Ngôn ngữ

Phân tích thơ Kiều từ góc độ ngôn ngữ “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”


14-10-2020
Tác giả: PGS. TS Nguyễn Thị Lương

Bài viết sẽ vận dụng tổng hợp các kiến thức ngôn ngữ về giao tiếp, chiếu vật, hành vi ngôn ngữ, nghĩa tường minh hàm ẩn, tính hệ thống… để phân tích, bình luận khổ thơ "Tưởng người dưới nguyệt chén đồng... bao giờ cho phai", nhằm mục đích giới thiệu với học sinh phổ thông và sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh ngành ngữ văn một cách tiếp cận, phân tích thơ nói chung và thơ Kiều nói riêng - từ góc độ ngôn ngữ, qua đó khẳng định tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc phân tích thơ văn.

Phân tích thơ Kiều từ góc độ ngôn ngữ

“Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”

 

                                                                                        PGS - TS Nguyễn Thị Lương

1.  Mở đầu.

   Cho đến nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn là đỉnh cao của ngôn từ tiếng Việt, là niềm kiêu hãnh của người Việt về nghệ thuật sử dụng tiếng Việt. Tuy nhiên, “rằng hay thì thực là hay” nhưng mà nghiên cứu thì nhiều gian nan. Bởi, với tài “nhả ngọc phun châu” của đại thi hào Nguyễn Du, mỗi câu thơ Kiều đều lấp lánh, ẩn hiện nhiều tầng ý nghĩa. Hiểu đúng được ý của tác giả, nghĩa của câu thơ đã khó, phân tích, chỉ ra cái hay cái đẹp của thơ Kiều càng khó. Thực tế nghiên cứu và giảng dạy thơ Kiều cho thấy có không ít câu thơ đã được phân tích, bình luận theo các cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau. “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai” là một trong các câu thơ như vậy. Đó cũng là một trong các lý do để bài viết này chọn bốn câu thơ sau trong Truyện Kiều để phân tích:

                                        Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

                          Tin sương huống những rày trông mai chờ

                                   Chân trời góc bể bơ vơ

                          Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Bài viết sẽ vận dụng tổng hợp các kiến thức ngôn ngữ về giao tiếp, chiếu vật, hành vi ngôn ngữ, nghĩa tường minh hàm ẩn, tính hệ thống… để phân tích, bình luận khổ thơ trên, nhằm mục đích giới thiệu với học sinh phổ thông và sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh ngành ngữ văn một cách tiếp cận, phân tích thơ nói chung và thơ Kiều nói riêng - từ góc độ ngôn ngữ, qua đó khẳng định tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc phân tích thơ văn.

2.  Tìm hiểu khổ thơ từ góc độ ngôn ngữ.

   Từ bậc phổ thông cơ sở, học sinh đã được dạy cách phân tích tác phẩm với các bước cơ bản như: tìm hiểu hoàn cảnh ra đời, chủ đề, đại ý, bố cục ….Tuy nhiên, trên thực tế, không ít học sinh - kể cả ở bậc cao hơn như: sinh viên, học viên cao học thậm chí cả nghiên cứu sinh - vẫn xem nhẹ các “thủ tục” dẫu chưa thật đầy đủ song rất cần thiết đó nên đã bị mắc một số lỗi như: hiểu sai, hiểu lệch ý của văn bản,  phân tích hời hợt, thoát ly tác phẩm, không dựa vào đặc điểm câu chữ của chính tác phẩm, tán ý mà không có cơ sở…Để khắc phục các loại lỗi đó, trước khi đi vào phân tích, một trong các việc cần làm là  tìm hiểu văn bản dưới góc độ ngôn ngữ.

   Do khuôn khổ của một bài báo, chúng tôi sẽ nêu một cách khái quát mà không dẫn giải, trình bày chi tiết các bước tìm hiểu văn bản và các lý thuyết ngôn ngữ cần được vận dụng.

2.1 Các lý thuyết ngôn ngữ cần được vận dụng.

i) Lí thuyết giao tiếp

    Giao tiếp là sự tiếp xúc giữa con người và con người trong xã hội, ở đó diễn ra sự trao đổi thông tin (về nhận thức, tư tưởng, tình cảm) và sự bày tỏ mối quan hệ, thái độ ứng xử của con người với nhau và đối với những nội dung thông tin.

Phương tiện cơ bản và tiện dụng nhất được dùng để giao tiếp là ngụn ngữ. Vỡ vậy, chức năng cơ bản của ngôn ngữ là giao tiếp. Văn bản là đơn vị ngôn ngữ hoàn chỉnh nhất được dùng để giao tiếp. Bởi vậy, phân tích văn bản không thể không căn cứ vào lí thuyết giao tiếp.

 Một cách khái lược có thể tóm tắt lí thuyết này như sau: giao tiếp bằng ngụn ngữ là một hoạt động tiếp xúc giữa con người và con người  trong xã hội. Tham gia vào hoạt động giao tiếp có nhiều nhân tố nhưng cỏc nhõn tố sau, có thể xem là cơ bản

- Nhân vật giao tiếp : đó là những người trực tiếp tham gia vào một cuộc giao tiếp bằng ngôn ngữ, dùng ngôn ngữ để tạo ra các văn bản , qua đó mà tác động vào nhau.

-Chức năng của giao tiếp và đích của văn bản : giao tiếp (bằng ngôn ngữ) thường có các chức năng chính sau : thông tin (thông báo) , tạo lập quan hệ , biểu hiện (bộc lộ), giải trí, hành động. Các chức năng này  thường được thực hiện đồng thời, thống hợp trong giao tiếp và trở thành đích của giao tiếp. Đích của giao tiếp lại được cụ thể hóa thành đích của các văn bản trong giao tiếp.

-Hiện thực được nói tới : hiện thực mà nhân vật giao tiếp nói tới sẽ làm thành nội dung của văn bản.

- Hoàn cảnh giao tiếp, gồm :

Hoàn cảnh giao tiếp rộng  : Bao gồm những hiểu biết về thế giới vật lý, sinh lý, tâm lý, xã hội, văn hoá, tôn giáo, lịch sử, các ngành khoa học, nghệ thuật.... ở thời điểm và ở không gian mà cuộc giao tiếp đang diễn ra.

