Ngôn ngữ

Biến đổi của tiếng Việt trong thời kì giao lưu và hội nhập quốc tế


14-10-2020
Tác giả: Vương Toàn
Biến đổi của tiếng Việt trong thời kì giao lưu và hội nhập quốc tế
     

PGS TS VƯƠNG TOÀN
Viện Thông tin Khoa học Xã hội

1. Nhu cầu mới về ngôn ngữ trong thời kỳ giao lưu và hội nhập quốc tế

Chúng ta bước vào thời kỳ giao lưu và hội nhập quốc tế là khi đất nước thực sự bước vào công cuộc đổi mới, và cũng là khi mà xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam đã có tên trong bảng “chỉ số toàn cầu hoá”[1]. Chân trời đang rộng mở đón chúng ta. Đương nhiên cùng với những thuận lợi cũng là nhiều thách thức.

Như một cơ thể sống, để phát triển, mỗi sinh ngữ đều không ngừng chọn lọc, rồi đi đến tiếp thu một số yếu tố mới, trong khi một số yếu tố cũ có thể dần dần bị loại trừ, và trở thành “lỗi thời”. Là một sinh ngữ, tiếng Việt đã tỏ rõ sức sống của mình, thể hiện qua những biến động trong giao lưu văn hoá - xã hội của thời kỳ hội nhập để phát triển đất nước.

Những biến động của tiếng Việt diễn ra cả ở vai trò hành chức lẫn những thay đổi nội tại, trong đó đáng kể nhất phải nói đến xu hướng quốc tế hoá. Nhưng nếu không hạn chế đúng mức, thì đôi khi xu hướng này cũng rất dễ quá đà, có thể chệch xa khỏi những gì được coi là truyền thống của một ngôn ngữ đã có bề dày lịch sử, khiến cho không ít người phải băn khoăn, chỉ vì lòng yêu mến ngôn ngữ của dân tộc. “Bảo lưu” hay thay đổi thế nào là “phù hợp”, nhân danh “phát triển”, đó là điều luôn đặt ra cho các sinh ngữ trên thế giới.

Trước những biến đổi của tiếng Việt trong thời kỳ mới, trong bài “Thời @ - Không ai quên chữ Việt”, một câu hỏi từng được đặt ra là: “Tại sao không phân tích rõ ra nguyên nhân, diễn biến, hệ quả của việc thay đồi tính truyền thống của ngôn ngữ dân tộc trong thời hội nhập... Tại sao không nhìn nhận sự tiến hoá của ngôn ngữ mà lại ôm chặt vào tính truyền thống. ... Vấn đề là ở chỗ phải tìm ra cách thay đổi cho phù hợp với thời đại... ”.[2]

Trong báo cáo khoa học này, trước hết chúng tôi muốn đi sâu phân tích một số biến đổi về mặt hành chức ngôn ngữ, nghĩa là xét ở vai trò mới và vị thế mới - vị thế ngôn ngữ quốc gia, hay ít ra là ngôn ngữ chính thức - của tiếng Việt, trong đời sống văn hoá - xã hội ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, trong thời kỳ giao lưu và hội nhập quốc tế.

Và tiếp đó là nhấn mạnh rằng trong điều kiện giao lưu văn hoá mới đó, có những nét mới xuất hiện trên các cấp độ thuần tuý ngôn ngữ học mà ta dễ dàng có thể ghi nhận. Xu thế quốc tế hoá nổi lên rõ ràng, song không ít những bất cập cũng được đặt ra, khi ta chưa đề ra được những giải pháp đồng bộ. Nhìn một cách tổng thể thì haiphương diện xã hội-ngôn ngữ học này tương tác với nhau, khiến cho diện mạo tiếng Việt có những thay đổi, cùng với vai trò ngày càng rộng mở của nó, với vị thế mới trong đời sống văn hoá - xã hội ở Việt Nam và trên thế giới. Và trong bối cảnh đó, chúng ta có thể và cần làm những gì, vì tương lai tốt đẹp của tiếng Việt.

2. Vai trò và vị thế mới của tiếng Việt trong đời sống văn hoá - xã hội ở Việt Nam

Xét trong lịch sử, chúng ta nhận thấy tiếng Việt có vai trò và vị thế mới trong đời sống văn hoá - xã hội ở trong nước, đó là: tính thống nhất trong đa dạng phương ngữ và tính đại diện cho nước Việt Nam đa dân tộc, đa ngôn ngữ.

2.1. Tiếng Việt của đất nước Việt Nam thực sự thống nhất có đặc điểm là rào cản phương ngữ đang được vượt qua, đang hình thành tiếng Việt thống nhất về chữ viết nhưng đa dạng về cách phát âm theo phương ngữ; một số yếu tố từ vựng vượt khỏi ranh giới phương ngữ.

Chúng tôi đã có dịp đề cập đến hiện tượng này ở Hội thảo lần trước[3]. Điều mà chúng tôi quan tâm là không chỉ ở miền Bắc mà cả ở miền Trung và miền Nam, nhất là tại các trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội lớn, chúng ta đang chứng kiến quá trình đa dạng hoá phương ngữ. Nó diễn ra bắt dầu từ cá nhân, rồi sang nhóm cá nhân,... do quá trình chuyển cư và hoà nhập đang diễn ra ngày càng mạnh.

Tiến hành so sánh, đối chiếu về nguồn gốc của những đơn vị từ ngữ mới trên tư liệu các báo “Nhân dân”, “Quân đội nhân dân”, “Sài Gòn giải phóng” và “Hà Nội mới” (giai đoạn 1986-2000), Bùi Thanh Lương (2005) cho thấy có sự kết hợp giữa yếu tố toàn dân với các phương ngữ, ví như: rượt đuổi, in sang, xập xệ, say xỉn, mập phì, miệt vườn, phòng mạch, chợ quê,... nặng ký, nhẹ ký,... Một số từ được sử dụng rộng rãi, không còn bó hẹp trong một địa phương nhất định: phòng mạch - phòng khám, ký - cân, xỉn - say, thiệt - thật, phì - mập, kiểng - cảnh,...

Trong đời sống ngôn ngữ, các yếu tố phương ngữ là những nét đặc trưng, góp phần hình thành bản sắc cho lời ăn tiếng nói của người dân ở mỗi địa phương. Nếu trước đây ít có khả năng thì nay, nhờ sức mạnh dễ quảng bá của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các phương tiện nghe nhìn, một số yếu tố phương ngữ được hoà nhập vào ngôn ngữ toàn dân, tạo nên những biến thể khác nhau, đa dạng hoá cách diễn đạt, làm cho tiếng Việt ngày thêm phong phú.

Nghiên cứu về đa dạng phương ngữ trong ngôn ngữ thống nhất không dừng ở xây dựng ngành phương ngữ học, bổ sung cho ngôn ngữ học lý thuyết mà còn góp phần vào ngôn ngữ học ứng dụng, đó là việc rất nên giảng dạy các biến thể phương ngữ. Như vậy, trong phần chương trình dành cho các địa phương, rất nên đưa vào giảng dạy chung cho lớp trẻ - ngay ở trường phổ thông - các biến thể phương ngữ, rồi có thể nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa tiếng địa phương với các phương ngữ khác, trong quá trình hình thành tiếng Việt thống nhất.

