ĐẶC ĐIỂM TỪ VỰNG VỀ SÔNG NƯỚC TRONG TIẾNG VIỆT Ở NAM BỘ
Tăng Tấn Lộc
1. Dẫn nhập
Sông nước là đặc điểm nổi bật của môi trường tự nhiên ở Nam bộ. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có viết: "Ở Gia Định, sông suối dọc ngang chằng chịt", "Đất Gia Định nhiều sông, kênh, cù lao, và bãi cát...", "Ở Gia Định, chỗ nào cũng có ghe thuyền hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chơi, đi thăm người thân, chở gạo củi, buôn bán,..." [1]. Cũng theo một số tài liệu xưa, những kinh đào Nam bộ có tổng chiều dài khoảng 2.500km và các sông rạch tự nhiên khoảng 2.400km. Lê Bá Thảo ghi nhận "có 4.900km kênh đào. Như vậy, chỉ với khoảng 40.000km2, tổng chiều dài kênh rạch ở Nambộ là gần 5000km" [7].
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là quê hương của “văn minh sông rạch”, “văn minh miệt vườn” khá độc đáo. Bờ sông không đắp đê, lại bị cắt từng chặng ở ngã ba, ngã tư, muốn qua kinh rạch nhỏ thì phải bắt cầu, thường làm bằng một số loại cây sẵn có như tre, dừa, gòn, mù u,... Cầu tre còn được gọi là cầu khỉ (người qua cầu phải lanh lẹ tay chân như con khỉ chuyền trên cây), cầu có nhịp giữa với khúc tre rời, đề phòng trường hợp ghe có mui quá cao, hoặc có cột buồm thì giở khúc tre ở giữa lên cao, ghe qua rồi thì hạ khúc tre xuống.
Trong công cuộc khai phá và xây dựng miền đất mới của cư dân người Việt ở Nam bộ, dưới tác động của thiên nhiên, con người càng có ý thức cải tạo thiên nhiên. Lập vườn là công việc lao động đầy sáng tạo của những người mở đất. Khác với vườn ở đồng bằng sông Hồng, vườn ở ĐBSCL rộng lớn, ở từng nơi vườn thường tập trung lại với nhau thành những không gian vườn tược rộng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Huê lợi vườn nhiều gấp 50 lần huê lợi ruộng” và riêng tỉnh Bến Tre thì “trong tổng số diện tích 154.606 mẫu tây, có 16.500 mẫu vườn tược” [3, tr.74]. Sự ra đời của miệt vườn không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn có ý nghĩa văn hóa, thể hiện khả năng ứng xử phù hợp của con người đối với thiên nhiên.
"Đồng bằng sông Cửu Long đã phần nào tái hiện cái môi trường sông nước thuở ban đầu của đồng bằng sông Hồng. Do đó, ở một khía cạnh nào đó mà nói, lịch sử chinh phục ĐBSCL của người Việt khi họ vào đây cũng phần nào tái lập lại lịch sử khai thác đồng bằng sông Hồng ở ngoài kia. Đó vẫn là cuộc đấu tranh muôn thuở giữa hai yếu tố vừa tương khắc lại vừa tương sinh là "Đất" và "Nước". Có điều ở ĐBSCL thiên nhiên ưu đãi hơn nên đã kìm hãm thế nước bằng sự điều hòa nhờ hai "hồ nước" tự nhiên là Biển Hồ ở Campuchia và Đồng Tháp Mười ở Việt Nam: khi mùa mưa lũ thì nước sông Mêkông một phần chảy ngược vào Biển Hồ, phần khác thì chảy tràn vào Đồng Tháp Mười, một cánh đồng có diện tích gần 700.000 héc ta, nằm tại 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang hiện nay, biến vùng này thành một vùng ngập nước. Vào mùa khô, nước lại từ Biển Hồ và Đồng Tháp Mười chảy ra hệ thống sông ngòi kinh rạch ngang dọc đảm bảo nước cho ĐBSCL. Ngoài ra, hàng ngày, khi thủy triều dâng lên, đẩy nước sông chảy ngược vào đất liền theo các kinh rạch tưới tắm cho các khu vườn trồng cây ăn quả. Khi triều hạ, nước sông rút theo còn để lại nhiều tôm cá" [9].
"Nói tới vùng ĐBSCL, có lẽ hình ảnh dòng sông, con rạch với con nước lớn ròng, có những xuồng ghe xuôi ngược, những cầu tre, những hàng dừa nước, những đám lục bình; những cây mắm, cây đước, cây sú, cây vẹt, cây bần,...; những bông lục bình tim tím, những bông điên điển vàng, những bông so đũa trắng; những sân chim, vườn cò... là những ấn tượng đồng quê sông nước, riêng có của đồng bằng châu thổ" [10, tr. 94].
