Hán nôm

VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ GIÁO DỤC HÁN VĂN VÀ SỰ TIẾP NHẬN NHO GIÁO Ở NHẬT BẢN


20-12-2022

VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ GIÁO DỤC HÁN VĂN VÀ

SỰ TIẾP NHẬN NHO GIÁO Ở NHẬT BẢN

Yamabe Susumu - Negi Masaru

Đại học Nishogaku sha, Nhật Bản

1. Mở đầu

Đông Á được coi là khu vực văn hóa chữ Hán. Khu vực này trước đây do cùng sử dụng chữ Hán và Hán văn làm công cụ để truyền đạt tư tưởng nên đã có sự tiếp nhận văn hóa như Nho giáo và luật lệnh (tức các thể chế chính trị) ra đời ở Trung Quốc và Hán dịch Phật giáo (tức Phật giáo với cơ sở là kinh điển Phật giáo được dịch ra tiếng Trung Quốc ở Trung Quốc). Hay nói một cách khác, Đông Á đã tồn tại Hán tự và Hán văn với tư cách là hình thức ngôn ngữ phổ biến (Universal language).

Trong Tạp chí Hán Nôm số 6 năm 2008, tôi đã đề cập đến sự kiện giao lưu tiếp xúc giữa Nhật Bản và Việt Nam trong quá khứ qua bức thư được viết bằng Hán văn với tựa đề "Thư trả lời vua nước An Nam". Nội dung của bức thư trả lời được viết theo sắc chỉ của nhà vua cho phép Đương chủ Shimazu Iehisa 島津家久 (1547-1587) đồng ý lời đề nghị giao hảo của vua An Nam gửi dòng họ Shimazu ở huyện Satsuma đảo Kyushu. Bức thư có nhan đề An Nam bố chánh châu Hữu cơ phó tướng Bắc quân Đô đốc đồng tri Hoa Quận công (安南布政州右奇副將北軍都督同知華郡公). Trong thư có nhắc đến tên của Đô nguyên soái Tổng quốc chính thượng văn Bình An Vương họ Trịnh [Trịnh Tùng (1570-1623)]. Người viết bức thư này là học giả Văn Chi Huyền Xương 文之玄昌 (1555-1620), cũng là nhà sư của phái Lâm Tế làm việc cho dòng họ Shimatsuke 島津家 và là cố vấn ngoại giao của Shimatsuke.

Từ sự kiện trên có thể thấy, tổ tiên chúng ta tuy không hiểu tiếng nói của nhau nhưng do cùng dùng chung ngôn ngữ phổ biến là chữ Hán và Hán văn nên đã có thể hiểu ý tứ của nhau. Điều này cũng giống với sự tồn tại chữ Latin ở các nước châu Âu. Chữ Latin được sử dụng với tư cách là công cụ ghi chép ở khu vực các nước châu Âu, cũng giống với việc tổ tiên chúng ta cùng dùng chữ Hán và Hán văn.

Do việc cùng sử dụng Hán tự và Hán văn nên đã nẩy sinh hiện tượng phiên dịch Hán văn ra tiếng bản địa. Thực tế, việc phiên dịch đó vô cùng quan trọng vì nó giúp tạo ra được ngôn ngữ viết riêng của từng nước. Tổ tiên người Nhật Bản tuy không có văn tự để ghi chép tiếng nói của nước mình, nhưng trong khi phiên dịch Hán tự và Hán văn với tư cách là ngôn ngữ phổ biến ra tiếng bản xứ đã tạo ra chữ viết riêng của Nhật Bản, đó là cách viết Manyogana, Katakana, Hirakana.

Bài viết này sẽ đề cập tới việc người Nhật tiếp nhận văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là Nho giáo thông qua ngôn ngữ phổ biến đó là chữ Hán và Hán văn đã lý giải điều đó như thế nào với tư cách là những thứ của mình.

2. Nho giáo tới Nhật Bản

Trong tư liệu văn hiến như Cổ sự kýNhật Bản thư kỷ ghi chép sự kiện vào thời Thiên hoàng Ứng Thần 応神(Ojin), A Trực Kì 阿直岐 (Achiki) và Vương Nhân 王仁 (Oni) (người Bách Tế(1)) đã tới Nhật triều cống, mang theo sách vở Trung Quốc như là Luận ngữNhật Bản thư kỷ tuy không ghi chép cụ thể, nhưng trong Cổ sự ký có ghi sự kiện Thiên hoàng ra lệnh "Hãy ban cho các bậc hiền giả"; hay các sự kiện Quốc vương Bách Tế cho oni đem các sách như Luận ngữ, Thiên tự văn dâng biếu; oni khi tới triều được trao nhiệm vụ làm thày dạy chữ Hán... cho thái tử, được ghi chép rải rác trong Cổ sự ký và Nhật Bản thư kỷ từ năm Thiên hoàng Ứng Thần thứ 15 đến năm thứ 16 (184-285) đã chứng tỏ các sách vở thư tịch Trung Quốc đã được các sứ giả Bách Tế gửi tặng khi tới Nhật Bản. Tuy nhiên, theo nghiên cứu hiện nay thì các sự kiện đó thực tế xẩy ra ở đầu thế kỷ thứ V.

Cũng theo Nhật Bản thư kỷ, vào thời Thiên hoàng Kế Thể 継体(Keitai) thứ 7 (513) Đoàn Dương Nhĩ 段楊爾 là Ngũ kinh bác sĩ(2) từ Bách Tế tới triều cống; năm Thiên hoàng Khâm Minh 欽明(Kinmei) thứ 13 (552), vua Thánh Minh 聖明của Bách Tế cũng mang hiến Phật tượng và Kinh Phật.

Như vậy, muộn nhất là từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VI, cùng với sự giúp đỡ của các Độ lai nhân(3) 渡来人(to rai jin) đến từ bán đảo Triều Tiên, các tầng lớp quý tộc có chữ Hán ở Nhật Bản đã biết đến Nho giáo. Tuy nhiên, Nho giáo là hình thái tư tưởng cho việc trị thế, nó dường như không được mở rộng ra ngoài phạm vi giáo dục tư tưởng chính trị của tầng lớp quý tộc trung ương. Sự tiếp nhận nó chủ yếu có tính tạm thời, gián tiếp và đứt đoạn không theo Nho gia và kinh điển, không có tổ chức và không thành hệ thống, sự lưu truyền của Nho giáo cũng chỉ hạn chế trong số rất ít tầng lớp quý tộc trung ương. Song khác với Nho giáo, Phật giáo cũng được truyền tới Nhật Bản vào cùng thời kỳ, nhưng đi kèm với nó còn có cả kinh điển, tăng lữ và chùa chiền nên trong việc tìm tòi, lý giải hệ thống tư tưởng, Phật giáo được coi là sớm hơn so với Nho giáo.

Như vậy, Nho giáo đã được các Độ lai nhân truyền tới Nhật Bản qua "kênh" Bách Tế. Không ít sách vở thư tịch Trung Quốc được đưa tới Nhật Bản cùng với sự di cư của các Độ lai nhân. Bấy giờ Bách Tế qua con đường giao thông trên biển đã có quan hệ với các nước Tống, Tề, Lương, Trần vào thời Nam triều của Trung Quốc, đặc biệt văn hóa nước Lương đã truyền tới Bách Tế, và cũng được coi là đã truyền tới cả Nhật Bản. Ví dụ sách Luận ngữ nghĩa sớ 論語義疏 của Hoàng Khản nhà Lương bị mất rất sớm ở lục địa Trung Quốc, nhưng ở Nhật Bản, hiện vẫn còn lưu giữ một số ít sách trên ở trường Ashika, thuộc thị trấn Ashika tỉnh Tochigi. Các sách Bạch hổ thông 白虎通 hay Tam lễ nghĩa tông 三禮義宗 của Thôi Linh Ân 崔靈恩 nhà Lương; Kinh điển thích văn 經典釋文 của Lục Đức Minh 陸德明 nhà Lương cũng được truyền tới Nhật Bản vào khoảng thời gian này.

Kể từ khi Nho giáo được truyền tới Nhật Bản, qua khoảng gần hai thế kỷ, từ cuối thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ VII, Thánh Đức Thái Tử 聖德太子 (Sotoku Taishi), cháu của Thiên hoàng Suy Cổ 推古天皇 (Suiko) trong thời gian nhiếp chính đã tiến hành cải cách nền quốc chính, xây dựng 17 điều hiến pháp. Người ta cho rằng, tư tưởng Trung Quốc khởi đầu là Nho giáo, Phật giáo đã có ảnh hưởng rất sâu đậm ngay trong 17 điều hiến pháp nói trên. Trong Luật lệnh Đại Bảo 大宝律令 được chế định vào năm 701, để khuyến khích đạo hiếu với song thân, luật lệnh đã quy định nhiều lễ nghi long trọng và phức tạp liên quan lên tang lễ cha mẹ. Trong năm đầu niên hiệu Tenpyo hoji 天平宝字 (757), Thiên hoàng Nhật Bản còn xuống chiếu yêu cầu các gia đình đọc và cất giữ sách Hiếu kinh. Như vậy, Nho giáo dần dần được coi trọng và phát triển rộng rãi trong xã hội. Cũng trong thời kỳ này, Đại học liêu 大學寮 (Daigakuryo) - cơ quan giáo dục đào tạo quan lại hành chính trung ương được thiết lập.

