Ngôn ngữ

TỪ "NÀO" VÀ CẤU TRÚC CHỨA "NÀO" TRONG TIẾNG VIỆT


14-10-2020
Tác giả: Ths. Trần Cảnh Huy

Trong tiếng Việt, "nào" là một hiện tượng từ vựng rất độc đáo. Bản thân "nào" là một từ nhiều nghĩa, được xếp vào các từ loại khác nhau. Thêm vào đó, nào còn tham gia vào nhiều ngữ cố định và cấu trúc câu, nhằm diễn đạt nhiều ý nghĩa, nhiều hành động ngôn ngữ khác nhau. Do vậy, cách sử dụng nào và các cấu trúc chứa nào hết sức phong phú, đa dạng.

TỪ NÀO VÀ CẤU TRÚC CHỨA NÀO

TRONG TIẾNG VIỆT

ThS. Trần Cảnh Huy

Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái

 

1. Trong tiếng Việt, nào là một hiện tượng từ vựng rất độc đáo. Bản thân nào là một từ nhiều nghĩa, được xếp vào các từ loại khác nhau. Thêm vào đó, nào còn tham gia vào nhiều ngữ cố định và cấu trúc câu, nhằm diễn đạt nhiều ý nghĩa, nhiều hành động ngôn ngữ khác nhau. Do vậy, cách sử dụng nào và các cấu trúc chứa nào hết sức phong phú, đa dạng.

Với người Việt Nam, việc sử dụng tiếng Việt trở thành một kĩ năng sống thì những hiện tượng từ vựng đa dạng và phong phú như vậy trở nên quen thuộc. Việc sử dụng nào và các cấu trúc chứa nào hết sức giản đơn. Nó có tác dụng giúp người nói diễn đạt được tất cả những điều mình muốn nói, thậm chí, diễn đạt điều mình muốn nói một cách tinh tế hơn, hấp dẫn hơn. Đây là minh chứng cho sự giàu và đẹp của tiếng Việt.

Tuy nhiên, với người nước ngoài học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai, đây lại là một vấn đề trở ngại, gây khó khăn cho quá trình lĩnh hội và sử dụng. Hoàn toàn không dễ dàng khi cùng một hình thức ngữ âm và chữ viết mà lúc thì đứng ở đầu câu, lúc lại đứng ở cuối câu; lúc thì mang ý nghĩa này, lúc lại mang ý nghĩa khác:

(1)            – Bà là người nước nào?

– Tôi là người Đức.1

(2)            – Trong tủ lạnh có quả trừng nào không?

– Không, không có quả trứng nào.2

(3)            – Cậu làm gì mà lâu thế, nhanh nào!

– Nào, chúng mình đi thôi, tớ xong rồi.

Sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiện nay mới chỉ đưa ra một số mẫu câu đơn lẻ có nào và cấu trúc chứa nào, chưa có bài học về cách dùng từ nào và cấu trúc chứa nào một cách có hệ thống. Bài viết này bước đầu khảo sát và hệ thống một số nghĩa cơ bản của nào trong một số cấu trúc nhất định, từ đó giúp các thầy cô giáo hướng dẫn các học viên luyện tập và sử dụng các cấu trúc này một cách giản đơn và dễ hiểu. Bài viết cũng bước đầu hướng đến việc góp ý cho việc biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

Tất nhiên, nghĩa của nào rất phong phú, cấu trúc chứa nào cũng rất nhiều và ở các mức độ tiếp nhận khó dễ khác nhau. Do vậy, khi ứng dụng vấn đề này vào thực tiễn, chúng ta cần phải lấy người học làm trung tâm, xác định đúng trình độ và năng lực tiếp nhận của đối tượng để có cách bố trí phân tán kiến thức cho phù hợp.

2. Trong tiếng Việt, nào được xếp vào các từ loại khác nhau, vai trò ngữ pháp, khả năng kết hợp và ý nghĩa – chức năng khác nhau:

-        Đại từđại từ nghi vấn: dùng để hỏi về cái không biết cụ thể và cần xác định trong một tập hợp những cái cùng loại; đại từ phiếm định: dùng để chỉ ra mà không nói cụ thể, vì không thể hoặc không cần nói cụ thể; đại từ phiếm chỉ: dùng để chỉ một sự vật bất kì trong nhóm định trước.

