Ngôn ngữ

DẠY HỌC CHUYÊN ĐỀ “TÌM HIỂU VỀ MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT CHUYỂN THỂ TỪ VĂN HỌC” CHO HỌC SINH LỚP 12 THEO CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 2018


13-11-2024

Phạm Thị Thanh Phượng, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam.

Ngày nhận bài 07/5/2024; Ngày nhận bài đã chỉnh sửa 05/6/2024; Ngày duyệt đăng 10/8/2024.

TÓM TẮT: Chuyên đề “Tìm hiểu về một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ văn học” ở lớp 12 thể hiện rõ định hướng tích hợp văn học với các loại hình nghệ thuật khác trong dạy học Ngữ văn với những yêu cầu và nội dung dạy học lần đầu tiên được đưa vào Chương trình Ngữ văn 2018. Chuyển thể tác phẩm văn học, theo lí thuyết liên văn bản, có thể hiểu là sự chuyển dịch từ hệ thống ngôn ngữ - kí hiệu của loại hình nghệ thuật văn học (tác phẩm văn học) sang hệ thống ngôn ngữ - kí hiệu của loại hình nghệ thuật khác (hội họa, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu…). Dù chuyển thể trung thành hay không trung thành với tác phẩm văn học gốc, tác phẩm chuyển thể vẫn phải có những thay đổi nhất định so với nguyên tác để phù hợp với đặc trưng ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật khác văn học. Bài viết đưa ra gợi ý về một số định hướng dạy học chuyên đề “Tìm hiểu về một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ văn học” cho học sinh lớp 12 theo Chương trình Ngữ văn 2018. Các định hướng dạy học gợi ý tập trung vào hai nội dung kiến thức trọng tâm: 1/ So sánh tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học; 2/ Cách chuyển thể một tác phẩm văn học.

TỪ KHÓA: Dạy học chuyên đề Ngữ văn, tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ văn học, Chương trình Ngữ văn 2018, dạy học Ngữ văn, lớp 12.

1. Đặt vấn đề

Với mục tiêu đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp về khoa học xã hội và nhân văn cho học sinh cấp Trung học phổ thông, nội dung Chương trình Ngữ văn 2018 đã thiết kế các chuyên đề học tập phân bổ đều ở cả ba khối lớp 10, 11, 12. “Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về văn học và ngôn ngữ, kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh” [1, tr.4]. Trên thực tế, việc dạy học các chuyên đề này còn khá mới mẻ đối với nhiều giáo viên Ngữ văn trên cả phương diện nội dung dạy học và cách thức triển khai. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn đưa ra gợi ý về một số định hướng dạy học chuyên đề “Tìm hiểu về một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ văn học” cho học sinh lớp 12 theo Chương trình Ngữ văn 2018. Đây là chuyên đề thể hiện rõ định hướng tích hợp văn học với các loại hình nghệ thuật khác trong dạy học Ngữ văn với những yêu cầu và nội dung dạy học lần đầu tiên được đưa vào Chương trình Ngữ văn cấp Trung học phổ thông.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Một số vấn đề lí luận

2.1.1. Yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học của chuyên đề “Tìm hiểu về một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ văn học” trong Chương trình Ngữ văn 2018

Trong Chương trình Ngữ văn 2018, yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học của chuyên đề này được mô tả cụ thể như sau [1, tr.78]:

Yêu cầu cần đạt

- Hiểu thế nào là chuyển thể tác phẩm văn học.

- Biết cách tìm hiểu, giới thiệu, thuyết trình về một tác phẩm nghệ thuật được chuyển thể từ văn học.

- Nêu được ý tưởng và cách thức tiến hành chuyển thể một tác phẩm văn học.

