Ngôn ngữ

Tình hình giao tiếp ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số tại đồng bằng sông Cửu Long


15-10-2020
Tác giả: Hoàng Quốc

TÌNH HÌNH GIAO TIẾP NGÔN NGŨ CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Hoàng Quốc

Khoa Ngữ văn – ĐH Thủ Dầu Một

 

 

1. Dẫn nhập

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2009, trong tổng số dân 17.919.470 người sinh sống tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì người Kinh là 15.811.571 (chiếm 91,97%), người dân tộc thiểu số: 1.379.899 người cho 53 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Khmer (1.183.476 người, chiếm 6,88%), dân tộc Hoa (177.178 người, chiếm 1,03%), và dân tộc Chăm (15.823 người, chiếm 0,09%). Với số lượng đông, dân tộc Kinh cư trú khắp nơi trong vùng. Các dân tộc còn lại, do đặc điểm văn hóa và lý do mưu sinh của từng tộc người mà mỗi dân tộc thường tập trung cư trú ở một số địa bàn nhất định. Người Chăm sinh sống chủ yếu ở thị xã Tân Châu và các huyện An Phú, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành (An Giang) theo từng ấp (paley) dọc theo hai bờ sông Hậu, xung quanh thánh đường Hồi giáo vì tất cả đều theo đạo Islam. Người Khmer sống tập trung ở các vùng nông thôn, miền núi của các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, An Giang,... Với dân số đứng vị trí thứ hai trong khu vực, người Khmer thường tập trung trong phạm vi phum (gồm một vài gia đình có mối quan hệ huyết thống trên một khu đất nhất định) và sóc (gồm nhiều phum với các quy mô khác nhau). Hàng năm, người Khmer có các lễ hội truyền thống như tết Chôl Chnam Thmây (lễ đầu năm mới), lễ Đônta (lễ cúng ông bà), lễ hội đua bò,… Hầu hết người Khmer đều theo Phật giáo tiểu thừa. Trong sinh hoạt văn hóa của người Khmer, hình ảnh ngôi chùa có vị trí đặc biệt vì chùa không chỉ là trung tâm tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa - xã hội, nơi dạy chữ dạy nghề. Do sống tập trung ở nông thôn và miền núi, người Khmer chủ yếu khai thác nguồn lợi từ trồng lúa trên các triền núi; vào rừng đốn gỗ, đặt bẫy; chăn nuôi bò, ngựa; làm đường thốt nốt;… Người Hoa sinh sống khắp các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL nhưng đông nhất là tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu. Do giỏi nghề buôn bán nên đa số người Hoa sinh sống tại các đô thị, một số it sống tại các vùng nông thôn làm nghề nông. Trong sinh hoạt hàng ngày, người Hoa rất gần gũi với người Kinh, người Khmer nên họ nói thạo tiếng Việt và tiếng Khmer (tại một số địa bàn cộng cư ba dân tộc Khmer - Việt - Hoa). Vì thế, trạng thái đa ngữ Việt - Hoa - Khmer là một loại hình đa ngữ phổ biến trong đời sống ngôn ngữ của cư dân Hoa ở ĐBSCL. Trạng thái đa ngữ này là kết quả của sự cộng cư lâu dài hàng trăm năm của quá trình tiếp xúc và ảnh hưởng lẫn nhau về văn hóa, ngôn ngữ giữa dân tộc Hoa và dân tộc Kinh, dân tộc Khmer và dân tộc Chăm trên một vùng đất.

Với những đặc điểm vừa nêu trên, có thể nói rằng, đối với tìm hiểu cảnh huống ngôn ngữ vùng ĐBSCL là một trong những vùng tiêu biểu.

Ai cũng biết, khi có nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống trên một địa bàn thì việc tiếp xúc, quan hệ với nhau là điều tất yếu. Vấn đề đặt ra là, để quan hệ, tiếp xúc với nhau, cư dân các dân tộc khác nhau sẽ sử dụng tiếng mẹ đẻ và các ngôn ngữ khác như thế nào?

Bài viết giải đáp vấn đề trên qua việc khảo sát tình hình giao tiếp ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số tại ĐBSCL. Trên cơ sở đó, góp phần vào việc nghiên cứu hiện tượng đa ngữ xã hội từ góc nhìn của ngôn ngữ học xã hội như cảnh huống ngôn ngữ, vấn đề giao tiếp trong xã hội đa ngữ, sự phân bố chức năng giữa một ngôn ngữ cao (H) như tiếng Việt, ngôn ngữ giao tiếp chung với ngôn ngữ thấp (L) như các ngôn ngữ dân tộc thiểu số tiếng Hoa, tiếng Khmer và tiếng Chăm.

