Các cấu trúc so sánh đã góp phần tạo nên thành công về mặt nghệ thuật cho thơ Vi Thùy Linh, giúp Linh vừa gắn bó với truyền thống vừa tạo cho mình một dấu ấn riêng, một cá tính thơ trong dòng thơ văn học đa sắc, đa chiều và đang biến đổi không ngừng hiện nay.
TÌM HIỂU CẤU TRÚC SO SÁNH TRONG THƠ VI THÙY LINH
Nguyễn Thị Hồng Ngân
1. Để chiêm ngưỡng thế giới muôn màu muôn vẻ xung quanh, con người chỉ cần “thức nhọn mọi giác quan” nhưng để nhận thức chúng thì chúng ta phải sử dụng đến các thao tác của tư duy và so sánh là một trong những thao tác đầu tiên cần có. So sánh hiểu một cách đơn giản là đem sự vật này đối chiếu với sự vật khác để tìm ra nét tương đồng và khác biệt. Trong ngôn ngữ học, so sánh là một trong các biện pháp tu từ ngữ nghĩa có tác dụng nâng cao hiệu quả giao tiếp. Chất liệu chính của văn học là ngôn từ nên so sánh được coi là một biện pháp nghệ thuật có vai trò tạo kiến tạo hình ảnh, biểu tượng, qua đó làm tăng thêm hiệu quả thẩm mĩ cho tác phẩm. Do đó, tìm hiểu cấu trúc so sánh (CTSS) trong các tác phẩm, người đọc không chỉ rung động trước cái hay, cái đẹp của ngôn từ mà còn có thể hiểu được những nội dung, tư tưởng mà nhà văn, nhà thơ truyền đạt.
“Hiện tượng Vi Thùy Linh”, “Vi Thùy Linh – thi sĩ ái quyền”, Vi Thùy Linh – nhà thơ của tình yêu”, “Vi Thùy Linh – những trận bạo động chữ”, “Vi Thùy Linh – thi sĩ mắn chữ”… là những “slogan” mà các nhà nghiên cứu đã ưu ái dành cho Vi Thùy Linh – một trong những gương mặt nữ tiêu biểu của thơ ca đương đại. Linh xuất hiện trên thi đàn không phải với dáng vẻ e ấp của một người con gái truyền thống hay vẻ rụt rè bỡ ngỡ của một “tân thi sĩ” mà là với những sải bước dứt khoát, mạnh mẽ, táo bạo đầy tự tin khiến cho công chúng không khỏi ngỡ ngàng. Với nguồn năng lượng tuổi trẻ dồi dào, với niềm yêu thơ cháy bỏng, với khát khao cống hiến hết mình cho nghệ thuật và hơn cả là với một cá tính thơ độc đáo, Linh đã khắc tên mình trên thi đàn với ấn tượng sắc nét. Sáu tập thơ với hơn 200 bài thơ trong khoảng 10 năm đã khiến cho những người yêu thơ và các nhà phê bình tốn khá nhiều giấy mực. Người yêu mến, say mê Linh khá nhiều và người phê phán, chê bai cũng không ít. Một thập kỉ đã trôi qua, thời gian tuy không dài nhưng cũng tạo độ lùi nhất định để giới nghiên cứu cũng như công chúng có những đánh giá công tâm đối với thơ Vi Thùy Linh – một hiện tượng văn học. Từ góc độ ngôn ngữ, bài viết này sẽ xem xét cấu trúc so sánh tu từ trong thơ Vi Thùy Linh, với hi vọng sẽ tìm thấy được những đóng góp mới trên phương diện nghệ thuật của thơ Vi Thùy Linh đối với dòng chảy văn học hiện đại.
Đối tượng khảo sát của chúng tôi gồm 5 tập thơ “Khát” – Nxb Hội nhà văn 1999; “Linh” – Nxb Thanh niên 2000; “Đồng tử” – Nxb Văn nghệ 2005; “Vili in Love” – Nxb Văn nghệ; “Phim đôi – Tình tự chậm” – Nxb Thanh niên 2010.
2. Có nhiều định nghĩa về so sánh tu từ nhưng chúng tôi không đi sâu bàn luận khái niệm mà chọn mình một định nghĩa về so sánh phù hợp với đối tượng nghiên cứu của bài viết. Theo tác giả Nguyễn Thái Hòa – Đinh Trọng Lạc, “So sánh là phương thức diễn đạt tu từ khi đem đối chiếu sự vật này với sự vật khác miễn là giữa hai sự vật có nét tương đồng nào đó để gợi ra những hình ảnh cụ thể và cảm xúc thẩm mĩ trong nhận thức của người đọc, người nghe” [2- 190].
Để hiểu rõ hơn những giá trị nghệ thuật của so sánh tu từ, cần phân biệt so sánh tu từ (so sánh nghệ thuật) và so sánh logic (so sánh luận lí). Ví dụ:
(1). Đôi mắt của Hoa giống đôi mắt của Lan.
(Khẩu ngữ)
(2). Không đợi mưa tạnh hẳn, bọn trẻ khu phố ùa ra từ những hộp nhà, lao nhao như ếch cốm
(Cầu vồng - Vi Thùy Linh)
Trong hai ví dụ trên, ví dụ (1) là so sánh logic và ví dụ (2) la so sánh tu từ. Chúng phân biệt nhau dựa vào tính chất, mối quan hệ cú pháp giữa thực thể được so sánh - thực thể làm chuẩn so sánh và mục đích của việc so sánh. Trong ví dụ (1), đôi mắt của Hoa và đôi mắt của Lan là hai đối tượng đồng nhất, đồng loại (cùng là sự vật – đôi mắt) còn trong ví dụ (2) là hai đối tượng khác loại (bọn trẻ - người được so sánh với ếch cốm – vật). So sánh trong ví dụ (1) nhằm đưa ra một phán đoán (thuộc nhận thức) nên trung hòa sắc thái biểu cảm còn so sánh trong ví dụ (2) lại giàu tính hình tượng và biểu cảm. Người đọc sẽ thấy thú vị khi nhà thơ đã ví lũ trẻ con như bầy ếch cốm từ đó dễ dàng tưởng tượng ra những đặc trưng nghịch ngợm, hiếu động, ồn ào mà đông vui… của lũ trẻ con mới lớn háo hức được đi chơi sau cơn mưa. Các đối tượng trong ví dụ (1) có thể hoán đổi vị trí cho nhau mà nghĩa không đổi còn các đối tượng trong ví dụ (2) có thể hoán đổi vị trí cho nhau nhưng nghĩa hoặc sẽ thay đổi hoặc câu trở nên vô lí:
Đôi mắt của Lan giống đôi mắt của Hoa (+)
Ếch cốm lao ra như bọn trẻ khu phố (-)
Với những tiêu chí khác biệt trên, so sánh tu từ được coi là một phương tiện hữu hiệu làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho tác phẩm nghệ thuật.
