Ngôn ngữ

Từ "đây" trong tiếng Việt nhìn từ ba bình diện: Kết học - Nghĩa học - Dụng học


14-10-2020
Tác giả: TS. Nguyễn Hồng Ngân

Từ đây trong tiếng Việt là một từ loại khá đặc biệt, vừa là đại từ vừa là tình thái từ. Xem xét đây trên ba bình diện Kết học – Nghĩa học – Dụng học, bài viết muốn đi sâu nghiên cứu tất cả các vai trò của đây trên phương diện tĩnh và động, từ đó, một mặt chỉ ra đặc điểm riêng của từ đây đồng thời khẳng định sự đúng đắn của lí thuyết ba bình diện – một lí thuyết giúp cho nhiều đơn vị ngôn ngữ bộc lộ được hết vai trò của mình trong hoạt động ngôn ngữ.

1.Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập nên việc phân định từ loại còn gặp một số khó khăn. Mặc dù đã có bộ tiêu chí phân loại khá rõ ràng và hiệu quả được “đúc kết” qua gần một thế kỉ nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt của các nhà ngôn ngữ học nhưng cho đến nay chúng ta không khỏi “lúng túng” khi bắt gặp không ít các trường hợp là từ trung gian hay trường hợp “nhất đa từ loại”, tức là cùng một vỏ âm thanh nhưng mang đặc điểm của các từ loại khác nhau. Từ đây trong tiếng Việt là một trong nhiều từ như thế.

Nhìn từ địa hạt ngữ pháp, đây là một từ có bản chất “đa từ loại”, mang tính trung gian giữa thực từ và hư từ, được dùng khá phổ biến trong đời sống hàng ngày nhưng lại ít được các nhà ngôn ngữ chú ý. Nhìn từ lí thuyết Tín hiệu học (Semiotics), đây là một đơn vị ngôn ngữ tức là một tín hiệu đặc biệt cần được nghiên cứu từ ba bình diện Kết học (Syntactics) – Nghĩa học (Semantics) – Dụng học (Pragmatics). Bài viết này áp dụng những kết quả nghiên cứu của lí thuyết ba bình diện để đi sâu khai thác từ đây nhằm cung cấp một cái nhìn tương đối toàn diện về từ loại khá đặc biệt này.

2. Như trên đã nói, đây vốn có bản chất “đa từ loại”. Trong Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê xác định, đây mang đặc điểm của hai từ loại là đại từ (đại từ xưng hô, đại từ chỉ định) và trợ từ. Trong quá trình phân chia từ loại tiếng Việt, các nhà ngữ pháp học thường “bỏ qua” từ này khi lấy ví dụ điển hình minh họa cho một nhóm từ nào đó. Điều này cho thấy sự đa đạng trong hoạt động và sự không thuần nhất về bản chất của từ đây. Người đề cập sâu nhất về chức năng của đây (cùng với đấy) chính là Đinh Văn Đức. Ông xếp đây vào nhóm đại từ chỉ định cùng với này, kia, kìa, ấy, đó… và có chức năng thay thế (thay cho người hoặc vật); yếu tố ngôn ngữ thay thế là từ, cụm từ hoặc mệnh đề. Tiếp cận từ trên bình diện chức năng, ông khẳng định: “Từ loại là ngữ pháp của từ, nhưng từ không bao giờ chỉ ở dạng từ điển mà nó luôn hoạt động và biến hóa ngữ nghĩa ở trong câu” [2;7]. Qua các ngữ liệu được khảo sát, người viết cũng nhận thấy rằng, từ đây mang tư cách của 2 từ loại là đại từ và trợ từ nhưng có hoạt động rất phong phú và đa dạng.  

