Ngôn ngữ

ẨN DỤ Ý NIỆM VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN TRONG TIẾNG VIỆT


14-10-2020
Tác giả: Ths. Nguyễn Thị Bích Hợp

Kết quả nghiên cứu khẳng định ẩn dụ ý niệm “vật dụng liên quan đến món ăn” là một nội dung thú vị, có giá trị nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong việc nhận diện bức tranh ngôn ngữ – văn hoá Việt Nam.

ẨN DỤ Ý NIỆM VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN

TRONG TIẾNG VIỆT

ThS. Nguyễn Thị Bích Hợp

Đại học Tân Trào, Tuyên Quang

1. Cuộc sống nhân loại là sự hoà nhập giữa bản thể và thế giới thiên tạo cũng như nhân tạo xung quanh. Nếu tự nhiên bắt buộc chúng ta cũng như mọi sinh vật khác trên mặt đất phải thích nghi để tồn tại, thì thế giới nhân tạo chính là sản phẩm của trí tuệ con người nhằm “tiện nghi hoá” đời sống, khắc phục hạn chế của bản thân đồng thời hoá giải những khó khăn mà tự nhiên mang đến.

Nhìn trên ba dạng nhu cầu cơ bản ăn, mặc, ở của con người ta sẽ thấy: nhà cửa được tạo ra để đáp ứng nhu cầu , nhằm giữ ấm mùa đông, tránh nóng mùa hè, ẩn náu khỏi các hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt và các mối đe doạ sinh tồn; quần áo được tạo ra để đáp ứng nhu cầu mặc, để che chắn, bảo vệ cơ thể khỏi các tác động tiêu cực từ môi trường và xây dựng hình ảnh văn minh. Tương tự như vậy, ăn là nhu cầu của sự sống, cùng với sự phát triển, con người từng bước biết chế biến, cất trữ thức ăn và thực hiện hoạt động ăn một cách có văn hoá. Bởi vậy, các đồ dùng, vật dụng liên quan đến hoạt động đó có thể bộc lộ một phần tính cách dân tộc, tư duy ngôn ngữ của con người. Bài viết này sẽ tiếp cận vấn đề đó từ góc độ của ngôn ngữ học tri nhận.

2. Theo lí thuyết Ngôn ngữ học tri nhận, tồn tại song song và liên quan chặt chẽ với ngôn ngữ là yếu tố văn hoá dân tộc mà người bản ngữ đại diện; và tri nhận là một hoạt động thực tiễn của nhằm kiến tạo tri thức về thế giới bằng kinh nghiệm của chính mình, thông qua bản thân mình. Những tri thức mang dấu ấn văn hoá đó được định hình trong ngôn ngữ bằng các ý niệm. Lakoff và Johnson (1980) thì cho rằng:“Hệ thống ý niệm đời thường của chúng ta, mà trong khuôn khổ của nó chúng ta suy nghĩ và hành động, về bản chất là ẩn dụ”. Ẩn dụ ý niệm là một sự “chuyển di” (transfer) hay một sự “đồ hoạ” (mapping) cấu trúc và các quan hệ nội tại của một lĩnh vực hay mô hình tri nhận nguồn (source) sang một lĩnh vực hay mô hình tri nhận đích (target)” (dẫn theo Lý Toàn Thắng).

Như vậy, điểm cần lưu ý là không chỉ những nhận thức thông qua trải nghiệm về dấu hiệu đặc trưng của sự vật, hiện tượng mới tạo thành ý niệm mà tất cả cấu trúc và các quan hệ nội tại liên quan đến sự vật, hiện tượng ấy cũng được ánh xạ đến miền đích.

2.1. Đặc điểm của miền nguồn “vật dụng liên quan đến món ăn”

Ẩn dụ ý niệm “vật dụng liên quan đến món ăn” có miền nguồn chính là trường từ vựng cùng tên. Nghiên cứu của chúng tôi dựa trên Đại từ điển tiếng Việt để xác lập trường từ vựng “vật dụng liên quan đến món ăn”. Cụ thể, qua khảo sát đã thống kê được 81 đơn vị từ chỉ vật dụng liên quan đến món ăn, tạm chia thành ba nhóm:

(1) Vật dụng chế biến nguyên liệu, tạo thành món ăn (34 đơn vị): chảo, chày, trày, chõ, cối, dao, dao bầu, dao pha, dao mỏng, dao yếm, lồng ấp, niêu, nồi, nồi áp suất, nồi ba, nồi ba mươi, nồi bù, nồi chõ, nồi cơm điện, nồi đáy, nồi mười, nồi hầm, om, thớt, vạc, vại, xanh, xảnh, xửng, xoong, soong, rá, rổ, rế.

