Ngôn ngữ

MẠNG NGHĨA VÀ TÍNH MẠCH LẠC CỦA VĂN BẢN NGHỆ THUÂT


14-10-2020
Tác giả: PGS.TS. Hữu Đạt

Cấu trúc tầng nền trong một văn bản không chỉ là mạng nghĩa tạo nên tính mạch lạc của nó mà còn có tác dụng xây dựng tính cách nhân vật cũng như biểu hiện phong cách nhà văn.

MẠNG NGHĨA VÀ TÍNH MẠCH LẠC

CỦA VĂN BẢN NGHỆ THUẬT

                                 PGS.TS. Hữu Đạt

                                     Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội

          1. Khi phân tích tính mạch lạc của một văn bản nghệ thuật, thông thường chúng ta chú ý đến các kiểu liên kết hình thức và liên kết chủ đề. Đây là những vấn đề then chốt giúp chúng ta có được cái nhìn khách quan về tính hoàn chỉnh của một tác phẩm văn học. Nhất là, khi bàn đến hình tượng nghệ thuật thì liên kết chủ đề – liên kết nội dung được xem là một đối tượng khảo sát quan trọng. Dường như rất ít người cho rằng nghiên cứu cấu trúc của văn bản cũng là một hướng thú vị cho phép chúng ta có thể tiếp cận hình tượng của tác phẩm. Nhưng đây chính là một khu vực còn có nhiều ẩn số về mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn chương. Một trong những vấn đề rất đáng quan tâm trong khu vực này là cách tổ chức mạng nghĩa trong cấu trúc tầng nền của một tác phẩm. Báo cáo này sẽ tập trung bàn đến một số nguyên lí và cách thức tổ chức mạng nghĩa trong việc thể hiện hình tượng nghệ thuật.

2. Cách tổ chức mạng nghĩa của văn bản nghệ thuật

2.1. Cách tổ chức mạng nghĩa tổng thể của văn bản nghệ thuật

Khi phân tích cấu trúc của một văn bản nghệ thuật, nếu bóc tách các lớp cấu trúc của văn bản ra thành các lớp khác nhau, ta sẽ có:

-    Lớp cấu trúc bề mặt: bao gồm các kiểu liên kết hình thức. Đối với thơ ca, đó là việc sử dụng các thể thơ.

-    Lớp trung gian: bao gồm các đặc điểm của phong cách tác giả chi phối đến việc sử dụng từ ngữ trong tác phẩm.

-    Lớp tầng nền: bao gồm các từ ngữ có liên quan với nhau theo các trường nghĩa nhất định tạo nên mạng nghĩa chiều sâu của tác phẩm.

Như vậy, xét về chức năng, các yếu tố nghĩa trong mạng nghĩa mới chính là cái tạo ra mạch lạc của văn bản ở chiều sâu. Các yếu tố nghĩa này đều có hướng quy chiếu về cùng một sự vật, hiện tượng nhằm thể hiện hình tượng chung của tác phẩm.

Chẳng hạn, trong bài Hơi ấm ổ rơm của Nguyễn Duy, cấu trúc nền tạo nên tính mạch lạc của văn bản bao gồm các từ ngữ có liên quan đến giấc ngủ của người lính và tình cảm của bà mẹ vùng quê: 

                                       

2.2. Cách tổ chức mạng nghĩa bộ phận của văn bản

Khi bàn tới cấu trúc nền trong một văn bản nghệ thuật, ta có thể đi tìm mạng nghĩa tổng thể hoặc mạng nghĩa bộ phận. Sơ đồ trên là cách tổ chức mạng nghĩa tổng thể của toàn bài thơ. Nếu đi vào mạng nghĩa bộ phận, ta có thể tìm hiểu mạng nghĩa liên quan đến bà mẹ và mạng nghĩa liên quan đến tình cảm, suy nghĩ của người lính. Mỗi một mạng nghĩa như thế được coi là cách tổ chức mạch lạc của từng phần hay từng đoạn của văn bản nghệ thuật.

