Hán nôm

VĂN BẢN HƯƠNG ƯỚC CHỮ HÁN TRIỀU TIÊN THỜI KỲ TRUNG CẬN ĐẠI


09-04-2021

PHẠM THỊ THÙY VINH

TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Việt Nam, Triều Tiên (nay là hai quốc gia Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên), Nhật Bản là những nước trong khu vực Đông Á từng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong lịch sử. Trước khi có chữ viết riêng, trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc Việt, Triều, Nhật đều có sự tiếp thu và sử dụng chữ Hán như quốc ngữ để chuyển tải văn hóa nói chung, để ghi chép các văn bản về hành chính, pháp luật, những sáng tác về văn học, những tư liệu về khoa học lịch sử...

Việt Nam cũng như Hàn Quốc đều đang phát triển từ những nước nông nghiệp với văn hóa làng xã truyền thống. Với cơ chế tự quản, các làng xã truyền thống của cả hai nước đều có những văn bản vừa mang tính pháp lý vừa là lệ tục để ràng buộc các thành viên trong cộng đồng. Loại hình văn bản có hiệu lực cao trong việc quản lý làng xã đó chính là hương ước. Hiện ở Việt Nam còn rất nhiều văn bản hương ước viết bằng chữ Hán có xen kẽ cả chữ Nôm. Hương ước cũng có ở Trung Quốc, Triều Tiên (gồm cả hai quốc gia Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên), Nhật Bản, nhưng văn bản hương ước ở mỗi nước đều có những đặc điểm khác nhau. Văn bản hương ước Việt Nam đã được nhiều học giả trong và ngoài nước đề cập, nghiên cứu. Văn bản hương ước Triều Tiên cũng đã và đang là đối tượng nghiên cứu của các học giả trong và ngoài Hàn Quốc như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ... Thế nhưng, những thông tin về thực trạng cũng như nội dung của hương ước Triều Tiên dường như chưa được cập nhật ở Việt Nam, các nhà khoa học Việt Nam rất muốn tìm hiểu về loại hình văn bản hương ước của Hàn Quốc ngày nay và Triều Tiên trước kia, nhưng chưa có điều kiện tiếp xúc cũng như chưa có học giả nào ở Việt Nam nghiên cứu về vấn đề này.

Tôi đã có may mắn khi nhận được học bổng của Quỹ Korea Foundation for Advances studies (Quỹ nâng cao của Hàn Quốc) tài trợ, tạo cho tôi có cơ hội sang nghiên cứu trao đổi, tham quan tại Hàn Quốc trong thời gian một năm. Bài viết này của tôi là kết quả của quá trình nghiên cứu đó(1).

1. Về cách gọi hương 鄉 và hương ước 鄉 約 của Triều Tiên

Theo Từ hải: Hương 鄉 là một khái niệm rộng của đơn vị hành chính, hương có thể có từ một vạn hai ngàn năm trăm (125.000) gia đình, phạm vi nhỏ nhất của hương cũng gồm 10 lý tức 10 xóm nhỏ. Đối với Triều Tiên, hương 鄉 là một đơn vị tương đương với cấp quận 郡, huyện 縣, có lúc còn có thể sánh ngang với một tỉnh 省. Dưới hương 鄉 là diện 面, tương đương với cấp xã ; dưới diện là lý 里 tương đương với thôn  của Việt Nam. Vì thế, khái niệm về hương ước 鄉 約 của Triều Tiên rộng hơn rất nhiều so với khái niệm hương ước 鄉 約 của Việt Nam.

Ở Triều Tiên, hương ước không chỉ bó hẹp trong phạm vi một làng xã mà nó bao trùm lên cả một khu vực dân cư rộng lớn ngang với cấp quận, huyện của Việt Nam. Do vậy mặc dù cùng chung tên gọi là hương ước nhưng về ý nghĩa, phạm vi sử dụng thì hương ước Triều Tiên có nội hàm rộng hơn rất nhiều. Chẳng hạn bản Tây Nguyên hương ước 西 原 鄉 約 là văn bản dùng cho 25 diện 面, mỗi diện tương đương với một hoặc hai ba xã của Việt Nam. Hoặc như Hương ước tiết mục 鄉 約 節 目 của phủ Thuận Hưng là văn bản cho cả một vùng rộng lớn tương đương một quận, gồm rất nhiều diện 面.

Đề cập đến hương ước Triều Tiên chúng tôi muốn đề cập đến không chỉ những văn bản thuộc phạm vi Hàn Quốc hiện nay mà bao gồm văn bản hương ước của cả hai miền Nam Bắc Triều. Sở dĩ chúng tôi có tham vọng như vậy vì tất cả văn bản hương ước Triều Tiên mà chúng tôi có hiện nay bao gồm của cả miền bắc và miền Nam Triều Tiên. Các văn bản hương ước của Triều Tiên đã được tập hợp và xuất bản trong sách Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư 朝 鮮 時 代 社 會 史 研 究 史 料 叢 書 quyển 1, do hai tác giả Kim Nhân Kiệt 金 仁 傑 và Hàn Tướng Quyền 韓 相 權 biên soạn, nơi phát hành là Bảo Cảnh văn hóa xã 保 景 文 化 社, được in ấn và phát hành vào tháng 10 năm 1986 tại Seoul, Hàn Quốc.

