Ngôn ngữ

BÀN VỀ NGÔN NGỮ DÂN GIAN TRONG TRUYỆN NÔM SONG TINH BẤT DẠ CỦA NGUYỄN HỮU HÀO


14-10-2020
Tác giả: ThS. Trần Thanh Thuỷ

Theo nguồn tư liệu hiện có, Song Tinh Bất Dạ (còn có tên gọi khác là Truyện Song Tinh) của Nguyễn Hữu Hào là truyện Nôm bác học đầu tiên xuất hiện ở Đàng Trong, đồng thời cũng là truyện Nôm bác học có tên tác giả đầu tiên trong nền văn học Việt Nam. Cũng giống như những truyện Nôm bác học khác, Song Tinh Bất Dạ có sự kết hợp khá hài hoà giữa ngôn ngữ ước lệ tượng trưng mang tính điển nhã và ngôn ngữ bình dân mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần mặn mà, duyên dáng. So sánh tương quan tỷ lệ và sự mật tập của ngôn ngữ bình dân so với ngôn ngữ bác học, chúng ta dễ dàng nhận thấy mức độ ảnh hưởng của truyền thống dân gian và kế thừa tinh hoa văn chương cổ trong tác phẩm là tương đương nhau. Đây chính là một trong những dấu hiệu chứng tỏ sự “khởi đầu” của thể loại, bởi càng về sau, các tác giả truyện Nôm bác học càng thoát ly ảnh hưởng của truyện Nôm bình dân.

BÀN VỀ NGÔN NGỮ DÂN GIAN TRONG TRUYỆN NÔM

 SONG TINH BẤT DẠ CỦA NGUYỄN HỮU HÀO

ThS. Trần Thanh Thuỷ

Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ

 

Theo nguồn tư liệu hiện có, Song Tinh Bất Dạ (còn có tên gọi khác là Truyện Song Tinh) của Nguyễn Hữu Hào là truyện Nôm bác học đầu tiên xuất hiện ở Đàng Trong, đồng thời cũng là truyện Nôm bác học có tên tác giả đầu tiên trong nền văn học Việt Nam. Cũng giống như những truyện Nôm bác học khác, Song Tinh Bất Dạ có sự kết hợp khá hài hoà giữa ngôn ngữ ước lệ tượng trưng mang tính điển nhã và ngôn ngữ bình dân mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần mặn mà, duyên dáng. So sánh tương quan tỷ lệ và sự mật tập của ngôn ngữ bình dân so với ngôn ngữ bác học, chúng ta dễ dàng nhận thấy mức độ ảnh hưởng của truyền thống dân gian và kế thừa tinh hoa văn chương cổ trong tác phẩm là tương đương nhau. Đây chính là một trong những dấu hiệu chứng tỏ sự “khởi đầu” của thể loại, bởi càng về sau, các tác giả truyện Nôm bác học càng thoát ly ảnh hưởng của truyện Nôm bình dân. (Tuy không phải tác phẩm nào cũng đạt đến giá trị kinh điển và tỏ rõ ưu thế văn chương phong nhã so với truyện Nôm bình dân hay những sáng tác của văn nhân thời kì đầu, song sự đậm đặc hơn hẳn và thuần thục hơn hẳn của ngôn ngữ “thành văn” là điều không dễ gì phủ nhận). Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ mạn phép góp đôi lời thức nhận về sự xuất hiện của lớp ngôn ngữ bình dân trong tác phẩm, cụ thể là ngôn ngữ văn học dân gian.

Trong ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ nhân vật của Song Tinh Bất Dạ xuất hiện nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Nếu như trong truyện cổ tích, ngôn ngữ nhân vật thường là những câu ca dao, tục ngữ hay những câu vè ngắn gọn, “chủ yếu xuất hiện dưới dạng thông báo hơn là đối đáp” [4, 233] kiểu:

Chuông khánh còn chẳng ăn ai

Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre

thì trong các truyện Nôm bình dân, thành ngữ, tục ngữ được sử dụng rất thông dụng. Một phần bởi truyện Nôm bình dân, thực chất chính là một trong những thể loại của văn học dân gian – truyện thơ. Đến truyện Nôm bác học, các tác giả cũng tiếp thu “nguồn sữa” ngọt ngào của văn học dân tộc. Bằng chứng là trong ngôn ngữ của các nhân vật “bác học” có sự xuất hiện của khá nhiều thành ngữ, tục ngữ; chẳng hạn:

– Tiếc thay thân cái dã tràng luống công

(Truyện Hoa tiên)

