Ngôn ngữ

Ngôn ngữ học xã hội: Những quan niệm và khuynh hướng


15-10-2020
Tác giả: Trần Thanh Ái

Ngôn ngữ học xã hội là một ngành khoa học ngôn ngữ ra đời vào đầu những năm 1960 ở các nước phương Tây. Về phương diện xã hội, nó bắt nguồn từ sự khủng hoảng kinh tế xã hội của các nước công nghiệp hóa. Về phương diện khoa học luận, nó ra đời từ sự bất lực của ngôn ngữ học truyền thống và ngôn ngữ học cấu trúc trong việc giải quyết các vấn đề ngôn ngữ do cuộc sống đặt ra. Bài viết này trình bày tóm tắt quá trình hình thành của ngôn ngữ học xã hội, những quan niệm khác nhau về đặc điểm và đối tượng nghiên cứu của nó, và những trào lưu chủ yếu của ngành học mới mẻ này. Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh trường phái của Đại học Rouen (Pháp), nơi đã đào tạo cho Việt Nam nhiều tiến sĩ về khoa học ngôn ngữ.

NGÔN NGỮ HỌC XÃ HỘI: NHỮNG QUAN NIỆM VÀ KHUYNH HƯỚNG

Trần Thanh Ái

Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ

1 GIỚI THIỆU

Từ lâu, người ta đã biết đến mối quan hệ giữa hoạt động ngôn ngữ và xã hội. Ngay từ đầu thế kỷ XX, một nhà nghiên cứu Pháp tên là Raoul de la Grasserie đã sử dụng cụm từ xã hội học ngôn ngữ (sociologie linguistique) trong một bài viết in năm 1906 (trước khi quyển Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của F. de Saussure ra đời). Sau đó là Hodson (1939), Nida (1949), Haugen (1951), Currie (1952), Weinreich (1953), Pickford (1956), Wallis (1956) đã dùng thuật ngữ sociolinguistics (ngôn ngữ học xã hội) để chỉ việc nghiên cứu ngôn ngữ gắn liền với môi trường văn hóa xã hội. Ở Pháp, vào năm 1956 Marcel Cohen cho ra đời tác phẩm Pour une sociologie du langage (Vì một ngành xã hội học về hoạt động ngôn ngữ, Nxb Albin Michel), mà sau đó, trong lời đề tựa cho lần tái bản (1971), ông đã xác nhận rằng vì thuật ngữ sociolinguistics đã được sử dụng rộng rãi trong tiếng Anh nên "thuật ngữ sociolinguistique có lý do chính đáng để tồn tại". Nhưng phải đợi đến những năm 60 của thế kỷ XX thì ngành ngôn ngữ học xã hội mới ra đời như là một ngành khoa học độc lập, nhờ những nỗ lực của các nhà nghiên cứu nhân loại học, ngôn ngữ học, tâm lý học như Dell Hymes, Ervin-Tripp, Ferguson, Fisher..., mà Hội nghị năm 1964 tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA) là một mốc thời gian quan trọng.

2 BỐI CẢNH RA ĐỜI CỦA NGÔN NGỮ HỌC XÃ HỘI

2.1 Bối cảnh kinh tế xã hội

Sự ra đời của ngôn ngữ học xã hội với tư cách là một ngành khoa học ở Hoa Kỳ gắn liền với những biến chuyển kinh tế xã hội. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, cường quốc hàng đầu trên thế giới này chợt nhận ra rằng nó phải đương đầu với nạn bần cùng. Tình trạng thâm thủng ngân sách triền miên, cộng với chiến tranh ở Việt Nam và những cơn khủng hoảng dầu hỏa đã làm tình hình thêm trầm trọng : lạm phát gia tăng, giá cả leo thang, thất nghiệp rình rập. Nạn nhân trước tiên là các cộng đồng ngôn ngữ thiểu số (dân da đen, người nhập cư đến từ các nước Trung Mỹ, dân da đỏ...). Người ta nhận ra rằng vấn đề hội nhập vào xã hội của các tầng lớp chịu nhiều thiệt thòi này gắn liền với vấn đề tiếp thu ngôn ngữ (tiếng Anh) và ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong việc phân hóa xã hội.

Ở Pháp, những khía cạnh khác nhau của một xã hội đang trong thời kỳ khủng hoảng là tiền đề cho việc hình thành một khuynh hướng nghiên cứu mới: thất nghiệp và nạn tái bần cùng phát triển, khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan đang lên, văn hóa công nhân suy thoái, bùng nổ các phương tiện hiện đại về thông tin và quản lý, thái độ bài ngoại và vấn đề hội nhập, thái độ hoài nghi về khả năng thay đổi sâu rộng cấu trúc xã hội của nhà nước. Các nhà xã hội học còn nêu ra những đặc điểm khác của xã hội Pháp. Một mặt, đó là một xã hội của đám đông (société de masse), bị chi phối mạnh mẽ bởi các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, nó hàm chứa nhiều dị biệt, dẫn đến sự phân hóa xã hội: sự bùng nổ các giai tầng xã hội, sự tự khẳng định của các tộc người thiểu số, sự xuất hiện ồ ạt của các hội đoàn... Tất cả những đặc điểm ấy đã được phản ánh trong các chủ đề mà ngành ngôn ngữ học xã hội Pháp quan tâm: ngôn ngữ và trường học, diễn ngôn chính trị, tha hóa ngôn ngữ, chính sách ngôn ngữ cho các dân tộc thiểu số... Tóm lại, mỗi quốc gia có những vấn đề riêng của mình trong giai đoạn khủng hoảng, và từ đó ra đời ngành ngôn ngữ học xã hội cho thời kỳ khủng hoảng của mình.

2.2 Bối cảnh khoa học

Trong bối cảnh ấy, song song với việc ban hành một chính sách xã hội nhằm giúp đỡ các dân tộc thiểu số, nhất là trẻ em, được đến trường, chính quyền liên bang Mỹ đã khuyến khích các nhà nghiên cứu chú ý đến hiện tượng xã hội này. Ba nhà nghiên cứu William Labov, Dell Hymes và John Gumperz đã xác định cho mình mục tiêu nghiên cứu là tìm ra giải pháp cho các vấn đề xã hội trực tiếp liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ. Labov đã dành nhiều tâm trí nghiên cứu nguyên nhân của sự thất bại ở trường học của trẻ em da đen. Hymes không chỉ quan tâm đến công cụ ngôn ngữ và các cộng đồng ngôn ngữ, mà còn chú ý đến cá nhân và cấu trúc xã hội. Gumperz đi sâu vào phân tích những đối thoại đời thường và qua đó tìm cách kết nối khía cạnh dụng ngữ học với các biến đổi xã hội.

Ở Pháp, sự quan tâm đến mối quan hệ giữa ngôn ngữ với đời sống xã hội đã có từ lâu. Chevalier ghi nhận như sau : "Từ rất lâu, và nhất là từ thế kỷ XIX, ngành ngôn ngữ học Pháp đã bị ám ảnh bởi vấn đề về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và những chuyển biến xã hội. Người ta không ngừng tìm hiểu vai trò của dân chúng, của các định chế xã hội, của tư tưởng trong việc hình thành các phương ngữ, trong việc thiết lập các chuẩn mực, cũng như trong uy lực của chúng" (dẫn lại từ Baylon, 1991: 16).

Trong giai đoạn hiện đại, Ch. Bailly và A. Meillet là hai nhà nghiên cứu đã đề cập nhiều đến hiện tượng những yếu tố xã hội chi phối các hiện tượng ngôn ngữ. Thế nhưng, nghịch lý thay, mối quan tâm này lại bị ngôn ngữ học cấu trúc (linguistique structurale) và ngữ pháp phái sinh (grammaire générative) lấn át. Phải đợi đến khi các công trình của các nhà nghiên cứu người Anh về hành động lời nói (speech acts) được công bố, thì mối quan tâm ấy mới được chú ý đúng mức: O. Ducrot giới thiệu các nghiên cứu về hành động lời nói; J.-B. Marcellesi và B. Gardin giúp công chúng làm quen với tư tưởng của W. Labov về một ngành ngôn ngữ học về sự đa dạng ngôn ngữ, mà ông gọi là ngôn ngữ học xã hội biến đổi (sociolinguistique variationniste).

2.2.1 Sự ra đời của khuynh hướng mới trong bối cảnh phân ngành khoa học

Từ nhiều thập kỷ gần đây, các ngành khoa học xã hội và nhân văn có những bước tiến triển mới, nhờ vào sự phát triển các mối quan hệ với nhiều ngành khoa học khác. Thật vậy, bên cạnh sự phân ngành được xem như là kết quả tất yếu của sự phát triển của khoa học, người ta lại thấy xuất hiện nhiều ngành mới được hình thành từ nhiều ngành khác nhau, dẫn đến tình trạng là ranh giới giữa các ngành khoa học không còn rõ ràng như trước nữa. Các khái niệm liên ngành (interdisciplinarité), đa ngành (pluridisciplinarité), liên thông (interpénétration) đã trở nên quen thuộc trong giới nghiên cứu.

C. Baylon nhận xét : "Thời đại ngày nay là thời đại của sự giao thoa giữa các ngành nghiên cứu gần gũi và thậm chí khác biệt : chúng ta có thể chứng kiến nhiều sự kết hợp mới để tạo ra những ngành nghiên cứu mới, như là nhân loại học chính trị (anthropologie politique), thực vật học chủng tộc (ethnobotanique), ngôn ngữ học xã hội (sociolinguistique)..." (1991: 9).

Ngôn ngữ học cũng bị chi phối bởi khuynh hướng nghiên cứu này. Chẳng hạn khi tìm hiểu một hoạt động giao tiếp, ngành ngôn ngữ học không thể chỉ nghiên cứu ngôn ngữ như là một hệ thống khép kín, mà phải cần đến những dữ liệu liên quan đến con người và xã hội để nắm bắt được ý nghĩa của thông điệp. Nó phải xem ngôn ngữ như là một cấu trúc vi mô nằm trong một cấu trúc vĩ mô mà hai thành tố cơ bản của nó là con người và xã hội. Vì thế ngôn ngữ học cần phải được hỗ trợ bởi các ngành khoa học khác như là tâm lý học và xã hội học: ngành ngôn ngữ học tâm lý (A: psycholinguistics; P: psycholinguistique) có đối tượng nghiên cứu là cá nhân trong giao tiếp bằng lời nói, ngành ngôn ngữ học thần kinh (A.: neurolinguistics; P.: neurolinguistique) nghiên cứu về các hiện tượng thần kinh trong cơ chế kiểm soát việc tiếp nhận lời nói, phát ngôn và thụ đắc ngôn ngữ, ngành ngôn ngữ học chủng tộc (A.: ethnolinguistics; P.: ethnolinguistique) nghiên cứu ngôn ngữ như là biểu hiện của một nền văn hóa của một tộc người, ngành ngôn ngữ học xã hội (A: sociolinguistics; P: sociolinguistique) nghiên cứu sự kiện giao tiếp bằng lời nói trong xã hội, nghĩa là nghiên cứu sự kiện giao tiếp thông qua xã hội, hoặc ngược lại. Nói cách khác, ngôn ngữ học xã hội nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và xã hội.

