Ngôn ngữ

LIÊN TƯỞNG, MẪU SỐ CHUNG CỦA CÁC PHƯƠNG THỨC CHUYỂN NGHĨA VÀ VẤN ĐỀ PHÂN TÍCH NGÔN NGỮ VĂN HỌC


14-10-2020
Tác giả: Ths. Đinh Văn Thiện

Sau khi trình bày lại lịch sử phát triển các thực nghiêm liên tưởng ngôn ngữ, chúng tôi chủ yếu nhấn mạnh vào việc vận dụng thí nghiệm liên tưởng ngôn ngữ như một trong những phương pháp đặc biệt hiệu quả trong việc giảng dạy tiếng Viêt ở bậc học này, điều mà các nhà phương pháp lâu nay dường như chưa mấy ai quan tâm, mặc dù những người viết sách vẫn sử dụng nó trong một số loại bài tập, kiểu điền từ dưới nhiều dạng thức khác nhau, chỉ như một thói quen.

LIÊN TƯỞNG, MẪU SỐ CHUNG CỦA CÁC PHƯƠNG THỨC CHUYỂN NGHĨA VÀ VẤN ĐỀ PHÂN TÍCH NGÔN NGỮ VĂN HỌC

              ThS. Đinh Văn Thiện

Đại học Sư phạm Hà Nội

                              

1. Đặt vấn đề

 Trong Những vấn đề ngữ dụng học, kỉ yếu Hội thảo khoa học “Ngữ dụng học” lần thứ nhất, Hà Nội, tháng 4 năm 1999, chúng tôi đã có bài viêt Thí nghiệm liên tưởng và vấn đề nghiên cứu ý nghĩa của từ nhằm chỉ ra rằng “bên cạnh phương pháp phân tích thành tố, phương pháp miêu tả và một số phương pháp có tính chất cổ điển khác, để nghiên cứu ý nghĩa của từ, người ta đã tiến hành các thí nghiệm liên tưởng từ ngữ từ nửa thế kỉ XIX.Trong bài viết chúng tôi đã khái quát: khuynh hướng nghiên cứu này được phát triển một cách mạnh mẽ qua suốt nửa cuối thế kỉ XX và đã đạt được những thành tựu khả quan, nếu không nói là to lớn. Chúng tôi cũng đã trình bày một cách khá cặn quá trình hình thành và phát triển phương pháp thí nghiệm liên tưởng, từ thí nghiệm của Gal-ton (1897), Tumb và Mapbe (1901), rồi Kent và Rosanoff (1954), của Leonchep (1977)… ở Việt Nam là công trình của Đỗ Hữu Châu (1977). Chúng tôi cũng đã trình bày ý nghĩa quan trọng cuả phương pháp nghiên cứu nghĩa của từ cùng một số thủ pháp giảng dạy ngôn ngữ bằng thí nghiệm liên tưởng. Tiếp đó trong Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống số tháng 4/2012, chúng tôi có bài Liên tưởng từ ngữ và vấn đề ứng dụng vào giảng dạy tiếng Việt ở bậc Tiểu học. Sau khi trình bày lại lịch sử phát triển các thực nghiêm liên tưởng ngôn ngữ, chúng tôi chủ yếu nhấn mạnh vào việc vận dụng thí nghiệm liên tưởng ngôn ngữ như một trong những phương pháp đặc biệt hiệu quả trong việc giảng dạy tiếng Viêt ở bậc học này, điều mà các nhà phương pháp lâu nay dường như chưa mấy ai quan tâm, mặc dù những người viết sách vẫn sử dụng nó trong một số loại bài tập, kiểu điền từ dưới nhiều dạng thức khác nhau, chỉ như một thói quen.

Trở lại vấn đề liên tưởng ngôn ngữ lần này chúng tôi muốn đi sâu thêm một bước vào sự chi phối của hoạt động liên tưởng đối với quá trình sản sinh và tiếp nhận ngôn ngữ nới chung như một phương tiện tư duy và giao tiếp quan trọng bậc nhất của con người, nhất là với các phương thúc chuyên nghĩa.