2.2. Tiếng Việt là ngôn ngữ chung của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Từ lâu, nó đã được gọi là “tiếng phổ thông”. Trong đời sống ngôn ngữ của đất nước thời kỳ giao lưu và hội nhập quốc tế, tiếng Việt càng thể hiện rõ không chỉ là ngôn ngữ của riêng dân tộc Kinh. Vai trò “tiếng phổ thông” của tiếng Việt được khẳng định và ngày càng phát huy cả trong đời sông ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Thể hiện cụ thể nhất là số lượng người thiểu số sử dụng tiếng Việt tăng lên không ngừng. Hiện tượng song ngữ tiếng Việt - tiếng dân tộc ngày càng nổi lên như một xu thế tất yếu trong mọi môi trường giao tiếp, từ truyền thống đến hiện đại.

Thật vậy, tiếng Việt đã có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của đồng bào. Số người dân có năng lực song ngữ tăng lên, đặc biệt là không ít còn người nói được 3, 4 thứ tiếng. Trạng thái đa ngữ xã hội trên địa bàn phổ biến và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, mức độ sử dụng tiếng Việt không như nhau, có người chỉ có thể nói những câu đơn giản trong giao tiếp thông thường, nhưng lại có những người sử dụng khá thành thạo. Đáng chú ý là những người ở độ tuổi từ 21 đến 59 là lớp người có năng lực đa ngữ tốt nhất. Do có nhiều điều kiện tiếp xúc với người Kinh, nên vốn ngôn ngữ của họ tương đối tốt. Tại các cơ quan hành chính, giáo dục, phúc lợi xã hội ở thị trấn, nông thôn mọi người thường dùng tiếng Việt, khi làm các thủ tục hành chính, liên hệ công việc. Cán bộ là người dân tộc hầu hết đếu có khả năng sử dụng tiếng Việt.

Tuy nhiên, cơ quan hành chính một số bản và xã vẫn sử dụng song ngữ. Các phương tiện thông tin đại chúng cấp bản và xã cũng như giao tiếp ở trường học thì song ngữ chiếm ưu thế. Nhưng các cơ quan hành chính huyện và tỉnh chỉ dùng tiếng Việt. Từ những khảo sát ở các vùng có tiếng mẹ để và ngôn ngữ vùng khác nhau, chúng ta nhận thấy rằng trạng thái song/đa ngữ ở đây phần lớn là song/đa ngữ bình đẳng, nghĩa là hai ngôn ngữ được sử dụng với tần suất gần như tương đương và hỗ trợ cho nhau trong hoạt động giao tiếp. Điều này khẳng định vai trò ngôn ngữ quốc gia của tiếng Việt cũng như chức năng là phương tiện hữu hiệu giúp các dân tộc hoà nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Cho đến nay, trong thực tế vẫn có một số ít người dân tộc thiểu số chưa biết (hiểu) tiếng Việt, nhưng chủ yếu đó là những người dân cư trú ở những vùng hẻo lánh xa xôi, chắc hẳn không có nhu cầu giao lưu quốc tế bằng tiếng mẹ đẻ của mình... Không nói đến các vị lãnh đạo cao cấp mà chỉ nói đến số cán bộ bình thường, vốn là người dân tộc thiểu số, thì ta thấy khi giao tiếp với người nước ngoài, không mấy khi họ sử dụng đến tiếng mẹ đẻ của mình (trừ khi trao đổi về chính các ngôn ngữ ấy).

Không muốn dừng ở vị thế “tiếng phổ thông”, một số nhà nghiên cứu cũng đã nói đến vai trò “ngôn ngữ quốc gia” của tiếng Việt. Bởi trong thực tiễn, tiếng Việt đã có được vị thế là ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, như đã phân tích ở trên.

3. Vai trò và vị thế mới của tiếng Việt trong đời sống văn hoá - xã hội quốc tế

3.1. Khi đất nước có sự chuyển mình, hoà nhập vào đời sống chính trị-kinh tế, và văn hoá-xã hội trên trường quốc tế, thì tiếng Việt càng có được vị thế mới là ngôn ngữ làm việc (langue de travail - có thể qua phiên dịch, và đặc biệt là nó được thừa nhận là một trong các ngôn ngữ chính thức (langue officielle) sử dụng trong các hội nghị, hội thảo quốc tế, nhất là khi chúng được tổ chức tại Việt Nam.

Như vậy là trong những hoàn cảnh nhất định, tiếng Việt đã được “sánh vai” cùng những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Chẳng hạn như trong thông tin mới đây về việc “Việt Ngữ được chọn là 1 trong 7 ngôn ngữ chính thức trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 Sydney”[4].

Nhờ sự tiến bộ của điều kiện khoa học kỹ thuật truyền thông đã đến với nước ta, việc dịch song song (cabine) cho phép diễn giả có thể trình bày liên tục trên diễn đàn bằng tiếng Việt, mà cử toạ vẫn có thể nghe hiểu bằng (các) ngoại ngữ thích hợp với mình.

Điều này cũng cho phép khắc phục rào cản ngôn ngữ, nói đúng hơn là trở ngại do khả năng còn yếu kém về ngoại ngữ phổ biến là tiếng Anh, của một số người đã lớn tuổi, do quá trình đào tạo trước đây, lại không có quỹ thời gian để bổ khuyết một sớm một chiều.

Nước Việt Nam ngày càng có vị trí xứng đáng của nó trên trường quốc tế, Việt Nam học ngày càng được quan tâm, thì tiếng Việt càng được nhiều người cần biết đến, và Việt ngữ học được giới nghiên cứu ngoài nước ngày càng quan tâm. Lẽ đương nhiên, mỗi người, mỗi tổ chức có mục đích học tập, khảo cứu của mình. Chương trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, và đặc biệt là cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài được chú ý, không chỉ trong hệ thống giáo dục, mà trên cả các phương tiện truyền thông hiên đại như phát thanh và truyền hình. Ngôn ngữ được dùng để chuyển tải, cùng với các giáo trình tiếng Việt được biên soạn, nay thật đa dạng. Không như trước đây, chỉ dừng ở những ngoại ngữ có tầm phổ biến rộng trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Pháp,... mà nay còn thông qua (các) ngôn ngữ khác cũng có nhiều người muốn học: Nhật, Hàn,... Mục đích chủ yếu là cốt sao tiếng Việt đến được nhanh nhất với người cần học, bằng những phương tiện có hiệu quả nhất.

Không bó hẹp ở một vài địa chỉ là Khoa Tiếng Việt hay Trung tâm nghiên cứu Việt Nam của Đại học Tổng hợp Hà Nội, và Cục phục vụ Ngoại giao đoàn,... như suốt trong thời kỳ trước, người nước ngoài đến Việt Nam nay có thể học tiếng Việt ở nhiều địa chỉ tin cậy như: Viện Ngôn ngữ học, Đại học Hà Nội, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), Khoa Việt Nam học (Đại học Sư phạm Hà Nội),... Đáng chú ý là có đến hàng trăm sinh viên Trung Quốc hiện đang theo học chương trình đại học và sau đại học tại khoa Ngôn ngữ học, trong chương trình hợp tác đào tạo tiếng Việt được ký với trường Đại học KHXH và NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó là chưa kết không ít tổ chức xã hội và cá nhân có kinh nghiệm thường tổ chức các lớp dạy cấp tốc cho các quan chức hay chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam.