3. Việc thiết lập Đại học liêu 大学寮 và Bác sĩ gia 博士家 (Hakaseke) (thời kỳ Na ra 奈良và Heian 平安 (Heian) từ thế kỷ thứ VII -thế kỷ XII)

Đại học liêu mà tiền thân là Học thức 学識 (Gakushiki) được thiết lập vào năm Tenchi 天智thứ 9 (670), sau luật lệnh Phi điểu tịnh ngự nguyên luật lệ 飛鳥淨御原律令(Asuka kiyomihara) ban hành vào năm Jito 持統thứ 3 (689) người ta đổi tên cơ sở giáo dục Học thức thành Đại học liêu. Tuy nhiên trong suốt thời gian từ thời đại Nara (710-784) đến Heian (789-1189) chế độ của các Đại học liêu không hề thay đổi.

- Thứ nhất: Về chế độ giáo dục đầu thời kỳ Nara

Qua Luật lệ Đại Bảo có thể thấy ở Nhật Bản đã thiết lập chế độ giáo dục từ thời Nara, như đặt các trường đại học 大學 (Daigaku) ở trung ương và đặt các trường quốc học 国学(Gokugaku) ở địa phương. Các đại học liêu ở trung ương được xây dựng với trung tâm là khoa Minh kinh đạo 明經道 (meikeido) tức khoa giáo dục Nho giáo. Ngoài ra, còn cho xây dựng thêm khoa phụ là khoa Toán đạo 算道 (Sando) tương đương với khoa Toán học. Vào trung kỳ thời đại Nara khoa Minh kinh đạo tách ra làm hai khoa như khoa Kỷ truyện đạo 紀傳道[(Kidendo) tương đương với khoa Văn học, cũng còn gọi là khoa Văn chương (Mon jyodo)] - khoa này không có trong quy định của luật lệ và khoa Minh pháp đạo 明法道 (meihodo) tương đương với khoa Pháp học và thành lập bốn bộ môn học vấn(4). Đặc biệt là khoa Kỷ truyện đạo là khoa được mọi người trong Đại học liêu yêu thích hơn cả khoa Minh kinh đạo là khoa chính trong Đại học liêu.

Số học sinh khoa Minh kinh đạo có 400 người, khoa Toán đạo có 30 người, sau đó còn bổ sung thêm 20 người của khoa Kỷ truyện đạo và 10 người của Minh pháp đạo. Quy mô của trường Quốc học lớn nhỏ tùy theo từng địa phương, nhưng số học sinh phải lấy theo quy định, trường lớn là 50 người và trường nhỏ là 20 người.

Tiêu chuẩn để chọn vào Đại học liêu chỉ hạn chế trong số con em quan lại quý tộc có địa vị theo quy định, nhưng ở các trường Quốc học ở địa phương khi số con em quan lại địa phương không đủ thì có thể cho con em dân thường tham gia. Tuổi học sinh Đại học liêu là từ 13 đến 16.

Trong Đại học liêu, người ta đặt chức danh Bác sĩ (Hakase) tương đương với chức danh Giáo thụ (Kyojyu). Theo quy định của luật lệ có 4 chức danh Bác sĩ, đó là Minh kinh Bác sĩ(5) 明經博士, Toán Bác Sĩ算博士, Âm Bác sĩ(6) 音博士và Thư Bác sĩ(7) 書博士, trong số đó còn có Văn chương Bác sĩ (không có trong quy định của luật lệ) và Minh pháp Bác sĩ. Địa vị của các Bác sĩ (hakase) này được tập trung ở các Gia bính(8) 家柄(Iegana) theo quy định ở từng thời kỳ vì thế các Gia bính ra đời được gọi là Bác sĩ gia 博士家(Hakaseke). Mỗi Bác sĩ gia lại tự cố định phép huấn độc Hán tịch riêng cho mình và được truyền từ đời này sang đời khác. Bác sĩ Văn chương (bao gồm văn học và lịch sử) là các dòng họ Sugawarake菅原家, Ooeke大江家, Fujiwarake藤原家; Bác sĩ Minh Kinh là các dòng họ Nakaharake中原家, Kiyoharake清原家. Các dòng họ này quản lý chính về các sách Hán văn học, lịch sử và Kinh Thư.

Tuy nhiên, trong các tác giả văn học Kana có rất nhiều người xuất thân từ các Bác sĩ gia chuyên trông coi Hán tịch với tư cách là các giáo thụ ở Đại học liêu, như Sei sho Nagon清少納言 với tác phẩm Chẩm thảo tử(9) 枕草子(Makuranososhi)thuộc dòng họ Kiyo Harake清原家, Murasaki Shikibu tác giả của tác phẩm Nguyên thị vật ngữ 源氏物語(Genjimonogatari) thuộc dòng họ Fujiharake藤原家, tác giả của Canh cấp nhật ký 更級日記(Sarashina nikki) cũng xuất thân từ dòng họ Sugawarake菅原家. Từ thực tế này có thể cho rằng sự ra đời của văn học Kana cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ sự tồn tại của văn học Hán.

- Thứ hai: Về các sách kinh điển được học ở khoa Nho học.

Học lệnh quy định các vấn đề liên quan đến chế độ giáo dục ở Đại học liêu như đội ngũ giảng dạy có các chức danh như Bác sĩ gia 博士家(Hakaseke), Trợ giáo 助教(Jyokyo); Các sách kinh điển và các sách chú giải được sử dụng làm giáo trình giảng dạy gồm:

- Các kinh điển phải học theo quy định:

Nhất kinh: bao gồm Chu Dịch, Thượng thư, Chu lễ, Nghi lễ, Lễ ký, Thi kinh, Xuân thu Tả truyện.

Kiêm kinh: bao gồm Hiếu kinh, Luận ngữ.

- Các sách chú giải chủ yếu gồm:

Chu Dịch do Trịnh Huyền, Vương Bật chú.

Thượng thư do Khổng An Quốc, Trịnh Huyền chú.

Tam lễ, Mao thi do Trịnh Huyền chú.

Tả truyện do Phục Kiền, Đỗ Dự chú.

Hiếu kinh do Khổng An Quốc, Trịnh Huyền chú.

Luận ngữ do Trịnh Huyền, Hà Án chú.

Từ quy định về sách học như trên có thể thấy, các sách chú giải được sử dụng chủ yếu là các sách ra đời từ thời Hán - Tam quốc trước khi sách Ngũ kinh chính nghĩa 五經正義 thời nhà Đường ra đời vào năm 640. Điều đó thể hiện sự tôn trọng của các học giả đương thời đối với chú giải của Trịnh Huyền鄭玄, ngoài ra người ta cũng thấy sự ảnh hưởng không nhỏ của học vấn thời Nam triều. Thời Nam Bắc triều của Trung Quốc (cũng gọi là Bắc Ngụy), ngoài kinh điển do Trịnh Huyền chú giải, người ta còn sử dụng cả các sách chú giải mới ở thời Nam triều như là Chu Dịch do Vương Bật 王弼 chú, Xuân thu Tả thị truyện do Đỗ Dự 杜預, chú cho thấy sự đối lập giữa hai học phái Nam học và Bắc học. Tuy nhiên ở các Đại học liêu của Nhật Bản, người ta chủ trương giảng dạy theo hình thức chiết trung giữa hai phái Nam học và Bắc học của Trung Quốc.

Có thể trình bày sơ lược về sách Lễ ký trong số các kinh điển nói trên. Sách Lễ ký có lẽ được các Bác sĩ gia Ngũ kinh từ Bách Tế đem tới vào thời Thiên hoàng Khâm Minh 欽明 (Kinmei) (552-558). Trong 17 điều hiến pháp của Thánh đức Thái tử cũng có nhiều câu được coi là trích dẫn từ sách Lễ ký.

Ví dụ, câu "Nhất viết, dĩ hòa vi quý, vô ngỗ vi tông. Nhân giai hữu đảng, diệc thiếu đạt giả" 一曰,以和為貴,無忤為宗。人皆有党,亦少達者 (Một là, lấy hòa làm quý, không lấy sự ngỗ ngược làm tông tính. Con người phải có bè đảng, những người đạt được sự hòa thuận cũng rất ít). Trong câu trên, "dĩ hòa vi quý" được lấy từ thiên Nho hạnh trong sách Lễ ký; "Nhân giai hữu đảng" lấy từ mục Hi công lục niên trong sách Xuân thu Tả thị truyện.

