Để giúp giáo viên và học sinh lớp 12 có thêm tư liệu để giảng dạy và học tập, bài viết này lí giải, bàn luận thêm về khái niệm ngôn ngữ hành chính, đặc trưng cơ bản của Phong cách ngôn ngữ hành chính và về việc hình thành kĩ năng soạn thảo một số văn bản hành chính cho học sinh.
DẠY BÀI PHONG CÁCH NGÔN NGỮ HÀNH CHÍNH
(TRONG SÁCH NGỮ VĂN 12, TẬP HAI)
TS. Vũ Ngọc Hoa
Đại học Nội vụ Hà Nội
Các phong cách ngôn ngữ (PCNN) của tiếng Việt là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình Phổ thông trung học môn Ngữ văn. Từ lớp 10 đến lớp 12, các em được tiếp nhận các tri thức về đặc điểm của 5 PCNN: PCNN nghệ thuật, PCNN báo chí, PCNN chính luận, PCNN khoa học, PCNN hành chính và được rèn luyện kĩ năng sử dụng các phong cách trong hoàn cảnh giao tiếp phù hợp.
Bài Phong cách ngôn ngữ hành chính được thiết kế ở chương trình Ngữ văn lớp 12, tập hai, với thời lượng 2 tiết. Sau khi học xong bài Phong cách ngôn ngữ hành chính, học sinh phải nắm vững khái niệm ngôn ngữ hành chính và các đặc trưng cơ bản của PCNN hành chính; có kĩ năng soạn thảo một số văn bản hành chính khi cần thiết. Đạt được những yêu cầu trên trong thời lượng 2 tiết đòi hỏi nỗ lực rất lớn của giáo viên và học sinh. Để giúp giáo viên và học sinh lớp 12 có thêm tư liệu để giảng dạy và học tập, trong bài viết này, chúng tôi sẽ bàn thêm một số vấn đề về nội dung và phương pháp dạy học bài Phong cách ngôn ngữ hành chính.
1. Về khái niệm phong cách ngôn ngữ hành chính
Sách Ngữ văn lớp 12 (phần Ghi nhớ tr.171) định nghĩa: “Ngôn ngữ hành chính là ngôn ngữ dùng trong các văn bản hành chính để giao tiếp trong phạm vi các cơ quan nhà nước hay các tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế,… (gọi chung là cơ quan), hoặc giữa cơ quan với cá nhân, hay giữa các cá nhân với nhau trên cơ sở pháp lí”.
Trong định nghĩa trên, để hiểu được ngôn ngữ hành chính thì cần làm rõ khái niệm văn bản hành chính (VBHC). Về VBHC, có nhiều quan niệm khác nhau. Phần lớn các tác giả đều thống nhất về lĩnh vực sử dụng của VBHC là dùng trong hoạt động tổ chức, quản lí và điều hành xã hội nhưng nhìn từ phương diện chủ thể ban hành văn bản thì có sự khác nhau giữa các quan niệm.
Đầu tiên là quan điểm cho rằng chủ thể ban hành VBHC là các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cơ quan khác. Tiêu biểu cho quan điểm này là tác giả Vương Đình Quyền: “VBHC là công cụ được dùng để truyền đạt chủ trương, chính sách luật pháp và các thông tin cần thiết khác của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác...” [4, 207].
Không nêu trực tiếp chủ thể ban hành VBHC là các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cơ quan khác như tác giả Vương Đình Quyền nhưng các tác giả Phong cách học tiếng Việt quan niệm VBHC được “tạo ra bởi “khuôn” phong cách hành chính công vụ trong đó thể hiện vai của người tham gia vào giao tiếp trong lĩnh vực hành chính – công vụ tức những người tham gia vào guồng máy tổ chức, quản lí, điều hành tất cả các mặt của đời sống xã hội” [2, 66 – 67]. “Những người tham gia vào guồng máy tổ chức, quản lí, điều hành tất cả các mặt của đời sống xã hội” cũng chính là các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và các tổ chức, cơ quan khác.
Thứ hai là quan điểm cho rằng: chủ thể ban hành VBHC là các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội, nhân dân. Các tác giả Bùi Minh Toán, Lê A, Đỗ Việt Hùng định nghĩa VBHC là “loại văn bản dùng trong các hoạt động tổ chức, quản lí, điều hành xã hội và thực hiện sự giao tiếp giữa các cơ quan Nhà nước với nhân dân và ngược lại; giữa các cơ quan Nhà nước với nhau; giữa các tổ chức đoàn thể xã hội với nhau và với quần chúng” [6, 31].