(2) Vật dụng chứa đựng, bày biện món ăn (34 đơn vị): âu, âu vàng, bát, bát ăn cơm, bát chậu, bát chiết yêu, bát đàn, bát mẫu, bát múc canh, bát ô tô, bát ngô, bát phố, bát sành, bát sứ, bung, cà mèn, cặp lồng, chén, đĩa, dĩa1, dĩa bàn, dĩa hột xoài, liễn, lồng bàn, mâm, mâm chân, mâm son, mâm vỉ, phạn, siểng, thố, tộ, tiềm, yêu.

(3) Vật dụng đùng trong sử dụng, thưởng thức món ăn (13 đơn vị): cùi dìa, dao ăn, đũa, đũa bếp, đũa cả, môi, muôi, nĩa, dĩa2, thìa, thìa canh, vá, xêu.

Trong 81 đơn vị kể trên có một cặp đồng âm: dĩa(đĩa) – dĩa(nĩa); 9 trường hợp đồng nghĩa hoàn toàn: bát múc canh – bát ô tô – tộ, cùi dìa – thìa, nĩa – dĩa2, đĩa –  dĩa1, đũa bếp – đũa cả – xêu, môi – muôi – vá, nồi áp suất – nồi hầm, lồng ấp – xửng, xanh – xảnh; hai cặp có sự sai khác về chính tả do ngữ âm: chày – trày, xoong – soong. Các cặp đồng nghĩa và sai khác về chính tả khi xét cấu trúc ngữ nghĩa chúng tôi coi là một, như vậy số lượng các đơn vị sẽ giảm còn 67 đơn vị.

Ngoài ra, một số đơn vị chúng tôi đã chọn chỉ nằm ở ngoại vi của trường (có thể chọn hoặc không): rá, rổ, rế, vại, dao, thớt, chày, cối. Sở dĩ có lựa chọn này bởi những vật dụng đó công dụng không gói gọn trong việc chế biến thức ăn (ví dụ: rá, rổ để chứa đựng chung…) nhưng xét kĩ chúng gần như đặc trưng bởi các hoạt động liên quan đến món ăn (rá dùng để vo gạo). Mặt khác, các đơn vị từ vựng này có khi lại là yếu tố chỉ loại, trong trường hợp các từ chỉ vật dụng cụ thể có những từ chỉ sự vật mà chức năng không liên quan đến món ăn đã bị loại khỏi trường từ vựng: rổ sề, dao quắm… Ngược lại, có những đơn vị thuộc ngoại diên (kiềng, gác bếp…) hoặc không nằm trong trường từ vựng này theo tiêu chí từ điển (lọ, dần sàng…) nhưng khảo sát trong ngữ cảnh cụ thể có đủ cơ sở của một ý niệm như các đơn vị khác trong hệ thống chúng tôi cũng đưa vào ngữ liệu để khảo sát về ẩn dụ tri nhận ở phần sau.

Dựa theo phương pháp phân tích nghĩa vị của nhóm Nguyễn Đức Tồn trong Đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, chúng tôi đã khảo sát 67 định nghĩa trên trong từ điển và phân xuất được 11 thành tố, bao gồm:

-      Thành tố chỉ loại, ví dụ  “Bát chiết yêu: bát to, thắt ở giữa, miệng loe ra.”

-      Thành tố chỉ chức năng, ví dụ “Nồi: đồ dùng để đun nấu thức ăn, có lòng sâu, được nung bằng đất hoặc kim loại.”

-      Thành tố chỉ hình dáng, ví dụ “Mâm: vật phẳng, tròn, dùng để dọn thức ăn.”

-      Thành tố chỉ màu sắc, ví dụ “Mâm son: mâm gỗ son đỏ.”

-      Thành tố chỉ phẩm chất, ví dụ “Bát ngô: bát sứ thô, xấu.

-      Thành tố chỉ chất liệu, ví dụ “Lồng bàn: đồ đan bằng tre nứa, hoặc làm bằng nhựa, có hình thúng, dùng đậy thức ăn trên mâm, trên bàn để chống ruồi muỗi đậu vào.”

-      Thành tố chỉ cấu tạo, ví dụ “Siểng: đồ đan, đáy bằng gỗ, có nhiều lớp chồng lên nhau, để đựng đồ ăn đem đi đường.”

-      Thành tố chỉ kích cỡ, ví dụ “Đũa cả: đũa to, dẹp, dùng để ghế, xới cơm.”

-      Thành tố chỉ cơ chế hoạt động, ví dụ “Nồi cơm điện: nồi nấu cơm bằng điện, có bộ phận đóng ngắt điện tự động.