– Kiến bò miệng chén chưa lâu

Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa

– Quân này chẳng phải thiện nhân

Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng

– Nàng rằng khoảng vắng đêm trường,

Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa

(Truyện Kiều)

– Tre còn măng mất lẽ nào cho cân

Thương thay tiền mất tật còn

(Lục Vân Tiên)

Cũng trong truyền thống đó, với Song Tinh Bất Dạ, Nguyễn Hữu Hào đã sử dụng thành ngữ, tục ngữ một cách khá tự nhiên và phổ biến:

– Khế sung cũng thể một lòng

Vào tai ra miệng, khá hay luật lề

Chờ khi gió cả bẻ cây

Lại e mất thỏ hoạ lây đến rừng

Điều đó làm cho ngôn ngữ nhân vật không chỉ gần gũi với ngôn ngữ tự nhiên của nhân dân mà còn thêm phần thâm trầm, hàm súc, giàu hình ảnh.

Có lúc, Nguyễn Hữu Hào còn đem đến cho câu tục ngữ quen thuộc của dân gian một nét nghĩa mới:

Non mòn vì bởi hơi thu

Nó dùng nước lã vã hồ trêu ngươi

Câu tục ngữ Nước lã mà vã nên hồ bấy lâu nay thường được nhân dân ta hiểu theo nghĩa lời ca dao Nước lã mà vã nên hồ/ Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan, khi đặt trong ngữ cảnh Giang Ông phát ngôn, khái quát bi kịch xã hội đen tối của thời buổi thế đạo suy vi, lại hàm ý chỉ những kẻ đơm đặt, bịa chuyện, đem không nói có, vu oan giáng hoạ cho người. Giang Ông cay đắng thốt ra một nghịch lí: ngọn núi đồ sộ, vững chãi là thế, bão táp không thể chuyển lay, lại bị bào mòn, chết dần bởi hơi nước mong manh, vô hình, lạnh lẽo. Điều tưởng chừng phi lí, khi soi tỏ trong hiện thực lại trở nên rất rõ ràng, minh bạch.

Không giống như các tác giả truyện Nôm bình dân phần nhiều là tầng lớp trí thức bình dân – những ông đồ quê, “vốn liếng” sở học chỉ đủ gõ đầu trẻ kiếm ăn, những hàn sĩ dang dở bước đường công danh, những nghệ nhân tuy chữ nghĩa chẳng bao lăm nhưng lại có tài bẻ vè đặt câu dựng chuyện…, Nguyễn Hữu Hào sử dụng chất liệu dân gian theo cách của một văn nhân, thi nhân có học vấn, uyên bác. Bởi vậy, ngôn ngữ nghệ thuật của Song Tinh Bất Dạ có nét kiêu sa, đài các và cách sử dụng thành ngữ, tục ngữ cũng uyên bác, nhuần nhuyễn, linh hoạt hơn truyện Nôm dân gian rất nhiều. Điều này được thể hiện rõ nhất qua những lời chua chát, ngao ngán của Thể Vân khi nói về thứ hạnh phúc hão mà cô được hưởng đêm tân hôn: vợ chồng không được “đồng tịch đồng sàng” và đức lang quân còn đang tơ tưởng đến bóng hình thời quá khứ:

Vân rằng: “Khát đứng bờ ao,

Đói ăn bánh vẽ, chiêm bao thấy vàng!

Đèn xuyên hang tối không tường,

Dép xuyên khăn sửa, lẽ thường ai suy.

Khi đi qua ruộng dưa mà cúi xuống sửa dép, khi đi dưới cây mận mà đưa tay sửa khăn thì bị người ta nghi. Nỗi hàm oan “dép xuyên khăn sửa” kết hợp với sự bẽ bàng, ngậm ngùi, hụt hẫng của cảnh “khát đứng bờ ao”“đói ăn bánh vẽ”, “chiêm bao thấy vàng” làm cho tình cảnh của nhân vật càng muôn phần cay đắng. Hạnh phúc đây ư hay là một cực hình! Ngày ngày nếm trải thứ hạnh phúc hư hao, mộng ảo, tựa như nuốt dần từng trái đắng. Những câu tục ngữ, thành ngữ – “đói ăn bánh vẽ, dép xuyên khăn sửa – được Nguyễn Hữu Hào sử dụng rất đắt. Chỉ bằng một lời ngắn gọn, súc tích mà sự vật, hiện tượng, tâm trạng đã được gọi đúng tên, làm cho tính cách, ngôn ngữ nhân vật có chiều sâu, đồng thời tạo được mĩ cảm, sự rung cảm, đồng cảm ở người đọc.

