Những năm 980 - 981, dân tộc ta dưới sự chỉ đạo tài tình của Lê Đại Hành tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược vô cùng anh dũng và đã chiến thắng giòn giã. Chiến thắng đó bảo vệ được Tổ quốc độc lập vừa được khôi phục, sau mươi thế kỷ Bắc thuộc.
Năm 1981, Viện Sử học Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 1000 năm cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê. Từ đó nhiều vấn đề khoa học được đặt ra, như vấn đề so sánh lực lượng, diễn biến chiến sự v.v và phức tạp nhất là việc xác định vị trí một số địa danh cổ như Bình Lò, Tây Kết, Hoa Bộ, Lãng Sơn v.v… Bài viết này chỉ nhằm xác định địa danh Lãng Sơn mà bấy lâu nay bị đọc nhầm là Ngân Sơn, liên quan đến đường hành quân của đạo quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy đồng thời làm sáng tỏ thêm sự nghiệp kháng chiến của quân dân ta thời Tiền Lê.
I
NGÂN SƠN HAY LÃNG SƠN TRONG SÁCH VIỆT SỬ LƯỢC
Trong tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 5 (tháng 9 - 10 - năm 1983), Đinh Văn Nhật bác bỏ ý kiến của Nguyễn Vinh Phúc và cho rằng: “Chúng tôi loại trừ các đường khác vì hoặc không bảo đảm an toàn, hoặc quá dài, đi quá lâu, thí dụ như đường Cao Bằng, Ngân Sơn, Thái Nguyên…”. Tác giả kết luận: “Ngân Sơn ghi trong Việt sử lược chính là núi Mỏ Thổ (162cm) cao nhất vùng đồi bậc thềm trung du của các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế. Tọa độ địa lý của núi Mỏ Thổ là 21025’ bắc, 106005’ đông”. Thực ra Việt sử lược không hề ghi Ngân Sơn, mà chỉ ghi Lãng Sơn.
Hai tác giả trên có ý kiến khác nhau về vị trí Ngân Sơn nhưng lại thống nhất, theo bản dịch Việt sử lược, cho rằng đạo quân Hầu Nhân Bảo đi qua Ngân Sơn. Cuộc tranh luận đã thu hút nhiều nhà khoa học quan tâm đến địa danh Ngân Sơn. Nhưng vấn đề đầu tiên được đặt ra là sách Việt sử lược có chép đạo quân Hầu Nhân Bảo đi qua Ngân Sơn hay không ? Trở lại các văn bản chữ Hán của Việt sử lược kết quả kiểm tra văn bản học cho thấy, đoạn văn chép đường hành quân của Hầu Nhân Bảo chỉ có tên đất Lãng Sơn, không hề thấy tên đất Ngân Sơn. Sau đây xin thống kê kết quả:
- Sách Việt sử lược (nguyên bản ở Tứ khố toàn thư) in trong Hoàng triều phiên thuộc dư địa tùng thư, do Thượng Hải thư cục in năm 29 thời Quang Tự (1903), ký hiệu ở Thư viện Viện Thông tin là P.264/4. Đoạn chép chiến sự năm 981, nguyên văn như sau: “Tân Tị, Thiên Phúc nguyên niên xuân Tam nguyệt, Hầu Nhân Bảo quân chí Lãng Sơn (浪 山). Trần Khâm Tộ chí Tây Kết, Lưu Trừng chí Bạch Đằng Giang…”
- Sách Việt sử lược do Thượng Hải Thương vụ ấn thư quán in năm thứ 26 thời Trung Hoa dân quốc, tức năm 1938, ký hiệu của Thư viện Viện Văn học là T.N.725. Nguyên văn chữ Hán cũng y hệt sách trên nghĩa là có câu: “Hầu Nhân Bảo quân chí Lãng Sơn…”
- Sách Việt sử lược, nguyên bản ở Thủ Sơn các tùng thư, nhóm Vương Vân Ngũ tập hợp vào Tùng thư tập thành, in lại năm Trung Hoa Dân quốc thứ 25, tức năm 1937, có rải rác trong một số tư nhân. Nội dung sách này ở Kỷ Lê Đại Hành cũng chép hệt như các bản sách in nói trên.