2. Liên tưởng và liên tưởng ngôn ngữ

2.1. Liên tưởng nhìn từ cấu trúc vật chất sinh học của vỏ não và hệ thần kinh của con người

Theo các nhà sinh học, thần kinh học, nhân học… trên vỏ não, dựa vào chức năng, người ta có thể chia thành 3 vùng: cảm giác, vận động và liên tưởng. Vùng liên tưởng nằm trên vỏ của bán cầu đại não được đặc trưng bởi địa phận rộng lớn không có những mối liên hệ hướng tâm và li tâm trực tiêp với vùng ngoại biên. Những miền, thông qua hệ thống lớn của những sợi liên tưởng liên kết với những miền cảm giác và vận động, có tên là liên tưởng. Chúng được phân thành miền thứ hai và thứ ba của vỏ não. Ở những phần sau của vỏ não, những miền liên tưởng được phân bố giữa những thùy đỉnh, thùy chẩm, thùy thái dương. Ở những phần trước chúng chiếm bề mặt chính của miền trán. Ở miền sau chúng chiếm một phần nửa của vỏ não, còn miền trán chiếm 25% bề mặt vỏ não… Trong miền liên tưởng của vỏ não phân bố những trung tâm liên quan tới hoạt động ngôn ngữ (gọi là trung khu Broca và trung khu Vernike, mang tên các nhà bác học phát hiện ra các trung khu này). Những trung khu này nếu bị tổn thương sẽ dẫn đến chứng mất ngôn hoàn toàn hay một phần, tùy theo mức độ tổn thương. Những miền liên tưởng của vỏ não được xem xét như là những cấu trúc có chức năng tổng hợp những thông tin tác động vào và như một bộ máy cần thiết chuyển từ những nhận thức cảm tính sang những quá trình mang tính biểu tượng khái quát, chứ không liên hệ với hệ thống các sợi thần kinh hướng tâm hay li tâm để liên hệ với ngoại biên.

Như vậy, ở con người, cấu trúc vật chất sinh học, chứ chưa nói tới sự phát triển tâm lí, cũng đã có sẵn cả một nền tảng cho quá trình hình thành hoạt động liên tưởng, cái mà ở các loài động vật phát triển cho đến loài linh trưởng có thể không có hoặc có nhưng kém phát triển.

2.2. Liên tưởng nhìn từ góc độ Tâm lí học

Liên tưởng, thực ra, còn là thuật ngữ của ngành Tâm lí học. Các nhà tâm lí học cho rằng liên tưởng là mối liên hệ có tính quy luật xuất hiện trong kinh nghiệm cá thể giữa hai nội dung ý thức (giữa các cảm giác, biểu tượng, ý nghĩ, tình cảm…). Liên hệ này thể hiện ở chỗ sự xuất hiện trong ý thức của một trong hai nội dung sẽ kéo theo sự xuất hiện của nội dung kia, kiểu như “Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn” (thơ Tố Hữu). Hiện tượng liên tưởng được mô tả từ thời Platon và Aristotle, tuy nhiên thuật ngữ “liên tưởng” chỉ xuất hiện vào thời kì sau này, vào thế kỉ XVII, do J. Locke đề xuất.

  Trong Tâm lí học liên tưởng, các tác giả chia các loại liên tưởng theo con đường hình thành:  một số tác giả (D. Hium, J.S. Mill) chia theo sự giống nhau (xanh da trời – xanh thắm), đối lập (đen – trắng), theo sự gần gũi  trong không gian và thời gian (sự sợ hãi ngẫu nhiên của đúa trẻ trong căn phòng tối sau đó kéo theo sự sợ hãi bóng tối), theo quan hệ nhân quả (D. Hium) – loé sáng và các cảm giác đau ; các tác giả khác (Đ. Hartley, J. Mill) quy tất cả các liên tưởng về liên tưởng theo sự gần gũi trong không gian và thời gian vì họ phủ nhận tính tích cực của chủ thể trong quá trình hình thành liên tưởng. Ngoài các quy luật hình thành liên tưởng sơ cấp đã nói, A.T. Braun phát hiện các quy luật “thứ cấp”, tức là các yếu tố tạo thuận lợi cho việc xuất hiện một liên tưởng cụ thể nào đó từ vô số các khả năng tại thời điểm đó : cường độ các ấn tượng liên kết trong liên tưởng, độ mới lạ của chúng, các khả năng và/hay đặc điểm bệnh lí của cá thể… Sau này A. Ben đưa ra “các liên tưởng sáng tạo” mà sự hình thành của chúng được lí giải bằng “tính tích cực tự phát của trí óc” chứ không phải bằng sự kết hợp các biểu tượng của kinh nghiệm, điều đi ngược với các nguyên tắc của Tâm lí học liên tưởng.