2. Tình hình giao tiếp ngôn ngữ của các dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long

ĐBSCL là vùng đất đa dân tộc và đa ngữ. Trong mỗi tỉnh thường có nhiều dân tộc chung sống đan xen nhau, ngoài người Kinh chiếm tỉ lệ dân số cao nhất, còn có nhiều cư dân thuộc các dân tộc thiểu số (DTTS) khác sinh sống, như các nhóm dân tộc: Hoa, Chăm, Khmer,… Có thể hình dung sự phân bố thành phần dân tộc tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL qua bảng sau:

Bảng 1. Phân bố thành phần dân tộc tại các tỉnh, thành của ĐBSCL

Tỉnh, thành

Tổng số dân

Trong đó

Kinh

Khmer

Hoa

Chăm

DT khác

Long An

1.436.066

1.431.644

1.195

2.690

218

319

Tiền Giang

1.672.271

1.667.459

744

3.863

72

133

Bến Tre

1.255.946

1.251.364

578

3.811

45

148

Trà Vinh

1.003.012

677.649

317.203

7.690

163

307

Vĩnh Long

1.024.707

997.792

21.820

4.679

91

325

Đồng Tháp

1.666.467

1.663.718

657

1.855

90

137

An Giang

2.142.709

2.029.888

90.271

8.075

14.209

266

Kiên Giang

1.688.248

1.446.455

210.899

29.850

400

644

Cần Thơ

1.188.435

1.152.255

21.414

14.199

173

394

Hậu Giang

757.300

729.502

21.169

6.363

81

185

Sóc Trăng

1.292.853

830.508

397.014

64.910

106

315

Bạc Liêu

856.518

765.572

70.667

20.082

69

128

Cà Mau

1.206.938

1.167.765

29.845

8.911

106

311

(Nguồn: Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam ngày 01/04/2009)

 Nhìn tổng thể, các DTTS ở ĐBSCL hầu như không có một dân tộc nào chỉ nói một ngôn ngữ duy nhất mà sử dụng hai hoặc hơn hai ngôn ngữ là tương đối phổ biến. Đó chính là hiện tượng đa ngữ xã hội của cảnh huống ngôn ngữ ở ĐBSCL. Điều này có nghĩa, các dân tộc ở đây phần lớn là những cư dân đa ngữ. Hình thức cư trú đan xen giữa các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và Chăm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc ở đây giao lưu tiếp xúc ngôn ngữ, tiếp xúc văn hoá với nhau, đẩy mạnh quá trình phát triển đa ngữ. Tuy nhiên, sự hạn chế về số lượng người sử dụng và sự phân bố phân tán của các dân tộc ở địa bàn đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển các chức năng xã hội, sức tồn tại và phát triển tiếng dân tộc thiểu số nơi đây, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ của người Hoa. Song, so với các cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer và Chăm, cộng đồng người Hoa ở ĐBSCL sử dụng ngôn ngữ khá linh hoạt. Tỉ lệ người Hoa có khả năng sử dụng được ba ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Hoa và tiếng Khmer (khẩu ngữ) thường cao hơn nhiều so với các cộng đồng người Kinh, người Khmer và người Chăm. Người Hoa có sở trường buôn bán nên dù muốn hay không họ cũng phải học ngôn ngữ của các dân tộc cùng cộng cư với họ tại địa bàn (chủ yếu là tiếng Khmer), bên cạnh ngôn ngữ quốc gia - tiếng Việt. Nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Việt, người Hoa không những nói thạo tiếng Việt mà việc học hành của con em họ cũng rất được chú trọng. Đối với họ, việc nắm vững tiếng Việt trước hết là đề hoà nhập với cộng đồng các cư dân sở tại, mặt khác là để làm ăn buôn bán. Bởi vậy, người Hoa ở Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu (các tỉnh có đông người Hoa sinh sống) mặc dầu họ thường xuyên sử dụng tiếng mẹ đẻ trong phạm vi giao tiếp gia đình và trong nội bộ cộng đồng nhưng khả năng tiếng Việt vẫn tốt hơn tiếng Hoa, ngay cả ở những vùng nông thôn. Tính bình quân, tỉ lệ người Hoa còn nói được tiếng mẹ đẻ là khoảng 60,0%, trong đó, số người thành thạo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là rất ít. Những người có khả năng đọc, viết thường là trên 60 tuổi.

Lý do người Hoa không nói được tiếng Chăm là do đặc thù về tôn giáo và hình thức cư trú của người Chăm là họ sống tập trung thành từng ấp (paley) dọc theo hai bờ sông Hậu và sống chung quanh thánh đường Hồi giáo Mubarak nên người Hoa ít tiếp xúc với cộng đồng người Chăm. Hơn nữa, dân số người Chăm không nhiều so với các dân tộc Khmer, quan hệ làm ăn kinh tế với người Chăm không đáng kể nên người Hoa không học nói tiếng Chăm để giao lưu buôn bán với người Chăm mà chỉ dùng tiếng Việt khi tiếp xúc với người Chăm.

Xét về năng lực dân số học, ngoài người Việt chiếm đa số, dân số người Khmer chiếm số lượng đáng kể (1.183.476 người) trong cơ cấu dân số tại vùng ĐBSCL và theo lẽ thường dân số đông là điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy chức năng ngôn ngữ của dân tộc, vì thế gần 100% người Khmer nói thạo tiếng mẹ đẻ. Một lợi thế nữa là, người Khmer ở ĐBSCL đều theo Phật giáo tiểu thừa, thuần nhất về tôn giáo cũng là điều kiện thuận lợi để bảo tồn bản sắc văn hoá văn hoá, trong đó có ngôn ngữ - một thành tố quan trọng cấu tạo thành văn hoá tộc người. Hơn nữa, nếu nhìn tổng thể trên một địa bàn rộng lớn thì, người Khmer cư trú đan xen với người Kinh, người Hoa nhưng nếu xét trong phạm vi địa lý hẹp thì họ vẫn là cộng đồng cư trú tương đối tập trung. Vì thế tiếng mẹ đẻ của họ được bảo lưu rất tốt và thường xuyên được sử dụng trong mọi phạm vi giao tiếp không chính thức và trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cộng đồng.

