Ngôn ngữ

Thử đi tìm giải pháp cho vấn đề chuẩn hoá ngôn ngữ xưng hô công sở


15-10-2020
Tác giả: Bùi Thị Minh Yến

Abstract: The paper originates from public opinion around the two issues regarding vocative in the offices, agencies and units in order to make work more smooth in the "Project on the basis of standard office culture" of the Institute of State Organizational Sciences (Ministry of Home Affairs). These are the two following issues: 1) How to make vocative word neutral?; 2) How to maintain friendship in the workplace? On the basis of communication theory and thesis of the social rules for research issues, the paper will try to analyze and discuss solutions to this problem. Key words: vocative word; solutions.

THỬ ĐI TÌM GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ CHUẨN HÓA NGÔN XƯNG HÔ CÔNG SỞ

(FINDING SOLUTIONS TO THE PROBLEM OF OFFICE VOCATIVE LANGUAGE STANDARD (ADMINISTRATIVE)

BÙI THỊ MINH YẾN (TS; Viện Ngôn ngữ học)

1. Dẫn nhập

Theo các nhà xã hội học, nền hành chính được hiểu như là một loại hoạt động, cách tổ chức và quản lí xã hội chuyên nghiệp nhằm thực hiện những mục tiêu chung, cần những quy phạm, những khuôn khổ xử sự [xem thêm 16, 40]. Chính vì thế, trong tình hình ngôn ngữ xưng hô công sở đa dạng, phức tạp hiện nay, Đề án về chuẩn văn hóa công sở của Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) đã đặt ra hai vấn đề liên quan việc xưng hô tại các công sở, cơ quan đơn vị nhằm làm “công việc trôi chảy hơn”. Đó là: 1) Làm thế nào để từ ngữ xưng hô trở nên trung tính?; 2) Làm thế nào để tình thân trong công sở được duy trì? [ 6, 14, 17, 19, 38, 41, 44]. Đây có thể coi là những câu hỏi cũng đáng suy nghĩ/những vấn đề cũng đáng đặt ra trong bối cảnh Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 vừa đi được một chặng đường. Trả lời những câu hỏi/giải quyết những vấn đề ấy/đấy không đơn giản chỉ là công việc của tổ chức bộ máy nhà nước.

Nếu ngược về những năm 90 thế kỉ trước, tác giả Nguyễn Văn Tu, Hoàng Thị Châu cũng đã bàn đến và thử đưa ra vài đề nghị cho những điều tương tự [13, 25]. Những tác giả đầu tiên này đã nhận ra nhu cầu xã hội về việc tìm kiếm những cặp từ xưng hô trung tính, nhất là trong xã giao; trong giao tiếp hành chính/của các cơ quan nhà nước, đoàn thể, trường học. Sau đó cũng đã có những nghiên cứu liên quan bàn luận vấn đề này [2, 22, 24, 27, 28] nhưng hoặc là nghiêng về giải pháp chức danh hóa, hoặc là nghiêng về giải pháp gia đình hóa. Mấy năm trước [4, 20, 23, 26, 29] và đặc biệt rộ lên những ngày gần đây, nhất là sau khi Đề án về chuẩn văn hóa công sở của Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) được duyệt, hàng loạt ý kiến của những người có trọng trách, của giới nghiên cứu nhiều lĩnh vực được đăng tải [6, 14, 17, 19, 38, 41, 44]. Chẳng hạn: 1/ Bỏ xưng hô chú - cháu nơi công sở (7/5/2014); 2/ Đề xuất xưng tôi trong công sở (8/5/2014); 3/ Nên buộc xưng hô anh - em nơi công sở (9/5/2014); 4/ Không gọi thằng/con nơi công sở (10/5/2014); 5/ Không còn chú - cháu nơi công quyền (26/6/2014)

Bài viết này của chúng tôi sẽ thử phân tích và bàn giải pháp cho vấn đề này dựa trên lí thuyết giao tiếp xưng hô và tính quy định xã hội của vấn đề nghiên cứu.

2. Một số giải pháp cho vấn đề chuẩn hóa xưng hô công sở

 2.1. Về ngôi xưng hô thứ nhất

Tuy vẫn còn những vướng mắc nhất định, chúng ta cũng khá dễ dàng khi thống nhất chọn “tôi” làm đại từ ngôi thứ nhất xưng hô trung tính. Đại từ xưng hô trung tính ngôi thứ nhất “tôi” này nhiều khả năng có mối liên hệ với yếu tố chỉ người dưới là “tôi” trong “tôi tá”, “tôi tớ”, “tôi đòi”, “tôi mọi”, “tôi mọn”, “phận làm tôi”…; từ chỉ khái niệm/miêu tả /định vị phân cấp/đẳng cấp quyền lực/vị thế bề dưới trong xã hội phong kiến quân chủ (vua) - tôi; trong “vua tôi”, “bề tôi”, “tôi trung”,…[1, 3, 5, 9, 15, 31, 37, 40, 45]. Nhưng theo thời gian, từ yếu tố chỉ người dưới/từ xưng hô bề dưới tự gọi, “tôi” có thể đã bị hư hóa để có được vị trí đại từ xưng hô trung tính ngôi thứ nhất khá phổ biến như hiện nay, tuy với một số đối xưng – nhất là theo tính chất quan hệ gia đình thì “tôi” chưa có được vị trí hoàn toàn như vậy (mặc dù trong quá khứ, “tôi” đã từng được dùng với tính cách trung hòa trong những mối quan hệ gia đình thực sự [4, 20, 29]).