+ Hoàn cảnh giao tiếp hẹp (thoại trường) :Một cuộc giao tiếp phải được diễn ra trong một không gian cụ thể, vào một thời gian/thời điểm cụ thể. Không/thời gian cụ thể đó được gọi là hoàn cảnh giao tiếp hẹp.

- Cách thức giao tiếp: Cách thức giao tiếp chỉ công cụ, phương tiện được sử dụng trong giao tiếp : Con người giao tiếp với nhau bằng nhiều phương tiện : âm thanh phi ngôn ngữ, màu sắc, hội hoạ, cử chỉ, điệu bộ... nhưng phương tiện quan trọng và cơ bản nhất là ngôn ngữ vì nó tiện lợi và hiệu qủa nhất trong những điều kiện bình thường.Vậy, với tư cách là một phương tiện quan trọng của giao tiếp thì các đặc điểm nào, phương diện nào của ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới cuộc giao tiếp mà những người giao tiếp phải ý thức, nhận biết được để lựa chọn, sử dụng chúng như một phương tiện, một cách thức có hiệu quả.

Lí thuyết giao tiếp sẽ được sử dụng để xác định nhân vật giao tiếp ( ai núi, núi với ai, núi về ai...), hoàn cảnh giao tiếp(cuộc giao tiếp diễn ra ở đâu, vào thời điểm nào), chức năng của giao tiếp và đích của văn bản(cuộc giao tiếp nhằm thực hiện chức năng gì : thông báo, biểu cảm,tạo lập quan hệ hay giải trí... )

ii) Lý thuyết chiếu vật

Green định nghĩa : “thuật ngữ chiếu vật (reference) được dùng để chỉ phương tiện nhờ đó người nói phát ra một biểu thức ngôn ngữ, với biểu thức này, người nói nghĩ rằng nó sẽ giúp người nghe suy ra được một cách đúng đắn thực thể nào, đặc tính nào, quan hệ nào, sự kiện nào anh ta định nói đến.

Chiếu vật có vai trò gì đối với người tiếp nhận , người phân tích văn bản? Chiếu vật là dấu hiệu đầu tiên thể hiện quan hệ giữa ngữ cảnh với diễn ngôn.          Người nghe, muốn hiểu được diễn ngôn, trước hết phải xác định được nghĩa chiếu vật - nghĩa là phải biết được người, vật, hoạt động, trạng thái, tính chất mà từ ngữ trong câu quy chiếu. Nếu người nghe chưa xác định được nghĩa chiếu vật thì người ấy sẽ rơi vào tình trạng mơ hồ về chiếu vật. Kết quả là sẽ không hiểu hoặc hiểu sai nội dung truyền đạt của người nói (một số truyện cười đã lấy sự mơ hồ về chiếu vật để làm biện pháp gây cười). Một trong những đặc trưng của tác phẩm văn học là tính đa nghĩa và một trong các cách tạo nên tính đa nghĩa, đó là dùng chiếu vật nhiều nghĩa.

Lí thuyết chiếu vật sẽ giúp người phân tích văn bản tìm được các biểu thức chiếu vật , nghĩa chiếu vật để trả lời các câu hỏi : với các biểu thức chiếu vật này , người tạo lập văn bản muốn nói tới ai, tới cái gì, vật gì, cảnh gì..., biểu thức chiếu vật này ứng với một vật hay đa vật ?

iii) Lý thuyết hành động nói.

Hành động nói là hành động được thực hiện bằng lời nói để thông qua đó người nói tác động đến người nghe, làm thay đổi trạng thái vật lí hay tinh thần của người khác.

Ngắn gọn hơn, hành động nói là một hoạt động nói năng, được thực hiện bằng cách nói ra câu nói biểu thị mục đích/ý định của người nói.

Vì  được  dùng để thể hiện thái độ, mục đích, ý định của người nói nên hành động nói chính là một loại ý nghĩa của câu - ý nghĩa tình thái.

Hành động nói được các nhà ngôn ngữ xây dựng thành một lí thuyết - lí thuyết hành động ngôn ngữ, một lí thuyết được coi là xương sống của chuyên ngành ngữ dụng học, một chuyên ngành mới, rất hấp dẫn của ngôn ngữ học. Phân tích văn bản, không thể bỏ qua lí thuyết hành động nói.  Nó giúp người phân tích trả lời các câu hỏi : nhân vật giao tiếp nói với ý định gì , nhằm mục đích gì ? Để hỏi, yêu cầu, bác bỏ, phủ định, khẳng định, giải thích, chào, cám ơn , xin lỗi hay thề thốt ... ?

iv) Lý thuyết nghĩa tường minh – hàm ẩn

  Nghĩa tường minh (hay hiển ngôn) của câu là phần ý nghĩa được nói ra trực tiếp nhờ các yếu tố ngôn ngữ (từ, cụm từ, các kết cấu cú pháp) nên còn gọi là nghĩa câu chữ.

Trong câu, ngoài nghĩa tường minh còn có những nghĩa không thể hiện trực tiếp bằng câu chữ, muốn nhận diện nó, người ta phải dựa vào ngữ cảnh và suy ra từ câu chữ. Đó chính là nghĩa hàm ẩn của câu, là loại nghĩa mà “ý tại ngôn ngoại”, “ý lớn hơn lời”.

Nghĩa hàm ẩn chia thành hai loại : tiền giả định và hàm ngôn.

Tiền giả định là những hiểu biết được các nhân vật giao tiếp mặc nhiên thừa nhận, không phải bàn cãi, vì nó đã có từ trước và nếu không có nó thì không thể nói câu đó được (câu sẽ trở thành phi lí hoặc không thể hiểu được).

Hàm ngôn là phần nghĩa không được nhận diện trực tiếp từ câu chữ mà phải suy ra từ nghĩa tường minh, tiền giả định, ngữ cảnh và sự vi phạm các qui tắc ngôn ngữ có chủ định.