Người Chăm, mặc dầu dân số không nhiều, song họ cư trú thành từng ấp riêng, dọc theo bờ sông Hậu, quây quầy xung quanh các thánh đường và đều theo đạo Islam nên tiếng Chăm và cả chữ viết Chăm được người Chăm bảo tồn và phát huy chức năng giao tiếp hàng ngày và trong sinh hoạt tôn giáo. Theo khảo sát, đại đa số người Chăm giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ trong phạm vi gia đình, nội bộ cộng đồng và trong sinh hoạt tôn giáo. Nói đại đa số là vì, có một số gia đình người Chăm trước đây sinh sống, làm ăn ở Campuchia di cư sang Việt Nam, trong sinh hoạt gia đình họ không nói tiếng Chăm mà chỉ nói tiếng Khmer.

 

Bảng 2. Tỉ lệ % về khả năng biết nói các ngôn ngữ khác nhau của các dân tộc tại ĐBSCL

 

Biết nói tiếng

 

Dân tộc

Việt (%)

Khmer (%)

Hoa (%)

Chăm (%)

Khmer

70,0

98,0

0,0

0,0

Hoa

100,0

30,0

60,0

0,0

Chăm

90,0

0,5

0,0

95,0

 

Có thể thấy rằng, tỉ lệ người Khmer và người Chăm có khả năng nói thạo tiếng mẹ rất cao nên có thể khẳng định vị trí gần như là độc tôn của tiếng Khmer (tiếng mẹ đẻ của người Khmer) và tiếng Chăm (tiếng mẹ đẻ người Chăm) khi giao tiếp trong phạm vi gia đình và nội bộ cộng đồng. Sở dĩ như vậy là, cộng đồng người Chăm sống tụ cư thành từng ấp (paley), phân bố xung quanh những thánh đường để tiện cho việc sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng khép kín và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Họ sống gắn bó bền vững với nhau thông qua sinh hoạt tôn giáo Islam và quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân (phụ nữ Chăm hiếm khi kết hôn với người khác dân tộc). Mặc dù dân số ít nhưng nhờ đời sống xã hội người Chăm gắn liền với đạo Hồi (Islam) và thánh đường là nơi sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt văn hoá cộng đồng và gắn bó với nhau về mặt tinh thần qua kinh Coran. Nhờ thế, tiếng mẹ đẻ của người Chăm vẫn được bảo tồn và phát huy chức năng của nó trong cộng đồng khép kín nên tiếng Chăm không đến mức bị lai tạp nhiều như tiếng Hoa trong vùng. Có thể nói rằng, mặc dầu các dân tộc ở ĐBSCL sống hoà đồng với nhau nhưng do đặc thù về tôn giáo, tín ngưỡng của mỗi dân tộc mà họ vẫn sống khép kín trong nội bộ cộng đồng. Họ luôn ý thức về văn hoá, ngôn ngữ của dân tộc mình. Bên cạnh đó, chữ viết cổ truyền cũng là một trong những phương tiện quan trọng để lưu truyền văn hoá dân tộc.

Về khả năng tiếng Việt của các DTTS ở ĐBSCL, theo khảo sát của chúng tôi, 100% người Hoa biết tiếng Việt, tỉ lệ biết chữ quốc ngữ cũng rất cao (khoảng 90,0%). Trong khi đó, tỉ lệ người Chăm không nói được tiếng Việt là khoảng 10%, không biết chữ quốc ngữ là 25,0% chủ yếu là nữ giới và người lớn tuổi, ít tiếp xúc với người Việt, sống trong phạm vi cộng đồng. Tỉ lệ người Khmer không nói được tiếng Việt còn khá cao, khoảng 30%. Những người này sống trong phum, sóc ít tiếp xúc bên ngoài cộng đồng họ sinh sống và chiếm phần đông trong số này là nữ giới lớn tuổi. Số người mù chữ quốc ngữ cũng rất cao (khoảng 50,0%). Ngay cả chữ dân tộc (chữ Khmer) của họ cũng vậy. Có đến 50,0% mù chữ Khmer do họ không đến chùa để học chữ Khmer, nhất là nữ giới, cao tuổi, vốn ít có sự giao tiếp với người ngoài phum, sóc của mình.

2.1. Ngôn ngữ trong giao tiếp gia đình

Như trên đã nói, với ưu thế dân số đông, sống tương đối tập trung nên tiếng mẹ đẻ của dân tộc Khmer bảo lưu rất tốt. Tuyệt đại đa số người Khmer ở ĐBSCL đều nói thạo tiếng mẹ đẻ của mình. Vì thế, khi giao tiếp giữa các thế hệ trong gia đình (ông/bà, bố/mẹ, vợ/chồng, con/cháu) và cả khi giao tiếp với người cùng dân tộc hay khi cầu cúng, ca hát,… người Khmer cũng đều sử dụng tiếng mẹ đẻ. Hiện tượng giao tiếp song ngữ trong gia đình Khmer cũng xảy ra, nhất là trong các gia đình trí thức do khả năng song ngữ của các thành viên trong gia đình cao. Tuy nhiên, hiện nay có một số hộ gia đình Khmer cư trú rải rác, xen kẽ với người Kinh ở một số địa phương đã từ bỏ tiếng mẹ đẻ chuyển sang nói tiếng Việt.