Nội dung 

1. Tác phẩm văn học và chuyển thể tác phẩm văn học.

2. Một số điểm khác biệt cơ bản giữa tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học.

3. Cách chuyển thể một tác phẩm văn học thành bộ phim, tác phẩm hội hoạ, âm nhạc,…

Nếu như các chuyên đề khác đi sâu vào một vấn đề hoặc hiện tượng của văn học hoặc ngôn ngữ (Ví dụ, vấn đề văn học hiện đại và hậu hiện đại, ngôn ngữ trong đời sống xã hội hiện đại, một tác giả văn học,…) thì có thể thấy ở chuyên đề này, nội dung chính để dạy học thuộc về một loại hình nghệ thuật khác nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với văn học. Để thực hiện được chuyên đề này, ngoài việc nắm chắc đặc trưng của tác phẩm văn học, người dạy cần phải được trang bị những kiến thức về đặc trưng của các loại hình nghệ thuật khác. Có như vậy mới có thể hướng dẫn học sinh tìm hiểu về một tác phẩm nghệ thuật được chuyển thể từ văn học. Mặt khác, do sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của người học rất đa dạng nên lĩnh vực nghệ thuật liên quan đến chuyên đề cũng mang tính mở, học sinh có thể lựa chọn bất kì tác phẩm nghệ thuật nào chuyển thể từ văn học thuộc bất kì một loại hình nghệ thuật khác mà mình có hứng thú, có thế mạnh (điện ảnh, hội họa, âm nhạc, sân khấu,…). Yêu cầu cần đạt của chuyên đề này chính là sự cụ thể hóa của mục tiêu ở cấp Trung học phổ thông “Phát triển năng lực văn học với yêu cầu: Phân biệt được tác phẩm văn học và các tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật khác (…)” của Chương trình Ngữ văn 2018.

2.1.2. Một số khái niệm liên quan đến chuyên đề

a. Tác phẩm văn học

Theo Từ điển Tiếng Việt, tác phẩm là “Công trình do nhà văn hóa, nghệ thuật hoặc khoa học sáng tạo ra” [2, tr.883]. Như vậy, nội hàm tác phẩm có phạm vi rất rộng, có thể thuộc bất kì lĩnh vực nào trong cuộc sống (nghệ thuật, khoa học, kĩ thuật, văn hóa,...) nhưng nó phải đảm bảo nhân tố quan trọng nhất là sản phẩm “sáng tạo”, tức sản phẩm duy nhất thuộc bản quyền trí tuệ tinh thần của tác giả nhất định.

Tác phẩm văn học theo đó có thể được định nghĩa khái quát là “Công trình nghệ thuật ngôn từ do một cá nhân hoặc tập thể sáng tạo nhằm thể hiện những khái quát bằng hình tượng về cuộc sống con người, biểu hiện tâm tư, tình cảm, thái độ của chủ thể trước thực tại” [3, tr.243]. Ngoài yêu cầu cơ bản của một “tác phẩm” là sự sáng tạo, định nghĩa trên đã nhấn mạnh đặc trưng của tác phẩm văn học là “nghệ thuật ngôn từ”. Đây cũng là điểm khác biệt nhất để phân biệt văn học với các loại hình nghệ thuật khác, bởi mỗi loại hình nghệ thuật sẽ có chất liệu riêng để xây dựng hình tượng. Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích các quan niệm về tác phẩm văn học, dưới sự soi rọi của các lí thuyết hiện đại từ đầu thế kỉ XX, đặc biệt là lí thuyết tiếp nhận, hiện nay khái niệm tác phẩm văn học được làm rõ trong sự phân biệt với văn bản văn học. Hai khái niệm này thống nhất nhưng không đồng nhất. Theo đó, tác phẩm văn học do hai yếu tố tạo thành: Văn bản (trong chất liệu) và khách thể thẩm mĩ (trong tâm trí). “Văn bản văn học là một hệ thống ngôn ngữ do nhà văn sáng tạo, chờ người đọc đến đọc, nó chưa tham gia vào sự hành chức xã hội thẩm mĩ, là đối tượng của sự phân tích khép kín về mặt giải thích học. Tác phẩm văn học là hệ thống ngôn ngữ đã được người đọc đọc và phú cho một ý nghĩa nhất định” [4, tr.25]. Như vậy, tác phẩm văn học là “Sản phẩm sinh nghĩa và tạo nghĩa của văn bản, là sự thống nhất có tính quá trình giữa văn bản nghệ thuật với khách thể thẩm mĩ hình thành trong hoạt động tiếp nhận của người đọc” [4, tr.27]. Cấu trúc của một tác phẩm văn học gồm ba yếu tố cơ bản sau: 1/ Văn bản ngôn từ: Bao gồm mặt ngữ âm, ngữ nghĩa và đặc sắc thẩm mĩ của ngôn từ nghệ thuật, được tổ chức theo các quy tắc riêng của đặc trưng thể loại; 2/ Hình tượng văn học: Được xây dựng bằng chất liệu ngôn từ, bao gồm thế giới sự vật, con người, sự kiện, phong cảnh và các chi tiết của chúng; 3/ Ý nghĩa (hàm ý): Nằm sâu bên trong văn bản, được tạo ra bởi nhiều mạch liên kết của văn bản ngôn từ và hệ thống hình tượng. Yếu tố này do người đọc phát hiện, là sản phẩm của hoạt động giao tiếp, tiếp nhận.