Có thể nhận ra một con đường của sự chuyển hóa yếu tố chỉ người bề dưới (đáp ứng nhu cầu khiêm xưng trong văn hóa người Việt cổ truyền), trong những điều kiện lịch sử - xã hội nhất định, đã làm hình thành nên đại từ trung tính ngôi thứ nhất trong xưng hô.

2.2. Về ngôi xưng hô thứ hai

Trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Chính Hữu đã có bài thơ “Đồng chí” đầy ý nghĩa [In trong tập “Đầu súng trăng treo” (1966, 1972); Nxb. Văn học]. Không phải ngẫu nhiên mà từ xưng hô “đồng chí” đã theo suốt Đảng và dân tộc chúng ta từ những ngày tổ chức chính trị này còn trong trứng nước. Cho đến khi những tổ chức Đảng đầu tiên ra đời, quá trình hợp nhất và lãnh đạo cách mạng qua hơn hai cuộc chiến tranh. Đấy là những năm tháng gian khổ, hào hùng, thiêng liêng, thắm đượm tình đồng chí. Có thể không khó mà nhận thấy rằng từ xưng hô này đã được dùng phổ biến rộng ra ngoài xã hội ở miền Bắc từ sau ngày Hiệp định Giơnevơ được kí kết (1954) và trên cả nước từ sau ngày giải phóng miền Nam (1975). Dù có lúc thăng trầm, từ xưng hô “đồng chí” hiện nay vẫn hiện hữu song hành cùng các hệ thống từ ngữ xưng hô khác trong đời sống xã hội. Đặc biệt, từ xưng hô "đồng chí" còn có một cơ sở chính trị - xã hội không thể phủ quyết trong tình hình hiện nay: đó là vai trò Đảng đoàn trong đời sống đất nước thông qua các văn kiện Hiến pháp, pháp lệnh, luật, điều lệ...[ 8, 11, 18, 30].

Chúng ta có thể nhận thấy từ xưng hô ngôi thứ hai “đồng chí” đã đi từ định danh “người có chí hướng tâm sự như nhau” [7; tr. 209]/ “cùng chí hướng” [40; tr. 365] chung chung đến “thường dùng để chỉ những người cùng đeo đuổi một mục đích chính trị” [3; tr. 616] / “người cùng chí hướng chính trị, trong quan hệ với nhau” / “từ dùng trong đảng cộng sản để gọi đảng viên”/ “từ dùng trong xưng hô để gọi một người với tư cách là đảng viên đảng cộng sản, đoàn viên một đoàn thể cách mạng hoặc công dân một nước xã hội chủ nghĩa” [12; tr. 446]; đến thành từ gọi nhau giữa các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên Bộ Nội vụ; đến cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên các tổ chức, cơ quan khác...[ 2, 22, 24, 42] .

Từ “đồng chí” đã có một quá trình ra đời, đồng hành cùng với lịch sử đất nước, dân tộc. Nội hàm/sở biểu của nó đang dần hòa nhập trong cái vỏ đại từ xưng hô trung tính ngôi hai. Trong thực tiễn văn hóa công sở hiện nay, nó là ứng viên sáng giá so với từ xưng hô trong các hệ thống khác.

2.3. Về cặp từ xưng hô quy thức công sở

So với các hệ thống từ xưng hô khác, những điểm ưu/vượt trội của đại từ xưng hô trung tính ngôi thứ nhất “tôi” và từ xưng hô ngôi thứ hai “đồng chí” xét ở khía cạnh các nhân tố xã hội bên ngoài chung nhất thường trực chi phối (gia đình; tuổi tác; giới tính; địa vị xã hội; hoàn cảnh giao tiếp...) có thể thấy như sau: 1/ Vắng bóng quan hệ gia đình; 2/ Vắng bóng quan hệ tuổi tác; 3/ Vắng bóng mối liên hệ giới tính; 4/ Vắng bóng quan hệ địa vị xã hội; 5/ Phù hợp giao tiếp công sở theo cách quy thức. Cách quy thức này được hiểu một cách phổ biến và trước tiên là phong cách giao tiếp trong nội bộ các cơ quan, công sở nhà nước; nhất là trong các hội nghị, họp hành... Từ nhân viên đến thủ trưởng; cán bộ, công chức, viên chức đến người lao động đều có thể dùng cặp từ ngữ xưng hô này để xưng gọi với nhau, không câu nệ người trên, kẻ dưới. Có thể coi cặp xưng hô này như là một kết tinh đẹp đẽ của vận trình lịch sử đất nước, dân tộc từ khi Đảng ra đời, lãnh đạo cách mạng cho đến ngày nay. Không phải ngẫu nhiên mà thực tế công sở quy thức đã làm hình thành cặp xưng hô giản dị và trung tính đến vậy (sản phẩm hậu chiến – sau chiến tranh, nhiều cán bộ, chiến binh gia nhập môi trường dân sự). Ngoài các cuộc họp nội bộ công sở vốn rất phổ dụng cặp xưng hô này thì trong các giao dịch tiếp dân, cặp xưng hô này cũng được các cán bộ, công chức sử dụng khá phổ biến [2, 22, 24].

