NGỮ PHÁP TẠO SINH và việc đánh giá hiện tượng ngôn ngữ “phi chuẩn” của lớp trẻ hiện nay
GS. TS. NGUYỄN VĂN HIỆP
ABSTRACT
The paper presents the nature of Generative Grammar and assesses the non-standard Vietnamese used by the youth nowadays. According to the principles of Universal Grammar and the innateness hypothesis of language acquisition, Generative Grammar considers the phenomenon of non-standard language to be something superficial, temporary, which has no impact to the deep stratum of Vietnamese grammar.
GS Nguyễn Văn Hiệp
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay, vấn đề phát triển và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt đang được đặt ra một cách cấp bách.
Tiếng Việt phải phát triển để đáp ứng nhu cầu diễn đạt nhận thức chung của xã hội đang phát triển, nhu cầu biểu đạt tình cảm ngày càng phức tạp và tinh tế của người Việt trong bối cảnh cuộc cách mạng thông tin và bối cảnh toàn cầu hoá. Một loạt hình thức giao tiếp mới ra đời: điện thư, chát, mạng xã hội, v.v. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật cũng thúc đẩy sự phát triển song hành của tiếng Việt để làm công cụ của tư duy và diễn đạt khoa học.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ ấy cũng kéo theo vô số những hệ luỵ, trong đó có những hệ luỵ được xếp vào loại nghiêm trọng, đáng báo động. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên xuất hiện những bài viết phê phán về sự tha hoá, méo mó của tiếng Việt, báo động về sự biến dạng đến nỗi không thể hiểu được khi tiếng Anh được dùng lẫn với tiếng mẹ đẻ. Tác giả của những bài viết này là những người muốn bảo vệ tiếng Việt khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội hiện đại. Rất nhiều ý kiến đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, đó là nền kinh tế thị trường phát triển với nhiều hình thức cực đoan, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự nông nổi của các bạn trẻ thế hệ 8X, 9X và cả sự buông lỏng kỉ cương trong việc sử dụng từ ngữ đối với các phương tiện thông tin đại chúng…
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng tình trạng không đến mức bi quan và những lệch lạc trong cách diễn đạt hiện nay của một số người trẻ tuổi sẽ nhanh chóng qua đi, tiếng Việt đủ nội lực để tự bảo vệ, để trường tồn cùng dân tộc.
Thực trạng sử dụng tiếng Việt “phi chuẩn” có thể nhìn từ góc độ Ngữ pháp tạo sinh của Chomsky. Tham khảo và kế thừa những công trình về Ngữ pháp tạo sinh, được viết ra bởi Chomsky và các môn đệ, chúng tôi sẽ trình bày một cách khái quát cốt lõi của Ngữ pháp tạo sinh và đánh giá thực trạng sử dụng tiếng Việt “phi chuẩn” từ góc nhìn của lí thuyết này.
2. Tổng quan về Ngữ pháp tạo sinh
Trái ngược với mục đích miêu tả và phân loại (taxonomic) của các khuynh hướng ngữ pháp trước đó, đặc biệt là của ngữ pháp truyền thống, Noam Chomsky chọn cách tiếp cận tri nhận đối với việc nghiên cứu cú pháp. Với cách tiếp cận này, mục đích của nhà ngữ pháp là xác định những gì mà người bản ngữ biết về tiếng mẹ đẻ của họ, giúp họ có thể nói cho người khác hiểu mình và hiểu được những gì mà người khác nói với mình. Việc nghiên cứu ngôn ngữ, theo cách hiểu như vậy, là một phần của khoa học tri nhận (cognition). Theo Chomsky, về nguyên tắc, bất kì người bản ngữ nào bình thường nào cũng biết ngữ pháp tiếng mẹ đẻ của mình, biết cách kết hợp từ với nhau để tạo thành các biểu thức dùng trong giao tiếp cũng như biết cách thuyết giải ngữ nghĩa các biểu thức đó. Chẳng hạn, người bản ngữ nói tiếng Anh sẽ biết rằng câu phủ định của “I love her” là “I don’t love her” chứ không phải là “I no love her”. Hoặc, họ sẽ cho rằng một câu như “He loves me more than you” là câu mơ hồ, tức có hai cách thuyết giải nghĩa khác nhau, đó là “He loves me more than you love me” (Anh ấy yêu tôi hơn anh yêu tôi) và “He loves me more than he loves you” (Anh ấy yêu tôi hơn anh ấy yêu anh). Tuy nhiên, khả năng tạo câu nói và hiểu câu nói này mang tính ẩn mặc (tacit) chứ không phải là hiển ngôn (explicit) hay có ý thức (conscious). Vì vậy, một bác nông dân người Việt có thể dễ dàng tạo câu phủ định của câu “Tôi có tiền” là “Tôi không có tiền”, tạo câu phủ định của câu “Tôi là bố nó” là “Tôi không phải là bố nó”. Nhưng bác nông dân ấy có lẽ sẽ không thể trả lời được câu hỏi “Làm thế nào để tạo câu phủ định trong tiếng Việt?”. Chỉ có những người được học về ngữ pháp ở nhà trường, có tri thức về ngôn ngữ học mới có thể trả lời câu hỏi ấy, chẳng hạn cho rằng có hai cách tạo câu phủ định trong tiếng Việt: nếu câu ban đầu có động từ làm vị ngữ thì cần đặt từ phủ định “không” trước động từ vị ngữ (Tôi không có tiền”); còn nếu câu ban đầu có hệ từ “là” làm vị ngữ thì cần đặt cụm từ phủ định “không phải” trước hệ từ (Tôi không phải là bố nó).
