Ngôn ngữ

GIAO THOA NGÔN NGỮ Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG QUA VÀI ĐỊA DANH VIỆT GỐC KHMER, GỐC PHÁP VÀ GỐC MÃ LAI Ở TIỀN GIANG


14-10-2020
Tác giả: TS. Nguyễn Phúc Nghiệp -ThS. Nguyễn Thị Thảo

Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc giao thoa ngôn ngữ giữa tiếng Việt, tiếng Khmer và tiếng Pháp, trong đó có địa danh, là một điều đương nhiên. Chính điều đó đã tạo nên sự phong phú, đa dạng, riêng biệt của ngôn ngữ ở vùng sông nước Cửu Long. Bài viết nêu một vài địa danh Việt gốc Khmer, gốc Pháp và gốc Mã Lai ở Tiền Giang để làm rõ hiện tượng trên.

GIAO THOA NGÔN NGỮ Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG QUA VÀI ĐỊA DANH VIỆT

GỐC KHMER, GỐC PHÁP VÀ GỐC MÃ LAI Ở TIỀN GIANG

TS. Nguyễn Phúc Nghiệp

ThS. Nguyễn Thị Thảo

Đại học Tiền Giang

Tiền Giang nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung trước khi người Việt đến khai phá, về cơ bản, vẫn còn hoang vu. Lê Quý Đôn ghi chép trong Phủ Biên tạp lục như sau: “Phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Xoài Rạp, Tiểu, Đại (nay thuộc TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre), toàn là những đám rừng hoang vu cỏ rậm, mỗi đám rừng có thể rộng hơn nghìn dặm”.

Trong bối cảnh đó, ở xứ Đàng Trong, do chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài từ  năm 1627 – 1672; sự bóc lột thái quá của bọn quan lại và địa chủ phong kiến; thiên tai, mất mùa, đói kém, dịch bệnh xảy ra liên tục, v.v… nên  đi dần vào phương Nam nhằm tìm kiếm cho mình một cuộc sống dễ chịu và khấm khá hơn.

Cũng vào thời gian đó, ở nước Chân Lạp láng giềng, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng bất ổn. Nội chiến giữa các phe phái trong triều xảy liên tục, nên đất nước này nhanh chóng bị suy yếu, đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ. Chính vì thế, người Khmer lần hồi thiên di về phía Đồng bằng sông Cửu Long, mà người Việt đã và đang cư trú ở tại đó với dân số ngày một gia tăng. Đồng thời, một số tộc người khác cũng đến đây sinh sống.

Cho đến giữa thế kỉ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Năm 1862, quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kì (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường); rồi tiếp theo, năm 1867, là ba tỉnh miền Tây Nam Kì (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Hoà ước năm Giáp Tuất 1874 công nhận chủ quyền của Pháp trên toàn thể lãnh thổ Nam Kì. Nam Kì trở thành thuộc địa (colonie) của Pháp. Để củng cố ách thống trị, thực dân Pháp bắt buộc nhân dân ta phải sử dụng tiếng Pháp và chữ Pháp như là ngôn ngữ chính thức.

Do đó, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc giao thoa ngôn ngữ giữa tiếng Việt, tiếng Khmer và tiếng Pháp, trong đó có địa danh, là một điều đương nhiên. Chính điều đó đã tạo nên sự phong phú, đa dạng, riêng biệt của ngôn ngữ ở vùng sông nước Cửu Long. Ở đây, chúng tôi xin được nêu một vài địa danh Việt gốc Khmer, gốc Pháp  và gốc Mã Lai ở Tiền Giang để làm rõ hiện tượng trên.

1. Địa danh Việt gốc Khmer

– Ba Rài

Ba Rài là địa danh Việt gốc Khmer: Baray. Theo Địa chí Tiền Giang, Ba Rài có nghĩa là “hồ chứa nước ngọt” (1).

Ba Rài là tên của một con rạch – rạch Ba Rài – chạy theo hướng Bắc – Nam, từ sông Cũ – Kinh 12 (Bắc) đến sông Tiền (Nam). Rạch nằm hoàn toàn trong huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang với chiều dài 22,2km, cắt ngang qua Quốc lộ 1 tại cầu Cai Lậy. Phần rạch phía Nam Quốc lộ 1 có nhiều đoạn uốn khúc, ngay trước khi đổ ra sông Tiền có một khúc ngoặc hình Ω. Nơi rộng nhất 130m tại chỗ giáp sông Tiền, bề rộng trung bình 40m, càng về phía Bắc rạch hẹp dần, chỗ hẹp nhất 20m tại vị trí giáp rạch Bà Bèo (còn gọi là sông Cũ hay rạch Bàu Bèo). Độ sâu trung bình 7 – 8m so với mặt đất tự nhiên.