-      Thành tố chỉ cách chế tạo, ví dụ “Rá: đồ dùng để vo gạo, đựng các thức nấu, thường được đan bằng tre nứa hoặc làm bằng nhựa, nhôm.”

-      Thành tố chỉ nguồn gốc, phạm vi sử dụng, ví dụ “Bát phố: loại bát sứ thường, sản xuất và tiêu thụ chủ yếu ở Móng Cái.

Qua thống kê, phân loại, chúng tôi thu được kết quả về sự xuất hiện của các nghĩa vị nói trên như sau:

STT

Nghĩa vị

Tần số

Tỉ lệ

1

Thành tố chỉ loại

67

100%

2

Chức năng

50

76,1%

3

Hình dáng

28

41,8%

4

Màu sắc

1

1,5%

5

Phẩm chất

7

10,4%

6

Chất liệu

36

55,2%

6

Cấu tạo

22

34,3%

7

Kích cỡ

23

34,3%

8

Cơ chế hoạt động

2

3%

9

Cách chế tạo

6

9%

10

Nguồn gốc, phạm vi sử dụng

2

3%

Cũng theo cách phân loại của nhóm nghiên cứu Nguyễn Đức Tồn, 11 nghĩa vị trên có thể chia thành 3 nhóm:

(1)  Thành tố chỉ loại: nghĩa vị 1.

(2)  Thành tố chỉ đặc điểm thuộc tính của đối tượng: các nghĩa vị 2 – 10.

(3)  Thành tố ngoại cảnh: nghĩa vị 11.

Như vậy, cấu trúc ngữ nghĩa của trường vật dụng liên quan đến món ăn có thể hình dung như sau:

Vật dụng liên quan đến món ăn

(1) Thành tố
chỉ loại

(2) Thành tố chỉ đặc điểm thuộc tính

(3) Thành tố chỉ
đặc điểm ngoại cảnh

Sự xuất hiện của các nghĩa vị trong mỗi định nghĩa không hoàn toàn giống nhau nhưng vẫn đảm bảo tốt việc hiện thực hoá, lấp đầy cấu trúc ngữ nghĩa của trường. Chẳng hạn, với định nghĩa “Chén: bát nhỏ, theo cách gọi của Nam Bộ” có thể sơ đồ lại như sau:

Chén

(1) Thành tố
chỉ loại

(2) Thành tố chỉ đặc điểm thuộc tính (kích cỡ)

(3) Thành tố chỉ đặc điểm ngoại cảnh

Bát

nhỏ

theo cách gọi của Nam Bộ

hoặc định nghĩa “Xoong (soong) :đồ dùng thường bằng nhôm, hình trụ, có tay cầm, hoặc quai, để đun nấu” có thể biểu thị theo sơ đồ:

Xoong (soong)

(1) Thành tố
chỉ loại

(2) Thành tố chỉ đặc điểm
thuộc tính (chất liệu, hình dáng, cấu tạo, chức năng)

(3) Thành tố chỉ đặc điểm ngoại cảnh

Đồ dùng

bằng nhôm, hình trụ, có tay cầm(quai), để đun nấu

Trong số các vật dụng đang xem xét, nồi, mâm, bát, đũa là những đồ dùng quen thuộc và mang đậm chất Việt hơn cả. Nồi – đặc biệt là nồi cơm – được coi như thước đo vật chất của mỗi gia đình Việt, nồi cơm có đầy thì cuộc sống mới sung túc, no đủ; nồi cơm vơi nghĩa là còn thiếu thốn, khó khăn. Người xưa còn răn kiêng vét nồi cồn cột vì đó là điềm báo thiên tai mất mùa. Nhưng lịch sử dài của dân tộc vẫn ngày đói vẫn nhiều hơn ngày no, nên ông cha xưa dạy con cháu về sự ý tứ trong cư xử, lối sống rằng: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Điểm đặc biệt của nồi là đi kèm vung, ví dụ: “Nồi nào vung nấy”/ “Nồi tròn úp vung tròn”; đặt vào rế, ví dụ:  “Rế rách cũng đỡ nóng tay”/ “Sẩy nồi rơi rế”.

Nếu như nồi là để chứa đựng đồ ăn chung của gia đình thì mâm là nơi bày biện các món ăn, là nơi các thế hệ quây quần tụ họp mỗi bữa cơm. Có lí do gì không khi tuyệt đại đa số các vật dụng dùng trong ăn uống đều có hình tròn, tiêu biểu ở đây là mâm? “Có lẽ trước hết vì nó hợp lí, gần với tất cả mọi người ngồi quanh nó” (Băng Sơn), ngồi trước mâm cơm, người Việt có thể chọn các món ăn theo sở thích để thưởng thức, không bắt buộc theo một trật tự như phương Tây, cũng không cần riêng rẽ từng món – các giác quan được cùng lúc cảm nhận món ăn trên nhiều phương diện: mùi, vị, màu sắc và hơn hết là cảm nhận không khí ấm cúng, thân tình bên những người thân “Ước gì cơm chung một nồi/ Canh chung một bát, cùng ngồi một mâm.”