Nói chung, nếu chỉ là một người bản ngữ bình thường, không phải là nhà ngôn ngữ học, thì sẽ không có ý thức về những quá trình ngôn ngữ liên quan đến việc tạo câu và hiểu câu. Cái khả năng ẩn mặc để tạo câu và hiểu câu như vậy được Chomsky gọi là ngữ năng (competence). Theo Chomsky, ngữ năng là đặc tính của người, chỉ có con người mới có ngữ năng. Và ngữ năng là mang tính bẩm sinh, được di truyền. Con vật, dù tinh khôn đến mấy, dù được huấn luyện công phu đến mấy, cũng không thể có ngữ năng.
Nhờ ngữ năng mà con người có ngữ thi (performance), tức con người có thể thực thi ngôn ngữ: nói được cho người khác hiểu và hiểu được những gì người khác nói. Theo Chomsky, sự phân biệt giữa ngữ năng và ngữ thi là như sau: ngữ năng là tri thức của người nói/ người nghe về ngôn ngữ của họ, còn ngữ thi là sự sử dụng thực tế của ngôn ngữ trong những tình huống cụ thể (Competence is speaker-hearer’s knowledge of his language, while performance is the actual use of language in concret situations” (Chomsky 1965, 4). Ngữ thi có thể là một sự phản ánh mắc lỗi về ngữ năng, chẳng hạn, khi nói chúng ta có thể bị nhíu lưỡi, bị lắp, phát âm sai; hoặc ta có thể thuyết giải sai ý nghĩa câu nói của người khác. Có nhiều lí do đến các lỗi ngữ thi. Chẳng hạn do chúng ta say rượu, mỏi mệt, buồn chán, bị phân tâm v.v. Tuy nhiên, những lỗi về ngữ thi như vậy không ảnh hưởng đến ngữ năng, tức không ảnh hưởng đến cái cơ sở ẩn mặc giúp chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ như một người bản ngữ thành thạo. Cũng vì lí do này mà ngữ pháp của Chomsky quan tâm đến ngữ năng nhiều hơn là ngữ thi.
3. Các phiên bản hay các giai đoạn phát triển của Ngữ pháp tạo sinh
Phiên bản đầu tiên của lí thuyết, được trình bày trong cuốn “Syntactic Structures” (1957) có thể được gọi tên là “Ngữ pháp tạo sinh” (Generative Grammar).“Tạo sinh” được hiểu theo nghĩa là tạo ra các câu, thông qua các quy tắc viết lại (rewrite rules), chẳng hạn một câu (kí hiệu S), có thể được “viết lại”, hay biểu diễn lại như là sự kết hợp của một danh ngữ (NP) và một động ngữ (VP). Như vậy ta có:
S → NP VP
Ở giai đoạn này, Chomsky cho rằng ngữ pháp sẽ gồm hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất là các quy tắc viết lại, mà nhiệm vụ là tạo ra các cấu trúc cơ bản, hay các câu cơ sở (kernel sentences). Bộ phận thứ hai là các phép cải biến (transfomations), có nhiệm vụ biến đổi các câu cơ sở này theo những cách thức khác nhau. Chẳng hạn, từ câu trần thuật, khẳng định với tư cách là câu cơ sở, phép cải biến bị động sẽ biến nó thành câu bị động, còn phép cải biến phủ định sẽ biến nó thành câu phủ định. Đó cũng là lí do mà phiên bản đầu tiên của Chomsky còn được gọi là Ngữ pháp cải biến tạo sinh (Transfomational Generative Grammar). Ngay từ phiên bản đầu tiên, Chomsky đã nhấn mạnh đến tính tự trị (autonomous) của cú pháp, tức là cho rằng các quy tắc cú pháp là độc lập với ngữ nghĩa và cách sử dụng. Ví dụ thú vị nhất minh hoạ cho tính độc lập của cú pháp đối với ngữ nghĩa là câu:
“Colourless green ideas sleep furiously” (tạm dịch: Những tư tưởng xanh lục, không màu, đang ngủ một cách giận dữ”).
Câu này, theo Chomsky, là hoàn toàn đúng ngữ pháp mặc dù bất khả chấp về nghĩa.
Phiên bản thứ hai, thay thế cho phiên bản thứ nhất, có tên là Lí thuyết chuẩn (Standard Theory), được trình bày trong cuốn “Aspects of the Theory of Syntax” (tạm dịch: “Các bình diện của lí thuyết cú pháp”). Với phiên bản này, Chomsky làm rõ hơn sự phân biệt rất quan trọng về ngữ năng và ngữ thi, làm rõ hơn sự phân biệt giữa tri thức ngôn ngữ và sự sử dụng ngôn ngữ. Phiên bản Lí thuyết chuẩn cũng giới thiệu cặp khái niệm “cấu trúc mặt” (surface structure) và “cấu trúc sâu” (deep structure). Sự phân biệt này có thể được minh hoạ qua các ví dụ nổi tiếng sau đây.
Một câu như “John is eager to please” (tạm dịch: John khao khát lấy lòng), sẽ có ý rằng John lấy lòng ai đó.
Còn một câu như “John is easy to please” lại có ý rằng ai đó lấy lòng John.
Vấn đề đặt ra là: tại sao hai câu có cùng một cấu trúc (danh từ + động từ + tính từ + động từ) lại được hiểu khác nhau?
Giải thích điều này, Chomsky cho rằng hai câu này có cùng cấu trúc mặt, nhưng lại khác nhau về cấu trúc sâu. Trong câu “John is eager to please”, thì John là chủ ngữ (subject) của động từ “please”, còn trong câu “John is easy to please” thì John là bổ ngữ (object) của động từ “please”.
Phiên bản thứ ba, được gọi tên là “Lí thuyết chuẩn mở rộng” (Extended Standard Theory), xuất hiện vào những năm 70 của thế kỉ XX. Trong phiên bản này, Chomsky chủ yếu điều chỉnh một số quy tắc được sử dụng trong ngữ pháp của mình.
