Ngôn ngữ

Thuật ngữ đồng âm thuộc các ngành khoa học khác nhau trong tiếng Việt


15-10-2020
Tác giả: Lê Quang Thiêm

Abstract: After the August Revolution in 1945, when Vietnamese was used as the national language and taught in all levels, including higher education, the urgent demand was to quickly establish a system of scientific terminology. There are many ways to establish the system of terminology from many different sectors; as a result, there are many homonym terms. We should gradually handle with such situation; for example, regulations on new standard pronunciation and spelling in Vietnamese to write accurate terms. It is required to distinguish the multi-sector homonyms of terminology and phonetic transcription, toward the establishment of dictionary which explains and distinguished the term homonym. Is it true that the national arbitration to solve this issue? Key words: termin; terminology; homonym; termins.

THUẬT NGỮ ĐỒNG ÂM THUỘC CÁC NGÀNH KHOA HỌC KHÁC NHAU TRONG TIẾNG VIỆT

 (HOMONYM TERMINOLOGY UNDER DIFFERENT SCIENTIFIC SECTORS IN VIETNAMESE)

 LÊ QUANG THIÊM (GS.TS; Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)

1/ Từ sau năm 1945, hệ thuật ngữ khoa học của Việt Nam phát triển nhanh chóng. Nguyên nhân sâu xa của tình hình này là do tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức của nước Việt Nam độc lập. Tiếng Việt, từ sau Cách mạng tháng Tám đã thay thế tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ quốc gia [1]. Tiếng Việt được sử dụng chính thức trong đối nội, đối ngoại, trong giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học kể cả giáo dục cao đẳng và đại học. Giới khoa học và giáo dục Việt Nam trong cả nước khẩn trương dịch, đặt, phiên âm thuật ngữ từ các ngôn ngữ phát triển như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Hán để phục vụ cho giáo dục bằng tiếng Việt, cho tư duy và diễn đạt tri thức khoa học trong thời đại mới. Kết quả của những hoạt động khẩn trương và tích cực này của giới trí thức, của những người yêu quý tiếng nói chữ viết dân tộc đã tạo ra, lập thành một số lượng thuật ngữ to lớn, đồ sộ thuộc nhiều ngành khoa học và công nghệ, tự nhiên và xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của hoạt động khoa học và giáo dục của nước Việt Nam mới [2]. Bộ phận thuật ngữ khoa học công nghệ trở thành nguồn từ ngữ - tri thức chiếm một số lượng lớn trong vốn từ tiếng Việt, có chất lượng tri thức khoa học đảm bảo cho sự phát triển xã hội. Nó là chứng tích của sự phát triển khoa học, trí tuệ Việt Nam, của sự nhạy bén trong tiếp xúc hội nhập và sự phát triển của tiếng Việt và của văn hóa tri thức Việt Nam hiện đại.

2/ Để có được hệ thuật ngữ to lớn đã sử dụng nhiều con đường tạo thành. Những con đường chủ yếu thường được bàn đến đó là: 1- Sự tiếp nhận nguyên dạng thuật ngữ có trong tiếng Latin, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức là những ngôn ngữ cùng sử dụng hệ văn tự Latin mà chữ quốc ngữ tiếng Việt tận dụng. 2 - Phiên âm hoặc chuyển tự theo cách phát âm và viết rời thành từng âm tiết theo đặc trưng cấu tạo từ ngữ của tiếng Việt. 3 - Chuyển dịch hoặc cấu tạo đơn vị thuật ngữ tương ứng với thuật ngữ gốc (ngôn ngữ nguồn) bằng chất liệu tiếng Việt (ngôn ngữ đích) để tạo thành các thuật ngữ trong tiếng Việt. 4 - Sự chuyển đổi nghĩa - chức năng của từ thường dùng trong phong cách giao tiếp thông thường trở thành thuật ngữ với nội dung khái niệm xác định trong các ngành khoa học, công nghệ khác nhau. Những thuật ngữ được cấu tạo theo con đường chuyển đổi nghĩa và chức năng này là sử dụng các từ thông thường có sẵn trong từ vựng rồi bổ sung cho từ có sẵn đó khái niệm khoa học cần biểu đạt để chúng đảm nhiệm chức năng thuật ngữ trong phong cách, văn bản khoa học, công nghệ. Con đường tạo thành thuật ngữ này trong Việt ngữ học gọi lại thuật ngữ hóa từ thông thường thành thuật ngữ [3].

