VỀ VỊ TRÍ CỦA TÊN RIÊNG
TRONG HỆ THỐNG DANH TỪ TIẾNG VIỆT
Phạm Tất Thắng
1. Trong lịch sử Việt ngữ học, mặc dù không ai phủ nhận sự tồn tại của các tên riêng (proper name), nhưng dường như chúng ít được quan tâm hơn là những từ ngữ thông thường (còn gọi là tên chung - general names). Trong hầu hết các tài liệu lý luận về tiếng Việt, bản chất của các loại tên riếng như tên người (nhân danh); tên đất (địa danh); tên gọi các cơ quan, tổ chức; tên gọi sách báo; tên gọi thần linh,... chưa được các giới chuyên môn chỉ ra rõ ràng.
Các nhà từ vựng học tiếng Việt thường gọi tên riêng là từ, nhưng lại không xếp chúng thuộc lớp từ nào. Các nhà ngữ pháp học tiếng Việt tuy xếp tên riêng cùng loại với danh từ và gọi chúng là "danh từ riêng", nhưng khi miêu tả đặc điểm từ loại của chúng, thì người ta mới vỡ lẽ ra rằng các tên riêng có nhiều điểm rất khác biệt so với danh từ. Nói cách khác, các tên riêng không nằm gọn trong cùng một "khuôn" với các danh từ. Chính vì thế, có người vẫn không khỏi băn khoăn khi xếp tên riêng cùng nhóm với danh từ. Chẳng hạn, Nguyễn Tài Cẩn cũng đã từng cân nhắc khi xếp tên riêng cào cùng lớp với danh từ. Theo ông, nếu căn cứ vào chức năng ngữ nghĩa khác nhau của tên riêng và tên chung, thì các tên riêng "đáng được tách ra" thành một hệ thống, còn danh từ chung có thể với động từ và tính từ làm thành một hệ thống khác [2]. Ngay cả Đinh Văn Đức cũng không thấy dành cho tên riêng một vị trí đáng kể nào trong tác phẩm của mình khi viết về từ loại tiếng Việt [4]. Điều đó chứng tỏ câu chuyện về tên riêng tiếng Việt chưa phải đã đến hồi kết, mà có thể nó chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu.
Trên thực tế, tên riêng Việt đã được quan tâm từ lâu. Vào những năm 30 của thế kỷ XX, một số tài liệu về tên riêng tiếng Việt đã bắt đầu xuất hiện, nhưng đó mới chỉ là những công trình khảo cứu, biên soạn về nhân danh hay địa danh Việt Nam. Nhưng bắt đầu từ những năm 80 - 90 thế kỷ XX, đặc biệt là khoảng 10 năm trở lại đây, các công trình nghiên cứu về tên riêng tiếng Việt xuất hiện ngày cảng nhiều. Vì thế, bản chất của chúng mới dần được khám phá.
Dựa vào những thành tựu nghiên cứu về tên riêng tiếng Việt của các học giả trong nước và ngoài nước, bước đầu chúng tôi cho rằng, tên riêng là lớp tên gọi có cấu trúc đặc biệt và không thuần nhất. Việc nghiên cứu chúng có thể được tiến hành từ nhiều bình diện khác nhau của ngôn ngữ học.
Trong bài viết này, chúng tôi bàn đến vị trí của tên riêng trong hệ thống từ loại danh từ tiếng Việt.
2.0. Như trên đã nói, trong hầu hết các tài liệu về ngữ pháp tiếng Việt, tên riêng tiếng Việt được xếp vào cùng nhóm với từ loại danh từ và được gọi là danh từ riêng. Quan niệm này đã trở thành nếp nghĩ mang tính truyền thống trong Việt ngữ học. Tuy nhiên, quan niệm này có thể sẽ thay đổi, nếu chúng ta tiếp tục đi sâu tìm hiểu bản chất của loại tên gọi này so với các loại danh từ khác cả về mặt cấu trúc - ngữ nghĩa cũng như những đặc trưng ngữ pháp của chúng. Cụ thể như sau:
2.1. Về cấu tạo (structure), các tên riêng hoàn toàn khác hẳn với các danh từ. Chúng được tạo ra không phải theo con đường cấu tạo từ nói chung, mà theo một quy tắc kết hợp riêng để tạo thành tên gọi cho một đối tượng cá biệt, duy nhất - "có một không hai".