Hương ước Triều Tiên không được lưu giữ tại các làng quê như hương ước Việt Nam, chức năng của nó cũng khác với hương ước Việt Nam. Hương ước Triều Tiên được hình thành do các nhà trí thức, những học giả lớn của Triều Tiên biên soạn. Trong tập sách Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư 朝 鮮 時 代 社 會 史 研 究 史 料 叢 書 quyển 1, các nhà sưu tập đã giới thiệu 34 văn bản hương ước bao gồm 32 bản hương ước của Triều Tiên và 2 văn bản giải thích về bản hương ước đầu tiên của Trung Quốc cuối thời Bắc Tống là Lam Điền Lã thị hương ước 藍 田 呂 氏 鄉 約 và bản hương ước của Chu Tử chỉnh sửa lại Lam Điền Lã thị hương ước, đã là bản Chu Tử tăng quyên Lã thị hương ước ngạn giải 朱 子 增 捐 呂 氏 鄉 約 諺 解. Bản hương ước của Chu Tử dùng cả tiếng Hán theo nguyên bản của Chu Tử và giải thích bằng tiếng Hàn bên cạnh. Văn bản hương ước của Chu Tử được du nhập vào Triều Tiên ở giai đoạn đầu thời kỳ Chu Son(2), đến năm 1517 đã được tác giả Kim An Kuk xuất bản và sau đó đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong xã hội Triều Tiên. Vì thế cũng có thể coi đây là văn bản hương ước của Triều Tiên. Ngoài ra trong sách Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư quyển 3 cũng do hai tác giả Kim Nhân Kiệt và Hàn Tương Quyền biên soạn còn đưa ra nhiều loại tư liệu liên quan đến sinh hoạt làng xã như: Tộc khế 族 契, Tang khế 喪 契, Hương ẩm Hương xạ khế 鄉 飲 鄉 射 契, Giáp khế 甲 契, Nho khế 儒 契, Môn sinh khế 門 生 契... Cũng cần nói thêm là các văn bản hương ước của Triều Tiên sau này đều chịu ảnh hưởng từ Lam Điền Lã thị hương ước của Trung Quốc thông qua bản Chu Tử tăng quyên Lã thị hương ước ngạn giải và từ đó đã hình thành các văn bản hương ước trong xã hội Triều Tiên thời kỳ trung cận đại.

2. Thực trạng về tình hình văn bản hương ước Triều Tiên

Không giống như văn bản hương ước Việt Nam xuất hiện và nảy sinh trong đời sống sinh hoạt làng xã, văn bản hương ước Triều Tiên được viết ra bởi những học giả lớn có trình độ Hán học uyên thâm. Họ là những tri thức đã tiếp thu tư tưởng Nho giáo, muốn xây dựng một xã hội Triều Tiên theo khuôn khổ của Nho giáo, vì thế họ đã mượn nội dung chính của bản Lam Điền Lã thị hương ước để biên soạn lại theo tinh thần của dân tộc Triều Tiên.

Các học giả Hàn Quốc đương đại đã tìm thấy văn bản hương ước của Triều Tiên trong các trước tác của một số học giả lớn khi họ viết về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, triết học, lịch sử như: Tú Nghiêm chí, quyển 1, Lật Cốc toàn thư, Bắc Nhai tiên sinh văn tập, tập 3, Hương lễ hợp biên, quyển 2, Tùy lục quyển 9, Mật Châu trýng tín lục, quyển 2... Trong quá khứ có thể những văn bản hương ước của Triều Tiên đã từng được lýu giữ trong các làng xã để xây dựng, chấn chỉnh kỷ cương, phong tục của Hương thôn. Nhưng hiện tại số văn bản hương ước của Triều Tiên được sưu tập về và phục vụ độc giả chỉ là những văn bản đã được in lại trong sách Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư mà chúng tôi vừa đề cập ở trên, không có những văn bản gốc như ở Việt Nam cho độc giả có thể mượn đọc tại chỗ. Ngày nay người ta tìm thấy hương ước trong các tác phẩm của Yulgok (Yi I) tên chữ Hán là Lật Cốc hay Yi Hwang (Toegye), tên chữ Hán là Thoái Khê và trong một số tác phẩm của các học giả khác. Đây là hai nhà trí thức lớn của Triều Tiên trong thế kỷ XVI. Hai ông là bậc đại Nho của Triều Tiên thời bấy giờ đã mang tư tưởng Nho giáo và tinh thần của hương ước của Chu Tử để sáng tạo ra những văn bản hương ước mới của Triều Tiên. Hình ảnh của Yulgok đã được in trên đồng tiền 5 ngàn won của Hàn Quốc ngày nay, điều đó cho thấy ông đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử phát triển của xã hội Hàn Quốc truyền thống và đương đại. Cuối thế kỷ XVIII Chính Tổ đại vương của Triều Tiên (1782 - 1800) đã ban bố Hương lễ hợp biên và hương ước đã được dạy trong các trường tiểu học trong làng xã bấy giờ. Hương ước đã được nhà nước sử dụng như một công cụ chuyển tải luân lý và đạo đức để dạy dỗ nhân dân sống có lễ nghĩa, theo những quy chuẩn xã hội. Hơn thế, hương ước chữ Hán của Triều Tiên được dùng chung cho cả một vùng rộng lớn như một huyện hoặc một phủ của Việt Nam thời kỳ trung cận đại, vì thế mà phạm vi ảnh hưởng của nó cũng rộng lớn hơn. Đó chính là những điểm khác nhau cõ bản về sự xuất hiện và địa điểm lýu giữ của hương ước Triều Tiên và Việt Nam. Hương ước Triều Tiên xuất hiện do ý tưởng của các bậc trí thức lớn thời đó muốn tiếp thu hương ước của Chu Tử, một học giả lớn thời Nam Tống để vận dụng vào xã hội Triều Tiên. Theo các học giả Hàn Quốc ngày nay thì hương ước Chu Tử đã được ông viết lại có thêm bớt và hoàn thiện dựa trên bản hương ước đầu tiên của Trung Quốc thời Bắc Tống là Lam Điền Lã thị hương ước. Chu Tử đã hoàn thiện trên cõ sở nguyên lý vận hành của xã hội nông thôn mang tính chất sinh học(3). Hương ước Chu Tử đã được du nhập vào xã hội Triều Tiên đầu thời kỳ Chu Son (cuối thế kỷ XIV) và đến đầu thế kỷ XVI đã được phổ biến rộng rãi trong xã hội Triều Tiên bấy giờ. Từ hương ước của Chu Tử, các trí thức Triều Tiên đã biên soạn lại cho phù hợp với tính dân tộc của Triều Tiên. Đó là sự khác nhau về điểm xuất phát giữa hương ước chữ Hán Triều Tiên và Việt Nam, từ đó dẫn đến nhiều điểm dị biệt khác. Các văn bản hương ước của Triều Tiên được viết trong những giai đoạn sau:

- 1 văn bản được viết ở giữa thế kỷ XV (năm 1455), là văn bản Quang Châu hương ước điều mục 光 州 鄉 約 條 目, có thể xem là văn bản có niên đại sớm nhất.

- 5 văn bản được viết ở thế kỷ XVI (Chu Tử tăng quyên Lã thị hương ước ngạn giải 朱 子 增 捐 呂 氏 鄉 約 諺 解 năm 1517, Hương ước lập điều 鄉 約 立 條 năm 1556, Pha Châu hương ước tự 坡 州 鄉 約 序 năm 1560, Tây Nguyên hương ước 西 原 鄉 約 năm 1517, Hải Châu hương ước 海 州 鄉 約 năm 1578 và một bản được xác định vào cuối thế kỷ XVI là: Hải Châu nhất hương ước thúc 海 州 一 鄉 約 束.