Phiên bản thứ tư, là phiên bản có nhiều đổi mới rất căn bản, được gọi tên là “Lí thuyết Chi phối và Ràng buộc” (Government and Binding Theory). Phiên bản này nhấn mạnh rằng ngôn ngữ loài người gồm những quy tắc giống nhau ẩn đằng sau mọi ngữ pháp và mọi thông số (parameters), khiến ngữ pháp biến đổi rất hạn chế. Các khái niệm về cấu trúc mặt và cấu trúc sâu được thay thế bằng những khái niệm mang đậm tính kĩ thuật hơn, gọi là “D-structure” và “S-structure”. Nhấn mạnh vào nguyên tắc và tham số, phiên bản thứ tư này còn được gọi tên là “Lí thuyết Nguyên tắc và Tham số”(Principles and Parameters (P&P) Theory).
Phiên bản mới nhất của Chomsky có tên là “Chương trình tối thiểu” (Minimalist Program) hay “Tối thiểu luận” (Minimalism), xuất hiện vào năm 1993. Chương trình này có 3 chặng phát triển.
Ở chặng thứ nhất, từ 1993 đến 1996, Tối thiểu luận tập trung vào những đặc điểm chung nhất của mô hình, giản lược hoá tri thức về ngôn ngữ thành những nguyên tắc chung, bất biến đối với mọi ngôn ngữ và bằng cách gắn kết các tham số với bộ từ vựng, biến những gì con người cần phải có để biết được một ngôn ngữ thành một phần của từ vựng.
Ở chặng thứ hai, từ 1996 đến 2000, Chomsky tỉnh giản những công cụ hay bộ máy (apparatus) trong Lí thuyết Chi phối và Ràng buộc, chỉ giữ lại một tập hợp các thao tác và luận điểm tối thiểu và tập trung khảo sát “hệ tính toán” (computational system) trung tâm của ngôn ngữ ăn khớp hoàn hảo với hệ thống âm vị và hệ thống tri nhận như thế nào.
Chặng thứ 3, từ năm 2000 trở lại đây, có tên là “Mô hình các pha” (Phases Model).
Một điều rất cần lưu ý, là thuật ngữ “ngữ pháp” được Chomsky dùng theo một nghĩa rất đặc biệt, bao gồm cả phương diện ngữ âm. Chẳng hạn, với một câu như:
- Jane loves music
Ngữ pháp có nhiệm vụ phải làm rõ: 1) Cách thức phát âm của câu này, tức sự kết hợp chuỗi các âm, mô hình trọng âm, ngữ điệu; 2) Câu này có ý nghĩa gì, các từ riêng lẻ quan hệ với nhau như thế nào thông qua những phương tiện (device) như Chủ ngữ (Jane), theo sau là động từ được chia (loves), sau nữa là Bổ ngữ (music). Như vậy, thuật ngữ “ngữ pháp” được dùng để chỉ toàn bộ tri thức về ngôn ngữ trong tâm trí của một người chứ không phải chỉ dùng để chỉ cái gọi là ngữ pháp theo cách hiểu của truyền thống, vốn gồm 2 bộ phận là từ pháp (gồm các quy tắc cấu tạo từ và biến đổi từ) và cú pháp (gồm các quy tắc tạo câu nói, cụ thể là kết hợp các từ để tạo thành ngữ đoạn và tạo câu). Theo cách hiểu rộng như vậy thì ngữ pháp, theo Chomsky, ít nhất phải có các thành tố sau đây:
- thành tố đảm nhận việc miêu tả các âm thực tế (thành tố đảm bảo sự biểu diễn ngữ âm);
- thành tố đảm bảo sự biểu diễn ngữ nghĩa;
- thành tố đảm bảo việc miêu tả cấu trúc cú pháp, dùng để kết nối thành tố ngữ âm và thành tố ngữ nghĩa.
Xuyên suốt các giai đoạn phát triển, cốt lõi lí thuyết của Chomsky là “Dĩ cú pháp vi trung” (syntactocentrism), theo nghĩa cú pháp luôn luôn là hạt nhân của tri thức về ngôn ngữ. Đối với quá trình thụ đắc ngôn ngữ thì vấn đề trung tâm là làm thế nào mà trẻ con thụ đắc được những yếu tố của cái hệ thống tính toán dùng để nối kết âm và nghĩa của ngôn ngữ, chứ không phải là bản thân hệ thống âm hoặc nghĩa của ngôn ngữ.
Hệ thống tính toán này có hai thành tố chủ chốt, đó là bộ từ vựng tinh thần (lexicon) và các nguyên tắc của ngữ pháp phổ quát (universal grammar)
Bộ từ vựng tồn tại trong đầu người nói, giống như một từ điển chứa toàn bộ vốn từ, được tổ chức dưới dạng các mục từ (lexical entries). Mỗi mục từ gồm sẽ chứa rất nhiều thông tin về cách ứng xử của từ trong câu cũng như ý nghĩa của chúng. Bắt đầu từ những năm 1980, Chomsky đã gắn kết cấu trúc của câu với các hạng mục từ vựng (lexical item) được dùng trong câu: sự lựa chọn hạng mục từ vựng điều phối cú pháp của hệ thống tính toán, cho biết cấu trúc nào là có thể, cấu trúc nào là không thể đối với những câu chứa hạng mục này. Chẳng hạn, nếu chọn động từ “eat”, ta phải có bổ ngữ kèm theo “eat something”, nếu chọn danh từ “book” thì ta phải kèm theo chỉ định từ (a/the book).