Rạch Ba Rài, đoạn chạy ngang qua xã Cẩm Sơn, đã diễn ra trận đánh lớn của quân dân ta với thủy quân Mỹ vào ngày 15/9/1967; trong đó, thiệt hại phần lớn thuộc về quân địch. Với chiến thắng Ba Rài, quân dân ta đã đánh bại chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ lần đầu tiên được triển khai ở vùng sông nước Cửu Long.

– Mỹ Tho

Tên Mỹ Tho viết bằng chữ Quốc ngữ xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1747: “MI THO” trong quyển Lịch sử truyền giáo xứ Nam Kì của Launay.

Địa danh Mỹ Tho là do tiếng Khmer “Mêso” nói trại mà ra, với nghĩa là “Cô gái trắng trẻo”.  có thể biến thành Mi được, bởi vì trong tiếng Việt, từ ê và i có thể  chuyển hoá với nhau (bênh vực – binh vực). So có thể biến thành Tho được, bởi vì từ s và th có thể chuyển hoá với nhau (sụp lạy – thụp lạy, sụt lùi – thụt lùi)

Một khi nói đến Mỹ Tho là phải nói đến Mỹ Tho Đại Phố (chợ phố lớn Mỹ Tho) được thành lập năm 1679, toạ lạc tại thôn Mỹ Chánh. Đây là ngôi chợ có hoạt động thương mãi rất nhộn nhịp. Trong quyển Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức viết: “Chợ phố lớn Mỹ Tho có nhà ngói cột chạm, đình cao, chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển đến đậu đông đúc, làm thành chốn đại đô hội, rất phồn hoa, huyên náo” (2).

Trên cơ sở đó, năm 1781, chúa Nguyễn cho dời lị sở của dinh Trấn Định từ thôn Tân Hiệp (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) về thôn Mỹ Chánh – chợ Mỹ Tho. Từ đây, Mỹ Tho không chỉ là trung tâm kinh tế – thương mãi, mà còn là trung tâm chính trị của địa phương.

Thời Pháp, Mỹ Tho được đổi thành tên tỉnh. Thời chính quyền Sài Gòn (1954 – 1975), Mỹ Tho là tỉnh lị của tỉnh Định Tường. Năm 1976, Mỹ Tho được công nhận là thành phố cấp 3, tỉnh lị của tỉnh Tiền Giang. Ngày 7/10/2005, thành phố Mỹ Tho được nâng lên thành đô thị loại 2, đang phấn đấu trở thành đô thị loại 1 vào năm 2015.

– Tha La

+ Tha La là địa danh được sử dụng nhiều nhất ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, như:

Xứ Tha La: ở xã Long Hưng.

Rạch Tha La : ở xã Thân Cửu Nghĩa, là một nhánh của kinh Bảo Định.

Cầu Tha La: bắc ngang rạch Tha La, ở xã Thân Cửu Nghĩa.

Chợ Tha La: ở xã Đông Hoà.

Ao Tha La: ở ấp Tân Phong, xã Tân Lý Tây.

Xóm Tha La: thuộc ấp Đông B, xã Nhị Bình

+ Tha La là địa danh Việt gốc Khmer: Sala, có nghĩa là nhà mát hay trạm, trại, là một nơi dừng lại để nghỉ ngơi. Trong tiếng Việt, từ s và th có thể chuyển hoá với nhau được; ví dụ: sụp lạy – thụp lạy, sụt lùi – thụt lùi, màu sẩm – màu thẩm, v.v… Do đó, Sala được biến thể thành Thala

– Trà Lọt

Theo Lê Hương trong quyển Người Việt gốc Miên, Trà Lọt là địa danh Việt gốc Khmer: Tà Lok, Tà: là người đàn ông lớn tuổi, được kính trọng; Lok: tên người (3).

Trà Lọt là tên của một con rạch dài 5 km, hoàn toàn nằm trên địa bàn huyện Cái Bè, chạy theo hướng bắc – nam, từ ngã tư Thông Lưu (bắc) đổ ra sông Tiền tại vàm cùng tên – vàm Trà Lọt – thuộc xã Hoà Khánh (nam).

