Hán nôm

TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ NGUYỄN DU TẠI TRUNG QUỐC ĐẦU THẾ KỈ XXI


14-02-2022
Trước năm 2000, giới nghiên cứu Trung Quốc đã dành mối quan tâm không nhỏ, nghiên cứu nhiều vấn đề đến những đóng góp của Nguyễn Du – thi nhân danh tiếng của Việt Nam. Trong hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, giới nghiên cứu Trung Quốc vẫn tiếp tục có các nghiên cứu, với khoảng hơn một trăm công trình, bài viết nghiên cứu có liên quan đến Nguyễn Du và các trước tác của ông, với những nội dung tiếp cận phong phú. Những nghiên cứu này không chỉ giới thiệu Nguyễn Du cùng trước tác của ông tới bạn đọc và học giới Trung Quốc, mà còn là nguồn tư liệu hỗ trợ quan trọng cho việc nghiên cứu Nguyễn Du ở Việt Nam.

TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ NGUYỄN DU TẠI TRUNG QUỐC ĐẦU THẾ KỈ XXI

Dương Tuấn Anh (PGS.TS - ĐH Sư phạm Hà Nội)

Tóm tắt: Trước năm 2000, giới nghiên cứu Trung Quốc đã dành mối quan tâm không nhỏ, nghiên cứu nhiều vấn đề đến những đóng góp của Nguyễn Du – thi nhân danh tiếng của Việt Nam. Trong hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, giới nghiên cứu Trung Quốc vẫn tiếp tục có các nghiên cứu, với khoảng hơn một trăm công trình, bài viết nghiên cứu có liên quan đến Nguyễn Du và các trước tác của ông, với những nội dung tiếp cận phong phú. Những nghiên cứu này không chỉ giới thiệu Nguyễn Du cùng trước tác của ông tới bạn đọc và học giới Trung Quốc, mà còn là nguồn tư liệu hỗ trợ quan trọng cho việc nghiên cứu Nguyễn Du ở Việt Nam.

Từ khóa: Trung Quốc; Việt Nam; Nguyễn Du; Truyện Kiều; Bắc hành tạp lục

1. Năm 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập. Ngay sau đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và quốc gia này được thành lập. Cùng với đó, giới học giả Trung Quốc cũng ngay lập tức dành một mối quan tâm lớn cho Việt Nam. Hàng loạt tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra Trung văn để đến tay với bạn đọc, đồng thời được nghiên cứu để đánh giá những thành tựu, giá trị trong suốt những năm 50 và 60 của thế kỉ XX, trong đó có Truyện Kiều của Nguyễn Du. Những nghiên cứu và dịch thuật của các học giả đã góp phần giúp nhân dân Trung Quốc hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam: Một quốc gia hàng nghìn năm nằm trong tầm ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, nhưng vẫn có những thành tựu lớn lao, sản sinh những nhà văn giàu sức sáng tạo, để lại những dấu ấn riêng, góp phần làm giàu cho kho tàng văn học nhân loại. Nguyễn Du cùng những trước tác của ông là những đóng góp cần được biết tới, cần được vinh danh như vậy.

Tháng 2 năm 2015, nhà nghiên cứu Tào Song đã có bài viết nhìn lại những thành tựu nghiên cứu về Truyện Kiều khoảng 20 năm cuối thế kỉ XX[1]. Tháng 7 cùng năm, nhà nghiên cứu Lưu Chí Cường[2] trong bài viết  Dịch và nghiên cứu Truyện Kiều của Việt Nam ở trong nước từ những năm 50 của thế kỉ XX trở lại đây nhìn lại chặng đường này đã có tổng kết về tình hình nghiên cứu trong nửa cuối thế kỉ XX. Theo đó, nổi bật trong những năm 50, 60 là nhà nghiên cứu Hoàng Dật Cầu (黄轶球, 1906-1990), trong những năm 80 là Đổng Văn Thành (董文成, sinh năm 1941), trong những năm 90 là Trần Ích Nguyên (陈益源, người Đài Loan, sinh năm 1963).

