Qua việc tìm hiểu ngôn ngữ miêu tả ngoại hình hai nhân vật trong truyện ngắn Thằng Hoán, ta thấy, mặc dù, chiếm một tỉ trọng không nhiều, nhưng thành phần ngôn ngữ miêu tả đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng chân dung văn học nhân vật. Cùng với sự quan sát tinh tế, tài năng sáng tạo trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ miêu tả đã giúp Cao Duy Sơn tạo nên những hình tượng nhân vật mang hồn cốt của một vùng sơn cước. Những bức chân dung ấy đã gieo vào lòng người đọc một ấn tượng đầy trăn trở day dứt. Bởi nó không đơn giản chỉ là một bức chân dung ngoại hình nhân vật, mà bên trong nó là cả một bài học lớn về cuộc đời, bằng hình tượng nghệ thuật thẩm mĩ, có sức lay động sâu xa.
NGÔN NGỮ MIÊU TẢ VỚI VIỆC XÂY DỰNG CHÂN DUNG
NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN THẰNG HOÁN
CỦA CAO DUY SƠN
TS. Đỗ Thị Hiên
Viện Ngôn ngữ học
Ngôn ngữ là chất liệu của văn chương. Từ một hệ thống tín hiệu giao tiếp cộng đồng cơ bản, qua sự sáng tạo của người nghệ sĩ, nó trở nên sinh sắc, giàu cảm xúc và chứa đựng giá trị thẩm mĩ. Truyện ngắn là một thể loại tự sự cỡ nhỏ nhưng lại có sức khái quát lớn. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ của những phương tiện truyền thông, giải trí, thì truyện ngắn được coi như một thể loại chủ công trong việc khám phá và cải tạo hiện thực cuộc sống. Vì vậy, việc sử dụng ngôn ngữ trong tác phẩm nói chung và ngôn ngữ trong các đoạn văn miêu tả chân dung nhân vật, luôn được các tác giả hết sức chú ý. Miêu tả cái gì? Tả như thế nào? Là những vấn đề nằm trong ý đồ nghệ thuật của nhà văn.
Nói về vai trò quan trọng của nhân vật trong Một số kinh nghiệm viết văn của tôi, Tô Hoài đã nói một cách hình ảnh như sau: “Đã gọi là viết truyện từ một bút kí đến một truyện dài, dù mỗi thể khác nhau, nhưng cột cái và vật liệu dựng lên nhà ở thì ở đâu cũng giống nhau: tre, gỗ, vôi, cát. Ở một sáng tác chỉ là nhân vật và những vấn đề của nhân vật tức là con người và sự hoạt động trong cuộc đời họ… Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. [2, 75]
Như thế đủ thấy vai trò quan trọng của nhân vật đối với sự tồn tại của tác phẩm trong thời gian và sự ngưỡng mộ của độc giả. Thông qua nhân vật, nhà văn sẽ bộc lộ quan điểm tư tưởng, bộc lộ ý đồ nghệ thuật của mình. Để thấy rõ sức mạnh của ngôn ngữ khi khi tham gia vào hoạt động sáng tác văn chương, trong giới hạn bài viết, chúng tôi xin tìm hiểu vai trò của ngôn ngữ miêu tả với việc xây dựng chân dung nhân vật trong truyện ngắn Thằng Hoán [3], in trong tập Những chuyện ở lũng Cô Sầu của nhà văn Cao Duy Sơn.
Nhân vật thằng Hoán đã được tác giả miêu tả trực tiếp bằng sự quan sát tinh tế, bằng một vốn sống giàu có và hơn hết là bằng một tấm lòng biết trân trọng, nâng niu cái đẹp nằm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi con người và nhất là ở đây cái đẹp đó lại bị che giấu bởi một hình hài xấu xí dị dạng. Là nhân vật chính và có một quá trình biến đổi trong tâm trạng, trong suy nghĩ ở toàn bộ quá trình phát triển của cốt truyện, vì thế, Hoán được tả dàn trải về ngoại hình. Và những đoạn miêu tả về ngoại hình của nhân vật thực sự là những chi tiết quan trọng, giống như “quả đấm nghệ thuật”, để lại những ám ảnh khôn nguôi trong lòng độc giả.
