Ngôn ngữ

THEO DÒNG “NHẬT KÍ NGƯỜI XEM ĐỒNG HỒ” CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU


22-10-2023

                                                                                        PGS. TS HOÀNG KIM NGỌC

“Nhật kí người xem đồng hồ” là tên tập thơ mới của Nguyễn Quang Thiều, gồm 85 bài thơ chia làm 2 phần: Phần 1: “Nhật kí người xem đồng hồ” (63 bài) và phần 2: “Bản tự khai của một số đồ vật trong phòng” (22 bài). Xen vào đó là mười bức tranh màu minh hoạ thơ của chính tác giả. Những bài thơ - nhật kí ấy đã trở thành nhật kí - thơ bởi trong cái TÔI, riêng tư, cá nhân ấy có cái TA; bao quát nhiều vấn đề của hiện thực xã hội quốc gia và quốc tế, đa dạng các cung bậc cảm xúc. Ông có khả năng thơ hoá tất cả những sự việc, sự kiện, đồ vật bình thường nhất và có khả năng làm mới những cái quen thuộc nhất. Gốc rễ của những bài thơ duy tình mang căn tính Việt của ông đã chạm được vào mỹ cảm của người đọc bằng lối diễn đạt hiện đại, chỉ dẫn liên tưởng đa nghĩa mang màu sắc triết lí. Mỗi độc giả sẽ dựa vào kiến thức nền của mình, dựa vào khả năng tiếp nhận liên văn bản, cùng đồng sáng tạo với tác giả để tự rút ra cái ý nghĩa hàm ngôn ẩn chứa dưới lớp vỏ ngôn từ của mỗi bài thơ.

  1. Mỗi mốc thời gian lưu giữ một “sự kiện tâm hồn”

Cảm thức thời gian đã in đậm dấu ấn trong tập thơ “Nhật kí người xem đồng hồ”. Thật đặc biệt khi có tới 24 nhan đề bài thơ trực tiếp nhắc đến thời gian như một tín hiệu nghệ thuật. Đó không chỉ là những mốc mặc định như ngày, sáng, trưa, chiều, đêm…(như: “Sáng chủ nhật”, “Giấc mộng trưa”, “Tin nhắn chiều 29.9. 2019”, “Đêm tháng Bảy”) mà còn là những mốc thời gian cụ thể đến từng giờ từng phút (như: “Lúc 4:11’”, “0 giờ 17 phút, 10:13’); thậm chí chi li đến từng giây (như bài: 10:3’10’’) ...

Mỗi dấu mốc thời gian ấy lại có một bài thơ ra đời như những dòng nhật kí của tâm hồn. Ông đã ghi lại được những cảm xúc, suy nghĩ và đặt ra được những vấn đề có ý nghĩa xã hội từ những cái tưởng như rất bình thường, nhỏ nhặt. Có thể dẫn ra một số ví dụ sau:

Bài “Đưa cháu về quê nội” (ngày 9/5.2019) kể về một hành động bình thường của một người ông nhưng lại khiến người đọc ngẫm nghĩ về vấn đề giáo dục trẻ em tình yêu quê hương nguồn cội. Bài thơ:“Bản tin ngày” (tr.7) ra đời chỉ từ một cái tin thời sự nhưng đã đề cập đến vấn đề kì thị màu da, phân biệt chủng tộc. Bài “Một cái cây bê tông” cũng khởi tứ từ một việc đơn giản (nhà thơ đọc được cái “tus” trên facebook của người bạn văn) nhưng nội dung đặt ra thì không đơn giản. Đó là sự cảnh báo về quy hoạch thành phố, thiếu cây xanh và rừng bê tông đang góp phần huỷ diệt môi trường sống của các loài sinh vật, côn trùng bé nhỏ. Bài “Một sáng chủ nhật” cũng được nảy tứ chỉ từ một sự việc thiết nghĩ chẳng có gì phải để tâm: “Quả bóng bay hình cá/ Tuột khỏi tay đứa trẻ/ Bay vào phòng tôi” rồi “Nó chập chờn bơi/ Mũi rúc vào giá sách”. Nhưng bằng cái nhìn siêu thực, nhà thơ hình dung: “Tôi thấy nó lôi từ đó ra những con bọ/ Không/ Đó là những con chữ/ Và nuốt chửng từng con”. Bài thơ nếu dừng ở đấy thì chẳng có gì đáng nói nếu như hai câu kết không gợi ra một liên tưởng mới, đẩy lên thành một vấn đề lớn đáng suy ngẫm: “Giờ những cuốn sách đã được dọn sạch/ Để bắt chúng ta viết lại”. Sao lại “dọn sạch” và “viết lại”? Phải chăng, những con chữ đã viết với tư duy cũ, cách nhìn nhận lỗi thời, ấu trĩ hoặc có gì đó chưa minh bạch về lịch sử có tác hại như những con bọ đã đến lúc phải được “viết lại”.