Có thể nhận thấy rằng con đường cấu tạo này là rất tiện lợi. Nó có tính tiết kiệm là dùng đơn vị từ sẵn có rồi bổ sung, cấp cho nó nội dung biểu đạt khái niệm chính xác để dùng trong phong cách khoa học kĩ thuật mà trở thành thuật ngữ đúng theo cách hiểu của thuật ngữ khoa học. Do có ưu thế tiện lợi này mà nhiều ngành khoa học khác nhau đều tận dụng trong cấu tạo thuật ngữ. Hiệu quả thật ưu việt là tạo ra nhiều thuật ngữ bằng nguyên dạng từ thông thường chuyển thành thuật ngữ. Tuy nhiên cách cấu tạo này cũng có hạn chế, đó là tạo ra hiện tượng đồng âm thuật ngữ trong các ngành khoa học khác nhau. Để tránh nhầm lẫn cần phân biệt rõ hiện tượng đồng âm trong các hệ thống thuật ngữ.

3/ Đồng âm như đều biết là những đơn vị ngôn ngữ khác nhau mà phát âm (nói, đọc) như nhau. Trong bộ môn từ vựng học các nhà chuyên môn thường nói đến là từ đồng âm. Vận dụng cách hiểu từ đồng âm vào hệ thống thuật ngữ thì đó là những thuật ngữ đồng âm, tức là những thuật ngữ với nội dung biểu đạt khái niệm khác nhau mà hình thức phát âm giống nhau. Hiện tượng đồng âm thuật ngữ có những dạng nào và hạn chế gì cần chú ý?

Nếu như từ đồng âm trong vốn từ thường dùng là sự thể hiện độ phong phú của nguồn tạo thành, sự giàu có của khả năng biểu đạt thì sự đồng âm thuật ngữ làm giảm, sẽ hạn chế tính chính xác khoa học - tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu của thuật ngữ. Ví dụ từ đường danh từ đồng âm. Đường d. nghĩa thường dùng là "Lối đi nhất định được tạo ra để nối liền hai địa điểm, hai nơi" [4, 2000]. Tuy nhiên đường d. (chm) là khái niệm "Hình tạo nên do một điểm chuyển động liên tục". Hai nội dung của đường d. là khác nhau, chúng là hai đơn vị đồng âm, một từ đường d. dùng thông thường, một từ dùng với khái niệm khoa học - toán học (T). Hơn thế nữa còn có từ đường d. đồng âm theo nghĩa thường "chất kết tinh vị ngọt, thường chế từ mía hoặc củ cải đường" (4, 2000) và từ đồng âm theo nghĩa thuật ngữ: "Tên thường gọi của saccarozơ C12H22011. Chất tinh thể trắng có vị ngọt, tan trong nước và ít tan trong các dung môi hữu cơ" [5, 2009]. Như vậy khả năng phân biệt đồng âm trong hệ thuật ngữ cần chú ý: 1. Đồng âm thuật ngữ thuộc từ loại khác nhau: mật t. "thông tin cần được dấu kín" và mật d.: "chất có vị ngọt do các tuyến ở đáy một số vị hoa tiết ra". 2. Đồng âm cùng từ loại thuộc phạm vi sử dụng khác nhau: đường d. nghĩa thường dùng và đường d. nghĩa thuật ngữ. 3. Đồng âm do nội dung nghĩa thuộc khoa học khác nhau: điểm d (TN) "Đối tượng cơ bản của hình học mà ảnh trực quan là một chấm nhỏ đến mức như không có bề dài, bề rộng, bề dày" và điểm d (TN) Nhiệt độ ở đó xẩy ra một biến đổi vật lí [4, 2000]. Đồng âm thuật ngữ là một phạm vi đồng âm đặc biệt. Như đã thừa nhận, thuật ngữ chỉ đích danh sự vật hoăc biểu đạt chính xác khái niệm khoa học. Việc hiểu sai, việc nhầm lẫn TN tất yếu sẽ dẫn đến hiệu quả tai hại trong hiểu biết và hành động khoa học. Nhận diện chính xác thuật ngữ có đồng âm hay không không chỉ căn cứ vào nội dung khái niệm biểu đạt mà còn cả hình thức biểu đạt chính xác tương ứng. Lẽ thường trong một ngôn ngữ, trường hợp đang xét đây là tiếng Việt, tồn tại nhiều biến thể phát âm theo vùng miền, theo phương ngữ. Đồng thời đi kèm với phát âm là chính tả thể hiện âm bằng chữ viết. Vì vậy cả chính âm lẫn chính tả cần được quán triệt nghiêm ngặt ở thuật ngữ đồng âm. Thuật ngữ đồng âm, là thuật ngữ không chỉ giống nhau về ngữ âm (đồng âm) mà cả giống nhau về chữ viết (chính tả) theo quy định chuẩn hiện hành. Cấu trúc thuật ngữ tuân theo cấu trúc từ tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập thường viết rời từng âm tiết, cũng là một quy chuẩn cần tuân thủ. Trường hợp những thuật ngữ mà chính tả áp dụng theo yêu cầu chấp nhận thêm một số chữ cái để tiện phiên âm thuật ngữ nước ngoài cũng cần được tính đến cho TN đồng âm. Khái niệm cấu trúc từ là thuật ngữ cũng cần chấp nhận: đơn (thuật ngữ đơn là từ đơn) hay thuật ngữ phức (TN là từ phức) cũng cần chấp nhận thống nhất. Từ những căn cứ quan niệm trên đây về đồng âm thuật ngữ chúng ta sẽ nhận thấy đồng âm của TN ở cấp độ từ như sau:

4/ Biểu hiện TN đồng âm thường gặp là những TN đơn hình tiết (mỗi âm tiết là một hình vị, đồng thời là từ đơn) [6, 1975]. Những TN đơn hình tiết này, tức là TN mà thành phần cấu tạo là một âm tiết, đồng thời là một từ đơn có khả năng bao gồm cả ba dạng đồng âm đã nói ở mục trên. Do đặc tính là ngôn ngữ đơn lập phân tiết tính nên khởi nguyên từ tiếng Việt là đơn hình tiết. Trong tiến trình tồn tại và phát triển khả năng đồng âm đơn này dễ xuất hiện: Là do đồng âm tự nhiên, do đồng âm vay mượn, hoặc do đồng âm nhờ phát triển cấu trúc nghĩa và phân li nghĩa dẫn đến chuyển từ loại mà thành. Hệ quả là có đồng âm khác từ loại, đồng âm song từ loại khác nội dung nghĩa. Trường hợp khó phân biệt là đồng âm từ thường với thuật ngữ và đặc biệt là đồng âm đa chuyên ngành của thuật ngữ hiện hành. Ví dụ thuật ngữ âm d. có nội dung khái niệm "một trong hai nguyên lí cơ bản của trời đất (đối lập với dương), từ đó tạo ra muôn vật, theo một quan niệm triết học cổ phương Đông" [4, 2000]. Nội dung khái niệm này, như có thể nhận thấy là thuộc về triết học (Tr). Một thuật ngữ khác âm d. đồng âm thuộc về khái niệm được biểu đạt trong y học dân tộc, đó là "(sự kiện) mang tính chất tĩnh, lạnh; Hay là "(sự vật) thuộc về nữ tính hoặc về huyết dịch, theo quan niệm của đông y" [12, 2005]. Lại còn TN âm d. trong toán học (T): âm d. có nghĩa khái niệm là "bé hơn số 0". Ví dụ: "-30o " tức là âm 30o , hoặc "-2" tức là "âm 2" [4, 2000]. Trường hợp âm d. (âm thanh) trong Vật lí học (L) là "Âm mà tai nghe được là những sóng âm đàn hồi lan truyền trong các môi trường vật chất, có tần số từ 16 hec đến 20 kilohec" [7, 2010]. Với thuộc tính bản chất vật lí đó, khi phân tích bản chất vật lí của âm thanh ngôn ngữ tự nhiên ta có: Âm d. Trong ngôn ngữ học là "Đơn vị ngữ âm nhỏ nhất" hoặc là "Một âm là một sóng truyền trong không khí hoặc trong một vật thể khác, với một tốc độ nào đó (khoảng 340 giây m/giây trong không khí) tạo ra bởi một sự rung động có chu kì hoặc không có chu kì, đơn giản hoặc phức hợp. Những âm được con người tiếp nhận một cách thông thường là những âm được tạo ra với tần số trong khoảng 16 hertz (ngưỡng của thính giác)... [13, 2010].