Ngoài những địa điểm truyền thống ở Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ,..., các giảng viên tiếng Việt nay được mời thỉnh giảng ở các học viện nổi tiếng thuộc nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực, như: Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan,...

Người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Việt kiều, ngày càng đông lên, và vì những mục đích ngày cáng khác nhau: không chỉ vì mục đích chính trị hay học tập mà còn vì mục đích kinh tế. Nhiều người Việt ở nước ngoài vẫn rất muốn các thế hệ con cháu không quên tiếng mẹ đẻ, dù trong điều kiện hàng ngày phải sử dụng tiếng nước ngoài. Đứng về góc độ tiếp xúc ngôn ngữ và giao lưu văn hoá, đó là một hiện tượng rất thú vị, chưa từng có trong lịch sử tiếng Việt và giao lưu văn hoá Việt Nam với thế giới.

Chúng ta xem Việt kiều là một bộ phận của cộng đồng người Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện những quyết sách nhằm giảm bớt sự phân biệt giữa Việt kiều với người dân trong nước... Người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về quê hương: xu hướng hướng về cội nguồn ngày càng rõ nét trong những người đang sống xa Tổ quốc... Đó cũng là những điều kiện thuận lợi cho khơi dậy và phát triển việc dạy tiếng Việt, góp phần nâng cao vị thế của tiếng Việt ở nước ngoài.

Ở cấp quốc gia, ta có Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, ở cấp tỉnh thành, có các Ban liên lạc Việt kiều,... Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, một tổ chức xã hội rộng rãi, tự nguyện, đã được thành lập ngày 2-1-2002. Nhà nước ta trân trọng và khuyến khích kiều bào gìn giữ nguồn gốc và bản sắc dân tộc, trong đó học tiếng Việt là một trong những hoạt động quan trọng nhất. Đó vừa là hành trang vừa là cầu nối của kiều bào ta với cội nguồn dân tộc[5].

3.2. Cùng với việc học và sử dụng tiếng Việt ở nước ngoài, đó là sự phát triển của Việt ngữ học trong ngành Việt học.

Một số Việt kiều không dừng ở truyền bá tiếng Việt mà đã trở thành các nhà nghiên cứu thực thụ và để lại những công trình Việt ngữ học đáng ghi nhận – dù nay một số vị đã đi xa, như GS. Nguyễn Đình Hoà (1924-2000) ở Hoa Kỳ,... Hoặc như GS. TS Nguyễn Phú Phong (1934-2007)là nhà nghiên cứu giảng dạy tiếng Việt nổi tiếng ở Pháp. Ông nguyên là Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, đã từng làm việc nhiều năm tại Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ Đông Á (CRLAO) thuộc Trường Cao học Khoa học Xã hội (EHESS), đồng thời là Chủ nhiệm đệ tam cấp Ban Việt học, khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á tại Đại học Paris VII. Nhiều bài viết được ông công bố trong nước. Cuốn “Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt: loại từ và chỉ thị từ” viết bằng tiếng Pháp đã được dịch ra tiếng Việt[6].

Một Việt kiều khác có nhiều đóng góp cho khảo cứu tiếng Việt là TS Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên. (1932 - 2005). Sinh thời, ông luôn quan tâm và đã viết nhiều bài khảo luận về chữ quốc ngữ và lịch sử của nó. Sau khi giới thiệu “Ngữ pháp tiếng Việt của Đắc lộ 1651” (1993), ông đã có “Công trình nghiên cứu tiếng Việt của một người Thuỵ Sĩ ở Kẻ Chợ Đàng Ngoài Onufre Borgès 1614-1664” và “góp ý với Roland Jacques về công trình nghiên cứu tiếng Việt của mấy người Bồ tiên phong cho tới 1650” (1996). Nhiều công trình đã được ông dịch và giới thiệu bằng tiếng Việt, như “Tự vị Annam Latinh 1772-1773” của Pierre Pigneaux de Béhaine, “Nam Việt dương hiệp tự vi 1838” của J. L. Taberd...

Đáng chú ý gần đây nhất là một Hội nghị quốc tế về tiếng Việt - Lịch sử và Giảng dạy, đã tổ chức vào các ngày 30/6, 1; 7 và 8/7/2007, tại Viện Việt học[7] (Hoa Kỳ) cho thấy nghiên cứu về tiếng Việt để quảng bá và phát triển nó trong tình hình mới, không chỉ là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu trong nước.

Tóm lại, chúng ta nhận thấyvai trò và vị thế mới của tiếng Việt trong đời sống văn hoá - xã hội trên thế giới hiện nay là:Tiếng Việt mặc nhiên khẳng định vị thế là ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức của Việt Nam thống nhất. Tiếng Việt không chỉ được người nước ngoài và cả Việt kiều ở nước ngoài sử dụng (trên cả các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại nhất) và quan tâm nghiên cứu.

Trong mọi hoạt động ngoại giao chính thức hay giao lưu với bạn bè quốc tế, tiếng Việt được mặc nhiên sử dụng với tư cách ngôn ngữ quốc gia (langue nationale) của Việt Nam. Thế nhưng cho đến nay, chưa có một văn bản mang tinh pháp lý nào quy định điều này. Đất nước bước vào giao lưu và hội nhập quốc tế, vai trò “ngôn ngữ quốc gia”, hay ít ra là “ngôn ngữ chính thức” cần được khẳng định bằng thể chế, giống như thông lệ quốc tế.

4. Những nét mới xuất hiện trên các cấp độ ngôn ngữ của tiếng Việt

Khung cảnh xã hội - chính trị ở nước ta từ thời kỳ đất nước bước vào đổi mới (1986), tăng cường giao lưu và hội nhập quốc tế, đã mang lại cho tiếng Việt những thay đổi ngay trong bản thân nó, xét trên các cấp độ ngôn ngữ: từ vựng - ngữ nghĩa, ngữ âm - chữ viết và cách diễn đạt.

4.1. Trước hết, ta có thể nói đến một số từ ngữ mới hay từ cũ nghĩa mới đã xuất hiện hay được khẳng định trong tiếng Việt. Đó là do đất nước đang trên đường phát triển và hội nhập cần đến những từ ngữ mới, thuật ngữ mới để thể hiện những khái niêm mới.

Từ một nền kinh tế theo cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, Việt Nam đã mở cửa hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Kinh tế Việt Nam nay có quan hệ rất mật thiết với kinh tế toàn cầu, cho nên nếu có sự xuất hiện những khái niệm, cùng với nó là từ ngữ biểu hiện, đôi khi “cũ người mới ta”, đôi khi chỉ là dùng từ cũ nay dược dùng với “nghĩa mới”. Đó là điều dễ hiểu, chẳng hạn như: dự án, các nhà tài trợ quốc tế, cáo buộc, cạnh tranhkhông lành mạnh, tiền “bôi trơn”, “lại quả”,...