Các yếu tố trong CTSS có thể là 2, 3, 4 hay 5 tùy thuộc vào cách tiếp cận của từng nhà nghiên cứu. Tác giả bài viết đồng tình với quan điểm của Nguyễn Thái Hòa – Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thế Lịch khi có rằng CTSS gồm 4 yếu tố và các mô hình so sánh 2, 3, 4 hay 5 là những biến thể trong thực tiễn sử dụng. Theo chúng tôi, CTSS đầy đủ là:
YTĐSS
|
YTPD
|
YTQH
|
YTSS
|
A
|
x
|
tss
|
B
|
Buổi chiều
|
quắt lại
|
như
|
mặt người ốm dậy
|
Trong đó:
- A: yếu tố được (bị) so sánh (YTĐSS)
- x: yếu tố biểu thị thuộc tính sự vật, nêu rõ phương diện so sánh (YTPD)
- tss: yếu tố thể hiện quan hệ so sánh (YTQH)
- B: yếu tố được dùng làm chuẩn so sánh (YTSS)
Không phải mọi so sánh đều có cấu trúc đầy đủ 4 yếu tố và theo đúng trật tự như trên mà nó biến đổi theo từng ngữ cảnh. Trong cấu trúc trên, B không thể vắng mặt vì đó là thành tố chuẩn để so sánh, cái cần có để so sánh. Nếu cấu trúc bị tỉnh lược chỉ có một mình yếu tố B thôi thì không còn là so sánh nữa mà sẽ chuyển thành ẩn dụ tu từ. Vì vậy, trong mỗi ngữ cảnh cụ thể, cấu trúc so sánh trên đây có thể khuyết các yếu tố nhưng số lượng không bao giờ đến 3 yếu tố.
Theo các nhà nghiên cứu, có nhiều kiểu so sánh như so sánh hơn – kém, so sánh ngang bằng, so sánh tuyệt đối, so sánh đặc biệt…Với mục đích phát hiện ra những thuộc tính đồng nhất hay khác biệt của hai sự vật được đem ra so sánh nên bài viết này chỉ tập trung xem xét cấu trúc so sánh đồng nhất với hai kiểu so sánh tiêu biểu là so sánh tương tự với các từ so sánh như: như, như là, như thể, tựa, tựa như, giống như, dấu hai chấm (:), dấu gạch ngang (-), dấu phẩy (,) ...và so sánh ngang bằng với các từ so sánh như: bằng, là, dấu hai chấm (:), dấu gạch ngang (-), dấu phẩy (,)...
3. Tiến hành khảo sát các CTSS trong 5 tập thơ của Vi Thùy Linh, chúng tôi thu được các kết quả như sau:
Chúng tôi thống kê được 263 cấu trúc so sánh với số lượng cụ thể trong các tập thơ như sau: tập “Khát” có 47 CTSS, “Linh” 72 lần xuất hiện CTSS, tập “Đồng tử” 51 lần xuất hiện CTSS, tập “Vili in Love” 39 lần xuất hiện CTSS và tập “Phim đôi – Tình tự chậm” là 54 CTSS.
Xét về mục đích so sánh, trong 5 tập thơ, Vi Thùy Linh đã dùng nghệ thuật so sánh để giải thích: “Cái lạnh làm lá bàng đỏ như những chiếc lưỡi thèm khát lùa mãi vào nhau” – (Và chúng ta bắt đầu một cuộc sống khác), “Nơi em ở là phía ngày nắng tắt/ Nỗi buồn nhiều hơn gió/ Em ước được thả lên trời như bóng bay” – (Từ phía ngày nắng tắt); để đánh giá: “Giá đôi mắt Anh là lá khoai để nỗi nhớ buồn không ở lại – (Nói với Anh), hay “Nhưng em vẫn nằm co một mình như quả dưa hấu trong ruộng dưa” – (Một ngày chưa có trong sự thật); để miêu tả: “Khắp rừng quả căng lên như những chiếc khuy bóng tối” – (Thung lũng thanh); để bộc lộ cảm xúc: “Chị như vì sao lạc lõng cô đơn” – (Những đối lập)… hay để minh họa:
Như người đàn bà đợi
Vươn tay
Chới với gọi – (Cây nữ tu)
Nhiều trường hợp, các mục đích so sánh có sự kết hợp để cùng biểu đạt ý đồ nghệ thuật của tác giả. Chính vì vậy, việc phân định mục đích so sánh chỉ mang tính chất tương đối. Sau đây là kết quả khảo sát bước đầu:
Stt
|
Mục đích so sánh
|
Số lượng
|
Tỉ lệ
|
1
|
So sánh để miêu tả
|
111/263
|
42,2 %
|
2
|
So sánh để giải thích
|
43/263
|
16,4 %
|
3
|
So sánh để đánh giá
|
54/263
|
20,6 %
|
4
|
So sánh để bộc lộ cảm xúc
|
98/26
|
37,3 %
|