Chẳng hạn, một người có tên gọi đầy đủ (còn gọi là "tên chính" hay "chính danh") là "Cao Như Núi", thì trong tên gọi đó có ba kí hiệu mang những chức năng định danh khác nhau: "Cao" là tên họ, "Như" là tên đệm và "Núi" là tên cá nhân của một người. Ba loại kí hiệu này có thể được tách ra khỏi cấu trúc tên gọi để sử dụng độc lập trong những hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Người ta có thể gọi nhau chỉ bằng tên họ, tên cá nhân, thậm chí bằng tên đệm. Chính vì vậy, trong một công trình nghiên cứu về tên người Việt vào năm 1996 [ 12 ], chúng tôi đã gọi tên chính của người Việt là một "tổ hợp định danh", chứ không phải là "từ", "danh từ", "tổ hợp từ" hay một cái "tên" chung chung như có người quan niệm.
Về cấu tạo, "núi" là một từ đơn. Nó có thể kết hợp với những yếu tố khác để tạo thành một từ mới như: "núi non, núi niếc, núi rừng, rừng núi,... Khi tham gia vào tên riêng, từ "núi" cũng có thể kết hợp với một yếu tố cá biệt khác để tạo thành một địa danh như: núi Hồng, núi Đọ, núi Ba Vì, núi Hồng Lĩnh,... Tuy nhiên, hai kiểu kết hợp nói trên của từ " núi" là hoàn toàn khác nhau. Nó tạo ra hai loại tên gọi mang chức năng định danh không giống nhau. Chính vì thế, trong một công trình nghiên cứu về địa danh Hải Phòng năm 1996, Nguyễn Kiên Trường cho rằng: "Địa danh là những kí hiệu ngôn ngữ đặc biệt được tạo thành từ một hệ thống kí hiệu đã có để định danh cho một đối tượng cụ thể, được xác định. Nó là đơn vị định danh bậc hai trên cơ sở vốn từ chung [18].
Sau khi khẳng định tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể là một loại tên riêng, Đặng Ngọc Lệ cho rằng, tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể như "Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cục hải quan, Nhà máy thủy điện Hòa Bình" là "các định danh đa thành tố, có kết cấu lỏng". Theo ông, ngay cả trong trường hợp tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể có đến 5, 6, 7 thành tố thì tên gọi đó vẫn hành chức như một "chỉnh thể tên riêng" [ 8 ].
Trong một công trình khác nghiên cứu về tên gọi các vị thần linh đất Việt, chúng tôi cũng cho rằng, cấu tạo của tên thần linh gồm hai thành tố: thành tố chung và thành tố riêng. Vị trí của hai thành tố này không cố định, mà có thể xuất hiện ở những vị trí khác nhau trong tên gọi. Chính vì thế, chúng tôi cũng gọi tên thần linh là một "đơn vị định danh đa thành tố". [ 15 ]
Ví dụ: "Bản cảnh thành hoàng Nguyệt Vi linh tiên phu nhân" là tên gọi của một vị nhân thần của nước ta hiện đang được thờ ở An Nhân - Ninh Phước - Ninh Thuận. Trong tên gọi đó, "Bản cảnh thành hoàng" và " linh tiên phu nhân" là thành tố chung đứng ở hai vị trí khác nhau trong tên gọi. Các tên chung thường là tên gọi chức danh các vị thần do vua sắc phong hay được nhân dân tôn vinh. Còn "Nguyệt Vi" là thành tố riêng chỉ tên thật của người khi còn sống. (Dưới thời phong kiến trước đây, một số ít người có tài đức xuất chúng và có nhiều công lao to lớn với đất nước, với cộng đồng, thì sau khi mất, họ được vua sắc phong hay được nhân dân suy tôn làm thánh hay thần và được thờ trong đình, chùa, miếu, am,...).