Sông nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần đối với người ĐBSCL. Dòng sông là đường giao thông huyết mạch, là nơi giao thương, lập chợ, cư dân có tập quán sinh sống trên sông, cất nhà ven sông (dân gian có câu: "nhất cận thị, nhị cận giang" theo suy nghĩ của chúng tôi có lẽ cũng xuất phát từ tập quán này). Dòng sông chở nặng phù sa, mang nguồn nước tưới tiêu cho ruộng vườn, mang lại nhiều sản vật dồi dào, đặc biệt là các loài tôm cá.
Theo cách lí giải của ngôn ngữ học hiện đại, "trong quá trình tương tác với tự nhiên, chính nhà đạo học đã dựa vào một bình diện trải nghiệm này để nhận thức một bình diện khác. Nói rõ hơn, thông qua những thuộc tính có tính chất cụ thể, hữu hình của sông nước để khám phá ra đặc tính có tính chất trừu tượng, khó cảm nhận của dân tộc mình. Người ta gọi đó là loại trải nghiệm tự nhiên (natural kinds of experience).Chúng là sản phẩm của một quá trình trải nghiệm thuộc bản chất của con người, trước hết là ngay chính cơ thể chúng ta, thứ đến là sự tương tác giữa con người với môi trường chung quanh và cuối cùng là tương tác giữa con người với con người dưới ảnh hưởng của một nền văn hóa nhất định. Trong quá trình ấy, một mặt, con người sử dụng tất cả những trải nghiệm của chính mình, nhất là những nghiệm thân (embodiment) để phóng chiếu, mặt khác dùng những thuộc tính của hiện thực để ngược chiếu lại chính mình và môi trường xã hội mình đang sống" [5,tr. 2].
2. Đặc điểm từ vựng về sông nước vùng Nam bộ
Theo Lý Tùng Hiếu "một trong những đặc trưng về từ vựng của tiếng Việt Nam bộ gắn liền với thiên nhiên và văn hóa nơi đây chính là sự phong phú đến mức cực đại về các từ ngữ biểu thị đồng bằng sông nước. Từ vựng về sông nước nơi đây cũng bao gồm các nhóm từ ngữ như ở đồng bằng Bắc bộ nhưng số lượng dồi dào hơn hẳn, vừa phản ánh môi trường sinh thái đặc thù vừa phản ánh kinh nghiệm, nhận thức sâu sắc của cư dân Nam bộ về môi trường sinh thái đó" [2, tr. 53].
Dưới góc nhìn của ngôn ngữ học, chúng tôi tiến hành thống kê và phân loại từ vựng về sông nước (kể cả các từ chỉ thực thể có liên quan đến sông nước) vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bước đầu, chúng tôi nhận thấy có bảy đặc điểm sau đây:
2.1. Trường từ vựng chỉ động vật sông nước
Nam bộ là vùng đất khí hậu nhiệt đới với lượng mưa dồi dào, nền độ ẩm luôn ổn định. Nam bộ còn có hệ thống kinh rạch chằng chịt, diện tích rừng ngập mặn rộng lớn. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, vùng đất này từ lâu đã trở thành môi trường sống lý tưởng cho các loài động vật, nhất là động vật sông nước.
Định danh khái quát
|
Định danh cụ thể
|
CÁ
|
cá ba sa, cá bã trầu, cá bảy màu, cá bổi, cá bổi phệt, cá bông, cá bông lao, cá bống cát, cá bống chẻm, cá bống dừa, cá bống mú, cá bống sao, cá bống thệ, cá bống tượng, cá bống xệ, cá buôi, cá chạch, cá chạch lấu, cá chẻm, cá chép, cá chim, cá chốt, cá cóc, cá cờm, cá cửng, cá dải áo, cá dại, cá dảnh, cá dầy, cá duồng, cá đen, cá đối, cá he, cá hẻn, cá heo (nược), cá hô, cá hồng, cá hú, cá hường, cá kèo, cá khoai, cá kìm, cá lạt, cá lẹp, cá leo, cá lia thia, cá lìm kìm, cá linh, cá liệt, cá lò tho, cá lóc, cá lòng tong, cá lòng tong bay, cá lù đù, cá lưỡi trâu, cá mè vinh, cá mề gà, cá móc, cá ngác, cá ngừ, cá nhái, cá nhám, cá nhạn, cá nhét, cá nóc mít, cá nước, cá ông (cá Voi), cá phé, cá phướn, cá rô, cá rô biển, cá rô dăm, cá rô đồng, cá rô mề, cá rô phi, cá rựa, cá sặt, cá sặt rằn, cá sấu, cá tai tượng, cá tai tượng da beo, cá tèn, cá thác lác (cá nàng hai), cá thu, cá tra, cá tràu, cá tràu cửng, cá tràu dô, cá trắng, cá trèn, cá trê, cá trê dừa, cá trê đỉa, cá trê nọng, cá trê trắng, cá trê vàng, cá vồ (cá dồ), cá vồ đém, cá vược, cá xà, cá xủ.
