Ngôn ngữ

Vận dụng lí thuyết tương tác biểu tượng, tìm hiểu biến thể ý nghĩa của các biểu tượng ngôn từ nghệ thuật


14-10-2020
Tác giả: TS Nguyễn Thị Ngân Hoa

Quá trình tương tác biểu tượng đã tạo nên sự sống của các biểu tượng. Không có sự tương tác ấy, một biểu tượng sẽ trở thành một khuôn mẫu đông cứng hay một mã chết, một thứ “tử ngữ”. Mỗi người nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ ngôn từ, khi sử dụng ngôn ngữ như một mã sẵn có, đã phải tìm cách tạo ra những lực tương hỗ mới, những quá trình tương tác mới để có thể “bơi” và “sống” được “trong dòng sông của Heraclitus”, để thốt lên được một tiếng nói của riêng mình trong thế giới của các mã, các tín hiệu đã được dùng đi dùng lại không biết bao nhiêu lần.

 

Vận dụng lí thuyết tương tác biểu tượng

 tìm hiểu biến thể ý nghĩa của các biểu tượng ngôn từ nghệ thuật

отдых в Альпах

Joomla 3.5

                                                    TS. Nguyễn Thị  Ngân Hoa

                                   

1. Một số vấn đề về lý thuyết tương tác biểu tượng (symbolic interactionism)

Lý thuyết tương tác biểu tượng (symbolic interactionism) được Herbert George Blumer (1900 - 1987) đề cập đến một cách có hệ thống vào năm 1969 trong công trình Symbolic Interactionism: Perspective and Method. Những quan điểm của hướng nghiên cứu này là thành quả kế thừa các luận điểm của  George Herbert Mead(1863 - 1931). Theo quan điểm này, trước hết, thế giới của con người là tập hợp các biểu tượng: thực thể (sự vật và các thuộc tính của chúng) và các hành vi, hành động (action) tác động lên các thực thể này. Theo quan điểm của H. Blumer, có hai hướng cơ bản để giải mã ý nghĩa của biểu tượng: thực nghiệm và phi thực nghiệm. Các nhà thực chứng cho rằng ý nghĩa của các biểu tượng được kế thừa từ chính sự vật còn lý thuyết chủ yếu của phái phi thực chứng là các ý nghĩa của biểu tượng mang thuộc tính tâm lý. H. Blumer đã kết hợp cả hai quan điểm này trong việc lý giải ý nghĩa của các biểu tượng (symbol) trong mọi bình diện của đời sống con người, mà trước hết là đời sống xã hội. H. Blumer đặc biệt được đề cao với những luận điểm của ông về sự tương tác của các biểu tượng trong đời sống xã hội, trong những vận động xã hội (social moverments). Các luận điểm của ông về quá trình vận động và tương tác biểu tượng được nhắc đến nhiều lần trong các công trình nghiên cứu sau này như các tiền đề quan trọng của hướng nghiến cứu này, đặc biệt là ba tiền đề đầu tiên: “Thứ nhất, con người hành động theo những ý nghĩa cơ bản mà sự vật đem lại. Bước thứ hai, những ý nghĩa vượt ra khỏi sự kiểm soát xã hội. Thứ ba, ý nghĩa của sự vật được biến đổi thông qua quá trình tự phản ánh (self-reflections) và tương tác (interaction) trong tư duy biểu tượng của mỗi cá nhân. Bước thứ tư, con người sáng tạo lại thế giới theo sự trải nghiệm đời sống của chính nó. Thứ năm, những ý nghĩa này thoát ra khỏi sự tương tác nói trên, hình thành bởi sự tự phản ánh mà mỗi cá nhân đem lại cho những cảnh huống (situation) của nó. Thứ sáu, quá trình tương tác tự thân (self-interation) này gắn kết với những tương tác xã hội và đến lượt chúng, ảnh hưởng tới sự tương tác xã hội đó. Điều này có nghĩa là sự tương tác biểu tượng (symbolic interation), sự thống nhất và kết hợp giữa mặt tự nó và mặt xã hội, là ý nghĩa chủ yếu mà qua đó bản thể của con người cố gắng nhào nặn những hành vi mang tính xã hội, tính cộng đồng của nó. Thứ bảy, tập hợp những hành vi đó, sự hình thành, tan rã, xung đột, liên kết của chúng tạo nên cái gọi là “đời sống xã hội của xã hội con người” [7, 4445]. H. Blumer chỉ ra sự tương tác giữa các hành vi của cá nhân và cộng đồng trong quá trình chuyển hóa ý nghĩa của các thực thể - biểu tượng, vừa như một thực thể vật chất mà con người phải trải nghiệm trong các cảnh huống (situation) của quá trình sinh tồn. Sự tương tác phức tạp giữa ý nghĩa, đối tượng và biểu tượng, như sự nhấn mạnh của H. Blumer là quá trình đặc trưng trong đời sống của con người bởi vì nó đòi hỏi hành vi hồi đáp trong các mối quan hệ xã hội dựa trên sự giải mã biểu tượng, hơn là hành vi hồi đáp dựa trên sự tác động của môi trường, điển hình là sự giải mã biểu tượng của ngôn ngữ, cử chỉ cũng như hành động của người khác. Vì đời sống xã hội là một quá trình vận động và thương thuyết, để hiểu được người khác, con người bắt buộc phải tham gia vào quá trình tương tác biểu tượng. H. Blumer định nghĩa tương tác biểu tượng theo ba luận điểm chính:

- Con người ứng xử với sự vật (bao gồm cả những cá nhân khác) dựa trên ý nghĩa của chúng đối với sự tồn tại, trải nghiệm của họ.

- Ý nghĩa của sự vật hình thành nên từ các tương tác xã hội giữa chúng và các thực thể xung quanh.

- Ý nghĩa được xử lý và biến đổi thông qua một quá trình giải mã mà mỗi cá nhân dùng để giải quyết sự việc mà nó phải đối mặt.

H. Blumer đặc biệt nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân trong quá trình tương tác biểu tượng như một tiền đề đầu tiên để tạo nên ý nghĩa và tầm quan trọng của những trải nghiệm thường nhật trong thế giới thực tiễn: “Nó tập hợp những gì họ trải nghiệm và thực hiện, theo từng cá nhân hay theo tập hợp, khi họ tham gia vào các hình thức liên quan khác nhau của đời sống; nó bao gồm một phức hợp rộng lớn những hành vi đan xen và sự phức hợp này phát triển lên khi hành động của một số cá nhân lan tỏa và ảnh hưởng đến hành động của những người khác. Thế giới thực tiễn, nói ngắn gọn, là thế giới của những kinh nghiệm đời thường, những tầng trên cùng của cuộc sống mà ở đó chúng ta thấy cuộc sống của chính mình và từ đó nhận thức được cuộc sống của những người khác” [6, 35]

H. Blumer chỉ trích những nghiên cứu xã hội học đương thời bởi vì các quan điểm này, thay vì sử dụng tương tác biểu tượng để giải thích các hành vi của con người trong mọi phạm vi hoạt động xã hội lại đưa ra những kết luận sai lầm về con người: đặt vai trò quyết định của con người dưới sức ép xã hội, áp lực xã hội. Ông đặc biệt đề cao vai trò của cá nhân, của từng con người trong quá trình hành động và ứng xử để tạo nên sự tương tác xã hội và tương tác biểu tượng: “(Quan điểm xã hội học) không thừa nhận hành vi xã hội của những cá nhân trong xã hội loài người là được hình thành dựa trên quá trình diễn giải của chính bản thân họ. Thay vào đó, hành vi được xem như sản phẩm của những yếu tố tác động qua lại của các cá nhân. Vì thế, hành vi xã hội của con người được xem như sự bộc lộ hoặc biểu hiện ra ngoài của những lực (forces) tác động lên họ hơn là những hình vi được tạo nên bởi con người thông qua sự cảm quan về hoàn cảnh của họ” [6, 83 - 84].

