Ngôn ngữ

DẠY – HỌC TIẾNG VIỆT TRONG NHÀ TRƯỜNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC


14-10-2020
Tác giả: PGS.TS Đỗ Việt Hùng

Có thể nói định hướng dạy tiếng Việt theo hướng hình thành và phát triển năng lực vừa hướng tới được tính thực tiễn của môn học vừa tạo điều kiện để thực hiện tích hợp trong dạy học. Việc đổi mới CT và SGK theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho người học là đảm bảo tính hiện đại, phù hợp xu thế chung của giáo dục thế giới.

DẠY – HỌC TIẾNG VIỆT TRONG NHÀ TRƯỜNG

THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC

PGS.TS. Đỗ Việt Hùng

Đại học Sư phạm Hà Nội

Có thể tạm coi, Chương trình (CT) và Sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn (Tiếng Việt – ở bậc Tiểu học và Ngữ văn – ở Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) gồm các phân môn: Tiếng Việt, Đọc – Hiểu và Tập làm văn (Làm văn). Bài viết này chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến phần Tiếng Việt.

1. Đặt vấn đề

Trong phần này, chúng tôi tập trung làm rõ một số nguyên nhân khách quan đòi hỏi sự cần thiết phải đổi mới CT và SGK Tiếng Việt và Ngữ văn.

1.1. Việc đánh giá một cách khoa học và khách quan về Chương trình và Sách giáo khoa phổ thông hiện nay, trong đó có môn Tiếng Việt và Ngữ văn, cho thấy những ưu điểm nhưng cũng đã chỉ ra những hạn chế làm cho Chương trình và nội dung dạy học Tiếng Việt và Ngữ văn chưa đáp ứng một cách thật đầy đủ yêu cầu của cuộc sống hiện đại.

1.2. CT và SGK Tiếng Việt và Ngữ văn hiện hành, mặc dù đã có bước tiến quan trọng so với CT và SGK trước đây cả về tính khoa học, tính tích hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy học, song việc đổi mới phương pháp vẫn chưa được tiến hành một cách triệt để (tất nhiên còn do nhiều nguyên nhân khác nữa như phương pháp kiểm tra, đánh giá, tính bảo thủ trong nguyên tắc dạy học...).

1.3. Sự liên thông và tính chỉnh thể trong phân môn Tiếng Việt và Ngữ văn, sự tích hợp giữa các phân môn Ngữ văn và với những môn học khác dù đã được CT và SGK tính đến, song chưa thật “nhuần nhuyễn”. Đặc biệt, tính phân hoá, nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt theo các lĩnh vực khác nhau của đời sống chưa thật sự được quan tâm thích đáng.

1.4. CT và SGK Tiếng Việt và Ngữ văn hiện hành đã chú trọng kết hợp việc cung cấp lí thuyết với thực hành. Khả năng ứng dụng các kiến thức lí thuyết về Tiếng Việt, về Văn học... vào thực tiễn sử dụng ngôn ngữ trong đời sống cũng như trong phân tích, bình giảng... các tác phẩm văn học, về cơ bản đã được quan tâm nhiều trong quá trình xây dựng CT và SGK, song, trên thực tế, các kĩ năng sử dụng tiếng Việt nói chung của học sinh phổ thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội. Tình trạng nói sai, viết sai, diễn đạt không đúng với suy nghĩ, khó khăn trong việc đạt được mục đích giao tiếp... vẫn tồn tại, nếu không muốn nói là còn tương đối phổ biến. 

1.5. Việc điều chỉnh, đổi mới CT và SGK nói chung cần được coi là việc làm thường xuyên sau khoảng thời gian nhất định, ứng với sự phát triển của khoa học – công nghệ và đặc biệt là sự thay đổi về nhu cầu xã hội đối với các cá nhân được giáo dục và đào tạo. Thực tế hiện nay đang đòi hỏi sự điều chỉnh và đổi mới CT và SGK phổ thông, trong đó có môn Tiếng Việt và Ngữ văn.