- 3 văn bản thế kỷ XVII (An Đông hương ước 安 東 鄉 約 năm 1602, Mật Dương hương ước 密 陽 鄉 約 năm 1648 và một văn bản được xác định là cuối thế kỷ XVII là Bàn Khê hương ước 盤 溪 鄉 約.

- 6 văn bản thế kỷ XVIII (gồm các bản: Hương ước thông biến 鄉 約 通 變 năm 1706, Thương Châu hương ước   州 鄉 約 năm 1730, Báo Ân hương ước điều mục 報 恩 鄉 約 條 目 năm 1747, Thuận Hưng phủ hương ước điều mục 順 興 府 鄉 約 條 目 năm 1765, Kim Bồ diện hương ước tiết văn 金 蒲 面 鄉 約 節 文 năm 1771, Hương lễ hợp biên 鄉 禮 合 編 năm 1797).

_- 8 văn bản thế kỷ XIX (gồm các bản: Xích Thành phường hương ước cấm tà học tiết mục 赤 城 坊 鄉 約 禁 邪 學 節 目 năm 1801, Tây Nguyên tân tăng hương ước 西 原 新 增 鄉  năm 1871, Hương ước khế thiếp 鄉 約 契 帖, Hương lễ tam tuyển 鄉 禮 三 選 năm 1888, Quan Bắc hương ước 關 北 鄉 約 năm 1890, Nam Nguyên phủ hương ước tiết thứ thành sách 南 原 府 鄉 約 節 次 成 册 năm 1893, Hương ước khế tòa mục 鄉 約 契 座 目 năm 1993, Hương ước chương trình  鄉 約 章 呈 năm 1894.

- 11 văn bản viết ở thế kỷ XX (gồm các bản : Vu Đông diện đồn sõn hương ước tiết mục 于 東 面 屯 山 鄉 約, Bắc nhất diện tây vĩnh hương ước tiết mục 北 一 面 西 永 鄉 约 節 目, Hoa Dương đồng hương ước văn 華 陽 洞 鄉 約 文, Kinh ước sở hương ước chương trình 京 約 所 鄉 約 章 呈 đầu năm 1904, Khế ước chương trình   契 约 章 呈, Đề Xuyên hương ước tiết mục 提 川 鄉 約 節 目 năm 1905, Nguyên Long Đàm Chu xuyên hương ước 元 龍 覃 朱 川 鄉 約 năm 1924, Tương trợ ước tòa mục 相 助 約 座 目 năm 1925, Quan Bắc hương ước 關 北 鄉 約 năm 1932, Cao Tệ quận mậu trường Hương chính án 高 敝 郡 茂 長 鄉 約 正 案 năm 1937. Trong các văn bản hương ước trên, theo điều tra bước đầu của chúng tôi, có 4 văn bản thuộc địa phận Bắc Triều Tiên ngày nay. Đó là các bản: Hải Châu hương ước, Hải Châu nhất hương ước thúc, Quan bắc hương ước (2 bản).

Có thể thấy trong số các bản hương ước vừa kể trên thì số văn bản ở hai thế kỷ XIX và XX chiếm nhiều hơn cả, 9 văn bản của thế kỷ XIX và 10 văn bản của thế kỷ XX. Chúng tôi cho rằng sở dĩ có hiện tượng như vậy bởi hai thế kỷ này gần với thời kỳ đi sưu tập nên hương ước ở giai đoạn muộn dễ phát hiện hơn. Hơn nữa, vào những năm đầu thế kỷ XX, Triều Tiên đang bị sự thống trị của Nhật Bản, để thực hiện chính sách cai trị của chế độ thực dân, đế quốc Nhật đã cho chỉnh sửa lại hương ước cũ cho phù hợp với mục đích thống trị. Mục đích của việc chỉnh sửa này là muốn các vùng nông thôn của Triều Tiên thực hiện chính sách cai trị của Nhật một cách có tổ chức, hiệu quả hơn. Thông qua hương ước, đế quốc Nhật Bản muốn chính sách thống trị được áp dụng trong việc quản lý xã hội nông thôn Triều Tiên hơn là bằng cách cưỡng chế. Lý do này khiến cho các địa phương của Triều Tiên đã có những bản hương ước mới được viết ra dưới sự chỉ đạo của quân phiệt Nhật. Đó có thể là một trong những lý do khiến cho số văn bản hương ước của Triều Tiên trong thế kỷ XX tăng hơn so với các thời kỳ trước. Việc thực hiện hương ước trong thời kỳ thống trị của Nhật Bản phản ánh ý đồ của thực dân thống trị, lợi dụng những người ủng hộ chính sách thực dân và những người bị cuốn vào guồng máy thống trị thực dân để kiểm soát sự phê phán và bảo thủ của tầng lớp Nho sĩ truyền thống. Có thể thấy rõ điều này trong bản hương ước Cao Tệ quận Mậu Trường hương ước chính án  高 敝 郡 茂 長 鄉 約 正 案. Việc sửa đổi lại hương ước cũ, biên soạn lại theo tư tưởng thống trị của ngoại bang ở Triều Tiên cũng tương tự như ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đối với Triều Tiên là sự xâm chiếm của đế quốc Nhật, còn ở Việt Nam là sự xâm chiếm của thực dân Pháp. Triều Tiên có “Hương ước chương trình” đã cải biên lại hương ước cũ thì Việt Nam cũng có “Hương ước cải lương” với mục đích tương tự.