2.1. Đây – đại từ

Trong các lớp từ loại tiếng Việt, đại từ là nhóm từ không có bản chất từ loại thuần nhất. Nó là tập hợp của nhiều chức năng như chỉ định, xưng hô, thay thế, phiếm chỉ và để hỏi… Vì vậy, để xác định bản chất từ loại của đây cần đặt trong các ngữ cảnh cụ thể. Quan sát các ví dụ:

(1). Hồi năm nọ, một thầy địa lí đi qua đây có bảo đất làng này là cái thế “quần ngư tranh thực”, vì thế mà bọn đàn anh chỉ là một đàn cá tranh mồi. (Nam Cao)

(2). Tiện cái cánh cửa đây, các ông ghép qua loa vào làm áo quan. (Nam Cao)

(3). Đây  đây đếch cần tiền đâu nhá.

(4). Đây núi Lênin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà. (Hồ Chí Minh)

Các ví dụ trên đều chứa đại từ đây nhưng chức năng của nó không hoàn toàn giống nhau. Có thể xác định được đây trong ví dụ (1) là đại từ thay thế bởi nó có chức năng thay thế. Đây thay cho làng này để tránh sự lặp lại trong diễn đạt. Có thể đổi chỗ vị trí này mà nghĩa của phát ngôn không thay đổi: Hồi năm nọ, một thầy địa lí đi qua làng này, có bảo đây có cái thế “quần ngư tranh thực”(+)…

Trong ví dụ (2), đây là đại từ chỉ định bởi nó mang chức năng chỉ trỏ (chỉ định). Người nói đứng ở vị trí gần với vật và hướng chỉ vào vật: cái cánh cửa đâyChức năng chỉ định của nó tương đối giống với nhóm đại từ chỉ định này, kia, đó, nọ… nên khi thay thế bằng nhóm đại từ chỉ định đó thì nghĩa không thay đổi:  cái cánh cửa này (+), cái cánh cửa kia (+), cái cánh cửa đó (+), cái cánh cửa nọ (+)… Đại từ chỉ trỏ tương ứng với đây là kia, đó… tùy thuộc vào vị trí người phát ngôn, tạo nên các cặp chỉ trỏ: đây – kiađây – đó

Trong ví dụ (3), đây lại được dùng để xưng hô, cụ thể là dùng để xưng với chức năng thay thế cho người nói. “Người nói dùng để tự xưng với người đối thoại một cách thân mật, hoặc trịch thượng, sỗ sàng” [4; 404]. Đại từ tương ứng với nó là đấy hoặc đó: thay thế cho người nghe tạo thành cặp xưng hô lâm thời đây – đấy, đây – đó... Kiểu xưng hô này được sử dụng khá nhiều trong đời sống hàng ngày với các sắc thái khác nhau tùy thuộc vào từng ngữ cảnh giao tiếp cụ thể. Chúng tôi cũng khảo sát được rất nhiều ngữ liệu trong kho tàng ca dao, dân ca hoặc trong văn chương sử dụng kiểu xưng hô độc đáo này: Đấy vàng đây cũng đồng đen/ Đấy hoa sói trắng, đây sen Tây Hồ/ Đấy em như tượng mới tô/ Đây anh như người ngọc họa đồ trong tranh; Trăng kia làm bạn với mây/ Đó mà làm bạn với đây thiệt gì? (Ca dao)…

Nhưng xét kĩ lưỡng từng trường hợp, chúng tôi thấy rằng, dù dùng để chỉ định hay xưng hô thì đây trong các ví dụ này vẫn mang một chức năng chung điển hình của đại từ, đó là chức năng thay thế. Chẳng hạn, ở ví dụ (4): từ đây vừa mang chức năng chỉ trỏ (người nói đứng ở vị trí gần với vật - núi Lênin) vừa hướng chỉ vào vật đồng thời đây thay thế cho sự vật với nghĩa tương đương là chỗ này, vật này... Ngay cả khi đây được dùng để xưng hô thì vẫn nổi bật chức năng thay thế: thay thế cho người nói cụ thể, tương đương với tôi, tao, ta, tớ….