Hoán là một chàng trai có hình thức bên ngoài xấu xí vì anh bị dị tật từ nhỏ. Tuy vậy, bù lại, anh lại có một tấm lòng thơm thảo nhân hậu, một tâm hồn trong trẻo. Nghệ thuật đối lập ở đây đã được tác giả khai thác và sử dụng triệt để. Có thể nói từ đầu đến cuối truyện có đến mười lần tác giả miêu tả về cái hình dạng bề ngoài xấu xí của Hoán nhưng mỗi lần như thế tác giả lại như hé lộ cho ta thấy một khía cạnh mới trong vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật. Và “hai mặt đối lập” ấy xuất hiện trong các đoạn tả như một “cặp phạm trù đối lập” nhưng lại rất thống nhất trong con người Hoán.
Đây là hình ảnh đầu tiên Hoán ra mắt độc giả: “Thằng Mìn chạy một mạch về tới nhà, thấy pa nó đang ngồi đẽo cán búa. Cái lưng gù vồng lên tận gáy của pa nó ướt đầm mồ hôi, đang nhô lên thụt xuống nhịp nhàng theo cánh tay cầm dao, Mìn dừng lại rồi ngồi xuống cạnh pa nó giọng hổn hển:
– Pa ơi, mé về.” [3, 57]
Khi người ta nhìn thấy Hoán với “cái lưng gù vồng lên tận gáy” thì người ta đã thấy anh trong tư thế của một người lao động “ngồi đẽo cán búa”. Cái tư thế ấy đã dấy lên trong lòng người đọc một sự chia sẻ cảm thông, bởi vì bên trong cái hình hài thô mịch đó là cái bản chất hiền lành, chăm chỉ chịu thương chịu khó, một con người lao động, một con người không chịu bó tay trước số phận. Cái bản chất ấy được bộc lộ trong những tình huống khác nhau của truyện.
Nếu như ở đoạn trên tác giả mới chỉ phác qua cái hình dạng và cái tâm tính của Hoán, thì ở đoạn sau, với sự quan sát cụ thể hơn, một anh Hoán bằng xương, bằng thịt với tất cả cái đặc điểm ngoại hình riêng có của anh, đã hiện lên thật sinh động, qua hàng loạt các tính từ có tác dụng như định ngữ bổ sung ý nghĩa cho các danh từ chỉ bộ phận cơ thể: “cái đầu to quá khổ”, “hai bàn chân to bè những ngón toè ra vững chãi”, “thân hình thấp lùn, không cao quá một mét tư”, “cái bóng dị dạng”, “khuôn mặt nặng nề”. Liệt kê các động từ có trong những đoạn văn miêu tả: “bị”, “trĩu”, “đỡ”, “ngắm nhìn”, “quay mình”, “tránh”, “ném vào quá khứ”… ta như thấy hiện lên thật rõ nét một hiện thực cay đắng là số phận đã chất chồng lên người Hoán quá nhiều bất hạnh, tưởng chừng quá sức chịu đựng. Nhưng với một tâm tính thật thà ngay thẳng, một bản chất hiền lành, chịu khó, Hoán biết sống hoà mình với mọi người, có ích cho mọi người. Vì vậy, cái hình hài xấu xí, dị dạng ấy không làm cho mọi người xa lánh sợ hãi, ngược lại, họ thường đến nhà Hoán, nhờ Hoán giúp đỡ. Khách hay lui đến với Hoán thường là lũ trẻ con. Chúng thích chơi với Hoán vì không khi nào Hoán từ chối chúng vì một việc gì, hơn thế với bàn tay khéo léo của mình, Hoán luôn đem tới cho lũ trẻ những niềm vui: “Thứ gì qua đôi tay của Hoán cũng đẹp lên một cách kì lạ”. Hoán không chỉ tốt và hiền với đám trẻ con mà ngay cả với đám người lớn, cả với những kẻ độc mồm độc miệng lấy cái dị tật của Hoán ra làm trò đùa, Hoán cũng chẳng thèm tức giận, nhưng như vậy không có nghĩa là Hoán không có bản lĩnh, không có lòng tự trọng. Hoán có thể tha thứ tất cả, trừ cái việc, cô vợ trẻ đẹp nhưng lại rất lẳng lơ đã rước trai vào ngủ ngay trong nhà của Hoán. Lần đấy Hoán đã tức giận thật sự, Hoán đã trừng phạt kẻ đã “đổ cái thối” vào nhà mình. Tuy nhiên cái vết thương trên tai gã thợ cả rồi sẽ khỏi, nhưng vết thương mà gã đã cứa vào lòng tự trọng và danh dự của Hoán sẽ mãi mãi còn đè lên số kiếp của Hoán: “Hoán đã vứt chiếc đục vào nhà, lững thững bước ra cửa, cái lưng gù vồng lên như đang phải đỡ cái đầu quá tải bỗng nặng nề và cúi thấp hơn mọi ngày”.