Đoạn sông Tiền tại vàm Trà Lọt rất rộng, nước xoáy nguy hiểm. Do đó, tại đây, vào thời nhà Nguyễn, người ta có lập một ngôi miếu thờ thuỷ thần, nhằm cầu xin thần linh  phù hộ cho những người đi trên sông. Miếu được gọi là miếu Hà Dương Thuỳ Thần (còn gọi là miếu Cậu).

– Sóc Gòn

Sóc Gòn là địa danh ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

+ Sóc: là tiếng Việt gốc Khmer. Theo Lê Trung Hoa trong quyển Địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh, Sóc có từ gốc Srôk, có nghĩa hẹp là “xứ”, nghĩa rộng là “làng” hay “xã”. Theo Nghệ sĩ Ưu tú – Nhạc sĩ Sơn Lương trong Kỉ yếu hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy Lễ hội Ooc Om Boc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng”, Sóc là đơn vị cư trú của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long có quy mô lớn hơn Phum, mà Phum tương đương với “xóm” của người Việt. Phum và Sóc dùng để chỉ địa danh nơi cư trú của bà con cộng đồng người Khmer, chứ không hề có ý nghĩa là đơn vị hành chính như ở nước bạn Campuchia (4).

Cũng theo Lê Trung Hoa trong sách đã dẫn, trong tiếng Việt, hiện tượng tổ hợp phụ âm đầu có âm lỏng “r” bị rụng âm “r” là điều rất phổ biến, như crème thành kem, frein thành phanh (thắng xe), fromage thành phó mát hay phô mai, (tấm) drap thành tấm ra; như vậy, Sr hoàn toàn có khả năng chuyển thành S. Đồng thời, vần “ôk” hay “ôc” (đây chỉ là hai cách viết của một vần) chuyển thành “oc” cũng hay xảy ra, như độc giả – bạn đọc, khốc – khóc. Do đó, Srôk được đọc và viết thành Sóc là có cơ sở.

+ Gòn: Theo Lê Trung Hoa trong sách đã dẫn, Gòn là tiếng Việt gốc Khmer: Nokor, có nghĩa là “thị trấn”.

Âm tiết “No” trong Nokor được lược bỏ, bởi vì các địa danh có ba âm tiết bị lược bỏ âm tiết ở giữa là hiện tượng thường xảy ra, như cầu Xóm Kiệu – cầu Kiệu, sông Ông Đốc – sông Đốc, rạch Cọp Gầm/rạch Ông Gầm – rạch Gầm,… Do đó,  Srôk/Sóc Nokor  thành Srôk/Sóc kor.

Âm tiết “kor” biến thành âm tiết “gòn”, vì tiếng Khmer “kor” và tiếng Việt “gòn” cùng có nghĩa là “cây gòn”.

2. Địa danh vừa thuần Việt, vừa có gốc Khmer

– Các địa danh có liên quan đến “Bưng”

Bưng là địa danh Việt gốc Khmer: Bâng. Theo Lê Trung Hoa trong quyển Địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh, bưng có nghĩa là “hồ to, chỉ chỗ đất trũng giữa đồng, đọng nước, có nhiều cây mọc (như đưng, đế, lác, ...” (5). Vào mùa mưa ở bưng thường có nhiều cá đồng, cho nên có câu ca dao:  “Gió đưa, gió đẩy/ Về rẫy ăn còng/ Về bưng ăn cá/ Về giồng ăn dưa”. Trong tiếng Việt, từ â và ư có thể chuyển hoá lẫn nhau; ví dụ: vâng lịnh – vưng lịnh; dâng cơm – dưng cơm; nâng – nưng; tng – tng; vng – vng. Do đó, Bâng hoàn toàn có thể biến thành Bưng.

+ Bưng Cây Gáo Ba Làng

Bưng Cây Gáo Ba Làng toạ lạc tại nơi giáp ranh giữa ba làng Cẩm Sơn, An Mỹ và Phú Sơn, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc xã Cẩm Sơn và xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

Vào thời xưa, Bưng Cây Gáo Ba Làng có diện tích khoảng 10 ha; là một vùng đất ẩm thấp, sình lầy, nước đọng quanh năm, các loài thực vật, như sậy, đế, đưng, lác, sen, rau mác, v.v… mọc um tùm; trong đó có một cây gáo rất to lớn.

