Nghiên cứu khảo sát và miêu tả đặc điểm của các biểu thức chiếu vật này trên phương diện ý nghĩa. Trên cơ sở đó, chúng tôi tiến hành so sánh, đối chiếu với ý nghĩa thường gặp của các biểu thức chiếu vật chứa “trăng” trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám, ngõ hầu phần nào làm phát lộ dòng chảy văn hoá xứ Nghệ vốn luôn tiềm tàng như một mạch ngầm kết nối sáng tác của hai tác gia đại diện cho hai thời kỳ văn học rực rỡ nhất trong lịch sử văn học Việt Nam này.
Ý NGHĨA CỦA CÁC BIỂU THỨC CHIẾU VẬT CHỨA “TRĂNG”
TRONG TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU VÀ TRONG THƠ XUÂN DIỆU
Đặng Thị Thu Hiền
Tổ Ngôn ngữ - Khoa Ngữ văn - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
1.1. Chiếu vật (reference), Biểu thức chiếu vật (referring expression) và Nghĩa chiếu vật (referent)
Nếu Ngữ dụng học là phân ngành trẻ tuổi nhất của Ngôn ngữ học thì Chiếu vật (Reference, còn dịch bằng sở chỉ, quy chiếu) là vấn đề đầu tiên được Ngữ dụng học đề cập tới. Georgia M. Green đưa ra khái niệm về chiếu vật như sau: “Thuật ngữ chiếu vật được dùng để chỉ cái cách nhờ chúng mà người nói phát âm ra một biểu thức ngôn ngữ với hy vọng rằng biểu thức đó sẽ giúp cho người nghe của anh ta suy ra được một cách đúng đắn cái thực thể nào, đặc tính nào, quan hệ nào, sự kiện nào anh ta đang nói đến” (Dẫn theo Đỗ Hữu Châu, [2, tr.193]). Cũng chính Green, đồng thời, đã chỉ rõ cái gọi là “một biểu thức ngôn ngữ” (linguistic expression) trong định nghĩa trên của ông, khi nó thực hiện được chức năng chiếu vật, được gọi là biểu thức chiếu vật (referring expression).
Các biểu thức chiếu vật (BTCV) trong diễn ngôn có nghĩa chiếu vật (referent). Phạm vi nghĩa chiếu vật không chỉ hiểu đơn giản là một “sự vật, sự kiện” hay “cái thực thể nào”, “sự kiện nào”đó được chiếu mà còn bao gồm cả “một quá trình, một hành động” hay “đặc tính nào, quan hệ nào” được người nói đưa vào diễn ngôn với ý đồ chiếu vật. Vì vậy “sự khảo sát thoả đáng các BTCV cần được mở rộng đến cả những BTCV khác (ngoài BTCV là các danh từ, đại từ và cụm danh từ - chú thích của người viết ) nữa như tên giả (artifact names) tính từ, động từ, giới từ và phó từ”. “Như thế, đóng vai trò nghĩa chiếu vật ngoài sự vật, còn có cả đặc tính, quan hệ, sự kiện, hoạt động nữa” (Dẫn theo Đỗ Hữu Châu, [2, tr.199]). Đây là một chỉ dẫn quan trọng cho việc khảo sát, miêu tả các BTCV trong các diễn ngôn cụ thể.
1.2. Chiếu vật (reference) và ý nghĩa (sense) của các biểu thức ngôn ngữ
Đề cập tới khái niệm reference (chiếu vật) trong Ngôn ngữ học không thể không nói tới tương quan của nó với một số khái niệm hữu quan vốn dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi muốn phân biệt reference với một trong những thuật ngữ liên quan chặt chẽ nhất là sense (ý nghĩa) cuả các biểu thức ngôn ngữ được sử dụng trong hoạt động lời nói. Trên thực tế nghiên cứu ngôn ngữ học trên thế giới, việc phân biệt hai thuật ngữ - hai khái niệm này được quan tâm đầu tiên trong hầu hết tất cả các bài giảng về reference tại các trường đại học. Theo đó, hai khái niệm này được hiểu như là “hai phương cách khác nhau để nói về ý nghĩa (meaning) của các từ ngữ” và chúng có thể được nhận diện qua một số điểm cơ bản sau đây:
Sense
|
Reference
|
Nói tới sense là nói tới mối quan hệ nội tại của ngôn ngữ: tức là mối quan hệ giữa yếu tố ngôn ngữ này với các yếu tố ngôn ngữ khác xung quanh nó trong chuỗi lời nói. Sense của một biểu thức ngôn ngữ không chỉ ra một đối tượng (a thing or a person) cụ thể nào đó trong thực tế khách quan mà là “khái niệm trừu tượng” (abstraction) về đối tượng đó trong ngôn ngữ.
|
Nói tới reference là nói về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và thế giới khách quan ngoài ngôn ngữ: bằng reference, người nói có thể chỉ ra (quy chiếu vào) vật/ việc/ người…(a thing or a person) cụ thể nào đó đang được nói tới.
|
Sense của một biểu thức ngôn ngữ chính là vị trí của nó trong hệ thống các mối quan hệ ngữ nghĩa với các biểu thức khác trong một ngôn ngữ. Một trong các quan hệ ngữ nghĩa phổ biến là quan hệ đồng nghĩa (samness of meaning). Một số biểu thức ngôn ngữ (từ, câu…) lại có thể có nhiều hơn một sense.
Có thể dùng sense để nói về nghĩa của các từ hoặc của các biểu thức ngôn ngữ lớn hơn như: cụm từ hoặc câu.