Các nguyên tắc của ngữ pháp phổ quát hiện diện trong mọi ngôn ngữ và trong đầu óc hay tâm trí của tất cả mọi người. Theo Chomsky, nhìn bề ngoài thì các ngôn ngữ là khác nhau đáng kể, nhưng ở một mức độ trừu tượng, các ngôn ngữ cùng có chung một bộ các nguyên tắc. Sự khác biệt giữa các ngôn ngữ có thể quy về sự khác biệt trong việc lựa chọn mang tính hạn chế đối với một số biến (variables) nào đó, được gọi là tham số (parameters). Từ những năm 1980, Chomsky có sự thay đổi căn bản khi nhấn mạnh đến những nguyên tắc phổ quát đối với tri thức về ngôn ngữ. Sự thay đổi này dẫn đến Chương trình tối thiểu (Minimalist Program) hay Tối thiếu luận (Minimalism). Trong phiên bản này, Chomsky cho rằng tri thức về ngôn ngữ gồm: (1) những nguyên tắc phổ quát đối với mọi ngôn ngữ; và (2) những tham số mà giá trị thay đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Sự thay đổi như vậy là căn bản, bởi lẽ trước những năm 1980, ngôn ngữ được xem là những quy tắc hoặc cấu trúc và các nhà tạo sinh luận vẫn nghĩ rằng biến thể ngôn ngữ không có giới hạn. Sự hấp dẫn của lí thuyết Ngữ pháp tạo sinh của Chomsky, với phiên bản mới nhất “Tối thiểu luận” là sự giải thích tại sao trẻ em thụ đắc tiếng mẹ đẻ một cách nhanh chóng và dễ dàng, khác hẳn với việc thụ đắc một ngôn ngữ thứ hai.
Có thể nói, trên nền tảng Ngữ pháp phổ quát (Universal Grammar), Tối thiểu luận không chỉ giải thích vì sao các phổ quát ngôn ngữ tồn tại, mà còn giải thích làm thế nào mà trẻ em lại nắm bắt được ngôn ngữ ở môi trường chung quanh một cách nhanh chóng. Như mọi người đều biết, ngay từ những phiên bản đầu tiên, Ngữ pháp tạo sinh của Chomsky cho rằng các nguyên tắc của Ngữ pháp phổ quát là mang tính bẩm sinh (innate) chứ không phải do học hỏi mà có.
Tuy nhiên, đến phiên bản Tối thiểu luận, Chomsky làm rõ hơn cơ chế thụ đắc tiếng mẹ đẻ. Ông không khẳng định rằng trẻ em được sinh ra với một ngữ pháp hoàn toàn xác định mà còn phải trải qua quá trình nắm bắt ngữ pháp do tiếp xúc với môi trường ngôn ngữ chung quanh. Như đã nói, Chomsky cho rằng những gì được coi là phổ quát và bẩm sinh mang tính tiền định là một loại ‘bản thiết kế’ để hướng dẫn những gì có thể có đối với một ngôn ngữ. Những nội dung tiền định này được ông gọi là các phổ quát hữu thể và phổ quát hình thức.
Các phổ quát hữu thể là những phạm trù ngữ pháp như danh từ và động từ, các chức năng ngữ pháp như chủ ngữ và bổ ngữ, mà ta có thể xem như là các ‘khối xây dựng’ cơ bản của ngữ pháp. Chomsky cho rằng các ngôn ngữ lựa chọn từ một tập hợp phổ quát các phạm trù hữu thể này.
Trong khi đó, các phổ quát hình thức là các quy tắc như các quy tắc cấu trúc ngữ đoạn, vốn xác định cách ngữ đoạn và câu có thể được tạo nên bởi các từ, và các quy tắc phái sinh, vốn hướng dẫn sự tái cơ cấu các cấu trúc cú pháp, cho phép những kiểu câu nhất định được cải biến thành kiểu câu khác hoặc được phái sinh từ các kiểu câu khác (ví dụ, sự cải biến câu trần thuật thành câu nghi vấn).
Dễ thấy rằng, đối với nhiều nhà ngôn ngữ học theo khuynh hướng khác với Ngữ pháp tạo sinh, bức tranh về ngôn ngữ hiện ra từ một cách tiếp cận của Chomsky bị bó hẹp một cách gượng gạo, chỉ tập trung - như nó đã thể hiện - vào hình thái - cú pháp (cấu trúc của từ và của câu) và có rất ít điều để nói về nghĩa của ngôn ngữ hoặc các chức năng giao tiếp của ngôn ngữ. Tuy nhiên, điều đáng nói về Ngữ pháp tạo sinh là khuynh hướng này không xem những cách dùng “phi chuẩn” là đáng lo ngại, bởi tất cả chỉ dừng lại ở hiện tượng bề mặt, nhất thời, không thể xâm phạm đến cái ngữ pháp phổ quát (UG) tồn tại trong tiếng Việt và các ngôn ngữ tự nhiên khác.
Chomsky tin rằng, những khác biệt trên bề mặt ngữ pháp của các ngôn ngữ trên thế giới đã che lấp những quy tắc chung của chúng. Hay nói cách khác, đằng sau những khác biệt bên ngoài, không bản chất ấy là những quy tắc chung của Ngữ pháp phổ quát mà ngôn ngữ của con người tuân theo và nhiệm vụ của nhà ngôn ngữ học là lần tìm cái chung, cái phổ quát ẩn đằng sau sự khác biệt trong cơ cấu ngữ pháp của các ngôn ngữ tự nhiên. Như mọi người đều biết, Ngữ pháp tạo sinh được bắt đầu với những miêu tả về tiếng Anh, sau đó được chỉnh sửa, bổ sung để áp dụng cho những ngôn ngữ khác. Quá trình đi tìm Ngữ pháp phổ quát là một quá trình lâu dài, tiệm tiến: nếu lí thuyết ngữ pháp áp dụng được cho n ngôn ngữ, nhưng không áp dụng được cho ngôn ngữ thứ n+1 thì lí thuyết ngữ pháp ấy cần phải được điều chỉnh, bổ sung để có thể áp dụng được cho ngôn ngữ thứ n+1 đó. Sau đó, nó phải được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung để có thể áp dụng được cho ngôn ngữ thứ n+2, n+3, n+4, v.v. Đến một lúc nào đó, khi lí thuyết ngữ pháp mà nhà nghiên cứu xây dựng có thể áp dụng cho mọi ngôn ngữ trên thế giới, bất luận là ngôn ngữ có nhiều người nói như tiếng Hán, tiếng Anh hay ngôn ngữ chỉ có vài nghìn hay vài trăm người nói như tiếng Chứt, tiếng Rục ở Việt Nam thì lúc đó, có thể nói là nhà nghiên cứu đã vươn tới hay đã tìm ra được lí thuyết Ngữ pháp phổ quát (UG) của ngôn ngữ nhân loại.
