Dẫn nhập
Trong khi phân định từ loại tiếng Việt, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam thường quan tâm đến các tiêu chí phân định từ loại và áp dụng để phân định các nhóm nhỏ trong từ loại mà ta quen gọi là các phạm trù từ vựng - ngữ pháp. Công việc phân định từ loại đã thực sự đạt được tiến bộ từ lí luận mang tính chức năng của Lê Văn Lý (1948) [1]. Sao đó là việc áp dụng lí luận cấu trúc miêu tả luận của Nguyễn Tài Cẩn (1960) [2] trong việc nghiên cứu danh từ và danh ngữ tiếng Việt. Việc phân định các tiểu phạm trù từ vựng ngữ pháp thì nhà Đông phương học Nga, Kholodovich (1960) [3] đã đưa ra lí luận về “Hình thế cú pháp” của từ (1960) [4], tiếng Nga gọi là Konfiguraxija để phân loại, phân chia thành các tiểu loại từ. Có một tiểu loại trong các tiểu loại danh từ tiếng Việt mà người ta chỉ nhắc đến chứ chưa ai mô tả kĩ hoặc xem xem chúng hành chức như thế nào thì Nguyễn Tài Cẩn là người duy nhất đề cập đến chuyện này. Trong cuốn sách “Từ loại danh từ tiếng Việt” (1975) xuất bản từ một luận án tiến sĩ (1960), Nguyễn Tài Cẩn cho rằng trong những phạm trù từ vựng ngữ pháp của danh từ có một tiểu loại gọi là danh từ tổnghợp. Nó là danh từ được cấu tạo từ hai thành tố tức là hai “tiếng” đồng loại mang bản chất danh nhưng cấu trúc song tiết có ý nghĩa khái quát hơn so với ý nghĩa của các thành tố. Các từ nhà cửa, quần áo, vải vóc là những danh từ tiếng Việt khái khoát hơn so với nghĩa của từng yếu tố. Nhà cửa khái khoát hơn so với hai thành tố “nhà” và “cửa” hay là sách báo chỉ khái niệm chung cho “sách” và “báo” còn quần áo thì chỉ trang phục nói chung chứ không phải là cái quần, cái áo cụ thể. Đấy là đặc điểm riêng của danh từ tổng hợp tiếng Việt.
Từ những nhận xét gợi ý đó, chúng tôi dần dần nhận thấy rằng trong tiếng Việt không phải chỉ có danh từ mà cả động từ, tính từ thậm chí là cả số từ, phương vị từ cũng có khả năng đó. Ví dụ: với danh từ thì các tổ hợp quần áo, nhà cửa, sách báo, ruộng đất, v.v.; động từ thì như đi đứng, ra vào, nói năng, mời mọc; tính từ như xinh đẹp, tươi tắn, mạnh khoẻ, đắt đỏ, v.v.; phương vị từ như trên dưới, trước sau, trong ngoài, lui tới, đi về, ra vào, v.v.; số từ chúng ta cũng thấy có mươi lăm, vài ba, v.v.. Từ những thành tố có nghĩa tạo các từ ghép có cấu trúc phức hợp hơn tạo ra một cái có nghĩa khác, khái khoát hơn. Chúng ta gọi chung đó là nhóm thực từ mang tính chất tổng hợp. Chúng rất đặc trưng cho từ tiếng Việt. Tuyệt đại bộ phận chúng song tiết và phần lớn một tiếng hay cả hai tiếng đều là thuộc tính thuần Việt, có nghĩa. Cũng có lúc một tiếng có nghĩa và một tiếng không có nghĩa như đất đai, vườn tược, áo xống, chợ búa, lính tráng, xe cộ. Tiếng thứ hai không thường có nghĩa.
Các từ thuộc từ loại động từ cũng như vậy: nói năng thì nói có nghĩa nhưng năng không có nghĩa, còn nói năng là khái niệm về hành vi ngôn từ. Tính từ cũng như thế: xanh xao, vàng vọt, lạnh lẽo... Vấn đề quan trọng là nghĩa của chúng trong câu.
Về phương diện chức năng, nghĩa những từ này được dùng với tư cách không chỉ cá thể mà là một ý niệm trừu tượng hơn, tổng hợp hơn. Khi ta nói đất đai không có nghĩa là đất mà nói đến phạm trù đất nói chung. Chính vì thế ở đây có đặc trưng ngữ pháp đi kèm. Người ta ít khi thấy loại từ xuất hiện trước danh từ tổng hợp, chỉ trong trường hợp đặc biệt là có biến đổi cấu trúc từ danh từ tổng hợp thì lúc đấy loại từ mới xuất hiện, ví dụ khi ta nói: “Ở đâychẳng có con gà con qué nào cả” hay là “Không có tấc đất tấc đai nào”, “Không có mảnh vườn mảnh tược nào”, khi dùng kết cấu phủ định. Về phương thức cấu tạo chúng thì các nhà Việt ngữ học thường mô tả chúng như là từ ghép, từ ghép đẳng lập và chính phụ được thành lập trên phương thức láy hoặc lặp. Phương thức láy và lặp là phương thức chính để cấu tạo từ. Chúng ta chỉ tập trung khảo sát chức năng cú pháp của những tổ hợp sóng đôi có tính cố định, nghĩa là được từ hoá.