Hiện vẫn còn bản Lễ ký Tý bản nghĩa sớ禮記子本義疏sao thời nhà Đường truyền tới Nhật Bản vào thế kỷ thứ VII thời Hoàng hậu Komyo, hiện được coi là quốc bảo (lưu giữ ở đại học Waseda).

Trong Luật lệnh chế định ở thời đại Heian, người ta quy định phải sử dụng các sách Nghi lễ và Chu lễ do Trịnh Huyền chú, ngoài ra các sách Lễ ký chịu ảnh hưởng về lễ học hưng thịnh ở thời nhà Đường lúc bấy giờ cũng đều được sử dụng làm sách giáo khoa giảng dạy ở Đại học liêu. Sách Tục Nhật Bản kỷ (Shokunihongi) có ghi sự kiện Cát Bị Chân Bị 吉備真備 (Kibino Makibi) là lưu học sinh Nhật được cử sang Đường học, khi trở về đã giảng Lễ ký cho Thiên hoàng Hiếu Khiêm 孝謙 (Koken) và Thân vương A Bộ Nội 阿部內親王 (Abenai shinno). Trong sách Nhật Bản quốc kiến tại thư mục lục日本國見在書目錄 là thư mục sách Hán cuối thế kỷ thứ 9 ngoài các sách chú giải của Trịnh Huyền còn thấy ghi chép cả cách sách do Vương Túc 王肅 thời Ngụy, Hoàng Khản 黃侃 thời nhà Lương chú.

Ở khoa Kỉ truyện đạo, ngoài các sách sử như là Sử ký, Hán thư, Hậu Hán thư còn dùng Văn tuyển và Nhĩ nhã làm giáo trình giảng dạy.

- Thứ ba: Phương pháp học tập.

Đầu tiên các Bác sĩ (Hakase) dạy cho học sinh đọc các sách giáo khoa bằng tiếng Hán, sau đó các Bác sĩ và Trợ giáo giảng nghĩa phần nội dung. Cả hai phần đều có thi kiểm tra. Cứ 10 ngày lại thi vấn đáp một lần gọi là "Tuần thí" 旬試. Sau 10 ngày có 1 ngày nghỉ, trước ngày nghỉ giáo viên cho ôn lại nội dung học tập trong 10 ngày đó. Trong ba câu hỏi, nếu hai câu trả lời đúng thì đỗ, nếu trượt sẽ bị đánh roi. Hàng năm vào tháng 7 sẽ tổ chức thi hết năm gọi là "Niên chung thí" 年終試 hoặc "Tuế thí" 歲試. Có 8 câu hỏi đặt ra được lấy ra từ sách giáo khoa trong phạm vi giảng nghĩa của 1 năm. Nếu trả lời đúng 4 câu hỏi trở lên sẽ đỗ, 3 năm liền bị trượt sẽ phải thôi học. Đối với những người có nguyện vọng muốn làm quan chuyên về học nghiệp nhất định nào đó thì phải thi vấn đáp gọi là Tống thí 送試 (So shi). Trong 9 năm học, những người không đáp ứng được môn kiểm tra làm quan (Quan lại đăng dụng thí nghiệm官吏登用試驗) sẽ buộc phải thôi học. Những người tốt nghiệp Đại học liêu nếu dự thi ra làm quan sẽ phải dự kỳ thi ngoài Đại học liêu, được gọi là Cống cử 貢舉 (Kokyo). Cống cử là chế độ gửi các Cống nhân đã được giới thiệu từ học sinh Quốc học do các địa phương tiến cử lên và các cử nhân được tiến cử từ học sinh các trường đại học. Cả hai đều phải thi ở Thí bộ tỉnh (Shikibu). Các môn thi gồm khoa Tú tài 秀才科 (Shu saika), khoa Minh kinh 明經科; khoa Tiến sĩ進士科và khoa Minh pháp明法科. Các bài kiểm tra nhìn chung rất khó. Thí sinh phải vượt qua cửa ải khó nhất là kì thi khoa Tú tài. Ai đỗ kì thi khoa Tú tài đã được coi là niềm vinh dự của cả gia đình. Thí sinh viết bài luận bằng chữ Hán, được đánh giá từ hai mặt nội dung và năng lực viết văn để quyết định có đỗ hay không.

Ngoài Đại học liêu, còn có một số cơ sở giáo dục do tầng lớp quý tộc đặt ra như:

Viện Khuyến học 勸學院 do dòng họ Fuji hara 藤原氏thành lập năm Hoằng Nhân thứ 12 (821).

Viện Học quán 學館院 do dòng họ Tachibana 橘氏thành lập năm Thừa Hoa thứ 14 (847).

Viện Thưởng học 獎學院 do dòng họ Oo 王 [người Trung Quốc] thành lập năm Nguyên Khánh thứ 5 (881).

Đó là các trường học được thiết lập dành cho con em của một số dòng họ có thế lực, sau này các trường này được sát nhập vào Đại học liêu và trở thành Biệt tào別曹 phụ thuộc. Các Biệt tào này vừa cung cấp quần áo, thực phẩm, nhà ở cho học sinh là con em của các dòng họ học ở Đại học liêu, vừa đồng thời là trường giáo dục sơ kỳ cho trẻ em trước khi vào nhập học ở Đại học liêu.

Trở lên là một số nét cơ bản về tổ chức và nội dung giáo dục ở Đại học liêu. Từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ X, học vấn và giáo dục ở Đại học liêu thực sự trở lên hưng thịnh. Tuy nhiên, từ nửa sau thế kỷ thứ X, việc giáo dục ở Đại học liêu dần dần suy yếu, đã có hiện tượng cản trở con đường tiến lên của các học sinh tài năng do tình trạng độc chiếm giáo dục của các Bác sĩ gia. Vì thế việc giáo dục ở các trường tư thục ngoài Đại học liêu đã có cơ hội phát triển. Đến niên hiệu Trị Thừa 治承 thứ nhất (1177) do trường sở bị hỏa hoạn, Đại học liêu đã rơi vào con đường suy thoái hoàn toàn.

4. Thiền tông tự viện và Chu Tử học (thời Kammakura 鐮倉và Muromachi 室町từ cuối thế kỷ thứ XII đến nửa sau thế kỷ thứ XVI).

Vào thời Kamakura (1192-1333), thời Nanbokucho 南北朝 (1334-1392) và thời Muromachi (1338-1573) do có các cuộc tranh giành quyền lực thống trị dai dẳng giữa các Công gia 公家 (Kuge) [tức các công khanh, triều thần] và Vũ gia 武家(Buke) [tức các tướng quân hoặc làm việc cho tướng quân. Gọi chung là võ sĩ] mà dòng chủ lưu về học vấn - văn học (đặc biệt là thơ văn chữ Hán) được chuyển từ các Công gia sang Tự gia 寺家 (Jike) [tức các sư tăng sống ở chùa chiền, tự viện]. Phần lớn các tăng lữ ở thời kỳ này đều được đi du học tại Trung Quốc, người ở Trung Quốc lâu nhất đến hơn 20 năm, ít nhất cũng phải 2 đến 3 năm. Lẽ đương nhiên, ngoài việc học giáo lý nhà Phật, họ còn học văn học học thuật tiên phong của Trung quốc như Chu Tử học. Họ có trình độ học vấn cao, làm được cả thơ văn chữ Hán nên họ không chỉ là các nhà tôn giáo mà còn là nhà tri thức. Cho dù ở Nhật Bản nội chiến liên miên suốt từ cuối thời Kamakura đến thời đại Muromatchi nhưng họ vẫn nhận được sự tôn kính và tin tưởng của cả hai nhà Công gia và Vũ gia, cả hai nhà này đều coi họ như siêu nhiên trong việc duy trì học vấn và văn hóa.

Vào thời Kamakura, để chỉnh đốn lại pháp luật và tổ chức chính trị, Mạc phủ 幕府 (Bakufu) đã mời một nhóm các nhà sư được tiếp thu học vấn mới của Trung Quốc tới. Đó là các quan liêu và Bác sĩ gia của thời đại Heian. Họ là những nhà chuyên môn Cổ chú học(10) 古注學 được kế thừa từ thời đại Heian, tuy không bằng các thời đại trước đó, nhưng họ vẫn duy trì cao độ nền học vấn như trước, từ sau đời Kamakura họ đã có công hiến rất lớn về phương diện học thuật cho Mạc phủ.