Có trường hợp một từ hoặc một câu có thể có nhiều hơn một sense.
|
Cùng một biểu thức ngôn ngữ có thể được dùng để quy chiếu vào nhiều vật/ việc/ người… cụ thể khác nhau tuỳ thuộc vào ngữ cảnh mà nó được sử dụng – khi đó các biểu thức này có quan hệ đa chiếu vậtrong ngôn ngữ, chỉ có một số rất ít các biểu thức ngôn ngữ chỉ quy chiếu vào một đối tượng duy nhất trong thực tế khách quan. Ngược lại, có trường hợp hai biểu thức ngôn ngữ lại có thể cùng quy chiếu về một vật/ việc/ người… trong thực tế - gọi là quan hệ đồng chiếu vật.
|
Những đặc điểm trên đây chưa thể bao quát được hết những điểm tương quan giữa hai khái niệm quan trọng này của ngôn ngữ học. Đây là một trong những vấn đề lý thuyết phức tạp và còn tương đối mới mẻ trong nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam, đòi hỏi những nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện hơn nữa. Trong phạm vi của bài viết, chúng tôi tạm thời đưa ra vấn đề lý thuyết hiện đang nghiên cứu và một hướng ứng dụng của nó đối với việc tìm hiểu ngôn ngữ văn chương nghệ thuật.
1.3. Về nghiên cứu Truyện Kiều từ góc độ ngôn ngữ học
Thật khó có thể thống kê hết các công trình nghiên cứu đã được công bố về Truyện Kiều – tác phẩm kinh điển vào bậc nhất của lịch sử văn học Việt Nam. Và dòng mạch nghiên cứu về tác phẩm nghệ thuật có vị trí đặc biệt này vẫn còn tiếp diễn, bởi lẽ “càng nghiên cứu, chiêm nghiệm, người ta càng thấy Truyện Kiều vẫn đang ở phía trước, Truyện Kiều nói mãi không cùng. Tìm hiểu quá trình tiếp cận Truyện Kiều ta thấy cách tiếp cận ngày một sâu sắc, toàn diện và bản thân tác phẩm cũng ngày một mở ra những chiều sâu mới đến vô cùng” (Trần Đình Sử [6, tr.329]). Truyện Kiều đã và đang được tìm hiểu, khám phá từ nhiều góc độ: văn bản học, phê bình văn học, văn hoá học, tâm lý học, mỹ học, tự sự học, thi pháp học và cả ngôn ngữ học. Riêng đối với cách tiếp cận Truyện Kiều từ góc độ Ngôn ngữ học, chúng tôi nhận thấy số những công trình nghiên cứu riêng biệt ứng dụng các lý thuyết của Ngôn ngữ học để nghiên cứu Truyện Kiều không thật sự nhiều mà chủ yếu là những bài nghiên cứu riêng lẻ được tập hợp hoặc làm thành một phần của các công trình chuyên sâu về Truyện Kiều nói chung. Chúng tôi đặc biệt chú ý tới một số công trình nghiên cứu sau đây bởi giá trị tham khảo của chúng đối với đề tài của báo cáo này:
- Nguyễn Ngọc Bích (2008), Tìm hiểu tín hiệu thẩm mỹ “hoa” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du trên ba bình diện: Kết học, nghĩa học, dụng học, Luận văn thạc sỹ, ĐH Sư phạm Hà Nội.
- Nguyễn Tú Quyên (2005), Các phương tiện ngôn ngữ đồng sở chỉ biểu thị nhân vật trong Truyện Kiều, Luận văn Thạc sỹ, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Chúng tôi nhận thấy, các phương tiện ngôn ngữ có ý nghĩa chiếu vật biểu thị thiên nhiên và hiện tượng đa nghĩa chiếu vật, chiếu vật lệch… để tạo ra tầng nghĩa hàm ẩn trong thế giới nghệ thuật rộng lớn của Truyện Kiều hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ. Trước thực tiễn trên, chúng tôi mạnh dạn đi vào tìm hiểu, tiếp cận Truyện Kiều của Nguyễn Du từ góc độ Chiếu vật của Ngữ dụng học, cụ thể là tìm hiểu đặc điểm của các biểu thức chiếu vật chứa “trăng” (cùng các biến thể đồng nghĩa với “trăng”, như: nguyệt, thỏ, nga…) trong Truyện Kiều. Tuy nhiên, do dung lượng có hạn của một bài viết nên chúng tôi chỉ tiến hành khảo sát và miêu tả đặc điểm của các biểu thức chiếu vật này trên phương diện ý nghĩa. Trên cơ sở đó, chúng tôi tiến hành so sánh, đối chiếu với ý nghĩa thường gặp của các biểu thức chiếu vật chứa “trăng” trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám, ngõ hầu phần nào làm phát lộ dòng chảy văn hoá xứ Nghệ vốn luôn tiềm tàng như một mạch ngầm kết nối sáng tác của hai tác gia đại diện cho hai thời kỳ văn học rực rỡ nhất trong lịch sử văn học Việt Nam này.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Kết quả khảo sát
Chúng tôi đã khảo sát, thống kê được trong Truyện Kiều có tổng số 62 BTCV chứa “trăng” và các biến thể khác của “trăng”, cụ thể như trong bảng sau:
Bảng 1. Số lần xuất hiện của các BTCV chứa “trăng” và các biến thể của “trăng” trong Truyện Kiều
BTCV chứa
|
Trăng
|
Nguyệt
|
Nga
|
Thỏ
|
Gương
|
Tổng số
|
Số lần xuất hiện
|
41
|
15
|
3
|
2
|
1
|
62
|
Tỷ lệ %
|
66.2
|
24
|
4.9
|
3.25
|
1.65
|
100
|
Trong đó, như một lẽ dĩ nhiên, số lần tác giả dùng “trăng” chiếm đa số (41/62 lần, chiếm 66.2%), sau đó là biến thể từ Hán - Việt đồng nghĩa với “trăng” – là “nguyệt” - với 15/62 lần xuất hiện (24%), còn lại các biểu thức chiếu vật chứa “nga”, “thỏ”, “gương” xuất hiện rất hạn chế:
3 lần tác giả dùng “thỏ” để thay cho “trăng” là[1]: Trải bao thỏ lặn ác tà - Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm (câu 79, khi chị em Kiều đi chơi thanh minh gặp mộ Đạm Tiên); Lần lần thỏ bạc ác vàng - Xót người trong Hội đoạn trường đòi cơn (câu 1269, khi Thuý Kiều ở lầu xanh của Tú Bà); Nỉ non đêm ngắn tình dài - Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương (câu 1370, khi Thuý Kiều kể lại đời mình cho Thúc Sinh nghe, ở lầu xanh).
