Ngôn ngữ

VAI TRÒ CỦA NGÔN NGỮ TRONG VIỆC TẠO NÊN DIỆN MẠO CỦA MẢNG VĂN HỌC VIẾT VỀ TÂY NGUYÊN


14-10-2020
Tác giả: Đặng Văn Vũ

Thiên nhiên Tây Nguyên hùng vĩ nhưng cũng rất trữ tình. Ở đó, có thác đổ ào ào nhưng cũng có những dòng sông hiền hoà thơ mộng, có núi cao với nhiều thú dữ nhưng cũng có những bình nguyên ngút ngàn màu xanh. Con người Tây Nguyên mạnh mẽ nhưng cũng rất đằm thắm. Ở họ, có sự thô mộc của đá, có sự nóng nảy của lửa. Nhưng ở họ cũng có sự dịu ngọt của nước, sự bộc trực của “tấm lòng nương rẫy”. Đặc điểm ấy của thiên nhiên và con người Tây Nguyên đã được các nhà văn làm toát lên bằng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó ngôn ngữ là một phương diện quan trọng.

                         VAI TRÒ CỦA NGÔN NGỮ TRONG VIỆC TẠO NÊN DIỆN MẠO CỦA MẢNG VĂN HỌC VIẾT VỀ TÂY NGUYÊN                                                                                        

TS. Đặng Văn Vũ

Đại học Sài Gòn

 

1. Mở đầu

Tây Nguyên là một vùng đất màu mỡ cho rất nhiều loại cây trồng. Tây Nguyên cũng là một vùng đất “màu mỡ” cho văn chương. Sự nên thơ và hùng vĩ của thiên nhiên, sự kì lạ và độc đáo của nhiều giá trị văn hoá, sự hồn nhiên và trong sáng của con người... đã thôi thúc các nhà văn đến với Tây Nguyên, nhất là từ sau năm 1975. Dù không phong phú về số lượng tác phẩm như những vùng miền khác, nhưng mảng văn học viết về Tây Nguyên cũng đã tạo nên một diện mạo riêng.

Để làm nên bản sắc Tây Nguyên trong tác phẩm của mình, ngoài hình ảnh thiên nhiên, con người, các sinh hoạt văn hóa truyền thống…, ngôn từ nghệ thuật là vấn đề mà các nhà văn quan tâm hàng đầu. Để tạo được ngôn ngữ mang màu sắc Tây Nguyên, người viết phải nhập vào không khí sinh hoạt, nhập vào hồn dân tộc. Các dân tộc có số dân đông ở Tây Nguyên có tiếng nói và chữ viết riêng của họ (dựa vào chữ cái Latinh để ghi âm). Các nhà văn không thể khai thác vốn ngôn ngữ này mà chỉ chú ý đến ngôn ngữ phổ thông qua cách thể hiện của người bản địa. Điều đó là một yếu tố quan trọng giúp họ thành công trong việc tạo dựng bản sắc Tây Nguyên trong tác phẩm của mình.

Nhà văn người Kinh sáng tác về Tây Nguyên không nhiều. Nhà văn là người bản địa Tây Nguyên thì càng hiếm. Trong số những nhà văn ấy thì có rất ít nhà văn tạo ra được “không khí” Tây Nguyên trong tác phẩm của mình. Các nhà văn đó đều là những người có nhiều năm gắn bó với đất và người Tây Nguyên nên họ rất am hiểu Tây Nguyên trên nhiều phương diện, trong đó có ngôn ngữ.

Có trực tiếp nghe người Tây Nguyên nói, chúng ta mới thấy được nét đặc sắc về ngôn ngữ của Nguyên Ngọc, Y Điêng, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thuỵ, H’Linh Niê... trong các tác phẩm Đất nước đứng lênRừng xà nu, Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông, Hơ Giang, Lạc rừng, Chớp trên đỉnh Kon Từng, Thềm nắng, Người trong cuộc, Nước soi bóng ai… Đây là những tác phẩm có ngôn ngữ đậm chất Tây Nguyên nhất trong trong toàn bộ sáng tác về Tây Nguyên. Ngôn ngữ đậm chất Tây Nguyên ngoài hệ thống các từ ngữ bản địa như yàng, pơ-thi, tơrưng, chiêng a-ráp..., tên riêng như Kpa Kơlơng, Siu Pui, Tnú, Núp..., các địa danh như Kông Hoa, Chư Prông, Sê Rê Pok, Ia Sao...; còn thể hiện ở phương diện từ vựng, ngữ pháp và các phương thức tu từ. 

