Ngôn ngữ

SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT TRONG CÁCH XÁC ĐỊNH TỪ VÀ HÌNH VỊ TIẾNG ViỆT CỦA NGUYỄN TÀI CẨN VÀ CAO XUÂN HẠO


14-10-2020
Tác giả: GS.TS. Nguyễn Thiện Giáp

Giải thuyết của Nguyễn Thiện Giáp đã chứng tỏ rằng tuy mỗi ngôn ngữ có bản sắc riêng, nhưng giữa chúng vẫn có những đặc điểm chung. Một mặt cần phải làm nổi rõ bản sắc của tiếng Việt, nhưng mặt khác nên xuất phát từ những đặc điểm chung của tiếng Việt với các ngôn ngữ khác để miêu tả tiếng Việt. Đấy cũng là một phương cách để hoà nhập cùng thế giới.

SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT

TRONG CÁCH XÁC ĐỊNH TỪ VÀ HÌNH VỊ TIẾNG ViỆT

CỦA NGUYỄN TÀI CẨN VÀ CAO XUÂN HẠO

                                         GS.TS. Nguyễn Thiện Giáp

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội

 

1. Cảm hứng để viết bài này là tình trạng nhiều sinh viên, học viên cao học, thậm chí cả một số nghiên cứu sinh có nhận thức sai lầm rằng Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo và Nguyễn Thiện Giáp cho âm tiết của tiếng Việt trùng với hình vị và từ. Có người còn viết: Nguyễn Thiện Giáp cho âm tiết là từ của tiếng Việt, đó là một ngộ nhận sai về nhiều phương diện.

2. Để làm sáng tỏ quan điểm của Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo và Nguyễn Thiện Giáp về từ và hình vị tiếng Việt, trước hết cần nhắc lại những quan niệm khác nhau về từ và hình vị trong ngôn ngữ học đại cương.

Như ta biết, trong ngôn ngữ học có ba quan niệm khác nhau về hình vị (morpheme). Quan niệm thứ nhất coi hình vị là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của từ. Từ chưa phải là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ. Nếu phân tích từ thành những bộ phận nhỏ hơn ta thu được các hình vị. Định nghĩa hình vị của Baudouin de Courtnay thường được dẫn làm minh hoạ cho quan điểm này: “Chuỗi lời nói chia ra câu hay mệnh đề, câu chia ra thực từ, từ chia ra hình vị. Như vậy, hình vị là bộ phận của từ và là bộ phận có nghĩa nhỏ nhất”. Theo quan điểm này hình vị không phải là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ, mà từ mới là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ. Hình vị chỉ bao gồm chính tố và các phụ tố ở trong từ.

Quan niệm thứ hai coi hình vị là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ. Đây là quan niệm của ngôn ngữ học cấu trúc Mĩ. L. Bloomfield viết: “Hình vị là một nhát cắt âm thanh nhỏ nhất có sự tương ứng giữa âm và nghĩa, phân biệt được với nhát cắt khác cũng là hình vị; hình vị là hình thức ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa”. Theo quan điểm này, hình vị không chỉ bao gồm các chính tố, các phụ tố mà còn bao gồm cả các hư từ như in, of, and,… và các từ đơn như, man, house, room,… Đối với Ngôn ngữ học cấu trúc Mĩ, hình vị là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ. Với họ, ngôn ngữ gồm ba bậc cơ bản là: âm vị, hình vị và kết cấu. Kết cấu có thể chia ra kết cấu cố định và kết cấu tự do; kết cấu cố định có thể bao gồm cả từ ghép và cụm từ cố định; kết cấu tự do bao gồm đoản ngữ và câu. Tất cả đều được miêu tả bằng thủ pháp phân tích thành tố trực tiếp.