Kết quả khảo sát tình hình giao tiếp ngôn ngữ của cộng đồng người Chăm cũng cho kết quả tương tự. Tuyệt đại đa số người Chăm dùng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp giữa các thế hệ trong gia đình, nội bộ cộng đồng và trong sinh hoạt tôn giáo. Người Chăm chỉ nói tiếng Việt khi giao tiếp với người Kinh, người dân tộc khác và trong giao tiếp quy thức vì khả năng song ngữ Chăm - Việt của người Chăm rất cao.

Trong các gia đình Khmer, Chăm thường xảy ra giao tiếp song ngữ, nhất là trong các gia đình trí thức. Khả năng song ngữ của các thành viên trong gia đình là rất cao. Ở những gia đình cán bộ hay giáo viên, cha mẹ cố gắng nói tiếng Việt với con cái, nhằm rèn luyện cho con em mình khả năng song ngữ. Tùy theo thói quen, các gia đình người Khmer, Chăm có thể chủ yếu sử dụng tiếng mẹ đẻ khi giao tiếp với nhau, nhưng có thể thay đổi khi trong cuộc thoại có mặt người dân tộc khác. Cũng tùy tình huống giao tiếp khác nhau mà các thành viên trong gia đình có thể sử dụng song ngữ bằng cách trộn mã, chuyển mã giữa tiếng Việt và tiếng Khmer (đối với gia đình Khmer), Chăm - Việt (đối với gia đình người Chăm).

Nhìn chung, môi trường duy nhất để người Khmer, người Chăm sử tiếng Việt là môi trường trường học (đối với lứa tuổi học sinh) và các trường hợp giao tiếp với người Kinh, người dân tộc khác (đối với lứa tuổi trưởng thành).

Nếu so sánh với cộng động người Hoa thì, tiếng mẹ đẻ của cộng đồng người Khmer và người Chăm được duy trì khá tốt trong môi trường gia đình, cộng đồng và cả trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Đây là những môi trường không chỉ đảm bảo cho ngôn ngữ của hai dân tộc này tồn tại bền vững mà còn phát triển.

Đối với cộng đồng người Hoa, mặc dù dân số đông hơn dân số người Chăm nhưng do hình thức cư trú phân tán, xen kẽ trong khóm ấp, khu phố với người Kinh, người Khmer. Hơn nữa, tiếng Hoa của người Hoa hiện nay tồn tại nhiều tiếng địa phương khác nhau như: tiếng Quảng Đông (phương ngữ Việt), tiếng Triều Châu, tiếng Hải Nam, tiếng Phúc Kiến (thuộc nhóm phương ngữ Mân Nam) và tiếng Hẹ hay Hakka (phương ngữ Khách gia), gây trở ngại cho quá trình giao tiếp chung giữa các nhóm người Hoa nói các tiếng địa phương khác nhau, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng duy trì tiếng mẹ đẻ của họ. Kết quả điều tra về năng lực tiếng tiếng mẹ đẻ của người Hoa ở ĐBSCL cho thấy, khả năng tiếng mẹ đẻ của người Hoa không phụ thuộc vào địa bàn cư trú thành thị hay nông thôn mà phụ thuộc vào hình thức cư trú và phụ thuộc vào sự phân bố của từng nhóm địa phương /tổng số các nhóm địa phương người Hoa.

Chẳng hạn, ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nơi có nhiều người Hoa Triều Châu sinh sống, thì tiếng mẹ đẻ được sử dụng thường xuyên trong đời sống hơn là tiếng Việt và tiếng Khmer, mặc dù đa số người Hoa ở đây ai cũng nói thạo tiếng Việt và tiếng Khmer. Nhìn chung, khả năng nghe - nói tiếng mẹ đẻ của người Hoa ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) rất cao, cao hơn người Hoa ở các tỉnh, thành khác của ĐBSCL là nhờ dân số người Hoa ở đây đông, cư trú tương đối tập trung và đều là người Hoa Triều Châu. Đây cũng là một lợi thế rất lớn để tiếng Hoa phương ngữ (tiếng Triều Châu) duy trì và phát huy chức năng giao tiếp trong phạm vi gia đình và nội bộ cộng đồng cùng nhóm địa phương.

Kết quả khảo sát người Hoa ở tại Kiên Giang cũng cho kết quả tương tự, tỉ lệ người Hoa còn dùng tiếng Hoa để giao tiếp trong gia đình cũng tương đối cao. Cụ thể là có đến 61,4% dùng tiếng Hoa để giao tiếp với ông bà; 51,2% với bố mẹ; 8,3% với con; và 6,2% với cháu. Sử dụng đan xen cả tiếng Việt và tiếng Hoa với ông bà là 19,5%; 22,0% với bố mẹ; 28,8% với con và 16,9% với cháu. Trong lúc đó, tỉ lệ dùng tiếng Việt để giao tiếp giữa các thế hệ trong gia đình theo chiều hướng ngược lại. Tư liệu điều tra cho thấy, khi giao tiếp với ông bà chỉ có 19,5% dùng tiếng Việt nhưng tỉ lệ này tăng dần khi giao tiếp với bố mẹ, con, cháu (26,8% với bố mẹ; 62,9% với con và 76,9% với cháu). Như vậy có thể rút ra nhận xét là, năng lực tiếng mẹ đẻ của thế hệ càng lớn tuổi càng tốt và ngược lại thế hệ càng trẻ thì năng lực tiếng Hoa càng yếu dần nhưng bù lại năng lực tiếng Việt tốt hơn thế hệ lớn tuổi, theo đó tỉ lệ người Hoa trẻ tuổi dùng tiếng Việt trong phạm vi gia đình có chiều hướng tăng cao. Điều này cũng dễ hiểu, tiếng Hoa (tiếng mẹ đẻ) của người Hoa ở ĐBSCL nói chung là tiếng Hoa phương ngữ, tiếng nói không được giảng dạy tại các trường học hay trung tâm Hoa ngữ từ năm 1975 trở lại đây mà chỉ học được qua giao tiếp với các thành viên trong gia đình và thường là thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau.