Chính vì thế, thuyết tương tác biểu tượng của H. Blumer cũng bị chỉ trích là quá chú trọng vào đời sống thường ngày và hình thái xã hội của cá nhân mà bỏ qua cấu trúc xã hội. H. Blumer cũng gần như bỏ qua mối quan hệ đẳng cấp và những rào cản được tạo ra bởi sự khác biệt đẳng cấp xã hội. Nhiều nhà phê bình đã cho rằng lý thuyết tương tác biểu tượng của H. Blumer đã đi chệch khỏi thuyết hành vi đầy tính khoa học của H. Mead. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của H. Blumer như một nhà xã hội học - tâm lý học hàng đầu với những kết quả nghiên cứu về tương tác biểu tượng. Năm 1983, ông đã được nhận giải thưởng Sự nghiệp Khoa học Xuất chúng của Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ cho toàn bộ các trước tác về xã hội học, tâm lý học và biểu tượng học. H. Blumer cũng là Chủ tịch thứ 46 của Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ và tuyên ngôn của ông là bài viết Phân tích xã hội học và Biến số. Ông mất ngày 13 tháng 4 năm 1987. Những công trình nổi tiếng nhất của ông là:Movies and Conduct (1933); The Human Side of Social Planning (1935); Collective Behavior (1951); Symbolic Interactionism: Perspective and Method (1969).

Quan điểm mang tính thống nhất và xuyên suốt của H. Blumer trong các công trình nghiên cứu của ông về tương tác biểu tượng là: ý nghĩa của một biểu tượng (trước hết xét ở bình diện xã hội, văn hóa) là một biến số hình thành từ chính thực tiễn trải nghiệm đời sống của mỗi cá nhân và sau đó mới diễn ra quá trình tương tác với các nhân tố xã hội khác để tạo nên sự điều chỉnh các ý nghĩa. Chính vì thế, ý nghĩa của biểu tượng luôn là một quá trình chuyển hóa, tương tác giữa cá nhân (chủ thể) và cộng đồng, trong đó chủ thể đóng vai trò quyết định: một năng lực chủ động có khẳn năng điều chỉnh liên tục ý nghĩa của biểu tượng trong đời sống xã hội. Vận dụng lý thuyết của H. Blumer, có thể xem đây chính là những tiền đề quan trọng nhất, cho chúng ta một định hướng trong việc tìm hiểu các biến thể ý nghĩa của biểu tượng ở bình diện chủ thể: sự chuyển hóa của các hệ biểu tượng vào trong các tác phẩm nghệ thuật cụ thể, đặc biệt là tác phẩm văn học là một quá trình tương tác giữa cá nhân và cộng đồng, giữa những hành vi sáng tạo của người nghệ sĩ trong việc nhào nặn lại biểu tượng và những mã (code) mang tính phổ biến của một nền văn hóa, văn học. Việc tạo ra các biến thể ý nghĩa mới của biểu tượng từ các ngữ cảnh (context) mới của ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm cũng chính là một quá trình tương tác mới. Quá trình này trước hết được cụ thể hóa bởi các quan hệ tuyến tính và phi tuyến tính của ngôn từ trong trong tác phẩm với tư cách là một diễn ngôn (discouse) độc nhất vô nhị của một chủ thể trong một ngữ cảnh văn hóa, văn học và bối cảnh xã hội mà nó đã xác định, tiên liệu hoặc tưởng tượng ra.

Mặc dù H. Blumer đề cập và phân tích vấn đề tương tác biểu tượng chủ yếu ở bình diện xã hội (các hoạt động xã hội, các kiểu hành vi ứng xử giữa con người với các thực thể khác trong quá trình tồn tại xã hội) nhưng quan điểm của ông có một tầm bao quát và ảnh hưởng quan trọng. Bởi xét đến cùng, sự biểu đạt bằng biểu tượng trong các loại hình nghệ thuật, trong văn chương cũng là một cấp độ phái sinh, chuyển hóa và tương tác tiếp theo của các biểu tượng từ bình diện xã hội. Chẳng hạn, không có sự biểu trưng hóa các giá trị hàng hóa và các hoạt động trao đổi hàng hóa trong xã hội bằng thực thể - biểu tượng “đồng tiền” thì hiển nhiên không thể có những biến thể vô cùng phong phú của biểu tượng này trong văn chương, đặc biệt, các tác phẩm văn học tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực như Tấn trò đời của H. de Banzắc.     