2. Năng lực và năng lực tiếng Việt

2.1. Định hướng phát triển năng lực người học trong môn Tiếng Việt

Chúng tôi tán đồng quan điểm xây dựng và phát triển chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Tư tưởng cơ bản của quan điểm này, như đã được nói đến ở nhiều tài liệu và trong nhiều phát biểu ở các Hội thảo khoa học là sự chuyển đổi căn bản từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực – nói một cách đơn giản, thì Giáo dục phải hướng tới việc người học làm được gì ? mà không hướng tới mục tiêu Người học biết gì ?

Đây phải là quan điểm xuyên suốt CT và nội dung dạy – học Tiếng Việt và Ngữ văn. Đối với phần Tiếng Việt, quan điểm này càng phải đề cao và tuân thủ triệt để, vì mục tiêu cuối cùng của môn học này là làm cho người học sử dụng được và sử dụng hiệu quả tiếng Việt như một công cụ giao tiếp quan trọng nhất trong đời sống. Chúng tôi gọi đây là năng lực tiếng Việt.

Như vậy, năng lực tiếng Việt là năng lực sử dụng tiếng Việt hiệu quả trong giao tiếp ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội – giao tiếp gia đình, giao tiếp nhà trường, công sở... giao tiếp hành chính, khoa học, văn chương nghệ thuật... Hướng tới việc hình thành và phát triển năng lực cho học sinh không chỉ tạo ra được tính thực tiễn cao của việc dạy – học Tiếng Việt trong nhà trường mà chính là một “lối thoát” quan trọng, khắc phục tính “hàn lâm” của nội dung dạy học môn Tiếng Việt, vốn được các nhà giáo dục học và các phụ huynh coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự quá tải.

2.2. Năng lực tiếng Việt và năng lực giao tiếp

Trong [2], Đinh Quang Báo, khi xác định các nhóm năng lực cần hình thành và phát triển ở học sinh phổ thông, đã chia năng lực thành hai nhóm: các năng lực chung và các năng lực chuyên biệt. Các năng lực chung gồm: nhóm năng lực làm chủ và phát triển bản thân (năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tư duy, năng lực tự quản lí); nhóm năng lực về quan hệ xã hội (năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác) và nhóm năng lực công cụ (năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực tính toán) .

Như vậy, năng lực sử dụng ngôn ngữ (theo cách gọi của chúng tôi là năng lực tiếng Việt – để phân biệt với năng lực sử dụng ngoại ngữ – cũng là một năng lực cần hình thành và phát triển ở học sinh) thuộc nhóm năng lực công cụ. Chúng tôi cũng tán đồng việc phân biệt năng lực sử dụng ngôn ngữ với năng lực giao tiếp như hai nhóm năng lực khác nhau. Song, cũng nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ, hai chiều giữa hai năng lực này. Một mặt, mặc dù ngôn ngữ – tiếng Việt chỉ là một trong những phương tiện để thực hiện giao tiếp (hiểu hẹp là giao tiếp trong cộng đồng người Việt) nhưng nó là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất [5]. Hiệu quả giao tiếp, trong đại bộ phận các lĩnh vực của đời sống, phụ thuộc vào năng lực tiếng Việt – vì thế muốn hình thành và phát triển năng lực giao tiếp phải hình thành và phát triển năng lực tiếng Việt (đương nhiên là kết hợp với một số năng lực khác mới có năng lực giao tiếp tốt). Mặt khác, việc hình thành và phát triển năng lực tiếng Việt không thể thực hiện được nếu đặt tiếng Việt ngoài tư cách là phương tiện giao tiếp. Nói cách khác, muốn hình thành và phát triển năng lực tiếng Việt phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với năng lực giao tiếp.