Trong hai thế kỷ XVI, XVII ở Triều Tiên có hai loại hương ước, một loại mô phỏng gần như những đặc điểm chính trong hương ước của Chu Tử, một loại khác được coi là đại diện cho hương ước bản địa của Triều Tiên, đó là dòng hương ước của Thoái Khê và Lật Cốc. Hai nhà Nho Triều Tiên này đã viết lại hương ước trên tinh thần dân tộc bản địa là chính, hương ước do họ viết ra được coi là hương ước Chu Son, họ có tham khảo thêm ý kiến của các vị tiền nhân trước kia, trong đó có tham khảo Lam Điền Lã thị hương ước nhưng về cõ bản là không giống với hương ước của Chu Tử. Có thể tìm thấy quan điểm của họ trong Tây Nguyên hương ước, Hải Châu hương ước hoặc Lễ an hương ước... Vào cuối thế kỷ XVIII, năm 1797, Chính Tổ đại vương của Triều Tiên ban bố Hương lễ hợp biên đã nói lên tầm quan trọng của Hương ước trong đời sống xã hội cuối thời kỳ trung đại. Những quy định như Lễ uống rượu trong Hương Hương ẩm tửu lễ, Lễ thi bắn trong Hương Hương xạ lễ hương ước, Lễ đội mũ cho kẻ sĩ Sĩ quán lễ, Lễ cưới cho kẻ sĩ Sĩ hôn lễ... là những quy định về luân lý xã hội có tính chất kiềm chế theo kiểu Chu Tử áp dụng trong xã hội nông thôn. Chính phủ đã dựa trên việc thực hiện hương ước để duy trì trật tự xã hội, duy trì sự thống trị lâu dài. Như vậy, hiển nhiên thời kỳ này hương ước sẽ phải xuất hiện nhiều hơn, nhưng thực tế các văn bản được sưu tập còn lại không tương xứng như thế. Suốt thế kỷ XIX, hương ước Triều Tiên vẫn tiếp tục được phát huy để đối phó với các tư tưởng mới và gìn giữ tư tưởng Nho giáo kiểu Chu Tử. Hương ước đã góp phần giữ gìn trật tự an ninh, ngãn chặn những ý định phản nghịch trong Hương đảng... Những điều như thế có thể tìm thấy trong “Hương ước chương trình”. Sang thế kỷ XX, hương ước Triều Tiên đã chuyển sang một giai đoạn mới như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Tìm hiểu nguyên nhân về sự xuất hiện không nhiều các văn bản hương ước chữ Hán Triều Tiên, chúng tôi cho rằng, có thể là ở bắc Triều Tiên hiện nay vẫn còn nhiều văn bản hương ước của thời kỳ Chu Son nhưng chưa được tập hợp lại do hai miền nam bắc Triều vẫn chưa được thống nhất nên chưa có điều kiện để điều tra, khảo cứu. Hoặc có thể là vẫn còn những văn bản hương ước giai đoạn này ở ngay tại Hàn Quốc nhưng chưa được tập hợp để xuất bản chăng? Mặt khác, lý giải về việc số lượng văn bản hương ước của Triều Tiên có rất ít so với Việt Nam còn ở chỗ: hương ước Triều Tiên là văn bản dùng cho cả huyện hoặc quận lớn như ngày nay, vì thế nó không thể chiếm số lượng lớn như các làng xã Việt Nam. Tuy nhiên, về mặt niên đại của văn bản hương ước giữa Việt Nam và Triều Tiên thì văn bản của Triều Tiên có niên đại sớm hơn so với Việt Nam. Từ giữa thế kỷ XV, ở Triều Tiên đã có văn bản hương ước chữ Hán, văn bản này theo chúng tôi là có sự phát triển độc lập so với các văn bản hương ước chịu sự chi phối của Lam Điền Lã thị hương ước và Chu Tử tăng quyên Lã thị hương ước sau này. Xét về niên đại, văn bản hương ước của Triều Tiên xuất hiện sớm hơn văn bản hương ước Việt Nam hai thế kỷ, hầu như trong văn bản hương ước của Triều Tiên đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Lam Điền Lã thị hương ước và Chu Tử tăng quyên Lã thị hương ước. Một điều cần nhấn mạnh để thấy có sự khác biệt cõ bản giữa hương ước Việt Nam và Triều Tiên là vấn đề niên đại. Các văn bản chữ Hán của Triều Tiên nói chung cũng như văn bản hương ước nói riêng đều dùng niên đại của Trung Quốc như Gia Tĩnh, Cảnh Lịch, Khang Hy... Riêng ở Việt Nam, từ những văn bản của thế kỷ X đến những văn bản của giai đoạn về sau đều dùng niên đại là niên hiệu của các triều vua Việt Nam. Dù ngay trong giai đoạn chúa Trịnh đang thoán đoạt quyền vua Lê nhưng tất cả niên đại của văn bản đều nhất quán dùng niên đại của triều vua Lê đang trị vì.

3. Vấn đề đạo đức và quy định các hành vi ứng xử trong hương ước Triều Tiên

Nổi bật trong văn bản hương ước Triều Tiên là những quy định về đạo đức và các hành vi ứng xử. Nếu như văn bản hương ước Việt Nam cũng có những điều quy định về hành vi ứng xử nhưng chủ yếu là của người dân đối với cộng đồng làng xã, thì văn bản hương ước Triều Tiên lại đề cập rất nhiều đến vấn đề đạo đức trong gia đình. Đó là nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, của anh em với nhau nhưng chủ yếu là em đối với anh, là nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, trong đó người đàn ông giữ vai trò then chốt trong gia đình. Điều này đã được thể hiện ngay trong bản Hương ước đầu tiên của Triều Tiên, đó là bản Quang Châu hương ước điều mục viết năm 1445. Trong nội dung quy định của văn bản này, những vấn đề đạo đức liên quan đến cộng đồng đặt ở vị trí sau đối với gia đình. Trách nhiệm và nghĩa vụ đối với gia đình là trước tiên, trong đó tội bất hiếu xử nặng nhất nhưng theo luật pháp của quốc gia. Còn các mối quan hệ nội tộc giữa anh em trai thì bao giờ người em cũng phải nhún nhường chịu nhẫn nhục trước người anh, lẽ phải bao giờ cũng thuộc về bậc huynh trưởng dù họ có sai thì cũng không bị trách phạt. Đây chính là điều lệ của hương, tức là áp dụng cho cả một vùng rộng lớn(4).

Như vậy văn bản hương ước có niên đại sớm nhất hiện còn của Triều Tiên đã cho thấy vấn đề đạo đức với cha mẹ, anh em là điều quan trọng nhất, được đặt lên trên cả quan hệ với quan phủ, huyện và hương thôn. Việc đối xử giữa những người thân trong gia đình như cha mẹ, con cái, vợ chồng mang tính áp đặt theo kiểu Nho giáo nhưng đã tạo nên một trật tự đẳng cấp, người dưới phải phục tùng người trên. Về khía cạnh đạo đức thì tạo ra được một trật tự lớp lang trong gia đình là điều cần thiết nhưng nếu cứ ỷ thế huynh trưởng mà làm những việc sai trái thì lại tạo ra một sự bất công khó chấp nhận. Trong nội dung văn bản Quang Châu hương ước đã cho phép người anh được hưởng những ưu đãi thật đặc biệt của người được sinh ra trước trong một gia đình, bất chấp họ có thể gây ra điều sai trái nhưng vẫn được thể tất.

