Ngôn ngữ

VỀ MỘT CÁCH XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP


14-10-2020
Tác giả: Nguyễn Văn Tuyên

Trong xu hướng phát triển đa dạng mang tính công nghiệp hoá, hiện đại hoá và văn minh giao tiếp, hệ thống từ xưng hô đã ít nhiều thay đổi và điều chỉnh theo những chiều hướng khác nhau. Xu hướng xưng hô theo chức danh của cá nhân hay cơ quan, tổ chức, nhất là trong những hoạt động giao tiếp mang tính quy thức là một xu hướng cần được đặt biệt quan tâm dưới góc độ ngữ dụng học giao tiếp.

VỀ MỘT CÁCH XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI VIỆT

TRONG HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP

                                                ThS. Nguyễn Văn Tuyên

                                      Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang  

1. Như đã biết, xưng hô (hay còn gọi là xưng gọi) là thuật ngữ dùng để chỉ việc tự gọi tên mình (xưng) và gọi tên người khác (hô). Có thể nói, trong bất kì một cuộc giao tiếp nào cũng không thể thiếu được hành động xưng hô và từ ngữ xưng hô. Ngay cả trong trường hợp vắng mặt (zero) từ xưng hô, cũng có thể coi là một sự không hiện hữu mang tải một ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên, do ngôn ngữ của mỗi dân tộc phản ánh và thể hiện đặc điểm tư duy văn hoá, phong tục, truyền thống riêng của dân tộc đó nên việc đánh giá về sự xuất hiện hay không xuất hiện từ xưng hô cũng như cách xưng và hô là có khác nhau. Đây cũng là một trong những lí do giải thích vì sao khi giao tiếp bằng ngoại ngữ người ta ít nhiều mang thói quen lối tư duy bản ngữ vào việc sử dụng từ xưng hô trong câu, như dùng từ xưng hô vào trong những câu đáng lẽ không cần dùng từ xưng hô. Ngay trong mỗi người dân, khi giao tiếp bằng ngôn ngữ của dân tộc đó thì ở mỗi giai đoạn lịch sử và ở các cộng đồng nói năng khác nhau do những lí do mà cũng có những cách xưng hô khác nhau và nhìn nhận khác nhau về cách dùng từ xưng hô. Các mối quan hệ về xưng hô trong giao tiếp phụ thuộc vào từng bối cảnh giao tiếp cụ thể.

Đối với người Việt Nam thì có hệ thống nghi thức lời nói rất phong phú. Trước hết đó là sự phong phú trong hệ thống từ xưng hô tiếng Việt. Từ xưng hô tiếng Việt không chỉ dùng để xưng và hô nhằm thể hiện mối quan hệ giữa đối tượng khi giao tiếp mà còn là phương tiện để biểu đạt tình cảm. Khi đối tượng giao tiếp thay đổi thì từ xưng hô thay đổi theo. Nhiều nhà nghiên cứu đã nói về sự phong phú của lớp từ xưng hô tiếng Việt. Sự phong phú đó không chỉ thể hiện ở số lượng từ xưng hô mà còn thể hiện trong cách phô diễn.

Giao tiếp không chỉ nhằm thông báo một nội dung nào đó mà còn nhằm chinh phục tình cảm của người khác. Từ xưng hô không chỉ là từ dùng để tự xưng và gọi người khác mà còn góp phần tạo nên nhịp cầu giao cảm giữa đôi bờ tâm hồn. Khi xưng hô ta đã xác định mối quan hệ theo vai (thân – sơ, gia đình – xã hội) và thái độ tình cảm của mình (âm tính – trung hoà – dương tính). Đối tượng giao tiếp cũng dễ dàng cảm nhận được điều ấy và sẽ lựa chọn từ xưng hô cũng như hành vi ngôn ngữ thích hợp. Thực tiễn cho thấy không phải bao giờ chúng ta cũng dễ dàng xử lí các mối quan hệ trên để chọn từ xưng hô phù hợp nhất.

Trong hội thoại, nếu người này giữ vai ngôi thứ nhất, người kia là ngôi thứ hai thì đến lượt tiếp theo người kia lại giữ ngôi thứ nhất và người này lại giữ vai ngôi thứ hai. Đặc biệt, mỗi nhân vật hội thoại cần có sự hiểu biết về người kia như nghề nghiệp, tuổi tác, quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, gia tộc,... để tránh tình trạng lúng túng, khó xử không biết xưng hô như thế nào cho phải. Việc dùng đúng từ xưng hô thể hiện vốn văn hoá, sự hiểu biết, tính lịch thiệp, sự tôn trọng đối với người nghe. Với đặc trưng riêng của mình, từ xưng hô trong tiếng Việt rất đa dạng về chủng loại, linh hoạt và giàu màu sắc biểu cảm trong sử dụng.