 Nghĩa tường minh, tiền giả định , hàm ngôn và các cơ sở nhận diện nghĩa hàm ngôn là những tri thức không thể thiếu khi phân tích văn bản.  

v) Lý thuyết mạch lạc

Mạch lạc là kết quả của việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, có vai trò quyết định trong việc tạo nên chất văn bản. Nó là hiện tượng có thực, song lại rất mơ hồ, trừu tượng và phức tạp. Người ta có thể dễ dàng cảm nhận văn bản này mạch lạc, văn bản kia thiếu mạch lạc, nhưng lại rất khó chỉ ra nó mạch lạc ở chỗ nào, mạch lạc như thế nào. Vì xét cho cùng, mạch lạc rất rộng, nó bao trùm lên toàn tác phẩm.

  Tuy rất mơ hồ, trừu tượng,rộng và phức tạp nhưng mạch lạc lại có một vai tròvô cùng quan trọng, nó xâu chuỗi các bloc sự kiện có quan hệ với nhau, giúp người đọc nhanh chóng nhận ra giải pháp của truyện để có thể nắm bắt tư tưởng chủ đề của tác phẩm và hiểu sâu hơn những tầng ý nghĩa của tư tưởng chủ đề, những đặc sắc nghệ thuật tạo nên phong cách của nhà văn.

Các lý thuyết ngôn  ngữ  nêu trên là các lý thuyết ngôn ngữ hiện đại mới được đưa vào Việt Nam và bài viết này đã  ứng dụng để phân tích nên chúng tôi muốn sơ lược giới thiệu. Còn thực tế, khi phân tích thơ văn, cần phải vận dụng một cách tổng hợp tất cả các lí thuyết ngôn ngữ về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, phong cách- có liên quan đến đặc điểm của văn bản đang phân tích chứ không chỉ vận dụng riêng các lí thuyết được giới thiệu trong bài này.

2.2 Xác định các bước tìm hiểu văn bản.

   Trước khi phân tích một  văn bản cụ thể, cần có công đoạn : tìm hiểu văn bản dưới góc độ ngôn ngữ.  Công đoạn đó thường gồm các nhiệm vụ cơ bản sau :

- Tìm hiểu xuất xứ.

- Xác định các nhân vật giao tiếp.

- Xác định hoàn cảnh giao tiếp (thời gian, không gian diễn ra cuộc giao tiếp).

- Giải nghĩa các từ ngữ.

- Xác định hành vi ngôn ngữ hay mục đích của người viết.

-Tìm các bloc sự kiện có liên quan.

- Diễn nôm phần cần phân tích.( Với thơ Kiều và thơ cổ).

Các nhiệm vụ và các lí thuyết ngôn ngữ nêu trên sẽ được chúng tôi vận dụng một cách tổng hợp để phân tích cụ thể một khổ thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

3.  Phân tích khổ thơ.

Khổ thơ được chọn để phân tích là bốn câu thơ sau trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

                               Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

                            Tin sương huống những rày trông mai chờ

                                Chân trời góc bể bơ vơ

                             Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

Đó là câu: 1039, 1040, 1041 và 1042 trong tổng số 3.254 câu thơ của Truyện Kiều. (Bốn câu thơ đó cũng nằm trong phần trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bích”-  được tuyển chọn làm bài giảng văn của sách Ngữ văn lớp 9 tập một do Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn hành).  

 Đoạn thơ mở đầu bằng động từ tưởng -trong chức năng vị ngữ. Một câu thơ khuyết chủ ngữ (Truyện Kiều có rất nhiều câu thơ khuyết chủ ngữ). Không có biểu thức chiếu vật nào cho thấy chủ thể của tưởng là ai ? Đang làm gì? Ở đâu ? Tìm hiểu hoàn cảnh giao tiếp của khổ thơ, xa lên trên (câu 1033), có câu “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân”. Vậy ra đây là lầu Ngưng Bích (Bích: xanh, màu xanh; ngưng: đọng lại, ngưng lại; lầu Ngưng Bích: lầu màu xanh có sắc xuân đọng lại). Khóa xuân: xuân trong ngữ cảnh này dùng để chỉ người con gái độ xuân xanh – chưa chồng; khóa xuân: chỉ người con gái còn xuân bị cấm cung, chờ ngày lấy chồng. Vậy là có một người con gái bị cấm cung, bị khóa xuân ở lầu Ngưng Bích. Nàng là ai? Làm sao lại bị khóa xuân ở nơi dẫu có “non xa” với “tấm trăng gần ở chung” nhưng mênh mông giữa “bốn bề bát ngát xa trông”, chỉ thấy “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia” thì cảnh cũng như người đều chịu chung tâm trạng” bẽ bàng, mây sớm đèn khuya. Nửa sầu nửa cảnh như chia tấc lòng”. Ngữ cảnh của đoạn thơ này chưa đủ thông tin để giải đáp cho hai câu hỏi trên. Ngược xa hơn nữa, ta sẽ được biết lai lịch của người con gái bị khóa xuân ở lầu Ngưng Bích. Nàng tên gọi Thúy Kiều, “ sắc sảo, mặn mà”, đang độ “ xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” ,vừa cùng người yêu “ tóc tơ căn cặn tấc lòng” trao lời ước nguyện “ trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai “. Đang trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”  thì gia đình nàng gặp ngộ biến. Để cứu cha và em trai, nàng phải cân nhắc “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn” và rồi, “xót mình phận bạc”, đành chịu lỗi lời thề ước với mối tình đầu e ấp nồng nàn vừa hé nở, nàng quyết định bán mình chuộc cha. Kẻ mua nàng về Lâm Truy làm “tiểu tinh” (sao nhỏ - vợ bé) là anh chàng họ Mã -  “vốn là một đứa phong tình đã quen”, chung lưng với mụ Tú bà, làng chơi mở một ngôi hàng lầu xanh. Xót thay thân phận nàng Kiều. Tưởng là làm lẽ đã cam phận hèn. Ai dè sa ổ nguyệt hoa, bắt nàng “tiếp khách kiếm lời mà ăn”. Vốn con nhà “ băng tuyết chất hằng phỉ phong”, không thể chấp nhận làm cái nghề “ong qua bướm lại” có thừa xấu xa ấy, nàng Kiều “thôi thì thôi có tiếc gì. Sẵn dao tay áo tức thì giở ra”.Thế là “Thương ôi, tài sắc bậc này. Một dao oan nghiệp đứt dây phong trần”. Nàng tự vẫn để Tú bà ‘cầm cập, mắt nhìn, hồn bay” – Không phải vì xót thương nàng Kiều tài hoa bạc mệnh mà mụ xót của. Kiều mà chết thật thì “thôi thôi vốn liếng"của mụ “đi đời nhà ma”. Bởi thế cho nên, mụ “cắt người coi sóc, rước thầy thuốc men”. Chạy chữa suốt một ngày thâu, “giấc mơ nghe mới ràu ràu vừa tan”. Tú bà đã trực sẵn bên màn, lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần: “lỡ chân trót đã vào đây. Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non” (khóa xuân - cấm cung để đợi ngày lấy chồng – không phải tiếp khách nữa). Trước lời thề thốt của Tú bà “Mai sau ở chẳng như lời. Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi”, Kiều “thấy lời quyết đoán hẳn hoi. Đành lòng nàng cũng sẽ nguôi nguôi dần”. Đó là toàn bộ bối cảnh giải thích vì sao nàng Kiều lại bị khóa xuân ở lầu Ngưng Bích.