Như vậy là từ các ví dụ thuật ngữ âm d. dẫn trên cho thấy nội dung định nghĩa khái niệm âm d. trong các ngành khoa học khác nhau là khác nhau. Hình thức phát âm và chữ viết trong tiếng Việt là một (đồng âm, đồng chữ viết). Trong lúc đó nội dung khái niệm là xác định theo mỗi ngành khoa học cụ thể. Vì vậy chúng là những thuật ngữ đồng âm trong các ngành khoa học khác nhau. Tổng hợp thí dụ dẫn trên là có sự đồng âm thuật ngữ trong 5 ngành khác nhau với năm nội dung khái niệm khoa học khác nhau đồng âm (cùng một cái biểu đạt):

Âm d.

- trong triết học (Tr)

- trong y học dân tộc (Y)

-trong toán học (T)

- trong vật lí học (L)

- trong ngôn ngữ học (NNH)

- Một thí dụ khác thuộc đồng âm thuật ngữ đơn hình vị thuật ngữ trường d. Trong Vật lí học: "Trường của một đại lượng vật lí G khoảng không gian mà mỗi điểm G được hoàn toàn xác định. G có thể là đại lượng vô hướng hoặc vectơ, tenxơ..." (L). TN trường d trong khoa học máy tính là "vị trí được dành riêng trong máy tính để lưu giữ các phần tử dữ liệu đặc biệt trên thiết bị nhớ ngoài hay bộ nhớ trong" (MT). TN trường d. trong triết học được hiểu là "Dạng vật chất tồn tại trong một khoảng không gian mà vật nào trong đó cũng chịu tác động của một lực" (Tr). Trong ngôn ngữ học thuật ngữ trường d được hiểu là "những từ và nghĩa từ vựng có sự giống nhau, có quan hệ liên kết với nhau thành nhóm, thành trường từ vựng - ngữ nghĩa hoặc trường liên tưởng trong vận dụng từ ngữ" (NNH). Như vậy thuật ngữ trường d cũng có đồng âm (cái biểu đạt) với bốn nghĩa khái niệm (cái được biểu đạt) trong bốn ngành khoa học khác nhau: Với bốn nội dung khái niệm khoa học khác nhau đồng âm (cùng một cái biểu đạt):

trường

- trong vật lí học (L)

-trong khoa học máy tính (MT)

-trong triết học (Tr)

-trong ngôn ngữ học (NNH)

Hiện tượng đồng âm đơn như dẫn trên không chỉ thuộc danh từ mà có cả động và tính từ. Tuy vậy đồng âm thuật ngữ thì danh từ là chủ yếu.

5/ Hiện tượng đồng âm thuật ngữ không chỉ xẩy ra với thuật ngữ (từ) đơn mà cả thuật ngữ phức. Tình hình xẩy ra không chỉ là thuật ngữ danh từ mà cả động từ. Sau đây là một vài ví dụ: Trong vật lí học, thuật ngữ chu kì d. được định nghĩa là: "khoảng thời gian nhỏ nhất để sau đó có hệ chuyển động tuần hoàn trở lại đúng trạng thái của nó ở thời điểm ban đầu của khoảng. Cũng là thời gian để hệ dao động thực hiện được một dao động. Chu kì T liên hệ với tần số f theo công thức T = 1" [7, 2010]. f Trong lúc đó trong hóa học thuật ngữ chu kì là một dãy nguyên tố xếp theo thứ tự điện tích hạt nhân tăng dần, nguyên tử có cùng số lớp electron. Chu kì bắt đầu từ kim loại kiềm và kết thúc bằng một khí hiếm, trừ chu kì 7 còn dở dang". "Chu kì cũng là thời gian hoàn thành một dao động" [5, 2009]. Trong sinh học thuật ngữ chu kì lại có nội dung khái niệm là "thời gian hoàn thành một vòng đời của loài vật". ("Tế bào người nuôi cấy trong ống nghiệm có chu kì tế bào kéo dài khoảng 24 giờ thì kì trung gian chiếm 23 giờ còn nguyên phân chiếm 1 giờ"). Trong toán học thuật ngữ chu kì được định nghĩa "chu kì của một hàm số y= f(x) xác định trên toàn trục số là số T≻0 nhỏ nhất sao cho f(x+KT)=f(x) với mọi K nguyên". Rõ ràng rằng ngành khoa học nào thì có hệ thuật ngữ xác định hệ khái niệm được biểu đạt ấy. Hình thức đồng âm thuật ngữ phức không cho phép nhầm lẫn khái niệm được biểu đạt xác định. Ví dụ cho thấy đồng âm của thuật ngữ chu kì trong các ngành khoa học tự nhiên với bốn nội dung khái niệm khoa học khác nhau đồng âm (cùng một cái biểu đạt):