Trong tiếng Việt, như các công trình nghiên cứu đã chỉ ra, có sự phong phú trong hệ thống từ xưng hô. Trong khi các ngôn ngữ khác (Phương Tây, Trung Quốc) thường chỉ sử dụng các đại từ nhân xưng thì tiếng Việt ngoài các đại từ ở ngôi thứ nhất là: tôi, tao, ta, tớ, chúng tao, chúng tôi, chúng ta, chúng tớ,… các đại từ  ngôi thứ hai như mày, bay, chúng mày, chúng bay…, còn sử dụng một số lượng các danh từ chỉ quan hệ họ hàng thân thuộc làm từ xưng hô như: anh, em, chú, cháu, cụ, ông, bà, cha, mẹ, thím,... để thay thế cho đại từ. Và những danh từ thân tộc này có xu hướng lấn át các đại từ nhân xưng. Ngoài ra, người ta còn lấy tên riêng và cả tiếng đệm giữa họ và tên của nữ giới (thị) để dùng làm từ xưng hô, thậm chí còn dùng cả cách nói trống không để xưng hô. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ mà người ta còn lấy các đại từ chỉ chức tước của cá nhân, chức vụ xã hội như: chủ tịch, thầy giáo, bác sĩ, giáo sư, kĩ sư,... để dùng làm từ xưng hô. Bài này muốn bàn thêm về cách xưng hô cuối cùng này.

2. Trong hoạt động giao tiếp hàng ngày, ngoài cách xưng hô bằng đại từ, bằng từ thân tộc, bằng tên riêng hay bằng hình thức zero (nói trống), người Việt Nam cũng có dùng các từ ngữ chỉ chức tước, danh hiệu hay chỉ nghề nghiệp để xưng hô.

Cách xưng hô này phần lớn dựa vào vị thế xã hội và công việc nghề nghiệp của những người trong cuộc hội thoại. Người nói trân trọng người đối thoại – những người có cương vị hoặc là những người thành đạt trong sự nghiệp. Cuộc trao đổi sẽ có giá trị, ý nghĩa hơn nếu bản thân những người tham gia là những người giỏi giang, thành đạt, có cương vị,… Đồng thời  cách xưng hô này  sẽ góp phần làm cho không khí cuộc đối thoại thêm trang trọng, nghiêm túc hơn. Cách xưng hô này cũng làm cho người tham gia trao đổi xác lập tư cách đối thoại của mình. Vì nếu họ tham gia với tư cách là người ở vai trên, vai lãnh đạo thì họ cố gắng thể hiện mình sao cho xứng đáng. Ở đó, họ cảm thấy tư cách của họ cao hơn, được kính trọng hơn và vì thế họ sẽ cân nhắc kĩ lưỡng trong tiếng nói.

Hiện nay, cách xưng hô này được phổ biến trong những môi trường giao tiếp mang tính quy thức: hội nghị, chỗ đông người, trên truyền hình (ở các cuộc phỏng vấn, giao lưu hai chiều). Ở đó, chủ thể giao tiếp hay lấy ngay chức danh của người đối thoại làm từ xưng hô.

Ví dụ:

(1) Thưa giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Chiến, giáo sư nghĩ sao về câu hỏi của bạn sinh viên vừa rồi?

(2) Thưa tổng giám đốc có trợ lí Văn xin vào gặp.

Với cách xưng hô này thì tên riêng của những người trong cuộc hội thoại rất ít khi được nhắc đến, nếu có thì thường đứng sau các danh từ chỉ chức danh. Chẳng hạn như, trong một công ty thì các nhân viên đều gọi người giám đốc là giám đốc chứ không gọi tên của người đó ra. Và nếu nhắc đến thì  nhắc tới giám đốc của họ trước người khác như: ông giám đốc Hoàng, giám đốc Minh.