  Trở lại với khổ thơ đang xét:

                                  Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

                           Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Một thân một mình, bị khóa xuân giữa bốn bề bát ngát mênh mông, ngày thì chỉ thấy “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”, đêm xuống thì “bẽ bàng” với “mây sớm đèn khuya”, nàng Kiều đã làm gì trong khung cảnh đó, tâm trạng đó? Nàng đang  nghĩ, đang nhớ, đang tưởng : Tưởng người dưới nguyệt chén đồng.  Xét về mặt câu chữ, tưởng là động từ chỉ hoạt động tâm lí. Nó có nghĩa gì?

 Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, tưởng  có thể là: (1) Nghĩ đến nhiều một cách cụ thể và với tình cảm ít nhiều thiết tha.( Lúc nào cũng chỉ tưởng đến đá bóng). (2) Nghĩ và tin chắc (điều thật ra không phải). Tôi tưởng anh ta đi vắng nên sáng nay không đến.

Theo Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, tưởng : có thể là nghĩ, nghĩ đến, nhớ đến; tưởng tượng.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có tới 10 lần sử dụng động từ tưởng. Vẫn là động từ  tưởng, nhưng trong những kết hợp khác nhau, nghĩa của tưởng cũng có những sắc thái khác nhau. Cụ thể :

-                  (265) Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều.

Tưởng trong (265) mang nghĩa của tưởng tượng.

-                  (1960) Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao.

Tưởng trong (1960) mang nghĩa của nghĩ.

-                  (3013) Tưởng bây giờ là bao giờ

             Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao.

Tưởng trong (3013) tương đương với ngỡ.

Còn trong câu (1309): Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,nghĩa của tưởng là gì ?Theo chúng tôi, trong ngữ cảnh này, trong kết hợp: tưởng + c – v,  thì,  tưởng vừa có nét nghĩa của nhớ (về ai), của nghĩ (đến ai), lại vừa có nét nghĩa của mường tượng.

Bên lầu Ngưng Bích, Kiều nhớ đến ai? Nghĩ đến ai? Và mường tượng thấy điều gì? Ai là người đầu tiên nàng nhớ đến sau những biến cố đầu tiên của chặng 15 năm lưu lạc? Chưa phải là “huyên cỗi xuân già”, càng không phải là hai em Vân – Quan. Nàng tưởng  đến, nhớ đến, nghĩ đến “người dưới nguyệt chén đồng”. “Người dưới nguyệt chén đồng” - một biểu thức chiếu vật chỉ người .Nhưng người đó không rõ họ tên, chỉ có một định ngữ miêu tả “dưới nguyệt chén đồng”. Nguyệt là trăng. Chén đồng là cái chén làm bằng đồng. Người xưa thường dùng chén đồng để uống rượu và thề đồng tâm với nhau (theo Từ điển Truyện Kiều). Như vậy,”người dưới nguyệt chén đồng” là người dưới trăng cùng uống rượu bằng chén đồng và nguyện thề với nàng Kiều.Song , thế vẫn chưa tường minh,vẫn chưa rõ  người dưới trăng cùng uống rượu bằng chén đồng và nguyện thề với nàng Kiều là người nào? Câu giải đáp được tìm thấy ở những câu thơ  từ 148 đến152. Đó là chàng- “họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh”, “Nền phú hậu, bậc tài danh, văn chương nết đất, thông minh tính trời”,” phong tư tài mạo tót vời. Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Trong một buổi “Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”, chàng Kim  đã tình cờ gặp nàng Kiều “ nghiêng nước nghiêng thành, sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Cặp “Người quốc sắc kẻ thiên tài” đó,  nẻo xa, mới nhác thấy nhau mà “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Và rồi, sau buổi đầu hội ngộ đó, trong khung cảnh “Vầng trăng vằng vặc giữa trời”,  chàng- nàng  đã  “tiên thề cùng thảo một chương. Tóc mây một món dao vàng chia đôi”, cùng nhau thề hẹn “Tóc tơ căn vặn tóc tấc lòng. Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”. Vâng, “ người dưới nguyệt chén đồng” của nàng Kiều chính là chàng Kim.