+ Bưng Bồn Bồn

Bưng Bồn Bồn ở xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, rộng khoảng vài héc ta. Gọi là Bưng Bồn Bồn vì tại vùng trũng này, cây rau bồn bồn mọc rất nhiều. Bồn bồn thuộc họ Ráy (Araceae), thích nghi ở vùng đầm lầy, nước ngập quanh năm. Đây là loại rau dại khá ngon, thường dùng làm dưa chua, nấu canh hoặc ăn sống với mắm kho.

+ Bưng Môn

Bưng Môn có ở xã Điềm Hy, huyện Châu Thành và xã Tân Phú, huyện Cai Lậy; là nơi ẩm thấp, nước đọng, có nhiều cây môn nước.

Bưng Tra Sập

 Bưng Tra Sập toạ lạc tại đường Lý Thường Kiệt, phường 5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Thời xưa, tại đây, có một cái bưng rộng khoảng 5 ha, trong đó có một số cây tra cổ thụ sập ngã, nên thành địa danh. Tại đây, có một con rạch chảy ra sông Tiền, dân gian gọi là rạch Tra Sập, còn các loại sách xưa, như Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức và Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi là Tra Thập. Hiện nay, bưng này đã bị lấp trong tiến trình đô thị hoá.

+ Chợ Bưng

Chợ Bưng được thành lập từ đầu thế kỉ XIX, thuộc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Chợ Bưng là chợ được xây dựng gần cái bưng.

Hiện tại, Chợ Bưng được xây dựng bán kiên cố; có tổng diện tích là 1.100m², nhà lồng chợ 500m², hàng hoá được buôn bán tại chợ phong phú, như thực phẩm, quần áo, tạp hoá, đồ gia dụng, v.v… Chợ hoạt động chủ yếu vào buổi sáng.

– Trấp Bèo

Trấp là là địa danh Việt gốc Khmer: Trap. Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, trấp là đất bưng cỏ (tiếng Khmer là: Péangtrap – bưng trấp). Theo quyển Địa chí Tiền Giang, Trấp là “địa hình trũng, ngập nước, nhỏ hơn bưng... Có lẽ, ngày xưa cái trấp nầy có rất nhiều bèo” (6)

Trấp Bèo toạ lạc gần ngã tư Quản Oai thuộc xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Hiện nay, có một con kênh chảy ngang qua đây nên được gọi là kênh Trấp Bèo.

3. Địa danh Việt gốc Pháp

– Bót số 8

Bót: xuất phát từ tiếng Pháp – Poste, có nghĩa là Trạm canh gác của binh lính hoặc cảnh sát. Bót số 8 là trạm canh gác thứ tám của cảnh sát do chính quyền thực dân Pháp tỉnh Mỹ Tho lập ra nằm trong hệ thống các trạm canh gác ở nội thị Mỹ Tho trước năm 1954. Hiện nay, địa điểm Bót số 8 toạ lạc gần cơ sở chính của Trường Đại học Tiền Giang, số 119, đường Ấp Bắc, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

– Ga Ông Táo

Ga: xuất phát từ tiếng Pháp – Gare, có nghĩa là Trạm dừng xe. Ga Ông Táo là tên gọi dân gian để chỉ ga Tân Hiệp, một  trong 15 ga của tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam: tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho, dài 71km, được xây dựng từ năm 1881, hoàn thành năm 1885; toạ lạc tại thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ga Ông Táo là ga xe lửa mà gần đó người dân đem vứt bỏ các bếp lò, cà ràng bằng đất đã không còn sử dụng được nữa.

– Hồ Piscine

Piscine: xuất phát từ tiếng Pháp – Piscine, có nghĩa là Hồ tắm. Năm 1943, chính quyền thực dân Pháp cho chận một đoạn kinh Salicetti chảy trong nội thị Gò Công để làm hồ tắm, bởi vì Gò Công ở gần biển, khan hiếm nước ngọt dùng cho sinh hoạt. Dân chúng gọi là hồ Piscine. Theo tác giả Phan Thanh Sắc trong quyển Gò Công: Tiếng vọng đất lành, đây là “hồ tắm dài và rộng hơn bất kỳ hố tắm xây nào ở các tỉnh miền Nam và cả Sài Gòn. Piscine luôn đầy ắp nước, lâu lâu thay nước một lần. Nước là nước sông lấy khi nước lớn ở vàm bên phía chợ. Hồ đầy ắp nước, cũng trong cũng sạch. Thanh thiếu niên ở chợ bắt đầu đi tắm và bơi lội trên hồ. Lần lần các học trò của Trường Nam cũng xuống bơi lội, đùa giỡn...”. Trong thập niên 60 của thế kỉ XX, hồ Piscine bị cạn lấp dần, trở thành ao tù. Sau năm 1975, hồ được lấp hoàn toàn; và tại đó, hình thành nên công viên Đài Chiến tích Tết Mậu Thân tươi đẹp, thuộc phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