Có thể đưa ra thí dụ về việc học Lễ ký ở thời Heian. Ở thời Heian sách Lễ ký được học là do dòng họ Kiyoharake 清原家 ở Kyoto chú giải, chủ yếu theo cổ chú, cũng được truyền đến thời Kamakura - Muromachi. Chúng ta có thể biết nội dung một bộ phận sách Lễ ký đó hiện vẫn có trong sách Lễ ký sao 禮記抄 (lưu giữ ở Đại học Kyoto) và Nguyệt lệnh sao月令抄 (lưu giữ ở Đại học Kyoto) của dòng họ Kiyoharano Bukata 清原宣賢. Những sách đó gọi là Sao vật(11) 抄物 (Shomono). Tuy nhiên, Lễ ký ngoài tư cách là một sách chú thích nghi lễ, còn thuật lại rất nhiều lễ tế và nghi lễ thờ cúng trong cuộc sống đời thường của con người, như việc trích dẫn thiên Nguyệt lệnh chẳng hạn, so với Nghi lễ và Chu lễ trong tam lễ, Lễ ký được dẫn dụng nhiều hơn tất cả. Có thế thấy điều đó qua ghi chép trong các sách Tử minh sao (紫明抄Shimei sho) (1294). Hà hải sao 河海抄 (Kakaisho) (1367) là các sách chú thích theo cổ chú tác phẩm Nguyên thị vật ng源氏物語 (Genjimonogatari).

Ở thời Kamakura, không có sự giao lưu về mặt nhà nước giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng vào thời kỳ này có rất nhiều nhà sư đã sang Trung Quốc lưu học, như các nhà sư Minh Am Vinh Tây 明庵榮西 (Myoan Ei sai, 1141-1215) của phái Lâm tế thiền 林濟禪 (Rin zai zen); các nhà sư Vĩnh Bình Đạo Nguyên 永平道元 (Ehei Dougen, 1200-1253) của phái Tào Động thiền 曹洞禪 (Soutou zen). Họ là những người có ảnh hưởng rất lớn đến đời sau. Vào thời kỳ đầu khi Thiền tông được truyền tới Nhật Bản, các hoạt động của giáo phái này gặp rất nhiều khó khăn do sự cản trở quyết liệt từ phái Thiên Thai tông天台宗 (Ten dai shu) là dòng chủ lưu Phật giáo của Nhật Bản. Tuy nhiên, Thiền tông vẫn được các tầng lớp võ sĩ chủ yếu ở Kamakura duy trì. Dưới sự bảo hộ của Mạc phủ, Thiền tông còn được mở rộng ra cả Kyoto. Cùng lúc đó, các cao tăng từ Trung Quốc cũng lần lượt tới Nhật Bản càng khiến cho phái Thiền tông được phát triển và mở rộng. Các nhà sư như Lan Khê Đạo Long 蘭溪道隆(1213-1278) trụ trì ở chùa Kiến Trường trên núi Khai Sơn 建長寺開山; Nhất Sơn Nhất Ninh 一山一寧 (1247-1317) trụ trì ở chùa Yên Giác núi Khai Sơn 圓覺寺開山... đều là các nhà sư quy hóa Nhật Bản.

Chùa chiền của phái Thiền Tông (Lâm Tế tông) chủ yếu được đặt ở các nơi dưới sự quản hạt của Mạc phủ. Ở Kamakura và Kyoto có 5 ngôi chùa nổi tiếng nhất (ở Kyoto có hơn 1 một chùa so với Kamakura). Đó là các chùa:

 

 

Kyoto京都

Kamakura鐮倉

Ngũ sơn chi thượng

五山之上

Nam Thiền tự 南禪寺

 

Ngũ sơn đệ nhất vị

五山第一位

Thiên Long tự 天龍寺

Kiến Trường tự 建長寺

Ngũ sơn đệ nhị vị

五山第二位

Tướng quốc tự 相國寺

Viên Giác tự 圓覺寺

Ngũ sơn đệ tam vị

五山第三位

Kiến Nhân tự 建仁寺

Thọ Phúc tự 壽福寺

Ngũ sơn đệ tứ vị

五山第四位

Đông Phúc tự 東福寺

Tịnh Trí tự 淨智寺

Ngũ sơn đệ ngũ vị

五山第五位

Vạn Thọ tự 萬壽寺

Tịnh Diệu tự 淨妙寺

 

Chế độ của Ngũ sơn 五山 (Gozan) được Mạc phủ Kamakura học theo bắt đầu từ thời Nam Tống Trung Quốc cho đến thời đại Kamakura. Vào thời Kamakura, Kamakura Ngũ sơn đã trở thành cứ điểm hoạt động của Ngũ Sơn. Sau thời đại Nam Bắc triều, chế độ Ngũ sơn tiếp tục được hoàn bị, không chỉ có Vũ gia, phái Thiền tông còn được sự quy y của Công gia nên ngày một hưng thịnh, cứ điểm hoạt động vì thế được chuyển về Ngũ Sơn ở Kyoto.

Cùng với Thiền tông, các ván in điển tịch mới thời Tống, Nguyên cũng được chuyển tới Nhật Bản. Do nhu cầu sách vở điển tích ngày càng cao, người ta đã cho in nguyên lại các ván in từ thời nhà Tống, Nguyên và tiến hành khắc ván gỗ để xuất bản. Các thợ lành nghề của Trung Quốc cũng được mời tới Nhật Bản để truyền kỹ thuật xuất bản và kỹ thuật in ấn, nhờ đó việc in ấn của Nhật Bản ngày một phát triển. Các ấn phẩm đều do chùa chiền Thiền tông của Ngũ Sơn tiến hành in và người ta gọi các ván gỗ in đó là "Ngũ Sơn bản" 五山版 (ván in Ngũ Sơn). Đầu tiên người ta cho in các tập Ngữ lục và thơ văn của các nhà sư, nhưng sau thời đại Nam Bắc triều bắt đầu cho in kinh điển Nho giáo. Các thiền sư lưu học Trung Quốc ở thời kỳ bấy giờ được coi là những người cổ súy Tân Nho giáo và Chu Tử học ở Nhật Bản.

Vào thời Muromatchi, các thiền tăng của Ngũ Sơn có học thuật sâu sắc không chỉ giúp triều đình soạn văn thư ngoại giao với Trung Quốc và Triều Tiên, mà họ còn dùng thuyền vượt biển giao thiệp với các nước bên ngoài với tư cách là sứ giả ngoại giao. Hoặc cũng có người theo làm các việc cho các vũ gia, như chế tác các bức họa bình phong của nhà Tướng quân; cũng có người theo mệnh lệnh của các Tướng quân đi giảng hòa các xung đột giữa các võ tướng có thế lực. Như vậy vào thời Muromachi người ta đã chú trọng các chính sách tôn giáo và văn hóa, các thiền sư được trọng dụng làm cố vấn về ngoại giao và chính sách cho Mạc phủ.

Thiền tông Ngũ Sơn không chỉ hoạt động với tư cách là cố vấn chính sách và tông giáo, để có thể tham gia thực hành các nghi thức, truyền giáo và làm các chú sớ... họ cũng phải ra sức học chữ Hán và văn học Hán. Ngoài việc phải tinh thông các sách tư tưởng, lịch sử và thơ văn của Trung Quốc, họ còn phải đảm nhiệm xây dựng nền Hán văn học bằng cách tự mình làm thơ văn bằng chữ Hán. Đa phần các nhà sư được giới thiệu ở Hán văn học thời Trung thế(12) đều sống ở Ngũ Sơn. Những sáng tác thơ văn bằng chữ Hán của họ được gọi là Ngũ Sơn văn học. Người ta gọi các chùa chiền thuộc Ngũ Sơn ở các tự viện Thiền tông là "Tùng lâm" 叢林 (Sou rin) và gọi các chùa chiền không thuộc Ngũ Sơn là "Lâm hạ" 林下 (ringe), nói tổng quát lại là có văn học Thiền Lâm (Thiền tông tự viện).

Như trên đã trình bày, các nhà sư Nhật Bản lưu học ở Trung Quốc đã có công trong việc cổ xúy và mang về Nhật Bản bộ tập đại thành Chu Tử học (Tân chú học) do Chu Hy (1130-1200) nhà tư tưởng gia của thời đại Nam Tống biên soạn, vì thế Tân chú học đã phát triển ngay cả trong các Công gia mà đầu tiên là Thiên hoàng Hoa Viên 花園 (Hananozo) (1310-1312) và Thiên hoàng Hậu Đề Hồ 後醍醐天皇(Godaigo) (1319-1330). Các Bác sĩ gia nắm giữ Cổ chú học cũng không thể coi thường Tân chú học. Họ vừa nắm trục chính là Cổ chú học vừa xây dựng học vấn chiết trung bằng cách kiêm dùng cả Tân chú học. Chu Tử học ở thời trung thế tuy không thể trở thành trào lưu to lớn như ở thời cận thế, nhưng nó có ảnh hưởng rất lớn đến nền chính trị mới của Thiên hoàng Hậu Đề Hồ được đề xướng vào năm Kiến Vũ (1334) và thực tế nó xâm nhập toàn bộ Nhật Bản.

