Ngôn ngữ

ẨN DỤ ‎Ý NIỆM LÒNG TRONG THƠ XUÂN DIỆU


14-10-2020
Tác giả: Ths. Nguyễn Thị Thùy

Ẩn dụ không chỉ làm giàu thêm vốn từ cho một ngôn ngữ, làm giàu thêm nghĩa cho một từ mà còn tạo ra những cách nói mới trở nên hàm súc, đồng thời nó cũng làm cho người nói diễn đạt được mọi cung bậc tình cảm, thái độ của mình. Ẩn dụ tri nhận/ ẩn dụ ‎ ý niệm là phương thức giúp con người chiếm lĩnh được thế giới. Tìm hiểu ‎ẩn dụ ý niệm lòng trong thơ Xuân Diệu cũng là cách để tìm hiểu cơ chế tri nhận về cung bậc tình cảm trong thơ.

ẨN DỤ Ý NIỆM LÒNG TRONG THƠ XUÂN DIỆU

ThS. Nguyễn Thị Thuỳ

Viện Ngôn ngữ học

 

1. Ẩn dụ thường được xem là: “phép hay cách thức chuyển đổi tên gọi dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có sự tương đồng hay giống nhau” [9, 1].

Bên cạnh quan điểm truyền thống về ẩn dụ, các nhà ngôn ngữ học tri nhận còn có quan điểm mới về ẩn dụ. Họ chỉ ra rằng: “Ẩn dụ không chỉ là hiện tượng của ngôn ngữ mà là hiện tượng “hiện hữu trong tư duy và hành động thường nhật của chúng ta” [11, 66]. 

 Ẩn dụ tri nhận/ ẩn dụ ý niệm được tạo ra trên quan điểm nhận thức, đó là cơ chế chuyển nghĩa từ miền Nguồn đến miền Đích, trong đó những tri thức ở miền Nguồn ánh xạ lên miền Đích, và những đặc tính của miền Đích được gán cho miền Nguồn.

Ẩn dụ chính là hơi thở và diện mạo của các văn bản thi ca nói chung và Thơ mới nói riêng. Để hiểu được ý nghĩa đầy đủ của một câu, một đoạn, một bài thơ, người đọc phải giải mã (encode) ẩn dụ ý niệm do nhà thơ lập mã (code) dựa trên ẩn dụ ý niệm phổ quát (conventionalized metaphor). Thơ ca mang tính cô đọng, hàm súc, do vậy ẩn dụ tri nhận/ ẩn dụ ý niệm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thơ ca.

Hiện tượng sử dụng các bộ phận cơ thể con người làm nguồn để quy chiếu đến đích là một sự tình trừu tượng trong văn chương (với tư cách là nghĩa biểu trưng) và là một hiện tượng khá thú vị ở người Việt. Bên cạnh việc sử dụng tên gọi các bộ phận bên ngoài cơ thể như: mắt, miệng, chân… người Việt còn lấy những cơ quan nội tạng làm nguồn để quy chiếu (hay nghĩa biểu trưng) là thế giới tâm lí tình cảm của con người. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu ẩn dụ ý ‎niệm Lòng trong thơ của nhà thơ Xuân Diệu để làm sáng tỏ cơ chế tri nhận THẾ GIỚI NỘI TÂM CỦA CON NGƯỜI LÀ LÒNG NGƯỜI trong thơ ông.

2. Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), từ lòng có các nghĩa như sau:

(1). Những bộ phận trong bụng của con vật giết thịt, dùng làm thức ăn (nói tổng quát). Lòng lợn. Cỗ lòng. Xào lòng gà.

(2). (Kết hợp hạn chế). Bụng con người. Ấm cật no lòng. Trẻ mới lọt lòng (vừa mới sinh).

(3). Bụng của con người, coi là biểu tượng của mặt tâm l‎í, tình cảm, ý chí, tinh thần. Đau lòng. Bận lòng. Cùng một lòng. Ăn ở hai lòng. Bền lòng. Lòng tham.