Kế đó, trong khoảng chục năm đầu thế kỉ XXI, cùng với những tên tuổi quen thuộc, những tên tuổi mới có nhiều cống hiến trong nghiên cứu về Nguyễn Du có thể kể đến là La Trường Sơn, Triệu Ngọc Lan, Bành Đan Hoa, Lưu Ngọc Quân, Hạ Lộ, Cam Lệ… Công tác giới thiệu tác giả và tác phẩm, dịch thuật các trước tác của Nguyễn Du đã không còn được chú trọng như trong thế kỉ trước, mà các nhà nghiên cứu dành mối quan tâm lớn hơn cho những phương diện khác, như đi sâu vào nghiên cứu bản thể hoặc nghiên cứu theo hướng so sánh, ảnh hưởng. Nhờ đó, những nghiên cứu về Nguyễn Du cùng các trước tác có những bước tiến mới cả về bề rộng lẫn chiều sâu, phục vụ tốt hơn cuộc sống hôm nay trong bối cảnh toàn cầu hóa.

2. Về phương diện nghệ thuật, những nghiên cứu của người Trung Quốc có điểm chung là đánh giá cao tài năng của Nguyễn Du. Về phương diện ngôn ngữ - văn tự trong văn bản tác phẩm của Nguyễn Du có thể kể đến một số công trình như Bàn về nghệ thuật ngôn từ và hình tượng nhân vật qua chữ “lẻn” trong Kim Vân Kiều truyện của Việt Nam[3], Nội hàm chữ “không” trong tập thơ chữ Hán Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du ở Việt Nam[4], Nghiên cứu ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du[5], Chữ Nôm hình thái âm nghĩa trong Kim Vân Kiều truyện[6], Đáng chú ý trong những nghiên cứu này là luận văn Thạc sĩ Nghiên cứu từ vựng Truyện Kiều của Nguyễn Du[7] của Mã Quân Đông tại Đại học Dân tộc Quảng Tây. Luận văn 86 trang đã tỉ mỉ tiến hành khảo sát, thống kê kho từ vựng được sử dụng trong danh tác Truyện Kiều, đồng thời nghiên cứu so sánh kho từ vựng ấy với những từ tương quan trong ngôn ngữ Hán. Nghiên cứu đã chỉ rõ được mức độ phong phú của kho từ vựng, đồng thời đánh giá cao tính sáng tạo trong việc sử dụng từ ngữ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

Về nghệ thuật trong trước tác của Nguyễn Du, đáng chú ý có luận văn dài 68 trang của Hoàng Hán Kiện với tiêu đề Nghiên cứu ẩn dụ khái niệm trong Kim Vân Kiều truyện từ quan điểm nhận thức[8]. Tác giả đã tập trung vào một số vấn đề như ẩn dụ về khái niệm con người, ẩn dụ về khái niệm đời sống, ẩn dụ về khái niệm tình cảm, tiến hành nghiên cứu một cách hệ thống và đánh giá những giá trị.

Các nghiên cứu của học giới Trung Quốc cũng đánh giá cao cống hiến của Nguyễn Du trong mảng thơ vịnh vật, thơ xướng họa thù tạc, thơ điền viên sơn thủy… với các công trình như Nghiên cứu thơ vịnh vật trước thời Nguyễn ở Việt Nam[9], Nghiên cứu thơ điền viên sơn thủy trước thời Nguyễn ở Việt Nam[10]

Nhìn chung, các nghiên cứu về phương diện nghệ thuật có số lượng không nhiều, một phần có lẽ bởi rào cản ngôn ngữ giữa hai dân tộc, cùng với sự hiểu biết hạn chế của người Trung Quốc về chữ Nôm của Việt Nam. Những nghiên cứu này chủ yếu mang tính giới thiệu, có ít đóng góp về mặt học thuật nếu so với những nghiên cứu cùng hướng của các học giả trong nước. Tuy nhiên, sự phong phú, vẻ đẹp cũng như nét riêng biệt của ngôn ngữ - văn tự Việt giới thiệu với người Trung Quốc thông qua một trước tác nổi tiếng thực sự đã có sức hấp dẫn đáng kể.