2 lần tác giả dùng “nga” thay cho “trăng” đều trong đêm thanh minh, sau khi ban ngày Thuý Kiều cùng các em viếng mộ Đạm Tiên và rồi gặp Kim Trọng, tối về nàng ngồi một mình suy ngẫm trong cảnh: Gương nga vằng vặc đầy song - Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân (173); Một mình lặng ngắm bóng nga - Rộn đường gần với nỗi xa bời bời (177). Ngay sau đó, nàng thấy Đạm Tiên hiện về báo mộng – báo hiệu điểm khởi đầu của một “cơn ác mộng 15 năm” có thực của đời nàng.
Chỉ có 1 lần Nguyễn Du dùng “gương” thay cho “trăng”, trong BTCV ở câu 1092: Chim hôm thoi thót về rừng - Đoá trà mi đã ngậm gương nửa vành. Đó là thời điểm Sở Khanh hẹn gặp Thuý Kiều để đưa nàng đi trốn.
Có một điểm chung trong các BTCV chứa “nga”, “thỏ” và “gương” là: ở đây, biện pháp tu từ mà tác giả sử dụng, cũng là cơ sở để xác định đó là các biến thể của “trăng” trong Truyện Kiều, là biện pháp hoán dụ hoặc ẩn dụ. Theo tác giả Đào Duy Anh [1]:
“Nga: tức là Hằng Nga, chỉ mặt trăng” [1; tr.274]
“Thỏ: con thỏ, chỉ mặt trăng. Theo truyền thuyết, trên cung trăng có con Thỏ ngọc” [1; tr.398]
“Gương: (…)3. chỉ vừng mặt trời, mặt trăng sáng như tấm gương” [1; tr.153].
Trong đó, hai từ “nga” và “thỏ” được dùng theo kiểu hoán dụ bộ phận (lấy bộ phận chỉ cái toàn thể) còn dùng “gương” là theo kiểu ẩn dụ (ngầm so sánh ánh sáng của mặt trăng giống như gương).
Vì số lượng các BTCV chứa các biến thể sử dụng của “trăng” trong Truyện Kiều không nhiều và chúng có những điểm tương đồng với các BTCV chứa “trăng” về nhiều phương diện, nên từ lúc này, để tiện cho việc phân tích và miêu tả, chúng tôi tạm dùng tổ hợp “các BTCV chứa “trăng”” với nghĩa bao hàm cả những BTCV chứa các biến thể của “trăng” như vừa nêu trên.
2.2. Ý nghĩa của các biểu thức chiếu vật chứa “trăng” trong Truyện Kiều
2.2.1. Ý nghĩa biểu vật của “trăng”
Ý nghĩa biểu vật là ý nghĩa của từ trong hệ thống. Nó, cùng với ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa biểu thái, làm thành ý nghĩa từ vựng của từ. Ý nghĩa biểu vật, do vậy, được nghiên cứu trong chuyên ngành Từ vựng - Ngữ nghĩa học và được định nghĩa như sau: “Sự vật, hiện tượng, đặc điểm… ngoài ngôn ngữ, được từ biểu thị tạo nên ý nghĩa biểu vật của từ” [4, tr.105].
Vì ý nghĩa biểu vật của từ có liên quan tới “sự vật, hiện tượng, đặc điểm… ngoài ngôn ngữ” nên dễ bị nhầm lẫn với nghĩa chiếu vật của các BTCV là từ. Thực chất, nghĩa biểu vật của từ “là sự phản ánh sự vật, hiện tượng… trong thực tế vào ngôn ngữ” chứ “không phải là sự vật hiện tượng… y như nó có thực trong thực tế. Chúng chỉ bắt nguồn từ đó mà thôi” [3, tr.108]. Nói cách khác, nếu các sự vật, hiện tượng… trong thực tế tồn tại có tính cá thể, cụ thể (và khi nó được qui chiếu bằng các BTCV thì nó chính là nghĩa chiếu vật của các BTCV đó) thì ý nghĩa biểu vật của từ có tính khái quát. Ý nghĩa biểu vật của từ chỉ ra “loại” của sự vật, hiện tượng… còn ý nghĩa chiếu vật thì chỉ ra từng cá thể cụ thể các sự vật, hiện tượng… đó trong thực tế.
Mặt khác, nếu ý nghĩa biểu vật là ý nghĩa của từ tồn tại ở dạng tiềm năng, trong hệ thống ngôn ngữ, thì ý nghĩa chiếu vật lại là ý nghĩa của các từ khi được đưa vào sử dụng. Nếu ý nghĩa biểu vật của từ có tính ổn định, không phụ thuộc vào ngữ cảnh sử dụng của từ và thường được trình bày trong từ điển thì ý nghĩa chiếu vật của các từ lại không có tính ổn định mà phụ thuộc chặt chẽ vào thế giới khả hữu - hệ qui chiếu trong diễn ngôn.
