Hán nôm

MƯỜI BÀI THƠ HÀ TIÊN THẬP VỊNH CỦA DƯ TÍCH THUẦN


21-06-2021

CAO TỰ THANH

Chuyên gia Hán Nôm, Tp. Hồ Chí Minh

Khi đề cập tới Hà Tiên thập vịnh chữ Hán của Tao đàn Chiêu Anh Các, các công trình nghiên cứu trước nay đều kể ra 320 bài của 32 tác giả Việt Nam và Trung Hoa trong Hà Tiên thập cảnh toàn tập in năm 1737 và 10 bài của Nguyễn Cư Trinh được Lê Quý Đôn chép lại trong Phủ biên tạp lục. Tuy nhiên, một người từng nhiều năm nghiên cứu về thơ văn Chiêu Anh Các là Đông Hồ từng thắc mắc không rõ vì sao tập Hà Tiên thập vịnh lại không có thơ của Dư Tích Thuần tức người đề bài bạt thứ hai cho tập thơ này. Quan tâm tới nghi vấn của người đi trước, nhiều năm qua chúng tôi đã lưu ý tìm kiếm thơ Hà Tiên thập vịnh của Dư Tích Thuần, nhưng vẫn chưa tìm thấy. Tháng 11 năm 2005, nhân được Quỹ Harvard Yenching tài trợ cho ra Viện Nghiên cứu Hán Nôm đọc tư liệu về văn học Đàng Trong, chúng tôi đã may mắn tìm thấy 10 bài thơ Hà Tiên thập vịnh của Dư Tích Thuần và một số tài liệu có liên quan. Có thể coi những tài liệu này là một trong những bằng chứng về tính dân tộc của thơ văn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên, tính chất mà nhiều năm qua dường như vẫn chưa được học giới Việt Nam nhìn nhận một cách thống nhất.

Ở cuối tập Cố Lê triều Bảo Triện xã Tiến sĩ Trần Danh Án thi sao chữ Hán chép tay ký hiệu A.207 hiện được lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm có một cụm tác phẩm thuộc thơ văn Chiêu Anh Các rất đáng lưu ý. Cụm tác phẩm này mở đầu bằng sáu bài thơ của Mạc Thiên Tích với nhan đề “Đô đốc Lão Quận công Trịnh (Mạc) Thiên Tứ thi tam đề (lục thủ)”:

1. Lộc Trĩ đồn cư tức bài Lộc Trĩ thôn cư trong Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích.

2. Thạch Động tức sự, bài này thấy Nam hành ký đắc của Phạm Nguyễn Du chép hai câu 5, 6 với nhan đề Thạch Động.

3. Lư Khê nhàn điếu tức bài Lư Khê ngư bạc trong Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích.

4. Lư Khê nhàn điếu, kỳ nhị tức bài Lư Khê nhàn điếu I (vần Nhất đông) trong 30 bài thơ Lư Khê nhàn điếu thuộc tập Minh bột di ngư.

5. Lư Khê nhàn điếu, kỳ tam tức bài Lư Khê nhàn điếu II (vần Nhị đông) trong 30 bài thơ Lư Khê nhàn điếu.

6. Lư Khê nhàn điếu, kỳ tứ tức bài Lư Khê nhàn điếu V (vần Ngũ vi) trong 30 bài thơ Lư Khê nhàn điếu.

Sau sáu bài thơ trên là bài Hà Tiên thập vịnh tự tự của Mạc Thiên Tích, so ra cũng không có sai biệt gì nhiều so với bản An Nam Hà Tiên thập vịnh A.441, kể là mười bài Hà Tiên thập vịnh với dòng giới thiệu “Thuận Đức lão nhân Dư Tích Thuần Kiêm Ngũ thể”: (Thơ của Thuận Đức lão nhân Du Tích Thuần hiệu Kiêm Ngũ).

Kim dự lan đào

Phiên âm:

Kinh ba hoành tỏa viễn phong liên
Dương liễu âm âm cổ độ yên

Tự thị trung lưu thành để trụ

Bất câm (cấm) hồng thủy cánh thao thiên

Sơn quang ám đoạn tam canh nguyệt

Hải sắc tình phân lưỡng quốc thuyền

Đồng thuộc Nam ly Nghiêu trạch địa

Do dư xuân vũ biến tang điền.

