Ngôn ngữ

MỘT SỐ BIỂU TƯỢNG NGỮ ÂM TRONG TẬP THƠ “BÓNG CHỮ” CỦA LÊ ĐẠT


14-10-2020
Tác giả: Lương Thị Hiền

Tìm hiểu biểu tượng ngữ âm trong thơ Lê Đạt là hướng nghiên cứu hứa hẹn nhiều kết quả thú vị, góp phần làm sáng tỏ những ý nghĩa ngữ âm mang tính phổ niệm đã được hiện thực hóa trong hoạt động của những đơn vị ngữ âm cụ thể như thế nào. Nghiên cứu cũng góp phần khẳng định nét riêng biệt, độc đáo trong tư duy nghệ thuật và kĩ thuật tạo tác ngôn từ điêu luyện của nhà thơ Lê Đạt.

MỘT SỐ BIỂU TƯỢNG NGỮ ÂM

TRONG TẬP THƠ “BÓNG CHỮ” CỦA LÊ ĐẠT

Lương Thị Hiền

Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội

1. Đặt vấn đề

1.1. Giá trị gợi tả hình ảnh hay cảm xúc của các yếu tố ngữ âm ở cấp độ dưới âm tiết như phụ âm, nguyên âm, vần, thanh điệu... đã được các nhà nghiên cứu chú ý đến từ lâu, đặc biệt trong phạm vi ngôn từ thơ ca, văn học. Tuy nhiên, việc tìm cách xác lập những ý nghĩa ngữ âm đó chưa bao giờ là việc dễ dàng, bởi ý nghĩa tiềm tàng này được người bản ngữ cảm nhận không hoàn toàn thống nhất liên quan đến các vấn đề cơ chế tâm sinh lí như ấn tượng, cảm giác, liên tưởng... Muốn nhận diện ý nghĩa ngữ âm phải đặt những đại lượng ngữ âm trong những phạm vi hành chức cụ thể, đặc biệt là ngôn từ thi ca; khi mà mỗi chữ có thể là một thực thể đứng vững độc lập, “một tác phẩm nghệ thuật toàn diện”, có thể liên kết với các chữ khác trong câu thơ, bài thơ mà không cần quá chú trọng đến trật tự kết hợp từ như trong văn xuôi.

1.2. Trên diễn đàn thi ca đương đại, nhà thơ Lê Đạt thuộc khuynh hướng cách tân hình thức ngôn ngữ thơ với quan niệm nghệ thuật thơ không chấp nhận chữ như là những kí hiệu xơ cứng trong đời sống và văn học, đề cao vai trò của chữ - thuộc tính thứ nhất của thơ: “Nhà thơ làm chữ không phải ở nghĩa “tiêu dùng”, nghĩa tự vị của nó mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ, bài thơ” [1; 50]. Tập thơ Bóng chữ (1994) tập hợp hơn 100 bài thơ là sản phẩm của Lê Đạt trong khoảng 30 năm “làm chữ” của ông. Chữ không chỉ là phương tiện mà là mục đích chính của sáng tạo thi ca. Tìm hiểu biểu tượng ngữ âm trong thơ Lê Đạt là hướng nghiên cứu hứa hẹn nhiều kết quả thú vị, góp phần làm sáng tỏ những ý nghĩa ngữ âm mang tính phổ niệm đã được hiện thực hóa trong hoạt động của những đơn vị ngữ âm cụ thể như thế nào. Nghiên cứu cũng góp phần khẳng định nét riêng biệt, độc đáo trong tư duy nghệ thuật và kĩ thuật tạo tác ngôn từ điêu luyện của nhà thơ Lê Đạt. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ khảo sát trường hợp với 20 bài thơ được lựa chọn từ tập thơ Bóng chữ.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Biểu tượng ngữ âm trong ngôn ngữ và ngôn ngữ thi ca