(4). Phần ở giữa hay ở trong một số vật, có khả năng chứa đựng hay che chở. Lòng suối. Đào sâu vào lòng đất. Ôm con vào lòng. Biết rõ như lòng bàn tay của mình (biết rất rõ) [5, 578].

Kết quả khảo sát cho thấy, trong thơ Xuân Diệu, lòng không đơn thuần là một bộ phận cơ thể người, không phải là một thực thể sinh l‎í, mà lòng là một thực thể tâm l‎í – ý thức. Cho nên người Việt nói yếu bụng, đau bụng để chỉ một tình trạng sinh l‎í của cơ thể người, nhưng lại dùng đau lòng để diễn đạt một trạng thái tâm lí, tình cảm. Như vậy, ý niệm Lòng trong sự tri nhận của người Việt là vật chứa, là địa điểm chứa đựng cả mặt tinh thần và ý chí. Hay nói cách khác, thế giới tâm lí, tình cảm, ý chí… của con người nói chung được biểu thị một cách ước lệ tượng trưng toàn bộ bằng cái được chứa đựng trong bụng con người, tức là lòng người. Thơ Xuân Diệu cũng hàm chứa biểu tượng như thế: "THẾ GIỚI NỘI TÂM CỦA CON NGƯỜI LÀ LÒNG NGƯỜI".

3. Trong thơ Xuân Diệu, sự tri nhận về “lòng” rất đa dạng, thể hiện những đặc trưng trong nhận thức của tác giả về cả tư tưởng, lẫn tâm hồn và cảm xúc. Vì vậy, Lòng được dùng làm nguồn để quy chiếu sang đích như một phạm vi tình cảm.

 Khảo sát tư liệu cho thấy, Lòng ý niệm hoá cho những tình cảm cụ thể. Quả thật, xưa nay tình yêu lứa đôi là một lĩnh vực tình cảm rất riêng tư, hết sức tế nhị. Thế mà Xuân Diệu đã vượt ra ngoài khuôn khổ để bộc lộ mãnh liệt không chút e dè, ngượng ngập cái rạo rực đến mức gấp gáp, giục giã, cái e ấp, bâng khuâng… nói chung, đó là tất cả các trạng thái, các cung bậc của tình yêu: “Lòng tôi đó, một vườn hoa cháy nắngXin lòng người mở cửa ngó lòng tôi.” (Tặng thơ)

Xuân Diệu đã đốt lòng ham sống thành ngọn lửa tình yêu với một tấm lòng chân tình rất độc đáo. Rõ ràng lời thơ là tiếng van nài của một con người khao khát được yêu nhưng chưa bao giờ có được một tình yêu trọn vẹn. Với Xuân Diệu sống là để yêu và yêu là để sống, tâm hồn ông luôn rộng mở sẵn, sẵn sàng đón nhận tình yêu.

Lòng còn biểu trưng cho tâm trạng mong chờ tin tức của người yêu. Động từ “cháy” diễn tả cảm giác lo lắng, thương nhớ khôn nguôi, cảm tưởng như thiêu như đốt, như có lửa trong tâm. Nhà thơ yêu say đắm, khát khao, ngất ngây mới có cảm xúc như vậy:

Anh đợi tin em đến cháy lòng

Lo em tai nạn xảy ra không?

Sao em không viết, thư không gửi

Tim cứ quay về mãi hướng trong

(Em đi tuyến lửa)

Trong thơ, Xuân Diệu đã biến khái niệm Lòng vốn rất trừu tượng, rất mơ hồ, khó nắm bắt lại có thể hình dung ra được một cách dễ dàng nhờ cách kết hợp từ rất độc đáo, trong đó Lòng đóng vai trò làm định ngữ: Nhịp lòng, trận lòng; sắc lòng, nhụy lòng, hoa lòng... Vì vậy, hình ảnh Lòng ở đây không nằm trong mối liên tưởng đến hình ảnh con người chung chung mà Lòng ở đây lại được gọi tên cho một cảm xúc rất cụ thể. Chẳng hạn, “Nhịp lòng” diễn tả sự hồi hộp, đợi chờ cảm giác được yêu:

Cho dư âm vang đọng của lời tình

Làm êm ấm bao ngày xuân trống trải

Tôi lắng đợi ! Nhịp lòng tôi đứng lại!...