   Như vậy,nàng Kiều không phải khóa xuân một mình ở Lầu Ngưng Bích. Nhân vật giao tiếp thứ hai- chàng Kim- đã xuất hiện cùng nàng. Nhưng sự xuất hiện của chàng chỉ tồn tại trong tâm tưởng của nàng Kiều : Tưởng người dưới nguyệt chén đồng. Còn con người thực của người dưới nguyệt chén đồng ấy hiện đang ở đâu? Chàng đang làm gì khi người yêu của chàng gặp cảnh gia biến, phải bán mình chuộc cha, lỗi hẹn với “ lời thệ hải minh sơn “ và giờ đang bị khóa xuân đơn chiếc một mình ở lầu Ngưng Bích ? Lật lại các sự kiện trước đó: giữa lúc “trăng thề còn đó trơ trơ” thì “xuân đường kíp gọi sinh (Kim Trọng) về hộ tang “thúc phụ từ đường” ở quê nhà Liêu Dương. Vậy là chàng Kim - người yêu của nàng Kiều đang ở quê nhà. Nhưng, trong tâm trí của nàng Kiều, trong trí tưởng tượng của Kiều, trong nỗi nhớ của Kiều thì “người dưới nguyệt chén đồng” của nàng, nơi Liêu Dương cách trở sơn khê, thân dẫu đang “hộ tang thúc phụ”, còn tâm thì vẫn đang ngóng về nàng với tâm trạng “tin sương luống những rày trông mai chờ”. Đó là tâm trạng gì? Ta lại tiếp tục phân tích.

    Xét theo câu chữ, tin sương, từ điển truyện Kiều giải thích là tin tức, là sương tin (tiếng Hán) chỉ chim nhạn, loại chim người xưa dùng để đưa tin, truyền tin. Rày trông mai chờ là một thành ngữ. Rày là nay. Nghĩa tường minh, nghĩa hiển ngôn của thành ngữ đó là : nay trông (mong), mai lại chờ (mong). Hẳng ngày/ ngày ngày/ ngày nào cũng trông chờ. Trong ngữ cảnh cụ thể, có thể diễn nôm câu 1309 như sau : ngày nào Kim Trọng cũng mong chờ tin tức của nàng Kiều. Tuy nhiên, nếu chỉ diễn nôm như vậy thì ý và nghĩa của câu thơ chưa được lột tả hết,đặc biệt là cái tâm trạng rày trông mai chờ của chàng Kim.Thực chất, thành ngữ rày trông mai chờ được cấu tạo bởi hai tổ hợp đẳng lập:  nay mai và trông chờ.  Bằng thủ pháp tách - chen- láy, hai  tổ hợp đó được tái tạo lại, tạo nên thành ngữ :  rày trông mai chờ. Kiểu phối hợp láy –chen giữa  hai từ đồng nghĩa như thế đã khiến cho cái nét nghĩa  thời gian đằng đẵng và  tâm trạng mong chờ mà thành ngữ biểu thị như được nhân lên: nỗi mong chờ tin tức người yêu của chàng Kim không phải chỉ ở thời điểm nay - mai.  Cái nay mai đó cứ lặp đi lặp lại trong âm hưởng của bốn thanh bằng  khiến cho cái thời gian mong đợi thêm rằng rặc, đằng đẵng : càng mong, tin càng bặt; càng bặt, càng ngóng, càng trông ; càng trông càng bặt, càng bứt rứt, sốt ruột.

  Thực tế, ở nơi “Liêu Dương cách trở sơn khê”, chàng Kim của nàng Kiều có đúng là đang ngày ngày “tin sương luống những rày trông mai chờ” hay không,  Nguyễn Du không biết. Chúng ta - người đọc - càng không biết. Nhưng trong tâm tưởng của Kiều, trong tấm tình yêu của Kiều thì đúng là như vậy, không khác được. Chàng Kim của nàng Kiều, đúng hơn là chàng Kim trong tâm tưởng, trong mường tượng của nàng Kiều ở Lầu Ngưng Bích là như vậy: thuỷ chung, son sắt. Thân ở Liêu Dương mà tâm tình cứ ngóng về tình yêu, về nàng Kiều. Một trang nam nhi đẹp là thế, thuỷ chung là thế - trong con mắt Kiều.

          Đọc hai câu thơ tiếp:

                                        Chân trời góc bể bơ vơ

                                Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

          Người đọc như bị chững lại. Khổ thơ dường như bị bẻ làm đôi. Mạch cảm xúc quặt sang một hướng khác. Hai câu đó nói về ai? Về nội dung gì mà lại gây một cảm giác nghèn nghẹn gẫy đôi như vậy? Đọc lại câu 1041: “Chân trời góc bể bơ vơ”. Một câu thơ lục (sáu chữ), nhịp thơ, đọc theo âm, có thể ngắt thành : 2-2-2. Nhưng ngắt theo nghĩa thì nhịp sẽ là 4-2: Chân trời góc bể - bơ vơ. Về mặt ngữ pháp, câu thơ đó có một trạng ngữ chỉ nơi chốn:  chân trời góc bể và một tính từ: bơ vơ - làm vị ngữ. Tiếp tục xẻ từng câu chữ ra để tìm nghĩa . Chân trời góc bể là một thành  ngữ  bốn âm tiết được tạo nên bởi hai ngữ danh từ có quan hệ đẳng lập: chân trời (chân của trời ), góc bể ( góc của bể). Sao? Trời cao lồng lộng cũng có chân ư? Bể (biển) mênh mang cũng có cạnh à? Có. Ai cũng thấy. Xa xa, trời dường như tiếp giáp với đất, biển giao nhau với trời. Dân gian gọi các phần giao nhau đó là chân trời – góc biển (nên mới có: cỏ non xanh rợn chân trời). Nó hiển hiện trước mắt ta. Nhưng đi mãi, đi hoài mà chẳng thể nào đến đích. Nó vẫn cứ  xa xa,vẫn cứ  trước mắt ta. Hữu hình mà vô định. Bởi thế thành ngữ chân trời góc bể mới mang nghĩa khái quát: chỉ một nơi rất rất xa xôi. Tiếp theo thành ngữ chỉ nơi chốn là từ “bơ vơ” - một tính từ chỉ hình ảnh (ai đó) một thân một mình,đơn chiếc, chơi vơi, không  nơi nương tựa. Câu thơ sáu chữ chỉ có hai thành phần: trạng ngữ và vị ngữ. Lại một câu thơ khuyết chủ ngữ, ẩn chủ thể. Tuy nhiên, dựa vào ngữ cảnh và các thao tác suy ý, người đọc vẫn có thể truy tìm, khôi phục lại được biểu thức chiếu vật bị ẩn đi. Đó là một biểu thức chiếu vật miêu tả về một người con gái đang độ “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”, đã đặt chữ hiếu lên trên chữ tình, dấn thân vào chốn đoạn trường, vừa trải qua một loạt biến cố. Người con gái đó là nàng Kiều , giờ đây đang bơ vơ, trơ trọi, cô đơn một thân một mình ở một nơi rất xa xăm -  một nơi mà nàng không biết đấy là đâu. Nó rất xa, rất xa quê hương nàng. Rất lạ , rất mịt mù. Chân trời góc bể bơ vơ. Câu thơ gợi người đọc liên tưởng tới một cánh chim vừa lìa khỏi tổ, một nhành hoa vừa bị bứt khỏi cành, đang đơn chiếc, chơi vơi, hãi hùng ở một nơi mờ mịt, xa xăm. Ta thấy nghẹn lòng. Thật tội nghiệp nàng Kiều ! Nàng ở đó ra làm sao? Đọc tiếp câu thơ 1042:

                                        Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

 Theo thu thập của chúng tôi, câu thơ trên, ít ra có hai cách lý giải.

  Thứ nhất, một số sinh viên, học viên cao học (thuộc Khoa Ngữ văn trường ĐHSPHN),  khi được hỏi về nội dung ý nghĩa của câu “tấm son gột rửa bao giờ cho phai” đã lý giải như sau: “tấm son”: chỉ sự thuỷ chung son sắt của Thuý Kiều với Kim Trọng, “bao giờ cho phai” :  không bao giờ phai lạt. Gộp cả hai câu: “Chân trời góc biển bơ vơ, tấm son gột rửa bao giờ cho phai”, các em giải thích là: dù ở nơi chân trời góc bể xa xôi, nhưng tấm lòng thuỷ chung son sắt của Thuý Kiều với Kim Trọng vẫn không bao giờ phai nhạt.

   Theo chúng tôi, cách lý giải, cách hiểu đó chưa đúng, bởi người phân tích :

-                   Chưa bám sát các từ ngữ có trong câu thơ: tổ hợp từ “gột rửa” hoàn toàn bị lãng quên/ bỏ qua, không phân tích, khiến cho nghĩa của tấm son cũng như nghĩa của toàn câu thơ bị hiểu gần như ngược lại. ( nghĩa của riêng tấm son  khác với nghĩa của tấm son trong kết hợp tấm son gột rửa).

-                  Không nắm được nội dung Truyện Kiều cũng như hệ thống mạng các sự kiện  trong truyện; không hiểu được tính cách của nhân vật Thúy Kiều.

-                  Không đặt câu thơ cần phân tích trong mối quan hệ với các blok sự kiện có liên quan.

Dưới đây là cách lí giải của bài viết này

          Trước tiên, phải  xẻ chữ, tìm nghĩa  câu thơ.

  Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), Tấm, là một danh từ chỉ loại (loại từ) với nghĩa đen: chỉ vật có hình như một phiến mỏng; nghĩa bóng: để chỉ cái lòng, cái thân với  nghĩa  là nhỏ bé, mỏng manh. Son: thuộc từ loại tính từ ,dùng để chỉ tấm lòng ngay thẳng, trung trinh, trước sau không phai nhạt,đổi thay. Hoặc chỉ người còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng .

Từ  điển Truyện Kiều giải thích: tấm son chỉ tấm lòng son, lòng thành, tức tình yêu.

  Theo chúng tôi , tổ hợp tấm son có thể hiểu theo cả hai nghĩa. Nghĩa đen, tấm son dùng để chỉ tấm thân son trẻ, trinh trắng của người con gái. Nghĩa bóng, tấm son chỉ tình yêu thuỷ chung, trước sau như một, không đổi thay của những người yêu nhau.

 Gột rửa là tổ hợp từ, được ghép đẳng lập từ hai từ gột và rửa, trong đó :  gột là dùng nước làm sạch một vết bẩn; rửa cũng là dùng nước làm cho sạch một vật gì (cả nghĩa đen và nghĩa bóng).

 Phai là động từ, có nghĩa: làm nhạt bớt màu, làm mờ đi.

Bao giờ là đại từ nghi vấn dùng để hỏi về một khoảng thời gian không xác định.

Cho : trong cấu trúc của tổ hợp bao giờ cho phai, cho là kết từ,biểu thị điều sắp nêu ra là yêu cầu, mục đích,mức độ nhằm đạt tới của việc vừa nói tới.

  Trong tiếng Việt, xét ở phương diện nghĩa câu chữ, các cấu trúc : bao giờ cho phai, bao giờ thì phai, bao giờ mới phai, bao giờ sẽ phai, đều có thể dùng để biểu thị hành động hỏi- hỏi về thời gian( bao giờ). Tuy nhiên, giữa chúng vẫn có sự khác nhau : hành động hỏi được biểu thị bằng  các cấu trúc có chứa thì, mới, sẽ (bao giờ thì phai, bao giờ mới phai, bao giờ sẽ phai) là hành động hỏi đích thực - có hình thức của hành động hỏi và được dùng đúng với mục đích hỏi : người hỏi thực sự không biết nội dung hỏi ( bao giờ thì phai ? bao giờ mới phai ?bao giờ sẽ phai?) nên đã đặt câu hỏi và mong nhận được câu trả lời.

 Còn cấu trúc bao giờ cho phai tuy có hình thức của hành động hỏi nhưng không được dùng đúng với mục đích hỏi mà lại hướng tới  hành động khẳng định: không bao giờ phai.( Bởi dẫu thực hiện hành động hỏi nhưng người nói đã biết nội dung câu trả lời và không mong nhận được câu trả lời). Lí thuyết hành động nói gọi đó là hành động hỏi gián tiếp.

  Như vậy,nghĩa tường minh của từng từ - ngữ trong câu 1042 đã được chú giải.  Còn nghĩa của toàn câu như thế nào ? Có thể diễn nôm như sau:

Nghĩa đen : tấm thân son/ tấm thân trinh trắng (của nàng Kiều) gột rửa (dùng nước để làm sạch vết bẩn) biết bao giờ cho phai/ cho mờ đi/ cho hết đi.

