Hướng tiếp cận đối chiếu ngữ nghĩa từ vựng văn hóa thông qua từ khóa
NGUYỄN LIÊN HƯƠNG
Nhà ngôn ngữ học Anna Wierzbicka đã từng khẳng định nghĩa của từ cung cấp bằng chứng rõ nét nhất về thực tế văn hóa, giống như cách nói, cách nghĩ và cách sống của dân tộc đó. Trong xu thế mở rộng giao lưu, hợp tác, khu vực hóa, quốc tế hóa và hội nhập, cùng với xu thế nghiên cứu kết hợp ngôn ngữ và văn hóa thì việc phân tích đối chiếu ngữ nghĩa của nhiều ngôn ngữ càng trở thành một nhu cầu cấp thiết. Với xu hướng nghiên cứu liên ngữ xuyên văn hóa, thông qua việc phân tích đối chiếu dung lượng nghĩa của một số nhóm từ khóa (key word), sẽ làm sáng rõ những thành tố văn hóa, những nét đặc trưng của từng quốc gia.
1. Khái niệm từ khóa
Theo nữ học giả người Ba Lan - Anna Wierzbicka, từ khóa trước hết là những từ đặc biệt quan trọng trong một ngôn ngữ, bộc lộ được văn hóa của dân tộc nói ngôn ngữ đó. Những từ mang tính văn hóa đặc thù (culture-specific) được coi là những công cụ ý niệm phản ánh trải nghiệm về cách làm, nếp nghĩ của con người trong cộng đồng xã hội. Từ khóa được xác định như sự hiện thân và biểu lộ các giá trị văn hóa cốt lõi. Những từ mang nghĩa văn hóa đặc thù sẽ phản ánh và chuyển tải không chỉ đặc điểm đời sống của một xã hội nhất định mà cả cách tư duy của cộng đồng người trong xã hội ấy. Một từ được coi là từ khóa thường có tần số xuất hiện cao, phạm vi sử dụng rộng rãi trong những câu tục ngữ, châm ngôn, những bài hát phổ biến.
Tác giả Fenfang Li, Shiyang Ran, Tian Xia Bài đã đưa ra cách hiểu về từ khóa hay còn được gọi là từ mang hàm nghĩa văn hóa (words with image culture). Hàm nghĩa văn hóa đã tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử, “là sự kết tinh của quá trình phát triển lịch sử lâu dài cũng như văn hóa của các tộc người; có liên quan gần gũi tới truyền thuyết dân tộc hoặc sự thờ cúng tổ tiên. Hàng ngàn năm lịch sử tộc người, hàm nghĩa văn hóa tiếp tục xuất hiện trong ngôn ngữ của loài người và trong văn học, các tác phẩm nghệ thuật từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sau đó phát triển chậm rãi trong một biểu tượng văn hóa với sự ổn định tương đối, một ý nghĩa văn hóa riêng biệt, một số kết hợp cả hàm nghĩa văn hóa bao quát. Khi con người đề cập đến các từ này, họ hiểu ngầm và chúng trở nên dễ hiểu hơn trong giao tiếp” (1).
Theo ba tác giả trên, các từ mang hàm nghĩa văn hóa là các từ có một vài hàm ý ẩn sâu bên trong, đằng sau nghĩa đen vốn có, khi được sử dụng, các từ này mang ý nghĩa đặc biệt. Các từ khóa có hai khía cạnh đáng chú ý, đó là: mang tính dân tộc đặc thù và phụ thuộc vào ngữ cảnh. Mặc dù con người cùng tri nhận thế giới khách quan nhưng do điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội, nên cách nghĩ và ngôn ngữ sử dụng đối với cùng một đối tượng trở nên khác nhau. Như các nhà ngôn ngữ học đã từng nói, con người ở những tộc người khác nhau cùng quan sát các hiện tượng của cùng một thực thể, nhưng các ngôn ngữ khác nhau sẽ mang lại những màu sắc khác nhau, phản ánh tính cách văn hóa của tộc người và dấu ấn văn hóa riêng, do đó tạo ra biểu tượng văn hóa với đặc trưng của quốc gia. Hàm nghĩa văn hóa được tạo ra trong môi trường văn hóa của một biểu tượng văn hóa, do đó có những tính chất phụ thuộc vào ngữ cảnh. Khi ngữ cảnh thay đổi, hàm nghĩa văn hóa và ngữ nghĩa cũng có thể thay đổi theo ngữ cảnh.