Ngoài các bộ sách in nói trên, tôi cũng đã đọc hai sách Việt sử lược viết tay ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.1331, VHv.1521. Hai sách sao này cũng đều chép “Hầu Nhân Bảo quân chí Lãng Sơn …” như các bản in, chứng tỏ đoạn này sao đúng.
Như vậy sách Việt sử lược là bộ chính sử cổ nhất của nước ta đã chép rõ: đạo quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy có dừng lại ở Lãng Sơn. Chữ Lãng ở đây kết cấu theo lối tả hình hữu thanh của Lục thư. Nửa bên trái là bộ “thủy” (ba chấm) ghép cùng nửa bên phải là bộ “lương”, viết thành chữ “lãng” (浪). Lãng có nghĩa là sóng, biểu hiện tính năng động của nước ở vùng sông biển. Chữ nghĩa in chép rành rọt, không hiểu tại sao một vài bài viết, bài dịch đã đọc nhầm Lãng Sơn ra Ngân Sơn. Bản dịch Việt sử lược năm 1960 đã in nhầm là Ngân Sơn và đặc biệt gần đây, Thơ văn Lý - Trần, tập 3, in năm 1978, phần chữ Hán ở trang 260 viết đúng chữ Lãng, mà đoạn phiên âm ở trang 261 lại vẫn đọc là Ngân ?…
Về tên đất Lãng Sơn, một địa danh âm Hán Việt tồn tại trên trục đường biển giao thông Nam Bắc đã qua nhiều đời là việc bình thường. Trong cổ tịch văn bản Việt Nam, Trung Quốc, ta thấy nhiều chỗ, chữ Lãng còn được ghép với cách từ Hán Việt sau đây để trở thành các địa danh vùng sông biển:
Đảo : (ngoài bộ điểu, trong bộ sơn, kết cấu theo lối nội - hình ngoại thanh 島): chỉ núi đá hoặc có lẫn đất cát, chung quanh đều có nước bao bọc; tỷ dụ đảo Vân Đồn, đảo Hoàng Sa, đảo Phú Quốc, đảo Vĩnh Thực…
Dư : (trái bộ sơn, phải bộ dư 嶼) chỉ tầm vóc nhỏ hơn đảo, nhưng chung quanh vẫn có nước bao bọc. Sách Đồng Khánh địa dư chí quyển 16, ký hiệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm VHv.2456 có chép: Xà Đầu dư, Tử Tiêu dư v.v…
Cương (trái bộ sơn, phải bộ cương : Núi nhỏ hoặc đá hoặc đất, có phần giáp nước. Như Lãng Cương, Tử Cương, Cương Lĩnh…
Giáp (trái bộ sơn, phải bộ giáp 岬: núi nhỏ có phần sườn ngập nước biển, gọi là giáp; đảo có mũi chĩa ra gọi là giáp giác. Như Tượng Đầu giáp: hòn Đầu Voi; Hoàng Long giáp: hòn Rồng Vàng v.v…
Cống (trên bộ công, dưới bộ thủy: 汞 kết cấu theo lối thượng thanh hạ hình): Chỉ luồng nước chen giữa quần đảo, hay lạch nước chen vào chỗ hai bên là bãi cát hoặc bãi núi.
Ở vùng Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh có các lạch Cống Ông, Cống Bà, Cống Đồn, Cống Cái, Cống Hạp, Cống Yên, Cống Đông, Cống Thừa… Một số tài liệu địa lý xưa của ta, thường đổi chỗ lại tùy tiện viết chữ “Cống” này ra chữ “Cống” (trên bộ công, dưới bộ bối 貢) có nghĩa là cống nạp, cống phú… nên lớp người sau khó hiểu tình hình địa lý cùng hải đảo.