-        Phụ từ: chỉ ý phủ định dứt khoát về điều người nói cho là không hề có hoặc không thể có được, thường nhằm bác bỏ hoặc bác bỏ trước ý kiến trái lại.

-        Trợ từ: biểu thị ý nhấn mạnh mạnh thêm về điều vừa nêu ra với người đối thoại, với hàm ý thuyết phục.

-        Cảm từ: tiếng thốt ra như để gọi người đối thoại, có ý thách thức, thúc giục...

2.1. Ở dạng phổ biến nhất, nào thuộc nhóm đại từ

Khi ở nhóm này, nào thường đứng phụ sau cho danh từ. Chính vì đặc điểm của danh từ, nào thường xuất hiện trong chủ ngữ, bổ ngữ mà ít xuất hiện trong thành phần vị ngữ. Cấu trúc phổ biến của nào khi là đại từ:

(2.1)        Danh từ  +  nào

Tuy nhiên, khi là đại từ, nào cũng tham gia với nhiều vai trò, chức năng ngữ pháp trong câu, thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau:

2.1.1.   Nào là đại từ nghi vấn

Trong nghĩa thứ nhất này, nào đứng ngay sau danh từ chung:

(1)        – Bà là người nước nào?

– Tôi là người Đức.

(4)        – Anh cho tôi mượn mấy quyển sách được không?

– Anh mượn những quyển nào?

Trường hợp này, nào là từ dùng để hỏi về cái không biết cụ thể và cần được xác định trong một tập hợp những cái cùng loại được nêu ra ở danh từ đứng trước. Khi đó, nào có vai trò của một từ để hỏi chỉ sự lựa chọn, tương tự như which trong tiếng Anh. Về mặt ngữ pháp, nào có vai trò cấu tạo câu – tạo lập câu hỏi. Về mặt ngữ nghĩa, nào nêu lên điều chưa biết, cần được giải đáp. Như vậy, nào có tầm tác động lên toàn bộ câu, do vậy nếu bỏ nào, câu trở nên vô nghĩa.

Khi tham gia câu hỏi, nào xuất hiện trong câu hỏi đố, câu hỏi lựa chọn, câu hỏi bộ phận, câu hỏi ra lệnh:

(5)        – Đố anh biết em được mấy nhiều điểm nào?

(6)        – Đã học chưa nào?

(7)        – Thị sừng sộ, chực vừa lấn nó:

  – Mày có câm đi không nào?

Khi làm đại từ nghi vấn, nào còn tham gia vào kiểu câu hỏi chất vấn nhằm phủ định – bác bỏ. Nguyễn Đức Dân trong Lô gích và tiếng Việt đã đi vào phân tích lô gích của những câu bác bỏ dùng từ phiếm định nào, gì, đâu, bao. Tác giả đã xây dựng hai mô hình cấu trúc khái quát:

(5.4.1A) có +  [A + từ phiếm định]

Cấu trúc này bác bỏ theo phương thức chất vấn về sự tồn tại của A.

(5.4.1B) không +  [A + từ phiếm định]

Cấu trúc này bác bỏ theo phương thức phủ định trực tiếp A. 3

Để bác bỏ thuộc tính được nêu ra trong vị ngữ V của câu C – V, ta có thể chất vấn trực tiếp vào thuộc tính V:

(2.1A)           C nào có V ?

Cũng có khi cấu trúc trên thay đổi theo cách diễn đạt khác và trở thành một cấu trúc mới:

(2.1B)           nào có V ?

Hoặc:

(2.1C)           nào C có V ?

Ví dụ: khi thấy chồng đi làm về muộn, vợ hỏi: “Anh uống bia về đấy à?” Để từ chối, chồng có thể chất vấn lại:

a. – Anh nào có uống bia?

b. – Nào có được uống?

c. – Nào anh có uống bia?

    – ...

Theo Nguyễn Kim Thản “Đó là những câu có những phương thức biểu thị của câu nghi vấn nhưng thực chất là phủ định. Nó thường dùng trong đối thoại, nhằm nhấn mạnh ý nghĩa phủ định hay bác lại ý kiến của người khác”. 4

2.1.2. Nào là đại từ phiếm định

Cũng giống như trường hợp 2.1.1, nào đứng sau danh từ mà nào chỉ ra mà không nói cụ thể, vì không thể hoặc không cần nói cụ thể.

(8)        – Tôi gặp cô ấy đã 3 năm, vậy mà như mới hôm nào.

(9)        – Thưa thầy!

  – Có việc gì thế?