Dịch nghĩa:

Núi xa kéo tới chắn ngang dòng,

Dương liễu che mờ bến khói lồng.

Vốn đã giữa dòng làm cột đá,

Chẳng cho nước lớn ngập trời không.

Trăng khuya đứt đoạn màu non sáng,

Thuyền tới chia đôi sắc biển trong.

Cùng thuộc phong cương Nghiêu Thuấn cả,

Mưa xuân thừa rưới khắp trên đồng.

Bình sơn điệp thủy

Phiên âm:

Trùng trùng mặc tỏa tự trung điều

Địa áo sương khinh mộc bất điêu

Lập quốc quy mô phiên điện thuật

Kiến đô hình thắng phụ sơn tiêu

Thanh loa cận tủng phù dung kết

Thúy đới giao thùy tú lĩnh yêu

Tự cổ cô sơn nan độc lập

Hải bang trường ỷ thị thiên triều.

Dịch nghĩa:

Trùng trùng tô điểm mực xanh nhiều,

Cây cỏ vào đông vẫn mỹ miều.

Dựng cõi quy mô thành giậu vững,

Định đô hình thắng dựa non cao.

Ốc xanh kề cận hoa sen hết,

Đai biếc buông lơi áo núi thêu.

Núi lẻ từ xưa khôn đứng vững,

Hải bang vẫn phải dựa thiên triều.

Tiêu Tự hiểu chung

Phiên âm:

“Tiêu sơ cổ tự xuất tây giao

Kỷ cá nhàn tăng thụy phiến mao

Húc nhật quang sinh vân vật biến

Thự phong trần khởi thế tình giao

Thượng phương động tĩnh quy chung cổ

Hạ giới âm dương hệ dịch hào

Đường thượng cổ thanh thiên chuyển vận

Hốt kinh thê điểu tháo lâm sao.

Dịch nghĩa:

Thành tây chùa cổ cảnh tiêu tao,

Chầu Phật sư nhàn mộng ruổi mau.

Cõi thế nắng lên trời hửng nhẹ,

Tình đời bụi bốc gió qua mau.

Trên trời đông tĩnh theo chuông trống,

Dưới đất âm dương đổi Dịch hào

Trên điện trống vang trời chuyển vận,

Chợt nghe chim chóc rộn cành cao.

Giang Thành dạ cổ

Phiên âm:

Cô thành nhất diện ỷ tằng cao

Dạ cổ trường thinh (thính) độ cách hào

Mộc bạn phong đa xuân lãng viễn

Sơn gian nguyệt thượng ấn (ân) lôi cao

Kim Dung ngật lập tiêu phong hỏa

Đơn giảo tần qua điệp hải đào

Tối thị thái bình nhiêu lạc địa

Nam lâu nguyệt thượng túy hương giao.

Dịch nghĩa:

Thành côi một phía dựa non cao,

Tiếng trống trong đêm động bóng sao.

Núi vắng trăng lên rền sấm sét,

Rừng xuân gió thét dậy ba đào.

Thành cao vọi vọi im hơi lửa,

Trống thúc ầm ầm xé nước trào.

Vốn đất thái bình nhiều hạnh phúc,

Lầu Nam trăng mọc rượu thơm sao.

Thạch Động thôn vân

Phiên âm:

Càn khôn giai khí tụy tằng a

Ngọc động âm âm trưởng tiết la

Bán ổ vụ phong tình nhật thiểu

Tứ thời xuân tại thúy nham đa

Tự trương tiếu khấu thôn Vân Mộng

Như bạn phi yên nhập Đại La

Ngư phủ dĩ mê trần thế cách

Triêu triêu tần xướng định phong ba.

Dịch nghĩa:

Khí lành trời đất biếc non xa,

Hang ngọc dây mây lớn mượt mà.

Nửa động mù giăng hơi lạnh nắng,

Bốn mùa xuân thắm cỏ chen hoa.

Cười to mây phủ mờ Vân Mộng,

Thở mạnh mù tuôn ngập Đại La.

Ngư phủ ngẩn ngơ trần thế cách,

Cứ cao lời hát “lặng phong ba”.

Châu Nham lạc lộ

Phiên âm:

Nhật ánh thanh ba nột tịch hoa

Nhất hàng phi điểu đới phong tà

Nham phi tế vũ thành châu bão (bào)

Lộ dục âm nhai đới thủ hoa

Thiên địa hữu cơ tuyền tác huyễn

Giang hồ vô dạng điểu vi gia

Bàn không dã tập cao cương thượng

Bất tự quân âu lộng vãn hà”.

