Đi là một hoạt động thường xuyên của con người. Ai cũng đi, ngày nào cũng đi. Bởi vậy, động từ “đi” trong mọi ngôn ngữ đều là một từ cơ bản. Qua thời gian, động từ đi trong tiếng Việt được mở rộng dần cả về từ loại lẫn ngữ nghĩa. Nó có nhiều nghĩa và cách dùng rất phức tạp. Trong Từ điển tiếng Việt 1992 của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), đi thuộc 3 loại từ khác nhau: động từ, phụ từ, trợ từ. Động từ đi có 18 nghĩa, trợ từ đi có 4 nghĩa. Và có hơn 40 tổ hợp “đi + X”. Liệu có tìm được con đường chuyển nghĩa của từ đi hay không? Chúng tôi thử tìm hiểu điều này theo con đường nhận thức.
1. Giả thuyết
Ở một số từ đa nghĩa, trong đó có từ đi, chúng tôi cho rằng “ban đầu một từ chỉ có một vài nghĩa gốc. Trong quá trình tiến hoá ngôn ngữ, có sự phát triển về nghĩa của chúng một cách logic theo những tình huống mới và nhận thức mới của con người về tự nhiên và xã hội.” [1a]
(1) Đi là “tự di chuyển bằng những động tác liên tiếp của chân, lúc nào cũng vừa có chân tựa trên mặt đất vừa có chân giơ lên đặt tới chỗ khác” [4]. Đây là nghĩa miêu tả cơ bản. (chúng ta ghi là đi1) [đi1 để chỉ rằng đây là nghĩa thứ nhất của đi ghi trong [4]. Tương tự, đi2 là nghĩa thứ hai của đi ghi trong [4]…]
Sự phát triển về nghĩa của từ đi còn liên quan chặt chẽ tới nghĩa nhận thức về từ này.
(2) Đi là “một chuyển động dời khỏi gốc của người thực hiện hành động đi” [1a]
Từ thuở hồng hoang, con người luôn luôn phải tìm cái ăn và chống chọi với thiên nhiên hoang dã, nên không có chuyện “hôm nay ta buồn, ta đi lang thang” không mục đích. Vì vậy:
(3) Đi là một chuyển động có mục đích.
Đi là một chuyển động trong không gian. Trong nhận thức của con người thì
(4) “Tất cả những từ trỏ quan hệ và sự chuyển động giữa hai không gian hình học đều được dùng cho những không gian trừu tượng khác.” và “Quan hệ không gian trở thành những quan hệ về thuộc tính của các không gian.” [1a]
Những điều trên đây được dùng để giải thích sự đa nghĩa và những hiện tượng chuyển nghĩa rất phức tạp của từ đi.
2. Những hiện tượng chuyển nghĩa
2.1. Từ (1), đi là di chuyển bằng chân. Sau này con người cũng di chuyển bằng những phương tiện, công cụ khác. Lúc đó cũng được gọi là “đi”. Đó là một khái quát nghĩa (1) của đi: đi xe đạp, đi thuyền, đi ngựa, đi máy bay. (đi2)
2.2. Từ (1), đi bằng chân, vật mang ở chân cũng “đi” theo. Thế là bên cạnh lối nói “chân mang giày, mang bít tất” còn nói “chân đi đôi dép cong” (Đi Chùa Hương), chân đi bít tất. (đi16)
