Ngôn ngữ

MỘT SỐ ĐIỂM KHÁC BIỆT TRONG CÁCH BIỂU THỊ HÀNH VI CAM KẾT CỦA TIẾNG HÀN SO VỚI TIẾNG VIỆT


14-10-2020
Tác giả: TS. Vũ Tố Nga

Bài viết này xin đi vào một vấn đề nhỏ – Một vài điểm khác biệt trong cách biểu thị hành vi cam kết của tiếng Hàn so với tiếng Việt – với hi vọng cung cấp một vài thông tin thú vị đến những ai quan tâm tới tiếng Hàn, tới văn hoá giao tiếp của người Hàn Quốc. Các số liệu sử dụng trong bài được lấy từ nguồn phiếu điều tra với 196 người Hàn Quốc có trình độ phổ thông trở lên.

MỘT SỐ ĐIỂM KHÁC BIỆT TRONG CÁCH BIỂU THỊ HÀNH VI CAM KẾT CỦA TIẾNG HÀN SO VỚI TIẾNG VIỆT

                                          TS. Vũ Tố Nga

Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Trong những năm gần đây, cùng với sự lan toả của “làn sóng” Hàn Quốc, tiếng Hàn ngày càng được quan tâm và có một vị thế nhất định trong đời sống xã hội Việt Nam. Sự bang giao giữa hai nước ngày càng mở rộng và hiện Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến tiếng Việt và văn hoá Việt Nam. Vì lẽ đó, việc tìm hiểu tiếng Hàn trong sự đối chiếu với tiếng Việt từ góc nhìn dụng học có thể là một cách tiếp cận mới mẻ giúp cho người Việt học tiếng Hàn và người Hàn học tiếng Việt có một cái nhìn sâu hơn về ngôn ngữ – văn hoá của hai dân tộc.

Bài viết này xin đi vào một vấn đề nhỏ – Một vài điểm khác biệt trong cách biểu thị hành vi cam kết của tiếng Hàn so với tiếng Việt  – với hi vọng cung cấp một vài thông tin thú vị đến  những ai quan tâm tới tiếng Hàn, tới văn hoá giao tiếp của người Hàn Quốc. Các số liệu sử dụng trong bài được lấy từ nguồn phiếu điều tra với 196 người Hàn Quốc có trình độ phổ thông trở lên. 

Có lẽ, với một người Việt mới học tiếng Hàn thì cách nói sau đây thường được tiếp nhận như là một câu nói đùa nếu không có lời chú giải của người bản ngữ:

(1) – Nếu không làm được việc này thì tôitao sẽ cõng anh/ mày nhảy múa. (내가 이 일을 해 내지 못한다면, 너를 업고 춤이라도 출게.)

Tuy nhiên, đây lại là một cách biểu thị lời cam kết dưới dạng thề bồi mà 168/196 người được hỏi (chiếm 85,71%) cho rằng có thể dùng giữa bạn bè. Tuỳ từng tình huống giao tiếp, cũng có thể nói như vậy với đồng nghiệp, người quen ít tuổi hơn, anh chị em trong gia đình, thậm chí là giữa vợ chồng và những người yêu nhau (tất nhiên là với tỉ lệ thấp hơn nhiều). Cũng cần lưu ý: 100% ý kiến cho rằng không thể nói như vậy với cấp trên, đối tác, thầy cô, con cái và người mới gặp lần đầu. Điều này cho thấy nên thận trọng khi dùng cách nói này trong giao tiếp hàng ngày.

Về tần suất sử dụng cách nói “Nếu… tôi/ tao sẽ cõng mày nhảy múa” thì sao? Có 28,57% số người được hỏi (56/196) cho biết mình đã từng nói như vậy, song lại đến 42,86% (84/196) bày tỏ quan điểm sẽ không bao giờ nói thế. Những con số này cho biết đây là một trong những cách biểu đạt lời cam kết khá độc đáo của người Hàn Quốc, song tần suất sử dụng của nó không cao. Con số thống kê cũng cho thấy 17,86% số người được hỏi (35/196) cho là sẽ tin tưởng khi nghe một lời cam kết như vậy và cũng 17,86%  cho biết tùy tình huống giao tiếp có thể tin hoặc không tin.