Dịch nghĩa:

Nắng nhạt dòng xanh chiếu ánh hoa,

Một hàng chim chếch gió bay xa.

Lèn bay lông nhỏ châu tung bọt,

Cò tắm bờ râm nước tóe hoa.

Trời đất sâu xa khe cũng ảo,

Sông hồ yên ổn vật riêng qua.

Bay vòng cùng họp trên gò đá,

Chẳng giống bầy le giỡn ráng tà.

Đông Hồ ấn nguyệt

Phiên âm:

Ngân đường phiến phiến dũng thu sương

Dạ quá phong vi hạ diệc lương

Sơn nguyệt khởi ưng di viễn chiếu

Thù phương do cộng ấp thanh quang

Luân hành vô địa chung quy thủy

Ảnh bạc trùng hồ vị tỵ dương

Hà xứ biển chu nhân độc túy

Khấu huyền ca bãi nhập Tiêu Tương.

Dịch nghĩa:

Thềm thu lớp lớp mịt hơi sương,

Gió nhẹ trời trong gợn bóng gương.

Núi cũ vẫn không lòng bạc bẽo,

Phương kia lại xót ý mơ màng.

Vầng xoay trời thẳm về nơi cũ,

Bóng gởi hồ sâu tránh ánh dương.

Thuyền nhỏ người say đâu biết chốn,

Gõ chèo ca dứt tới Tiêu Tương.

Nam Phố trừng ba

Phiên âm:

Cao thiên vị thự hải tiên tình

Nhất phiến ngân hà giáp ngạn minh

Thịnh thế Hoàng Hà giai hiến thụy

Giao Châu Nam Phố diệc đồng thanh

Âu phi thủy diện quy vô ảnh

Nguyệt định ba tâm vựng bất thành

Tạc dạ xuân phong khai cống phảng

Tịch dương giang thượng nhất phàm khinh.

Dịch nghĩa:

Trời cao chưa sáng biển đà xanh,

Một dải sông Ngân sáng rập rình.

Đời thịnh Hoàng Hà cùng hiến thụy,

Cõi xa Nam Phố thảy trong lành.

Mặt sông âu lướt thành không bóng,

Giữa sóng trăng soi bóng chẳng thành.

Thuyền cống đêm rồi nhân gió mới,

Trên sông chiều xuống cánh buồm nhanh.

Lộc Trĩ thôn cư

Phiên âm:

Vân phong Thạch Động đồng thê ẩn

Thanh trúc lâm trung kết nhất đình

Điền thục thu pha vi bộc thủy

Lộc hàm xuân thảo dưỡng tiên linh

Mục đồng quy đội xuy ngưu bối

Dã lão chiêm niên vấn tuế tinh

Đàn bạn nhật tà tề cổ phúc

Thôn ca man điệu dã kham thinh.

Dịch nghĩa:

Mây phong Thạch Động cùng che giấu,

Giữa đám tre xanh dựng một đình.

Cỏ tốt xuân về hươu thỏa thích,

Ruộng cao thu tới nước mông mênh.

Mục đồng thổi sáo về thôn nhỏ,

Phụ lão xem mùa hỏi Tuế tinh.

Nắng xế bên đàn cùng hát lớn,

Giọng quê khúc lạ cũng vương tình.

Lư Khê ngư bạc

Phiên âm:

Khê biên chân khả khước viêm chưng

Ổn hệ khinh đao tụ thạch lăng

Vân phúc lư hoa nhân tại thủy

Phong hồi ngư hỏa nguyệt như băng

Gia thê tiểu hạng nguy cơ viễn

Mộng nhập hàn sơn đán khí trừng

Đãn đắc an miên thời túy tửu

Gia ngư trường vị tức hưu trưng.

Dịch nghĩa:

Bên khe tránh nóng tạm dừng chân,

Buộc chặt thuyền con tới cạnh lăng.

Mây phủ hoa lau người cạnh nước,

Gió quanh đèn cá nguyệt như băng.

Nhà trong hẻm nhỏ cơ nguy ít.

Mộng tới non sâu khí sớm ngưng.

Say rượu chỉ mong yên một giấc,

Cá ngon vị béo dạ đà ưng.