Trong giới Việt ngữ học, tác giả Nguyễn Văn Chiến quan niệm từ khóa hay còn gọi là từ vựng văn hóa, “trước hết phải là đơn vị từ vựng (lexical unit) cơ bản trong vốn từ văn hóa của một ngôn ngữ. Thông qua nghĩa và cấu trúc ngữ nghĩa, từ khóa hướng tới những khái niệm có liên quan đến các đặc trưng văn hóa tộc người nhất định” (2). Nội dung của ký hiệu từ văn hóa luôn phản ánh những nét độc đáo về văn hóa ngôn ngữ khi đối sánh nó với các ký hiệu từ vựng tương ứng ở một ngôn ngữ khác. Quá trình xác lập hệ thống các nét nghĩa trong ký hiệu từ văn hóa và tổ chức cấu trúc ngữ nghĩa của từ khóa luôn bị chi phối bởi những quy tắc văn hóa, ngôn ngữ đặc thù của một tộc người (các đặc trưng văn hóa tộc người, các cách tư duy cấu tạo từ…). Mặt khác, từ khóa văn hóa, với tư cách là ký hiệu cơ bản của ngôn ngữ, luôn hướng tới việc phản ánh các sự vật hiện tượng, đặc tính… của thế giới bên ngoài ngôn ngữ, đây cũng chính là sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể của một tộc người cụ thể. Chức năng định danh của ký hiệu từ văn hóa không nằm ngoài cơ chế định danh của ký hiệu từ nói chung nhưng lại tập trung vào một phạm vi hẹp hơn, trong việc biểu thị những sự vật, hiện tượng, đặc tính… vốn là kết quả trực tiếp hay gián tiếp của một nền văn hóa cụ thể thông qua vai trò lao động, nhận thức, khám phá thế giới của con người.
2. Đặc điểm của từ khóa
Học giả Anna Wierzbicka đã đưa ra 4 tiêu chí để xác định từ khóa gồm: là từ được sử dụng rộng rãi, toàn dân; được sử dụng thường xuyên trong một trường ngữ nghĩa riêng biệt (trường từ vựng cảm xúc, trường từ vựng chỉ bộ phận cơ thể người...); có khả năng kết hợp với các loại từ khác để trở thành ngữ mới; thường được sử dụng trong tục ngữ, châm ngôn, những bài hát phổ biến, tiêu đề sách, báo...
Như vậy, vốn từ vựng văn hóa trước hết là vốn từ vựng chung, cơ bản của ngôn ngữ ấy. Nhưng không phải bất kỳ một từ nào cũng là thành phần tham gia trực tiếp vào vốn từ vựng văn hóa của một ngôn ngữ. Từ khóa có thể là một từ, một nhóm từ hay một lớp từ trong hệ thống từ vựng ngôn ngữ, phản ánh những đặc trưng văn hóa tộc người nhất định, ghi nhận những mật mã văn hóa ngôn ngữ đặc thù. Có thể phân chia vốn từ vựng văn hóa một ngôn ngữ thành những lớp, những nhóm, những tiểu nhóm… văn hóa theo các chủ điểm văn hóa nhất định.
Khi đi vào tìm hiểu và nhận thức sâu về ngữ nghĩa, đặc biệt là nghĩa từ vựng, tác giả Lê Quang Thiêm đã đưa ra khái niệm dung lượng nghĩa như là sự tổng hợp nội dung nghĩa của từ (thành tố nghĩa, kết cấu nghĩa, tuyến dẫn xuất nghĩa trong cấu trúc) để tìm sự giống nhau và khác nhau trong nội dung nghĩa từ được so sánh đối chiếu. Từ càng có nhiều nghĩa, càng có tuyến dẫn xuất phái sinh đa dạng, nội dung nghĩa bóng càng phong phú thì ngoài nội dung phản ánh sự vật, hiện tượng càng có nhiều nội dung văn hóa tinh thần, những biểu trưng, biểu tượng được biểu đạt.