Dựa vào mối quan hệ giữa hai mặt của tín hiệu ngôn ngữ cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified), nhà kí hiệu học Ch.S.Pierce (dẫn theo [4; 34]) đã phân xuất tín hiệu ngôn ngữ thành ba loại: 1) Chỉ hiệu (indices): Cái biểu đạt là một phần của cái được biểu đạt, chẳng hạn như các đại từ chỉ ngôi, các đại từ chỉ định kèm theo cử chỉ người nói...khi người nói phát ngôn ra chúng thì cái được biểu đạt luôn đi kèm trong tình huống nói năng; 2) Hình hiệu (icones): Cái biểu đạt và cái được biểu đạt có mối quan hệ mang tính suy diễn, như các từ tượng thanh có trong mọi ngôn ngữ trên thế giới; 3) Ước hiệu (symboles): Quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt dựa trên quy ước của cộng đồng xã hội, không phụ thuộc vào những điểm tương cận hoặc tương đồng giữa hai mặt của tín hiệu. Trong một thời gian dài, người ta ủng hộ quan điểm cho rằng tín hiệu ngôn ngữ là điển hình của các ước hiệu, nghĩa là tính võ đoán với những mức độ khác nhau là nguyên tắc hàng đầu của ngôn ngữ. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của kí hiệu học cũng như tâm lí - thần kinh học, không ít học giả đã đặt câu hỏi về tính võ đoán của ngôn ngữ. Nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến và tìm cách xác lập mối liên hệ giữa đặc trưng ngữ âm thuộc cái biểu đạt và ý nghĩa ngữ âm thuộc cái được biểu đạt, chẳng hạn như R. Jacobson: “Ý nghĩa tượng trưng của âm thanh là một mối quan hệ, về mặt khách quan là không thể phủ nhận được, nó được xác lập trên sự liên tưởng kì lạ giữa các phương thức khác nhau của các giác quan - đặc biệt là thị giác và thính giác” (dẫn theo [5; 417]. Một thực tế không thể phủ nhận là hình hiệu có rất nhiều trong các ngôn ngữ, không chỉ hạn chế trong những âm riêng rẽ mà liên quan đến cấu trúc ngôn ngữ nói chung. Sự tương ứng giữa cấu trúc của ngôn ngữ và cấu trúc của thế giới khách quan trong tư duy con người có thể được tìm thấy trong nhiều trường hợp, mặc dù sự tương ứng đó không phải luôn rõ ràng và hoàn toàn được người bản ngữ thừa nhận một cách thống nhất.

Trong tiếng Việt, các nghiên cứu đã thừa nhận tính hình hiệu của ngôn ngữ trên bình diện ngữ âm. Đỗ Hữu Châu từ rất sớm đã thừa nhận tính hình hiệu của tín hiệu ngôn ngữ : “Chúng tôi không phản bác tính biểu trưng ngữ âm bởi vì rõ ràng mỗi âm có đặc tính vật lí – vận động riêng và những đặc tính này có thể được lợi dụng để phục vụ cho nghĩa” [2]. Cù Đình Tú [7; 236] chỉ ra nguồn gốc của biểu tượng ngữ âm ở hai bình diện: 1) Sự liên hội trong đầu óc những từ ngữ có một số nét giống nhau về cơ cấu ngữ âm - ngữ nghĩa; những biểu tượng ngữ âm này mang tính chất ngôn ngữ, có sẵn trong ngôn ngữ. 2) Sự lựa chọn âm thanh trong khi sử dụng, tạo ra sự phù hợp, sự thống nhất giữa hình thức ngữ âm và nội dung biểu đạt; những biểu tượng này xuất hiện lâm thời trong lời nói, phụ thuộc vào lời nói. Nguyễn Quang Hồng đặt vấn đề nghiên cứu những nét phổ quát của “ý nghĩa ngữ âm”, nhưng phải đặt trong mối liên hệ mật thiết với những thể thức thi ca cụ thể, được quy định bởi đặc điểm loại hình ngôn ngữ và truyền thống văn hoá của từng dân tộc. Từ đây, để gọi tên những hình hiệu ngữ âm, người viết sử dụng thuật ngữ “biểu tượng ngữ âm” gần gũi với những nghiên cứu tu từ học và phê bình văn học.

Xuất phát từ đặc điểm loại hình ngôn ngữ của tiếng Việt - loại hình ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính, ở đó âm tiết là đơn vị cơ bản trong cơ cấu ngữ âm cũng như trong cơ cấu hình thái, các nhà Việt ngữ học khá nhất quán với quan điểm phân chiết cấu trúc âm tiết ra thành ba đại lượng ngữ âm gồm âm đầu, vần và thanh điệu. Phần vần có thể tiếp tục phân chia thành nhiều hệ thống nhỏ hơn như: hệ vần đơn và hệ vần phức, vần mở, vần nửa mở, vần nửa khép và vần khép... Như vậy, có thể xác lập những biểu tượng ngữ âm ở cấp độ dưới âm tiết: phụ âm, vần, thanh điệu; theo đó, cái biểu đạt là những đặc tính âm học, phương thức cấu âm của các yếu tố, cái được biểu đạt là giá trị biểu cảm, gợi tả của chúng. Đồng thời, cũng phải thấy rằng biểu tượng ngữ âm xuất hiện khi ngôn ngữ hành chức, tức khi nhà thơ xác lập một tương quan phù hợp giữa đặc trưng của âm tiết hoặc thành tố cấu tạo âm tiết với nội dung ý nghĩa mà chúng gợi ra nhờ cơ chế liên tưởng, suy diễn (motivation).