Nói một cách khác, hướng đến năng lực giải thích cho toàn bộ các ngôn ngữ của nhân loại, bộ máy miêu tả của Ngữ pháp phổ quát không được quá yếu, tức chỉ phù hợp với một hay một vài ngôn ngữ cụ thể.
Chính ở điểm này, Chomsky đã khiến ngôn ngữ học trở thành một khoa học thực sự như khoa học tự nhiên, theo cái nghĩa là lí thuyết ngôn ngữ học có thể được chứng minh là sai, và sau mỗi lần được chứng minh là sai như vậy, nhà lí thuyết sẽ có những điều chỉnh, bổ sung cần thiết, để rồi sau đó lại có thể được chứng minh là sai thêm một lần nữa và rồi lại cần có những điều chỉnh, bổ sung cần thiết… Đây cũng chính là quá trình được áp dụng cho các khoa học tự nhiên, và chính là con đường để con người tiệm cận đến chân lí.
3. Quan năng ngôn ngữ và giả thuyết bẩm sinh (the innateness hypothesis)
Chomsky đã xây dựng lí thuyết thụ đắc ngôn ngữ (theory of language acquysition) để giải đáp cho câu hỏi: làm thế nào mà trẻ con nắm được ngữ pháp tiếng mẹ đẻ của mình? Chính việc trẻ con nắm bắt dễ dàng và nhanh chóng ngữ pháp tiếng mẹ đẻ đã khiến Chomsky hoài nghi về giả thuyết cho rằng trẻ con học ngôn ngữ từ môi trường chung quanh theo kiểu học và biết, thử và sai, học nhiều biết nhiều, học ít biết ít.
Như mọi người đều biết, vào khoảng 1 năm tuổi, trẻ con thường bắt đầu nói được những từ đầu tiên (ví dụ: “mẹ”, “ba” của trẻ người Việt hay “mama”, “dada” của trẻ người Anh). Các nhà Ngữ pháp tạo sinh thấy rằng trong khoảng 6 tháng tiếp theo, không có dấu hiệu về sự phát triển hệ thống ngữ pháp, mặc dù vốn từ của trẻ thường tiếp tục phát triển với mức thêm 5-6 từ/tháng và đến 18 tháng tuổi thì trẻ thường nói được khoảng 30 từ. (Radford 2004: 13) Trong giai đoạn “một từ” này, phát ngôn của trẻ chỉ gồm 1 từ, chẳng hạn trẻ có thể nói “Nước!” khi nó muốn uống nước, nói “Mẹ!” khi muốn được mẹ bế. Trong giai đoạn “phát ngôn một từ” này, nhìn chung không thấy có bằng chứng về sự thụ đắc ngữ pháp, chẳng hạn trẻ con Anh không biết dùng các biến tố số nhiều (-s/-es) sau danh từ, không biết dùng biến tố chỉ quá khứ (-ed) sau động từ, và hầu như không biết kết hợp từ với nhau một cách có hiệu quả để tạo nên những phát ngôn có hai từ hoặc có ba từ. (Radford 2004: 13)
Tuy nhiên, bắt đầu ở 18 tháng tuổi, đã có những dấu hiệu đầu tiên về sự thụ đắc ngữ pháp: trẻ bắt đầu dùng các biến tố (số nhiều, quá khứ v.v. cho dù có thể dùng sai, đặc biệt đối với các danh từ đặc biệt hay động từ bất quy tắc trong tiếng Anh) và bắt đầu tạo ra những phát ngôn có hai từ, chẳng hạn trẻ con Anh có thể tạo ra những phát ngôn như “Want Teddy”, “Eating cookie”. Từ thời điểm này trẻ bắt đầu phát triển nhanh chóng năng lực ngữ pháp, chẳng hạn trẻ con Anh 30 tháng tuổi thường đã nắm được gần hết quy tắc biến tố và các kết cấu ngữ pháp quan trọng của tiếng Anh. Chúng có thể tạo ra những câu giống với câu của người lớn, kiểu như “Where the Mummy gone?” (Mẹ đi đâu rồi?), “What’s Daddy doing?” (Bố đang làm gì?), “Can we go to the zoo, Daddy?” (Chúng ta có thể đi sở thú không hả bố?), mặc dù có thể gặp những lỗi về hình thái học và cú pháp, và những lỗi này có thể kéo dài khi trẻ đã lên bốn tuổi. (Radford 2004: 13) Rõ ràng đã có một sự đồng bộ (uniformity) và phát triển nhanh chóng trong việc trẻ con thụ đắc tiếng mẹ đẻ.
Theo Chomsky, lí thuyết thụ đắc ngôn ngữ cần giải thích được tính đồng bộ và sự phát triển nhanh chóng như vậy trong việc thụ đắc tiếng mẹ đẻ của trẻ con.