Thứ ba là quan điểm cho rằng chủ thể VBHC là các cơ quan hành pháp (các cơ quan hành chính nhà nước). Tiêu biểu cho quan niệm này là tác giả Đoàn Trọng Truyến [8] khi định nghĩa: “VBHC là hình thức thể hiện của quyết định hành chính nhằm cụ thể hoá Hiến pháp, luật, pháp lệnh và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc áp dụng pháp luật cho các chủ thể xác định trong các trường hợp nhất định. Nói cách khác, VBHC là các quyết định hành chính được ban hành thành văn (được văn bản hoá) do các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền hành pháp ban hành (VNH nhấn mạnh) theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, mang tính quyền lực nhà nước (...)”.
Từ thí dụ các văn bản hành chính trong sách Ngữ văn lớp 12, có thể thấy VBHC được hiểu theo nghĩa rộng, là loại văn bản dùng trong các hoạt động tổ chức, quản lí và điều hành xã hội; thực hiện sự giao tiếp giữa các cơ quan của Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế và các tổ chức, cơ quan khác với nhau, với công dân và ngược lại, giữa các công dân với nhau trên cơ sở pháp lí. Hiểu theo nghĩa rộng này, VBHC bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt và VBHC thông thường.
Văn bản quy phạm pháp luật là “văn bản do cơ quan Nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội” (Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008). Văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:
(1) Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội;
(2) Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
(3) Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
(4) Nghị định của Chính phủ;
(5) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
(6) Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao;
(7) Thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
(8) Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
(9) Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước;
(10) Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị – xã hội;
(11) Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
(12) Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.
Văn bản cá biệt là văn bản do chủ thể có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, hình thức pháp luật quy định nhằm cụ thể hoá quy phạm pháp luật thành những mệnh lệnh pháp luật áp dụng cho từng trường hợp cụ thể. Văn bản cá biệt bao gồm: Chỉ thị (cá biệt), quyết định (cá biệt), nghị quyết (cá biệt).
VBHC thông thường là văn bản không mang tính quy phạm pháp luật, được dùng để hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; phản ánh, thông báo tình hình, trao đổi công việc và xử lí các vấn đề khác trong hoạt động quản lí. VBHC thông thường bao gồm: quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản cam kết, bản thoả thuận, giấy chứng nhận, giấy uỷ quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, giấy đi đường, giấy biên nhận hồ sơ, phiếu chuyển, thư công…
2. Về đặc trưng của phong cách ngôn ngữ hành chính
Sách Ngữ văn lớp 12 trình bày 3 đặc trưng của PCNN hành chính: tính khuôn mẫu, tính minh xác và tính công vụ. Sau đây, chúng tôi đi vào cụ thể từng đặc điểm này.
2.1. Tính khuôn mẫu
Tính khuôn mẫu là đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ VBHC. Phạm Tất Thắng cho rằng “các VBHC thường sử dụng đến các khuôn ngôn ngữ. Những khuôn ngôn ngữ này được sử dụng trong các VBHC thì được gọi là khuôn ngôn ngữ hành chính. Đó là những phương tiện ngôn ngữ được dựng sẵn và sử dụng nguyên khối để tham gia vào việc tạo lập văn bản. Như vậy, về mặt hình thức, các khuôn ngôn ngữ hành chính có cấu trúc chặt chẽ như là những đơn vị có sẵn. Tuỳ thuộc vào những nội dung thông báo khác nhau của VBHC mà người ta lựa chọn những khuôn ngôn ngữ này hay khác để xây dựng văn bản” [5, 17]. Theo Phạm Tất Thắng, khuôn ngôn ngữ tình huống bao gồm khuôn tình huống (cụm từ và câu) và khuôn cấu trúc.
Vương Đình Quyền cũng cho rằng “không chỉ các thành phần thuộc hình thức văn bản mà cả kết cấu nội dung văn bản, lời văn và các từ ngữ thông dụng đều phải theo khuôn mẫu nhất định” [4, 213].