Bài Giờ G (được chú thích viết lúc 8:26 phút ngàỳ 07/10/2021) chính là một dấu mốc lịch sử, phản ánh hiện thực thời đại, ghi lại nỗi đau tinh thần của người dân trong cái ngày đau thương, đáng sợ trong trận chiến chống covid tại Việt Nam. Đó là thời khắc mà hàng vạn người dân lũ lượt kéo nhau về quê để chạy trốn giặc covid với những bộ dạng lam lũ và thống khổ: “Đấy là giờ trên mặt đất/ Những kiếp người trôi dạt/ Trên những nẻo đường/ Với một tài sản duy nhất mang theo/ Đói, khát và hoảng sợ”. Bài “Đứa bé đọc bản tuyên ngôn” một lần nữa lại khẳng định Nguyễn Quang Thiều là một công dân toàn cầu, là một nhà thơ lớn khi ông không quẩn quanh với những cảm xúc cá nhân mà đã quan tâm đến vấn đề nhân loại. Theo sát những vấn đề thời sự, nhà thơ hay tin: “Đêm qua nhân loại đối mặt với bầy quỷ nhảy múa cùng súng đạn”, chúng nhằm vào những người Hazara vô tội - một dân tộc bản địa bị phân biệt đối xử chỉ vì không thuộc dòng Hồi giáo Suni với đội quân Taliban ở Afghanistan. Nguyễn Quang Thiều có cảm giác nghe được những tiếng thét bất lực của họ dội về từ đất nước Nam Á này. Ông đã đau nỗi đau bị truy sát của dân tộc Hazara, đã đau nỗi đau chung của nhân loại tiến bộ. Nhưng nhà thơ vẫn tin rằng, dân tộc này không thể bị diệt chủng bởi: “Và đêm qua một đứa bé Hazara được sinh ra/ Để đọc bản Tuyên ngôn bất diệt của dân tộc mình thêm một lần nữa” (tr.81)

Thơ Nguyễn Quang Thiều đa dạng các trạng thái tình cảm của các mối quan hệ: có thơ cho gia đình (cháu nội, cháu ngoại, cho cha mẹ…); có thơ đề tặng bạn bè văn nghệ sĩ; có thơ cho tình yêu, cho đồng bào, cho nhân loại… và đều khởi tứ từ cái tình chân thật.