  – Có người nào đó muốn gặp thầy ạ!

Trong trường hợp này, nào chỉ có tầm tác động tới chính danh từ đứng trước nó. Về mặt nghĩa, nào phiếm định cho một đối tượng cụ thể, duy nhất (nhưng không chỉ một cách rõ ràng) trong thế giới mà danh từ đi trước xác định. Về ngữ pháp, nào không tham gia cấu tạo câu, chỉ hoạt động trong cụm từ; chức năng ngữ pháp của nào phụ thuộc vào chức năng ngữ pháp của danh từ trung tâm.

2.1.3. Nào là đại từ phiếm chỉ

Khi ở từ loại này, nào cũng đi kèm danh từ, thường dùng đi đôi với cũng, thì hoặc có kèm ý phủ định.

(10)     – Cậu thấy cô nào được nhất trong các cô vừa rồi?

– Cô nào cũng thế.

(11)     – Anh thích nghe bài nào để em mở?

– Bài nào cũng được.

(12)     – Không có quân đội nào, không  khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hi sinh của toàn thể dân tộc.

Về ngữ nghĩa, nào dùng để chỉ một cái bất cứ trong một tập hợp những cái cùng loại hoặc tương đương với danh từ mà nào kết hợp. Tầm tác động của nào chỉ dừng lại ở danh từ trước đó. Có nghĩa, nào cũng chỉ tham gia cấu tạo cụm từ, không tham gia cấu tạo câu.

Ở cấu trúc này, nào có thể tạo nên một cặp tương liên: nào... ấy, nào... đấy, nào... thế, nào... đó,...

(13)     – Rau nào sâu nấy.

(14)     – Cả Hoa và Nam buồn cười thế nào ấy nhỉ?

– Nồi nào úp vung ấy mà.

2.2. Nào là một phụ từ

Bên cạnh vai trò một đại từ, nào còn là một phụ từ biểu thị ý phủ định dứt khoát về điều người nói cho là không hề có hoặc không thể có được, thường nhằm phủ định một đặc điểm, sự việc, hành động nào đó hoặc bác bỏ trước ý kiến trái lại.

Khi đó, nào có tham gia vào hai cấu trúc khác nhau:

2.2.1. Cấu trúc thứ nhất của nào trong trường hợp này:

(2.2A)           nào + động từ/tính từ

(15)                 Con trai nó hai tuổi được bi bô gọi bố bằng ông. Lâu nay nào có ai cho nó công khai gọi ông là bố.

(16)     – Những mình nào biết có xuân là gì. (Truyện Kiều)

Trong trường hợp này, nào thường đứng trước động từ, tính từ nhằm phủ định cho từ đó. Ở đây, nào tương đương với không, chẳng (chả), chưa – những phụ từ đặc trưng của câu phủ định. Tuy nhiên, nào không thể độc lập để tạo câu phủ định như không, chẳng (chả), chưa.

Về ngữ pháp: Ở cấu trúc (2.2A), nào làm thành phần phụ cho động từ hoặc tính từ, không tham gia cấu tạo câu. Về ngữ nghĩa, nào thường biểu thị ý phủ định các hoạt động, trạng thái; các đặc điểm, tính chất sự việc mà động từ và tính từ đi kèm nào biểu thị.

2.2.2. Cấu trúc thứ hai của nào:

(2.2B) nào + C – V

(17)             Nào ai cấm chợ ngăn sông,

Không cho chú lái thông đồng đi buôn. (Ca dao)

(18)            - Nào tôi có biết gì đâu mà nói.

Trong trường hợp này, nào thường đứng đầu câu để phủ định cả câu Ở đây, nào cũng tương đương với không, chẳng (chả), chưa – những phụ từ đặc trưng của câu phủ định. Nào cũng không thể độc lập để tạo câu phủ định như không, chẳng (chả), chưa.

Về ngữ pháp: trong cấu trúc (2.2B), nào kết hợp với cụm chủ vị và có tầm tác động lên tác động lên cả cụm C – V. Về ngữ nghĩa, nào phủ định toàn bộ thông tin nêu trong phát ngôn..

Trong cả hai cấu trúc (2.2A) và (2.2B), nào còn có khả năng thực hiện các hành vi ngôn ngữ: bác bỏ, yêu cầu, thanh minh, phân trần,... hoặc bày tỏ sự bất ngờ vì mọi việc xảy ra ngoài dự tính. Vì thế, khi là phụ từ, nào thường xuất hiện trong các câu phủ định và được sử dụng trong hoàn cảnh giao tiếp có tranh luận:

(19)     – Chị để quyển sách lại đây.