 

3. Các nghiên cứu về phương diện nội dung tư tưởng trong các trước tác của Nguyễn Du có số lượng nhiều hơn. Các nghiên cứu ở phương diện này của các học giả Trung Quốc tập trung vào ba nội dung chính:

Thứ nhất là nghiên cứu biểu hiện của các tư tưởng Nho giáo và Đạo giáo trong các trước tác của Nguyễn Du. Có thể kể đến các công trình như Ảnh hưởng của tư tưởng Nho gia Trung Quốc đối với tác phẩm văn học Kim Vân Kiều truyện của Việt Nam[11], Tư tưởng lí luận Nho gia trong Kim Vân Kiều truyện của Việt Nam [12], Biểu hiện của tư tưởng Nho gia trong thi ca Việt Nam thế kỉ XIX[13], Tư tưởng mĩ học sinh thái “thiên nhân hợp nhất” trong Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam[14]

Thứ hai là sự ghi nhận đóng góp của Nguyễn Du khi đề cập đến số phận người nữ, một vấn đề vẫn còn mang tính thời sự trong văn học đương đại. Có thể kể đến các công trình Tự sự dân tộc và tiếng nói nữ quyền – sáng tác của Nguyễn Du và tác phẩm kinh điển Kim Vân Kiều truyện[15], Phân tích hình tượng nhân vật Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều truyện của tác gia Nguyễn Du ở Việt Nam[16]

Thứ ba là sự ghi nhận ý thức dân tộc cao của Nguyễn Du, dù chịu sự chi phối không nhỏ của “văn hóa quyển Trung Quốc”. Đáng chú ý nhất là bài viết của Lý Mô Nhuận với tiêu đề Phản đối và chấp nhận: Thẩm định giá trị tư liệu Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du người An Nam[17]. Trong bài viết của mình, tác giả đã chỉ rõ việc thừa nhận, đánh giá cao của Nguyễn Du đối với văn hóa Hán, tư tưởng Nho, Phật, Đạo, cũng như ảnh hưởng to lớn của các tác giả văn học lớn của Trung Quốc thời Đường Tống… Nhưng tác giả cũng đa ghi nhận tinh thần phản đối quan hệ tông chủ - chư hầu giữa Trung Quốc và Việt Nam, khẳng định nhận thức nghiêm túc của Nguyễn Du về quan hệ giữa hai quốc gia có chủ quyền, thể hiện một ý thức tự tôn dân tộc cao của Nguyễn Du trên con đường đi sứ sang Trung Quốc.

4. Chiếm số lượng nhiều hơn cả, hơn một nửa tổng số các công bố, là các công trình nghiên cứu về Nguyễn Du trong mối quan hệ giao lưu văn hóa với Trung Quốc.

Những nghiên cứu này trước hết chỉ ra sự học hỏi, kế thừa của Nguyễn Du đối với những thành tựu văn hóa, văn học Trung Quốc. Các bài viết Bàn về sự tiếp thụ và kế thừa của sứ thần Việt Nam Nguyễn Du đối với Đỗ Phủ[18], Ảnh hưởng trên phương diện sáng tác của Khuất Nguyên đối với Đại thi hào Việt Nam Nguyễn Du[19], “Đại địa xứ xứ giai Mịch La” – từ Tì bà hành tìm hiểu ảnh hưởng của Khuất Nguyên đối với thi hào Việt Nam Nguyễn Du [20], Tì bà hành ở Việt Nam [21], Ảnh hưởng và tiếp thụ Tì bà hành ở Việt Nam thời cận hiện đại[22]một mặt cho thấy ảnh hưởng của những tên tuổi lớn của văn học Trung Quốc đối với Nguyễn Du, mặt khác cho thấy tài năng to lớn của chính Nguyễn Du khi được so sánh với những tên tuổi lẫy lừng của văn học Trung Quốc tầm cỡ thế giới như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… Các công trình Truyền bá và ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân ở Việt Nam[23], Lưu truyền và ảnh hưởng của tiểu thuyết Minh Thanh Trung Quốc ở Việt Nam[24], Truyền bá và tiếp thụ tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc ở Việt Nam [25], Phiên dịch thơ Đường với sự hình thành và phát triển thể tài thơ ca Việt Nam[26]lại tập trung vào tìm hiểu những ảnh hưởng mà Nguyễn Du đã hấp thụ từ các bộ phận văn học quan trọng trong lịch sử văn học Trung Quốc.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Du là Truyện Kiều, lấy cốt truyện từ một tác phẩm của Trung Quốc, vì thế được các học giả quan tâm tìm hiểu nhiều hơn về mức độ tiếp thu, ảnh hưởng, thông qua các nghiên cứu so sánh giữa hai trước tác này. Hàng loạt công trình như Nghiên cứu so sánh sử dụng điển cố của Truyện Kiều của Việt Nam và Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc[27], Sự lặp lại và đổi khác của Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam từ góc nhìn “văn hóa quyển”[28], Tư tưởng mĩ học sinh thái “thiên nhân hợp nhất” trong Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam[29], Nghiên cứu so sánh Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam [30], Đối chiếu Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam [31], Từ Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc đến Truyện Kiều của Việt Nam [32], Vẻ đẹp của phụ nữ lý tưởng Trung Quốc: tìm hiểu sự khác biệt trong thẩm mỹ dân tộc từ việc so sánh Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam[33], Kim Vân Kiều truyện: Từ tiểu thuyết Trung Quốc đến kiệt tác Việt Nam[34]cho thấy nghiên cứu so sánh này hết sức thú vị. Các học giả đều đã đồng ý rằng dù lấy cốt truyện từ Trung Quốc, nhưng Truyện Kiều vẫn là một sáng tạo có sự mới mẻ, đóng góp riêng của nó, với nhiều giá trị riêng không thể phủ nhận. Truyện Kiều vẫn giữ được cho mình một vẻ đẹp riêng có, thấm đẫm tinh thần văn hóa dân tộc, thể hiện tài năng kiệt xuất của Nguyễn Du.