Cấu trúc so sánh trong thơ Vi Thùy Linh luôn biến hóa đa dạng, độc đáo và bất ngờ. Cấu trúc đó có thể đầy đủ 4 yếu tố (“Bầy thiếu nữ tắm mưa, bầu vú thơ ngây như dàn chiêng trắng/ Em xinh đẹp như vùng đất mới/ Hơi thở dồn như muôn cơn gió/ Hơi thở hối hả như gió chơi đàn…) hoặc có thể bị khuyết yếu tố khác nhau như khuyết phương diện so sánh (Mộ mới nổi đầy đồng như những chiếc nón xanh; Vầng mây Anh, vầng mây quyền năng quyện em vào vĩnh cửu...), khuyết cả từ so sánh và phương diện so sánh (Bố/ Mặt trời nóng rực và ồn ã/ Con muốn gần… lại sợ... tan ra…/ Mẹ /Mặt trăng xa/ Con ngại cận kề/ Con/ Vì sao lạc giữa; có thể đảo trật tự các yếu tố trong cấu trúc so sánh (Như con hà, nỗi buồn cứ bám chặt vào ta/ Như tình yêu em đã trao Anh - Cái hôn ngọt đượm bọt Capuchino/ Những quả cầu pha lê - nước mắt bay ra từ miệng con kết thành cầu vồng…) hay mở rộng cấu trúc so sánh (Lys trắng như ngực nàng mềm mại lá mùi mềm mại mùi hổ phách khi Anh đổ xuống đổ xuống xạ hương ấm áp muôn mùi tươi mát quí phái bao bọc đại tiệc nắng của đêm kiêu sa rung thớ gỗ đàn hương quyến rũ thịt da ngái ngủ những cánh tay chuyển động bất ngờ theo vòng đua thân thể và đôi mắt Anh đã kịp thắp trong mắt em ánh sáng diệu kì thoát thai nhẹ bẫng”…
Kết quả các kiểu CTSS được trình bày cụ thể ở bảng dưới đây:
Các kiểu CTSS
|
Số lượng
|
Tỉ lệ
|
CTSS đầy đủ
|
47/263
|
17,9 %
|
CTSS khuyết thiếu
|
124/263
|
47,1%
|
CTSS đảo
|
23/263
|
8,7%
|
CTSS mở rộng
|
69/263
|
26,2%
|
Xét các thành tố trong cấu trúc so sánh, Vi Thùy Linh đưa tất cả những sự vật, hoạt động, trạng thái, tính chất, sự tình…của thế giới xung quanh vào thơ, trở thành đối tượng được so sánh (A).Thế giới ngờm ngợp ấy là sự hòa trộn cả sự vật cụ thể và sự vật trừu tượng như đại lộ, con phố, xa lộ, con cá, các loại hoa, quả, mây, ngôi mộ, hơi thở, làn môi, cánh tay, mái tóc, bóng tối, gió, mặt trời, mặt trăng, cơn mưa, áo hồ, sóng, hạt sương, khuôn mặt, nụ hôn, đôi tay, ngón tay, bầu vú, gió, chiếc giường, thơ, bóng tối, ánh nến, tờ lịch, cánh buồm, đôi mắt, giọt nước mắt, cuộc đời, lòng tự trọng, thi sĩ, âm nhạc, tình yêu, nỗi cô đơn…
Ngay cả các sự tình cũng trở thành các yếu tố được so sánh:
- Chúng ta từ tốn yêu nhau như nước đong đưa trên lá sen - (Da vàng)
- Tự chủ và đắm say, Anh yêu em như thưởng thức chai rượu quí - (Tình tự ca)
- Em muốn ngủ bên Anh như rễ cây trong đất - (Một mình tháng 4 )
- Những con cá giát bạc vọt khỏi nước như vận động viên trượt băng nghệ thuật quay ngoạn mục những vòng trên không - (Say nắng)
- Nếu chúng mình có thể yêu nhau giản dị và lãng du như hai hòn cuội trong lòng suối - (Mùa linh hồn)
- Và ngã vào đầm mây vỡ toang như tàu lá chuối trong bão - (Mùa đông cuối cùng)
- Ta chỉ kịp nhìn thấy vầng trăng co mình vào góc gương như con thằn lằn trắng - (Thằn lằn trắng)
- Hơi thở dồn như muôn cơn gió - (Trên ngực Anh)
- Chúng ta xoay người một mình trong đêm như chiếc la bàn tìm hướng có nhau - (Mùa tình)
Tuy không nhiều nhưng những hoạt động trạng thái, tính chất…cũng trở thành yếu tố được so sánh: Hãy hôn em như đêm nay là đêm cuối cùng; Vẫn thèm hôn như chưa bắt đầu; Cất giữ lá vàng như bảo tàng năm tháng…
Các từ so sánh chủ yếu trong CTSS mà chúng tôi khảo sát được là 5 quan hệ từ chỉ quan hệ so sánh đồng nhất là: như, như là, giống, giống như, là…và 3 dấu câu biểu thị quan hệ so sánh là: dấu phẩy, dấu gạch ngang và dấu hai chấm...
Yếu tố phương diện so sánh trong CTSS mà chúng tôi khảo sát được thường do các tính từ (cụm tính từ), động từ (cụm động từ) đảm nhận. Chúng có vai trò diễn tả các hoạt động, trạng thái, tính chất… của sự vật như buồn, say, nhớ, đắm say, lẻ loi, rũ rượi, mệt mỏi, co mình, tan ra, cô đơn, quánh lại, từ tốn yêu nhau, vọt khỏi nước, bao bọc, chở che, sinh sôi…
Trong các CTSS khuyết, kiểu CTSS khuyết phương diện so sánh cũng chiếm tỉ lệ lớn trong thơ Vi Thùy Linh: Hoa sắn dây như giày cao gót tím/ Hàng rào sắn dây buông thõng những xâu giày - (Sốt chiều); Mây như quầng mắt người mất ngủ - (Bài ca số phận); Mái tóc em như mùa thu rối…- (Khi em tựa cửa). Trong văn chương nghệ thuật, chính sự khuyết thiếu này lại tạo ra những khoảng trống vẫy gọi sự lấp đầy, phát huy được trường liên tưởng khôn cùng của độc giả.