Do sự khác biệt trên, có nhiều trường hợp mà một từ, với một ý nghĩa biểu vật nhất định nhưng khi được sử dụng trong các diễn ngôn khác nhau để thực hiện chức năng chiếu vật tới các hệ qui chiếu khác nhau thì lại có thể có nhiều nghĩa chiếu vật khác nhau. Các BTCV chứa “trăng” trong Truyện Kiều mà chúng tôi đang xét chính là một trường hợp tiêu biểu. Tuy vậy, các nghĩa chiếu vật này vẫn có mối liên hệ chung với “mẫu gốc” của chúng là nghĩa biểu vật của từ trong kho từ vựng của mỗi ngôn ngữ.
Ý nghĩa biểu vật (ý nghĩa từ vựng) của “trăng” và một số từ ghép có chứa hình vị “trăng” trong Tiếng Việt được hiểu như sau:
Trăng d. Mặt trăng nhìn thấy về ban đêm
Trăng gió d. Chỉ quan hệ yêu đương lăng nhăng, hời hợt (nói khái quát)
Trăng hoa d. Chỉ quan hệ trai gái lăng nhăng, không đứng đắn (nói khái quát)
(Theo Từ điển Tiếng Việt, [5])
Tuy nhiên, khi soi chiếu vào các BTCV chứa “trăng” trong Truyện Kiều, ý nghĩa chiếu vật của “trăng” và các biến thể của “trăng” phong phú và đa tầng bậc hơn ý nghĩa biểu vật của chúng rất nhiều.
2.2.2. Ý nghĩa chiếu vật và hiện tượng đa nghĩa chiếu vật của các biểu thức chiếu vật chứa “trăng” trong Truyện Kiều
Trong tổng số 62 BTCV chứa “trăng” mà chúng tôi khảo sát được, có 7 trường nghĩa chủ yếu mà các BTCV này qui chiếu về với tỷ lệ khác nhau. Cụ thể như trong bảng sau:
Bảng 2. Các kiểu ý nghĩa chiếu vật của các biểu thức chiếu vật chứa “trăng” trong Truyện Kiều
Ý nghĩa chiếu vật
|
Thời gian
|
Không gian
|
Người
|
Sự kiện/ Tình huống
|
Quan hệ trai gái
|
Thực thể thiên nhiên
|
Lực lượng siêu nhiên
|
Số lần
|
15
|
12
|
11
|
10
|
6
|
6
|
2
|
Tỷ lệ %
|
24
|
19.3
|
17.75
|
16.2
|
9.7
|
9.7
|
3.25
|
Các con số trong bảng thống kê trên cho thấy, với chỉ một ý nghĩa biểu vật của từ “trăng” trong hệ thống ngôn ngữ, khi đưa vào sử dụng trong các BTCV với chức năng chiếu vật, chúng đã tạo ra các ý nghĩa chiếu vật phong phú và đa dạng, đa tầng.
2.2.1. Các BTCV chứa “trăng” biểu thị thời gian và không gian trong Truyện Kiều
Trong số các ý nghĩa chiếu vật của các BTCV chứa “trăng” trong Truyện Kiều, ý nghĩa chiếu vật về thời gian và không gian vẫn đạt tỷ lệ cao nhất. Điều này không khó lí giải bởi bản thân sự vật được chiếu (mặt trăng) vốn gắn liền với các đặc tính về thời gian (buổi đêm) và không gian (bầu trời cao, rộng) trong thực tế khách quan. Khi được qui chiếu bằng ngôn ngữ, các BTCV chứa “trăng” trở thành một cách nói hoán dụ hoặc ẩn dụ biểu thị thời gian và không gian nghệ thuật trong tác phẩm. Chẳng hạn: Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao - Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng (251-252); Lần lần ngày gió đêm trăng - Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua (369-370); Nâu sồng từ trở màu thiền- Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu (1933-1934). Cả 3 BTCV chứa “trăng” trên đây đều có nghĩa chiếu vật chỉ thời gian, đặc biệt hơn nữa, trong hầu hết 15 BTCV chứa “trăng” chỉ thời gian thì thời gian không được nhìn nhận ở trạng thái tĩnh (thời điểm) mà là thời gian đang chảy trôi, thời gian đang trong sự vận động luân hồi, luân chuyển miên viễn của nó. Đây là điểm hết sức độc đáo của Nguyễn Du khi chiếu vật thời gian so với các tác giả trung đại khác. Một mặt, thời gian được thể hiện như một dòng chảy theo tiến trình của cốt truyện là phù hợp với loại hình tự sự của tác phẩm; mặt khác, việc Nguyễn Du nhìn nhận thời gian luôn ở trạng thái động cũng phần nào cho thấy nhận thức của tác giả về thế giới luôn vận động, biến đổi không ngừng. Dùng “trăng” để “đong đếm” thời gian là một cách làm dân gian, nhưng bên cạnh đó còn cho thấy cả sự nuối tiếc một đi không trở lại của thời gian thì lại là một điểm mới mẻ khiến cho Nguyễn Du gần gũi với các nhà Thơ Mới sau này.