Khái niệm trên về tác phẩm văn học sẽ mở ra một số gợi ý mang tính định hướng để chúng ta triển khai chuyên đề “Tìm hiểu về một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ văn học”. Theo đó, có thể hiểu việc chuyển thể tác phẩm văn học cũng là việc nối tiếp “quá trình văn học” của tác phẩm đó, có thể được “sinh nghĩa, tạo nghĩa” theo nhiều hướng tiếp nhận khác nhau.

b. Chuyển thể tác phẩm văn học

Thuật ngữ “Chuyển thể” được dịch từ thuật ngữ “Adaptation” trong tiếng Anh (vốn có nghĩa gốc từ tiếng Latin là làm cho thích nghi, phù hợp), chỉ một quá trình thay đổi hay biến chuyển một tài liệu từ dạng này hay dạng khác (Ví dụ, từ truyện sang kịch bản, từ truyện sang thơ) hoặc từ một loại hình nghệ thuật này sang loại hình nghệ thuật khác (Ví dụ, từ văn học sang điện ảnh, từ hội họa sang điêu khắc,...). Quan niệm về chuyển thể được nhìn nhận ở nhiều quan điểm: Có thể rất rộng là “Bất kì một hành vi thay đổi nào được thực hiện trên những tác phẩm văn hóa cụ thể của quá khứ và gọt giũa để vừa một quá trình tái sáng tạo văn hóa chung” (Fisschlin và Fortier, theo [5, tr.15]), có thể đó là sự “Phỏng theo, cải biến nội dung của hình thức nghệ thuật này cho phù hợp với hình thức nghệ thuật khác” [6, tr.72]. Dưới góc nhìn của nhà làm Luật, chuyển thể là một trong các “Tác phẩm phái sinh” [7], dựa trên tác phẩm gốc đã tồn tại trước đó (thường là tác phẩm văn học, nghệ thuật) để chuyển đổi sang loại hình nghệ thuật khác trên cơ sở đảm bảo nội dung của tác phẩm gốc và việc này được thực hiện theo luật “bản quyền”. Hiện nay, với sự mở rộng khái niệm ngôn ngữ và văn bản ra các lĩnh vực nghệ thuật khác, theo lí thuyết liên văn bản, chuyển thể “Là sự chuyển dịch từ hệ thống ngôn ngữ - kí hiệu này sang hệ thống ngôn ngữ- kí hiệu khác” [6, tr.82].

Chuyển thể tác phẩm văn học, theo lí thuyết liên văn bản, có thể hiểu là sự chuyển dịch từ hệ thống ngôn ngữ - kí hiệu của loại hình nghệ thuật văn học (tác phẩm văn học) sang hệ thống ngôn ngữ - kí hiệu của loại hình nghệ thuật khác (hội họa, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu…). Chuyển thể tác phẩm văn học có thể chỉ là chuyển tác phẩm văn học từ một thể loại này sang thể loại khác (Ví dụ, từ truyện sang thơ), nhưng trong chuyên đề mà chúng tôi đang đề cập, khái niệm này đang hướng đến việc chuyển dịch giữa hai loại hình nghệ thuật (văn học sang loại hình nghệ thuật khác). Có hai phương thức chuyển thể tác phẩm văn học cơ bản: 1/ Chuyển thể trung thành hay sát với tác phẩm văn học gốc: Quá trình chuyển thể dựa chủ yếu vào chất liệu văn học, hầu như không thay đổi các vấn đề đã được đặt ra trong tác phẩm văn học, sự thay đổi nếu có chỉ mang tính chi tiết, cục bộ; 2/ Chuyển thể tự do (ít trung thành với tác phẩm văn học gốc): Quá trình chuyển thể chỉ dựa trên một số ý tưởng, thậm chí chỉ vài gợi ý nhỏ của một hay nhiều tác phẩm văn học, vì thế có thể chỉ thấy “thấp thoáng bóng dáng” của tác phẩm văn học gốc ở tác phẩm chuyển thể.

Dù chuyển thể theo phương thức nào thì tác phẩm chuyển thể từ văn học vẫn phải có những thay đổi nhất định so với nguyên tác để phù hợp với đặc trưng ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật khác văn học và đều có những giá trị nhất định, tương đương nhau. Hai phương thức chuyển thể trên thực chất là hai cách tái tạo, hai cách đọc tác phẩm văn học. Đó là một quá trình: “Làm cho phù hợp, thể hiện sở hữu đối với một câu chuyện của người khác và sàng lọc nó theo một cách hiểu, thông qua sự cảm nhận, sự hứng thú và năng khiếu của cá nhân. Do đó, các tác giả chuyển thể trước hết là những nhà phiên dịch, sau đó là những nhà sáng tạo” [5, tr.187]. Như vậy, tác phẩm chuyển thể từ văn học tuy dựa vào tác phẩm văn học để hình thành nhưng không phải là bản sao “thứ cấp” của tác phẩm văn học. Đó là một tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo và tiếp nhận theo quy luật riêng, đặc trưng của loại hình nghệ thuật mà nó thuộc về với đời sống độc lập (tương đối) của riêng nó.