Danh từ tổng hợp
Danh từ tổng hợp là loại tổ hợp xuất hiện nhiều nhất, rất dễ dàng được thành lập trên cơ sở của việc láy hay lặp thành tố có nghĩa để tạo ra danh từ ghép.
Chúng ta thấy phổ biến là hai tổ hợp như sách vở, quần áo, nhà cửa, ruộng nương,v.v. Điều quan trọng nhất là chúng được sử dụng tuỳ theo mong muốn người bản ngữ khi giao tiếp. Người ta theo cái mẫu đó có thể nhanh chóng thành lập các kết cấu tổng hợp kiểu như sân, vườn, cây cối, ngõ ngách, đường sá, chợ búa, trường sở... Có thể dẫn ra nhiều ví dụ khác nhau, khi dùng chúng mà liên quan đến người nói hay là người nói có ý thức sử dụng chúng thì có cả khía cạnh ngữ dụng rồi. Người nói sử dụng chúng nhằm tăng cường ngôn trung của câu, gắn nó với những ngữ cảnh nhất định. Khi nói: “Tôi chẳng có mảnh vườn mảnh tược nào cả”, “Tôi chẳng có tấc đất tấc đai nào cả”. Đấy là phát ngôn tường thuật nhưng tình thái của nó là một “sự phàn nàn” về sự tình và mong muốn người nghe chia sẻ với mình. Chúng ta cần chú ý tính chất ngữ dụng của loại tổ hợp này, tính chất ngữ dụng ấy chỉ có người bản ngữ biết và sử dụng nhiều.
Trường hợp thứ hai là những cấu trúc danh từ có yếu tố thứ hai không có nghĩa kiểu như đất đai, vườn tược,... Nguyễn Tài Cẩn đã phân tích ý nghĩa bộ phận thứ hai là lấy nghĩa tổng hợp trừ đi ý nghĩa bộ phận thứ nhất. Nhưng cái ý nghĩa đó không phải là ý nghĩa từ vựng chỉ có giá trị về ngữ pháp: trong vườn tược (tược không có nghĩa nhưng lại có giá trị ngữ pháp) xe cộ, áo xống, lính tráng... Tất cả yếu tố thứ hai đều chỉ có nghĩa ngữ pháp. Tập hợp chúng lại với nhau theo hệ hình giá trị ngữ pháp chung. Nó không phải là hình vị thực mà là hình vị thuần tuý về ngữ pháp thôi, hình vị với giá trị ngữ pháp thuần tuý kiểu Bloomfield. Tất cả các danh từ đơn tiết tiếng Việt, đặc biệt là thuần Việt, độc lập, có nghĩa, rất dễ được sử dụng để cấu tạo danh từ tổng hợp. Những yếu tố không có nghĩa cũng sẵn sàng được huy động tham gia vào cấu trúc này khi cần thiết. Từ “phố xá” khác với từ “phố”. Phố là danh từ cụ thể nhưng khi nói “Phố xá ở đây thật đẹp” thì không phải là nói phố A hay phố B mà người nói muốn nhìn chung, đánh giá nhận xét về đô thị. Như vậy, với danh từ tổng hợp, khi dùng, bao giờ người nói cũng có thể nhận xét về sự tình. Ví dụ Phố xá ở đây thật là tấp nập, Vườn tược ở đây cây cối thưa thớt. Người ta gọi đó là sự tổng hợp, nói chung là trừu tượng. Sự vật luôn luôn tồn tại dưới dạng các cá thể trong thế giới. Cái chung ở từng lớp, từng loại sự vật, ý nghĩa của danh từ tổng hợp là ý nghĩa có tính chất chức năng. Đó là kết qủa của sự khái khoát hoá và trừu tượng hoá, không phải là cái cho sẵn. Một khái niệm “tổng hợp” chỉ hình thành sau hành động tư duy khái khoát hoá, trừu tượng hoá.
