Ngôn ngữ

TÌM HIỂU NGHỆ THUẬT MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ GÓC NHÌN NGÔN NGỮ


14-10-2020
Tác giả: Trương Xuân Tiếu

Từ góc nhìn ngôn ngữ nghệ thuật để tìm hiểu nội dung thẩm mỹ đích thực tác phẩm văn học là chỗ đứng tối ưu trong quá trình nghiên cứu văn học. Song, như đã nói tuy đó là góc nhìn tốt nhất, nhưng không phải là duy nhất; mà cần phối hợp nó với các góc nhìn khác như: góc nhìn văn hoá, góc nhìn thể loại, góc nhìn kết cấu... theo yêu cầu tổng hợp những kiến thức liên ngành khi nghiên cứu văn học.

TÌM HIỂU NGHỆ THUẬT MỘT SỐ TÁC PHẨM

VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ GÓC NHÌN NGÔN NGỮ

PGS.TS. Trương Xuân Tiếu

Đại học Vinh

1. Văn học Việt Nam (văn học người Việt) có hai dòng: dòng văn học dân gian và dòng văn học thành văn. Văn học dân gian là sáng tác tập thể và được lưu hành bằng truyền miệng; cho nên văn bản ghi chép về văn học dân gian được gọi là văn bản sưu tầm. Văn học thành văn là sáng tác cá nhân và được lưu hành bằng chữ viết; cho nên văn bản của văn học thành văn được gọi là văn bản sáng tác.

Điểm tương đồng cơ bản giữa văn bản sưu tầm và văn bản sáng tác là đều sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật để thể hiện nội dung. Bởi vậy, khi tìm hiểu tác phẩm văn học dân gian, hoặc tìm hiểu tác phẩm văn học thành văn, người nghiên cứu văn học không thể không chú ý tới ngôn ngữ nghệ thuật đã được tác giả sử dụng trong tác phẩm.

Tuy đều sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, nhưng nếu như ở tác phẩm văn học dân gian tác giả dùng “ngôn ngữ nói”, thì ở tác phẩm văn học thành văn tác giả dùng “ngôn ngữ viết”. Vì thế, để tìm hiểu nội dung thẩm mĩ của tác phẩm văn học, chúng ta nên đứng từ góc nhìn ngôn ngữ.

Từ góc nhìn ngôn ngữ để tìm hiểu văn học là chỗ đứng có nhiều thuận lợi, nhưng không phải là duy nhất của người nghiên cứu. Chúng ta cần kết hợp với nhiều góc nhìn khác để tìm hiểu văn học như: góc nhìn văn hoá, góc nhìn thể loại, góc nhìn cấu trúc... Song, không thể phủ nhận được vị trí hàng đầu của góc nhìn ngôn ngữ so với những góc nhìn khác khi chúng ta đi vào tìm hiểu văn học.

2. Với quan niệm như đã nêu trên, ở báo cáo này, chúng tôi xin được đề cập đến nghệ thuật của hai tác phẩm văn học dân gian và hai tác phẩm văn học thành văn cụ thể của người Việt như sau:

2.1. Lời ca dao mở đầu bằng câu Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát…

Trước hết, hiện tượng các tính từ mênh môngbát ngát được dùng theo biện pháp điệp từ và nghệ thuật đảo ngữ ở hai câu thơ thuộc phần đầu lời ca dao đã cho chúng tôi thấy các biện pháp nghệ thuật đó có tác dụng phản ánh diện tích rộng lớn của cánh đồng, đồng thời cho biết người ngắm cảnh ở đây là đứng một chỗ và chỉ đứng bên ni đồng, còn việc đứng bên tê đồng chỉ là một giả định để thể hiện tầm nhìn bao quát của người ngắm cảnh. Mặt khác, nhờ các tính từ, lời ca dao không chỉ thể hiện tầm nhìn mà còn nêu rõ niềm xúc cảm dạt dào trong tâm hồn người ngắm cảnh. Từ đó, đi vào giải mã cụm danh từ thân em trong lời ca dao, chúng tôi nhận thấy nếu cụm danh từ thân em trong những lời ca dao than thân khác đã làm nổi bật hình tượng biểu trưng cho một đối tượng trữ tình trừu tượng (thân phận người phụ nữ), thì cụm danh từ thân em ở lời ca dao này lại nổi bật hình tượng biểu hiện về một đối tượng trữ tình cụ thể, sống động (đó là vẻ đẹp cái thân của em; là cái thân người của người con gái xuất hiện trên cánh đồng mênh mông bát ngát). Tiếp theo, nhận thấy sự có mặt của một số từ địa phương trong lời ca dao (bên nibên tê, ngó) làm cho người nghe, người đọc liên tưởng đến những lời ca dao thể hiện tình cảm lứa đôi, tình yêu nam nữ ở vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ, chúng tôi cho rằng nội dung đích thực lời ca dao là nhằm thể hiện tình cảm lứa đôi, tình yêu nam nữ; và đây không phải là lời ca dao về tình yêu thiên nhiên đất nước; lại càng không phải là lời ca dao than thân. Hơn nữa, khi đã giả thiết đó là lời ca dao thể hiện tình cảm lứa đôi, tình yêu nam nữ, chúng tôi xác định vẻ đẹp nên thơ và tràn đầy sức sống toát lên từ cái thân của em trên cánh đồng bát ngát mênh mông trong nắng hồng buổi mai không thể do cô gái ấy tự ngắm mình; mà do một chàng trai trẻ đã phát hiện và sự phát hiện ấy xuất phát từ động cơ tỏ tình; cũng như bản thân quá trình phát hiện này là cả một cuộc tỏ tình khôn khéo, sôi nổi, hồn nhiên của chàng trai trẻ.

2.2. Lời ca dao về Thăng Long – Hà Nội có câu mở đầu Gió đưa cành trúc la đà…

Với lời ca dao này, rất nhiều nhà nghiên cứu Folklore Việt Nam quan tâm tìm hiểu về nội dung thẩm mỹ đích thực của nó. Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa thành tựu nghiên cứu của những người đi trước; và xác định nên đứng từ góc nhìn ngôn ngữ, chúng tôi tập trung đi sâu khám phá các địa danh và ý nghĩa việc sử dụng địa danh trong lời ca dao. Bằng bốn địa danh (Trấn Võ, Thọ Xương, Yên Thái, Tây Hồ) lời ca dao hướng người nghe, người đọc chú ý về những cảnh quan địa lí – tự nhiên và địa lí – nhân văn tiêu biểu không chỉ riêng vùng hồ Tây, mà là đặc trưng cho cả miền đất Thăng Long – Hà Nội: vừa cổ kính, sầm uất; vừa văn hiến, thanh bình. Do đó, Tiếng chuông Trấn Vũ là ý thơ gợi cho người nghe, người đọc cảm giác trân trọng hướng về tín ngưỡng người dân Thăng Long – Hà Nội (tín ngưỡng thờ Thành hoàng – tín ngưỡng nông dân – kết hợp với tín ngưỡng thờ Thánh của Đạo giáo – tín ngưỡng thị dân). Canh gà Thọ Xương là ý thơ gợi cho người nghe, người đọc liên tưởng về trò chơi chọi gà – một trò chơi cuốn hút sự yêu thích của mọi người; và từ đó giúp người nghe, người đọc nhớ tới những lễ hội đặc sắc diễn ra ở chốn phồn hoa đô thị giàu có, sang trọng bậc nhất này. Nhịp chày Yên Thái là ý thơ gợi lên âm thanh cuộc sống và nhịp điệu lao động ở một làng nghề truyền thống ven hồ Tây; từ đó tế nhị đề cao văn hiến Thăng Long – Hà Nội (Thăng Long – Hà Nội là đất học, đất văn vật; là trung tâm văn hoá – giáo dục của quốc gia). Mặt gương Tây Hồ là ý thơ miêu tả vẻ đẹp thắng cảnh điển hình nhất Thăng Long – Hà Nội; “đô thị sông hồ”. Đồng thời, qua hình ảnh nên thơ ấy, lời ca dao còn có ý nhấn mạnh hồ Tây là chốn “địa linh” của miền đất “kinh kì” vậy. Như thế, bằng dụng ý miêu tả bốn địa danh với những đặc thù của nó, lời ca dao trên đã thể hiện sinh động và nổi bật: tín ngưỡng, nếp sống – lễ hội; làng nghề truyền thống, thắng cảnh điển hình của quốc đô Đại Việt thời phong kiến và qua đó bộc lộ rõ niềm yêu mến, tự hào của con người về vùng đất thiêng liêng, trù phú này.