a. Tính khuôn mẫu ở phương diện cấu trúc của văn bản hành chính
Văn bản được soạn thảo theo thể thức quy định của Nhà nước. Một VBHC được soạn thảo đúng thể thức là một trong những yếu tố quyết định tính hiệu lực của văn bản. Hiện nay, mỗi VBHC phải có 9 hoặc 10 thành phần thể thức gồm: (1) quốc hiệu; (2) tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản; (3) số, kí hiệu của văn bản; (4) địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản; (5) tên loại và trích yếu nội dung của văn bản; (6) nội dung văn bản; (7) quyền hạn, chức vụ, họ tên và chữ kí của người có thẩm quyền; (8) dấu của cơ quan, tổ chức; (9) nơi nhận; (10) các thành phần khác như dấu chỉ mức độ mật, độ khẩn, các chỉ dẫn về phạm vi lưu hành… được đặt ở những vị trí quy định. Những thành phần thể thức của văn bản được quy định trong Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT–BNV–VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kĩ thuật trình bày văn bản; Thông tư số 01/2011/TT–BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kĩ thuật trình bày VBHC. Để mẫu hoá các thành phần thể thức của văn bản, Bộ Nội vụ đã ban hành 19 mẫu trình bày VBHC kèm theo Thông tư số 01/2011/TT–BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011.
b. Tính khuôn mẫu ở phương diện từ ngữ
Trong VBHC, có những từ ngữ và cấu trúc câu được lặp lại nhiều lần ở những vị trí nhất định trong văn bản. Thống nhất với quan điểm của Phạm Tất Thắng [5], chúng tôi cũng không cho rằng các thuật ngữ hành chính như tên tổ chức, cơ quan, tên người theo chức trách, tên các VBHC… là các khuôn từ ngữ. Các khuôn từ ngữ có sẵn, các cấu trúc câu, được “sử dụng nguyên khối để tham gia vào việc tạo lập văn bản”. Những khuôn ngôn ngữ hành chính này được dùng để đưa ra các căn cứ pháp lí và thực tế ở phần mở đầu của nội dung văn bản như căn cứ…, xét đề nghị...; để liên kết các phần của văn bản như để tiếp tục giải quyết…, về vấn đề trên…; để trình bày nguyện vọng như kính đề nghị… xem xét, giải quyết, mong… quan tâm, giải quyết; để kết thúc nội dung văn bản như xin trân trọng cảm ơn, xin báo cáo để… cho ý kiến giải quyết, chịu trách nhiệm thi hành…
2.2. Tính minh xác
Nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ VBHC như V.K. Bhatia [1], Y. Maley [3]… đều đã đề cập đến tính minh xác như là một đặc trưng quan trọng của ngôn ngữ VBHC. Tính minh xác cũng đã được quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008: “Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu”.
Tính minh xác của ngôn ngữ VBHC biểu hiện ở những nội dung sau:
– Về từ: Theo Nguyễn Thế Truyền, để đạt tính chính xác ở mức độ cao nhất, người soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải “xác định nghiêm ngặt nội dung các khái niệm mà từ biểu thị” [7, 37]. Chính vì vậy trong luật hoặc bộ luật, phần giải thích từ ngữ (tức các khái niệm pháp lí) đặc biệt quan trọng để tạo nên sự thống nhất trong cách hiểu nội dung của toàn luật hoặc bộ luật. Thí dụ, Điều 3 trong Luật Viên chức năm 2010 giải thích các từ ngữ sau: Viên chức quản lí, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, tuyển dụng, hợp đồng làm việc.
– Về câu: VBHC thường dùng cách tách dòng các thành phần đồng chức gắn với hệ thống kí hiệu 1, 2, 3… hoặc a, b, c… để nội dung được rõ ràng, minh bạch.
Thí dụ: Viên chức quản lí có thể xin thôi giữ chức vụ quản lí hoặc được miễn nhiệm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Không đủ sức khoẻ;
b) Không đủ năng lực, uy tín;
c) Theo yêu cầu nhiệm vụ;
d) Vì lí do khác.
(Khoản 1, Điều 38, Luật Viên chức năm 2010)
Trong thí dụ trên, để minh xác hoá nội dung, người soạn thảo văn bản đã tách bạch những trường hợp viên chức quản lí có thể xin thôi giữ chức vụ quản lí hoặc được miễn nhiệm thành 4 điểm a, b, c, d.
Cũng nhằm chính xác hoá nội dung, VBHC sử dụng nhiều thành phần phụ như trạng ngữ, bổ ngữ, định ngữ, chú thích… để hạn định nội dung của câu.
Thí dụ: Người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự, trừ trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.
(Khoản 1, Điều 27, Luật Viên chức năm 2010)
Thành phần chú thích trong câu trên đã góp phần xác định một cách rõ ràng những đối tượng phải thực hiện chế độ tập sự.