2.3. Từ (1), con người di chuyển trên mặt đất, phương tiện nào di chuyển trên mặt đất cũng được gọi là “đi”: Xe đi chậm rì (đi5). Từ mặt đất mở rộng cho mặt nước: canô đi nhanh hơn thuyền (đi5). Những phương tiện này do con người điều khiển. Con người làm đối tượng di chuyển cũng được gọi là đi: Đi con tốt. Đi nước cờ cao (đi10). Đi vài đường kiếm (đi11). Theo ý nghĩa này, đem tiền, vật (di chuyển) đến tặng nhân dịp lễ, tết, hiếu hỉ cũng được gọi là đi. Ông đi bao nhiêu tiền (mừng đám cưới)? Đi một câu đối nhân dịp mừng thọ. (đi15)
2.4. Từ (2), gốc được hiểu là cội nguồn vĩnh viễn (quê hương) mà cũng có thể hiểu là một gốc lâm thời nào đó: Tôi đi đằng này một chút; Chạy đi một mạch; Chim vỗ cánh bay đi. (đi6)
2.5. Từ (3), đi có mục đích thực hiện một hoạt động, một hành động dẫn tới cấu trúc cú pháp “đi + VP”, ở đó VP là một động ngữ. Trong mỗi cấu trúc loại này, chúng ta luôn luôn nhận ra mục đích của hành động đi được thể hiện qua động từ thứ hai đứng sau nó: đi ngủ, đi học,đi chơi, đi săn, đi làm ca đêm, đi nghỉ hè ở biển, đi xem đá bóng, đi ăn tân gia, (đi4)Từ mục đích thực hiện một hành động cụ thể, chuyển thành dùng đi cho mục đích trừu tượng, khái quát: đi ngược lại nguyện vọng chung. (đi12); đi theo lối mòn tư duy, Đi vào con đường tội lỗi. (đi14)
Từ đến chỉ đích (đi đến nơi, về đến chốn). Nếu mục đích là một kết quả cần đi đến thì sẽ hình thành lối nói “đi đến (/tới) X”, X là một kết quả nào đó: Làm như thế, không đi đến đâu; hội nghị đi đến nhất trí; Chúng ta phải sớm đi tới một giải pháp. (đi13)
2.6. Trong tiếng Việt có cấu trúc “đi + NP”, ở đó NP là một danh ngữ. Tác giả của [3] đã dùng khái niệm sở chỉ của NP để bàn về những kết cấu đúng và những kết cấu không chấp nhận được. Tôi muốn lí giải những hiện tượng này theo đặc điểm (3): đi là một chuyển động có mục đích. Trước hết nếu NP là đích đến của đi thì những “đi + NP” chấp nhận được là cấu trúc rút gọn của “đi + x + NP”, ở đó x là một từ chỉ phương hướng, x = đến, tới, về, vào, ra... Chẳng hạn, đi Hà Nội, đi bệnh viện, đường này đi Cần Thơ...
đi + x + NP ⇒ đi + NP
Thông thường, hai vế của (I) đồng nghĩa. Chúng chỉ khác nghĩa nếu NP là điểm đến để thực hiện một hành động khác. So sánh:
- Tôi đi đến thư viện, không thấy Huy ở đó.
- Tôi đi thư viện, ngồi đọc tới lúc thư viện đóng cửa.