Cuộc đời cũng không đến nỗi quá bất công khi đã cho Hoán một đứa con trai. Hơn thế, nó lại còn rất gần gũi và yêu quý pa Hoán. Lần đầu tiên cái u trên cổ Hoán đã làm cho Hoán được sung sướng, vì chính nó đã đem lại niềm vui thích cho đứa con: “Mìn thích nhất là được trèo lên cái lưng bố ngồi trên cái u to như cái u bò”. Nhưng niềm vui được làm bố chưa được bao lâu thì tai hoạ lại đổ xuống đầu Hoán. Khi đứa con trai vừa được 3 tuổi thì mụ vợ hư hỏng lại bỏ hai bố con chạy theo thằng thợ cả năm xưa. Đứa con thơ nhớ mẹ khóc hết nước mắt. Thương con, lòng Hoán đau như xát muối. Rồi mọi chuyện cũng qua đi. Hai bố con đã quen với cuộc sống thiếu vắng Làn Dì, thì hôm nay, thị bỗng đột ngột trở về. Nhưng thị trở về không phải để nói lời xin lỗi mà là để nói với Hoán một sự thật đau lòng: thằng Mìn không phải là con của Hoán! Một lần nữa, việc miêu tả ngoại hình, sự xuất hiện trở lại của hình ảnh cái thân hình dị tật đã giúp nhà văn thể hiện thành công cái nỗi đau đến tận cùng của Hoán: “cái thân thể dị tật đứng chết lặng”. Không phải và không chỉ là “Hoán đứng chết lặng” mà là “cái thân thể dị tật đứng chết lặng”. Thành phần định ngữ “dị tật” bổ sung nghĩa cho “thân thể”, cùng với hình ảnh hoán dụ cái thân thể dị tật đã tạo nên sự cộng hưởng, khiến cho mỗi từ trong câu văn miêu tả như trĩu nặng nỗi xót xa đau đớn.
Đến đoạn tiếp theo, tác giả lại nhấn thêm vào lòng độc giả một tầng sâu hơn về nỗi đau của nhân vật. Vẫn là cái ngoại hình đầy tật nguyền của Hoán “mồ hôi ướt đầm ngực áo. Cái lưng gù gập xuống như sắp gẫy hẳn. Hơi thở như ngừng lại hồi hộp”. Số phận thật bất công, dường như không chịu buông tha Hoán. Bấy nhiêu cay đắng đau khổ trút xuống cái con người dị tật ấy vẫn chưa đủ, giờ đây Hoán chỉ còn mỗi một “mầm sống” cuối cùng là thằng Mìn đứa con trai yêu dấu, vậy mà nó cũng định cướp nốt. Câu chuyên cứ thắt mở, thắt mở làm cho người đọc cũng mấy phen đau đớn, phẫn nộ cùng nhân vật. Hình ảnh “cái lưng gù gập xuống như sắp gẫy hẳn” khiến ta liên tưởng đến cái gánh nặng mà cuộc đời đè lên cái lưng còng của Hoán giờ đây đã quá sức chịu đựng. Hình ảnh đó cùng với tiếng kêu than “thôi thế là hết… Mìn ơi!” là đỉnh điểm của nút truyện. Nhưng cũng chính tại đó câu chuyện lại được mở ra theo một hướng mới. Mặc dù biết pa Hoán không phải là bố đẻ của mình, nhưng thằng Mìn đã chọn Hoán, nó đã ở lại với pa Hoán. Nó đã từ chối không đi theo mẹ, cái con người đã bỏ mặc pa con nó suốt ba năm đằng đẵng trong thiếu thốn, khát thèm tình mẹ. Đoạn văn cuối cùng là hình ảnh chói sáng của lòng nhân. Cái thiện đã chiến thắng. Một cái kết có hậu nhưng nó không đơn giản như trong cổ tích. Nó là cổ tích giữa đời thường. Một cái kết có hâu, có lí được người đọc chấp nhận “tiếng gọi như muốn níu đôi chân bé nhỏ của Mìn đang bước bên một người đàn ông dị tật, có cái đầu quá khổ trĩu về phía trước đang đi cùng với nó vào nhà”.