Sau mười bài thơ này, nguyên bản có chép một lời bạt của Trần Trí Khải:

“Kiêm ông Niên Đỗ bá tiên sinh hành niên bát thập hữu lục, tinh thần quắc thước, ngâm vịnh bất quyện nhi vãng phục hào mại. Giải tổ hậu ký tích lâm tuyền, hàm thai lộng tôn ngoại, nhật dữ từ nhân sính vu sơn thủy, hữu Đào Nguyên Lượng phong. Kim biến quan Hà Tiên thập cảnh chư tác, thanh tân tuấn dật giả hữu chi, thương cổ hồn dung giả hữu chi, nhi thanh sắc hương diễm giả diệc hữu chi. Tiên sinh tắc tập đại thành hĩ, ô đắc tải nhất cảnh dĩ lệ chi hồ ! Nam Hải xã điệt Trần Trí Khải Hoài Thủy thị bái bạt”.

(Ông bác Niên Đỗ Kiêm Ngũ tiên sinh đã tám mươi sáu tuổi song tinh thần vẫn sáng suốt, ngâm vịnh không mỏi mà giao du hào sảng. Sau khi từ quan gởi vết nơi núi rừng, ngoài việc chăm sóc chơi đùa với cháu nội thì hàng ngày cùng các văn nhân dạo cảnh sơn thủy, có phong thái của Đào Nguyên Lượng. Nay xem khắp các bài Hà Tiên thập vịnh thì thanh tân tuấn dật cũng có, cổ kính hồn hậu cũng có, mà thanh tân tươi đẹp cũng có. Tiên sinh thì tập hợp được tất cả những điều đó, đâu thể kể vào loại thơ chỉ tả có một cảnh sao ! Cháu Trần Trí Khải tự Hoài Thủy ở Nam Hải lạy viết lời bạt).

Sau lời bạt nói trên của Trần Trí Khải còn có một lời bạt khác không đề tên người viết nhưng theo lời lẽ thì chỉ có thể là của Mạc Thiên Tích, nguyên văn như sau:

“Dư tỵ, cư hải ngoại, ngụ vật hứng hoài, ngẫu hữu sở tác vị đắc tựu chính ư(1) quân. tử. Bính Thìn xuân Hoài Thủy Trần tử chí thư, tương vi thi luận, tịnh ngôn cập tiên sinh cao nhã niên trăn kỳ thạc hào ư xúc vịnh. Kim độc giai thập nhi thương kính chi khí dật vu chỉ thượng, phù sở vị “Lão đương ích tráng, ninh tri bạch thủ chi tâm”, khả dĩ di tặng tiên sinh hĩ”.

(Tôi tỵ địa ở hải ngoại, đối cảnh sinh tình, ngẫu nhiên có làm thơ song chưa được các bậc quân tử sửa chữa cho. Mùa xuân năm Bính Thìn (1736) ông Trần Hoài Thủy tới đây, khi bàn về thơ cứ nhắc tới tiên sinh tuổi lớn cao nhã mà hay ngâm vịnh. Nay đọc thơ hay thì khí cách cổ kính cứng cỏi tràn trề trên mặt giấy, câu “Càng già càng nên mạnh mẽ, nên hay lòng kẻ bạc đầu”(2) có thể đổi mà tặng cho tiên sinh vậy).

Vấn đề cần đặt ra là vì sao thơ của Dư Tích Thuần không được in trong tập Hà Tiên thập vịnh 1737? Chỉ có hai lý do: hoặc là ông gởi thơ tới sau khi tập Hà Tiên thập vịnh 1737 đã khắc in, hoặc thơ ông có vấn đề gì đó mà Mạc Thiên Tích thấy không in ra được. Nhưng có thể gạt bỏ khả năng thứ nhất, vì Dư Tích Thuần chính là người viết bài bạt thứ hai cho tập Hà Tiên thập vịnh khắc in năm 1737, không lẽ nào sau đó mới làm thơ, thậm chí còn có thể nghĩ rằng mười bài Hà Tiên thập vịnh và bài bạt của Dư Tích Thuần đã có trong cái phần được Trần Trí Khải “đóng thành một tập” gởi cho Mạc Thiên Tích năm 1737. Cho nên chỉ còn lý do thứ hai, và việc tìm hiểu lý do này có thể góp phần khẳng định về “tính dân tộc” của Hà Tiên thập vịnh chữ Hán hay nói rộng ra là của thơ văn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên.