Không những vậy, với việc được nâng tầm nhờ tài hoa của Nguyễn Du, tác phẩm này còn ảnh hưởng ngược lại Trung Quốc. Bài viết Từ ảnh hưởng trở lại của Kim Vân Kiều truyện tìm hiểu sự tương tác giữa văn học và văn hóa Trung Quốc với Việt Nam[35] đã thừa nhận tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân sau khi ra đời đã im hơi lặng tiếng ở Trung Quốc, nhưng từ những năm 80 của thế kỉ XX lại ảnh hưởng trở lại đời sống văn hóa Trung Quốc, một lần nữa khiến người Trung Quốc phải chú ý và tiến hành nghiên cứu.

Người Trung Quốc cũng thực sự bị cuốn hút khi muốn biết người nước khác cảm nhận về đất nước, con người nước mình như thế nào. Điều này đối với họ rất quan trọng, bởi đó cũng là cảm nhận về đất nước và con người Trung Quốc được truyền thông đến với thế giới. Các công trình như Nghiên cứu thơ văn của sứ thần Việt Nam đến Yên Kinh về cảnh đẹp Trung Quốc[36], Nghiên cứu hình ảnh Trung Quốc trong tập thơ Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du[37], Ấn tượng Tiêu Tương trong thơ ca sứ thần Việt Nam và Trung Quốc thế kỉ XIV-XIX[38], Bước đầu phân tích ấn tượng đối với lưu vực sông Tả Giang của Nguyễn Du người Việt Nam[39],… đã ghi nhận đóng góp này của Nguyễn Du. Ông đã khắc họa hình ảnh đất nước, con người Trung Quốc bằng sự chân thực, và cả bằng trái tim yêu quý, trân trọng.

Cùng trên dòng mạch ấy, các nhà nghiên cứu cũng dành sự quan tâm không nhỏ cho vai trò như một “đại sứ văn hóa” của Nguyễn Du, đóng góp vào tình cảm thân thiện giữa nhân dân hai nước, giữa hai quốc gia. Các công trình như Nghiên cứu sứ thần Việt Nam giao lưu ở Trung Quốc thế kỉ XIX [40], Nghiên cứu Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du[41], Nghiên cứu thơ văn của các sứ thần Việt Nam cổ đại đến Quảng Tây[42], Quan hệ triều cống và giao lưu văn học: Nghiên cứu sứ thần Việt Nam sang Trung Quốc thời nhà Thanh với Quảng Tây[43], Thơ chữ Hán của các sứ thần Việt Nam đi sứ phương Bắc và văn hóa Hồ Tương của Trung Quốc[44], Truyện Phùng Tiểu Thanh ở Việt Nam[45]đã cho thấy rõ vai trò “sứ giả” này của Nguyễn Du, với nhiều đóng góp to lớn.