Tần suất sử dụng thấp, niềm tin đem lại không cao và phạm vi sử dụng chủ yếu trong quan hệ bạn bè. Tuy nhiên đây là một trong những cách biểu đạt mang dấu ấn rõ nét cho thấy có sự khác biệt khi đưa ra lời cam kết của người Hàn so với người Việt. Với thanh niên Hàn Quốc thì  những lời cam kết như vậy thể hiện một thái độ nghiêm túc của người nói. Trong khi đó, lối nói hơi “lạ tai” với người Việt này nếu dịch sát nghĩa từ thì không gợi cho người nghe cảm nhận được quyết tâm thực hiện lời cam kết của người nói. Đây sẽ là một rào cản ngôn ngữ không nhỏ khi phải dịch những lời cam kết kiểu này ra tiếng Việt. Có thể dùng cách nói “Nếu... tao sẽ làm đầy tớ cho mày” trong một số trường hợp song hẳn là chuyển ngữ như vậy sẽ không thể chuyển tải được hết cái “lạ” trong cách nói của người Hàn.

Những điều vừa đề cập đến trên đây có lẽ đã phần nào hé mở một điểm thú vị, tất yếu về mối liên hệ giữa ngôn ngữ và các đặc điểm văn hoá, dân tộc. Những điểm khác biệt về văn hoá, về cách biểu đạt tư duy của mỗi dân tộc đã được ghi dấu ấn trong ngôn ngữ. Vì thế, sự khác biệt trong ngôn ngữ có thể phần nào cho thấy những điểm khác biệt về văn hoá và dân tộc. Học một ngôn ngữ nào đó, không có cách nào khác là phải học lấy thói quen sử dụng và biểu đạt ngôn ngữ của người bản ngữ. Nếu vận dụng lối nói trên để biểu đạt quyết tâm thực hiện lời cam kết với một người Hàn Quốc phù hợp với hoàn cảnh và nội dung giao tiếp, bạn có thể được nhìn nhận là một người rất am hiểu tiếng Hàn.

Có một cách nói khác nữa trong tiếng Hàn mà chúng tôi  muốn đề cập, đó là những câu nói kiểu như:

(2) Nếu tôi không làm việc này thì thìa rơi xuống bàn. (내가 이 일을 해 내지 못한다면,숟가락 놓겠다 / 금식 하겠다.)

"Thìa rơi xuống bàn" thì có gì đáng nói. Một người Việt Nam hoặc một người nước ngoài nào đó hẳn là sẽ nghĩ như vậy. Tuy nhiên, với người Hàn Quốc thì đây lại là một cách biểu thị sự cam kết cao độ mang dáng dấp của một lời thề độc. “Thìa rơi xuống bàn” được cảm nhận theo lối suy lí như sau: thìa rơi xuống bàn... ® không ăn cơm / nhịn ăn... ® chết.

Như vậy, câu nói này phải được hiểu là “Nếu... tôi sẽ chết.” Nói về cái chết mà phải vòng vèo và xa xôi như vậy. Đây cũng là một điểm khác biệt nữa trong cách biểu đạt lời cam kết của người Hàn Quốc mà ta cần lưu ý để có thể lựa chọn cách dịch sao cho “sát nghĩa thông báo” chứ không phải “sát nghĩa từ”.

Thực ra, cách nói trên tuy có thể hiện sự khác biệt trên bề mặt ngôn từ với cách biểu đạt trong tiếng Việt, song nếu nhìn sâu hơn một chút, ta sẽ thấy nó cũng bộc lộ những điểm tương đồng nhất định trong tư duy, trong việc biểu đạt bằng ngôn ngữ của người Việt và người Hàn Quốc.

Thứ nhất, đó là lối nói hàm ẩn mang tính phổ quát trong giao tiếp ở tất cả các ngôn ngữ trên thế giới mà tiếng Việt và tiếng Hàn không phải là ngoại lệ. Người Trung Quốc có câu “Không làm xong việc này, tôi quyết không trở về”, còn người Việt hẳn cũng không quá xa lạ với những câu nói kiểu như: “Nếu... thì tôi sẽ không được  nhìn  mặt bố mẹ tôi nữa.”. Trong tiếng Anh, người ta cũng dùng hình ảnh “I eat my hat” để nói về cái chết (Nghĩa rời của từng từ trong cấu trúc: “Tôi –  ăn – cái mũ – của tôi”, được tiếp nhận  là “Tôi sẽ chết”)

Thứ hai, cùng để biểu đạt một khái niệm nhưng mỗi cộng đồng ngôn ngữ sẽ lựa chọn những cách biểu đạt sao cho phù hợp với thói quen sử dụng ngôn ngữ của mình. Thói quen ấy đã hàm chứa sự khác biệt về tâm lí và văn hoá của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng người. Đó có thể là sự khác biệt về chủng tộc, cũng có thể là sự khác biệt xuất phát từ hoàn cảnh địa lí, lịch sử hay kinh tế.

