Chúng ta thử phân tích ngữ nghĩa của câu:
(1) Bài toán trước mà nó còn làm được, huống hồ bài này.
Ai cũng hiểu rằng ý câu này muốn nói:
(2) Bài toán này nhất định nó làm được.
Nhưng cái ý này không được nói ra trực tiếp. Người nghe phải phân tích, suy ra mà tự hiểu lấy. Nói cách khác, nó là hàm ngôn (cụ thể hơn, là hàm ý) của câu*.
Người nghe suy ra mà hiểu như sau:
Có biết “bài này dễ hơn” thì mới có thể suy ra “bài này nhất định nó làm được”. Mà “bài này dễ hơn” thì ở đây là điều không cần nói cũng biết rồi. Nói cách khác, nó là tiền giả định, là điều được coi như là biết rồi, bất tất phải nói.
Chúng ta so sánh hai câu sau đây:
(3) Bốn người khiêng cái hòm này cũng không nổi, huống hồ hai người.
(4) Bốn người ở cái nhà này còn rộng chán, huống hồ hai người.
Người nghe suy ra mà hiểu như sau:
Ở hai câu (3) và (4), tiền giả định có khác nhau, nhưng nội dung đều là một quan hệ so sánh giữa hai trường hợp, “hai người” và “bốn người”; nếu bốn người là không đủ sức (để khiêng cái hòm), thì hai người lại càng không đủ sức bằng; nếu bốn người là ít (so với căn nhà), thì hai người lại càng ít hơn.
Chính từ còn (hoặc từ cũng) ở đoạn trên của câu đã tạo ra khả năng có tiền giả định này. So sánh câu (1) với:
(5) Bài toán trước mà nó còn làm được, thì bài này...
Câu này chưa trọn vẹn, nhưng chỉ cần nói đến đây cũng đã thấy có tiền giả định “bài này dễ hơn”. Trên cơ sở tiền giả định đó, huống hồ cho phép suy ra một hàm ý, và đây là chỗ khác nhau giữa huống hồ với thì, làm cho nếu câu (5) là câu không trọn vẹn, thì câu (1) là câu hoàn toàn bình thường.
Có thể khái quát như sau:
Câu có huống hồ là kiểu câu:
x còn A (hoặc x cũng A), huống hồ y
Kiểu câu này có:
- Tiền giả định: y hơn x (nói về mặt điều kiện để có thể A).
- Hàm ý: y nhất định A.
Sở dĩ có tiền giả định và hàm ý trên đây là do những từ còn (hoặc cũng) và huống hồ. Tiền giả định cụ thể và hàm ý cụ thể tuỳ thuộc câu, cho nên không thuộc nội dung nghĩa của còn (cũng) hoặc huống hồ. Nhưng mặt khác, chức năng ngữ nghĩa của còn/cũng và huống hồ chính là, và chỉ là thực tại hoá cái tiền giả định ấy (còn/cũng), và trên cơ sở tiền giả định tạo ra cái hàm ý ấy (huống hồ). Cho nên lại có thể nói rằng cấu trúc ngữ nghĩa của còn/cũng và huống hồ gồm có, và chỉ gồm có hoặc một tiền giả định tiềm tàng hoặc một hàm ý tiềm tàng, tiền giả định và hàm ý tiềm tàng này được hiện thực hoá trong câu. Kiểu câu x còn/cũng A, huống hồ y có hàm ý là kết luận được rút gọn (y nhất định A) của một suy diễn rút gọn (x thì A, mà y hơn x về mặt điều kiện để có thể A), suy diễn này có một tiền đề (y hơn x) có dạng một tiền giả định ở nội dung chính của nó (hơn x).
So sánh câu (1), có hàm ngôn, với lối nói không dùng hàm ngôn:
(6) Bài toán trước mà nó còn làm được, thì bài này (dễ hơn), thế nào nó cũng làm được.
Từ huống hồ cho phép nói gọn hơn, tiết kiệm hơn: không những cái dễ hơn của bài toán sau trở thành điều bất tất phải nói (tiền giả định), mà ngay cái việc bài toán sau thế nào nó cũng làm được, tức là nội dung thông báo chính, cũng đã trở thành điều không cần phải nói rõ ra nữa, vì người nghe đã có thể tự mình hiểu lấy (hàm ý).
Nhưng không phải chỉ có gọn hơn, tiết kiệm hơn. Nhiều khi cái nội dung - hàm ngôn - diễn đạt được nhờ dùng thêm chỉ một từ huống hồ (một hư từ) lại phong phú và sâu sắc đến mức thật khó mà diễn đạt trực tiếp bằng hiển ngôn một cách đầy đủ được. Thí dụ:
(7) Đối với mẹ nó, nó còn ăn ở như thế, huống hồ đối với ai.
Tiền giả định trong câu này là: ai cũng không thân thiết bằng mẹ, và hàm ý là: đối với ai nó cũng ăn ở tệ bạc, chẳng ra gì. Nhưng đó là nói đại khái như vậy, chứ ý chính của câu này mà nói “rõ” ra thì quả là đã mất mát đi không ít. Để cho người nghe tự hiểu lấy, thì có thể nói được nhiều hơn, sâu sắc hơn.
Từ những phân tích trên, chúng tôi nghĩ có thể kết luận rằng:
1/ Có những từ mà ngữ nghĩa không thể tách rời ngữ nghĩa của câu. Trong những trường hợp này, càng phải xuất phát từ ngữ nghĩa của câu mới có thể hiểu được cụ thể và đầy đủ ngữ nghĩa của từ.
2/ Có những từ mà chức năng ngữ nghĩa là thực tại hoá một tiền giả định hoặc tạo nên một hàm ý của câu. 3/ Những từ thông thường gọi là hư từ, như huống hồ, cũng, còn, trong nghĩa nói đến ở đây, thường có một hàm lượng ngữ nghĩa rất lớn, và nghĩa của nó có một vai trò rất quan trọng trong cấu trúc ngữ nghĩa của câu.
1982
Nguồn: HOÀNG PHÊ - Tuyển tập Ngôn ngữ học.
NXB Đã Nẵng 2008.
|