Quan niệm thứ ba về hình vị có nội dung rộng hơn cách hiểu thứ nhất nhưng lại hẹp hơn cách hiểu thứ hai, đó là: “Hình vị là đơn vị có nghĩa nhỏ nhất của ngôn ngữ không được sử dụng độc lập về mặt cú pháp”. Nội dung khái niệm độc lập cú pháp bao gồm: có thể dùng trong lời nói mà không cần đơn vị có nghĩa khác đi kèm, có khả năng hoàn thành chức năng làm thành phần câu. Theo quan điểm này, hình vị bao gồm chính tố, phụ tố, các từ hư nhưng không bao gồm các từ đơn. Những người theo quan điểm này vẫn coi từ là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ.

3. Nguyễn Tài Cẩn gọi hình vị tiếng Việt là tiếng và ông coi tiếng là đơn vị gốc của ngữ pháp tiếng Việt. Như vậy, có thể khẳng định Nguyễn Tài Cẩn theo quan niệm thứ hai về hình vị – quan niệm của ngôn ngữ học cấu trúc Mĩ.

Về mặt chất liệu, hình vị trong các ngôn ngữ châu Âu có thể là âm tố, âm tiết hoặc lớn hơn âm tiết, nhưng Nguyễn Tài Cẩn cho rằng hình vị tiếng Vịệt trùng với âm tiết, nghĩa là âm tiết nào cũng có thể là hình vị. Chính vì thế ông mới gọi là tiếng, hoặc hình tiết, chứ không gọi là hình vị.

Thực ra, để có thể coi âm tiết trùng với hình vị, Nguyễn Tài Cẩn đã không tuân thủ hoàn toàn cái quan niệm về hình vị trong ngôn ngữ học đại cương. Cả ba quan niệm về hình vị đã trình bày ở trên đều thừa nhận hình vị là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa, nhưng Nguyễn Tài Cẩn lại định nghĩa hình vị như sau: “Hình vị là đơn vị nhỏ nhất, đơn giản nhất về mặt tổ chức mà lại có giá trị về mặt ngữ pháp”1. Sở dĩ Nguyễn Tài Cẩn làm như vậy vì ông thấy có những liên tố như –o– ở trong từ паровоз (đầu máy xe lửa) của tiếng Nga (пар = hơi nước, воз = kéo, –o– = hình vị chỉ có tác dụng nối hình vị пар với hình vị воз). Các nhà ngôn ngữ học không phải không biết đến các hình vị nối, nhưng vì số lượng của các hình vị nối rất ít (trong tiếng Nga có hai lien tố là –o– và
–e–) nên không thể căn cứ vào đó mà thay đổi quan niệm về hình vị. Thay đổi định nghĩa về hình vị để mở đường cho việc chấp nhận tất cả những âm tiết vô nghĩa trong các từ phiên âm tiếng nước ngoài như may ô, ô tô, pê ni xi lin,… cũng là hình vị như Nguyễn Tài Cẩn đã làm là có phần khiên cưỡng, là đã biến đặc trưng không điển hình thành đặc trưng điển hình.

Nguyễn Tài Cẩn không đồng nhất tiếng là từ mà chỉ những tiếng độc lập mới được coi là từ. Cách phân  ra hai loại tiếng độc lập và tiếng không độc lập cũng giống với cách chia ra hai loại hình vị tự do và hình vị ràng buộc của L. Bloomfield. Như vậy, tính độc lập/không độc lập được Nguyễn Tài Cẩn coi là tiêu chuẩn để phân biệt từ và hình vị.

Cũng giống như ngôn ngữ học cấu trúc Mĩ, các đơn vị do tiếng kết hợp với tiếng mà thành được Nguyễn Tài Cẩn gọi chung là kết cấu. Kết cấu lại được chia thành kết cấu cố định và kết cấu tự do. Kết cấu cố định có thể là từ, có thể là cụm từ cố định, Nhìn nhan đề của cuốn sách (Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ) ta thấy ngay dụng ý của Nguyễn Tài Cẩn: Tiếng là đơn vị gốc của ngữ pháp tiếng Việt; từ ghép là thuộc các kết cấu cố định; đoản ngữ thuộc các kết cấu tự do. Sinh thời, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cho rằng người viết bài này đã hiểu đúng ông khi viết: “Nguyễn Tài Cẩn không đặt cho mình nhiệm vụ định nghĩa từ của tiếng Việt, mà chỉ cố gắng chứng minh tính cố định của những kết cấu thường được gọi là từ mà thôi”2.