2.2. Một số biểu tượng ngữ âm trong tập thơ Bóng chữ

2.2.1. Biểu tượng ngữ âm được tạo thành nhờ đặc tính ngữ âm của phụ âm

Đặc điểm chung của phụ âm là khi phát âm, cơ quan cấu âm căng thẳng cục bộ; luồng hơi thoát ra ngoài gặp cản trở (sự khép chặt của hai môi, sự tiếp xúc của đầu lưỡi với răng...), phải phá vỡ chướng ngại để thoát ra ngoài, tạo thành một tiếng nổ (phương thức tắc) hoặc một tiếng xát (phương thức xát) ở tiêu điểm/vị trí cấu âm. Trong tiếng Việt, phụ âm thường được phân chia theo một số đặc tính âm học như theo cao độ (phụ âm cao, phụ âm thấp), theo độ vang (phụ âm vang có nhiều tiếng thanh, phụ âm ồn có nhiều tiếng động vô thanh hoặc hữu thanh), theo tính chất ngắt hay không ngắt (phụ âm  ngắt, phụ âm không ngắt). Lê Đạt đã vận dụng những đặc điểm về sự cấu âm và thuộc tính âm học của phụ âm để tạo thành những biểu tượng ngữ âm đa dạng, đặc biệt là ở vị trí âm đầu. Đối với những bài thơ theo thể tự do trong Bóng chữ, phụ âm đầu cũng có thể xem là một kiểu vần đặc biệt tạo sự liên kết bề mặt giữa những con chữ.

Phép điệp phụ âm đầu được Lê Đạt khai thác triệt để xây dựng những biểu tượng ngữ âm về một sự nhấn mạnh hoặc sự đồng vọng, tương thích trên một phương diện ý nghĩa nào đó. Dựa vào số lần một đơn vị được lặp lại trên một câu thơ, điệp phụ âm đầu trong Bóng chữ có thể được phân chia thành các kiểu sau:

-  Điệp hai lần phụ âm đầu. Ví dụ: Em đứng đỉnh ban ngày/ Áo buồm cong nét nắng (Quen...lạ), Tìm tìm em chả thấy (Hoa mười giờ)

- Điệp ba lần phụ âm đầu. Ví dụ: Chũm cau tứ thì chúm chím (Nụ xuân), Thu mở mùa chim mây vỡ tổ (Kênh chờ), Tàu điện đỏ đáy hồ chuông tuổi nhỏ (Mơ ngày)

-  Điệp bốn lần phụ âm đầu. Ví dụ: Mây may thu mắt thủy mặc hồ (Thủy mặc)

Phép điệp nối tiếp phụ âm đầu tạo thành một chùm nét khu biệt về phương thức cấu âm, đặc điểm âm học, tạo nên những điểm nhấn hội tụ ngữ nghĩa. Chẳng hạn như phép điệp phụ âm đầu bật hơi [t’] ba lần trong câu thơ sau đây: Chia xa rồi anh mới thấy em/Như một thời thơ thiếu nhỏ (Bóng chữ) tạo một điểm nhấn ở chùm thuộc tính âm học của phụ âm cao, bật hơi, âm tắc - ồn, gây cảm giác những dáng chữ đứng hình liên tục. Phải chăng, đó là một cách biểu đạt khác của sự ngưng đọng thời gian, lưu giữ lại những hoài niệm thủa thiếu thời trong trẻo, ngây thơ, những mộng đẹp hoa niên nay đã thành quá vãng. Phụ âm đầu [t’] kết thành một khối “thấy...thời thơ thiếu (nhỏ)” tạo biểu tượng ngữ âm về một sự bền vững, cố định, nhấn mạnh những khoảnh khắc đẹp nhất, yêu thương nhất vẫn còn mãi trong tâm khảm con người, vẫn mãi là niềm ám ảnh, thương nhớ khuôn nguôi. Bên cạnh phép điệp nối tiếp, Lê Đạt cũng thường vận dụng phép điệp cách quãng phụ âm đầu. Khoảng cách giữa những âm tiết lặp lại không đều đặn theo một khuôn  khổ nào, phá vỡ kiểu điệp tạo nhịp chẵn quen thuộc trong thi luật truyền thống. Đồng thời, nhà thơ cũng thường mở rộng biên độ hiện diện của phép điệp sang hai, thậm chí ba bốn câu thơ liên tiếp, như: Mưa đêm tuổi nổi ao đầy/ Đồi cốm đường thon ngõ cỏ (Thu nhà em), Cong cánh mi rừng chim vướng sớm/ Vòm sơn ca lồng nắng vẫn cài then (Cấm vận)... Nhịp đi của câu thơ thoải mái như những đợt sóng dài, ngắn không ngừng dội vào suy tưởng của người đọc bởi những đặc điểm âm học của phụ âm được lặp đi lặp lại, tăng thêm cường độ và họa âm.