Cũng theo tác giả, nghĩa từ vựng mang thuộc tính văn hóa tinh thần đậm nét. Thuộc tính phân biệt văn hóa không chỉ ở bản chất nghĩa mà cả ở cấu tạo nội dung, đặc biệt là nghĩa những từ khóa - những từ ngôn ngữ, văn hóa điển hình. Ở nghĩa từ vựng, ngoài kiểu nghĩa thuộc tầng nghĩa trí tuệ - nghĩa thuật ngữ có nội dung chung cho mọi ngôn ngữ (tính quốc tế), các kiểu nghĩa thuộc tầng nghĩa thực tiễn và tầng nghĩa biểu trưng thì mang đặc trưng văn hóa dân tộc sâu sắc. Ở bình diện này, nội dung nghĩa không chỉ thể hiện giá trị văn hóa mà cả bản sắc văn hóa.
Như vậy, một từ khóa nằm trong hệ thống các ký hiệu từ văn hóa khác có liên quan. Bản thân nó chứa đựng các mật mã, các quy tắc kiến tạo mã văn hóa khác của ngôn ngữ. Thông qua cấu trúc ngữ nghĩa của từ khóa văn hóa, chúng ta có thể thấy những đặc trưng văn hóa cộng đồng được phản ánh trong ký hiệu từ như thế nào. Mặt khác, các đặc trưng văn hóa ngôn ngữ không phải chỉ thể hiện ở vốn từ vựng một ngôn ngữ mà còn bộc lộ ở tất cả các bình diện khác nhau của hệ thống - cấu trúc các đơn vị ngôn ngữ. Tuy nhiên, vốn từ vựng cơ bản của một ngôn ngữ chính là khu vực điển hình nhất trong nghiên cứu ngôn ngữ - văn hóa học, chỗ tập trung và “nhạy cảm nhất” của những vấn đề văn hóa đặc thù trong các lý thuyết miêu tả từ vựng học ngôn ngữ hay từ vựng ngữ nghĩa học.
3. Hướng nghiên cứu từ khóa trên thế giới và ở Việt Nam
Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra được yếu tố văn hóa trong rất nhiều đơn vị từ vựng (Inchaurralde, 2003; Niemeier, 2004; Wierbicka, 1998, 2008). Trên thực tế, đã có khá nhiều nghiên cứu về từ khóa như củaWilliam (1976), Parkin (1976), Moeran (1989)… nhưng mối quan tâm chủ yếu mới chỉ dừng ở “những tập từ” (set words) liên quan đến ngôn ngữ trong các lĩnh vực xã hội, chính trị, thể thao...
Tiêu biểu nhất là học giả Wierzbicka, đã chỉ ra rằng ý nghĩa của các từ cung cấp bằng chứng rõ nhất chothực tế các nền văn hóa như cách nói, cách nghĩ và cách sống. Trong Ngữ nghĩa, văn hóa và tư duy - Những khái niệm phổ quát của loài người trong các cấu trúc văn hóa cụ thể (Semantics, Culture and Cognition, Universal human concepts in culture - specific configurations) (1992), Anna Wierzbicka đã đối chiếu so sánh nghĩa của các cặp từ văn hóa: tâm hồn (soul), trí nhớ (mind) và trái tim (heart); số phận (fate) và định mệnh (destiny); can đảm (courage), dũng cảm (bravery), liều lĩnh (recklessness)... Năm 1997, trong công trình Hiểu văn hóa thông qua từ khóa (Understanding cultures through their key words), thông qua bằng chứng thực nghiệm từ 5 ngôn ngữ (Anh, Nga, Đức, Ba Lan, Nhật) và sử dụng “siêu ngôn ngữ ngữ nghĩa tự nhiên” (NSM - Natural Sematic Metalanguage), tác giả đề ra một khung phân tích để chứng minh rằng ngôn ngữ nào cũng có chứa những “ý niệm then chốt” (key concepts) được thể hiện bằng các từ khóa phản ánh các giá trị cốt lõi của nền văn hóa cộng đồng bản ngữ nói ngôn ngữ đó.
Tiếp nối quan điểm của Anna Wierzbicka khi bà cho rằng: “Những gì ngữ nghĩa quan tâm lớn nhất, đó chính là việc khám phá chiều sâu ý thức của con người” (1980), học giả Carsten Levisen đã nghiên cứu về ngữ nghĩa văn hóa và nhận thức xã hội - trên cơ sở nghiên cứu nghĩa của một số từ tiếng Đan Mạch. Tác giả đã tìm hiểu về từ khóa của một số danh từ như: hygge (sự ấm áp), tryghed (an ninh), lykkelig (niềm hạnh phúc); động từ: synes (dường như) và mener (nghĩ)...