|
TÔM
|
tôm bạc, tôm càng, tôm càng xanh, tôm châm, tôm chì, tôm chấu, tôm chông, tôm chục, tôm cỏ, tôm cù, tôm đá, tôm đất, tôm gậy, tôm gọng, tom hùm, tôm kẹt, tôm lóng, tôm lông, tôm lứa, tôm lửa, tôm mắt tre, tôm quỵt, tôm rằn, tôm rồng, tôm sắt, tôm sú, tôm thẻ, tôm tít, tôm tích, tôm tu, tôm vang.
|
TÉP
|
tép bạc, tép bầu, tép chì, tép chong, tép đất, tép mòng, tép rong (tép chấu)
|
CUA
|
cua biển, cua càng, cua đá, cua đinh, cua đồng, cua đỉnh, cua ghê, cua kình, cua lột, cua lửa, cua sữa, cua tối trời.
|
CHIM
|
chim ăn giun, chim bánh ít, chim bẹ cát, chim bìm bịp lớn, chim bồ các, chim bông lao mày trắng, chim bồng bồng, chim bồng chanh tai xanh, chim cà kheo, chim cáo già, chim chài chài, chim chàng bè, chim chàng nghịch, chim chắn chó, chim chằng bè, chim chiền chiện lớn, chim cổ rắn, chim cốc đen, chim cốc đế, chim cốc đế nhỏ, chim cồng cộc (còng cọc), chim cu cườm, chim cu xanh đầu xám, chim cú lợn lưng xám, chim cúm núm, chim cuốc ngựa trắng, chim dang sen (dang ốc), chim dẻ quạt, chim diệc lửa, chim diệc xám, chim diều trắng, chim dòng dọc, chim dô nách, chim điên điển, chim già đãi, chim heo, chim học trò, chim hít cô, chim hút mật họng tím, chim két, chim kên kên, chim khoang cổ, chim lá rụng, chim lắc nước, chim le nâu, chim le le, chim liếu điếu, chim mỏ cau, chim mỏ nhét, chim nhạn bụng trắng, chim nhãn ốc, chim nhát bông, chim nhát hoa, chim óc cau, chim quạch quạch, chim rẻ choắt, chim rẻ quạt java, chim rồng rộc, chim sả cá, chim sáo mỏ ngà, chim sáo nâu, chim se sẻ, chim sẻ khoang cổ, chim séo, chim thầy bùa, chim thuyền chài, chim tìm vịt, chim trau trảu (sa sả), chim trảu ngực nâu, chim tu hú, chim ụt, chim vôi.
|
CÒ
|
cò bợ, cò bợ java, cò hương, cò lửa lùng, cò mau, cò ngàng nhỏ, cò quắm, cò quắm đầu đen, cò ráng, cò ruồi, cò trắng, cò xanh.
|
RẮN
|
rắn bông súng, rắn hổ, rắn hổ đất, rắn hổ hành, rắn hổ mang, rắn hổ mây, rắn mái dầm, rắn hổ ngựa, rắn lục, rắn nẹp (cạp) nia, rắn nước, rắn ri cá, rắn ri voi, rắn trung.
|
ỐC
|
ốc biển, ốc bu, ốc bu vàng, ốc dừa, ốc đắng, ốc gạo, ốc gấm, ốc ghi, ốc lác, ốc lồi, ốc len, ốc mọi, ốc móng tay.
|
LOẠI KHÁC
|
ba khía, ba ba, bù tọt (bồ tọt), cáy, cóc, còng còng, chem chép, chàng hiu, cóc bịch, còng lửa, dã tràng, đĩa, đĩa mén, đĩa trâu, ếch, ễnh ương, hà, hến, lươn, lịch, loăng quăng, ma da, mực, ngao, nghêu, ngỗng, nhái, nhái bầu, nòng nọc, rùa, rết, sò, thòi lòi, thòi lòi biển, thòi lòi vi, vịt,...
|
Về nguồn gốc, trường từ vựng chỉ động vật sông nước chủ yếu có nguồn gốc thuần Việt. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận có nguồn gốc vay mượn từ nhiều ngôn ngữ khác: Hán Việt (cá xà, cá bống tượng, tôm bạc, rắn lục), Khmer (cá linh - trây linh, cá lò tho -trây cần thô, cá hô - trây hô,... và một số ngôn ngữ khác: cá ba sa, cò bợ java, chim rẻ quạt java...