Nghĩa bóng : tình yêu thuỷ chung son sắt (của Kiều dành cho Kim Trọng) phải gột rửa (dùng nước làm cho sạch) biết bao giờ cho sạch.

 Như vậy, nếu chỉ thuần căn cứ vào tám chữ trong câu 1042 thì người tiếp nhận sẽ phải đặt câu hỏi cho những điểm còn thiếu tường minh:Tấm thân trinh trắng/ tình yêu thuỷ chung của nàng Kiều (dành cho Kim Trọng), vì sao lại phải gột rửa? Nó đã bị vấy bẩn? Phải vấy bẩn, không còn sạch nữa thì mới cần phải gột rửa.

 Trả lời câu hỏi đó, trước tiên, cần phải làm sáng tỏ: thế nào là tấm son “sạch”, thế nào là tấm son bị vấy bẩn? Từ điển không giải thích điều đó, bởi nó không thuộc phạm trù ngữ nghĩa của từ mà thuộc địa phận của văn hoá. Văn hoá của mỗi thời đại, mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp lại khác nhau. Thời của Nguyễn Du, của nàng Kiều là thời của lễ giáo phong kiến. Lễ giáo phong kiến quan niệm thế nào về tấm son? Cần nói kỹ hơn về nghĩa từ điển của tấm son. Như trên đã nói, tấm son, nghĩa đen là tấm thân son sẻ, trinh trắng của người con gái. Nghĩa bóng, tấm son chỉ tình yêu chung thuỷ, trước sau như một. Và lễ giáo phong kiến quan niệm, tấm son chỉ để riêng dành cho nữ giới, bởi đàn ông được phép “năm thê bẩy thiếp” nên không bàn đến tấm son. Mở rộng thêm chút nữa, nghĩa đen của tấm son còn liên quan đến nghĩa của chữ trinh, nghĩa bóng của nó lại có quan hệ với nghĩa của sự thuỷ chung (giữ vẹn lời thề ).

  Và như vậy, nghĩa của các tổ hợp: tấm son, chữ trinh, lời thề chung thuỷ cùng thuộc một phạm trù. Trở lại câu hỏi nêu trên: thế nào là tấm son trong sạch, thế nào là tấm son vấy bẩn?

Hiểu theo nghĩa bóng, tấm son trong sạch – theo lễ giáo phong kiến- là phải giữ vẹn lời nguyền ước với người mình yêu. Khi đã “nguyền hai chữ đồng tâm” thì phải “trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”. Khi đã “cùng nhau trót đã nặng lời” - những  “lời thề hải minh sơn” thì phải “dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ”.

 Nếu hiểu theo nghĩa đen, tấm son trong sạch -  tấm thân trinh trắng –  lại gắn với chữ trinh của người phụ nữ. Lễ giáo phong kiến đặc biệt coi trọng và khe khắt trong cách  đánh giá, nhìn nhận về chữ trinh: “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng” và người phụ nữ phải có bổn phận giữ gìn nó; trong đạo vợ chồng, “hoa thơm”- phải “phong nhuỵ”, trăng- phải “vòng tròn gương” thì đến ngày “đuốc hoa” người con gái mới “chẳng thẹn với chàng mai sau”. Lễ giáo phong kiến quan niệm về tấm son, về chữ trinh  trong sạch là phải như vậy.

Trở  lại với câu hỏi ở trên: Tấm thân trinh trắng/ tình yêu thuỷ chung của nàng Kiều dành cho Kim Trọng, vì sao lại phải gột rửa? Phải gột rửa, nghĩa là nó bị vấy bẩn? Phải vấy bẩn/ không còn sạch nữa thì mới cần phải gột rửa. Thực hư vấn đề này như thế nào? Hãy vượt ra xa hơn phạm vi của câu Tấm son gột rửa bao giờ cho phai .

 Hãy lật tìm các bloc sự tình có liên quan đến các câu hỏi trên. Hãy tìm hiểu xem nàng Kiều của Nguyễn Du đã tự soi xét mình, tự đánh giá về “lời thề hải minh sơn” của mình với “ người dưới nguyệt chén đồng “ của nàng  như thế nào ? Nó có còn trong sáng , trinh trắng nữa không ?

 Khi “sự đâu sóng gió bất kỳ” ập đến với gia đình, nàng  Kiều đã đặt chữ hiếu lên trên chữ tình , quyết định  “ dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha”. Những tưởng sự hy sinh vì chữ hiếu cao cả sẽ làm dịu đi nỗi đau xót ,thiệt thòi của chữ tình Nhưng không, chữ hiếu đã tròn thì chữ tình lại  “giữa đường đứt gánh “ .Nàng tự trách mình “ thề hoa chưa ráo chén vàng. Lỗi thề thôi đã phũ phàng với hoa”.  Trao duyên cho Thuý Vân, những tưởng nhờ em “ xót tình máu mủ, thay lời nước non” là đã trả được nghĩa cho chàng Kim. Nhưng cũng không, chữ nghĩa dẫu có vẹn thì  vẫn còn đó “ nợ tình chưa trả cho ai. Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan “. Cho nên vừa dứt lời trao duyên cho em gái, nàng đã thét lên “Ôi Kim lang ! Hỡi Kim lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây” và ngất lịm đi. Rồi tiếp đến, cái gã “dại nết chơi bời” họ Mã kia, “khi rước nàng về đến trú phường”,  “buồn mình trước đã tần mần thử chơi” để cho “màu hồ đã mất đi rồi” thì Kiều đã “giận duyên tủi phận bời bời”, “ phần căm nỗi khách phần dơ nỗi mình” và “cầm dao, nàng đã toan bài quyên sinh”. (Còn Nguyễn Du, tiếc cho cái giá ngàn vàng của người thiếu nữ “sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai” cũng đã phải thốt lên “tiếc thay một đoá trà mi. Con ong đã tỏ đường đi lối về”).