Văn bản hương ước Lễ An Hương lập ước điều 禮 安 鄉 立 約 條 viết năm 1556 cũng tái khẳng định lại những quy chuẩn về đạo đức của người dân trong phạm vi gia đình, bè bạn, Hương thôn tương tự như Quang Châu hương ước như sau:

- Kẻ bất hiếu với cha mẹ (tội bất hiếu với cha mẹ có hình phạt của nhà nước, thường xử tội chết, con gái chưa chồng cho giảm đi một bậc).

- Kẻ gây lộn đánh nhau với anh em (anh trái em phải đều có tội, anh phải em trái tội càng nặng, phải trái cùng một nửa như nhau thì anh tội nhẹ, em tội nặng)

- Kẻ làm cho gia đạo hỗn loạn (khi vợ chồng cùng đánh chửi nhau, không phân biệt nam nữ truất ngôi vợ chính, thê thiếp phải chịu tội)...

Tất cả những điều trên đều khép vào tội lớn nhất.

Từ đây cho chúng ta biết trong hương ước Triều Tiên, đạo hiếu được đặt lên hàng đầu, đạo hiếu được biểu hiện trong việc phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống, lúc ốm đau bệnh tật, lúc tang tế. Điều đó cốt để tạo nên một chế độ sinh hoạt trong gia tộc, tạo ra ý thức giáo dục, thể hiện giá trị luân lý của người Triều Tiên mang tính nhân đạo chủ nghĩa. Mặt khác thái độ cung thuận đối với bậc trưởng niên cũng được thể hiện rất rõ trong hương ước. Theo quan niệm của người Triều Tiên, từ 20 tuổi trở lên được coi là bậc trưởng niên, kẻ ít tuổi phải nghe theo người lớn tuổi, đó là biểu hiện tinh thần trọng xỉ của xã hội Triều Tiên. Một điểm nữa cũng luôn được đề cập về khía cạnh đạo đức, đó là nam nữ đối xử với nhau phải có lễ tiết, vợ chồng cư xử với nhau phải cung kính, không được vui vẻ mà khinh nhờn, cũng không được đối xử sõ bạc, phải có trách nhiệm với nhau...

An Đông hương ước 安 東 鄉 約 viết năm 1602 cũng quy định ở ngay điều đầu tiên là:

- Thờ cúng cha mẹ phải tận tâm, thể hiện sự thành kính hiếu đễ.

- Dạy con em tất phải lấy nghĩa làm phương pháp

- Tôn kính bậc trưởng thượng

- Hòa mục với xóm làng

- Yêu thương anh em

- Đôn hậu với người thân cũ

- Lấy lễ để đối đãi với thê thiếp

- Tiếp đãi bạn bè phải thân tín...(5)

Phần khép tội lớn nhất về quy định ứng xử cũng là kẻ đã không thuận theo cha mẹ, kẻ đánh nhau với anh em, kẻ làm cho gia đạo hỗn loạn, kẻ can thiệp vào việc quan phủ có quan hệ đến phong tục của Hương... giống như văn bản Lễ An hương ước. Văn bản Mật Dương hương ước 密 陽 鄉 約 viết năm 1648 có nội dung tương tự như Lễ An hương ước khi quy định về đạo đức của con cái với cha mẹ, với người lớn tuổi, quan hệ vợ chồng, anh em, bạn bè, làng xóm... Bàn Khê hương ước 磻 溪 鄉 約 viết vào cuối thế kỷ XVII là một trong những bản hương ước được soạn thảo trên nội dung chính của bản Lam Điền Lã thị hương ước cũng có cách giải thích về Đức nghiệp 德 業 như sau: Đức nghiệp là có hiếu với cha mẹ, tôn kính bậc trưởng thượng, yêu thương anh em, biết dạy dỗ con cháu, thân thiết với Hương đảng, hòa mục với xóm làng, lấy lễ để chỉnh đốn gia đình, giao hữu với bạn bè phải tin cậy v.v...(6) Trong văn bản Tây Nguyên hương ước 西 原 鄉 約 viết năm 1571 cũng quy định những tiêu chí để được xem là người thiện như sau: “Người thiện là phải có hiếu với cha mẹ, thân thiết với anh em, có khả năng điều khiển gia đình trở nên có phép tắc, trong ngoài đều tề chỉnh, có khả năng hòa nhã với láng giềng, có khả năng lấy đạo Nho để gìn giữ bản thân, có khả năng lấy việc nghĩa để dạy con em, có khả năng giữ liêm khiết để răn giới, có thể hướng dẫn người làm việc thiện, có thể giúp người thoát khỏi tranh cãi, có thể tháo gỡ cho kẻ bị oan trái...”(7)

Những dẫn chứng trên cho thấy vấn đề về đạo đức từ trong gia đình đến những quan hệ bạn bè làng xóm luôn là điều được các bản hương ước Triều Tiên quan tâm định hướng. Những vấn đề đó được định hướng theo quan điểm của Nho giáo, trong đó người đàn ông nắm giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ các mối quan hệ. Cũng từ những điều quy định trong các văn bản hương ước trên cho thấy người đàn ông Triều Tiên được phép lấy nhiều vợ, họ chỉ cần điều khiển gia đình sao cho êm ấm, không xảy ra đánh chửi nhau. Nếu xảy ra việc lộn xộn cãi cọ trong gia đình thì chính các bà vợ mới là người chịu thiệt thòi, họ bị truất quyền vợ chính thức, các bà vợ cả bị mất vị trí.

Về việc ứng xử trong cộng đồng, các văn bản hương ước Triều Tiên đều coi trọng ý thức giữ gìn phong tục tốt đẹp của địa phương. Ý thức đó được thể hiện như:

- Người làm quan không được ỷ thế để gây khó dễ cho dân, không được biến việc công thành việc tư, không được nhân danh làm việc cho làng xóm mà gây ra những điều tồi tệ cho dân.

- Không được miệt thị nói xấu người chịu trách nhiệm quản lý cả một khu vực lớn là Hương trưởng.