Biện pháp so sánh có tạo ra những giá trị nghệ thuật đặc biệt hay không chủ yếu căn cứ vào sự lựa chọn chuẩn so sánh. Yếu tố chuẩn so sánh được tác giả lựa chọn khá dụng công và đạt các yêu cầu về chuẩn so sánh như cụ thể, gần gũi, giàu giàu hình ảnh và giàu xúc cảm: Mặt trời – cuộn len màu lửa đang sổ tung triệu sợi – (Đôi mắt Anh); Những chiếc máy bay như bầy chuồn chuồn ớt/Những chùm quả vòm cây như những chùm đèn huyền diệu/Những làn môi mọng đỏ đòi hôn như dâu tây đòi nước và ánh sáng - (Hãy phủ thơ khắp thế giới của em); Trái đất – cái cối xay rất cũ - (Thế giới hiện hữu); Và ngã vào đầm mây vỡ toang như tàu lá chuối trong bão - (Mùa đông cuối cùng); Nếu chúng mình có thể yêu nhau giản dị và lãng du như hai hòn cuội trong lòng suối - (Mùa linh hồn); Và tắm cho cả người đàn bà như cái cây cằn đang bới rác ngoài kia – (Cầu vồng); Em như hòn đảo bình yên của cuộc đời mình; Cuộc đời – dòng sông lớn đầy nghịch lưu – (Dòng sông không trở lại); Những con cá giát bạc vọt khỏi nước như vận động viên trượt băng nghệ thuật quay ngoạn mục những vòng trên không – (Say nắng); Bóng tối – con ngựa vằn lao đến, khi hàng cây sau mưa như dãy chổi khổng lồ sũng nước tiếp tục quét lên bụng trời – (Linh) …
Qua khảo sát bước đầu, có thể thấy biện pháp so sánh được sử dụng rất phổ biến trong thơ Vi Thùy Linh và số lượng các CTSS chiếm tỉ lệ khá đều nhau ở các tập thơ. Điều này cho thấy vai trò của biện pháp so sánh trong thơ Vi Thùy Linh nói riêng và trong thơ ca nói chung. Trong CTSS, yếu tố được so sánh khá đa dạng từ các sự vật, hoạt động, trạng thái, tính chất...thuộc thế giới xung quanh cho đến những cung bậc, cảm xúc sâu kín bên trong của con người. Tương ứng với nó là một thế giới hình ảnh mới lạ, độc đáo, giàu sức biểu cảm của chuẩn so sánh. Linh không khuôn mình vào một kiểu cấu trúc so sánh cụ thể mà thử nghiệm rất nhiều kiểu cấu trúc khác nhau: đầy đủ có, khuyết có, đảo có và thậm chí là mở rộng cũng có… Nhìn vào kết quả khảo sát, một đặc điểm dễ nhận thấy là tác giả ưa sử dụng các kiểu diễn đạt sáng tạo, khác lạ, độc đáo, ít bị trùng lặp. Nó tạo sự bất ngờ, hấp dẫn giúp người đọc mở ra những trường liên tưởng mới đồng thời cũng khẳng định được cá tính sáng tạo của Vi Thùy Linh.
4. Đi sâu nghiên cứu đặc điểm của 4 kiểu CTSS khảo sát được trong thơ Vi Thùy Linh, chúng tôi nhận thấy rằng, với bất kì kiểu CTSS nào, dù là cấu trúc quen thuộc, sẵn có hay những cấu trúc mới lạ, tất cả đều mang dấu ấn rất “Linh”. Tự nhận mình “ là người chủ công cho việc sáng tạo hình ảnh và ngôn ngữ”, Linh làm mới những cấu trúc cũ bởi những hình ảnh so sánh bất ngờ, độc đáo, gia thêm cho nó những tầng nghĩa vốn đã bị sáo mòn, cũ kĩ, chủ động đưa vào trong thơ mình những hình ảnh so sánh “tân kì” mang hơi thở thời đại, Linh đảo trật tự các yếu tố trong cấu trúc để người đọc phải suy tư, phải trăn trở để hiểu nó và để hiểu Linh.
Theo kết quả khảo sát trên, có 47/263 cấu trúc so sánh đầy đủ 4 yếu tố A –x – tss – B. Số lượng này tuy không nhiều nhưng đã phần nào chứng tỏ vai trò và sức sống của các mô hình so sánh này trong thơ ca nói chung và thơ Vi Thùy Linh nói riêng. Với kiểu so sánh có đầy đủ các yếu tố này, người đọc dễ dàng nắm bắt được giá trị của biện pháp so sánh, hiểu ngay được thông điệp của tác giả: (Dãy phố buồn như một chuyến tàu đêm/Xa lộ dài như nước mắt/Những dãy phố lao như tàu lửa tốc hành – (Cất cánh); Em xinh đẹp như vùng đất mới” - (Da vàng)…Tuy nhiên, trong thơ Vi Thùy Linh, số lượng những CTSS dễ nắm bắt ý tưởng như thế này không nhiều. Thông thường, người viết lựa chọn những chuẩn so sánh là sự vật quen thuộc để người đọc dễ hình dung song nếu chuẩn so sánh dù đúng, dù hay, dù chính xác…nhưng quen quá thì hình ảnh so sánh không còn độc đáo, sẽ trơ mòn xúc cảm, không còn tạo ra sự bất ngờ, hấp dẫn đối với người đọc. Vì vậy, nhiệm vụ của người nghệ sĩ là phải làm mới những mô hình cũ, thêm ý nghĩa hoặc thay đổi những biểu tượng cũ. Đó là một yêu cầu của nghệ thuật và với tư cách là một nghệ sĩ, Vi Thùy Linh đã làm được điều này. Linh từng tâm niệm “nghệ thuật đồng nghĩa với sự mới lạ”, không chấp nhận “mô phạm và sáo mòn”, và cần phải tạo sinh sự sống mới cho các hình ảnh nên dường như mỗi CTSS, Linh đều “cố gắng” làm mới nó, để nó lạ hơn, độc đáo hơn và ý tứ cũng “chờn vờn” hơn…Chẳng hạn, để diễn tả vẻ đẹp của người con gái, thành ngữ dân gian có câu: Xinh như tiên, Đẹp như tiên giáng thế; Đẹp như mộng…nhưng khi so sánh “Em xinh đẹp như vùng đất mới”, ta