Có thể nói, nồi và mâm thể hiện rất rõ tính chất cộng đồng trong lối sống người Việt ở đặc điểm dùng chung, cùng chia sẻ, cùng thưởng thức. Đó là một trong những biểu tượng của sự sum họp, quần tụ gia đình. Có lẽ cũng vì vậy, để chỉ những người sống cô đơn, lủi thủi một mình, người Việt dùng hình ảnh “Cơm niêu nước lọ”; hay như sau này Hữu Thỉnh viết về người phụ nữ chờ chồng suốt hai mươi năm dằng dặc:

“… Một mình một mâm cơm

Ngồi bên nào cũng lệch

Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền…”

                                              (Đường về thành phố)

Nếu nồi, mâm là vật dụng dùng chung thì bát, đũa lại mang tính cá nhân tương đối. Điều này tưởng chừng mâu thuẫn nhưng lại rất hợp lí. Người phương Tây có khẩu phần riêng biệt nhưng người Việt cùng chia sẻ nồi cơm và món ăn trên mâm, bởi vậy, sẽ là quá lộn xộn nếu tất cả mọi thành viên cùng trực tiếp sử dụng đồ ăn từ những vật chứa đựng chung đó. Bát đũa là phương tiện để nhận phần riêng của mỗi người được chia ra từ phần chung – một phần nhỏ, nếu hết lại lấy tiếp. Sự tế nhị và tính nhân văn chính ở điểm này, mỗi người có phần riêng để việc ăn uống không trở thành hỗn tạp (“Cầm đũa phải biết trở đầu” – khi gắp đồ trong đĩa, bát chung phải biết trở đầu đũa mới là lịch thiệp, đúng phép tắc), vừa đủ để sự chia sẻ được hài hoà, trong bữa cơm ai cũng có ý thức kính già, nhường trẻ; nếu phần chung có ít thì mỗi người nhịn đi một chút để nhường nhau, sao cho ai cũng được nếm miếng ngon, được ấm lòng. Đó chính là xuất phát điểm của lời răn dạy “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Qua đây, ta cũng thấy được triết lí sống của người Việt, đó là lối sống duy cảm, duy tình, hài hoà cái tôi cá nhân với gia đình, cộng đồng, làng xã. Nếu có khách bất ngờ, có khi chẳng cần thêm món, thêm suất, chỉ cần thêm bát, thêm đũa mọi người đều ý tứ, nhường nhịn đã là đủ một bữa cơm sum vầy; nếu một bữa người dọn cơm vô tình lấy thừa bát đũa sẽ được coi là điềm báo nhà có khách tới chơi. Thái độ sống này của người Việt thể hiện sự trân trọng, hiếu khách nhưng không sáo rỗng, hình thức mà ngược lại – rất đỗi chân thành.

Đũa là vật dụng ăn uống duy nhất dùng một đôi cùng kiểu, cùng chất liệu (khác với chày – cối, dao – thớt là cặp sử dụng phối hợp), nói đũa hay đôi đũa trong đại đa số các trường hợp đều chung một nghĩa. Ngoài ra đũa còn phải thẳng, không cong vênh “Vợ dại không hại bằng đũa vênh”, cao bằng nhau “So đũa bằng đầu”. Trong khi ăn, không cầm đũa quá dài hoặc quá ngắn, không chọc vào món ăn hoặc chống đũa, cũng không được dùng đũa đảo đều món ăn để tìm lấy phần ngon nhất về cho mình mà chỉ gắp vừa đủ vào bát, dùng hết mới gắp tiếp; không đan chéo đũa với người khác để lấy thức ăn. Thêm vào đó, không đưa đũa cho nhau trong bữa ăn “Đưa đũa ghét năm/ Đưa tăm ghét đời”, nếu cần (chẳng hạn khi so đũa) thì đặt xuống mâm trước mặt người đó; không dùng đồng thời đũa với thìa/ muôi; không gõ đũa vào bát, mâm, nồi. Trẻ em được dạy những điều trên ngay từ khi bắt đầu tập dùng đũa, bởi lẽ ăn đũa là một nét văn hoá thực sự của người Việt Nam cùng với một vài nước châu Á khác.