2.2. Một số định hướng dạy học chuyên đề “Tìm hiểu về một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ văn học” cho học sinh lớp 12 theo Chương trình Ngữ văn 2018

Từ bảng mô tả trong Chương trình Ngữ văn 2018 về yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học của chuyên đề “Tìm hiểu về một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ văn học” đã nêu ở trên, chúng tôi xác định có hai vấn đề vừa là trọng tâm kiến thức cũng vừa là thách thức lớn đối với giáo viên và học sinh khi dạy học chuyên đề này: 1/ So sánh tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học; 2/ Cách chuyển thể một tác phẩm văn học. Ở phần này, chúng tôi sẽ đưa ra gợi ý về một số phương hướng triển khai dạy học cho hai vấn đề trên.

2.2.1. Hướng dẫn học sinh so sánh tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học

Dựa vào tác phẩm văn học để hình thành nên khi tìm hiểu về tác phẩm chuyển thể không thể bỏ qua nội dung so sánh giữa hai tác phẩm này. Tuy nhiên, việc so sánh không phải để phân “cao - thấp” giữa hai tác phẩm cũng không phải lấy tiêu chí “Có trung thành với nguyên tác hay không” để làm thước đo đánh giá mà so sánh là để giúp cho học sinh thấy được mối liên hệ giữa văn học với các loại hình nghệ thuật khác, đồng thời hiểu được đặc trưng của mỗi loại hình nghệ thuật. Muốn thế, việc hướng dẫn học sinh so sánh tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học cần được thực hiện theo nguyên tắc và quy trình sau:

a. Nguyên tắc so sánh tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học

Các loại hình nghệ thuật là bình đẳng với nhau trong “gia đình” nghệ thuật: Mỗi loại hình nghệ thuật với đặc trưng về chất liệu để xây dựng hình tượng đều có thế mạnh riêng trong việc phản ánh thế giới khách quan và thế giới chủ quan của con người. Khi so sánh tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ văn học, cần tránh việc đánh giá thiên lệch loại hình nghệ thuật nào dựa vào những hạn chế hay thời gian xuất hiện của chúng, cần phải đánh giá khách quan những giá trị nghệ thuật mà mỗi loại hình nghệ thuật mang lại cho đời sống tinh thần của con người.

Không lấy tác phẩm văn học làm chuẩn mực để đánh giá tác phẩm chuyển thể từ văn học: Mỗi loại hình nghệ thuật có ngôn ngữ của riêng mình để chuyển tải nội dung phản ánh. Vì thế, việc đánh giá các yếu tố của tác phẩm chuyển thể trong tính chỉnh thể của nó phải đứng trên góc nhìn của đặc trưng loại hình nghệ thuật đó chứ không phải đứng trên góc nhìn của loại hình văn học để đánh giá tác phẩm chuyển thể.

Tôn trọng và chấp nhận tính sáng tạo của tác phẩm chuyển thể: Dù chuyển thể trung thành hay tự do, tác phẩm chuyển thể bao giờ cũng phải thực hiện việc tái cấu trúc chất liệu của tác phẩm văn học để phù hợp với đặc trưng của loại hình nghệ thuật mới. Mặt khác, tác phẩm chuyển thể cũng là thể hiện một cách đọc, diễn giải tác phẩm văn học của tác giả chuyển thể trong một bối cảnh mới. Vì thế, khi so sánh với tác phẩm văn học gốc, chúng ta phải coi tác phẩm chuyển thể là một tác phẩm có tính độc lập tương đối. Nó có thể có sự khác biệt mang tính đối thoại với tác phẩm văn học gốc.

b. Quy trình so sánh tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học

Xác định tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học: Chuyển thể văn học là hiện tượng rất phổ biến trên thế giới và Việt Nam, có một quá trình lịch sử lâu đời, diễn ra trên nhiều loại hình nghệ thuật (âm nhạc, sân khấu, hội họa, điện ảnh…). Việc lựa chọn tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học có thể do giáo viên đưa ra, gợi ý, cũng có thể để học sinh tự tìm theo sở thích và thế mạnh của mình nhưng phải thông qua sự kiểm duyệt của giáo viên để đảm bảo tính phù hợp, thẩm mĩ, nghệ thuật và giáo dục của những tác phẩm được lựa chọn. Tác phẩm chuyển thể được lựa chọn có thể trung thành hoặc không trung thành với tác phẩm văn học gốc nhưng ở bước này người học đã phải xác định rất rõ thể loại của tác phẩm văn học gốc và loại hình của tác phẩm chuyển thể để có những định hướng chính xác ban đầu cho sự so sánh hai tác phẩm này.