Trong truyện ngắn Thằng Hoán, còn có một nhân vật nữa được tác giả dành cho nhiều tình cảm, bút lực và miêu tả theo lối dàn trải. Đó là thằng Mìn, đứa con trai của Hoán và Làn Dì. Ở nhân vật này, chi tiết mà tác giả chọn để đặc tả là chi tiết về đôi mắt. Đôi mắt của một đứa bé vừa bảy tuổi đã phải trải qua những bi kịch cay đắng của cuộc đời. Một bi kịch cay đắng nhất đối với bất cứ một đứa trẻ nào: cha mẹ chia tay nhau, hạnh phúc gia đình bị tan vỡ. Tác giả đã đặt nhân vật vào những tình huống căng thẳng nhất để ở đó nhân vật bộc lộ thái độ, tình cảm của mình. Có ba đoạn văn trong đó tác giả miêu tả đôi mắt của cậu bé, nhưng có đến 5 lần thể hiện những trạng thái biến đổi từ ánh nhìn của cậu.
Đoạn văn thứ nhất: “Thằng nhỏ lùi lại, đôi mắt ráo hoảnh nhìn người đàn bà đang chìa hai tay ra phía trước như van xin. Đôi má có những vết nhăn mờ của bà ta đọng hai hàng lệ. Thằng nhỏ bỗng cụp mắt xuống, nó quay đầu chạy về bản” [3, 57]. Đoạn văn có sự kết hợp miêu tả giữa tính chất động và tĩnh đã thể hiện thật tinh tế những diễn biến tình cảm của cậu bé qua ánh mắt. Đầu tiên, nhìn thấy người đàn bà tự xưng là “mé”, cậu cũng hơi ngỡ ngàng, nhưng rồi cậu cũng nhớ ra đây chính là mẹ của mình. Đồng thời cậu cũng nhớ lại chính bà ta đã bỏ mặc bố con cậu trong ngôi nhà rách nát đi bặt tăm cho đến tận bây giờ. Trong trí não trẻ thơ của cậu, chưa có những khái niệm “ngoại tình”, “bồ bịch”, “theo trai”… đơn giản chỉ là cậu đã không thể hiểu nổi vì sao mẹ cậu đã bỏ cậu đi lâu như thế mà cậu thì lại nhớ mẹ vô cùng. Cậu đã nhìn bà ta bằng con mắt “ráo hoảnh”. Nhưng đó cũng chỉ là sự giận hờn của một cậu bé vừa bảy tuổi. Cái lứa tuổi mà mọi cái đều rất dễ thay đổi. Điều quan trọng hơn là cái bản năng của một đứa trẻ đã thức dậy trong cậu bé. Cậu cần có mẹ, khát khao được chạy ào vào vòng tay êm ấm của mẹ để được âu yếm, vuốt ve. Tất cả những cái đó khiến cậu sẵn sàng tha thứ cho mọi sai lầm của mẹ. Vì vậy, khi nhìn thấy: “đôi má có những vết nhăn mờ của bà ta đọng hai hàng lệ”, cặp mắt của cậu đã “cụp xuống”. Bằng sự quan sát tinh tế, với một tâm hồn rất nhạy cảm, đặc biệt với thế giới tâm hồn đầy phức tạp của trẻ thơ, tác giả đã thể hiện thật sát thực diễn biến tình cảm phức tạp của cậu bé.