Ngày cháu ngoại ra đời ở bên kia trái đất, bằng mối liên hệ ruột thịt, thần giao cách cảm, nhà thơ đã thấy: “Ngày Kya ra đời, tôi nghe tiếng khóc trẻ sơ sinh/ Nhưng không đấy là giọng Kya/ Đang vang lên đọc tiếp bản tuyên ngôn về sự sống”. Từ cảm xúc riêng tư đó, ông đã đề cập đến vấn đề quyền trẻ em. Mỗi đứa trẻ ra đời cần có một “bản tuyên ngôn về sự sống”. Cuối bài thơ, một câu hỏi được đặt ra: chúng ta đang làm gì và sẽ làm gì để trẻ em hạnh phúc. Dưới con mắt nhà thơ, vẻ đẹp thánh thiện của trẻ thơ được nâng lên ngang tầm với vẻ đẹp của vũ trụ:“Khi đôi mắt Kya mở ra/ Bầu trời ngập tràn ánh sáng/ Khi giọng nói Kya vang lên/ Trong các vòm cây chim hót/ Khi bàn tay Kya xoè ra/ Những cánh đồng hoa bừng nở/ Và khi Kya ngậm bầu vú mẹ/ Có những dòng sông ngủ quên trong đất/ Giờ thức dậy và tuôn chảy”.

Bài thơ “Phạm Long Quận lúc 4:33’” tuy cũng là một sự kiện của mối quan hệ cá nhân (đưa tro cốt người bạn là hoạ sĩ, dịch giả, một người tài hoa, có đôi chút lập dị về quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương) nhưng qua đó, nhà thơ trình bày cho người đọc một cái nhìn tích cực về sự chết theo tinh thần Phật giáo. Chết không phải là hết, chết là bắt đầu một kiếp sống khác. Cho nên nhà thơ đã khuyên người thân, bạn bè đừng than khóc tiếc thương, hãy để Quận ra đi thanh thản vì anh đã hoàn thành sứ mệnh của mình và bây giờ mới là lúc anh bắt đầu chuyển nghiệp. Quận có thể khổ và nghèo theo quan niệm thông thường nhưng nhà thơ thấy bạn mình không khổ, không nghèo “Bởi giấc mơ của Quận/ Lớn hơn miền khổ đau” và bởi cái nhìn đời sống của Quận rất tích cực. Là người hiểu bạn, Nguyễn Quang Thiều đã miêu tả tư thế “về với đất” của Phạm Long Quận - họa sĩ thuộc trường phái siêu thực - cũng bằng những hình ảnh siêu thực lãng mạn: “Hai bàn tay đưa lên/ Hai cành cây đang mọc/ Đôi mắt Quận khép lại/ Gương mặt thì mở ra/ Hoa đang nở trái mùa / Trên cánh đồng tóc Quận”.

Bài thơ “Con chuột” (có lời đề từ: “Tặng Nguyễn Thị Thu Huệ”) cũng có cách diễn đạt siêu thực như sau: “Nàng đang nói/ Những bông hoa in trên áo nàng/ Từ từ nở/ Và con chim xanh đậu trên cành ở vai áo phải/ Đập cánh hót vang và chuyển sang cành ở vai áo trái/ Nàng đang nói/ Những chiếc cúc đỏ áo nàng/ Rung rinh chùm quả/ Mùi thơm của mĩ phẩm/ Hay hương quả chín/ Một con chuột bò về phía chùm quả/ Nó không đến từ vòm lá/ trên chiếc áo của nàng”. Như vậy, khởi thuỷ của bài thơ có thể đến từ ấn tượng cụ thể về một nữ đồng nghiệp (sự duyên dáng sinh động khi “nàng đang nói”, sự độc lạ về trang phục và mùi hương quyến rũ của nàng). Nhưng, chiều kích của bài thơ không chỉ dừng lại ở việc tụng ca người bạn thân quý, mà còn để nói về một vấn đề khác có ý nghĩa lớn lao hơn. Bởi vì, bài thơ đã gợi dẫn người đọc liên tưởng tới truyện cổ tích “Một cuộc thi tài” của Nhật Bản. Nghệ thuật thật hơn cả sự thật thì mới là nghệ thuật. Con chuột đã tưởng nhầm những hình thêu chim muông hoa lá trên vai áo và những cái cúc áo đỏ kia là một vườn hoa quả có thật và đang dậy mật thơm hương. Vì lẽ đó, đây đích thị là bài thơ ngợi ca sức mạnh của nghệ thuật.