Chomsky đi đến giả thuyết cho rằng tính đồng bộ (uniformity) và sự phát triển nhanh chóng trong việc thụ đắc tiếng mẹ đẻ của trẻ con chỉ có thể được giải thích bởi trẻ con đã được thừa hưởng, qua con đường di truyền, một quan năng ngôn ngữ (Language Faculty) trong não bộ, và chính cơ quan này cấp cho trẻ con một hệ thuật toán (algorithm) được kế thừa qua di truyền, để phát triển năng lực ngữ pháp trên cơ sở kinh nghiệm ngôn ngữ đầu vào (input) của chúng. Trẻ con sẽ quan sát những người chung quanh sử dụng ngôn ngữ, và những gì mà trẻ con nghe được trong quá trình thụ đắc ngôn ngữ sẽ tạo nên kinh nghiệm ngôn ngữ của trẻ. Kinh nghiệm này sẽ phục vụ như là đầu vào cho quan năng ngôn ngữ của trẻ, và chính quan năng ngôn ngữ này đã cung cấp thao tác để phân tích một cách vô thức kinh nghiệm ngôn ngữ này để cuối cùng tạo nên ngữ pháp của ngôn ngữ đang được thụ đắc. Nói tóm lại, đầu vào cho quan năng ngôn ngữ chính là kinh nghiệm ngôn ngữ của trẻ, và đầu ra (output) của quan năng ngôn ngữ sẽ là ngữ pháp của ngôn ngữ đang được thụ đắc. Hay nói một cách khác, đầu vào (là kinh nghiệm ngôn ngữ của trẻ) đã kích hoạt và xác định cơ cấu ngữ pháp của ngôn ngữ đang được thụ đắc và như vậy trẻ con không hề học ngôn ngữ từ môi trường chung quanh theo kiểu học và biết, thử và sai, học nhiều biết nhiều, học ít biết ít, là cách mà người lớn chúng ta thường thực hiện khi học ngoại ngữ.
Việc tồn tại quan năng ngôn ngữ gắn với giả thuyết bẩm sinh. Giả thuyết này cho rằng việc thụ đắc tiếng mẹ đẻ được quyết định chính bởi quan năng ngôn ngữ mang tính bẩm sinh. Chomsky khẳng định rằng chỉ có con người mới có khả năng nói và nắm được ngôn ngữ. Hay nói cách khác, khả năng ngôn ngữ là đặc trưng mang tính người. Theo Lyons (2008), đây là nguyên nhân sâu xa khiến Chomsky có thái độ chính trị tích cực, đấu tranh cho sự bình đẳng của con người, bất luận màu da, sắc tộc và phản đối mọi cuộc chiến tranh nhân danh khai hoá. Theo Chomsky, con người là cao quý vì con người có ngôn ngữ.
Các ngôn ngữ tự nhiên đã hoà nhập những nguyên tắc vừa mang tính duy nhất, vừa phản ánh bản chất hoạt động tư duy của con người. Chomsky đã viết: “Bất kì bằng chứng nào mà chúng ta có, đối với tôi, cũng đều có vẻ ủng hộ cho quan điểm rằng khả năng nắm và sử dụng ngôn ngữ là khả năng đặc biệt của loài người, rằng có những nguyên tắc rất sâu và rất chặt chẽ quyết định bản chất ngôn ngữ nhân loạivà có cội rễ từ đặc trưng của trí óc người.” (Chomsky 1972: 10)
Chomsky còn nhận xét thêm rằng khả năng thụ đắc ngôn ngữ của con người độc lập hoàn toàn với sự thông minh của họ: “Thậm chí ở mức độ thông minh thấp, ở mức độ bệnh lí, chúng ta thấy sự điều khiển ngôn ngữ cũng không thể có được ở một con khỉ hình nhân, mà ở những phương diện khác, có thể vượt một người đần ở khả năng giải quyết vấn đề và cách ứng xử mang tính thích nghi khác.” (Chomsky 1972: 79)
Tính đồng bộ hiển nhiên trong việc các cá thể khác nhau nắm bắt cùng cơ cấu ngữ pháp trong cùng một ngôn ngữ đã gợi ý rằng trẻ con có những hướng dẫn mang tính di truyền (genetic guidance) trong việc xác lập ngữ pháp của tiếng mẹ đẻ. Không có những hướng dẫn mang tính di truyền này thì rất khó giải thích tại sao những người nói cùng một ngôn ngữ lại cơ bản có cùng một cơ cấu ngữ pháp, bất chấp họ có sự khác biệt về trí thông minh cũng như khác biệt về những điều kiện thụ đắc ngôn ngữ.
Tính đồng bộ và sự mau lẹ trong việc thụ đắc ngôn ngữ càng ấn tượng hơn khi ta biết rằng kinh nghiệm ngôn ngữ của trẻ con thường là không hoàn hảo, do ngôn ngữ mà trẻ con tiếp xúc thường không hoàn hảo, có nhiều lỗi. Câu hỏi đặt ra là: nếu phần lớn ngôn ngữ đầu vào mà trẻ con tiếp xúc là không hoàn hảo (do lỗi thể hiện: lời nói ngắt quãng, câu lệch chuẩn v.v.) và có thể rất nghèo nàn, thì làm thế nào mà chúng có thể dùng những nguyên liệu không tốt ấy để phát triển và xác lập những câu đúng ngữ pháp? Chomsky đã trả lời cho câu hỏi này bằng loại suy sau đây:
“Đề Các hỏi: tại sao khi ta nhìn một cái hình vẽ không đều, ta thấy nó như là một hình tam giác? Ông đã thấy, một cách khá đúng đắn, rằng có một độ chênh giữa dữ liệu được đưa ra cho chúng ta với năng lực cảm quan mà chúng ta kiến tạo. Và ông lập luận, mà tôi nghĩ là khá hợp lí, rằng ta nhìn hình vẽ như một hình tam giác là bởi vì có cái gì đó thuộc bản chất của trí óc ta đã tạo điều kiện dễ dàng cho ta kiến tạo hình tam giác.” (Chomsky 1968: 687)
Nói cách khác, trong trí óc con người đã có “bản thiết kế” về hình tam giác, tạo điều kiện cho ta nhìn một hình ảnh có những nét tương tự và quy hình vẽ ấy về phạm trù hình tam giác.