2.3. Các đơn vị cấu thành năng lực tiếng Việt hay các năng lực cụ thể của năng lực tiếng Việt

2.3.1. Các kết quả đầu ra cần đạt về năng lực tiếng Việt

Đề cập đến các kết quả đầu ra cần đạt về năng lực chung của các cấp học, đối với năng lực sử dụng ngôn ngữ, Đinh Quang Báo  [1] xác định như sau:

TIỂU HỌC

a) Nghe hiểu trong giao tiếp thông thường và các chủ đề quen thuộc; nói rõ ràng và mạch lạc, kể các câu chuyện ngắn, đơn giản về các chủ đề quen thuộc; đọc lưu loát và đúng ngữ điệu, đọc hiểu bài đọc ngắn về các chủ đề quen thuộc; viết được bài văn ngắn về các chủ đề quen thuộc, điền được thông tin vào các mẫu văn bản đơn giản.

b) Phát âm đúng các từ; hiểu những từ thông dụng và có số lượng từ vựng cần thiết cho giao tiếp hàng ngày; biết sử dụng các loại câu giao tiếp chủ yếu như câu trần thuật, câu hỏi, câu mệnh lệnh, câu khẳng định, câu phủ định, các câu đơn, câu phức trong trường hợp cần thiết.

 

TRUNG HỌC CƠ SỞ

a) Nghe hiểu nội dung chính hay nội dung chi tiết các bài đối thoại, chuyện kể, lời giải thích, cuộc thảo luận; nói chính xác, đúng ngữ điệu và nhịp điệu, trình bày được nội dung chủ đề thuộc chương trình học tập; đọc hiểu nội dung chính hay nội dung chi tiết các văn bản, tài liệu ngắn; viết đúng các dạng văn bản về những chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân ưa thích; viết tóm tắt nội dung chính của bài văn, câu chuyện ngắn.

b) Phát âm đúng nhịp điệu và ngữ điệu; hiểu từ vựng thông dụng được thể hiện trong hai lĩnh vực khẩu ngữ và bút ngữ, thông qua các ngữ cảnh có nghĩa; phân tích được cấu trúc và ý nghĩa giao tiếp của các loại câu trần thuật, câu hỏi, câu mệnh lệnh, câu cảm thán, câu khẳng định, câu phủ định, câu đơn, câu ghép, câu phức, câu điều kiện.

 

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

a) Nghe hiểu và chắt lọc được thông tin bổ ích từ các bài đối thoại, chuyện kể, lời giải thích, cuộc thảo luận; nói với cấu trúc logic, biết cách lập luận chặt chẽ và có dẫn chứng xác thực, thuyết trình được nội dung chủ đề thuộc chương trình học tập; đọc và lựa chọn được các thông tin quan trọng từ các văn bản, tài liệu; viết đúng các dạng văn bản với cấu trúc hợp lí, lôgic, thuật ngữ đa dạng, đúng chính tả, đúng cấu trúc câu, rõ ý.

b) Phát âm được tổ hợp phụ âm, tỉnh lược âm, đồng hoá, nối âm, nhịp điệu, ngữ điệu; sử dụng hợp lí từ vựng và mẫu câu trong hai lĩnh vực khẩu ngữ và bút ngữ; có từ vựng dùng cho các kĩ năng đối thoại và độc thoại; phát triển kĩ năng phân tích  của mình; làm quen với các cấu trúc ngôn ngữ khác nhau thông qua các cụm từ có nghĩa trong các bối cảnh tự nhiên trên cơ sở hệ thống ngữ pháp.

Các kết quả đầu ra như đề xuất trong tài liệu là hợp lí, thể hiện được các mức độ sử dụng ngôn ngữ về các nội dung giao tiếp từ đơn giản đến phức tạp, tương ứng với lứa tuổi ở các bậc học khác nhau.

Tuy nhiên, các kết quả đầu ra như đề xuất có tính khái quát cao, để tiến đến một Chương trình chi tiết, cần thiết có sự cụ thể hoá thành các kết quả chi tiết hơn – hay phân chia năng lực tiếng Việt thành các năng lực cụ thể.