Các vật dụng liên quan đến món ăn tuy nhỏ nhưng vô cùng gần gũi với người Việt Nam. Xét trong trường từ vựng trên, bốn đơn vị nồi, mâm, bát, đũa là những đơn vị trung tâm của mỗi nhóm, là trung tâm của trường. Thực tế, bốn vật dụng đó trong tâm thức của người Việt cũng gần gũi nhất, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Trong ẩn dụ tri nhận xuất phát từ miền nguồn này, các ý niệm đó cũng xuất hiện nhiều và trở thành trung tâm, kéo theo các ý niệm khác cùng hệ thống.

2.2. Sự ánh xạ từ miền nguồn “vật dụng liên quan đến món ăn” tới miền đích

2.2.1. CON NGƯỜI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN

Sự gắn bó sâu sắc của con người với đồ dùng sinh hoạt nói chung, các vật dụng liên quan đến món ăn nói riêng khiến người Việt khi chiêm nghiệm lại bản thân mình thường dễ dàng có sự liên tưởng đến những vật dụng đó. Khi tri nhận về những vật dụng sử dụng trong chế biến, sử dụng món ăn, người Việt nhận thấy trong đó cũng chứa đựng những giá trị tinh thần, tương ứng với cuộc sống, thân phận con người. Nói cách khác, những tri thức, kinh nghiệm ở miền nguồn vật dụng liên quan đến món ăn đã kích thích và ánh xạ tới những vùng tương ứng ở miền đích con người. Điều này là cơ sở tạo nên ẩn dụ tri nhận (i) CON NGƯỜI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN.

–   “So bó đũa, chọn cột cờ”

–   “Ai ơi đừng phụ bát đàn

Nâng niu bát sứ vỡ tan có ngày”

 (Ca dao)

– “Đứng lọt thỏm giữa bao nhiêu thương xót

Không thể nhìn đống súng thừa như nhìn thừa đũa bát

Thừa đến nỗi những người còn lại

Không dám nhận mình là may.”

(Hữu Thỉnh)

Xét cụ thể, ẩn dụ ý niệm này gồm bốn dạng như sau:

(i) NGOẠI HÌNH CON NGƯỜI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN

Khi xem xét miền nguồn, chúng ta đã thấy nghĩa vị hình thức là một thuộc tính quan trọng, xuất hiện nhiều trong cấu trúc nghĩa của trường từ vựng vật dụng liên quan đến món ăn (hình dáng: 28 lần; màu sắc: 1 lần; kích cỡ: 23 lần). Sự tri nhận ấy để lại ấn tượng sâu sắc và được sử dụng để nói về ngoại hình con người tạo thành ẩn dụ ý niệm NGOẠI HÌNH CON NGƯỜI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN.

-      “Chân vòng kiềng

-      “Đít lồng bàn

-      “Nằm úp thìa

-      “Da đen nhọ nồi/ lọ nghẹ

-      “Mặt như cái đĩa tây

-      “Cẳng xéo khoai” (chân đi líu díu vào nhau như đôi đũa cả quết khoai)

-      “Bây giờ chồng thấp vợ cao/ Như đôi đũa lệch so sao cho bằng”

Cơ sở của ẩn dụ tri nhận này là sự tương đồng giữa hình thức của con người và đặc điểm bên ngoài của đồ vật. Với công thức ẩn dụ (i) NGOẠI HÌNH CON NGƯỜI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN, các nghĩa vị mô tả đặc điểm hình thức 3,4 và 8 ở miền nguồn được kích hoạt và ánh xạ tới miền đích con người, các thuộc tính khác bị xoá mờ và trở nên không quan yếu trong ý niệm này. Do đây là những đặc điểm bên ngoài nên rất dễ nhận biết sự tương đồng giữa hai miền, tuy nhiên, thực tế rằng vẫn có nhiều miền nguồn khác có thể ánh xạ tới miền đích con người khi tri nhận về đặc điểm ngoại hình và ngược lại nhưng người Việt đã lựa chọn những ẩn dụ này (bên cạnh những ẩn dụ khác có ý nghĩa tương đương), nên đây vẫn là một ví dụ tiêu biểu phản ánh đặc trưng nhận thức và tư duy của người Việt.

(ii) TÍNH CÁCH, PHẨM CHẤT CON NGƯỜI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN

Nếu ẩn dụ (ii) được kích hoạt bởi các nghĩa vị mô tả hình thức của vật dụng liên quan đến món ăn thì ẩn dụ (ii) TÍNH CÁCH, PHẨM CHẤT CON NGƯỜI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN có miền nguồn được đánh dấu chủ yếu ở nghĩa vị 5 chỉ phẩm chất hoặc các suy diễn liên quan đến phẩm chất, đặc tính của đồ vật. Khi di chuyển tới miền đích con người, các nét nghĩa đó là cơ sở để đồng nhất con người với vật dụng qua tính cách, phẩm chất nào đó.