Về mặt ngữ dụng, nếu xét trên phương diện quy chiếu, thì từ loại dù là danh từ, động từ hay tính từ thì sở chỉ rất đặc biệt. Chúng ta biết, nhờ phép quy chiếu mà chúng ta xác lập được sở chỉ. Trước hết nói về danh từ, ví dụ, nói “ngôi nhà kia” thì cái thực thể chỉ ra bằng ngôn ngữ là rất rõ. Trong danh ngữ “Ngôi nhà kia” có một sự vật cụ thể được xác lập nhờ một biểu thức ngôn ngữ. Tuy nhiên, những danh từ tổng hợp không phải chỉ ra như vậy, nó chỉ ra một “vật thể mờ” dù vẫn quy chiếu bằng ngôn từ. Ở đây sở chỉ là “mờ” như ở các từ đất đai, nhà cửa, vườn tược, áo xống, chợ búa, tất cả là chúng chỉ ra những vật thể trừu tượng. Đã là danh từ trừu tượng thì cái “sự vật” được quy chiếu bằng ngôn từ cũng trừu tượng. Trên phương diện ngữ dụng thì có sự phân biệt rõ giữa danh từ thường và danh từ tổng hợp. Bất kì danh từ thường nào chỉ sự vật đều có biểu thức quy chiếu trực chỉ nhưng danh từ tổng hợp thì không. Đi với danh từ tổng hợp người nói thường dùng các từ chỉ xuất đi kèm, ví dụ đất đai này, vườn tược ấy, xe cộ khác. Các từ này, ấy, nọ, kia, khác là từ trực chỉ vốn dùng để xác định (còn gọi là định từ), nhưng ở đây sự vật là trừu tượng hơn (“mờ”) hơn, nhưng nó vẫn xác định cho cái thực thể “trừu tượng” này trong quan hệ với thực thể khác. Chúng ta có thể nói: nhà này và Nhà cửa này bề bộ lắm, Sách ấy, báo ấy, Sách báo ấy rất đắt tiền thì cũng đều có định từ đi kèm. Ở đây tính độc lập của ngôn ngữ trên bậc trừu tượng hoá trong quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy là rất rõ. Số lượng danh từ tổng hợp thì rất nhiều, không thể lập hết danh sách để đưa vào từ điển như danh từ cụ thể được. Kết cấu vừa có tính tự do lại vừa có tính cố định ở danh từ tổng hợp là nét đặc sắc. Tính cố định là chức năng của “từ” nhưng nó là tổ hợp của hai yếu tố gần như đẳng lập nên khá lỏng và tự do. Ngay cả tổ hợp chính phụ thì cũng là loại tổ hợp mở. Trường hợp cấu trúc có yếu tố thứ hai có nghĩa như kết cấu nhà cửa, sân vườn, ao hồ, núi non, v.v. thì rất tự do. Người nói có thể tạo lập nó một cách dễ dàng và sau đó có thể giải thể nó được. Đây là loại từ ghép có mô hình cú pháp nước đôi. Thực ra, đối với tiếng Việt dùng ngữ pháp truyền thống để phân tích mô hình nó thì khó bởi vì ngữ pháp cổ điển bắt đầu từ “từ”. Cấu trúc thành tố trực tiếp của Miêu tả luận thì đơn giản hơn vì cú pháp này là bắt đầu từ “hình vị” chứ không phải là “từ”. Đây là có từng đôi tổ hợp rất rõ, cũng không phải nói gì nhiều về kết cấu này nhưng do tính phổ biến của chúng trong các phát ngôn mà theo, thì tần số xuất hiện của danh từ tổng hợp trong nói năng là khá cao. Vì vậy, nếu xét trên phương diện ngữ nghĩa và ngữ dụng thì nó là phạm trù từ vựng - ngữ pháp rất đáng chú ý, nét ngữ pháp đặc thù của từ loại tiếng Việt. Chúng ta thấy những đặc điểm này không chỉ có ở danh từ mà mở rộng đến cả động từ, tính từ.
Động từ tổng hợp
Nói đến động từ tổng hợp, chúng ta biết động từ là từ loại chỉ ra các dạng vận động của tất cả những gì được thể hiện bằng danh từ. Nhưng có loại hoạt động phải là hoạt động cụ thể: ăn, nói, đi, chạy, cắt, chặt, v.v. chỉ ra những hành vi rất cụ thể. Ngay cả trạng thái cũng là một hình thái hoạt động, tuy nó tĩnh, nhưng nó cũng là cái gì rất cụ thể. Động từ tổng hợp cũng là tiểu loại thực hiện chức năng trừu tượng hoá, khái khoát hoá, trung hoá các dạng hoạt động. Động từ “đi” trong tiếng Việt chỉ ra sự chuyển động của một thực thể, động từ chuyển động đó có khá nhiều ý nghĩa. Khi “đi” kết hợp với một yếu tố có nghĩa khác đồng loại, nó tạo ra các động từ tổng hợp: Ví dụ, đi đứng, đi lại, đi về, nó có những nghĩa chung hơn, khái quát hơn. Đi đứng muốn nói về một tư thế, đi lại nói về một quan hệ, đi về là một dạng theo như Diệp Quang Ban gọi là khứ hồi. Rồi nó còn được mở rộng cấu trúc xa hơn nữa, ví như đi đi đứng đứng, đi đi lại lại, đi đi về về. Việc biến đổi cấu trúc từ trong ngữ lưu mang theo ý thức nói năng, nhận xét, người nói. Những dạng sau khác hẳn với từ “đi” ban đầu vì nó đã nhuốm màu ngữ dụng. Các động từ tổng hợp trong tiếng Việt cũng có rất nhiều, nó làm cho ngữ nghĩa từ loại