Kết quả khảo sát trong phạm vi 20 bài thơ thuộc tập Bóng chữ cho thấy phụ âm /m/ được nhà thơ dành cho sự ưu ái hàng đầu để tạo ra những biểu tượng ngữ âm gợi dòng suy tưởng miên man trong không gian, thời gian cũng như những hình ảnh, cảm xúc đậm màu luyến ái trong tình cảm lứa đôi. Hai câu thơ: Mây mấy mùamưa mấy độ thu” (Bóng chữ) kết hợp điệp nối tiếp trong khuôn khổ một câu và điệp vắt dòng (phụ âm đầu của âm tiết cuối láy lại phụ âm đầu của âm tiết đầu tiên ở câu thơ kế tiếp). Phụ âm /m/ hiện diện 5/7 âm tiết tạo nên chuỗi ngữ âm liên tục không dứt, ranh giới giữa câu thơ dường như bị xóa bỏ, thay vào đó là âm hưởng du dương trầm lắng trải dài miên man. Phải chăng đó không gian thời gian quá khứ hư mờ, lặng lẽ sau tấm màn của nỗi nhớ nhung, yêu thương đong đầy.  Những đặc điểm cấu âm và âm học của phụ âm /m/ như tiêu điểm cấu âm môi - môi, độ vang lớn, thành phần tiếng thanh là cơ bản, cao độ của âm ở mức thấp... tỏ ra rất phù hợp để miêu tả không gian “mây mưa” rộng lớn, dòng chảy thời gian vô định lắng trong cảm thức phương Đông về “mùa” và tâm trạng mơ hồ, phấp phỏng khi những câu hỏi không có lời đáp “mấy”.  Phụ âm đầu /m/ điệp lại ở hai âm tiết “mây”, “mưa” đứng đầu hai câu thơ liên tiếp gợi liên tưởng đậm sắc màu nhục cảm, luyến ái lứa đôi. Một ví dụ khác, phụ âm /m/ cũng đóng vai trò là phụ âm chủ đạo được điệp trùng liên tiếp qua các âm tiết, chữ nọ nối gọi chữ kia thành một dòng triên miên không đứt quãng: “Má má môi/ mà mỗi mỗi xa” (Gương). Trong trò chơi chữ đặc biệt của Lê Đạt ở đây, tạm chưa bàn đến tính đối xứng giữa hai âm vần “a” và “ôi”, phụ âm /m/ luyến láy ở đầu môi cũng đủ khiến cho người đọc liên tưởng đến bóng hình người yêu đang xa dần ngoài tầm tay tầm mắt, tan hòa vào trong thời gian - không gian hư ảo.

Trong những âm tiết tham gia vào phép điệp phụ âm đầu /m/, những âm tiết mang nghĩa, hoạt động với tư cách từ đơn như má, môi, mắt, mày... xuất hiện khá phổ biến, tạo thành một sự cộng hưởng nghĩa liên hội chung chỉ cơ thể người con gái. Ví dụ: Mây may thu mắt thủy mặc hồ/ Nét thảo biếc đậm mày quá khứ (Thủy mặc); Vùng lửa hạn/ Mắt lá ngày răm mát (Truyện bồ câu); mùa cấm vận/môi đèn (Cấm vận); môi men má nắng (Quá em), Mà cho đấy rửa lông mày (Thu  nhà em), Chiều bóng mây/hay mắt em rợp tím/Hè thon cong thân nắng cựa mình (Nụ xuân)... Đặc tính cấu âm môi - môi gợi cho người đọc những biểu tượng ngữ âm về con người với bản thể nguyên thủy đam mê “thòm thèm trái cấm”, những đam mê nhục cảm trong cuộc sống lứa đôi. Mặt khác, âm tắc, vang /m/ còn là một trong những phụ âm dễ phát sinh lối nói ngọng, nói nhịu. Lê Đạt tận dụng luôn đặc tính đó để kết nối đường dây liên tưởng, làm sáng dậy “tính thanh” đặc biệt của những phụ âm dễ bị chìm lấp đi bởi cách phát âm của con người. Đó là trường hợp “Mimôza chiều khép cánh mi môi xa”, một sự kết nối thú vị đầy ẩn ý giữa những âm tiết tạo nên tên gọi một loài hoa bé nhỏ, khiêm nhường “mimôza” và tên gọi làn mi, đôi môi quyến rũ, gợi cảm của người tình.

Như vậy, biểu tượng ngữ âm được tạo thành nhờ đặc tính cấu âm và âm học của phụ âm chủ yếu thông qua phép điệp âm đầu tạo ra ngữ cảm mới mẻ của con chữ. Đặc biệt, phụ âm /m/ trong nhóm âm tiết (từ đơn) chỉ bộ phận cơ thể người tiềm tàng khả năng phát ra một dư lượng nghĩa nhất định, phát triển trên một trường nghĩa liên tưởng rộng lớn hơn.

2.2.2. Biểu tượng ngữ âm được tạo thành nhờ đặc tính ngữ âm của vần

* Biểu tượng ngữ âm được tạo thành nhờ khuôn vần

Khuôn vần xuất hiện trong hàng loạt đơn vị từ, giữa những đơn vị từ đó chung nét nghĩa gợi hình, gợi cảm. Trong nhóm những đơn vị từ chứa một khuôn vần, các từ có quan hệ tương tác với nhau về ngữ nghĩa, từ nọ gợi dẫn hoặc cùng với từ kia củng cố thêm nét nghĩa chung của nhóm.