Tương tự như vậy, con người đã được di truyền những nguyên tắc ngôn ngữ để phân tích các câu như là những đối tượng có những đặc điểm ngữ pháp (bất luận những câu này là sai ngữ pháp).
Để ủng hộ Giả thuyết bẩm sinh, Chomsky cho rằng quá trình thụ đắc ngôn ngữ là hoạt đồng hoàn toàn mang tính tiềm thức (subconscious) và không tự giác (involuntary), theo cái nghĩa là bạn không hề có ý thức về việc thụ đắc hay không thụ đắc tiếng mẹ đẻ, khác với việc bạn có thể chọn lựa muốn học hay không muốn học đàn ghi ta.
4. Đánh giá ngôn ngữ “phi chuẩn” của lớp trẻ hiện nay từ góc độ lí thuyết Ngữ pháp tạo sinh
Càng đi sâu vào Ngữ pháp tạo sinh, càng có cơ sở để đánh giá ngôn ngữ “phi chuẩn” của lớp trẻ hiện nay, và có thể đánh giá một cách dễ dàng, với kết luận không thể khác.
Bởi khả năng ngôn ngữ là bẩm sinh, được di truyền và cú pháp độc lập với nghĩa và cách sử dụng, cho nên đối với Ngữ pháp tạo sinh của Chomsky, những hiện tượng ngôn ngữ không hoàn hảo, bị thoái hoá (degenerate) nói chung, hay cách dùng ngôn ngữ “phi chuẩn” của lớp trẻ hiện nay nói riêng sẽ không có ảnh hưởng tiêu cực nào, sẽ không thể làm sai lệch hay làm biến đổi hệ thống ngôn ngữ. Nếu giả thuyết cơ quan ngôn ngữ trong trí não con người đã được cài đặt sẵn những nguyên tắc ngôn ngữ phổ quát, như là các bản thiết kế, giúp trẻ con nắm bắt được ngữ pháp của tiếng mẹ đẻ một cách dễ dàng là đúng, thì hệ luận là một khi đứa trẻ đã nắm được ngữ pháp, hay xác lập được cơ cấu ngữ pháp của tiếng mẹ đẻ thì những sai lệch trong ngữ thi về sau chẳng thể can thiệp và làm thay đổi được hệ thống ngữ pháp đã được xác lập đó.
Theo lí thuyết của Chomsky, các kết hợp “phi chuẩn” của người trẻ Việt Nam hiện nay như “cướp trên giàn mướp”, “buồn như con chuồn chuồn”, “nhí nhảnh con cá cảnh” chẳng thể nào tác động đến cơ cấu ngữ pháp tương ứng của tiếng Việt, bởi lẽ các kết hợp này hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc đã được xác lập trước đó qua các kết hợp được coi là đúng ngữ pháp, chẳng hạn, như “cướp trên tàu”, “buồn như đám tang”, “nhí nhảnh con nít”.
Cũng theo lí thuyết của Chomsky, việc sử dụng tiếng Việt biến âm, thay đổi chính tả, hiện tượng nói chen tiếng Anh vào tiếng Việt (vay mượn, chuyển mã hay trộn mã) v.v. chỉ là những lỗi thể hiện, thuộc lỗi về ngữ thi, chúng hoàn toàn không có tác động làm thay đổi các quy tắc của ngữ pháp phổ quát nói chung và ngữ pháp tiếng Việt nói riêng.
Vì thế, đối với những môn đệ của Chomsky, lo lắng rằng những hiện tượng “phi chuẩn” trong ngôn ngữ lớp trẻ hiện nay có thể làm hỏng tiếng Việt, làm tha hoá tiếng Việt, là những lo lắng thái quá, không có cơ sở khoa học (ý kiến trao đổi với TS Trịnh Hữu Tuệ, một môn đệ của Chomsky).
5. Đánh giá chung
Có thể nói rằng, trên thế giới cónhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít người phản đối lí luận của Chomsky. Nhưng cho dù là ủng hộ hay phản đối thì cũng không ai phủ nhận ảnh hưởng của Ngữ pháp tạo sinh đối với ngôn ngữ học lí thuyết hiện đại. Chomsky đã mở ra một hướng mới cho ngôn ngữ học, với một gợi mở mạnh mẽ giúp cho nhà khoa học khám phá tính chất của ngôn ngữ và nhiệm vụ của ngôn ngữ học.
Đặc biệt, trong khi phần lớn các nhà nghiên cứu, các nhà sư phạm không ngừng bi quan về tình hình sử dụng ngôn ngữ “phi chuẩn” của giới trẻ ở Việt Nam hiện nay thì lí thuyết của Chomsky, với giả thuyết độc đáo về tính bẩm sinh và các nguyên tắc phổ quát của ngôn ngữ, đã cung cấp một cái nhìn lạc quan hơn đối với những hiện tượng này. Từ quan điểm triết học của mình, Ngữ pháp tạo sinh cho rằng những hiện tượng như vậy chỉ là bề mặt, nhất thời, không thể chạm tới hay làm thay đổi cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt bền vững ở tầng sâu.