Như vậy, đây mang ba chức năng của đại từ là chỉ định, thay thế và xưng hô nhưng việc bóc tách rạch ròi từng chức năng của từng kiểu đại từ là không đơn giản bởi khi hành chức, các sắc thái đó biểu hiện đan xen nhau. Và chúng tôi cũng nhận thấy chức năng thay thế để lại dấu ấn đậm nét trong từng kiểu đại từ. Xưa nay, đại từ vốn được coi là nhóm từ không thuần nhất chính có lẽ bởi sự đa dạng của từng “thành viên” như từ đây

2.2. Đây – tình thái từ

Tình thái từ trong tiếng Việt là nhóm từ có chức năng thể hiện thái độ, cảm xúc và từ loại này cũng là một trong các phương tiện làm nên thành phần nghĩa tình thái của câu. Tình thái từ bao gồm ba nhóm nhỏ là trợ từ, thán từ và tiểu từ tình thái. Theo ngữ liệu được khảo sát, từ đây mang tư cách là một trợ từ nhấn mạnh và một tiểu từ tình thái đánh dấu hành động nói thông báo. Quan sát các ví dụ:

(5). Tôi đây mới là người bị hại.

(6). Trong việc này, hẳn cũng có điều ám muội chi đây?(Nam Cao)

(7). Chúng ta ăn gì đây?

(8). Mẹ đi làm đây.

Trong ví dụ (5), lõi sự tình của phát ngôn là “Tôi là người bị hại” và đây là trợ từ được thêm vào để nhấn mạnh cho chủ thể phát ngôn. Nếu lược bỏ trợ từ nhấn mạnh thì nghĩa sự vật không thay đổi nhưng phát ngôn sẽ mất đi nghĩa tình thái.

Với tư cách là tiểu từ tình thái, đây đứng ở vị trí cuối phát ngôn, tạo nên hiệu lực ở lời cho phát ngôn như đánh dấu hành động nói thông báo (ví dụ 8) hoặc thông báo kèm một thái độ băn khoăn về một điều gì đó như để tự hỏi mình (ví dụ 6) hay để hỏi mọi người (ví dụ 7), đòi hỏi có sự phản ứng tức thời của người nghe, chờ đợi sự trả lời của người nghe để đưa ra quyết định chính xác. Tùy thuộc các ngữ cảnh khác nhau mà sắc thái từng hành động nói cũng khác nhau.

3. Để hiểu rõ hơn sự đa dạng và phức tạp của từ đây, chúng tôi xem xét tất cả các đặc điểm từ loại trên ba bình diện nghiên cứu ngữ pháp – ngữ nghĩa – ngữ dụng.

3.1. Từ bình diện kết học, bài viết tập trung làm rõ các đặc điểm ngữ pháp của từ đây, đó là khả năng cấu tạo từ, khả năng kết hợp từ và khả năng đảm nhận thành phần câu.

3.1.1.Về khả năng cấu tạo từ

Đây là một hình vị độc lập đồng thời cũng là từ đơn, xuất hiện tự do trong mọi ngữ cảnh. Khi là đại từ, đây là một thực từ và khi là tình thái từ, đây là một hư từ. Ví dụ: đây là thực từ: Hạnh phúc/ là/ đây/, cơm áo/ đây/ rồi; đây là hư từ: Tôi/ đây/ mới/ là/ người/ bị/ hại….

Hình vị đây còn có thể kết hợp với các hình vị khác để tạo từ ghép có nghĩa. Đó là từ ghép đẳng lập đó đâyTừ này do hai đại từ đó và đây tạo nên, có thể đổi vị trí cho nhau: đó đây = đây đó và có chung một nghĩa là: “Đây đó (như “đó đây”): nơi này đến nơi khác, mọi nơi” [4;303]. Vì vậy, trên báo chí có các chuyên mục mà từ đó đây tham gia cấu tạo như: cuộc sống đó đây, chuyện lạ đó đây, thế giới đó đây, tin đó đây, lượm lặt đó đây, chuyện cười đó đây, du lịch đó đây… Hay trong các tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật: Đó đây, những mái ngói của nhà hội trường, nhà ăn, nhà máy nghiền cói… nở nụ cười tươi đỏ/ Tôi có thể tạm quên đi nỗi buồn nhớ ba má tôi bằng cách đi chơi đây đó…(Đoàn Giỏi)…

Có thể đảo vị trí của đây đó mà nghĩa của từ vẫn không đổi: lang thang đây đó, góp nhặt đây đó, ngao du đây đó, ăn chơi đây đó… hoặc trong hoạt động ngôn ngữ, từ đó đây có thể tách ra để xen các từ khác : Đi cho biết đó biết đây/Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn (Cd).