– Kinh Arroyo de la Poste

Kinh được đào đầu tiên ở Nam Bộ vào năm 1705, gọi là kinh Vũng Gù. Năm 1819, dưới thời vua Gia Long, kinh được nạo vét và mở rộng, được đặt tên là kinh Bảo Định. Dưới thời vua Thiệu Trị (1841 – 1847), kinh Bảo Định được đổi tên là An Định; rồi Trí Tường.

Dưới thời thuộc Pháp, năm 1867, giới cầm quyền Pháp ở Mỹ Tho đã sử dụng xáng để nạo vét kinh Bảo Định. Lúc bấy giờ, kinh Bảo Định là thuỷ lộ quan trọng để vận chuyển hàng hoá, văn thư… từ Đồng bằng sông Cửu Long đi Sài Gòn và ngược lại, nên chính quyền thực dân Pháp đặt tên là Arroyo de la Poste (Kinh Bưu Điện). Con kinh này dài 22km, nối liền sông Vàm Cỏ Tây tại TP Tân An, tỉnh Long An với sông Mỹ Tho tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

– Kinh Salisetti – Kinh Champeaux

 Kinh Salisetti được đào năm 1869, được đặt theo tên của viên Chánh tham biệt hạt Tham biện Gò Công. Kinh này nối liền rạch Gò công với rạch Cửa Khâu, một nhánh của sông Cửa Tiểu. Kinh có chiều dài 6.500 m, rộng 20 m. Khi thủy triều lên cao ghe thuyền có trọng tải vừa đi lại được, làm tăng độ phì nhiêu cho các làng Hòa Nghị, Dương Phước và Tăng Hòa.

Kinh Champeaux được đào năm 1870, được đặt theo tên của viên quan cao cấp của thực dân Pháp ở Nam Kì; sau đó, giữ chức Khâm sứ ở Trung Kì. Con kinh này dẫn nước vào làng Tân Thành. Kinh có chiều dài 5.000m, rộng 15m.

Hiện tại, hai kinh này nối liền nhau và là một đoạn trong trục dẫn nước chính của vùng ngọt hoá Gò Công. Tuyến kinh chạy song song với Đường tỉnh 862, nối rạch Vàm Giồng ở thị xã Gò Công với xã Tân Thành của huyện Gò Công Đông.

– Kinh Xáng

Xáng: là tiếng Việt gốc Pháp – chaland – gọi trại, thường gọi là chiếc sà lan, trên đó người ta đặt cái máy đào kinh, vét bùn. Kinh Xáng là con kinh do xáng đào.

Kinh này được đào năm 1918; lúc đầu có tên Lacomb, là viên Chủ tỉnh Mỹ Tho chỉ huy việc đào kinh. Năm 1949, Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Nam Bộ cho đổi tên thành kinh Nguyễn Tấn Thành, một liệt sĩ cách mạng, hi sinh năm 1949.

Kinh Nguyễn Tấn Thành chảy qua hai huyện Châu Thành và Tân Phước. Điểm đầu nối từ kinh Nguyễn Văn Tiếp A, tại trung tâm thị trấn Mỹ Phước của huyện Tân Phước chảy thẳng xuống phía nam, cắt qua Quốc lộ 1 tại cầu Kinh Xáng (xã Long Định); sau đó, chảy tiếp cắt qua Đường tỉnh 864 tại cầu cũng có tên là cầu Kinh Xáng (còn gọi là cầu Đồng Tâm, giáp ranh hai xã Bình Đức và Song Thuận) rồi đổ ra sông Tiền. Kinh dài 19.300m, rộng 40m, bề rộng tại vàm kinh lên đến 125m, chiều sâu 5 – 8m so với mặt đất tự nhiên.