Cần lưu ý rằng cái thuật ngữ “từ ghép” của Nguyễn Tài Cẩn có nội hàm không giống với thuật ngữ “từ ghép” của các nhà Việt ngữ học khác. Từ ghép của Nguyễn Tài Cẩn là một loại kết cấu cố định, mà kết cấu cố định thì bao hàm cả những đơn vị thường được gọi là thành ngữ, cụm từ cố định nữa. Ranh giới của cái gọi là từ ghép với cụm từ cố định ở đâu thì Nguyễn Tài Cẩn không nói đến. Phải chăng khái niệm từ ghép bao hàm cả cụm từ cố định rồi?

4. Cao Xuân Hạo là người cực lực chống lại xu hướng “dĩ Âu vi trung”. Ông cho rằng nhiệm vụ của người nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt là tìm hiểu và trình bày một cách hiển ngôn những tri thức mà người bản ngữ có được một cách mặc nhiên để nói tiếng Việt như họ vẫn nói hàng ngày. Ông nhiệt thành ủng hộ quan điểm hình vị trùng với âm tiết của Nguyễn Tài Cẩn. Nhưng, đi xa hơn, ông tìm hiểu cách tổ chức cái hệ tôn ti của các đơn vị mang nghĩa và của các quy tắc cú pháp của tiếng Việt khác với cơ chế của các ngôn ngữ Âu châu như thế nào. Cao Xuân Hạo viết: “Về phương diện tâm lí ngôn ngữ học đơn vị tiếng trong tiếng Việt còn một vị trí tương đương với từ trong các ngôn ngữ châu Âu: nếu trong các ngôn ngữ này đơn vị được người bản ngữ phân xuất và nhận diện một cách rõ ràng nhất là từ, thì trong tiếng Việt đơn vị đó là tiếng”3. Nếu Nguyễn Tài Cẩn dựa vào tiêu chuẩn “độc lập/không độc lập”phân biệt tiếng độc lập với tiếng không độc lập và chỉ coi là từ những tiếng độc lập mà thôi, thì Cao Xuân Hạo dường như coi mỗi tiếng là một từ. Như vậy, với Cao Xuân Hạo âm tiết trùng với hình vị và trùng cả với từ. Cái tiêu chuẩn “độc lập/không độc lập” được Cao Xuân Hạo gọi là “tự do/ràng buộc”. Theo ông, cái chuẩn tắc tự do/ràng buộc “không thể có liên quan tất yếu gì với cương vị ngôn ngư học của từ. Cũng như nhiều chuẩn tắc khác được vận dụng trong ngữ học miêu tả, nó không hề được diễn dịch ra từ một công lí nào được coi là cơ bản đối với bản chất tín hiệu học, đối với chức năng giao tế của ngôn ngữ, đối với cách tổ chức hệ tôn ti của các đơn vị ngôn ngữ học. Nếu tính “tự do”có thể coi là một hiệu quả không tất yếu nhưng thông thường của cương vị và cách hoạt động của từ và của các tổ hợp từ (đúng ra nó là thuộc tính của ngữ), thì mặt khác ta khó lòng mà hiểu nổi tại sao tính “ràng buộc” lại có thể làm cho một từ mất cái cương vị mà nó có được do những thuộc tính thực sự ngôn ngữ học, những thuộc tính chức năng và cấu trúc, thực sự chi phối cảm thức và hành vi ngôn ngữ của người bản ngữ”4.