2.  Từ vựng, ngữ pháp

Yếu tố dễ nhận thấy trước tiên về từ vựng là người Tây Nguyên thường sử dụng thán từ trong câu nói của mình. Đây là thói quen có nguồn gốc từ những tiếng hú gọi nhau khi đi săn trong rừng hay những tiếng hú trong các lễ hội. Hiểu được đặc điểm đó, ngay những dòng đầu tiên trong tác phẩm Đất nước đứng lên, Nguyên Ngọc đã sử dụng cách nói này: “Ơ Mai Du ơi, suốt lúa nhiều có đau tay không? Ngó lên trời kia kìa, cái nắng nó cũng bay với lũ chim phí đẹp chưa?”, “Ơ Núp ơi, con cõng gùi gạo này đi. Gấp gấp, gấp gấp! Lần này chắc cháy cái nhà, chết con heo, mất hột lúa rồi! Giàng ơi!”, hoặc: “Ô, Núp ơi... Ố, anh Núp!”, “Ố! Ố! Pháp thua rồi, Nhật thua rồi!” [6, 254]… Nhân vật của Trung Trung Đỉnh thì hay dùng thán từ “chô cha”, “chồ” để biểu thị sự ngạc nhiên. Thường trước mỗi câu nói, nhân vật Bin trong truyện ngắn Lạc rừng đều bắt đầu bằng từ “chô cha”: “Chô cha! tui tưởng có một năm đủ lâu hung mà” [1, 31], “Chô cha! bắt được nó chớ” [1, 37], “Chồ! Anh ngủ à? Ngủ nhiều dễ sốt hung đó” [2, 11]… Nhà văn Võ Thị Hảo dù không viết nhiều về Tây Nguyên, nhưng chị cũng đã thể hiện được đặc điểm này trong truyện ngắn Phút chối Chúa: “Ơ lũ đàn bà! Hãy chok (điệu hát khóc của người Ê đê) lên! Chok cho Y Prao thanh thản về nghỉ ngơi trong buôn của tổ tiên”. Ta cũng bắt gặp rất nhiều thán từ như thế này trong truyện của Khuất Quang Thuỵ, H’Linh Niê, Y Điêng, Thu Loan.

Người Tây Nguyên cũng thường cụ thể hoá những cái trừu tượng để dễ gọi tên. Họ quy cái bản chất con người, sự suy nghĩ của đầu óc, sự buồn vui của tâm hồn... về cái cụ thể nhất, đó là cái “bụng”. Các nhà văn đã nắm bắt được cách nói ấy để đưa vào tác phẩm của mình: “Bụng tức thằng Pháp vô cùng. Bụng nó như lửa, nó ác lắm” [6, 303]. “Cái bụng của chị Hơ Đông nghĩ trúng nhiều cái bụng của anh em khác” [3,  46]. Hoặc đưa các bộ phận, các vấn đề khác nhau về cùng loại rồi dùng từ “cái” để chỉ chung: “Anh Núp nói với mẹ không thiệt cái miệng đâu. Cái bụng anh muốn đi An Khê, cái chân anh đi An Khê mà cái miệng anh nói với mẹ là anh đi Đê Pô thôi” [6, 221], “Mẹ lo lắng: – Con đánh Pháp trong làng được. Con đi nói nhiều làng, cái miệng con còn nhỏ, nói chưa được đâu” [6, 268]. “Cái tai nó đã biết nghĩ rồi. Cái miệng nó nói không đau bụng ai” [3, 59]… Thói quen ngôn ngữ này cho thấy được lối tư duy cụ thể của người Tây Nguyên.