– Thành Săn Đá

Săn Đá gọi trại từ tiếng Pháp – Soldat: binh lính. Thành Săn Đá là thành lính, được chính quyền thực dân Pháp xây dựng khá kiên cố năm 1868 tại thị xã Gò Công. Thành này có lính Pháp và lính da đen trấn giữ. Phía sau thành là khu quân sự rất rộng, gồm có trại lính khố xanh, sở Tạo tác và các cơ sở hành chánh. Phía trước thành là một con rạch, có cầu bắc ngang qua, gọi là cầu Quan, vì cầu này dẫn đến dinh quan Chánh tham biệt hạt Gò Công. Sau năm 1954, thành được cải tạo làm trường học; đó là Trường Nam tiểu học tỉnh Gò Công; hiện là Trường Tiểu học Phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

4. Địa danh vừa thuần Việt, vừa có gốc Mã Lai

– Tràm Mù

Tràm, theo Lê Trung Hoa trong quyển Địa danh ở Thành phố Hồ Chí Minh, là tiếng Việt gốc Mã Lai: kram (7).

Tràm là loại cây thân gỗ, cao tới 5 – 6m, mọc nhiều ở vùng đầm lầy, vỏ cây có nhiều lớp, dễ bong tróc, nên có tên theo chữ Hán Việt là bách bì mộc. Lá mọc so le, hình trứng hay mũi mác, mép lá nhẵn, màu xanh lục sẫm hay xanh xám. Hoa mọc thành cụm, màu hoa từ trắng tới hồng, đỏ, vàng nhạt hay ánh lục. Cây tràm có nhiều công dụng, nhất là trong xây dựng (làm cừ) và trong y tế (tinh dầu tràm chữa được nhiều loại bệnh).

Tràm Mù là khu rừng tràm rậm rạp, mù mịt. Đó là tên của một con kinh chảy trên địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang – kinh Tràm Mù. Con kinh này dài 22 km, xuyên qua các xã Tân Hoà Đông, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Thạnh Hoà, có điểm đầu nối với rạch Láng Cát tại xã Tân Hoà Đông, điểm cuối nối với kinh Một, giáp ranh huyện Cai Lậy. Khu vực Tràm Mù là căn cứ cách mạng quan trọng của tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 – 1975).

– Các địa danh có liên quan đến “cù lao”

Cù lao bắt nguồn từ Pulaw (tiếng Mã Lai), là phần đất nổi lên ở giữa sông.

+ Cù Lao Năm Thôn (Ngũ Hiệp)

Cù Lao Năm Thôn nằm trên sông Tiền, có diện tích tự nhiên là 25,8km², chiều dài khoảng 13,5km, chiều ngang rộng nhất 2,5km.

Ngày nay, Ngũ Hiệp là một xã thuộc huyện Cai Lậy, là vùng chuyên canh cây ăn trái nổi tiếng với các giống sầu riêng thơm ngon. Đây cũng là vùng đất giàu tiềm năng du lịch.

 + Cù lao Tân Phong

Cù lao Tân Phong nằm trên sông Tiền, thuộc xã Tân Phong, huyện Cai Lậy. Đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh. Diện tích tự nhiên của cù lao là 24,3 km². Tân Phong như hòn ngọc xanh giữa dòng sông Tiền trĩu nặng phù sa. Cù lao Tân Phong còn nổi tiếng với đặc sản ốc gạo.

+ Cù lao Thới Sơn

Cù lao Thới Sơn nằm trên sông Tiền, có diện tích tự nhiên khoảng 12km² với chiều dài khoảng 11km và chiều rộng khoảng 1km. Ngày nay, cù lao Thới Sơn là một xã thuộc thành phố Mỹ Tho. Cầu Rạch Miễu nối liền Quốc lộ 60 qua tỉnh Bến Tre, có một nhánh rẽ xuống cù lao Thới Sơn. Cù lao là khu du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Cù lao Phú Thạnh Đông

Còn gọi là cù lao Tân Thới, cù lao Lợi Quan, toạ lạc tại nơi giáp nhau giữa cửa Tiểu và cửa Đại của sông Tiền đổ ra biển, thuộc huyện Tân Phú Đông. Cù lao có diện tích tự nhiên khoảng 18km², chiều dài khoảng 35km, chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 6km. Dân cư ở cù lao sinh sống bằng nghề đánh bắt thuỷ hải sản và làm vườn với đặc sản là trái mãng cầu Xiêm.

CHÚ THÍCH:

 (1) Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Quang Ân (cb), Địa chí Tiền Giang, tập II, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu Lịch sử văn hoá Việt Nam, 2007, trang 538.