- Không được làm xấu phong thái kẻ sĩ.

- Không được ỷ thế mạnh để làm nhục kẻ yếu, không được làm những điều ngông cuồng trái với lẽ phải...

Những điều nêu trên là biểu hiện của ý thức cộng đồng và tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong xã hội. Tóm lại những giá trị về đạo đức xã hội được nêu bật trong hương ước Triều Tiên gồm có 4 vấn đề chính được đúc kết bởi các tiêu chí giống như Lam Điền Lã thị hương ước và Chu Tử tăng quyên Lã thị hương ước của Trung Quốc. Đó là Đức nghiệp tương khuyến 德 業 相 勸, Lễ tục tương giao 禮 俗 相 交, Quá thất tương quy 過 失 相 規, Hoạn nạn tương tuất 歡 難 相 恤. Trong 4 tiêu chí đó thì đức nghiệp vẫn giữ vị trí chính, là kỹ năng đào tạo nhân cách xã hội. Tất cả là sự thể hiện luân lý về cá nhân, về gia tộc, về xã hội.

4. Tư tưởng Nho giáo trong hương ước Triều Tiên

Trước hết cần khẳng định tất cả các văn bản được viết bằng chữ Hán dù là ở Triều Tiên, Nhật Bản hay Việt Nam đều là sản phẩm của Nho giáo. Chữ Hán chính là công cụ để chuyển tải tư tưởng Nho giáo, đýa tư tưởng Nho giáo du nhập vào các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Chính vì vậy hương ước của Triều Tiên cũng là một loại hình văn bản chuyển tải nhiều tư tưởng Nho giáo và điều này vẫn còn ảnh hưởng rất sâu đậm trong cuộc sống của người Hàn quốc đương đại. Tư tưởng Nho giáo được phản ánh trong hương ước Triều Tiên biểu hiện rõ nhất trong mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, quan hệ vợ chồng, anh em, quan hệ với bạn bè người thân. Bên cạnh đó việc ứng xử với nhau trong cộng đồng dân cư cũng là vấn đề được đặt ra trong hương ước Triều Tiên. Trong các mối quan hệ này, quan hệ và trách nhiệm đối với cha mẹ là cao nhất. Con không được bất hiếu với cha mẹ, nếu như vi phạm phải chịu hình phạt chết. Khi cha mẹ còn sống phải có trách nhiệm phụng dưỡng chu đáo, khi cha mẹ qua đời phải lo tang tế theo đúng lễ tục. Cha mẹ là đấng tối thượng buộc những người làm con phải luôn ghi nhớ để chãm sóc và phụng dưỡng suốt đời. Ý thức này khiến cho con người sống nhân bản hơn, có giá trị giáo dục cao hơn. Tư tưởng Nho giáo còn thể hiện ở tinh thần trọng xỉ, kính trọng người cao tuổi và quyền uy cao nhất thuộc về bậc trưởng thượng. “Tôn kính trưởng thượng” - tôn trọng và kính nể bậc trên, người cao tuổi là điều được nhắc đến trong tất cả các văn bản hương ước từ Quang Châu hương ước, Lễ An hương ước, An Đông hương ước, Mật Dương hương ước... Người ít tuổi phải phục tùng nghe lời người cao tuổi hơn mình. Đây là mô hình xã hội cũng như trật tự gia đình theo tư tưởng Nho giáo. Theo đó, người dưới không được có ý định phản kháng người trên, nếu có điều đó xảy ra thì dù đúng sai thế nào kẻ dưới cũng bị trừng phạt nặng hơn. Điều này theo chúng tôi là sự vô lý, nhưng với tầng lớp thống trị thì tư tưởng này rất phù hợp để cai trị dân. Cũng theo ý thức hệ Nho giáo thì người đàn ông được quyền năm thê bảy thiếp mà không bị xã hội lên án. Duy trì trật tự gia đình với nhiều vợ là bổn phận và trách nhiệm của người đàn ông, miễn sao họ không để xảy ra tình trạng lộn xộn trong gia đình, giữa các bà vợ với nhau. An Đông hương ước và Mật Dương hương ước quy định “lấy lễ để đối xử với thê thiếp”(8), còn Lễ An hương ước lại ghi tội “sõ bạc với vợ chính” được xếp vào trung tội tức là tội loại vừa phải, thường thường bậc trung. Cũng tội sõ bạc chính thê, Tây Nguyên hương ước lại cho ghi vào Ác tịch 惡 籍 (Sổ ghi những điều ác) để răn dạy và trừng phạt tùy theo mức độ nặng nhẹ.