 Tồn tại hai quan điểm đối lập nhau về cơ chế liên tưởng: một số tác giả cho liên tưởng chỉ là “bóng” của các quá trình của não, các quá trình này đan xen với nhau theo những quy luật sinh lí nhất định (T. Hobbs, D. Hartley, J.S. Mill, A. Ben), số khác cho rằng sự xuất hiện các liên tưởng là phụ thuộc vào các quy luật của chính ý thức (J. Mill). Một số nhà liên tưởng học khác (T. Braun) thì giữ lập trường trung dung. Sau này các cơ chế sinh lí của liên tưởng được trường phái I.P. Pasvlov nghiên cứu. Pavlov với nhiều thực nghiệm tâm lí học đã lí giải những liên tưởng gần gũi về không gian và thời gian bằng sự hình thành các phản xạ có điều kiện, cả những phản xạ không điều kiện, những liên tưởng giống nhau – bằng sự tổng hợp của chúng. Ông cũng dùng khái niệm “củng cố” để lí giải sự hình thành có lựa chọn các liên tưởng.

Quan điểm của các nhà tâm lí học về vai trò của liên tưởng trong đời sống tâm lí cũng khác nhau : một số cho rằng liên tưởng là kiểu duy nhất của các liên hệ tâm lí, số khác đưa ra thêm các kiểu liên hệ khác nữa (“các liên hệ có lí trí” của J. Locke, “liên hệ tổng giác” của W. Wundt,…).

2.3.  Liên tưởng ngôn ngữ và sự sáng tạo ngôn ngữ trong văn học

 Khái niệm liên tưởng khởi đầu và gắn liền với việc nghiên cứu các hoạt động tâm lí, các thực nghiệm tâm lí học, như đã trình bày. Tuy nhiên, ngôn ngữ, nhất là đối với loại đơn vị từ, loại đơn vị trung tâm và cơ bản nhất của ngôn ngữ, đã được các nhà tâm lí sử dụng như một nguyên liệu quan trọng cho các thực nghiệm tâm lí với những phát hiện hết sức lí thú về tiềm năng gợi mở liên tưởng dường như vô hạn của thứ nguyên liệu này.Trào lưu nghiên cứu theo hướng này cũng đã làm xuất hiện hàng loạt các nhà nghiên cứu liên ngành như tâm lí học –  nghệ thuật, tâm lí học – ngôn ngữ nổi tiếng (L.X. Vưgotxki, Ch.E. Osgood, T.E. Sebeok…), đem lại cho ngôn ngữ học rất nhiều thành tựu, góp phần hình thành một số chuyên ngành ngôn ngữ mới như Ngôn ngữ học tâm lí, Ngữ dụng học, khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận... hay thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển ngành ngữ nghĩa học, chẳng hạn.

Nhưng vì sao ngôn ngữ lại có thể trở thành một thứ nguyên liệu đầy tiềm năng như vậy cho các thực nghiệm liên tưởng, trong khi tuy có hình thức âm thanh (hay mã hoá bằng chữ viết) nhưng, nói cho cùng, ngôn ngữ là thực thể tinh thần, tồn tại trong thế giới tinh thần, chứ không phải một loại thực thể vật chất để tạo thành những “điều kiện” làm nên các “phản xạ” như trong các thực nhiệm của Pavlop?

 Nói đến ngôn ngữ trong chức năng làm công cụ tư duy trừu tượng và cộng cụ giao tiếp là nói tới đơn vị Từ của hệ thống ngôn ngữ. Chính là Từ và trước hết là Từ đã tạo nên những xung động liên tưởng trong vỏ não, vùng liên tưởng, trung khu ngôn ngữ Broca và Vernike, làm thức dậy các cảm giác, biểu tượng, ý nghĩ, cảm xúc… tiềm ẩn trong kinh nghiệm cá thể của người nói (người viết), người nghe (người đọc).