Tên riêng không chỉ có nhân danh, địa danh, thần danh hay tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể như trên mà còn có nhiều loại khác nữa. Năm 1994, Hoàng Tuệ phân biệt tên riêng tiếng Việt gồm 5 loại, đó là tên người; tên nơi chốn; tên thời kì, thời điểm, sự kiện lịch sử; tên tổ chức; tên công trình [ 17].
Đến năm 2003, chúng tôi phân chia tên riêng tiếng Việt ra làm 11 loại. Đó là tên người; tên động vật; tên thực vật; tên gọi các hiện tượng tự nhiên; tên các công trình kiến trúc; tên các phương tiện giao thông; tên gọi các đơn vị hành chính; tên các cơ quan, tổ chức; tên các sản phẩm hàng hóa, tên gọi sách báo; tên gọi các văn bản hành chính [14].
Việc phân loại tên riêng có thể sẽ còn được tiếp tục và có sự thay đổi về số lượng tên gọi, song một điều có thể khẳng định rằng, tên riêng không phải kết quả của một phương thức cấu tạo từ - một loại từ, mà chúng là một loại kí hiệu đặc biệt, có giá trị tương đương với từ.
2.2. Với tư cách là một loại tín hiệu ngôn ngữ, cả tên riêng và tên chung đều có nghĩa (meaning). Tuy nhiên, nghĩa hay ý nghĩa của tên riêng không hoàn toàn giống với nghĩa của các tên chung. Sự khác biệt này đã được chúng tôi trình bày trong một báo cáo tại Hội nghị khoa học của Viện ngôn ngữ học và đã in trong tập Kỉ yếu "Tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam [13]. Trên đại thể, quan điểm đó có thể được hình dung như sau:
Tất cả các từ đều có ý nghĩa khái quát hoặc biểu hiện một khái niệm nhất định. Trong khi đó, các tên riêng không có ý nghĩa khái quát, không hề liên quan tới bất kì khái niệm nào cả. Chúng chỉ là những kí hiệu dùng để gọi tên cho một đối tượng cá biệt và đơn nhất.
Về mặt hình thức,các tên riêng không có hệ thống kí hiệu riêng, mà thường sử dụng những kí hiệu có sẵn trong vốn từ chung để làm tên riêng. Mặc dầu vậy, ý nghĩa của các tên riêng vẫn không có mối liên hệ nào với ý nghĩa của những từ tương ứng với nó trong vốn từ chung.
Một người có tên là Núi, nhưng ý nghĩa của tên gọi này không trùng với ý nghĩa từ vựng của từ "núi" đã được ghi trong từ điển, mà nó đơn giản chỉ là một cái tên đặt cho người này để phân biệt với những người khác trong cộng đồng. Trên thực tế, có thể có nhiều người tên là "Núi", thậm chí trùng nhau cả tên họ và tên đệm, nhưng mỗi tên gọi đó chỉ gắn với một người có xuất xứ khác nhau cả về nguồn gốc lẫn ngoại hình cũng như những đặc điểm khác về tâm sinh lí giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp,... Chính những đặc điểm này mới làm nên ý nghĩa của các tên riêng.
Mặc dù ý nghĩa của tên riêng về nguyên tắc khác với ý nghĩa của tên chung, nhưng do có hình thức trùng với tên chung, nên ý nghĩa của một số tên riêng (đặc biệt là tên người) vẫn có mối liên hệ nhất định với ý nghĩa của các tên chung tương ứng.