Trong quá khứ và hiện tại, người Hàn Quốc đều không xa lạ với những lời cam kết theo kiểu khẳng định một điều hiển nhiên để nói về sự chân thực hiển nhiên trong lời nói của mình. Ví dụ:

(3) Đã ăn cơm đắt tiền rồi, tại sao lại nói dối cơ chứ. (비싼  먹고 왜거짓말을 하냐.)

Để hiểu được sự khảng khái của người nói câu này, người nghe phải có chung một tiền giả định bách khoa với họ, đó là những hiểu biết nhất định về ý nghĩa của cơm gạo trong đời sống người nông dân Hàn Quốc ngày xưa. Là một nước nông nghiệp sống dựa vào ngồn lương thực chủ yếu là lúa gạo, người Hàn xưa  rất quý cơm. Con cái ăn cơm lãng phí có thể bị bố mẹ mắng. Thậm chí ngày nay, những câu nói kiểu như “Nhìn con bé ăn cơm ngon miệng chưa kìa” có thể được coi là một lời khen, một cách bày tỏ sự hài lòng với một cô gái sắp trở thành con dâu tương lai của nhà mình.

Cũng để  nói về quyết tâm thực hiện lời cam kết của mình, một số người Hàn Quốc lại ưa dùng cách nói sau đây:

(4) Trời đất chia đôi rồi mà, tôi chắc chắn sẽ làm được việc này. (하늘이 두쪽이 나도 결코 해내고 말겠다.)

Cũng xuất phát từ sự hiển nhiên của thực tại khách quan, một điều không cần phải bàn cãi về sự chia đôi của trời đất, người nói muốn bày tỏ đến người nghe thông điệp: việc mình sẽ thực hiện được điều cam kết là chắc chắn đến 100%. Người Hàn Quốc có tin vào những lời cam kết kiểu này không và trong đời sống, người ta có thường nói những lời như vậy? Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là chỉ có 35/196 người được hỏi (chiếm 17,86%) cho biết mình hoàn toàn không tin vào cách nói “Đã ăn cơm đắt tiền rồi...” và “Trời đất chia đôi rồi...”. Như vậy, nếu sử dụng những cách nói này lúc đúng chỗ là có thể tạo dựng được niềm tin khá vững chắc cho người tiếp nhận. Con số điều tra cũng cho thấy người Hàn Quốc khá ưa dùng hai cách nói này.

Có đến 71,42%  nghiệm  thể (140/196) đã từng sử  dụng cách nói “Đã ăn cơm đắt tiền rồi...”, trong đó 32,14% (63/196) thỉnh thoảng và 3,57% (7/196) thường xuyên nói như vậy. Với cách nói “Trời đất chia đôi rồi...”, những con số này có thấp hơn đôi chút nhưng vẫn đạt 64,47% (126/196) số người đã từng sử dụng để đảm bảo cho lời cam kết của mình.

Cuối cùng, chúng tôi muốn nói đôi điều về một cách bày tỏ quyết tâm thực hiện lời cam kết độc đáo khác trong tiếng Hàn, đó là:

(5) “Nếu không làm được việc này thì tay tôi sẽ bị đốt cháy”. (내가 이 일을 해 내지 못한다면, 내 손에 장을 지진다.).

Người Việt Nam có câu “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Nếu phải hủy hoại đôi bàn tay của mình thì đó quả là một sự trừng phạt rất lớn. Cách bày tỏ lời cam kết như trên, vì thế, có thể không khó để hiểu và cảm nhận qua suy luận, song vẫn là một cách biểu đạt rất mới mẻ và lạ lẫm đối với một người Việt học tiếng Hàn. Nó chắc hẳn cũng sẽ gây bối rối cho người dịch khi phải chuyển ngữ sang tiếng Việt. Có thể nói, không có một thành ngữ tiếng Việt nào có thể lột tả được hết sự khảng khái của người đưa ra lời cam kết mà lại vẫn giữ được cái “hồn” của cụm từ nguyên gốc “손에 장을 지진다” (bàn tay bị xào, nướng) này.

Mở rộng vấn đề một chút, có thể thấy để nói về sự trong sạch của mình, người Trung Quốc cũng có một câu thề gắn với hình ảnh bàn tay bị hủy hoại, ví dụ: (6) “Nếu tôi mà ăn trộm thì mười đầu ngón tay tôi nát tươm.” [4, 243]. Có lẽ có một mối liên hệ nào đó trong ý niệm của những cư dân nhóm quốc gia đồng văn Việt Nam – Trung Quốc – Hàn Quốc về giá trị và ý nghĩa của đôi bàn tay trong cuộc đời của mỗi con người, song ý niệm ấy lại được chuyển tải vào tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Hàn theo những hướng rất khác nhau.