Người Kinh thường gọi đám đông là “tụi”, “bọn” chứ ít khi gọi “lũ” vì lũ thường dùng để chỉ đám đông người xấu như “lũ giặc”, “lũ phá hoại”... Đối với ngôn ngữ của người Tây Nguyên, sử dụng từ “lũ” để chỉ đám đông là chuyện bình thường. Trong Đất nước đứng lên, từ “lũ” xuất hiện 212 lần: “Mẹ chùi nước mắt đi theo lũ làng” [6, 240], “Lũ người nhỏ không biết, chạy ra coi” [6, 225], “Lũ thanh niên ngồi chăm chăm vào đôi mắt sâu và đen của bok Sung” [6, tr.231], “Lũ già làng về đi ngủ cả” [6, 231]... Bằng cái nhìn trực giác, người Tây Nguyên cũng thường dùng từ “ăn” để chỉ những vấn đề tương tự. Có 7 lần Nguyên Ngọc sử dụng cách nói như vậy trong Đất nước đứng lên: “Cho lửa ăn cái rừng, tỉa lúa, tỉa bắp xuống” [6, 224], “Bom nổ ra lửa. Lửa ăn cả rừng, cả người” [6, 225]… Nếu người miền Bắc hay dùng từ “cực kì”, người miền Nam dừng từ “lắm” thì người Tây Nguyên dùng từ “hung” để chỉ mức độ: “Pháp thù Kông Hoa hung rồi” [6, 245], “Sư đoàn mắc mớ chuyện gì hung rồi” [2, 86], “Đừng nói thế! Mình mắc cỡ hung rồi đó” [1, 82]… Một điểm đáng chú ý về mặt từ ngữ nữa là khi muốn thể hiện ý phủ định, người Tây Nguyên rất hay dùng từ “tầm bậy tầm bạ”. Chung (Người trong cuộc, Trung Trung Đỉnh) luộc sắn nhưng không gọt vỏ, Phiêng la: “Anh tầm bậy tầm bạ lắm” [2, 15]. Khi Phạm Luận hỏi Kơ Tít (Chớp trên đỉnh Kon từng, Trung Trung Đỉnh)“Có phải cháu làm tượng này không?”, Kơ Tít trả lời: “Đâu phải mình làm. Tầm bậy tầm bạ” [2, 255]. Bình (Lạc rừng, Trung Trung Đỉnh) trong một lễ hội đã “thừa cơ chộp ngực cô”, BDên phản ứng: “Tầm bậy tầm bạ cái tay này” [1, 107]. Nhiều khi họ dùng cụm từ này một cách máy móc, điều đó càng bộc lộ được sắc thái của người Tây Nguyên mà nhà văn chủ ý tạo ra.

Với lối tư duy cụ thể, họ cũng thường có cách nói cụ thể, rõ ràng về số lượng: “Đồng bào bỏ đi làm rẫy bảy ngày, vô núi xa chặt cây to, cắt tranh về làm năm cái nhà dài cho bộ đội ở, năm cái nhà kín cho bộ đội làm kho” [6, 273], “Cha nó chết, để lại cho nó gần bảy mươi cái nồi đồng, mười bốn con trâu” [6, 281]Khi số lượng lớn, không thể đếm được thì họ mới dùng từ chỉ số nhiều: “Cái rẫy của anh Núp tốt quá, to quá, to nhất làng Kông Hoa. Bề dài nhiều sải tay lắm, đếm lộn nhiều lần, đếm không hết. Bề ngang cũng nhiều sải tay lắm, đếm không hết” [6, 223]... Rõ ràng đây là cách nói rất gần với ngôn ngữ người Tây Nguyên.   

Không có khả năng gọi tên và diễn đạt những vấn đề trừu tượng với ý nghĩa sâu xa, người Tây Nguyên cũng không có lối nói ẩn ý mà chỉ theo nghĩa thông thường, nghĩa tường minh. Nói với một người hay với đám đông đều phải đơn giản như vậy. Để khen Núp là người tốt, bok Pa nói: “Núp con người tốt, biết làm ăn, thanh niên trong làng làm rẫy không ai bằng Núp. Lũ làng có ai đau. Núp trước tiên đi vô rừng hái lá tốt về cho uống mau lành… Con người có cái tay giỏi, đan cái gùi cũng được, đan cái rổ cũng được. Già làng nói biết nghe lời, tốt lắm!...” [6, 224]. Vậy đấy, cái tốt phải được biểu hiện một cách rõ ràng. Hay Núp nói với anh Thế về “con đường xấu”: “Con đường tôi đi xấu lắm. Hòn đá to, cái dốc cao, con cọp nhiều, con voi nhiều, con vắt cắn chảy máu” [26, 363]. Câu nói “văn vẻ” nhất của Núp (cũng là câu nói văn vẻ nhất trong toàn bộ lời nói trực tiếp trong Đất nước đứng lên) cũng chỉ là: “Trong núi có nhiều con đường, có con đường tốt đi lên núi cao, có con đường xấu đi xuống hố sâu. Núi cao có mặt trời, hố sâu có con rắn độc. Người Hà Ro lâu nay chưa biết do lỗ tai chỉ nghe theo Pháp, chưa được nghe theo Bok Hồ. Người Hà Ro đi con đường xấu rồi. Bây giờ nó đã thấy con rắn, nó muốn đi lên con đường tốt, mình có cho nó đi không?” [6, 454].