Phân tích tác phẩm văn học gốc: Mặc dù đối tượng chính của chuyên đề là tác phẩm chuyển thể từ văn học nhưng việc nắm vững ý nghĩa nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học gốc lại là nền tảng quan trọng giúp học sinh có thể thực hiện được việc so sánh tác phẩm văn học với tác phẩm chuyển thể. Tác phẩm văn học gốc có thể là những tác phẩm học sinh đã được học trước đó, cũng có thể là những tác phẩm mới ngoài sách giáo khoa. Vì thế, ở bước này, học sinh cần huy động các kiến thức, kĩ năng đọc hiểu để tiếp nhận tác phẩm văn học gốc. Việc phân tích tác phẩm văn học có nhiều cách tiếp cận nhưng cách thức quen thuộc, phổ biến và hiệu quả nhất vẫn là theo đặc trưng thể loại. Đích đến cuối cùng của việc phân tích tác phẩm văn học gốc là nhằm giải mã các yếu tố cơ bản trong cấu trúc của tác phẩm văn học mà chúng tôi đã đề cập ở phần lí luận trên (văn bản ngôn từ, hình tượng văn học và ý nghĩa). Nắm vững giá trị nội dung và hình thức của tác phẩm văn học gốc sẽ giúp học sinh có cơ sở vững chắc để có thể đối thoại với những cách đọc, cách diễn giải khác về tác phẩm văn học đó, mà tác phẩm chuyển thể cũng là một trong những cách đọc, cách diễn giải khác đó.

Phân tích điểm tương đồng và khác biệt giữa tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học: Muốn so sánh hai đối tượng một cách khách quan, thuyết phục thì cần phải dựa trên những tiêu chí hợp lí, có cùng hệ quy chiếu (Ví dụ, với tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm truyện thì tiêu chí về cốt truyện, sự kiện, nhân vật, không gian, thời gian sẽ là những tiêu chí hợp lí để so sánh tác phẩm chuyển thể và tác phẩm văn học gốc). Tùy theo từng loại hình nghệ thuật của tác phẩm chuyển thể, giáo viên sẽ gợi ý cho học sinh các tiêu chí cần tập trung vào trong quá trình so sánh. Về cơ bản, do mỗi loại hình nghệ thuật có chất liệu đặc trưng riêng nên trong ba yếu tố cơ bản thuộc cấu trúc của tác phẩm văn học, yếu tố hình tượng (bao gồm thế giới sự vật, con người, sự kiện, phong cảnh và các chi tiết của chúng) và ý nghĩa thường trở thành tiêu chí để so sánh với tác phẩm chuyển thể.

Điểm tương đồng giữa tác phẩm chuyển thể trung thành và tác phẩm văn học gốc có thể học sinh sẽ dễ dàng tìm ra ngay được bởi sự thay đổi so với tác phẩm văn học gốc chỉ diễn ra ở cấp độ chi tiết, cục bộ. Ví dụ, bộ phim Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài), Chị Dậu của đạo diễn Phạm Văn Khoa (chuyển thể từ tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố),… đã bám sát nguyên tác về đường dây chính cốt truyện, tình tiết, nhân vật, sự thay đổi chỉ diễn ra ở cấp độ nhỏ như mở đầu hoặc kết thúc, lời thoại giữa các nhân vật,… Nhưng ở các tác phẩm chuyển thể không trung thành, “dấu vết” của tác phẩm văn học nguyên tác nhiều khi đã được khúc xạ biến hình đi rất nhiều, đòi hỏi người học phải nắm rất chắc từ ý nghĩa khái quát đến các chi tiết văn bản cùa tác phẩm văn học gốc thì mới có thể nhận diện được. Ví dụ, trong lời bài hát Để Mị nói cho mà nghe do nhóm nhạc sĩ DTAP sáng tác (chuyển thể từ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài). Các chi tiết, hình ảnh, câu văn trong tác phẩm văn học gốc đã được phân mảnh rải rác khắp bài hát, bằng thủ pháp trích dẫn, “lảy” từ ngữ, “lảy” ý (Ví dụ, câu trong bài hát “Không đi làm sao biết ngoài kia một mai là sương hay nắng tỏa?” chứa đựng trong đó “vết tích” của hình ảnh chiếc cửa sổ bằng bàn tay trong căn buồng Mị nằm, “Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng” trong văn bản gốc). Để tìm được điểm tương đồng giữa hai tác phẩm trong trường hợp này, học sinh cần ghi lại tất cả những chi tiết mình thấy quen thuộc, gợi liên hệ với tác phẩm văn học gốc ở tác phẩm chuyển thể, sau đó đối chiếu lại với tác phẩm gốc, từ đó dựng nên ý nghĩa hoàn chỉnh mà tác phẩm chuyển thể muốn truyền tải. Cách tiếp cận “Xếp chồng các văn bản” như vậy sẽ giúp học sinh khám phá ra các tầng lớp ý nghĩa ở tác phẩm chuyển thể, được cộng hưởng từ ý nghĩa của tác phẩm văn học gốc.