2.3. Danh từ riêng trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Khi viết Bình Ngô đại cáo – tác phẩm văn chính luận bằng chữ Hán – Nguyễn Trãi đã sử dụng bảy kiểu danh từ riêng:

– Danh từ riêng chỉ tên một người, hoặc tên một cộng đồng người (nhân danh).

– Danh từ riêng chỉ tên một vùng đất (địa danh).

– Danh từ riêng chỉ tên một nước (quốc hiệu), tên một triều đại phong kiến, tên một niên hiệu nhà vua.

– Danh từ riêng chỉ tên thời gian cụ thể (năm âm lịch).

– Danh từ riêng chỉ tên những bộ sách cổ về quân sự của Trung Quốc.

– Danh từ riêng chỉ tên một số quẻ trong kinh Dịch (Trung Quốc).

– Danh từ riêng chỉ tên vị thần trong thần thoại Trung Quốc.

Tìm hiểu nghệ thuật sử dụng danh từ riêng trong bảy đoạn văn ở tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, chúng tôi thấy:

+ Đoạn văn thứ nhất (từ Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân… đến … ác đảng hoài gian, cánh dĩ mãi ngã quốc): Nguyễn Trãi đã phối hợp sử dụng quốc hiệu Đại Việt với các thuật ngữ chính trị – văn hoá – xã hội (văn hiến, phong vực, phong tục, các đế, hào kiệt) để nêu rõ chủ quyền độc lập của đất nước ta. Tiếp theo, Nguyễn Trãi sử dụng tên các triều đại phong kiến tiêu biểu của Trung Quốc và Việt Nam thời trung đại, (dưới hình thức đối nhau trong hai vế câu văn biền ngẫu) để khẳng định sự tồn tại của quốc gia Đại Việt là một tất yếu lịch sử. Trong đoạn văn này, Nguyễn Trãi còn chọn lọc một số nhân danh và địa danh để nêu bật truyền thống bất khuất, anh hùng của dân tộc. Bên cạnh việc khai thác khía cạnh tích cực trong tư tưởng “nhân nghĩa” của Nho giáo (khía cạnh thân dân), Nguyễn Trãi đã dựa vào tư tưởng yêu nước và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc để làm tiền đề lí luận và căn cứ thực tiễn mở đầu bài cáo. Không chỉ thế, Nguyễn Trãi còn dùng những danh từ riêng chỉ một số triều đại phong kiến liên quan với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (Hồ, Minh) để làm rõ nguyên nhân thực tế dẫn đến cuộc khởi nghĩa này.

+ Đoạn văn thứ hai (từ … Hân thương sinh ư ngược diệm… đến … thiên địa chi sở bất dung): Nguyễn Trãi chỉ sử dụng hai địa danh có tính ước lệ (Nam sơn, Đông hải) để tố cáo sự chồng chất vô hạn những tội ác dã man, tàn bạo của giặc Minh đối với dân tộc Đại Việt; và nêu rõ đó chính là lí do vùng lên của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

+ Đoạn văn thứ ba (từ … Dư phấn tích Lam Sơn… đến … Khôi Huyện chi chúng vô nhất lữ…): Nguyễn Trãi đã dùng ba địa danh để thể hiện giai đoạn đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầy những khó khăn, nguy hiểm và nêu rõ tinh thần yêu nước, quả cảm của vị thủ lĩnh nghĩa quân. Bằng việc dùng tên gọi các bộ sách quân sự thời cổ của Trung Quốc và tên gọi một quẻ trong kinh Dịch (quẻ truân), Nguyễn Trãi không chỉ nêu rõ phẩm chất kiên cường của người thủ lĩnh nghĩa quân đã vượt qua nhiều thử thách gay go của lịch sử, mà còn có ý nhấn mạnh mục đích ban đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng tương tự những cuộc khởi nghĩa khác đương thời.