Vì sao vậy? Đơn giản chỉ là bởi từ hầu như trước hết và chủ yếu mang chức năng định danh, chức năng gọi tên mọi sự vật, trạng thái, đặc điểm thế giới khách quan. Trong Bút kí triết học của Lênin có đoạn: “Tri giác cảm tính đem lại cho ta sự vật, nhưng lí trí thì đem lại cho ta tên gọi. Không có cái gì tồn tại trong lí trí mà lại không tồn tại trong tri giác cảm tính; nhưng cái tồn tại một cách thực tế trong tri giác thì chỉ tồn tại bằng tên gọi trong lí trí. Lí trí là vật tồn tại tối cao, là kẻ thống trị thế gới; nhưng chỉ trên danh nghĩa, chứ không phải trên thực tế. Nhưng tên gọi là cái gì? Một phù hiệu dùng để phân biệt, một dấu hiệu đập vào mắt mà tôi đem làm thành đặc trưng của đối tượng, làm thành cái tiêu biểu cho đối tượng để hình dung đối tượng trong chỉnh thể của nó”. Cho nên từ không phải là sự vật, không đồng nhất với sự vật được nói tới trong từ, thậm chí, về mặt nhận thức có khi chỉ là “một dấu hiệu được đem làm thành đặc trưng của đối tượng, làm thành cái tiêu biểu cho đối tượng”, nhưng tên gọi  (từ) vẫn giúp ta hình dung đối tượng trong tính chỉnh thể (tất nhiên ở các mức độ khác nhau phụ thuộc vào “kinh nghiệm cá thể”) của nó. Người nói (người viết, nhất là nhà văn) lựa chọn được một tên gọi (từ), người nghe (người đọc) giải mã được một từ nào đó (nhất là trong tác phẩm văn học) đều phải trải qua quá trình liên tưởng không hề đơn giản, nhưng lại rất nhanh và quen thuộc tới mức cơ hồ không hề diễn ra quá trình này trong ý thức của con người.

Cùng với các hoạt động sản sinh, sử dụng, cũng như tiếp nhận ngôn ngữ gắn với quá trình liên tưởng như một lẽ tự nhiên là các thao tác ngôn ngữ khác, cũng không tách rời quá trình này. Ví dụ, lấp đầy một mô hình câu, dù trên trục tuyến tính hay trục đông vị thì cũng phải qua khá nhiều liên tưởng (để lựa chọn) mới có được một thông báo cho phù hợp (Tôi/ ta/ tớ/ mình/… + ăn/ xơi/ chén/ dùng/… + …). Câu chuyện chọn chữ “thôi”, “xao” của nhà thơ Giả Đảo (793 – 865) bên Trung Quốc, đời Đường là minh hoạ sinh động suốt nhiều thế kỉ cho những liên tưởng ngôn ngữ của quá trình sáng tạo ngôn từ.

 Đến lượt mình, người đọc, người nghiên cứu, giảng dạy văn chương có thể chia sẻ với người sáng tạo để hiểu tác phẩm, tác giả một cách đầy đủ sâu sắc hơn. Đặc biệt, chúng tôi muốn đề cập nhiều hơn một chút, như một sự gợi mở bước đầu, đến mối quan hệ giữa liên tưởng với các phương thức chuyển nghĩa, chuyển nghĩa từ vựng cũng như chuyển nghĩa tu từ. Ở đây có thể thấy, liên tưởng luôn là cơ sở để tiến hành các phương thức chuyển nghĩa như ở phần trên chúng tôi đã trình bày.        