Thử đi tìm lời giải cho hình ảnh bàn tay bị đốt cháy trong cách biểu thị hành vi cam kết mang hình thức của một lời thề độc, chúng tôi đặc biệt chú ý đến tục thờ thần lửa trong tín ngưỡng dân gian của người Hàn Quốc. Nếu như người ta thường cho Thổ công là thần hộ mệnh trong nhà thì Thần lửa là thần hộ mệnh của bà chủ nhà. [...] Vào những ngày mà người ta cử hành lễ cúng các thần linh trong nhà, Thần lửa cũng được cúng như các vị thần khác [3, 109 – 110]). Thậm chí, tại một số địa phương của xứ sở kim chi, Thần lửa được thờ cúng như một vị thần đặc biệt [3, 110].

Hẳn là chưa đủ cơ sở để có thể đưa đến một lời giải thích thoả đáng, song có một điều chắc chắn là cách bày tỏ lời cam kết nêu trên đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống văn hoá và ngôn ngữ của người Hàn Quốc. Nó làm cho lời ăn tiếng nói hàng ngày có thêm nhiều sắc độ và người ta có thêm những sự lựa chọn để biểu đạt ý tưởng của mình theo nhiều cách khác nhau. Trong các cách biểu đạt thể hiện nét độc đáo của lời cam kết bằng tiếng Hàn thì đây là cách nói có tần suất sử dụng cao nhất và cũng mang lại cho người nghe sự tin tưởng ở mức độ cao nhất. Có tới 82,14%  (161/196) nghiệm thể cho biết mình đã từng sử dụng cách nói này (thường xuyên nói: 21,43% và thỉnh thoảng nói: 35,71%). Tuy nhiên, người Hàn Quốc thường cũng chỉ dùng cách nói này trong quan hệ bạn bè (85,71% số người được hỏi cho là dùng được) và không bao giờ dùng với nhóm người nghe là cấp trên, đối tác, thầy cô giáo, ông bà cha mẹ, con cái và người quen mới gặp lần đầu.

Có thể sơ bộ kết luận rằng những cách nói được đề cập trong bài viết này đã phần nào cho thấy một vài điểm khác biệt thú vị trong lời cam kết của người Hàn Quốc so với người Việt. Đó là sự khác biệt thể hiện trong một số cách biểu thị hành vi cam kết trên bề mặt ngôn từ – những cách nói chỉ có ở trong ngôn ngữ của dân tộc này mà không có cách biểu đạt tương tự ở ngôn ngữ của dân tộc khác. Sự khác biệt giữa các ngôn ngữ khác nhau là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, ngay trong những sự khác biệt trên bề mặt ngôn từ, đôi khi ta vẫn thấy có những điểm tương đồng trong nhận thức, trong ý niệm khi đi sâu vào nội dung, vào những tầng bậc ý nghĩa của câu chữ. Mặt khác, cũng phải thấy rằng những cách biểu đạt suồng sã mang tính khẩu ngữ như thế này trong bất kì cộng đồng ngôn ngữ nào thường cũng chỉ được dùng chủ yếu với nhóm người nghe gần gũi cả ở quan hệ ngang lẫn quan hệ dọc: bạn bè, người quen, anh chị em trong gia đình.

 Hẳn là có một thách thức không nhỏ đối với công việc dịch thuật khi phải đồng thời chuyển tải được nội dung mà vẫn không làm mất đi sự độc đáo của ngôn từ trong nguyên gốc. Thiết nghĩ, những chú giải về văn hoá, dân tộc... sẽ là cần thiết để tránh gây “sốc” văn hoá cho người học và người đọc khi chuyển ngữ trong các trường hợp đã nêu và tương tự.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Đỗ Hữu Châu (2000), Tìm hiểu văn hoá qua ngôn ngữ, Ngôn ngữ, Số 10.

2.      Hoàng Sơn Cường (2004), Văn hoá –  một góc nhìn, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

3.      Hwang Gwi Yeon, Trịnh Cẩm Lan (2002), Tra cứu văn hoá Hàn Quốc, NXB ĐHQG Hà Nội.

4.      Ngô Nhân Phủ, Lưu Phương, Ngô Dũng Nghị, Từ Tửu Lượng (1999), Sống ở Trung Quốc (Chương trình dạy tiếng Trung Quốc phát trên đài THVN), NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020