thấy hiện lên một vẻ đẹp đời thường, gần gũi, tràn trề sức sống, tràn trề hi vọng và khơi gợi khát khao khám phá, chiếm lĩnh, chinh phục. Để khắc họa nỗi vất vả, khắc khổ của người nông dân, trong thơ ca đã nói đến nhiều nhưng hình ảnh so sánh “ngón chân” của những người nông dân mất mùa “gầy như củ lạc còi bấm vào ruộng cạn” thực sự ám ảnh người đọc. Nó gợi nên dáng hình đặc biệt của chiếc ngón chân - củ lạc còi, qua đó gợi nên sự lam lũ, khắc khổ ngàn đời của người nông dân, dẫu cuộc sống khắc nghiệt đến đâu họ vẫn nhẫn nại, cam chịu, kiên trì bám vào đất mẹ để sinh tồn. Cũng lấy con người làm trung tâm cho chuẩn so sánh như các nhà thơ hiện đại khác nhưng hình ảnh làm chuẩn của Vi Thùy Linh rất ám ảnh: Những chiếc lá xác xơ gân như lông mày quả phụ - (Thơ lá); Đại lộ dài như một cơn hôn - (Hôn Việt Trì); Cái lạnh làm lá bàng đỏ như những chiếc lưỡi thèm khát lùa mãi vào nhau” - (Và chúng ta bắt đầu một cuộc sống khác); Chúng mình buồn như cặp bánh phu thê/ Buổi chiều quắt lại như mặt người ốm dậy - (Một ngày chưa có trong sự thật); Lá vàng ngân nga như những át cơ hồi hộp/ Hằng hà mầm cây như những núm vú bật lên từ hoang hóa đất đai” - (Mùa thụ mầm) … Thông thường, khi lấy con người làm chuẩn so sánh, mọi người thường chọn các nét đẹp như Xuân Diệu đã từng viết: “Lá liễu dài như một nét mi” hay “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” thì so sánh “chiếc lá” với “lông mày quả phụ” ta chợt bị ám ảnh khi hiện lên một vẻ héo hon, xác xơ, úa tàn, tiều tụy, già cỗi của chiếc lá hiện lên qua những đường gân. Song, đôi khi quyết liệt với tinh thần “đập nát đơn điệu, khuôn khổ cũ kĩ” và luôn tâm nguyện dấn thân, thử nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật “ Em sẽ vắt mình đến giọt cuối cùng, làm nghiêng ngả mọi ổn định” nên rải rác trong thơ Linh, ta vẫn bắt gặp những so sánh không dễ tưởng tượng, thật khó nắm bắt và rất thách thức người đọc như: Nơi lưỡi nến phập phồng vươn cả khi sắp tắt trong cái nhìn hình phễu của chiếc lưới chụp bên nụ hồng vàng khô mép cánh giống đôi môi em – (Mùa thụ mầm); Tôi không thể đẩy mặt trăng u ám kia dính chặt lên trời như đơm lại chiếc khuy đen sắp rơi khỏi áo – (Ngôi nhà); Truyền tới nhau những đợt hôn như chuỗi ngọc phỉ thúy đứt tung/Anh quyện em dưới 5000 mặt trăng đọng sáng/Mắt em như một rừng mưa” – (Paris đang yêu)…
Có thể thấy, chiếm số lượng không nhiều lắm trong các CTSS được khảo sát nhưng CTSS đầy đủ vẫn được Vi Thùy Linh lựa chọn bởi nó biểu đạt cụ thể nhất, chính xác nhất ý đồ của tác giả. Song, điều đặc biệt ở kiểu cấu trúc này là những hình ảnh mà Vi Thùy Linh lựa chọn để làm chuẩn so sánh rất mới lạ, độc đáo khiến người đọc cảm thấy bất ngờ, thú vị.
Không chấp nhận những trật tự có sẵn, dám thử nghiệm, dám thay đổi, Vi Thùy Linh không chỉ thay đổi quan niệm về sứ mệnh của thơ, về vai trò của nhà thơ, thay đổi các quan điểm thẩm mĩ, đưa ra những cách tân độc đáo, khẳng định “ngôi vị” của thơ tự do…mà còn xáo trộn mọi niệm luật, thay đổi các hình thức biểu hiện. Khảo sát riêng CTSS, chúng tôi thấy tác giả thường xuyên đảo trật tự các yếu tố so sánh để tạo ra những hình thức biểu đạt mới, tạo ra những cách hiểu bất ngờ, thú vị. Các cấu trúc so sánh đảo mà chúng tôi khảo sát được là: tss- B – A – x (Như con hà nỗi buồn cứ bám chặt vào ta); tss – B1 – A - tss – B2 (Như vị thánh mọc ra từ cánh hoa thiêng/Anh: sự sống); x – tss1 – B –tss2 – A (Căng và trong như mặt hồ đẹp nhất, là vầng mây Anh, vầng mây quyền năng quyện em vào vĩnh cửu)…Giá trị biểu đạt lớn nhất của cấu trúc so sánh đảo là nhấn mạnh, để khẳng định. Hai yếu tố so sánh mà Linh thường đảo lên đầu CTSS là phương diện so sánh hoặc chuẩn so sánh. Nếu nhấn mạnh yếu tố phương diện so sánh thì các đặc trưng so sánh là các tính từ, động từ được xếp ở vị trí đầu tiên trong CTSS. Chẳng hạn, trong ví dụ “Căng và trong như mặt hồ đẹp nhất, là vầng mây Anh, vầng mây quyền năng quyện em vào vĩnh cửu”, cụm tính từ đẳng lập “căng và trong” được đưa lên đầu CTSS để nhấn mạnh tính chất, trạng thái của sự vật. Nếu nhấn mạnh yếu tố chuẩn so sánh thì các hình ảnh so sánh được xếp ở vị trí đầu tiên: “Như vị thánh mọc ra từ cánh hoa thiêng/ Anh: sự sống”. Trong thơ Vi Thùy Linh, nhân vật Anh có vai trò rất đặc biệt. Tôn vinh nhân vật Anh như một vị thánh huyền thoại đầy quyền năng, so sánh Anh như các vị thần đầy quyền năng chưa đủ, Linh còn gián tiếp khẳng định và đề cao khi đưa Anh – yếu tố chuẩn so sánh lên đầu cấu trúc so sánh.