2.2.2 Ngôn ngữ học xã hội manh nha từ những hạn chế của ngôn ngữ học cấu trúc

 Các phê phán của Bakhtine (Volochinov)

Nhận xét về ngôn ngữ học đương thời, Bakhtine (Volochinov) trong tác phẩm Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ (xuất bản lần đầu ở Liên xô năm 1929, ở Anh năm 1973, ở Pháp năm 1977) nhận thấy rằng có hai khuynh hướng chính chi phối các công trình nghiên cứu, mà hai ông gọi là khuynh hướng chủ quan duy tâm (subjectivisme idéaliste) và khuynh hướng khách quan trừu tượng (objectivisme abstrait). Về các tên gọi này, các tác giả nhấn mạnh rằng thông thường, các tên gọi khó có thể bao quát hết nội dung và tính chất phức tạp của các khuynh hướng. Đặc biệt là tên gọi thứ nhất, hai ông nhận thấy nó rất không thích hợp, nhưng đành phải sử dụng vì không tìm ra tên gọi nào tốt hơn.

Khuynh hướng chủ quan duy tâm: khuynh hướng này quan tâm đến hành động lời nói, đến sản phẩm ngôn ngữ của cá nhân, và xem nó như là nền tảng của ngôn ngữ, và hoạt động tinh thần (psychisme) của mỗi cá nhân là nguồn gốc của ngôn ngữ. Vì thế, quy luật sáng tạo ngôn ngữ chính là quy luật hoạt động tinh thần của mỗi cá nhân. Nghiên cứu ngôn ngữ nhất thiết

phải nghiên cứu các quy luật hoạt động tinh thần này. Khuynh hướng này có thể được tóm tắt trong bốn luận điểm sau đây:

- Ngôn ngữ là một hoạt động, một quá trình sáng tạo liên tục, được vật chất hóa dưới hình thức hành động lời nói của các cá nhân.

- Các quy luật sáng tạo ngôn ngữ nhất thiết phải là các quy luật tâm lý cá nhân.

- Sự sáng tạo ngôn ngữ là một sự sáng tạo lý tính, tương tự như sự sáng tạo nghệ thuật.

- Ngôn ngữ, với tư cách là một sản phẩm hoàn chỉnh, một hệ thống ổn định (từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm), được quan niệm như là một kho tàng bất động, như dòng dung nham đã nguội, được các nhà ngôn ngữ học xây dựng một cách trừu tượng nhằm những mục đích cụ thể như là một công cụ.

Theo Bakhtine (Volochinov), đại biểu xuất sắc nhất của khuynh hướng này là Wilhelm Humboldt. Tư tưởng của ông vượt xa khuôn khổ của bốn luận điểm nêu trên và «cả nền ngôn ngữ học sau ông, kể cả đến ngày nay, đều chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng của ông. Ông được xem là nhà tiên phong của nhiều trào lưu ngôn ngữ khác biệt nhau, bởi vì tư tưởng của ông quá rộng, quá phức tạp, thậm chí quá mâu thuẫn» (Bakhtine-Volochinov, 1977: 75). Tuy nhiên, hạt nhân cơ bản của tư tưởng Humboldt vẫn là khuynh hướng chủ quan duy tâm.

Khuynh hướng khách quan trừu tượng: Khuynh hướng nghiên cứu này đặt trọng tâm vào hệ thống ngôn ngữ, bao gồm hệ thống ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng của ngôn ngữ. Nếu trong khuynh hướng thứ nhất, ngôn ngữ là một làn sóng bất tận của những hành động lời nói, ở đó, không có gì là ổn định, thì trong khuynh hướng thứ hai, ngôn ngữ là một chiếc cầu vồng bất động, chế ngự làn sóng ấy. Trong mỗi hành động lời nói, trong mỗi phát ngôn, người ta có thể tìm thấy những nhân tố giống với những nhân tố của các hành động phát ngôn khác trong cùng một cộng đồng ngôn ngữ. Những nhân tố giống nhau này – đó là những nét ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng – bảo đảm cho tính thống nhất của một ngôn ngữ và sự hiểu nhau của các thành viên trong cộng đồng.

Sự bế tắc của ngôn ngữ học cấu trúc

Trong ngôn ngữ học, thuật ngữ cấu trúc luận (structuralisme) được dùng để các trường phái nghiên cứu ngôn ngữ khác nhau, nhưng có cùng quan niệm và phương pháp nghiên cứu là dựa trên định nghĩa về cấu trúc trong ngôn ngữ học. Về quan niệm, các trường phái chức năng (fonctionnalisme), ngữ vị học (glossématique) hoặc trường phái phân bố (distributionnalisme) xây dựng ngôn ngữ học trên việc nghiên cứu các phát ngôn đã được thực hiện, và đề ra nhiệm vụ là soạn ra một lý thuyết cho văn bản được xem là khép kín, và sử dụng phương pháp phân tích hình thức (analyse formelle). Vì thế, trước tiên ngôn ngữ học cấu trúc đề ra nguyên lý nội tại (principe d’immanence), vì nhà ngôn ngữ giới hạn việc nghiên cứu trong phạm vi các phát ngôn đã được thực hiện (ngữ liệu phân tích: corpus) và tìm cách xác định cấu trúc của chúng, cũng như mối quan hệ nội tại giữa các thành tố cấu tạo nên chúng. Nghĩa là tất cả những gì liên quan đến tình huống phát ngôn (người phát ngôn, người đối thoại, bối cảnh phát ngôn...) đều bị gạt ra ngoài phạm vi nghiên cứu.

Trường phái cấu trúc luận Hoa Kỳ, mà tiêu biểu là L. Bloomfield, cho rằng không thể xác định được nghĩa và mối liên hệ giữa người phát ngôn với thế giới bên ngoài. Một đặc điểm khác không kém phần quan trọng là ngôn ngữ học cấu trúc phân biệt dưới nhiều dạng khác nhau một bên là mã ngôn ngữ (code linguistique) và một bên là sự sử dụng mã ấy (lời nói). Vì thế, nhà nghiên cứu dựa trên những cứ liệu phân tích để rút ra những gì ổn định, có tính quy luật và xây dựng nên hệ thống ngôn ngữ (système de la langue), không quan tâm đến những gì thuộc về lời nói.

Về mặt phương pháp luận nghiên cứu, các nhà cấu trúc luận nghiên cứu một phát ngôn như là một chuỗi bao gồm nhiều thứ bậc (rangs hiérarchisés) khác nhau, trong đó mỗi thành tố được quy định tương ứng với sự kết hợp của nó với thứ bậc trên nó. Chẳng hạn các âm vị (phonème) được xem xét trong sự kết hợp của chúng với thứ bậc trên nó là hình vị (morphème); các hình vị được xem xét trong sự kết hợp của chúng với thứ bậc trên nó là câu.

Phương pháp nghiên cứu của cấu trúc luận là quy nạp. Ngôn ngữ học cấu trúc thường được tóm lược bằng các đặc điểm sau đây:

- Đó là ngành ngôn ngữ nghiên cứu mã (linguistique du code). Tất cả các hoạt động ngôn ngữ đều được quy về cách nghiên cứu này;

- Trong nhãn quan ấy, đơn vị cao nhất của phép phân tích là câu;

- Cơ chế tạo nghĩa cũng đơn giản, bằng hai con đường chủ yếu: thứ nhất là cái biểu đạt, mà trong một tình huống nhất định, nó chuyển tải một cái được biểu đạt duy nhất; thứ hai là bằng một số cấu trúc cú pháp cho phép nhận ra những liên hệ ngữ nghĩa giữa những cái được biểu đạt;

- Sơ đồ giao tiếp của Jakobson được xem là mô hình tiêu biểu cho quá trình biến ngôn ngữ (langue) thành lời nói (parole) theo nghĩa của Saussure;

- Định đề nội tại (immanence) dẫn đến việc nghiên cứu ngôn ngữ bằng chính nó và vì chính nó (la langue en elle-même et pour ellemême), như thế đã loại bỏ hoàn toàn những yếu tố ngoại ngôn ngữ (extra-linguistique) trong quá trình nghiên cứu.

Để đối lập với năm đặc điểm nêu trên, Kerbrat-Orecchioni (1980) đã đưa ra những phê phán như sau:

 - Khái niệm mã ngôn ngữ (code linguistique) bị phê phán trên hai bình diện: Thứ nhất, dù cho là ngôn ngữ học Saussure hay Chomsky, thì khái niệm mã ngôn ngữ được giả định như là duy nhất và đồng nhất. Thế mà trong thực tế, ngôn ngữ không là gì khác hơn là một tập hợp những phương ngữ, xã hội ngữ và các thói quen ngôn ngữ của từng cá nhân, và ngôn ngữ học phải thấu đáo tất cả những dạng ngôn ngữ trên. Mặt khác, cần phải quan niệm sự đối lập giữa ngôn ngữ và lời nói (langue / parole) một cách biện chứng hơn, chứ không nên huyền bí hóa nó như F. de Saussure đã mô tả. Đã đến lúc phải nghiên cứu cơ chế của sự biến đổi từ ngôn ngữ thành lời nói, qua việc nghiên cứu các mô hình sản sinh ra lời nói cũng như mô hình diễn giải lời nói ở người nhận thông tin.

 - Đơn vị phân tích cao nhất của ngôn ngữ không thể dừng lại ở cấp độ câu được, vì trong thực tế giao tiếp bằng lời nói, người ta bắt gặp những trường hợp mà câu chỉ có thể hiểu được và hiểu đúng khi nó được đặt trong một tập hợp lớn hơn. Vả lại, một văn bản (hoặc diễn ngôn) không hề là một tập hợp ngẫu nhiên những câu, mà bị chi phối bởi những quy tắc kết hợp nhất định (chẳng hạn anaphore, các từ liên kết lôgic và thời gian...). Chính Z. Harris là một trong những người đầu tiên chủ trương nên mở rộng ngôn ngữ học mô tả ra khỏi biên giới của câu khi ông xây dựng lý thuyết về phân tích diễn ngôn.