Tính minh xác là một đặc trưng rất quan trọng của ngôn ngữ VBHC. Bởi vì sự thiếu chính xác của ngôn ngữ trong VBHC sẽ tác động xấu đến việc thực thi văn bản.
Thí dụ: Bài báo Giải thưởng nghệ sĩ: Lắm gian truân! (http://maivang.nld.com.vn/20110812120646254p1140c1192/giai–thuong–nghe–si–am–gian–truan.htm) đã phản ánh về việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ
Ưu tú năm 2011 như sau: (…) ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH–TT–DL, cho rằng việc xét giải từ hội đồng cơ sở lên là phương án tốt nhất để tập hợp được các nghệ sĩ tài năng. Theo ông Hải, việc xét giải phải tuân thủ đúng Thông tư 03, 06. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: “Đúng là đi vào từng vấn đề cụ thể, thông tư có nhiều điểm quy định chưa rõ ràng” (tác giả bài viết nhấn mạnh). Chính vì có nhiều điểm quy định không rõ ràng nên một loạt nghệ sĩ tài năng, tâm huyết với nghề được công chúng thừa nhận đã không có cơ hội được lọt vào danh sách đề nghị Nhà nước xét tặng NSƯT, NSND như báo chí đã phản ánh thời gian qua.”
Như vậy, Thông tư số 03/2010/TT–BVHTTDL ngày 27 tháng 5 năm 2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và Thông tư số 06/2010/TT–BVHTTDL ngày 16 tháng 7 năm 2010 của Bộ Văn hoá,Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú có nhiều điểm chưa rõ ràng nên đã ảnh hưởng xấu đến việc thực thi.
2.3. Tính công vụ
VBHC là phương tiện giao tiếp chính thức giữa các cơ quan, tổ chức với nhau, với công dân và ngược lại, giữa các công dân với nhau trên cơ sở pháp lí. Nội dung của VBHC là những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cơ quan. VBHC (ngoại trừ thể loại đơn từ) không chứa đựng cảm xúc hoặc sự đánh giá chủ quan của cá nhân, mà là tiếng nói của quyền lực Nhà nước, của cơ quan, đơn vị chứ không phải tiếng nói chủ quan của cá nhân; cá nhân chỉ là người phát ngôn đại diện cho cơ quan, tổ chức công quyền, không được tự ý đưa quan điểm riêng của mình vào nội dung văn bản. Riêng đơn từ, mặc dù là tiếng nói của cá nhân hoặc của tập thể nhưng phản ánh nguyện vọng của cá nhân (hoặc tập thể) với cơ quan có thẩm quyền nên cũng vẫn thuộc phạm vi giao tiếp công vụ.
Biểu hiện nữa của tính công vụ trong VBHC là khi đưa ra vấn đề, giải quyết vấn đề nào đó đều phải dựa trên căn cứ pháp lí là các văn bản quy phạm pháp luật hoặc VBHC có tính quy định, quyết định của cơ quan cấp trên.
Tính công vụ không chỉ thể hiện ở phương diện nội dung mà còn ở phương diện ngôn ngữ của VBHC. Từ ngữ trong VBHC phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp công vụ, có tính nghi thức, có sự phân biệt thứ bậc hành chính giữa cơ quan cấp trên, cấp dưới, ngang cấp, cơ quan ngoài hệ thống và với công dân. Người soạn thảo VBHC không được dùng từ cảm thán, các danh từ chỉ quan hệ thân tộc để xưng hô giữa các cơ quan hay các cá nhân.
3. Về việc hình thành kĩ năng soạn thảo một số văn bản hành chính cho học sinh
Qua 2 tiết học, làm thế nào học sinh có thể hình thành kĩ năng soạn thảo một số VBHC cần thiết? Theo chúng tôi, để học sinh có thể soạn thảo được một số VBHC thì cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, giáo viên cần xác định một số loại VBHC thông dụng mà một công dân bình thường thường phải sử dụng và/hoặc có liên quan đến công việc học tập của học sinh. Đó thường là các loại VBHC thông thường như: Đơn từ, thông báo, biên bản…
Thứ hai, cần cung cấp cho học sinh mẫu của một số VBHC thông dụng nói trên theo quy định hiện hành. Các mẫu VBHC được quy định ở phần phụ lục của Thông tư số 01/2011/TT–BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kĩ thuật trình bày VBHC. Sau đó, giáo viên cho học sinh thực hành viết VBHC thông dụng theo mẫu đã cung cấp kết hợp với những hiểu biết của học sinh về đặc điểm ngôn ngữ VBHC.