2.2. Trường từ vựng chỉ thực vật sông nước
Nam bộ nói chung, ĐBSCL nói riêng là vùng đất "sông ngòi kinh rạch chằng chịt", là "văn minh sông nước miệt vườn". Dòng sông dường như chảy qua trước cửa mỗi nhà. Theo Trần Ngọc Thêm, "ở tiểu vùng phù sa ngọt không chỉ nghề làm vườn mà cả nghề trồng lúa và các nghề khác cũng đều có điều kiện phát triển thuận lợi. Tiểu vùng Phù sa ngọt cũng là nơi mang dấu ấn đậm nét của văn minh sông nước" [8, tr. 111]. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tri nhận về sông nước trong định danh từ ngữ chỉ thực vật sông nước của người dân nơi đây.
Định danh
khái quát
|
Định danh cụ thể
|
LÚA
|
lúa ba sao, lúa đen mỡ, lúa đuôi trâu, lúa ếch vàng, lúa gãy xe, lúa hiền, lúa ho so, lúa lạ, lúa lỡ, lúa ma, lúa muộn, lúa nàng hương, lúa nâu, lúa nổi, lúa ráng mây, lúa sớm, lúa tàu lai, lúa trắng lụa, lúa trắng lớn, lúa thơm, lúa trắng soi, lúa trắng tép, lúa xương rồng.
|
CÂY
|
cây bần, cây bình bát, cây bòng bòng, cây bồn bồn, cây chiếc, cây chùm rọng, cây cóc kèn, cây dừa nước, cây dừa xiêm, cây dương xỉ, cây đay, cây điên điển, cây đưng, cây đước, cây gạt nai, cây gáo, cây gừa, cây hẹ nước, cây keo, cây lá hẹ, cây lác, cây lùng, cây mái dầm, cây mắm, cây môn, cây năng, cây nga, cây nghễ, cây ô rô, cây quao, cây ráng, cây sậy, cây sen, cây sú, cây tra, cây tràm, cây trầu bà, cây trường sinh (cây trường sanh), cây vẹt, cây xà bông,...
|
CỎ
|
cỏ bắc, cỏ ngọt, cỏ nước mặn, cỏ xước, cỏ ống,...
|
RAU
|
rau bợ, rau cần, rau cần đước, rau chay, rau chóc, rau co, rau dừa, rau đắng, rau đắng biển, rau lang, rau má, rau mã đề, rau mác, rau muống, rau muốn biển, rau ngò om, rau ngổ, rau nhút, rau răm, rau trại,...
|
LOẠI KHÁC
|
ấu, bèo, bèo cám, bèo hoa dâu, bèo tai tượng, bông sen, bông súng, cù nèo (kèo nèo), giá, lá dứa, lục bình, rong biển, rong đá, rong đuôi chồn, rong nhớt, rong mền,...
|
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, đặc điểm từ vựng chỉ thực vật có liên quan đến sông nước được tri nhận bởi các yếu tố: nguồn gốc (lúa tàu lai, dừa xiêm), hình dáng (rong đuôi chồn, cây gạt nai, lúa đuôi trâu), tính chất (cỏ nước mặn, cỏ ngọt, rau đắng), màu sắc(lúa trắng lụa, lúa đen mỡ, lúa ếch vàng, lúa nâu),... và cách gọi tên khá lý thú theo kiểu "lúa hiền", "lúa nổi", "lúa ma" và có cả "lúa lạ" để chỉ loại lúa chưa có tên khoa học mà người Nam bộ "bí" không biết phải gọi bằng tên gì?