Việc xuất hiện những từ mới (chưa thấy được ghi trong các tư điển) được lý giải là để đáp ứng nhu cầu mới của đời sống ngôn ngữ. Ví như: doanh nhân, tá hoả,... và ngay cả từ hội nhập,... đều chưa thấy xuất hiện trong hai cuốn Từ điển tiếng Việt, do Văn Tân chủ biên (in lần thứ hai, có chỉnh lý và bổ sung. Nxb KHXH, H., 1977) và do Hoàng Phê chủ biên (Nxb KHXH, H., 1988).

Theo dõi bảng từ trong một loạt sách công cụ cùng mang tên Từ điển tiếng Việt, đủ các cỡ lớn nhỏ, xuất bản, do nhiều nhóm tác giả khác nhau, được in từ đầu thế kỷ XXI, ở các nhà xuất bản khác nhau thì thấy không ít từ điển chưa thấy có mục từ doanh nhân. Chẳng hạn, có thể kể như:

- từ điển của nhóm Nguyễn Ngọc Bích, Trần Thu Hằng,..., in ở Nxb Từ điển bách khoa, 2005.

- từ điển được ghi là 75.000 từ, của nhóm Thái Xuân Dê – Lê Dân, nxb Văn hoá Thông tin, 2006.

- từ điển dành cho học sinh, của nhóm được ghi là Ngôn ngữ học Việt Nam, tái bản có sửa chữa, Nxb Từ điển bách khoa, 2006.

- từ điển được ghi là của Ban biên soạn chuyên từ điển – New Era, nxb Văn hoá Thông tin, 2007.

- từ điển của nhóm Hoàng Long – Gia Huy – Quý An, tái bản lần thứ ba, in ở Nxb Từ điển bách khoa, 2007.

- từ điển dành cho học sinh, được ghi là của nhóm Ngôn ngữ Việt Nam, Nxb Hải Phòng, 2008.

Trong khi đó, cũng xuất bản vào thời kỳ này, các từ điển sau đã có mục từ doanh nhân và được định nghĩa là:

- “người kinh doanh”, trong từ điển của nhóm Hoàng Thắng – Thanh Hương – Băng Cẩm, Nxb Thống kê, 2005, tr. 301.

- “người làm nghề kinh doanh”, trong từ điển của Trung tâm Từ điển học biên soạn, Nxb Đà Nẵng, 2008, tr. 333.

- Hai cuốn từ điển cỡ nhỏ mà cũng có mục từ này và đều được định nghĩa là “người kinh doanh”, trong từ điển được ghi là của nhóm Ngôn ngữ Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa, 2006, tr. 303, và trong từ điển của nhóm Hoàng Thắng – Thanh Hương, Nxb Giao thông vận tải, 2007, tr. 264.

Như thế, doanh nhân được phân biêt khác với từ “phe” được mượn từ tiếng Pháp (affaire) để chỉ những kẻ buôn gia bán lậu.

Đáng chú ý là từ mới có thể được cấu tạo ngay từ những yếu tố đã có trong tiếng Việt. Chẳng hạn như gói cướcgiỏ hay rổ ngoại tệ,... Cũng có những từ ngữ có thời đã xem là “từ cũ”, nay được dùng lại, như từ quan, thuộc cấp,...

Sự thay đổi của đất nước cũng dẫn đến sự xuất hiện những ngữ được cấu tạo có sử dụng các yếu tố Hán-Việt, đôi khi diễn ra dần dà, chầm chậm trong tiếng Việt, ví như: toàn cầu hoá, đô thị hoá, phố hoá... cư dân mạng, tínhthanh khoản,...

Và trong điều kiện mới của xã hội, một số từ đã có trong tiếng Việt từ lâu thì nay mang nghĩa rộng hơn trước rất nhiều. Các từ thân thiện, số,... là ví dụ. Người ta nói đến Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số, cuộc sống số, chữ ký số, việc số hoá các kho tài liệu, xây dựng thư viện số,..., sự thân thiện với môi trường,thân thiện với người dùng tin,...

Dù các nhà nghiên cứu có phê phán - nhất là khi phân tích nghĩa theo kiểu “chiết tự” - thì trong đời sống ngôn ngữ hàng ngày, người ta vẫn cứ thường ghép từ, theo quy luật tiết kiệm, kiểu như: phối hợp + kết hợp = phối kết hợp, thanh toán + quyết toán = thanh quyết toán... Những cấu trúc này không phải lúc nào cũng dễ hiểu, và nhất là khi cần chuyển dịch sang một ngôn ngữ khác, nếu không nắm rõ ý nghĩa và quy luật kết hợp các yếu tố Hán-Việt.

Đáng ghi nhận là cuốn Từ điển từ mới đầu tiên ở Việt Nam, do Chu Bích Thu làm chủ biên đã được in ở Nhà xuất bản Phương Đông (2006). Theo các tác giả, những từ ngữ, những nghĩa mới có hoặc những từ ngữ, những nghĩa cũ được dùng lại đều được coi là từ ngữ mới, nghĩa mới. Xác định khái niệm mới tính theo mốc thời gian từ 1985 đến 2000 và lấy ngôn ngữ văn hoá (ngôn ngữ toàn dân) làm chuẩn để so sánh, Từ điển này đã thu thập và giải nghĩa khoảng 2500 đơn vị đầu mục, trong đó có 700 đơn vị được xác định là chưa từng xuất hiện trong những cuốn từ điển giải thích có uy tín nhất trong thế kỷ XX.

4.2. Thêm nữa, ta có thể nói đến một số con chữ mới hay cách viết ký tự mới đã xuất hiện hay được khẳng định trong tiếng Việt.

Chúng ta đều biết rằng trong bảng chữ cái của chữ quốc ngữ, từ thuở khai sinh, vốn không có bốn chữ cái f, j, w, z. Song với người Việt Nam, nhất là người Hà Nội thì việc sử dụng bốn chữ cái nàykhông còn xa lạ [8]. Sự xuất hiện những con chữ mới trong văn bản như @, và những cấu tạo mới như các kết hợp với x, cách diễn đạt mới là hiện tượng không tránh khỏi.

Trên biển hiệu ngoài phố, kích cỡ to nhỏ khác nhau, được trình bày kỳ công hay viết nguệch ngoạc,... ta bắt gặp: café hoặc càfê, fastfood,... Với phương tiện truyền tin hiện đại, không mấy ai còn xa lạ với fax, hi-fi, và người ta còn nói đến “dân “hi-fi” (vừa quan hệ nam, vừa quan hệ nữ!)” [9]. Rồi nữa là tên các cơ quan hoặc công ty trong nước như: Pacific Airlines, MobiFone, Vifon, S-Fone... Ngày nay, thanh niên Hà Nội đâu còn xa lạ với trong: quần jean, áo thun, nhạc jazz, môn thể thao judo,... Trên các biển hiệu ở Hà Nội, đây đó là những biển hiệu Eurowindows, Miwon,...

Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ khiến cho giá máy tính điện tử, kể các máy xách tay hạ xuống đến bất ngờ khiến cho việc sử dụng máy tính cá nhân để xử lý văn bản hay truy cập mạng thông tin toàn cầu, được gọi là internet, sớm trở thành một phần của cuộc sống hàng chục triệu người dân nước ta, nhất là khi tiếng Việt nằm trong số ngôn ngữ được hỗ trợ [10].