– Nào tôi có chạy mất đâu.

(20)     – Này, đến giờ cậu vẫn không biết một chút gì về máy tính à?

– Nào có được học hành gì đâu.

(21)     – Nào ngờ nó lại đổ đốn ra thế...

2.3. Nào là một trợ từ

Ngoài vai trò là đại từ và phụ từ, nào còn hoạt động như một trợ từ. Ở đây, nào tham gia vào cấu tạo các câu và các vế của câu ghép nhằm nhấn mạnh thêm điều được nói ra.

2.3.1. Ở dạng thứ nhất, nào thường được dùng ở đầu hoặc cuối câu nhằm biểu thị ý nhấn mạnh thêm về điều vừa nêu ra với người đối thoại, với hàm ý thuyết phục.

(22)     – Chờ nó ăn xong đã nào.

(23)     – Nào thì thử xem nào!

(24)     – Có muốn cũng chẳng được nào.

(25)     – Bậy nào!

Về phương diện ngữ pháp: nào thường đứng cuối câu (21), (22), (23) hoặc đầu câu (22). Trong trường hợp này, nào tác động lên toàn bộ phát ngôn xuất hiện trước hoặc sau nó. Về phương diện ngữ nghĩa: nào xuất hiện nhằm nhấn mạnh nội dung được nhắc đến trong câu.

Ta có thể lược bỏ nào trong một số trường hợp:

(21) – Chờ nó ăn xong đã nào.    >        Chờ nó ăn xong đã.

(23) – Có muốn cũng chẳng được nào    > Có muốn cũng chẳng được.

2.3.2. Ở dạng thứ hai, nào được dùng lặp nhiều lần, trước danh từ và động từ  nhằm biểu thị ý nhấn mạnh tính chất tập trung vào cùng một nơi, một lúc của những sự vật, sự việc nào đó đang được liệt kê ra.

(26)    Nào tắm, nào giặt, nào đi chợ, nào thổi cơm, bao nhiêu là việc!

Có thể kết hợp thêm với các từ thì, là ở phía sau:

(27)     Mắng nhiếc hắt hủi chán rồi mới nói nào thì thương yêu, nào thì hạnh phúc...

(28)     Nào (là) nồi, nào (là) soong, nào (là) mắm, nào (là) muối lỉnh kỉnh!

Về ý nghĩa, nào biểu thị ý liệt kê, có tính chất tường thuật, miêu tả sự xuất hiện của các sự vật, hiện tượng một cách tập trung hoặc liên tiếp. Ngoài ra, nào còn góp phần biểu thị thái độ khẳng định với hàm ý là nhiều hơn bình thường.

Trong trường hợp này, nào kết hợp với các danh từ và động từ; có thể xuất hiện trong các câu ghép, thường là câu lược bỏ chủ ngữ. Nào vừa có chức năng tạo câu khẳng định, vừa tạo sự nhịp nhàng cho câu nói

2.4. Nào là một cảm từ

Đây là trường hợp nào được thốt ra như để gọi hoặc thu hút sự chú ý của người đối thoại, có ý thách thức, thúc giục.

(29)         Nào, ăn cơm đi con.

(30)         Nào, có giỏi thì đánh đi!

(31)        – Nào, nói đi!

Nào có thể đứng ở đầu câu hoặc cuối:

(29) – Nào, ăn cơm đi con.          >        Ăn cơm đi con, nào!

(30) – Nào, có giỏi thì đánh đi     >        Có giỏi thì đánh đi, nào!

Về phương diện ngữ pháp, nào là thành phần biệt lập, thường đứng ở đầu hoặc cuối câu. Do nằm ngoài cấu trúc ngữ pháp của câu, nào không tham gia biểu thị ý nghĩa miêu tả cho câu.

Trong trường hợp này, nào có thể biểu thị ý nghĩa nhấn mạnh yêu cầu người đối thoại tập trung chú ý để làm theo một đề nghị, lời mời, thách thức... được thể hiện trong phát ngôn.