2.7. Từ (3), đi tới một địa điểm (/một NP) với mục đích thực hiện một hoạt động, một hành động tại NP dẫn tới cấu trúc cú pháp “đi + NP”. Điều kiện cần để cấu trúc “đi + NP” chấp nhận được là NP là nơi đủ rộng lớn để ở đó ta có thể thực hiện một hành động, một hoạt động nào đó. Như đi chợ, đi hội nghị, đi công trường, đi B (chiến trường miền Nam)…
Điều trên giải thích vì sao không thể nói *đi nhà nhưng có thể nói đi nhà hát, đi nhà hàng, đi nhà thi đấu bóng chuyền, đi nhà máy. Tại những nơi này chúng ta có thể xem, ăn, biểu diễn thi đấu hoặc làm việc. Và điều trên cũng giải thích vì sao trong những lối nói khó chấp nhận *đi tổ, *đi phòng, *đi công ti, thì *đi tổ khó chấp nhận nhất. Tổ nhỏ bé nhất, nơi khó bề thực hiện một hoạt động nào, nhưng công ti rộng lớn hơn nên hình như trong những tình huống cụ thể có thể chấp nhận đi công ti? Và càng không có vấn đề gì khi nói đi tổng công ti? Không nói *đi cổng trường nhưng có thể nói đi trường học. Nam Bộ có câu ca dao:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh / Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi,
Khó đi mẹ dắt con đi / Con đi trường học, mẹ đi trường đời”
Có thể hỏi làng, quê, tỉnh cũng là những không gian rộng lớn cũng có thể là những nơi chúng ta hoạt động theo một mục đích nào đó, nhưng vì sao không thể nói *đi làng, *đi quê mà chỉ có thể nói đi tỉnh? Điều này liên quan đến đặc điểm (2): đi là di chuyển dời khỏi gốc. Trong tâm thức người Việt, làng quê là gốc gác, là quê cha đất tổ. Nên chỉ có thể trở về gốc hoặc dời khỏi gốc. Chúng ta nói về làng, về quê và đi khỏi làng, khỏi quê. Làng, quê không thể là điểm đến nên không nói *đi làng, *đi quê được. Nhưng tỉnh thì ngược lại. Vì vậy: “Hôm qua em đi tỉnh về / Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.” (Nguyễn Bính). Ngày nay nhiều bạn trẻ sinh ra ở thành phố. Lại có những gia đình do chiến tranh nên đã chuyển tới những vùng miền khác nhau, qua hai ba thế hệ nhiều bạn trẻ chỉ còn mang máng biết quê mình ở Nam Định, Thái Bình… nên trong tâm thức không ít người, sự đối lập thành phố/nông thôn mạnh hơn sự đối lập nơi ở/quê quán. Phải chăng vì vậy, trong tương lai xã hội sẽ chấp nhận lối nói “đi nông thôn”, “đi làng” như một biến thể tranh chấp với lối nói “đi về nông thôn”, “đi về làng”?
Trong [3, tr. 53], tác giả không chấp nhận lối nói *đi đồng, *đi sông, *đi cầu. Thật ra, ở Bắc Bộ có tục ngữ thứ nhất tắm sông / thứ nhì ỉa đồng. Xưa ở vùng quê Bắc Bộ, người ta chọn không gian rộng lớn là cánh đồng rìa làng để bài tiết chất thải. Vì vậy, chỉ việc đại tiện phương ngữ Bắc Bộ nói đi đồng là cách nói rút gọn một điều hiển nhiên của đi ra đồng để đại tiện. Cùng nghĩa này, dân vạn chài sẽ nói đi sông, phương ngữ Trung Bộ nói đi trảng (trảng cát), còn đi cầu tõm rồi thành đi cầu, là của phương ngữ Nam Bộ.
Lưu ý là danh ngữ NP trong cấu trúc “đi + NP” không nhất thiết phải có sở chỉ. Cách nói “đi thực tế”, “đi thực địa” là hoàn toàn bình thường. Cách nói đi đêm là hoàn toàn bình thường cả nghĩa đen lẫn ẩn dụ: “Hay đi đêm sẽ có ngày gặp ma”. Khi chơi bài tam cúc, người ta thường hỏi: “Có được chơi đi đêm không?”
2.8. Do đặc điểm (2) đi là chuyển động dời khỏi gốc, tức là xa dần điểm gốc, khoảng cách tới gốc ngày càng tăng đã dẫn tới những nét nghĩa rất đặc biệt của đi. Điều này dẫn tới hai hệ quả dường như trái ngược nhau.