2.3. Trường từ vựng chỉ địa hình sông nước
Ở Nam bộ, do điều kiện về mặt địa lý khá đặc thù đã tác động không nhỏ đến việc gọi tên địa hình sông nước nơi đây. Về địa hình, "nét nổi bật của Tây Nam bộ như một không gian địa lý liền kề liên tục nằm ở chỗ, đây là một đồng bằng phù sa ngọt lớn nhất nước do hệ thống sông Cửu Long bồi đắp. Với diện tích 40.518,5 km2, Tây Nam bộ được hình thành từ những trầm tích phù sa ngọt cổ, được bồi đắp dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển, kéo theo sự hình thành những giồng cát chạy dọc theo ven bờ biển"[8, tr. 69].Có thể thấy rõ nhất là địa hình tự nhiên và địa hình nhân tạo (cũng có khi là sự tổng hợp cả hai yếu tố tự nhiên và nhân tạo)
Địa hình tự nhiên
|
ao, bãi, bàu, bờ, bung, bùng binh, búng, búng tàu, bưng, bưng biền, bưng trấp, cấp, cồn, cù lao, cửa, doi, đảo, đầm, đìa, gành, gảnh, giồng, gò, hào, hòn, hồ, khe, lạch, láng, lung, lòng chảo, mé, mô, mũi, mũi tàu, mương, ngãnh, ngánh, ngọn, rãnh, rạch, rọc, sông, suối, tắt, trũng, vịnh, vàm, xáng, vọi, vũng, xẻo,...
|
Địa hình nhân tạo
|
bờ bao, bờ hồ, bờ kè, bờ mẫu, hầm, đập, kinh, vuông,...
|
Địa hình vừa tự nhiên vừa nhân tạo
|
mương, ao,...
|
2.4. Trường từ vựng chỉ phương tiện trên sông nước
Ở Tây Nam bộ, đa phần nhà nào cũng có ghe xuồng riêng, không nhiều thì ít, có nhà đến đôi ba chiếc. Ghe xuồng ở đây được ví như "đôi chân của người dân thành phố". Người ta đi chợ bằng đò, thăm viếng nhau bằng ghe xuồng. Vùng đất này có hẵn dịch vụđò ngang (chở khách qua sông) và đò dọc (chở khách đi huyện, tỉnh hay xa hơn).
Định danh khái quát
|
Định danh cụ thể
|
GHE
|
ghe bầu, ghe bầu nóc, ghe bầu lớn (ghe trường đà), ghe bất mân,ghe be, ghe bè, ghe buôn, ghe cà vom, ghe cá, ghe cào,ghe Cần Đước, ghe câu, ghe cửa, ghe chài (ghe bóc chài),ghe chài lớn, ghe chài lồng, ghe chạp phô, ghe chèo, ghechiến, ghe cui, ghe diệu, ghe đò, ghe đục, ghe đuôi tôm then trỗ, ghe guộc, ghe lê, ghe giàn, ghe hàng, ghe hàng bổ, ghe hát, ghe hầu, ghe neo, ghe máy, ghe máy đuôi tôm, ghe khoái, ghe lái ngoài,ghe lồng (ghe bản lồng), ghe lườn, ghe nan, ghe ngo, ghe rổi, ghe sam bu, ghe tam bản, ghe tam sắc, ghe thương hồ, ghe tôm, ghe trẹt, ghe son, ghe sai, ghe vạch (ghe mỏ vạch), ghe vẹm, ghe vợi, ghe xệp.
|
XUỒNG
|
xuồng ba lá, xuồng bộng, xuồng be chín, xuồng be mười, xuồng be tám, xuồng cui,...
|
LOẠI KHÁC
|
bè cá, bè thủy lục, cầu dừa, cầu bắc, cầu đúc, cầu khỉ, cầu mống, cầu nước, cầu thang, cầu tiêu, cầu tiêu hầm, cầu tiêu máy, cầu tre, cầu ván, dớn, đòn dài, lù, lú, máy đuôi tôm, nò, ống trúm, tàu đò, tắc ráng, trái nổi, trại đáy, trại ghe, trẹt, vỏ lãi, xáng, xáng cạp, xáng múc (xúc), xáng thổi,...
|
Sự phân loại nêu trên trước hết dựa vào các tiêu chí khác nhau như cách thức di chuyển, nguồn gốc, hình dáng, cấu tạo, chức năng, và cả tính chất điển dạng của từng tiểu loại, cũng rất khác nhau. Có thể nói rằng, trong số các định danh vừa nêu, có sự xuất hiện hình thức định danh nhiều yếu tố vay mượn của người Khmer và người Hoa (Triều Châu) như ghe cà vom, ghe chạp phô, ghe chài (tuk pokchay hay pok chay), ghe sam bu(sampou)...