Các nhà sư của Ngũ Sơn một mặt được các Võ gia trọng dụng, nhưng mặt khác cũng không ít nhà sư mang tâm trạng bất mãn với Ngũ Sơn nên đã dời bỏ Ngũ Sơn, như nhà sư Nhất Hưu Tông Thuần 一休宗純 (Ikkyu sozen, 1394-1481). Sau loạn Ứng Nhân (Oonin) (1467-1477), uy quyền của Mạc phủ Muromachi không còn thì Ngũ Sơn dưới sự bảo hộ của Mạc phủ cũng dần suy yếu, khuynh hướng xa rời Ngũ Sơn càng trở nên mạnh mẽ. Các Thiền sư rời khỏi Ngũ Sơn đã đi đến các Lâm hạ (Rinka) (chùa chiền ở các địa phương) dưới sự bảo hộ của triều đình và các Daimyo địa phương. Cũng có người về các địa phương giảng dạy Nho học để tránh nội loạn. Quế Am Huyền Thụ 桂庵玄樹 (Keian Genju, 1427-1508) đã mời Cúc Trì 匊池 (Kikuchi) là hào tộc ở tỉnh Higo(13) 肥後 (Higo) và Shimaduchi 島津 ở Satsuma(14) 薩摩 về giảng dạy Chu Tử học. Với mục đích đó, Tát Nam học phái 薩南學派 (Sat sunan gakuha) tiếp tục phát triển hưng thịnh cho tới thời Edo江戶 (1603-1867).

Tuy nhiên, cái mà người ta cần, trên thực tế lại là tìm hiểu văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là Dịch học chứ không phải chỉ có việc tìm hiểu học tập tư tưởng Nho học. Trước nửa thế kỷ thứ XV với uy quyền Tổng lãnh vùng Quan Đông (Kanto) của ngài Thượng Sam Hiến Thực 上杉憲寔 (Uesugi no Rizane) (1410?-1466?), Dịch học trở nên hưng thịnh. Các nhà sư tiếp nhận Chu Tử học ở trường Lợi Túc (Ashikaga) là nơi học Hán Tịch. Trong Ngũ kinhDịch học với cơ sở là Chiêm bốc được coi trọng. Trong số các học sinh ra trường, cũng có người về làm nghề Dịch bốc cho các võ sĩ ở các địa phương. Sự kiện vị Tường chủ 庠主 (tức Hiệu trưởng) Tam Yếu Nguyên Kết 三要元結 (Sanyo genkitsu) gieo quẻ đoán lành dữ khi tham gia quân đội trong chiến trận Sekigahara (1600) đã cho thấy Dịch bốc đã có cơ sở truyền thống(15). Nho học được coi là một lĩnh vực có được từ việc học tập sách vở Hán, và theo với nó là các lĩnh vực về văn học, y học, binh học và toán học.

Như vậy, học vấn và văn hóa Ngũ Sơn đã dần dần phân tán về các địa phương và cho đến thời cận thế, Ngũ Sơn đã bị các Lâm Hạ (Rinka) áp đảo.

Đằng Nguyên Tinh Oa 藤原惺窩 (Fujiwara Seika) (1561-1619) trở thành lãnh tụ Nho học vào sơ kỳ thời Edo, trong số các học trò của ông như Lâm La Sơn 林羅山 (Ha yashi Razan) (1583-1657) đã gánh vác vai trò chỉ đạo chính quyền Mạc phủ Edo cũng là người xuất thân từ Ngũ Sơn. Học vấn của Ngũ Sơn còn được các Nho học đời sau tiếp nhận, vì thế người ta coi Đằng Nguyên Tinh Oa 藤原惺窩là ông tổ của Nho học cận thế và học vấn được kế thừa từ truyền thống học của Ngũ Sơn là Kinh học 京學 (Kyogaku).

5. Xương Bình Pha học vấn sở 昌平坡學問所 (Shoheizaka Gakumon jo) và Phiên hiệu 藩校 (thời đại Edo từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX)

Sang thời Edo (1603-1867) Chu Tử học chiếm vị trí độc tôn từ các tự viện của Thiền tông. Những người theo Chu tử học được gọi là Nho giả 儒者 (Jyu sha). Tên gọi "Nho giả" đã có từ thời cổ đại, nhưng không có nghĩa chỉ về chức danh và địa vị, vì thế đến thời Edo, nó đã được dùng với nghĩa có "chức trọng" hoặc có "địa vị xã hội". Vào sơ kỳ thời Edo, những vị "Nho giả" phần lớn xuất thân từ tầng lớp "lãng nhân"(16), trong số đó cũng có thêm cả tầng lớp thương nhân và y gia. Tức là những người xuất thân từ tầng lớp võ sĩ trở xuống có vị trí chỉ đạo, dẫn dắt tầng lớp võ sĩ về tri thức và tinh thần.

Về học vấn của các Nho giả. Lâm La Sơn 林羅山 (Hayashi Razan) làm quan cho nhà tướng quân Đức Xuyên 德川 (Tokugawa) với chức là "Ngự Nho giả" 御儒者. Con cháu của ông được tập ấm giữ các chức vụ Tổng lãnh về chính sách văn giáo của Mạc phủ Edo với tư cách là các Đại học đầu 大學頭 (Daigaku nokami). Tuy nhiên, vào thời Mạc phủ Edo sơ kỳ ngoài Chu Tử học - với ý nghĩa như một ngành cung cấp nhiệt lượng cho thể chế của triều đình từ thời Mạc phủ Edo sơ kì, triều đình còn sử dụng rất nhiều các tư tưởng tôn giáo khác như Phật giáo và Đạo giáo để duy trì thể chế của Mạc phủ. Thực tế, theo các nghiên cứu gần đây, Chu Tử học thẩm thấu vào các tầng lớp võ sĩ phải tính ở nửa sau thời đại Edo.

Học vấn của Lâm La Sơn 林羅山 (Hayashi Razan) có một điểm mạnh là đã dẫn dắt và giới thiệu Chu Tử học. Ông được coi là người có tư tưởng đối kháng với Nho học truyền thống. Ông biên soạn các sách "khải mông" (nhập môn) Chu Tử học như là Xuân Giám sao 春鑑抄 (Junkan sho) và Tam đức sao 三德抄 (Santoku sho) bằng chữ Kana và tiến hành các lễ tế thờ Khổng Tử, có ý định phổ cập Chu Tử học và di thực Chu Tử học và các nghi lễ. Để làm được việc này, ông xây dựng các miếu Khổng Tử ở trong vườn tư nhân ở Shinobugaoka 認ヶ岡, Ueno 上野 (Tokyo) dưới dự tài trợ của Mạc phủ và dòng họ Đức Xuyên (Tokugawa), phụ bên cạnh là Miếu tiên hiền. Ông còn cho xây dựng các Học Liêu 學寮 (Học vấn sở), nhưng các Học liêu này trừ Kyoto, bấy giờ được lập ra là do tình trạng các nơi thiếu trường lớp học tập và những người tham gia Học liêu với mục đích học tập nâng cao học vấn ngày một đông đảo.

Ngoài Chu Tử học, ông còn quan tâm đến nhiều lĩnh vực như thần đạo, linh dị, quái dị, yêu thích các tác phẩm văn học như Đồ nhiên thảo(17) (Tsuredure gusa) 徒然草 và để lại rất nhiều sáng tác ở lĩnh vực này.

Người phê phán sự coi thường việc tu thân của Lâm La Sơn (Hayashi Razan) là Sơn Kỳ Âm Trai 山崎闇齋 (Yamazaki Ansai) (1618-1682). Ông hoạt động ở Kyoto. Ông ra sức cho sự truyền bá Chu Tử học với tư cách là học trò, nhưng lại đứng trên lập trường "Thần Nho nhất trí" 神儒一致 để đề xướng tư tưởng "Thùy gia thần đạo" 垂加神道 (cùng tôn thêm Thần Đạo của Nhật Bản), bài kích Phật giáo. Người ta gọi Học thống theo Sơn Kì Âm Trai (Yamazaki Ansai) là Kì môn học 崎門學 (Kimongaku). Trong học vấn của ông có điểm trọng yếu là "cư kính" 居敬 so với "cùng lý"窮理, nổi bật nhất là khuynh hướng giáo dục con người tuân thủ đạo đức, nhấn mạnh chủ nghĩa "cấm dục". Khuynh hướng này cũng là một trong đặc sắc của Chu Tử học và liên quan mật thiết đến lý luận được nhấn mạnh trong Chu Tử học của Nhật Bản về danh phận, tuyệt đối coi trọng trật tự thân phận vua tôi trên dưới.