 - Cơ chế tạo nghĩa phức tạp hơn nhiều so với quan niệm của lý thuyết ký hiệu: ngữ nghĩa có thể được tìm thấy ở mọi kiểu đơn vị ngôn ngữ: âm thanh hay chữ viết, cấu trúc nhịp điệu hay cấu trúc ngữ pháp, cái sở chỉ… Loại thể của các đơn vị ngữ nghĩa cũng vô cùng đa dạng: biểu vật hay hàm ẩn, tường minh hay tiềm ẩn; nghĩa đen hay phái sinh…

- Sơ đồ giao tiếp do Jakobson đề ra là sự mô phỏng sơ đồ tiếp nhận, xử lý thông tin và phản hồi của máy điện toán, vì thế đó là một sơ đồ giao tiếp đơn giản, một chiều, quá lý tưởng (luôn luôn rõ ràng, đơn nghĩa và do đó luôn luôn thành công), điều mà trong thực tế không thể nào có được. Hơn nữa, "nói" không phải lúc nào cũng là để trao đổi thông tin một cách bình đẳng, hài hòa với nhau giữa những chủ thể nói năng, mà còn là để "làm" một điều gì đó.

 - Ta không thể hiểu được một thông điệp mà không tính đến tình huống mà thông điệp ấy được sản sinh ra, và đến mục đích mà nó muốn đạt được. Những thí dụ về các từ chỉ trỏ (déictiques) có thể minh họa cho việc cần thiết phải kể đến các yếu tố ngoài ngôn ngữ trong khi nghiên cứu ngôn ngữ.

3 NGÔN NGỮ HỌC XÃ HỘI: NHỮNG QUAN NIỆM VÀ KHUYNH HƯỚNG

Sự khủng hoảng của ngôn ngữ học hình thức nói chung và ngôn ngữ học cấu trúc nói riêng đã phát sinh nhu cầu cần phải đổi mới trong ngành nghiên cứu ngôn ngữ, như nhận định của P. Kuentz: "Vấn đề đặt ra cho việc nghiên cứu ngôn ngữ hiện nay là phải xây dựng một ngành ngôn ngữ học mới. Nói như thế không có nghĩa là phải vượt lên trên ngôn ngữ học, mà là giúp ngôn ngữ học tự vượt lên trên chính mình, nghĩa là phải vừa mở rộng lĩnh vực nghiên cứu của nó, vừa duy trì yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt những thao tác ấy. Dấu hiệu của một sự biến đổi trong lĩnh vực này ngày càng rõ nét. Bây giờ chỉ còn việc là tạo ra những công cụ cho phép mở rộng quyền lực của ngôn ngữ học mà không làm mất đi tính chất nghiêm ngặt của tiến trình" (dẫn lại từ Kerbrat-Orecchioni, 1980: 5).

Nhu cầu đổi mới đó được hiện thực hóa bằng sự ra đời của ngôn ngữ học xã hội để giải quyết những vấn đề mà xã hội đặt ra cho ngành ngôn ngữ học. Đó là các vấn đề liên quan đến sự biến đổi bên trong một hệ thống ngôn ngữ, các hiện tượng xung đột ngôn ngữ, các vấn đề dạy và học ngôn ngữ...

"Ngôn ngữ học hình thức, sau khi đã giải quyết được nhiều sự kiện ngôn ngữ, đã tỏ ra bất lực, không thể kham nổi hiện tượng biến đổi ngôn ngữ, và đồng thời, nó cũng không giải đáp được những câu hỏi mà nó đã từ chối nêu ra nhưng cuộc sống lại đặt ra với nó, những câu hỏi về vị trí và vai trò của các hiện tượng ngôn ngữ trong xã hội: hai bất lực này (...) dẫn đến việc xem xét lại ngôn ngữ học hình thức và việc đăng quang của cái mà những người lạc quan gọi là một ngành học, còn những người bi quan thì gọi là một nhãn hiệu: đó là ngôn ngữ học xã hội" (Marcellesi, 1980: 4).

Điều đó không có nghĩa là ngôn ngữ học hình thức không còn vai trò của nó nữa. J.-B. Marcellesi đã không ít lần lưu ý rằng sự thành công của ngôn ngữ học xã hội không hề có nghĩa là ngôn ngữ học hình thức là vô ích, phù phiếm. Mỗi ngành nghiên cứu nhằm giải đáp một số vấn đề, nhưng trong số những vấn đề ấy, có những vấn đề cấp bách hơn những vấn đề khác. 3.1 Một số quan niệm khác nhau về ngôn ngữ học xã hội

Thuật ngữ sociolinguistique gồm hai yếu tố: socio- và linguistique và có thể được hiểu theo hai cách khác nhau: thứ nhất, socio- có thể được coi là tiền tố phái sinh của từ social (thuộc về xã hội), như trong các cụm từ socioculturel (văn hóa xã hội) hoặc socio-économique (kinh tế xã hội). Giải thích như thế chẳng khác nào cho rằng thuật ngữ sociolinguisque bao hàm một sự trùng lắp ý, bởi vì bản thân ngôn ngữ học đã mang bản chất xã hội. Cách giải thích thứ hai cho rằng socio- là từ viết tắt của sociologie (xã hội học). Như thế, sociolinguistique là ngành nghiên cứu những hiện tượng ngôn ngữ bằng cách sử dụng những công cụ nghiên cứu mà ngành xã hội học đã tạo ra. Thật ra, vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Fishman (1971) đã cố gắng đưa ra định nghĩa về thuật ngữ này bằng cách xác định nhiệm vụ nghiên cứu của nó:

"Ngôn ngữ học xã hội nhằm xác định ai nói? bằng ngôn ngữ nào? khi nào? về vấn đề gì? và nói với ai? Vì thế ngôn ngữ học xã hội nghiên cứu đặc điểm của những dạng thái khác nhau của ngôn ngữ, đặc điểm của chức năng của chúng và đặc điểm của người sử dụng chúng, vì cho rằng ba yếu tố này không ngừng tác động qua lại với nhau và biến đổi ngay trong cộng đồng ngôn ngữ." (Fishman, 1971: 68).

Theo Todorov (1972), ngôn ngữ học xã hội nghiên cứu mối quan hệ giữa hoạt động ngôn ngữ và xã hội hoặc nền văn hóa, hoặc tập tính của con người. Chính vì thế, tác giả này cho rằng đây không phải là một ngành khoa học duy nhất, mà là một tập hợp gồm nhiều ngành nghiên cứu khác nhau và tính chất đa dạng này thể hiện qua các tên gọi của nó: xã hội học về hoạt động ngôn ngữ (sociologie du langage), ngôn ngữ học xã hội (sociolinguistique), ngôn ngữ học chủng tộc (ethnolinguistique), nhân chủng học ngôn ngữ (anthropologie linguistique), ngôn ngữ học nhân chủng (linguistique anthropologique)...

Qua cách quan niệm mối quan hệ giữa ngôn ngữ và xã hội, người ta phân biệt hai phương pháp nghiên cứu của ngành ngôn ngữ học xã hội như sau:

 3.1.1 Quan niệm xem xã hội và hoạt động ngôn ngữ có mối quan hệ nhân quả

Khái quát về quan niệm này, Ducrot diễn đạt mối quan hệ giữa xã hội và hoạt động ngôn ngữ trong sự quan tâm của ngôn ngữ học xã hội như:

"Người ta nêu ra sự tồn tại của hai thực thể riêng biệt: hoạt động ngôn ngữ và xã hội (hoặc văn hóa...), ta nghiên cứu thực thể này qua sự tồn tại của thực thể kia. Ta xem cái này như là nguyên nhân, cái kia như là kết quả và ta nghiên cứu kết quả nhằm tìm hiểu nguyên nhân, hoặc ngược lại, tùy theo việc thực thể nào sẵn sàng cho sự phân tích chặt chẽ. Nhưng thường thường, xã hội là mục đích của nghiên cứu, và hoạt động ngôn ngữ là trung gian để đạt đến mục đích nghiên cứu" (Ducrot & Todorov, 1972: 84).

Trong quan niệm này, có hai khuynh hướng ngôn ngữ học xã hội trái ngược nhau:

Quan niệm xem xã hội là nhân tố quy định ngôn ngữ

Theo quan điểm truyền thống, xã hội quy định mọi hoạt động ngôn ngữ. Vì thế, việc nghiên cứu các biến thể ngôn ngữ (variantes linguistiques) sẽ cho phép xác định các biến thể xã hội học (variantes sociologiques) đã tạo ra chúng. Chẳng hạn trong tiếng Việt, ta có nhiều từ khác nhau để xưng hô trong khi trò chuyện: ông, bác, chú, anh, cậu, cháu, em... để gọi người đối thoại là nam giới, bà, bác, cô, chị, em, cháu... để gọi người đối thoại là nữ giới. Phân tích những trường hợp sử dụng các từ xưng hô ấy cho phép nhà nghiên cứu rút ra được những kết luận về mối quan hệ giữa những người tham gia trò chuyện, đồng thời đưa ra những phác họa về cấu trúc xã hội mà các chủ thể nói năng đang sống: các dạng xưng hô phong phú trong tiếng Việt thể hiện một cấu trúc xã hội chặt chẽ, có nhiều tầng lớp (hiérarchisé) (xem Nguyễn Phú Phong, 1995). Roger Brown (Hoa Kỳ) là người đầu tiên nghiên cứu về lĩnh vực này và KerbratOrecchioni (1990, 1992, 1994) ở Pháp đã phác họa nên bức tranh khá toàn diện về những nghi thức lời nói của nhiều dân tộc trên thế giới để cho thấy sự khác biệt trong cách sử dụng ngôn ngữ phản ánh sự khác biệt về cấu trúc xã hội.

W. Labov xuất phát từ quan niệm "hoạt động ngôn ngữ là biểu hiện nhạy cảm của các quá trình xã hội", đã tiến hành nghiên cứu những biến thể âm vị (variantes phonologiques) trong phương ngữ của dân cư ở New York, từ đó tìm ra mối liên hệ của hoạt động ngôn ngữ với sự khác biệt xã hội (nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thu nhập,...). "Phương hướng nghiên cứu này mang đậm nét xã hội học và ta có thể gọi nó là ngôn ngữ học xã hội (sociolinguistique)" (Todorov, 1972: 85). Quan điểm này được thể hiện rõ trong các công trình nghiên cứu về lịch sử từ vựng, theo đó, từ ngữ được quy định bởi những khám phá khoa học, kỹ thuật và những biến đổi xã hội.

