Ngôn ngữ

Phương thức định tính và phương thức đồng nhất trong sự tình quan hệ thâm nhập


14-10-2020

TS  Lê Thị Lan Anh

1. Như đã biết, hiện nay trong ngôn ngữ học, người ta không chỉ chú ý tới mặt cấu trúc mà còn quan tâm thích đáng tới mặt nghĩa miêu tả của câu. Ở mặt nghĩa, thành tố nghĩa miêu tả của câu (nghĩa phản ánh một sự vật được nói đến trong câu) được quan tâm trước hết.Về cảm quan, các sự tình này là một khối nhưng khi diễn đạt nó bằng lời, ta có thể phân tích nó thành một mô hình nghĩa (semantic configurtion) gồm: nội dung của sự tình và các thực thể tham gia vào sự tình đó. Nội dung của sự tình có thể là một đặc trưng hay quan hệ có tính động hoặc tính tĩnh làm thành cái lõi của sự tình. Còn các thực thể tham gia vào sự t́nh với một chức năng nghĩa nhất định được gọi là các vai nghĩa. Các vai nghĩa thường được phân biệt thành hai loại là: tham thể (là những chức năng nghĩa liên quan trực tiếp đến sự tình) và cảnh huống (những chức năng nghĩa phụ trợ, tùy thuộc nó bổ sung vào sự tình các yếu tố thuộc về hoàn cảnh và tình huống). Đặc trưng/ quan hệ cùng các vai nghĩa (chủ yếu là các tham thể) sẽ tạo nên cấu trúc riêng cho mỗi loại sự tình cụ thể và giúp chúng ta dễ dàng phân biệt sự tình này với sự tình khác.

 

Bài này xem xét loại sự tình quan hệ thâm nhập ở hai phương thức: định tính và đồng nhất.

 

2. Là một sự liên quan, một mối quan hệ nào đó (có thể là một sự so sánh, một sự tiếp xúc, một sự tương hỗ…) giữa hai hay nhiều thực thể, các sự tình quan hệ có thể được phân biệt với nhau cả ở phương diện kiểu quan hệ, cả ở phương diện phương thức (hay cách thức) quan hệ. Đồng nhất và định tính (hay thuộc tính, quy gán) chính là hai phương thức quan hệ đã được M. Halliday phát hiện khi tìm hiểu các sự tình quan hệ (quá trình quan hệ – theo cách gọi của Halliday) trong tiếng Anh. Trong quá trình nghiên cứu về sự tình quan hệ tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy cũng có thể phân biệt các sự tình quan hệ dựa trên hai phương thức này. Sự phân biệt này đặc biệt điển hình ở kiểu sự tình quan hệ thâm nhập là kiểu quan hệ đi sâu vào tìm hiểu đặc điểm, thuộc tính của vật, hiện tượng được xem xét mà Halliday đã mô hình hóa bằng công thức x is a (x là a). Kết quả khảo sát trên ngữ liệu tiếng Việt cho thấy, sự tình quan hệ thâm nhập định tính và sự tình quan hệ thâm nhâp đồng nhất được phân biệt với nhau ở những điểm sau:

 

2.1 Về tương quan ngữ nghĩa giữa hai tham thể của sự tình quan hệ thâm nhập đồng nhất và sự tình quan hệ thâm nhập định tính.

 

Như chúng ta đã biết, là một sự liên quan, một mối quan hệ nào đó giữa các thực thể, sự tình quan hệ nhất thiết phải có hai tham thể quan hệ. Sở dĩ chúng tôi gọi là tham thể quan hệ vì thực tế cho thấy đây là các tham thể mà chức năng nghĩa của chúng một mặt chịu sự tác động của quan hệ nhưng mặt khác lại được xác định trong sự tương tác lẫn nhau, quy định lẫn nhau. Cụ thể là trong một mối quan hệ nhất định, chúng ta sẽ tìm thấy tương quan ngữ nghĩa riờng biợ̀t đặc trưng cho loại sự t́nh quan hệ đó. Đây chính là cơ sở để chúng tôi phân biệt tương quan ngữ nghĩa của hai tham thể quan hệ trong các sự tình quan hệ thâm nhập được tổ chức theo phương thức định tính và đồng nhất. Xét các thí dụ sau đây:

 

(1) Nguyễn Hiền  một cậu bé nhà nghèo.(Hà Ân, Ông trạng thả diều)

 

            (2) Theo việc chấm của các quanngười đỗ đầu sẽ  Mạc Đĩnh Chi. (Hà Ân, Chuyện về người thầy)

 

            Quan sát kỹ hai thí dụ trên, chúng ta thấy tương quan ngữ nghĩa giữa hai tham thể (là những từ ngữ được in đứng trong các thí dụ trên) hoàn toàn không giống nhau. Ở thí dụ (1) tương quan ngữ nghĩa giữa hai tham thể là tương quan “a là một thuộc tính nào đó của x” trong đó x là một tham thể mang thuộc tính được gọi là đương thể còn a là tham thể chỉ ra thuộc tính vốn là của một lớp, một loại nhưng được quy gán cho x được gọi là thuộc tính thể. Ở thí dụ (1) Nguyễn Hiền là đương thể, đương thể này thuộc lớp các cậu bé nhà nghèo. Cho nên, ngoài Nguyễn Hiền, thuộc tính đó còn có thể quy gán cho các thực thể khác trong vai trò của đương thể. Do vậy, thuộc tính thể thường không có khả năng nhận dạng/ xác định đương thể. Loại sự tình quan hệ thâm nhập có tương quan ngữ nghĩa như vậy giữa hai tham thể được gọi là sự tình quan hệ thâm nhập định tính. Với tương quan ngữ nghĩa này, việc ḍ t́m sự t́nh quan hệ thâm nhập định tính chỉ có thể dựa trên câu hỏi: Ai (cái gì) thế nào? trong đó ai (cái gì) dò tìm đương thể, còn thế nào dò tìm thuộc tính thể.

 

            Khác với sự tình quan hệ thâm nhập định tính, tương quan ngữ nghĩa giữa hai tham thể quan hệ được tổ chức như ở thí dụ (2) chỉ xuất hiện trong các sự tình quan hệ thâm nhập đồng nhất. Trong thí dụ này, chúng ta thấy có một thực thể trong vai trò của tham thể được đưa ra để xác định (nhận dạng) và một tham thể được dùng để xác định (nhận dạng) thực thể kia. Nhìn vào thí dụ (2) chúng ta thấy người đỗ đầu là thực thể được đưa ra để xác định/ nhận dạng còn Mạc Đĩnh Chi chính là thực thể dùng để xác định/ nhận dạng cho người đỗ đầu. Tham thể được đưa ra để xác định (nhận dạng) được gọi là bị đồng nhất thể (identified), còn tham thể được dùng để nhận diện thực thể kia gọi là đồng nhất thể (indentifier). Gỉa sử dùng x để ký hiệu bị đồng nhất thể, dùng a để ký hiệu cho đồng nhất thể thì tương quan ngữ nghĩa giữa bị đồng nhất thể và đồng nhất thể có thể mô hình hóa như sau: “x đồng nhất với a”. Điều đó có nghĩa, trong phương thức đồng nhất, quan hợ̀ giữa đồng nhất thể và bị đồng nhất thể là quan hệ “xác định/ nhận dạng”, khác với quan hệ nêu thuộc tính của thuộc tính thể đối với đương thể. Do đó, khi dò tìm sự tình quan hệ thâm nhập đồng nhất, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Ai (cái gì, cái nào) là ai (cái gì, cái nào)?

 

            2.2. Không chỉ phân biệt với nhau bởi tương quan ngữ nghĩa giữa hai tham thể, sự tình quan hệ thâm nhập đồng nhất và sự tình quan hệ thâm nhập định tính còn được phân biệt với nhau bởi tính xác định của đồng nhất thể và tính không xác định của thuộc tính thể.