Trong giới Việt ngữ học, trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những luận điểm lý thuyết của nhà ngôn ngữ học Anna Wierzbicka (1997), với quan niệm cho rằng mỗi ngôn ngữ đều có một số không nhiều các từ khóa phản ánh những đặc trưng văn hóa cốt lõi của dân tộc sử dụng ngôn ngữ đó, tác giả Lê Thị Kiều Vân đã đặt vấn đề tìm hiểu đặc trưng văn hóa và tri nhận của người Việt thông qua bốn từ khóa “Phận - Mặt - Hồn - Quê” trong so sánh đối chiếu với tiếng Anh và tiếng Nga. Trong mọi ngôn ngữ, từ khóa, có thể bộc lộ những giá trị văn hóa và truyền thống của một nền văn hóa. Tác giả Lê Thị Kiều Vân đã tìm hiểu những tầng nghĩa khác nhau của bốn từ khóa điển hình cho văn hóa và cách thức người Việt tri nhận, đó là: “phận” (fate); “quê” (homeland); “mặt” (face) và “hồn” (soul) so sánh với tiếng Anh và tiếng Nga. Nghiên cứu đã chỉ ra được văn hóa Việt Nam ẩn chứa trong bốn từ khóa này, cũng như cách thức người Việt suy nghĩ, tri giác về những sự vật, hiện tượng xung quanh. Từ khóa văn hóa đặc trưng được coi là công cụ ý niệm phản ánh những trải nghiệm mà cộng đồng người đã làm và suy nghĩ theo cách nào đó. Phân tích dữ liệu ngôn ngữ cho thấy sự khác biệt ngữ nghĩa giữa các ý niệm “thân phận”, “quê hương”, “thể diện”, “linh hồn” trong tiếng Việt khi so sánh với các từ tương ứng trong tiếng Anh và tiếng Nga nêu bật được sự khác biệt đáng kể cũng như sự đồng nhất trong việc ý niệm hóa giữa ba ngôn ngữ. Nghiên cứu góp phần đưa cách ứng dụng ngôn ngữ học tri nhận vào việc nghiên cứu tiếng Việt từ cách tiếp cận ngôn ngữ trên bình diện văn hóa, ngữ nghĩa tri nhận tiến thêm một bước mới. Đồng thời tác giả đã lý giải được sự khác biệt về từ vựng ngữ nghĩa từ góc nhìn tri nhận nhằm hỗ trợ cho việc học ngoại ngữ, cung cấp tư liệu cho việc nghiên cứu bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, tiêu chí lựa chọn từ khóa của tác giả đưa ra chưa thật chặt chẽ khi dựa vào phiếu điều tra xã hội học thăm dò ý kiến của một nhóm sinh viên. Đặc biệt, tác giả mới chỉ dừng lại ở việc liên hệ tiếng Việt với tiếng Anh và tiếng Nga chứ chưa thực hiện đúng các thao tác của một nghiên cứu so sánh đối chiếu nên còn mang nhiều cảm tính.
Như vậy, hướng nghiên cứu đối chiếu ngữ nghĩa từ vựng văn hóa thông qua từ khóa đã có những kết quả nhất định và mở ra nhiều hướng tiếp cận mới khi nghiên cứu ngôn ngữ xuyên văn hóa. Tuy nhiên, để thực hiện nghiên cứu so sánh đối chiếu ngữ nghĩa văn hóa thông qua từ khóa giữa các ngôn ngữ, cần thiết lập một khung mô hình đối chiếu. Từ đó, việc xác lập từ khóa văn hóa sẽ chặt chẽ, thống nhất hơn.