2.     Tương tác biểu tượng trong ngôn ngữ nghệ thuật

Vận dụng quan điểm của H. Blumer có thể tìm hiểu vấn đề tương tác biểu tượng - điều kiện quan trọng làm hiện thực hóa và nảy sinh các nghĩa mới của biểu tượng văn hóa, biểu tượng nghệ thuật và biểu tượng ngôn từ ở các phạm vi sau: tương tác biểu tượng ở bình diện văn hóa, tương tác biểu tượng ở bình diện loại hình, tương tác biểu tượng trong quan hệ liên văn bản, tương tác biểu tượng trong quan hệ nội văn bản. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ vận dụng các kiểu quan hệ chủ yếu đã được đề cập đến trong lý thuyết tương tác biểu tượng để giải mã các biến thể ý nghĩa của biểu tượng ngôn từ trong phạm vi nội văn bản và phối hợp thao tác so sánh, đối chiếu liên văn bản để làm rõ hơn những mối quan hệ về nghĩa.

2.1.Tương tác với các nhân tố của ngữ cảnh

Trong phạm vi văn bản nghệ thuật, tương tác giữa chủ thể và biểu tượng, giữa các biểu tượng với nhau và với toàn bộ ngữ cảnh của nó đều phải được hiện thực hóa qua các biến thể trên ngữ đoạn, các kiểu quan hệ tuyến tính của ngôn từ: quan hệ bổ sung (kết cấu chủ vị, chính phụ), quan hệ tương phản (quan hệ giữa các yếu tố trái ngược, đối lập về ý nghĩa, giá trị), quan hệ đẳng cấu (quan hệ giữa các yếu tố tương đồng về ý nghĩa, giá trị). Chẳng hạn, “trang phục”, trước hết là một bộ mã văn hóa, chuyển hóa vào phạm vi ngôn ngữ thơ ca Việt Nam, các ý nghĩa và giá trị của bộ mã này không chỉ được hiện thực hóa, kế thừa mà còn biến đổi rõ rệt trong quá trình tương tác với các nhân tố của ngữ cảnh nghệ thuật. Khảo sát các bài ca dao và tác phẩm thơ có sử dụng các từ ngữ biểu đạt trang phục với ý nghĩa biểu trưng rõ rệt, có thể nhận thấy các yếu tố sau đây tương tác linh hoạt với nhau, tạo thành một bộ mã điển hình biểu đạt các ý nghĩa biểu trưng phong phú: 1. Con người (chủ thể): anh, em, ta, mình, chàng, thiếp…; 2.Vật thểáo, yếm, khăn, nón, vòng, xuyến…3. Hành vi: trao, tặng, may, đan, đội, đắp, cởi…4. Không gian, thời gian:đêm, bóng xế, cầu, vườn hồng, phòng loan… Sự thay thế của các biến thể lựa chọn trên trục kết hợp trong từng vị trí của bộ mã này sẽ tạo ra những biến thể ý nghĩa trong ngữ cảnh nhất định. Trong đó, có thể thấy yếu tố “hành vi” có một vai trò quyết định đối với quá trình biến đổi nghĩa của bộ mã. Chẳng  hạn, hành vi “trao tặng trang phục” trong đời sống xã hội có thể có nhiều hướng nghĩa biểu trưng khác nhau, nhưng chuyển hóa vào phạm vi ngôn ngữ thơ ca Việt Nam, các yếu tố biểu đạt hành vi “trao tặng trang phục” trở thành một mã điển hình mà hướng biểu trưng quan trọng nhất của nó là thay thế cho sự “trao tặng thân thể” trong mối quan hệ lứa đôi (trao duyên, trao tình): Yêu nhau cởi áo trao nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay (Ca dao); Được lời như cởi tấm lòng/ Giở kim thoa với khăn hồng trao tay (Nguyễn Du, Truyện Kiều); Tất cả mùa đông đan áo len/ Cho người, cho tất cả người quen/ Còn tôi người lạ, tôi người lạ/ Có cũng nên mà không cũng nên (Nguyễn Bính)… Chuyển từ hành vi “trao tặng trang phục” sang hành vi “đắp/mặc…trang phục của người tình”, sự biểu đạt bằng ngôn từ cho ta thấy rõ những biến đổi ý nghĩa tinh tế của bộ mã này: ý nguyện “trao tặng thân thể” đã chuyển hóa thành ước muốn  “chung đụng” (theo cách nói của ngôn ngữ dân gian), và những yếu tố biểu đạt điều này cũng có thể xem như một mã trung gian đưa dẫn tới niềm khao khát hòa nhập của hai con người - hai thực thể muốn vượt thoát khỏi những giới hạn của chính nó trong cả thân xác và tâm hồn: Đêm qua nằm ngủ sập vàng/ Trông xuống sập bạc thấy chàng nằm không/ Vội vàng cởi áo đắp chung/ Tỉnh ra em vẫn nằm không một mình; Đêm qua đêm lạnh đêm lùng/ Đêm đắp áo ngắn đêm chung áo dài; Chàng về cho chóng mà ra/ Để em chờ đợi sương sa lạnh lùng/ Cơn lạnh còn có cơn nồng/ Cơn đắp áo ngắn cơn chung áo dài/ Bây giờ chàng đã nghe ai/ Áo ngắn chẳng đắp, áo dài không chung (Ca dao); Ngoài ấy thời còn áo lẻ/ Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng (Nguyễn Trãi)… Cũng xét trong mối quan hệ tương tác của toàn bộ các yếu tố trong bộ mã của hệ biểu tượng “trang phục” trong ngôn ngữ thơ ca, có thể nhận thấy: hành vi “cởi bỏ trang phục” có nhiều biến thể ý nghĩa phức tạp trong các ngữ cảnh khác nhau. Trong thơ Thiền, hành vi “cởi bỏ đôi dép” (một chi tiết của trang phục) biểu đạt khoảnh khắc thoát tục, giã từ thế gian:

                        Lâm loan bạch thủ độn kinh thành

                        Phất tu cao sơn viễn cánh hinh:

                        Kỷ nguyên tịnh cân xu trượng tịch

                        Hốt văn di lý yểm thiền quynh

                                           (Đoàn Văn Khâm, Vãn Quảng Trí thiền sư)

     Dịch nghĩa:

              Xa lánh kinh thành vào nơi rừng núi cho đến bạc đầu

              Phất tay áo trên núi càng xa càng ngát hương thơm

              Đã mấy lần tôi muốn chít khăn tu hành đến chầu bên miếu

              Thế mà nay bỗng nghe sư trút dép để lại cửa chùa từ nay đóng kín

Trong ngữ cảnh này, hai chữ “di lý” (trút dép để lại) biểu đạt ý nghĩa: sự qua đời của nhà sư, sự giã từ thế gian và cũng là khởi đầu một hành trình vào thế giới khác.

Trong ca dao, hành vi “cởi bỏ trang phục” có sự tương tác mạnh với các yếu tố: áo, yếm, khăn, nón… và ý nghĩa của bộ mã này lại phân hóa sang những hướng khác. Cũng trong những ngữ cảnh này, có thể nhận diện mối quan hệ tương phản giữa “trang phục” và “lõa thể” như hai cực đối lập nhưng ở mỗi cực lại phát sinh ra những ý nghĩa rất phức tạp. Xét ở bình diện xã hội học và tâm lý học, mặc cảm tiêu cực về sự trần truồng, lõa thể trong đời sống của con người có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, mà một trong những nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là: bản năng tự vệ thúc đẩy con người phải đặt ra một giới hạn, một rào cản với môi trường tự nhiên và xã hội quanh mình. Trang phục, dù mỏng manh, đơn sơ như chiếc khố, chiếc yếm hay kiên cố, cồng kềnh như áo giáp, áo bào đều có chức năng giúp con người chống trả lại sự xâm hại của ngoại cảnh. Những vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến trang phục cũng như sự lõa thể chắc chắn xuất hiện muộn hơn. Khảo sát các ngữ cảnh điển hình, có thể nhận thấy, mối quan hệ giữa “trang phục” và “lõa thể” nảy sinh ba hướng  nghĩa điển hình: 1. Ý thức đẳng cấp, ý thức đạo đức; 2. Tôn vinh nữ tính; 3. Phóng thích cái tôi. J. Chevalier đã ghi nhận rằng trong văn hóa phương Tây, ý nghĩa biểu trưng của sự khỏa thân có thể phát triển theo hai hướng: “một hướng tới sự thanh khiến về thể chất, tinh thần và trí tuệ, hướng khác dẫn tới tính kiêu căng dâm đãng, khêu gợi, giải giáp tinh thần để phụng sự vật chất và nhục dục” [521]. Trong văn hóa Việt, những dấu vết còn lại trên ngôn ngữ cho thấy: ở thời kì đầu, trong truyện cổ, ca dao, tục ngữ, sự lõa thể gắn liền với mặc cảm về một thân phận thấp kém, nghèo khổ: chi tiết chiếc khố của Chử Đồng Tử là một ví dụ điển hình; những câu tục ngữ cũng biểu hiện nỗi ám ảnh về trang phục và sự lõa thể chủ yếu ở phương diện đẳng cập xã hội: Hơn nhau tấm áo manh quần/ Thả ra bóc trần ai cũng như aiNgười đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân. Trong ca dao, mặc cảm về thân phận nghèo khổ cũng biểu hiện bằng hình ảnh trang phục rách rưới, hở hang: Cả nhà có