Đến đoạn tiếp theo, tình cảm của cậu bé lại có thêm những diễn biến mới. Vẫn qua những lời văn miêu tả về đôi mắt: “Thằng Mìn với lấy cái cặp sách treo sát vách, lững thững đi ra cửa. Nó bỗng dừng lại đôi mắt mở to lo lắng như muốn nói thêm điều gì nữa, nhưng nó thấy bố nó im lặng khác thường nó bèn đi thẳng” [3, 73]. Viết được những dòng này ngòi bút sắc sảo của tác giả đã luồn sâu vào tâm hồn đầy vi diệu phức tạp của cậu bé. Nhưng sắc sảo mà không vô tình, luồn sâu khám phá mà không thô bạo. Với một tấm lòng tràn đầy yêu thương con trẻ, những trang miêu tả của tác giả vừa thuyết phục lại vừa gây xúc động lòng người. Nhân vật thằng Mìn chỉ là nhân vật phụ và những chi tiết về “đôi mắt” của nó cũng xuất hiện không nhiều nhưng thực sự nó đã để lại nỗi ám ảnh dai dẳng trong lòng độc giả. Cái “đôi mắt”, “mở to”, “lo lắng” của thằng Mìn đúng là cái “cửa sổ tâm hồn” qua đó ta thấy được tấm lòng vị tha nhân hậu của cậu bé. Hẳn trước khi đi học, cậu rất muốn biết là bố có tha thứ cho mẹ hay không...? Có biết bao điều tác giả muốn nói thông qua đôi mắt ấy của cậu bé. Chúng ta dù có tức giận bao nhiêu với những lỗi lầm của Làn Dì, thì lúc này hẳn cũng sẽ đồng tình với cậu. Nhưng cũng thật bất ngờ vào phút cuối cùng, cậu đã nhìn lại người mẹ của mình bằng cặp mắt ráo hoảnh ban đầu. Chỉ qua một đoạn văn mà ta thấy 4 sắc thái, 4 biểu hiện tâm lí tình cảm khác nhau qua biến thái của đôi mắt: “Làn Dì ôm chặt lấy thằng Mìn định đứng dậy, đột nhiên nó gỡ tay Làn Dì duỗi người xuống đất. Đôi mắt nó ráo hoảnh, nhìn Làn dì chăm chăm ngạc nhiên hỏi:
– Pa nào nữa? Sao lại có hai pa?
Làn Dì chết lặng cổ họng tắc nghẹn chưa biết phải trả lời con ra sao thì thằng Mìn bỗng lùi lại sợ hãi. Đôi mắt nó đỏ nọc nó quay người bước về phía Hoán. Thấy pa nó đứng rũ xuống như một cái xác bất động, tay nắm chặt ngọn tre đầy gai, từ hai khoé mắt nó bỗng trào ra hai hàng lệ mặn chát.” [3, 77].
Điều gì đã xảy ra trong cái tâm hồn còn rất ngây thơ, trong trắng của cậu bé? Cậu còn đang được ôm chặt trong vòng tay âu yếm của mẹ, hẳn phải là sung sướng? Vậy mà cậu lại “gỡ tay Làn Dì, duỗi người xuống đất”? Đoạn văn gieo vào lòng người đọc hàng loạt câu hỏi cần có lời giải đáp. Một lần nữa vẫn qua những biến thái ánh nhìn từ đôi mắt của cậu bé, tác giả đã mở ra cái diễn biến tâm trạng tưởng chừng rất khó hiểu nhưng lại rất sâu nặng ân tình của cậu, một đứa trẻ vừa bước vào tuổi cắp sách đến trường. Đã ba năm rồi cậu khao khát tình mẹ, cậu đã mong đợi biết bao nhiêu giờ phút được lọt thỏm vào lòng mẹ như lúc này. Nhưng đồng thời với sự dịu dàng ấm áp vừa được cảm nhận từ đôi bàn tay mẹ thì thằng Mìn lại như bị chính bàn tay ấy ném thẳng xuống vực sâu bằng những lời nói vô cùng độc ác: “con quỷ này không phải là pa con? Pa con là người khác kia!” Mìn không thể hiểu và không thể chấp nhận được điều đó. Từ trước cho đến bây giờ cậu chỉ có một pa Hoán, người đã dành tất cả sự yêu thương chăm sóc cho cậu và cũng là người mà cậu rất mực yêu quý. Chính vì vậy mà từ chỗ cặp mắt “mở to nhìn bố lo lắng” như muốn cầu xin bố tha thứ cho mẹ để mẹ được về nhà thì giờ đây cậu đã nhìn mẹ bằng cặp mắt “ráo hoảnh”, một cái nhìn vô cảm, dửng dưng. Mọi tình cảm tốt đẹp dành cho mẹ vừa được nhen