Quan niệm xem ngôn ngữ là nhân tố quy định xã hội

Một khuynh hướng nghiên cứu khác xuất phát từ quan điểm ngược lại, theo đó hoạt động ngôn ngữ không phải là sự phản ánh của các cấu trúc văn hóa, xã hội hoặc tâm lý, mà là nguyên nhân của chúng. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu theo khuynh hướng này cho rằng chính hoạt động ngôn ngữ quy định xã hội, thậm chí, như R. Barthes đã nói, "ngôn ngữ là phát xít, vì nó buộc người ta phải nói; ngôn ngữ là nơi ẩn chứa quyền lực của con người..., nói chính là chế ngự" (1978: 12). Chính vì thế, để tìm hiểu văn hóa, xã hội của một cộng đồng dân cư, người ta có thể nghiên cứu các hoạt động ngôn ngữ. Người ta gọi đó là ngôn ngữ học chủng tộc (ethnolinguistique). Đại diện cho khuynh hướng này là W. von Humboldt. Ông cho rằng hoạt động ngôn ngữ tổ chức (organiser) và quy định thế giới quanh ta. Quan điểm của Humboldt đã làm nền tảng cho nhiều khuynh hướng nghiên cứu khác:

a) Phái "Humboldt mới" ở Đức (Weisgerber, Trier, Porzig,...): Theo họ, hoạt động ngôn ngữ gắn liền với một thế giới quan, vì mỗi dân tộc có một ngôn ngữ, nên nghiên cứu một ngôn ngữ có thể biết được tinh thần cũng như tính cách của dân tộc đó. Việc nghiên cứu này dựa trên phân tích các trường ngữ nghĩa (champs sémantiques) trong thế giới tự nhiên cũng như trong đời sống vật chất hoặc tinh thần, vì các trường ngữ nghĩa ấy được cơ cấu khác nhau giữa ngôn ngữ này với ngôn ngữ khác: khái niệm "đất nước" trong cụm từ Việt Nam, đất nước và con người chẳng hạn, được thể hiện bằng cách kết hợp "đất" và "nước", nhưng trong tiếng Pháp (hoặc tiếng Anh chẳng hạn), cách thể hiện khái niệm này hoàn toàn khác (P.: pays, A.: country).

b) Phái "Sapir-Whorf" ở Hoa Kỳ: khuynh hướng này rất thịnh hành trong những năm 30 và 40. Dựa trên những kết quả nghiên cứu của Sapir, Benjamin Lee Whorf muốn chứng minh rằng các phạm trù cơ bản nhất của tư tưởng như là thời gian, không gian, chủ thể, khách thể,... không giống nhau giữa các ngôn ngữ không cùng ngữ hệ, chẳng hạn như giữa tiếng Anh và tiếng Hopi của các bộ lạc da đỏ. Khác với phái Humboldt mới, Whorf quan tâm đến các phạm trù ngữ pháp hơn là những cấu trúc từ vựng.

c) Khuynh hướng thứ ba của các nhà chủng tộc học (ethnologues) Hoa Kỳ, nhằm mô tả các "danh mục từ ngữ" của tiếng nói dân bản địa, như từ chỉ quan hệ họ hàng, màu sắc, cây cỏ và muông thú, bệnh tật và nghề nghiệp,... (công việc mà ngày nay người ta gọi là ethnoscience (tạm dịch là khoa học chủng tộc, khác với khoa chủng tộc học - ethnologie). Các công trình này cũng gần giống với công trình của Trier, nhưng chúng không nhằm tìm hiểu "tinh thần dân tộc" đã được giả định.

Quan niệm xem ngôn ngữ và xã hội có sự đồng biến

Khuynh hướng thứ ba, cho rằng có một sự đồng biến (covariance) giữa các hiện tượng xã hội và ngôn ngữ. Tuy nhiên, khuynh hướng này lại phân hóa theo hai quan điểm trái ngược nhau:

a) Quan điểm thực chứng luận mặc dù nhìn nhận hiện tượng đồng biến, nhưng từ chối khái quát thành tính nhân quả của hiện tượng này.

b) Quan điểm biện chứng cho rằng có sự tồn tại của mối quan hệ nhân quả tương hỗ giữa các hiện tượng xã hội và hiện tượng ngôn ngữ. Mối quan hệ này thể hiện bởi vô vàn những tương tác phức tạp, trong đó, một hiện tượng của lĩnh vực này là hậu quả của nhiều nguyên nhân từ lĩnh vực kia và ngược lại. Những nhà nghiên cứu theo quan điểm này cho rằng sự đồng biến hàm chứa nguyên lý nhân quả, theo đó, chính nhu cầu quan hệ xã hội đã sản sinh ra ngôn ngữ. Vì thế, việc mô tả tính chất đa dạng ngôn ngữ chính là lịch sử các mối quan hệ xã hội. Đến đây, chúng ta nhận thấy rằng khái niệm đồng biến bắt nguồn từ khái niệm sự tương ứng tổng quát (correspondance générale) mà J. Dubois đã chứng minh trong công trình xuất bản năm 1962: Le vocabulaire politique et social en France de 1869 à 1872 (Từ vựng chính trị và xã hội ở Pháp từ năm 1869 đến 1872). Nổi bật nhất về quan điểm này là trường phái Rouen, mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau.

3.1.2 Quan niệm xem hoạt động ngôn ngữ như là một hoạt động xã hội, một loại tập tính

Khuynh hướng nghiên cứu này không nhằm đối lập xã hội với hoạt động ngôn ngữ, mà tạo ra đối tượng nghiên cứu mới là hoạt động ngôn ngữ với tư cách là một hoạt động xã hội. Các nhà nghiên cứu theo khuynh hướng này cho rằng mối quan hệ giữa xã hội và hoạt động ngôn ngữ không phải là mối quan hệ nhân quả, mà là quan hệ họ hàng, vì chúng cùng chịu sự chi phối bởi một nhân tố sâu kín hơn, mà theo D. Hymes, đó là văn hóa. Người ta gọi khuynh hướng này là nhân chủng học ngôn ngữ (anthropologie linguistique). Thật ra ý tưởng hoạt động ngôn ngữ có thể được xem như một phương thức hành động (mode actionnel) không phải là mới mẻ. Nhưng phải đợi đến các công trình nghiên cứu của Bronislav Malinowski thì ý tưởng ấy mới được nâng lên thành một khuynh hướng khoa học. Ông phân biệt các phát ngôn (énoncé) theo chức năng của chúng: những phát ngôn thông dụng trong các ngôn ngữ hiện đại chủ yếu nhằm diễn đạt tư tưởng, những phát ngôn thông dụng trong các ngôn ngữ "sơ khai" dùng để thực hiện một hành động nào đó. Malinowski xem các phát ngôn không có giá trị về mặt thông tin, mà chỉ có chức năng thiết lập quan hệ liên cá nhân (các phát ngôn về thời tiết, các câu chào hỏi thể hiện phép lịch sự, các câu hỏi thăm sức khỏe...) như là những minh họa cho phương thức hành động của hoạt động ngôn ngữ.  

Ý tưởng của Malinowski được nhà nghiên cứu người Anh J.R. Firth và các học trò của ông tiếp tục, nhưng ông cho rằng mọi phát ngôn đều có chức năng hành động. Chính sự nhìn nhận này đã khiến ông khẳng định tầm quan trọng của bối cảnh tình huống (contexte de situation) và gợi ý hai cấp độ nghiên cứu: cấp độ tình huống (xưng hô, chào hỏi, thiết lập quan hệ...) và cấp độ chức năng (đồng ý, khuyến khích, lên án, chịu trách nhiệm, hoặc mong muốn, nguyền rủa, thách thức, tự hào…). Nhưng Firth cũng chỉ dừng lại ở việc lập nên các danh sách trên.

Gần như cùng thời gian ấy, Hội Ngôn ngữ học Praha cũng đã tiến hành những công việc nghiên cứu tương tự nhưng hoàn toàn độc lập với các nhà nghiên cứu người Anh. Cách tiếp cận của Hội là chức năng của ngôn ngữ, nên các thành viên của Hội không những quan tâm đến các chức năng cơ bản của hoạt động ngôn ngữ theo tinh thần của Buhler (gồm các chức năng chủ yếu như chức năng thể hiện nhằm vào nội dung quy chiếu, chức năng biểu cảm cho biết mối quan hệ giữa người phát ngôn với cái mà anh ta nói đến, và chức năng mời gọi hướng về người đối thoại), mà còn đến nhiều chức năng khác mà một phát ngôn có thể đảm nhận.

Ở Pháp, các nhà chủng tộc học như Durkheim, Mauss, Granet luôn nhạy cảm với các vấn đề về ngôn ngữ. Các nhà ngôn ngữ như Saussure, Meillet, Vendryes luôn tìm cách gắn lý thuyết ngôn ngữ của họ với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, phải đợi đến công trình của Marcel Cohen Vì một ngành xã hội học về hoạt động ngôn ngữ (1956) ta mới có một cái nhìn hệ thống về lĩnh vực này. Thay vì gọi chức năng (fonction), Cohen nói đến sức mạnh của ngôn ngữ (puissances du langage), và tập hợp chúng như sau:

- Lời nói và sức mạnh siêu nhiên (các lễ hội tế thần, ma thuật, lời tiên tri, tên người, tên nơi chốn...);

- Các câu nói thông dụng trong các mối quan hệ giữa người với nhau (gặp gỡ và chia tay; yêu cầu và cám ơn; chúc tụng, khen ngợi, mong ước, phàn nàn, chia buồn, đề tặng; hứa hẹn, thề nguyền; thù địch và hòa bình...);

- Thuyết phục và chỉ dẫn;

- Giải trí (văn học; sân khấu; phát thanh và truyền hình; chơi chữ...). Một đóng góp quan trọng của ngành nhân chủng học ngôn ngữ đến từ các triết gia Anh, là những chuyên gia về ngôn ngữ đời thường (langage ordinaire). Wittgenstein và nhất là Austin, đã tìm cách mô tả các trường hợp sử dụng khác nhau của ngôn ngữ, đã xây dựng nên khái niệm lực ngôn trung (force illocutoire). Lực ngôn trung tồn tại trong mọi phát ngôn, nó gắn liền với ngữ nghĩa nhưng không đồng nhất với ngữ nghĩa. Austin đã khảo sát tất cả các động từ trong tiếng Anh dùng để chỉ một hành động được thực hiện bằng lời nói.