Để có thể hình thành năng lực tiếng Việt cho học sinh như một năng lực chung, chúng tôi phân chia năng lực chung thành các năng lực cấu thành có quan hệ hữu cơ với nhau. Các năng lực cấu thành sẽ được đánh giá theo các tiêu chí khác nhau để có thể tiến hành giáo dục theo từng giai đoạn thích hợp và có thể thực hiện phân hoá trong dạy – học.

Theo chúng tôi, việc phân chia năng lực tiếng Việt thành các năng lực cấu thành có thể dựa theo các tiêu chí sau:

– Theo tiêu chí các kĩ năng sản sinh và tiếp nhận, ta có các năng lực cụ thể của tiếng Việt như: năng lực nói, năng lực nghe, năng lực đọc  năng lực viết. Chúng tôi cho rằng đây là 4 năng lực bộ phận cấu thành năng lực tiếng Việt. Mặc dù, trong các nghiên cứu về loại hình hoạt động lời nói, có người kể ra 6 loại hình hoạt động lời nói – ngoài 4 loại hình nói nghe, đọc, viết còn có nghĩ và dịch [8]. Năng lực dịch, mặc dù cũng thuộc năng lực ngôn ngữ, song thường được rèn luyện khi có ngôn ngữ thứ hai và nếu cần hình thành và phát triển thì nên được coi là năng lực do môn ngoại ngữ đảm nhiệm là chính mà không nên coi thuộc năng lực tiếng Việt. Còn năng lực nghĩ thì cần có sự đóng góp của tất cả các môn khác. Do đó, theo chúng tôi, chỉ nên coi 4 năng lực nói, nghe, đọc, viết là 4 năng lực bộ phận của năng lực tiếng Việt.

Để hình thành và phát triển tốt 4 năng lực bộ phận này, cần hình thành cho học sinh năng lực nhận thức về các quy tắc ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ  (gọi tắt là năng lực nhận thức) như: dùng từ, đặt câu, phong cách ngôn ngữ, các biện pháp tu từ v.v. Năng lực nhận thức được nói đến ở đây gồm hai mảng nhận thức cơ bản: Thứ nhất là nhận thức ngôn ngữ – nhận thức về các đơn vị ngôn ngữ, các quan hệ cơ bản trong ngôn ngữ, các quy tắc kết hợp các đơn vị ngôn ngữ thành những đơn vị lớn hơn v.v. Tóm lại, đó là nhận thức về ngôn ngữ như một hệ thống. Thứ hai là nhận thức văn hoá giao tiếp – nhận thức về các điều kiện sử dụng các đơn vị ngôn ngữ trong thực tiễn (xem thêm [4]). Nếu nhóm nội dung thức nhất giúp học sinh có thể sử dụng từ, đặt câu đúng với ngữ pháp của tiếng Việt thì nhóm nội dung thứ hai sẽ giúp học sinh sử dụng các câu được đặt ra phù hợp với tình huống giao tiếp, giúp cho giao tiếp đạt được hiệu quả và hiệu quả cao.

Song, cần cân nhắc về cách thức hình thành nhận thức về ngôn ngữ ở học sinh – qua các bài học riêng biệt về kiến thức ngôn ngữ hay học sinh tự đúc kết, rút ra những hiểu biết về ngôn ngữ cũng như văn hoá giao tiếp thông qua việc rèn luyện các kĩ năng, các năng lực bộ phận.