cái xống thâm/ Mẹ đi mẹ mặc con nằm tô hô; Chưa chồng yếm thắm đeo hoa/ Chồng rồi hai vú bỏ ra tày giành (Ca dao). Cùng với mặc cảm về sự cùng túng (gắn liền với sự lõa thể bất đắc dĩ như trên) là ý thức đạo đức - biểu hiện ở thái độ kì thị và giễu nhại đối với thân thể trần truồng hoặc hở hang của người phụ nữ: Xống thâm vắt ngọn cành hồng/ Loạn trôn từ thuở vắng chồng đến nay; Yêu em vì nỗi thật thà/ Có một bức váy cởi ra gối đầu(Ca dao). Những từ ngữ diễn tả sự trần truồng, hở hang của người phụ nữ trong ca dao thường biểu đạt sự sa đọa hoặc tha hóa của tính nữ thành tính dục thuần túy. Tuy nhiên, những ý nghĩa biểu trưng gắn với sự lõa thể trong các ngữ cảnh của thơ ca trung đại (Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du) và thơ ca hiện đại sau này (Bích Khê, Vũ Hoàng Chương, Chế Lan Viên, Nguyễn Quang Thiều…) có rất nhiều biến đổi. Có thể nói, quá trình tương tác không ngừng với các nhân tố của ngữ cảnh đã tạo ra vô số biến thể ý nghĩa của “trang phục” với tính chất là một trong những bộ mã không thể thiếu của văn hóa, nghệ thuật và ngôn ngữ văn chương.                       

2.2. Tương tác giữa các hệ biểu tượng

Những luận điểm của H. Blumer về tương tác biểu tượng không chỉ đề cập đến mối quan hệ giữa chủ thể và thực thể (biểu tượng) mà còn chỉ ra mối quan hệ giữa các biểu tượng, hệ biểu tượng như những lực tương hỗ quan trọng trong quá trình tạo nghĩa của chúng. Quan điểm của H. Blumer có nhiều điểm tương đồng với những nhận định của J. Chevalier về vấn đề tính đa chiều, khả năng thâm nhập giữa các biểu tượng, hệ biểu tượng trong thực tại: “Thay vì dựa vào nguyên lý bài trung, như logic khái niệm, hệ biểu tượng trái lại giả định một nguyên lý bao gồm cái thứ ba, nghĩa có tính bổ sung khả dĩ giữa cái tồn tại, một sự liên kết phổ biến, có thể nhận thấy trong thực tế cụ thể của mối liên hệ giữa hai tồn tại hay nhóm tồn tại, giữa những tồn tại nhiều hơn hai…” [3, XXVIII]. Những mối quan hệ mang tính tất yếu trong thực tại (bao gồm cả thực tại vật chất và thực tại tinh thần) của các biểu tượng được hiện thực hóa trong ngôn ngữ nghệ thuật thông qua toàn bộ các biến thể kết hợp trên tuyến tính của văn bản (một cách tường minh hoặc hàm ẩn). Tuy nhiên, sự nhận diện những mối quan hệ theo chuỗi (tuyến tính liên tục và tường minh trong văn bản) hay theo mạng (tuyến tính cách quãng và có thể hàm ẩn trong văn bản) giúp chúng ta nắm bắt được những điểm mấu chốt nhất trong quan hệ tương tác, trong sự thâm nhập và chuyển hóa giữa các hệ biểu tượng. Chẳng hạn, trở lại với hệ biểu tượng “trang phục” trong ngôn ngữ thơ ca Việt Nam, khảo sát trên các văn bản theo trục lịch đại, có thể thấy mối quan hệ đa chiều giữa “trang phục” và các hệ biểu tượng sau:

- “Trang phục” và “Thân thể”: tương tác giữa các từ ngữ biểu đạt trang phục và các từ ngữ biểu đạt các bộ phận thân thể; các từ ngữ biểu đạt trang phục và biểu đạt sự lõa thể, trần truồng.