      Đi xa hơn nữa, Cao Xuân Hạo còn coi mỗi tiếng là một âm vị.  Trong bài báo The Problem of the Phoneme in Vietnamese (Vietnamese Studies no. 40, 96 – 123) và trong cuốn sách Phonologie et linéarité: réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine5 (Société d’Études Linguistiques et Anthropogiques de France, Paris, 1986), Cao Xuân Hạo đã chứng minh rằng trong tiếng Việt đơn vị có cương vị ngôn ngữ học của âm vị là tiếng chứ không phải là âm tố như trong các ngôn ngữ Âu châu. Theo ông, sở dĩ người ta thấy có thể phân tích tiếng ra thành nhiều âm vị là vì trong người học hiện thời âm vị được định nghĩa bằng những thuộc tính phi ngôn ngữ học. Hơn nữa những thuộc tính ấy chỉ có trong cảm giác của người nói tiếng châu Âu, chứ không thể có trong thực tế: các âm tố cùng một âm tiết đều thực hiện đồng thời hoặc gần đồng thời, trong khi các nét khu biệt của một âm vị thường kế tiếp nhau, ít nhất là trên bình diện âm học – như hàng ngàn cuộc thí nghiệm trong mấy chục năm nay đã cho thấy. Từ đó, ông đi đến kết luận: “Trong tiếng Việt, tiếng vừa là âm vị, vừa là hình vị, vừa là từ, và nếu ta có thể hình dung một ngôn ngữ Âu châu như một cơ chế hoạt động trên ba cái trục chính – âm vị, hình vị và từ, thì tiếng Việt dường như gộp ba cái trục ấy lại làm một: cái trục hợp nhất ấy là tiếng6.

       Như vậy, thuật ngữ tiếng của Nguyễn Tài Cẩn chỉ thể hiện đặc trưng của hình vị tiếng Việt là trùng với âm tiết – với đặc trưng này hình vị tiếng Việt còn được gọi là hình tiết. Còn thuật ngữ tiếng của Cao Xuân Hạo thì dường như là một “đặc sản” của tiếng Việt: cái đơn vị có chất liệu là âm tiết trong tiếng Việt có thể hoạt động với tư cách vừa là từ, vừa là hình vị, vừa là âm vị. Chính điều này mà người ta nói đến hiện tượng “một thể ba ngôi” trong tiếng Việt.

5. Thoạt nhìn, người ta cũng thấy, dường như Nguyễn Thiện Giáp cũng quan niệm từ tiếng Việt trùng với hình vị và âm tiết như Nguyễn Tài Cẩn. Có người còn nghĩ rằng Nguyễn Tài Cẩn thì coi âm tiết trùng với hình vị, Nguyễn Thiện Giáp thì cực đoan hơn coi âm tiết không chỉ trùng với hình vị mà còn trùng với từ. Nhận định như thế là một sự ngộ nhận. Từ chiều sâu lí luận, quan điểm của Nguyễn Thiện Giáp khác hẳn quan điểm của Nguyễn Tài Cẩn và Cao Xuân Hạo.

      Trước hết, nếu như Nguyễn Tài Cẩn coi hình vị là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ thì Nguyễn Thiện Giáp coi từ mới là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ. Về phương diện này, quan điểm của Nguyễn Thiện Giáp giống với quan điểm của Nguyễn Kim Thản, Đỗ Hữu Châu và nhiều nhà Việt ngữ học khác. Khi xác định từ trong tiếng Việt, Nguyễn Thiện Giáp theo quan điểm toàn diện, nghĩa là căn cứ vào nhiều mặt khác của từ: mặt ngữ âm, mặt chính tả, mặt ngữ pháp, mặt ngữ nghĩa. Đã theo quan điểm toàn diện thì chỉ những tiếng như: bàn, ghế, đi, cười, đẹp, tốt,… mới được coi là từ, những đơn vị từ vựng do tiếng kết hợp với tiếng mà thành như xe đạp, máy tiện không coi là từ7. Và do đó từ tiếng Việt được định nghĩa như sau: “Từ tiếng Việt là đơn vị có nghĩa nhỏ nhất, có tính hoàn chỉnh và khả năng tách biệt khỏi các đơn vị khác; nó có hình thức một âm tiết, một chữ viết liền”8.