Như vậy, để tổ chức một mạng nghĩa ở chiều sâu của văn bản, vai trò nối kết của các yếu tố từ vựng và cú pháp là rất quan trọng. Không có các yếu tố từ vựng, nhà nghệ sĩ không thể tổ chức ra các đơn vị cú pháp. Nhưng có các yếu tố từ vựng thì tổ chức như thế nào lại là một vấn đề không đơn giản.

Trong truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông của Nguyễn Quang Thiều, cuộc tình của Thao (người lính xuất ngũ đang học đại học) và và người con gái đẹp tên Chinh – con gái một gia đình hàng vạn, sống trên thuyền – được miêu tả một cách lãng mạn nhưng trong hoàn cảnh éo le: Bố Chinh là một người đàn ông khắc nghiệt. Vì một lời nguyền ăn sâu trong tâm khảm, ông luôn tìm mọi cách ngăn giữ cô con gái tuổi 16 của ông khỏi mọi sự cám dỗ của tình yêu. Nhưng ông không thể ngăn được sự cuồng nhiệt của một trái tim đang cháy bỏng. Ông đau đớn phát hiện ra mối tình vụng trộm giữa Chinh và Thao, người lính xuất ngũ có bản lĩnh, sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ tình yêu trong sáng của mình.

Câu chuyện tình yêu lãng mạn đầy chất bi kịch diễn ra trong một không gian nghệ thuật khá chật hep: bên bờ của một dòng sông. Thời gian được miêu tả trong truyện là lúc mùa hoa cải nở rộ. Không gian, thời gian được lựa chọn mang đậm chất thơ nhưng lại được dồn nén trong một khoảng độ bó hẹp, tạo nên tính bi kịch sâu sắc. Để tạo ra tính mạch lạc cho văn bản xoay quanh một không gian bị dồn nén như vừa nêu, nhà văn đã xây dựng các cấu trúc cú pháp cùng quy chiếu về một không gian. Trong đó có các từ ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần như: đôi bờ, dòng sông… đều có tác dụng quy chiếu về một không gian bao quanh môi trường sống của các nhân vật. Ví dụ:

– Tiếng ông kéo dài như tiếng rú khản đặc dội vào đôi bờ.

– Nếu chúng nó để gót chân chạm vào mặt đất đôi bờ thì trái tim chúng sẽ biến thành trái tim quỷ.

– Dọc hai bên bờ sông ông qua

– Ông lại lo sợ nếu như con gái ông để gót chân chạm vào đôi bờ.

– Nhưng cô thèm khát đôi bờ 

– Thuở mẹ cô còn sống, cô vẫn được mẹ đưa lên bờ…

2.3. Vai trò của các yếu tố ngôn ngữ trong việc nối kết mạng nghĩa trong văn bản nghệ thuật

Nếu khảo sát tính mạch lạc trong từng bộ phận của văn bản, ta có thể thấy vai trò nối kết của các từ xưng gọi được biểu thị bằng tên riêng “Chinh” và bằng từ chỉ quan hệ họ hàng “cô” trong đoạn miêu tả nhân vật chính:

– Chinh, đứa con gái duy nhất của ông đã sinh ra trong chiếc thuyền trong dòng sông này

–  Ngày Chinh ra đời, ông cắt rốn con…

–  Chinh lớn lên khoẻ mạnh, dịu dàng và âm vang như dòng sông.

– Là đứa con gái duy nhất, nhưng cô xông xáo táo bạo hơn cả các anh cô.

– … Cô thích thả mình xuống dòng sông.

– Cô bơi mềm mại như một nàng tiên cá…

– Ánh trăng xuyên qua mặt nước bơi theo cô.