 3.2 Các trường phái chủ yếu của ngôn ngữ học xã hội

Ngôn ngữ học xã hội phát triển theo ba trường phái chính.

Ngôn ngữ học xã hội biến đổi (sociolinguistique variationniste)

Người xây dựng nền móng cho khuynh hướng nghiên cứu này là William Labov. Ông nghiên cứu ngôn ngữ dưới góc độ những dị biệt ngôn ngữ và như thế đối lập với Noam Chomsky, người chọn mục tiêu nghiên cứu là năng lực ngôn ngữ của một người nói/nghe lý tưởng thuộc một cộng đồng ngôn ngữ đồng nhất, dựa trên việc xét đoán về tính ngữ pháp. Ngôn ngữ học xã hội biến đổi quan tâm đến ngôn ngữ được sử dụng thật sự trong một cộng đồng ngôn ngữ, nó quan tâm đến tất cả những gì biến đổi trong một ngôn ngữ, để nghiên cứu cấu trúc xã hội của hiện tượng biến đổi ấy. Vì thế, nó không thể chọn tính chất đồng nhất ngôn ngữ làm định đề.

Ba chủ đề xuyên suốt và gắn bó mật thiết với nhau trong các công trình nghiên cứu của W. Labov là sự thay đổi, biến thể và cộng đồng ngôn ngữ. Ba chủ đề này hình thành nên ba trục nghiên cứu không thể tách rời nhau:

- Phân tích các thay đổi ngôn ngữ đang diễn ra;

- Nghiên cứu các dữ liệu của các hoạt động ngôn ngữ tự phát;

- Quan sát các cách sử dụng ngôn ngữ trong các mạng lưới xã hội.

Sự thay đổi ngôn ngữ

Xuất phát từ luận điểm của A. Meillet và nhất là của U. Weinreich, theo đó mọi ngôn ngữ đều đang trong quá trình thay đổi và nhà nghiên cứu chỉ có thể nắm bắt được sự thay đổi đó bằng cách gắn nó với sự thay đổi xã hội với những biến đổi trong đời sống mà những biến thể ngôn ngữ chỉ là những hậu quả mà thôi, Labov cho rằng cần phải từ bỏ quan niệm ngôn ngữ là đồng nhất, cái cách chỉ tiến hành nghiên cứu trên cấu trúc ngôn ngữ, phải thiết lập các mối quan hệ giữa sức ép bên trong cấu trúc ngôn ngữ và sức ép bên ngoài từ xã hội. Có như thế mới có hy vọng hiểu được và giải thích được các sự thay đổi đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong mọi ngôn ngữ.

Một công trình nghiên cứu thực địa của W. Labov có thể được coi là tiêu biểu cho phương pháp tiếp cận này, đó là công trình mang tên Các động cơ xã hội của sự thay đổi ngữ âm, được tiến hành trong hai năm 1961-1962 trên hòn đảo Martha’s Vineyard. Mục tiêu của công trình này là nhằm thiết lập nên lịch sử xã hội của một sự thay đổi đang diễn ra, qua cuộc sống của cộng đồng đó. Công trình không chỉ gạt bỏ mọi nguyên nhân nội tại xuất phát từ cấu trúc ngôn ngữ, mà còn tìm lời giải đáp cho ba câu hỏi luôn xuất hiện trong mọi thay đổi ngôn ngữ:

 - Hiện tượng biến thể ngôn ngữ xuất phát từ đâu?

- Nó lan tỏa như thế nào?

- Nó có cái gì là ổn định?

Các công trình nghiên cứu phương ngữ trước đó đều nhận thấy rằng một số nét ngữ âm đặc biệt của người dân đảo này đang phát triển: trong khi người dân trên đất liền phát âm các nguyên âm đôi /ay/ và /aw/ là (ai) và (au), thì người dân ở đảo phát âm là (ei) và (eu). Các biến ngôn ngữ mà Labov chọn hội đủ các điều kiện sau đây: chúng được thể hiện bằng những biến thể khác nhau, chúng có tần số xuất hiện cao, chúng thoát khỏi sự kiểm soát có ý thức của người phát ngôn, chúng thuộc về một cấu trúc rộng hơn bao gồm nhiều đơn vị chức năng, và cuối cùng, chúng có thể định lượng được. Labov đã loại bỏ phương pháp nghiên cứu lịch đại truyền thống, để nghiên cứu sự thay đổi từ những dữ liệu điều tra đồng đại. Đó cũng chính là giả thuyết cơ bản của Labov: sự biến thể quan sát được trong đồng đại thật ra là sự thay đổi ngôn ngữ; nhà nghiên cứu quan sát sự phân bố của một nét ngôn ngữ qua sự khác biệt về tập tính giữa những người phát ngôn.

Ngôn ngữ học xã hội biến đổi mô tả tất cả những dạng biến đổi được ghi nhận không thuộc cá nhân. Nó phân biệt sự biến đổi xã hội thể hiện qua sự phân tầng mang tính chất xã hội của một biến ngôn ngữ, sự biến đổi phong cách học, xuất hiện trong cùng một diễn ngôn của một người nói. Ngoài ra, còn một dạng biến đổi nữa, không thuộc sự biến đổi xã hội cũng như sự biến đổi phong cách học, đó là sự biến đổi cố hữu, nó xuất hiện trong cùng một phong cách của cùng một người nói, phát sinh từ tính chất dị biệt nội tại trong một hệ thống ngôn ngữ.

Biến đổi ngôn ngữ học xã hội (variation sociolinguistique)

Đây là chủ đề xuyên suốt mà W. Labov đã đề cập đến trong các công trình nghiên cứu của ông, đặc biệt là trong tác phẩm Ngôn ngữ học xã hội (bản tiếng Anh năm 1972; tiếng Pháp năm 1976) và Ngôn ngữ đời thường (bản tiếng Anh năm 1972, tiếng Pháp năm 1978). Trước hết, Labov muốn xét lại những định đề về sự đồng nhất và sự độc lập của các hệ thống ngôn ngữ đối với các mối quan hệ xã hội, cũng như thái độ biệt lập của các nhà ngôn ngữ học mà ông gọi là bàn giấy, những người chỉ dựa vào một vài nhân chứng hoặc vào trực giác của chính họ mà sản sinh ra những dữ liệu ngôn ngữ và lý thuyết ngôn ngữ cách ly bối cảnh xã hội. Theo ông, không thể nào hình dung nổi "một lý thuyết hay một hoạt động ngôn ngữ phong phú nào mà lại không mang tính chất xã hội" (1976: 37).

Đơn vị phân tích của ngôn ngữ học xã hội là biến ngôn ngữ học xã hội (variable sociolinguistique), tức là một thành phần ngôn ngữ đồng biến với các biến ngoại ngôn ngữ (variable extra-linguistique) như là giai cấp xã hội, giới tính, tuổi tác, cấp độ ngôn ngữ (niveau de langue)... Để xác định một biến ngôn ngữ, người ta khảo sát toàn bộ những dị bản bao gồm những cách nói khác nhau để diễn tả cùng một việc. Sau đó, người ta phân tích những điều kiện ngoại ngôn ngữ quy định việc phát ngôn của các dị bản ấy và tiến hành nghiên cứu việc phân bố xã hội và phong cách của các dị bản. Người ta cũng nghiên cứu những nhân tố ngôn ngữ có ảnh hưởng đến việc quyết định chọn dị bản này hay dị bản khác. Tóm lại, ngôn ngữ học xã hội không chỉ nghiên cứu các hiện tượng ngoại ngôn ngữ, nó xem ngôn ngữ như là một hệ thống biến đổi nội tại và nó nghiên cứu các biến đổi ngôn ngữ không phải vì mục đích tự thân, mà để góp phần vào việc nghiên cứu các cấu trúc ngôn ngữ cũng như hiện tượng thay đổi của ngôn ngữ.

Ngôn ngữ học xã hội tiến hành việc phân tích bằng cách dựa vào các dữ liệu có thật được thu thập một cách có hệ thống. Phương pháp tiến hành là điều tra xã hội học về địa bàn về cách chọn mẫu phân tích, cho đến việc nghiên cứu định lượng và định tính các dữ liệu. Việc điều tra bằng cách đàm đạo thường được bổ sung bằng việc nghiên cứu cộng đồng ngôn ngữ theo quan điểm chủng tộc học.

3.2.1 Chủng tộc học giao tiếp (ethnographie de la communication)

Chủng tộc học giao tiếp là một lĩnh vực nghiên cứu ra đời từ ngành nhân loại học xã hội (anthropologie sociale), có điểm xuất phát là nghiên cứu so sánh các hiện tượng lời nói của từng xã hội và từng nền văn hóa, là công cụ khám phá và nhận thức các thành tố của một nền văn hóa, chủng tộc học giao tiếp tiêu biểu cho một số lý thuyết nhân loại học và văn hóa xã hội. Các công trình của các nhà nhân loại học như: Sapir, Whorf, Hymes, Gumperz và Hall là những cơ sở lý thuyết cần thiết cho việc nghiên cứu các hành vi giao tiếp trong cộng đồng.

Đối tượng nghiên cứu của chủng tộc học giao tiếp là năng lực giao tiếp (compétence communicative) tập hợp những qui định xã hội cho phép một thành viên trong một cộng đồng sử dụng năng lực ngữ pháp của mình một cách thích hợp. Chủng tộc học giao tiếp cho thấy tính chất đa dạng của các hoạt động lời nói và nhiều chức năng xã hội của lời nói, cũng như là những quy phạm xã hội và văn hóa chi phối chúng. Chủng tộc học giao tiếp quan tâm trước tiên đến những hoạt động thực tế thuộc về dạng thức xã hội. Nó nghiên cứu hành vi liên nhân của các thành viên trong cùng cộng đồng hoặc thuộc các cộng đồng khác nhau. Nó lấy sự tương tác (interaction) hay cuộc gặp gỡ làm đơn vị nghiên cứu nhỏ nhất. Chủng tộc học giao tiếp đề ra các phương pháp quan sát các hoạt động hàng ngày để khám phá cơ cấu tổ chức của các ứng xử xã hội dù là nhỏ nhất.