(a) Thuộc tính không gian “khoảng cách tăng dần” của đi, theo (4) trở thành thuộc tính ngữ nghĩa của đi trong tâm thức người Việt: Xa dần tầm nhìn của người nói, càng xa càng khó thấy rõ. Sự suy giảm từ từ về khả năng nhìn thấy, lại được khái quát thành sự suy giảm từ từ. Từ đây, đi được dùng như phó từ đứng sau những từ mang phẩm chất âm[-] hoặc trung tính để chỉ sự suy giảm những phẩm chất đó: đen đi, xấu đi, gầy rộc đi, mờ đi, nghèo đi, hèn đi, kém đi, chậm đi, yếu đi, lười đi, tái đi, xám đi, vơi đi, lặng người đi (đi8); hoặc đi được dùng như ngoại động từ biểu thị phẩm chất của danh từ đứng sau nó đã suy giảm từ từ: Nồi cơm đã đi hơi, Trà đã đi hương, uống nhạt lắm…(đi9).Một khi chuyển dời khỏi gốcliên tục sẽ xa dần và thoát khỏi tầm nhìn. Quan hệ không gian này chuyển thành thuộc tính không thấy được. Lúc này đi được dùng phụ cho một động từ khác chỉ những hành động mà kết quả làm người khác không thấy được, đối tượng bị mất đi: xoá đi một chữ, cắt đi vài đoạn, trốn đi, giấu đi, biến mất đi, che đi, lấy đi, khuất đi, loại đi, bỏ đi, vất đi, khử đi… (đi7). Và đi có thể dùng biểu trưng cho sự mất. Chẳng hạn, đi tong, đi đời mày rồi con ơi! Sai một li đi một dặm (tục ngữ). Tôi nói đôi lời về cách hình thành loại tục ngữ này. Làm thế nào có thể tạo ra một “tục ngữ tình huống có nghĩa “sai rất ít, mất rất nhiều”? Tuỳ tình huống, chọn ra hai đối tượng A rất nhỏ bé, B rất to lớn để biểu trưng. Chúng ta sẽ có cấu trúc “sai A, mất B”. Một yêu cầu của tục ngữ là phải hợp vần. Vì vậy trong số những từ diễn tả ý nghĩa “mất” chúng ta chọn ra từ hợp vần với một yếu tố của A là sẽ được một “tục ngữ” tình huống biểu trưng. Ví dụ:
(1) Sai một phút, cụt một đời.
(2) Sai một giây, bay một đời.
(3) Sai một li, còn gì cơ nghiệp (/còn gì 9 tỉ).
(4) Sai một tấc, xấc bấc xang bang suốt đời.
(5) Sai một li, còn gì cuộc sống.
(6) Sai một li, đi một dặm.
Hai câu (1), (2) có thể dùng để nói về những tình huống như: a) một cán bộ đang thăng tiến như diều, léng phéng, bồ bịch với nhân viên dưới quyền, cô này mang bầu, thế là mất chức, thế là tan cửa nát nhà. b) Hoặc một quan chức sau những buổi liên hoan tiếp khách lại đi tiếp “tăng 2”, “tăng 3” và “dính” SIDA, nhân viên biết nên khinh “sếp” hết cửa leo lên. c) Hoặc một VIP đang đà hãnh tiến, lên chùa cầu khấn thần linh phù hộ độ trì cho mình tiếp tục leo lên và hãm hại người đang tranh chấp. Nhưng vách có tai,người ta biết được, ông phải về hưu non, uất ức mà chết…
Hai câu (3), (4) có thể dùng để nói tình huống do sơ suất viết thiếu một số 0, số tiền có được lẽ ra là 10 tỉ đồng, nay chỉ còn 1 tỉ, mất đứt 9 tỉ. Câu (5) có thể dùng để nói tình huống một thanh niên do sơ sểnh, nhầm lẫn chút xíu tưởng cô chị là cô em xinh đẹp, khôn ngoan, giỏi giang, nên anh chàng mất cả cuộc đời, phải sống với người chị đần độn, vừa xấu người vừa xấu nết…
Cả 6 câu trên đây, những từ li, tấc hay giây, phút đều không hiểu theo nghĩa đen nói về kích thước độ dài hay thời gian, mà chỉ có nghĩa biểu trưng cho cái rất nhỏ, rất ít. Người Việt đã chọn yếu tố độ dài li, dặm để có tục ngữ (6) “Sai một li, đi một dặm” biểu trưng cho nghĩa “sai rất ít, mất rất nhiều”. Các câu (1) – (5) trở thành những biến thể tình huống của (6).