-      “La sát bát vỡ

-      “Quai xanh vành chảo

-      “Ăn không biết trở đầu đũa

-      “Đâm ba chày củ

-      “Mặt thớt

-      “Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”

-      “Vắt cổ chày ra nước”

Chẳng hạn, ẩn dụ “Mặt thớt” xuất phát từ ý niệm nguồn  [thớt – Đồ dùng bằng gỗ rắn, có mặt phẳng, dùng để kê đồ ăn mà cắt, thái, băm], thuộc tính rắn (thớt gần như không bị hao mòn hay hư hỏng dưới tác động cắt, thái, băm, chặt…) là yếu tố đã được ánh xạ đến miền đích để chỉ những người trơ tráo, vô sỉ, lì lợm, không biết xấu hổ hay tiếp thu lời dạy bảo, khuyên nhủ, khăng khăng hành động sai trái dù đã có nhận thức về điều đó.

“Số phận cho ta làm mặt thớt

Kể gì thịt cá nát đời nhau

Sinh ra là để người ta chặt

Ta chỉ ăn toàn những vết dao.”

                                                            (Vịnh cái thớt – Trần Mạnh Hảo)

Bên cạnh đó, cách sử dụng các vật dụng trong chế biến, ăn uống cũng phản ánh phẩm chất, tính tình con người tốt/ xấu, hào phóng/ bủn xỉn, lịch thiệp/ suồng sã… Khi nói một người “Ăn không biết trở đầu đũa” là có ý chê bai cách cư xử còn kém cỏi, vụng về, giống như không biết một điều sơ đẳng khi dùng đũa là phải biết trở đầu đũa lúc gắp thức ăn chung trên mâm hay mời người khác (dù thực tế ngày nay thói quen này đã mờ nhạt phần nào).

(iii) THÂN PHẬN, HOÀN CẢNH CON NGƯỜI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN

Ông cha xưa có câu “Người làm sao, của bào hao làm vậy”, thực tế là mỗi người, mỗi gia đình trong cách lựa chọn và sử dụng đồ dùng luôn thể hiện hoàn cảnh, địa vị của mình, trong các vật dụng liên quan đến món ăn nhà quyền quý thì dùng mâm son, bát ngọc, đũa ngà, nồi đồng… còn nhà nghèo chỉ có mâm nan, bát đàn, đũa mộc, niêu đất… Đó chính là cơ sở để tạo nên ẩn dụ ý niệm (iii) THÂN PHẬN, HOÀN CẢNH CON NGƯỜI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN. Ẩn dụ này có thể thấy qua một số trường hợp sau đây:

-      “Cơm niêu nước lọ”

-      “Treo niêu” (Hết gạo treo nồi)

-      Rổ rá cạp lại”

-      “Một nồi hai vung”

-      Đũa gắp một chiếc”

-      Bát mẻ chiếu manh”

-      Mâm son bát ngà” (Đũa ngọc mâm vàng)

-      “Ăn xó mó niêu

-      “Đầu chày đít thớt

-      Dao cùn thớt trũng”

-      Dao sắc không gọt được chuôi”

-      “Ngồi mát ăn bát vàng”

-      Đũa conđũa bếp có đôi/ Còn một cái  mồ côi một mình”

-          “Làm lẽ ăn bát mẻ nằm chiếu manh/ Làm cả ăn bát Đại Thanh, nằm chiếu miến”

Với ẩn dụ ý niệm chỉ thân phận (bao gồm cả địa vị xã hội, thân thế gia đình…), các yếu tố ngoại cảnh – thường không được tường minh trong cấu trúc nghĩa – được sử dụng chủ yếu để hình thành ý niệm. Bởi vậy, sự nhận thức về các ẩn dụ này không chỉ giới hạn trong hiểu biết từ vựng mà còn cần có tri thức nền về văn hoá, xã hội, phong tục… cũng như con người trong thực tế cần học hỏi để lựa chọn và sử dụng những vật dụng này sao cho phù hợp với hoàn cảnh, thân thế của mình, tránh kệch cỡm hoặc úi xùi.

Nếu thân phận gắn với xuất thân, cuộc đời thì hoàn cảnh là tình thế mà con người chỉ trải qua trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng cũng có ảnh hưởng đến cuộc sống giống nhau, trong đó có sự chi phối cách lựa chọn và sử dụng các vật dụng ăn uống. Hai ẩn dụ ý niệm này có cơ chế hình thành tương tự nhau, do đó chúng tôi xếp chung vào một nhóm.