Không gian được các BTCV chứa “trăng” trong Truyện Kiều mở ra cũng là một không gian đặc biệt. Xét các BTCV sau:
+ Gương nga vằng vặc đầy song
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân (173-174)
+ Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung (1033-1034)
+ Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu (1241-1242)
Đó là một không gian rộng lớn, mênh mông và tràn ngập ánh trăng. Chỉ có điều, ánh trăng không mang sinh khí, hơi hướng của sự sống hay mang màu sắc trữ tình, thi vị như trong Thơ Mới. Ánh trăng ở đây toàn gợi cho người đọc cảm giác lạnh lẽo, rợn ngợp, trước hết bởi màu sắc bàng bạc của nó, rồi sau đến độ dàn trải, bao phủ của nó trên một diện rộng khiến con người – nhân vật lúc nào cũng bị nhấn chìm, bị cô lập thành ra lẻ loi, cô độc. Thêm vào đó, các miêu tả tố đi kèm với “trăng” trong các BTCV trên đều gợi ra một ấn tượng nhức nhối, ám ảnh, cứ như thể ánh trăng không đơn thuần chỉ là ánh sáng, ánh trăng “vằng vặc” dù có ở “gần” cũng khó nắm bắt, huống chi nó lại tỏa ra thâu tóm “bốn bề” không gian. Có một điểm không thể không quan tâm khi nói tới không gian trong Truyện Kiều – như Trần Đình Sử nhận định – đó là một “không gian lưu lạc”. Đó là không gian của tha hương, của con người bị giằng ra khỏi cái nôi gia đình ấm cúng; rồi bị ném vào chốn “bụi trần” giữa đêm “đùng đùng gió giục mây vần” trên “một xe trong cõi hồng trần như bay”, lại “vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh”, để rồi từ đó nổi trôi vô định, bị xô đẩy hết từ “miền nguyệt hoa” lại sang “chốn nâu sồng”, “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”. Trong miền không gian luôn có sự di chuyển ấy, ánh trăng hay vầng trăng dường như luôn hiện hữu.
2.2.2. Các biểu thức chiếu vật chứa “trăng” có ý nghĩa chiếu vật người trong Truyện Kiều
Số các BTCV chứa “trăng” được dùng để biểu thị người là 11. Tuy không nhiều nhưng xét từ phương diện nghĩa chiếu vật thì đây lại là một điểm lí thú trong Truyện Kiều. Ngoại trừ 2 lần Nguyễn Du dùng BTCV chứa “trăng” để chỉ đặc điểm ngoại hình, vẻ đẹp của người con gái (vốn rất quen thuộc với thi pháp trung đại) trong BTCV “khuôn trăng” (chỉ khuôn mặt tròn đầy như vầng trăng của Thuý Vân) và BTCV “nét nguyệt” (chỉ nét mặt Thuý Kiều), thì 9 BTCV chứa “trăng” còn lại có ý nghĩa chiếu vật chỉ những đặc tính, phẩm chất hoặc tốt hoặc xấu của nhân vật, thậm chí dùng cả BTCV chứa “trăng” để “gọi tên” một “loại” người trong Truyện Kiều. Đó là các BTCV trong các câu thơ: Tưởng người dưới nguyệt chén đồng (chỉ Kim Trọng); Giá đành trong nguyệt trên mây (chỉ tính cách không đoan chính của người con gái); Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa (chỉ lòng phụ bạc của Thúc Sinh); Từ rằng: “Tâm phúc tương cờ - Phải người trăng gió vật vờ hay sao?” và Phải tuồng trăng gió hay sao? (chỉ loại khách làng chơi qua đường); Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng – Hoa thơm phong nhuỵ trăng vòng tròn gương (chỉ trinh tiết của người phụ nữ) v.v… Chính các yếu tố đi kèm với “trăng” (hoa, gió, mây…) trong các BTCV trên đã tạo nên ý nghĩa liên hội và Nguyễn Du, bằng tài năng của mình, thông qua biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ đã “đắp” thêm cho các từ ngữ một tầng nghĩa hết sức lí thú và sâu sắc vốn không hề tồn tại trong ý nghĩa biểu vật hay ý nghĩa biểu trưng của “trăng”.
2.2.3. Các BTCV chứa “trăng” có ý nghĩa chiếu vật biểu thị sự kiện/ tình huống trong Truyện Kiều
Như đã trình bày ở phần đầu bài viết này, không phải chỉ có các sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan mới được chiếu vật và trở thành ý nghĩa chiếu vật của các BTCV. “… Đóng vai trò nghĩa chiếu vật ngoài sự vật, còn có cả đặc tính, quan hệ, sự kiện, hoạt động nữa” (Dẫn theo Đỗ Hữu Châu, [3, tr.199]). Các BTCV chứa “trăng” trong Truyện Kiều, theo chúng tôi khảo sát được, có 10 lần đã được dùng để qui chiếu về một sự kiện hoặc một tình huống nào đó và đặc điểm của các tình huống, sự kiện này rất khác nhau, khi vui có, khi buồn đau cũng có. Chẳng hạn:
+ Vả trong thềm quế cung trăng
Chủ trương đành đã chị Hằng ở trong (1339-1340)
Đây là 2 BTCV cùng qui chiếu về hoàn cảnh gia đình (tình trạng hôn nhân) của Thúc Sinh: Thuý Kiều dùng chúng để nói về việc Thúc Sinh đã có vợ ở quê nhà, khó có thể lấy mình về làm vợ được nữa.
+ Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu
Để ai trăng tủi hoa sầu vì ai?(1435-1436)
Đây là tiếng khóc “lòng càng xót xa” của Thúc Sinh khi “nẻo xa trông thấy” cảnh Thuý Kiều bị quan phủ dùng “phép gia hình – ba cây chập lại một cành mẫu đơn” đến nỗi “một sân lầm cát đã đầy – gương lờ nước thuỷ mai gầy vóc xương”. Do vậy, ý nghĩa chiếu vật của BTCV trăng tủi hoa sầu chính là biểu thị sự kiện Thuý Kiều bị quan phủ đánh.
Ngoài ra, trong Truyện Kiều, còn các BTCV khác chỉ sự kiện, tình huống hay hoàn cảnh sống của nhân vật, như: gió mát trăng thanh (khi Kiều gặp Từ Hải), Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng (Thuý Kiều sống cùng vãi Giác Duyên), song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời (cảnh tiêu điều xơ xác trong vườn Thuý khi Kim Trọng quay lại tìm Kiều)… Ý nghĩa chỉ tình huống, sự kiện là một ý nghĩa chiếu vật khá độc đáo của các BTCV chứa “trăng” nói riêng và các BTCV khác trong Truyện Kiều nói chung.