Kết quả điều tra người Hoa sinh sống tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cũng cho thấy, gần 100% người Hoa ở thành phố Bạc Liêu biết tiếng mẹ đẻ nhưng do khả năng “biết” tiếng mẹ đẻ của các thế hệ trong gia đình không như nhau nên mức độ sử dụng tiếng mẹ đẻ giữa các thế hệ trong gia đình cũng khác nhau. Tính bình quân, tỉ lệ dùng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp hàng ngày giữa các thế hệ trong gia đình là khoảng 45,0%. Trong đó, những người ở lứa tuổi trung niên trở lên dùng tiếng mẹ đẻ để nói với ông bà chiếm tỉ lệ cao nhất (149/151 người, chiếm 98,7%) và tỉ lệ này giảm dần khi nói chuyện với bố mẹ, con, cháu. Cụ thể: 120/151 người, chiếm 79,5% nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng mẹ đẻ; 50/151 người, chiếm 31,1% khi nói chuyện với con và 15/151 người, chiếm 9,94% nói chuyện với cháu nhưng trong câu nói tiếng Hoa “trộn” nhiều yếu tố tiếng Việt. Ngược lại, lứa tuổi trung niên trở xuống nói tiếng mẹ đẻ với ông bà, bố mẹ, con cái giảm nhiều (trung bình khoảng 35,2%) và thay vào đó là tiếng Việt.

Ngược lại, những nơi dân số người Hoa ít, cư trú phân tán, xen kẽ với người Việt, người Khmer như một số quận, huyện của thành phố Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp,… thì việc sử dụng tiếng mẹ đẻ không được phổ biến, thường xuyên, thậm chí họ gần như quên hẳn tiếng mẹ đẻ và chỉ sử dụng tiếng Việt trong mọi phạm vi giao tiếp.

Theo kết quả điều tra về tình hình sử dụng ngôn ngữ của người Hoa sinh sống tại tỉnh An Giang, Cân Thơ, Hậu Giang cho thấy, tính bình quân, tần số sử dụng tiếng Hoa trong phạm vi giao tiếp gia đình chưa đến 20%; còn tiếng Việt là khoảng 70%; chuyển mã, trộn mã giữa tiếng Việt - tiếng Hoa và tiếng Hoa - tiếng Việt là 10,0%. Khi giao tiếp ngoài xã hội thì họ đều sử dụng tiếng Việt. Số liệu điều tra cho thấy, có đến 90% người Hoa ở các địa bàn khảo sát thành thạo tiếng Việt. Có thể nói, người Hoa từ lâu đã xem Việt Nam là quê hương và tiếng Việt cũng dần dần thay thế địa vị tiếng Hoa, kể cả trong thực tế cũng như trong nhận thức của người Hoa nơi đây. Tiếng Việt là phương tiện giao tiếp chính và quan trọng nhất đối với cộng người Hoa, còn tiếng Hoa phương ngữ với tư cách là tiếng mẹ đẻ dường như đang có xu hướng mai một theo thời gian. Có nhiều lí do để giải thích hiện tượng “mai một tiếng mẹ đẻ” của họ, nhưng theo chúng tôi, nguyên nhân nổi lên là: cùng là cộng đồng người Hoa, tiếng mẹ đẻ của họ đều là các phương ngữ của cùng một ngôn ngữ Hán nhưng lại tồn tại hiện tượng không “thông thoại” giữa các nhóm cộng đồng nhánh này, khó khăn này đã làm cho điều kiện sử dụng tiếng mẹ đẻ của người Hoa vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn; đồng thời, hình thức cư trú đan xen giữa người Hoa với Kinh, Khmer, Chăm đã đưa họ đến với việc sử dụng ngôn ngữ chung là tiếng Việt.

Khi giao tiếp trong gia đình người Hoa cũng xảy ra hiện tượng giao tiếp đa ngữ theo kiểu chuyển mã giữa tiếng Hoa - tiếng Việt trong các gia đình hôn nhân thuần dân tộc và hôn nhân hỗn chủng Hoa - Việt và chuyển mã giữa tiếng Hoa - tiếng Việt - tiếng Khmer đối với những gia đình hôn nhân Hoa - Khmer. Khác với cộng đồng người Khmer và người Chăm, người Hoa ở một số địa phương cộng cư giữa ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, họ không chỉ nói thạo tiếng Việt mà còn nói thạo tiếng Khmer. Vì thế, giao tiếp trong gia đình hôn nhân Hoa - Khmer, người Hoa (vợ/chồng) sử dụng tiếng Khmer nhiều hơn tiếng Việt. Cũng xin nói thêm là, cộng đồng người Hoa bên cạnh trạng thái đa ngữ xã hội, lại có thêm trạng thái đa phương ngữ trong chính cộng đồng của mình. Trường hợp người Hoa giao tiếp đa ngữ là trường hợp giao tiếp phi chính thức như giao tiếp trong gia đình, gặp nhau trên đường, mua bán ở chợ và trong một số trường hợp giao tiếp khác mang tính chất cá nhân, riêng tư như cầu cúng, ca hát. Còn khi giao tiếng với người Kinh thì người Hoa đều dùng tiếng Việt vì 100% người Hoa đều nói được tiếng Việt.