Những ai làm việc máy tính điện tử hẳn chẳng xa lạ gì với bốn chữ cái f, j, w, z, khi nó luôn xuất hiện trên bàn phím và các “cửa sổ”. Đó là: font, field, AutoFit, formula, file, find, format, footer, footnote, frame, full, reference,... Micrsoft, Shift, F1,... F12; RejectSubject Line, Pièce joint; Window, Wizard, draw, new, (pre)view, show, webcam, WordPerfect,... Những chữ đó còn xuất hiện trong tên các lệnh: Customize, What’s This?, AutoSummarize,... Để download một trang điện tử trên web, không thể không dùng www.

Việc Việt hoá các lệnh trên máy tính có được bàn đến và soạn thảo nhưng trong khi bàn phím và hệ điều hành tiếng Việt còn là chuyện xa vời thì với trình độ tiếng Anh phổ cập tối thiểu – đôi khi người ta vẫn cứ phải “lần mò”, rồi cũng vì thế mà có cách phát âm tuỳ tiện, cốt để làm việc được. Hiện tượng có lắm biến thể cho việc cùng tiếp nhận một yếu tố ngôn ngữ ngoại lai – có nhiều cách đọc, cách viết một từ tiếng Anh chẳng hạn – có thể được giải thích như sau: Không hẳn cứ chờ đợi có văn bản quy định, để thoả mãn nhu cầu mới của con người trong giao tiếp, đời sống ngôn ngữ có quy luật tiếp nhận riêng của nó.

Tuy nhiên, sách giáo khoa Tiếng Việt không dạy, có nghĩa là chúng chưa được chính thức công nhận. Nhưng trong xã hội thông tin, con người không chỉ học ở nhà trường mới biết. Ví như bất cứ ai muốn sử dụng thư điện tử, chẳng thể nào không biêt dến @. Đáng chú ý là người Việt Nam ta còn dùng @ với ý nghĩa “hiện đại”, “hiện thời”. Chúng ta gặp: thời @, hơi thở @, suy nghĩ @. Đương nhiên, người ta cũng có thể đọc hoặc viết là a còng. Ví dụ:

- Cụ cũng rất buồn vì thế hệ “a còng” hôm nay ít mặn mà với sách. (http://www.gdtd.com.vn)

Thêm nữa là thay cho cách nói dài dòng “thập kỷ 60, 70, 80, 90 của thế kỷ XX”, người ta dùng thế hệ/tuổi/đầu 6x, 7x, 8x, 9x. Có thể viết hoa X. Cách diễn đạt này được chấp nhận cả trên tiêu đề sách:

- Làm giàu tuổi 8X: Đi nhanh và đi thật chắc. (Mai Tuyết. Nxb Tri thức, H., 2007, 216 tr.)

Thậm chí người ta có thể dùng XX để chỉ thế kỷ đầu tiên của thiên kỷ XXI:

- Quản lý trong 20XX: Những điều quan trọng trong tương lai. (Georges Berner; Trần Minh Tuấn, Nguyễn Đăng Hậu d., Bưu điện, H., 2007, 293 tr.)

Lại có thể dùng x trước một con số để chỉ vòng chu kỳ 10 năm:

- Suy thoái diễn ra vào các năm x7, x8 sau khi đạt được đỉnh tăng trưởng trong các năm x4, x5, x6... (http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/06/789032)

4.3. Sau cùng, chúng ta có thể nói đến một số cách diễn đạt mới đã xuất hiện hay được khẳng định trong tiếng Việt.

Để thu hút sự chú ý vào phần cần nhấn mạnh, nếu trước đây có phần còn do dự hay ít khi sử dụng thì ngày nay người ta thường dùng cách đảo cấu trúc thành phần câu phổ biến, đối với cả câu khẳng định, kiểu như:

Sẽ là cố chấp và lạc lõng khi cứ hô hào... Nhưng cũng rất thiển cận nếu chỉ chăm chăm quy động lực phấn đấu của họ về góc độ thu nhập. (http://www3.vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/03/674400)

Cũng như câu phủ định, kiểu như:

- Sẽ không hiệu quả nếumột mặt Ngân hàng nhà nước quyết tâm thắt chặt chính sách tiền tệ trong khi chính phủ lại cho phép tăng giá xăng dầu. (http://dantri.com.vn/Sukien/Nguyen-nhan-tang-truong-nong-cua-kinh-te-Viet-Nam/2008/3/224354.vip)

Trong văn học, ta cũng thấy hiện tượng này:

Sẽ khó chịu biết bao nếu như có người nào đó lại làm mất đi của mình cái cảm giác này (Hữu Đạt, Những kẻ giấu mặt, 2004, tr. 227)

Ta cũng bắt gặp những cách diễn đạt có phần xa lạ trong truyền thống tiếng Việt. Chẳng hạn, trên bìa phụ cuốn: Tìm hiểu về luật doanh nghiệp (2005), thấy ghi:

- Tài liệu này được xây dựng bởi Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM); Công ty Vision & Associates và Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ)

Sang trang 3, ta lại gặp:

- Cuốn sách được biên soạn bởi nhóm chuyên gia của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương; Công ty Vision & Qssociates và Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ)... Tài liệu này được xây dựng cho mục đích tham khảo...

Thay cho cách nói ngắn gọn, đôi khi người ta lại chọn cách nói vòng để nhấn mạnh, như dùng nói không với thay cho chống,... Ví dụ:

- Vụ tiêu cực... xảy ra... khi toàn ngành chưa thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. (http://www.gdtd.com.vn/gdtdroot/2008-013/bai10.htm)

Có thể nói, đây chính là sự chuyển dịch cấu trúc tiếng nước ngoài, và được dùng phổ biến thì cuối cùng, ta có hiện tượng vay mượn cách diễn đạt của tiếng nước ngoài (made by / fabriqué par, no to... / non à... .), còn gọi là hiện tượng sao phỏng. Điều này càng cho thấy rõ sự tác động mạnh mẽ của các ngoại ngữ vào đời sống văn hoá - xã hội của người Việt Nam thời hội nhập.