2.2.4. Các ý nghĩa chiếu vật khác của các BTCV chứa “trăng” trong Truyện Kiều
Số lượng các BTCV chứa “trăng” có ý nghĩa biểu thị quan hệ (6 lần), biểu thị thực thể thiên nhiên (6 lần) và biểu thị lực lượng siêu nhiên (2 lần) là không nhiều. Có một điều khá đặc biệt, đáng lẽ với ý nghĩa biểu vật của “trăng” (chỉ mặt trăng) thì việc dùng các BTCV chứa “trăng” biểu thị thực thể thiên nhiên phải chiếm số lượng nhiều nhất mới đúng. Nhưng ở đây, chỉ có 6 lần tác giả dùng “trăng” để qui chiếu về chính nó mà không gắn thêm cho nó một ý nghĩa nào khác nữa. Đó là các BTCV như: bóng nga (2 lần) chỉ ánh sáng trăng; vầng trăng (2 lần) và trăng (2 lần) chỉ mặt trăng.
Ý nghĩa chiếu vật chỉ quan hệ tình ái nam nữ của các BTCV chứa “trăng” trong Truyện Kiều cũng có 6 lần xuất hiện với các mục đích khác nhau, khi thì của nhân vật dùng, khi thì của tác giả dùng. Chẳng hạn, khi Thuý Kiều trốn nhà sang gặp Kim Trọng: Góp lời phong nguyệt nặng nguyền non sông ;và nàng muốn nhắc nhở Kim Trọng về việc giữ gìn đức hạnh, đạo lý Nho gia: Đừng điều nguyệt nọ hoa kia; khi Nguyễn Du diễn tả tình cảm giữa Thúc Sinh và Thuý Kiều: nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng, trước còn trăng gió sau ra đá vàng; khi Kim Trọng muốn khẳng định tình yêu đích thực, thanh cao của mình dành cho Thuý Kiều trong buổi tái hợp: Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa… Dễ nhận thấy các BTCV trên đều chứa cả các yếu tố “hoa”, “gió” đi kèm bởi chính ý nghĩa biểu vật của các từ “trăng hoa”, “trăng gió” đã hàm chứa trong nó quan hệ tình cảm trai gái “lăng nhăng, không đứng đắn”, “hời hợt”. Ở điểm này, tác giả dùng các BTCV ở dạng khẳng định để diễn tả tình cảm của Thúc Sinh và ở dạng phủ định để chỉ tình cảm của Kim Trọng cùng dành cho Thuý Kiều. Phải chăng đó là dụng ý của tác giả Truyện Kiều?
Chỉ có 2 lần BTCV chứa “trăng” được dùng để qui chiếu về một nhân vật đặc biệt trong Truyện Kiều: đó là Trăng già và kìa gương nhật nguyệt. Về thực chất, dù các BTCV này có sử dụng điển cố về Nguyệt Lão xe tơ, về Ông Trời hay về Hoá nhi, Hoá công… vô hình nào đó, thì tựu chung lại, thiết nghĩ, Nguyễn Du vẫn muốn ám chỉ đến Số phận, đến Thiên Mệnh - thứ thế lực siêu nhiên mà có sức mạnh chi phối vô cùng mạnh mẽ, một tay điều khiển cuộc đời Thuý Kiều như điều khiển một “con rối” trong trò chơi của tạo hoá. Đây là các BTCV truyền tải tư tưởng, quan niệm về cuộc đời, về thế giới của Nguyễn Du cũng như của các nhà Nho cùng thời với ông. Nó không phải là sản phẩm của một cá nhân mà nó nằm trong ý thức hệ của cả một thời đại lịch sử - “đêm dài trung cổ”.
2.3. Dòng chảy văn hoá xứ Nghệ từ Nguyễn Du tới Xuân Diệu qua ý nghĩa của các biểu thức chiếu vật chứa “trăng” trong thơ
2.3.1. Vài nét về ý nghĩa của các BTCV chứa “trăng” trong thơ Xuân Diệu
Trong thơ Xuân Diệu, tín hiệu thẩm mỹ trăng xuất hiện tương đối nhiều và cũng đã có một số nhà nghiên cứu phê bình văn học nhận định về đối tượng này như một hình tượng nghệ thuật, một “biểu tượng của sự vĩnh cửu, của cái đẹp, của nghệ thuật” (Đỗ Lai Thuý). Bước đầu tìm hiểu “trăng” trong thơ Xuân Diệu từ góc độ chiếu vật, chúng tôi đã thử khảo sát các BTCV chứa “trăng” trong hai tập thơ tiêu biểu là “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”. Chúng tôi thấy các BTCV chứa “trăng” và các biến thể của nó (nguyệt, hằng, cung) xuất hiện trong 28/ 97 bài thơ với 71 lần. Trong đó, ý nghĩa chiếu vật của các BTCV chứa “trăng” này như bảng sau:
Bảng 3. Ý nghĩa chiếu vật của các BTCV chứa “trăng” trong thơ Xuân Diệu
Ý nghĩa chiếu vật
|
Thực thể thiên nhiên
|
Không gian
|
Cái đẹp/ Thi hứng
|
Nhân vật trữ tình
|
Tâm trạng nhân vật
|
Thời gian
|
Số lần
|
21
|
17
|
13
|
12
|
6
|
3
|
Tỷ lệ %
|
29.2
|
23.6
|
18
|
16.7
|
8.3
|
4.2
|
Do dung lượng hạn chế, trong bài viết này, chúng tôi không miêu tả cụ thể từng ý nghĩa chiếu vật của các BTCV chứa “trăng” trong thơ Xuân Diệu mà chỉ dựa trên kết quả khảo sát này để tiến hành so sánh, đối chiếu về ý nghĩa chiếu vật của chúng với ý nghĩa chiếu vật của các BTCV chứa “trăng” trong Truyện Kiều. Từ đó, chúng tôi mong muốn làm nổi bật một vài điểm tương đồng và khác biệt giữa hai tác giả ở hai thời đại văn học khác nhau nhưng đồng hương xứ Nghệ.