5. Trong các nghiên cứu công bố ở Trung Quốc đầu thế kỉ XXI, không chỉ có công trình của các học giả Trung Quốc mà còn có nghiên cứu của học giả nhiều nước khác trên thế giới. Nhiều học giả Việt Nam cũng đã có cơ hội công bố những thành quả nghiên cứu, các ý kiến phân tích về Nguyễn Du trên các ấn phẩm của Trung Quốc, như các tác giả Trần Đình Sử, Phạm Ngọc Hàm, Trần Thị Nhung, Võ Mạnh Hà… Việc học giới Trung Quốc công bố những nghiên cứu này trên các ấn phẩm khoa học của họ đã tiếp tục chứng minh mối quan tâm không hề nhỏ của họ dành cho đại thi hào Nguyễn Du.

6. Với sự đánh giá cao những đóng góp từ các trước tác của Nguyễn Du trên nhiều phương diện, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tiến tới đánh giá vị trí của ông trong đời sống văn học. Các bài viết Đại thi hào Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của ông[46], Đại văn hào Nguyễn Du và danh tác Kim Vân Kiều truyện của ông[47],  Một tác phẩm thơ kiệt xuất của Việt Nam lấy đề tài từ Trung Quốc[48]đã không tiếc các từ ngữ quý giá như “đại văn hào”, “đại thi hào”, “kiệt xuất”, “danh tác”… để thừa nhận, đánh giá những cống hiến của ông.

Như vậy, dù mới chỉ trải qua hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, sơ bộ thống kê cho thấy giới nghiên cứu ở Trung Quốc đã có hơn một trăm công trình, bài viết nghiên cứu có liên quan đến Nguyễn Du và các trước tác của ông, với những nội dung tiếp cận phong phú. Điều đó nói lên sự quan tâm của học giới Trung Quốc, cũng như địa vị cao cùng nhiều đóng góp to lớn của Nguyễn Du trong đời sống văn học.

Những nghiên cứu này không chỉ giới thiệu Nguyễn Du cùng trước tác của ông tới bạn đọc và học giới Trung Quốc, mà còn là nguồn tư liệu hỗ trợ quan trọng cho việc nghiên cứu Nguyễn Du ở Việt Nam.

 

Hà Nội, 27 tháng 2 năm 2021

 