(b) Thuộc tính không gian “khoảng cách tăng dần” của đi, theo (4) cũng trở thành thuộc tính ngữ nghĩa của đi trong tâm thức người Việt. Ở đây, khoảng cách không gian tăng dần, tăng mãi của đi trở thành nét nghĩa mức độ tăng rất cao, mức độ nhấn mạnh đặc biệt của đi. Trong những trường hợp này, đi được dùng như một trợ từ: Đời nào mẹ lại đi ghét con! (đi III1); Thích quá đi chứ! Mừng quá đi. Mê tít đi. Rõ quá đi rồi, còn gì phải hỏi nữa! (đi III2); Có nói mấy đi nữa cũng vô ích. Cứ cho là như vậy đi, cũng vẫn tốt. (đi III4); Cộng các thứ, vị chi đi đứt 4 triệu. (đi III3)
(c) Đi là dời khỏi gốc. Với người Việt, gia đình là gốc rễ, cội nguồn. Một người chết là người đã bỏ gia đình, anh em, con cháu mà đi vĩnh viễn. Từ đây hình thành ẩn dụ: đi chỉ cái chết. “Cậu vàng đi rồi, ông giáo ạ.” (Lão Hạc, NamCao). Giống như đi, một đối tượng bị mất thì người ta không thấy đối tượng đó nữa. Từ đây mất cũng là một ẩn dụ của cái chết. Nhân đây, tôi cũng trình bày cách hiểu vì sao về cũng là một ẩn dụ khác của cái chết?Khi trở lại gốc, chúng ta dùng từ về. Trong tâm thứcngười Việt mà xưa kia hầu như theo đạo Phật, cõi trần là cõi tạm, khi chết đi con người trở về với tổ tiên, trở lại thế giới vĩnh hằng, trở về cội nguồn của mình. Vì vậy, về cũng là ẩn dụ của cái chết.
2.9. Chúng ta có những ẩn dụ “cây cỏ là con người” (lúa đang thì con gái) và những đối tượng thiên nhiên hoặc trừu tượng cũng là con người. Vì vậy, những đối tượng này cũng đi được như người: Công việc đi vào nền nếp, (đi 14). Nước đi, đi mãi không về cùng non. (Thề non nước, Tản Đà).
2.10. Trong những định nghĩa về từ đi của [4], nhất là về đi III (trợ từ), có định nghĩa không phản ánh bản chất của đi. Ví dụ: “III tr. (kng) 1 (…) Từ biểu thị ý nhấn mạnh về tính chất bất thường hoặc lạ lùng, ngược đời của một sự việc, để tỏ ý không tán thành hoặc không tin. Ai lại đi nói thế! Đời nào mẹ lại đi ghét con!” Bây giờ chúng ta bỏ từ đi ở hai ví dụ minh hoạ này, nghĩa của câu hầu như không đổi: Ai lại nói thế! Đời nào mẹ lại ghét con!” Vậy thì nghĩa này không phải của từ đi. Ở đây, từ đi chỉ phản ánh khẩu ngữ. Chúng tôi chứng minh được rằng nó là nghĩa của từ lại. Trong [1c] chúng tôi đã trình bày con đường chuyển nghĩa của từ lại. Xin nêu thật vắn tắt những điều mà lại liên quan tới đi. Từ lại, một chuyển động ngược chiều với đi, là “trở về gốc xuất phát của người thực hiện hành động lại” (x.