Điểm khác biệt giữa tác phẩm chuyển thể và tác phẩm văn học gốc thường đến từ hai lí do: Hoặc là do ý tưởng sáng tạo mới của tác giả chuyển thể; Hoặc là do phải thay đổi so với tác phẩm văn học gốc để phù hợp với đặc trưng của loại hình nghệ thuật chuyển thể. Dù xuất phát từ lí do gì thì để phân tích được sự khác biệt này, học sinh cần được trang bị kiến thức về đặc trưng loại hình nghệ thuật của tác phẩm chuyển thể, từ đó mới có thể lí giải, có quan điểm đánh giá về sự khác biệt đó dựa trên góc nhìn của loại hình nghệ thuật của tác phẩm chuyển thể chứ không phải dựa trên góc nhìn của văn học. Ví dụ, phần mở đầu truyện Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bắt đầu bằng những đoạn văn tả cảnh đồng ruộng héo khô, kể về một số việc làm hàng ngày của ba bố con Nương và sự việc người đàn bà bị đánh ghen được cứu thoát đang nằm thảm hại trên chiếc ghe của bố con Nương, với giọng điệu chậm rãi, trầm buồn. Nhưng khi chuyển thể sang tác phẩm điện ảnh cùng tên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, do đặc trưng sức ép về thời gian trình chiếu của một bộ phim, muốn mở ra xung đột ngay từ đầu để lôi cuốn khán giả vào mạch diễn biến của câu chuyện, đạo diễn đã mở đầu phim bằng hình ảnh và hàng loạt hành động rượt đuổi nhân vật Sương với thân xác tả tơi của đám đông phụ nữ xúm vào đánh ghen trên xóm nhà ven sông. Khác với tác phẩm văn học gốc, phim Cánh đồng bất tận lại mở đầu bằng những trường đoạn dồn dập hành động, căng thẳng và giàu kịch tính để dẫn dắt người xem vào mạch tự sự của câu chuyện.

Bước phân tích điểm tương đồng và khác biệt giữa tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học đòi hỏi học sinh phải phát huy năng lực cảm thụ tác phẩm văn học và tác phẩm nghệ thuật chuyển thể, từ đó đưa ra những đánh giá cá nhân về sự thành công hay hạn chế của tác phẩm chuyển thể dựa trên giá trị nghệ thuật của chính loại hình nghệ thuật mà tác phẩm chuyển thể thuộc về đó.

Tham khảo ý kiến đánh giá của các chuyên gia về tác phẩm chuyển thể: Các chuyên gia có thể là nhà phê bình, nghiên cứu nghệ thuật, hoặc những người làm trong ngành nghệ thuật (họa sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ,…) hoặc chính tác giả của tác phẩm chuyển thể. Ý kiến đánh giá của họ có thể là những chia sẻ về quá trình chuyển thể của người trong cuộc, hoặc là những góc nhìn chuyên môn sâu sắc. Chúng tôi muốn xếp việc tham khảo ý kiến đánh giá của các chuyên gia về tác phẩm chuyển thể sau bước học sinh tự mình phân tích điểm tương đồng và khác biệt giữa tác phẩm văn học và tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học để các em không bị ảnh hưởng bởi những ý kiến bên ngoài, có những đánh giá của riêng mình khi so sánh hai tác phẩm đó. Bước tham khảo ý kiến đánh giá của các chuyên gia này chỉ nên coi là những cuộc đối thoại của những ngưởi tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật, còn ý kiến cuối cùng vẫn là sự lựa chọn của người học miễn là được lập luận một cách logic, thuyết phục, có căn cứ xác đáng.