 

            Như đã trình bày, tương quan ngữ nghĩa của hai tham thể trong sự tình quan hệ đồng nhất là tương quan giữa một tham thể được đưa ra để xác định (nhận dạng) và một tham thể được dùng để xác định (nhận dạng) tham thể kia. Nói cách khác, sự tình quan hệ đồng nhất là kết quả của việc thực hiện một hành vi chiếu vật của người nói nhằm giúp cho người nghe nhận biết được sự vật, sự kiện, hoặc nói chung là cái thực thể mà anh ta đang nói đến. Như vậy là, nếu nhìn ở góc độ chiếu vật thì bị đồng nhất thể sẽ là sự vọ̃t được quy chiếu còn đồng nhất thể sẽ trở thành một biểu thức chiếu vật bởi vì như Searle đã viết “…bất cứ biểu thức nào được dùng để nhận biết một sự vật, một sự kiện, một quá trình, một hành động hoặc một cái gì đó có tính cá thể, riêng rẽ, được tôi gọi là biểu thức chiếu vật” (Dẫn theo Đỗ Hữu Châu, Cơ sở Ngữ dụng học, Tập 1). Lúc đó, đương nhiên là đồng nhất thể đã có tính xác định. Tính xác định của đồng nhất thể phải được hiểu theo nghĩa nó là duy nhất dùng để nhận diện thực thể trong vai trò của bị đồng nhất thể ở một điều kiện nói năng nhất định. Kết quả khảo sát trên ngữ liệu tiếng Việt cho thấy tính xác định của đồng nhất thể thường có những biểu hiện hình thức cụ thể như chúng thường được thể hiện hoặc bằng một danh từ riêng hoặc bằng một đại từ. Thí dụ:

 

            (3) Và hôm nay, trong kỳ thi này, đấu thủ của tôi lại là anh. (Lưu Quỳnh Nghiệp, Tốc độ).

 

            Trong câu này, anh được dùng là một đại từ ngôi thứ ba.

 

            (4) Ông Thào đưa mắt nhìn tên biệt kích. Hóa ra nó là Vàng A Tủa, con Vàng Seo Tả.( Đặng Quang Tình, Trên vành chảo Điện Biên).

 

            Trường hợp đồng nhất thể là một cụm danh từ thì cụm danh từ ấy bao giờ cũng là sự tổ hợp của một danh từ chung (giữ vai trò trung tâm) cùng với các yếu tố hạn định hoặc miêu tả hết sức cụ thể nhằm tách sự vật cần nhận diện ra khỏi những đối tượng cùng loại vốn được gọi tên bằng danh từ chung. Nói cách khác, với những yếu tố hạn định, miêu tả tùy thuộc vào mục đích, nhiệm vụ giao tiếp nhất định, cụm danh từ đó sẽ trở thành biểu thức miêu tả xác định của sự vật trong vai trò của bị đồng nhất thể đồng thời cũng là điều kiện cần và đủ duy nhất để nhận diện bị đồng nhất thể. Tính xác định cụm danh từ trong chức năng đồng nhất thể thường được đánh dấu bằng sự xuất hiện (trong vai trò thành tố phụ sau) của các từ nhất, duy nhất, đầu tiên, độc nhất, cuối cùng… hay những từ ngữ hạn định cụ thể về thời gian, không gian cho sự vật được gọi tên ở danh từ chung, hoặc sự xuất hiện (trong vai trò thành tố phụ trước) của các quán từ một trong số hay một trong những. Thí dụ:

 

            (5) Nó là con trai độc nhất của chú tôi.(Dương Thu Hương, Thợ làm móng tay)

 

            (6)…Khối liên hợp đó là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản. (Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục).

 

            Cũng có khi cụm danh từ biểu hiện đồng nhất thể được đánh dấu cả ở trước và sau bởi những dấu hiệu trên. Thí dụ:

 

            (7) Đó là một trong những lý do chân thành nhất thổi bùng lên ham muốn “vượt biên” để hắn mạnh dạn hơn với sự ra đi. (Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục).