Bên cạnh 63 bài thơ của Phần 1 thì ở Phần hai: Bản tự khai của một số đồ vật trong phòng có 22 bài thơ ngắn (độ dài chỉ từ 1 đến 6 câu). Thật thú vị khi 21 đồ vật cụ thể trong ngôi nhà của tác giả (như: Đèn dầu cũ, Ấm pha trà, Giá sách, Ảnh cũ…) đã trực tiếp trở thành 21 nhan đề (trừ cái gọi là Đồ chơi của cháu nội là không phải “đồ vật” theo nghĩa đen). Như vậy, có thể thấy với Nguyễn Quang Thiều thì bất cứ cái gì, điều gì cũng có thể trở thành thơ (thậm chí cái thùng rác cũng thành thơ), miễn là chúng được nhìn bằng đôi mắt thơ, bằng tâm hồn thơ và bằng trái tim nồng ấm, cực kì nhạy cảm của nhà thơ. Hầu hết các đồ vật ấy đều trở thành những sinh thể sống, đều tự cất lên tiếng nói của mình bằng chủ thể “tôi”, bằng sự nhân hoá. Cái thùng rác cũng trở thành thơ bởi nó không còn là sự vật mang nghĩa đen, nó đã được nhân hoá và vì vậy nó có nghĩa ẩn dụ: Tên tôi là sự nhơ nhớp/Để làm sạch những nhơ nhớp (113). Một cái đồng hồ Odo treo tường chết cũng thành thơ với cách diễn đạt thật lạ nhưng thật chính xác: “12 giờ 01 phút/ Tôi treo xác tôi lên tường/ Ra đi” (108)…

Ông đã cấp cho những đồ vật quen thuộc cái nhìn mới, ý nghĩa mới bởi trường liên tưởng rộng. Chẳng hạn, bài thơ “Bình gốm” chỉ có 5 câu nhưng người đọc thấy được sức sống trường tồn của văn hoá truyền thống. Ba câu đầu là: “Nước vẫn chảy trong đó/ Cây vẫn mọc lên/ Lửa không bao giờ tắt” có vẻ chả liên quan gì đến việc miêu tả cái bình làm bằng gốm, trừ hai câu thơ cuối có hai từ liên quan đến nhan đề là: “thợ gốm” và “chiếc bình”: “Giọng nói người thợ gốm/ Chứa đầy khoảng trống chiếc bình”. Thế nhưng chính hai câu này đã vén mở lớp nghĩa hàm ngôn: cái bình gốm không chỉ là cái bình làm bằng gốm, mà nó tượng trưng cho những giá trị văn hoá vùng châu thổ sông Hồng tồn tại ở trong nó, không bao giờ chết bởi “nước vẫn chảy”, “cây vẫn mọc”, “lửa không tắt” và nó “chứa đầy” dấu ấn tài hoa của người thợ chế tác ra nó. Bài thơ này còn chỉ dẫn chúng ta liên tưởng tới một bài thơ dài của ông có tên là “Chiếc bình gốm” (in trong tập “Châu thổ”, Nxb HNV, 2010) mà ở đó, những giá trị văn hoá ấy, quá trình chế tác cái đẹp ấy đã được nhà thơ trình hiện rất rõ ràng như một nghi lễ tôn giáo thiêng liêng…

Thơ ông không những thể hiện được trách nhiệm của mình với gia đình, dòng họ mà còn với đồng bào, với nhân loại trong tư cách một công dân toàn cầu.

2. Một phong cách định hình vẫn tiếp tục chuyển động

`Thơ Nguyễn Quang Thiều bên cạnh bút pháp, thi ảnh, ngôn ngữ, biểu tượng… đã định hình phong cách thì vẫn đang tiếp tục chuyển động trong tập thơ mới: “Nhật ký người xem đồng hồ”. Ở tập thơ này không còn những câu dài loằng ngoằng, “rườm lời bởi quá nhiều định ngữ nghệ thuật, cảm xúc nhiều khi chưa được tiết chế làm tổn hại đến những bí mật cần giấu kín để kích thích sự khêu gợi sâu xa…”[1] nữa. Mà thay vào đó là những câu thơ, bài thơ ngắn gọn (thậm chí có bài chỉ có một câu) nhưng lại khiến người đọc ngẫm nghĩ suy tư, khơi gợi liên tưởng, giàu tính triết lí.