Dĩ nhiên, đây chỉ là một góc nhìn, một cách tiếp cận, dựa trên một giả thuyết chưa hoàn toàn được kiểm chứng. Hiện tượng ngôn ngữ “phi chuẩn” của giới trẻ hiện nay cần được nghiên cứu từ những góc nhìn và cách tiếp cận khác. Và suy cho cùng, đối với các hiện tượng “phi chuẩn” trong ngôn ngữ giới trẻ vốn tồn tại khách quan thì các cách tiếp cận lí thuyết ngôn ngữ học chỉ đem lại cho chúng ta cái nhìn lạc quan hay bi quan về chúng, và những luận giải lí thuyết không thể thay thế việc chúng ta phải tăng cường và tiếp tục giáo dục lớp trẻ về cái hay, cái đẹp của tiếng Việt với tư cách là di sản vô giá mà cha ông đã truyền lại, mà chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn và phát triển, để tiếng Việt giàu đẹp, khoẻ mạnh luôn song hành cùng dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Anh
[1] Chomsky N. (1957), Syntactic Structures, The Hague, Mouton.
[2] Chomsky N. (1965), Aspects of the Theory of Syntax, Cambridge, Mass., MIT Press.
[3] Chomsky, N. (1968), Interview with S. Hamshire in The Listener, May 1968. Nguồn: http://www.erdmanns.hewebpack.de/pdf/talawasNNDungVu 181104_2.pdf
[4] Chomsky N. (1972), Studies on Semantics in Generative Grammar, The Hague: Mouton.
[5] Chomsky, N. (1972) Language and Mind (enlarged edition), Harcourt Brace Jovanovich, New York.
[6] Cook V.J and Newson M (2007), Chomsky’s Universal Grammar. Blackwell Publishing.
[7] Lyons J. (2008), Chomsky, Fontana Press.
[8] Radford A (2004), Minimalist Syntax, Cambridge University Press.
[9] Radford A. (1997), Syntax- A minimalist Introduction, Cambridge University Press.
Tiếng Việt
[10] Đỗ Hữu Châu (1980), Mấy vấn đề tổng quát trong việc chuẩn mực hoá và giữ gìn trong sáng của tiếng Việt về mặt từ vựng – ngữ nghĩa, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.
[11] Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán (1993), Đại cương ngôn ngữ học, tập I và II, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[12] Phạm Dũng (2003), Ngôn ngữ Email, Tạp chíNgôn ngữ & Đời sống.
[13] Phạm Văn Đồng (1980), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1.
[14] Phạm Văn Đồng (1999), Trở lại vấn đề: Vì sự trong sáng và phát triển của tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 6.
[15] Hoàng Văn Hành (2000), Những định hướng và bình diện của công cuộc giữ gìn sự trong sáng và chuẩn hoá tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2.
[16] Cao Xuân Hạo (1991), Tiếng Việt-Sơ thảo ngữ pháp chức năng, quyển 1, NXB Khoa học Xã hội, TP Hồ Chí Minh.
[17] Cao Xuân Hạo (1998), Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[18] Nguyễn Văn Hiệp (2008), Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[19] Nguyễn Văn Hiệp (2009), Cú pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[20] Nguyễn Quang Hồng (1980), Về vấn đề chuẩn mực phát âm của tiếng Việt hiện đại, Ngôn ngữ, số 4.
[21] Nguyễn Văn Khang (1997), Xung quanh vấn đề cách viết các từ nước ngoài trên sách báo tiếng Việt hiện nay, Hội thảo khoa học Việt - Nga, Nghiên cứu các ngôn ngữ ở Việt Nam, Hà Nội, 20 – 21-2-1997.
[22] Nguyễn Văn Khang (1999a), Ngôn ngữ học xã hội – Những vấn đề cơ bản, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[23] Nguyễn Văn Khang (2002), Chuẩn hoá thuật ngữ, nhìn lại từ góc độ bối cảnh xã hội. Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[24] Nguyễn Văn Khang (2010), Sự tác động của xã hội đối với ngôn ngữ và những vấn đề đặt ra đối với chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Ngôn ngữ, số 8 (255).
[25] Nguyễn Văn Khang (2012), Ngôn ngữ học xã hội, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[26] Viện Ngôn ngữ học (1981), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ; NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[27] Hoàng Phê (1978), Về quan điểm và phương hướng chuẩn hoá tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.
[28] Hoàng Phê (1979),Một số vấn đề về chuẩn mực hoá ngôn ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.
[29] Hoàng Trọng Phiến (1979), Quan hệ giữa chuẩn và biến thể trong “Chuẩn hoá tiếng Việt”, ĐH Tổng hợp Hà Nội.
[30] Nguyễn Kim Thản (1979), Về việc chuẩn hoá tiếng Việt văn hoá ngày nay, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 4, tr. 85.
[31] Bùi Khánh Thế (2014), Lí thuyết về chuẩn ngôn ngữ và vấn đề chuẩn chính tả tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 7.
[32] Phạm Văn Tình (2011), Về cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ”: Nên lắng nghe giới trẻ, http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ve-cuon-sach-sat-thu-dau-mung-mu-nen-lang-nghe-gioi-tre-n20111026062453355.htm.
[33] Nguyễn Đức Tồn (2002), Tìm hiểu đặc trưng văn hoá –dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với dân tộc khác), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[34] Nguyễn Đức Tồn (2003), Tạp chí “Ngôn ngữ” với công cuộc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 7.
[35] Nguyễn Đức Tồn (2010a), Những cơ sở lí luận và thực tiễn khi xây dựng chính sách ngôn ngữ của Việt Nam trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1.
[36] Nguyễn Đức Tồn (2013), Quan điểm mới về chuẩn ngôn ngữ và chuẩn hoá thuật ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1.
[37] Hoàng Tuệ (1995), Chuẩn ngôn ngữ – Bó buộc và lựa chọn - Ổn định và phát triển // Ngôn ngữ và đời sống văn hoá - xã hội, NXB Giáo dục, 1996.
Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư. Số 1 (33), 1-2015.