Chẳng hạn, một người chọn từ "núi" làm tên gọi cho con của mình để gắn với ý nghĩa biểu trưng cho "sự to lớn, sự mạnh mẽ, vững chãi không gì lay chuyển nổi". Ý nghĩa này có mối liên hệ đến ý nghĩa từ vựng của từ "núi" đã được định nghĩa trong từ điển. Tương tự như vậy, người ta thường mượn ý nghĩa của những từ chung trong vốn từ toàn dân để thể hiện ý chí hay nguyện vọng nào đó của mình qua cách đặt tên riêng. Ví dụ, những người muốn cho con mình có cuộc sống đầy đủ về vật chất, thì thường đặt tên là Giàu, Sang, Phú, Quý,... Những người muốn cho con mình có sức mạnh về thể chất thì đặt tên là Khỏe, Mạnh, Hùng, Dũng,... Những người thích vẻ đẹp về tinh thần thì đặt tên cho con mình là Hiền, Lành, Vui, Tươi,...
Bên cạnh những kiểu tên mang ý nghĩa nói trên, tên người còn thể hiện nhiều ý nghĩa khác gắn với những dấu ấn kỉ niệm nào đó về quê hương xứ sở, về mối quan hệ với những người thân, với bạn bè và nhiều mối quan hệ xã hội khác.
Chẳng hạn, sau khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Bộ phận đi cùng Bác chỉ có tám người, làm đủ mọi việc từ công tác văn phòng, thư ký đến bảo vệ, liên lạc, hậu cần. Sáng 6/3/1947, Bác gọi tám anh em đến hội ý và căn dặn anh em phải tuyệt đối giữ bí mật trong mọi công việc. Bác nói: "Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta mới bắt đầu và còn lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định sẽ thắng lợi. Từ hôm nay trở đi, để tỏ lòng quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và cũng là để giữ bí mật, Bác đặt tên cho các chú là Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thắng-Lợi". (nguồn:http://www.cand.com.vn/vi-VN/phongsu/2008/5/91388.cand )
Những tên gọi đó đã thể hiện đường lối và ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù của Đảng, Bác Hồ và của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đặt rất nhiều tên mới cho những vùng đất, những ngọn núi, những con suối vốn đã có tên gọi. Thời kì sống trong rừng Pác Bó, Người đã đặt tên cho ngọn núi cao vốn có tên là Phja Tào (núi Đào) là núi Các Mác và con suối chảy từ Cốc Bó ra, dưới chân núi Các Mác (vốn có tên là suối Giàng) là suối Lênin để nhắc nhở nơi đây là cội nguồn cách mạng Việt Nam.
(Nguồn: http://www.baovanhoa.vn/vanhoaxuan2010/23891.vho)
Như vậy, ý nghĩa của tên riêng là một phạm trù rất rộng, có mối liên hệ chặt chẽ với những dấu ấn văn hóa đặc trưng cho mỗi một cộng đồng dân tộc. Ý nghĩa đó đã vượt ra khỏi khuôn khổ biểu niệm của các kí hiệu trong ngôn ngữ chung để trở thành một loại kí hiệu đặc biệt mà không loại từ nào có thể có được. Chính thế mà Lê Trung Hoa đã có lí khi cho rằng địa danh như là một " tấm bia lịch sử bằng vàng" [ 7].