- “Trang phục” và “Màu sắc”: tương tác giữa các từ ngữ biểu đạt trang phục và các từ ngữ biểu đạt màu sắc.

- “Trang phục” và “Thiên nhiên”: tương tác giữa các từ ngữ biểu đạt trang phục và các từ ngữ biểu đạt thiên nhiên (không khí, gió, bão, ánh sáng, mặt trời, mặt trăng, mưa…).

Quan hệ tương tác giữa các hệ biểu tượng xuất phát từ chính những đặc điểm bản thể của các biểu tượng trong toàn bộ những mối liên hệ mật thiết của thế giới thực tại. Với đặc điểm bản thể: “che phủ thân thể con người”, hiển nhiên, “trang phục” có một mối liên quan về bản chất với hệ biểu tượng “thân thể”. Chính vì thế, trong các nền văn hóa, trong các tác phẩm nghệ thuật, luôn hình thành một mối tương quan có tính chất đối cực nhưng về thực chất lại là hai biến thể của mẫu gốc “thân thể con người”: “trang phục” và “không trang phục” (khỏa thân, trần truồng): “Quần áo là một biểu tượng bên ngoài của hoạt động tinh thần, là hình thức hữu hình của con người nội tâm… Là đặc thù của con người, vì không có con vật nào khác biết mặc, y phục là một trong những dấu hiệu đầu tiên của ý thức về sự trần truồng, của ý thức về bản thân, của ý thức đạo đức” [3, 1033 - 1036]. Lévi - Strauss, trong những công trình nghiên cứu theo khuynh hướng nhân loại học cấu trúc cũng kết luận rằng y phục (giày, quần áo…) luôn là trung gian giữa tự nhiên hoang dã (bản năng) và những giá trị tinh thần tốt đẹp (nhân tính, văn hóa) [5, 20]. Chính vì thế, mỗi chi tiết của trang phục đều tương ứng với những bộ phận của thân thể, gợi ra ý nghĩa biểu trưng trong đời sống của con người ở cả hai chiều (tự nhiên và văn hóa): mũ/nón/khăn… - đầu/cổ/vai…; áo/quần áo - thân mình; vòng/nhẫn/xuyến - cổ/tay; giày/dép/hài/ hia… - chân; khuyên/hoa/nụ - tai; yếm - ngực/vú; thắt lưng/dây lưng - eo/bụng… Cách ứng xử trong mối tương quan giữa “trang phục” và “thân thể” trong đời sống thường nhật cũng như trong nghệ thuật, thơ ca luôn hàm chứa trong nó những tầng nghĩa biểu trưng phong phú. Trong thơ Mới, cùng với sự thay đổi của cái tôi và mỹ cảm thời đại, sự lõa thể được tung hô một cách công khai, trang phục được rũ bỏ trong nhiều trường hợp không chút e dè, Bích Khê đã trình làng một bức Trang lõa thể với đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc, vài chút trăng say đọng ở làn môi, làn da tuyết điểm và cả hai vú…một dòng sâm ngọt lộng với hai tay rơi chén ngọc lưu ly, hai chân nở một màu sen ẻo lả… Tóm lại là cả một tấm thân kiều diễm, một tòa thiên nhiên động mà vẻ đẹp của nó tự nó đã là sự phủ nhận với mọi thứ trang sức, trang phục. Cũng Bích Khê, trong bài Mộng lạ đã táo tợn cho cả đoàn tiên lột khỏa thân và tung hô xác thịt chiếm ngôi thần. Cùng với Bích Khê, Chế Lan Viên sau khi để xiêm lên mây rồi nhẹ bước cũng trần truồng nằm trên điện ngọc, tay điên cuồng vơ níu áo muôn tiên, rồi “tuyên ngôn” với thời đại của mình: Ta cởi truồng ra! Ta cởi truồng ra; Ai cởi giùm ta? Ai lột giùm ta? [8, 818]. Hành vi từ chối mọi thứ trang phục của các nhà thơ Việt Nam đầu thế kỷ XX là một cách để phóng thích cái tôi bị cầm tù quá lâu trong thứ trang phục đạo đức và đẳng cấp rườm rà của thời kỳ trung đại. Nó là hệ quả tất yếu của những luồng gió tư tưởng từ văn hóa phương Tây: cởi bỏ trang phục, khỏa thân là hướng tới sự tự do trong tinh thần. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, hệ biểu tượng này, như chúng tôi đã đề cập tới, tiềm ẩn trong nó cả hai chiều ý nghĩa: sự chân thực thuần khiết trong tinh thần (nếu nó đủ mạnh và tràn đầy nội lực) khi từ bỏ trang phục, phá bỏ mọi rào cản giữa con người và thế giới… và… chiều ngược lại: sự kiêu căng, giải giáp tinh thần, dẫn con người đến sự tha hóa, nổi loạn, bành trướng của bản năng hoặc sự hư vô, trống rỗng. Chỉ trong những ngữ cảnh cụ thể, khi có sự tương tác trực tiếp hoặc gián tiếp giữa các biểu tượng, hệ biểu tượng được mã hóa thông qua ngôn từ trong văn bản, chúng ta mới có thể “đọc” ra được những ý nghĩa này. 