Nếu quan niệm hình vị là đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ thì từ tiếng Việt trùng với hình vị, và như vậy cũng có thể nói từ tiếng Việt trùng với hình vị và âm tiết. Ấy thế nhưng không phải âm tiết nào cũng là từ và hình vị. Những âm tiết vô nghĩa không thể được coi là từ, càng không thể được coi là hình vị. Đó là điểm khác biệt giữa Nguyễn Thiện Giáp với Nguyễn Tài Cẩn và Cao Xuân Hạo. Trong hệ thống miêu tả của Nguyễn Thiện Giáp, những tổ hợp gồm các tiếng vô nghĩa như: a xít, may ô, bù nhìn, cà phê,… được xếp riêng thành một loại, gọi là những từ ngữ phản quy tắc.

Bên cạnh các từ, trong thành phần từ vựng của bất cứ ngôn ngữ nào cũng có những đơn vị từ vựng do các từ cấu tạo nên, thường được gọi là thành ngữ hay cụm từ cố định. Những đơn vị này cũng được thu thập và giải thích trong các từ điển như các từ. Nguyễn Thiện Giáp gọi chung những đơn vị từ vựng do tiếng kết hợp với tiếng mà thành là ngữ. Ngữ là những cụm từ sẵn có trong tiếng Việt, có giá trị tương đương với từ, có nhiều đặc điểm giống với từ:

-      Chúng có thể tái hiện trong lời nói như các từ;

-      Chúng có thẻ làm thành phần câu, tức là có tính độc lập về cú pháp;

-      Chúng có thể biểu hiện những hiện tượng của thực tế khách quan, gắn liền với các hoạt động khác nhau của con người.

Trong tiếng Việt cũng như trong mọi ngôn ngữ khác đều có hiện tượng các từ tham gia cấu tạo các đơn vị từ vựng phức tạp hơn trong quá trình sử dụng bị mờ nghĩa, trống nghĩa. Sở dĩ có hiện tượng này vì trong giao tiếp người ta chỉ chú ý tới ý nghĩa hoàn chỉnh thực tại của đơn vị chứ không chú ý đến ý nghĩa của từng thành tố. Hơn nữa, đã nằm trong tổ hợp từ thì ít nhiều từ đã mất tính độc lập. Do sự đối lập về nghĩa, có những từ còn không được dùng độc lập nữa. Nhiều thành tố của các cụm từ cố định, các thành ngữ trong các ngôn ngữ có hiện tượng mờ nghĩa, trống nghĩa nhưng không vì thế mà người ta không coi chúng là từ.

 Trong việc nhận diện từ, yêu cầu không phải là phát hiện được một thuộc tính tự thân khá chuyên biệt mà là phải xác định toàn bộ những đặc trưng khu biệt riêng rẽ có thể có, tiêu biểu đối với từ. Những cấu tạo có tất cả những nét khu biệt chính là những từ điển hình, những từ có tính chất từ nhất. Nhưng cấu tạo khác, mặc dù thiếu hàng loạt những đặc trưng vốn có đối với các từ điển hình, nhưng chúng vẫn là các từ, miễn là chúng có một số tối thiểu nhất định các đặc trưng của từ. Tất nhiên, đối với mỗi kiểu từ khác nhau, số tối thiểu các đặc trưng có thể là khác nhau, nhưng với tính cách  một tổng thể của những đặc trưng nhất định thì nó hoàn toàn không có đối với các đơn vị ngôn ngữ học khác.

Nhìn chung, Nguyễn Thiện Giáp cũng ghi nhận tất cả các đơn vị từ vựng như các nhà Việt ngữ học khác: từ, từ ghép, từ láy, thành ngữ, quán ngữ. Chỗ khác nhau chỉ là các nhà Việt ngữ học khác nhập từ, từ ghép, từ láy thành một phạm trù từ, đối lập với phần còn lại là cụm từ (cố định); còn Nguyễn Thiện Giáp thì nhận thấy những đơn vị được gọi là từ láy, từ ghép giống với các đơn vị được gọi là thành ngữ và cụm từ cố định hơn. Vì thế, Nguyễn Thiện Giáp chỉ coi những đơn vị từ vựng có vỏ ngữ âm trùng với âm tiết mới là từ của tiếng Việt, tất cả những đơn vị từ vựng có chất liệu lớn hơn âm tiết đều là ngữ.