Người ở vai trên khi giao tiếp với người ở vai dưới thì thường họ nâng người vai dưới lên bằng vai với mình, nghĩa là họ gọi người vai dưới bằng anh và khi xưng lại bằng cách hạ thấp vai của mình xuống mức tôi. Với một người lãnh đạo độc đoán thì họ thường có cách nói ngắn gọn, rành mạch, dứt khoát, có tính mệnh lệnh, khen chê khách quan, có phần lạnh lùng và thường đặt mình ở nhóm cao hơn các thành viên khác. Cách xưng hô “tôi – anh” của họ cũng thể hiện một thái độ của kẻ trên. Những người lãnh đạo có tác phong dân chủ thì thường có lời nói thân mật, tự coi mình là thành viên của tập thể nên khen chê theo cách khuyên giải, nhẹ nhàng, dân chủ ít tính mệnh lệnh. Họ cũng xưng hô “tôi – anh” nhưng người nghe luôn có cảm giác gần gũi, thân mật hơn.

Có những trường hợp, người nói đưa ra hết mọi chức danh mà người đối thoại với họ có, để hô gọi. Ví dụ:“Thưa giáo sư, tiến sĩ, nhạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú, trưởng ban giám khảo Đào Văn Huyên...” hoặc có khi chức danh đó do người nói “tự phong” cho, vì dường như họ quan niệm rằng cứ giới thiệu càng quá lên thì càng tốt. Họ đâu biết rằng sự lạm dụng quá mức xu hướng đó không khéo thành ra tâng bốc, nịnh nọt  không phải lối... và có thể tạo ra một tâm lí phản cảm, người nghe sẽ cảm thấy ngượng nghịu và sẽ giảm đi nhiều chất lượng giao tiếp. Điều đáng lưu ý là  không nên gọi hoặc giới thiệu quá nhiều chức danh cho một người mà nên chọn lọc những chức danh nào có giá trị với bản thân cuộc đối thoại.

Như trên đã nói, ở cách xưng hô bằng chức danh này quy tắc“xưng khiêm hô tôn” được bộc lộ một cách tối đa nên những người khi mới quen nhau thì theo phép lịch sự  thường gọi đối tượng giao tiếp của mình  bằng chính chức danh của người đối thoại.

Ví dụ: – Cô thư kí ơi!  có thể đánh máy giúp tôi văn bản này không?

Hai người này, một bên có tuổi cao hoặc vị thế xã hội cao có thể gọi bên kia bằng chính chức danh của họ, ngược lại bên có tuổi thấp hơn thì cũng gọi người đối thoại của mình bằng chính chức danh và cả hai đều xưng với nhau bằng đại từ trung tính tôi.

Một khía cạnh cũng cần lưu ý ở xu hướng xưng gọi này là cách sử dụng từ đồng chí. Đồng chí đó là danh từ Hán Việt dùng để chỉ những người cùng chí hướng về chính trị trong quan hệ với nhau (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1988) và như thế đồng chí thường được xưng gọi trong một tổ chức chính trị như: đảng phái, đoàn thể,... Nhưng hiện nay từ xưng hô này đã vượt khỏi phạm vi sử dụng ban đầu để đi vào nhiều bối cảnh giao tiếp khác nhau. Có thể nói hầu hết các cuộc họp hội mang tính cộng đồng như họp phụ nữ, hội đồng nhân dân... người ta hay sử dụng cụm từ đồng chí để xưng hô.

Ví dụ: “Đồng chí bí thưđồng chí có ý kiến đề xuất gì không?”. Ở cách xưng hô này thì bất kể người nói là ai, vai thấp hay vai cao, có quan hệ ra sao thì cũng xưng bằng đại từ trung tính tôi. Trong nhiều trường hợp gọi đồng chí đồng thời kèm theo chức danh của người đó. Thực ra, điều đó là không cần thiết lắm. Chẳng hạn như: thưa đồng chí giáo sư tiến sĩ; đồng chí Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tấn Long,... Ta chỉ cần nói: thưa giáo sư tiến sĩ, thưa Nghệ sĩ Nhân dân... là đã đủ và hoàn toàn đảm bảo tính trang trọng.

Như vậy, ta có thể thấy không phải trong bất cứ trường hợp nào việc sử dụng từ đồng chí cũng là phù hợp, là đúng đắn. Ta nên cẩn thận và lựa chọn sử dụng từ đồng chí cho phù hợp bối cảnh.