2.5. Trường từ vựng chỉ hoạt động của con người trên sông nước
- Hoạt động của con người trên mặt nước: bẻ bánh lái, bẻ bờ, bẻ cua, bẹo, cập bờ, cập bến, cào, cắm câu, cặm, câu giăng, câu nhấp, câu thược, câu thả, câu rê, câu viền, chài, chạy đồng, chạy nò, chèo mái cuốc, chèo mái dài, chèo mái một, dậm cù, đánh cá, đạp triều, đặt chà, đậu, đóng đáy, giăng lưới, hàng đáy, kéo trúm, khẳm, khẳm đừ, khẳm lừ,lộp, lú, lưới chụp, kéo lưới, vó, lui ghe, neo, nò, nò-ngo, nhổ sào, rà cá, thả cá, trết lái, trết mũi,...
- Hoạt động của con người trong nước: cà hớp, cà hớp cà hớp, cà hụp, cà hụp cà hụp, cà ngoi, cà ngoi cà ngoi, chết chìm, chết hụt, chết ngộp, chết sình, chết trôi, lặn, lặn đất, lặn hụp, lặn sâu, lội, lội qua lội lại, lội ruộng, mò, thả trôi, thả ngữa, trầm mình, trầm nghịch, trầm thủy, trấn nước, xổ phèn,...
2.6. Lối diễn đạt đậm chất sông nước đồng bằng
Ngôn ngữ học tri nhận không xem xét con người tách khỏi môi trường xung quanh, tách khỏi người khác mà như một chủ thể tương tác. Trên cơ sở đó, những tổng thể trải nghiệm được hình thành và các chủng loại trải nghiệm này không chỉ luôn được mở rộng mà còn thường xuyên được kiểm tra thông qua sự nhận hiểu của các thành viên trong một cộng đồng diễn ngôn. Hãy quan sát cách diễn đạt sau đây của người dân vùng sông nước đồng bằng: anh em cột chèo, ăn như xáng múc mần như lục bình trôi, bắt cá hai tay, cá chốt rỉa, cá độ, cá cược, cá rô rỉa, cái đầu sặt rằn, câu độ, câu giờ, cầu khỉ, chụp ếch, chìm xuồng, chơi tới bến, chốt qua sông, chữa lửa (khi uống rượu, bia), có giang, cù lao, cười mắm chưng, dậy sóng, đâm xuồng bể, đi cầu, đổ lọp, đứng giữa hai dòng nước, ghe chài, hạng cá kèo, húp nước mắm, húp nước lèo, lảng như cái đìa, làm mắm, lặn hụp, (uống) lấy ngót (uống ly rượu đầu tiên sau buổi nhậu hôm trước), lép như con tép, lớn thuyền lớn sóng, mất cả chì lẫn chài, mò tôm, mũi dại lái chịu đòn, ngồi kiểu nước lụt, nhấm môi cắn lưỡi, nhấp môi, nhậu, neo, ngâm tôm, phá mồi, rể điên điển, rộng (rọng), quậy, quậy nát nước, quắc cần câu, râu cá chốt, thả con tép bắt con tôm, tép lặn tép lội, tép rong tép riu, thòi lòi đeo bập dừa, trút lọp, sắc kẹo, vô khẳm, vuốt đuôi lươn, vượt cạn, xuồng ba lá, lên bờ xuống ruộng, đổ hầm nhảy, thừa nước đục thả câu, đục nước béo cò, còn nước còn tát, còn tát còn nước, nước tới chưn (chân) mới nhảy, tức nước vỡ bờ, lươn chê lịch, ốm như khô cá lẹp, chân ướt chân ráo, chân lắm tay bùn, ướt như chuột lột, té giếng (sông, hồ, ao, mương, đìa...), lẹ như con tép, câm như hến, ngang như cua, dai như đĩa, chim sa cá lặn, chậm như rùa, dính như sam, đi biển mồ côi, hàng tôm hàng cá, nước mắt cá sấu, giận cá chém thớt, cá mè một lứa, như cá gặp nước, cá chép hóa rồng, mò kim đáy biển, cá lớn nuốt cá bé, cá ăn kiến kiến ăn cá, nước mặn đồng chua, nước đổ đầu vịt, nước đổ lá môn (khoai...), tát nước vào mặt, đi bắt cá hôi (dơ bẩn, sình lấy), hai lúa, tát nước theo mưa,...
Dễ nhận thấy rằng, trong tiếng Việt toàn dân, khi gọi ai đó là hũ chìm, với năng lực tri nhận bình thường, không khó khi giải mã nó bởi nó đã trở thành ngữ nghĩa phổ biến của nhiều vùng. Tuy nhiên, khi nói Anh Hai là chiếc xuồng ba lá, anh Ba là chiếc ghe chài, nếu không phải là người Nam bộ, người ĐBSCL với một tri thức nền xuồng ba lá là người có tửu lượng thấp, uống ít, mau say nhưng mau tỉnh, chẳng hạn: Gặp xuồng ba lá nên có mấy li mà đã ngủ rồi [11, tr. 1834]; ghe chài là người có tửu lượng cao, uống nhiều, lâu say, lâu tỉnh thì để hiểu được chúng là điều không phải dễ dàng.