(Mời yêu)

“Đoá hoa lòng” biểu đạt cho sự tươi đẹp, dạt dào của tình yêu, và niềm hạnh phúc vô bờ:

 Cho anh một đoá hoa tinh tuý

Một đoá hoa lòng chẳng héo khô

(Cứ phải là em)

 “Trận lòng”– Đó là sự tức giận cuồng phong bởi khổ đau vì tình:

Ta trút bâng quơ một trận lòng,

Biết rằng đau khổ giữa hư không

(Nước đổ lá khoai)

“Sắc lòng”– là biểu hiện của những suy tư:

Từ ngàn xưa người ta héo, than ôi!

Vì mang phải những sắc lòng tươi quá…

(Tặng thơ)

Bản tính của Xuân Diệu là sống hết lòng với tình yêu. Nhưng ngược lại tình yêu lại không đem đến cho ông những điều như ý. Vì vậy, có lúc ông cảm tưởng sự đau đớn như lòng mình bị vỡ:

Anh vẫn tưởng chuyện đùa khi tuổi nhỏ

Ai có ngờ lòng vỡ đã từ bao!

(Tình thứ nhất)

Và sự cô đơn, thất vọng lan tràn khắp cơ thể:

Đường rạo rực, thì thầm rối rắm

Ngập lòng tôi mà ai ngó tới đâu!

Tôi điên cuồng tất nhiên phải khổ đau

Tôi biết lắm, trời ơi, tôi biết lắm!

(Dối trá)

Ý niệm lòng trong thơ Xuân Diệu là để biểu đạt cho những gì sâu lắng nhất của tâm tư, tình cảm. Nhà thơ đã bộc lộ được lòng ham sống, khát khao được yêu thương đến cuồng nhiệt, với những cảm xúc dạt dào, rạo rực, với những tâm trạng lo lắng, cô đơn, buồn đau, hạnh phúc, sung sướng, đợi chờ. Nhà thơ không hề rụt rè, sợ sệt khi bày tỏ những cảm xúc ấy của mình. Ông mạnh dạn cất lên tiếng nói sống là phải yêu và chết cũng vẫn còn yêu.

 Trong thơ Xuân Diệu, lòng không chỉ biểu trưng cho tình cảm yêu thương mà còn biểu trưng cho niềm khát vọng, ngợi ca trong cuộc đời mới. Xuân Diệu hướng về cuộc sống cách mạng của dân tộc, tự hào, phấn khởi trước sự thành công của Cách mạng tháng Tám. Ông bộc lộ khát vọng:

Mở lòng ra ôm đón lấy sao vàng”

:

“Đi theo tiếng gọi nước non thiêng”

(Ngọn quốc kì)

Xuân Diệu thể hiện cảm xúc mạnh mẽ trước hiện thực cuộc sống cách mạng với ý thức, trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc. Ý nghĩa thiêng liêng của lá cờ đỏ sao vàng được Xuân Diệu cũng như mọi người dân đón nhận như sưởi ấm lòng người:

Cờ như mắt mở thức thâu canh

Như lửa đốt hoài trên chót đỉnh

Cờ như nắng mãi ấm luôn luôn

Sưởi khắp lòng ai nghe vắng lạnh

Sớm hôm canh giữ lấy hồn thiêng

Bay mãi trên trời, treo sứ mệnh

(Ngọn quốc kì)

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước hiện thực sôi động đó, với sự nhạy cảm, lòng tin yêu cuộc đời mới, Xuân Diệu say sưa ngợi ca cuộc đời mới với những đổi thay mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống của dân tộc và  bày tỏ chân thành niềm vui hạnh phúc. Với Xuân Diệu, cuộc sống giờ đây chính là những trang đời đẹp nhất, “những trang tốt lành”, để rồi ông khao khát:

Muôn trùm hạnh phúc dưới trời xanh

Có lẽ lòng tôi cũng hoá thành Ngói mới

(Ngói mới)

Trong cảnh đất nước chia cắt ông Nhớ quê Nam, với “vườn xoài trưa nắng, gió biển Quy Nhơn, mảnh vườn Sa Đéc, con kênh Tháp Mười”, nhớ “bà má Năm Căn bỏm bẻm nhai trầu”, nhớ “trăng lam Đèo Cả, mây hồng Hải Vân”; nhớ “điệu bổng trầm”…, nhớ sông Thu Bồn, Trà Khúc, sông Hương, và Gửi sông Hiền Lương một tấm lòng với bao nghĩa tình sâu nặng:

Gửi ngàn mến với muôn thương trong ấy

 Gửi lời về xin bớt nhớ, khoan thương

Gửi kiên trinh một tấm lòng vàng

(Gửi Sông Hiền Lương)

Khác với trước Cách mạng tháng Tám, giờ đây tình yêu ít có nỗi buồn mà thấm đượm niềm vui. Tình yêu đã làm trỗi dậy niềm vui, giúp lứa đôi “cởi hết ưu phiền gửi gió mây”, và khi đó giọng nói của em dù chỉ là “giọng nói thường” nhưng “anh vẫn nghe hay tựa tiếng đàn”, lòng vẫn ngập tràn hạnh phúc trong cảnh: “Em cười ríu rít ở sau xeEm nói lòng anh mãi lắng ngheThỉnh thoảng tiếng cười em lại điểmĐời vui khi được có em kề”(Giọng nói).

4. Ẩn dụ không chỉ làm giàu thêm vốn từ cho một ngôn ngữ, làm giàu thêm nghĩa cho một từ mà còn tạo ra những cách nói mới trở nên hàm súc, đồng thời nó cũng làm cho người nói diễn đạt được mọi cung bậc tình cảm, thái độ của mình. Ẩn dụ tri nhận/ ẩn dụ ‎ ý niệm là phương thức giúp con người chiếm lĩnh được thế giới. Tìm hiểu ‎ẩn dụ ý niệm lòng trong thơ Xuân Diệu cũng là cách để tìm hiểu cơ chế tri nhận về cung bậc tình cảm trong thơ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Văn Cơ (2007), Ghi chép và suy nghĩ, NXB KHXH, Hà Nội.

2. Nguyễn Thiện Giáp (1998), Từ vựng học tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội

3. Hoài Thanh, Hoài Chân (1988), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, H.

4. Lữ Huy Nguyên tuyển chọn, (1998), Xuân Diệu thơ và đời, NXB Văn học.

5. Hoàng Phê (Chủ biên) (2006), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, Đà Nẵng.

6. Vũ Quần Phương (1999), Thơ tình Xuân Diệu nồng và trẻ, Tạp chí văn học số 12

7. Lý Toàn Thắng (2005), Ngôn ngữ học tri nhận Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, NXB KHXH, Hà Nội

   8. Nguyễn Đức Tồn (2002), Tìm hiểu đặc trưng văn hoá– dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt, NXB ĐHQGHN.

9. Nguyễn Đức Tồn (2007), Bản chất của ẩn dụ, Tạp chí Ngôn ngữ số 10

10. Nguyễn Đức Tồn (2007), Bản chất của ẩn dụ và việc dạy ẩn dụ trong nhà trường, Tạp chí Ngôn ngữ, số 11

11. Nguyễn Văn Trào (2007), Ẩn dụ thời gian trong sách tiếng Anh hiện đại, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 1 và 2

12. Phan Thị Hồng Xuân (2001), Mấy nhận xét về cách sử dụng ẩn dụ của các nhà thơ mới trong “Thi nhân Việt Nam”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4 và 8.

13. Lakoff G. & Johnson M., (1980), Metaphors we live by, Chicago University Press, Chicago.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020