2.2.2. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu cách chuyển thể một tác phẩm văn học

Thông thường, cả giáo viên và học sinh chỉ biết đến tác phẩm chuyển thể - thành quả cuối cùng của quá trình chuyển thể từ tác phẩm văn học sang loại hình nghệ thuật khác. Quá trình chuyển thể cũng là quá trình sáng tạo nên tác phẩm chuyển thể của người nghệ sĩ, chỉ người trong nghề mới hiểu biết cặn kẽ và có trải nghiệm phong phú. Vì thế, nội dung tìm hiểu về cách chuyển thể một tác phẩm văn học với yêu cầu cần đạt là “Nêu được ý tưởng và cách thức tiến hành chuyển thể một tác phẩm văn học” là một thách thức với người dạy và người học.

Mỗi loại hình nghệ thuật sẽ có cách chuyển thể riêng phù hợp với đặc trưng của mình nhưng nhìn chung có thể khái quát thành các bước chung như sau: 1/ Lựa chọn tác phẩm văn học để chuyển thể, 2/ Lựa chọn loại hình nghệ thuật để chuyển thể, 3/ Xác định cách thức chuyển thể (trung thành hay tự do với tác phẩm văn học gốc), 4/ Thực hiện chuyển thể, 5/ Công bố tác phẩm chuyển thể đến công chúng. Ví dụ các bước chuyển thể từ một tác phẩm thơ sang tác phẩm âm nhạc (bài hát) được thực hiện bởi nhóm sinh viên Sư phạm Ngữ văn - Trường Đại học Giáo dục: 1/ Lựa chọn bài thơ lục bát À ơi tay mẹ - Bình Nguyên (Ngữ văn 6, tập 1, bộ Cánh diều) để chuyên thể; 2/ Lựa chọn loại hình âm nhạc để chuyển thể (bài hát) vì bài thơ lục bát rất giàu tính nhạc, lời thơ và nhạc điệu của nó dễ dàng chuyển sang bài hát; 3/ Xác định cách thức chuyển thể trung thành với tác phẩm gốc: Dựa vào lời thơ để viết lời bài hát, nếu có thay đổi thì chỉ thay đổi từ ngữ/diễn đạt lại ý ở các câu thơ để phù hợp với giai điệu của bài hát; 4/ Thực hiện chuyển thể: Phần nhạc: Mượn giai điệu với nhịp 6/8 của bài hát Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý để phổ nhạc cho bài thơ, vì đặc điểm về vần, nhịp của bài thơ lục bát này khá gần gũi với nhịp, phách của bài hát; Phần lời: Viết lời bài hát dựa vào lời thơ, có chỉnh sửa để phù hợp với nhịp, cao độ, trường độ của âm nhạc; Hòa âm, phối khí và thu âm bài hát; 5/ Gửi lời và bản thu âm bài hát đến sinh viên, giảng viên trong lớp học để lấy ý kiến phản hồi trước khi công bố ở phạm vi rộng hơn (link sản phẩm: https://s.net.vn/4eKd).

Bước 4 (thực hiện chuyển thể) là bước quan trọng nhất trong quá trình chuyển thể một tác phẩm văn học. Trên thực tế, nó sẽ bao gồm rất nhiều công đoạn phức tạp, thậm chí sẽ liên quan đến rất nhiều ekip thực hiện. Sau khi được tìm hiểu lí thuyết về cách chuyển thể một tác phẩm văn học, trong những điều kiện cơ sở vật chất và tài chính cho phép, việc dạy học nội dung này cần được tổ chức thành các hoạt động trải nghiệm, thực hành cho học sinh. Dưới đây là một số gợi ý triển khai:

Tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm những cơ sở sáng tạo nghệ thuật (xưởng vẽ, xưởng làm phim, đoàn kịch…): Hoạt động này giúp học sinh có những quan sát thực tế để hiểu về công việc sáng tạo của các loại hình nghệ thuật, từ đó hình dung việc thực hiện chuyển thể một tác phẩm cụ thể sẽ diễn ra như thế nào. Trong quá trình tham quan trải nghiệm, học sinh cần ghi chép lại những thu hoạch quan trọng đối với bản thân về quá trình sáng tạo tác phẩm của người nghệ sĩ.

Mời chuyên gia - các tác giả chuyển thể nói chuyện, chia sẻ về công việc chuyển thể: Những chia sẻ của các tác giả chuyển thể (họa sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ,…) chúng ta cũng có thể tìm được rải rác trên các kênh thông tin và truyền thông (mạng Internet, sách báo, tivi,…) nhưng việc được gặp trực tiếp, nghe họ chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm nghề nghiệp trong quá trình chuyển thể, có thể hỏi đáp những thắc mắc… sẽ hiệu quả hơn nhiều để giúp học sinh thu nhận được những thông tin giá trị, mang tính thực tiễn cao về nội dung dạy học này.