2.7. Định danh nước trong tiếng Việt Nam bộ
2.7.1. Mô hình: X + nước
ao nước, ấm nước, bát nước, bàu nước, bình nước (bình thủy nước), bụm nước, ca nước, cân nước, cầu nước, chai nước, chậu nước, chén nước, chĩnh nước, cốc nước, đầm nước, đập nước, đìa nước, gảnh nước, gáo nước, gàu nước, giếng nước, hầm nước, hồ nước, hớp nước, húp nước, hứng nước, khe nước, lạch nước, lọ nước, lu nước, ly nước, lít nước, mương nước, ngãnh nước, ngánh nước, ngụm nước, nồi nước, ngòi nước, phá nước, phích nước, rạch nước, ruộng nước, sàn nước, thau nước, thìa nước (muỗng nước), tô nước, trũng nước, vũng nước,...
(1) Vật chứa liên quan gián tiếp đến bộ phận cơ thể con người: tay (bụm nước), miệng (hớp nước, húp nước, hứng nước, ngụm nước),...
(2) Vật chứa là dụng cụ nhân tạo: ấm nước, bát nước, bình nước, chai nước, chĩnh nước, gàu nước, lít nước, lu nước, phích nước, thìa nước,...
(3) Vật chứa là sự vật tự nhiên hay nhân tạo: ao nước, hồ nước, ngòi nước, vũng nước, ruộng nước, rạch nước, mương nước, giếng nước...
2.7.2. Mô hình: nước + X
nước ấm, nước bạc, nước biển, nước bò, nước bọt, nước bổi, nước cam, nước cạn, nước cái, nước cất, nước cốt, nước chế, nước chanh, nước chạy, nước chảy, nước chân, nước chè, nước chụp, nước chưn, nước chìm, nước cốt, nước cơm, nước cụt, nước dão, nước đá bào, nước đầy, nước đái, nước đục, nước đổ, nước đồng, nước đứng, nước giựt, nước kém, nước kênh, nước kiệt, nước lạnh, nước lăn, nước lèo, nước lên, nước lềnh, nước lợ, nước lạt, nước lớn, nước lụt, nước lưng, nước mát, nước màu, nước mắm, nước mặn, nước mía, nước muối, nước đường, nước tương, nước mắt, nước miếng, nước mũi, nước nạp, nước ngập, nước ngược, nước nhảy, nước nhỉ, nước nhửng, nước nóng, nước nội, nước nổi, nước nếp, nước phông tên, nước quay, nước rạch, nước rặc, nước rằm, nước rẻo, nước ròng, nước rọt, nước rông, nước rút, nước sát, nước sặt, nước son, nước sông, nước suối, nước súp, nước thánh, nước trong, nước trôi, nước thốt nốt, nước ương, nước vận, nước xiết, nước xoáy, nước xuôi, nước xuống, nước vãi, nước jave,...
(1) X là bộ phận cơ thể của con người hoặc có liên quan đến chúng:nước mắt, nước mũi, nước miếng, nước bọt, nước đái, nước ối, nước vãi,...
(2) X là các từ ngữ chỉ sở thuộc:nước suối, nước sông, nước kênh, nước rạch, nước rẻo, nước đồng,...
(3) X là hoạt động, trạng thái, tính chất của nguồn nước:
- nước chảy, nước lên, nước xuống, nước nổi, nước chìm, nước đứng, nước nhảy, nước lăn, nước bò, nước trôi,...
- nước mát, nước lạnh, nước ấm, nước nóng, nước đầy, nước lưng, nước cạn, nước đục, nước trong...
- nước javel, nước mềm, nước cất, nước muối, nước súp,...
- nước ngọt, nước mặn, nước lợ, nước lạt, nước chè, nước hai...
- nước bạc, nước chế, nước lũ, nước cam, nước trà, nước chanh, nước mía, nước thốt nốt...