Song đôi khi cũng chỉ với mục đích chọn một cách diễn đạt mới, chẳng hạn vẫn có ý phê phán cách đánh giá không đúng năng lực của học sinh, nhưng nhẹ nhàng hơn. Ví dụ như ngồi nhầm lớp,...:

- Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã giải thích rằng: Khái niệm “ngồi nhầm lớp” sử dụng cho những HS trước khi lên lớp mới mà chuẩn kiến thức của lớp vừa học không đạt, hậu quả là không đủ cơ sở kỹ năng để tiếp thu kiến thức mới. (http://www.laodong.com.vn/Home/sknb/2007/3/26442.laodong)

Thay cho “gộp”, người ta dùng cách nói vòng “2 trong 1”, “3 trong 1”, phỏng theo tiếng nước ngoài, vốn chỉ dùng với hàng hoá, nhất là thực phẩm, như cà phê, bột canh,... Ví dụ:

- Chúng tôi bắt chuyện với Thắng “3 trong 1” (Xe ôm, bán nước chè và “cò đất”). (http://hanoimoi.com.vn/vn/14/172932)

-  Nắm bắt con bệnh “3 trong 1” để tiếp tục đổi mới. (http://vietnamnet.vn)

Và hãy so sánh:

- Đề án gộp 2 kì thi Tốt nghiệp THPT và kì thi ĐH, CĐ đã qua 20 lần dự thảo (http://www.tuanvietnam.net//vn/thongtindachieu/4044/index.aspx)

- Nên tổ chức kỳ thi “hai trong một” vào năm tới hay chưa? (http://dantri.com/Hoan nghenh Loan.vn/diendandantri/en-to-chuc-ky-thi-hai-trong-mot-vao-nam-toi-hay-chua/2008/6/237171.vip)

Những hiện tượng mới còn xuất hiện trong ngôn ngữ, hay đúng hơn là biệt ngữ của thế hệ trẻ, lớp người dễ tiếp thu và sáng tạo nhất. Thật vậy, đây cũng chính là thời kỳ ngôn ngữ của ta có những biến động mà thế hệ những người đi trước không khỏi băn khoăn khi thấy “ngôn ngữ... của mình lọt thỏm trong thế giới trẻ”, trong khi giới trẻ thì lại xem đây là “một thứ tiếng Việt mới mẻ, ngắn gọn và vô cùng tiết kiệm”.

Hiện tượng sử dụng ngôn ngữ của tuổi “teen” đang đặc biệt nở rộ hiện nay, với sự giao thoa mạnh mẽ của các nền văn hoá mà trong đó, internet góp phần không nhỏ. Có tác giả còn cho rằng ngôn ngữ tuổi “teen” ngày nay là một công cụ giúp giới trẻ tự khẳng định mình. Cách sáng tạo ra ngôn ngữ mới cũng phản ánh cách mà giới trẻ suy nghĩ. Tuổi “teen” sử dụng các từ mới này một cách vô tư và hoàn toàn không lo lắng về ảnh hưởng của nó. (Xem: Đừng hốt hoảng với ngôn ngữ tuổi “teen”, Dân trí, Thứ Bẩy, 18/08/2007 - 11:47 AM).

Làn sóng blog (viết nhật ký trên mạng) du nhập vào nước ta gần đây. Và rồi không chỉ có từ blog, khi điện thoại di động và các dịch vụ tán gẫu trực tuyến ra đời, giới trẻ luôn tìm cách thông tin nhanh hơn, ngắn gọn hơn. Có nhiều cách vận dụng ngôn ngữ thú vị, chẳng hạn như gõ trên màn hình chữ “3 em mới đi làm về” thay vì viết đầy đủ “Ba (bố) em...”. Giới trẻ cũng viết “8 chút xíu đi” thay vì viết đủ “Tám (tán dóc, nhiều chuyện) chút xíu đi”.

Sáng tạo ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay, ngôn ngữ tuổi “teen” thường được quy về tiếng lóng, vì nó chỉ được công nhận, được hiểu trong một bộ phận của xã hội. Đương nhiên, nó phản ánh một thời kỳ xã hội, một phần lịch sử của ngôn ngữ. Thông qua việc nghiên cứu ngôn ngữ tuổi “teen”, người ta nhận thấy rằng, giới trẻ ngày càng sáng tạo hơn trong việc phát minh những từ mới. Đó không chỉ là sự sáng tạo đơn thuần mà điều đó phản ánh sự thay đổi trong lối sống của giới trẻ mà sự giao thoa của các nền văn hoá là một ví dụ mà trong đó, ngôn ngữ là yếu tố dễ thấy nhất.

Giới nghiên cứu thường băn khoăn về cách sử dụng ngôn ngữ của tuổi “teen” với muôn vàn tiếng lóng, tiếng đọc trại (mà lắm lúc ngay cả chính tuổi “teen” còn không thể hiểu nổi) và thậm chí là các từ mới, đương nhiên chưa bao giờ xuất hiện trong từ điển. Song đây chính là một hiện tượng thú vị cần nghiên cứu. Hơn nữa, việc thu thập một số từ không chính thống và mới được giới trẻ “phát minh” hẳn cũng sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp các dữ liệu phục vụ cho các nghiên cứu về lịch sử ngôn ngữ trong tương lai.

4.4. Sau cùng là sự thâm nhập của ngoại ngữ: Để có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về ngôn ngữ trong giai đoạn mở cửa để có thể “làm bạn” và giao lưu, buôn bán với thị trường mới, đặc biệt là các nước ASEAN, chúng ta chứng kiến sự phổ biến hàng loạt ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh với những ảnh hưởng của nó.

Do phạm vi giao tiếp của nó, tiếng Anh đã chiếm vị trí số một trong các ngoại ngữ phổ biến ở nước ta lúc này. Quyết định thành lập các cơ quan, tổ chức, nhất là các công ty... thường có tên tiếng Anh đi kèm, được xem là để tiện giao dịch[11].

Dù có quy định là tên tiếng Việt phải được viết với cỡ chữ lớn hơn, song trong thực tế, đáng buồn là không phải hiếm khi ta thấy điều ngược lại. Ngay cả những cửa hàng, cửa hiệu không mấy khi đón khách nước ngoài thì cũng treo những cái biến tên tiếng Anh to tướng, có khi chẳng hề có tên tiếng Việt. Không ít hàng hoá sản xuất ra chỉ để phục vụ dân trong nước nhưng nười ta cũng in nhãn mác và thành phần, chất lượng hàng hoá bằng tiếng Anh, có khi còn rõ hơn phần tiếng Việt.

Không thể xem đó là sự “khiêm tốn” và trân trọng tiếng nước ngoài! Có dịp sang Trung Quốc hay Nhật, ta không thấy hiện tượng này!

Một số trường hợp, tuy có từ Việt khá tương thích như thư điện tửngười hâm mộ, lễ hội,... người ta vẫn mượn nguyên dạng e-mailfan, festival,... hoặc phiên âm từ này. Thậm chí, có thể chơi chữ như trong:

- Nếu phải làm “mạng” làm “meo” thì em ở nhà cho rồi (HNM 20/5/2003, tr. 8).

Do quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ, ta cũng cần sử dụng cả các dạng tắt. Trong giai đoạn mở rộng giao lưu khu vực và hội nhập quốc tế này, ta cần làm quen dần với tên các tổ chức quốc tế, thường gặp ở dạng tắt tiếng Anh, như: ASEAN, APEC, GDP, ADB,... xuất hiện thường xuyên hơn trong ngôn ngữ của người Việt Nam. Và đương nhiên f, w,... không còn xa lạ như trong WB (Ngân hàng Thế giới), WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), WHO (Tổ chức Y tế Thế giới)... Và để hội nhập quốc tế, hay đúng hơn là giao thương được với thế giới, để hàng hoá ta làm ra có thể đến với các nước phát triển, nhất là để người tiêu dung các nước này chấp nhận, cùng với sự quảng bá thương hiệu là sự nâng cao thật sự chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Cũng bởi vậy, TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) thường được vượt lên và đạt tới ít ra là bằng EU (European Union = tiêu chuẩn châu Âu, để hàng hoá của ta có thể nhập vào châu Âu chẳng hạn), và tốt nhất là đạt tới ISO. Dạng tắt này vốn từInternational Standardization Organization, là tổ chức phi chính phủ bao gồm các cơ quan chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn hoá quốc tế. Dạng tắt này cũng được dùng để chỉ hệ thống tiêu chuẩn về quản lý công nghệ có tính quốc tế, làm căn cứ cho các tổ chức, doanh nghiệp... xây dựng hệ thống quản lý chất lượng của mình. Người Việt Nam thời hội nhập quen nói đến ISO là như vây.