Nào thường xuất hiện trong những câu thách thức, có tính chất mời mọc. Nào tạo một thái độ yêu cầu có tính chất thúc giục, nài nỉ:

(32)        Mày đánh chết bà xem nào

(33)        Mày thử đánh chết bà đi xem nào

(34)        Nào, cậu Phán mua mở hàng cho tôi nào

Trong trường hợp này, nào có thể được tách ra thành câu độc lập khi hành động chưa được thực hiện ngay hoặc người nói muốn thực hiện hành động đó nhanh chóng, ngay lập tức:

(35)     – Nào ăn cơm đi con

(...)

 Nào!

Như vậy, nào thường được dùng trong các câu cầu khiến nhằm thực hiện các hành động: thách thức, thúc giục, yêu cầu, mời rủ... thường của người có vị thế giao tiếp tương đương hoặc trên bậc.

Ngoài ra, nào còn xuất hiện trong các khuôn phủ định chứa nàonào... có (gì) đâu, không/ chẳng/ chả... (đời) nào... hay trong một số cấu trúc khá ổn định: nào có, nào phải, đời nào, thế nào... Dưới đây là một số tổ hợp khá ổn định của nào:

* Nào có:

Về vị trí: nào có thường đứng đầu bộ phận vị ngữ hoặc ở đầu các câu lược chủ ngữ :

(36)     – Anh đã nghe thấy chuyện gì chưa?

– Chuyện gì vậy? Anh nào có biết chuyện gì.

(37)     – Mọi người đi đâu đông vậy?

 Nào có biết.

Khả năng kết hợp: nào có kết hợp khá chặt chẽ tạo thành tổ hợp quán ngữ (36), (37). Tuy nhiên, trong câu tiếng Việt, đôi lúc nào có bị tách ra thành các khuôn từ phủ định: Nào – C – có – VNào... có... đâu, có... nào đâu,... Có thể kết hợp với đâu hoặc bị thay thế bằng đâu có.

(38)     – Cậu có mang tiền không?

– Nào em  mang tiền.

Trong những trường hợp này, nào có chức năng phủ định phủ định sự việc không có hoặc không xảy ra (36), (37), (38). Nào cũng có thể dùng để bác bỏ dứt khoát ý kiến của người đối thoại hoặc thực hiện hành vi thanh minh, phân trần:

(39)      – Mày không được nói nhảm nghe!

 Nào em  nói gì.

(40)     – Nghe nói dạo này làm ăn phát đạt lắm

– Nào có khá gì đâu...

* Nào phải:

Về vị trí: nào phải thường đứng ở đầu câu:

(41)     – Chữ này chẳng của mày thì của ai?

 Nào phải chữ tôi.

(42)     – Thế con cháu cụ không chăm sóc cụ à?

 Nào phải chúng không chăm sóc. Nhìn chúng vất vả quá, tôi không thể ở lại được.

Cũng có thể đảo xuống cuối:

(43)     – Chữ của cậu đây phải không?

– Chữ tôi, nào phải.

Trong trường hợp này, nào có thể kết hợp với à, ư,... sau phần trích dẫn, thường là để lấp khoảng trống về thời gian khi người nói suy nghĩ, xem xét, đánh giá lại vấn đề:

(44)     – Quyển sổ này là của cha cậu phải không?

– Quyến sổ này ưnào phải.

Cả hai trường hợp này, câu đều lặp lại một phần thông tin của phát ngôn trước đó.

Về phương diện ngữ pháp, nào phải thường xuất hiện trong câu đáp. Nào phải có thể thay bằng: đâu phải, không phải...

(44) – Quyển sổ này là của cha cậu phải không?

– Quyến sổ này ư, nào phải.

>    Quyến sổ này ư, đâu phải.

>    Quyến sổ này ư, không phải.

Về chức năng: nào phải góp phần tạo câu phủ định. Nào phải xác nhận một hiện thực không đúng, không chân thực nhằm bác bỏ ý kiến của người đối thoại. Thực chất, bên cạnh hành vi bác bỏ, nó còn thực hiện hành vi thanh minh, phân trần thậm chí phê phán, trách móc người đối thoại:

(45)      – Nam à, hay là cậu đừng có đi nữa.

– Ơ hay. Việc này quan trọng. Nào phải thích là được.

* Đời nào

Vị trí: đời nào thường đứng đầu câu:

(46)     – Này, cái Hà li dị rồi đấy.

– Đời nào lại thế. Chúng nó mới cưới chưa đầy một tháng cơ mà.