thêm đa đạng, phong phú. Từ đó dẫn đến nét đặc sắc của vị ngữ trong câu, bởi vì, động từ giữ chức vụ vị ngữ trong câu là chủ yếu nhất. Không gian nghĩa, mà động từ vị ngữ làm trung tâm của câu được mở ra theo các vai nghĩa với nhóm động từ này cũng có những nét đặc thù. Ví dụ như khả năng sở hữu các bổ ngữ có giảm đi, ví dụ, “đi” có bổ ngữ chỉ điểm đến như đi Hà Nội, đi Sài Gòn, đi Trung Quốc, đi Pháp, đi thư viện. Các động từ đi đứng, đi lại, đi về cũng có khả năng có bổ ngữ nhưng mức độ giảm đi vì nghĩa cập vật của tổ hợp này cũng giảm. Thứ nữa là việc kết hợp những phụ từ chỉ thời thể, chỉ màu sắc tình thái như đã, sẽ, đang, từng, còn, chưa,... cũng có hạn chế hơn. Ở đây không phải là hành động cụ thể nên diễn tiến cũng có thể bị mờ đi, khi “thể” mờ đi thì thời cũng mờ đi. Cách tri nhận của người bản ngữ không đặt trọng tâm thời - thể vào động từ trung tâm vị ngữ nữa. Ý nghĩa cập vật hay ý nghĩa diễn tiến đều đã bị hạn chế lại. Động từ, trong trường hợp này, thì chúng ta nên xem xem nó như thế nào. Sàn diễn của nó cũng thay đổi, không phải như cái sàn diễn của Tesniêre áp dụng cho động từ khác kiểu như: “Tôi cho nó 100 bạc” thì tam trị rất rõ. Khi nói: “Nó đi đứng không đàng hoàng”, thì các diễn tố của nó là rất khác. Còn “Nó đi về Hà Nội như con thoi”, thì khái niệm “đi về” trong trường hợp này, với tư cách là động từ vị ngữ, lại cũng khác. Khi chúng ta nói: “Họ thường đi lại với nhau cách đây đã mấy năm”, thì trong trường hợp này nghĩa đã thay đổi, “đi lại” không còn là động từ tổng hợp nữa nó có nghĩa cụ thể chứ không phải là nghĩa khái quát, khác hẳn với động từ “đi lại” trong câu: “Giá dầu lửa tăng nên bây giờ đi lại khó khăn lắm”. Vì vậy tính đơn trị, song trị hay tam trị của động từ này cũng cần cân nhắc. Vị ngữ là động từ tổng hợp thể hiện các quan hệ như tường thuật (bao gồm khẳng định, phủ định), hỏi han, cầu khiến khi tham gia vào ngôn trung khác nhau thì đặc điểm diễn tiến của nó cũng có nét đặc thù. Người nói khi sử dụng động từ tổng hợp thường có sự bình luận nào đó, không chỉ tường thuật một cách khách quan. Dạng mở rộng của nó thường rất hay dùng. Ví dụ, “Việc này khiến tôi phải đi đi lại lại nhiều lần”. Việc mở rộng cấu trúc từ thể hiện nhận xét rất chủ quan của người nói, cách đánh giá đó là đánh giá tích cực hoặc tiêu cực. Do tính khái khoát mà có việc sản sinh nghĩa, ở đây động từ tổng hợp hơi khác danh từ tổng hợp. Danh từ tổng hợp thường bảo lưu được nghĩa gốc: áo xống, chợ búa, vườn tược vẫn bảo lưu cái nghĩa của yếu tố thứ nhất, còn động từ thì khi tạo ra cấu trúc mới thì nghĩa đã bị tản đi rồi. Ví dụ hai động từ cưa và kéo là động từ cập vật nhưng khi ta nói cưa kéo thì nó gần như là bất cập vật rồi và khi nó trở thành bất cập vật thì nghĩa nó cũng thay đổi. Từ “đứng” và “ngồi” thì đứng là một từ có nghĩa khác mà ngồi là một từ có nghĩa khác, nhưng khi nói: “Nó đứng ngồi không yên” thì cái nghĩa được tạo ra không phải đồng nghĩa với đứng hay với ngồi, v.v. Mời mọc, nói năng, nghe ngóng,... thì có thể giữ được nghĩa gốc nhưng có rất nhiều trường hợp khác thì lại thay đổi. Từ “ăn” là một động từ, từ “nằm” là một động từ nhưng tổ hợp “ăn nằm” người ta lại hiểu theo nghĩa khác chứ không phải cái nghĩa ban đầu. Cơ chế tạo nghĩa sản sinh đối với động từ tổng hợp không giống như là ở danh từ. Động từ tổng hợp đã làm nhân lên cái ngữ nghĩa của động từ. Trong từ điển tiếng Việt, bên cạnh những động từ thường mà ta lập danh mục từ, động từ tổng hợp là dạng phái sinh giúp ích cho người học tiếng Việt, như một ngoại ngữ, biết thêm rất nhiều điều về dụng pháp trong khi tổ chức câu nói. Nó chính là một phương tiện rất quan trọng của ngữ dụng. Từ loại tiếng Việt có nhìn từ phương diện chức năng mới nhận ra được điều này. Khi thiết lập một ngữ đoạn động từ thì động từ thường rất dễ, nhưng với động từ tổng hợp thì khả năng mở rộng thành đoản ngữ lại khó hơn. Chu cảnh và các diễn tố của nó bị hạn chế so với động từ thường. Việc mở rộng thành động ngữ nó vẫn có thể tiếp nhận “thì”, “thể” nhưng riêng chu tố và diễn tố thì không được tự do, phong phú như ở động từ thường.