2.3.2. Điểm tương đồng hay tính thống nhất trong nguồn mạch chung của văn hoá và văn học dân tộc
Nhìn chung, cả hai tác giả đều có điểm thống nhất trong cách dùng các BTCV chứa “trăng”: ngoài việc để “gọi tên” một thực thể thiên nhiên như bản thân nghĩa của từ này qui chiếu thì các BTCV này còn biểu thị thời gian, không gian. Trong đó, không gian luôn gắn liền với đặc tính mênh mông, bao la, vô định đối lập với con người nhỏ bé, hữu hạn, bơ vơ; thời gian thì luôn vận động, luân chuyển theo một tiến trình không bao giờ ngừng nghỉ. Chẳng hạn, để diễn tả độ rộng lớn của không gian, trong thơ Xuân Diệu có các BTCV: trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá, trăng thâu, trăng cao, ruộng gió đồng trăng, huy hoàng trăng rộng nguy nga gió… khiến cho người đọc có liên tưởng tới không gian “nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu” của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Hoặc để diễn tả bước đi của thời gian, Nguyễn Du dùng các BTCV tuần trăng khuyết đĩa dầu hao, tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai, vừa tuần nguyệt sáng gương trong…; còn Xuân Diệu với “nỗi ám ảnh thời gian” đã dùng trăng thu gió hè, trăng tròn để mà khuyết, nhịp trăng… Với cảm thức về thời gian và không gian thể hiện qua ý nghĩa của các BTCV kể trên, người đọc có thể nhận thấy phần nào của một “dấu ấn Nguyễn Du” trên trang thơ Xuân Diệu?
Điểm tương đồng này có lẽ bắt nguồn từ quan niệm chung về trăng – như một biểu tượng văn hoá của toàn nhân loại. Trong “Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới” [10], trăng được coi là “siêu mẫu” của nhân loại, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng khác nhau: nó có thể biểu trưng cho bản tính nữ; hoặc tượng trưng cho cái đẹp; hoặc biểu tượng của thời gian… Có lẽ do tính phổ quát này nên từ văn học dân gian (ca dao, dân ca) đến văn học trung đại (thơ chữ Nôm, thơ chữ Hán) và đến văn học hiện đại (Thơ Mới), trăng luôn tồn tại, hiện hữu trong các tác phẩm như một hình tượng nghệ thuật đặc biệt. Tuy vậy, ở từng giai đoạn, việc dùng các BTCV chứa “trăng” để biểu thị thời gian, không gian bên cạnh việc miêu tả một tinh cầu trong vũ trụ bao la vẫn mang những nét riêng tiêu biểu cho thế giới quan và thi pháp sáng tác của từng thời kỳ văn học và mang đậm dấu ấn của mỗi nhà thơ với tư cách là chủ thể nhận thức và chủ thể sáng tạo nghệ thuật ngôn từ.
2.3.3. Điểm khác biệt hay sự độc đáo làm nên tầm vóc và phong cách cá nhân của từng tác giả
Ở các BTCV chứa “trăng” trong thơ Xuân Diệu, có hai ý nghĩa chiếu vật không thấy tồn tại trong cơ cấu các ý nghĩa chiếu vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: đó là ý nghĩa biểu thị Cái Đẹp và nguồn cảm hứng sáng tác của người nghệ sĩ; và ý nghĩa chỉ một nhân vật trữ tình thực sự.
Ở ý nghĩa chiếu vật thứ nhất, ta thấy Xuân Diệu “gặp gỡ” nhiều nhà thơ lớn của dân tộc và của thế giới bởi tính nhân loại của hình tượng trăng trong nền văn hoá chung. Từ “mẫu gốc” là vầng trăng với thứ ánh sáng lung linh đặc biệt, các thi sĩ đã tìm thấy ở đó một vẻ đẹp hoàn mỹ, một nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật. Xuân Diệu đã từng quan niệm “là thi sĩ nghĩa là ru với gió; mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” nên ông đã dùng một loạt các BTCV chứa “trăng” để “định nghĩa trăng – thi hứng” với tư cách này: Trăng, vú mộng của muôn đời thi sĩ; Trăng, hoa vàng lay lắt cạnh bờ mây; Trăng, đĩa ngọc giữa mâm trời huyền bí; Trăng, nguồn sương làm ướt cả gió hây; Trăng, võng rượu khiến đêm mờ chếnh choáng; Chỉ là trăng; nhưng tôi thấy thần tiên; Trăng của xa xôi, trăng của hão huyền… Đây là một quan niệm thẩm mỹ mới mẻ so với thời đại Nguyễn Du. Tuy rằng tác giả Truyện Kiều vẫn luôn thừa nhận vẻ đẹp của trăng, nhưng chưa bao giờ trong tác phẩm của ông, trăng được dùng để qui chiếu về lí tưởng thẩm mỹ hay về nguồn cảm hứng của sáng tạo nghệ thuật. Điểm khác biệt này cũng bắt nguồn từ thi pháp sáng tác của hai nhà thơ vốn không giống nhau: một tâm hốn lớn mang đậm chất hiện thực chủ nghĩa; còn một là thi sĩ lãng mạn vào bậc nhất Việt Nam từ xưa tới nay.