chu kì

- trong vật lí học (L)

- trong hóa học (H)

- trong sinh học (S)

- trong toán học (T)

Xin dẫn một thí dụ khác về thuật ngữ phức đồng âm.

Trong ba ngành khoa học lí, hóa, sinh đều sử dụng thuật ngữ phân li. Tuy nhiên nội dung khái niệm là khác nhau. Chúng là ba thuật ngữ thuộc ba ngành khác nhau đồng âm. Trong vật lí thuật ngữ phân li được định nghĩa là "sự tách một phần tử hoặc một hợp chất thành hai hay một số phần. Khi các muối, axit hoặc bazơ được hòa tan trong nước thì các phần tử của chúng bị phân li thành các con ion trái dấu. Ví dụ NaCl phân li thành Cl và Na+ ". Trong hóa học phổ thông được định nghĩa: "Phân li là quá trình một phân tử hay ion chia ra thành những phần tử (phân tử, ion, nguyên tử) nhỏ hơn". Trong sinh học thuật ngữ phân li được định nghĩa là "Sự tách hai alen của một gen vào các giao tử khác nhau, xẩy ra do các nhiễm sắc thể tương đồng tách nhau trong giảm phân". Ta có thể tóm lại như sau về TN chu kì với ba nội dung khái niệm khoa học khác nhau đồng âm (cùng một cái biểu đạt):

phân li

- trong vật lí (L)

- trong hóa học (H)

-trong sinh học (S)

6/ Từ những dẫn giải phân tích nêu trên đến đây có thể đi đến một số kết luận và hệ quả của sự phân biệt thuật ngữ đồng âm trong các ngành khoa học khác nhau của tiếng Việt ngày nay. Cho đến nay nhìn tổng thể thì sau thời kì hình thành từ đầu thế kỉ đến 1945, từ sau 1945 đến nay hệ thuật ngữ Việt Nam đã trải qua ba thời kì phát triển. Đó là thời kì 1945-1975, thời kì 1975-1985 và thời kì 1986 - hiện nay mà dấu ấn số lượng từ điển và tỉ lệ phân bố phát triển là 3/91/255 (tổng hợp số từ điển thuật ngữ xuất bản cho đến 2005) với tỉ lệ % là: 0,83%-24,34% và 73,63%. Rõ ràng thời kì phát triển thứ 3 (1986 - hiện nay) là mạnh mẽ, đa dạng, nhanh chóng mang tính cách mạng áp đảo. Nhìn tổng thể số lượng hiện có trong số 359 công trình từ điển thuật ngữ nếu tính số lượng phân biệt ngành nghề con số lên đến trên 300 ngành. Nếu không tính đến sự phân biệt chuyên ngành thì hiện nay số ngành khoa học tự nhiên, công nghệ và xã hội nhân văn, dịch vụ đã có mặt đầy đủ trong danh tập khoa học công nghệ Việt Nam. Với số lượng ngành như vậy thì yêu cầu nhận diện thuật ngữ đồng âm trong các ngành khoa học khác nhau của tiếng Việt trở thành cấp thiết, cần thiết về lí luận cũng như thực tiễn khoa học và ứng dụng. Về lí luận có thể nhận thấy: cần nhận rõ và phân giới nghiêm ngặt và chuẩn xác tiêu chuẩn đồng âm thuật ngữ tiếng Việt.