Cùng với các thành ngữ, tục ngữ, Song Tinh Bất Dạ còn sử dụng hàng loạt biện pháp tu từ mà ta bắt gặp phổ biến trong ca dao – dân ca. Đây là phép tiểu đối ở câu bát:

Hai bên những mảng nghé coi,

Kẻ trong tường phấn, người ngoài song mây

cách chơi chữ nhờ thuật dùng từ đồng âm:

Thương ai chẳng biết thương phong mặc người

cách dùng từ đồng nghĩa:

Nàng tuy xa cách Thiên Hà,

Thác như dường sống, mất như dường còn

hoặc cách ví von rất gần với ca dao:

– Gái như bèo nổi ao sen

Đến đâu hay đó, miễn yên, nài gì.

– Vân bèn chỉ nẻo thẳng giày,

Thoi oanh hơn phép cuốn mây rút đường.

– Sinh màng trong thuở chiêm bao,

Dường bằng ngư phủ nguồn đào gặp tiên.

Nhất là nghệ thuật điệp từ và ẩn dụ đã làm cho câu thơ của Song Tinh Bất Dạ thêm phần mượt mà, ý vị:

– Thăm hoa thì biết ý xuân,

Muốn coi nước nọ phải gần bến kia.

– Một lòng gắn chặt hải sơn,

Dạ đà ghi dạkhông sờn, không sai.

Một trong những nét đặc sắc tạo nên cái hồn và sự sống động của Song Tinh Bất Dạ là nghệ thuật dùng từ láy. Đây là đoạn tả tâm trạng Giang Bà khi nghe tin con gái bị tiến kinh:

Giang Bà bối rối lòng sơ

Giang Ông thim thíp thở vô phập phò

Giang Bà chua xót trong tâm

Căm hờn thằng Hách, giận thầm Lão Giang

Ngất ngơ đoạn thảm nỗi phiền

Đòi phen dạy dỗ, đòi lần nhủm nha

Sự xuất hiện của một loạt từ láy đã diễn tả hết sức sống động và đặc biệt chính xác tâm trạng đớn đau, chua xót, tức giận, tiếc thương của người mẹ, cùng sự bối rối, nặng nề của người cha. Để có thể sử dụng từ láy – sáng tạo riêng và cũng là bản sắc của tiếng Việt – nhuần nhuyễn và đắc dụng như thế, chắc chắn tác giả phải rất am tường vốn ngôn ngữ dân tộc.

Có thể nói, với Song Tinh Bất Dạ, Nguyễn Hữu Hào đã góp phần nâng ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ dân gian lên thành ngôn ngữ nghệ thuật. Phải đặt vào thời điểm ra đời của tác phẩm trong buổi sơ kì, trước kiệt tác Truyện Kiều hàng thế kỉ, khi truyện Nôm bình dân ngự trị văn đàn với một thứ ngôn ngữ bình dị, mộc mạc, ít điển cố và từ Hán, thì mới thấy hết những đóng góp của tác giả xứ Đàng Trong này với ngôn ngữ dân tộc. Tác phẩm của Nguyễn Hữu Hào là một sự kết hợp khá nhuần nhị ngôn ngữ ước lệ tượng trưng mang phong cách bác học và ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ dân gian của văn chương bình dân. Miêu tả tâm trạng của đôi uyên ương Song Tinh – Nhuỵ Châu sau đêm tân hôn, Nguyễn Hữu Hào viết:

Trướng hoa lại sánh mặt hoa

Bõ khi hải giốc thiên nha những ngày.

Những màng tủi tủi, cười cười…

“Hải giốc thiên nha – góc biển chân trời” là một thành ngữ mang nhiều dư vị của điển cố Trung Hoa, lại được Nguyễn Hữu Hào kết hợp rất nhuần nhị, tự nhiên trong cách nói dân gian: “bõ khi… những ngày”, và sự chân phương của từ láy “tủi tủi”, “cười cười”… đã góp phần khắc hoạ tâm trạng vừa sung sướng, vừa bồi hồi, xao xuyến của đôi uyên ương mà không rơi vào sáo mòn, công thức.