2.3. Về mặt ngữ pháp, khả năng kết hợp của tên chung và tên riêng cũng không hoàn toàn như nhau. Hai loại tên gọi này không thể đặt chồng khít vào cùng một khuôn từ loại. Trước hết, cần phải xem xét vị trí và vai trò của các tên riêng trong cụm danh từ (danh ngữ). Cũng như danh từ, các tên riêng cũng có khả năng làm thành yếu tố chính và đứng ở vị trí trung tâm cụm từ, nhưng khả năng kết hợp của chúng với các yếu tố đứng trước và sau nó lại rất "yếu ớt " và không điển hình như ở danh từ. Điều đó biểu hiện ở chỗ:
- Các tên riêng không dễ dàng kết hợp với các yếu tố chỉ lượng như "cả, tất cả, tất thảy" hay "mọi, từng" đứng trước nó như ở danh từ, vì đơn giản là, tên riêng bao giờ cũng sử dụng ở số ít. Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt, một số từ này vẫn có thể kết hợp với tên riêng (chủ yếu với địa danh) với ý nghĩa hoán dụ chỉ những người sống ở địa danh đó như: "Cả Hà Nội nhất tề đứng lên đánh giặc" hoặc để phân biệt nhiều người có tên gọi giống nhau như: "Ở đây có hai Nguyễn Văn Nam, anh cần gặp Nguyễn Văn Nam nào? " (Dẫn theo Nguyễn Tài Cẩn, sđd,).
- Các tên riêng không kết hợp trực tiếp với từ "cái" với tư cách là "từ tình thái" (thuật ngữ của Đinh Văn Đức [5] ), mà chỉ kết hợp gián tiếp với từ này thông qua một từ chỉ loại hoặc danh từ chỉ sự vật khác đứng trước nó.
Ví dụ: Cái thằng Mới láo thật (Ngô Tất Tố, Tắt đèn, Hà Nội, 1957).
Điều này khác với danh từ chung, vì danh từ chung có thể kết hợp rộng rãi với cả từ chỉ loại và từ chỉ xuất.
Ví dụ như: cái bàn này, cái nhà này, cái con mèo này,...
- Các tên riêng cũng không kết hợp rộng rãi với các từ chỉ định này, nọ, ấy, kia, …” đứng sau nó như ở các danh từ chung. Trường hợp đặc biệt, một số tên riêng có thể kết hợp với từ chỉ định nhưng chỉ để nhấn mạnh một ý nghĩa nào đó trong câu.
Ví dụ: "Cái thằng Năm Sài gòn này không bao giờ thèm dùng nước mắt để lừa dối người" (Nguyên Hồng, Bỉ vỏ, Hà Nội, 1957).
- Về cú pháp, các tên riêng cũng có khả năng giữ các chức vụ trong câu, nhưng phẩm chất của các chức vụ này cũng có điểm khác biệt nhất định so với danh từ chung. Chẳng hạn, tên riêng cũng có khả năng làm định ngữ mở rộng ý nghĩa cho danh từ trung tâm, nhưng theo Nguyễn Tài Cẩn: "nó thường chỉ làm loại định ngữ chỉ kẻ chiếm hữu" và thường phải thêm giới từ vào trước tên riêng như: "Một bài hát rất Việt Nam" hay "Việc phê bình của Nguyễn Đình Chiêm" (Dẫn theo Nguyễn Tài Cẩn, Sđd,tr 89).
Cuối cùng là về vấn đề chuyển loại. Hiện tượng này xuất hiện khá phổ biến đối với tên chung, nhưng lại ít xảy ra đối với các tên riêng. Điều này dễ hiểu vì đối tượng được gọi bằng tên riếng luôn luôn có tính xác định và cụ thể. Nếu tính chất cụ thể nào đó của người mang tên riêng trở nên phổ biến và có xu hướng trở thành phẩm chất chung cho nhiều người, thì hiện tượng chuyển tên riêng thành tên chung có thể xảy ra.
Chẳng hạn, tên nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao sẽ đóng vai trò là tính từ (chỉ tính cách liều lĩnh hay ăn vạ) trong trường hợp "Thằng ấy Chí Phèo lắm". Tương tự như vậy, người Việt thường hay chỉ những người lừa đảo, tráo trở trong quan hệ tình yêu là "giống Sở Khanh" hoặc gọi người nào có tính hay ghen tuông là người có "máu hoạn thư" ( Sở Khanh và Hoạn Thư là tên của những nhân vật trong “ Truyện Kiều “ của Nguyễn Du).