Như trên chúng tôi dẫn thí dụ về đồng âm và đồng chữ viết theo chính âm và chính tả, vấn đề cần giải quyết là quy định chính âm và chính tả mới của tiếng Việt ngày nay. Sự thống nhất chính âm, chính tả trong sự đa dạng vùng miền, phương ngữ địa lí và phương ngữ xã hội của từ ngữ toàn dân là trọng tâm hàng đầu cần giải quyết. Đối với hệ thuật ngữ khoa học gánh nặng còn là sự đồng âm đa ngành của bộ phận thuật ngữ và danh pháp phiên âm. Trong xây dựng thuật ngữ việc phiên âm thuật ngữ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga ra tiếng Việt đang còn là cửa ải thử thách chưa thể vượt qua cho sự thống nhất nếu thiếu cơ quan trọng tài quốc gia. Vấn đề đặt ra đang ở phía trước cần quan tâm giải quyết trong tương lai gần. Về thực tiễn ứng dụng cho đông đảo giới khoa học và nhân dân là cần sự chính xác hóa, minh bạch hóa tri thức khoa học để đưa vào đời sống nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế xã hội. Hình thức thuật ngữ với nội dung khái niệm khoa học tương ứng, tri thức khoa học ngành nghề phân biệt là tối cần thiết cần truyền thụ. Cần tránh sự nhầm lẫn đồng âm ngành nghề khác nhau, tránh mơ hồ khái niệm khoa học trong nhận thức và vận dụng là yêu cầu nâng cao tri thức và hiệu quả công việc đang đặt ra cấp thiết. Trong cấu tạo và chuẩn hóa thuật ngữ đã đến lúc cần kiểm định đánh giá các con đường cấu tạo thuật ngữ trong đó con đường thuật ngữ hóa từ thường, kiểm kê tổng thể những thuật ngữ đồng âm đa ngành, tiến đến xây dựng từ điển giải thích phân biệt đồng âm thuật ngữ. Làm được công việc này sẽ góp phần to lớn vào việc chuẩn hóa ngôn ngữ cùng với chuẩn hóa, chính xác hóa tri thức khoa học trong hội nhập và phát triển bền vững.

*“Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số VII2.9- 2011.07”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1. Lê Quang Thiêm (2000), Về vấn đề ngôn ngữ quốc gia. T/c Ngôn ngữ, số 1.

2. Vân Lăng và Như Ý (1971), Tình hình xu hướng phát triển thuật ngữ tiếng Việt trong mấy chục năm qua.T/c Ngôn ngữ, s. 1.

3. Hoàng Văn Hành (1983), Về sự hình thành và phát triển thuật ngữ tiếng Việt. T/c Ngôn ngữ, s. 4.

4. Hoàng Phê (chủ biên) (2000), Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng.

5. Nguyễn Thạc Cát (chủ biên) (2009), Từ điển hóa học phổ thông. Nxb Giáo dục.

6. Nguyễn Tài Cẩn (1975), Ngữ pháp tiếng Việt. Tiếng, từ ghép, đoản ngữ. Nxb Giáo dục.

7. Vũ Thanh Khiết (chủ biên; 2010) , Từ điển vật lí. Nxb Giáo dục.

8. Lê Đình Lương (chủ biên; 2005) , Từ điển học sinh học phổ thông. Nxb Giáo dục.

9. Nguyễn Đình Trí (chủ biên; 2005), Toán học cao cấp, tập 2: Phép tính giải tích một biến số. Nxb Giáo dục.

10. XM Nikolxki (chủ biên; 2010), Từ điển Bách khoa toán học 1. Nxb Giáo dục.

11. Từ điển triết học. Nxb Khoa học (Moscơva). 1995.

12. Nguyễn Khắc Viện (chủ biên; 2005), Từ điển Tâm lí. Nxb Giáo dục.

13. Diệp Quang Ban (2010), Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học. Nxb Giáo dục.

14. Lê Quang Thiêm (2011), Biến đổi, trong tiếp nhận và hội nhập của hệ thuật ngữ tiếng Việt, T/c Ngôn ngữ & đời sống, s. 9.

Nguồn: T/c Ngôn ngữ & đời sống, Số 2 (232)-2015

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020