Cùng thời kỳ này có hai cha con là học giả hoạt động ở Kyoto là Y Đằng Nhân Trai 伊藤仁齋 (Ito Jin sai) (1627-1705) và Đông Nhai 東涯 (To gai) (1670-1738). Y Đằng Nhân Trai đầu tiên tin theo Chu Tử học, nhưng sau này ông quay ra phê phán Chu Tử học, ông tôn trọng Luận ngữ cho là "Tối thượng chí cực vũ trụ đệ nhất thư" 最上至極宇宙第一書 (sách đứng đầu trong vũ trụ cực cao nhất), ông còn bàn vị trí của Mạnh Tử, làm sáng tỏ ý nghĩa (cổ nghĩa) về giáo dục của Khổng Tử. Ông đề xướng Cổ nghĩa học trong việc giải thích tự cú theo nguyên nghĩa, phê phán sự thiên lệnh trong việc giải thích kinh điển của phái Chu Tử học và Dương Minh học(18).

Địch Sinh Tồ Lai 狄生徂徠 (Ogyu Sorai) (1666-1728) cũng là người đầu tiên tin theo phái Chu Tử học, nhưng vào những năm cuối đời ông ông triển khai lý luận chính trị, tôn trọng lễ nhạc với tư cách lý tưởng hóa về cách trị thế của thời cổ đại Trung Quốc. Ông chủ trương theo phái Cổ văn từ học 古文辭學 của Lý Vu Lân 李于鱗 và Vương Thế Trinh 王世貞ở thời nhà Minh, Trung Quốc, đề cao cái gọi là sự giáo dục "Văn Tần Hán, thi thịnh Đường" 文秦漢詩盛唐. Trong việc giải thích kinh điển ông cũng đề xướng cái gọi là "Cổ văn từ học", lấy ra những ý nghĩa đúng đắn nhất (chân nghĩa) từ sự tinh thông ngôn ngữ cổ đại Trung Quốc. Ông cũng chủ trương đọc giải theo Đường âm mà không phải là Huấn độc (đọc theo âm tiếng Nhật).

Việc lưu hành tư tưởng cổ học từ các vị như là Y Đằng Nhân Trai 伊藤仁齋 (Ito Jinsai) và Địch Sinh Tồ Lai 狄生徂徠 (Ogyu Sorai) đã cho thấy tư tưởng mang tính chủ nghĩa cấm dục mà đại biểu là phái Kì môn học 崎門學 đã dần dần không được lòng mọi người.

Ngoài sự phê phán Chu Tử học, người ta còn bài trừ phương diện Hình nhi thượng trong Chu Tử học, điển hình là các ông Sơn Lộc Tố Hành 山鹿素行 (Yamaga Sokou) người sáng lập ra Cổ học phái 古學派, người đòi hỏi phải có lợi cho cuộc sống thường ngày của võ sĩ và Trung Giang Đằng Thụ 中江藤樹 (Nakae Tojyu) (1608-1648) người sáng lập học phái Dương Minh 陽明của Nhật Bản.

Làm nên sự hưng thịnh của Nho học, còn có Ngũ đại tướng quân Đức Xuyên Cương Cát 五大將軍德川綱吉 (Tokugawa Tsunayoshi) (1646-1709). Ông cũng là người yêu thích học vấn. Vào năm Genroku 元祿thứ nhất (1688), khi chế định các nghi lễ hằng năm của Mạc phủ, ông cũng đưa ra quy định, hằng năm vào ngày 21 tháng 11 phải tham bái miếu Khổng Tử và Điện tiên hiền của Lâm gia ở Shinobugaoka trong Ueno (nay là công viên Ueno, Tokyo). Vào năm Genroku thứ 3 (1690) Tướng quân Cương Cát (Tsunayoshi) đã lệnh cho dời Điện tiên hiền về Yushima 湯島 và công trình đó đã khởi công vào tháng Giêng năm sau. Lúc bấy giờ Tsunayoshi đã đổi tên Điện tiên hiền (Tiên hiền điện) thành Điện Đại thành (Đại thành điện). Ông còn cho xây dựng các công trình phụ thuộc như là Thánh Đường (Seido). Học liêu là các trường tư thục bấy giờ cũng được di chuyển cả về Yushima (nay thuộc khu Bunkyo, Tokyo). Yushima là nơi có cảnh quan rất đẹp, đất đai rộng lớn, Mạc phủ đã cho xây dựng ở nơi đây Thánh đường tráng lệ. Các địa phương khác cũng gửi tặng các điển tịch và đồ tế khí. Vào ngày đại lễ, Tsunayoshi còn tự mình giảng kinh nghĩa. Bấy giờ ông còn lấy tên quê của Khổng Tử ở đất Lỗ để đặt tên cho cây cầu và gò đất ở Yushima là Cầu Xương Bình và Gò Xương Bình.

Từ khi chuyển đến Yushima trải qua thời gian khoảng 1 thế kỷ, vào năm Kan sei 寬政 thứ 2 (1790), Tùng Bình Định Tín 松平定信 (Matsudai Rasadanobu) (1758-1829) đã thực thi việc cấm dị học của năm Kansei và lập lại vị trí chính học (quan học) của Mạc phủ đầu tiên là Chu Tử học. Lệnh cấm này so với sự thống chế về mặt tư tưởng, thì chỉ là quy định về nội dung giáo dục với tư cách là để chuẩn bị cho sự ra đời của các cơ sở học vấn, liên quan mật thiết đến vấn đề giáo dục đối với tầng lớp võ sĩ. Tức là, việc lấy Chu Tử học làm chính học chỉ là phương sách nhằm nâng cao đạo đức của tầng lớp võ sĩ, kích thích sự thay đổi của họ nhằm đối phó với những mẫu thuẫn xã hội.

Tiếp đó, đến năm Kansei 寬政thứ 9 (1797), các Học vấn sở của Lâm gia 林家 chính thức trở thành Học vấn sở của Mạc phủ. Các Học vấn sở ở đây (tức Xương Bình pha học vấn sở), hay còn gọi là Xương Bình Hoành 昌平黌 (Shoheiko) đã ra đời. Học vấn sở cấm tất cả các nội dung giảng nghĩa và nghiên cứu ngoài Chu Tử học, và để khuyến khích học vấn giữa Đại học đầu(19) Lâm Thuật Trai 大學頭林述齋 (Hayashiju tsusai) với các quan lại Mạc phủ 幕臣 (Bakushin), người ta quy định lấy Chu Tử học làm cơ sở, cứ 3 năm tổ chức một lần thi cho những đối tượng là con em của Kì Bản-Ngự gia nhân từ 15 tuổi trở lên gọi là "Học vấn ngâm vị" 學問吟味 (Gakumon Ginmi, 1792) và các Kì bản - Ngự gia nhân từ 15 tuổi trở xuống gọi là Tố độc ngâm vị 素讀吟味 (Sodoku Ginmi, 1793)(20).

Việc thi "Học vấn ngâm vị", được chia ra làm hai đợt: đợt thi dự bị (Dự bị thí nghiệm) và thi chính thức (Bản thí nghiệm). Trong đợt thi dự bị thì các thí sinh phải làm văn kinh nghĩa lấy các đề tài từ các sách Đại học, Trung dung, Mạnh Tử, Dịch kinh, Thư kinh, Thi kinh, Xuân thu và Tam lễ (bao gồm Chu lễ, Nghi lễ và Lễ ký). Đối với việc thi "Tố độc ngâm vị", ngoài 11 tuổi trở lên sẽ được hỏi các vấn đề trong Tứ thưNgũ kinh; 8 tuổi trở lên đến khoảng 11 tuổi thì hỏi Tứ thư và Tiểu học; dưới 7 tuổi trở xuống thì chỉ hỏi những vấn đề tự lĩnh hội qua học tập.

Cho đến mạt kỳ Mạc phủ, các thiết chế của Học vấn sở cũng trải qua nhiều lần cải cách. Cùng với các Sở Y học醫學所, các Phiên thư điều sở(21) 藩書調所 với tư cách là cơ sở giáo dục của Mạc phủ cũng phát triển với quy mô lớn. Vào năm Duy Tân Minh Trị (1868), các cơ sở giáo dục được tân chính phủ tiếp thu và đổi thành "Xương Bình học hiệu" 昌平學校. Vào năm Minh Trị thứ 2 (1869) lại tiếp tục mở cửa các cơ sở giáo dục, cùng năm đó vào tháng 12 lại đổi Xương Bình học hiệu thành Đại học; tháng 7 năm thứ 3 (1870), do cải cách giáo dục nên các trường bấy giờ phải đóng cửa và đi đến chỗ phế bỏ hoàn toàn.