Do vốn ngôn ngữ phổ thông hạn chế, những từ ngữ xa lạ hoặc quá trừu tượng đều phải được cụ thể hoá: Độc lập: không đi xâu, không nộp thuế cho Pháp, muốn làm rẫy, cứ làm, muốn đi săn, cứ đi, đi lấy mật, lấy sáp con ong trong rừng, cứ đi. Chính phủ là nhiều người đất nước mình, Ba-na, Ê-đê, Kinh, M’nông, Xơ Đăng... đứng ra coi chung đất nước mình” [6, 258 – 259]. Lời nói trừu tượng, nhiều nghĩa, ẩn ý đều là lời của nhân vật người kể chuyện, còn  lời trực tiếp đều phải được cụ thể, rõ ràng như vậy mới phù hợp với người Tây Nguyên.

Người Tây Nguyên sử dụng tiếng phổ thông như là một “ngoại ngữ” nên có nhiều cách nói ngây ngô hoặc không đúng trật tự ngữ pháp: “Sao trước bốn xung quanh chịu đi xâu hết. Núp như hòn đá giữa suối nước, cũng phải chịu đi xâu. Bây giờ bốn xung quanh cũng chịu đi xâu, Núp lại không chịu đi?” [6, 264], “... Khiêng con heo rừng. Mình bắn chết ngoài suối. To, bốn người không được khiêng đâu” (không được khiêng đâu tức không khiêng được đâu) [6, 177]. “Anh Chung tốt tình cảm, tui ưng anh nhiều lắm” [1, 35]. “Sư đoàn mắc mớ chuyện hung rồi” (Sư đoàn đã gặp nguy hiểm) [1, 89]. Ngay cả lời của nhân vật người kể chuyện cũng sử dụng cách nói như vậy để phù hợp với lời trực tiếp: “Đê Khưu dừng lại trước mặt Núp và Liêu, tay nắm cái cây bên đường, mồ hôi chảy ròng ròng, miệng nói một nửa, thở một nửa” [6, 254]. Từ thực tế chưa rành về ngữ pháp của người Tây Nguyên, các nhà văn sẵn sàng đưa những câu sai ngữ pháp vào để tăng thêm tính tự nhiên cho câu chuyện.

3. Các biện pháp tu từ

 Con người Tây Nguyên thường nhìn sự vật hiện tượng theo lối so sánh, nhìn tự nhiên như có hồn vía như con người. Do vậy, so sánh và nhân hoá là những phương thức tu từ quen thuộc được các nhà văn vận dụng khá nhiều trong các tác phẩm.

Sự so sánh trong tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên có hai dạng. Ở lời trực tiếp, sự so sánh thường là trực quan, hình ảnh so sánh gần gũi trong đời sống hàng ngày của người Tây Nguyên, trong đó đá và lửa được dùng nhiều nhất vì nó là những hình ảnh gần gũi nhất. Để chỉ sự lười biếng thì dùng hình ảnh bất động của hòn đá để so sánh: “Ghíp làm biếng như hòn đá” [6, 271]; chỉ sự cô độc cũng ví với hòn đá giữa suối, con mang giữa làng: “Bây giờ Pháp đi đánh Kông Hoa nữa. Kông Hoa như hòn đá giữa suối, bốn phía toàn là nước, như con mang chạy lạc vào làng, bốn phía toàn là người” [6, 249]; chỉ sự mạnh mẽ cũng dùng hòn đá: “Bàn tay gân guốc khi nói, cả nói với mẹ, đưa lên, đưa xuống chắc chắn, mạnh như hòn đá sắc ném xuống nước”. [6, 271]