3. Lời kết

3.1. Gia đình và xã hội là những thiết chế và không gian kín/mở khác nhau và đa dạng phong phú vô cùng với giao tiếp xưng hô trong tiếng Việt và với người Việt. Nhưng để tìm một quy chuẩn trong giao tiếp xưng hô ở các cơ quan, công sở nhà nước sẽ không phải là điều quá khó. Thực tế thì nó đã hình thành. Công việc của chúng ta chỉ còn là khuyến cáo lựa chọn, quán triệt sử dụng tích cực trong hoàn cảnh giao tiếp quy thức. Làm cho nó ổn định nhất loạt trong môi trường đó. Và phát triển dần sang các phạm vi giao tiếp lân cận (công sở phi quy thức). Từ đó mới hi vọng có sự lan tỏa rộng rãi ra ngoài tổng thể xã hội, có tác động thực sự đến các thiết chế tự do hay truyền thống khác. Đó là một quá trình tạo phương tiện giao tiếp xưng hô trang trọng tối giản nhằm đồng tiến đến một mục tiêu chung là xây dựng và phát triển nhà nước pháp quyền, văn minh, tiến bộ. Nếu chúng ta cùng nhau thống nhất tiếp cận quan điểm từ xưng hô chỉ có nghĩa sở chỉ, không có nghĩa sở biểu, chúng tôi tin rằng tiến trình tìm kiếm từ ngữ xưng hô công sở vừa trung tính vừa đảm bảo thân tình đáp ứng văn hóa sống/tinh thần của người Việt sẽ được đẩy tới.

3.2. Theo đà phát triển của xã hội, chức năng cuả nền hành chính ngày càng được củng cố theo hướng chuyên nghiệp hóa cao hơn và rõ hơn. Nền hành chính ngày nay đã chuyển từ nền hành chính chỉ biết có quy định sang một nền hành chính tổ chức có mối liên hệ mật thiết với xã hội công dân. Một mặt nó có mối liên hệ khăng khít với quyền lực chính trị và quyền lực xét xử; nhưng mặt khác, nó cũng được xác định bởi các điều kiện kinh tế, xã hội, tương quan giai cấp, đặc điểm dân tộc,...Kết quả hoạt động quản lí hành chính còn được đặt trên một nền dân trí của nhân dân cả nước. Thước đo hoạt động của nền hành chính là hiệu quả xã hội của nó. Và chúng ta hoàn toàn có quyền và có khả năng định hướng xây dựng những cặp từ ngữ xưng hô vừa trung tính vừa vẫn đảm bảo tình thân trong giao tiếp công sở phù hợp văn hóa cổ truyền người Việt. Điều quan trọng là quan niệm văn hóa cổ truyền cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp tiến trình phát triển xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Alexandre de Rhodes (1651), Annam - Lusitan - latinh (Tự điển Việt - Bồ – La), Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính dịcch, Nxb KHXH, tp HCM. 1991.

2. Bùi Thị Minh Yến (2001), Từ xưng hô trong gia đình đến xưng hô ngoài xã hội của người Việt, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện Ngôn ngữ học.

3. Bửu Kế (1999), Từ điển Hán Việt từ nguyên, Nxb. Thuận Hóa.

4. Cao Xuân Hạo (08/9/2008), Mấy vấn đề về văn hoá trong cách xưng hô của người Việt.

5. Dictionarium Anamitico - Latinum (Từ điển Việt - Latinh) (1877).

6. Dương Tùng (Khampha.vn): 1. Bỏ xưng hô "chú - cháu" nơi công sở? (ngày 07/5/2014. 2. Đề xuất xưng “tôi” trong công sở (ngày 08/5/2014.

7. Đào Duy Anh (1992), Hán - Việt từ điển, tái bản, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

 8. Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam khóa XI (2011).

9. Gustave Hue (1937), Từ điển Việt - Hoa - Pháp, Hà Nội.

10. Tổng cục hải quan. Không xưng hô theo thứ bậc tuổi tác đối với cấp trên khi hội họp, giao tiếp công việc.

Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, Số 1 (231)-2015

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020