[1] 曹双: 试论20世纪80年代以来国内学术界对《金云翘传》的研究, 洛阳理工学院学报(社会科学版) 2015-02-15

[2] 刘志强: 20世纪50年代以来国内关于越南《金云翘传》的翻译与研究, 广西民族大学学报(哲学社会科学版) 2015-07-15

[3] 彭燕: “lẻn”字在越南《金云翘传》中的语言艺术及人物形象, 红河学院学报2020-06-08

[4] 王小莹; 李谟润越: 南阮攸汉文诗集《北行杂录》中的字内涵, 北方文学 2020-05-25

[5] 黎玉英书: 阮攸《翘传》语言学研究, 广西大学2018-06-01

[6] 刘兴均:《金云翘传》中的音义型喃字, 民俗典籍文字研究2015-10-31

[7]马君东:  阮攸《翘传》语汇研究, 广西民族大学2014-05-01

[8] 黄汉健: 认知视角下《金云翘传》的概念隐喻研究, 广西民族大学2017-04-01

[9] 周曉璇: 越南阮前詠物詩研究, 西南交通大学2019-05-01

[10] 张琳婉: 越南阮前山水田园诗研究, 西南交通大学2019-05-01

[11] 甘丽: 中国儒家思想对越南文学《金云翘传》的影响, 名作欣赏2019-10-10

[12] 甘丽: 越南《金云翘传》中的儒家伦理思想, 文学教育(上) 2020-10-15

[13] 黎文诗: 儒家思想在19世纪越南诗歌中的表现, 古籍研究2017-12-31

[14] 覃美静; 莫国芳: 中越《金云翘传》中的天人合一生态美学思想, 长春教育学院学报  2014-06-04 17:29

[15] 黄玲苏: 民族叙事与女性话语——越南阮攸的创作及《金云翘传》的经典, 州科技学院学报(社会科学版) 2011-11-15

[16] 王继琴: 越南作家阮攸《金云翘传》中翠云的人物形象分析, 报刊荟萃 2018-10-10

[17] 李谟润: 拒斥与认同:安南阮攸《北行杂录》文献价值审视,  广西民族学院学报(哲学社会科学版) 2005-12-01

[18] 严艳: 论越南使臣阮攸对杜甫的接受与承继, 中国文化研究 2019-12-25 15:28

[19] 范文兴: 屈原对越南大诗豪阮攸在创作上的影响, 辽东学院学报(社会科学版)2017-04-15

[20] 夏露: 大地处处皆汨罗”——从《北行杂录》看屈原对越南诗豪阮攸的影响, 内蒙古师范大学学报(哲学社会科学版)2018-01-15

[21] 夏露: 《琵琶行》在越南, 东南亚纵横2002-09-30

[22] 林符芳盈: 《琵琶行》在越南近现代的传播及影响, 中国文化研究2013-05-28

[23] 刘婷婷: 才子佳人小说在越南的传播与影响, 科教导刊(中旬刊)2015-12-15

[24] 陈益源: 中国明清小说在越南的流传与影响,上海师范大学学报(哲学社会科学版)2009-01-15

[25] 嚴豔: 中國才子佳人小說在越南的傳播與接受, 域外汉籍研究集刊2018-03-15

[26] 黎氏玄莊: 唐诗翻译与越南诗歌体裁之形成及发展, 华东师范大学2014-05-01

[27] 陈氏绒; 段祖青: 越南《翘传》和中国《金云翘传》用典比较研究, 湖北第二师范学院学报 2018-06-15

[28] 胡巧: 从文化圈视野看中越《金云翘传》的重复与变异, 玲玉林师范学院学报2016-08-01

[29] 覃美静; 莫国芳: 中越《金云翘传》中的天人合一生态美学思想, 长春教育学院学报 2014-06-04 17:29

[30] 宋亚玲: 中越《金云翘传》的比较研究, 湖南师范大学2013-05-01

[31] 韦红萍: 中越《金云翘传》的对比, 东南亚纵横2008-03-30

[32] 阮玉琼簪: 从中国《金云翘传》到越南《翘传》, 南京师范大学2013-03-10

[33] 王玉玲: 中国理想女性之美 :从中、越《金云翘传》比较中看民族审美的差异, 明清小说研究 2004-12-30

[34] 李群: 《金云翘传》:从中国小说到越南名著, 广西民族学院学报(哲学社会科学版) 2001-12-30

[35] 李志峰; 庞希云从:《金云翘传》的回返影响看当今中越文学文化的互动, 广西大学学报(哲学社会科学版) 2008-12-01

[36] 白鷺: 越南燕行使臣的中國勝景詩文研究, 西南交通大学2018-05-01

[37] 景秀稳: 阮攸诗集《北行杂录》中的中国形象研究, 广东外语外贸大学2019-03-24

[38] 陈柏桥: 14-19世纪中越使臣诗歌中的潇湘印象, 广西民族大学2017-01-01

[39] 张惠鲜: 浅析越南阮攸的左江流域印象, 东南亚纵横2015-05-30

[40] 王双叶: 19世纪越南使臣在华交游研究, 西南交通大学2018-05-01

[41]韩红叶: 阮攸《北行杂录》研究,首都师范大学2007-04-20

[42] 刘源: 古代越南使节旅桂诗文研究, 广西师范学院2018-06-01

[43] 彭茜: 朝贡关系与文学交流:清代越南来华使臣与广西研究, 广西民族大学2014-05-01

[44] 詹志和: 越南北使汉诗与中国湖湘文化, 中南林业科技大学学报(社会科学版)2011-12-15

[45] 郭宏瑜: 冯小青故事在越南, 文化学刊 2008-01-15

[46] 罗长山: 越南大诗豪阮攸和他的《金云翘传》, 广西教育学院学报2002-04-30

[47] 何明智: 越南大文豪阮攸及其名作《金云翘传》, 新世纪论丛2006-08-30

[48] 姜常红: 一部取材中国的越南杰出诗作, 文史博览2017-12-05

Post by: admin
14-02-2022