(iv) ỨNG XỬ CỦA CON NGƯỜI LÀ HOẠT ĐỘNG VỚI VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN

Nếu như trong cuộc sống có rất mhiều những quy tắc, lề lối mà con người phải tuân theo cùng vô số tình huống éo le; thì trong chế biến, thưởng thức các món ăn cũng có những cách thức nhất định, những hoàn cảnh bất ngờ mà con người cần khéo léo mới vượt qua được, cũng có khi sự ứng xử không phù hợp đem lại hậu quả đáng tiếc. Đôi khi, cách xử lí tình huống trong cuộc sống rất giống những hành động, thao tác, cách đối phó với các công đoạn của một món ăn. Ẩn dụ ý niệm (iv) ỨNG XỬ CỦA CON NGƯỜI LÀ HOẠT ĐỘNG VỚI VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN nói về những cách cư xử như thế thông qua một hành vi nào đó của con người đối với các vật dụng liên quan đến món ăn.

-      “Nghe hơi nồi chõ

-      “Ăn phải đũa

-      “Nói gẫy đũa gẫy bát

-      “Giận cá chém thớt

-      “Cãi chày cãi cối

-      “Vơ đũa cả nắm”

-      “Cơm sống đổ tại vung

-      “Hỏng nồi vơ rế

-      “Tham bát bỏ mâm

-      “Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”

-      “Mổ gà dao trâu”

-      “Cháo đổ mặt mâm

-      “Lành làm gáo vỡ làm muôi

Những thành ngữ trên đây rất quen thuộc với người Việt, nó không chỉ mô tả hành vi mà trong nhiều trường hợp còn được dùng như những lời khuyên răn hoặc chê trách ai đó ứng xử xã hội không khéo léo, không phù hợp chuẩn mực.

(v) QUAN HỆ GIỮA CON NGƯỜI LÀ QUAN HỆ GIỮA CÁC VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN

Như đã nói, sự hình thành một ý niệm không phải sự di chuyển đơn độc của một đơn vị từ miền nguồn tới miền đích mà còn bao gồm cả các dạng cấu trúc, quan hệ liên quan, nói cách khác đó là sự di chuyển của toàn hệ thống, hệ hình. Trường từ vựng vật dụng liên quan đến món ăn khi chuyển sang miền đích con người cũng mang theo các quan hệ đó và đây là cơ sở để tạo nên ẩn dụ ý niệm chỉ quan hệ xã hội giữa con người với con người. Ẩn dụ (v) rất thường gặp với những ví dụ tiêu biểu như:

-      Bát đũa còn có lúc xô”

-      “Thừa bát gạt xuống mâm

-      “Cùng ăn một mâm, cùng nằm một chiếu”

-      “Va đũa chạm bát

-      “Vợ chồng như đũa có đôi”

-      “Sẩy nồi rơi rế

-      “Một nồi hai vung”

-      Nồi da nấu thịt”

-      “Trêu chày chày độp đầu”

-      “Đôi ta làm bạn thong dong/ Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng

-      Nồi nào vung nấy”

-      Nồi tròn vung méo”

-      Đũa mốc/mộc chòi mâm son

-      “Chồng thấp mà lấy vợ cao/ Nồi tròn, vung méo úp sao cho vừa”

Các dạng quan hệ xã hội như vợ chồng, anh em, bè bạn… và  những xích mích, hoà hợp trong cuộc sống hợp đều có thể biểu thị bằng ẩn dụ ý niệm (v), thông qua những kiểu quan hệ tương ứng giữa các vật dụng. Chính mối tương quan giữa vật này với vật khác, cùng với tiêu chí phù hợp/ không phù hợp trong sự ghép đôi các vật dụng là điểm được đánh dấu và ánh xạ tới miền nguồn con người.

Nhìn chung, sự gắn bó khăng khít trong cuộc sống giữa con người với các vật dụng liên quan đến món ăn là cơ sở tạo nên sự phong phú cho ẩn dụ (i) CON NGƯỜI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN. Ẩn dụ này gồm nhiều ẩn dụ bậc dưới mà ở đây chúng tôi tạm chia thành năm công thức tri nhận như đã trình bày trên đây. Các ẩn dụ được hình thành nhờ sự ánh xạ của một nghĩa vị nào đó, hoặc của nét văn hoá nào đó, hoặc của một kiểu quan hệ nào đó… từ miền nguồn vật dụng liên quan đến món ăn tới miền đích con người. Những ví dụ vừa dẫn không chỉ hiện thực hoá lí thuyết về ẩn dụ tri nhận mà còn là một phần tạo nên bức tranh ngôn ngữ – văn hoá của dân tộc Việt Nam.