Bên cạnh cách tri nhận theo mô thức: vật chứa (nhân tạo hay tự nhiên) + vật được chứa là nước, kiểu như: lu nước, lạch nước, ghè nước,... cho thấy tính thích nghi của nước và một số hoạt động, tính chất, trạng thái của nó như: lên/xuống, đầy/vơi, đục/trong, lớn/ròng, nổi/chìm, bơi/lặn/lội, ngụp... làm miền nguồn để phóng chiếu lên miền đích trong nhiều phạm trù tinh thần rất phổ biến trong tiếng Việt. Rõ ràng, người Nam bộ phân loại nước rất chi tiết và có phần khác lạ hơn so với người dân ở các vùng miền khác của đất nước. Bên cạnh 117 kết hợp quen thuộc [4], để định danh loại chất lỏng không màu, không mùi tồn tại trong tự nhiên, theo khảo sát trong quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, có trên 30 ngữ đoạn định danh nước có nét riêng của phương ngữ.
Trong hai mô hình vừa trình bày ở trên, chúng tôi đặc biệt chú ý mô hình 2(X+nước), đây là cách phóng chiếu theo thang độ nhân tính (human scale) để nhận diện nước, kiểu như: nước đứng, nước nằm, nước bò, nước nhảy, nước lăn, nước chạy, nước ươn, nước quạu, nước cà tửng,... như cách nói khá phổ biến của người Nam bộ hiện nay. Theo Trịnh Sâm, "điều này có thể giải thích được, sông nước vốn là một thực thể liên tục, nhưng để đạt được một mục đích nào đó, con người phải áp đặt một ranh giới nhân tạo làm cho chúng phân lập, riêng lẻ như chính sự hiện hữu của con người cá thể trên một mặt phẳng. Và trong trường hợp này, không gì thích hợp hơn là dùng trải nghiệm về đặc điểm, về hoạt động của chính con người chúng ta gán cho sông nước" [6,tr. 6].
3. Kết luận
Nam bộ là vùng đất sông nước, ruộng vườn. Sông rạch chằng chịt gắn bó bao đời với sinh hoạt, chi phối đời sống kinh tế cũng như đời sống tinh thần của con người. Khảo sát Đặc điểm từ vựng về sông nước trong tiếng Việt Nam bộ, chúng tôi muốn nhấn mạnh tác động của thiên nhiên đến môi trường sống, đến tính cách, tâm lý của con người và tính cách, tâm lý đó sẽ ảnh hưởng đến cách sử dụng ngôn từ đặc trưng của mỗi vùng, miền.
Ở Nam bộ, hầu hết đều có con sông chảy qua trước cửa mỗi nhà. Do vậy, số từ ngữ chỉ những sự vật, hiện tượng liên quan đến sông nước vì vậy vô cùng phong phú, là nguồn đóng góp của phương ngữ Nam bộ vào ngôn ngữ toàn dân, chẳng hạn như: rạch, xẻo, con lươn, bùng binh, tắt, rỏng, vàm, lung, láng, bưng, bàu, cù lao, cồn, giồng…; nước lớn, nước ròng, nước rông, nước nổi, nước kém, nước đứng, nước nhửng, nước ương…; ghe tam bản, xuồng ba lá, vỏ lãi, tắc ráng… Những từ ngữ này không chỉ đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân vùng đất này, là yếu tố cấu tạo của nhiều địa danh mà còn phản ánh bối cảnh sáng tác của những câu hò, điệu hát dân gian và là mảnh đất tốt để các văn nghệ sĩ khai thác trong các sáng tác của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lý Việt Dũng, Huỳnh Văn Tới (2004), Gia Định Thành thông chí, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai.
2. Lý Tùng Hiếu (2010), Ngôn ngữ văn hóa vùng đất Sài Gòn và Nam bộ, Nxb. Tổng hợp Tp.HCM.
3. Sơn Nam (1992), Văn minh miệt vườn, Nxb. Văn hóa.
4. Nguyễn Thị Thanh Phượng (1997), Tìm hiểu từ ngữ sông nước trong đời sống văn hóa Việt Nam, Trường ĐH KHXH và NV Tp.HCM.
5. Trịnh Sâm (2011), Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 12.
6. Trịnh Sâm (2013), Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Nam bộ, Tạp chí Khoa học (KHXH và NV), Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM, Số 46.
7. Lê Bá Thảo (1989), Thiên nhiên Việt Nam, Nxb. Khoa học kỹ thuật.
8. Trần Ngọc Thêm (chủ biên), (2013), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ.
9. Đỗ Lai Thúy (2010), Đồng bằng sông Cửu Long: ứng xử với đất và nước, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa phi vật thể người Việt miền Tây Nam bộ.
10. Huỳnh Công Tín (2006), Cảm nhận bản sắc Nam bộ, Nxb. Văn hóa thông tin
11. Huỳnh Công Tín (2010), Từ điển từ ngữ Nam bộ, Nxb. Khoa học xã hội.
...............................
*Bài đã đăng Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 08/2014.