Thí dụ: Mẫu 1.9 – Giấy mời
TÊN CƠ QUAN, TC CHỦ QUẢN (1)
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC (2)
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
|
Số: /GM– … (3) ….
|
…. (4) …., ngày ….. tháng ….. năm 20…
|
GIẤY MỜI
………….. (5) ………………
..................................................... (2) .......................... trân trọng kính mời:
Ông (bà) ........................................................... (6) ..............................................................
Tới dự .............................................................. (7) ..............................................................
...............................................................................................................................................
Thời gian:..............................................................................................................................
Địa điểm ...............................................................................................................................
.......................................................................... ./.
Nơi nhận:
– …………;
– ……………;
– Lưu: VT, …. (8) A.xx (9)
|
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÍ
(Chữ kí, dấu)
Họ và tên
|
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp (nếu có).
(2) Tên cơ quan, tổ chức ban hành giấy mời.
(3) Chữ viết tắt tên cơ quan, tổ chức ban hành giấy mời.
(4) Địa danh
(5) Trích yếu nội dung cuộc họp.
(6) Tên cơ quan, tổ chức hoặc họ và tên, chức vụ, đơn vị công tác của người được mời.
(7) Tên (nội dung) của cuộc họp, hội thảo, hội nghị v.v…
(8) Chữ viết tắt tên đơn vị soạn thảo và số lượng bản lưu (nếu cần).
(9) Kí hiệu người đánh máy, nhân bản và số lượng bản phát hành (nếu cần).
4. Ý kiến trao đổi
Bài Phong cách ngôn ngữ hành chính trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 có cung cấp 3 VBHC: (văn bản 1) Nghị định số 58/1998/NĐ–CP ngày 13 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế, (văn bản 2) Giấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông trung học tạm thời, (văn bản 3) Đơn xin học nghề. Ngoài ra còn có (văn bản 4) Quyết định số 03/2002/QĐ–BGD&ĐT ngày 24 tháng 01 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình Trung học cơ sở ở phần Luyện tập. Trong đó, có 2 văn bản quy phạm pháp luật (văn bản 1 và văn bản 4) và 2 VBHC thông thường.
Nhưng 3 văn bản (văn bản 1, 3 và 4) đều được soạn thảo, ban hành trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT–BNV–VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kĩ thuật trình bày văn bản và Thông tư số 01/2011/TT–BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kĩ thuật trình bày văn bản hành chính (hiện nay vẫn còn hiệu lực). Chính vì vậy, những văn bản trên được sử dụng cho học sinh lớp 12 tìm hiểu, thực hành đã không còn phù hợp về thể thức, kĩ thuật trình bày của VBHC với những quy định nói trên. Điều đó rất có thể sẽ dẫn đến hệ quả là khi soạn thảo VBHC, học sinh vẫn sử dụng theo những mẫu không còn phù hợp với quy định hiện hành.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần thay đổi những văn bản nói trên bằng những văn bản mới được ban hành đúng với quy định về thể thức, kĩ thuật trình bày VBHC trong Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT–BNV–VPCP và Thông tư số 01/2011/TT–BNV nói trên.
Kết luận
Để giúp giáo viên và học sinh lớp 12 có thêm tư liệu để giảng dạy và học tập, trong bài viết này, chúng tôi lí giải, bàn luận thêm về khái niệm ngôn ngữ hành chính, đặc trưng cơ bản của Phong cách ngôn ngữ hành chính và về việc hình thành kĩ năng soạn thảo một số văn bản hành chính cho học sinh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bhatia, V. K. (1987), The language of the law, Language Teaching, 20:227 – 234.
2. Đinh Trọng Lạc (Chủ biên), Nguyễn Thái Hoà (1998), Phong cách học tiếng Việt, tái bản lần thứ 3, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Maley, Y. (1994), The language of the law, Language and the Law, Longman, London.
4. Vương Đình Quyền (2006), Lí luận và phương pháp công tác văn thư, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
5. Phạm Tất Thắng (2002), Về các khuôn ngôn ngữ hành chính, Tiếng Việt trong giao tiếp hành chính, NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, tr.17 – 27.
6. Bùi Minh Toán, Lê A, Đỗ Việt Hùng (2009), Tiếng Việt thực hành, tái bản lần thứ 12, NXB Giáo dục, Hà Nội.
7. Nguyễn Thế Truyền (2004), Tìm hiểu tính chính xác của ngôn ngữ luật pháp tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ (số 1), tr.36 – 43.
8. Đoàn Trọng Truyến (1997), Hành chính học đại cương, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.