Cách đánh giá mức độ phát triển của một đất nước được gắn với nhiều thông số được giới chuyên môn quốc tế công nhận đến mức trở thành những khái niệm phổ biến trong xã hội hiện đại, mà người Việt Nam nay cũng đang quen dần, chẳng hạn như CPI (= chỉ số giá tiêu dung; tăng CPI được coi như thước đo tỷ lệ lạm phát trong nước). Rồi các phương thức ký kết hợp đồng cũng chuyển theo các thông lệ quốc tế. Không chỉ hai bên mà có khi tớí ba bốn bên. Không chỉ Nhà nước trung ương giao cho Nhà nước địa phương mà đa dạng hơn nhiều. Người ta nói đến phương thức chuyển giao là BT hay BOT (Building - Operation - Transfert = Phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Cách dùng phổ biến các dạng tắt như vậy tỏ ra hiệu quả hơn là cách dịch đầy đủ ra tiếng Việt và lại tiết kiệm. Chỉ đáng tiếc là thiếu một quy định thống nhất nên cách đọc các tên tắt thường không thống nhất, ngay trên đài phát thanh (VOV) và vô tuyến truyền hình trung ương (VTV) cũng vậy!

Sự không nhất quán có thể thấy ngay trong cùng một bài viết, người ta đã dùng nguyên dạng tiếng Anh ở tiêu đề: “Mai Hạ - “điểm đen” AIDS!”. Thế nhưng trong bài, hơn một lần người ta lại dùng cách phiên âm ra tiếng Việt là “ết”. (http://dantri.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=238252)

Đáng băn khoăn hơn là có một số dạng thức ngôn ngữ (chẳng hạn như phiên chuyển tên riêng và thuật ngữ khoa học) trước đây đã được vay mượn (chẳng hạn như qua tiếng Pháp) và sử dụng phổ biến thì nay một số người lại cho là mượn qua tiếng Anh. Người ta dễ nhầm với các trường hợp homographe, nghĩa là khi hai ngôn ngữ này có dạng chữ giống nhau, để rồi đôi khi cắt xén dẫn đến viết (chính tả) trái với truyền thống chữ quốc ngữ, còn phát âm thì lại tuỳ tiện! Chẳng hạn như date ⇒ đát - đết?, Espace (Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội) ⇒ espết(!).

Chúng tôi sẽ đi sâu vào vị thế mới của tiếng Anh ở nước ta và những tác động (tích cực và tiêu cực) của nó đến tiếng Việt trong một dịp khác. Ở đây, chỉ xin được lưu ý rằng cách mượn nguyên dạng (có nhà nghiên cứu gọi đây là hiện tượng “trộn mã”) không phải là mới xuất hiện lần đầu trong tiếng Việt.

Ở đây, chúng tôi chỉ xin lưu ý đến việc đừng “trộn mã” theo kiểu Việt - Pháp trước đây, để rồi quá thể hơn là dùng một thứ “tiếng bồi” thể hiện qua câu nói của một ông Nghị trưởng Bắc Kỳ đã nói ở giữa nghị viện, được Ngô Tất Tố trích dẫn: - “Me-xừ, moa-gia-na, mè, moa man-gi-ơ, moa ba mỏ-nhá diếc. Bác đồng me-xừ”. (Một cuộc tẩy uế Nghị viện Bắc-kỳ. Thời vụ, số 13, 22-3-1938).

Thật ra “hiện tượng trộn mã” đã diễn ra phổ biến trong lịch sử và còn tiếp diễn trong hiện tại. Thói quen này ta thấy phổ biến ở nhiều giai đoạn tiếp xúc văn hoá và ngôn ngữ. Dẫn ra ví dụ điển hình này, chúng tôi hình dung rằng khi đất nước bước nhanh vào hội nhập quốc tế thì vẫn sẽ xuất hiện thứ vay mượn hay “trộn mã” tương tự với tiếng Anh, hay bất cứ ngôn ngữ nào khác trong tiếng Việt.

Vấn đề đáng quan tâm là cần phân biệt điều này có gì khác với hiện tượng lạm dụng từ vay mượn – hay đúng hơn là bệnh sính dùng tiếng nước ngoài – ở những người có trình độ hai ngôn ngữ đều cao (nhất là khi trong tiếng mẹ đẻ cũng đã có những từ này).

5. Kết luận và khuyến nghị

Tiếng Việt là một sinh ngữ. Trong giao lưu văn hoá - xã hội của thời kỳ hội nhập để phát triển đất nước quả là tiếng Việt đã thể hiện rõ sức sống của mình, thông qua những biến động đáng kể, cả ở vai trò hành chức và bản thân nội tại ngôn ngữ.

Hai phương diện này thực sự nằm trong mối quan hệ tương tác với nhau, khiến chúng ta nhận ra rằng diện mạo tiếng Việt có những thay đổi nhất định trên từng cấp độ ngôn ngữ, cùng với vai trò ngày càng rộng mở hơn của nó, trong đời sống văn hoá - xã hội của đất nước và trên trường quốc tế.

5.1. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ – các dân tộc và các ngôn ngữ đều có quyền bình đẳng trước pháp luật – nhưng từ lâu tiếng Việt đã được xem là tiếng phổ thông, nghĩa là đại đa số người Việt Nam đều xem đây là ngôn ngữ giao tiếp chung. Nay đất nước bước vào hội nhập quốc tế, thì hơn lúc nào hết, nhu cầu về một ngôn ngữ chính thức / ngôn ngữ quốc gia mặc nhiên được đặt ra. Trong sách giới thiệu về các ngôn ngữ trên thế giới, tiếng Việt cần được giới thiệu đúng như vị thế mà nó đã có.

Khuyến nghị 1: Để xác định vị thế của tiếng Việt có đủ tư cách là ngôn ngữ quốc gia của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chúng tôi cho rằng đã đến lúc Nhà nước ta cần có văn bản xác định vị thế của tiếng Việt, ít ra là ngôn ngữ chính thức của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5.2. Có những từ ngữ đã có trong tiếng Việt nay được “dùng lại” nhưng với nghĩa mới, trong hoàn cảnh đời sống văn hoá - xã hội đã thay đổi, song cũng có những trường hợp hoàn toàn nhờ giao lưu và hội nhập quốc tế mới có, đặc biệt do cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, mà may thay, Việt Nam ta không những không đứng ngoài cuộc mà còn sẵn sàng đón nhận nó. Mạng thông tin toàn cầu đã đến với mọi miền đất nước...