 

            Thực tế sử dụng ngôn ngữ cho thấy có những trường hợp đồng nhất thể được biểu hiện bằng một tính từ. Lúc đó, tính xác định của đồng nhất thể lại được thể hiện ở việc tính từ được dùng ở cấp so sánh cao nhất. Thí dụ:

 

            (8) Tốc độ này là cao nhất của máy.(Lưu Quỳnh Nghiệp, Tốc độ).

 

            Như vậy, tính xác định chính là đặc trưng của đồng nhất thể. Khác với đồng nhất thể, với chức năng nghĩa chỉ ra thuộc tính vốn là của một lớp, một loại nhưng được quy gán cho một thực thể nào đó trong vai trò của đương thể (thể mang thuộc tính), thuộc tính thể thường không có tính xác định. Không thể là danh từ riêng hay đại từ là biểu hiện đầu tiên của tính không xác định của thuộc tính thể. Mặt khác, khi thuộc tính thể được biểu hiện bằng cụm danh từ thì cụm danh từ đó thường cũng không có tính xác định. Cụ thể là nó thường được bắt đầu bằng từ một hay những hoặc không có những yếu tố miêu tả hạn định cụ thể để khẳng định thuộc tính đó là duy nhất của sự vật trong vai trò của đương thể. Thí dụ:

 

            (9) Không giấu gì anh, tôi vốn là một thiếu tá quân đội ngụy. (Tuyển tập Anh Đức, Tập 1)

 

            (10) Nước Nga chưa phải là một thiên đường cho tất cả mọi người, thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ em. (Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục)

 

            (11) Họ đều là những thanh niên nông thôn, công nhân, học sinh còn trẻ măng.(Lê Lựu, Người cầm súng)

 

            Tính không xác định của thuộc tính thể còn được khẳng định khi vai nghĩa này được cụ thể hóa bằng một tính từ không ở cấp so sánh cao nhất. Thí dụ:

 

(12) Điều đó chỉ tốt thôi, bác ạ, một việc làm có lợi như thế cần được cổ vũ và phổ biến là đúng. (Nhật Linh, Câu chuyện về một ông vua lốp)

 

2.3. Khả năng hiện thực hóa của sự tình quan hệ thâm nhập định tính và sự tình quan hệ thâm nhập đồng nhất trong câu

 

Như chúng ta đã biết, với ngôn ngữ học hiện đại, bình diện nghĩa và bình diện ngữ pháp có quan hệ khăng khít với nhau thể hiện ra ở mối quan hệ giữa cấu trúc nghĩa miêu tả (biểu hiện) với cấu trúc cú pháp của câu. Cụ thể là, các vai nghĩa tham gia vào sự tình cần diễn đạt giúp cho việc xác định mặt nghĩa của các chức năng cú pháp (các thành phần câu) khác nhau trong câu. Ngược lại, cấu trúc cú pháp chính là sự hình thức hóa cấu trúc nghĩa biểu hiện theo cách nhìn nhận của người nói trên cơ sở quy tắc ngữ pháp của một ngôn ngữ nhất định. Xuất phát từ mối quan hệ này mà chúng tôi tiến hành phân biệt sự tình quan hệ thâm nhập định tính với sự tình quan hệ thâm nhập đồng nhất khi chúng được ngữ pháp hóa thành câu.

 

Quá trình khảo sát cho thấy khi được hình thức hóa trong câu theo một trật tự tuyến tính, đương thể và thuộc tính thể chỉ được sắp xếp theo trật tự  sau (không thể có sự thay đổi vị trí) :

 

Mô hình: Đương thể (ĐT) - Quan hệ định tính (QH ĐT) – Thuộc tính thể (TTT).