Âm sắc của vần được quyết định chủ yếu dựa vào đặc tính âm học của nguyên âm về độ trầm bổng, độ sáng tối, độ vang lớn hay nhỏ.... Trong số 885 âm tiết của 20 bài thơ trong Bóng chữ, số lượng âm tiết có vần mang nguyên âm chính xuất hiện theo tỉ lệ từ cao đến thấp như sau: vần có chứa âm /a/ chiếm số lượng lớn nhất với tỉ lệ 25, 3%, vần chứa âm /o/ chiếm tỉ lệ 11, 6%; tiếp theo là vần chứa âm chính /ɤˇ/, /ɔ/, /ɤ/, /i/, /ă/, /u/, /ɯɤ/, /e/, /ɯ/... Nguyên âm /a/ có độ mở lớn, mang âm sắc bổng - sáng xuất hiện với số lượng lớn nhất trong toàn bộ khối âm tiết thơ Lê Đạt; tiếp theo là những nguyên âm trung hòa hoặc trầm, độ mở trung bình /ɤˇ/, / ɔ/, /  ɤ/... Như vậy, có thể thấy âm hưởng chung của Bóng chữ mang dư ba vang vọng với những cảm xúc lan tỏa, những nỗi niềm suy tư dàn trải, mở ra nhiều chiều kích ngữ nghĩa biểu đạt

Trong số những khuôn ngữ âm - ngữ nghĩa đặc trưng mà Lê Đạt sử dụng để tạo thành biểu tượng ngữ âm, ông đặc biệt chú trọng đến những vần độc âm, tức khuôn vần chỉ là nguyên âm. Đó là khuôn vần /ɔ/ gợi những vẻ đẹp gọn gàng, thu vào tầm mắt: Đồi cốm đường thon ngõ cỏ (Thu nhà em), Đùi bãi ngô non/ngo ngó sông đầy (Quan họ), Gió ngỏ tình (Nụ xuân)...; khuôn vần /ɤ/ gợi tả ấn tượng lưng chừng nửa vời, không xác định: Phố trò chơi bỏ dở (Át cơ), Bờ cầu u ơ nắng đỏ/Nước ngực chiều dâng con nhớ (Chùa Hương)...; khuôn vần /u/ trầm, tối dễ liên tưởng đến nỗi buồn, cõi vô thức, tiềm thức của con người, phù hợp miêu tả những không gian hẹp, tối, âm thanh trầm buồn: U ú thiên hà/tàu nhả khói/ngã ba (Mới tuổi), Vỏ ốc u u gọi mê miền cát ngủ (Tương tư); khuôn vần /o/ trầm đục, cấu âm độ mở của miệng trung bình gợi tả một vẻ bề ngoài phô bày, dễ thấy như các từ láy: thô lỗ, hô hố.... trở nên khá thích hợp để gợi hình ảnh khỏa thân, lõa thể của người nữ : Ơi em rất ô/ Ơi em rất hồ/ Trắng vỗ ồ hô trúc bạch (Vào hè)... Những nguyên âm: /u/, /o/, /ɤ/... lạc vào mạch thơ, tạo ra một chuỗi âm thanh ú ớ mơ hồ;thậm chí chỉ hiện diện như những tiếng vọng, tiếng đệm nhấn nhá cho câu thơ. Đặc tính của vần độc âm như mời gọi người đọc quay về quá khứ bản thể xa xôi của loài người, về với những “tiếng đầu tiên khi homo sapiens chuyển từ ngôn ngữ không phân tiết của loài chim sang ngôn ngữ phân tiết của loài người”. [6]. Nhà thơ quay ngược dòng lịch sử để trân trọng vốn ngữ âm của cội nguồn nguyên thủy, sự ú ớ trong ngữ âm của câu thơ khơi dậy chiều sâu sự sống bản năng của con người. Một ví dụ khác, vần độc âm /u/ và /ɤ/  trong những câu thơ: Chũm cau tứ thì chúm chím/Ú ớ mơ ngần (Nụ xuân) mở ra trạng thái sức sống nảy nở âm thầm mà mãnh liệt của nụ xuân hay chính con người. “Ú ớ” là trạng thái không thể nói ra nhưng có một chuyển động âm thầm báo hiệu một sự vượt thoát khỏi những áp chế, đè nén tầng trên. Dường như sau chuỗi âm thanh mơ hồ kia là một dòng chảy vô thức miên man bất định với những mặc cảm, bản năng ẩn sâu chỉ chờ thời cơ bùng nổ.

