, tr.37-89).

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020