Nguyễn Quang Thiều không phải là nhà thơ duy lý mà vẫn là nhà thơ nhạy cảm duy tình mang căn tính Việt. Vì quá nhạy cảm nên lúc nào ông cũng nghe thấy những tiếng vọng, tiếng gọi mơ hồ, tiếng thầm thì, tiếng kêu dịu dàng, tiếng thét đau đớn…. Những âm thanh đó vọng khắp mọi không gian đa chiều: “vọng từ chân trời”, “vọng từ cánh đồng”, “vọng từ đầm nước”, “vọng từ ngôi nhà” (48); vọng từ nghĩa địa  (62); vọng từ “thế giới rừng bê tông” (96), vọng “từ hai bờ sẫm tối” (59), từ “những ô cửa vàng mùa thu” (66)... Những âm thanh đó vang lên từ kí ức, từ những giấc mơ, từ cơn ác mộng, từ mối liên hệ thần giao cách cảm, từ miền tâm linh huyền nhiệm, thăm thẳm liêu trai… Đó là “giọng người xưa” (62), là “tiếng bàn luận của các vị thần” (48), là tiếng mẹ gọi từ “vầng mây tía bay qua” (89), là tiếng của “người tình kiếp trước” (100), thậm chí là “một tiếng gọi từ vùng thẳm sâu không có những cái miệng” (31)… Cuộc sống tự nó tiềm ẩn chất thơ. Đôi khi nhà thơ chỉ việc “gắp” nó ra. Càng nhạy cảm thì việc “gắp” ra càng dễ dàng…

            `Những biểu tượng làm nên nét riêng trong thơ Nguyễn Quang Thiều ở những tập thơ trước vẫn tiếp tục xuất hiện ở tập thơ này. Chẳng hạn, có tới 18 lần biểu tượng cánh đồng có mặt với những kết hợp lạ như: cánh đồng mù (31), cánh đồng nhân tính (67), cánh đồng người (74), cánh đồng bóng tối (82), cánh đồng tóc Quận (90), cánh đồng nhớ thương hoàng hôn đau đớn (95)… Nhưng đặc biệt hơn, trong “Nhật ký người xem đồng hồ”, hệ thống biểu tượng vẫn tiếp tục chuyển động, khi cộng thêm những biểu tượng mới là mây hạt (cây)…

Baudelaire đã từng viết: “Tôi yêu những đám mây… những đám mây đang trôi qua… ở phía xa kia… ở phía xa… những đám mây kì diệu” (Người xa lạ). Có lẽ Nguyễn Quang Thiều cũng giống Baudelaire yêu mây, nên mây đậu vào thơ ông như ám ảnh. Ở tập thơ này, mây xuất hiện nhiều lần với đủ sắc màu: “mây trắng”  (50, 62), mây vàng” (70, 100), mây tía”  (89), mây ngũ sắc” (49);  mây của đủ bốn mùa: “mây mùa thu” (49, 92), “mây mùa xuân, mây mùa hạ, mây mùa đông” (49); mây với đủ các kết hợp (danh/ động/ tính từ): “mây trời” (68), “mây tự sát” (23), “mây bay” (43,75), “mây nặng” (38), “mây thơm” (“mây trên đầu con thơm hoa”) (69); mây mang tên (người) (95)…  Mây trong thơ Nguyễn Quang Thiều không chỉ có nghĩa đen mà còn là mây hư ảo tâm linh, mây là nơi linh hồn trú ngụ… theo quan niệm văn hoá phương Đông.  Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng giảng: Khi chết chúng ta đi về đâu? Chúng ta sẽ hoá thành mây, sẽ về “Miền Mây Trắng” và đám mây không bao giờ chết. Chính vì thế, Nguyễn Quang Thiều mới có thể nhìn thấy người cha đã khuất núi của mình đi trong mây vàng (100), trong ngày giỗ mẹ, anh nghe thấy tiếng mẹ gọi trong mây tía (49), thậm chí anh còn nhìn thấy đám mây mang danh tính nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp (95), và ông cũng nhắn với con gái rằng rồi sau này con cũng sẽ thấy “cha về trong một áng mây bay” (75)…