3. Kết luận

Từ những luận điểm của H. Blumer về vấn đề tương tác biểu tượng trên bình diện xã hội, tâm lý, có thể nhận thấy một nguyên lý quan trọng trong việc tìm hiểu ý nghĩa và giá trị của biểu tượng, hệ biểu tượng trong nghệ thuật nói chung, nghệ thuật ngôn từ nói riêng: biểu tượng luôn phải được tìm hiểu trong những mối quan hệ, trong những ngữ cảnh cụ thể, gắn với những chủ thể tinh thần nhất định. Ý nghĩa của các biểu tượng, hệ biểu tượng không phải là một mẫu chung sẵn có mà luôn là những biến số nảy sinh trong quá trình tương tác với hàng loạt yếu tố khác. Sự gặp nhau giữa các giá trị và ý nghĩa tạo nên những vùng hội tụ, giao thoa về nghĩa chứ không phải sự diễn dịch từ một ý nghĩa sẵn có. Quá trình tương tác biểu tượng đã tạo nên sự sống của các biểu tượng. Không có sự tương tác ấy, một biểu tượng sẽ trở thành một khuôn mẫu đông cứng hay một mã chết, một thứ “tử ngữ”. Mỗi người nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ ngôn từ, khi sử dụng ngôn ngữ như một mã sẵn có, đã phải tìm cách tạo ra những lực tương hỗ mới, những quá trình tương tác mới để có thể “bơi” và “sống” được “trong dòng sông của Heraclitus”, để thốt lên được một tiếng nói của riêng mình trong thế giới của các mã, các tín hiệu đã được dùng đi dùng lại không biết bao nhiêu lần, nói như W. Symboska:  

                        Trong dòng sông của Heraclitus

                        tôi con cá lẻ đơn, tôi con cá khác biệt

                        (dẫu chỉ khác với cá cây hay cá đá)

                        Đôi khi tôi viết về những con cá nhỏ

                        với lớp vảy bạc ánh lên nhau đến nỗi người ta cứ ngỡ

                        phải chăng là bóng đêm đang bối rối chớp mi?

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. R. Barthes (2002), “Cơ sở của ký hiệu học”, Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb. Văn học, H.

2. R. Barthes (2000), “Sự tưởng tượng của ký hiệu”, Văn học nước ngoài, (1), tr. 168 - 172.

3. J. Chevalier, Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng - Trường viết văn Nguyễn Du.

4. S. Freud, C.G. Jung, G. Bachelard, G. Tucci, V. Dundes (2000), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Nxb. Văn hóa thông tin, H.

5. Nguyễn Thị Ngân Hoa (2005), Sự phát triển ý nghĩa của hệ biểu tượng trang phục trong ngôn ngữ thơ ca Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện Ngôn ngữ học - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

6. Herbert Blumer (1969). Symbolic Interactionism: Perspective and Method. New Jersey: Prentice-Hall.

7. Tz. Todorov, O. Ducrot (1998), Encyclopedic Dictionary of the Science of Language. Oxford: Blackwell.

8. Thơ Mới 1932 – 1945, Tác giả và tác phẩm, H. 1999.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020