Với tính chất hình thành địa danh như vậy, ở vùng hải đảo thường có những địa danh như Lãng Sơn, Lãng Dư, Long Cương, Cương Giáp v.v… ở vùng biển nước ta, địa danh Lãng Sơn có liên quan tới các cuộc chống Tống, chống Nguyên mà từ khoảng thời Hậu Lê lại nay, không ai xác định được. Tuy nhiên, tên tuổi nó còn thấy rõ trong các sử liệu tin cậy: Việt sử lược, Thiền uyển tập anh, An Nam chí lược, xác định được vị trí Lãng Sơn sẽ giúp ta xác định được đường hành quân và hoạt động của đạo quân Hầu Nhân Bảo sang xâm lược nước ta vào cuối thế kỷ X.
II
LÃNG SƠN TRONG SÁCH AN NAM CHÍ LƯỢC
Tên tuổi Lãng Sơn không chỉ được ghi chép rõ ràng trong sách Việt sử lược mà còn được thấy ở sách An Nam chí lược do Lê Trắc viết từ cuối thế kỷ XIII sang đầu thế kỷ XIV.
Tôi đã được đọc bản sách in của Viện nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu A.16 Sách do Lục Thiện Đường thuộc thành phố Thượng Hải in lại vào tháng 2 năm Giáp Thân (1884).
Trong quyển 4 của sách này, phần thuật lại việc quân Nguyên sang xâm lược Đại Việt lần thứ ba đã nhắc tới địa điểm Lãng Sơn như sau:
Phiên âm: “Thập nhất nguyệt, thập nhất nhật Mậu Tuất, chu sư tiên tiến, kinh Vạn Ninh thủy khẩu, bỉ tướng Nhân Đức Hầu Trần Đa phục binh Lãng Sơn, tương đoản ngã hậu. Giác chi, tức dạ vi sơn, trà minh kích tẩu, nịch tử giả chúng sổ bách nhân, hoạch thuyên sổ thập tẩu…”.
Nghĩa là: “Ngày 11 tháng 11 là ngày Mậu Tuất, chu sư tiến trước, qua cửa biển Vạn Ninh, tướng bên kia (bên Đại Việt) là Nhân Đức Hầu Trần Đa phục binh ở Lãng Sơn, định cắt đứt hậu quân ta. Ta (bên quân Nguyên) biết được, lập tức đang đêm bao vây núi, chờ sáng thì đánh. Chúng thua bỏ chạy, chết đuối vài trăm người, ta bắt được mấy chục thuyền…”
Sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm đã chú thích kỹ về đoạn này và riêng về địa điểm Lãng Sơn thì đoán định như sau: “ Toàn thư quyển 5 trang 52b chép: Ngày 28… (2-1-1288) Phán thủ Nhân Đức Hầu Toàn đem chu sư đánh ở vụng Đa Mỗ (Đa Mỗ Loan) giặc chết đuối rất nhiều, bắt được 40 tên, thuyền ngựa khí giới đem dâng vua. “Chúng tôi (tức Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm) cho rằng: Nhân Đức Hầu Trần Đa và Nhân Đức Hầu Toàn là một người (vì cùng chiến đấu trong vùng biển Quảng Ninh và nhất là không thể có hai người khác nhau lại cùng một tước hiệu trong cùng một thời). Lãng Sơn trong An Nam chí lược chắc là Ngọc Sơn. Nguyên sử quyển 209 An Nam truyện chép: Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp qua cửa Ngọc Sơn (Mũi Ngọc, Móng Cái). Có lẽ trận Lãng Sơn chép trong An Nam chí lược và trận Đa Mỗ chép trong Toàn thư là một trận…”(1)
Như vậy, địa điểm Lãng Sơn ở vùng biển Quảng Ninh đã liên quan đến đạo thuỷ quân Tống của Hầu Nhân Bảo ở thế kỷ X và trận đánh tướng Nguyên là Ô Mã Nhi ở thế kỷ XII, chứng tỏ đó là một vị trí chiến lược quan trọng.