Hạt trong thơ Nguyễn Quang Thiều cũng là biểu tượng cho sự trường tồn của tình yêu nam nữ, cho sự “khai mùa” sinh sôi tiếp nối thế hệ. Hạt có ý nghĩa bền vững bởi “tính biểu trưng của nó còn vượt lên trên nhịp điệu sinh tồn của cỏ cây, nhằm biểu đạt sự xen kẽ luân hồi giữa sự sống và cái chết”[2].  Đặc biệt những hình ảnh tượng trưng của hạt với những kết hợp: “hạt cây” (67), “hạt giống” (31, 66), “hạt cây thẫm đỏ” (67), “người gieo hạt” (66)… đều xuất hiện trong những bài thơ tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, ngọt ngào, phồn thực với cảm giác hạnh phúc khi “Da thịt mở ra rực rỡ những mùa” (66), khi “Sau cơn bão mang tên/ Một người đàn ông và một người đàn bà” (66); “cơn bão” ấy đã đổ bộ qua hàng loạt miền ái ân mà nhà thơ gọi là “miền chăn gối” (65),“miền mê man”(65), “miền bất tận”(66)

Cảm thức tôn giáo vẫn ngày càng đậm nét. Là nhà thơ tôn sùng những giá trị tinh thần nên ở tập thơ này, Nguyễn Quang Thiều vẫn tiếp tục tạo dựng nhiều nghi lễ. Với ông, trồng hoa là một nghi lễ, cắt hoa là một nghi lễ, ăn tối bên hoa là một nghi lễ: “Và một nghi lễ thực hiện buổi tối/ Rượu vang và cá hồi/ Để tôn vinh vẻ đẹp hoa hồng” (25); thậm chí hành động bế cháu cũng giống như một… nghi lễ: “Và tôi bế cháu tôi lên dưới vầng dương rực rỡ/ Người ban tặng cháu tôi những hạt giống vàng” (74)…

Có thể nói, “Nhật kí người xem đồng hồ” là một thứ thơ có đẳng cấp, được viết ra bởi một tư duy thơ thông minh, của một công dân toàn cầu. Ông có khả năng biến những thông tin giao tiếp bình thường thành những thông tin thẩm mĩ; lấy cái quen nói cái lạ, lấy cái nhỏ nói cái lớn, lấy cái tôi nói cái ta. Thơ ông mang vân chữ, cá tính riêng biệt cùng hệ thống thi ảnh siêu thực và tượng trưng rất Nguyễn Quang Thiều, không nhoè lẫn với ai. Dù ai đó có bắt chước thì vẫn chỉ là hàng nhái. Khi nói như thế, tôi đã nghĩ rất kĩ xem mình có khen quá lời không. Bởi tôi sẽ rất xấu hổ nếu khen một cái gì đó mà không có căn cứ, cơ sở. Tuy nhiên, với tư cách là một độc giả, tôi có quyền nói lên nhận xét của mình.

Hà Nội, mùng 5/9/2023

 

[1] Nguyễn Đăng Điệp, Trong những tầng sinh quyển văn hoá, Nxb. Giáo dục Việt Nam, năm 2023, tr. 522

[2] Jean Chevalier Alain Gheerbrant, Từ điển Biểu tượng văn hoá thế giới,  Nxb. Dà Nẵng, năm 1997, tr. 389

 

Post by: Khoa Ngữ văn
22-10-2023