Do đặc điểm khí hậu, sản xuất nương rẫy, sinh hoạt tâm linh, lửa có một vị trí đặc biệt trong đời sống của người Tây Nguyên. Và vì vậy lửa được dùng để so sánh với rất nhiều yếu tố. Có khi nó được so sánh với cái ác:“Bụng nó như lửa, nó ác lắm” [6, 303], có khi để chỉ sự tàn lụi:“Lũ làng dần dần giải tán hết. Như một đống lửa tàn” [6, 414], chỉ sự giận dữ:“Hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn” [6, 158]... Đối với người Tây Nguyên, để nói lên tính cách hung dữ thì không có gì chính xác hơn hình ảnh con cọp, con beo:“Gió gầm như con cọp chạy ầm ầm” [6, 287],“Khi nó nói chuyện Pháp nó như một con beo con, gầm gừ, dữ tợn” [6, 365]. Diễn tả âm thanh, các tác giả cũng có lối so sánh hết sức đặc trưng: “Đêm đó, chị Liêu nằm nghe tiếng đàn Kơ si réo rắt như tiếng gió thổi qua rừng sim” [6, 235], “Trong núi vang ra có tiếng đàn tơ rưng, nghe như tiếng gió thổi qua rẫy lúa chín” [6, 250], “Chiêng arap Jrai phóng khoáng như đàn ngựa hoang tung vó” [5]. Trong các phương thức so sánh, chúng ta ít thấy lối so sánh lấy cái cụ thể để so sánh với cái trừu tượng, dạng như “Mái nhà dài như một tiếng chiêng” (Đăm San), mà thường lấy cái trừu tượng để so sánh với cái cụ thể:“Từ ngày đó, bụng Mí H’Bai như thân cây bị sâu đục” [4, 6], “Đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta” [6, 146],“Trong lồng ngực em như có tiếng chày giã gạo buổi sáng” [3, 23]. Nhìn chung trong lời nói hàng ngày, người Tây Nguyên làm nổi bật bản chất của sự vật thông qua sự so sánh. Họ thường lấy những yếu tố vật chất thông thường, tiếp xúc hàng ngày để so sánh với những vấn đề trừu tượng. Khi đó mọi thứ đều cụ thể hoá, rất dễ nắm bắt.

Ở lời gián tiếp, để phù hợp với sắc thái ngợi ca những con người vĩ đại trong cuộc cách mạng vĩ đại, sự so sánh thiên về tính kì vĩ, diễm lệ, bằng những hình ảnh có sức khái quát cao. Chẳng hạn cảm nhận của người Kông Hoa về Bác Hồ: “Bok Hồ như ông sao Bắc Đẩu. Ông sao đó đã mọc lên không bao giờ lặn nữa trong lòng đồng bào Kông Hoa” [6, 360]. Sự cao cả, tầm vóc lớn lao của nhân vật cũng được so sánh với những hình ảnh to lớn, linh thiêng: “... Anh nhìn cụ Mết. Ánh lửa chập chờn soi hình ông cụ, làm cho thân hình vạm vỡ ấy trông kì ảo như một người anh hùng trong các bài hát suốt đêm Tnú đã nghe từ bé” [6, 146]. Cụ Xớt cũng được so sánh như vậy: “Lưng vẫn đứng thẳng, cả người quắc thước như một ngọn núi đá. Giọng nói trầm như tiếng vang của núi đá” [6, 248]. Già Kôi, bằng sự so sánh, hiện lên như một ông tiên: “Ông già nhiều tuổi nhất buôn Rê băk, có mái tóc trắng như mây và giọng nói vang như chiêng” [7, 69]. Đây là kiểu so sánh để lí tưởng hoá, khác với kiểu so sánh để bình thường hoá như ở trên. Với nghệ thuật so sánh, ngôn ngữ đời sống và ngôn từ nghệ thuật xích lại, và nhờ đó, hình tượng trở nên gần gũi hơn.