Khuyến khích sử dụng các từ mới (như: hội nhập, doanh nhân,...) hay từ cũ nay dùng lại với nghĩa mới (như: từ quan, thuộc cấp,...) đưa các từ ngữ tiếng Việt đặc biệt vào giao lưu quốc tế (như: đổi mới doi moi,...) chính là góp phần khẳng định sự đổi mới của đất nước, và cũng chính là góp phần tạo cơ hội để quảng bá hình ảnh và vị thế của đất nước và văn hoá Việt Nam mới trên trường quốc tế.

Đồng thời, du nhập một số yếu tố quốc tế hoá vào tiếng Việt để nó có đủ sức giao lưu dễ dàng với cộng đồng quốc tế là cần thiết. Đáng tiếc là một số biến động về ngữ âm và chữ viết đôi khi không theo kịp, đúng hơn là chậm được chuẩn hoá, nên sinh ra hiện tượng (đọc, nói, viết) tuỳ tiện đôi lúc, đôi nơi, để rồi không dễ sớm khắc phục một sớm một chiều.

Khuyến nghị 2: Cần sớm quy chuẩn cho các yếu tố ngôn ngữ mới xuất hiện, đặc biệt là các yếu tố vay mượn. Điều này là hết sức cần thiết, ngay như cho ngành thông tin - thư viện, bởi chỉ khi nào chọn được tên tiếng Việt chính xác và thống nhất cho các đề mục và chủ đề thì mới có thể phát huy hết khả năng chuyển tải tài nguyên thông tin mới thông qua tiếng Việt.

5.3. Với người Việt Nam hiện nay, học để biết ngoại ngữ và tin học, càng nhiều, càng sâu thì càng tốt. Tiếng Hán trở lại vị trí của nó. Tiếng Pháp và tiếng Nga vẫn có vị trí nhất định. Một số ngôn ngữ như tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha... được chú ý hơn trước. Sự mở rộng đối tượng giảng dạy của các khoa ngoại ngữ, và cả những trung tâm và các lớp ngoại ngữ thí điểm ở trường phổ thông cho thấy rõ điều này.

Trong điều kiện phát triển đa dạng các ngoại ngữ, nhằm góp phần bảo vệ sự đa dạng văn hoá và đa dạng ngôn ngữ, thì vẫn rất cần bảo vệ vị thế và sự trong sáng của tiếng Việt.

Khuyến nghị 3: Cần có những quy định chặt chẽ ở cấp quốc gia và đề ra các nguyên tắc cụ thể cho phép sử dụng tiếng nước ngoài trong đời sống xã hội, đặc biệt là đối với tiếng Anh, ngôn ngữ đang có một vị thế và ảnh hưởng đặc biệt hiện nay. Mang giá trị hình mẫu và định hướng rất cao trong xã hội thông tin, các phương tiện truyền thông đại chúng cần đi đầu trong việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

*

Như vậy, trong bối cảnh kinh tế - chính trị và văn hoá - xã hội của đất nước đổi mới bước vào giao lưu văn hoá và hội nhập quốc tế, mỗi người chúng ta, những người sử dụng ngôn ngữ – nhất là các nhà nghiên cứu và đặc biệt là các nhà hoach định chính sách ngôn ngữ – đều luôn thấy mình có thể và cần làm ngay những gì, vì tương lai tốt đẹp của tiếng Việt chúng ta.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Phê chủ biên, Từ điển tiếng Việt. Nxb GD Hà Nội1994.

2. Nguyễn Văn Ái chủ biên, Từ điển phương ngữ Nam Bộ, Nxb TP HCM, 1994, 645 tr.

3. Hà Quang Năng, Giới tính và cách phát âm [L] [N] (Trên cơ sở tư liệu điều tra ở xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Trong: Hội thảo quốc tế ngôn ngữ học Liên Á lần thứ VI. Nxb KHXH, Hà Nội 2005, tr.673-690.

4. Bùi Thanh Lương, So sánh đối chiếu về nguồn gốc của những đơn vị từ mới trên tư liệu các báo Nhân dân, Quân Đội Nhân dân, Sài Gòn giải phóngvà Hà Nội mới. Trong: Hội thảo quốc tế ngôn ngữ học Liên Á lần thứ VI., Nxb KHXH, Hà Nội 2005, tr. 651-660.

5. Chu Bích Thu chủ biên, Từ điển từ mới tiếng Việt. Nxb Phương Đông, TP HCM 2006, 280 tr.

6. Nguyễn Văn Khang,Từ ngoại lai trong tiếng Việt. H., Nxb GD, Hà Nội 2006, 462 tr.

Nguồn: Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba, 2008

 

[1] http://vietnamnet.vn/chinhtri/2007/10/751740/

[2] http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=242500&ChannelID=118

[3] Vương Toàn, Hai đặc điểm của tiếng Việt đầu thế kỷ 21. Báo cáo KH tại Hội thảo quốc tế lần thứ hai về Việt Nam học, TP Hồ Chí Minh, 14-16/7/2004. // Tc “Thông tin KHXH”, số 9/2004, tr. 12-18. // Tạp chí Nhịp sống (NhipSong Magazine), tạp chí văn hoá & xã hội Việt nam - số 10, 2005, tr. 45-52:  http://www.ivce.org/nhipsong.html.

[4] http://nhacthanh.net/diendan/tin-tuc-hoat-dong/7885-viet-ngu-duoc-chon-la-1-trong-7-ngon-ngu-chinh-thuc-trong-dhgt-the-gioi-2008-sydney.html.

[5] Vương Lê http://www.dangcongsan.vn/print_preview.asp?id=BT305076255.

[6]Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, 234 tr.

[7] http://www.viethoc.org

[8] Vương Toàn, Bốn chữ cái F, J, W, Z trong đời sống ngôn ngữ người Hà Nội. Kỷ yếu Hội thảo khoa học «Những vấn đề ngôn ngữ học: Học tập ngôn ngữ Hồ Chí Minh: - Tiếng Hà Nội với ngôn ngữ văn hóa Việt Nam”, do Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, Khoa Ngôn ngữ học và tạp chí Ngôn ngữ tổ chức tại Hà Nội, ngày 29/12/2007. Nxb ĐHQG Hà Nội, Hà Nội, 2007, tr. 388-394.

[9] Trân Nguyên http://www.tienphongonline.com.vn

[10] Xem tin: 18 triệu người dùng internet tại Việt Nam và người Việt khắp toàn cầu có thể dễ dàng đăng ký và sử dụng Friendster - người tiên phong về mạng xã hội và cũng là trang web lớn thứ 8 trên thế giới dựa trên số lượng người truy cập. Friendster hiện tại hỗ trợ 8 ngôn ngữ bao gồm Anh, Việt, Indonesia, Trung Quốc phồn thể, Trung Quốc giản thể, Nhật, Hàn Quốc và Tây Ban Nha. Các ngôn ngữ này đại diện cho hơn 67% lượng người sử dụng internet trên toàn thế giới, t http://hanoimoi.com.vn/vn/48/168428

[11] Hơn nửa thế kỷ về trước, trong Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945, tên giao dịch của Đông dương Bác cổ Học viện – thay Pháp quốc Viễn đông Bác cổ Học viện (Ecole française d’Extrême Orient) – cũng được viết bằng tiếng Anh là Việt Nam Oriental Institute. Xem: Xưa & nay, số 307, tháng 5-2008, tr. 30.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020