Các nhóm dân tộc ở ĐBSCL có ngôn ngữ, chữ viết cổ truyền là một trong những cở sở quan trọng để bảo tồn và phát huy văn hoá và ngôn ngữ của họ. Tuy nhiên, trong quá trình cư trú cận kề và xen kẽ nhau giữa các dân tộc hàng trăm năm nên hiện tượng tiếp xúc ngôn ngữ và văn hóa xảy ra thường xuyên với mức độ ngày càng tăng. Dân tộc này học tiếng nói của dân tộc khác và chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ chiếm ưu thế hơn về chức năng xã hội và số lượng người sử dụng là tiếng Việt - ngôn ngữ giao tiếp giữa các dân tộc.

   Xét về mặt tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động kinh tế của mỗi dân tộc là khác nhau. Người Hoa có sở trường buôn bán nên họ sinh sống đan xen với người Kinh, người Khmer nên quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hoá và ngôn ngữ diễn ra nhanh hơn, còn người Chăm, người Khmer do đặc thù tôn giáo và hình thức cư trú, họ sống tương đối khép kíp trong cộng đồng, theo đó, tiếng mẹ đẻ của họ duy trì tốt hơn.

2.2. Ngôn ngữ giao tiếp ngoài xã hội

Ngôn ngữ giao tiếp giữa các dân tộc hầu hết là tiếng Việt vì trình độ đa ngữ của mỗi dân tộc khác nhau: người Chăm không nói tiếng Hoa; người Hoa hầu như không nói được tiếng Chăm; người Khmer ngoài biết tiếng Việt thì không có người nào biết tiếng Chăm, tiếng Hoa. Do đó, các dân tộc ở ĐBSCL không thể sử dụng một ngôn ngữ dân tộc nào khác ngoài tiếng Việt để làm phương tiện giao tiếp chung. Mặc dù, tiếng Khmer cũng được nhiều người Hoa và một số người Chăm sử dụng. Song chỉ giới hạn một số địa phương có mật độ cộng cư giữa các dân tộc cao như huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng), thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), huyện Tịnh Biên (An Giang). Người Hoa thường dùng tiếng Khmer để giao tiếp với người Khmer khi trao đổi mua bán hàng hoá ở chợ hay gặp nhau chào hỏi trên đường, nơi diễn ra lễ hội giao lưu văn hoá giữa các dân tộc. Trạng thái đa ngữ xã hội ở đây chủ yếu là giao tiếp khẩu ngữ. Lý do là, người Hoa biết và sử dụng tiếng Khmer chủ yếu là  nhờ  vào “học nói” qua giao tiếp thực tế, nên chỉ có thể giao tiếp khẩu ngữ đơn giản, không chuẩn mực và hầu hết là không biết chữ, do không có nhu cầu học chữ Khmer.

Nhờ nói thạo tiếng Việt, tiếng Khmer nên khi giao tiếp giữa các dân tộc ở những nơi công cộng như: chợ búa, nơi lễ hội thì người Hoa rất linh hoạt trong chuyển mã ngôn ngữ trong giao tiếp có sự xuất hiện những người thuộc các dân tộc khác nhau. Có nhiều lý do để người Hoa học và nắm bắt tốt tiếng Việt, song lý do dễ thấy nhất là để hoà đồng xã hội, để làm ăn buôn bán với người Việt, để học tập lên lớp cao, để tham gia công tác địa phương. Hay nói cách khác là họ nhận thấy giá trị hữu ích nhờ biết tiếng Việt. Còn biết tiếng Khmer chỉ với mục đích duy nhất làm ăn buôn bán với người Khmer. Bên cạnh đó, người Hoa vẫn giữ được bản sắc văn hoá, ngôn ngữ của mình nhờ ý thức dân tộc cao, tiềm lực kinh tế mạnh (tỉ lệ hộ gia đình giàu và khá cao, tỉ lệ hộ ngheo rất thấp), tính cố kết cộng đồng cao. Nếu như người Khmer, người Chăm ở ĐBSCL giữ gìn bản sắc văn hoá và ngôn ngữ khá tốt là nhờ cư trú tương đối tập trung và thuần nhất về tôn giáo: người Khmer đều theo Phật giáo tiểu thừa, người Chăm gắn kết đời sống văn hoá với tôn giáo Islam, thì người Hoa lại nhờ các bang, hội, các trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng, cơ sở tâm linh (chùa, miếu) do chính cộng đồng lập ra với mục đích giúp đỡ nhau trong làm ăn kinh tế, sinh hoạt văn hoá cộng đồng, nơi để bảo tồn và phát huy tiếng mẹ đẻ của từng nhóm nhỏ của mình. Mặc dầu vậy, do quá trình sinh sống hàng trăm năm trên một vùng đất có nhiều dân tộc cùng chung sống, dù muốn hay không cũng chịu ảnh hưởng về văn hoá, ngôn ngữ của hai dân tộc chiếm số đông là dân tộc Kinh và dân tộc Khmer. Ngoài ra, còn phải kể đấn các nhân tố khác ảnh hưởng tiêu cực đến việc duy trì bản sắc văn hoá, ngôn ngữ của người Hoa là: 1) Do hình thức cư trú phân tán và xen kẽ với các cộng đồng dân cư khác. Những đặc điểm về cư trú và dân cư có ảnh hưởng nhiều đến tính chất của những đặc điểm tộc người của người Hoa, cũng như mối quan hệ giữa họ với các cộng đồng tộc người khác cùng sinh sống trên một địa bàn với họ. 2) Hôn nhân khác dân tộc cũng là một điều kiện bất lợi cho việc duy trì tiếng mẹ đẻ của người Hoa. 3) Sự khác biệt giữa các tiếng địa phương của các nhóm người Hoa. 4) Thái độ đối trung thành với tiếng mẹ đẻ của tầng lớp thanh thiếu niên mờ nhạt vì tầng lớp thanh thiếu niên người Hoa hiện nay đều nói tiếng Việt và không mặn mà với tiếng Hoa phương ngữ - tiếng mẹ đẻ của người Hoa ở ĐBSCL.