* Biểu tượng ngữ âm được tạo thành nhờ các tiểu loại vần

Dựa vào thành phần kết thúc âm tiết, vần trong thơ có thể được phân loại thành bốn nhóm: vần mở (không có âm cuối), vần nửa mở (âm cuối là bán âm), vần nửa khép (âm cuối là âm vang mũi /m,n, ŋ, ɲ/), vần khép (âm cuối là âm tắc /p,t,k/). Trong 885 âm tiết được khảo sát, kết quả cho thấy số lượng nhiều nhất là vần nửa khép, chiếm 40% tổng số âm tiết được khảo sát; bên cạnh đó, vần mở chiếm tỉ lệ 257, 28,7%, vần nửa mở chiếm 22,2% và vần khép chiếm 9,1%. Lê Đạt cố khai thác hết khả năng biểu đạt của các loại vần trong việc xây dựng những biểu tượng ngữ âm. Dưới đây, chúng tôi xem xét những tiểu loại vần thông qua một số ví dụ cụ thể.

Vần nửa khép:

               Em đứng đỉnh ban ngày

Áo buồm cong nét nắng

Em đứng chéo vòm đêm

Tóc vườn xanh góc mộng

(Quen...lạ)

Những âm tiết có vần nửa khép chứa gồm: em, đứng, đỉnh, ban, buồm, cong, nắng, em, đứng, vòm, đem, vườn, xanh, mộng... chiếm số lượng 14/20 âm tiết trong đoạn thơ. Đặc tính âm học của vần mang tính chất “nửa vời” không khép hẳn mà chỉ khép một nửa, những âm cuối vang /ŋ, ɲ, n, m/ tạo sự ngân nga, tạo nên biểu tượng ngữ âm nhấn mạnh vẻ đẹp của nhân vật trữ tình “em” vừa thanh băng ngọc khiết, vừa bí ẩn, liêu trai.

Vần nửa mở:  

Đời tốc hành

một ga xanh sót lại

Một góc tuổi mải tàu

 thơ dại mãi

Tìm nhà quên mất số lớn khôn.

(Kết luận)

Những âm tiết chứa vần nửa mở gồm “đời”, “lại”, “tuổi”, “mải”, “tàu”, “dại”, “mãi”... mở ra một biểu tượng ngữ âm về một mạch chảy thời gian miên viễn, trong đó những chuyến tàu tốc hành mải miết đuổi theo những cuộc hành trình không ngừng nghỉ. Những chặng đường đời dường như cũng có nét tương đồng. Sau những tháng năm xuôi ngược, người ta chợt nhận ra còn một bến đỗ bình yên “một ga xanh”, “một góc tuổi” hiếm hoi còn sót lại, nơi những giấc mộng tuổi xanh được an ủi, nuôi dưỡng, nơi cội nguồn nhựa sống vẫn âm ỉ nuôi dưỡng khát vọng kiếm tìm hạnh phúc của con người.

Vần mở:  

Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ

nhà số lẻ

phố trò chơi bỏ dở

mộng anh hường

tim môi em bói đỏ

giàn trầu già

khua

               những át cơ rơi

(Át cơ)

14 âm tiết chứa vần mở gieo vào tổng số 31 âm tiết, chiếm tỉ lệ gần một nửa số lượng âm tiết của đoạn thơ tạo biểu tượng ngữ âm về một biên độ mở của hồi ức, tạo khoảng trống cho loạt hình ảnh đồng hiện, chuyển động trong sự tĩnh tại. Dấu chấm lửng xuất hiện cuối bài thơ báo hiệu những dư âm cảm xúc ngân nga, mạch suy tưởng dường như còn tiếp diễn. Bài thơ như thước phim quay chậm, nhập nhằng đan xen giữa quá khứ và thực tại.

Vần khép:

 Chân đưa xanh tháp én bước lạc nhà 

                                                                           (Quan họ)

Trong câu thơ mở đầu bài thơ “Quan họ”, ba âm tiết chứa vần khép “tháp”, “bước”’, “lạc” khiến cho nhịp thơ nặng nề, trúc trắc. Phụ âm tắc, vô thanh /p, k/ kết thúc ba vần khép nổi lên trong câu thơ khắc sâu những trắc trở, hoang mang phút chốc của lòng người trên con đường đến với cõi Phật. Cuộc hành hương đó không dễ dàng, mỗi lần cấu âm một vần khép cũng như một lần con người vượt thoát khỏi những tục lụy của cuộc sống để gần hơn với chốn tâm linh u tịch, thanh cao.

2.2.3. Biểu tượng ngữ âm được tạo thành nhờ đặc tính ngữ âm của thanh điệu

Thanh điệu trong mỗi âm tiết là đơn vị siêu đoạn tính, tồn tại trong sự gắn kết với các bộ phận của âm tiết. Những đặc tính âm học của thanh điệu: đường nét bằng phẳng hay gãy khúc, âm vực cao hay thấp... tác động đến toàn bộ cấu trúc âm tiết, hình thành đặc trưng khu biệt của âm tiết. Những biểu tượng ngữ âm được xây dựng trên cơ sở những đặc trưng khu biệt của âm tiết có khả năng gợi liên tưởng ngữ nghĩa đó. Những bài thơ trong Bóng chữ theo thể tự do, không bị hạn chế bởi luật thơ, nên tất cả những đặc ưu của thanh điệu được tác giả Lê Đạt chú trọng khai thác triệt để.