Như vậy, mặc dù vẫn được xem là danh từ, nhưng các tên riêng không "thỏa mãn" các đặc trưng chủ yếu của từ loại danh từ. Vì thế chúng cần được tách khỏi danh từ làm thành một lớp riêng, có cấu trúc- chức năng đặc biệt, khác hẳn với danh từ chung và các lớp từ loại khác trong hệ thống ngôn ngữ. Chúng tôi gọi chúng là "ngữ định danh". Khái niệm này sẽ được chúng tôi trình bày trong một dịp khác.
3. Tóm lại, các tên riêng không chỉ có cấu trúc đặc biệt, mà trong các thành phần tạo nên chúng còn chứa đựng những thông tin đủ loại mang tính lịch sử, truyền thống, văn hóa, xã hội đặc trưng cho mỗi cộng đồng dân tộc nhất định. Chính vì thế, tên riêng đã trở thành đối tượng quan tâm nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau như: sử học, dân tộc học, tâm lí học, xã hội học, văn học, ngôn ngữ học,... Trong ngôn ngữ học, bản chất của chúng hiện vẫn còn là một "ẩn số" cần được tiếp tục khám phá. Chúng tôi cho rằng, để phát hiện ra bản chất chung nhất của lớp kí hiệu đặc biệt này, các tên riêng không chỉ cần được xem xét trong một hệ thống riêng, mà còn phải nghiên cứu chúng trong mối quan hệ chặt chẽ với các tên chung. Điều quan trọng là, các tên riêng cần có cách tiếp cận khác, không giống với cách tiếp cận như đối với các tên chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Âu, Một số vấn đề về địa danh học Việt Nam, Nxb DDaHQGHN, H, 2000
2. Nguyễn Tài Cẩn, Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại, Nxb KHXH, H, 1975
3. Đỗ Hữu Châu, Các bình diện của từ và từ tiếng việt, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội,1999
4. Đinh Văn Đức, Ngữ pháp tiếng Việt( từ loại), Nxb ĐH&THCN,H, 1986
5. Đinh Văn Đức, Đối lập danh - động tiếng Việt: một vài nhận xét từ phương diện chức năng, Trong "Ngữ pháp tiếng Việt - Những vấn đề lí luận", Nxb KHXH, H, 2008
6. Nguyễn Thiện Giáp, Từ và nhận diện từ trong tiếng Việt, NxbGD, H, 1996
7. Lê Trung Hoa, Địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb KHXH, H, 1991
8. Đặng Ngọc Lệ, Về cách viết tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trên sách báo, T/c Ngôn ngữ , S.2, 1998
9. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb KHXH, H, 1992
10. Martha Lackritz, All in a Name, Vietnam airlines inflight magazine, July/ August, 2005
11. Nguyễn Kim Thản, Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, Nxb KHXH, H, 1963
12. Phạm Tất Thắng, Đặc điểm của lớp tên chỉ người (chính danh) trong tiếng Việt, LA PTS, Phòng TTTL - TV Viện Ngôn ngữ học, H, 1996
13. Phạm Tất Thắng, Về ý nghĩa của tên riêng, Kỉ yếu HNKH Tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, H, 1998
14. Phạm Tất Thắng, Một cách phân loại tên riêng trong tiếng Việt, T/c Ngôn ngữ, S5, 2003
15. Phạm Tất Thắng, Cấu tạo tên gọi của thần linh đất Việt, T/c Ngôn ngữ & Đời sống, S.11, 2008.
16. Nguyễn Đức Tồn, Đặc trưng văn hóa- dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, Nxb KHXH, H, 2008
17. Hoàng Tuệ, Cuộc sống trong ngôn ngữ, Nxb Tác phẩm mới, H,1994
18. Nguyễn Kiên Trường, Những đặc điểm chính của địa danh Hải Phòng (trong vài nét đối sánh với địa danh Việt Nam), LAPTS Khoa học ngữ văn, ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN, H, 1996.
Nguồn: TC Từ điển và BKT số 6/2011