Ngoài ra, đây còn kết hợp với các từ chỉ vị trí tạo nên các ngữ cố định như tại đây, trên đây, dưới đây; kết hợp với các tính từ như gần đây, mới đây…; các từ chỉ thời gian như giờ đây, bây giờ đây, lúc này đây, trước đây, sau đây… Thậm chí, vẫn kết hợp đó mà lại có thể tách ra tạo thành cặp hô ứng và có thể xen các từ khác vào như mới tuần trước đây, mới tháng trước đây… Chúng không chỉ giúp cho việc nói năng mạch lạc, rõ ràng, chặt chẽ mà còn được coi là một phương tiện liên kết văn bản hữu hiệu.

3.1.2.Về khả năng kết hợp và chức vụ cú pháp

Có thể nói, tùy thuộc vào từng kiểu từ loại đây đảm nhận mà tạo nên các đơn vị ngôn ngữ khác nhau, giữ các chức vụ ngữ pháp không giống nhau.

3.1.2.1. Đại từ đây

Với tư cách là một đại từ - một nhóm từ không thuần nhất, một từ loại có vị trí trung gian giữa thực từ và hư từ, đây cũng mang những khả năng kết hợp khá đặc biệt, khác biệt với các thực từ điển hình, khác với các hư từ khác và không hoàn toàn giống với các đại từ cùng nhóm.

Khi là đại từ chỉ định, đây có khả năng kết hợp với danh từ/ cụm danh từ để chỉ định đối tượng được nói đến. Ví dụ: 

(9). Nhà bác ấy cũng túng. Chồng chết đi, để lại bốn đứa con đây.( Nam Cao)

Có thể thấy, đây có chức năng giống với các từ cùng nhóm này, kia. ấy, đó, nọ… nên có thể thay thế đây bằng các đại từ chỉ định khác mà nghĩa không thay đổi: Bốn đứa con đây = bốn đứa con này, bốn đứa con đó…(+).Tương tự, trong ví dụ (2) cũng có thể thay: cánh cửa đây = cánh cửa này, cánh cửa kia…(+).

Trong cấu trúc cụm danh từ, đây đứng ở vị trí cuối cùng, có vai trò kết thúc cụm danh từ và là dấu hiệu nhận diện cụm danh từ. Điều đó có nghĩa là đại từ chỉ định đây không thể giữ vai trò là thành tố chính mà chỉ có thể giữ vai trò là thành tố phụ của cụm từ chính phụ. Mô hình kết hợp của “đây” khi là đại từ chỉ định là: [danh từ / cụm danh từ + đây].

Với tư cách là đại từ thay thế, đây có khả năng thay thế rất linh hoạt và đa dạng. Quan sát các ví dụ:

          (10). Rồi hắn dắt cái xe đạp, thủng thỉnh đi ra phía ruộng. Đây là chỗ thả diều. (Nam Cao)

(11). Mẹ nó để nó một bát cơm lồng với mấy miếng đậu kho. Đây là một bữa ăn sang… (Nam Cao)

(12). Hết kỳ làm đêm ấy, khi mẹ Hiền đã có thể ở nhà ngủ với con, hắn nằm nhờ ở mãi đầu dãy đằng kia. Nhưng hắn chỉ phải ngủ ở đây có vài đêm. (Nam Cao)