Với cấu trúc đảo, người đọc không chỉ cảm nhận được giá trị của biện pháp so sánh mà còn dễ dàng nắm được mục đích của tác giả muốn khẳng định, muốn nhấn mạnh.
“Quí hồ tinh bất quí hồ đa”, văn chương nói chung và thơ ca nói riêng ưa kiệm lời, súc tích, nói ít hiểu nhiều mà hạn chế giãi bày, phơi trải. Không nói thẳng, không nói hết, dành phần liên tưởng, suy tư cho độc giả - những kẻ tri âm, đó cũng là một yêu cầu của nghệ thuật. Mới đọc qua thơ Vi Thùy Linh, có cảm như Linh thiên về bộc lộ cảm xúc, để cảm xúc như dòng thác lũ đang trào dâng và chảy tràn mọi nẻo qua những “trận bạo động chữ nghĩa” nhưng nếu lắng lại, ta cũng có thể thấy ý tứ sâu sắc, sự chiêm nghiệm… ẩn sau từng con chữ. Qua rất nhiều cấu trúc so sánh khuyết thiếu trong 5 tập thơ (124/ 263), ta cũng phần nào cảm nhận được điều này. CTSS khuyết thiếu trong thơ Vi Thùy Linh được chia làm hai loại: CTSS khuyết thiếu yếu tố phương diện so sánh ((A - tss - B) và CTSS khuyết thiếu phương diện so sánh và từ so sánh (A – B).
Trên thực tế, từ so sánh cũng có thể khuyết trong CTSS nhưng chúng tôi không khảo sát được ngữ liệu nào tồn tại ở dạng này mà chỉ bắt gặp trường hợp nó vắng mặt cùng yếu tố phương diện so sánh. Trong ngữ liệu, chúng tôi còn khảo sát được những CTSS thuyết thiếu yếu tố được so sánh A như: Co ro trong phòng kín/ Như con chim nhỏ hay Lúc nào cũng như đang tựa cửa, Như người đàn bà đợi/ Vươn tay/ Chới với gọi… Chúng tôi không xếp kiểu CTSS này vào dạng khuyết thiếu bởi A và B là hai đối tượng tương quan để so sánh và có thể bổ sung yếu tố được so sánh nhờ ngữ cảnh, nhờ những câu thơ trước nó.
Có thể bắt gặp khá nhiều CTSS khuyết thiếu phương diện so sánh trong 5 tập thơ: Ánh vàng toát ra từ những lọ gốm như mồ hôi mặt trời chiều; Hoa sắn dây như giày cao gót tím/Hàng rào sắn dây buông thõng những xâu giày; Anh - li rượu mạnh;Anh - Matador chính hiệu; Em – người đàn bà bình thường, yếu đuối và lo âu, mơ ước và khát khao thành dáng nằm ngồi mang hình dấu hỏi; Mắt như lá úa; Em không quên nổi ánh nhìn như gió đông của anh…
Thông thường, phương diện so sánh là thuộc tính chung của sự vật cần được so sánh và sự vật so sánh và nó có chức năng miêu tả. Khi ẩn đi đặc điểm được so sánh tức là người đọc mất đi một “điểm tựa” mà phải cố gắng liên tưởng, tưởng tượng các đặc trưng của sự vật. Các đặc tính này thường là các thuộc tính của yếu tố chuẩn so sánh. Chẳng hạn, khi so sánh nhân vật Anh với li rượu mạnh, người đọc liên tưởng tới một chàng trai mạnh mẽ, nồng nàn, quyến rũ, đầy đam mê dễ làm say lòng người. Còn khi so sánh nhân vật Anh với Matador ta hình dung ra hình ảnh một đấu sĩ mạnh mẽ, dũng cảm, can trường với một tinh thần quả cảm, chiến đấu hết mình nơi đấu trường khắc nghiệt. Hay Linh không chỉ rõ những đặc tính của đám mây đen mà so sánh nó với quầng mắt của người mất ngủ (Mây như quầng mắt người mất ngủ ).Với hình ảnh này, chúng ta có thể hình dung ra đám mây không chỉ xám xịt, tối màu mà còn chất chứa đầy tâm trạng. Hoặc khi so sánh mình với “kẻ nô lệ tình yêu không cần giải phóng” người đọc thấy Linh là một cô gái khát khao yêu đương, tôn thờ tình yêu, chấp nhận bị cầm tù, bị giam hãm, sẵn sàng chấp nhận mọi sai khiến của tình yêu. Người đọc cũng liên tưởng tới một ánh mắt lạnh lẽo, vô cảm, làm băng giá không gian, làm buốt lạnh tâm hồn khi Linh so sánh “ánh nhìn” với “gió đông”.
Các CTSS khuyết thiếu phương diện so sánh và từ so sánh cũng khá phổ biến trong thơ Vi Thùy Linh: Con/ Động lực sống, nguồn sáng tạo của mẹ, cha; Thân thể em trái chín; Bố/ Mặt trời nóng rực và ồn ã/ Con muốn gần... lại sợ... tan ra…/ Mẹ/ Mặt trăng xa/ Con ngại cận kề/ Con/ Vì sao lạc giữa - (Những đối lập)…
Cũng tương tự như CTSS trên, kiểu cấu trúc này cũng buộc người đọc phải liên tưởng, phải tưởng tượng và phải chỉ ra mối quan hệ giữa A và B khi bị khuyết cả từ so sánh. Xét về số lượng, ta thấy khuyết phương diện so sánh nhưng trên câu chữ, ta thấy chúng được gắn kết với chuẩn so sánh, hiểu chuẩn so sánh ta sẽ hiểu được tầng ý nghĩa bị khuất lấp. Khi so sánh người cha với “mặt trời nóng rực và ồn ã” hay người mẹ với hình ảnh “mặt trăng xa” và tự ví mình với “vì sao lạc giữa” ta thấy hiện lên một hoài niệm về một quá khứ với tuổi thơ buồn khi đứa trẻ nhỏ nhoi, cô độc, lẻ loi (như vì sao), lạc lõng giữa sự nghiêm khắc, nóng nảy đầy ồn ào, quyết liệt của cha (mặt trời nóng rực và ồn ã) với sự xa cách, lạnh lẽo và u buồn của mẹ (mặt trăng xa). Tương tự, khi so sánh “thân thể em” với “trái chín”, người đọc tưởng tượng ra vẻ đẹp căng tròn, viên mãn, hấp dẫn và đầy quyến rũ, mời gọi của người con gái.