Tư tưởng Nho giáo đề cập trong hương ước Triều Tiên còn dạy dân có tính trung tín, đôn hậu với bạn bè người thân, cư xử với nhau có tình nghĩa trước sau. Quan điểm trung, hiếu, lễ, trí, tín của Nho giáo Trung Quốc khi truyền sang Triều Tiên được các học giả thể hiện trong hương ước nhưng với mức độ và phạm vi có sự khác biệt. Nếu theo các nhà Nho Trung Hoa, cách ứng xử của một bậc chính nhân quân tử phải trung thành với vua trước tiên, sau đó mới là có hiếu với cha mẹ, tiếp sau nữa mới là có lễ nghĩa, có sự sáng suốt và có độ tin cậy. Quan điểm này khi vào Triều Tiên đã có sự hoán đổi vị trí. Sự trung thành với nhà vua, trách nhiệm với quốc gia được đề cập nhưng với mức độ nhấn mạnh là phải cẩn trọng với tô thuế ở cuối trong tất cả những điều cần làm. Cẩn trọng với tô thuế đồng nghĩa với việc có nghĩa vụ với nhà nước, đó cũng là sự trung thành với quốc gia. Các học giả Triều Tiên đã đýa đạo hiếu với cha mẹ lên hàng đầu, tiếp theo là sự trung thực, tin cậy khi đối xử với bạn bè, người thân, sau đó là lễ nghi khi giao tiếp. Sự trung thành với quốc gia dường như không được coi là điểm mấu chốt để nêu bật trong hương ước. Theo quan điểm của các học giả Triều Tiên, khi gia đình và đạo đức gia đình được chấn chỉnh và phát huy sẽ khiến cho phong tục được trở nên tốt đẹp; như thế cũng sẽ góp phần làm ổn định xã hội. Trong lời tựa cho Tây Nguyên hương ước, tác giả đã viết: “Hương ước đã có từ lâu lắm rồi. Người trong một Hương [huyện] thì khi khó khăn phải giúp đỡ lẫn nhau, khi có bệnh tật phải cứu giúp nhau, khi có việc ra ngoài thì phải hỗ trợ nâng đỡ nhau. Vả lại, khiến cho con em chịu sự giáo dục của gia đình, của trường làng, trường huyện, để đôn đốc nâng cao ý nghĩa của hiếu đễ, [khiến cho] thịnh trị đến ba đời, phong tục đẹp, thuần lương cũng từ đó mà ra”(9). Tác giả cũng cho biết, ông vốn là người theo đạo Nho, có ý muốn giáo hóa cho dân thành mỹ tục, trong lòng luôn đau đáu khôn nguôi. Tác giả còn nói rõ việc biên soạn hương ước của ông là tham khảo ý kiến của các phụ lão trong Hương, tham khảo hương ước cũ do hai người trong ấp [làng] đã biên soạn, lại thêm xem xét Lam Điền Lã thị hương ước mà giản lược bớt đi để từ đó đặt ra những điều ước mới. Tác giả của Lễ An Hương lập ước điều cũng viết trong bài tựa như sau: “Bậc đại phu trong làng lấy đức để hành đạo, làm kẻ sĩ tất phải tu chính trong gia đình, làm rạng rỡ nõi làng xóm, sau đó có thể chấn hưng được quốc gia. Đạo gốc của người hiếu đễ trung tín rất lớn mà thi hành công việc thật cho gia đình và làng xóm đều ở trên đất này... Huống chi, thời gian làng theo Hương tục đã xa, cái tốt cái xấu có thể xen nhau, cái mạnh cái yếu có thể hòa nhau khiến cho hiếu đễ trung tín có thể chậm, có thể không thi hành, thậm chí có thể khiến cho cái xấu, cái ác có thể quay về. Như thế thật là đại họa cho nền vương chính. Như vậy, những nhà Nho Triều Tiên đã mang tư tưởng Nho giáo của Trung Hoa để áp dụng vào việc dạy cho dân có những phong tục đẹp theo quan điểm của họ. Nho giáo được coi là một chuẩn mực để định ra những giá trị đạo đức và các hành vi ứng xử cho dân. Nhưng tiêu chí trung quân - tức là trung thành với vua đã bị đẩy xuống hàng thứ, sau tiêu chí hiếu đễ với cha mẹ anh em. Nền tảng của Nho giáo Triều Tiên được phản ánh qua hương ước lấy đạo hiếu làm trọng. Từ đạo hiếu đễ sẽ chi phối các mối quan hệ ứng xử khác. Muốn có được các tiêu chuẩn về hiếu đễ trung tín của Nho giáo thì cần phải tôn trọng kẻ sĩ và gia tộc của kẻ sĩ. Trong Lễ An hương ước có một điều quy định “Kẻ thứ nhân mà lăng miệt gia tộc kẻ sĩ” thì sẽ bị cáo quan trị tội. Tương tự như vậy trong Quang Châu hương ước cũng có một số điều quy định liên quan đến uy tín của kẻ sĩ và gia tộc kẻ sĩ như: “Kẻ nào không có liêm sỉ để hủy hoại phong thái kẻ sĩ, hoặc một người nào đó có tín nhiệm trong Hương thôn mà lăng miệt gia tộc kẻ sĩ thì sẽ bị tâu lên quan cứ y theo luật mà trị tội”. Những điều quy định trên chứng tỏ các nhà Nho Triều Tiên bấy giờ đang cổ súy cho Nho giáo và những gia tộc có người học hành tử tế. Những gia tộc có nhiều thế hệ theo con đường học hành thi cử mới được coi là gia tộc kẻ sĩ và họ đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt làng xã. Một trong những tiêu chí để được gọi là người thiện trong Tây Nguyên hương ước là phải: có khả năng lấy đạo Nho để gìn giữ bản thân bên cạnh các yêu cầu khác. Chính vì tôn trọng những người có học nên tiêu chuẩn để chọn người đảm trách công việc trong làng xã luôn lấy những người có học có đức. Hải Châu hương ước đã ghi: “Chọn một người có đức, có tuổi, có học thuật làm Đô ước chính [người đứng đầu trong Hương], chọn 2 người trong Hương thay phiên nhau làm Phó; làm Trực nguyệt [phó phụ trách về sự vụ, thông tin, thư ký] tất yếu phải có nô bộc để sai khiến, làm Ty hóa [phó phụ trách về kinh tế, tài chính] nhất định phải là Nho sinh ở trường làng”. Chính Nho học đã tạo ra một lớp trí thức được đánh giá cao trong xã hội Triều Tiên bấy giờ, vì thế nếu một cá nhân nào đó trong làng đi thi và đỗ Tiến sĩ được cả Hương làm đại lễ, đỗ Cử nhân được làm trung lễ để đón tiếp. Sự kiện thi đỗ được coi trọng hơn là được thăng chức, điều này đã được ghi trong Hải Châu hương ước như sau: “Nếu như đỗ Tiến sĩ cập đệ thì làm đại lễ, đỗ Cử nhân thì làm trung lễ. Còn lại các loại lễ như lễ đội mũ cho con trai, lễ thăng quan chức lên một bậc đều làm tiểu lễ... và tặng vật cho người đỗ Tiến sĩ là 5 sấp vải bông, đỗ Cử nhân tặng 3 sấp vải bông”. Vì coi trọng những quy định về lễ nghi trong các sinh hoạt cộng đồng nên trong hương ước Triều Tiên đã đặt ra rất nhiều điều xung quanh việc đối đãi bằng lễ nghi. Từ việc hiếu, hỷ, tang, tế đều nhất thiết phải tuân thủ theo một số những quy ước nhất định. Tính chất lễ tục vì thế rất đậm trong hương ước Triều Tiên. Bàn về việc thi hành Lễ, trong Hương ẩm hành lễ độc ước lục đã ghi: “... có lễ là để chấn phát đạo Nho trong làng, vì thế mới bàn về lễ Hương ẩm, hương ước. Tuân theo lễ Hương ẩm, hương ước là quốc triều được giáo hóa, có thể ban hành rộng khắp, phong tục của xóm làng cõ hồ được đầy đặn, đôn hậu hơn...”. Như vậy việc thi hành lễ nghi để chấn hưng và phát triển Nho giáo và việc tiếp thu, chịu sự tác động của Nho giáo đã khiến cho xã hội Triều Tiên giai đoạn trung cận đại đã ứng xử theo trật tự của nghi lễ Nho giáo. Các lễ nghi được quy định trong hương ước Triều Tiên bao gồm từ việc đọc các bản cáo văn khi cúng tế, việc chắp tay khi bái lạy, việc xin mời nghênh rước và tống tiễn các bậc Tiên sý, Tiên thánh, việc đýa quà biếu tặng khi có tin vui hoặc tin buồn. Tất cả các văn bản hương ước đều ghi rất cụ thể những quy định về tục lệ lễ nghi này.