Tính từ tổng hợp
Như chúng ta đã biết, tính từ là từ loại dùng để chỉ ra các loại đặc trưng: đầu tiên là các đặc trưng của các sự vật vì các sự vật tồn tại rất đa dạng, nó có thể có màu sắc, nó có thể có kích thước, nó có thể có hình thể và nó có thể có số lượng, v.v. Nhưng, riêng trong tiếng Việt thì tính từ ngoài chức năng chỉ ra đặc trưng của sự vật thể hiện bằng danh từ thì tính từ còn chỉ ra đặc trưng của các dạng cña vận động thể hiện bằng động từ và điều này khiến cho tính từ tiếng Việt ôm gọn chức năng của trạng từ (Adverb) trong ngôn ngữ biến tố. Lúc đó nó trở thành một thứ Gia ngữ thường xuyên của động từ, người ta gọi nó là trạng tố hay gia ngữ. Chúng ta thấy tính từ đi với danh từ là đương nhiên, còn với động từ thì các ngữ đoạn kiểu như đi nhanh, hát hay, học giỏi,... Chức năng ngữ pháp lớn nhất của tính từ, do đó, đầu tiên phải là định ngữ, chức năng thứ hai là gia ngữ, chức năng thứ ba mới là vị ngữ. Nhiều người gọi nó là vị từ vì nó đi trực tiếp tham gia vào khung vị ngữ của câu. Do tính đa năng như vậy cho nên tính từ là từ loại gần nhất với người nói về phương diện năng lực, nhận xét, đánh giá. Danh từ và động
từ là thể hiện những cái có tính khách quan ví dụ, các sự vật thì tồn tại khách quan ngoài ý thức của chúng ta, các vận động cũng tồn tại như vậy. Tuy nhiên, các đặc trưng của sự vật thì còn có màu sắc chủ quan vì nó được tri nhận theo cách nhìn của người bản ngữ vì thế người nói có thể nhận xét và kết hợp đánh giá sự vật khi dùng tính từ. Ví dụ người Việt nói màu xanh thì cũng có thể nhận xét: xanh lè, xanh rớt, xanh xao,... màu đỏ cũng có thể nói: đỏ loe, đỏ loét, đỏ lòm, đỏ đắn,... Vàng thì cũng có thể nói: vàng rực, vàng vọt, vàng khè,... hay còn nói: ngắn ngủn, dài ngoẵng, vuông vức, tròn trịa, méo mó, cong queo, vắng vẻ, nhiều nhặn,... Qua đó chúng ta thấy bản chất của ý nghĩa tính từ có quan hệ với ngữ dụng nhiều hơn so với từ loại khác. Tính từ là công cụ tốt của dụng pháp. Việc mở rộng cấu trúc của tính từ trong sử dụng cũng không ngoài mục tiêu đó.
Việc đầu tiên mở rộng cấu trúc tính từ là tạo ra những tính từ đa tiết. Đầu tiên là tính từ tổng hợp mà dạng song tiết là nhiều nhất như nhẹ nhàng, xinh xắn, thơm phức, méo mó, ngắn ngủn, v.v. Điều này khác với danh từ. Danh từ tổng hợp, như chúng tôi đã nói, có ý nghĩa khái quát hơn, trừu tượng hơn, ví dụ như nhà và nhà cửa, đất và đất đai, áo và áo quần, vườn và vườn tược, thì danh từ tổng hợp có trừu tượng hơn và khái quát hơn. Nhưng tính từ mở rộng cấu trúc theo kiểu tổng hợp như vậy thì đa phần chúng là thêm vào các yếu tố không có nghĩa như ối trong đỏ ối, lè trong xanh lè, phau trong trắng phau, đủi trong đen đủi, v.v. Thêm vào đó nó không làm cho tính từ trừu tượng hơn mà ngược lại miêu tả sẽ cụ thể hơn, chi tiết hơn. Ở đây ngoại diên đã làm cho nội hàm được bổ sung chi tiết. Nhưng nói như vậy không phải là chưa đủ vì có nhiều tính từ tổng hợp vẫn có tính chất khái quát hơn. Ta thấy các tính từ lặp nguyên dạng như xanh xanh, đo đỏ, nặng nặng, lành lạnh, nhè nhẹ, cao cao... Một vài nhà Việt ngữ học cho rằng khi lặp lại như vậy tính từ hình như biểu thị một ý nghĩa ngữ pháp là giảm bớt mức độ, nhưng chúng tôi thì không nghĩ như thế. Tất cả các tính từ đơn ở dạng lặp thì ý nghĩa của nó trong trường hợp này, trở nên trừu tượng hơn, đặc trưng tính miêu tả cụ thể giảm đi chứ không giảm mức độ. Ở đây người nói có ý thức về cách dùng miêu tả đó. Chúng ta thấy trong câu Kiều dưới đây có hiện tượng chúng tôi đề cập:
Cùng trông lại và cùng chẳng thấy,
Chỉ xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai
Ở đây tính từ “xanh” xuất hiện với hai biến thể, thứ nhất là xanh xanh, thứ hai là xanh ngắt. Không thể nói xanh xanh trừu tượng hơn, còn xanh ngắt là cụ thể hơn, đó là hai cách mô tả. Người bản ngữ biết rõ thế nào là miêu tả đấy. Với xanh xanh, nó biến đặc trưng thành trạng thái, do đó nó có mờ đi. Chính điều đó sẽ thể hiện nhận xét của người nói. Chúng ta thấy trong chức năng định ngữ hay vị ngữ những dạng mở rộng kiểu này thường được sử dụng. Ở đây khả năng mở rộng song tiết là nhiều nhất. Tuy nhiên cũng có cả loại mở rộng cấu trúc theo tam hoặc tứ. Ví dụ như sát sàn sạt, sạch sành sanh. Đặc biệt là cấu trúc mở rộng 4 tiếng như đủng đà đủng đỉnh, vuông vuông tròn tròn, ít ít nhiều nhiều, xanh xanh đỏ đỏ... nhưng phổ biến