Trong giao tiếp quy thức, hầu hết người Hoa, người Chăm đều dùng tiếng Việt để giao tiếp tại công sở nhà nước, do năng lực tiếng Việt của người Hoa, người Chăm rất tốt. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì từ trước đến nay không có người dân tộc Hoa, người dân tộc Chăm nào dùng tiếng Hoa, tiếng Chăm với tư cách là tiếng mẹ đẻ để phát biểu chính thức trong các cuộc họp ở các cấp chính quyền hay trong các phiên tòa. Nhưng đối với người Khmer đôi lúc cũng có trường hợp phát biểu bằng tiếng mẹ đẻ trong các cuộc họp tại ấp, xã vì tỉ lệ người Khmer không biết hoặc không nói thạo tiếng Việt còn khá cao, nhất là nữ giới lớn tuổi, ít tiếp xúc với người Kinh. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, trong lĩnh vực giao tiếp quy thức, tiếng Việt chiếm vị trí độc tôn, tiếng Việt thực hiện đúng vai trò là ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các dân tộc. Tiếng Việt được cộng đồng các dân tộc đánh giá là quan trọng nhất, cần thiết nhất. Trong giao tiếp bất quy thức như trao đổi riêng trong các cuộc họp ở các cấp chính quyền, gặp nhau trên đường, mua bán ở, nơi lễ hội hay trong các cuộc họp cộng đồng thì người Khmer, người Chăm có thói quen dùng tiếng mẹ đẻ. Còn đối với người Hoa, do năng lực tiếng mẹ đẻ của họ hạn chế nên việc sử dụng tiếng Hoa để trao đổi riêng với người cùng dân tộc trong các cuộc họp cộng đồng (hội đồng hường, hội tương tế, hội tín ngưỡng) cũng chỉ thấy ở những người ở độ tuổi trung niên trở lên.

Rõ ràng là, sự phân bố chức chức năng xã hội của các ngôn ngữ ở vùng ĐBSCL là hoàn toàn khác nhau. Tiếng Việt - ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các dân tộc nên các nhóm DTTS sử dụng trong các phạm vi giao tiếp chính thức. Tiếng Khmer được sử dụng trong phạm vi gia đình, nội bộ cộng đồng, sinh hoạt tôn giáo và cũng là ngôn ngữ được sử dụng khá phổ biến, được xem là “ngôn ngữ vùng” tại một số địa phương ở ĐBSCL. Tiếng Chăm được sử dụng trong gia đình, cộng đồng và trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Tiếng Hoa chỉ còn được sử dụng hạn chế trong các gia đình thuần dân tộc và trong cộng đồng nhóm địa phương. Như vậy, với vai trò là ngôn ngữ quốc gia, tiếng Việt chiếm vị trí độc tôn trong đời sống ngôn ngữ của tất cả thành viên thuộc các nhóm DTTS khác nhau tại đây. Ngôn ngữ của 3 dân tộc Khmer, Hoa, Chăm thì tiếng Khmer có vị thế nổi trội hơn tiếng Hoa và tiếng Chăm nhờ dân số người Khmer đông, chỉ đứng sau người Kinh. Trong giao tiếp ngôn ngữ của người Hoa hiện nay, trạng thái đa ngữ tiếng Việt - tiếng Hoa - tiếng Khmer trở nên phổ biến tại các địa phương có ba dân tộc cư trú. Điều này có nghĩa là, ngoài tiếng Việt, tiếng Khmer cũng là một ngôn ngữ có vị trí quan trọng trong giao tiếp hàng ngày của người Hoa, nhất là trong lĩnh vực mua bán ở chợ.

Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức được sử dụng một cách rộng rãi, bắt buộc trong nhà trường, cơ quan hành chính và trên các phương tiện thông tin đại chúng của cả nước. Vì vậy, đối với các dân tộc thiểu số ở ĐBSCL, việc học và nắm bắt tiếng Việt vừa là quyền lợi những đó cũng là trách nhiệm của mỗi người.