Cần phải nói rõ là, chức năng thay thế của đại từ không phải là một quan hệ giữa khái niệm với khái niệm trong tư duy mà là giữa khái niệm với thực tại qua một hình thức trung gian nên đại từ nói chung và đại từ đây nói riêng không có ý nghĩa từ vựng chân thực. Với tư cách là đại từ thay thế, đây thay thế cho người/ vật/ hiện tượng được nói đến ở câu trước đó. Các đối tượng này lại do các danh từ/ cụm danh từ đảm nhận (đầu dãy đằng kia = đây; phía ruộng = đây; một bát cơm lồng với mấy miếng đậu kho = đây…). Khi đại từ thay thế đây ở vị trí chủ ngữ thì không cần kết hợp với từ nào để xác định (ví dụ 10, 11) nhưng nếu ở vị trí bổ ngữ thì nó có thể kết hợp với các động từ đứng trước trở thành bổ ngữ chỉ vị trí cho động từ (ví dụ 12).

Khi là đại từ xưng hô, đây không có khả năng kết hợp với các từ loại khác để tạo thành cụm đại từ. Sở dĩ khi chọn ngôi xưng hô đây – đấy/ đây – đó thì tự nhân vật giao tiếp đã đưa mình vào khung qui chiếu: đây – người nói xác định; đấy – người nghe cũng xác định. Vì đối tượng đã xác định nên không cần phải hạn định, miêu tả hay chỉ định nữa.

Trong câu, đại từ đây có thể giữ các chức vụ ngữ pháp khác nhau tùy thuộc vào từ loại mà nó thay thế.

Từ đây có thể đứng một mình làm câu đặc biệt (Đây! Tiền đây!; Đây! Bên trái… hoặc đảm nhận các thành phần chính trong câu khi nó thay thế cho danh từ, động từ, tính từ được nêu ở câu trước đó. Ví dụ: đại từ đây làm chủ ngữ trong ví dụ (10): Đây// (là) chỗ thả diều.

 Đại từ đây đảm nhận chức vụ vị ngữ trực tiếp trong câu hoặc kết hợp với hệ từ là(13). Hạnh phúc// (là) đây, cơm áo// đây rồi.

           Đây có thể làm các thành phần phụ trong câu như trạng ngữ và khởi ngữ.

           Vì đây dùng để xác định không gian hay thời gian xảy ra sự kiện nên nó có thể làm trạng ngữ. Tuy nhiên, nó không thể làm trạng ngữ trực tiếp mà phải kết hợp với các từ/ cụm từ khác để làm trạng ngữ chỉ thời gian và trạng ngữ chỉ nơi chốn trong câu như nơi đây, giờ đây, ở đây... Ví dụ:  đây, hãy còn có nhiều vết chân của những người lội vào rừng bắt cua, bắt vọp. (Đoàn Giỏi). Đại từ đây có khả năng làm khởi ngữ trong câu khi nó là một đại từ xưng hô: “Đây là đây đếch cần tiền đâu nhá”…

           Ngoài ra, từ đây còn có thể làm thành phần phụ của từ, đó là bổ ngữ và định ngữ. Đây có khả năng làm bổ ngữ cho động từ, đặc biệt là các động từ chỉ hành động hay tư thế. Đây có thể đứng một mình hay kết hợp với các từ hay tổ hợp từ khác để làm bổ ngữ: Tôi đang nằm đây hay đang đứng trên con tàu lắc lư nhồi theo sóng; Nhưng hắn chỉ phải ngủ ở đây có vài đêm…(Đoàn Giỏi).

Đây có khả năng làm định ngữ cho danh từ khi nó là đại từ chỉ định. Trong cụm từ “cánh cửa đây” ở ví dụ (2), từ đây giữ vai trò làm thành tố phụ chỉ định tức làm định ngữ cho danh từ trung tâm:

Cánh cửa đây

    

    DT          ĐN

3.1.2.2. Tình thái từ đây

Đây là tình thái từ, tức là thuộc hệ thống hư từ tiếng Việt nên không có khả năng kết hợp với các từ loại khác để tạo nên cụm từ chính phụ như đại từ, phụ từ... Tuy nhiên, đây lại giữ vai trò làm thành phần tình thái ngữ - một thành phần câu có vai trò biểu thị thái độ, cảm xúc của người nói đối với người nghe và của người nói đối với hiện thực được phản ánh trong câu. Ví dụ: trợ từ đây có vai trò khẳng định, nhấn mạnh đối tượng (Tôi đây mới là người bị hại…) hoặc tình thái từ đây đánh dấu hành động nói: hành động thông báo (Tôi đi làm đây…).