III
NÚI LÃNG SƠN TRONG SÁCH THIỀN UYỂN TẬP ANH
Thiền uyển tập anh là tác phẩm thời Trần có nhiều sử liệu quí giá. Hiện ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 1 bản, VHv.1267 in năm thứ 11 niên hiệu Vĩnh Thịnh thời Hậu Lê (1715).
Sách này có chép đến Lãng Sơn ở Tiểu truyện Thiền sư Vạn Hạnh. Nguyên văn như sau: “Vạn Hạnh… Đại hành hoàng đế viu sở tôn kính, Thiên Phúc nguyên niên, Tống Hầu Nhân Bảo lai khấu, dồn quân Tử Cương giáp Lãng Sơn. Đế triệu sư vấn chi dĩ thắng bại. Đối viết: Tam thất nhật trung tặc tất thoái. Hậu quá nhiên…”
Dịch nghĩa: “Thiền sư Vạn Hạnh… đến vua Đại Hành lại càng tôn kính sư. Năm đầu niên hiệu Thiên Phúc (980) tướng Hầu Nhân Bảo nhà Tống sang chiếm nước ta, đóng quân ở khoảng núi Tử Cương và Lãng Sơn. Vua mời sư hỏi về thắng bại. Sư đáp: Chỉ ba bẩy ngày giặc tất lui. Sau quả đúng như thế…”
Trong nguyên bản khắc chữ “giáp” là vỏ, đáng ra chữ “giáp” đó phải kèm bộ “sơn” ở nửa bên trái, mới đúng chữ “giáp” có nghĩa là núi nhỏ ở biển. Nhưng trường hợp sơ suất này cũng như trường hợp chữ “cống” tôi đã trình bày ở phần I.
IV
XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ LÃNG SƠN
Xác định vị trí núi này, các tác giả sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII đối chiếu với Nguyên sử, Toàn thư đã đoán định: “Lãng Sơn chắc là Ngọc Sơn…” Tọa độ địa lý trung bình của Ngọc Sơn là 21027’ vĩ bắc, 107057’ kinh đông.
Tôi (TBC) căn cứ ba nguồn sử liệu gốc nói trên, nhất là sách Thiền uyển tập anh cho biết thêm Lãng Sơn liền với núi Cương (hoặc Tử Cương), do đó tôi đoán định Lãng Sơn xưa là cù lao Hai Núi ngày nay trên thực địa và trên bản đồ hiện đại.
1. Xét về giới hạn của vị trí.
- Phía tây cù lao Hai Núi (Lãng Sơn xưa) nay còn tên núi Cương hoặc Tử Cương). Tọa độ địa lý trung bình của Núi Cương là: 210 16’ vĩ bắc, 107 0 34’ kinh đông, gần bãi đất liền châu Tiên Yên, chắc vào khoảng thế kỷ X bãi phù sa chưa lấn ra nhiều. Vùng sông phía tây núi Cương nay còn địa danh Hải Lãng.
- Phía Nam cù lao, nay là vụng cửa Mô, do biến âm tên xưa là vụng Đa Mỗ (Đa Mỗ loan) hay Vụng Mỗ (Mỗ Loan). Mô và Mỗ có âm gần nhau và tự dạng cũng có phần gần nhau. Vụng Cửa Mô bao phía nam cù lao Hai Núi là eo biển cổ họng của Duyên Hải Đạo từ thời Đường Tống. Có lẽ thời chống Nguyên thuyền của vua Trần phải rẽ cửa này nếu vào sông Tam Trĩ.
- Phía đông nam Lãng Sơn nối cửa Mô liền với miệng túi của luồng biển châu Vân Đồn, thuyền phương Bắc thường đi đường lộng theo ven, rồi qua vụng Cửa Mô, mới đến được Cửa Ông, Bạch Đằng. Nhưng khi có thuyền tốt, thuận gió đẹp trời, họ cũng có thể từ khơi phía cù lao Lợn Lòi đi vào, thì phục binh ở bờ đông nam Hai Núi cũng vẫn chặn đánh được.