Phương thức chuyển nghĩa của từ trước hết xuất phát từ quan niệm mang tính phổ quát: “Tiết kiệm” chính là một trong những nguyên tắc hết sức quan trọng của quá trình phát triển của ngôn ngữ. Đơn giản chỉ là vì muốn thực hiện được chức năng định danh làm tiền đề cho chức năng làm công cụ tư duy trừu tượng thì ngôn ngữ phải hạn chế đến mức tối thiểu số lượng tên gọi. Nếu mỗi sự vật, hiện tượng… đều có một tên gọi thì số lượng tên gọi ấy sẽ trở nên khổng lồ như thế nào, bộ nhớ của con người liệu có thể chứa nổi không? Chắc chắn là không thể! Cho nên, trên cơ sở một số lượng tối thiểu ban đầu các đơn vị định danh, khi nhận thức được những sự vật, hiện tượng… mới, con người đương nhiên phải sáng tạo nên các tên gọi mới bằng cách thức nào đó, dễ nhớ nhất (về điều này chúng tôi đã đề cập một cách khá chi tiết trong bài Ẩn dụ và con đường khám phá vẻ đẹp của ngôn từ (tạp chí Văn học & Tuổi trẻ, số ra tháng 4 năm 1996). Ví như từ tên gọi các bộ phận cơ thể con người, nhiều khả năng đó là những sự vật được quá trình nhận thức cố định đầu tiên, bằng ngôn ngữ, với các tên gọi như đầu, mắt, mũi, chân, tay, miệng, lưỡi… chuyển thành tên gọi của các bộ phận cơ thể các con vật được con người thuần hoá, gần gũi với con người như trâu, gà, ngựa, các sự vật dễ quan sát như mặt trời, mặt trăng, với các “vùng” không gian như chân trời, mặt đất, lưng núi… Xa hơn, nữa với nghĩa gốc như đứng đầu, cầm đầu, khoảng hói trước khung thành (trong bóng đá, có nghĩa là khoảng trống trước khung thành vì không có cầu thủ bảo vệ)… vì qua liên tưởng của vỏ não con người giữa chúng có những mối liên hệ nào đó, giống nhau hay tương đồng nhau chẳng hạn. Hiện tượng mang tính phổ quát của ngôn ngữ học này là kết quả của quá trình dùng tên gọi sự vật này để gọi tên sự vật khác. Tùy theo mối quan hệ giữa các sự vật này do người nói nhận thức như thế nào mà ngôn ngữ học chia thành các phương thức ẩn dụ và hoán dụ... Ngoài ra để tạo nên hàng loạt những cái được biểu đạt mới từ một cái biểu đạt vốn có, trong ngôn ngữ nghệ thuật, người ta còn sử dụng các phương thức nhân hoá, tượng trưng, xây dựng các biểu tượng… Tất cả đều gắn với quá trình liên tưởng về/giữa các sự vật, được nói tới trong ngôn ngữ, với nhau. Không có quá trình liên tưởng này không thể có sự chuyển đổi tên gọi giữa các sự vật như vậy. Mượn một thuật ngữ toán học để nói: Liên tưởng là mẫu số chung của các phương thức chuyển nghĩa từ vựng cũng như chuyển nghĩa tu từ. Ngay với sự tri nhận ngôn ngữ, nói chung, muốn thấu đáo, muốn đi tới cùng bản chất của sự tri nhận cũng không thể tách khỏi các quá trình tâm lí với các thao tác liên tưởng ngôn ngữ.  Rộng ra, đến các biểu tượng văn hoá cũng có chung một mẫu số liên tưởng như vậy. 

Trong bài Ẩn dụ và con đường khám phá vẻ đẹp của ngôn từ (như đã dẫn) chúng tôi đã nhấn mạnh cơ chế của ẩn dụ là liên tưởng, liên tưởng để tìm (bằng nhận thức và kinh nghiệm của người nói) những nét tương đồng giữa các sự vật, từ đó có thể chuyển đổi tên gọi cho nhau. Mà, sự tương đồng được phát hiện này không phải bao giờ cũng khách quan. Ngược lại, phần lớn mang tính chủ quan của người dùng, trong ngôn ngữ thường dùng cũng như trong ngôn ngữ nghệ thuật. Trong tác phẩm văn chương thì đó không chỉ là việc tạo nên vẻ đẹp của ngôn từ mà còn thể hiện đậm nét đặc trưng tư duy nghệ thuật, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ..

Còn có được những ý nghĩa định danh mới, theo phương thức hoán dụ, thao tác chuyển đổi tên gọi không thể không xuât phát từ những kêt quả của quá trình liên tưởng, liên tưởng về mối quan hệ giữa các sự vật với nhau, giữa các các bộ phận của một sự vật, như “Áo chàm” trong “Áo chàm đưa buổi phân li” (thơ Tố Hữu), liên tưởng giữa một động tác với một quá trình hoạt động bao hàm động tác ấy, như “đóng” trong “đóng bàn”, “muối” trong “muối dưa”. Không ít các trường hợp một nghĩa chuyển, để tạo nên một tên gọi cho một sự vật mới, là kết quả của một quá trình trải qua nhiều bước, nhiều tầng liên tưởng phức tạp. Tóm lại, không có liên tưởng không thể có cái gọi là nghĩa hoán dụ. Nghĩa hoán dụ, vì thế, luôn là kết quả của những liên tưởng chủ yếu mang tính khách quan. Cái sang tạo của người nghệ sĩ ngôn từ Giữa sự vật được nói tới với sự vật nói tới (dẫn ra) luôn gắn bó với nhau trong thực tế.