Với cách xưng hô bằng các từ chỉ nghề nghiệp thì người nói có thể không cần xác lập vị thế xưng hô, không cần dựa vào tiêu chí tuổi tác mà dùng ngay từ chỉ công việc theo nghề nghiệp của họ để gọi. Chẳng hạn như gặp một người bán xôi không quen biết thì lúc này người nói có thể dùng ngay từ chỉ công việc của chị để xưng hô.

Ví dụ :

– Chị bán xôi ơi, làm ơn cho hỏi mấy giờ rồi?

Hoặc :

 – Bác tài ơi làm ơn tới Tổng Đội cho tôi xuống nhé...

Những người như chị bán xôi, bác tài... có thể ít tuổi hơn rất nhiều so với người nói hoặc có thể lớn tuổi hơn. Nhưng người nói vẫn có thể gọi chị, anh, bác, cô,... mà người nghe cũng thấy không bực tức, không giận. Vì ở đây quan hệ giữa người nói và người nghe là quan hệ giữa người phục vụ và người có nhu cầu phục vụ. Lại có trường hợp, với sắc thái suồng sã, người nói  có thể gọi bất cứ người đi đường nào mà họ mới biết là sếp, thủ trưởng... Điều này cho ta thấy cách xưng hô bằng các từ chỉ chức danh không phải chỉ dùng một cách dập khuôn cứng nhắc trong những cuộc thoại mang tính quy thức mà đôi khi nó còn được sử dụng ở những môi trường khác mang tính chất thân mật, suồng sã.

Nên chú ý rằng, trong số nhiều từ cùng chỉ một nghề nghiệp, không phải tất cả đều có thể dùng để xưng hô, hoặc có từ chỉ dùng để hô mà không dùng để xưng. Ví dụ có nhiều từ đều chỉ người làm nghề dạy học : giáo viên, nhà giáo, thầy giáo, cô giáo, giáo sư, cán bộ giảng dạy, giảng viên..., thì những từ giáo viên, nhà giáo, cán bộ giảng dạy, giảng viên không dùng để xưng hô, còn các từ thầy giáo, cô giáo vừa có thể dùng để xưng, vừa có thể dùng để hô gọi, riêng từ giáo sư thì chỉ để hô gọi mà thường không dùng để xưng.

Trên đây là một số vấn đề về xưng hô bằng từ ngữ chỉ chức danh, chức vụ, nghề nghiệp trong hoạt động giao tiếp hàng ngày mang tính tự nhiên, phi quy thức. Phần dưới đây dành cho việc xem xét bước đầu về  cách xưng hô trong văn bản hành chính, một hoạt động giao tiếp có tính quy thức và yêu cầu những khuôn mẫu chặt chẽ.

3. Trong giao tiếp ở lĩnh vực hành chính không thể có phương thức zéro trong xưng hô, nghĩa là không thể cho phép vắng mặt từ xưng hô (nói trống không). Trong lĩnh vực này, ngoài những cách xưng hô bằng đại từ, bằng từ ngữ chỉ chức danh, bằng tên riêng kết hợp với từ chỉ chức danh,và một số trường hợp bằng danh từ thân tộc (ông, bà), còn có một cách xưng hô nữa : bằng từ ngữ gọi tên cơ quan, tổ chức. Đây là cách xưng hô rất phổ biến trong văn bản hành chính, nhưng chưa được giới nghiên cứu ngôn ngữ học quan tâm đến.

Cách xưng hô bằng từ ngữ chỉ chức danh của cả người phát và người nhận văn bản đã trở thành khuôn mẫu quen thuộc trong văn bản hành chính. Ví dụ :

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành chức năng triển khai một số biện pháp cấp bách sau đây...”

        (Công điện số 732/CD–TTg ngày 14/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ)

Trong ví dụ này, người phát xưng bằng từ chỉ chức danh là Thủ tướng Chính phủ và gọi những người nhận cũng bằng từ ngữ chỉ chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND các tỉnh.

Không chỉ xưng hô bằng chức danh của người đứng đầu cơ quan hay tổ chức mà trong văn bản hành chính còn dùng ngay cụm từ chỉ tên cơ quan, tổ chức để xưng hô. Ví dụ :

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố không áp dụng quy định cấp phép thiết lập mạng viễn thông đối với hoạt động thiết lập mạng truyền hình cáp chỉ để cung cấp dịch vụ truyền hình; nếu mạng truyền hình cáp cung cấp thêm dịch vụ viễn thông sẽ phải tuân theo các quy định hiện hành về quản lí mạng viễn thông...”