hơn vẫn là dạng song tiết, nhưng song tiết không phải chỉ có một biến thể mà có nhiều biến thể khác nhau. Chúng ta thấy “đen” là một tính từ chỉ màu sắc nhưng còn có các từ: đen đủi, đen nhánh, đen kịt, đen thui, v.v. Xanh, cũng thế: xanh lè, xanh lét, xanh le, xanh xao... Đặc biệt, kết cấu xanh xám chỉ một trạng thái chứ không phải là chỉ màu sắc nữa. Ví dụ như “Nét mặt anh ấy bỗng trở nên xanh xám”. Đó là một loại yếu tố ngữ dụng rất quan trọng. Ở đây không phải là một khả năng, hai khả năng mà có ba bốn khả năng mở rộng cấu trúc khác nhau. “Bẹp” thì bẹp dí, bẹp dúm, “cằn” thì có cằn cọc, cằn cỗi, “vội” thì có vội vã, vội vàng, “ấm” có ấm áp, ấm cúng, “bạc” thì có bạc bẽo, bạc phếch bạc phơ, “bận” thì bận bịu, bận rộn, “bé” thì bé tí, bé tẹo, bé bỏng, “chậm” thì chậm chạp, chậm rì, chậm rãi, v.v. Nhiều tính từ có rất nhiều khả năng như từ “lạnh” có: lạnh lẽo, lạnh lùng, lạnh buốt, lạnh tanh, lạnh toát, lạnh nhạt. Ở đây chúng ta thấy những từ kiểu như thế giúp người ta mô tả, ví như tính từ “xa” giúp hình dung khoảng cách như xa lắc, xa lơ, xa xôi, trừu tượng hơn còn có xa vời, xa xăm, xa thẳm, không có giới hạn thì xa tít, xa tắp. Theo thống kê của một khoá luận tốt nghiệp [ ] thì trong số 138 tính từ thì đại bộ phận là tính từ có khả năng mở rộng cấu trúc với những biến thể khác nhau chúng chiếm khoảng 56%, hai khả năng là 17%, một khả năng là 25%. Điều quan trọng nhất là tính từ được người bản ngữ nói vừa như một mô tả vừa kiêm nhận xét, vì vậy tính chủ quan từ người nói khá rõ. Khi nói “xanh lè” thì mô tả là rất xanh rồi nhưng “xanh lè” còn là nhận xét, nhưng lại có ý chê (“Chuối này xanh lè thì ăn sao được”). Quan điểm của tôi là phát ngôn này đã gây ra hiệu ứng tâm lí đối với người nghe. Khả năng mở rộng tính từ cũng nằm trong khả năng biến đổi cấu trúc của từ nói chung. Biến đổi cấu trúc từ trong ngữ bản tiếng Việt không phải là biến đổi theo kiểu Âu châu, vốn biến đổi theo hình thái nhân diễn đạt các khía cạnh ngữ pháp đối lập của các phạm trù ngữ pháp. Trong tiếng Việt, các biến đổi cấu trúc từ thiên về biến đổi từ vựng có tính ngữ dụng. Những tính từ được lặp lại chúng ta thấy như bụi mù bụi mịt, bố láo bố lếu, chậm chà chậm chạp, điên điên khùng khùng, khô không khốc, lạch bà lạch bạch,... Những từ đó ngữ nghĩa rất đa dạng và sắc thái rất mỏng manh nhưng là công cụ rất tốt để miêu tả. Tất nhiên trong tiếng Việt không phải từ láy nào cũng là tính từ, các kết cấu như: điệp điệp trùng trùng, đỏng đà đỏng đảnh, hổn hà hổn hển, kĩu ca kĩu kịt,... Đó là các từ láy âm, dạng láy 4, không hẳn là tính từ. Nhưng tính từ khi mở rộng cấu trúc thì đã chịu áp lực của loại kết cấu này. Do áp lực kết cấu thì mới mở rộng được nghĩa, sự tăng cường ngoại diên để cụ thể hoá, mở rộng cho nội hàm tính từ. Đóng vai trò của nội hàm bao giờ cũng là một tính từ chính danh, còn yếu tố ngoại diên thì chỉ người Việt mới hiểu được: Thế nào là vắng ngắt, thế nào là vắng tanh, thế nào là vắng teo. Nếu ai phiên dịch tiếng Việt ra tiếng nước ngoài và ngược lại thì phân biệt nghĩa giữa những từ này là rất khó. Thay vì nói “không nhiều” thì người Việt nói là: “Nhiều nhặn gì cho cam”, đó vừa là lời giải thích, vừa là biện minh, vừa là phàn nàn. Ở đây tình thái và ngữ dụng đan xen vào nhau. Khía cạnh này từ trước đến nay ít có công trình nào nghiên cứu chi tiết, đặc biệt là với tính từ chỉ màu sắc và tình cảm, ví dụ “buồn”: buồn thiu, buồn tẻ, buồn tênh, buồn so,... Thế nào là buồn thiu, thế nào là buồn tẻ, thế nào là buồn tênh, thế nào là buồn so, nét khu biệt rất tinh tế. Khi đọc câu thơ “Sự đời nghĩ kĩ thật buồn tênh”, từ “buồn tênh” ở đây khác với “buồn thiu” và cũng khác hẳn với “buồn so”. Những tính từ kiểu này các nhà thơ thường sử dụng rộng rãi. Dạng mở rộng tính từ là một phương tiện hữu hiệu trong biểu đạt ngữ dụng, gắn ngôn ngữ với ngữ cảnh, với người nói trên cơ sở các tham tố kết cấu đã được ngữ pháp hoá, tức là được mã hoá trong ngôn ngữ. Theo đó, những kết cấu buồn tanh, buồn thiu, buồn so đều đã được ngữ pháp hoá và người Việt Nam sử dụng nó như một chùm biến thể. Những ví dụ thì có rất nhiều nhưng mục tiêu của chúng ta là tập trung phân tích những khía cạnh chức năng của tính từ nhất là với dạng mở rộng. Một khổ thơ “tiền chiến” có màu sắc lãng mạn thì tính từ tổng hợp có dạng song tiết đã được sử dụng rất có hiệu quả.