Giải thuyết của Nguyễn Thiện Giáp chẳng những phù hợp với lí luận của ngôn ngữ học đại cương mà còn phù hợp với truyền thống ngữ văn của ta từ trước tới nay. Trước hết là truyền thống từ điển học lấy tự (chữ) làm đơn vị cơ sở để miêu tả và giải thích. Thứ hai là truyền thống văn học lấy tiếng làm cơ sở của cách chơi chữ, hiệp vần. Về mặt thực tiến, giải thuyết này đã góp phần làm sáng tỏ hơn đặc điểm loại hình của tiếng Việt và bản chất của quá trình Việt hoá từ ngữ tiếng Việt. Về mặt giáo dục, giải thuyết của Nguyễn Thiện Giáp có thể bỏ bớt những khái niệm không cần thiết khi dạy tiếng Việt cho học sinh, đồng thời lại kích thích việc tìm hiểu ý nghĩa của những từ mờ nghĩa, trống nghĩa. Giải thuyết của Nguyễn Thiện Giáp tránh được hiện tượng không nhất quán, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn mà các giải thuyết khác mắc phải.

Cuối cùng, giải thuyết của Nguyễn Thiện Giáp đã chứng tỏ rằng tuy  mỗi ngôn ngữ có bản sắc riêng, nhưng giữa chúng vẫn có những đặc điểm chung. Một mặt cần phải làm nổi rõ bản sắc của tiếng Việt, nhưng mặt khác nên xuất phát từ những đặc điểm chung của tiếng Việt với các ngôn ngữ khác để miêu tả tiếng Việt. Đấy cũng là một phương cách để hoà nhập cùng thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Nguyễn Tài Cẩn (1975), Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H.

2.   Cao Xuân Hạo (1999), Tiếng Việt: mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Giáo dục,

3.   Cao Xuân Hạo (2001), Âm vị học và tuyến tính: Suy nghĩ về những định đề của âm vị học đương đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội,

4.   Nguyễn Thiện Giáp (1999), Từ vựng học tiếng Việt, NXB Giáo dục.

5. Nguyễn Thiện Giáp (2011), Vấn đề “từ”trong tiếng Việt, NXB Giáo dục Việt Nam


1 Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1975, tr.11

2 Nguyễn Thiện Giáp, Vấn đề “từ” trong tiếng Việt, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.60

3 Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt: mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục, 1999, tr.182

4 Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt: mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục, 1999, tr.185

5 Cuốn sách này đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam: Cao Xuân Hạo, Âm vị học và tuyến tính: Suy nghĩ về những định đề của âm vị học đương đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001

6 Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt: mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục, 1999, tr.210

7 Nguyễn Kim Thản, Đỗ Hữu Châu và nhiều nhà Việt ngữ học khác cũng coi từ là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ và khi xác định từ của tiếng Việt họ cũng tuyên bố theo quan điểm toàn diện. Nhưng việc coi những đơn vị do tiếng kết hợp với tiếng mà thành như xe đạp, cà chua,... cũng là từ chứng tỏ các nhà Việt ngữ học này đã rời xa quan điểm toàn diện, những đơn vị được họ coi là từ chỉ thoả mãn tiêu chuẩn của từ hoàn chỉnh và từ từ điển học mà thôi. Hơn nữa, nhiều tổ hợp cũng có tính hoàn chỉnh và tính thành ngữ như xe đạp, cà chua,... lại không được các tác giả này cho là từ, chẳng hạn: nước đổ lá khoai,xanh vỏ đỏ lòng,…

8 Nguyễn Thiện Giáp, Vấn đề “từ” trong tiếng Việt, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.125

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020