 Chủng tộc học giao tiếp là một ngành học đặc biệt quan trọng cho việc đào tạo giáo viên ngoại ngữ, vì các chuẩn mực tương tác và giao tiếp, việc sử dụng thời gian và không gian, cũng như "lãnh địa" của mỗi cá nhân. Qua ngành học này, người học ngoại ngữ có được cái nhìn khám phá về các hành vi ngôn ngữ, văn hóa xã hội của một dân tộc. Trong chiều hướng đó, những bài học về quy tắc ứng xử cũng quan trọng như bài học về ngữ pháp, cả hai luôn hòa quyện vào nhau trong suốt quá trình tương tác.

Chủng tộc học giao tiếp có một "giá trị thực hành to lớn" đối với việc dạy và học ngoại ngữ và việc nghiên cứu giao tiếp liên văn hóa. Các kỹ năng giao tiếp bao gồm nhiều thông tin mà người học cần phải có để giao tiếp có hiệu quả trong những tình huống sử dụng ngôn ngữ khác nhau. Các hoạt động trong lớp học có nhiều khiếm khuyết do các ràng buộc nghiêm ngặt của các khuôn khổ văn hóa – xã hội : chọn cách xưng hô, cách gọi tên người nói chuyện, các bài tập ngữ pháp phi thực tế, các bài tập viết không chút liên quan đến cuộc sống của người học, các trò chơi nhập vai không có ngữ cảnh phù hợp, các bài khóa được chọn lựa để giới thiệu hình ảnh đất nước con người... Khác với cách làm của các nhà ngôn ngữ học là tưởng tượng ra các câu để phân tích, các nhà nghiên cứu chủng tộc học giao tiếp chỉ sử dụng ngữ liệu có thật gắn liền với ngữ cảnh và tình huống. Theo Hymes, ngôn ngữ chỉ là một thành tố trong giao tiếp mà thôi, bên cạnh các thành tố cận ngôn ngữ (paraverbal) và phi ngôn ngữ (non verbal). Bằng cách đó, chủng tộc học giao tiếp không chỉ nghiên cứu các hiện tượng ngôn ngữ, mà còn nghiên cứu các chuẩn mực và thói quen văn hóa xã hội trong các tình huống giao tiếp có thật. Sau này, các nhà nghiên cứu khác như G. Bateson, P. Watzlawick, Don D. Jackson đã phát triển sâu rộng hơn nữa lý thuyết về chủng tộc học giao tiếp.

3.2.2 Ngôn ngữ học xã hội tương tác

 Ngôn ngữ học xã hội tương tác (sociolinguistique interactionnelle) còn được gọi là ngôn ngữ học xã hội diễn giải (sociolinguistique interprétative) là sự tiếp nối của chủng tộc học giao tiếp. Ngành nghiên cứu này đưa các yếu tố ngữ dụng và tương tác lời nói vào việc phân tích các hiện tượng biến đổi xã hội. Trong một cuộc hội thoại, sự biến đổi ngôn ngữ không chỉ là một biểu hiện của hành vi xã hội, mà còn là một nguồn giao tiếp đối với những người tham dự, nó góp phần vào việc lý giải những gì được sản sinh ra trong hội thoại.

 Các công trình của Gumperz đã cho thấy rõ các chức năng giao tiếp tính chất biến đổi của ngôn ngữ. Ông đã chỉ ra rằng các biến ngôn ngữ học xã hội không hiện diện một cách đơn độc trong diễn ngôn, những biến xuất hiện trước sẽ khống chế sự xuất hiện của các biến tiếp theo. Các tập hợp biến này gắn liền với việc theo đuổi mục tiêu giao tiếp đặc biệt và chúng hoạt động như là những tín hiệu hướng dẫn việc diễn giải các phát ngôn. Gumperz tập trung chủ yếu vào hai khía cạnh tương tác : đó là chiến lược tương tác và bản sắc xã hội của người tham gia tương tác. Theo ông, nhà nghiên cứu không chỉ quan tâm đến cách nói, mà còn phải quan tâm đến cách hiểu của người tham gia giao tiếp, vì đó chính là nguồn gốc của những hiểu lầm, dẫn đến những đánh giá về người phát ngôn, nguồn gốc xã hội của người đó. Vấn đề là không chỉ phát họa những giao tiếp khó khăn giữa các cá nhân không cùng cộng đồng, mà là phải nghiên cứu nó như là mọi giao tiếp khác. Theo ông, ngay cả những chi tiết hình thức bên ngoài của giao tiếp cũng có ý nghĩa trong giao tiếp: "Các đặc điểm bề ngoài của thông điệp là công cụ để người nói báo hiệu và người nghe diễn giải bản chất của giao tiếp đang diễn ra, cách thức mà nội dung ngữ nghĩa được hiểu và cách thức mà mỗi lời nói liên quan với lời nói trước và lời nói sau" (Gumperz, 1989: 28).

Ngôn ngữ học xã hội tương tác thiên về mô tả ý nghĩa ngữ dụng của các biến, bằng cách phân tích phương thức mà chúng góp phần vào việc diễn giải các phát ngôn trong một cuộc hội thoại. Ngôn ngữ học tương tác còn nghiên cứu các quá trình của các phát ngôn bám vào tình huống, nghĩa là nghiên cứu việc tình huống hóa các phát ngôn bằng cách mô tả cách thức các thành phần tham gia hội thoại sử dụng để thể hiện tình huống xã hội trong hoạt động ngôn ngữ, nhờ các công cụ lời nói hoặc phi lời nói.

 3.2.3 Ngôn ngữ học xã hội theo trường phái Rouen

 Trường Đại học Rouen được xem là cái nôi của ngôn ngữ học xã hội Pháp, đặc biệt là ngôn ngữ học xã hội vi mô (micro-sociolinguistique) mà đứng đầu là các giáo sư – học giả uyên bác như J.-B. Marcellesi, B. Gardin, hai tác giả tiên phong của ngành ngôn ngữ học xã hội ở Pháp, nổi tiếng với quan điểm duy vật biện chứng về hoạt động ngôn ngữ trong tình huống có thật (langage en situation), đặc biệt là hoạt động ngôn ngữ trong lao động (langage au travail). Theo các nhà nghiên cứu thuộc trường phái này, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và xã hội là mối quan hệ biện chứng: sự thay đổi của yếu tố này dẫn đến sự thay đổi yếu tố kia và ngược lại, yếu tố kia cũng góp phần làm thay đổi yếu tố này, hoàn toàn khác với các quan niệm cực đoan của các khuynh hướng ngôn ngữ học trước đó

Những vấn đề thu hút sự quan tâm của chúng tôi xoay quanh mối tương quan giữa những hiện tượng ngôn ngữ và hiện tượng xã hội phi ngôn ngữ. Việc một cá nhân thuộc một thành phần xã hội nào đó có ảnh hưởng đến cách ứng xử ngôn ngữ của cá nhân đó không? Đến mức độ nào? Chúng tôi cho rằng các mối tương tác giữa hai loại hiện tượng nói trên thì đa chiều và phức tạp, rằng mối quan hệ đơn tính là cá biệt và tính đa phương giữa nguyên nhân và hậu quả là quy luật. Điều đó khiến chúng tôi định nghĩa sự đồng biến một cách biện chứng" (Marcellesi, 1998: 42).

Ngoài ra, khuynh hướng này cũng còn được biết đến bởi quan niệm ngôn ngữ học xã hội không xem ngôn ngữ như là một hệ thống đồng nhất, nguyên khối, như ngôn ngữ học, mà là một tập hợp luôn luôn biến đổi, nên rất đa dạng. Sự khác biệt này tất yếu dẫn đến sự thay đổi chẳng những trong cách quan niệm và xác định đối tượng nghiên cứu mà còn trong phương pháp luận nghiên cứu. Nói cách khác, ngôn ngữ học xã hội không chỉ là một ngành khoa học, nó còn là một phương pháp luận khoa học, như B. Gardin đã viết như sau:

 "Người ta có thể nói rằng ngôn ngữ học xã hội đã được xác lập và phổ biến rộng rãi; bây giờ nó thuộc về một hệ vấn đề đã được nhìn nhận. Từ nay, người ta không còn có thể coi nó như là một môn học, mà là một hệ phương pháp luận có khả năng nghiên cứu từng trường hợp (études de cas, case study). Ngày nay, người ta quan tâm nhiều hơn đến thực tế ngôn ngữ học xã hội vi mô (micro-sociolinguistique), đến các chi tiết của tiến trình xã hội quyết định ngôn ngữ và ngược lại" (dẫn lại từ Marcellesi, 1998: 49).

Nguồn gốc lý thuyết của trường phái ngôn ngữ học xã hội Rouen

Trào lưu tư tưởng Xô-viết

Tác phẩm lý luận quan trọng ảnh hưởng đến quan điểm của Marcellesi và Gardin, hai trụ cột của trường phái ngôn ngữ học xã hội Rouen là Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ, của Volochinov và Bakhtine, xuất bản năm 1930, nhưng mãi đến năm 1973 mới đến được tay độc giả phương Tây qua bản dịch bằng tiếng Anh (Nhà xuất bản Seminar Press Inc., Berkeley Square House, Luân Đôn) do V.N. Volochinov đứng tên, sau đó mới có bản dịch bằng tiếng Pháp (1977), được ghi là của M. Bakhtine (V.N. Volochinov). Từ đó cho đến nay, tác phẩm này đã trở nên không thể thiếu được trong thư mục sách tham khảo của các công trình nghiên cứu ngôn ngữ học hiện đại (có thể kể một công trình tiêu biểu, đồ sộ dày 869 trang, được trao giải thưởng Pierre Larousse về khoa học ngôn ngữ năm 1993: Ces mots qui ne vont pas de soi. Boucles réflexives et noncoïncidences du dire, của Jacqueline AuthierRevuz, Nhà xuất bản Larousse, Paris. 1995).

 Bakhtine, một cái tên không xa lạ với giới nghiên cứu văn học. Ông là người đã khám phá ra lý thuyết đa thanh (polyphonie) qua các công trình nghiên cứu tiểu thuyết của Dostoievski, theo đó trong một lời nói luôn luôn ẩn chứa nhiều giọng điệu của nhiều người khác nhau. Sự ra đời của tác phẩm này đã cho giới nghiên cứu có một cái nhìn toàn diện hơn về tư tưởng của Bakhtine, nhất là về đặc tính phổ quát của lý thuyết đa thanh trong mọi hoạt động ngôn ngữ mà ông gọi là nguyên lý đối thoại (dialogisme).