Có thể nói, với cấu trúc khuyết thiếu phương diện so sánh, người đọc tha hồ thả hồn bay bổng cùng liên tưởng, tưởng tượng miễn là sự liên tưởng ấy phù hợp với đối tượng và phù hợp với nội dung tư tưởng tác phẩm.
Cuối cùng là cấu trúc so sánh mở rộng. Ngoài 4 yếu tố thuộc CTSS, cấu trúc so sánh còn có thêm các yếu tố khiến cho dung lượng CTSS được “căng nở” tối đa. Sự mở rộng ở đây có thể là thêm một hoặc một số yếu tố trong cấu trúc hoặc thêm các thành tố phụ bổ sung ý nghĩa cho các yếu tố làm chuẩn so sánh.
Với kiểu mở rộng thứ 1, các yếu tố thêm vào cấu trúc có thể là từ so sánh, phương diện so sánh, chuẩn so sánh hoặc có thể kết hợp nhiều yếu tố cùng tham gia vào cấu trúc. Nó tạo nên những so sánh tầng bậc nối tiếp nhau: Em cần tan xuống như đồng hồ cát/ Như rừng cần cởi lá/ Như đường cong quá đỗi si tình/ Như sự im lặng của tâm hồn mãi mãi đồng trinh - (Valentine); Thơ là em – em là thơ/ như tiền định/ như tiên cảm - (Những câu thơ mang vị mặn) => (A – tss - B) – tss – B1- B2; Anh là Ivara, là tất cả, là người đàn ông trần tục/ Tôi như thép nung nóng chảy như gạch chịu lửa như bò Tây Tạng - (Kì ngộ xứ cầu vồng) => A – (tss1... tssn) – (B1… Bn); Buồm xanh say như em ngơ ngác như em - (Biển bốc cháy) => A – (x1 – tss1- B) - (x2 – tss2 - B), (Những bông hoa rụng như đàn - môi - héo trên lưới giăng những giò phong lan lơ lửng như những – con – mắt vỡ từ đôi mắt em” - (Vườn mắt) => A – tss – B (A1 – tss1 – B1)…
Thông thường, trong CTSS, một sự vật được so sánh chỉ cần một chuẩn so sánh là đủ. Nhưng trên thực tế, một sự vật sẽ có nhiều liên tưởng khác nhau tùy thuộc vào chủ quan của người nhìn. Với người nghệ sĩ, các liên tưởng càng được mở rộng tối đa. Bằng con mắt trẻ thơ, hồn nhiên và ngỗ nghĩnh, Trần Đăng Khoa nhìn trăng giống nhiều sự vật khác nhau, lúc thì “như quả chín/ Lơ lửng lên trước nhà”, lúc thì “như mắt cá/ Chẳng bao giờ chớp mi”, lúc lại “như quả bóng/ Đứa nào đá lên trời”. Còn Nam Cao nhìn trăng như “cái đĩa bạc trên tầm thảm nhung da trời”, “như cái vú mộng tròn đầy mà thi sĩ của muôn đời mơn man”… Với nhãn quan chung của người nghệ sĩ, Linh cũng tối đa mở rộng trường sự vật so sánh. Để chỉ mọi trạng thái “tan chảy” của tâm hồn và thể xác trong tình yêu, Linh đã so sánh với “đồng hồ cát”, “rừng cần cởi lá”, “đường cong quá đỗi si tình” và “sự im lặng của tâm hồn mãi mãi đồng trinh”...Nhưng đánh giá một cách khách quan, nắm bắt hết các hình ảnh so sánh, hiểu hết các ý tứ trong thơ Linh quả không đơn giản bởi Linh quá chú trọng kiến tạo những hình ảnh tân kì và cầu kì để để tạo sự độc đáo cho riêng mình.
Với kiểu mở rộng thứ hai, đó là mở rộng các thành tố phụ bổ sung ý nghĩa cho các yếu tố làm chuẩn so sánh, nhờ đó yếu tố chuẩn được hiện lên chi tiết hơn, sinh động hơn và đa nghĩa hơn. Có thể thấy rất nhiều kiểu so sánh thế này trong thơ Vi Thùy Linh:
- “Tôi đi như nốt nhạc say giữa những con phố song song - khuông nhạc
Những con đường tối sầm và bóng ướt (vì luôn được phun nước lúc 12h) như cái cống ngầm nổi trên mặt đất (?), không biết kết thúc ở đâu… với những người đàn ông như cá vừa mắc lưới những người đàn bà như con mèo giả bộ hiền lành - (Mùa đông cuối cùng)
- “Lys trắng như ngực nàng mềm mại lá mùi mềm mại mùi hổ phách khi Anh đổ xuống đổ xuống xạ hương ấm áp muôn mùi tươi mát quí phái bao bọc đại tiệc nắng của đêm kiêu sa rung thớ gỗ đàn hương quyến rũ thịt da ngái ngủ những cánh tay chuyển động bất ngờ theo vòng đua thân thể và đôi mắt Anh đã kịp thắp trong mắt em anh sáng diệu kì thoát thai nhẹ bẫng” - (Valentine)
- Chiếc giường là dải thiên hà trắng, bao nhiêu ánh sáng
bao nhiêu mùi hương bao nhiêu luồng bay
bao nhiêu màu hoa bao đường cất cánh - (Trên ngực Anh)
- Cảm ơn các con/ Những thanh tà vẹt con con/ Nối cha mẹ sánh mãi bên nhau/Để toa tàu nặng tình yêu/Ung dung phía chân trời không tận” - (Cảm ơn con)
- “Em là công chúa, chờ anh – con đại bàng dũng mãnh nhất – mang đi thật xa
Em muốn là hải âu – loài chim không sợ sóng và bão biển/ Thế thì có yêu được Anh không – chim phượng hoàng ở đỉnh núi chót vót - (Huyền tích)
- …
Mở rộng các thành tố phụ bổ sung của chuẩn so sánh tức là mở rộng trường liên tưởng, tối đa sự cụ thể hóa, đặc tả tỉ mỉ, tường tận một hình ảnh thông qua các yếu tố mở rộng đó. Tác giả không chỉ ví “các con” với “thanh tà vẹt” trên đường ray mà còn nêu cụ thể và chi tiết vai trò của thanh tà vẹt thông qua các yếu tố mở rộng giúp người đọc hiểu hơn hình ảnh so sánh và giá trị biểu đạt của hình ảnh so sánh đó: “Nối cha mẹ sánh mãi bên nhau/ Để toa tàu nặng tình yêu/ Ung dung phía chân trời không tận”.