Về cơ bản, có thể hình dung về năng lực tiếng Việt như sau:

NĂNG LỰC TIẾNG VIỆT

NĂNG LỰC NHẬN THỨC

(NHẬN THỨC NGÔN NGỮ VÀ NHẬN THỨC VĂN HOÁ)

Năng lực nói

Năng lực nghe

Năng lực đọc

Năng lực viết

Mỗi năng lực bộ phận lại được chia tiếp tục thành các năng lực cụ thể theo các mức độ từ đơn giản đến phức tạp, trong đó có những năng lực có thể rèn luyện độc lập nhưng cũng có những năng lực phải rèn luyện tổng hợp. Theo các nghiên cứu bước đầu của chúng tôi, các năng lực bộ phận có thể được chia thành các năng lực cụ thể như sau:

NĂNG LỰC NÓI

– Năng lực phát âm: phát âm đúng các phụ âm, nguyên âm, âm tiết tiếng Việt

– Năng lực đặt câu để nói được ý trọn vẹn, đúng ngữ điệu, thể hiện đúng suy nghĩa cá nhân, bộc lộ tình cảm thích hợp

– Năng lực thực hiện các hành động ngôn ngữ một cách hiệu quả: kể, trình bày, báo cáo, hỏi, yêu cầu, đề nghị, khuyên v.v.

– Năng lực độc thoại, đối thoại trong gia đình, lớp học, nhà trường và trong cuộc sống v.v.

– Năng lực nói về một nội dung cho trước

– Năng lực thuyết phục: nói đúng chủ đề, lập luận logic, nhất quán

– Năng lực phát biểu ý kiến, thuyết trình, thuyết minh, giải thích trước đám đông

– Năng lực đối thoại, trao đổi, thoả thuận, đàm phán v.v.

NĂNG LỰC NGHE

– Năng lực nghe – hiểu nghĩa tường minh: nghe người khác nói, nghe người khác đọc, nghe đài, ti vi v.v.

– Năng lực nghe – hiểu nghĩa hàm ẩn trong hội thoại

– Năng lực đánh giá, nhận xét về lời nói của người khác

– Năng lực nghe – phản hồi ý kiến của người khác

– Năng lực nghe – ghi, nghe – tóm tắt ý chính v.v.

– Năng lực nghe – cảm nhận văn bản văn chương nghệ thuật.

NĂNG LỰC ĐỌC

– Năng lực đọc đúng, đọc diễn cảm, đúng ngữ điệu các loại văn bản khác nhau: đọc văn bản nhật dụng, văn bản hành chính, văn bản văn chương nghệ thuật...

– Năng lực đánh giá về các câu, đoạn, văn bản đã đọc

– Năng lực đọc thầm

– Năng lực đọc – hiểu văn bản thuộc các lĩnh vực giao tiếp khác nhau trong đời sống: văn bản hành chính, báo chí, xã luận, phổ biến khoa học v.v.

– Năng lực đọc nhanh, đọc lướt để xác định nội dung chính của văn bản

– Năng lực đọc – hiểu, cảm nhận, phân tích hình tượng v.v.  văn bản văn chương nghệ thuật

– Năng lực đọc để tóm tắt văn bản

– Năng lực đọc để thu thập thông tin phục vụ cho một chủ đề cho trước, năng lực đọc để tổng thuật các ý kiến.

NĂNG LỰC VIẾT

– Năng lực viết đúng: chuyển từ âm nghe được đến chữ.

– Năng lực viết đúng chính tả, sử dụng dấu câu thích hợp.

– Năng lực viết câu phản ánh đúng tư tưởng, suy nghĩ của cá nhân, bộc lộ cảm xúc phù hợp.

– Năng lực viết thư, lời nhắn cá nhân

– Năng lực điền các mẫu tờ khai v.v.

– Năng lực trích dẫn ý kiến người khác trong bài viết

– Năng lực viết đoạn văn, văn bản: miêu tả, kể chuyện, nghị luận, phân tích, bình giảng v.v.

– Năng lực viết các loại văn bản: công văn, báo cáo, tờ trình v.v.

– Năng lực viết văn bản văn chương nghệ thuật.

Trên đây là những năng lực (có tính phác thảo, sẽ được tiếp tục bổ sung), theo chúng tôi, cần được hình thành và phát triển ở học sinh phổ thông.