3. Kết luận

Cảnh huống ngôn ngữ vùng ĐBSCL là cảnh huống đa dân tộc và đa ngữ phi đồng nguồn (như tiếng Việt, Hoa, Chăm/ tiếng Khmer, Hoa, Chăm), đồng nguồn (tiếng Khmer, tiếng Việt) và đều là các ngôn ngữ đồng hình đơn lập, phi cân bằng, nội ngôn. Nhiều dân tộc nói bằng ngôn ngữ khác nhau cùng chung sống đan xen với nhau trong một địa phương. Do vậy hiện tượng đa ngữ là phổ biến ở các cư dân vùng này. Đó là trạng thái đa ngữ bất bình đẳng trong đó tiếng Việt chiếm ưu thế. Cư dân các nhóm DTTS ở vùng ĐBSCL vẫn có ý thức giữ gìn và sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình. Tiếng mẹ đẻ được sử dụng trong các phạm vi giao tiếp không chính thức như: trong gia đình, trong hội thoại hàng ngày giữa những người thuộc cùng dân tộc. Khi đó, trong ngôn ngữ giao tiếp của họ thường xảy ra hiện tượng trộn mã ngôn ngữ. Tiếng Việt được sử dụng trong các phạm vi giao tiếp chính thức như: trong giáo dục, giao tiếp hành chính... Do vậy có thể nói đa ngữ ở đây là đa ngữ bổ sung. Tuy nhiên khả năng nắm tiếng Việt của người Khmer ở đây chủ yếu là ở 2 kĩ năng nghe và nói. Lớp trẻ nắm và sử dụng tiếng Việt tốt hơn tầng lớp trung niên và cao niên.

Ở ĐBSCL, tiếng Việt là phương tiện giao tiếp chủ yếu của các dân tộc, phương tiện để tiếp thu những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc khác trong cả nước; tiếng Khmer được sử dụng trong phạm vi giao tiếp gia đình, cộng đồng và được người Hoa ở một vài địa phương sử dụng; tiếng Chăm chỉ được sử dụng trong nội bộ cộng đồng người Chăm; còn tiếng Hoa chỉ dược sử dụng một phần trong phạm vi giao tiếp gia đình và trong nội bộ người Hoa cùng phương ngữ.

Đặc điểm đời sống văn hoá tinh thần của người Khmer và người Chăm là gắn bó với tôn giáo. Từ đó, mọi sinh hoạt cuộc sống, đời sống tinh thần, lễ nghi… đều phải sử dụng tiếng Khmer (đối với người Khmer), tiếng Chăm (đối với người Chăm). Cho nên, tiếng mẹ đẻ của cộng đồng người Chăm và cộng đồng người Khmer được bảo lưu khá tốt. Tiếng Hoa với tư cách là tiếng mẹ đẻ của người Hoa ở ĐBSCL đã và đang mai một dần. Nhưng bù lại, khả năng tiếng Việt (bao gồm nghe, nói, đọc, viết) của người Hoa rất tốt. Tỉ lệ người Hoa thành thạo tiếng Việt rất cao. Vì thế, trẻ em người Hoa khi đến tuổi đến trường không gặp rào cản ngôn ngữ như trẻ em người Chăm và người Khmer trong vùng. Ngoài thành thạo tiếng Việt, người Hoa ở một số địa phương còn nói thạo tiếng Khmer nên trạng thái đa ngữ của cư dân người Hoa rất phổ biến và phát triển. Hiện tượng giao tiếp đa ngữ thường xuyên xảy ra trong các cuộc giao tiếp có sự tham gia của những người khác dân tộc và khả năng chuyển mã cũng rất linh hoạt.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đa ngữ tiếng Việt - tiếng dân tộc thiểu số cho các dân tộc tại vùng ĐBSCL, thiết nghĩ, các cơ quan, ban ngành địa phương nên tham mưu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng mô hình giáo dục song ngữ thích hợp cho từng dân tộc, từng địa phương để con em dân tộc thiểu số có điều kiện học tiếng mẹ đẻ bên cạnh ngôn ngữ quốc gia - tiếng Việt. Vì lợi thế là, cả ba dân tộc thiểu ở ĐBSCL đều có chữ viết cổ truyền. Bên cạnh đó, sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức văn hoá, ngôn ngữ Khmer, Chăm cho giáo viên người Kinh công tác tại vùng dân tộc Khmer, Chăm để họ hiểu đặc điểm cơ bản về văn hoá và ngôn ngữ của hai dân tộc này, giúp học sinh Khmer và học sinh người Chăm thoát khỏi “rào cản ngôn ngữ” ngay từ cấp học tiểu học, tạo đà cho các em học các bậc học tiếp theo, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

 Tài liệu tham khảo

1. Fasold, Ralph (1984), The sociolinguistics of society, New York, Basil Blackwell Inc.

2. Fishman, Joshua A. (ed.) (1971), Advances in the sociology of language, Vol I-II, The Hague, Mouton.

3. Nguyễn Văn Khang (2012), Ngôn ngữ học xã hội, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Khang (2012), Một số vấn đề về đời sống tiếng Chăm ở Việt Nam hiện nay, T/c Ngôn ngữ, số 1.

5. Hoàng Quốc (2009), Những đặc trưng ngôn ngữ học xã hội của hiện tượng song ngữ tại An Giang (trên cứ liệu cảnh huống song ngữ Việt - Hoa), Luận án tiến sĩ ngôn ngữ học, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội.

6. Nguyễn Đức Tồn (2008), Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Viện Ngôn ngữ học (2004), Điều tra nghiên cứu về ngôn ngữ học- xã hội (hợp tác Nga - Việt), Hà Nội.

8. Viện Ngôn ngữ học (2002), Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

Bài đã đăng trên Táp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 1

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020