2.2.2. TÀI SẢN, CỦA CẢI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN

Các vật dụng liên quan đến món ăn hầu hết là nhỏ bé, tuỳ trường hợp mà chúng là vật quý (mâm vàng, chén ngọc…) hay không đáng giá nhiều (bát mẻ, đũa mốc…) nhưng nhìn chung đều có thể coi là một thứ tài sản, của cải. Hơn thế, trong nhận thức của người Việt, chúng không chỉ là một tài sản đại diện cho chính nó mà còn đại diện cho của cải, vật chất nói chung của con người hay của một gia đình. Đó chính là cơ sở của ẩn dụ ý niệm TÀI SẢN, CỦA CẢI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN.

Trong khảo sát, chúng tôi nhận thấy trường hợp “Âu vàng (âu bằng vàng)” khá đặc biệt, nó đưa ta đến ý niệm “cơ đồ đất nước (gắn với chế độ phong kiến)”, nghĩa là một thứ tài sản lớn lao, bao gồm cả vật chất lần tinh thần của cả dân tộc. Trường hợp này đã không còn được sử dụng nữa nhưng vẫn được ghi nhận, chứng tỏ ý niệm TÀI SẢN, CỦA CẢI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN không xa lạ với người Việt.

“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá.

Non sông nghìn thuở vững âu vàng

(Trần Nhân Tông)

Ngoài ra, ẩn dụ này cũng rất thường gặp với các ngữ cố định:

-      Bát ăn bát để”

-      “Giàu một lọ khó một niêu

-      Xanh không thủng cá đi đằng nào”

-      “Tham miếng bỏ bát

-      “Tham một đĩa bỏ cả mâm

-      “Tham bát bỏ mâm”

-      “Túng nồi đồng chứ không túng nồi đất

Như vậy, có thể thấy một thực tế rằng vật dụng dùng trong ăn uống nếu quý giá, đắt tiền thì chủ của nó là người giàu có, dư dả và ngược lại; hoặc trong tương quan độ lớn, cái gì lớn hơn về kích cỡ thì biểu hiện sự sung túc hơn hay là thứ đáng giá hơn.

Ẩn dụ bộ phận này tuy không đa dạng bằng CON NGƯỜI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN nhưng cũng chứng tỏ sự phong phú nhất định của ẩn dụ ý niệm “vật dụng liên quan đến món ăn” trong tiếng Việt. Đây là một phần bức tranh văn hoá Việt Nam, phản ánh tính cách con người, đặc thù xã hội: đề cao lề lối, tập quán sống nhưng cũng rất trọng tình nghĩa, nhân văn; có sự hài hoà giữa cá nhân và cộng đồng trên mọi phương diện của đời sống.

Kết luận

Với miền nguồn “vật dụng liên quan đến món ăn”, sự di chuyển của các nghĩa vị đến các miền đích không tách biệt, riêng rẽ mà mang theo cả các kiểu quan hệ, cấu trúc giữa các đơn vị. Những yếu tố văn hoá định hình trong mỗi vật dụng đó cũng được kích hoạt và tạo thành một ý niệm có tính dân tộc sâu sắc với hai ý niệm bộ phận và năm ý niệm bậc dưới. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chưa có điều kiện đi sâu hơn tới một vài vấn đề khác có liên quan như sự phối hợp tương ứng giữa vật dụng và món ăn trong chế biến, các vật dụng có liên quan trong các công đoạn khác trước khi chế biến và sau khi thưởng thức món ăn… Tuy vậy, với những kết quả nghiên cứu bước đầu đã đạt được, có thể khẳng định ẩn dụ ý niệm “vật dụng liên quan đến món ăn” là một nội dung thú vị, có giá trị nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong việc nhận diện bức tranh ngôn ngữ – văn hoá Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Đỗ Hữu Châu (1996), Từ vựng – Ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

2.   Cao Xuân Hạo (2001), Ngôn ngữ và văn hoá, in trong Tiếng Việt văn Việt người Việt, NXB Trẻ.

3.   Hoàng Phê (1996), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.

4.   Đặng Thị Hảo Tâm (2011), Trường từ vựng – ngữ nghĩa MÓN ĂN  và ý niệm CON NGƯỜI, Tạp chí Ngôn ngữ, số 5.

5.   Lí Toàn Thắng (2005), Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, NXB KHXH, Hà Nội.

6.   Nguyễn Đức Tồn (2002) Tìm hiểu đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt  – Trong sự so sánh với những dân tộc khác, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

7.     Nguyễn Như Ý (2008), Đại từ điển tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

 

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020