Ngoài so sánh, nhân hoá cũng được sử dụng khá nhiều. Điều này xuất phát từ đời sống gần gũi, gắn bó với thiên nhiên; xa hơn nữa nó cũng xuất phát từ cảm quan “vạn vật hữu linh” của người Tây Nguyên: “Mới hôm nào khu rừng vui, nay nó không thèm nói cười gì với em” [3, 51]. Trong các vị thần, Rừng là thần thiện nên rất gần gũi và luôn hiểu tâm trạng con người. Sự thân thiện với rừng của con người cũng được biểu hiện qua lối nói nhân hoá. Có khi con người tâm sự với rừng, với gió: “Khu rừng ơi, sao mày buồn lắm; gió đâu nói chuyện với lá cây đi. Nắng đâu, tắm cho đi nè và soi vào lòng ta đi” [3, 53]Có khi nói chuyện với đá: “Đúng rồi, đá của nước mình, mình phải nói cho đá tức Pháp, đánh Pháp mới được” [6, 288]. Đá cũng như hiểu con người, đồng cảm với người: “Tảng đá lớn đứng ở đầu làng sừng sững nhìn từng người đi qua, như chào từng người, như đếm từng người...” [6, 306]. Đá giúp người giấu vũ khí: “Núp, bok Pa, bok Sung đi một đêm vô rừng, giấu thùng đạn trong đó, gửi cho cái cây, hòn đá nó giữ giùm”  [6, 253]. Đá còn cùng người đánh Pháp: “Anh nói lũ người Bana biết ăn tro tranh trên núi, biết mặc vỏ cây, biết làm cho hòn đá, cho trái núi nó cũng giận Pháp, đánh Pháp; thằng Mĩ, thằng Diệm cũng không làm chi được người Bana đâu” [6, 294]. Lúa thì càng thân thiết với người hơn: “Lúa vừa chín. Theo phong tục Bana, thanh niên, phụ nữ đi đốn tre, chẻ lạt, nối thành sợi dây dài, cột từ rẫy về tới làng để cho lúa biết đường đi về nhà” [6, 252]. Cái khô hạn của miền núi Tây Nguyên được miêu tả hết sức chính xác: “Nắng như cầm lửa mà đổ xuống trên núi Chư Lây. Dưới suối nước đi trốn gần hết, dân làng phải dỡ từng hòn đá mới tìm được nước” [6, 275]. Bến nước luôn hào phóng: “… Mùa hè nó đem cái mát, mùa lạnh nó cho hơi ấm cho dân làng” [3, 138]. Suối nước thì biết đánh đờn: “Suối nước vừa đánh đờn chơi, vừa giữ rẫy cho mình” [6, 315]. Và âm thanh của núi rừng có khi lấn át cả tiếng máy bay giặc: “Tiếng máy bay chìm mất trong tiếng nói chuyện rì rào của ngàn, của vạn cây rừng trên núi Chư Lây” [6, 464]. Sức mạnh của rừng có thể bao bọc chở che được cho con người: “Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho dân làng...” [6, 133]... Bút pháp nhân hoá đã giúp con người như được chạm vào cảnh vật, thấm thía được sự khắng khít giữa con người với thiên nhiên Tây Nguyên.

 Cũng như phép so sánh, phép nhân hoá  trong các tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hoá và tính cách con người Tây Nguyên. Với thế giới quan thần linh chủ nghĩa, tự nhiên, thiên nhiên Tây Nguyên đều có hồn và và nó là một thực thể không thể thiếu vắng trong đời sống của con người mà cuộc đời của họ gắn chặt với núi rừng. Nhờ có phép tu từ nhân hoá mà thiên nhiên Tây Nguyên đã trở nên sống động hấp dẫn và điều đó đã lột tả chính xác cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của người Tây Nguyên.

4. Kết luận

Thiên nhiên Tây Nguyên hùng vĩ nhưng cũng rất trữ tình. Ở đó, có thác đổ ào ào nhưng cũng có những dòng sông hiền hoà thơ mộng, có núi cao với nhiều thú dữ nhưng cũng có những bình nguyên ngút ngàn màu xanh. Con người Tây Nguyên mạnh mẽ nhưng cũng rất đằm thắm. Ở họ, có sự thô mộc của đá, có sự nóng nảy của lửa. Nhưng ở họ cũng có sự dịu ngọt của nước, sự bộc trực của “tấm lòng nương rẫy”. Đặc điểm ấy của thiên nhiên và con người Tây Nguyên đã được các nhà văn làm toát lên bằng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó ngôn ngữ là một phương diện quan trọng.

Dù chưa thể hiện một cách toàn diện về đời sống ngôn ngữ của người Tây Nguyên, nhưng dù sao các nhà văn như viết về Tây Nguyên đã khai thác một cách tích cực vốn ngôn ngữ đa dạng của con người nơi đây để có thể làm nên một diện mạo riêng của mảng văn học về vùng đất này so với văn học viết về miền núi phía Bắc hay vùng Nam Bộ. Điều đó cũng sẽ tô điểm thêm cho bức tranh văn học nước nhà những màu sắc mới, sinh động hơn, phong phú hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trung Trung Đỉnh (2006), Lạc rừng, Ngõ lỗ thủng, NXB Văn học, Hà Nội.

2. Trung Trung Đỉnh (2002), Đêm nguyệt thực, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

3. Y Điêng (1978), Hơ Giang, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

4. Y Điêng (1986), Đrai Hơling đi về phía sáng, Văn hoá, Hà Nội.

5. http//www.linhnganiekdam/truyen–ngan–linh–nga

6. Nguyên Ngọc (1999), Tháng Ninh Nông, NXB Đà Nẵng.

7. Khuất Quang Thuỵ (1986), Thềm nắng, NXB Phụ nữ, Hà Nội.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020