Vào những năm 20 của thế kỷ trước, nguyên lý đối thoại của Bakhtine bắt nguồn từ nhận xét rằng trong lĩnh vực khoa học ngôn ngữ, có hai thái cực: một bên là phong cách học chỉ quan tâm đến sự biểu hiện ngôn ngữ của từng cá nhân và một bên là ngôn ngữ học cấu trúc vừa mới ra đời, chỉ giới hạn việc nghiên cứu trong phạm vi ngôn ngữ với tư cách là một hệ thống trừu tượng (langue). Đối tượng nghiên cứu của Bakhtine nằm giữa hai thái cực này: đó là phát ngôn, với tư cách là sản phẩm của sự tương tác giữa ngôn ngữ và bối cảnh phát ngôn. Hoàn toàn trái ngược với những suy nghĩ của các nhà phong cách học và ngôn ngữ học, Bakhtine cho rằng phát ngôn không phải là sản phẩm thuần túy cá nhân mà nó mang tính chất liên văn bản (intertextualité): dù muốn hay không, mỗi diễn ngôn đều "đối thoại" với các diễn ngôn xuất hiện trước về cùng một chủ đề, cũng như với các diễn ngôn sẽ ra đời sau này, mà nó dự cảm được phản ứng của chúng:

"Không một phát ngôn nào có thể được gán cho một người phát duy nhất : nó là sản phẩm của sự tương tác giữa các bên tham gia đối thoại, nói rộng ra, nó là sản phẩm của cả hoàn cảnh xã hội phức tạp, nơi nó xuất hiện" (Bakhtine-Volochinov, 1977: 118).

Ở đây, chúng ta thấy quan điểm về lời nói (parole) của nhóm Bakhtine-Volochinov hoàn toàn khác biệt với Saussure, người chỉ xem ngôn ngữ (langue) mang tính tập thể, còn lời nói chỉ là sản phẩm của cá nhân:

 "Người ta không thể gán phần lời nói trong con người cho một chủ thể duy nhất, được quan niệm một cách biệt lập; phần lời nói không thuộc về một cá nhân mà thuộc về một nhóm xã hội (môi trường xã hội của nhóm đó). Mọi động cơ hành động, mọi sự tự nhận thức (sự tự nhận thức luôn luôn bằng lời nói, luôn luôn dẫn đến việc tìm kiếm một phức hợp lời nói) đều là phương cách thiết lập quan hệ với một chuẩn mực xã hội nào đó; vì thế đó chính là sự xã hội hóa bản thân và hành động của mình. Khi có ý thức về bản thân mình tức là tôi đã cố gắng nhìn tôi với đôi mắt của một người khác, của một đại biểu khác của nhóm xã hội của tôi hoặc của giai cấp tôi" (Bakhtine-Volochinov, 1977: 128-130).

Hoặc: "Phát ngôn riêng lẻ (lời nói) không hề là một sự kiện cá nhân [...]. Chủ nghĩa chủ quan cá nhân sai lầm ở chỗ là nó không biết và không hiểu bản chất xã hội của phát ngôn, và cố diễn dịch phát ngôn từ thế giới nội tâm của người phát ngôn, như là một biểu hiện của thế giới nội tâm. Cấu trúc của phát ngôn, cũng như là cấu trúc của chính kinh nghiệm có thể diễn đạt được, là một cấu trúc xã hội" (1977: 111-112).

Hoặc nói như Bakhtine: "Trong ngôn ngữ, không có một từ nào, một dạng nào là trung lập, không thuộc về ai: mỗi từ đều cho thấy nghề nghiệp, thể loại, khuynh hướng, đảng phái, tác phẩm cụ thể, con người cụ thể nào đó, thế hệ, tuổi tác, ngày, giờ. Mỗi từ đều để lộ ra các bối cảnh của đời sống xã hội tích cực của nó ; tất cả từ ngữ và tất cả dạng thức ngôn ngữ đều ẩn chứa những ý định. Trong từ ngữ, sự hài hòa với bối cảnh (của thể loại, của khuynh hướng, của cá nhân) thì không thể tránh khỏi được" (Bakhtine, 1978: 106).

Ngôn ngữ học xã hội biến đổi của Labov

Gardin, tác giả đầu tiên đã có công giới thiệu Labov với công chúng Pháp trong công trình Introduction à la sociolinguistique. La linguistique sociale (viết chung với Marcellesi, 1974), đã nhận thấy ở ngôn ngữ học xã hội của Labov khả năng thoát khỏi khuynh hướng xã hội học mơ hồ (sociologisme vague) và nguyên lý đầy tham vọng nhưng bất lực về bản chất xã hội của ngôn ngữ, cũng như khả năng tiếp cận khoa học với những lẽ hiển nhiên đời thường như là:

- Cộng đồng ngôn ngữ dựa trên sự đồng nhất về chuẩn mực ngôn ngữ và sự dị biệt về cách ứng xử;

- Mọi chủ thể nói năng của một ngôn ngữ đều có khả năng biến đổi cách sử dụng ngôn ngữ của mình cho phù hợp với tình huống;

- Mọi sự biến đổi ấy đều do xã hội quy định và các chủ thể nói năng ít nhiều đều nhận thức được điều ấy;

Một mặt nhìn nhận những ưu điểm ấy, một mặt, Gardin đã chỉ ra những hạn chế của ngôn ngữ học xã hội Labov. Ông cho rằng ngôn ngữ học xã hội của Labov vẫn chỉ là ngành ngôn ngữ học xã hội ngoài lề (sociolinguistique de la marge), vì nó xem ngôn ngữ là một thực thể cố định và chỉ nghiên cứu những khía cạnh biến đổi theo thời gian. Nói cách khác, yếu tố xã hội trong ngôn ngữ học xã hội của Labov mang đậm tính chất ngoài lề.

Gardin còn chỉ ra rằng Labov đã vô hình trung đồng hóa tính chất xã hội trong ngôn ngữ với bản sắc của cộng đồng ngôn ngữ: "Các nhóm xã hội tạo ra các biến đổi ngôn ngữ để tự khẳng định mình để phân biệt với các nhóm xã hội khác: sự biến đổi ấy dù ở dưới dạng nào đi nữa, đều là quá trình tự xác định của các nhóm xã hội, đều nhằm tạo ra bản sắc riêng bằng những hình tượng khác biệt, hoàn toàn không có liên quan gì đến các hoạt động xã hội khác cũng như với chức năng mà họ đảm nhiệm trong sản xuất" (1988: 12).

Ngôn ngữ học xã hội theo kiểu Labov không thể nhận thức được sự thay đổi xã hội, sự sản sinh ra những mối quan hệ mới, cũng như không thể chỉ ra tính chất thường trực của cấu trúc ẩn sau những thay đổi bên ngoài. Thế mà xã hội luôn thay đổi và ngôn ngữ cũng vậy. Vì thế cần phải có một ngành ngôn ngữ học có khả năng nắm bắt những sự việc này" (1988: 15).

Có thể tóm tắt khuynh hướng nghiên cứu này qua phát biểu sau đây:

 "Lý thuyết của M. Godelier (1978) cũng như những thành tựu của phương pháp luận chủng tộc (ethnométhodologie) đã khiến chúng tôi nhìn nhận rằng diễn ngôn và ngôn ngữ không chỉ là những phản ánh đơn thuần thực tại, nó còn là những lực lượng sản xuất" (Gardin, 1988: 13).

Để nghiên cứu hiện tượng biến đổi xã hội và ngôn ngữ, B. Gardin đã chủ trương một cách tiếp cận mới:

"Có lẽ cần phải thay đổi góc độ quan sát, phải quan sát những gì đang xảy ra ở những nơi mà mọi việc chưa được quyết định, ở những nơi mà ngôn ngữ có chức năng sản xuất nhiều hơn là thể hiện, ở những nơi mà các chủ thể nói năng quan tâm nhiều đến việc chiếm một vị trí mới, ở những nơi mà của cải vật chất và các mối quan hệ xã hội được tạo ra trong cùng một hoạt động, ở những nơi mà quan hệ giữa người với người và quan hệ giữa người với thế giới tự nhiên được xác lập chung với nhau, ở những nơi mà hoạt động ngôn ngữ trong lao động cũng bị biến đổi" (Gardin, 1988: 15).

Ngôn ngữ học hành động (praxématique).

 Khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ học này gắn liền với tên tuổi của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng R. Laffont, chuyên nghiên cứu về tình hình xung đột ngôn ngữ ở các vùng tồn tại song song ngôn ngữ chính thức (ngôn ngữ quốc gia) và tiếng mẹ đẻ, như vùng miền Nam nước Pháp (Languedoc-Roussillon). Thuật ngữ praxématique xuất phát từ thuật ngữ praxis, có nghĩa là hoạt động nhằm đạt được một kết quả, một mặt đối lập với kiến thức, mặt khác, đối lập với thực thể (nguyên văn bằng tiếng Pháp: "Activité en vue d'un résultat, opposée à la connaissance d'une part, à l'être d'autre part", Le Petit Robert, 2009). Vì thế, praxématique (đôi khi còn được gọi là praxématique linguistique) được các nhà sáng lập định nghĩa là ngành ngôn ngữ học duy vật, nhằm nghiên cứu quá trình tạo nghĩa.

Thành tích khoa học của trường phái Rouen

Có lẽ phải kể đến Đại học Văn Khoa Nanterre như là cái nôi đầu tiên của ngôn ngữ học xã hội Pháp, nơi quy tụ nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ nổi tiếng như J. Dubois, J. Sumpf, L. Guilbert, J.B. Marcellesi, L. Guespin... Chính từ nơi đây đã cho ra đời công trình đầu tiên ở Pháp mang tên Ngôn ngữ học xã hội (tạp chí Langages, số 11 năm 1968, do J. Sumpf chủ biên). Cũng cần nhắc lại là trước đó chưa hề có công trình nghiên cứu nào mang tên gọi như vậy, mặc dù khuynh hướng nghiên cứu này đã được nhiều học giả phát thảo ra. Ba năm sau đó, cũng chính Đại học Văn Khoa Nanterre tiếp tục cho ra mắt số 9 của tạp chí Langue française mang tên Ngôn ngữ học và Xã hội, do J.-B. Marcellesi chủ biên. Qua hai số tạp chí này nổi lên các lĩnh vực nghiên cứu mà sau này đã trở thành thế mạnh của ngôn ngữ học xã hội Pháp: phân tích diễn ngôn chính trị dưới góc độ ngôn ngữ học xã hội, nghiên cứu hiện tượng song ngữ bất bình đẳng, nghiên cứu ngôn ngữ nói trong đời thường theo phương pháp của Labov... Kể từ đó, hàng loạt công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học xã hội đã ra đời trên khắp nước Pháp như Đại Hội Tours, Nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội (Marcellesi, 1971), Dẫn nhập Ngôn ngữ học xã hội (Marcellesi & Gardin, 1974), Ủng hộ và Chống F. de Saussure Hướng đến một nền ngôn ngữ học xã hội (Calvet, 1975), Ngôn ngữ học xã hội hay Xã hội học ngôn ngữ (Boutet, Fiala, Simonỉn-Gumbach, 1976), Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ học xã hội (Encrvé, 1977), Ngôn ngữ học xã hội. Các cách tiếp cận, Lý thuyết và Thực tiễn (Gardin & Marcellesi, 1980)...