– Thỉnh thoảng cô co người lại, hai tay bó gối để cho cơ thể tuổi dậy thì lóng lánh…

– Rồi bất chợt, cô ngoi lên mặt nước…

Sự lặp lại của các yếu tố từ vựng hay cú pháp trong văn bản nghệ thuật bao giờ cũng nhằm quy chiếu vào một sự vật, hiện tượng nhất định, qua đó bộc lộ tư tưởng của người cầm bút. Do vậy, việc tìm hiểu tính mạch lạc được biểu hiện qua cách tổ chức mạng nghĩa nằm trong lớp tầng nền còn có tác dụng tìm ra phong cách tác giả. Chẳng hạn, khi nói về phong cách của nhà thơ Nguyễn Bính, nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đều có chung nhận định: ông là một nhà thơ chân quê. Vậy, xét về phương diện ngôn ngữ, điều gì đã làm nên phong cách ấy? Đó chính là hệ thống các đơn vị từ ngữ được tổ chức thành một mạng nghĩa ẩn dưới chiều sâu trong các tác phẩm như: Vườn, vườn chanh, vườn cam, vườn chè, bướm vàng, áo the, quần lĩnh, thắt lưng xanh, hương đồng, cỏ nội, hoa xoan, giậu mồng tơi, cánh buồm, con đò, đàn sáo, quán tranh, đường đê, con đê, trâu, bò, chuồn chuồn, hoa mướp, lá vàng, ngựa trắng, ruộng, lúa, việc đồng, cày cấy, luỹ tre… Ví dụ:

Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng.

                                                 (Xuân về)

Hay:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều.

                                       (Chân quê)

 Với vai trò là một phương tiện nối kết, có những yếu tố từ vựng được dùng lặp đi lặp lại nhiều lần trở thành một tín hiệu thẩm mĩ trong thơ ông. Ví dụ từ “vườn”. Đây là một từ được sử dụng với tần số rất cao trong thơ Nguyễn Bính và được dùng với nhiều kết hợp rất linh hoạt, sáng tạo. Cụ thể, “vườn” được sử dụng:

+ Độc lập với tư cách là chủ ngữ hay bổ ngữ trong câu

Vườn đầy hoa trắng như em ấy

Bỗng một bà Tiên hiển hiện ra

                              (Truyện cổ tích)

Ra vườn nhặt những hoa cam rụng

Đem bỏ đầy nồi cất nước hoa

                                 (Hoa với rượu)

+ Kết hợp với một danh từ hoặc cụm danh từ:

Đêm nay mới thật là đêm

Ai đem giăng sáng giãi lên vườn chè

                                          (Thời trước)

Cậy em em ở lại nhà

Vườn dâu em đốn mẹ già em thương

                                         (Lỡ bước sang ngang)

Mấy sào vườn đất mới

Giồng dâu và giồng cam

                                        (Thanh đạm)

+ Kết hợp với một tính từ hay tổ hợp tính từ:

Chị bây giờ nói thế nào

Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang

   (Lỡ bước sang ngang)

+ Kết hợp với từ chỉ sở hữu:

Em sang bắt bướm vườn anh mãi

Quên cả làng Ngang động trống chèo

                                                  (Hết bướm vàng)

Khi tham gia vào các mạng nghĩa, các yếu tố từ vựng không chỉ có vai trò nối kết đoạn văn hay văn bản mà còn có khả năng bộc lộ cá tính nhân vật. Trong truyện Đôi mắt Nam Cao đã sử dụng các từ, ngữ trong trường nghĩa miêu tả ngoại hình và hành động để khắc hoạ nhân vật Hoàng:

– Cánh tay kềnh kệnh, khối thịt dưới nách kềnh ra, tủn ngủn, bộ mặt đầy đặn, trên mép một cái vành móng ngựa ria, tay múp míp…

– Giọng “hừm hừm” trầm trầm phát ra, cười “cùng cục trong cổ”, đầu hơi ngả về sau, miệng hé mở, cười gằn, cái bĩu môi dài thườn thượt, mũi nhăn lại, trợn mắt, nhếch một khoé môi lên”…

Trong Truyện Kiều, khi miêu tả cảnh Mã Giám Sinh mua Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng một loạt các từ ngữ trong trường có nghĩa “vội vã”. Các từ ngữ này không chỉ có vài trò tạo ra một mạng nghĩa ở chiều sâu làm nên tính mạch lạc của văn bản mà còn khắc hoạ tính cách không đàng hoàng của Mã Giám Sinh. Cử chỉ vội vã của hắn thể hiện ngay từ cách ngồi:

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng

Buồng trong, mối đã giục nàng kíp ra

Cái sự vội vàng của Mã ngay từ lúc đến đã báo hiệu việc hôn lễ của Kiều cũng không được thong thả như lẽ thường tình:

Việc nhà đã tạm thong dong

Tinh kì giục giã đã mong độ về

Hôn lễ đã vội, việc hắn đến đón Kiều cũng rất vội vàng:

Kiệu hoa đâu đã đến ngoài

Quản huyền đâu đã giục người sinh ly

Việc hắn đưa Kiều đi lại càng vội hơn:

Lầu mai vừa rúc còi sương

Mã Sinh giục giã vội vàng ra đi

Có thể nói, các từ ngữ thuộc trường nghĩa “vội vàng” đã được Nguyễn Du chú tâm sử dụng không chỉ trong các đoạn tả về Mã Giám Sinh mà còn được dùng trong nhiều đoạn khác của tác phẩm như một ý đồ nghệ thuật nhằm khắc hoạ sâu sắc cuộc sống bị dồn ép của Kiều:

+ Đoạn Kiều sa vào ổ lầu xanh

Xe châu dừng bánh cửa ngoài

Rèm trong đã thấy một người bước ra

hoặc:

Lễ xong hương hoả gia đường

Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay

+ Đoạn Mã Giám Sinh lừa Kiều

Tường đông lay động bóng cành

Đẩy song đã thấy Sở Khanh lẻn vào

hoặc:

Thừa cơ lẻn bước ra đi

Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn.

hoặc:

Cùng nhau lẻn bước xuống lầu

Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn…

Như vậy, có thể thấy, cấu trúc tầng nền trong một văn bản không chỉ là mạng nghĩa tạo nên tính mạch lạc của nó mà còn có tác dụng xây dựng tính cách nhân vật cũng như biểu hiện phong cách nhà văn.

                                                 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

                                       

1.   Nguyễn Phan Cảnh (2006), Ngôn ngữ thơ, NXB Văn học.

2.   Hữu Đạt (1996), Đặc điểm ngôn ngữ thơ và ca dao (nhìn từ góc độ giao tiếp), Ngôn ngữ, số 4.

3.   Hữu Đạt (2000), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội.

4.   Hữu Đạt (2007), Nghĩa biểu vật, biểu niệm của từ và việc phân tích trong quá trình tiếp cận hình tượng thơ, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 1.

5.   Hữu Đạt (2008), Văn hoá ngôn từ, phong cách ngôn ngữ thơ Hồ Chí Minh và việc dịch bài thơ Chiều tối,  Ngôn ngữ, số 6.

6.   Hữu Đạt (2008), Cái mới trong ngôn ngữ thơ Hồ Chí Minh dưới cách nhìn của lí thuyết ẩn dụ, Tạp chí Đại học Quốc gia Hà Nội, số 4.

7.   Hữu Đạt (2008), Vài suy nghĩ về vai trò của ngôn ngữ học đối với nghiên cứu ngôn ngữ thơ ca, Ngôn ngữ, số 11.

8.   Phan Cự Đệ (2002), Ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi, in trong Một số vấn đề lí luận và lịch sử văn học, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

9.   Jacovson (1975), Ngôn ngữ và thi học, NXB Nhà văn Xô viết, M.

10.   V. Jirmunskij (1975), Lí luận về câu thơ, NXB Nhà văn Xô viết, M.

11.   Thuỵ Khê (1996), Cấu trúc thơ, Văn nghệ, California.

12.   Nguyễn Xuân Kính (2004), Thi pháp ca dao, NXB ĐHQG Hà Nội.

13.   IU.M. Lotman (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, NXB ĐHQG Hà Nội

14.   Nguyễn Bá Thành (2012), Tư duy thơ Việt Nam hiện đại, NXB ĐHQG Hà Nội.

15.   Nguyễn Thị Phương Thuỳ (2008), Nghiên cứu sự tự do hoá thơ tiếng Việt hiện đại thế kỉ XX, LATS Ngôn ngữ học, ĐHQG Hà Nội.

16.   Đặng Tiến (2009), Thơ – thi pháp và chân dung, NXB Phụ nữ.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020