[1c]). Điều này giải thích vì sao sau ngày cưới nhà gái “lại quả” nhà trai hoặc khi tiễn khách, chủ nhà chào: Ông bà lại nhà ạ.Trở về nơi xuất phát là trở lại trạng thái ban đầu: Sau trận ốm, nay bà đã lại người. Đi là dời khỏi gốc, một vận động thuận, còn lại trở về nơi xuất phát, một vận động ngược. Do vậy, một mặt đi lại là hành động đi vô hướng, đi chung chung, khái quát đi theo chiều này, đi theo chiều kia ngược lại đều được: “Trên đường, người đi lại rất đông”. Mặt khác, đi lại tạo ra quan hệ hai chiều: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”; “Bánh ú đưa đi, bánh quy đưa lại”. Một người thực hiện một hành động theo hướng thuận, rồi thực hiện hành động đó theo hướng ngược lại sẽ tạo ra ý nghĩa hành động lặp lại nhiều lần: “làm đi làm lại suốt buổi chiều mà vẫn không xong”, “Ông cụ sốt ruột đi đi lại lại”. Từ một hành động ngược với thuận được coi là thông thường, lại chuyển nghĩa thành một phản ứng, một đáp trả (cãi lại, bật lại, nhạo lại), biểu hiện điều lạ lùng, ngược đời: “Nhưng tức quá, càng uống lại càng tỉnhra’(Chí Phèo, Nam Cao). Lẽ thường là càng uống càng say nên Chí Phèo tức vì chuyện ngược đời: càng uống càng tỉnh. "Không nghe tiếng máy baysao lại có pháo sáng!" (Mảnh trăng cuối rừng, Nguyễn Minh Châu).
2.11. Trong tiếng Việt để chỉ hai đối tượng A, B rất hài hoà, có cấu trúc “A phù hợp với B”. Hai màu A, B hài hoà, hợp với nhau ta có thể nói “Hai màu này rất ăn với nhau” vì ăn là hành động tiếp nhận, màu này tiếp nhận tốt màu kia. Hai màu A, B đi song song tồn tại, phù hợp với nhau theo đặc điểm (3) thì có thể nói “Màu vàng ở đây đi với màu đỏ.” (đi 17).
3. Lời kết
Trên cơ sở nhận thức về hành động đi, trong bài này chúng tôi thử trình bày cách miêu tả một cách hệ thống nghĩa của từ đi, một từ rất nhiều nghĩa và cách dùng rất phức tạp như nhận định của nhiều người. Các nghĩa này được sắp xếp lại theo mối quan hệ chuyển nghĩa của từ này. Phải chăng, trong từ điển tiếng Việt cỡ lớn có thể miêu tả các nghĩa của từ theo cách này?
Trong bài này, chúng tôi chưa tìm được (hay không thể tìm được?) mối liên hệ những nghĩa vừa trình bày với nghĩa phụ từ của đi “biểu thị ý mệnh lệnh hoặc đề nghị, thúc giục một cách thân mật” như: Chúng ta đi chơi đi! Im đi! Tranh thủ nghỉ đi cho lại sức. Nhanh lên đi nào! (đi II). Vì vậy, chúng tôi cho rằng đây là một từ đi khác, đồng âm với từ đi vừa trình bày.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[1] Nguyễn Đức Dân
a. Ngữ pháp lô gích trong tiếng Việt // Ngữ pháp tiếng Việt – những vấn đề lí luận, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008.
b. Những giới từ không gian: sự chuyển nghĩa và ẩn dụ, Ngôn ngữ, số 9, 2005.
c. Con đường chuyển nghĩa của từ LẠI, Ngôn ngữ, số 11, 2010.
[2] Nguyễn Đức Dương, “Đi” trong sai một li đi một dặm diễn đạt nghĩa gì? Từ điển học & Bách khoa thư, số 4, 7-2013.
[3] Bùi Mạnh Hùng, Về kết cấu “đi + danh từ/danh ngữ chỉ địa điểm”, Từ điển học & Bách khoa thư, số 4, 7-2013.
[4] Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1992.
Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư. Số 6 (26), 11-2013.
|