Với hình thế giới hạn nói trên, Lãng Sơn trở thành vị trí chiến lược quan trọng trên tuyến đường biển phía đông bắc nước ta. Tọa độ địa lý trung bình của Lãng Sơn là 21014’ vĩ bắc, 107036’ kinh đông.
2. Xét về thủy trình và kế hành quân của giặc.
Ở thế kỷ X, Bộ chỉ huy Tống buộc Hầu Nhan Bảo phải dừng quân ở Lãng Sơn, vì sợ rằng quân đội Tống không hợp được thủy bộ với nhau thì không thắng được Giao Chỉ, đồng thời cũng nhằm kiềm chế tính hiếu chiến, hấp tấp lập công của Hầu Nhân Bảo. Mà muốn hội quan tất phải tính độ đường của hai đạo thuỷ bộ đi, đến chỗ cần phải đặt hợp điểm; giá như đặt ở khoảng Ngọc Sơn thì chưa tiện lợi, vì cách điểm xuất phát (Lôi Châu) chưa xa, mà yêu cầu thông tin liên lạc cũng chưa cần. Vậy thì quân Tống phải đặt hợp điểm ở vùng Lãng Sơn là vừa phải, vì ở đó bộ binh Tôn Toàn Hưng với thủy binh Hầu Nhân Bảo dễ liên lạc với nhau bằng đường bộ hoặc đường sông Tiên Yên.
Đối chiếu thủy trình ghi trong Minh nhất thống chí và Độc sử phương dư kỷ yếu, ta thấy: từ núi Bạch Long Vĩ đi thuyền theo bên bờ, sau hai ngày đến cửa Ngọc Sơn; đi tiếp một ngày đến châu Vạn Ninh ( An Nam chí lược ghi: Cửa biển Vạn Ninh; Đại Thanh nhất thống chí ghi: châu Vạn An): đi tiếp 1 ngày nữa đến Miếu Sơn (Miếu Sơn ở tọa độ trung bình 21022’ vĩ bắc, 107045’ kinh đông, hướng phía Nam cửa sông Hà Cối); lại đi tiếp 1 ngày nữa đến Đồn Suốt tuần ty (bờ biển ta xưa, từ Ngọc Sơn đến Đồ Sơn đã đặt nhiều tuần ty, thường kèm thêm Cửa Suốt. Cửa Suốt ghi trong thuỷ trình này có lẽ là Cửa Suốt xưa đặt gần Cửa Mô khoảng 4 km về phía tây, chắc không phải chỗ Cửa Ông); lại đi thuyền 2 ngày nữa đến phủ lỵ Hải Đông… Nhắc lại đoạn thủy trình trên, muốn nói rằng các thời trước, người phương Bắc vào nước ta chủ yếu là đi thuyền ven bờ biển và đến Cửa Mô tất yếu phải rẽ, mới có đường thông. Hơn nữa An Nam chí lược cho biết: Chu Sư nhà Nguyên đi qua cửa biển Vạn Ninh mới đến Lãng Sơn. Sách Toàn thư thì chép: Nhân Đức Hầu Toàn đem thủy quân đánh quân Nguyên ở vụng Đa Mỗ… Vậy thì Lãng Sơn phải ở gần vụng Đa Mỗ hay Cửa Mô, tức Cù lao Hai Núi như tôi đã đoán định.
3. Về tên núi Lãng Sơn: người đời sau khó nhận biết
Tên núi Lãng Sơn nay chỉ được thấy ở vài tập sách thời Trần, mà sách đó cũng do bọn Hoàng Phúc mang về nước Minh, sau triều Thanh cho in lại, thì ta mới được biết(2). Có lẽ đó là lý do mà khi Ngô Sĩ Liên soạn Quốc Sử, chỉ nghe Lãng Sơn trong khẩu truyền(3) mà không thấy Lãng Sơn trong đồ tịch, nên sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 1) của ông chép: “Mùa xuân tháng Ba, Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn…” Vì có thể ông tưởng rằng: quân Hầu Nhân Bảo đã đi qua ải Chi Lăng theo đường Sứ lộ có từ thời Lý.