Đặc biệt, nhờ những thành tố mở rộng ấy, người đọc thấy được sự bùng nổ, sự tuôn trào của hình ảnh, của cảm xúc: “Lys trắng như ngực nàng mềm mại lá mùi mềm mại mùi hổ phách khi Anh đổ xuống đổ xuống xạ hương ấm áp muôn mùi tươi mát quí phái bao bọc đại tiệc nắng của đêm kiêu sa rung thớ gỗ đàn hương quyến rũ thịt da ngái ngủ những cánh tay chuyển động bất ngờ theo vòng đua thân thể và đôi mắt Anh đã kịp thắp trong mắt em anh sáng diệu kì thoát thai nhẹ bẫng” (Valentine). Như những thước phim quay cận cảnh, người đọc cảm nhận được rõ hơn niềm hạnh phúc ngất ngây của của cuộc giao hoan diệu kì đầy hình ảnh, sắc màu và mùi vị. Không hạn định số lượng thành tố mở rộng nên câu thơ tràn ngập hình ảnh, hình ảnh “Lys trắng như ngực nàng”, “ngực nàng = mềm mại lá mùi mềm mại mùi hổ phách”, “khi Anh đổ xuống = đổ xuống xạ hương ấm áp muôn mùi tươi mát quí phái”…Cứ thế, các hình ảnh được đặc tả, đan cài vào nhau, các cung bậc xúc cảm được diễn giải tỉ mỉ kĩ lưỡng khiến những khoảnh khắc tinh tế nhất của cảm xúc. Thật chính xác khi Dương Tường gọi Vi Thùy Linh là nhà thơ của “những cơn lốc chữ” khi mà cấu trúc so sánh được mở rộng tối đa, biên độ câu thơ được đẩy tới hạn. Phải là những cơn lốc như vậy mới bao chứa hết dòng cảm xúc như nham thạch đang hừng hực phun trào trong trái tim của những người trẻ tuổi đang yêu. Song, nhìn nhận khách quan, có thể thấy, những hình ảnh quá tân kì, lớp lớp hình ảnh điệp trùng khiến việc nắm bắt được hình ảnh, hiểu được ý tứ trong kiểu so sánh này không phải dễ dàng. Đúng như nhận định của một số nhà phê bình, đây đó trong thơ Linh còn quá rậm rạp, xù xì, có lúc dư thừa không cần thiết.
Mặc dù vậy, CTSS mở rộng vẫn là nét độc đáo trong thơ Linh. Nó là “tiền đề” khiến câu thơ được mở rộng kích cỡ tối đa khiến nó mang dáng dấp những câu thơ văn xuôi. Không bị phong tỏa, gò ép bởi số thành tố, các cấu trúc mở rộng đã chuyển tải được tối đa hình ảnh và xúc cảm, mở ra những miền liên tưởng không cùng cho người đọc.
5. Với ước mong “dâng đến cho mọi người những câu thơ, hình tượng đẹp, ý nghĩa và lộng lẫy mà tôi đã cật lực tìm kiếm, khám phá” nên so sánh - một biện pháp nghệ thuật không lạ đối với thơ ca nhưng trong thơ Vi Thùy Linh, nó lại tạo được sức hấp dẫn rất riêng, khiến người đọc bị mê hoặc. Như một ảo thuật gia đang làm xiếc ngôn từ, Linh đã làm mới các cấu trúc cũ, đảo trật tự giữa các yếu tố để tạo sự bất ngờ, bớt đi các yếu tố để vẫy gọi sự liên tưởng của đọc giả, mở rộng, thêm vào các yếu tố phụ để kiến tạo những hình ảnh điệp trùng…khiến người đọc như lạc trong mê cung thơ mà Linh tạo ra. Có thể khẳng định rằng, các cấu trúc so sánh đã góp phần tạo nên thành công về mặt nghệ thuật cho thơ Vi Thùy Linh, giúp Linh vừa gắn bó với truyền thống vừa tạo cho mình một dấu ấn riêng, một cá tính thơ trong dòng thơ văn học đa sắc, đa chiều và đang biến đổi không ngừng hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Ngô Văn Giá – Thơ Vi Thùy Linh – Những trận bạo động chữ
2. Đinh Trọng Lạc - Nguyễn Thái Hòa (2004) – Phong cách học tiếng Việt .Nxb GD.
3. Nguyễn Thế Lịch (2009) – “ Yếu tố cơ sơ so sánh trong cấu trúc so sánh nghệ thuật” – TCNN số 3
4. Vi Thùy Linh (1999) - Khát – Nxb Hội nhà văn
5. Vi Thùy Linh (2000) - Linh – Nxb Thanh niên
6. Vi Thùy Linh (2005) - Đồng tử – Nxb Văn nghệ
7. Vi Thùy Linh (2008) - Vili in Love – Nxb Văn nghệ
8. Vi Thùy Linh (2010) - Phim đôi – Tình tự chậm – Nxb Thanh niên
9. Đặng Thu Thủy (2011) – Thơ trữ tình Việt Nam từ giữa thập kỉ 80 đến nay - những đổi mới cơ bản. Nxb ĐHSPHN