Phải thừa nhận rằng mười bài Hà Tiên thập vịnh của Dư Tích Thuần cũng có những câu khá hay khá đẹp, như “Trăng khuya đứt đoạn màu non sáng, Thuyền tới chia đôi sắc biển trong”(Kim Dự lan đào), hay “Mặt sông âu lướt thành không bóng, Giữa sóng trăng soi bóng chẳng thành” (Nam Phố trừng ba)... Nhưng những câu như “Cùng thuộc phong cương Nghiêu Thuấn cả” (Kim Dự lan đào), “Núi lẻ từ xưa khôn đứng vững, Hải bang vẫn phải dựa thiên triều” (Bình Sơn điệp thúy), “Đời thịnh HoàngHà đều hiến thụy, Cõi xa Nam Phố thảy trong lành” (Nam Phố trừng ba)... đã đi chệch khỏi mục tiêu ngâm vịnh Hà Tiên thập cảnh của Mạc Thiên Tích: vị Tổng binh trấn thủ Hà Tiên hậu duệ của một di thần nhà Minh này hoàn toàn không coi Hà Tiên là một phần trong “phong cươnng Nghiêu Thuấn” của nhà Thanh, càng không muốn “dựa thiên triều” để khẳng định uy quyền và thế lực của mình - câu đầu bài tựa Hà Tiên thập vịnh của ông là “An Nam Hà Tiên trấn” (Trấn Hà Tiên của nước An Nam). Cái khẩu khí thiên triều lớn lối của Dư Tích Thuần đã bị Mạc Thiên Tích mỉa mai một cách kín đáo “Câu càng già càng nên mạnh mẽ, nên hay lòng kẻ bạc đầu có thể đổi mà tặng cho tiên sinh vậy”, và đây chính là lý do duy nhất đã khiến Mạc Thiên Tích không in mười bài Hà Tiên thập vịnh của Dư Tích Thuần mặc dù vẫn sử dụng bài bạt (tức Hà Tiên thập vịnh bạt nhị) của ông ta. Cần lưu ý rằng bài bạt thứ nhất trong Hà Tiên thập vịnh toàn tập là của Trần Trí Khải, vốn thuộc hàng hậu bối của Dư Tích Thuần, nên việc xếp bài bạt của Dư Tích Thuần xuống sau như vậy có lẽ cũng là một lối bày tỏ thái độ của Mạc Thiên Tích, một thái độ rất minh bạch và công khai đối với nhà thơ thiên triều họ Dư.

Năm 1983, có nhà nghiên cứu từng đề xuất rằng nên loại bỏ thơ văn của các tác giả người Trung Hoa trong Tao đàn Chiêu Anh Các đi, để bộ phận văn học này mang đậm màu sắc dân tộc hơn. Đến Từ điển Văn học 1984, ý kiến này được lặp lại có bổ sung rằng phân biệt các tác giả người Trung Hoa và các tác giả người Việt Nam trong Tao đàn Chiêu Anh Các là không dễ dàng. Có nghĩa là nếu dễ dàng thì người ta sẽ sẵn sàng loại bỏ thơ văn của một số tác giả Trung Hoa mà chính Mạc Thiên Tích đã chọn... Lối nghiên cứu cắt xén hiện thực cho vừa ý mình ấy ngoài việc thể hiện một tinh thần ngụy khoa học còn mang ý nghĩa của việc khinh thị tổ tiên, coi thường lịch sử, bởi như việc không in mười bài Hà Tiên thập vịnh của Dư Tích Thuần trên đây cho thấy, Mạc Thiên Tích có đủ tinh thần dân tộc cũng như bản lĩnh chính trị để loại khỏi Hà Tiên thập vịnh toàn tập những tác phẩm nào xét ra bất lợi cho quyền lợi dân tộc của cộng đồng Việt Nam thế kỷ XVIII ở Hà Tiên.

 

Chú thích:

(1) Ư: nguyên bản không có chữ này, đây tạm thêm vào.

(2) Càng già... bạc đầu: câu của Vương Bột thời Đường trong bài Đằng Vương các tự, lấy ý từ câu nói của Mã Viện thời Hán “Cùng thỉ ích kiên, lão đương ích tráng” (Lúc cùng càng phải vững bền, càng già càng nên mạnh mẽ)./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (75) 2006; Tr. 23-39

Post by: admin
21-06-2021