Sự nhầm tưởng trên đây, một phần do sách cổ bị mất mát, một phần do đến thời Ngô Sĩ Liên thì con đường sứ lộ từ Thăng Long qua Ôn Châu Lạng Sơn đến Ải Nam Quan là đường thẳng, tiện lợi nhất. Tình hình địa lý lúc đó không dễ cho Ngô Sĩ Liên hiểu rằng đạo bộ binh của nhà Tống do Tôn Toàn Hưng chỉ huy sang xâm lược nước ta, đã đi theo hướng đường bộ Ung Châu qua đất Nhương, đất Thang, rồi vào nước ta bằng con đường cổ Tiên Yên, Đông Triều như Lê Quý Đôn và Đặng Xuân Bảng sau này có bàn đến.
Theo sách Sử học bị khảo (phần Địa lý hạ) của Đặng Xuân Bảng thì, từ thời Đinh - Lê về trước, đường bộ ta đi sang Trung Quốc là đi qua đất Quảng Yên, còn đường sứ lộ từ Thăng Long đến ải Nam Quan, đặc biệt là đoạn khoảng từ ải Chi Lăng, Ôn Châu đến biên giới Trung Quốc thì mới đắp xong vào năm Thuận Thiên thứ 9 (1019). Người đầu tiên được vua Lý cử sang nhà Tống đi bằng đường này là Phí Trí năm 1020 được lệnh sang Quảng Tây đón kinh Tam Tạng.
Lê Quí Đôn khảo cứu địa chí Đường Tống và dẫn sách Hoàn Vũ ký đã cho biết: Quỉ Môn Quan ở phía nam huyện Bắc Lưu có hai thành đá dựng đối nhau, có văn bia và đền thờ Mã Viện ở đó. Người thời Tấn cũng đã qua Quỉ Môn Quan ấy sang Giao Chỉ, họ thấy có nhiều chướng lệ, nên nói câu: “Mười người đi, chín người không trở về”. Mà huyện Bắc Lưu thì gần châu Tiên Yên trấn Quảng Yên nước ta, Quỉ Môn Quan ở chỗ gần châu ấy, tục truyền ở châu Ôn Lạng Sơn là không đúng ( Vân Đài loại ngữ, quyển 3 điều 62).
Sách Đại Nam nhất thống chí (quyển 24 Lạng Sơn) mục Đền miếu chép “Đền Quỉ Môn: ở xã Chi Lăng châu Ôn, trước mặt là khe sâu, sau lưng là núi đá, cây cối um tùm, hình thế hiểm trở. Tương truyền đền này thờ Phục Ba Mã Viện, nhưng xem kỹ tượng đá thì tượng hình dáng đàn bà, sự tích thì ngoa truyền không thể khảo cứu được”.
Căn cứ các nguồn tài liệu vừa dẫn trên, rõ ràng đạo thủy quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy đã hành quân theo tuyến đường ven biển Lãng Sơn Bạch Đằng và đạo bộ binh Tống do Tôn Toàn Hưng chỉ huy đã đi theo tuyến đường cổ Tiên Yên, Đông Triều để vào nước ta, chứ không liên quan gì đến vùng Ải Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn như sách Đại Việt sử ký toàn thư thời Hậu Lê đã chép, cũng không hề qua Ngân Sơn như đã bị dịch nhầm trong sách Việt sử lược.
T.B.C
CHÚ THÍCH:
(1) Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. KHXH, H. 1970, tr.261-262.
(2) Trần Bá Chí: Nghiên cứu lịch sử số 6, tháng 11 - 12 năm 1979.
(3) C.L. Madrolle Le Tonkin ancien - BEFEO XXVII - 1937, p. 304.
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/0502.htm