Các năng lực cụ thể cần được tiếp tục nghiên cứu để sắp xếp thành bảng các năng lực tối thiểu cho mọi học sinh và những năng lực nâng cao, có tính phân hoá dành cho học sinh theo học chuyên sâu ở các môn học khác nhau. Việc xây dựng một bảng các năng lực cụ thể cần xuất phát từ Chuẩn năng lực tiếng Việt đối với học sinh từng lớp, từng cấp học. Chuẩn năng lực phải được quy định chi tiết cho từng năng lực cụ thể.

Việc rèn luyện năng lực cũng cần được chú ý đến sự khác nhau của đối tượng học sinh – đặc điểm dân tộc, điều kiện địa lí – xã hội, văn hoá, kinh tế v.v.

Việc hình thành và phát triển các năng lực cụ thể không thể không gắn với những nội dung giao tiếp hằng ngày trong đời sống cũng như trong học tập. Việc lựa chọn các nội dung để rèn luyện các kĩ năng tiếng Việt có ý nghĩa quan trọng trong việc tích hợp môn Tiếng Việt với những môn học khác như Giáo dục đạo đức, Giáo dục công dân, tăng cường những hiểu biết về lịch sử, địa lí, kinh tế - xã hội... của đất nước.

Có thể nói định hướng dạy tiếng Việt theo hướng hình thành và phát triển năng lực vừa hướng tới được tính thực tiễn của môn học vừa tạo điều kiện để thực hiện tích hợp trong dạy học.

Kết luận

1. Việc đổi mới CT và SGK theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho người học là đảm bảo tính hiện đại, phù hợp xu thế chung của giáo dục thế giới.

2. Năng lực tiếng Việt là một trong những năng lực chung có tầm quan trọng cần được quan tâm để hình thành và phát triển tốt ở người học, vì tiếng Việt là công cụ quan trọng nhất để hình thành và phát triển các năng lực khác.

3. Năng lực tiếng Việt, gồm 4 năng lực bộ phận và nhiều năng lực/nhóm năng lực cụ thể. Các năng lực cụ thể cần được đánh giá về tầm quan trọng, mức độ khó – dễ, tính tối thiểu và tính tối đa để tính đến trong hình thành và phát triển năng lực theo thời gian giáo dục.

4. Các năng lực cụ thể cần được quan tâm đúng mức đến vấn đề vùng miền và các đối tượng khác nhau trong giáo dục. Chẳng hạn, đối với những vùng khó khăn, học sinh các dân tộc thiểu số cần được dành thời gian nhiều hơn cho việc hình thành và phát triển một năng lực cụ thể nào đó, so với học sinh người Kinh ở các vùng kinh tế phát triển, có các phương tiện công nghệ hiện đại hỗ trợ.

5. Cần chú ý đến các nội dung được đưa làm ngữ liệu cho việc rèn luyện năng lực tiếng Việt để có thể thực hiện việc dạy – học tích hợp tối đa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

1. Diệp Quang Ban (1989), Ngữ pháp tiếng Việt phổ thông, tập 2, NXB ĐH và THCN.

2. Đinh Quang Báo (2013), Mục tiêu và chuẩn trong Chương trình giáo dục phổ thông sau năm 20015 (Dự thảo), Tài liệu sử dụng nội bộ.

3. Cao Xuân Hạo (1999), Tiếng Việt – mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB GD.

4. Đỗ Việt Hùng (2010), Quan hệ ngôn ngữ – văn hoá và việc dạy học bản ngữ ở bậc phổ thông, Ngôn ngữ và Đời sống, số 11.

5. Đỗ Việt Hùng (Chủ biên), Đinh Văn Thiện (2011), Giáo trình dẫn luận ngôn ngữ học, NXB GD.

6. Đỗ Ngọc Thống (2013), Định hướng đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 (Dự thảo), Tài liệu sử dụng nội bộ.

7. Bùi Minh Toán (2010), Tiếng Việt ở Trung học phổ thông, NXB ĐHSP.

Tiếng Nga

1.   Зимняя И.А. (1985), Психология обучения неродному языку. Изд. Русский язык.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020