Cần lưu ý là, trợ từ đây trong ví dụ trên có vị trí đứng sau danh từ/ đại từ nhưng nó không phải là đại từ chỉ định đây bởi nếu thay thế bằng các đại từ chỉ định khác thì sẽ tạo nên những kiểu kết hợp vô nghĩa:

Tôi đây mới là người bị hại (+)

Tôi kia mới là người bị hại (-)

Tôi này mới là người bị hại (-)

Tôi đó mới là người bị hại (-)…

Trên bình diện nghĩa của câu, tình thái ngữ có vai trò tạo lập nên phương diện nghĩa tình thái – một trong hai phương diện nghĩa của phát ngôn. Chúng tôi sẽ làm rõ phương diện nghĩa này ở phần dưới đây.

3.2. Từ bình diện nghĩa học, chúng tôi xem xét vai trò của đây trong việc tham gia cấu trúc nghĩa miêu tả và nghĩa tình thái của câu.

3.2.1. Các nét nghĩa của đây

Từ ngữ liệu được khảo sát, chúng tôi đã cụ thể hoạt động ngữ nghĩa của từ đây như sau:

-        Chỉ mốc thời gian được đánh dấu là thời điểm nói

Từ đây mang ý nghĩa chỉ thời điểm mà người nói đưa ra phát ngôn của mình, lấy đó làm mốc để quy chiếu trục thời gian về quá khứ hay đến tương lai. Ví dụ: Cách đây ba hômđây được hiểu là thời điểm nói, thời gian mà tổ hợp từ trên muốn nói đến là ba ngày trước, là thời điểm trong quá khứ sau khi đã được quy chiếu trên trục thời gian so với thời điểm nói.

-        Chỉ vị trí gần với vị trí của người nói trong không gian

Từ đây mang ý nghĩa chỉ không gian, địa điểm mà người nói đang đứng để thực hiện phát ngôn, lấy đó làm mốc để quy chiếu với không gian khác. Ví dụ: Đây núi Lênin, kia núi Mác.

-        Từ người nói dùng để tự xưng với người đối thoại

Khi là đại từ xưng hô, đây được người nói dùng để tự xưng với người đối thoại một cách thân mật, hoặc trịch thượng, sỗ sàng: Ví dụ: Đừng dọa, đây không sợ đâu; Miếng trầu là nghĩa tương giao/ Muốn cho đây đấy duyên vào hợp duyên [Ca dao].

-                  Biểu thị nghĩa nhấn mạnh về tính chất hiện diện cụ thể, trước mắt hiện thực của người, cái, điều vừa được nói đến. Ví dụ: Chỗ này đây...

-                  Từ biểu thị ý nhấn mạnh sự băn khoăn của người nói về điều vừa được nêu ra như để tự hỏi mình. Biết mua gì đây?...

3.2.2.  Từ đây trong cấu trúc vị tố - tham thể

Xem xét vai trò của đây trong cấu trúc vị tố - tham thể tức là xem xét vai trò của đây với hai tư cách: là vị tố và là tham thể. Trong cấu trúc nghĩa miêu tả, vị tố được coi là thành tố cốt lõi nêu đặc trưng hay quan hệ. Vị tố thường do vị từ đảm nhận, ngoài ra còn có một số từ loại khác như đại từ, số từ…

Đây tham gia cấu trúc vị tố - tham thể chỉ khi nó là đại từ. Tùy thuộc vào từng trường hợp, nó sẽ là vị tố trung tâm hoặc là tham thể.

Quan sát các ví dụ sau:

(14). Làng Mai đây rồi.

(15). Bởi vì đây là lần đầu tiên hắn được một người đàn bà cho. (Nam Cao)

(16). Tôi ở đây cơ mà.