Tổ chức cho học sinh thực hành chuyển thể một tác phẩm văn học: Mặc dù chuyên đề này không yêu cầu bắt buộc học sinh phải thực hành chuyển thể, chỉ yêu cầu học sinh “nêu được ý tưởng và cách thức tiến hành chuyển thể” nhưng trong điều kiện cho phép nên tổ chức cho học sinh thực hiện chuyển thể một tác phẩm văn học dựa trên lí thuyết đã học và trải nghiệm của bản thân. Tùy theo sở trường, năng khiếu, điều kiện của mỗi cá nhân, việc thực hành chuyển thể có thể chia thành các nhóm với các loại hình nghệ thuật khác nhau. Việc lựa chọn tác phẩm văn học gốc, thực hiện chuyển thể, công bố tác phẩm chuyển thể, học sinh sẽ là người thực hiện trên cơ sở định hướng, hỗ trợ, giám sát của giáo viên. Hoạt động này có thể được tổ chức thành những dự án học tập với quy mô lớn hơn một lớp học, có thể liên kết với các cơ sở nghệ thuật bên ngoài nhà trường để huy động được đông đảo nguồn lực tham gia và có ý nghĩa xã hội sâu rộng hơn.

Trong điều kiện không cho phép tổ chức được các hoạt động trải nghiệm trực tiếp (ở những vùng khó khăn), việc trải nghiệm online/qua các phương tiện truyền thông (ti vi, video, sách báo,...) cũng là một phương án thay thế hữu hiệu. Giáo viên có thể sưu tầm (hoặc tổ chức cho học sinh sưu tầm) các tài liệu trực quan giới thiệu về các cơ sở sáng tạo nghệ thuật. Việc tương tác với chuyên gia thông qua những cuộc gọi trực tuyến để tiến hành hoạt động này. Dù có thể hiệu quả không bằng trải nghiệm trực tiếp nhưng việc được quan sát trực quan, mở rộng các kiến thức thực tế cũng hỗ trợ rất nhiều cho người học để tiếp cận được với những kiến thức khá chuyên biệt trong chuyên đề này.

3. Kết luận

Dạy học chuyên đề “Tìm hiểu về một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ văn học” nói riêng và dạy học các chuyên đề Ngữ văn nói chung theo Chương trình Ngữ văn 2018 vẫn đang là thách thức đối với giáo viên Ngữ văn ở phổ thông bởi tính chuyên sâu về nội dung dạy học và đòi hỏi năng lực tự học, tự nghiên cứu, tư duy phản biện cao ở học sinh. Trong chuyên đề này, định hướng dạy học tích hợp văn học với các loại hình nghệ thuật khác đòi hỏi cả người dạy và người học phải trau dồi kiến thức về các loại hình nghệ thuật bên cạnh kiến thức văn học. Hướng tới mục tiêu định hướng nghề nghiệp về khoa học xã hội và nhân văn cho học sinh cấp Trung học phổ thông khi học tập chuyên đề này học sinh cần phải được trải nghiệm những hoạt động nghệ thuật trên thực tiễn. Có như thế học sinh mới hình thành và củng cố được thiên hướng lựa chọn nghề nghiệp của mình. Trên đây chỉ là những ý tưởng dạy học mang tính gợi ý định hướng, việc triển khai cụ thể sẽ cần nhiều những chia sẻ chi tiết hơn về các biện pháp thực hiện, cách thức tổ chức dạy học hiệu quả. Để thực hiện được chuyên đề này một cách trọn vẹn, rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của nhà trường với các cơ sở sáng tạo nghệ thuật để tạo ra một môi trường học tập mở, năng động, tích cực, kết hợp lí thuyết và thực hành cho học sinh.

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2018), Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn.

[2] Hoàng Phê (chủ biên), (2004), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.

[3] Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi, (1999), Từ điển Thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

[4] Trần Đình Sử (Chủ biên), (2016), Lí luận văn học (tập 2), NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[5] Linda Hutcheon, (2011), Lí thuyết về chuyển thể (Hoàng Cẩm Giang, Phạm Minh Điệp dịch), Tài liệu lưu hành nội bộ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[6] Lê Thị Dương, (2016), Chuyển thể văn học - điện ảnh (Nghiên cứu liên văn bản), NXB Khoa học Xã hội.

[7] Quốc hội, (2009), Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Post by: Khoa Ngữ văn
13-11-2024