Trong khối lượng 885 âm tiết của 20 bài thơ, có đến 518 âm tiết mang thanh bằng, 367 âm tiết mang thanh trắc. Nhìn chung,  “thanh bằng có xu hướng gợi tả những âm thanh trầm, trường độ âm thanh kéo dài, cường độ âm thanh yếu, nghe đều và liên tiếp; thể hiện những thuộc tính có mức độ thấp hơn, yếu hơn, mờ nhạt hơn so với thanh trắc” (Vũ Quang Hào) (dẫn theo [8]). Đặc trưng âm tiết gắn với màu sắc âm học của thanh bằng kết hợp với đặc điểm loại vần nửa khép kết thúc bằng những âm vang mũi /m,n, ŋ, ɲ/ chiếm đến 40% tổng số vần được khảo sát cho thấy Bóng chữ nghiêng nhiều về giọng điệu sâu lắng, thiết tha, tuy có những điểm trắc trở, gấp gãy nhưng cái nền giọng chung chủ đạo vẫn là bè trầm. Phép điệp thanh bằng xuất hiện trong thơ phổ biến với chùm âm tiết nối tiếp hoặc cách quãng trong nội bộ một câu thơ hoặc trong hai câu thơ liên tiếp: Hoa em đền hoa má (Hoa mười giờ), Nắng tạnh heo may hoa lạnh/Mimôza chiều khép cánh mi môi xa (Mimôza), Đời tốc hành/một ga xanh sót lại (Kết luận), Tóc hoa đèn/tim lần giở trang em (Quen...lạ)... Thậm chí, thanh bằng dàn ra những âm tiết trong phạm vi toàn bộ câu thơ. Mùa xuân phăn phăn lòng đường (Mới tuổi) gợi một không gian mùa xuân êm ái, trong nhẹ. Năm thanh bằng trầm đều, kéo dài gợi lên dáng vẻ thong thả, thư thái của con người khi trải lòng mình với hoa cỏ đất trời. Hay câu thơ môi men má nắng/trời mênh chim (Quá em) gợi cảm giác say sưa, lâng lâng trong men rượu ái tình. Trên cái nền bè trầm du dương, những âm tiết chứa thanh trắc trong thơ Lê Đạt thường nổi bật, đóng vai trò điểm nhấn then chốt ngữ nghĩa. Chẳng hạn, những âm tiết chứa thanh trắc, kết thúc bằng âm cuối hữu thanh ‘tuổi”, “trắng”, “áo”, “bổi”, hổi” trong: “Hoa tuổi trắng lau quên”(Hoa mười giờ) hay “Tà áo bay sao phố bổi hổi trời” (Mới tuổi) đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo biểu tượng ngữ âm nhấn mạnh những nhịp điệu rung cảm tự nhiên, tinh tế của con người trước tác động khẽ khàng của ngoại cảnh. Thanh trắc trong âm tiết mở kết thúc câu thơ “”: “Hoa em đền hoa ” khiến cho ấn tượng về gò má phấn non tơ, thơm hương sắc tuổi xuân của người con gái nổi trội bao trùm cả câu thơ, mọi hình ảnh còn lại đều bị nhòe mờ, trầm lắng.

Xét ở góc độ âm vực, nhìn chung, Lê Đạt ưa chuộng sử dụng những thanh điệu âm vực cao gồm những thanh ngang gây ấn tượng về những âm thanh kéo dài, cường độ yếu, có độ vang; thanh ngã với đường nét hướng từ thấp lên cao; thanh sắc vút cao, bổng và trong. Trong trường hợp khổ thơ dưới đây, nhà thơ sử dụng thanh âm vực cao (C) chiếm ưu thế nổi trội so với thanh âm vực thấp (T) để tạo biểu tượng ngữ âm:

Anh đến mùa thu nhà em                    (C - C - T- C- T- C)

Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ   (C - C - C- C- C- T)

Mà cho đấy rửa lông mày                   (T - C - C- T- C- T)

Nông nỗi heo may từ đó                      (C - C - C- C- T- C)

                                        (Thu nhà em)                        

Trong 16/23 âm tiết của khổ thơ mang thanh điệu âm vực cao, cảm xúc được diễn đạt tự nhiên, thanh thoát qua những thanh ngang (“anh”, “thu”, “em”, “lăm răm”,…); có phần vút cao, ngưng đọng trong những thanh sắc (“đến”, “nắng”, “cúc” …).