Tiếng diều sáo nao nao trong vắt,
Trời cao cao xanh ngắt màu lơ
Thuyền trôi, nước chảy lững lờ,
Hàng cây lặng đứng bên bờ trông mong.
Các yếu tố đã được mã hoá và mã hoá này đã được cộng đồng bản ngữ tri nhận như dấu ấn được quy ước. Âm điệu của kết cấu cho phép tính từ tham gia vào âm điệu của thơ. Thứ nữa là phương thức biểu nghĩa của nó luôn liên quan đến nhận xét của người nói, khi họ mong muốn có sự chia sẻ của người nghe từ phát minh của mình.
Chức năng của tính từ tiếng Việt trong khi làm vị ngữ thì nhiều tác giả có nhận xét là nó giống như động từ, nhưng ta cần phân tích xem nó giống thì giống đến đâu và giống ở phương diện nào?. Trên phương diện nghĩa thì tính từ chắc chắn khác với động từ. Tính từ chỉ ra cái đặc trưng của chính động từ (như đi nhanh, hát hay, học giỏi). Khi xuất hiện trong vị ngữ thì tính từ không chỉ đặc trưng miêu tả thông thường nữa, khi làm định ngữ cho danh từ như nhà cao, cửa rộng, sách hay,... thì đó là định ngữ, còn khi nói nhà này cao, cửa này rộng, sách này hay, thì cao, rộng, hay lúc đó được nhìn như những sự tình. Đã là sự tình thì nó luôn luôn được người nói nhận định (statement). Vì nhận định nên nó có tình thái, có quan hệ với ngữ cảnh và thậm chí nó có cả tiền giả định trong câu nữa. Chức năng định ngữ thì không có như vậy. Tính từ khi làm định ngữ nó biểu đạt đặc trưng với tư cách là dán nhãn chứ không phải đặc trưng theo sự tình. Khi người ta nói: “Cuốn sách đắt là cuốn mà tôi vẫn muốn mua”, khác với: “Cuốn sách ấy đắt là vậy mua làm sao được”. Cấu trúc “đắt là vậy” là cấu trúc tiêu điểm có tính tình thái rõ rệt. Quan điểm của người nói sau bình phẩm, khiến người ấy ra quyết định là sẽ không mua. Vì vậy, các tính từ khi làm vị ngữ, ở dạng mở rộng, thì có cả phụ ngữ ví dụ, ví dụ: “Họ nướng cá làm thơm phức cả căn phòng”. “Cả căn phòng”, trong trường hợp này, là bổ ngữ hay là thành phần gì của câu thì cũng phải suy tính. Đây là trường hợp có tính nước đôi, khi ở dạng mở rộng vị ngữ thì nó có khác với động từ. Khi làm vị ngữ tính từ không phải lúc nào cũng giống động từ, căn bản là vì nó phụ thuộc rất nhiều vào nhân tố giao tiếp trong đó có nhân tố của người nói. Tính từ tham gia vào vị ngữ nhưng nó không trở thành bộ phận hay đã hoà hết vào khái niệm “vị từ”. Xét về phương diện từ loại thì tính từ bao giờ cũng là từ loại độc lập, nó liên hội liên hội với động từ tiếng Việt nhưng nó vẫn là hai chứ không phải là một phạm trừ từ vựng - ngữ pháp. Tiếng Việt khác với ngôn ngữ Âu châu là ở chỗ tính từ Âu ngữ ở đây thuộc vể nhóm “danh” (Nominal) còn tính từ tiếng Việt thiên về nhóm “vị tính”, (Pradicative) tức là Vị từ. Vị từ là một không gian rộng để các từ loại nhìn từ phương diện chức năng có thể hoạt động được. Động từ cũng là vị từ, giới ngữ cũng có thể tham gia vào đây. Ngôn từ chúng ta hay nói trong đời sống hiện nay là “hoà nhập nhưng không hoà tan”, đó là quan hệ giữa động từ và tính từ tiếng Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Austin J.L, 1962, How to do things with words, Cambridge (Mass.), Harvard University Press.