(Công văn số 338/BTTTT–PTTH&TTĐT ngày 17/2/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc không áp dụng quy định cấp phép mạng viễn thông đối với mạng truyền hình cáp)

Trong ví dụ này, người phát văn bản xưng là Bộ Thông tin và Truyền thông, còn người nhận văn bản được gọi là Sở Thông tin và Truyền thông. Dù người phát văn bản ở cương vị trên và người nhận văn bản ở cương vị thấp, nhưng đều dùng từ ngữ gọi tên cơ quan để xưng hô.

Có thể có trường hợp tên cơ quan, tổ chức phối hợp với từ ngữ chỉ chức danh của cá nhân để xưng hô trong giao tiếp ở lĩnh vực hành chính. Ví dụ : 

Tiếp theo Tờ trình số 3469/TTr–UBND ngày 19/11/2008, UBND tỉnh Quảng Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam 13 tỉ đồng để khắc phục hậu quả thiệt hại mưa lũ.

(Văn bản hành chính – Tờ trình số 4444/TTr– UBND ngày 03/12/2008 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Trong ví dụ này, người phát văn bản ở vị thế thấp và tự xưng bằng tên gọi cơ quan UBND tỉnh Quảng Nam, còn những người nhận được gọi bằng chức danh cá nhân (Thủ tướng Chính phủ) và tên gọi cơ quan (các Bộ, ngành Trung ương). 

Việc dùng từ ngữ chỉ tên cơ quan hay tổ chức để xưng hô trong văn bản hành chính mang đến một sắc thái về quyền uy của tập thể, chứ không chỉ một cá nhân nào. Người phát  nhân danh cả cơ quan, tổ chức để giao tiếp, đồng thời cũng hướng đến đối tượng nghe là cả cơ quan hay tổ chức, chứ không riêng một cá nhân nào. Điều đó nâng cao hiệu lực của nội dung giao tiếp.        

Nhìn chung, trong giao tiếp bằng văn bản hành chính, việc xưng hô cần tường minh, mang tính quy thức, và tương xứng với vị thế xã hội để thực hiện được hiệu lực giao tiếp. Cho nên, việc sử dụng những cách xưng hô bằng từ ngữ chỉ chức danh cá nhân hay chỉ  tên cơ quan, tổ chức là rất cần thiết và là một trong những đặc điểm về ngôn từ của văn bản hành chính.

4.  Tóm lại,việc chọn cách xưng hô và từ xưng hô trong giao tiếp nói chung là một vấn đề mang tính xã hội, nó bị chi phối bởi các điều kiện của bối cảnh giao tiếp. Bối cảnh giao tiếp thể hiện ra ở nhiều phương diện như:

– Tính quy thức hay phi quy thức của hoạt động giao tiếp

– Vị thế xã hội và vị thế giao tiếp của các nhân vật giao tiếp (người phát, người nhận)

– Trạng thái tình cảm giữa hai nhân vật giao tiếp trong giao tiếp: gần gũi, quen biết hay xa lạ, yêu ghét, giận giữ, căm tức hay trung hoà,...

– Một số nhân tố khác chưa có dịp trình bày cụ thể như: chỉ có hai nhân vật (nói/nghe; phát/nhận) hay còn có người thứ ba.

 Trong xu hướng phát triển đa dạng mang tính công nghiệp hoá, hiện đại hoá và văn minh giao tiếp, hệ thống từ xưng hô đã ít nhiều thay đổi và điều chỉnh theo những chiều hướng khác nhau. Xu hướng xưng hô theo chức danh của cá nhân hay cơ quan, tổ chức, nhất là trong những hoạt động giao tiếp mang tính quy thức là một xu hướng cần được đặt biệt quan tâm dưới góc độ ngữ dụng học giao tiếp.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Hữu Châu – Bùi Minh Toán (1993), Đại cương Ngôn ngữ học, tập 2, NXB Giáo dục.

2. Nguyễn Văn Chiến (1993), Từ xưng hô trong tiếng Việt – Việt Nam, những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Trường ĐHNN Hà Nội.

3. Nguyễn Văn Khang (2012), Ngôn ngữ học xã hội, NXB Giáo dục Việt Nam.

4. Hoàng Phê (1998, chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.

5. Bùi Minh Yến (2011), Từ xưng hô trong gia đình đến xưng hô ngoài xã hội của người Việt, Luận án Tiến sĩ, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội.   

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020