Những thanh điệu âm vực thấp (thanh huyền, thanh hỏi, thanh nặng) trầm đục, gọn chắc cũng thu hút nhà thơ dụng công trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Trong một số ngữ cảnh đặc biệt, những thanh điệu âm vực thấp này phát huy hiệu quả trong việc xây dựng biểu tượng ngữ âm nhấn mạnh những giá trị nội tâm sâu lắng, như trường hợp: 5/8 âm tiết trong Bến cửa ngực đèn lòng ga trăng nổi (C-T-T-T-T-C-C-T) (Mới tuổi); 5/7 âm tiết trong Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ (C-T-T-T-T-T-C) (Át cơ)... mang sắc điệu thấp trầm, trúc trắc. Tuy lỗi nhịp với trường giao hưởng chung nhưng biểu hiện được tâm tư của chủ thể trữ tình chất chứa nhiều hoang mang, ưu tư.

            3. Kết luận

Nhận biết những biểu tượng ngữ âm trong ngôn ngữ thi ca vốn chưa bao giờ là việc dễ dàng, phụ thuộc nhiều vào cơ chế liên tưởng tâm - sinh lí, vốn ngôn ngữ, vốn trải nghiệm...của chủ thể tiếp nhận. Bài viết bước đầu tìm hiểu ngôn ngữ thi ca Lê Đạt đi từ giá trị biểu trưng của những yếu tố nằm dưới cấp độ âm tiết: phụ âm, vần, thanh điệu; cố gắng lí giải những cảm xúc, liên tưởng của người tiếp nhận, những nội dung biểu đạt tinh tế mà âm thanh, vần điệu gợi dẫn ra từ góc độ khoa học ngữ âm. Theo đó, những yếu tố nằm dưới cấp độ ngữ âm không tồn tại đơn thuần là vỏ vật chất xơ cứng của kí hiệu mà những đặc tính cấu âm và âm học của chúng hoàn toàn có thể phát huy tính năng gợi cả, gợi cảm một cách tinh tế ý vị, làm sâu sắc thêm những giá trị thẩm mĩ của ngôn ngữ thi ca Lê Đạt.

Những biểu tượng ngữ âm trong Bóng chữ giống như một tầng vỉa ngôn ngữ ngầm giúp người đọc hiểu thêm về cái tôi đa ngã của nhà thơ trên hành trình tìm kiếm những giá trị đích thực của cuộc sống, nghệ thuật và tình yêu. Đó là một cái tôi luôn đầy cảm xúc, ưu tư, khao khát hướng đến những mĩ cảm thanh cao, trong trẻo; là cái tôi với bản thể nguyên thủy, đam mê thòm thèm trái cấm của tình yêu; là cái tôi khờ dại, ám ảnh nhớ thương mãi những mộng đẹp tuổi thơ nay đã trở thành quá vãng... Cái được biểu đạt gồm những tầng nghĩa liên tưởng, liên hội chồng lớp nhau, tán xạ nhòe nghĩa, mơ hồ, bất xác định... kích thích những người ưa khám phá. Trong khuôn khổ của bài viết này, hàng loạt những thủ pháp tác động vào cái biểu đạt ở phương diện ngữ âm trên trục lựa chọn và trục kết hợp chưa phải là trọng tâm của nghiên cứu. Những vấn đề về nhịp điệu, âm luật, cách gieo vần, cách hài thanh hòa âm... trong ngôn ngữ tập Bóng chữ nói riêng và trong ngôn ngữ thơ Lê Đạt nói chung cũng hứa hẹn nhiều kết quả thú vị nếu có sự khảo sát, tìm hiểu đầy đủ hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.           Lê Đạt (1994), Bóng chữ, NXB Hội Nhà văn, H.

2.           Đỗ Hữu Châu (1990), “Tìm hiểu việc sáng tạo giá trị từ láy tiếng Việt trên cơ sở giá trị biểu trưng của khuôn vần”, Hội nghị Ngôn ngữ trong đời sống xã hội, Viện Ngôn ngữ học.

3.           Trần Ngọc Hiếu (2005), Tìm hiểu một quan niệm nghệ thuật về ngôn từ trong thơ Việt đương đại, đăng trên website www.talawas.org.

4.           Đỗ Việt Hùng (2014), Ngữ nghĩa học từ bình diện hệ thống đến hoạt động, NXB Đại học Sư phạm, H, trang 34.

5.           Nguyễn Quang Hồng (2013), “Âm tiết và tiếng Việt và sự thể hiện chức năng thi ca”, trong Kỉ yếu hội thảo Ngôn ngữ và văn học, NXB Đại học Sư phạm, H., trang 415

6.           Thụy Khuê (2007), Bóng chữ của Lê Đạt, web: http://thotanhinhthuc.org

7.           Cù Ðình Tú (1983), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB Ðại học và Trung học chuyên nghiệp, H.

8.           Lý Toàn Thắng (2015), Thi luật thơ lục bát trong Truyện Kiều, NXB Giáo dục Việt Nam, H

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020