Ở Triều Tiên tư tưởng Nho giáo thông qua hương ước được xây dựng nên như là một thứ luân lý để răn dạy mọi thành viên trong cộng đồng chung, phải sống có tình nghĩa, hiếu đễ với những người thân trong gia đình; phải biết quan tâm và có trách nhiệm với các thành viên khác trong cộng đồng, gặp người hoạn nạn, khó khăn biết dang tay cứu giúp, biết cư xử theo đúng lễ nghĩa. Đó là sự định hướng của các trí thức Nho học Triều Tiên nhằm xây dựng một xã hội nông thôn theo trật tự và lễ nghi Nho giáo, nhằm đào tạo những thế hệ sau có phẩm chất của một hiền nhân quân tử. Phẩm chất này chỉ có thể được đặt ra bởi những trí thức lớn, khát khao có sự đổi mới cách tân đối với xã hội, dẫn dắt nhân dân đi theo những mục đích của Chân, Thiện, Mỹ. Chẳng hạn như trong Lật Cốc tăng quyên Lã thị hương ước, “Đức nghiệp” được định tính như sau:

“Đức là có hiếu với cha me, trung thành với quốc gia, thuận đạo với anh em, biết cư xử với bậc trưởng thượng. Dùng đạo [đạo Nho] để trị thân, dùng lễ để điều khiển gia đình cho ngay chính, khi nói phải giữ điều trung tín, khi làm việc gì phải hết sức kính cẩn. Để tránh sự giận dữ phải khống chế lòng ham muốn, khi nói ra tiếng phải học hỏi từ xa, thấy việc thiện tất phải làm, nghe những điều lỗi lầm tất phải sửa. Khi tế lễ phải hết sức thành khẩn, phải dùng áo tang khi có tang tế. Hòa mục với thân tộc, giao hảo với xóm làng, chọn bạn thân với người nhân hậu, dạy con có phương pháp, cai trị kẻ dưới có luật pháp, nghèo nhưng phải giữ liêm khiết, giàu nhưng phải lấy lễ để cư xử nhường nhịn”(10).

Tất cả những điều định ra như thế, theo chúng tôi là cao so với nhận thức chung của một con người bình thường, khiến cho người ta khó có thể đạt tới và luôn cảm thấy bị gò bó theo một khuôn khổ định sẵn, không phát huy được tính chủ quan sáng tạo của mình. Tuy nhiên, nếu những điều đặt ra mang ý nghĩa luân lý, giáo dục về đạo đức, nhân cách, lối sống thì chúng sẽ có ảnh hưởng mang tính tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là sự tiệm tiến dần dần. Có thể vì thế mà ngày nay người Hàn vẫn được tiếng là sống có lễ nghĩa, có giá trị đạo đức cao theo truyền thống Nho giáo.

Nhìn chung, tư tưởng Nho giáo đã giữ vai trò quan trọng trong việc định hình nhân cách cho dân, từ nhân cách đối với gia đình đến nhân cách ứng xử trong xã hội Triều Tiên thời kỳ trung cận đại. Tư tưởng Nho giáo được các nhà Nho Triều Tiên tiếp thu và phát triển theo xu hướng dân tộc, coi trọng tình cảm gia đình, yêu kính cha mẹ, thương yêu anh em, nhân hậu với người thân, quý trọng tình bằng hữu, hòa mục với xóm làng, trọng nghĩa lý, biết cứu giúp người trong khó khăn hoạn nạn, ứng xử đúng với vị trí của mình nõi Hương đảng.

Kết luận: Tuy cùng chung tên gọi là hương ước nhưng ý nghĩa và nội dung phản ánh của hương ước Triều Tiên rất khác so với hương ước của Việt Nam. Hương ước của Triều Tiên được phổ biến trong một phạm vi rộng để xây dựng nhân cách cho người dân và điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội, hương ước Việt Nam là những lệ tục riêng biệt của từng cấp thôn, xã về sinh hoạt làng xã, trong đó chú trọng đến trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân đối với làng, xã. Loại hình văn bản có nội dung tương tự như hương ước ở cấp xã, thôn của Việt Nam được thể hiện trong các khế ước, điều ước của các đõn vị nhỏ hơn như diện 面 giáp 甲 gia tộc 家 族 chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này vào một dịp khác.

 

Chú thích:

(1Nhân đây tôi xin được bày tỏ sự cám ơn tới Quỹ Korea Foundation for Advances Studies của Hàn Quốc đã tạo điều kiện để tôi có thể tiếp cận, khai thác tài liệu, cám õn PGS. TS. Han Do Huyn, Khoa Xã hội học và Giáo dục, Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học trung ương, đã trao đổi góp ý khi tôi nghiên cứu về đề tài này. Xin cảm ơn các đồng nghiệp Hàn Quốc đã quan tâm, khích lệ tôi trong quá trình nghiên cứu.

(2Dẫn lại theo lời tựa của sách Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư, quyển 1, Bảo Cảnh văn hóa xã, Korea, 1986, tr.2.

(3Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư, Sđd, tr.3-5.

(4) Xem Phạm Thị Thùy Vinh: “Quang Châu hương ước điều mục, bản hương ước cổ nhất của Triều Tiên”, Tạp chí Hán Nôm số 3/2005,

(5) (6) (7) (8) (9) Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư, Sđd.

(10Dẫn lại theo sách 朝 鮮 時 代 社 會 史 研 究 史 料 叢 書 (Nghiên cứu hương ước triều đại Triều Tiên) Trì Giáo Hiến, Thôi Văn Khánh, Bốc Quân Biến, Dân Tục Uyển, 1991, tr.26./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (75) 2006; Tr.10-22)

Post by: admin
09-04-2021