Về sự “ken” dày của ngôn ngữ dân gian trong một tác phẩm truyện Nôm bác học sơ kì ở Đàng Trong, chúng tôi thấy cần thiết phải có đôi lời đàm đạo. Một mặt, chúng ta có thể lí giải rằng, vì là một truyện Nôm do văn nhân sáng tác ở buổi đầu hình thành thể loại, nên ranh giới phân định giữa “bình dân” và “bác học” còn mập mờ, và tại vùng giao thoa ấy thường có sự tương tác mạnh mẽ. Do vậy, bên cạnh thứ ngôn ngữ bác học nhiều điển tích, ước lệ, công thức, ngôn ngữ dân gian vốn định hình từ lâu trong tâm thức vẫn “lấn bờ”. Nói như vậy có nghĩa là, sự cân bằng giữa tỉ lệ ngôn từ văn chương bác học và ngôn ngữ bình dân mộc mạc, là một lẽ đương nhiên, một quy luật, một nhân tố nội tại thuộc về bản chất của văn học.

Tuy nhiên, cũng có thể nhìn nhận vấn đề từ một giác độ khác; rằng sự xuất hiện đậm đặc của ngôn ngữ bình dân không hẳn là do khi mới hình thành thể loại bác học, tác giả chưa kịp vượt thoát ra khỏi vòng “cương toả” của nếp tư duy ngôn ngữ dân gian, nghĩa là không hẳn do tác giả “bị động” tiếp nhận bởi lẽ chưa kịp chuyển tải hết ngôn từ bác học vào văn chương trong buổi đầu sơ giao ngỡ ngàng. Rất có thể, sử dụng ngôn ngữ dân gian như một yếu tố cân bằng với ngôn ngữ bác học, là một lựa chọn hữu lí xuất phát từ nhu cầu sáng tạo nghệ thuật trong bối cảnh đặc biệt. Không riêng gì Song Tinh Bất Dạ mà trong rất nhiều tác phẩm văn học Đàng Trong thế kỉ XVII – XVIII, mảng từ thuần Việt xuất hiện khá nhiều, thậm chí đôi khi còn mang chất thô ráp, xù xì, không đẽo gọt. Phong cách dân dã thấm đẫm trong ngôn ngữ tác phẩm. Cùng với việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc mang đậm màu sắc đại chúng là ý thức Việt hoá ngôn ngữ và điển cố văn chương bác học. Như Đào Duy Từ dùng cách nói “cửa xe” thay cho chữ “viên môn” (Ngoạ Long cương vãn), Mạc Thiên Tích diễn đạt giản dị: “Chung Nam nẻo tắt làm quan” thay cho “Chung Nam tiệp kính” (Hà Tiên quốc âm thập cảnh ngâm khúc), Nguyễn Cư Trinh nói “người lớn” thay cho chữ “đại nhân” (Long đầu hí thuỷ)… Tất cả những điều đó nằm trong hành trình chuyển đổi chức năng của tiếng Việt Đàng Trong vốn dĩ lúc này đang có nhiều biến động song song với sự biến động chính trị – xã hội. Song hành với quá trình thẩm thấu tất yếu các dạng thức sinh hoạt xã hội vào chức năng văn học, ngôn ngữ đời sống từng bước gia nhập vào ngôn ngữ văn học, tiếng Việt dân gian đã tìm được cho mình chức năng mới trong văn học Đàng Trong. Và giả thiết, Nguyễn Hữu Hào chủ tâm cân bằng ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học nhằm tiếp cận thị hiếu thẩm mĩ của nhân dân trên một đường hướng sáng tạo trong ngôn ngữ văn học, giống như nỗ lực của lớp lớp thế hệ tác giả văn học Đàng Trong thời kì này, không phải là không có cơ sở.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Du (1984), Truyện Kiều, Đào Duy Anh khảo chứng, hiệu đính và chú giải, NXB Văn học, Hà Nội.

2.    Nguyễn Hữu Hào (1987), Truyện Song Tinh, Hoàng Xuân Hãn giới thiệu, NXB Văn học, Hà Nội.

3.    Kiều Thu Hoạch (2007), Truyện Nôm – Lịch sử và thi pháp thể loại, NXB Giáo dục, Hà Nội.

4.    Đặng Thanh Lê (1979), “Truyện Kiều” và thể loại truyện Nôm, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

5.    Lê Thị Hồng Minh (2006), Ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Song Tinh, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

6.    Nguyễn Huy Tự – Nguyễn Thiện (1978), Truyện Hoa tiên, Đào Duy Anh khảo đính, chú thích, giới thiệu, NXB Văn học, Hà Nội.

7.    Trần Ngọc Vương Chủ biên (2007), Văn học Việt Nam thế kỉ X – XIX, Những vấn đề lí luận và lịch sử, NXB Giáo dục, Hà Nội.

 

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020