Ý nghĩa chiếu vật biểu thị trăng là một nhân vật thực sự của tác phẩm trong thơ Xuân Diệu cũng làm nên nét khác biệt lớn so với ý nghĩa của các BTCV chứa “trăng” trong Truyện Kiều. Nếu trăng trong Truyện Kiều tồn tại ở dạng khách thể, được nhân vật và tác giả cảm nhận và qui chiếu bằng con mắt tâm trạng hoặc tồn tại như một chứng nhân, một thế lực siêu nhiên huyền bí; thì trong thơ Xuân Diệu, tồn tại một NHÂN VẬT TRĂNG – một NÀNG TRĂNG thực thụ. Nhân vật trữ tình này được qui chiếu bằng cả tên gọi với đầy đủ các đặc điểm, hoạt động, tâm trạng như một cô gái mộng mơ và đượm nét buồn u ẩn của thời đại. Chẳng hạn: trăng cười; trăng thánh thót, hoạ đàn tơ thấp thoáng; trăng nghiêng nghiêng, tư tưởng chuyện ưu phiền; trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh; trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần; trăng nhớ Tầm Dương; vầng trăng nghiêng mặt thương; thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ; trăng vàng xinh không… Sự thay đổi này không chỉ diễn ra ở Xuân Diệu, cũng không phải chỉ ở ý nghĩa của các BTCV chứa “trăng”, đó là sự chuyển biến về thế giới quan, về quan niệm thẩm mỹ cũng như phương pháp sáng tác của cả một thời kỳ văn học. Nếu như thi pháp trung đại lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn mực, làm thước đo cho con người (vậy nên mới có cách so sánh ví von khuôn trăng, nét nguyệt, làn thu thuỷ nét xuân sơn, râu hùm hàm én mày ngài, mày ai trăng mới in ngần... trong Truyện Kiều); còn thi pháp hiện đại coi vẻ đẹp của con người mới là chuẩn để “đong đếm” vẻ đẹp của thiên nhiên, vậy nên mới có hiện tượng “nhân hoá” thiên nhiên, trao cho thiên nhiên những đặc tính vốn là của con người. Nhờ vậy, trăng trở thành một nhân vật trữ tình trong thơ Xuân Diệu.
3. KẾT LUẬN
Trong khuôn khổ của một bài viết, thật khó có thể trình bày hết những đặc điểm đầy đủ của các BTCV chứa “trăng” trong Truyện Kiều và trong thơ Xuân Diệu cũng như khó có thể nêu hết những điểm tương đồng, khác biệt và đi tìm nguồn cơn của sự thống nhất mà dị biệt ấy. Chúng tôi chỉ mong muốn đặt ra một vấn đề và bước đầu tìm hiểu, giải quyết vấn đề đó ở một khía cạnh nhỏ. Đó là vấn đề tiếp cận Truyện Kiều từ góc độ chiếu vật của Ngữ dụng học có thể đem đến cho người tiếp nhận những khám phá mới mẻ; và so sánh cách thức mà các tác giả chiếu vật trong tác phẩm cũng là một con đường đi tìm những di sản được kế thừa và phát huy, cũng như đi tìm những sáng tạo mang đặc trưng riêng của từng thời kỳ và từng phong cách cá nhân của người nghệ sĩ ngôn từ. Về vấn đề khoa học này, chúng tôi sẽ còn triển khai trong các công trình tiếp theo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
Tài liệu tiếng Việt
[1] Đào Duy Anh (1987), Từ điển Truyện Kiều, Nxb KHXH, Hà Nội.
[2] Đỗ Hữu Châu (2003), Cơ sở Ngữ dụng học, tập 1, Nxb ĐHSP HN.
[3] Đỗ Hữu Châu (1999), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục, HN.
[4] Hoàng Phê (chủ biên) (2001), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học.
[5] Nguyễn Tú Quyên (2005), Các phương tiện ngôn ngữ đồng sở chỉ biểu thị nhân vật trong Truyện Kiều, Luận văn Thạc sỹ, Đại học Sư phạm Hà Nội.
[6] Trần Đình Sử (2002), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[7] Lưu Khánh Thơ (tuyển chọn và giới thiệu) (2003), Xuân Diệu - về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[8] Jean Chevalier và Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb. Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du.
Tài liệu tiếng Anh
[9] Abbot B. (2010), Reference (Oxford Surveys in Semantics and Pragmatics), Oxford University Press.
[10] Asher R.E (Ed.) (1994), The Encyclopedia of Language and Linguistics, Pergamon Press.
[11] Back K. (1988), Thought and Reference, Oxford: Oxford Univ. Press.
[12] Chesterman A. (1991), On Definiteness: A Study with Special Reference to English and Finish, Cambrigde University Press.
[13] Cruse A. (2004), Meaning in Language: An Introduction to Semantics and Pragmmatics, Oxford Univ. Press.
ABSTRACT
Referent of the referring expressions containing “trang” (moon) in “Truyen Kieu” (Nguyen Du) and in Xuan Dieu’s poems
Studying reference and referring expressions used to refer something (things, actions, properties, events, situations…) in literary works is one way to show out skill, art of writing and style of writers. The things that are refered by referring expressions called referent in Pragmatics. In “Truyen Kieu” (Nguyen Du) and in Xuan Dieu’s poems, the referring expressions containing “trang”(moon) have many referents: the moon, somebody, time, space, lyric character, the Beauty as poetic inspiration, the God, etc. Both authors used referring expressions containing “trang” to refer elapsing time and infinite space in contrast to the litle human condition. This similarity maybe springs from the general conception of the moon as a cultural symbol in the world. In adition, there are some differences between the two authors: Xuan Dieu used some referring expressions containing “trang” to refer the Beauty as poetic inspiration and a lyric character whereas Nguyen Du refered to the God; Xuan Dieu used human’s beauty to describe the moon whereas Nguyen Du used referring expressions containing “trang” to refer women’s beauty, emotion and state of mind. This difference shows out original ways of creating in each styles of two auuthors in two periods of Vietnamese history of art.
[1] Các BTCV được chúng tôi đánh dấu bằng cách in đậm