Đời nào có thể kết hợp với lại để tạo thành cấu trúc đời nào... lại; kết hợp với không/chẳng (chả) để tạo thành cụm không/chẳng/chả đời nào... nhằm phủ định tuyệt đối:

(47)     – Nghe nói tiền dạo này về nhiều lắm hả?

– Không đời nào đâu. Giải ngân thế nào ? Cuối năm rồi.

Đời nào thường xuất hiện ở tham thoại hồi đáp, trong đó lặp lại một phần nội dung của tham thoại dẫn nhập. Phần nội dung được lặp lại có thể thay thế bằng: thế, chuyện ấy... Khi đứng đầu câu, đời nào có chức năng tạo câu phủ định hoặc câu hỏi chất vấn nhằm bác bỏ.

Về chức năng: nào phải phủ định tính chân thực của sự việc được người đối thoại nêu ra trước đó, nhằm bác bỏ ý kiến, quan điểm của người đối thoại.

3. Như vậy, về cấu tạo – ngữ pháp: nào thường xuất hiện với vai trò của đại từ nghi vấn, đại từ phiếm định, đại từ phiếm chỉ, phụ từ, trợ từ, cảm từ... Nào có thể tham gia cấu tạo các loại câu phủ định, câu hỏi, trần thuật, cầu khiến; hoặc chỉ tham gia với tư cách thành phần biệt lập trong các câu cảm thán, cầu khiến.

Về ngữ nghĩa: nào thường nêu ra những cái không biết cụ thể và cần xác định trong một tập hợp những cái cùng loại; dùng để chỉ ra mà không nói cụ thể, vì không thể hoặc không cần nói cụ thể; dùng để chỉ một cái bất cứ trong một tập hợp những cái cùng loại. Hoặc nào biểu thị ý phủ định dứt khoát về điều người nói cho là không hề có hoặc không thể có được, thường nhằm bác bỏ hoặc bác bỏ trước ý kiến trái lại. Cũng có khi nào biểu thị ý nhấn mạnh thêm về điều vừa nêu ra với người đối thoại, với hàm ý thuyết phục; biểu thị ý nhấn mạnh tính chất tập trung vào cùng một nơi, một lúc của những sự vật, sự việc nào đó đang được liệt kê ra. Nào còn là tiếng thốt ra như để gọi người đối thoại, có ý thách thức, thúc giục.

Về chức năng: một mặt, nào tham gia tạo tình thái câu: tạo câu phủ định, tạo câu cầu khiến, tạo câu nghi vấn, tạo câu khẳng định; mặt khác, nào cũng tham gia tạo tình thái lời nói: phủ định, yêu cầu, thách thức...

Trên đây có thể chưa phải là tất cả các hoạt động của nào và cấu trúc chứa nào trong tiếng Việt. Tuy nhiên, đây là những cấu trúc cơ bản nhất. Khi dạy người nước ngoài, chúng ta cần truyền đạt những hiểu biết này để hoá giải những khó khăn bước đầu trong quá trình học tập và vận dụng tiếng Việt hàng ngày.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Diệp Quang Ban (2008), Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục.

2. Mai Ngọc Chừ (2003), Từ đâu và những cấu trúc chứa đâu, Ngôn ngữ, số 3.

3. Nguyễn Đức Dân (1977), Lôgic và sự phủ định trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 3.

4. Nguyễn Đức Dân (1987), Lô gích – ngữ nghĩa – cú pháp, NXB ĐH&THCN.

5. Nguyễn Đức Dân (1988), Lô gích và tiếng Việt (tái bản lần thứ nhất), NXB Giáo dục.

6. Hoàng Phê (Chủ biên) (2000), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học.

7. Nguyễn Kim Thản (1972), Vài nhận xét về cách bày tỏ ý phủ định trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 2.

8. Nguyễn Kim Thản (1963), Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, tập 1, NXB Khoa học.

9. Nguyễn Kim Thản (1964), Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, tập 2, NXB, Khoa học.

 


1 Đoàn Thiện Thuật (chủ biên). Tiếng Việt, trình độ A, tập 1, (tái bản lần thứ ba). Nxb. Thế giới, H., 2007. tr.13.

2 Đoàn Thiện Thuật, tập 1, sđd, tr.89.

3 Nguyễn Đức Dân. Lô gích và tiếng Việt, (tái bản lần thứ nhất). Nxb. Giáo dục, 1998, tr.389.

4 Nguyễn Kim Thản. Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, tập 2. Nxb. Khoa học, H., 1964, tr.259

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020