lên giờ đây đã tắt ngấm. Hơn thế, trong cái nhìn “chăm chăm” vào người mẹ còn thể hiện một điều, cậu không thể hiểu nổi tại sao cái con người vừa nói những lời nói độc địa kia lại là mẹ của cậu. Và khi bà ta đã không trả lời được câu hỏi rất ngây thơ, con trẻ nhưng lại rất đúng của cậu: “pa nào nữa? Sao lại có hai pa?” thì thằng Mìn thực sự ghê sợ bà ta. Vừa “sợ hãi” vừa tức giận nên “đôi mắt nó đỏ nọc”. Và, điều phải xảy ra đã xảy ra “Nó quay người bước về phía Hoán”. Thằng Mìn đã quyết định ở lại với pa, không đi theo mẹ. Điều đó đồng nghĩa với việc từ chối cuộc sống đầy đủ, ăn ngon mặc đẹp và có mẹ để chọn lấy cuộc sống thiếu thốn, nhưng được ở với người cha. Một quyết định không phải dễ gì chấp nhận đối với những đứa trẻ khác cùng trang lứa và những bạn đọc khó tính. Nhưng hãy đọc đoạn văn bằng một trái tim biết hoà đồng nhịp đập với trái tim của nhân vật, ta lại thấy đấy là những dòng chữ đầy xúc động, trước hết là ở tính chân thực của nó, mới thấy rằng quyết định của cậu bé là thật đúng đắn. Trong trái tim của thằng Mìn chỉ có pa Hoán là người yêu thương nó, đem lại niềm vui cho nó. Nó đã từng được sống yên ổn trong tình yêu thương của pa trong những ngày mẹ nó bỏ đi. Nó đã từng sống không có mẹ nhưng không thể thiếu pa. cho nên vẫn là “đôi mắt” “ráo hoảnh” nhìn người mẹ tội lỗi, nhưng khi “thấy pa nó đứng rũ xuống như một cái xác bất động” do phải nghe những lời cay độc từ người đàn bà kia thì từ “hai khoé mắt nó bỗng trào ra hai hàng lệ mặn chát”. Những giọt nước mắt của đứa trẻ tội nghiệp đã rơi vào lòng độc giả gây nên một nỗi xót xa, nhức nhối.
Miêu tả ngoại hình thằng Mìn qua đặc tả những biểu hiện từ đôi mắt, tác giả đã xây dựng lên một hình tượng nghệ thuật, một nhân vật có giá trị về nội dung và nghệ thuật cao. Mìn chỉ là một đứa trẻ nhưng trong cách miêu tả của mình, tác giả đã gắn vào đó những ý đồ tư tưởng nghệ thuật lớn. Măc dầu vậy tác giả vẫn không bị sa vào cách miêu tả duy lí, gò bó, ta vẫn thấy đây là một đứa trẻ với những giận hờn con trẻ và những quyết định dù là theo sự sắp đặt của tác giả, vẫn rất phù hợp với thế giới tâm hồn và tình cảm của một đứa bé.
Tóm lại, qua việc tìm hiểu ngôn ngữ miêu tả ngoại hình hai nhân vật trong truyện ngắn Thằng Hoán, ta thấy, mặc dù, chiếm một tỉ trọng không nhiều, nhưng thành phần ngôn ngữ miêu tả đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng chân dung văn học nhân vật. Cùng với sự quan sát tinh tế, tài năng sáng tạo trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ miêu tả đã giúp Cao Duy Sơn tạo nên những hình tượng nhân vật mang hồn cốt của một vùng sơn cước. Những bức chân dung ấy đã gieo vào lòng người đọc một ấn tượng đầy trăn trở day dứt. Bởi nó không đơn giản chỉ là một bức chân dung ngoại hình nhân vật, mà bên trong nó là cả một bài học lớn về cuộc đời, bằng hình tượng nghệ thuật thẩm mĩ, có sức lay động sâu xa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Thu Hà (1999), Các dạng văn miêu tả, Tạp chí Trung học phổ thông, số 25, tr.1 – 2.
2. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên) (1986), Các nhà văn nói về văn, tập 2, NXB Tác phẩm mới.
3. Cao Duy Sơn (1996), Những truyện ở lũng Cô Sầu (Tập truyện ngắn), NXB Quân đội nhân dân.