(2) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, tập Thượng, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá, Sài Gòn, 1972, trang 36.

(3) Lê Hương, Người Việt gốc Miên, Sài Gòn, 1969, trang 34.

(4) Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng – Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, Bảo tồn và phát huy lễ hội Óoc om boc – đua ghe Ngo Sóc Trăng, Kỉ yếu Hội thảo khoa học, Sóc Trăng, 2009, trang 67.

(5) Lê Trung Hoa, Địa danh ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, trang 86.

(6) Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Quang Ân (cb), Địa chí Tiền Giang, tập II, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu Lịch sử văn hoá Việt Nam, 2007, trang 619.

(7) Tuy nhiên, theo tác giả Lê Hải Nam trong bài Cây chàm và cây tràm – nguồn gốc tên gọi đăng trên trang web http://www.viethoc.org ngày 16/8/2009, tràm có nguồn gốc từ tiếng Indonesia: Gelam; sau đó, biến thể thành Glam. Vẫn theo tác giả này, căn cứ vào tác phẩm Cây cỏ xứ Đàng Trong (Flora Cochinchinensis) xuất bản ở Lisboa năm 1790 của một nhà nghiên cứu người Bồ Đào Nha tên là Joannnis de Loureiro, cây tràm được người Việt sinh sống trong thế kỉ XVIII, dựa vào từ Glam của Indonesia, phát âm  là  Tlàm. Sau đó, theo sự phát triển của tiếng Việt hiện đại, Tlàm được phát âm thành Tràm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        Nguyễn Văn Ái Chủ biên, Từ điển phương ngữ Nam Bộ, NXB Tổng hợp TP.
Hồ Chí Minh, 1994.

2.        Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, Sài Gòn, 1895 – 1896.

3.   Việt Cúc, Gò Công cảnh cũ người xưa, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 1999.

4.        Trần Hoàng Diệu – Nguyễn Anh Tuấn (Chủ biên), Địa chí Tiền Giang (tập I), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang – Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam, 2005.

5.        Trần Hoàng Diệu – Nguyễn Quang Ân (Chủ biên), Địa chí Tiền Giang (tập II), Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang – Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam, 2007.

6.        Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nguyễn Tạo dịch,  Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá, Sài Gòn, 1972.

7.         Grimald, Monographie de la Province Gocong, 1936.

8.         Grimald, Monographie de la Province Mytho, 1902.

9.    Lê Trung Hoa, Địa danh ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

10.          Lê Trung Hoa, Địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học, NXB Khoa học Xã hội, 2005.

11.         Phạm Văn Khanh – Nguyễn Phúc Nghiệp, Lịch sử giáo dục Tiền Giang, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2009.

12.   Võ Văn Lộc – Nguyễn Phúc Nghiệp, Nhân vật tỉnh Tiền Giang, NXB Trẻ, 2005. 

13.         Huỳnh Minh, Gò Công xưa, NXB Thanh Niên, 2001.

14.          Huỳnh Minh, Định Tường xưa, NXB Thanh Niên, 2001.   

15.          Nguyễn Phúc Nghiệp, Những trang ghi chép về lịch sử – văn hoá Tiền Giang, NXB Trẻ, 1998.  

16.          Nguyễn Phúc Nghiệp, Kinh tế nông nghiệp Tiền Giang thế kỉ XIX, NXB Trẻ, 2003.

17.         Phan Thanh Sắc, Gò Công: Vọng tiếng đất lành, NXB Phương Đông, 2010.

18.          Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng nói miền Nam, NXB Trẻ, 1999.

19.          Đồng Thị Bạch Tuyết – Âu Dương Phát – Nguyễn Phúc Nghiệp, Lịch sử Tiền Giang, Sở Giáo dục – Đào tạo Tiền Giang, 2003.

20.          Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, NXB Chính trị
Quốc gia, 2008.

21.    Trương Ngọc Tường, Viên ngọc trên sông Tiền: Cù Lao Năm Thôn, NXB Tiền Giang, 1987.

22.   Trương Ngọc Tường, “Một số địa danh ở Tiền Giang”, Tiền Giang bước vào thế kỉ 21, NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2001.

23.         Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng – Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, Bảo tồn và phát huy lễ hội Óoc om boc – đua ghe Ngo Sóc Trăng, Kỉ yếu Hội thảo khoa học, Sóc Trăng, 2009.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020