 Như vậy, sau ngần ấy biến cố, vào thời điểm Kiều bị khóa xuân ở lầu Ngưng Bích, thì tấm son, tấm lòng thủy chung của Kiều với Kim Trọng, chữ trinh(theo quan điểm của lễ giáo phong kiến) mà nàng đã “hoài công nắng giữ mưa gìn với ai” hỏi có còn trong trắng được nữa không ?

  Thế nên, trước lầu Ngưng Bích, trong khoảng tạm lắng, tạm yên tĩnh của chuỗi ngày lưu lạc, nhớ tới người dưới nguyệt chén đồng đã cùng mình “đinh ninh hai mặt một lời song song”, nàng Kiều đã tưởng tượng, hình dung ra cảnh: nơi Liêu Dương cách trở sơn khê, chàng Kim của nàng đang đêm ngày ngóng trông tin tức - những điều tốt lành từ vườn Thuý – nơi hai người đã “khăn gấm quạt quỳ” trao lời hẹn ước. Chàng đâu có biết người yêu của chàng đã rời xa nơi ấy, đang bơ vơ một thân một mình nơi góc bể chân trời – day dứt, âm thầm với nỗi đau “tấm son gột rửa bao giờ cho phai”. Vâng, tấm son của nàng Kiều với chàng Kim mà nàng trân trọng, nâng niu và giữ gìn đã bị vấy bẩn. Tấm thân nghìn vàng của nàng đã bị ô danh, bị hoen ố. Trên đời nay, nếu chân tay, mặt mũi lấm bẩn thì có thể dùng nước mà rửa cho sạch, chứ tấm son của người trinh nữ đã bị hoen ố thì nước nào có thể gột rửa được ? Gột đến bao giờ, rửa đến bao giờ mới có thể phai đi, mờ đi, nhạt đi cái miệng thế dè bỉu, mỉa mai, chê cười, giễu cợt, bỉ khinh của người đời?

                                 Tấm son gột rửa bao giờ cho phai ?

   Vâng, đúng thế ! Tấm son của người trinh nữ đã bị nhơ, bị bẩn thì chẳng bao giờ có thể trở lại trinh trắng như ngày xưa được. Trong nếp nghĩ của nàng Kiều, vốn sống trong một gia đình “thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong” thì sự ê chề này, nỗi nhục nhã này là nỗi đau tâm trạng, nỗi đau tinh thần lớn nhất. Nó không chỉ đeo bám nàng suốt 15 năm lưu lạc đoạn trường, mà cả khi  “đoạn trường sổ rút tên ra”, nàng được đoàn viên sum họp bên gia đình và bên “chàng Kim đó – nọ người ngày xưa”-  thì, nó vẫn tiếp tục đeo bám nàng,  ám ảnh nàng-  suốt đời. Nỗi đau tinh thần đó còn lớn hơn cả cái chết. Và thực tế, Kiều đã một lần “cầm dao, nàng đã toan bài quyên sinh” và một lần nàng đã quyên sinh thật. Nhưng trớ trêu thay, đau đớn thay, “người dù muốn quyết nào trời dã cho”. Trời chưa cho nàng được chết, bắt nàng phải tiếp tục sống, để trải qua hết 15 năm đoạn trường và để suốt đời dằn vặt, đớn đau với câu hỏi tuyệt vọng “tấm son gột rửa bao giờ cho phai” . Câu hỏi đó,không chỉ là tiếng kêu đau đớn, vô vọng của bản thân nàng Kiều. Nó cũng là tiếng than cay đắng, nghẹn ngào, uất hận, là lời kêu cứu, lời lên án, tố cáo tội ác của cái xã hội đầy rẫy những kẻ  “đầu trâu mặt ngựa” và  cái giống tanh hôi buôn thịt bán người Tú bà, Mã Giám Sinh - những kẻ đã vùi dập, làm hoen ố sự trinh trắng nghìn vàng của những thiếu nữ vốn con nhà cửa các buồng khuê như Kiều. Đó cũng là dụng ý, là hành động ngôn ngữ mà Nguyễn Du muốn kí gửi qua bốn câu thơ vừa phân tích.

 

4.  Thay cho lời kết, chúng tôi muốn một lần nữa khẳng định vai trò của ngôn ngữ trong việc phân tích thơ văn nói chung và thơ Kiều nói riêng.  Bởi dụng ý của tác giả, nội dung ý nghĩa của tác phẩm không phải bao giờ cũng dề dàng phơi bày tường minh trên bề mặt con chữ. Thế nên người phân tích, người tiếp nhận phải bám sát tác phẩm, nhiều khi phải sẻ từng câu văn, vật từng con chữ mới mong tìm ra các tầng ý ẩn sâu trong câu chữ của tác phẩm.

                                         

 Tài liệu tham khảo:

 

1.              Đào Duy Anh, (1974),Từ điển Truyện Kiều , KHXH.

2.              Đỗ Hữu Châu, (2003), Cơ sở Ngữ dụng học, tập 1, Nxb ĐHSP HN.

3.              Phan Ngọc, (2001), Tìm hiểu phong cách của Nguyễn Du trong Truyện Kiều , nxb Thanh niên.

4.              Nguyễn Thị Lương, ( 2006 ), Câu tiếng Việt, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.

5.              Hoàng Phê (chủ biên),( 1992), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội.

6.              Trần Đình Sử, (2002), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7.              Bùi Minh Toán,( 2012), Ngôn ngữ với văn chương, GDVN, 2012 .  

 Tóm tắt:

Bài viết đã vận dụng tổng hợp các kiến thức ngôn ngữ về giao tiếp, chiếu vật, hành vi ngôn ngữ, nghĩa tường minh hàm ẩn, tính hệ thống… để phân tích bình luận bốn câu thơ 1039, 1040, 1041 và 1042 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhằm mục đích giới thiệu với học sinh phổ thông và sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh ngành ngữ văn một cách tiếp cận phân tích thơ nói chung và thơ Kiều nói riêng - từ góc độ ngôn ngữ, qua đó khẳng định tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc phân tích thơ văn.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020