(17). Tôi làm việc ở đây.

(18). Nơi đây, tôi đã từng gặp một người rất quan trọng với cuộc đời mình.

Ví dụ (14) là một sự tình tồn tại, có vị tố trung tâm chỉ sự tồn tại là đây, làng Mai là chủ thể tồn tại. Sẽ có quan điểm cho rằng đây là một sự tình tồn tại nhưng vị tố trung tâm bị khuyết là ởLàng Mai ở đây rồi!. Song, theo chúng tôi, vị ngữ là một hai thành phần chính của câu và trong vị ngữ, động từ chính là hạt nhân có tầm tác động đến một số thành phần khác của câu nên không thể lược bỏ. Không thể coi đây nằm ngoài cấu trúc câu bởi nếu lược bỏ đây câu sẽ không rõ nghĩa: Làng Mai rồi (–)Vì vậy, vị tố trung tâm được coi là đây với tham thể bắt buộc là Làng MaiTương tự, trong ví dụ (2) trên đây thì đây cũng chính là vị tố trung tâm chỉ sự tồn tại: Hạnh phúc là đây, cơm áo đây rồi. Trong vế 1,  chỉ là trợ từ nhấn mạnh cho đây (vì có thể lược bỏ mà ý nghĩa miêu tả của câu không thay đổi)còn đây mới chính là vị tố chỉ sự tồn tại mà chủ thể tồn tại chính là hạnh phúc  cơm áo. Ví dụ (15) là một sự tình quan hệ với vị từ quan hệ . Ví dụ (16) là sự tình tồn tại, có vị tố trung tâm là  với 2 tham thể bắt buộc là tôi – tham thể bắt buộc chỉ chủ thể tồn tại và đây là tham thể bắt buộc chỉ nơi chốn tồn tại. Trong ví dụ (17), đây lại tham gia kết hợp với quan hệ từ ở tạo thành giới ngữ ở đây, có vai trò là tham thể mở rộng chỉ nơi chốn. Trong ví dụ (18), đây lại tham gia kết hợp với danh từ nơi tạo thành giới ngữ nơi đây, có vai trò là tham thể mở rộng chỉ cảnh huống trong cấu trúc nghĩa của câu.

Như vậy, với tư cách là đại từ, đây có thể giữ vai trò là vị tố (ví dụ 14) , có thể là tham thể bắt buộc (ví dụ 15,16), có thể là tham thể mở rộng (ví dụ 17, 18). Trong trường hợp đây là một đại từ xưng hô làm khởi ngữ: “Đây thì đây đếch cần tiền đâu nhá”, có thể coi đây là tham thể bắt buộc chỉ đối tượng. Đại từ xưng hô đây cũng tham gia biểu thị ý nghĩa tình thái của câu, thể hiện một thái độ trịch thượng, bất cần.

3.2.        Từ đây trên bình diện dụng học

Xét trên bình diện ngữ dụng, từ đây cũng có những biểu hiện khá đa dạng tùy thuộc vào kiểu từ loại mà nó đảm nhận.

Khi là đại từ, nó có chức năng chỉ xuất không gian và thời gian. Trong giao tiếp, người tham gia giao tiếp thường chọn một thời điểm hay vị trí trong không gian hay thời gian để làm mốc quy chiếu, đối sánh với các vị trí hay thời điểm khác. Với người Việt, để định vị không gian làm điểm mốc qui chiếu có các từ đây, kia, đấy, đó…, theo đó, đây mang ý nghĩa chỉ không gian, vị trí gần hay chính tại vị trí của người nói hoặc để chỉ thời điểm mình đưa ra phát ngôn, từ đó làm mốc để tính toán thời gian quá khứ, hiện tại hay tương lai như trước đây, từ đây về sau

 Ví dụ: Làng Mai đây rồi có thể hiểu đây là lời của nhân vật nhằm thông báo về sự hiện diện của đối tượng hoặc chỉ vị trí của mình đang đứng là ở gần với đối tượng được nói đến.