 

Thí dụ:

 

(13) Ngày đó, nhà ông chỉ  một túp lều                                            

 

                        ĐT        QHĐT      TTT

 

                 ( Trần Hữu Thung, Kí ức đồng chiêm)

 

Đối với sự tình quan hệ thâm nhập đồng nhất thì có khác. Do đặc trưng ngữ nghĩa của các tham thể như đã trình bày ở trên, khi được ngữ pháp hóa trong câu, đồng nhất thể và bị đồng nhất thể có thể hoán đổi vị trí cho nhau một cách dễ dàng. Đồng thời với việc thay đổi vị trí giữa hai tham thể này là quá trình chuyển hóa chức năng nghĩa giữa chúng.

 

Thực tế cho thấy trong vai trò của thực thể được đưa ra để xác định (nhận diện), bị đồng nhất thể (BĐNT) thường là những sự việc, sự vật, những hiện tượng (nghĩa là những yếu tố thuộc về dấu hiệu bên ngoài) và thường đóng vai trò là chủ ngữ của câu. Trong khi đó, trong vai trò của thực thể dùng để xác định (nhận diện) bị đồng nhất thể, đồng nhất thể (ĐNT) thường là những nhận định, đánh giá, những lí giải giúp cho người đọc, người nghe nhận biết sâu hơn về bị đồng nhất thể và thường đóng vai trò là vị ngữ của câu. Thí dụ:

 

(14) Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của ho.                          BĐNT                                            ĐNT

 

                                                         (Hồ Chí Minh, về vấn đề giáo dục)

 

(15) Người thuyền phó ấy tức là anh Năm Trường, vốn đồng hương với tôi.

 

                      BĐNT                           ĐNT

 

                                                                (Bùi Đức Ái, Con cá song)

 

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, do sự chi phối của những yếu tố thuộc bình diện ngữ dụng mà đồng nhất thể và bị đồng nhất thể lại có sự hoán đổi vị trí cho nhau. Và như đã nói, đồng thời với việc thay đổi vị trí giữa hai tham thể này là quá trình chuyển hóa chức năng nghĩa giữa chúng. Thí dụ:

 

(16) Ta thích nó khen hợp tác xã à? Cái đó đúng rồi, nhưng chính là ta thích nó khen ta…Không, đấy vẫn chưa phải là cái chính. Cái chính là nó biết

 

                             BĐNT                             ĐNT         BĐNT

 

ta có những ý kiến chưa nhất trí với ban quản trị.

 

 

                                     ĐNT

 

                                                                                  (Giải nhất văn chương)

 

 

2.4 Sự xuất hiện của các vị tố quan hệ thuộc lớp đẳng thức trong câu quan hệ thâm nhập đồng nhất và các vị tố quan hệ thuộc lớp định tính trong câu quan hệ thâm nhập định tính.

 

Như chúng ta đã biết, vị tố là thành phần câu nêu đặc trưng hay quan hệ của sự tình được nói đến trong câu. Nó là yếu tố chính chi phối các tham thể trong vai trò chức năng cú pháp của câu. Do đó, khả năng xuất  hiện cùng loại vị tố nào trong câu cũng là cơ sở giúp ta phân biệt các loại sự tình khác nhau.

 

Quá trình khảo sát trên  thực tế tiếng Việt cho thấy, bị đồng nhất thể - đồng nhất thể trong sự tình quan hệ thâm nhập  đồng nhất thường có khả năng xuất hiện cùng các vị tố quan hệ thuộc lớp đẳng thức (khi được ngữ pháp hóa trong câu). Đó là những vị tố quan hệ mà bản thân nội dung ý nghĩa của chúng đã bao hàm nét nghĩa quan hệ đồng nhṍt. Là, tức là, nghĩa là, có nghĩa (có nghĩa là), đồng nghĩa, đóng vai, làm…là các vị tố quan hệ thuộc lớp đẳng thức thường có khả năng xuất hiện cùng bị đồng nhất thể và đồng nhất thể trong câu biểu thị sự tình quan hệ thâm nhập đồng nhất. Thí dụ:

 

(17) Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ  chủ nghĩa cá nhân. (Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục).