Đi đôi với chính sách khuyến khích học tập của Mạc phủ, các trường địa phương 藩校 (Hanko) ở các nơi trên đất Nhật đã được thành lập. Phiên chủ ở tỉnh Okayama 岡山 là Trì Điền Quang Chính 池田光政 (Kikeda Mitsumasa) vào năm Kanbun 寬文 thứ 9 (1669) đã lập ra trường địa phương Cương Sơn học hiệu 岡山學校 (Okayama gakko), hay còn gọi là Nhàn cốc học hiệu 閑谷學恔 (Shizutani gakko). Đây là ngôi trường địa phương cổ nhất Nhật Bản. Tuy nhiên, phải bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XVIII, các trường địa phương mới được thiết lập trên toàn quốc. Để giáo dục những nhân tài ưu tú cho công cuộc cải cách hành chính địa phương, các nơi đã lập ra những trường Phiên hiệu (Hanko) cạnh tranh, bằng cách mời các học giả ưu tú về giảng dạy. Số trường ở các địa phương lúc phát triển nhất đã lên tới 255 trường và được xây dựng trên khắp các địa phương Nhật Bản.

Chúng ta có thể tìm hiểu thêm chế độ giáo dục ở các địa phương qua thí dụ về trường ở tỉnh Sendai仙台.

Trường Sendai được gọi là trường Minh luân Dưỡng hiền đường 明倫養賢堂 (Mei rin yoken dou), gọi tắt là Dưỡng hiền đường (Yokendo). Trường được Ngũ đại phiên chủ Y Đạt Cát Thôn 伊達吉村 (Date Yoshimura) xây dựng làm cơ sở giáo dục cho con em của Phiên vào năm Genbun 元文 thứ nhất (1736).

Trước thời đại Edo, Sendai được coi là nơi học vấn hưng thịnh nhất của phái Kì môn học của Sơn Kỳ Âm Trai (Yamazaki Ansai). Từ khi Du Tá Mộc Trai 遊佐木齋 (Yusa bokusai) người được học từ ông Sơn Kỳ Âm Trai vào làm cận thần với tư cách là Nho thần cho Tứ đại phiên chủ Y Đạt Cương Thôn 四代藩主伊達綱村(Date tsunamura) đã đào tạo ra những nhân vật đề cao Phiên giáo học dưới trướng của Y Đằng Cát Thôn. Vào năm Genbunn 元文đầu (1736) ông đã cho thành lập các Phiên hiệu và Dưỡng hiền đường mà các Học đầu các đời đều là những nhân vật chịu sự giáo dục đạo thống của Kì môn học. Tuy nhiên, vào năm Bunka 文化thứ 7, ông Đại Quy Bình Tuyền大槻平泉(Ootsuki Heisen) vào nhậm chức Đại học đầu ở Dưỡng hiền đường, dưới sự chỉ đạo của Đại học đầu Lâm thuật Trai大學頭林述齋 đã ngầm thay đổi Học chế. Việc này có liên quan mật thiết đến lệnh cấm dị học đời Kansei 寬政. Các Xương Bình pha học vấn sở không được giảng nghĩa các sách khác ngoài Chu Tử học, tuy Mạc phủ không đưa ra chỉ thị cụ thể đối với nội dung giảng dạy của các Phiên hiệu (Hanko) địa phương, nhưng dường như ở các địa phương, người ta vẫn thực thi cải cách các Phiên hiệu theo hướng lấy Chu Tử học làm Chính học, vốn vẫn là nội dung được duy trì trong các Học vấn sở của Mạc phủ.

Ở tỉnh Sendai, cũng có trường học gọi là Hương học 鄉學(Gogaku) do Y Đạt Nhất Môn伊達一門xây dựng. Hương học còn gọi là Nhật tựu quán 日就館 . Nhật tựu quán được xây dựng ở Cắng lí 亙理 (Watari) là ngôi trường cổ nhất, đứng thứ hai là trường Nham Xuất Sơn - Hữu bị quan 岩出山・有備館 (Iwadeyama - Yubikan) được xây dựng vào năm Genroku thứ 4 (1691). Cũng có người cho rằng nó được xây dựng vào khoảng những năm niên hiệu Meiwa 明和Minh Hòa và Anei 安永An Vĩnh (1764-1780). Vào khoảng năm Kansei (1789-1800), thể chế giáo dục Hương học ngày càng được hoàn bị, cho đến đời Đương chủ thứ 12 là Y Đạt Tông Hằng伊達宗恒(Date Munetsune), người ta truyền rằng việc học tập ở các Nhật Tựu quán tất thảy đều ủy nhiệm cho Đào Điền Hổ Môn 桜田虎門(Sakurada Komon) là người kế tục đạo thống của học phái Kì Môn học được mời về từ Sendai. Tên gọi Nhật Tựu quán là lấy ra từ câu "Nhật tựu nguyệt tương, học hữu tập hi vu quang minh" 日就月將,學有緝熙于光明 từ thiên Chu tụng - Mân dư tiểu tử chi thập kính 周訟・閔予小子之什敬之篇 trong sách Kinh Thi.

Vận mệnh của các Hương học và Nhật tựu quán sau đó phải trải qua nhiều thăng trầm. Đó là do cuộc nội chiến giữa Mạc phủ cũ và chính phủ Minh Trị duy tân xẩy ra từ cuối thời Mạc Phủ cho đến năm Duy Tân Minh Trị (1867). Phiên chủ Y Đạt ủng hộ tướng quân cựu Mạc đánh nhau với chính phủ Minh Trị nhưng thất bại và phải dâng rất nhiều đất đai cho chính phủ Duy Tân Minh Trị. Trong số đất đai đó bao gồm các các Hương học và Nhật Tựu quán ở Cắng Lí. Để cứu vãn cuộc sống sinh hoạt của gia thần dòng họ Y Đạt Gia伊達家, dòng họ Y Đạt cai trị ở Cắng Lý đã quyết định dời đến sống ở Bắc hải đạo 北海道 (Hokkaido) nơi những cánh đồng cỏ bát ngát bấy giờ còn chưa được khai thác. Khi di chuyển họ đã mang theo hầu như tất cả các Hương học - Nhật tự quán đến Bắc hải đạo (Hokkaido). Hiện các tàng thư do dòng họ Y Đạt được lưu giữ ở thành phố Y Đạt伊達, Bắc hải đạo (Hokkaido). Qua Hương học và Nhật tựu quán người ta có thể biết tình hình giáo dục tầng lớp võ sĩ đương thời, ví dụ có rất nhiều thư tịch và tư liệu đáng quý cho biết về cuộc sống thường ngày hết sức đa dạng của tầng lớp võ sĩ bấy giờ như Võ đạo, các hình thức nghệ thuật, hòa ca, lễ nghĩa, cách thức tổ chức nghi lễ... Về sách về Nho học thì có rất nhiều thư tịch có liên quan đến Chu Tử học. Những tư liệu này có thể giúp tìm hiểu lịch sử giáo dục ở tỉnh Sendai.

Vài lời kết thúc

Trở lên là một số vấn đề liên quan đến giáo dục Hán tự, Hán văn Nhật Bản cùng với sự tiếp nhận văn hóa Trung Quốc trọng tâm là Nho giáo. Trong lịch sử tiếp nhận văn hóa Trung Quốc, điểm riêng độc đáo nhất của Nhật Bản khác với các nước cùng chung khu vực văn hóa chữ Hán, đó là không thực thi chế độ khoa cử. Ở Việt Nam và bán đảo Triều Tiên, Nho giáo, đặc biệt cùng với sự tiếp thu Chu Tử học đã thực thi chế độ khoa cử và kết quả đã hình thành nên giai tầng trí thức đại trượng phu. Ở bán đảo Triều Tiên sau khi Vương triều Tân La thống nhất đất nước vào năm 682 đã thiết lập các trường Quốc học, đến năm 788 đã tổ chức các đợt thi nhằm tuyển chọn quan lại làm tiêu chuẩn cho khoa cử. Đến triều Cao Lệ năm 958, chế độ khoa cử được thực thi và tiếp tục được duy trì cho đến tận năm 1894. Từ việc thực thi chế độ khoa cử đã hình thành nên giai tầng đại trượng phu kiểu Triều Tiên gọi là "Lưỡng ban".

Thực ra, việc thử thực hiện các cuộc thi nhằm chọn ra quan lại qua thi cử theo nguyên tắc của khoa cử cũng được tiến hành ở Nhật Bản, và thực tế cũng có người được lựa chọn theo chế độ khoa cử như kiểu chế độ Cống cử ở thời đại Heian, song đó chỉ có thể coi là khoa cử kiểu Nhật Bản, bởi về cơ bản nó khác với khoa cử của Trung Quốc. Mục đích vốn có của khoa cử Trung Quốc là tuyển chọn quan lại hạn chế trong một thế hệ với sự tham gia rộng rãi từ những người bình thường đến nhân tài, thay thế hình thức quý tộc tập ấm [từ thời nhà Tùy](22). Ở Nhật Bản các cuộc thi không có mục đích như thế. Người ta tiến hành thi cử nhằm tuyển chọn quý tộc hạ cấp không có đặc quyền và phải được tầng lớp quý tộc cao cấp cho phép. Những người được tuyển chọn làm quan lại cũng được coi như tầng lớp đại trượng phu nhưng thân phận hèn kém so với giai tầng quý tộc, vì thế nó không hình thành nên tầng lớp được gọi là tri thức.