Nhóm nghiên cứu mà sau này trở thành nòng cốt của trường phái Rouen ban đầu quy tụ một số giảng viên của Đại học Văn khoa như Maldidier, L. Guespin, B. Gardin, M. Giacomo, C. Marcellesi, G. Chaveau-Provost, J.P. Kaminker, M. Briot, F. Madray, D. Baggioni, và lấy tên là GRECO (Groupe de recherche sur la Covariance Sociolinguistique – Nhóm nghiên cứu về sự đồng biến ngôn ngữ học xã hội). Họ đồng thời cũng còn là thành viên của nhóm nghiên cứu Néologie lexicale (Từ mới) do Louis Guilbert lãnh đạo. Tham vọng của nhóm là tìm những câu trả lời về mặt lý thuyết và khoa học luận trong lĩnh vực ngôn ngữ học xã hội, trên cơ sở nhận thức thống nhất với nhau là khái niệm đồng biến (covariance) cần phải được định nghĩa "một cách biện chứng ". Nhóm này dần dần chuyển về Đại học Rouen vừa mới thành lập. Từ đó, hoạt động của nhóm càng được độc lập hơn và không ngừng phát triển, qua việc cho ra đời Tạp chí Cahier de linguistique sociale (ngày nay vẫn còn xuất bản) và nhiều ấn phẩm khác, đặc biệt là đã làm nòng cốt trong cuộc hội thảo quốc tế về ngôn ngữ học xã hội tổ chức tại Rouen 1978. Chính từ những hoạt động khoa học này đã dần dần hình thành nền tảng lý thuyết và thực nghiệm cho ngành thuật ngữ học xã hội (socioterminologie), mà sau này Louis Guespin sẽ phát triển một cách có hệ thống vào giữa thập kỷ 80.

 Sau 1980, nhóm được tái cơ cấu lại theo bốn hướng nghiên cứu chính, được thể hiện qua một loạt bài báo trong số 209 của Tạp chí La Pensée (1980) có chủ đề là Ngôn ngữ và xã hội. Đó là các vấn đề:

- Ngôn ngữ học xã hội trong thời kỳ khủng hoảng ngôn ngữ học; giai cấp xã hội và quan hệ xã hội trong vấn đề quyết định của ngôn ngữ;

- Chính sách ngôn ngữ: ngôn ngữ dân tộc, chuẩn ngôn ngữ, ngôn ngữ thiểu số, những vấn đề ngôn ngữ và chính trị;

- Ngôn ngữ, quan hệ xã hội và trường học;

- Khía cạnh dụng học trong ngôn ngữ học xã hội: mối liên quan giữa ngôn ngữ và quyền lực, giữa ngôn ngữ và lao động...

Công trình Dẫn luận ngôn ngữ học xã hội (Nxb Larousse, 1974) của hai tác giả J.B. Marcellesi và B. Gardin là công trình đầu tiên ở Pháp giới thiệu ngành khoa học mới mẻ này. Qua công trình này mà độc giả Pháp bắt đầu tiếp cận với các tác phẩm của BakhtineVolochinov, Bernstein, Labov, và cũng từ đó, hàng loạt tác phẩm của họ được dịch sang tiếng Pháp, tạo thành một làn sóng tư tưởng mới về nhận thức luận khoa học cũng như về phương pháp luận nghiên cứu ngôn ngữ học tại Pháp.

Tiếp theo đó là hàng loạt bài báo của nhóm nghiên cứu lần lượt được công bố trên các Tạp chí ngôn ngữ có uy tín như Langue française, Langages, Langage et Société, Mots, Linx, Cahiers de linguistique sociale, Cahiers de praxématique... Có thể nói, thành tựu nổi bật nhất, có ảnh hưởng lớn trong giới nghiên cứu thế giới, đó là việc khai sinh ra ngành nghiên cứu socioterminologie (thuật ngữ học xã hội), được manh nha từ những công trình của L. Guilbert và phát triển nền tảng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu với L. Guespin, và sau này là F. Gaudin.

4 THAY LỜI KẾT:

 NGÔN NGỮ TRONG LAO ĐỘNG, MỘT LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU MỚI CỦA NGÔN NGỮ HỌC XÃ HỘI. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu mới của ngôn ngữ học xã hội, mà nhóm nghiên cứu Langage et Travail (Hoạt động ngôn ngữ và Lao động), đứng đầu là B. Gardin. Như M. Lacoste đã chỉ, nó lấy đối tượng nghiên cứu là các cách thức mà những hoạt động xã hội được hình thành thông qua lời nói hằng ngày và dựa trên dữ liệu phân tích chủ yếu là những tương tác lời nói. Các tác giả trên cho rằng sở dĩ lĩnh vực này xứng đáng được nghiên cứu sâu là vì chưa bao giờ hoạt động nghề nghiệp bị xem như là một sự áp dụng máy móc các qui trình, quy tắc đã định sẵn, ngay cả trong những vị trí làm việc được xem như là đơn giản như là ở các dây chuyền sản xuất. Các thao tác lao động luôn luôn cần đến ý nghĩa và việc điều phối chúng trong tập thể lao động đòi hỏi một qui trình thương lượng và hợp tác thường xuyên, như trong mọi tình huống xã hội. Vì thế, hoạt động ngôn ngữ là một dạng thái cơ bản của việc hình thành yếu tố kỹ thuật và xã hội trong lao động: lao động chính là hòa hợp với người khác, là điều chỉnh hoạt động của mình cho ngày càng phù hợp hơn với hoạt động của người khác, trong không gian và thời gian, là cùng nhau tìm giải pháp cho một vấn đề, là đặt câu hỏi, là giải thích... Tóm lại, lao động luôn luôn đi kèm theo lời nói. Thế nhưng từ xưa đến nay, sản phẩm lời nói này thường bị coi thường, hoặc lãng quên, do chưa có những cuộc điều tra chi tiết.

Bài viết này chỉ là một phát thảo sơ lược về ngôn ngữ học xã hội để kỷ niệm 10 năm ngày mất của Giáo sư B. Gardin (1940 - 2002), người đã có những đóng góp xuất sắc vào việc phát triển ngành nghiên cứu mới mẻ này ở Pháp và đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về hoạt động ngôn ngữ của giới bình dân, nhất là giới công nhân Pháp. Đối với Việt Nam, ông có công rất lớn trong việc đào tạo nhiều du học sinh, trong đó có tác giả bài viết này, về lĩnh vực khoa học ngôn ngữ, trong đó có ngôn ngữ học xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bakhtine M., 1978. Esthétique et théorie du roman. Nhà xuất bản Gallimard. Paris. 488 trang.

2. Bakhtine M. & Volochinov V.N., 1977. Le marxisme et la philosophie du langage. Nhà xuất bản Minuit. Paris. 233 trang.

3. Baylon C. 1991. Sociolinguistique. Société, langue et discours. Nhà xuất bản Nathan. Paris. 303 trang.

4. Calvet L.-J., 1975. Pour et contre Saussure. Nhà xuất bản Payot. Paris. 153 trang.

5. Calvet L.-J. , 1999. “Origines de la sociolinguistique La conférence de sociolinguistique de l’UCLA”. Tạp chí Langage et Société. Số 88: 25-57.

6. Cohen M., 1956. Pour une sociologie du langage. Nhà xuất bản Albin Michel. Paris. 396 trang.

7. Dubois J. et al., 1994. Dictionnaire de linguistique et des sciences du langage. Nhà xuất bản Larousse. Paris. 672 trang.

8. Ducrot O. & Schafffer J.-M., 1995. Nouveau dictionnaire encyclopédique des sciences du langage. Nhà xuất bản du Seuil. Paris. 688 trang.

9. Ducrot O. & Todorov T., 1972. Dictionnaire encyclopédique des sciences du langage. Nhà xuất bản du Seuil. Paris. 475 trang.

10. Fishman J., 1971, La sociolinguistique. Nhà xuất bản Nathan. Paris. 160 trang.

11. Gardin B., 1988. Langage et travail. Etudes sociolinguistiques de discours ouvriers en entreprise, Luận án tiến sĩ quốc gia (tập 1), Đại học Rouen. TP Rouen, Pháp. 350 trang.

12. Gardin B. & Marcellesi J.-B., 1987. “The subject matter of Sociolinguistics”. Trong: U. Ammon, N. Dittmar, K. Mattheier (Editors). Sociolinguistics: an International Handbook of the Science of Language and Society, vol. 1, De Gruyter. Berlin/New York. 16-25.

13. Gumperz J., 1989. Engager la conversation. Nhà xuất bản Minuit. Paris. 192 trang.

14. Kerbrat-Orecchioni C., 1980. L’énonciation De la subjectivité dans le langage. Nhà xuất bản Armand Colin. Paris. 267 trang.

15. Kerbrat-Orecchioni C., 1990. Interactions verbales, Quyển 1. Nhà xuất bản Armand Colin. Paris. 355 trang.

16. Marcellesi J.-B., 1980. De la crise de la linguistique à la linguistique de la crise : la sociolinguistique. Tạp chí La Pensée. Số 209: 4-21.

17. Marcellesi J.-B., 1998. Contribution à l’histoire de la sociolinguistique : Origines et Développement de l’école rouennaise, trong J. Le Du (Editeurs), Y a-t-il une exception sociolinguistique française, La Bretagne linguistique. Số 10 : 39-57.

18. Marcellesi J.-B. & Gardin B., 1974. Introduction à la sociolinguistique. La linguistique sociale. Nhà xuất bản Larousse. Paris. 263 trang

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020