Trong khi đó, hoạt động liên tưởng cũng chính là cơ sở quan trọng bậc nhất tạo nên lối nói nhân hoá trong các phép tu từ về từ, hoặc của các hình ảnh biểu trưng, các biểu tượng văn hoá mà có dịp chúng tôi sẽ trình bày một cách cụ thể hơn. Hết thảy đều gắn với quá trình liên tưởng trước hết diễn ra trong các vùng liên tưởng của vỏ não con người, thứ nữa là kinh nghiệm tổng thể của cá nhân, ở người nói (viết, sáng tạo nghệ thuật), người nghe (đọc, nghiên cứu, giảng dạy ngữ văn).

3. Từ liên tưởng đến việc khám phá sáng tạo ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương

Nhà thơ Đỗ Phủ (712 – 770), đời Đường, từng viết:

Độc thư phá vạn quyển

Hạ bút như hữu thần

là để nói, muốn cho ngòi bút có thần, mỗi chữ viết ra phải khiến “thần sầu, quỷ khốc” thì người viết đã phải độc “nát” vạn quyển sách. Chữ “phá” chỉ sự khám phá đến tận cùng cái nghĩa lí của văn chương, đằng sau mỗi hình tượng, hình ảnh, nhưng trước hết là khám phá càng sâu càng tốt lớp ngôn từ. “Phá vạn quyển” cũng là phá vỡ thành trì ngôn từ của tác phẩm. Một nhà thơ Nga đầu thế kỉ XX lại nói đại ý phải từ một tấn quặng từ mới luyện ra được một từ, phải chăng cũng với ý nghĩa nhấn mạnh vào sự khổ luyện của nhà văn trong sáng tạo ngôn từ khi làm nên một tác phẩm văn chương. Với người nghệ sĩ ngôn từ thì “day dứt ngôn từ là cái day dứt lớn nhất”. Trở lại với câu chuyện chọn chữ của Giả Đảo, chúng ta sễ thông cảm với nỗi vất vả của những người “phu chữ” (chữ dùng của Trần Đăng Khoa) trên cánh đông chữ nghĩa của họ.   

Để chọn chữ “thôi” hay “xao” cho câu thơ :

Điểu túc trì biên thụ

Tăng thôi (xao?) nguyệt hạ môn

(Chim ngủ trên cây bên ao

Nhà sư đẩy (gõ) cánh cửa dưới trăng)

Giả Đảo không chỉ liên tưởng trong đầu mình mà còn tự thị phạm bằng động tác đẩy cửa (“thôi”), gõ cửa (“xao”) khi đang cưỡi trên lưng lừa khiến ông đâm cả vào đám quân đang hộ tống một viên quan. Ông bị quân lính bắt dẫn giải tới trước viên quan. May thay viên quan ấy lại chính là nhà thơ nổi tiếng Hàn Dũ. Giả Đảo trình bày lí do phạm lỗi của mình bèn được Hàn Dũ gợi ý nên chọn chữ “xao” vì chữ “xao” vừa gợi hình ảnh, có động tác lại vừa có âm thanh làm nổi bật cái yên tĩnh của đêm trăng rất đẹp.

Trong khi đó, Hồ Chí Minh lại chọn chữ “thôi” cho câu thơ ở bài Báo tiệp:

Nguyệt thôi song vấn: thi thành vị?

Quân vụ nhưng mang, vị tố thi!

(Trăng đẩy cửa hỏi: thơ đã xong chưa?

                                                  Việc quân đang bận, thơ chưa làm)

là sự lựa chọn tài tinh, “thôi” vừa nhân hoá ánh trăng coi trăng là người bạn tâm giao của nhà thơ lại vừa phù hợp với cảnh ánh trăng khuya lọt vào phòng “thơ” nhẹ nhàng như không muốn kinh động tâm trí của người bạn thơ đang đắm chìm vào nỗi lo Đất nước. Đảm bảo sự yên tĩnh tuyệt đối ấy về mặt cấu trúc hình tượng còn là để ở câu thơ tiếp theo cáí âm thanh đậm màu sắc cổ điển từ lầu trong núi ngân lên làm tỉnh giấc mộng thu, hoàn chỉnh một tứ thơ viết về kháng chiên mà cổ điển đến lạ thường :

 

                                                 Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng

Cũng hiện đại đến lạ thường:

                                                Chính thị Liên khu báo tiệp thì.

Tôi xin mạo muội lẩy một câu Kiều, bắt chước người xưa để nói rằng, trong thơ ca Việt Nam hiện đại, trong các Ngày Thơ Việt Nam với Báo tiệp: “Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”.

                                                                                    Hà Nội cuối thu Quý Tỵ – 08/10/2013 

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020