4. Khung mô hình đối chiếu từ khóa
Từ khóa văn hóa có thể là một từ, một nhóm từ hay một lớp từ trong hệ thống từ vựng ngôn ngữ phản ánh những đặc trưng văn hóa tộc người nhất định; ghi nhận những mật mã văn hóa ngôn ngữ đặc thù. Mỗi lớp nhóm từ vựng văn hóa đều bộc lộ những đặc trưng văn hóa-ngôn ngữ riêng. Quá trình hình thành một từ văn hóa thường xuyên bị chi phối và bị động bởi các đặc trưng, quy tắc của văn hóa một cộng đồng. Đồng thời, hoạt động sử dụng từ văn hóa trong giao tiếp cũng chịu ảnh hưởng của các quy tắc văn hóa nhất định của cộng đồng ấy. Một từ khóa văn hóa bộc lộ rõ những nét nghĩa văn hóa - ngôn ngữ không chỉ trong chức năng định danh sự vật, hiện tượng mà còn trong những chức năng khác như: thông báo, nhận thức thế giới thông qua sự xuất hiện trong các cấu trúc thành ngữ, tục ngữ, câu, thậm chí trong cả các văn bản ngôn ngữ, văn bản văn học như ca dao, dân ca…
Gần đây trên cơ sở tiếp thu, kế thừa các tác giả trong và ngoài nước, căn cứ vào các loại phong cách chức năng, tác giả Lê Quang Thiêm đã đưa ra kiến giải về 3 tầng và 6 kiểu nghĩa chức năng từ vựng khá chi tiết và bao quát bản chất tinh thần- xã hội của nội dung nghĩa từ vựng của ngôn ngữ. Đó là: “tầng nghĩa trí tuệ (gồm kiểu nghĩa: nghĩa biểu niệm, nghĩa biểu hiện); tầng nghĩa thực tiễn (gồm kiểu nghĩa: nghĩa biểu thị, nghĩa biểu chỉ); tầng nghĩa biểu trưng (gồm kiểu nghĩa: nghĩa biểu trưng, nghĩa biểu tượng)” (3). Trong đó, nghĩa của từ khóa được bộc lộ rõ nhất ở tầng nghĩa biểu trưng.
Từ phân tích các hướng tiếp cận và áp dụng kiến giải phân loại các kiểu nghĩa dẫn trên, có thể tạo ra một khung mô hình để thực hiện đối chiếu nghĩa từ vựng văn hóa. Khung mô hình đối chiếu từ vựng văn hóa được thể hiện bằng 3 vòng tròn sau:
1. Hạt nhân nghĩa từ vựng của từ (Hạt nhân có thể là nghĩa khái quát, trừu tượng thuộc tầng nghĩa trí tuệ có nghĩa khái niệm thông thường hoặc khái niệm khoa học).
2. Tầng nghĩa thường dùng trong giao tiếp thông thường có nghĩa biểu thị hoặc biểu chỉ.
3. Tầng nghĩa phát hiện sáng tạo văn hóa, biểu tượng và ý niệm hóa do trải nghiệm, tư duy, sáng tạo, cách nhìn, cách cảm của từng cá nhân, cộng đồng có nghĩa biểu trưng, biểu tượng.
Dựa trên khung mô hình này, có thể tiến hành và phân tích những từ vựng văn hóa, đặc biệt phân tích sâu vòng tròn thứ 3. Bởi tại vòng tròn này, nghĩa của từ bộc lộ nhiều nét nghĩa liên quan tới văn hóa, cách tri nhận của mỗi dân tộc. Nội dung nghĩa ở vòng tròn thứ 3 mang dấu ấn sáng tạo, độc đáo, các dấu ấn sáng tạo cá nhân, dấu ấn thời đại lịch sử văn hóa. Đây là kiểu nghĩa khó phân suất nhận diện nên việc nhận diện miêu tả nghĩa của từ ở vòng tròn này cần được khuyến khích, nhất là bình diện giá trị đặc trưng văn hóa, bản sắc dân tộc. Khi phân tích, so sánh đối chiếu ngữ nghĩa từ vựng văn hóa với đa dạng ngữ cảnh xuất hiện trong hai ngôn ngữ, chúng ta sẽ tìm ra được nét giống nhau và khác nhau giữa hai ngôn ngữ, cũng như cách tư duy, tri nhận giữa hai dân tộc.
_______________
1. Fenfang Li, Shiyang Ran, Tian Xia Bài, Translation of words with cultural imagine, Tạp chí Giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ, tập 1, số 5, Phần Lan, 2010, tr.694.
2. Nguyễn Văn Chiến, Tiến tới xác lập vốn từ vựng văn hóa Việt (Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.38.
3. Lê Quang Thiêm, Sự phát triển ngữ nghĩa từ vựng tiếng Việt từ 1945 đến 2005, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2014, tr.74.
Nguồn : Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 398, tháng 8 - 2017