Tuy ở thời đại Edo có tiến hành đợt thi gọi là Học vấn ngâm vị theo cơ sở của khoa cử nhưng đối tượng tham gia thi là tầng lớp võ sĩ, nó hoàn toàn khác so với mục đích vốn có của khoa cử mở cho các tầng lớp dân thường nói chung.

Như vậy ở Nhật Bản không thực thi khoa cử, tùy theo từng thời đại mà sự tiếp nhận văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là Nho giáo có khác nhau. Ở thời đại Nara, Heian, các tầng lớp quý tộc gọi là Công gia, nhưng ở thời Kama kura Muromachi tầng lớp quý tộc là các tăng lữ Thiền tông, còn ở thời đại Edo đảm nhận vai trò đó là các Nho giả. Cùng thuộc các nước văn hóa Hán nhưng Nhật Bản khác với Trung Quốc, Việt Nam và bán đảo Triều Tiên, ở Nhật Bản không hình thành tầng lớp đại trượng phu có hai tính cách vừa là quan liêu vừa là tri thức.

Qua đây có thể thấy điểm độc đáo của Nhật Bản trong sự tiếp nhận văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là Nho giáo trong cùng khối nước đồng văn* .

NGUYỄN THỊ OANH dịch**

 

Chú thích:

(*) Nhân đây tôi xin chân thành cảm ơn sự hợp tác về chuyên môn và dịch thuật của PGS.TS. Phạm Văn Khoái và TS. Nguyễn Thị Oanh.

(**) Các chú thích trong bài là của người dịch.

(1) Bách Tế: phiên âm là Kudara.

(2) Ngũ kinh bác sĩ: tức các học giả thông hiểu văn nghĩa của ngũ kinh: Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Thi và Kinh Xuân thu.

(3) Độ lai nhân: ý chỉ những người từ Trung Quốc tới Nhật Bản. Đặc biệt từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VII, Độ lai nhân được dùng để chỉ những người Triều Tiên và Trung Quốc sang Nhật định cư. Họ là nông dân và thợ thủ công lành nghề... và được coi là lớp người lần đầu tiên mang văn hóa và kỹ thuật tiên tiến đến Nhật Bản. Họ có đóng góp rất lớn cho việc phát triển chính trị, văn hóa tại Nhật Bản.

(4) Học vấn tứ đạo: tức 4 khoa Minh kinh đạo, Toán đạo, Kỷ truyện đạo và Minh pháp đạo.

(5) Minh kinh bác sĩ: một trong những môn của kì thi tuyển chọn quan lại được tiến hành từ thời nhà Đường. Đó là môn thi xem thí sinh có thông hiểu Kinh Thư hay không. Môn học này được truyền tới thời nhà Tống, sau đó do nghiêng về việc học thuộc (ám ký) nên dần dần suy yếu.

(6) Âm bác sĩ: tức âm vận học Trung Quốc, hay Ngữ học Trung Quốc.

(7) Thư bác sĩ: giáo quan giảng dạy về thư pháp học. Có giáo quan dạy chữ, dạy viết, dạy làm văn, dạy đọc văn.

(8) Gia bính (Iegana): là các dòng họ quý tộc hoặc các gia tộc nổi tiếng ở Nhật Bản.

(9) Maukurano shoshi枕草子: tùy bút trung kỳ thời Heian do Seisho Nagon sáng tác. Tác phẩm có thể hoàn thành vào sau năm 1000. Tác giả trong thời gian sống ở trung cung định tử中宮定子 đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, hay những suy tưởng có liên quan đến cuộc sống nhân sinh, tình cảm lứa đôi, và tình yêu của con người đối với thiên nhiên. Với bút pháp tả thực, cách vận dụng linh hoạt, giầu hình ảnh... Maukurano shoshi và Genjimonogatari đã trở thành hai kiệt tác của thời Heian.

(10) Cổ chú học: tức những người có học vấn giải thích từ những chú thích các kinh điển Nho giáo thời Hán - Đường.

(11) Sao vật: là những sách ghi chép văn nói khi nghe giảng nghĩa về Hán tịch các loại kinh điển như kinh điển nhà Phật, các Nho thư và sử thư cùng các tập thơ văn.

(12) Trung thế: được tính trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ thứ XII đến cuối thế kỷ XVI. Lịch sử Nhật Bản trước cận đại được chia làm 4 giai đoạn: cổ đại (từ khởi nguồn đến thế kỷ XII), trung thế (cuối thế kỷ XII đến cuối thế kỷ XVI), cận thế (từ đầu thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX) và cận đại (từ nửa đầu thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX).

(13) Higo: nay thuộc tỉnh Kumamoto, Nhật Bản.

(14) Satsuma: địa danh, nay thuộc phía tây tỉnh Higoshima.

(15) Ở trường Ashikaga, những người học Dịch học sau khi tốt nghiệp thường có truyền thống về làm nghề chiêm bốc cho các võ sĩ ở địa phương.

(16) Lãng nhân: ở thời trung - cận thế, "lãng nhân" là chỉ những võ sĩ bị chủ tước quyền lộc

(17) Đồ nhiên thảo (Tsuredure gusa) 徒然草): là tùy bút nổi tiếng thời Kama kura, tác giả là nhà sư Kenko 兼好, có 243 đoạn ghi chép về những điều tai nghe mắt thấy và suy tưởng của tác giả về xã hội thời bấy giờ.

(18) Dương minh học: Phái Nho học do Vương Dương Minh thời nhà Minh đề xướng.

(19) Đại học đầu: tức Hiệu trưởng, người đứng đầu cơ sở đào tạo quan lại. Ở Nhật Bản thời Edo, Đại học đầu của Học vấn sở của Mạc phủ thường do dòng họ Hayashi nắm giữ và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

(20) Kỳ bản - Ngự gia nhân 旗本、御家人(Hatamoto - Gokaninn): là những gia thần trực thuộc nhà Tướng quân, tùy theo thân phận mà có sự phân biệt giữa Kì bản và Ngự gia nhân.

(21) Phiên thư điều sở藩書調所: tức các cơ sở phiên dịch sách Tây dương và điều tra tình hình nước ngoài do Edo Mạc phủ thiết lập từ thời cuối thời Mạc phủ.

(22) Thực tế, ở Trung Quốc vào thời đại các vương triều nhà Đường, do thế lực của tầng lớp quý tộc mà việc thực hiện theo mục đích vốn có của khoa cử chính thức được thực hiện bắt đầu từ vương triều nhà Tống.

Tài liệu tham khảo

1. Sato Hiroo佐藤宏夫. Khái thuyết về lịch sử tư tưởng. Nhật Bản『概說日本思想史』. Nxb Minerugua.2005

2. Ashitaga Enjutsu足利衍述. Nho giáo thời đại Kamaku ra Muromach『鎌倉室町時代の儒教』i. Nxb.Kobun.1985 (tái bản)

3. Momohiro Yuki桃広行. Luận khảo về chế độ học tập thời thượng đại 『上代学制論攷』. Nxb. Shibunkaku. 1993

4. Kawaguchi Hisao川口久雄. Văn học chữ Hán thời đại Heian 『平安時代の漢文学』(Nhật Bản lịch sử tùng thư). Nxb. Kitsukawa kobunkan. 1981.

5. Wajima Yoshio和島芳男. Nho học thời trung thế 『中世の儒学』(Nhật Bản lịch sử tùng thư). Nxb. Kitsukawa kobunkan. 1965.

6. Yuzawa Tadayuki: 湯沢質行. Người Nhật Bản thời cổ đại và tiếng nước ngoài 『古代日本人と外国語』(Du học tùng thư 14). Nxb. Bensei. 2001.

7. Quốc sử đại từ điển国史大辞典. Nxb. Kitsukawa kobunkan, 1970-1997.

8. Yushima seito (Thang đảo thánh đường) và thời đại Edo『湯島聖堂と江戸時代』. Tài đoàn pháp nhân tư văn hội. 1990.

9. Ảnh và bản đồ di tích lịch sử Yushima seito『写真と図版でみる史跡湯島聖堂』. Tài đoàn pháp nhân tư văn hội./.

                                                                                       (Tạp chí Hán Nôm, Số 3(100) 2010; Tr. 9-26)

Post by: Khoa Ngữ văn
20-12-2022