2. Bally Chi., 1944 Linguistique generale et linguistique francaise, Berne.
3. Belnap N.& Stil T., 1981, Logika voprosovi otvetov, Moxkva: Progress.
4. Benveniste E., 1966, Problemes de linguistique generale, Paris: NRF.
5. Cao Xuan Hao, 1991, Tieng Viet - So thao ngu phap chuc nang, Q.1, TP. HCM, Giao Duc, 2005, Hanoi.
6. Cao Xuan Hao (chu bien), 2005, Ngu phap chuc nang tieng Viet (quyen 2: ngu doan va tu loai, Giao duc, Hanoi.
7. Chafe W.L., 1970, Meaning and the Structure of language, Chicago.
8. Chao Yuen Ren, 1968, A Grammar of Spoken Chinese, Berkeley & Los Angeles.
9. Chomsky N., 1957, Syntactic Structures, The Hague: Mouton.
10. Dik S.C., 1978 Functional Grammar, Dordorecht: Foris
11. Ducrot O., 1972 Dire et ne pas dire. Principesde semantique linguistique, Paris: Herman.
12. Dinh Van Duc, 1986, Ngu phap tieng Viet: Tu loai, DH&THCN, Hanoi.
13. Dinh Van Duc, 2001, Ngu phap tieng Viet: Tu loai, DHQG HN, Hanoi.
14. Do Huu Chau, 1986, Cac binh dien cua tu va tu tieng Viet, KHXH, Hanoi.
15. Do Huu Chau & Bui Minh Toan, 2003, Dai cuong Ngon ngu hoc, tap II, Giao duc, Ha noi.
16. Fillmore Ch.J., 1977. The Case for Case reopened. In: Cole&Sadock (eds) Grammatical relations. Syntax and Semantics vol 8. New-York, Academic Press.
17. Givon T., 1979, On Understanding Grammar. New-York: Academic Press
18. Hagege Cl., 1982, La structure dex langues, Paris, P.U.F. C.p. 2eme ed. corrigee 1986.
19. Halliday M.A.K., 1985, An In troduction to Functional Grammar. London. Arnold.
20. Hoang Phe, 1989, Logic Ngon ngu hoc, KHXH, Hanoi.
21. Hoang Tue, Le Can, Cu Dinh Tu, 1962, Giao trinh ve Viet ngu, Giao duc.
22. Hoccket Ch.F . 1958. A course in Modern Linguistics. Toronto.
23. Huynh Van Thong, 2004, Vi tu tinh thai trong tieng Viet, Luan an TS Ngu van, DHQG TP Ho Chi Minh.
24. Keenan E.L. 1976, Towards a Universal Definition of “Subject”. In: Ch.Li (ed) 1976.
25. Li Ch.N.& Thompson S.A. 1976, Subject and Topic: anew tipology of language, In: Li Ch.(ed) 1976,457-489.
26. Lyons J., 1968, Introduction to Theoretical Linguistics. Cambridge: Cambridge University Press.
27. Ly Toan Thang, 1981, Gioi thieu ly thuyet phan doan thuc tai cau, Ngon ngu, so1/1881.
a. Martinet A., 1975, Studies in Functional Syntax. Munchen: Finck
28. Nguyen Minh Thuyet & Nguyen Van Hiep, 1998, Thanh phan cau tieng Viet, Giao duc, Hanoi.
29. Nguyen Tai Can, 1975, Tu loai Danh tu tieng Viet, KHXH, Hanoi.
30. Nguyen Tai Can, 1975, Ngu phap tieng Viet, tieng-tu ghep-doan ngu, Dai hoc & Trung hoc chuyen nghiep, Ha noi.
31. Nguyen Kim Than, 1963, Nghien cuu Ngu phap tieng Viet (I), KHXH, Hanoi.
32. Nguyen Kim Than, 1977, Tu loai dong tu tieng Viet, KHXH, Hanoi.
33. Nguyen Thi Quy, 1997, Vi tu hanh dong tieng Viet va cac tham to cua no, Hanoi, Khoa hoc Xa hoi.
34. Panfilov V.S., 1992, Co cau ngu phap tieng Viet, St-Petersbourg, ban dich tieng Viet cua Nguyen Thuy Minh, Nguyen Xuan Hoa ( Luu hanh noi bo), DH KHXH&NV Hanoi, Hanoi.
35. PanfilovV.Z., 1968, Grammar and logic, The Hague-Paris:Mouton
36. Robins R.H. General Linguistics. An Introductory Servey, London.
37. Searle J.R., 1960, Speech Acts: An Essay on the Philosophy of language. Cambridge University Press.
38. Sechehaye A., 1926, Essai sur la structure logique de la phrase, Paris.
39. Tesnierre L., 1959, Elements de syntaxe structurale, Paris: Klincksieck.
40. Thompson L.C., 1965, A Vietnamese Grammar, Seattle&London: University of Washington Press.
41. Truong Van Chinh & Nguyen Hien Le,1963, Khao luan ve Ngu phap Viet nam, Hue: Vien Dai hoc
42. Van Valin & Foley W.1980. Role and Reference Grammar. In: Syntax and Semantics.
43. Vo Dai Quang, 2005, Mot so van de Cu phap, Ngu nghia, Ngu Dung& Am vi hoc, Van hoa-Thong tin, Hanoi.
Nguồn: Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba, 2008
|