+ Đoạn văn thứ tư (từ … Cái thiên dục khốn… đến … nhi nộ giả ích nộ): Với việc dùng địa danh, nhân danh, Nguyễn Trãi đặc tả những trận thắng mở đầu của nghĩa quân Lam Sơn và nêu bật thời cơ, uy thế, sức mạnh của lực lượng khởi nghĩa khi tiến quân ra vây hãm thành Đông Đô và diệt viện giặc Minh. Qua việc dùng địa danh, nhân danh ở đoạn văn này, Nguyễn Trãi còn nêu rõ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn không dừng lại ở một địa phương mà phát triển, mở rộng ra phạm vi toàn quốc; và từ chỗ một cuộc khởi nghĩa nông dân đã trở thành một cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của quân dân Đại Việt đầu thế kỉ XV.

+ Đoạn văn thứ năm (từ … Bỉ trí cùng nhi lực tận đến … Thượng thư Lí Khánh kế cùng nhi vẫn thủ): Nguyễn Trãi đã dùng nhiều địa danh, nhân danh, danh từ riêng chỉ thời gian; và dùng cả danh từ riêng chỉ niên hiệu hoàng đế nhà Minh để nhằm phản ánh sự thắng lợi của quân ta và sự thất bại của quân giặc. Từ đó, kết hợp các danh từ riêng với “nhịp điệu hùng văn”, Nguyễn Trãi vừa biểu lộ quyết tâm đánh thắng giặc Minh xâm lược, vừa biểu dương những chiến công rực rỡ của quân dân Đại Việt.

+ Đoạn văn thứ sáu (từ … Ngã toại nghênh nhẫn nhi giải… đến … diệc tương giải giáp dĩ xuất hàng): Nguyễn Trãi tập trung sử dụng nhiều địa danh để tiếp tục thể hiện những chiến công của nghĩa quân Lam Sơn vào cuối năm Đinh Mùi (1427) và sử dụng nhiều nhân danh để mỉa mai một số viên tướng giặc Minh hoặc đã đầu hàng, hoặc đã bỏ chạy trước sức mạnh quật khởi của quân dân Đại Việt.

+ Đoạn văn thứ bảy (từ … Tặc thủ thành cầm… đến … Hàm sử văn tri): Ngoài việc dùng điển cố văn học, dùng câu văn dài – ngắn, Nguyễn Trãi đã sử dụng nhân danh để nêu rõ họ tên những hàng tướng của giặc Minh khi chiến tranh kết thúc; qua đó nhằm đề cao chủ trương “toàn quân vi thượng” của bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn và tư tưởng yêu hoà bình, tinh thần nhân đạo của quân dân Đại Việt. Bằng việc dùng tên gọi một số quẻ trong kinh Dịch (khi thì ghép nối, khi thì đối sánh) và sử dụng một số điển cố văn học, Nguyễn Trãi đã kết thúc bài cáo bằng những câu văn lạc quan, hào sảng báo hiệu tiền đồ tươi sáng của dân tộc và tương lai huy hoàng của đất nước. Có thể nói, nhờ vận dụng các kiểu danh từ riêng để viết Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã vừa ca ngợi nghĩa quân Lam Sơn vì đã giương cao ngọn cờ “nhân nghĩa” cứu nước cứu dân nên đã chiến thắng oanh liệt bọn giặc Minh xâm lược bất nhân bất nghĩa; vừa khẳng định và đề cao truyền thống nhân đạo cao quý của dân tộc Đại Việt.

2.4. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ tiếng Việt hiện đại của nhà thơ Minh Huệ trong bài thơ Đêm nay Bác không ngủ:

Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ viết về Bác Hồ thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Bài thơ được tác giả viết theo hình thức câu thơ năm chữ, bằng tiếng Việt hiện đại, gồm 16 khổ thơ. Nếu từ khổ thơ thứ nhất đến khổ thơ thứ mười lăm, tác giả thể hiện chủ đề bài thơ bằng tư duy hình tượng; nhằm kể về những diễn biến trong tâm trạng nhân vật anh đội viên trước việc đêm nay Bác không ngủ, thì ở khổ thơ thứ mười sáu tác giả đã thể hiện chủ đề bài thơ bằng tư duy lôgích; nhằm hoàn thiện bài thơ bằng cấu trúc ngôn ngữ; và từ đó đã làm sáng rõ hình tượng trung tâm của bài thơ là Bác. Nếu trong 15 khổ thơ thuộc phần đầu bài thơ, tác giả không chỉ dùng nhiều danh từ, động từ, tính từ để tả người, kể việc, miêu tả nội tâm nhân vật và điệp từ Bác đến 25 lần nhằm khắc hoạ hình tượng trung tâm bài thơ, thì ở khổ thơ 16 thuộc phần cuối bài thơ, tác giả không chỉ điệp từ Bác đến 3 lần để đảm bảo tính hệ thống của bài thơ, mà còn nhằm mở rộng ý nghĩa vẻ đẹp hình tượng trung tâm bài thơ. Riêng câu thơ cuối cùng của bài thơ lại có một kết cấu ngữ pháp khá đặc biệt (cả từ Bác làm đối tượng thông báo và danh từ riêng Hồ Chí Minh làm nội dung thông báo lại tương đồng giá trị: đều là từ tôn xưng, là tên gọi kính mến vị lãnh tụ cách mạng của dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh). Nói cách khác, nhân vật Bác là lãnh tụ Hồ Chí Minh, lãnh tụ Hồ Chí Minh chính là nhân vật Bác trong bài thơ Đêm nay Bác không ngủ. Như vậy, nội dung đích thực bài thơ của Minh Huệ (vừa giàu chất tự sự, vừa giàu chất trữ tình, vừa sinh động trong khắc hoạ hình tượng, vừa điêu luyện, tinh tế và mộc mạc, hồn nhiên trong sử dụng ngôn ngữ) chính là ca ngợi Bác – vị lãnh tụ cách mạng – nhưng đó là một người Việt Nam giản dị mà rất vĩ đại; vì Bác không những sống gần gũi với mọi người, mà còn hết lòng thương yêu mọi người.

3. Qua kết quả nghiên cứu nghệ thuật bốn tác phẩm văn học Việt Nam từ góc nhìn ngôn ngữ, chúng tôi đi tới những kết luận sau đây:

Khi tìm hiểu nghệ thuật tác phẩm văn học Việt Nam (văn học dân gian và văn học thành văn) chúng ta nên lưu ý đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật tác phẩm; vì đó là cái chìa khoá để tìm hiểu mối quan hệ hình thức – nội dung và sẽ mở ra được những khía cạnh nội dung thẩm mỹ của tác phẩm.

Xuất phát từ ngôn ngữ nghệ thuật, chúng ta không những phát hiện ra nhiều đặc điểm thú vị của tác phẩm, mà còn khám phá được những dụng ý nghệ thuật của tác giả và đặc điểm hình tượng được thể hiện trong tác phẩm.

Từ góc nhìn ngôn ngữ nghệ thuật để tìm hiểu nội dung thẩm mỹ đích thực tác phẩm văn học là chỗ đứng tối ưu trong quá trình nghiên cứu văn học. Song, như đã nói tuy đó là góc nhìn tốt nhất, nhưng không phải là duy nhất; mà cần phối hợp nó với các góc nhìn khác như: góc nhìn văn hoá, góc nhìn thể loại, góc nhìn kết cấu... theo yêu cầu tổng hợp những kiến thức liên ngành khi nghiên cứu văn học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Huệ Chi (2013), Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hoá đến các mã nghệ thuật, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

2. Mai Ngọc Chừ (Chủ biên) (2007), Nhập môn ngôn ngữ học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

3. Nguyễn Văn Dân (2006), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

4. Trịnh Bá Đĩnh (2002), Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, NXB Văn học, Hà Nội.

5. Bùi Công Hùng (2000), Tiếp cận nghệ thuật thơ ca, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

6. Kiều Thu Hoạch (2006), Văn học dân gian người Việt góc nhìn thể loại, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

7. Nguyễn Xuân Kính (2012), Một nhận thức về văn học dân gian Việt Nam, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

8. Nguyễn Hữu Quỳnh (1996), Tiếng Việt hiện đại, Trung tâm Biên soạn
Từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội.

9. Trần Đình Sử (Chủ biên) (2004), Giáo trình lí luận văn học, tập 1, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội.

10. Đào Thản (1998), Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

11. Lã Nhâm Thìn (2009), Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

12. Trần Nho Thìn (2008), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá – NXB Giáo dục, Hà Nội.

13. Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (1997), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020