 

(18) Nói tóm tắt, minh đức tức là chính tâm. Thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. (Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục).

 

(19) Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không thẳng thắn, đứng đắn, tức là tà. (Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục).

 

 

            Khác với cặp bị đồng nhất thể và đồng nhất thể, cặp đương thể và thuộc tính thể thường chỉ có thể xuất hiện với các vị tố quan hệ thuộc lớp định tính (hay nêu thuộc tính). Đây là những vị tố quan hệ mà nội dung ý nghĩa của chúng chứa đựng nét nghĩa quan hệ giữa một yếu tố với thuộc tính của nó (thuộc tính về không gian, thời gian, về sở hữu, về phẩm chất…). Các vị tố này khi xuất hiện ở từng kiểu quan hệ khác nhau sẽ khác nhau cho dù chúng đều thuộc phương thức định tính. Trong câu biểu thị sự tình quan hệ thâm nhập định tính, chúng ta thường chỉ thấy xuất hiện các vị tố như: là, biểu hiện, biểu đạt, thể hiện, minh họa… Thí dụ:

 

            (20)  Cây nguyệt quế biểu hiện sự vinh quang.(Yêu thơ văn em tập viết).

 

            (21) Trong tâm thức của người Do Thái, người theo đạo Thiên Chúa, cây ô liu tượng trưng cho hòa bình .(Yêu thơ văn em tập viết).

 

            (22) Sài Gòn tức thành phố Hồ Chí Minh  một thành phố đầy nắng gió phương Nam với những chiều mưa hối hả.(Yêu thơ văn em tập viết).

 

            3. Như vậy, không chỉ khác biệt với nhau trên bình diện nghĩa, sự tình quan hệ thâm nhập được tổ chức theo phương thức định tính còn được phân biệt rõ với sự tình quan hệ thâm nhập được tổ chức theo phương thức đồng nhất trên bình diện ngữ pháp. Có thể tổng kết sự khác nhau của chúng bằng bảng sau:

 

 

 

Phương thức định tính

Phương thức đồng nhất

1. Tương quan ngữ nghĩa

 

- Đương thể – Thuộc tính thể

- a là thuộc tính của x.

- Câu hỏi: Ai (cái gì) thế nào?

 - Bị đồng nhất thể- Đồng nhất thể

- x đồng nhất với a

- Câu hỏi: Ai (cái gì) là ai (cái gì)

2. Tính xác định của vai nghĩa

Thuộc tính thể mang tính không xác định

Đồng nhất thể mang tính xác định

3. Sự hiện thực hóa theo trật tự tuyến tính

 Chỉ có một khả năng: Đương thể – Thuộc tính thể

Có khả năng chuyển hóa giữa đồng nhất thể và bị đồng nhất thể

4. Lơp vị tố

 Lớp định tính

Lớp đẳng thức

 

            Điều đó chứng tỏ, đồng nhất và định tính là hai phương thức quan hệ khác nhau. Đi vào sự tình quan hệ khác nhau, mỗi phương thức sẽ cho chúng ta một loại sự tình riêng với những đặc trưng ngữ nghĩa, ngữ pháp đặc thù của nó.

 

                  (Bài đăng Tạp chí Ngôn ngữ số tháng 2/2006, từ trang 56 – 62)                    

 

                                       TÀI LIỆU THAM KHẢO 

 

1.     Diệp Quang Ban, Ngữ pháp Việt Nam, Phần câu, Nxb ĐHSP, H., 2004.

 

2.     Đỗ Hữu Châu, Cơ sở ngữ dụng học, Tập 1, Nxb ĐHSP, H., 2003.

 

3.     Halliday, Dẫn luận Ngữ pháp chức năng(Bản dịch của Hoàng Văn Vân), Nxb ĐHQG, H.,2001.

 

4.     Hoàng Văn Vân, Ngữ pháp kinh nghiệm của cú tiếng Việt mô tả theo quan điểm chức năng hệ thống, Nxb KHXH, H., 2002.

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020