Trợ từ đây còn có vai trò khẳng định, nhấn mạnh đối tượng. Trong ví dụ : Tôi đây mới là người bị hại… thì đây có chức năng nhấn mạnh tương ứng với: chính tôi, chính là tôi…

Tiểu từ tình thái, đây có vai trò yêu cầu cung cấp những thông tin định hướng cho hồi đáp. Khi thực hiện một phát ngôn, người nói bao giờ cũng muốn thông tin được hồi đáp, dù là tường minh hay hàm ẩn. Đó là sự trả lời đối với nhất là phát ngôn hỏi, sự đồng tình hay phản đối đối với phát ngôn cầu khiến, sự xác nhận hay phản bác đối với phát ngôn trần thuật. Như vậy, hồi đáp là một trong những yêu cầu để cuộc giao tiếp diễn ra hài hòa và đạt kết quả tốt đẹp. Để thực hiện nhiệm vụ này, các tiểu từ tình thái cuối câu giữ vai trò quan trọng và từ đây là một trong các tình thái từ như thế. Ví dụ: Chúng ta phải làm gì đây?

Đây là một phát ngôn hỏi mà nội dung mệnh đề gắn với một hành động chưa được thực hiện vào lúc nói. Nó nêu lên một yêu cầu cần được làm sáng tỏ và chờ đợi sự trả lời của người nghe ngay tại thời điểm nói, buộc người nghe phải đưa ra quyết định cụ thể ngay sau đó. Tức là, với phát ngôn này người nghe khó có thể trì hoãn, lẩn tránh hay thoái thác trả lời. Rõ ràng, tình thái từ  tạo nên một phát ngôn hỏi và khi thêm đây nó mang thêm một nội dung cầu khiến, yêu cầu người nghe phải hồi đáp ngay qua việc cung cấp thông tin liên quan đến nội dung hỏi.

Bên cạnh đó tình thái từ đây có vai trò nhấn mạnh các thông tin cần biểu đạt. Ví dụ: Thằng này khá lắm đây!

Tình thái từ đây ngoài việc tham gia đánh dấu tình thái của hành động trần thuật (đánh giá) còn biểu thị những nội dung thuộc tình thái nhận thức. Khi nhìn thấy những hành động, việc làm của chàng trai, người nói phát ngôn này đã thể hiện mức độ cam kết về điều được thấy, được trải nghiệm ngay chính thời điểm nói và những dự báo cho tương lai. Tuy nhiên, muốn xác định rõ xem đó là thái độ gì, cần đặt vào trong một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.

Qua khảo sát, có thể thấy, đây có hoạt động ngữ pháp khá đa dạng. Trên bình diện kết học, đây không chỉ có khả năng cấu tạo từ, cụm từ và câu mà còn giữ vai trò của nhiều thành phần câu khác nhau. Trên bình diện nghĩa học, khi là đại từ, đây tham gia vào cấu trúc vị tố - tham thể và khi là tình thái từ, đây tạo nên phương diện nghĩa tình thái của câu với các sắc thái biểu hiện khá đa dạng tùy thuộc vào từng ngữ cảnh giao tiếp. Trên bình diện dụng học, đây có vai trò chỉ xuất không gian, thời gian, nhấn mạnh vào đối tượng hoặc thúc giục sự hồi đáp. Được soi chiếu từ lí thuyết ba bình diện, đây đã được thể hiện như một từ loại đặc biệt bậc nhất trong hệ thống từ tiếng Việt.

                        TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Nguyễn Hồng Cổn (2003), Về vấn đề phân định từ loại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 02.

2.      Đinh Văn Đức (2010), Các bài giảng về từ pháp học tiếng Việt – Từ loại, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

3.      Nguyễn Văn Hiệp (2008),Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp, Nxb Giáo dục.

4.      Hoàng Phê (chủ biên) (2002), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

5.      Bùi Minh Toán (chủ biên) – Nguyễn Thị Lương, (2007), Giáo trình Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Đại học Sư phạm.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020